Chương 24

Chương 24: Torino (1)

***

Một tuần sau, mấy người Nam Nam cũng lục tục đến nơi, Tạ Lan Sinh nói xin lỗi và cảm ơn, đồng thời tổ chức cho mọi người bắt đầu quay lại, lần này tất cả đều rất thuận lợi. Bởi vì quay lần hai, cho nên bốn mươi cảnh cuối cùng đạt hiệu quả còn tốt hơn thế, Tạ Lan Sinh rất vui mừng. Anh luôn cho rằng linh cảm giống như đại dương mênh mông rộng lớn, không bao giờ hết, càng suy nghĩ thì càng nhận được nhiều. Không có chuyện "biểu diễn lần đầu tiên đã đạt đến đỉnh cao". Trong lúc quay phim, Tạ Lan Sinh đã giao hai trăm nghìn tệ cho một đoàn làm phim Hồng Kông đến Đại Lục, đồng thời nhờ bọn họ chuyển số đô Úc tương đương theo tỉ số hối đoái từ Hồng Kông sang Úc. Bởi vì chính phủ kiểm soát chặt chẽ ngoại hối cho nên anh chỉ giao dịch ngầm, mỗi bên đổi lấy thứ mình cần. Mấy tháng trước Sân Dã đã nhờ người nghe ngóng và biết được đoàn làm phim Hồng Kông này, dù sao thì đạo diễn bộ phim thần bài trước đó hắn diễn cũng là người Hồng Kông.

Sau khi quay xong, vì một lần lầm lỡ nên Tạ Lan Sinh không dám gửi bưu điện tiếp, cuối cùng trải qua nhiều trắc trở, anh cũng nhờ được người mang nó sang Úc. Còn dán dòng "không thể tiếp xúc với ánh sáng, không thể chiếu tia X" lên gói hàng. ABC Lab nhận được nó đúng như đã hẹn, còn gọi điện thoại nói rằng bốn tuần qua bọn họ đã gần như hoàn thành biên tập những phần lúc trước.

Tạ Lan Sinh đợi thêm một tuần, Nathan tuyên bố hoàn thành biên tập, người của ABC Lab gọi điện thoại đến bàn bạc chuyện phối sáng với Tạ Lan Sinh.

Nhân viên phối sáng tên là Hunter Hunt, nghe hơi lạ nhưng ông ấy quả thực là một thợ phối sáng rất nổi tiếng ở Úc, xuất thân giàu có và đã làm trong nghề này được hơn hai mươi năm rồi. Công ty ở Úc vô cùng chuyên nghiệp, không nhìn mặt mà bắt hình dong, không vì Tạ Lan Sinh chỉ là đạo diễn tuyến 18 mà sắp xếp cho anh thợ phối sáng mới vào nghề.

Theo lý mà nói, rửa in điện ảnh phải trải qua năm bước: Rửa film âm bản, cắt nối biên tập film, phối sáng, in và rửa film màu dương bản. Xưởng rửa in sử dụng máy để film tối hiện hình ảnh âm bản, sau đó cắt nối biên tập, tiếp theo đến phối sáng, sau cùng sẽ căn cứ vào yêu cầu in film của thợ phối sáng để in hình ảnh.

Bởi vậy, phối sáng cũng là một khâu rất quan trọng trong xử lý hậu kỳ. Những thợ phối sáng được gọi với cái tên "Timer" trong tiếng Anh. Luôn có những yếu tố không xác định trong quá trình quay và rửa film, ví dụ như cháy sáng nhiều hay ít, thuốc rửa nhiều hay ít. Hậu kỳ sẽ cố gắng hết sức để điều chỉnh và bổ sung trong khả năng của mình. Ngay cả khi một đạo diễn vô cùng may mắn, cả quá trình từ quay phim đến rửa film đều không có vấn đề gì, thì cũng không thể dễ dàng đảm bảo màu sắc chỉnh thể của cả bộ phim đồng nhất. Bởi vì hai cuộn film cùng một loại xuất xứ từ cùng một công xưởng, cùng số lô, nhưng điều kiện bảo quản khác nhau sẽ dẫn tới hiệu quả hiển thị hình ảnh cuối cùng khác nhau hoặc chênh lệch màu sắc. Đạo diễn mà thay đổi film ở một cảnh quay nào đó thì nhất định khán giả sẽ phát hiện ra. Vẫn bối cảnh, ấy, vẫn diễn viên ấy, vậy mà màu sắc của film lại vụt cái thay đổi! Xuất phát từ nguyên nhân này, các Timer sẽ xếp chồng film màu hoặc film đen trắng lên hộp đèn phối sáng và điều chỉnh nó trong từng cảnh quay, sau khi đạt được mục đích sẽ ghi chép số liệu ánh sáng và các số liệu khác. Sau đó đặt ra điều kiện scan, điều kiện rửa, cho từng tấm, như vậy khi in âm bản để chuyển nó về dạng dương bản, nhân viên hậu kỳ sẽ điều chỉnh quang phổ theo hướng dẫn của Timer, giúp màu sắc của bộ phim được thống nhất. Ngoài ra, đạo diễn của một bộ điện ảnh cũng phải có ý đồ sáng tạo riêng của mình, thợ phối sáng sẽ căn cứ vào yêu cầu của đạo diễn để khuếch đại bầu không khí.

Tạ Lan Sinh vẫn chỉ có vấn đề ấy thôi, không có tiền.

"A lô, Hunter đấy ạ." Tạ Lan Sinh gọi điện thoại cho Hunter Hunt, cảm thấy da mặt mình dày đến độ dùng dao súng tấn công cũng không hề hấn gì, "Ừm, có lẽ anh cũng đã nghe nói rồi, tài chính của tôi không nhiều... cho nên, xin hãy phối sáng trực tiếp từ film gốc, nhất định phải nhẹ nhàng thôi, cảm ơn anh..."

"Film gốc?! Thông thường đều chỉ dùng bản copy!" Hunter giật mình, "Film gốc rất quan trọng, những thợ phối quang không tiện dùng film màu che tới che lui. Sẽ làm hỏng mất."

"Cho nên không cần phải che đi che lại đâu." Tạ Lan Sinh cầu xin, "Anh cứ lên kế hoạch dựa vào kinh nghiệm của mình, sau đó cố gắng thành công trong một lần."

Anh không có tiền để làm bản sao, mấy chục nghìn tệ quá đắt. Anh không thể vay tiền Sân Dã, anh không trả nổi, cũng không thể trông cậy vào việc có thể bán được bản quyền trong liên hoan phim.

Hunter Hunt: "..."

"Chúng tôi hiểu ý của anh. Lỡ như film gốc xuất hiện vết xước, chúng tôi sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm, nhưng xin anh hãy cẩn thận."

Hunter khẽ thở dài:

"Thôi được rồi. Chúng ta sẽ ký thỏa thuận miễn trách nhiệm, trước khi phối sáng tôi đã trình bày rõ với cậu những nguy hiểm khi sử dụng film gốc. ABC Lab sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm nào."

"Vâng," Tạ Lan Sinh lại ném một quả bom khác sang cho Hunter, "Dự toán của chúng tôi chỉ đủ để phối sáng một lần..."

Đến nước này rồi, đối diện với hàng cực phẩm, Hunter cũng trở nên mất bình tĩnh: "Đạo diễn Tạ, thông thường ít nhất cũng phải phố đến ba lần, những bộ phim qua tay tôi đều phải làm ít nhất năm, sáu lần."

Phối sáng xong phải rửa ra mới nhìn thấy, bởi vậy một bộ điện ảnh thông thường phải phối sáng tận mấy lần. Thợ phối sáng thử một lần xem hiệu quả thế nào, sau đó thảo luận với ê-kíp sáng chế chính của bộ phim để đưa ra phương hướng tương lai, dần dần điều chỉnh về màu sắc lý tưởng qua từng lần thử.

"Thực sự chỉ có thể làm được một lần thôi." Tạ Lan Sinh nói, "Một lần phối sáng và in film tổng cộng mất tầm hai mươi nghìn đô la Úc. Anh không biết hai mươi nghìn đô la Úc có ý nghĩa thế nào với một người Trung Quốc bình thường đâu."

Hunter không nói gì.

"Anh, anh có thể chiếu hình ảnh film gốc, điều chỉnh ánh sáng dựa vào kinh nghiệm được không? Thống nhất màu sắc của bộ phim, sau đó khuếch đại bầu không khí, ra thế nào thì lấy thế ấy. Nếu anh có thời gian, tôi sẽ kể về câu chuyện của bộ phim cùng với màu sắc, độ sáng và phong cách cuối cùng tôi mong muốn."

Tạ Lan Sinh muốn chỉ cần phối ánh sáng một lần là xong luôn. Tất nhiên, nếu như sau khi nhận được thành phẩm mà phát hiện hiệu quả thực sự không ổn, anh cũng chỉ đành gom góp tiền thêm mấy năm nữa rồi mời Hunter Hunt phối sáng cho bộ phim này. Giả dụ cần phối sáng lần thứ hai, anh cũng không dám sử dụng film gốc nữa, copy thì lại mất thêm một khoản tiền.

Hunter thở dài: "Đạo diễn Tạ, cậu nói đi, tôi sẽ cố gắng hết sức."

"Cảm ơn." Tạ Lan Sinh nói vô cùng chân thành, "Sau này nếu có tiền đầu tư rồi, nhất định tôi sẽ giao tất cả những bộ phim của mình cho ABC Lab làm hậu kỳ."

Hunter không nói gì, chỉ cảm thấy chuyện này quá đỗi xa vời: "Được, tôi chuẩn bị xong rồi, bây giờ bắt đầu thảo luận màu sắc nào."

"Vâng."

Bọn họ nói suốt hai tiếng đồng hồ, Tạ Lan Sinh miêu tả tỉ mỉ tường tận tất cả những điều mình nghĩ ra cho Hunter nghe, chủ yếu là đọc theo bản nháp Sân Dã viết sẵn. Cuối cùng Hunter lặp lại một lần, thống nhất yêu cầu với Tạ Lan Sinh.

Tạ Lan Sinh chỉ biết chờ đợi.

***

Qua thêm ba tuần nữa, Tạ Lan Sinh nhận được bản phát hành ABC Lab đã hoàn thiện. Anh mang bản phát hành này đến cho công nhân rửa in của xưởng Bắc Kinh, anh ta đã giúp Tạ Lan Sinh rửa xong trước khi tan làm. Tạ Lan Sinh dặn dò anh ta đừng nhắc tên mình với ai hết, nhất là với Trì Trung Hạc.

Tiếp đó, anh bỏ bản phim chính thức vào túi đeo trên lưng, trở về Học viện, nhờ Vương Tiên Tiến chiếu trên máy cho anh xem thử.

Lúc phim được chiếu lên, đầu óc Tạ Lan Sinh căng thẳng, vô cùng lo lắng giây tiếp theo sẽ nhìn thấy hình ảnh mang tính tai họa, ví dụ như biên tập gặp vấn đề, hay nhảy màu. Anh thực sự rất lo âu, thậm chí còn không thể ngồi yên được, vừa xem vừa đi qua đi lại.

Thật bất ngờ không có vấn đề gì hết.

Tạ Lan Sinh xem đến ngây người.

Tốt quá đi mất.

Nathan chỉ biên tập một lần, Hunter cũng chỉ phối sáng một lần, nhưng hiệu quả có thể nói là hoàn hảo.

Tất nhiên, nếu Hunter có thể điều chỉnh thêm mấy lần thì sắc thái của bộ phim sẽ càng thoải mái hơn, chẳng qua được đến mức độ này đã không thể yêu cầu gì hơn nữa rồi. Bởi vì dùng thuốc rửa thừa từ phim của Trì Trung Hạc, sắc thái của cả bộ phim hơi tối, song lại càng tăng thêm cảm giác.

Hình ảnh, âm thanh của cả bộ phim điện ảnh đều nhất quán 100%.

Điều này không dễ như trong tưởng tượng, ABC Lab thực sự rất đáng tin cậy. Hình ảnh, âm thanh trong bộ phim điện ảnh đều phải được in lên film gốc. Film gốc cung cấp hình ảnh và băng cung cấp âm thanh nhất định phải được chế tác đồng thời qua máy in, sau đó thu được film gốc nhận hình ảnh và băng gốc nhận âm thanh. Sau khi rửa xong chế tác thành bản phát hành có hình ảnh và âm thanh. Bởi vì vị trí đầu âm thanh của máy chiếu 35mm chậm 20 khung hình so với vị trí cửa sổ chiếu, cho nên khi in, tất cả băng cung cấp âm thanh đều phải đặt trước hai mươi khung hình, để chắc chắn hình ảnh và âm thanh đồng bộ với nhau. Khi phát sóng, hình ảnh sẽ được chiếu trên màn thông qua máy móc, còn âm thanh thì sẽ phát ra từ thiết bị đọc âm thanh của máy chiếu.

Xem phim mà sống mũi Tạ Lan Sinh cay cay. Anh nghĩ về bản thân, nghĩ về Sân Dã, nghĩ về Nam Nam, nghĩ về Kỳ Dũng, Sầm Thần, cũng nghĩ đến tâm huyết của và kỳ vọng của tất cả mọi người đối với nó.

Nathan, Hunter đều là quý nhân của anh.

Khi cảnh cuối cùng "thẩm vấn ở Cục Cảnh sát" chiếu xong, chủ nhiệm khoa của Tạ Lan Sinh – ông Vương Tiên Tiến cũng im lặng, một lúc sau mới nói:

– Lan Sinh, có lẽ em không đi sai đường, em thích hợp với việc làm phim độc lập hơn. Đề tài này của em đã cũ, nhưng thầy xem xong... vô cùng cảm động.

– Thầy... – Tạ Lan Sinh rất muốn khóc – Cảm ơn.

Lần đầu tiên anh được công nhận.

Hơn nữa còn được công nhận bởi chuyên gia có uy quyền nhất ở lĩnh vực này công nhận.

Nói ra, vốn dĩ anh không biết mình được gọi là "Nhà làm phim độc lập", chính Vương Tiên Tiến đã nói cho anh biết danh từ này. Vương Tiên Tiến nói rằng hiện nay ở Mỹ, tám công ty lớn đã lũng loạn Hollywood đồng thời hình thành nên một bộ quy trình nghiêm ngặt, mọi thứ đều nhắm vào thị trường khán giả để đạt được lợi nhuận lớn nhất, từ đó dẫn tới xuất hiện một nhóm nhà làm phim tự chủ tài chính tự quay phim, thoát khỏi vòng kiểm soát của "tám công ty lớn", quay ra những bộ phim hoàn toàn khác với phim thương mại, bọn họ được gọi với cái tên "nhà làm phim độc lập". Hơn nữa "nhà làm phim độc lập" ở Trung Quốc như Tạ Lan Sinh lại có thêm nhiều ý nghĩa khác.

Tạ Lan Sinh không biết lịch sử điện ảnh một trăm năm sau sẽ viết về những nhà làm phim độc lập sớm nhất như anh thế nào.

Là nhiệt huyết? Hay bốc đồng? Sẽ là tích cực, hay tiêu cực đây?

Thực ra ngay từ đầu Tạ Lan Sinh chỉ muốn sáng tác những thứ mình thích mà thôi, giống như viết tiểu thuyết vậy. Xưởng chế tác phim phải dựa vào thâm niên, những đàn anh "thình lình xuất hiện" cùng với nhóm đạo diễn đời đầu độc quyền logo xưởng điện ảnh, thêm cả việc xét duyệt vô cùng nghiêm ngặt khiến anh không đợi được nữa. Nhưng mà nghĩ kỹ lại, không lấy chỉ tiêu, thoát khỏi giới hạn, thì thể nào cũng có người khiêu chiến tiêu chuẩn hiện tại, đẩy mạnh cải cách hiện trạng, cuối cùng đạt được một giá trị cân bằng.

Trên thế giới, các quốc gia đều trải qua một thời kỳ lịch sử đặc biệt như vậy, đó là sự đối lập và thỏa hiệp giữa những người hành nghề và chế độ kiểm duyệt. Mỗi lần cải cách chế độ đều cần phải "Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa". Tạ Lan Sinh đã từng đọc một cuốn sách dẫn ra ví dụ về Hollywood để thảo luận vấn đề kiểm duyệt phim. Năm 1915, bộ phim "Sự ra đời của một quốc gia" khiến tư bản nhìn thấy lợi nhuận khổng lồ, chỉ phát sóng ở vài Bang chế độ rộng mở đã không còn thỏa mãn được họ nữa, vì thế yêu cầu phải thay đổi hoàn toàn tiêu chuẩn kiểm duyệt. Và Hiệp hội sản xuất phim như "Văn phòng Hays" đã bắt đầu gánh vác công việc "tự kiểm duyệt" "tự quản lý", đồng thời cũng đảm nhận luôn công việc giải thích và làm việc với các cơ quan chính phủ, càng ngày càng có tiếng nói. Sau này, đến năm 1948, Paramount phá vỡ tình trạng độc quyền và Hollywood cũ sụp đổ, nòng cốt của thể chế mới không phải chế tác phim mà là phát hành. Dần dần, các công ty phát hành thực hiện phân phối khác nhau với những nội dung khác nhau, một số được phát hành rộng rãi, một số được phát sóng trên truyền hình, một số thì sản xuất đĩa, chính phủ không cần thiết phải kiểm soát nghiêm ngặt với ngành sản xuất phim nữa. Vì thế cuối cùng vào năm 1968, chế độ phân cấp điện ảnh chính thức thay thế chế đổ kiểm duyệt điện ảnh, do Ủy ban giám sát và thi hành. Tất nhiên, vụ "Kỳ tích" năm 1953 thắng kiện cũng là một cột mốc vô cùng quan trọng, dẫu khi ấy đạo diễn kiện chỉ vì muốn thu hồi vốn.

Tạ Lan Sinh luôn cho rằng tiêu chuẩn hiện tại sẽ ngày một rộng rãi hơn, nhưng không biết đến bao giờ, vì nguyên nhân gì, có lẽ không thể thay đổi ngay trong một lần mà phải thay đổi rất nhiều lần.

Kỳ thực nói một cách công bằng thì Tạ Lan Sinh không phải là người phản đối chế đổ kiểm duyệt mà ngược lại, anh luôn cảm thấy chính trị bên ngoài vô cùng phức tạp, không thể chỉ trích Cục Điện ảnh. Mỗi bên đều có lập trường của mình, có người cho rằng đáp án của câu hỏi "Công dân có cần chỉ đạo hay không" phải dựa vào lứa tuổi, người có quyền lợi chính trị đều được phép đưa ra lựa chọn của riêng mình, chứ không phải "có người cả đời phải làm giáo viên, có người cả đời phải làm học sinh". Một số người thì cho rằng, "18 tuổi" chỉ là một con số, công dân cần phải được chỉ đạo, thậm chí phải được chỉ đạo suốt đời. Hai quan điểm này đều rất bình thường, còn ai đúng ai sai, ai phải ai trái hay rốt cuộc điểm cân bằng ở đâu, có lẽ chỉ lịch sử mới đưa ra được đáp án. Cũng xuất phát từ một số nguyên nhân, anh không ghét Cục Điện ảnh, cũng không ghét những xưởng phim. Anh có thể thấu hiểu lý do những đạo diễn già đời "độc chiếm logo xưởng" cùng với những đàn anh đè đầu đàn em... Tất cả chẳng qua cũng vì lợi ích của mình mà thôi.

Tuy nhiên, anh khẳng định rằng hiện tại nó quá khắt khe, dường như không thể thực sự tiếp xúc đến vấn đề đang tồn đọng. Không gian sáng tạo sẽ rộng hơn, dẫu vậy, cần phải có người đứng lên tấn công, đương đầu, bước từng bước về phía trước, quan sát kết quả, thăm dò biên giới. Nói cách khác, có một vài chuyện khó khăn hoặc không thể giải quyết ở giai đoạn này nhưng tự do sáng tạo là "đúng", không thể phản bác, bởi vậy cần có người đấu tranh để đạt được cân bằng. Mặc dù chuyện này có thể mất mấy chục năm, thậm chí lâu hơn nữa, cho tới khi thế giới đảo lộn.

Đối với văn học nghệ thuật, phê phán luôn là sức mạnh đanh thép nhất hơn cả những lời tán dương, ca ngợi. Nó khiến cho người ta thay đổi, tiến về phía trước chứ không chấp nhận yên phận tại vị trí hiện tại. Rồi sẽ có một ngày, mọi người sẽ nhìn thấy thể loại điện ảnh này trên màn ảnh rộng, và tán dương những người đạo diễn dưới ánh đèn sân khấu. Song, Tạ Lan Sinh cũng hi vọng rằng, đến lúc ấy mọi người có thể nhìn bóng lưng mỏng manh của anh, của Tôn Phượng Mao, của những nhà làm phim độc lập bọn họ ở thời đại này, những người có lẽ đã sớm ra đi.

***

Ngay tối Tạ Lan Sinh nhận được bản phim, anh đã lập tức chạy đến bưu điện, gửi nó cho Hội đồng tuyển chọn của Liên hoan phim Torino. Anh không quen người chuẩn bị đến Italia, cũng không thể xin được Visa đến Italia.

Trên thực tế, công tác báo danh tham gia khai mạc Liên hoan phim Torino vào ngày 29 tháng 11 đã kết thúc cách đây một tháng. Tạ Lan Sinh cũng báo danh, nhưng không kịp gửi phim đi nên đã định rút lui. May mắn thay, đạo diễn bộ phim trước đó của Kỳ Dũng lại là thành viên trong Hội đồng tuyển chọn, bởi vậy đã gia hạn cho Tạ Lan Sinh gửi chậm một chút.

Kỳ Dũng cho rằng Liên hoan phim Torino mở ra với mục đích chính là hỗ trợ giới trẻ và khuyến khích người mới, khá thích hợp với Tạ Lan Sinh. Liên hoan chỉ chấp nhận ba tác phẩm điện ảnh dài đầu tiên của một đạo diễn. Trong rất nhiều năm qua, có rất nhiều nhà làm phim nổi tiếng đã cất bước từ đây. Nếu Tạ Lan Sinh mà vụt mất Torino, chỉ còn Liên hoan phim Rotterdam của Hà Lan và Saint Sebastian của Tây Ban Nha là khá thân thiện với người mới như anh có thể tham gia mà thôi. Tạ Lan Sinh cũng cảm thấy lý do mà bọn họ đưa ra khá hợp lý, bèn nhờ người nộp đơn gia hạn.

Bởi vì chỉ có một bản phim, Tạ Lan Sinh ngày đêm trằn trọc lo lắng như lên cơn, sợ rằng xảy ra vấn đề khiến anh phải in thêm lần nữa. Anh lo lắng đến ngày 8 tháng 11 thì nhận được điện thoại tới từ ban tổ chức của Torino.

"Xin chào đạo diễn Tạ," Người đàn ông ở đầu bên kia nói chuyện bằng tiếng Anh bập bẹ, "Tôi là Matteo De Sciglio, người chủ trì Liên hoan phim Điện ảnh Quốc tế."

"Xin chào, tôi là Tạ Lan Sinh." Tạ Lan Sinh không dám nhúc nhích, chỉ chăm chú lắng nghe. Anh đã từng tưởng tượng về cuộc gọi này ấy vậy mà khi được gọi thì toàn thân vẫn cứng đờ."

"Good, good." Đối phương nói tiếp, "Đạo diễn Tạ, chúng tôi muốn mời bộ phim điện ảnh 'Bám rễ' của anh tham gia vào hạng mục tranh giải chính, anh có bằng lòng không ạ?"

"Có, có, tất nhiên là có rồi!" Tạ Lan Sinh liên tục nói ba lần "có". Tuy rằng anh đã từng lén nghĩ đến khả năng này khi không có ai xung quanh, nhưng anh cảm thấy thật khó tin khi chuyện lọt qua vòng loại trở thành hiện thực..

Anh vốn tưởng rằng mình phải tham gia tận bảy, tám hay chín Liên hoan phim mới có cơ hội gặp mặt người mua.

"Được." Có lẽ đã từng gặp rất nhiều đạo diễn trẻ tuổi mới vào đời như Tạ Lan Sinh, giọng Matteo De Sciglio rất nhẹ nhàng, "Vậy chúng tôi sẽ gửi thư mời chính thức, vui lòng mang thư đến. Ngoài ra, xin cậu vui lòng bảo mật thông tin cuộc gọi này trước khi danh sách rút gọn được công bố."

"Được, tôi nhất định sẽ giữ kín chuyện này. Cảm ơn, anh vất vả quá. Bây giờ nhận được thư mới mới đi làm Visa thì có kịp không?"

"Có thể nộp đơn xin làm gấp."

"Vâng, vâng." Tạ Lan Sinh chợt nhớ đến một vấn đề, vội vàng ngăn cản đối phương đừng cúp máy vội, "Ừm, xin lỗi, thực sự chuyện này rất khó mở lời. Nhưng tôi... tôi muốn hỏi, Ban tổ chức có thanh toán tiền vé máy bay và chỗ nghỉ chân cho đạo diễn không ạ?"

Nếu Torino không thanh toán anh lại phải phát sầu vì tiền.

Matteo De Sciglio bật cười, dường như cảm thấy chuyện mà đạo diễn trẻ này quan tâm rất thú vị, "Chúng tôi sẽ bao máy bay khứ hồi cho đạo diễn và ba ngày ăn ở miễn phí, những người khác phải tự bỏ tiền."

"Tôi hiểu rồi..." Tạ Lan Sinh thầm nghĩ, vậy mình chỉ đành đi một mình. Anh chẳng còn tiền để dẫn người khác theo cùng. Mặc dù rất muốn cho Nam Nam ra nước ngoài một lần nhìn ngắm thế giới, chắc hẳn cô gái hoạt bát kia sẽ vui lắm.

"Cuối cùng vẫn còn một chuyện quan trọng nữa." Matteo De Sciglio lại nói tiếp, "Các tác phẩm tham gia vào hạng mục tranh giải chính nhất định phải có phụ đề song ngữ, tiếng Anh và tiếng Ý. 'Bám rễ' đã có phụ đề tiếng Anh rồi, bây giờ còn thiếu phụ đề tiếng Ý. Vui lòng thêm phụ đề tiếng Ý trước khi chính thức bắt đầu Liên hoan phim."

"..." Nghe thấy yêu cầu này, Tạ Lan Sinh sửng sốt, anh hỏi, "Yêu cầu này không thể châm chước được sao?"

Matteo De Sciglio cười nói: "Đây là quy định, khán giả phải xem hiểu mới được."

"... Vâng, cảm ơn."

"Vậy thì hẹn gặp lại ở Liên hoan phim."

"Vâng."

Buông điện thoại xuống, Tạ Lan Sinh cảm thấy lo âu.

Mẹ kiếp. Anh lấy đâu ra tiền mà thêm phụ đề tiếng Ý? Đến lúc chiếu phim anh giơ từng tờ giấy trắng ghi phụ đề được không?

Vốn tưởng rằng chỉ cần hai trăm rưỡi là đủ, ai ngờ đâu không ngừng xuất hiện những tình huống phải chi tiền.

Tạo phụ đề cho một bộ phim điện ảnh rất phức tạp. Nhân viên hậu kỳ phải viết tay phụ đề lên tấm kính dày, từng cảnh từng cảnh một, sau đó in ra film nền đen chữ trắng. Tiếp theo, khi nhân viên hậu kỳ sử dụng máy in chuyển sang film màu dương bản sẽ xếp chồng film màu âm bản và phụ đề lên, để máy in cuộn luôn một thể, cuối cùng nhận được bản phim điện ảnh có phụ đề. Nghe nói hiện tại có một vài công ty đang thử phụ đề laser, có nghĩa là bắn thẳng phụ đề lên film, nhưng công nghệ vẫn chưa hoàn thiện, và giá cả cũng rất đắt đỏ.

Phụ đề tiếng Anh của "Bén rễ" gần như do Sân Dã phiên dịch. Là sinh viên Đại học Harvard, tiếng Anh của hắn khá chính tông, ABC Lab phụ trách viết phụ đề bằng tay ở khâu hậu kỳ, thêm phụ đề, làm vậy cũng rất tốn kém, mất khoảng mười nghìn tệ. Phụ đề và điều chỉnh ánh sáng phải tiến hành đồng thời cũng mất thêm hai tuần nữa.

Nếu làm thêm một bản phim có phụ đề Ý... vậy không chỉ tồn tiền bản phim mà còn tốn tiền phiên dịch, tiền thêm phụ đề, phải mấy chục nghìn tệ mất.

Tạ Lan Sinh biết Sân Dã không biết tiếng Ý. Sân Dã biết tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, nhưng chỉ học sơ qua tiếng Ý.

Tạ Lan Sinh không muốn bỏ cuộc, anh cầm ống nghe điện thoại màu cam lên, ngồi cạnh điện thoại cả đêm, hỏi thăm khắp hơn hai mươi công ty phụ đề mà mình biết. Trong số hai mươi công ty này có công ty Vương Tiên Tiến giới thiệu, cũng có công ty do ABC Lab giới thiệu, có công ty do Trương Phú Quý giới thiệu, có cả công ty ở Mỹ, và Anh.

Giá cả rẻ nhất là của một công ty ở Anh, báo giá một bộ là 6.000 Bảng Anh, tầm 45.000 tệ.

Tạ Lan Sinh nói rằng bộ phim điện ảnh này đã lọt vào danh sách rút gọn hạng mục tranh giải chính của liên hoan phim Torino, coi như quảng cáo cho đối phương. Sales representative của công ty phụ đề suy nghĩ một lát, cuối cùng báo giá 4.000 Bảng Anh.

4.000 Bảng Anh vẫn còn quá nhiều. Tạ Lan Sinh sử dụng thuốc thừa của Trì Trung Hạc tiết kiệm được một ít nên còn dư ra một ít. Nói cách khác, nếu như muốn thêm phụ đề tiếng Ý, anh còn thiếu tận mấy chục nghìn.

Tại sao gì cũng cần đến tiền thế này!

Hay là... không đi nữa? Một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu Tạ Lan Sinh: Về sau sẽ chỉ tham gia Liên hoan phim của Anh và Mỹ thôi?

Nhưng cơ hội lần này rất tốt... dẫu sao Torino cũng là Liên hoan phim điện ảnh hỗ trợ người mới, nổi danh quốc tế, đạo diễn mà Kỳ Dũng quen còn gửi được phim đến Ban tổ chức luôn. Quan trọng hơn cả là, "Bén rễ" đã lọt vào danh sách rút gọn của hạng mục tranh giải chính, phải biết rằng đánh giá nghệ thuật rất chủ quan, bạn nói hay mà người ta bảo không hay là chuyện rất bình thường, lần này có thể vượt qua vòng loại của Torino không nói lên được gì, biết đâu lần sau đều bị loại thì sao?

Tất cả đều phải đánh cược. Nếu tham gia vào Liên hoan phim Torino, cược có thể bán được bản quyền. Không tham gia Torino, cược có thể lọt vòng loại liên hoan phim tiếp theo.

Chọn gì đây...

Tạ Lan Sinh vẫn muốn đi. Bởi vì nếu không lọt vòng loại của những liên hoan phim khác chắc anh sẽ hối hận cả đời.

Thời gian gấp gáp đến vậy, đã không còn lựa chọn nào khác, anh chỉ đành vay tiền Sân Dã rồi làm việc chăm chỉ để trả càng sớm càng tốt. Tạ Lan Sinh nhận ra rằng vì sự hiện diện của Sân Dã mà anh chưa bao giờ cảm thấy tuyệt vọng thực sự. Từ tận đáy lòng mình, anh biết bản thân sẽ không đến đường cùng. Nếu không có Sân Dã, anh chỉ đành quỳ xuống cầu xin bố mẹ lấy ra toàn bộ số tiền tiết kiệm, nhưng anh thực sự không muốn làm vậy.

Có điều, trước khi lên kế hoạch, Tạ Lan Sinh phải hỏi Sân Dã rằng có thể cho mình vay tiền không, bởi vì đây không phải một con số nhỏ.

Sân Dã vừa mới tỉnh ngủ, giọng qua điện thoại vẫn còn hơi mơ màng: "Được."

"Tôi không biết bao giờ có thể trả hết..."

Sân Dã mỉm cười: "Vậy thì anh lấy thân gán nợ."

"Lấy thân gán nợ kiểu gì? Làm trâu làm ngựa à?"

"Không cần làm trâu làm ngựa."

Tạ Lan Sinh hỏi: "Vậy thì làm gì?"

Sân Dã ngừng lại một lát rõ ràng: "Làm gì... đến lúc ấy tính sau."

"Ok." Tạ Lan Sinh nghĩ rằng mình có thể trả được mấy chục nghìn tệ này, cùng lắm chỉ chậm chút thôi, anh cũng nhận ra Sân Dã không để bụng lắm.

"Còn nữa." Trước khi cúp máy, Sân Dã nói tiếp, "Cho tôi số điện thoại của công ty phụ đề kia. Biết đâu có thể rẻ hơn chút, không cần 4.000 Bảng đâu."

"Tôi hỏi qua rồi." Tạ Lan Sinh nghiêm túc nói, "Đây là giá đã giảm, vốn dĩ phải tốn mất 5.000 Bảng Anh cơ đấy."

"Nói." Sân Dã đầu bên kia đã mất kiên nhẫn rồi.

Tạ Lan Sinh thầm nghĩ dẫu sao Sân Dã cũng học ngành kinh tế ở Harvard, chưa biết chừng có thể trả giá thấp hơn, vì thế bèn bảo: "Được, cậu nghe nhé, đầu số nước Anh là 44, tiếp theo..."

Sân Dã gật đầu: "Được, tôi biết rồi."

Cúp điện thoại, Tạ Lan Sinh cũng không kỳ vọng vào chuyện công ty phụ đề sẽ giảm giá thêm nữa, vậy mà không ngờ rằng chỉ gần mười phút sau, Sales Representative lại gọi điện thoại đến. Nói rằng có thể lấy giá gốc.

Anh ta nói: "Là thế này, bên anh đừng chọn công ty ở Mỹ, chúng tôi có thể lấy 2.500 bảng Anh thôi, nhưng các anh phải giúp công ty tôi tuyên truyền ở Liên hoan phim Torino đấy nhé. Nghe nói các anh muốn dùng toàn bộ dự toán để mua chỗ quảng cáo, đến lúc đó vui lòng viết tên của cả công ty tôi lên nữa."

Tạ Lan Sinh mừng rỡ, vội vàng đồng ý với đối phương, rồi hẹn thời gian giao phim, thầm nghĩ Sân Dã không hổ là sinh viên tốt nghiệp Khoa Kinh tế đại học Harvard, đỉnh thật!

Chỉ thiểu 2.000 Bảng nữa thôi, chắc hắn có thể nhanh chóng trả đủ!

Tạ Lan Sinh không biết rằng công ty phụ đề không giảm thêm giá cho "Bén rễ" đồng nào, đối phương gọi điện thoại đến vì Sân Dã vừa mới chuyển cho bọn họ 1500 Bảng Anh.

Cho nên "giảm giá" là một lời nói dối. Nếu giảm đến mức không cần tiền thì rất đáng nghi, Sân Dã cho rằng tốt hơn hết là làm như vậy.

***

Tiếp theo, Tạ Lan Sinh lại đến lầu khách VIP của "Khách sạn Bắc Kinh" để lấy hai nghìn tệ vay Sân Dã.

Khách sạn Bắc Kinh được đánh giá năm sao, vô cùng khí phái, là thành quả góp vốn đầu tư của Trung Quốc và Hồng Kông. Tạ Lan Sinh đi đôi giày rách nát của mình qua đại sảnh, đến quán rượu nhỏ ở bên cạnh

Sân Dã đang uống rượu một mình cạnh cửa sổ quán rượu, trên bàn đặt mấy món ăn vặt, đa phần là hoa quả khô.

Tạ Lan Sinh ngồi xuống ghế đối diện: "Sân Dã."

Anh chợt nhận ra Sân Dã đã gọi cho mình một ly rượu vang.

Sân Dã hỏi:

– Đến rồi đấy hả?

– Ừm.

– Cần 2.000 Bảng Anh hả?

– Đúng, vay 2.000 Bảng. – Tạ Lan Sinh nghiêm túc sửa lại – Bán được phim tôi sẽ trả cậu ngay.

– Được. – Sân Dã cười – Vay 2.000 Bảng.

Sân Dã nhấc tay, mấy ngón tay thon dài ấn lên một chiếc thẻ ở góc bàn bên tay trái qua, nói:

– Đây là thẻ Visa tôi dùng ở mỹ, có thể thanh toán tiền tệ quốc tế.

– Cảm ơn... – Đầu ngón tay của hai người họ ấn lên hai đầu chiếc thẻ, mấy giây sau Sân Dã buông tay ra, Tạ Lan Sinh cầm chiếc thẻ lên, quan sát kỹ càng.

Anh còn chưa được tận mắt nhìn thấy thứ mang tên "thẻ ngân hàng" này. Năm ngoái Ngân hàng Trung Quốc vừa mới phát hành thẻ Trường Thành. Tiếp đó, Ngân hàng Công thương Trung Quốc lại phát hành thẻ Mẫu Đơn. Nhưng Tạ Lan Sinh không làm mà vẫn sử dụng sổ tiết kiệm.

Sân Dã nói tiếp:

– Công ty phụ đề sẽ hỏi tên chủ thẻ, số thẻ, thời gian hết hạn. Anh cứ trả lời rằng mình đang dùng thẻ của Sân Dã, họ Sân, tên Dã.

– Hả? – Tai Tạ Lan Sinh giật giật – Không phải Yves hả?

– Không phải, tôi đã đổi tên khi quyết định Quốc tịch rồi.

– À à...

– Còn nữa. – Sân Dã đẩy qua một tấm thẻ khác – Thẻ này sử dụng Nhân Dân Tệ, có thể trả tiền vé máy bay đi về.

– À, đúng. – Suýt nữa thì Tạ Lan Sinh quên mất, anh còn cần tiền mua vé máy bay nữa. Ban tổ chức của Torino chỉ thanh toán hóa đơn thôi chứ không mua vé máy bay cho.

Sân Dã hỏi:

– Hay anh muốn trả bằng séc tiền mặt.

Tạ Lan Sinh vội nói:

– Không cần, không cần!

Trả bằng séc thì cao cấp quá, anh mới chỉ thấy trên phim Hồng Kông, sẽ nóng bỏng tay mất, anh cũng không biết dùng.

Chờ Tạ Lan Sinh cất thẻ đi rồi, Sân Dã chỉ ly rượu đối diện:

– Uống hết rồi hẵng đi, đến nơi này mà không nhấp miệng món gì thì hơi lạc quẻ.

– Ồ được.

Đúng lúc Tạ Lan Sinh đang thèm rượu. Anh nói "cảm ơn" rồi học theo phim Hồng Kông kẹp thân ly đế cao giữa ngón giữa và ngón đeo nhẫn, trượt lên trên, dùng bàn tay nhấc thân ly:

– Thế này hả?

– Không phải, bỏ xuống.

– ...

Sân Dã vươn tay, kéo thẳng ngón trỏ và ngón giữa của Tạ Lan Sinh, đặt hờ lên giữa thân ly, sau đó ấn ngón cái của anh lên phía đối diện, bảo anh dùng ba ngón tay nhấc ly lên:

– Bình thường khi dùng loại ly này thì không được chạm vào phần thành ly, vì thân nhiệt con người sẽ ảnh hưởng đến vị rượu.

– Ừ ừ.

– Đong đưa nhẹ là được.

– Ừ ừ. – Anh cẩn thận nhấp một ngụm rồi nhấp thêm ngụm nữa. Cảm nhận vị rượu khá đậm đà, một ngụm rượu lại một miếng hoa quả khô, anh uống sạch ly rượu lúc nào không hay.

Sân Dã vẫn rất chậm rãi, hắn dựa vào lưng ghế, động tác thoải mái, cười nhạt nhìn Tạ Lan Sinh.

Cuối cùng, Tạ Lan Sinh chợt nhớ ra một vấn đề vô cùng quan trọng, vội hỏi:

– Đúng rồi Sân Dã, dùng thẻ ngân hàng để rút tiền mặt có cần mật khẩu không? Sổ tiết kiệm cần mật khẩu, thẻ ngân hàng chắc cũng cần mật khẩu chứ?

– Tất nhiên rồi. Ở Trung Quốc tôi chỉ có mỗi tấm thẻ này thôi, làm gì có chuyện không để mật khẩu.

– Một, một thẻ? Chỉ một thẻ duy nhất? Không còn thẻ nào khác à? Vậy tôi rút xong sẽ trả lại cậu luôn. – Nghe Sân Dã nói chỉ có một thẻ này thôi, Tạ Lan Sinh ngơ ngác – Thế mật khẩu là gì?

Sân Dã không trả lời ngay. Hắn uống hết giọt rượu cuối cùng, đặt ly thủy tinh lên mặt bàn, sau đó vểnh chân, một tay gác lên tay vịn sofa, một tay cầm thân ly thủy tinh, cụp mắt một lúc mới ngước mắt nhìn thẳng vào Tạ Lan Sinh, mỉm cười với vẻ lười biếng rồi nói:

– Sinh nhật anh.

Sinh nhật anh, ngày quan trọng nhất của anh, đối với tôi cũng thế.

Hết chương 24

Lời tác giả:

Tôi đã nhờ người bạn làm biên tập viên ở "Xem điện ảnh" hỏi thử đạo diễn từng tới Liên hoan phim... ông ấy nói chỉ thanh toán chi phí cho bản thân đạo diễn thôi... chắc hẳn không có bug, có điều bây giờ sửa rồi...

Cát: Sân Dã chính là quý nhân của Tạ Lan Sinh, không có Sân Dã thì chắc Tạ Lan Sinh bị Lý Tỉnh Nhu đánh cho què giò vì vòi tiền rồi =)))

Có ai còn nhớ lần đầu tiên hai người nhìn thấy nhau là ở đâu không nhỉ?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dammy