Phần 1 - Án Sát Tiên Sinh
Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt!
Cổ nhân để lại chỉ một câu nói mà tựa như thiên văn vạn quyển răn dạy hậu thế nên sống biết trước biết sau, hành thiện tích đức, tránh làm chuyện xấu, tất cả đều được thiên nhãn xét soi, đèn trời tỏ rạng. Ví như mới hôm nay đọc báo xem đài, thấy vụ giết người kinh thiên động địa, tưởng chừng như không có kẽ hở, ấy vậy mà một hai ngày sau, thủ phạm đã bị tóm với đầy đủ chứng cớ, đấy là chỗ chính xác của pháp luật, khiến người dân an tâm.
Nhưng có ai thử hỏi, ngày nay, với khoa học phát triển, kỹ thuật hình sự ngày càng hoàn thiện, chỉ một dấu vân tay, một giọt máu, một lời trăn trối thì mọi chuyện đều được khoa học làm sáng tỏ, còn những thế kỷ trước thì sao, trong khi trọng án thời nào cũng có đấy thôi?
Để trả lời câu hỏi này, hãy lật lại lịch sử một chút. Năm 711, tức năm Cảnh Long thứ hai, vua Lý Đán nhà Đường bên Trung Quốc đặt ra chức Án Sát Sứ, trực thuộc trung ương, cử về địa phương xem xét hành vi của quan lại, có thể gọi tương tự như thanh tra ngày nay. Trong các quận huyện địa phương, đất Việt Nam ngày ấy được gọi là quận Giao Chỉ, tục lệ Án Sát Sứ được hình thành tại nước ta. Đến năm Hồng Đức thứ 2, (thời vua Lê Thánh Tông, 1471), vua chia cả nước ra làm mười hai Thừa Tuyên, Án Sát Sứ đặt tại mỗi Thừa Tuyên, sau đó chức danh này không còn nữa. Mãi đến năm 1614, thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đặt chức Ký lục, chức năng khá giống Án Sát, thời Minh Mạng mới đổi tên lại là Án Sát phụ trách việc xét xử án lớn, thanh tra các địa phương, đến thời Tự Đức thì được coi như một chức Tỉnh phó đối với tỉnh nhỏ.
Nói về những Án Sát nổi tiếng thời Nguyễn có rất nhiều, trong đó phải kể đến một Án Sát của tỉnh Vĩnh Long, Dương Quang Kiệt. Chuyện của vị quan nổi tiếng này cũng nhuốm phần liêu trai, nguyên là do thân phụ của ông là nho sinh ở trấn Thuận Hóa lưu lạc vào, tên là Dương Chính, vô cùng thông tuệ học đâu nhớ đấy, gia cảnh cũng thuộc dạng trung lưu, năm mười bảy tuổi đã đỗ Tiến sỹ, vợ là Lưu thị nhất mực ngoan hiền, thương yêu gia đình chồng rất cung kính. Nói thế chẳng phải Dương tiên sinh quả là danh vọng đời người đều đã đạt được, chẳng hề có phiền não hay sao? E đó lại là chuyện khác. Mặc dù hai vợ chồng đã cố gắng nhưng vẫn không tài nào có con, đến năm ba mươi hai tuổi vẫn vậy, gia đình chạy chữa thuốc thang đủ cả, đến độ khí huyết của Chính thay đổi, mất đi năng lực nam giới, tình cảnh hầu như lâm vào tuyệt vọng.
Lưu thị thấy chồng đau khổ, hàng ngày vẫn tụng kinh niệm Phật, đi chùa cầu tự, làm phúc đủ các kiểu, hy vọng trời xanh mủi lòng mà ban phước cho phận bạc. Một hôm vị phu nhân đi từ chùa ra, vô tình bị một ông lão mù đụng phải. Ông lão tuy trông có vẻ rách rưới, bốc mùi hôi thối nhưng khuôn mặt hết sức uy nghiêm đạo mạo, hai tròng mắt rỗng không. Bọn hầu thấy vậy định gông cổ ông lão giải lên quan thì Dương phu nhân ngăn lại, la rầy đám hầu bảo là lão mù thì làm gì có lỗi, đoạn quay sang hỏi han ông ta. Lão mù ấy hỏi phu nhân có bị sao không, ông ta hết sức áy náy. Phu nhân đáp không sao, vừa định quay bước đi thì nghe lão ấy gọi với lại, nói rằng: "Lão phu bị mù, hàng ngày đi trên đường đều đếm bước chân mà biết mình đang ở địa điểm nào, phu nhân đi viếng Cổ Lam Tự này, hẳn là muốn cầu con, biết đâu lão phu có thể chỉ cách."
Dương phu nhân bán tín bán nghi, nhưng nhìn mặt lão mù cảm giác như tiên thánh bất phàm, bất giác thấy có phần tin tưởng được, liền hỏi ngay cách đó thế nào. Ông lão lấy trong tay áo ra ba mảnh xương khô, bảo là giờ Mão ngày mai, đi về hướng Đông ba dặm sẽ thấy một cây chuối hột có ba tàu lá, bên dưới buộc một con chó cái đang cho chó con có bộ lông màu tía bú, cứ để ba mẩu xương ấy ở đấy rồi quay về nằm, ắt sẽ có hiệu nghiệm. Nói xong ông lão sấn bước đi tới, nhẹ như không, trông như người sáng mắt, loáng cái đã mất tăm. Phu nhân về đem chuyện này kể lại Dương Chính, Chính nghe cũng bán tín bán nghi, tuy nhiên đến nước này rồi, có cách nào thì thử cách đấy thôi, bèn nói vợ cứ làm vậy xem sao.
Hôm sau, Lưu thị làm theo lời ông lão dặn, đến lúc quay về nằm thì thấy từ phía cửa có một bóng màu tía nhỏ vụt chạy vào, phóng lên phản chỗ bà đang nằm rồi chui tọt vào bụng biến mất. Giật mình tỉnh dậy thì chỉ là giấc mơ, nhưng bà sực nhớ lại, không chừng gặp thần tiên gì đấy, chuyển hóa vật nuôi nhờ gia đình bà nuôi nấng. Quả nhiên sau đó ít lâu, vợ chồng bà nhận được tin vui, chín tháng sau thì một bé trai kháu khỉnh chào đời. Quang Kiệt nổi tiếng thông minh, lên ba đã viết chữ ngay hàng thẳng lối, sáu bảy tuổi thì tứ thư ngũ kinh đã làu thông, dĩ nhiên sau này đi thi liền đỗ cao. Trong buổi yến vua đãi, Quang Kiệt đối đáp lanh lẹ, kinh sử am tường, lại có nhãn quan suy luận hết sức đặc biệt khiến vua khâm phục bội phần, lệnh cho người đúc lệnh bài làm bằng vàng và đồng đen, khắc bốn chữ "Án Sát Kim Lệnh" ban cho, phái về làm Án Sát tỉnh Vĩnh Long.
Tương truyền đỉnh đầu ông có bốn chỏm tóc màu tía, là hiện thân cho Tử Nghê (con Nghê màu tía), thú cưỡi của Thiên Nam Lão Quân thuộc Nam Hải. Mỗi lần xử vụ án khó ông thường lấy tay vò búi tóc ấy, tự khắc tìm được cách phá án, trăm lần không sai, khắp nơi nức tiếng, giải được nhiều vụ trọng án, triều đình hết sức tin dùng. Tuy nhiên càng về sau, chốn quan trường càng làm ông thấy mệt mỏi, bèn cáo bệnh xin từ quan, vật quý trong nhà đều đem bán để làm từ thiện, chỉ giữ lại kim lệnh truyền thừa cho con cháu, sau đó cũng biệt tích khỏi thế sự, chẳng ai biết ông cùng gia đình đi đâu về đâu. Tuy nhiên cứ mỗi lần xảy ra trọng án, người ta lại xôn xao khi thấy một người có búi tóc màu tía xuất hiện, để lại cách phá giải rồi lại biến mất, dân tình đồn đoán đó là hậu duệ của ông kế thừa được thiên tính. Pháp vào xâm lược, nước nhà sinh loạn, dần chẳng còn ai nhớ đến huyền thoại Tứ Tử Mao đó nữa, cho đến những năm đầu thế kỷ XX...
Tại tổng Hải Bình, tỉnh Sa Đéc đang rộ lên vụ kỳ án hết sức rùng rợn. Chỉ trong vòng bốn tháng đã có hơn hai mươi thanh niên trai tráng bị mất tích. Cứ sau khi có một hộ lên báo người thân biến mất, độ vài ngày sau thì những mảnh xác bị chặt ra được vứt rải rác khắp nơi, hôm sau thì mới thấy cái đầu, khiến dân làng hoang mang tột độ. Đó giờ chỉ nghe chuyện con nít hoặc trinh nữ bị bắt cóc nhằm luyện yêu thuật chứ chưa nghe chuyện bắt thanh niên trai tráng như vậy. Cai tổng cứ lôi mấy ông Hương chức lên hạch sách sao mãi chưa bắt được kẻ thủ ác, thậm chí chuyện này làm tay Thống đốc hết sức bẽ mặt khi sắp hết nhiệm kỳ của y mà mọi chuyện bung bét ra thành thế này thì làm sao tại nhiệm được cơ chứ? Cai tổng Quỳnh đỏ mặt tía tai, đập bàn quát tháo ầm ĩ một thôi một hồi mới lệnh cho đám Hương chức, hạn trong ba ngày phải tìm ra được hung thủ, nếu không cho vào khám cả lũ.
Nghe đến đó ông nào ông nấy mặt mày tái xanh, chỉ biết cúi đầu dạ vâng rồi lủi về thẳng. Cai Quỳnh thấy đám Hương chức ra khỏi cổng thì quay sang bảo đám hầu lui hết xuống nhà dưới rồi đi vào buồng. Tuy là ban ngày nhưng bên trong tối mờ mờ, chỉ có hai cây đèn cầy cháy gần tàn, cửa sổ đều đóng kín. Ông ta tới bên cái tủ quần áo, đẩy nhích nó sang một bên để lộ ra một đường hầm âm u như chốn hoàng tuyền. Cai Quỳnh đốt một cây nến rồi tiến vào trong, không quên sập cửa lại, cái tủ trở về vị trí bình thường, thần không biết quỷ không hay.
Đi xuống chừng ba mươi bậc thang là căn hầm cũng to như phòng ông ta, ở đó đốt sẵn năm sáu cây đuốc khiến khói xông lên cay xè. Giữa phòng kê một cái bàn gỗ lấm lem dầu mỡ... và máu. Trên đó đang trói một thanh niên chừng hai hai, hai ba tuổi còn đang bất tỉnh nhân sự. Trong góc phòng, bà Cai đang lầm rầm khấn vái bên bàn thờ, vật được thờ ở trên trông như thờ cái xác khô bị cụt đầu, nhỏ bằng đứa con nít. Cai Quỳnh hỏi vợ: "Thằng này mãi chưa tỉnh, có bị trễ hạn không?"
Bà Cai lạnh lùng đáp: "Trễ thì sắp rồi, con mẹ nó, mãi mà không tìm ra được cái xác nào hợp, ông còn đứng đực ra đó làm gì, lo qua đây bắt lò thuốc với tui coi."
Hai vợ chồng loay hoay bắc nồi đất to tướng lên bếp, dùng thứ gì đó như khúc mía khuấy liên hồi đến khi nước trong nồi sệt lại thì một mùi hương bốc lên, thơm ngát nhưng tạo cảm giác ma mị khó tả. Bỗng nhiên phía sau vang lên giọng nói của cậu thanh niên nọ: "Ai mà ngờ được người hối thúc Hương chức truy tìm thủ phạm lại là thủ phạm."
Cai Quỳnh hốt hoảng quay sang nhìn thì thấy cậu ta đã ngồi dậy từ lúc nào, dây trói đều đứt cả, lão ta kêu lên: "Thằng này, mày là ai?"
Cậu thanh niên nọ khịt mũi rồi nói: "Ai đời phạm nhân lại được hạch sách quan trên thế này?"
Bà vợ dường như nhận ra được gì đó, vội kêu lên: "Án... Án Sát Tiên Sinh?"
Hôm sau, vừa mới tờ mờ sáng, người dân làng Tú Mỹ được một phen kinh hãi khi thấy xác cụt dầu của vợ chồng lão Cai ác ôn bị trói lại trước nghĩa địa, bên dưới là một tấm bảng ghi bằng chữ Hán, chữ vuông vắn rất đẹp, trên đó thuật lại như sau: Năm năm trước, con trai độc nhất của lão Cai bị một tấm gương rơi, cắt đứt đầu, lúc ấy hai vợ chồng lão suy sụp hoàn toàn. Lúc làm lễ một trăm ngày cho con, có ông lão đi xăm xăm vào, nhìn bài vị và bát tự rồi bấm tay, sau đó nói nhỏ với Cai Quỳnh rằng hoàn toàn có thể cứu được thiếu gia. Cai Quỳnh bán tín bán nghi, bèn lưu lão già lại ở nhà mình để hỏi chuyện, sau đó hoàn toàn bị thuyết phục.
Hai vợ chồng liền làm theo lời lão dặn, đem ngâm xác con vào thuốc cho hồn phách thiếu gia đừng tan biến, đợi đúng năm năm sau mới thi triển tà thuật hồi sinh. Mười ngày một lần bắt một người sống, thanh niên khỏe mạnh, cho uống thuốc, đợi một nén nhang cho thuốc ngấm vào máu sau đó thì cắt cổ, hứng máu để vào thau, khi máu vừa ngưng chảy lập tức cắt đầu ra, để lên bàn, ướm thử cái xác vào, sau đó dùng máu vừa hứng được, đập dập ngãi bỏ vào, khuấy ba cái, đổ nhẹ lên vùng cổ. Nếu đầu phù hợp thì máu sẽ hút ngược trở vào cái xác khô, khi đó chỉ cần dùng da người bó quanh vết nối ở cổ, cứ ba canh giờ đổ máu tươi vào một lần, đợi ba tháng thì cổ sẽ liền vào xác. Sau đó mỗi ngày phơi nắng cho hấp thu dương khí, đêm thì cho trinh nữ ấp xác, lại mất nửa năm thì da thịt sẽ trở lại hồng hào, hơi thở có nhưng nhẹ, đến lúc này thì chỉ cho ăn cháo loãng như người thường, chẳng bao lâu sau có thể đi lại được.
Sở dĩ cả làng chẳng tìm được manh mối gì là vì những thanh niên này đều bị giết trong nhà ông Cai, mà có ai làm gì dám xét nhà lão, cậu thanh niên mệnh danh Án Sát Tiên Sinh đó khi đến điều tra vụ này liền bắt đầu từ nơi chưa từng ai điều tra, nhờ thế mà lộ ra chuyện thiếu gia bị nát đầu năm năm trước, còn bằng cách nào mà cậu ta cởi trói được cũng như thế thiên hành đạo, ban án tử cho vợ chồng ông Cai thì... có thể gọi là năng lực truyền thừa của dòng họ.
Như đã biết, Dương Quang Kiệt từ ngày ẩn cư, định bụng tách hẳn khỏi thế sự, tuy nhiên khi phát hiện con cháu trong nhà đều có bốn sợi tóc màu tía trên đỉnh đầu thì ngầm hiểu ra đó là thiên ý, bắt dòng dõi của ông phải làm công việc này, mỗi thế hệ đều truyền lệnh bài và các phương thức điều tra của Án Sát, gọi là Án Sát Khẩu Quyết gồm hai mươi ba điều, chỉ truyền miệng từ đời này sang đời khác. Đến những năm 1890, người kế thừa lúc đó tên là Dương Thành Trung đẻ được một con trai, đặt tên là Thiên Cửu, ngầm ý là thiên đạo tồn tại vĩnh cửu, định bụng nuôi dạy Cửu thành một Án Sát tuyệt đỉnh, đưa "nghề nghiệp" của tổ tiên quay lại thế tục, vang danh thiên hạ.
Tuy nhiên người tính không qua trời tính, năm Thiên Cửu mười hai tuổi, Thành Trung vì phá vụ án liên quan đến thế lực lớn của quan Pháp, sau lưng là triều đình nên bị sát thủ truy sát, cả nhà mang họa diệt thân, gia quyến chết gần hết, còn lại cũng thất lạc tứ tán, duy chỉ có Thiên Cửu may sao vẫn còn giữ được lệnh bài thiêng liêng của dòng họ, nhờ vậy vẫn đường đường chính chính có danh xưng Án Sát Tiên Sinh. Chuyện nội bộ dòng họ Dương truyền thừa kim lệnh, triều đình và Toàn quyền Pháp đều không hay biết cho nên chỉ cần hành tung của Thiên Cửu còn bí mật là được. Từ năm mười lăm tuổi, Thiên Cửu bắt đầu đi vòng quanh lục tỉnh, mục đích là để tìm kiếm gia đình còn thất lạc, gồm một người em gái và một người anh họ. Án Sát lệnh lúc nào cũng được Cửu để trong áo, mỗi lần đang đi mà thấy kim lệnh rớt ra, Cửu liền biết làng này đang có trọng án vậy là nấn ná lại điều tra.
Thời ấy luật pháp nhiễu nhương, cường hào ác bá hầu như vùng nào cũng có cho nên có thể nói tuần nào Cửu cũng có chuyện làm. Có khi thì được người ta thuê, Cửu lấy giá rất cao, còn những chuyện Cửu tự ý nhúng tay vào thì kết cục của phạm nhân, toàn quyền đều do Cửu quyết định, nhưng mười tên thì đều chết thảm cả mười. Trong tay nải của cậu ta, ngoài mấy bộ quần áo thì còn có một cây bút lông và một quyển sổ. Dòng họ truyền lại rằng đó là đồ của âm giới, được một vị vương tôn dưới địa phủ tặng cho Quang Kiệt khi nhờ ông xử án giúp, trong hai bảo vật ấy có uy quyền của âm binh, kẻ bị ghi tên và kết tội trong ấy lập tức bị xử theo ý định của Án Sát. Chuyện xuất xứ thì Cửu không rõ lắm nhưng công dụng thì quả thực như nghe kể, nhờ đó mà dù bị trói, Cửu vẫn có thể hành quyết vợ chồng Cai Quỳnh.
Rời làng Tú Mỹ, Thiên Cửu quá giang một đoàn khách buôn, hai hôm sau đến làng Quý Nghĩa, tổng Quý Thới, xe đang chạy yên lành bỗng rung lắc dữ dội, kim lệnh do vậy mà rơi xuống đất, Thiên Cửu mặc kệ xe đang chạy liền phóng xuống, nói với theo là cám ơn đám người buôn nọ. Cậu ta cúi xuống nhặt kim lệnh, còn đang suy nghĩ nên đi đâu để tìm thông tin thì nghe dân làng đang bàn tán xôn xao về cái chết của hội đồng Sung. Đến nơi thì thấy đang làm đám tang hết sức trọng thể nhưng quan tài không quàn tại phòng khách mà để bên trong, người viếng chỉ có dân tai to mặt lớn hoặc bà con thân thiết mới được vào, khách khứa bên ngoài đến chia buồn đều được cho tiền, khách ngồi dài đến mấy trăm mét, xung quanh canh gác bởi mấy chục tên lính khố xanh và sĩ quan Pháp. Hỏi ra thì biết chết được ba ngày, không thấy cụ thể xác thế nào, chỉ nghe là rất thảm, không toàn thây. Thiên Cửu nghe vậy, nhìn vào chỗ gia quyến, thấy đám người đó không thể nói chuyện đường hoàng được, bèn ra chợ mua đồ, hóa trang thành thầy bói rồi đi xộc vào đám tang, đến thẳng chỗ một người đàn ông chừng bốn, năm chục tuổi hù dọa y rằng: "Nhà ngài đại nạn chỉ mới bắt đầu, nỗi oán hận e là do huyết hải thâm thù chứ không thể ngày một ngày hai mà nguôi được, nếu tôi là ngài thì sẽ không nhờ cậy vào đám thanh tra Phú Lang Sa mà nên đi tìm giết con quỷ đã hạ sát ông hội đồng thì đúng hơn!"
Người trung niên kia nghe xong liền thất kinh, không hiểu sao gã thầy bói này nói nghe hùng hồn vậy, liền cắt cử người tiếp khách, sau đó dẫn Thiên Cửu vào trong. Kỳ thực bói toán có phải nghề của Cửu đâu, đó chẳng qua chỉ là thuận miệng hù dọa nhằm lấy lời khai, trong Án Sát Khẩu Quyết thì thuật này gọi là Khiển. Hội đồng Sung là quyền gia vậy mà chết chẳng thấy dân chúng có ai khóc than mà lại lấy đó làm chuyện phiếm bàn tán ngoài chợ, kẻ đến viếng phần nhiều đều là hạng ăn xin đầu đường xó chợ, nhờ vậy Cửu đoán nhà này chắc cũng chẳng phải tốt đẹp gì, do đó cứ nói mập mờ về thù oán thì kiểu nào không trúng. Còn về con quỷ thì Cửu đoán, ông hội đồng bị xé xác, nếu đã tìm được hung thủ thì dĩ nhiên chẳng thể huy động an ninh nhiều đến vậy, cộng thêm chết thảm không toàn thây đến độ không dám để quan tài bên ngoài cho người ta cầu phúc, phải giấu tít vào trong thì hẳn là xác bị xé chứ không bị chặt, dĩ nhiên nhìn thịt xé văng tứ tung, có ai lại đoán do con người làm đâu, nên Cửu bịa ra chữ quỷ trong ấy, thế nào cũng chiếm được lòng tin của gia chủ.
Người trung niên dẫn Cửu đi qua căn phòng đặt quan tài, không khí âm u quỷ dị đến đáng sợ, những hình nhân giấy dựng đầy trong phòng, mặt đỏ hồng đôi mắt sống động tựa như đang thở nhìn vào quan tài, đợi chủ nhân hồi sinh ở thế giới bên kia thì cung phụng hầu hạ. Dưới bàn thờ là mười vị sư ê a đọc kinh Phật, phòng kín nhưng ngọn đèn cứ hiu hắt, lúc mờ lúc tỏ, nhìn như có gió thổi qua vậy, nhưng đoán chừng do oán khí thì đúng hơn. Thịt của ông hội đồng do bị xé vụn ra nên có lẽ đã phân hủy, bốc mùi hôi thối, chốc chốc gia nhân phải đổ thêm lá trà xanh vào để dịu mùi lại.
Cửu đi qua phòng quàn quan tài, thêm hai lần cửa nửa thì đến sân vườn, hỏi thì người đó chỉ đáp là đi gặp bà hội. Lúc đi qua khu vườn, Cửu ngửi thấy mùi hôi nồng liền đưa mắt nhìn lên, khuôn viên này hình chữ nhật, bao bọc bởi bốn dãy nhà có ba tầng. Từ ban công tầng ba, Cửu thấy có bóng đen với hai cái mắt đỏ đang thè lưỡi nhìn xuống, lập tức Cửu tri hô, mọi người đều trông thấy cái bóng quay vụt vào trong. Từ nhỏ đã được cha dạy võ, thân thủ Thiên Cửu tuyệt nhiên không phải người thường, cậu ta lập tức lao lên, chỉ vài cú bật đã bám được ban công, leo vào căn phòng vừa thấy bóng đen khi nãy thì phát hiện nơi này chính là hiện trường vụ án với vết máu bắn tung tóe khắp nơi, khô lại thành một màu đen, mùi hôi thối vẫn còn. Cửa sổ mở toang bằng lực đẩy rất mạnh nên vẫn còn đung đưa qua lại, từ cửa sổ nhìn xuống là một vườn chuối âm u, trải dài rất xa.
Lúc này người trung niên kia mới chạy lên tới nơi, không khỏi thán phục thân thủ phi phàm của Thiên Cửu, hỏi ra thì người ấy thừa nhận đây đúng là nơi ông hội đồng bị xé xác, Cửu nhìn kỹ căn phòng lần nữa rồi mới bảo người kia tiếp tục dẫn đường. Lát sau họ đang đi thì nghe tiếng quát tháo ầm ĩ, người kia khẽ chau mày rồi dẫn Cửu vào. Bên trong, bà hội đồng đang tát mấy đứa người ở vì tội thau nước rửa chân nóng quá, con ở phân bua liền bị bà ta phun bả trầu đang nhai vào mặt, thấy người trung niên kia mới thôi chửi, quay sang vừa định hỏi gì đó thì người kia tiến đến thì thầm với bà hội đồng. Nghe xong bà đổi sắc mặt, liền đuổi hết người ở ra ngoài, giọng tuy đã dịu lại nhưng vẫn còn đanh đá lắm: "Chuyện ông nhà, thầy liệu được hay không?"
Cửu nhẹ nhàng nói: "Những chuyện như thế này, bần đạo kinh qua không ít, lăn lộn trên giang hồ bao nhiêu năm nay cũng đều nhờ chén cơm trừ yêu diệt ma, việc của ông hội đồng, bần đạo có thể giải quyết được."
Sự nghi ngờ thoáng qua mặt bà hội, Cửu thấy vậy liền nói bồi thêm: "Hạn trong ba ngày tôi sẽ bắt con quỷ đó về đây, khi ấy mới nhận thù lao, bằng không bà cứ phạt vạ hoặc đuổi tôi đi, như vậy cũng chẳng thiệt gì cho bà cả."
Bà hội nghe vậy, nghĩ ngợi một lát rồi cũng đồng ý, để người trung niên kia đi theo Cửu rồi bà ta trở vào buồng trong nằm nghỉ. Người trung niên đó tên Tuấn, vốn là quản gia nhưng kết nghĩa anh em với ông hội đồng hơn mười năm nay. Tuấn hỏi Cửu giờ làm thế nào, Cửu nói dẫn lên phòng khi nãy, tuy nhiên không thể để Tuấn biết mình giả dạng thầy bói, Cửu bèn nói thêm vào: "Bần đạo nghĩ đã đến nước này, tiên sinh nên kể rõ đầu đuôi ân oán, bần đạo e người tiếp theo phải mất mạng không ai khác ngoài người đó đâu!"
Cửu cố tình nhấn mạnh chữ "người đó", dụng ý làm Tuấn thêm e sợ mà khai ra hết. Theo quan sát của Cửu, Tuấn là người nhát gan, không có chính kiến, chỉ cần Cửu hù dọa như thế, ai biết "người đó" là người nào đâu, trường hợp này nếu Tuấn có hỏi vặn lại, Cửu chỉ cần giả đò lắc đầu, đẩy hết qua cho "ý trời khó đoán" là xong, nhược bằng Tuấn đúng thực là người chết nhát, câu nói đó sẽ có công dụng rất lớn.
Quả nhiên vừa nghe xong, mặt ông em kết nghĩa này liền xanh như tàu lá, lắp bắp: "Bẩm thầy, chuyện giờ còn cứu vãn được không ạ?"
Thiên Cửu cố nhịn cười, chỉ thở dài rồi đi trước, đến phòng nơi ông hội bị giết, quan sát lại lần nữa, rồi ngồi xuống ghế nhìn xa xăm, nói với ông Tuấn rằng: "Chuyện đến nước này, thiên ý chỉ còn coi nhà mình có thành tâm hay không mà thôi!"
Tuấn nghe đến đây liền ngó trước sau rồi ra đóng chặt cửa lại, đem câu chuyện ác ôn của nhà hội đồng kể lại.
Hội đồng Sung từ lúc kế thừa gia tộc, không chuyện ác nào làm y thấy ghê tay, sản nghiệp nhờ thế càng tăng vọt. Y có ba bà vợ, mãi chẳng có con, ba tháng trước vừa mới cưới bà tư, là một cô bé chỉ mới mười bốn tuổi, không biết họ là gì, chỉ biết tên là Tú, nhà ở làng bên cạnh. Hội đồng Sung ngoài chuyện sống coi thường đạo lý, y còn có sở thích bệnh hoạn về giường chiếu. Cô bé kia từ ngày cưới về, không ngày nào không bị lão tra tấn về cả thể xác lẫn tinh thần bởi những trò biến thái đó, mặt mũi thì luôn sưng tím.
Về được ít lâu, do không chịu nổi nữa liền leo tường bỏ trốn vào rừng chuối, lão Sung cho người rượt theo thì thấy cô ta đang ngất xỉu, tựa đầu vào cái mả hoang. Sau khi bắt về, khỏi nói cũng biết những trận đòn từ đó càng tăng thêm nhiều, không những vậy, mặc dù danh phận là vợ tư của lão Sung, nhưng nhà lão coi cô ta không khác gì con ở, những chuyện giặt đồ, rửa chén, quét nhà, thậm chí cả chặt củi, không việc gì là không sai bảo, cuộc sống hết sức tủi nhục.
Cha mẹ cô gái tuy thấy con mình bị hành hạ không khác gì thú vật, nhưng do nhà quá nghèo, không hề có tiếng nói, kiện lên quan trên thì lại gặp toàn nơi đã bị lão Sung bịt miệng bằng tiền cho nên ngày nào cũng than khóc cho con mà đành bất lực. Phần Tú thị, kể từ khi bị bắt về từ vườn chuối thì tính cách trở lạ, cô ta dần mất đi cảm xúc, thậm chí chẳng còn khóc nữa, khuôn mặt cứ trơ ra như khúc gỗ, tuy nhiên vẻ kiều diễm vẫn còn mặn mà lắm khiến lão Sung tiếp tục ân ái. Ít lâu sau thì nghe tin cô ta có mang, một đêm nọ, lão ta nhậu trên tỉnh về, say khướt liền sai gia nhân xuống đem cô ta lên phòng trên để mây mưa.
Người ở vừa lui ra thì nghe lão hội đồng bắt đầu chửi bới và đánh đập cô gái, tiếng bàn ghế vang lên ầm ầm, chẳng ai dám vào can, lát sau âm thanh im bặt, người ở ghé mắt dòm qua khe cửa thì thấy thịt ông hội đồng văng tứ tung, máu chảy lênh láng, lục phủ ngũ tạng nát như tương. Mọi người vào xem thì thấy cửa sổ tầng ba mở tung, vết máu như vật gì đó bị kéo lê chạy đến chỗ rừng chuối, mọi người lần theo chỉ được một quãng thì mất dấu.
Tính ra chuyện đó xảy ra bốn hôm trước, sau đó, cử nửa đêm thì thỉnh thoảng trong nhà lại có dấu tay máu in trên tường, mười mấy con chó giữ nhà đều im thin thít khi đêm đến, đặc biệt chỗ bên ngoài cửa sổ phòng bà hội, dấu tay là nhiều nhất, cỏ in dấu chân giống như có người đứng nhìn qua khe cửa theo dõi nhất cử nhất động bà ta vậy. Dù đêm nào cũng có tới hơn ba chục người canh gác, dấu tay máu vẫn cứ xuất hiện, thậm chí trên trần nhà cũng thấy, ai ai cũng đồn là do oan hồn cô bé, lúc ấy bị ông hội đồng đánh chết liền biến thành ma rồi đi ám, chỉ là chưa tìm thấy xác mà thôi.
Thiên Cửu nghe xong chỉ hỏi: "Mộ trong rừng chuối là của ai?"
Tuấn đáp: "Của một người phụ nữ họ Trương, ba mươi năm trước bị chồng nghi ngoại tình liền giết chết, lúc đó thị mang thai được chín tháng."
Cửu hỏi: "Trương thị có quan hệ gì với bà tư không?"
Tuấn đáp: "Hai gia đình không biết nhau."
Cửu nghe xong liền đứng dậy đi ra ngoài, bảo là đi bắt con quỷ, đang đi bỗng như nhớ lại gì đó thì trở lại ghế, quay sang nói với Tuấn rằng: "Bần đạo bắt được quỷ thì dễ, nhưng thù lao chỉ sợ nhà ta không chịu trả!"
Tuấn nói: "Nhà này tiền bạc không hề thiếu, sao tiên sinh lại nghĩ oan cho chúng tôi như vậy!"
Cửu đáp: "Vậy thì phiền tiên sinh bảo với bà hội, bần đạo trừ quỷ, hẹn lấy một nửa gia sản, bằng không thì e là chỉ nội trong nay mai, máu sẽ đổ còn nhiều hơn trước!", sau đó bảo Tuấn đi báo với bà hội, trả lời mau lẹ cho.
Tuấn đem chuyện này thuật lại cho bà hội đồng, bà ta nghe xong giận dữ, cho rằng Cửu là kẻ lừa gạt liền sai người đuổi đi, Cửu cười lớn, bảo là bà hội giận quá mất khôn, trước lúc bỏ đi nói với lại rằng mình sẽ nán lại ba ngày, gặp chuyện thì cứ vào làng mà tìm, xong rồi đi một nước. Sau đó Cửu đến quán trọ ngoài chợ thuê một phòng, dặn thằng hầu ngày nhớ đem lên ba cử rượu thịt.
Quả nhiên, chỉ trong đêm đó, tiếng hét nhà ông hội đồng lại vang lên, trong căn phòng riêng, xác bà ba ngồi tựa vào ghế ở bàn trang điểm nhìn thẳng vào gương soi, quai hàm bị bẻ nát, lưỡi bị kéo ra dài đến bụng, máu ở động mạch vẫn còn phún ra từng nhịp. Dấu tay máu lại in đầy trên cửa sổ phòng bà ta.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top