Trung Đạo 2
HÃY GIẢI THOÁT MÌNH KHỎI SỰ "GIẢI THOÁT"
Lúc còn đang hành đạo, tôi đã có cơ hội gặp rất nhiều kiểu người. Có kiểu người chẳng biết gì về đạo, có kiểu người làu làu kinh sử, có kiểu người chăm chăm kiến tạo thế giới vật chất của họ mà quên đi thế giới tâm linh... Những người ấy thường tìm đến tôi khi đang sa cơ lỡ vận để mong có một phương pháp nào cữu chữa. Hoặc cũng có khi là những quý phật tử, tăng ni tìm đến để vấn đáp đôi điều về đạo.
Có một hôm một nam phật tử đến tìm tôi, sau khi chào hỏi bình thường thì bắt đầu hỏi tôi về đạo, anh ấy hỏi rằng:
- "Xin thầy cho hỏi, con ăn chay trường, ngày ngày niệm tụng kinh phật không bao giờ trễ nải, tại sao con vẫn không thấy có nhiều biến chuyển? Con vẫn thèm ăn mặn, vẫn chưa hiểu được nghĩa lý của kinh, vẫn chưa giải thoát hay đắc đạo? Con hiểu là việc ấy không dễ dàng, nhưng làm sao để con biết mình đã đi đến đâu trên con đường ấy?"
- Tôi đáp: "Cuộc sống của bạn hẳn có nhiều khó khăn và bất như ý nên mới quyết tâm tìm đến giải thoát như vậy, bạn có thể chia sẻ câu chuyện đó được không?"
- Anh ta suy nghĩ một lúc thì nói: "Con từ nhỏ sống trong một gia đình khá giả hạnh phúc, nhưng năm con lên lớp 10 thì mọi thứ sụp đổ, cha mẹ con ly hôn, công việc làm ăn của cha mẹ đều lụn bại. Kể từ đó con về ở với ông chú ruột, nhưng cuộc sống khổ cực vô cùng... Con nghĩ vì những trải nghiệm đó nên con muốn giải thoát, con muốn không phải chịu đựng những điều tương tự như vậy nữa."
- "Tôi cảm được nỗi khổ mà anh phải chịu đựng, tôi cũng đã hiểu được lý do anh mong cầu giải thoát đến như vậy. Vậy cho tôi hỏi, hiện giờ khi anh ăn chay trường, niệm phật tụng kinh, anh có còn khổ không, ham muốn giải thoát có còn nhiều không?"
- "Thưa là vẫn còn, lúc tụng kinh thì con không nghĩ gì nhưng vẫn có những ngày mọi thứ đổ ập xuống, áp lực cuộc sống vẫn đè nặng mỗi ngày, nhưng con vẫn mong muốn cầu đạo và càng mong muốn giải thoát."
- "Ngày xưa khi anh chưa tụng kinh, chưa ăn chay thì vẫn khổ như vậy, vẫn muốn giải thoát như vậy, giờ đây anh ăn chay thì vẫn khổ vì phải kiềm chế cơn thèm ăn mặn, tụng kinh nhưng vẫn khổ phải đối mặt với áp lực cuộc sống mỗi ngày, vậy anh có cho rằng mình đi đúng hướng rồi không? Hay chỉ chuyển từ nỗi khổ này sang nỗi khổ khác?"
- "Xin thầy hãy nói rõ hơn"
- "Giải thoát không phải ở việc anh ăn chay hay ăn mặn, tụng kinh hay không, mấu chốt là anh đang không nhìn rõ, cái thứ cầm tù anh không phải là những thứ áp lực cuộc sống. Thậm chí anh còn tránh cái nhà tù ấy bằng cách tự tròng vào cổ mình thêm một gông cùm khác, vậy mà anh gọi là hành trình giải thoát ư?"
- Tôi nói tiếp: " Do anh tưởng lầm là phải giải thoát mình khỏi những áp lực cuộc sống, nhưng thật ra không phải, anh không thể giải thoát mình khỏi cuộc sống đâu, trừ khi anh không còn sử dụng thân xác này nữa. Còn nếu không anh vẫn phải trải qua đủ sinh lão bệnh chết, vẫn bị giới hạn bởi thế giới vật chất này. Cho nên, đừng nhìn vào áp lực cuộc sống, thứ thực sự cầm tù anh nó nằm bên trong anh đấy. Nhà tù trước tiên mà anh cần thoát khỏi đó là lòng tham giải thoát, sau khi thoát khỏi nhà tù đó, hãy tiếp tục bước ra khỏi các nhà tù khác nữa"
- "Làm sao để con thoát ra được các nhà tù đó? Con đã thử rất nhièu cách, nhưng đều không hiệu quả"
- "Nếu ta nói với con rằng cả đòi con không thể nào thoát ra khỏi các nhà tù đó thì con sẽ nghĩ sao?"
- "Thật sao thầy?......... Con không tin đâu"
- Tôi hỏi "Nếu như vậy thật, con sẽ sống thế nào?"
- Anh ta thở dài một tiếng rồi nói "Nếu như đó là thật, con chắc sẽ chỉ sống như một người bình thường, sáng đi làm, tối về nhà, nuôi con cái, già rồi chết. Nếu có điều gì xảy ra cũng đành chịu, chỉ cố sống vui vẻ qua ngày thôi"
- Tôi nói "Chúc mừng con, con đã bước ra khỏi nhà tù đầu tiên rồi đó, đừng quay trở lại vào trong nhé"
...
[Xin quý bạn hãy tự suy ngẫm và áp dụng vào các nhà tù của chính các bạn]
GIẢI THOÁT LÀ GÌ?
Tôi không cho rằng giải thoát là một hành trình quá cao xa, hay không thể với đến, chúng ta hoàn toàn có thể giải thoát trong từng phút giây ta chánh niệm, nhưng điều khó khăn nhất là làm sao thường trú được trong chánh niệm. Làm sao ta có thể thường trú trong chánh niệm và sự yên ổn khi tâm chưa đủ vững, nghiệp quả ở thân vẫn còn phải trả, tâm trí vẫn nhảy nhót, dẫn dắt ta đi hết từ điều này sang điều khác, và tệ hơn là tâm trí lại hay hướng ta về những điều tiêu cực? Để thoát ra được khỏi những vòng xoáy ấy chỉ có một cách, đó là cân bằng, là chọn con đường Trung Đạo.
Trung Đạo có nghĩa là tin vào con đường của Phật, nhưng cũng thương cảm cho những người không theo Phật, tin vào con đường của chúa trời, nhưng hiểu cho những người phỉ báng chúa. Tin vào lựa chọn của bản thân mình, nhưng cũng thấu hiểu cho con đường của người khác. Biết thuận theo tự nhiên, hiểu được đạo vô vi nhưng không quá bám chấp vào vô vi. Và trên hết là phấn đấu hết tâm sức mình cho một con đường nhưng biết cách buông bỏ, không bám chấp vào con đường đó. Như vậy là giải thoát, như vậy là Trung Đạo, như vậy là nước chúa, như vậy là vô vi, như vậy là Thuận Tự Nhiên.
CÁC CÁCH TU TẬP TRUNG ĐẠO ĐỂ KHÔNG BỊ VƯỚNG MẮC VÀO CÁC NHÀ TÙ CỦA "THAM - SÂN - SI"
Các bài Thiền Trung Đạo luôn chú trọng sự cân bằng giữa các yếu tố trong con người, vì thế tổng thể Thiền Trung Đạo được chia làm 2 nhóm chính là THIỀN TĨNH TRUNG ĐẠO và THIỀN ĐỘNG TRUNG ĐẠO. Nếu Thiền Tĩnh giúp nâng cao các yếu tố thuộc về Tâm và Trí thì Thiền Động giúp nâng cao các yếu tố thuộc phần Thân. Vì vậy người hành thiền Trung Đạo được khuyên rằng nên hành thiền Tĩnh 2 thời mỗi ngày (1 thời lúc vừa thức dậy và 1 thời lúc chuẩn bị đi ngủ) và hành thiền Động 1 thời mỗi ngày. Khi vừa thức dậy phù hợp để ta hành thiền Tĩnh cho các yếu tố thuộc Trí, khi chuẩn bị ngủ ta hành thiền Tĩnh cho các yếu tố thuộc Tâm, còn ban ngày, ta có thể tùy thời gian thuận tiện mà hành thiền Động để phát triển các yếu tố thuộc phần Thân. Nếu giữ được thói quen ấy, không những giữ được sự cân bằng nội tại giúp thân tâm trí có được sự thống nhất, hòa làm một, nền tảng cho sự chánh niệm thường trú và cũng là nền tảng cốt yếu cho sự giải thoát và đạt đạo.
THIỀN TĨNH TRUNG ĐẠO VÀ THIỀN ĐỘNG TRUNG ĐẠO KHÔNG PHẢI LÀ MỘT BÀI THIỀN
Thật ra, Thiền Tĩnh và Thiền Động nói cho đúng là 2 nhóm các bài thiền được phân chia trong thiền Trung Đạo. Có người phải ngồi xuống, nhắm mắt để thiền tĩnh, có người thích đứng yên tại chỗ để thiền tĩnh, có người nằm dài để thiền tĩnh. Có người tập yoga để thiền động, có người thích tận dụng lúc đi bộ đến chỗ làm để thiền động, có người thích vừa chạy xe vừa thiền động nhưng có người thích nấu ăn để thiền động...
Thiền Tĩnh và Động Trung Đạo không có một khuôn mẫu nào về hình thức thiền, chỉ có một điều tiên quyết và duy nhất. Hãy thiền hướng tới sự cân bằng của toàn bộ các yếu tố bên trong con người bạn. Như vậy có rất nhiều cách để thiền trung đạo, trong đó có 3 bộ thiền chính:
- Thiền Tứ Đại ( cân bằng 4 nguyên tố bên trong con người như Khí Đất Nước Lửa)
- Thiền Tam Tài ( cân bằng 3 nguyên tố Thân Tâm Trí)
- Thiền Duyên Khởi (Cân bằng 12 yếu tố tạo nên mọi thứ trong con người bạn)
Và trên hết, các pháp thiền trung đạo không tách bạn ra khỏi cuộc sống thật, các pháp thiền trung đạo giúp đưa chánh niệm và sự cân bằng, trung đạo vào từng hành động mà bạn vẫn làm thường ngày.
Tôi có các học trò hiện đang làm công chức. Các bạn ấy ngủ dậy vào lúc 7h45, bạn ấy không dậy ngay mà nằm yên trên giường mà thiền tĩnh 10 phút, sau đó tỉnh táo dậy đi làm. Buổi trưa, thay vì lấy xe máy chạy đến chỗ ăn hoặc ăn ngay tại nhà hàng gần đó, bạn ấy chọn một chỗ ăn cách công ty tầm 500m, kết hợp việc đi bộ ấy với thiền động. Tối về, nằm xuống, thay vì lướt điện thoại 30 phút thì bạn ấy lướt điện thoại 20 phút thì thiền tĩnh thêm 10 phút.
Tôi cho rằng điều đó rất tốt, thậm chí bạn còn có thể kết hợp thiền tĩnh vào động vào bất cứ khung giờ nào khác trong ngày miễn là thấy tiện và phù hợp.
Tôi cũng chẳng bao giờ khuyên các học trò phải thay đổi ngay các thói quen không tốt của mình một cách miễn cưỡng. Bởi vì bạn có thể cố gắng ép bản thân mình trong một khoảng thời gian nào đó với hy vọng nó sẽ thành thói quen. Nhưng thông thường ít khi chúng ta thay đổi được những thói quen thâm căn cố đế với chỉ đơn thuần ý chí. Những thói quen cả tốt và xấu đều có lý do tồn tại của nó, thay vì cấm đoán hay miễn cưỡng gượng ép bản thân, hãy giữ một tinh thần cương quyết nhưng nhẹ nhàng, mạnh mẽ nhưng từ tốn, đó mới là trung đạo. Nếu bạn muốn giải quyết môt vấn đề bằng một cách làm không trung đạo, nó sẽ chỉ dẫn đến một sự cân bằng tạm bợ trong thời gian ngắn, rồi sau đó cái giá phải trả sẽ gấp nhiều lần.
Vì Trung Đạo là thuận Tự Nhiên, mà thuận tự nhiên thì không cầu cũng được, bền vững, an yên.
Chúc quý bạn tinh tấn
Trung Đạo
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top