ẤN TƯỢNG SAI LẦM - SC - C1 - C10

TẶNG TARA

ictoria Wentworth ngồi một mình bên chiếc bàn nơi Công tước Wellington đã từng ngồi ăn tối với 16 sỹ quan chiến trường của ngài vào cái đêm trước ngày ngài lên đường tới Waterloo.

Tướng Harry Wentworth ngồi bên phải ngài Công tước Thép vào tối hôm đó, và được giao nhiệm vụ chỉ huy cánh trái trong cuộc đọ sức. Khi kẻ thất trận là Napoleon tháo chạy khỏi chiến địa để rơi vào một kiếp sống lưu đầy, nhà vua Anh quốc đã tỏ lòng biết ơn đối với viên tướng bằng cách phong ông làm Bá tước xứ Wentworth, một tước hiệu vốn là niềm tự hào của cả dòng họ này kể từ năm 1915.

Những ý nghĩ đó lướt qua đầu Victoria khi bà đọc lại bản báo cáo của Bác sỹ Petrescu, lần này là lần thứ hai. Khi đọc hết trang cuối cùng, bà thở phào nhẹ nhõm. Một giải pháp cho mọi vấn đề của bà đã được tìm ra, rất rõ ràng vào lúc mười một giờ đêm.

Cánh cửa phòng ăn mở ra và Andrews, quản gia, trước kia vốn là một người hầu, một người đã phục vụ qua ba thế hệ nhà Wentworth, bước vào và thu dọn thìa dĩa.

“Cảm ơn”, Victoria nói, và đợi cho đến khi ông ta đã bước ra tới cửa, bà mới nói tiếp, “và mọi thứ đã được thu xếp để chuyển bức tranh ấy đi rồi chứ?” Bà không muốn nhắc đến tên của tác giả bức tranh.

“Vâng, thưa Phu nhân”, Andrews quay lại nhìn bà chủ của mình rồi trả lời. “Bức tranh ấy sẽ được chuyển đi trước khi Phu nhân xuống dùng bữa sáng”.

“Và mọi thứ đã được chuẩn bị chu đáo để đón tiếp Bác sỹ Petrescu rồi chứ?”

“Vâng, thưa Phu nhân”, Andrews nói. “Theo hẹn, Bác sỹ Petrescu sẽ tới vào lúc gần trưa ngày thứ Tư, và tôi đã báo cho đầu bếp biết rằng bà ấy sẽ dùng bữa trưa cùng Phu nhân ở nhà kính”.

“Cảm ơn, Andrews”, Victoria nói. Viên quản gia cúi chào rồi nhẹ nhàng đóng chiếc cánh cửa sồi nặng nề sau lưng mình lại.

Khi Bác sỹ Petrescu tới Lâu đài Wentworth thì một trong những món đồ gia truyền quí giá nhất đang trên đường tới Mỹ, và dù kiệt tác ấy sẽ không bao giờ còn xuất hiện tại lâu đài này nữa, không ai ngoài những người thân thích có quan hệ huyết thống trực hệ với bà cần được biết về sự thật này.

Victoria gấp chiếc khăn ăn lại rồi đứng dậy và rời khỏi chiếc bàn. Bà cầm bản báo cáo của Bác sỹ Petrescu lên rồi rời khỏi phòng ăn và bước ra đại sảnh. Tiếng gót giày của bà vọng dọc theo hành lang lát đá hoa cương. Bà dừng lại tại chân cầu thang để ngắm bức tranh chân dung toàn thân khổ lớn của Catherine, Phu nhân Wentworth, do Gainsborough vẽ. Người phụ nữ trong tranh trông thật lộng lẫy. Bà ta mặc một chiếc váy dài bằng lụa, đeo một chuỗi hạt kim cương và những bông hoa tai bằng đá quý. Victoria sờ lên rái tai mình và mỉm cười trước ý nghĩ rằng kiểu ăn mặc như thế thời đó hẳn bị coi là quá khêu gợi.

Victoria nhìn thẳng về phía trước khi bà leo lên cầu thang để về phòng ngủ của mình trên tầng hai. Bà cảm thấy không đủ sức để nhìn thẳng vào mắt những vị tổ tiên của mình trong các bức chân dung sống động do các hoạ sỹ nổi tiếng như Romney, Lawrence, Reynolds, Lely và Kneller vẽ, vì bà hiểu rõ việc làm của mình là một hành động hạ nhục họ. Victoria thuyết phục mình rằng trước khi đi ngủ, bà phải viết thư cho em gái để báo cho bà ta biết về quyết định của bà.

Arabella quá thông thái và nhạy cảm. Giá mà người em sinh đôi thân yêu ấy của bà ra đời trước bà vài phút chứ không phải sau vài phút, bà ta chắc chắn đã trở thành người thừa kế của khu đất này, và chắc chắn đã biết giải quyết vấn đề một cách khôn khéo hơn nhiều. Và tệ hơn là, khi Arabella biết chuyện này, bà ta sẽ không trách cứ, cũng không la lối, bà ta chỉ mím chặt môi theo cái kiểu đã được thừa kế từ dòng họ.

Victoria đóng cửa phòng ngủ lại, đi qua căn phòng và đặt bản báo cáo của Bác sỹ Petrescu lên bàn làm việc. Bà tháo búi tóc, và để cho mái tóc xoã xuống vai. Bà dành vài phút để chải tóc, trước khi bà cởi bộ quần áo đang mặc trên người ra rồi khoác lên mình một chiếc váy ngủ bằng lụa mà chị hầu phòng đã đặt ở cuối giường. Cuối cùng, bà xỏ chân vào đôi dép lê đi trong nhà. Không thể lảng tránh việc này thêm nữa, bà ngồi xuống bên bàn và cầm chiếc bút máy lên.

LÂU ĐÀI WENTWORTH

Ngày 10 tháng Chín năm 2001

Arabella yêu quý của chị,

Chị đã trì hoãn việc viết bức thư này quá lâu, bởi chị muốn em sẽ là người cuối cùng phải đón nhận tin tức không lấy gì làm tốt đẹp này.

Khi người cha thân yêu của chúng ta qua đời và chị được thừa hưởng gia sản này, phải một thời gian sau chị mới nắm hết được những khoản nợ nần của cha. Chị e rằng chính sự non nớt của chị đã làm cho các vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Chị nghĩ giải pháp tốt nhất để giải quyết là phải đi vay thêm, nhưng chuyện đó càng làm cho mọi chuyện thêm xấu đi. Rồi đến một lúc chị sợ rằng vì sự ngây thơ của chị mà chúng ta có thể sẽ phải bán khu đất này. Nhưng chị vui mừng báo cho em biết là cho đến giờ thì một giải pháp đã được tìm ra.

Thứ Tư này, chị sẽ gặp.

Victoria nghĩ rằng mình nghe thấy tiếng cánh cửa căn phòng ngủ mở ra. Bà băn khoăn không hiểu sao lại có một người nào đó trong số những kẻ ăn người ở có thể bước vào phòng bà mà không gõ cửa.

Khi Victoria ngoảnh lại để xem đó là ai, người đó đã tiến tới sát bên bà.

Victoria ngước nhìn chằm chằm người phụ nữ mà bà chưa hề gặp này. Cô ta còn trẻ, mảnh mai và lùn hơn cả bà. Cô ta nở một nụ cười ngọt ngào khiến cô ta trông có vẻ dễ bị tổn thương. Victoria đáp trả lại cô ta cũng bằng một nụ cười, rồi bà nhận thấy cô ta đang cầm một con dao làm bếp trên tay phải.

“Ai” Victoria vừa lên tiếng thì một bàn tay vươn ra, túm chặt lấy tóc bà, kéo giật đầu bà ra sau ghế. Victoria cảm thấy cái lưỡi dao sắc lẹm như lưỡi dao lam đang chạm vào da cổ bà. Chỉ trong tích tắc, lưỡi dao đã cắt đứt cổ họng bà như thể bà là một con cừu đang bị giết thịt trong lò mổ.

Vài giây trước khi Victoria chết, kẻ sát nhân cứa đứt tai trái bà.

nna Petrescu bấm vào cái nút trên đỉnh chiếc đồng hồ để bàn. Mặt đồng hồ sáng lên hiện rõ con số 5:56. Chỉ còn 4 phút nữa là nó sẽ đánh thức cô dậy với tin tức buổi sáng. Nhưng hôm nay thì không. Đầu óc cô đã suy nghĩ mông lung suốt đêm, và cô chỉ ngủ chập chờn được một lát. Đến lúc phải thức dậy, Anna đã đi đến quyết định sẽ làm gì nếu vị chủ tịch công ty không nhất trí với những đề xuất của mình. Cô tắt chuông báo thức, tránh để cho bất kỳ tin tức nào có thể làm mình mất tập trung suy nghĩ, rồi cô nhảy ra khỏi giường và đi thẳng vào nhà tắm. Anna đứng dưới vòi nước lâu hơn thường lệ, hy vọng nước lạnh sẽ làm cô hoàn toàn tỉnh táo trở lại. Người yêu sau cùng của cô - chỉ có Chúa mới nhớ là cô đã chia tay anh ta khi nào - cho rằng việc cô thường tắm trước khi chạy tập thể dục là một chuyện thật tức cười.

Sau khi lau khô người, Anna mặc một chiếc áo phông màu trắng và một chiếc quần soóc thể thao màu xanh. Mặc dù ông mặt trời vẫn chưa mọc, chẳng cần phải kéo rèm phòng tắm lên, cô cũng biết rằng hôm nay sẽ lại là một ngày đẹp trời, nắng ấm. Cô kéo khoá chiếc áo thể thao, chiếc áo ấy vẫn còn một chữ P hiện lên mờ mờ ở những chữ thêu màu xanh đậm đã bị tháo ra. Anna không muốn cho nhiều người biết chuyện cô đã từng là một thành viên trong đội thi đấu điền kinh của trường đại học Pennsylvania. Suy cho cùng thì cũng đã chín năm rồi. Cuối cùng Anna xỏ chân vào đôi giày thể thao hiệu Nike và cúi xuống buộc chặt dây giày. Chẳng có gì làm cô khó chịu bằng việc phải dừng lại giữa đường chạy buổi sáng để buộc lại dây giày. Thứ duy nhất mà cô mang theo trong buổi chạy sáng hôm đó là chiếc chìa khoá cửa trước, được buộc vào một sợi dây bạc mỏng mà cô đeo trên cổ.

Anna khoá cửa trước của căn hộ bốn phòng của cô bằng hai lần khoá, bước qua hành lang và nhấn nốt thang máy. Trong khi chờ đợi cái buồng thang máy cằn nhằn đi lên tầng mười, cô bắt đầu một loạt các động tác khởi động bằng cách co duỗi chân tay; những động tác đó kết thúc khi chiếc thang máy xuống đến tầng trệt.

Anna bước ra ngoài sảnh và mỉm cười với người gác cổng mà cô rất quý. Ông già vội mở chiếc cửa trước để cô không phải dừng lại đẩy cánh cửa ra.

“Chào Sam”, cô vừa nói vừa đi nhanh ra khỏi toà nhà Thorton xuống phố East 54 và thẳng tiến tới công viên Central Park.

Vào tất cả các ngày trong tuần, cô đều chạy quanh đường chạy Southern Loop một vòng. Vào các ngày nghỉ cuối tuần, cô chạy lâu hơn một chút trên một đường chạy dài 6 dặm, khi chuyện muộn vài phút không gây ảnh hưởng gì. Hôm nay thì có.

Bryce Fenston hôm đó cũng thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, bởi vì ông ta cũng có một cuộc hẹn. Fenston vừa tắm vừa lắng nghe bản tin buổi sáng: một kẻ đánh bom liều chết đã cho nổ tung một quả bom trên mình tại khu Bờ Tây - một chuyện đã trở nên quen thuộc như bản tin thời tiết, hoặc như bản tin tài chính - không khiến ông ta phải tăng âm lượng.

“Một ngày đẹp trời, nắng ấm, gió đông nam nhẹ, nhiệt độ cao nhất 77, thấp nhất 65”, giọng cô gái đọc bản tin thời tiết cất lên khi Fenston bước ra khỏi phòng tắm. Tiếp theo là một giọng nghiêm trang cho ông ta biết chỉ số Nikkei ở Tokyo đã tăng mười bốn điểm, và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm một điểm. Chỉ số FTSE của London vẫn chưa xác định xu hướng. Ông ta nghĩ rằng cổ phiếu của công ty tài chính Fenston Finance không thể có biến động mạnh, bởi vì chỉ có hai người khác biết được về việc làm táo bạo này của ông ta. Fenston hẹn ăn sáng với một trong hai người đó vào lúc 7 giờ, và ông ta sẽ sa thải người kia vào lúc 8 giờ.

Đến 6:40, Fenston đã tắm và mặc quần áo xong. Ông ta liếc nhìn mình trong gương; giá mà ông ta cao thêm được hai insơ và gầy đi một chút. Chẳng có gì mà một thợ may giỏi và một đôi giày có đế trong do Cuba sản xuất lại không thể chỉnh sửa được. Ông ta cũng muốn tóc mình mọc lại, nhưng không phải vào lúc có quá nhiều người đồng hương lưu vong của ông ta ở đây, những người có thể vẫn còn nhận ra ông ta nếu ông ta để tóc.

Dù cha ông ta từng là một người lái xe điện ở Bucharest, bất cứ ai mới nhìn qua người đàn ông ăn mặc chỉnh tề vừa bước ra khỏi toà nhà bằng đá nâu trên phố East 79 và ngồi vào chiếc xe hơi sang trọng có tài xế riêng của mình đều sẽ nghĩ rằng ông ta sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu, giàu có và quyền quý. Chỉ những ai nhìn thật kỹ mới phát hiện thấy ông ta đeo một viên kim cương trên tai trái- một kiểu làm dáng màu mè mà ông ta cho rằng sẽ khiến mình nổi bật so với những đồng nghiệp bảo thủ của mình. Không ai trong số nhân viên của ông ta dám nói điều ngược lại.

Fenston ngồi vào ghế sau chiếc limousine. “Văn phòng”, ông ta ra lệnh cộc lốc trước khi ấn một chiếc nút trên chỗ để tay. Một tấm kính màu khói được nâng lên, ngăn cách ông ta với tài xế. Fenston cầm tờ Thời báo New York trên chiếc ghế bên cạnh lên xem. Ông ta giở nhanh qua các trang để xem có tít báo nào bắt mắt không. Thị trưởng Guiliani có vẻ đã thất bại trong âm mưu của mình. Bằng việc cài cắm vợ mình vào Gracie Mansion, ông ta đã đặt bà ta vào một vị trí quá thuận lợi để lên tiếng với bất kỳ những ai muốn lắng nghe. Lần này là với tờ Thời báo New York. Fenston đang mải mê với các trang tài chính khi tài xế cho xe chạy vào đường FDR Drive, và ông ta vừa giở đến trang cáo phó khi chiếc limousine dừng lại bên ngoài toà Tháp đôi New York. Sẽ không có ai đưa tin cáo phó về cái chết duy nhất mà ông ta quan tâm, nhưng, công bằng mà nói, chưa một ai ở nước Mỹ này biết về cái chết đó.

“Tôi có một cuộc hẹn tại Phố Wall vào lúc 8:30”, Fenston nói với người tài xế của mình khi anh ta mở cửa sau cho ông ta. “Vì vậy đón tôi vào lúc 8:30”. Người tài xế gật đầu, trong khi Fenston đã sải những bước dài về phía đại sảnh. Cho dù có tới 99 chiếc thang máy trong toà nhà này, chỉ có một chiếc duy nhất chạy thẳng lên nhà hàng trên tầng 107.

Khi Fenston bước ra khỏi thang máy một phút sau đó - ông ta đã từng nhẩm tính rằng khoảng thời gian ông ta phải đi thang máy trong cả đời mình cộng dồn lại sẽ là một tuần - chủ nhà hàng nhận ra vị khách quen thuộc liền cúi đầu chào và đưa ông ta tới một chiếc bàn trong góc nhìn ra Tượng thần Tự do. Có một lần, khi vừa bước ra khỏi thang máy và nhìn thấy chiếc bàn quen thuộc của mình đã có người ngồi, ông ta liền bước lùi trở lại trong thang máy. Từ đó, chiếc bàn ở góc ấy luôn chẳng có ai được ngồi, đề phòng ông ta bất ngờ xuất hiện.

Fenston chẳng hề ngạc nhiên khi thấy Karl Leapman đang đợi mình. Leapman chưa bao giờ chậm một phút trong suốt mười năm ông ta làm việc cho công ty Fenston Finance. Fenston băn khoăn không hiểu Leapman đã ngồi ở đó bao lâu, chỉ để đảm bảo rằng vị chủ tịch công ty không thể đến sớm hơn mình. Fenston nhìn xuống con người đã luôn cố chứng tỏ rằng vì ông chủ của mình, ông ta sẵn sàng nằm xuống mọi cống rãnh nếu cần. Nhưng Fenston là người duy nhất đem lại công ăn việc làm cho Leapman sau khi ông ta ra tù. Những luật sư bị khai trừ khỏi luật sư đoàn với một án tù chung thân vì tội lừa đảo thì rất khó có cơ hội được tin dùng.

Fenston bắt đầu nói, thậm chí trước khi ngồi xuống. “Bây giờ chúng ta đang tham dự đám rước của Van Gogh”, ông ta nói nhanh, “sáng nay chúng ta chỉ còn phải thảo luận một chuyện duy nhất. Làm thế nào để có thể thoát khỏi Anna Petrescu mà không khiến cô ta ngờ vực?”

Leapman mở một tập hồ sơ trước mặt mình và mỉm cười.

N

hững chuyện xảy ra sáng hôm ấy đều không có trong kế hoạch.

Andrews đã nói với đầu bếp rằng ông ta sẽ xuống lấy chiếc khay đựng đồ ăn sáng của Wentworth để bê lên cho bà chủ ngay sau khi bức tranh được chuyển đi. Đầu bếp bị đau đầu, vì vậy người giúp việc của bà ta, một cô gái không đáng được tin cậy cho lắm, được giao nhiệm vụ chuẩn bị bữa sáng cho bà chủ. Chiếc xe thùng chống cướp đến muộn 40 phút, và viên tài xế non choẹt không chịu cho xe chạy nếu không được mời cà phê và bánh quy. Đầu bếp sẽ không bao giờ chịu đựng được những chuyện vớ vẩn như vậy, nhưng người giúp việc của bà ta đã nhượng bộ. Nửa giờ sau, Andrews thấy hai người bọn họ đang ngồi tán gẫu với nhau bên bàn ăn trong bếp.

Điều duy nhất khiến Andrews cảm thấy nhẹ nhõm là bà chủ chưa thức dậy trước khi viên tài xế cho xe chạy. Ông ta kiểm tra khay thức ăn, gấp lại chiếc khăn ăn và ra khỏi bếp để đưa bữa sáng lên tầng hai cho bà chủ.

Andrews đỡ khay thức ăn trên một lòng bàn tay và gõ nhẹ lên cánh cửa trước khi mở nó ra bằng tay còn lại. Khi trông thấy bà chủ của mình nằm giữa một vũng máu đã đông lại trên sàn, ông ta há hốc miệng, rồi hét lên, đánh rơi chiếc khay và chạy đến bên cái xác.

Cho dù rõ ràng Phu nhân Victoria đã chết từ nhiều giờ trước đó, Andrews không muốn gọi điện báo cho cảnh sát trước khi người thừa kế tiếp theo của lâu đài Wentworth được thông báo về thảm kịch này. Ông ta nhanh chóng rời khỏi căn phòng, khoá cửa lại và lần đầu tiên chạy xuống cầu thang thay vì đi thong thả như mọi khi.

Arabella Wentworth đang phục vụ một vị khách khi Andrews gọi điện tới.

Bà đặt ống nghe xuống rồi xin lỗi vị khách, với lý do bà có việc gấp phải đi. Bà chuyển nốt báo hiệu Mở sang Đóng và khoá cửa tiệm đồ cổ nhỏ của mình lại, chỉ vài giây sau khi nghe thấy Andrews lắp bắp mấy từ khẩn cấp trong điện thoại, không theo cái cách nói năng quen thuộc của ông ta với bà trong suốt bao năm qua.

Mười lăm phút sau, Arabella đã đỗ chiếc xe mini của mình trên đám sỏi trước đại sảnh của lâu đài Wentworth. Andrews đang đứng trên bậc thềm cao nhất chờ bà.

“Tôi rất lấy làm tiếc, thưa bà chủ”, là tất cả những gì ông ta nói, trước khi dẫn chủ nhân mới của mình vào nhà và đi lên chiếc cầu thang bằng đá cẩm thạch. Khi thấy Andrews nắm chặt lan can để cố đứng cho vững, Arabella biết rằng chị mình đã chết.

Arabella thường băn khoăn tự hỏi không hiểu mình sẽ phản ứng như thế nào trong những trường hợp khủng hoảng. Bà cảm thấy dường như có phần yên tâm khi phát hiện ra rằng dù bà như muốn khuỵ xuống khi nhìn thấy xác chị mình, bà đã không bị ngất đi. Tuy nhiên, chuyện đó vẫn rất khủng khiếp và gây chấn động mạnh đối với bà. Bà đưa tay nắm lấy cột giường để khỏi bị ngã trước khi quay mặt đi.

Máu phun khắp nơi, từng vệt đông lại trên thảm, trên tường, bàn làm việc và thậm chí cả trần nhà. Bằng một nỗ lực phi thường, Arabella buông chiếc cọc giường ra và loạng choạng bước về phía chiếc máy điện thoại trên chiếc bàn ở đầu giường. Bà đổ sụp xuống giường, cầm ống nghe lên và quay số 999. Khi nghe câu trả lời “Khẩn cấp, dịch vụ nào?” bà trả lời, “Cảnh sát”.

Arabella đặt ống nghe xuống. Bà quyết tâm đi ra cửa mà không ngoảnh lại nhìn xác chị mình. Bà đã thất bại. Chỉ một cái liếc nhìn, và lần này ánh mắt bà bắt gặp bức thư trên bàn. Bức thư ấy bắt đầu bằng “Arabella yêu quý của chị”. Bà chộp lấy tờ giấy, và vì không muốn chia sẻ những suy nghĩ cuối cùng trong đời của chị gái với cảnh sát, bà nhét bức thư vào túi và loạng choạng bước ra khỏi phòng.

nna chạy chậm dọc theo phố East 54, qua Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, vượt Đại lộ 6 trước khi rẽ phải vào Đại lộ 7. Cô hoàn toàn không để ý đến những cái mốc quen thuộc như tác phẩm điêu khắc mang tên Tình yêu ngự trị ở góc phố East 55, hay toà nhà Carnegie khi cô vượt qua phố East 57. Phần lớn sự tập trung và sức lực của cô là để tránh va vào những người đi làm theo vé tháng khi họ đâm sầm vào cô hay cắt ngang đường cô bằng những bước chân vội vã. Đối với Anna, việc chạy chầm chậm tới công viên Central Park chỉ là bước khởi động để cho người ấm lên, và cô không khởi động chiếc đồng hồ bấm giờ trên cổ tay trái cho đến khi cô qua Artisan”s Gate và chạy vào trong công viên.

Khi đã ổn định tốc độ như mọi ngày, cô tập trung suy nghĩ vào cuộc hẹn với vị chủ tịch công ty vào lúc 8 giờ sáng hôm đó.

Anna đã từng cảm thấy ngạc nhiên và nhẹ nhõm khi Bryce Fenston mời cô về làm việc tại công ty Fenston Finance chỉ vài ngày sau khi cô bị sa thải khỏi vị trí Phó phòng Ấn tượng của nhà đấu giá Sotheby.

Người chủ trước của cô đã gần như nói thẳng với Anna rằng cô không còn đường tiến ở hãng nữa khi cô đã nhận về mình cái tội đánh mất một khách hàng quan trọng và để việc bán đấu giá một bộ sưu tập lớn lọt sang tay đối thủ cạnh tranh của họ là nhà đấu giá Christie. Anna đã bỏ ra hàng tháng để thuyết phục, tán tỉnh, phỉnh phờ người khách hàng đặc biệt này để ông ta nhờ nhà đấu giá Sotheby đưa ra bán hộ mình bộ sưu tập của gia đình, và khi chia sẻ chuyện này với người tình, cô đã ngây thơ tin rằng anh ta sẽ giữ bí mật cho mình. Suy cho cùng, anh ta là một luật sư.

Khi tên vị khách hàng kia xuất hiện trên tờ Thời báo New York, Anna mất cả công việc lẫn người tình. Cũng chẳng có ích gì khi vài ngày sau, lại chính tờ báo này đưa tin rằng Tiến sỹ Anna Petrescu đã rời hãng Sotheby vì bị “chơi bẩn”, và nói thêm rằng chắc chắn cô sẽ có một công việc tốt ở hãng Christie nếu cô muốn.

Bryce Fenston là người luôn có mặt tại tất cả các cuộc đấu giá lớn của phòng Ấn tượng, và chắc chắn là ông ta thấy rõ Anna luôn đứng trên chiếc bục cạnh người điều khiển đấu giá, ghi chép và làm công việc phát hiện người ra giá. Cô luôn bực mình khi nghe thấy ai đó bàn tán rằng sở dĩ cô được nhà đấu giá Sotheby thường xuyên đặt vào những vị trí nổi bật là vì cô xinh đẹp và có dáng thể thao chứ không phải vì cô được việc hơn người khác.

Anna nhìn đồng hồ khi khi cô chạy qua Playmates Arch: 2 phút 18 giây. Cô thường đặt ra mục tiêu kết thúc vòng chạy trong vòng 12 phút. Cô biết như thế là không nhanh, nhưng mỗi khi có ai đó vượt mình, cô vẫn cảm thấy bực, và thậm chí phát điên nếu đó là một phụ nữ. Anna về thứ 97 trong cuộc đua maratông ở New York hồi năm ngoái, vì vậy trên đường chạy ở công viên Central Park, ít có sinh vật hai chân nào có thể vượt được cô.

Những suy nghĩ của cô lúc này lại quay trở về với Bryce Fenston. Từ lâu trong giới nghệ thuật và ăn theo nghệ thuật - những nhà đầu giá, những phòng tranh và các nhà buôn - người ta đã biết rõ rằng Fenston đang sưu tầm tranh của các hoạ sỹ theo trường phái Ấn tượng. Ông ta, cùng với Steve Wynn, Leonard Lauder, Anne Dias và Takashi Nakamura thường là những người tranh mua sau cùng mỗi khi có một bức tranh nào đó của trường phái này được đem ra đấu giá. Với những nhà sưu tầm như vậy, thứ ban đầu chỉ là một sở thích vô hại sẽ nhanh chóng trở thành một chứng nghiện, ngày càng nặng giống như nghiện ma tuý. Với Fenston, người sở hữu những mẫu tranh của mọi hoạ sỹ thuộc trường phái Ấn tượng và hậu Ấn tượng trừ Van Gogh, thậm chí ý nghĩ về việc sẽ được sở hữu một tác phẩm của hoạ sỹ bậc thầy người Hà Lan này cũng giống như được tiêm một liều hêrôin, và một khi đã mua được tác phẩm mà mình đang khao khát, ông ta lại khao khát một tác phẩm mới, giống như một con nghiện dật dờ đi tìm kẻ cung cấp ma tuý để cắt cơn. Anna Petrescu là người có thể cắt cơn cho ông ta.

Khi Fenston đọc được trên tờ Thời báo New York rằng Anna bị sa thải khỏi nhà đấu giá Sotheby, ngay lập tức ông ta đề nghị cô về làm việc cho mình với một mức lương thể hiện mức độ nghiêm túc của ông ta trong công việc xây dựng bộ sưu tập của mình. Anna đi đến quyết định nhận lời mời của ông ta khi cô biết thêm rằng Fenston vốn là người gốc Rumania giống cô, và cũng giống như cô, đã chạy trốn khỏi chế độ Ceausescu và xin tị nạn tại Mỹ.

Chỉ vài ngày sau khi Anna về làm việc tại ngân hàng của ông ta, Fenston đã tìm cách thử thách kiến thức nhà nghề của cô. Phần lớn những câu hỏi mà ông ta đặt ra tại cuộc gặp đầu tiên của hai người trong bữa ăn trưa đều liên quan tới những bộ sưu tập lớn đang còn trong tay những gia đình thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba. Sau sáu năm làm việc tại Sotheby, hầu như không có bức tranh nào của các hoạ sỹ Ấn tượng được đem ra bán mà không qua tay Anna, hoặc ít nhất cũng phải qua mắt cô và nằm trong kho dữ liệu của cô.

Một trong những bài học đầu tiên mà Anna tiếp thu được sau khi vào làm cho Sotheby là tiền cũ thường là người bán và tiền mới thường là người mua, đó là lý do tại sao cô tiếp xúc với Phu nhân Victoria, con gái của Bá tước xứ Wentworth, đệ thất-tiền cũ, rất cũ-thay mặt cho Bryce Fenston-tiền mới, rất mới.

Anna cảm thấy ngạc nhiên trước việc Fenston luôn bị ám ảnh bởi những bộ sưu tập của người khác, cho đến khi cô phát hiện ra rằng chính sách của công ty là chấp nhận tài sản thế chấp bằng các tác phẩm nghệ thuật khi cho vay những khoản tiền lớn. Ít có ngân hàng nào chấp nhận “nghệ thuật”, dù là dưới hình thức nào, làm tài sản thế chấp. Bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, thậm chí nữ trang đều được, nhưng hiếm khi là nghệ thuật. Các chủ ngân hàng không hiểu gì về thị trường tranh và rất ngại nhận những tác phẩm nghệ thuật, vì việc cất giữ, bảo vệ và thường là phải đem bán những bức tranh ấy vừa tốn kém thời gian vừa không mang tính thực tế. Fenston Finance là một ngoại lệ hiếm hoi. Chẳng cần phải mất nhiều thời gian để Anna phát hiện ra rằng Fenston thực tế không có tình yêu đích thực dành cho nghệ thuật, và cũng không hiểu gì về nghệ thuật. Ông ta là hình mẫu để Oscar Wilde đưa ra câu cách ngôn: Người biết giá cả của mọi thứ là người chẳng biết giá trị của bất cứ thứ gì. Nhưng phải mất nhiều thời gian Anna mới khám phá ra mục tiêu đích thực của ông ta.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của cô là bắt tàu thuỷ sang Anh quốc để thẩm định giá trị gia sản của Phu nhân Victoria Wentworth, một khách hàng tiềm năng, người vừa xin vay một khoản tiền lớn từ công ty tài chính Fenston Finance. Bộ sưu tập tranh ở Lâu đài Wentworth hoá ra có rất nhiều tranh của các hoạ sỹ người Anh, bắt đầu được sưu tập từ đời Bá tước Wentworth đệ nhị. Ông ta là một nhà quý tộc lập dị rất giàu có, có khiếu nghệ thuật đủ để các thế hệ sau trong dòng họ này gọi ông ta là một hoạ sỹ nghiệp dư thiên tài. Trong đời mình, ông ta đã sưu tầm tranh của nhiều hoạ sỹ nổi tiếng như Romney, West, Constable, Stubb và Morland, cùng một tác phẩm kiệt xuất của Turner, bức Hoàng hôn ở Plymouth.

Bá tước đệ tam chẳng quan tâm gì tới nghệ thuật, và để cho bụi phủ kín bộ sưu tập cho đến khi con trai của ông ta, Bá tước đệ tứ, thừa kế gia tài và cùng gia tài ấy là con mắt nghệ thuật của ông mình.

Jamie Wentworth bỏ ra gần một năm để thực hiện một cái gọi là Chuyến đi Vĩ đại. Ông ta tới Paris, Amsterdam, Rome, Florence, Venice và St Petersburg trước khi quay trở lại Lâu đài Wentworth cùng với những bức tranh của Raphael, Tintoretto, Titian, Rubens, Holbein và Van Dyck, đấy là chưa kể đến một cô vợ người Ý. Tuy nhiên, Bá tước đệ ngũ, Charles Wentworth, mới là một tay chơi đích thực, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Ông ta không chỉ sưu tầm tranh mà còn sưu tầm cả gái. Trong một lần vui chơi ở Paris-chủ yếu là ở trường đua tại Longchamp, nhưng cũng có những lúc ở trên một chiếc giường tại khách sạn Crillon-cô bồ non của ông bá tước thuyết phục ông ta mua một bức tranh của một hoạ sỹ không tên tuổi tại chỗ ông bác sỹ của mình. Charles quay trở về Anh sau khi đã vứt bỏ cô nhân tình nhưng không quên bức tranh đó. Ông ta gần như lãng quên nó trong phòng ngủ dành cho khách, dù ngày nay những phần lớn những người yêu thích tranh đều đánh giá bức Chân dung người cụt tai là một trong những kiệt tác của Van Gogh.

Anna đã nói với Fenston là phải hết sức thận trọng khi mua một tác phẩm nào đó của Van Gogh, bởi vì chuyện gian lận trong nghề này còn nhiều hơn chuyện gian lận trong giới chủ nhà băng-một lối nói nhiều ẩn ý mà Fenston chẳng thèm quan tâm. Cô nói với ông ta rằng có rất nhiều tranh giả được treo ở các phòng trưng bày tư nhân hoặc trong các bộ sưu tập cá nhân, thậm chí ở cả một vài bảo tàng lớn, kể cả bảo tàng quốc gia Oslo. Tuy nhiên, sau khi Anna xem xét kỹ những tài liệu liên quan đến bức Chân dung của Van Gogh, trong đó có một bức thư của Tiến sỹ Gachet có nhắc đến Charles Wentworth, một tấm biên lai cho khoản tiền 800 phờrăng từ vụ mua bán ngày xưa, một giấy chứng thực của Louis van Tilborgh, người phụ trách phòng tranh ở Bảo tàng Van Gogh tại Amsterdam, cô cảm thấy đủ tự tin để nói với vị chủ tịch rằng bức tranh ấy đích thực là do bàn tay của vị hoạ sỹ thiên tài vẽ nên.

Với những người nghiện tranh Van Gogh, bức Chân dung người cụt tai là đỉnh cao mơ ước của họ. Dù bậc thầy hội hoạ này vẽ tới 35 bức chân dung trong suốt cuộc đời mình, chỉ có hai bức là được vẽ sau khi ông cắt tai trái của mình. Điều khiến các nhà sưu tập đều khao khát có được tác phẩm này là ở chỗ tác phẩm còn lại đang nằm ở Viện Courtauld ở London. Anna ngày càng lo lắng về mức độ nghiêm túc của Fenston trong việc giành bằng được bức tranh này.

Anna đã có 10 ngày vui vẻ ở Lâu đài Wentworth. Trong thời gian đó, cô lập danh mục và thẩm định giá trị của từng bức tranh trong bộ sưu tập. Khi quay trở lại New York, cô đã nói với ban giám đốc-chủ yếu gồm toàn bạn chí thân của Fenston hoặc các chính trị gia có quan hệ thân tình với ông ta-rằng bộ sưu tập đó thừa đủ để thế chấp cho một khoản vay trị giá 30 triệu đôla.

Cho dù Anna không quan tâm tới lý do tại sao Victoria Wentworth lại cần vay một khoản tiền lớn như vậy, cô thường nghe Victoria nói về nỗi đau buồn của mình trước cái chết yểu của người cha, sự từ chức của viên quản lý và nhiều chuyện khác. “Giá mà Arabella sinh trước mấy phút có phải là tốt hơn không…” là câu nói mà Anna nghe thấy nhiều nhất trong mười ngày cô sống ở Lâu đài Victoria Wentworth.

Trở về New York, Anna vẫn có thể nói rõ đến từng chi tiết của mỗi bức tranh trong bộ sưu tập mà không cần phải nhìn vào bất cứ tài liệu nào. Một khả năng thiên bẩm giúp cô luôn nổi bật so với chúng bạn tại đại học Penn và các đồng nghiệp tại nhà đấu giá Sotheby là trí nhớ kiểu đồ hoạ của cô. Một khi đã nhìn thấy một bức tranh nào đó, cô sẽ không bao giờ quên những hình ảnh được thể hiện trong tranh cũng như vị trí và lai lịch của nó. Vào các ngày chủ nhật thư nhàn, cô lại đem tài năng của mình ra thử bằng việc tới thăm một phòng tranh mới hay đảo qua các bảo tàng. Khi trở về căn hộ của mình, cô sẽ viết lại tên của tất cả những bức tranh mà cô đã ngắm, trước khi kiểm tra lại trong các cuốn catalog. Kể từ khi tốt nghiệp đại học, Anna đã bổ sung bảo tàng Louvre, bảo tàng Prado, bảo tàng Uffizi, Phòng tranh Quốc gia ở Washington, bộ sưu tập Phillips và bảo tàng Getty vào ngân hàng trí nhớ của mình. Ba mươi bẩy bộ sưu tập cá nhân và vô vàn các cuốn catalog cũng được lưu trữ trong đầu cô, và đó chính là thứ tài sản mà vì nó Fenston sẵn sàng trả cô một khoản tiền lương trên cả hậu hĩnh.

Trách nhiệm của Anna không vượt quá việc kiểm định giá trị các bộ sưu tập cá nhân của các khách hàng tiềm năng và viết báo cáo gửi lên ban giám đốc. Cô không bao giờ liên quan đến việc soạn thảo bất cứ một hợp đồng nào. Tất cả chuyện đó được giao vào tay một người duy nhất là Karl Leapman. Tuy nhiên, Victoria đã tiết lộ với cô rằng ngân hàng Fenston Finance bắt bà ta phải trả một khoản lãi kép là 16 phần trăm một năm. Anna nhanh chóng nhận ra rằng nợ nần, sự cả tin, sự ngây thơ và sự non nớt trong lĩnh vực tài chính của người khác là môi trường sống của Fenston Finance. Đây là một ngân hàng chỉ mong cho khách hàng của mình không trả được nợ.

Anna chạy những bước dài hơn khi qua khu đu quay. Cô liếc nhìn đồng hồ - quá 12 giây. Cô chau mày, nhưng ít nhất thì cũng không có ai vượt cô. Những suy nghĩ của cô lại quay trở về với bộ sưu tập của gia đình Wentworth, và kiến nghị mà cô sẽ đưa ra với vị chủ tịch vào sáng hôm đó. Anna đã quyết định là sẽ từ chức nếu vị chủ tịch cảm thấy không thể chấp nhận lời khuyên của cô, bất chấp việc cô nhận thấy mình không hề muốn quay trở lại làm việc cho Sotheby hay đầu quân cho Christie sau khi đã từng làm việc cho Fenston Finance.

Trong suốt gần một năm làm việc cho công ty của Fenston, cô đã học được cách sống chung với thói tự phụ của ông ta, thậm chí đã quen với những cơn giận dữ bất thường của con người đó, nhưng cô không thể tha thứ cho việc lừa dối khách hàng, đặc biệt là những khách hàng ngây thơ như Phu nhân Wentworth. Rời bỏ Fenston Finance sau một thời gian làm việc ngắn như vậy không tốt cho lý lịch của cô, nhưng một cuộc điều tra gian lận hẳn sẽ tồi tệ hơn nhiều.

hi nào thì chúng ta sẽ biết rằng bà ta đã chết?” Leapman nhấp một ngụm cà phê rồi hỏi.

“Tôi đang chờ sự khẳng định chắc chắn vào sáng nay”, Fenston nói.

“Bởi vì tôi phải liên hệ với luật sư của bà ta để nhắc ông ta rằng” - ông ta dừng lại - “khi có một cái chết đáng ngờ nào đó - “ông ta dừng lại lần thứ hai “mọi chuyện sẽ thuộc thẩm quyền của Luật sư đoàn New York”.

“Lạ là không có ai trong bọn họ thắc mắc về điều khoản đó trong hợp đồng”, Fenston vừa nói vừa cho một miếng bánh xốp vào miệng.

“Tại sao họ lại phải thắc mắc?” Leapman nói. “Suy cho cùng, họ làm sao biết được rằng mình sắp chết”.

“Và liệu cảnh sát có lý do gì để nghi ngờ chúng ta có liên quan đến chuyện này hay không?”

“Không”, Leapman trả lời. “Ngài chưa bao giờ gặp Victoria Wentworth, ngài không ký hợp đồng gốc, và ngài cũng chưa từng thấy bức tranh”.

“Chẳng có ai ngoài gia đình Wentworth và Petrescu”, Fenston nhắc. “Nhưng điều tôi vẫn muốn biết là còn bao nhiêu thời gian trước khi tôi có thể”.

“Khó nói lắm, nhưng có lẽ phải nhiều năm trước khi cảnh sát thừa nhận là họ thậm chí còn không biết phải nghi cho ai, đặc biệt là trong những vụ liên quan tới các nhân vật nổi tiếng”.

“Vài năm là đủ”, Fenston nói. “Đến lúc đó, khoản tiền lãi đủ để tôi giữ lại bức tranh của Van Gogh và bán hết các bức còn lại mà không hao mất một đồng vốn nào”.

“May mà tôi đã đọc được báo cáo của Petrescu”, Leapman nói, “bởi vì nếu bà ta nghe theo lời khuyên của cô ta, chúng ta sẽ chẳng thể làm gì”.

“Đúng thế”, Fenston nói, “nhưng bây giờ phải tìm cách rũ bỏ cô ta”.

Một nụ cười nửa miệng xuất hiện trên khuôn mặt của Leapman. “Dễ thôi”, ông ta nói, “chúng ta sẽ tấn công vào điểm yếu của cô ta”.

“Đó là gì vậy?” Fenston hỏi.

“Sự trung thực”.

Arabella ngồi một mình trong phòng khách, hoàn toàn không biết đến những gì đang diễn ra xung quanh mình. Chén trà Earl Grey trên chiếc bàn bên cạnh bà đã nguội lạnh, nhưng bà không để ý đến điều đó. Tiếng kêu duy nhất trong phòng là tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường. Đối với Arabella, thời gian dường như đã dừng lại.

Một chiếc xe cứu thương và vài chiếc xe cảnh sát đang đỗ trên đám sỏi trước đại sảnh. Mọi người đều vội vã với công việc của mình, những con người mặc đồng phục, áo khoác trắng, complê đen và thậm chí có người còn đeo cả mặt nạ, đến rồi đi mà không buồn để ý tới bà.

Có tiếng gõ cửa nhẹ. Arabella ngẩng lên và nhìn thấy một người bạn cũ đang đứng giữa cửa. Viên chánh thanh tra cảnh sát bỏ chiếc mũ đồng phục ra rồi bước vào phòng. Arabella đứng dậy khỏi ghế sô pha, đôi mắt đỏ ngầu, khuôn mặt tái nhợt. Người đàn ông cao lớn cúi xuống và hôn nhẹ lên cả hai má bà, rồi đợi cho Arabella ngồi xuống trước khi ông ta cũng ngồi xuống một chiếc ghế bọc da đối diện với bà. Stephen Renton đưa ra những lời an ủi. Đó là những lời an ủi thực lòng. Ông ta đã quen biết với Victoria trong nhiều năm.

Arabella cảm ơn ông ta, rồi ngồi thẳng người lên và hỏi khẽ, “Kẻ nào có thể làm một chuyện khủng khiếp như vậy, đặc biệt lại là đối với một người hiền lành như Victoria?”

“Dường như không có một câu trả lời đơn giản hay hợp lý cho câu hỏi đó”, viên sỹ quan cảnh sát nói. “Và việc truy tìm thủ phạm càng khó khăn hơn khi phải nhiều giờ sau xác chết mới được phát hiện. Kẻ sát nhân đã có đủ thời gian để trốn thoát”. Ông ta dừng lại. “Bà có thể trả lời một vài câu hỏi được không?”

Arabella gật đầu. “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp ông tìm ra kẻ sát nhân”. Bà ta nói lên cụm từ kẻ sát nhân bằng một giọng thể hiện sự căm hờn.

“Thông thường, câu hỏi đầu tiên của tôi trong các cuộc điều tra án mạng là bà có biết chị gái của mình có kẻ thù hay không, nhưng tôi phải thú thật rằng vì tôi biết quá rõ bà ấy nên tôi cho rằng chuyện bà ấy có kẻ thù là điều không thể xảy ra. Nhưng tôi muốn hỏi là bà có biết rõ những vấn đề mà Victoria đang phải đối mặt không, bởi vì – “ông ta ngập ngừng” - đã có nhiều lời đồn đại rằng từ khi cụ nhà mất, bà ấy đã phải gánh chịu nhiều khoản nợ”.

“Tôi không biết có phải như vậy không”, Arabella nói. “Sau khi lấy Angus, tôi chuyển đến sống ở Scotland và chúng tôi chỉ về thăm Lâu đài mỗi năm vài tuần vào mùa hè, vào dịp Lễ giáng sinh thì hai năm một lần. Mãi đến khi ông nhà tôi mất, tôi mới chuyển đến sống ở Surrey”-viên chánh thanh tra cảnh sát gật đầu, nhưng không ngắt lời-”và cũng nghe được những lời đồn đại đó. Người ta thậm chí còn đồn rằng nhiều đồ đạc trong cửa hàng đồ cổ của tôi vốn là đồ gia bảo, để Victoria có tiền trả cho nhân viên”.

“Và có chút sự thật nào trong những lời đồn ấy hay không?” Stephen hỏi.

“Không, chẳng có chút sự thật nào”, Arabella trả lời. “Khi Augus chết và tôi bán trang trại của mình ở Perthshire, tôi có thừa tiền để quay trở về Wentworth, mở một cửa hiệu nhỏ như mọi người thấy và biến một sở thích lâu nay của tôi thành một thứ giúp tôi kiếm tiền. Nhưng đúng là thi thoảng tôi cũng hỏi chị Victoria xem những lời đồn về tình hình tài chính của Cha có đúng hay không. Chị ấy nói chẳng có gì đáng phải lo và luôn khẳng định mọi chuyện đều trong vòng kiểm soát. Nhưng cũng không biết được, chị ấy rất ngưỡng mộ Cha, và trong con mắt của chị ấy, Cha không thể mắc sai lầm”.

“Liệu bà có thể nghĩ đến bất cứ điều gì có thể giúp tìm ra đầu mối…”

Arabella đứng dậy khỏi ghế sô pha, rồi không giải thích gì mà đi thẳng tới chiếc bàn làm việc ở góc phòng phía xa. Bà cầm bức thư dính đầy những vết máu được tìm thấy trên bàn làm việc của Victoria lên, quay trở lại chỗ ngồi của mình và đưa nó cho Stephen Renton.

Viên chánh thanh tra cảnh sát đọc bức thư đang viết dở giữa chừng đó hai lần trước khi hỏi, “Bà có hiểu Victoria định nói gì trong câu “một giải pháp đã được tìm ra” hay không?”

“Không”, Arabella thừa nhận, “nhưng có thể tôi sẽ trả lời được câu hỏi này nếu tôi nói chuyện với Arnold Simpson”.

“Tôi không dám tin là như vậy”, Stephen nói.

Arabella không trả lời. Bà ta biết bản năng của một chánh thanh tra cảnh sát nhắc nhở ông ta phải nghi ngờ tất cả các luật sư, những người không thể che dấu được việc họ luôn cho rằng mình ăn đứt bất kỳ một sỹ quan cảnh sát nào.

Viên chánh thanh tra cảnh sát đứng dậy, bước vòng qua bàn lại gần Arabella và ngồi xuống cạnh bà ta. Stephen cầm tay Arabella rồi nhẹ nhàng nói, “Gọi cho tôi bất cứ khi nào bà cần. Đừng giữ bí mật với tôi, bởi vì tôi cần biết mọi thứ và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để tìm ra thủ phạm đã sát hại chị gái của bà”.

“Chết tiệt”, Anna chửi thầm khi một người đàn ông có mái tóc màu đen và dáng thể thao chạy vượt qua cô, giống như anh ta đã làm như vậy vài lần trong mấy tuần vừa qua. Anh ta không ngoảnh lại nhìn - những người chạy nghiêm túc không bao giờ nhìn lại kẻ chạy sau mình. Anna biết mình sẽ chẳng thể nào đuổi kịp anh ta, bởi vì nếu cố thì chỉ trong vòng 100 yard nữa, cô sẽ bị “rụng chân”. Đã có lần cô thoáng nhìn thấy khuôn mặt của tay cao thủ này, nhưng rồi anh ta lướt qua và tất cả những gì cô có thể thấy rõ là lưng chiếc áo phông màu xanh của anh ta trong khi anh ta tiếp tục chạy về phía Strawberry Fields. Anna cố gạt bỏ hình ảnh anh ta ra khỏi đầu và lại tập trung suy nghĩ về cuộc gặp sắp tới với Fenston.

Anna đã gửi bản sao báo cáo của mình tới văn phòng của chủ tịch công ty, trong đó cô đề nghị ngân hàng nên bán bức chân dung càng nhanh càng tốt. Cô biết một nhà sưu tầm ở Tokyo rất say mê tranh của Van Gogh và có rất nhiều tiền để theo đuổi thú sưu tầm của mình. Và với bức tranh đó, cô còn phát hiện ra một điểm nữa có thể lợi dụng mà cô đã trình bày rõ trong báo cáo của mình. Van Gogh luôn ngưỡng mộ nền hội hoạ của Nhật Bản, và ở mặt sau tấm chân dung, ông đã vẽ lại bức tranh Nàng Geishas ngắm cảnh, điều mà Anna cho rằng sẽ khiến cho bức tranh càng trở nên hấp dẫn đối với Takashi Nakamura.

Nakamura là chủ tịch công ty thép lớn nhất ở Nhật Bản, nhưng gần đây ông ta đã dành rất nhiều thời gian để xây dựng bộ sưu tập nghệ thuật của mình. Ông ta đã phao lên rằng bộ sưu tập ấy sẽ là một phần của một quỹ mà cuối cùng ông ta sẽ hiến cho Nhà nước. Anna cũng cho rằng việc Nakamura là một con người đặc biệt kín đáo cũng là một lợi thế. Ông ta luôn giữ kín những chi tiết về bộ sưu tập của mình với kiểu cẩn thận điển hình của người Nhật Bản. Một vụ mua bán như vậy sẽ giúp Victoria Wentworth giữ thể diện – một điều mà người Nhật Bản luôn hiểu rõ. Anna đã từng có lần mua được một tác phẩm của Degas có tên làLớp khiêu vũ của quý bà Minette. Trong vụ mua bán đó, người bán muốn được giữ bí mật và những nhà đấu giá lớn thường có sẵn dịch vụ như vậy dành riêng cho những người muốn tránh những cặp mắt tò mò của cánh nhà báo luôn đeo bám tại các phòng bán tranh. Cô hoàn toàn tin rằng Nakamura sẵn sàng bỏ ra ít nhất là 60 triệu đôla để có được bức tranh quý của hoạ sỹ bậc thầy người Hà Lan này. Vì vậy nếu Fenston chấp nhận đề nghị của cô – tại sao lại không? – mọi người đều sẽ hài lòng với kết quả mà điều đó đem lại.

Khi Anna chạy qua quán Tavern ở khu Green, cô lại liếc nhìn đồng hồ. Cô sẽ phải tăng tốc nếu cô vẫn hy vọng quay trở lại Artisan”s Gate trong vòng 12 phút. Khi cô tăng tốc chạy xuống chân đồi, cô nghĩ đến chuyện nhẽ ra cô không nên để cho tình cảm cá nhân của một khách hàng làm ảnh hưởng đến nhận định của mình. Nhưng thành thật mà nói, Victoria cần phải được giúp đỡ. Khi Anna chạy qua Artisan”s Gate, cô bấm vào nút dừng trên chiếc đồng hồ của mình: 12 phút 4 giây. “Chết tiệt!”.

Anna chạy chầm chậm theo hướng về nhà mà không biết rằng mình đang bị người đàn ông mặc áo phông xanh bám theo sát gót.

ack Delaney vẫn chưa biết chắc Anna Petrescu có phải là một kẻ tội phạm hay không.

Đặc vụ Jack Delaney của FBI nhìn theo Anna khi cô biến vào đám đông trên đường quay trở lại Thornton House, rồi anh chạy chầm chậm qua Sheep Meadow về phía hồ. Anh nghĩ về người phụ nữ mà anh đang điều tra trong sáu tuần qua. Cô ta không biết rằng một cuộc điều tra nữa cũng đang nhằm vào sếp của cô, một kẻ mà Jack tin chắc rằng đích thực là một tên tội phạm.

Đã gần một năm trôi qua kể từ khi viên sỹ quan phụ trách của Jack gọi anh tới văn phòng của ông ta và giao cho anh một đội điều tra gồm 8 nhân viên với một nhiệm vụ mới. Jack phải điều tra ba vụ án mạng khủng khiếp tại ba châu lục và cả ba vụ này đều có cùng một điểm chung: nạn nhân bị giết chết sau khi vay một khoản tiền lớn từ ngân hàng Fenston Finance. Jack nhanh chóng đi đến kết luận rằng các vụ giết người này đều được lên kế hoạch từ trước và được thực hiện bởi cùng một kẻ sát thủ chuyên nghiệp.

Jack chạy ngang qua Shakespeare Garden trên đường quay trở lại căn hộ nhỏ của anh tại West Side. Anh vừa hoàn chỉnh hồ sơ về một người mà Fenston mới tuyển dụng gần đây, dù anh chưa biết chắc cô ta là tòng phạm hay chỉ là một người ngây thơ vô tội.

Jack bắt đầu bằng lý lịch gia đình của Anna Petrescu và phát hiện ra rằng bác của cô ta, George Petrescu, đã rời bỏ Romania và di cư tới Mỹ vào năm 1968, và định cư tại Danville, bang Illinois. Chỉ vài tuần sau khi Ceausescu tự phong mình làm tổng thống, George đã viết thư cho em trai và khuyên em mình sang Mỹ. Khi Ceausescu tuyên bố biến Romania thành một nước xã hội chủ nghĩa và phong vợ mình làm Phó Tổng thống, George lại viết thư cho em và giục giã ông này mang cả cô con gái Anna di cư sang Mỹ.

Cho dù cha mẹ của Anna không chịu rời bỏ quê hương, họ đã thu xếp để đưa cô con gái 17 tuổi của mình vượt biên trái phép sang Mỹ vào năm 1987. Tại đây, cô sống với bác và được hứa hẹn là sẽ trở về Romania ngay sau khi Ceausescu bị lật đổ. Anna đã không chịu trở về nước nữa. Cô thường xuyên viết thư về nhà, nài nỉ cha mẹ sang Mỹ với mình, nhưng chẳng mấy khi cô nhận được hồi âm. Hai năm sau, cô được biết là cha mình đã bị bắn chết trong một cuộc giao tranh ở biên giới, khi ông ta tham gia vào một cuộc binh biến nhằm lật đổ kẻ độc tài. Mẹ cô ta nhắc đi nhắc lại rằng bà ta sẽ không bao giờ rời bỏ quê hương, với lý do là, “Ai sẽ chăm sóc phần mộ của cha con?”

Tất cả những thông tin này đã được đội điều tra của Jack phát hiện thấy trong một bài luận của Anna được đăng trên tạp chí của trường trung học nơi cô ta theo học ngày trước. Một bạn học của cô ta cũng đã viết về cô bạn gái dịu dàng có mái tóc vàng và đôi mắt xanh, một cô gái đến từ một xứ sở nào đó gọi là Bucharest và gần như chẳng nói được một từ tiếng Anh nào. Đến cuối năm thứ hai ở trường, Anna đã trở thành một biên tập viên của tạp chí nội bộ của nhà trường. Và tờ tạp chí ấy đã cung cấp cho đội điều tra của Jack những thông tin quý giá đó.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Anna đã giành được một suất học bổng để tới trường đại học Williams ở bang Massachusetts nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật. Tiếp đến, cô ta tới trường đại học Pennsynvania để tiếp tục nghiên cứu và làm luận án tiến sỹ. Đề tài mà cô ta lựa chọn là Phong trào Fauve. Jack đã tra từ điển Webster để tìm hiểu về ý nghĩa của cụm từ này. Cuốn từ điển cho anh biết cụm từ ấy có liên quan tới một nhóm hoạ sỹ do Matisse, Derain và Vlaminck đứng đầu. Các hoạ sỹ thuộc phong trào này muốn xoá bỏ những ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng và hướng tới việc sử dụng những màu sắc tươi sáng và đối lập nhau. Qua việc tìm hiểu này, anh cũng được biết thêm khi còn trẻ, Picasso đã rời Tây Ban Nha để gia nhập nhóm này tại Paris ra sao. Những bức tranh của hoạ sỹ trẻ Picasso đã khiến công chúng bị sốc và được tờ Paris Match mô tả là “Sự tỉnh táo đã trở lại”. Điều đó càng khiến Jack muốn tìm đọc thêm về Vuillard, Luce và Camoin – những hoạ sỹ mà anh chưa từng nghe nói đến. Nhưng phải chờ đến lúc rảnh rỗi đã, trừ phi điều đó có thể giúp anh lần ra bằng chứng để tóm cổ Fenston.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại đại học Penn, tiến sỹ Petrescu vào làm cho nhà đấu giá Sotheby. Bắt đầu từ đây, những thông tin mà Jack thu thập được chỉ còn mang tính phác hoạ bởi vì anh chỉ có thể cho phép các đội viên trong nhóm điều tra tiếp xúc một cách hạn chế với các đồng nghiệp cũ của cô ta. Tuy nhiên anh cũng đã được biết về trí nhớ đồ hoạ của Anna, sự làm việc nghiêm túc của cô ta, cũng như việc cô ta được tất cả mọi người yêu mến, từ người khuân vác tới chủ tịch công ty. Nhưng không ai biết rõ tại sao cô ta lại bị sa thải, cho dù anh đã phát hiện ra rằng ban giám đốc mới của Sotheby cũng không sẵn lòng đón cô ta trở lại làm việc. Và Jack cũng không hiểu tại sao cô ta lại quyết định đầu quân cho công ty Fenston Finance. Về mảng này trong cuộc điều tra của mình, anh phải dựa vào tài suy đoán, bởi vì anh không dám mạo hiểm tiếp cận bất kỳ ai đang làm việc cùng cô ta tại ngân hàng này, mặc dù rõ ràng Tina Forster, thư ký của chủ tịch công ty, đã trở thành người bạn thân nhất của cô ta.

Trong một khoảng thời gian ngắn làm việc tại công ty Fenston Finance, Anna đã tới thăm nhiều khách hàng mới, những người vừa vay những khoản tiền lớn từ ngân hàng này. Tất cả những khách hàng đó đều sở hữu những bộ sưu tập nghệ thuật lớn. Jack e ngại rằng việc một trong những khách hàng đó phải chịu chung số phận với ba nạn nhân trước đó của Fenston chỉ còn là vấn đề thời gian.

Jack chạy vào phố West 86. Vẫn còn ba câu hỏi cần được trả lời. Thứ nhất, Fenston đã biết Petrescu bao lâu trước khi cô ta về làm việc cho ngân hàng này? Thứ hai, gia đình hai người này có biết nhau tại Romania không? Thứ ba là cô ta có phải là kẻ ám sát đã được Fenston thuê hay không?

Fenston ngoáy chữ ký của mình trên tờ hoá đơn thanh toán tiền ăn sáng, đứng lên và không chờ cho Leapman uống hết ly cà phê, bước nhanh ra khỏi tiệm ăn. Ông ta bước vào một thang máy đang mở sẵn, nhưng chờ để Leapman ấn nốt để xuống tầng 83. Một nhóm người Nhật Bản mặc complê đen và đeo caravát lụa bước vào cùng với họ. Những người này cũng vừa ăn sáng tại nhà hàng Windows on the World. Fenston không bao giờ đề cập đến chuyện làm ăn khi đang ở trong thang máy, vì ông ta hiểu rõ rất nhiều đối thủ của mình đang chiếm cứ những tầng trên lẫn những tầng dưới trụ sở công ty của ông ta.

Khi cửa thang máy mở ra tại tầng 83, Leapman bước theo ông chủ ra ngoài, nhưng rồi rẽ theo lối khác và đi thẳng tới phòng Petrescu. Ông ta mở cửa phòng cô mà không thèm gõ để tìm Rebecca, trợ lý của Anna và yêu cầu cô ta chuẩn bị những hồ sơ mà Anna sẽ phải cần cho cuộc gặp với vị chủ tịch. Leapman tuôn ra một tràng những câu mệnh lệnh bằng một giọng không cho phép hỏi lại. Rebecca ngay lập tức đặt những hồ sơ đó lên bàn làm việc của Anna và tiếp tục lục lọi trong một chiếc thùng các tông lớn.

Leapman bước dọc hành lang rồi đi vào văn phòng của chủ tịch công ty. Họ bắt đầu bàn bạc chi tiết về chiến thuật để rũ bỏ Petrescu. Cho dù họ đã làm những chuyện này ba lần trong 8 năm qua. Leapman cảnh báo vị chủ tịch rằng lần này có thể sẽ khác.

“Ý ông là gì?” Fenston hỏi.

“Tôi không nghĩ Petrescu lại đầu hàng một cách dễ dàng”, ông ta nói. “Suy cho cùng thì cô ta sẽ không dễ dàng gì để kiếm được một công việc mới”.

“Tất nhiên là cô ta sẽ không chịu đi nếu tôi không muốn cô ta phải ra đi”, Fenston vừa nói vừa xoa hai tay vào nhau.

“Nhưng có lẽ trong trường hợp này, thưa chủ tịch, sẽ tốt hơn nếu tôi”.

Một tiếng gõ cửa làm ngắt quãng cuộc trao đổi của họ. Fenston ngẩng lên và trông thấy Barry Steadman, trưởng ban an ninh của công ty đang đứng giữa cửa.

“Xin lỗi vì đã làm phiền ngài, thưa ngài chủ tịch, nhưng có một nhân viên của hãng chuyển phát nhanh FedEx ở đây, nói rằng anh ta có một gói hàng trong này và không ai được ký nhận thay”.

Fenston vẫy người chuyển hàng vào và không thèm nói một lời, ký vào biên lai giao nhận. Không ai nói một lời nào cho đến khi người chuyển hàng đã ra khỏi phòng và Barry đã đóng cửa lại sau lưng anh ta.

“Có phải là bức thư chúng ta đang đợi không?” Leapman hỏi khẽ.

“Chúng ta sẽ biết ngay thôi”, Fenston vừa nói vừa mở gói hàng và đổ những gì chứa trong gói hàng đó lên mặt bàn.

Cả hai đều nhìn chằm chằm xuống chiếc tai trái của Victoria Wentworth trên mặt bàn.

“Ông hãy lo việc trả nốt cho Krantz nửa triệu đôla còn lại”, Fenston nói. Leapman gật đầu. “Và cô ta thậm chí còn gửi cho chúng ta một phần thưởng”, Fenston vừa nói vừa nhìn chiếc nhẫn kim cương cổ đính trên chiếc tai.

Anna gói ghém xong đồ đạc lúc vừa sau 7 giờ. Cô để chiếc va li lại trong đại sảnh với ý định là sẽ quay trở lại lấy nó trên đường tới sân bay ngay sau giờ làm việc. Chuyến bay của cô tới London theo lịch trình sẽ cất cánh vào lúc 5 giờ 40 phút chiều hôm đó, và sẽ hạ cánh xuống sân bay Heathrow ngay trước lúc bình minh vào ngày hôm sau. Anna thích bay đêm bởi vì cô có thể ngủ mà vẫn có đủ thời gian để chuẩn bị trước khi cùng ăn trưa với Victoria tại Lâu đài Wentworth. Cô chỉ hy vọng rằng Victoria đã đọc bản báo cáo của cô và đồng ý bán bức tranh của Van Gogh một cách bí mật để giải quyết tất cả những vấn đề của bà ta.

Anna rời toà nhà chung cư của mình vào lúc 7:30, lần này là lần thứ hai. Cô vẫy một chiếc tắc xi – một sự vung tay quá trán, nhưng cô muốn trông mình thật phong độ trong cuộc gặp sắp tới với vị chủ tịch. Cô ngồi ở hàng ghế sau trong chiếc tắc xi và ngắm nghía mình trong một chiếc gương nhỏ. Bộ complê hiệu Anand Jon và chiếc áo cánh lụa mà cô vừa mua gần đây chắc chắn đủ để khiến nhiều người phải ngoái nhìn, cho dù chắc cũng có người ngạc nhiên vì đôi giày đế mềm màu đen của cô.

Chiếc tắc xi rẽ phải vào đường FDR Drive và tăng tốc trong khi Anna kiểm tra lại điện thoại cầm tay của cô. Có ba tin nhắn, tất cả đều sẽ được cô giải quyết sau cuộc gặp này: một tin nhắn của cô thứ ký Rebecca muốn gặp cô ngay và đây là một chuyện khá lạ bởi vì họ sẽ gặp nhau trong vài phút nữa; một tin nhắn khẳng định chuyến bay của cô từ BA, Hãng hàng không Anh quốc, và một tin nhắn mời cô tới ăn tối cùng Robert Brooks, chủ tịch mới của hãng Bonhams.

Chiếc tắc xi đỗ lại bên ngoài lối vào toà Tháp Bắc 20 phút sau đó. Cô trả tiền cho tài xế rồi rời khỏi tắc xi và hoà vào dòng người đang đổ vào toà nhà. Cô đi thang máy cao tốc, và chỉ không đầy một phút sau cô đã đặt chân lên tấm thảm màu xanh đậm của tầng quản trị. Có lần trong thang máy Anna đã nghe lỏm thấy người ta nói rằng mỗi một tầng có diện tích là một mẫu Anh, và có khoảng năm mươi nghìn người làm việc trong toà nhà không bao giờ đóng cửa này, tức là gần gấp đôi dân số của thị trấn Danville, bang Illinois, quê hương thứ hai của cô.

Anna đi thẳng vào phòng làm việc của mình và ngạc nhiên khi thấy Rebecca không chờ cô, đặc biệt là khi cô ta đã biết rằng cuộc gặp vào lúc 8 giờ của cô rất quan trọng. Nhưng cô cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy tất cả các hồ sơ liên quan đều đã được xếp gọn gàng trên bàn làm việc của mình. Cô kiểm tra lại một lần nữa xem những hồ sơ ấy đã được sắp xếp theo đúng thứ tự mà cô yêu cầu hay chưa. Anna vẫn còn vài phút nữa, vì vậy cô mở tập hồ sơ mang tên Wentworth ra rồi đọc lại bản báo cáo của mình. “Bộ sưu tập của Lâu đài Wentworth có thể chia thành nhiều chủng mục. Mối quan tâm duy nhất của chúng ta là …”

Mãi tới hơn 7 giờ Tina Forster mới thức dậy. Cuộc hẹn của chị với bác sỹ nha khoa phải đến 8:30, và Fenston đã nói rõ rằng chị không cần phải đi làm đúng giờ vào sáng hôm đó. Điều này bao giờ cũng có nghĩa là ông ta có một cuộc hẹn bên ngoài thành phố, hoặc là ông ta sắp đuổi việc một ai đó. Nếu đấy là chuyện đuổi việc, ông ta không muốn thấy Tina lảng vảng quanh văn phòng và tỏ ý thông cảm với người vừa bị sa thải. Chị biết rằng người bị đuổi không thể là Leapman, bởi vì Fenston sẽ không thể sống sót nếu thiếu con người đó, và dù chị rất muốn thấy Barry Steadman bị tống khứ khỏi nơi này, chị không dám mơ đến điều đó, bởi vì anh ta chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội nào để nịnh hót vị chủ tịch, một con người thích những lời nịnh hót chẳng khác gì một miếng bọt biển nằm trên bãi biển chờ đợi những con sóng triều.

Tina nằm trong bồn tắm – một sự xa xỉ mà chị thường chỉ dám ban tặng cho mình vào những kỳ nghỉ cuối tuần – và băn khoăn tự hỏi khi nào thì sẽ đến lượt mình bị đuổi việc. Chị đã làm trợ lý riêng cho Fenston được hơn một năm, và cho dù chị khinh bỉ con người này cũng như tất cả những gì mà ông ta theo đuổi, chị vẫn cố để ông ta không thể thiếu được mình. Tina biết chị không thể tính đến chuyện bỏ công ty này trước khi…

Chuông điện thoại đổ trong phòng ngủ của chị, nhưng chị chẳng vội trả lời. Chị đoán chắc là Fenston gọi để hỏi xem một hồ sơ nào đó được cất ở đâu hoặc cũng có thể là hỏi số điện thoại của ai đó. Thường thì câu trả lời sẽ là “trên bàn làm việc trước mặt ngài”. Chị băn khoăn không hiểu đó có thể là điện thoại của Anna không. Đó là người bạn duy nhất của chị kể từ khi chị chuyển từ West Coast đến đây. Không thể nào, chị kết luận, bởi vì Anna sẽ phải trình bày báo cáo của mình trước vị chủ tịch vào lúc 8 giờ và có thể là ngay lúc này đây đang giải thích rõ từng chi tiết đến lần thứ hai mươi.

Tina mỉm cười khi chị bước ra khỏi buồng tắm và choàng quanh mình một tấm khăn tắm. Chị đi qua hành lang rồi vào phòng ngủ của mình. Mỗi khi có một vị khách nào đó ngủ lại qua đêm trong căn hộ chật chội của Tina, họ phải ngủ chung giường với chị hoặc ngủ trên ghế sô pha. Không còn lựa chọn nào khác, bởi căn hộ của chị chỉ có một phòng ngủ. Gần đây chẳng có mấy ai ở lại, không phải vì thiếu lời mời. Nhưng sau những gì mà chị đã trải qua trong quá trình làm việc với Fenston, Tina cảm thấy mình không còn có thể tin cậy được ai nữa. Gần đây chị đã muốn tâm sự chuyện này với Anna, nhưng rồi nó vẫn là một bí mật mà chị không dám chia sẻ cùng ai.

Tina vén rèm lên cho dù đang vào tháng Chín, một buổi sáng trong lành với những tia sáng rực rỡ khiến chị nghĩ rằng mình có thể mặc một bộ váy mùa hè. Nó thậm chí có thể sẽ giúp chị cảm thấy thoải mái hơn khi phải nhìn vào chiếc khoan của vị nha sỹ.

Sau khi mặc xong quần áo và ngắm nhìn lại mình trong gương, Tina vào bếp và pha cho mình một ly cà phê. Chị không được phép ăn sáng, dù chỉ là một mẩu bánh mỳ - đó là mệnh lệnh của người trợ lý phòng khám nha khoa - rồi chị bật ti vi lên để xem tin tức buổi sáng. Chẳng có gì đặc biệt. Một vụ đánh bom liều chết ở khu Bờ Tây, tiếp đến là chuyện một phụ nữ nặng ba trăm hai mươi pao đang kiện hãng McDonald vì đã huỷ hoại cuộc sống tình dục của bà ta. Khi chị vừa định tắt ti vi thì một cầu thủ bóng đá nổi tiếng xuất hiện trên màn hình.

Hình ảnh ấy khiến chị nghĩ đến người cha của mình.

7

ack Delaney tới văn phòng của mình tại 26 Federal Plaza vào lúc 7 giờ sáng hôm đó. Anh cảm thấy đau đầu khi nhìn thấy từng chồng hồ sơ dầy chất đầy trên bàn làm việc của mình. Tất cả các hồ sơ đó đều có liên quan tới cuộc điều tra của anh nhằm vào Bryce Fenston, và sau hơn một năm điều tra, anh vẫn chưa thu thập đủ chứng cứ để sếp mình có thể yêu cầu toà án cho lệnh bắt giam nhân vật này.

Jack mở tập hồ sơ về Fenston với một hy vọng mong manh rằng biết đâu anh sẽ tình cờ bắt gặp một đầu mối nhỏ nhoi nào đó, một dấu vết mơ hồ nào đó hoặc là một nhầm lẫn nào đó giúp anh truy tìm ra mối quan hệ trực tiếp của Fenston với ba án mạng khủng khiếp xảy ra ở Marseille, Los Angeles và Rio de Janeiro.

Vào năm 1984, Nicu Munteanu, ba mươi hai tuổi, đã tới đại sứ quán Mỹ ở Bucharest và khẳng định mình có thể vạch mặt hai điệp viên đang làm việc ở trung tâm đầu não của Washington, và muốn đổi những thông tin này để lấy một tấm hộ chiếu sang Mỹ. Hàng tuần, đại sứ quán Mỹ nhận được hàng chục lời tuyên bố như vậy và gần như tất cả những lời tuyên bố đó đều được chứng minh là vô căn cứ, nhưng với trường hợp của Munteanu, thông tin cung cấp lại đặc biệt chính xác. Chỉ trong vòng một tháng, hai quan chức ngoại giao cao cấp của Liên xô tại Mỹ đã bị buộc phải lên máy bay để trở về Moscow, và Munteanu nhận được một tấm hộ chiếu sang Mỹ.

Nicu Munteanu hạ cánh xuống New York vào ngày 17 tháng Hai năm 1985. Jack hầu như không tìm được mấy thông tin về những hoạt động của Munteanu trong năm tiếp theo, nhưng con người này bỗng chốc có đủ tiền để tiếp quản công ty Fenston Finance, một ngân hàng nhỏ đang trên bờ vực phá sản ở Manhattan. Nicu Munteanu đổi tên thành Bryce Fenston – đây không phải là một tội – nhưng không ai biết người đứng đằng sau ông ta là kẻ nào, chỉ biết rằng trong mấy năm tiếp theo đó, ngân hàng này bắt đầu nhận những khoản tiền gửi lớn từ những công ty dấu tên ở Đông Âu gửi sang. Rồi vào năm 1989, dòng tiền mặt bỗng nhiên cạn kiệt, cũng là năm mà Ceausescu và vợ của ông ta là Elena chạy khỏi Bucharest sau cuộc nổi dậy của dân chúng. Chỉ vài ngày sau vợ chồng nhà độc tài này đã bị bắt, bị đưa ra xét xử và lãnh án tử hình.

Jack nhìn qua cửa sổ ngắm nhìn cảnh Manhattan ở bên dưới và nhớ lại câu châm ngôn của FBI: đừng bao giờ tin vào những sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng cũng đừng bao giờ bỏ qua những chuyện đó.

Sau cái chết của Ceausescu, ngân hàng này dường như phải trải qua một vài năm khó khăn cho đến khi Fenston gặp được Karl Leapman, một luật sư bị đuổi khỏi nghiệp đoàn, một kẻ vừa được ra khỏi tù sau khi phải ngồi bóc lịch mấy năm vì tội lừa đảo. Chẳng bao lâu sau, ngân hàng này đã lấy lại phong độ và bắt đầu kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Jack nhìn xuống mấy bức ảnh của Bryce Fenston, người thường xuất hiện trong các cuộc đàm tiếu trên mặt báo với một trong những phụ nữ sành điệu nhất của New York trong vòng tay mình. Ông ta khi thì được mô tả là một chủ nhà băng sáng giá, lúc thì là một nhà tài chính hàng đầu, cũng có khi lại là một nhà từ thiện hào phóng, và mỗi khi tên của ông ta được nhắc tới thì bộ sưu tập khổng lồ của ông ta cũng không bị bỏ qua. Jack gạt những bức ảnh ấy sang một bên. Anh vẫn chưa thể quen với việc một người đàn ông lại đeo khuyên tai, và anh thậm chí còn cảm thấy ngạc nhiên hơn trước việc một người khi đặt chân tới Mỹ có một mái tóc dầy đầy đặn lại quyết định cạo trọc đầu mình. Ông ta đang lẩn trốn ai?

Jack đóng tập hồ sơ mang tên Munteanu/Fenston lại và mở tập hồ sơ về Pierre de Rochelle, nạn nhân đầu tiên ra.

Rochelle cần vay 70 triệu phờ răng để lấy tiền trả cho phần đóng góp của mình tại một vườn nho. Kinh nghiệm duy nhất của ông ta về ngành rượu vang là công việc rửa sạch các chai đựng rượu. Chỉ cần nhìn qua cũng thấy rằng kế hoạch đầu tư của ông này không phù hợp với phương châm của ngân hàng là mọi dự án phải “khả thi”. Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý của Fenston khi ông ta nhìn thấy hồ sơ vay tiền của Rochelle là người đàn ông này vừa được thừa kế một Lâu đài tại Dordogne, mà trong đó mọi bức tường đều được treo kín những bức tranh của các hoạ sỹ theo trường phái Ấn tượng, trong đó có một bức của Degas, hai bức của Pissarros và một bức của Monet.

Vườn nho đó đã không cho thu hoạch trong suốt 4 năm và trong thời gian ấy, toà lâu đài bắt đầu bị móc ruột đến khi chỉ còn lại những vết treo tranh trên các bức tường. Đến lúc Fenston đưa bức tranh cuối cùng tới New York và cho vào bộ sưu tập cá nhân của ông ta thì khoản tiền vay ban đầu của Pierre đã tăng lên gấp đôi. Khi toà lâu đài của ông này cuối cùng bị đưa ra đấu giá, Pierre đến sống ở một căn hộ nhỏ tại Marseille, nơi tối nào ông ta cũng uống đến say khướt. Mọi chuyện cứ thế diễn ra cho đến khi một phụ nữ trẻ đẹp vừa tốt nghiệp trường luật nói với Pierre, trong một giây phút tỉnh táo hiếm hoi của ông ta, rằng nếu Fenston Finance bán các bức tranh của Degas, Monet và Pissarros, ông ta không những có thể trả hết nợ nần mà còn có thể chuộc lại toà lâu đài và thu hồi về toàn bộ phần còn lại của bộ sưu tập. Lời gợi ý đó không ăn nhập với các kế hoạch dài hạn của Fenston.

Một tuần sau đó, người ta phát hiện thấy cái xác say xỉn của Pierre de Rochelle bị vứt tại một thung lũng ở Marseille với cổ họng bị cắt đứt.

Bốn năm sau, cảnh sát Marseille phải khép vụ này lại với dòng chữ “KHÔNG DẤU VẾT” đóng trên bìa hồ sơ.

Khi vụ vay mượn được đưa ra toà, Fenston đã bán tất cả các tác phẩm trừ các bức của Degas, Monet và Pissarros; và sau khi tính hết các món lãi kép, phí ngân hàng và tiền thuê luật sư, em trai của Pierre là Simon de Rochelle được thừa kế căn hộ ở Marseille của anh mình.

Jack đứng dậy khỏi bàn làm việc, vươn vai và ngáp một cách mệt mỏi, trước khi anh xem lại hồ sơ về Chris Adams Jr, dù anh gần như đã thuộc lòng những gì được viết trong đó.

Chris Adams Senior từng quản lý một phòng tranh rất thành công ở Los Angeles. Ông ta tập trung vào dòng tranh Trường phái Mỹ, vốn rất được các ngôi sao ở Hollywood ưa chuộng. Cái chết của ông ta trong một vụ tai nạn giao thông đã để lại cho con trai ông ta là Chris Adams Junior một bộ sưu tập lớn gồm tranh của Rothkos, Pollocks, Jasper Johnses, Rauschenbergs và Warhol, trong đó có bức Black Marilyn.

Một bạn học cũ của Chris khuyên ông ta rằng cách tốt nhất để nhân đôi số tiền mà ông ta có là đầu tư vào cuộc cách mạng chấm com (Internet). Chris Jr nói rằng mình không có sẵn tiền mặt mà chỉ có phòng trưng bày tranh, bộ sưu tập tranh và chiếc du thuyền cũ Christina do cha mình để lại, và một nửa những thứ đó là phần của cô em gái. Fenston Finance đã ra tay giúp đỡ bằng cách cho anh ta vay 12 triệu đôla, theo các điều khoản thông thường. Cũng giống như trong nhiều cuộc cách mạng khác, nhiều kẻ phải bỏ mạng trên chiến trường và trong số đó có Chris Jr.

Fenston Finance để mặc cho khoản tiền kia đẻ mãi mà không hề có ý định làm khó khổ chủ của mình. Chuyện này cứ thế diễn ra cho đến khi Chris Jr đọc thấy trên tờ Los Angeles Times rằng bức Shot Red Marilyn của Warhol gần đây đã bán được hơn 4 triệu đôla. Anh ta ngay lập tức liên lạc với nhà đấu giá Christie ở LA, và được đảm bảo rằng những bức tranh của Rothkos, Pollocks, và Jasper Johnses có thể đem lại cho anh ta những khoản tiền không kém. Ba tháng sau đó, Leapman lao vào văn phòng của vị chủ tịch với một cuốn catalog mới nhất của nhà đấu giá Christie. Ông ta đã đánh dấu vào bẩy lô khác nhau sắp được đưa ra đấu giá. Fenston gọi một cú điện thoại, rồi đặt chỗ trên chuyến bay tiếp theo tới Rome.

Ba ngày sau, người ta phát hiện thấy Chris Jr trong toa lét của một quán bar dành cho người đồng tính với cổ họng bị cắt đứt.

Lúc bấy giờ Fenston đang đi nghỉ ở Italy và Jack đã có được bản sao hoá đơn thanh toán khách sạn, vé máy bay và thậm chí cả những hoá đơn thanh toán bằng thẻ tín dụng cho các khoản chi tiêu của ông ta ở một số cửa hiệu và nhà hàng.

Những bức tranh ngay lập tức bị đưa ra khỏi danh mục đấu giá của Christie trong khi cảnh sát Los Angeles tiến hành những cuộc điều tra của họ. Sau mười tám tháng không tìm ra bằng chứng mới và đi vào ngõ cụt, hồ sơ về vụ này được ném vào tầng trệt cùng với những vụ việc bế tắc khác ở sở cảnh sát Los Angeles. Tất cả những gì mà em gái của Chris được thừa hưởng sau cái chết của người anh là mô hình chiếc tàu Christina, chiếc du thuyền yêu dấu của người cha.

Jack gạt tập hồ sơ về Chris Jr sang một bên, và nhìn chằm chằm xuống cái tên Maria Vasconcellos, một quả phụ người Brazil, vốn là chủ nhân của một toà nhà với một bãi cỏ đầy những bức tượng. Moore, Giacometti, Remington, Botero và Calder là một vài tác giả trong số tác giả của những tác phẩm điêu khắc mà chồng của Senora Vasconcellos để lại. Thật không may, bà ta phải lòng một kẻ chuyên lừa gạt những người phụ nữ giàu có và khi hắn gợi ý – Chuông điện thoại trên bàn làm việc của Jack đổ chuông.

“Đại sứ quán của chúng ta ở London gọi điện tới”, thư ký của anh thông báo.

“Cảm ơn Sally”, Jack nói. Anh biết rằng đó chỉ có thể là Tom Crasanti, bạn của anh, người đã gia nhập FBI cùng ngày với anh.

“Thế nào, Tom, cậu khoẻ chứ?” anh hỏi trước cả khi nghe thấy giọng nói trong điện thoại.

“Cũng tạm”, Tom đáp. “Ngày nào cũng chạy, cho dù tớ không được khoẻ như cậu”.

“Thế thằng con nuôi của tớ thì sao?”

“Nó đang học chơi môn crikê”.

“Tên phản bội. Có tin tốt lành gì không?”

“Không”, Tom nói. “Đó là lý do tại sao tớ gọi cho cậu. Cậu sẽ phải mở một hồ sơ nữa”.

Jack cảm thấy toàn thân mình nổi gai ốc. “Lần này là ai vậy?” anh hỏi khẽ.

“Một phụ nữ, một Phu nhân, tên là Victoria Wentworth”.

“Bà ta chết như thế nào?”

“Giống hệt như ba trường hợp trước, bị cắt đứt họng, chắc chắn là bằng một con dao làm bếp”.

“Điều gì khiến cậu nghĩ rằng Fenston có liên quan đến vụ này?”

“Bà ta nợ ngân hàng này 30 triệu đôla”.

“Và lần này hắn muốn gì?”

“Một bức chân dung của Van Gogh”.

“Giá trị?”

“Có thể là 70 triệu đôla”.

“Tớ sẽ đi chuyến máy bay tiếp theo tới London”.

8

ào lúc 7:56, Anna gấp tập hồ sơ mang tên Wentworth lại rồi cúi xuống mở đáy ngăn kéo bàn làm việc của cô ra. Cô cất đôi giày đế mềm vào đó và lấy ra một đôi giày cao gót màu đen. Cô đứng dậy khỏi ghế, sắp xếp lại các tập hồ sơ và liếc nhìn vào gương – những sợi tóc đều nằm đúng vị trí.

Anna ra khỏi phòng làm việc và đi tới văn phòng lớn ở góc cuối hành lang. Một vài nhân viên của công ty chào cô, và cô đáp lại họ bằng một nụ cười. Một tiếng gõ nhẹ lên cánh cửa - cô biết Fenston đã ngồi chờ sẵn bên bàn làm việc của ông ta. Nếu cô chậm vài giây, ông ta sẽ không nhìn cô mà sẽ nhìn chăm chăm vào chiếc đồng hồ đeo tay của mình. Anna chờ để được gọi vào phòng, và cảm thấy ngạc nhiên khi cửa mở ra và trước mặt cô là Karl Leapman. Ông ta mặc một bộ complê giống hệt bộ complê mà Fenston đang mặc, dù chất vải thì hơi khác.

“Chào ông Karl”, cô chào ông ta với một nụ cười tươi tắn, nhưng không được đáp lại.

Vị chủ tịch ngước nhìn lên từ chỗ ngồi sau bàn làm việc và ra hiệu cho Anna ngồi đối diện với mình. Ông ta cũng không chào hỏi gì cô, nhưng ông ta vốn ít khi chào hỏi ai bao giờ. Leapman ngồi xuống chiếc ghế bên phải vị chủ tịch, hơi lùi về phía sau một chút, giống như một viên Hồng y Giáo chủ đang hầu cận đức Giáo hoàng. Thân phận đã được xác lập. Anna đoán rằng chỉ vài giây nữa, Tina sẽ xuất hiện với một ly cà phê đen trên tay, nhưng cửa phòng cô thư ký của vị chủ tịch vẫn đóng im.

Anna ngước nhìn lên bức tranh vẽ cảnh Argenteuil của Monet treo trên bức tường sau lưng ghế của vị chủ tịch. Dù Monet nhiều lần vẽ phong cảnh thanh bình trên bờ sông này, đây là một trong những bức đẹp nhất. Anna đã có lần hỏi vị chủ tịch xem ông ta có được bức tranh này từ đâu, nhưng ông ta lảng tránh câu hỏi của cô, và cô cũng không truy tìm được bất kỳ tài liệu nào về nguồn gốc của bức tranh.

Cô nhìn Leapman. Vẻ ngoài gầy gò và đói khát của ông ta khiến cô liên tưởng tới nhân vật Cassius

1. Dù là vào thời gian nào trong ngày, trông ông ta vẫn có vẻ như cần phải được cạo râu. Cô nhìn sang Fenston, một người chắc chắn không giống Brutus, và khẽ xoay mình một cách khó chịu trên ghế, cố để không tỏ ra rằng mình bị sự yên lặng làm cho bối rối. Sự yên lặng đó cuối cùng bị phá vỡ bằng một cái gật đầu của Fenston.

“Tiến sỹ Petrescu, có thông tin đáng buồn khiến ngài chủ tịch phải lưu tâm”, Leapman vào đề. “Có vẻ như”, ông ta tiếp tục, “cô đã gửi một trong những tài liệu riêng tư và bí mật của ngân hàng chúng ta cho một vị khách hàng, trước khi ngài chủ tịch có đủ thời gian để cân nhắc vấn đề”.

Ban đầu, Anna bị bất ngờ, nhưng rồi cô nhanh chóng lấy lại được sự bình tĩnh và đáp lại một cách từ tốn. “Ông Leapman, nếu ông đang muốn nói đến bản báo cáo của tôi, liên quan đến khoản tiền mà Wentworth định vay, thì ông đã nói đúng. Đúng là tôi có gửi một bản báo cáo cho Phu nhân Victoria Wentworth”.

“Nhưng ngài chủ tịch không có đủ thời gian để đọc kỹ bản báo cáo đó và để cân nhắc trước khi cô gửi nó cho khách hàng”, Leapman vừa nói vừa nhìn xuống mấy dòng ghi chú trên tờ giấy trước mặt.

“Không phải như vậy, thưa ông Leapman. Cả ông và ngài chủ tịch đều nhận được một bản sao báo cáo của tôi vào ngày 1 tháng Chín, trong đó tôi đề nghị nên tư vấn cho Phu nhân Victoria trước kỳ thanh toán tới”.

“Tôi không nhận được bản báo cáo đó”, Fenston nói một cách cộc cằn.

“Nhưng thực tế”, Anna nói, mắt vẫn không rời khỏi Leapman, “ngài chủ tịch đã xác nhận việc đã nhận được bản báo cáo của tôi, khi văn phòng chủ tịch gửi lại tôi mẫu đánh giá mà tôi gửi kèm cùng bản báo cáo”.

“Tôi chưa nhìn thấy bản báo cáo ấy”, Fenston nhắc lại.

“Có chữ ký tắt của ngài chủ tịch ở đây”, Anna vừa nói vừa lấy tờ mẫu đánh giá ra rồi đặt lên bàn trước mặt Fenston. Ông ta phớt lờ không thèm nhìn.

“Ít nhất thì cô cũng phải chờ ý kiến của tôi”, Fenston nói, “trước khi chuyển bản sao một tài liệu nhạy cảm như vậy ra khỏi nơi này”.

Anna vẫn chưa hiểu tạo sao bọn họ lại giở trò này ra với cô.

“Tôi đã đợi một tuần, thưa ngài chủ tịch”, cô trả lời. “Trong thời gian đó ngài đã không có ý kiến gì về những kiến nghị của tôi, cho dù theo lịch thì tối nay tôi sẽ bay đi London để gặp Phu nhân Victoria vào chiều mai. Tuy nhiên”, Anna tiếp tục trước khi vị chủ tịch phản ứng, “hai hôm trước tôi cũng đã gửi giác thư tới ngài”. Cô lại mở tập hồ sơ của mình ra, và đặt tờ giấy thứ hai lên bàn, trước mặt vị chủ tịch. Một lần nữa, ông ta phớt lờ.

“Nhưng tôi chưa đọc báo cáo của cô”, Fenston nhắc lại. Rõ ràng là ông ta đang bám theo một kịch bản được dựng sẵn.

Bình tĩnh, cô bé, bình tĩnh

, Anna nghe thấy tiếng nói của cha mình vang lên bên tai.

Cô hít một hơi dài trước khi tiếp tục. “Báo cáo của tôi chỉ là kiến nghị, không hơn không kém, gửi lên ban giám đốc. Và tôi cũng là thành viên của ban giám đốc. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu chúng ta bán bức Van Gogh, dù là bí mật hay thông qua một nhà đấu giá nào đó thì khoản tiền thu được cũng thừa đủ để thanh toán khoản tiền vay cho ngân hàng này, cả gốc lẫn lãi”.

“Nhưng có thể tôi không có ý định bán bức tranh đó”, Fenston nói, rõ ràng là sai với kịch bản.

“Ngài cũng không thể làm gì khác, nếu đó là yêu cầu của khách hàng”.

“Nhưng tôi có thể tìm ra một giải pháp khác tốt hơn cho vấn đề Wentworth”.

“Nếu quả thật là thế, thưa ngài chủ tịch”, Anna nói bằng một giọng không cảm xúc, “tôi thực sự ngạc nhiên khi ngài không hỏi ý kiến trưởng phòng nghiệp vụ phụ trách việc này, để chúng ta có thể thảo luận về bất kỳ sự khác biệt nào trong nhận thức và quan điểm trước khi tôi lên đường sang Anh quốc vào tối nay”.

“Thật là một ý nghĩ xấc láo”, Fenston cao giọng. “Tôi không cần phải báo cáo với ai”.

“Tôi không nghĩ rằng như thế là xấc láo, thưa ngài chủ tịch, chỉ là chuyện tuân thủ luật pháp mà thôi”, Anna nói bằng một thái độ bình tĩnh. “Theo quy định của pháp luật, ngân hàng có trách nhiệm phải thông báo cho khách hàng biết về những giải pháp thay thế. Tôi tin là ngài hiểu rõ rằng theo những quy định mới về hoạt động ngân hàng, do IRS đề xuất và mới được Quốc hội thông qua”.

“Và tôi tin là cô hiểu rõ rằng cô có trách nhiệm phục vụ tôi trước tiên”.

“Không, nếu tôi tin rằng một ai đó đang vi phạm luật pháp”, Anna đáp lại, “bởi vì tôi không bao giờ chấp nhận những chuyện như vậy”.

“Cô thách tôi đuổi việc cô à?” Fenston quát lên.

“Không, nhưng có vẻ như ông đang ép tôi phải từ chức”, Anna nói bằng một giọng điềm đạm.

“Dù gì thì”, Fenston vừa nói vừa xoay ghế và nhìn ra cửa sổ, “rõ ràng cô đã không còn vai trò gì trong ngân hàng này, đơn giản vì cô không có tinh thần đồng đội-một điều mà người ta đã cảnh báo tôi khi cô bị đuổi khỏi Sotheby”.

Đừng nổi giận, Anna nghĩ. Cô mím môi và nhìn chằm chằm vào bộ mặt nhìn nghiêng của Fenston. Cô vừa chuẩn bị lên tiếng thì nhận thấy có một cái gì đó khang khác trên bộ mặt ấy. Đó chính là một chiếc khuyên tai mới. Điệu đà, phù phiếm là bản chất của con người này, không thể nói khác đi. Vị chủ tịch xoay ghế lại và nhìn thẳng vào mặt cô. Cô nhìn trả lại.

“Thưa ngài chủ tịch, tôi biết cuộc nói chuyện này được ghi âm, vì vậy tôi phải làm rõ một điều. Có vẻ như ngài không hiểu gì về những quy định của ngành ngân hàng, và chắc chắn ngài không biết gì về bộ luật lao động, bởi vì ép buộc một đồng nghiệp lừa đảo một phụ nữ ngây thơ để chiếm đoạt gia sản của người ấy là một tội ác, và tôi nghĩ rằng ông Leapman đây, với những kinh nghiệm của mình, về cả hai khía cạnh của luật pháp, có thể giải thích cho ngài hiểu”.

“Cút ngay, trước khi tôi tống cô ra ngoài”, Fenston thét lên, đồng thời đứng bật dậy và nhoài người về phía Anna. Cô chầm chậm đứng lên, quay lưng lại phía Fenston và bước ra cửa.

“Và điều đầu tiên cô có thể làm là dọn bàn làm việc của mình đi vì tôi muốn cô phải cuốn xéo khỏi nơi này trong vòng mười phút. Nếu sau đó cô vẫn còn lảng vảng ở đây, tôi sẽ gọi bảo vệ quẳng cô ra ngoài”.

Anna không nghe thấy những lời cuối cùng của vị chủ tịch bởi vì lúc đó cô đã khép cánh cửa lại sau lưng mình.

Người đầu tiên cô nhìn thấy khi bước ra hành lang là Barry; rõ ràng anh ta đã nhận được chỉ thị phải đứng chực sẵn ở đó. Giờ thì cô có thể khẳng định rằng toàn bộ tấn trò này đã được dàn dựng từ rất lâu trước khi cô bước vào văn phòng chủ tịch.

Anna bước theo hành lang và cố giữ bình tĩnh. Barry theo sát gót cô, đôi khi gã chạm cả vào khuỷu tay cô. Cô bước qua một thang máy đã mở sẵn và băn khoăn không hiểu nó đang chờ ai, chắc chắn là không phải chờ cô. Anna trở lại phòng làm việc của mình sau khi rời khỏi đó trong vòng chưa đầy 15 phút. Lần này Rebecca đang chờ cô. Cô ta đang đứng sau bàn làm việc của cô và đặt tay lên một chiếc thùng các tông lớn màu nâu. Anna bước qua phòng lại phía chiếc bàn, và khi cô vừa định bật chiếc máy tính lên thì nghe thấy một giọng nói sau lưng mình, “Không được đụng vào bất cứ thứ gì. Đồ đặc riêng của cô đã được đóng gói rồi, vì vậy đi đi thôi”. Anna quay lại và thấy Barry đang đứng ở giữa cửa.

“Em xin lỗi”, Rebecca nói. “Em đã cố gọi điện để báo trước cho chị, nhưng”.

“Không được nói chuyện với cô ta”, Barry quát lên, “đưa chiếc thùng cho cô ta đi. Cô ta không còn là người của công ty nữa”. Barry đặt tay lên cán chiếc dùi cui bên hông gã. Anna tự hỏi không hiểu gã có biết trông gã lố bịch đến mức nào không. Cô quay lại nhìn Rebecca và mỉm cười.

“Không phải lỗi tại em”, cô nói với người thư ký của mình khi cô ta chuyển cho cô chiếc thùng.

Anna đặt chiếc thùng xuống bàn, ngồi xuống và kéo ngăn tủ ra.

“Không được sờ đến những tài sản của công ty”, Barry nói.

“Tôi nghĩ ngài chủ tịch sẽ không cần đến đôi giày đế bằng của tôi”, Anna vừa nói vừa cởi đôi giày cao gót ra và cho vào chiếc hộp. Rồi cô đi đôi giày đế bằng vào chân, buộc chặt giây lại, nhấc chiếc thùng lên và đi thẳng ra hành lang. Cô không thể giữ được vẻ điềm tĩnh nữa. Mọi người đều biết rằng tiếng quát tháo trong văn phòng chủ tịch và việc cô bị Barry theo sát chỉ có thể, có nghĩa là cô đã bị tống khứ khỏi nơi này. Lần này những người có mặt trong hành lang đều vội chui vào phòng mình, tránh phải chào hỏi và nói chuyện với cô.

Gã trưởng ban an ninh đưa người mà gã có nhiệm vụ giám sát tới một căn phòng rộng ở phía cuối hành lang mà Anna chưa từng đặt chân tới. Khi cô đã bước vào trong, Barry lại đứng chắn giữa cửa. Rõ ràng là những người trong phòng này đã được báo trước, bởi vì chẳng có ai dám chào cô; họ sợ chuyện đó sẽ bị báo lại với vị chủ tịch. Một anh chàng đưa cho cô một tờ giấy có con số 9116 in đậm. Tiền lương hàng tháng của Anna. Cô ký vào tờ giấy, không nói một lời.

“Tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của chị cuối chiều nay”, anh ta nói, mắt vẫn nhìn xuống.

Anna ngoảnh lại và thấy kẻ giám sát mình vẫn đứng đó với một bộ mặt đầy hăm doạ. Khi cô rời khỏi phòng kế toán, Barry theo sát cô trong hành lang không người.

Khi tới thang máy, Barry ấn nút có mũi tên chỉ xuống, trong khi Anna chuyển tay ôm chiếc thùng.

Cả hai đang chờ buồng thang máy mở ra, và đúng vào lúc đó thì chiếc máy bay thuộc chuyến bay số 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tầng thứ 94 của toà Tháp Bắc.

uth Parish nhìn lên chiếc bảng điện tử báo giờ khởi hành của các chuyến bay được trên tường trước mặt bà. Bà thở phào nhẹ nhõm khi thấy chuyến bay 107 của hãng United tới sân bay JFK cuối cùng cũng đã khởi hành vào lúc 1:40 chiều. Chậm hơn lịch trình 40 phút.

Ruth và chồng mình là Sam đã sáng lập nên công ty Art Locations gần mười năm trước, và khi ông ta bỏ rơi bà để chạy theo một phụ nữ trẻ đẹp, bà được tiếp quản công ty này. Ruth vùi đầu vào công việc với những chuyến máy bay, tàu hoả và tàu chở hàng chẳng bao giờ đúng lịch trình. Vận chuyển những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại và không vĩ đại từ nơi này đến nơi khác giúp bà có thể kết hợp khiếu tổ chức với niềm đam mê cái đẹp của mình, dù nhiều khi bà chỉ được nhìn thoáng qua những tác phẩm nghệ thuật mà bà chuyên chở.

Ruth đi lại khắp nơi trên thế giới để nhận tiền hoa hồng của những chính phủ đang muốn tổ chức các cuộc triển lãm quốc gia, đồng thời bà cũng làm ăn với các chủ phòng tranh, các nhà buôn và các nhà sưu tầm cá nhân, những người thường chẳng quan tâm tới chuyện gì ngoài việc chuyển những bức tranh quý từ ngôi nhà này sang ngôi nhà khác. Theo năm tháng, nhiều khách hàng đã trở thành những người bạn thân của bà. Nhưng Bryce Fenston thì không. Từ lâu Ruth đã rút ra kết luận rằng những cụm từ như “cảm ơn” và “xin mời” không có trong vốn từ vựng của ông ta, và rõ ràng bà cũng không có tên trong danh sách những người được nhận thiệp mừng giáng sinh của nhân vật này. Yêu cầu gần đây nhất của Fenston là chuyển một bức tranh của Van Gogh từ Lâu đài Wentworth thẳng tới văn phòng của ông ta tại New York, không được chậm trễ một phút nào.

Việc kiếm một giấy phép xuất khẩu cho một kiệt tác như vậy không phải là khó, bởi vì hiếm có bảo tàng hay viện nghiên cứu nào có đủ 60 triệu đôla để ngăn chặn việc đó. Đặc biệt là sau khi Phòng tranh Quốc gia của Scotland đã không kiếm đủ 7,5 triệu bảng Anh để ngăn chặn việc đưa bức tranh Người đàn bà lúc bình minh ra khỏi nước này. Bức tranh ấy hiện nay đã thuộc về một nhà sưu tầm cá nhân ở Mỹ.

Khi một người có tên là Andrews, quản gia của Lâu đài Wentworth, gọi điện vào hôm trước để báo rằng bức tranh đã được chuẩn bị sẵn sàng, Ruth đã thu xếp để đưa một chiếc xe tải chống cướp có độ an toàn cao tới Lâu đài đó vào lúc 8 giờ sáng. Bà đi đi lại lại trong khi suốt ruột chờ đợi chiếc xe. Nó quay trở lại và đỗ trước văn phòng của bà lúc sau 10 giờ sáng.

Sau khi bức tranh đã được đưa xuống, Ruth giám sát kỹ lưỡng việc đóng gói để chuyển nó tới New York, một công việc mà bà thường giao cho các nhân viên quản lý của mình. Bà đứng cạnh người thợ đóng hàng già dặn nhất của mình trong khi ông ta cẩn thận bọc bức tranh một cách chuyên nghiệp bằng giấy không thấm nước và chống a xít rồi đặt nó vào một chiếc thùng lót xốp mà ông ta đã thức cả đêm để đóng cho kịp. Các đinh vít được vít chặt khắp quanh chiếc thùng, và chỉ những ai có dụng cụ chuyên dụng mới có thể mở được. Những đèn báo đặc biệt được gắn lên thùng; các đèn báo này sẽ hiện màu đỏ nếu có ai đó tìm cách mở chiếc thùng ra trong chuyến đi. Người thợ đóng hàng viết dòng chữ HÀNG DỄ VỠ lên hai bên hông thùng và con số 47 lên cả bốn góc thùng. Người nhân viên hải quan nhướng mày khi kiểm tra giấy tờ vận chuyển, nhưng vì đã có giấy phép xuất khẩu kèm theo, anh ta lại hạ mày xuống.

Ruth lái xe tới chỗ chiếc máy bay 747 đang nằm chờ và tiếp tục công việc giám sát cho đến chiếc thùng đã biến vào trong khoang hành lý khổng lồ. Bà chờ cho đến khi chiếc cánh cửa nặng nề đã nằm an toàn vào chỗ của nó rồi mới lái xe quay trở lại văn phòng của mình. Bà kiểm tra đồng hồ và mỉm cười. Chiếc máy bay cất cánh vào lúc 1:40 chiều.

Ruth bắt đầu nghĩ đến bức tranh sắp được đưa từ bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam tới vào tối hôm đó để kịp tham dự cuộc triển lãm Những người phụ nữ của Rembrandt do Học viện Hoàng gia tổ chức. Nhưng bà phải gọi điện tới Fenston Finance để báo cho họ biết rằng bức tranh của Van Gogh đang trên đường tới đích trước đã.

Bà quay số của Anna tại New York và chờ tín hiệu trả lời.

ột tiếng nổ khủng khiếp vang lên, và toà tháp bắt đầu chao đảo từ bên này sang bên kia.

Anna bị ném dọc theo hành lang và cuối cùng cô nằm bẹp xuống sàn như vừa bị một võ sỹ hạ gục. Các cánh cửa thang máy mở ra, và cô nhìn thấy một quả cầu lửa cuồn cuộn tìm kiếm những con mồi. Những luồng hơi nóng đập vào mặt cô như thể cánh cửa của một chiếc lò khổng lồ vừa bị bật ra. Anna nằm bẹp dưới sàn, choáng váng.

Ý nghĩ đầu tiên của cô là toà nhà chắc đã bị sét đánh, nhưng rồi cô ngay lập tức gạt bỏ ý nghĩ đó bởi vì bầu trời hôm ấy không có lấy một gợn mây. Một sự yên lặng kỳ quái bao trùm toà nhà và Anna tự hỏi phải chăng cô đã chết, nhưng rồi sự yên lăng kỳ quái ấy nhanh chóng bị phá tan bởi những tiếng la hét “Chúa ơi!”, trong khi kính vỡ, bàn ghế và những thanh kim loại bay qua những chiếc cửa sổ trước mặt cô.

Chắc chắn là một quả bom, đó là ý nghĩ thứ hai của cô. Những ai đã từng có mặt trong toà nhà đó vào năm 1993 đều kể lại những gì đã xảy đến với họ vào cái buổi chiều tháng Hai buốt giá ấy. Nhiều câu chuyện được kể lại hoàn toàn là sản phẩm của óc tưởng tượng, nhưng sự thật thì rất giản đơn. Một chiếc xe tải chất đầy thuốc nổ được đưa vào gara ngầm bên dưới toà nhà. Khi nó phát nổ, sáu người bị thiệt mạng và hơn một nghìn người khác bị thương. Năm tầng hầm bị phá huỷ hoàn toàn, và phải mất nhiều giờ người ta mới có thể sơ tán hết những người đang có mặt trong toà nhà. Kể từ đó, tất cả những ai làm việc trong Trung tâm Thương mại Thế giới đều phải tham gia luyện tập cứu hoả thường xuyên. Anna cố nhớ lại những gì mà người ta đã căn dặn cô phải làm trong những tình huống như thế này.

Cô nhớ đến những lời chỉ dẫn màu đỏ được in đậm dán trên cửa thoát hiểm dẫn vào cầu thang bộ tại tất cả các tầng: “Trong trường hợp khẩn cấp, không nên quay trở lại bàn làm việc, không được sử dụng thang máy, thoát ra ngoài bằng cầu thang bộ theo lối thoát hiểm gần nhất”. Nhưng trước hết Anna phải thử xem cô có thể đứng dậy được không đã. Cô nhận thấy một mảng trần đã rơi đè lên người mình và toà nhà vẫn đang lắc lư. Cô cố gắng lấy lại bình tĩnh và gượng đứng dậy. Mặc dù trên người cô có nhiều vết thương, dường như không có vết thương nào đặc biệt nguy hiểm, và không có một chiếc xương nào bị gẫy. Cô thử làm vài động tác khởi động, giống như những khi cô chuẩn bị tập chạy.

Anna bỏ lại chiếc thùng các tông và loạng choạng đi về phía cầu thang C ở giữa toà nhà. Một vài đồng nghiệp của cô cũng đã lấy lại được bình tĩnh, vài một vài người thậm chí còn quay trở lại phòng làm việc để lấy đồ đạc và tài liệu.

Khi đi dọc hành lang, Anna gặp một số người và được chào hỏi bằng những câu hỏi mà cô không có câu trả lời.

“Chúng ta phải làm gì?” cô thư ký hỏi.

“Chúng ta nên đi lên hay đi xuống?” chị lao công quét dọn vệ sinh hỏi.

“Chúng ta có nên đợi người ta đến cứu không?” một thương gia tóc vàng hỏi.

Đây là những câu hỏi dành cho trưởng ban an ninh, nhưng không thấy Barry đâu.

Khi tới cầu thang bộ, cô nhập vào một nhóm người đang trong trạng thái hoảng loạn, một số thì yên lặng, một số khác thì gào thét; họ gần như chẳng biết phải làm gì tiếp theo. Không ai biết nguyên nhân của tiếng nổ và lý do tại sao toà nhà vẫn còn lắc lư. Dù một số bóng đèn ở cầu thang đã bị tắt, dải dạ quang dọc theo viền các bậc cầu thang vẫn đủ để cô nhìn rõ mọi người.

Một số người quanh cô đang cố liên lạc với bên ngoài qua điện thoại di động, nhưng hầu như chẳng có mấy ai thành công. Một anh chàng đang nói chuyện với vợ quay sang nói với những người xung quanh: “Một chiếc máy bay đã đâm vào toà tháp”.

“Nhưng ở đâu, ở đâu?” nhiều giọng nói cùng lên tiếng. Anh ta chuyển câu hỏi đó cho vợ mình. “Ở phía trên, tầng thứ chín mươi mấy gì đó”, anh ta vừa nghe điện thoại vừa nói với những người xung quanh.

“Nhưng chúng ta phải làm gì bây giờ?” viên kế toán trưởng, người vẫn đứng yên ở bậc cầu thang trên cùng từ nãy tới giờ, hỏi. Anh chàng kia lại chuyển câu hỏi đó cho vợ, và chờ đợi câu trả lời. “Thị trưởng khuyên mọi người phải ra khỏi toà nhà càng nhanh càng tốt”.

Nghe thấy vậy, tất cả mọi người đang có mặt trong cầu thang đều vội ào xuống tầng 82. Anna ngoái nhìn lại qua các cửa sổ bằng kính và ngạc nhiên khi thấy nhiều người vẫn ngồi yên tại bàn làm việc của họ, như thể họ đang trong nhà hát và đang chờ đợi màn tiếp theo.

Anna nghe theo lời khuyên của ông thị trưởng. Cô bắt đầu đếm các bậc cầu thang trong khi đi xuống. Mỗi tầng mười tám bậc. Điều đó có nghĩa là còn ít nhất một nghìn năm trăm bậc nữa trước khi cô xuống đến đại sảnh. Cầu thang ngày càng đông người hơn khi hàng đoàn người từ các tầng đang đổ dồn về đó, khiến cho nó có vẻ giống như một chuyến tàu điện ngầm vào giờ cao điểm. Anna ngạc nhiên khi thấy mọi người gần như đã lấy lại được vẻ bình thản.

Dòng người trong cầu thang nhanh chóng chia thành hai làn, một làn chuyển động chậm ở mé trong, và một làn chuyển động nhanh ở mé ngoài. Nhưng cũng giống như trên mọi con đường cao tốc, luật lệ không phải lúc nào cũng được tuân thủ, vì vậy đôi khi dòng người nghẽn lại một lúc rồi mới lại tuôn xuống một cách khó nhọc. Mỗi khi xuống đến một chiếu nghỉ ở cầu thang lại có người dừng lại, trong khi những người khác vẫn cố cất bước.

Anna vượt một ông già đội mũ nỉ đen. Cô nhớ là đã từng gặp ông ta nhiều lần trong mấy năm qua, và lần nào ông ta cũng đội chiếc mũ đó. Cô quay lại mỉm cười chào ông ta và ông ta nhấc mũ ra.

Tiến lên, tiến lên, tiến lên, cô rẽ dòng người để lao xuống, đôi khi chỉ mất không đầy một phút để xuống hết một tầng, nhưng thường thì cô bị cản lại bởi những người vừa xuống được vài ba tầng đã kiệt sức. Làn bên ngoài ngày càng đông khiến cô khó có thể bứt phá tốc độ.

Anna nghe thấy một mệnh lệnh rõ ràng đầu tiên khi cô xuống đến tầng thứ 68.

“Tránh sang bên phải, giữ đều tốc độ”, một giọng nói vang lên ở đâu đó bên dưới cô. Cho dù mệnh lệnh đó ngày càng nghe rõ hơn sau mỗi bậc cầu thang mà cô đi qua, phải xuống mấy tầng nữa Anna nhìn thấy người lính cứu hoả đầu tiên đang chầm chậm tiến về phía cô. Anh ta mặc một bộ quần áo chống cháy rộng thùng thình, và mồ hôi chảy ròng ròng sau chiếc mũ cứu hoả mang số hiệu 28 của anh ta. Anna không hiểu anh ta sẽ ra sao sau khi leo lên 30 tầng nữa. Đồng thời có vẻ anh ta phải mang theo quá nhiều thứ trên mình: những cuộn dây thừng trên một bên vai và hai bình ô xy trên lưng, giống như một nhà leo núi đang tìm cách chinh phục đỉnh Everest. Một người lính cứu hoả nữa xuất hiện ngay phía sau anh ta, vác theo một chiếc vòi phun dài lòng thòng, sáu chiếc sào và một bình nước uống. Anh lính cứu hoả này đổ nhiều mồ hôi đến mức chốc chốc anh ta lại dừng lại, tháo chiếc mũ ra và đổ một ít nước lên đầu.

Những người tiếp tục rời bỏ bàn làm việc và hoà vào dòng người đang di tản xuống dưới hầu hết đều câm lặng, cho đến khi một ông già trước mặt Anna bị vấp ngã vào một người phụ nữ. Người phụ nữ bị cạnh bậc cầu thang cứa đứt chân và quay lại trách mắng ông già.

“Không sao đâu”, một giọng nói cất lên sau lưng Anna. “Tôi đã trải qua chuyện này hồi năm 1993, và tôi có thể nói với chị rằng như thế này chưa là gì cả”.

Anna cúi xuống đỡ ông già dậy, giảm tốc độ và tránh sang bên để nhường chỗ cho vài người khác vượt qua.

Cứ mỗi khi xuống đến một chiếu nghỉ mới, Anna lại nhìn chằm chằm những người còn ngồi nán lại bàn làm việc qua các ô cửa kính. Dường như họ hoàn toàn không để ý đến dòng người đang tuôn xuống trước mặt mình. Cô thậm chí còn nghe lỏm được những mẩu đối thoại qua những chiếc cánh cửa rộng mở. Một người ở tầng 62, một nhà môi giới, đang cố thực hiện một giao dịch trước khi thị trường mở cửa vào lúc 9 giờ. Một người khác thì nhìn cô chằm chằm, như thể ô cửa sổ bằng kính là một chiếc màn hình ti vi và ông ta đang tường thuật một trận bóng đá. Ông ta đang tường thuật lại mọi chuyện với một người bạn ở Tháp Nam.

Ngày càng có nhiều lính cứu hoả xuất hiện trèo ngược lại hướng di tản của dòng người, biến cầu thang thành một xa lộ hai chiều với những câu mệnh lệnh không ngớt của họ, “Tránh sang bên phải, giữ đều tốc độ”. Anna tăng tốc, nhưng một số người dường như không đi nổi nữa, và chính họ luôn làm chậm bước tiến của cô. Cho dù toà nhà không còn lắc lư nữa, nét kinh hoàng vẫn hiện rõ trên khuôn mặt những người quanh cô. Họ không biết chuyện gì đã diễn ra trên đầu họ, và cũng không biết cái gì đang chờ họ bên dưới. Anna cảm thấy như mình có tội khi cô vượt qua một bà cụ đang được hai thanh niên khiêng xuống bằng một chiếc ghế da. Hai chân bà cụ sưng phồng, và bà cụ thở một cách khó nhọc.

Tiến lên, tiến lên, tiến lên, hết tầng này đến tầng khác, Anna cố giữ vững tốc độ, nhưng rồi đến lúc cô thấm mệt.

Cô nghĩ tới Tina và Rebecca, và cầu nguyện cho cả hai người ấy được an toàn. Cô thậm chí còn hình dung thấy cảnh Fenston và Leapman vẫn còn ngồi lại trong văn phòng chủ tịch với niềm tin rằng họ là những người hoàn toàn bất khả xâm phạm trước bất kỳ một mối hiểm nguy nào.

Anna bắt đầu cảm thấy tự tin rằng giờ đây cô đã được an toàn và cuối cùng sẽ thoát khỏi cơn ác mộng này. Cô thậm chí còn mỉm cười trước ý nghĩ về việc cô sẽ thuật lại chuyện này như thế nào, vừa lúc ấy có ai đó la lên ngay sau lưng cô, “Một chiếc máy bay nữa đã lao vào Tháp Nam!”

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: