1.
mùa hè năm hai lẻ sáu,
chiều hôm đó có mưa. những hạt mưa tí tách lần lượt theo nhau rơi xuống mái nhà. tôi ngồi ngẩn ngơ trước hiên nhà cô thoan, một tay đưa ra hứng. mưa mùa hè ở quê tôi bao giờ cũng nặng hạt và dầm dề, giống như những gì tôi còn nhớ hồi bé. lúc ấy tôi toàn mong mưa đến nhanh nhanh một chút để hưởng thụ cái cảm giác khi mà những giọt nước mưa từ từ làm cả người tôi ướt sũng. tất nhiên là sau đó có bị ốm sốt gì thì tôi cũng bị, tuy nhiên điều đó thì tôi chẳng bận tâm lắm.
trái với tôi, thằng tuấn con cô thoan lại ghét mưa kinh khủng. ban nãy, khi thấy mưa, nó còn xịu xuống như bánh mì nhúng nước, nằm dài than thở ở trong nhà. thế mà đúng lúc mưa tạnh, nắng vừa lên, nó đã hớn hở đứng bên con xe đạp sơn xanh đang dựa vào góc tường - thứ mà nó vẫn tự hào gọi là "con chiến mã" đang dừng trước sân nhà, miệng í ới gọi tôi:
"anh thế anh đi không?"
"sao giờ này mà mày lại định đi chơi?" tôi uể oải đáp. "mày đi đâu?"
"thì xuống chợ chơi, anh!"
cái chợ mà thằng tuấn nói tức là chợ gồ chốn "tủ" của chúng tôi lúc bé. đến giờ tôi vẫn không rõ người làng tôi gọi chợ bằng cái tên đó từ khi nào, có khi nó đã xuất hiện từ hồi ông cố, bà cố của tôi, hoặc một khoảng thời gian còn phải lâu lâu nữa mà tôi chẳng biết. mẹ bảo tôi, người làng thượng quế tôi thích gọi chợ là chợ gồ vì đoạn đường từ xóm đi đến đó vừa dốc, mấp mô lại khó đi, nên họ thuận miệng gọi như thế.
thằng tuấn rủ tôi ra chợ gồ cũng vì một phần nó có cái tính ham chơi. dù trong túi nó hầu như chẳng có bao nhiêu tiền, đi vòng quanh đó để thăm thú thôi chứ cũng chẳng mua được gì. chỉ là lúc nào nó thấy vui thì nó sẽ đi ngay. nhiều lần tôi về thăm cũng thấy nó bị bố mẹ mắng cho tơi bời vì cái tội suốt ngày đi chơi mà không lo học, thế mà nó vẫn chứng nào tật nấy, không sửa được.
"đi thì đi." tôi gật gù. "cái chợ gần xịt mà sao mày phải lấy hẳn con xe đạp thế? đi bộ được mà."
"anh thích đi bộ thì anh cứ đi!" nó cười cười. "em đi xe cho tiện."
"thôi, đưa xe tao chở."
tôi nắm lấy ghi đông từ tay thằng tuấn, trèo lên yên xe. lúc đầu, tôi tưởng nó nhẹ hều, chẳng ăn thua gì với tôi. nhưng tôi lầm to. năm nay thằng tuấn trổ giò, nặng gần gấp đôi mấy năm trước, tôi chở nó đằng sau mà cứ ngỡ mình mang cả quả núi trên lưng. xe đạp không chạy nhanh như xe gắn máy mà đi cứ tà tà, phải cố lắm tôi mới bẻ tay lái tránh được mấy cái ổ gà giữa đường để đi đến chợ.
chợ gồ lúc này cũng bắt đầu vãn dần. một số chỗ cũng bắt đầu rục rịch cất tấm bạt, dẹp đi những sạp hàng thịt cá, rau củ từ hồi sáng. thằng tuấn mắt sáng lên, nhìn chăm chú hai bên đường. những người bán hàng bao giờ cũng nở nụ cười thật tươi, mời chào chúng tôi vào mua. đi chán chê, tôi với thằng tuấn đang định đèo nhau về thì bỗng nó đập đập vào vai tôi:
"anh thế anh dừng ở quán tạp hóa nhà thằng vũ trước kia một tí, em mua cái ê ke."
tôi nghe theo thằng tuấn, tiến đến chỗ tiệm tạp hóa ở góc chợ thì đã thấy thằng vũ đang ngáp ngắn ngáp dài suốt nãy giờ. thằng vũ năm nay học lớp chín, cùng lớp với thằng tuấn. nó gầy còm, cao lêu nghêu, có lẽ vì đi nắng với thằng tuấn nhiều nên da nó đen nhẻm. vũ tuy cũng ham chơi nhưng không đến nỗi quên học giống tuấn, nói chung vẫn là biết làm biết học. đôi khi tôi vẫn hay thấy thằng vũ thay ngồi trông hàng thay mẹ nó.
thằng thấy xe chúng tôi chạy tới thì hớn hở ra mặt:
"ơ tuấn! ra đây rủ anh em chơi bắn bi à?"
"mày bậy." thằng tuấn nhăn mặt. "cái ê ke bao tiền vậy, vũ? bán tao cái để về làm bài."
"năm ngàn."
"đây." thằng tuấn lấy trong túi ra tờ giấy bạc năm ngàn, đưa cho thằng vũ đang chìa tay ra. rồi thằng vũ lấy tờ năm ngàn thằng tuấn vừa đưa, bỏ vào cái hộp nhựa ngay dưới ghế, tiện với tay lấy cái ê ke trong tủ đưa lại cho thằng tuấn, cười tít mắt quay qua tôi:
"anh thế anh với thằng tuấn lần sau ghé qua ủng hộ nha!"
nhưng lúc này lời nói của thằng vũ chẳng lọt được vào tai tôi một tí ti gì. bỗng nhiên tôi chú ý tới một mái đầu cháy nắng lởm chởm cùng đôi mắt mở to đang lấp ló sau bức vách ố vàng của quán tạp hóa, len lén nhìn chúng tôi.
"này..." không kìm được sự tò mò, tôi hướng về phía bức vách mà gọi. nhưng chưa nói được nửa câu, mái đầu ấy đã vội té chạy, trông có vẻ sợ sệt lắm. tôi định hỏi xem đó là ai, nhưng chợt nhìn lại ra thằng vũ đang ngồi chễnh chệ như cái tượng ông thần thổ địa ngay trước mặt, tôi đâm ra ngượng, chẳng dám hỏi, mặt cứ nghệt ra một hồi.
thằng tuấn thấy tôi nán lại lâu la quá, liền huých vào vai tôi một cú:
"về đi anh."
"ờ, ờ... thôi, bọn tao về nha vũ! giờ cơm rồi, về nhanh nhanh kẻo mẹ thằng tuấn lại mắng cả hai đứa thì bỏ mẹ!"
...
nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ thấy bứt rứt mãi. cho đến khi ăn xong bữa cơm, tôi vẫn không quên được ánh mắt của cái người nấp sau bức vách đó. thế là tôi hỏi thằng tuấn - lúc này đang rửa đống bát đũa ở sau nhà:
"ê thằng vũ ấy, nó có anh chị em gì trong nhà không mày?"
"không anh, nó chỉ có em họ thôi." giọng thằng tuấn vọng ra. "cứ hè này là chúng nó hay sang nhà nhau chơi suốt."
"thế thằng bé đó tên gì?"
"à, thằng bảo, con thầy thái đấy."
tôi biết thầy thái. thầy là giáo viên chủ nhiện lớp tôi liền tù tì những năm cuối cấp một. dáng người thầy cao to, tóc lúc nào cũng chải lật ra sau, giọng thầy nghe khàn khàn, đặc sệt tiếng miền nam, tính cũng thoải mái với học sinh nên tôi rất mến thầy. thầy chỉ có cái tật là không thích dùng khăn lau bảng. mỗi lần viết sai, thầy toàn lấy tay xoá cho nhanh. vì thế, mỗi khi tôi đến gần thầy, tôi toàn thấy cả hai tay thầy đầy màu phấn trắng. học sinh trong trường dần dà cũng quen miệng gọi thầy là "thầy thái phấn".
nhưng thầy thái không phải là người ở quê tôi. trước thầy ở miền nam nhưng do sống không hợp liền chuyển ra đây đã được mấy năm. từ lúc đi học thầy, tôi cũng không thấy vợ con thầy bao giờ. đến hôm nay tôi mới biết cái đứa nhóc "em họ thằng vũ" đó là con của thầy.
tôi lại lân la dò hỏi thằng tuấn:
"mày thấy thằng nhóc đó sao?"
"nó hiền, nhưng ghê lắm!" thằng tuấn vừa nói vừa dựng vai lên, trông mặt nó lúc này như chỉ còn hàng lông mày với cái mũi. "ai mà động vào nó là nó nổi khùng liền. mấy hôm trước nó vừa đánh nhau với thằng ân, một đứa bầm mắt, một đứa chảy máu mũi ướt cả áo. nếu mà lúc đấy em không xin được bố mẹ chúng nó thì chắc cả hai nhử tử rồi."
"trẻ con đứa nào mà chẳng đánh nhau." tôi lắc đầu. "đến cả mày cũng thế thôi. hồi xưa mày toàn đi a dua với thằng vũ, đánh không lại người ta xong về nhà toàn bị đòn suốt."
lần này thì thằng tuấn chỉ hừ mũi, hậm hực cất nốt cái bát cuối cùng vào trong thau rồi lật đật mang vào bếp. trước lúc đi, nó còn đe tôi:
"anh cứ thử động vào thằng bảo rồi biết! anh đừng tưởng anh lớn mà nó sợ anh."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top