Quái vật trong Thành phố ác ma
Link truyện:https://eugene-kimberley.lofter.com/post/73d1e560_2b549ba59
Bối cảnh: Thời kỳ Cách mạng Công nghiệp (1760 - 1830)
Cảnh báo: Bạo lực, máu me, một số cảnh châm biếm, truyện theo hướng hơi trừu tượng.
o0o
Hắn cảm thấy mình đang ở trong một giấc mơ. Khi đó, London còn chưa thoát khỏi khói mù, đèn xe và bóng tối đan xen với nhau, khung cảnh thế kỷ 19 xuyên qua làn sương mù dày đặc chậm rãi hiện ra. Con tàu chở hắn lao vút về phía thành phố, hơi nước bốc lên phả vào bệ cửa sổ, phản chiếu khuôn mặt thanh niên Bắc Mỹ. Hắn nhìn thành phố đang dần công nghiệp hoá và nhớ về những kí ức cũ, mặt trời trên bầu trời cao dõi theo hắn.
. . . . .
Đây là một trong nhiều cơn ác mộng, hiện hữu trên con đường đời dài đằng đẵng của hắn và nếu cuộc đời là một cuốn sách cũ thì nó sẽ là khởi đầu của mọi câu chuyện bi thảm. America đã nghĩ đến nó nhiều năm sau đó, vài mảnh ký ức sâu sắc vẫn còn đọng lại, ở những năm 1820.
Thuở ấy, hắn mới độc lập và non trẻ, sông Thames còn chưa được làm sạch, Alice và Andersen nổi tiếng với tụi trẻ còn chưa ra đời. Trẻ con London lớn lên trong môi trường khắc nghiệt chẳng tồn tại cái gọi là niềm vui, chúng chết sớm hoặc buộc phải trưởng thành, gieo mầm mống cho kỷ nguyên đen tối xã hội hàng chục năm sau. England vốn không quan tâm tới điều này, có lẽ người luôn tồn tại thành kiến với chúng, trở nên vô cùng thờ ơ kể từ thời điểm chiến tranh kết thúc.
Bệ hạ công nhận Hoa Kỳ là một quốc gia tự do và độc lập...[1] Nhưng đừng vui mừng quá sớm, America thân yêu của tôi. England từng cảnh cáo như thế khi đặt bút ký lên tờ giấy. Thế giới đang trải qua những biến cố khác nhau mỗi ngày, mọi thứ sẽ lần lượt đổi thay.
Ừ thế là, lão già đầy thù hận đã đánh trả vào năm 1814, đốt cháy Nhà Trắng, để lại một đống hỗn độn và thản nhiên quay trở về châu Âu.
Nhưng đây là chuyện của nhiều năm trước rồi.
America kết thúc hồi tưởng, hắn khịt mũi, cuối cùng bước vào nhà máy sau khi do dự năm phút. Hắn đi qua dây chuyền lắp ráp ồn ào, chủ xưởng England nhìn hắn bằng ánh mắt điềm tĩnh và thận trọng, giống như một con nhện đen đầu đàn nằm trong góc tối, còn cả xưởng dệt là một tổ nhện khổng lồ.
"Đã lâu không gặp." Người rời ánh mắt và không nhìn hắn nữa.
England đứng trước một chiếc máy và tiếp tục quan sát các bánh răng và vòng bi, chiếc bút lông trong tay người chuyển động, một loạt chữ nhanh chóng lấp đầy cuốn sổ tay. Người mặc một bộ trang phục bằng da, America thấy khá phù hợp với bối cảnh này. Ít nhất thì lão ta không còn mặn mà với quần áo cướp biển cùng trang sức bằng vàng bạc như thế kỷ trước. England ghi chép xong, lấy các bộ phận từ túi dụng cụ trên đùi và gia cố tay cầm quay của máy bằng một con vít mới.
"Hãy cho tôi biết mục đích chuyến thăm của cậu." Người mỉm cười đầy giả dối, không hề thấy chút có lỗi nào khi ngó lơ America.
"Ngài có thể đoán."
"Đương nhiên." England ra hiệu hắn lại gần, thừa biết hắn đã nhận thư mời ghé thăm, nhưng vẫn cố tình hỏi một cách đầy xã giao. "Cậu có hứng thú với những thứ nhỏ nhặt mới mẻ này."
Người dùng bút chỉ vào chiếc máy của mình, con quái vật hơi nước khổng lồ chưa được khởi động. Nó trông khác với những chiếc máy thông thường, nó giống một loại máy cắt kết hợp động cơ hơi nước. Tuy nhiên nó cũng có một chiếc ống thoát nước nên America không thể hiểu công dụng loại máy này.
"Người dân mười ba bang vẫn dựa vào nông nghiệp và đồn điền để nuôi sống gia đình phải không, Thập Tam- không, United States?"
Hiện nay Hoa Kỳ có hơn mười ba vùng lãnh thổ. Đây là sự thật rất rõ ràng. Hắn biết England sẽ chẳng thể mắc phải lỗi nhỏ này trừ khi người cố tình, thậm chí còn sử dụng cái tên thời thơ ấu đó như một lời miệt thị.
"Ngài cũng đâu khá hơn là bao." America mỉa mai đáp, gõ lên chiếc vỏ máy quý giá. "Tôi đã nhìn thấy khi vào thành phố. Khói do những thứ này thải ra có thể nhuộm bầu trời đầy nắng ở London thành màu đen."
"Muốn có sự giàu sang lâu dài phải đánh đổi một chút hy sinh."
"Cái này để làm gì?"
"Cái này?" England liếc nhìn chiếc máy bên cạnh, kiểm tra từng inch bề mặt kim loại và các răng cưa bên trong.
"Tôi sẽ dạy cậu cách sử dụng nó sau...bây giờ chưa phải lúc."
America khịt mũi, không thèm đi sâu vào tận đáy của sự cám dỗ bí ẩn. Điều mà England sẵn sàng chia sẻ chưa bao giờ là lợi ích hay bí mật quan trọng.
"Ngài biết đấy," hắn cảm thấy ngứa mũi, không khí đục ngầu trong nhà máy tràn ngập bông gòn khiến hắn hắt hơi. "Nếu không có cái gọi là công nghiệp, ở nơi London chết tiệt này, tôi còn chẳng muốn trả tiền vé tàu để tới đây."
Hắn nghiêng đầu suy nghĩ một lúc, như thể cuối cùng cũng tìm được chỗ đau trên chân đối phương, hắn nhếch môi với England.
"Công nhân của ngài trông có vẻ không trụ nổi quá lâu," hắn nói "Ý tôi là tuổi thọ. Không ai trong số họ ngoài ba mươi cả."
"Ba mươi?" England hỏi ngược lại, giống như nghe thấy một câu chuyện cười nào đó trên đường phố. "Chẳng sao hết, luôn có những thanh niên trẻ tranh nhau xin việc."
"Họ nên cưỡi ngựa ở Bắc Mỹ, không khí sẽ không có mùi như tổ chuột ngấm nước mưa."
Quý ngài Anh quốc bị xúc phạm nhăn mặt nghiến răng như một bánh răng công nghiệp. Người tỏ ra kiêu ngạo trước quốc gia trẻ tuổi. Những lúc này, người không khỏi nghĩ đến thất bại của mình trong cuộc chiến hàng chục năm trước.
Một con nhện trưởng thành không muốn nhìn thấy con nó sinh sống bên cạnh và tranh giành con mồi, một người chủ nhà máy thành công sẽ chẳng bao giờ cho phép con mình tự lập dễ dàng và trở thành đối thủ cạnh tranh, biến thành trở ngại trên con đường sự nghiệp của họ.
"Biết tôn trọng đi, nếu cậu vẫn muốn ở lại đây." Người nhìn chằm chằm vào America, giọng điệu lạnh lẽo và sắc bén, khiến đối phương im lặng sau khi xem xét tình hình, như lúc hắn còn là thuộc địa mà không ai trong số họ muốn nghĩ tới.
Thấy hắn không còn ý định khiêu khích nữa, vẻ mặt England dịu xuống, tựa biển băng lạnh giá. Người đi loanh quanh trong xưởng rồi liếc nhìn trang phục trên người America một cách gay gắt, chúng đơn giản đến mức người muốn cười, ánh mắt người đầy vẻ phán xét.
"Tôi sẽ đưa cậu đi chiêm ngưỡng kỳ quan công nghiệp," người lên tiếng "Cậu có nhận ra hay không là do cậu."
"Con quái vật đó có bao gồm trong phép lạ không?"
Họ quay lại và nhìn vào chiếc máy trong xưởng. Lớp kim loại được đánh bóng toả sáng, phản chiếu một chút thích thú tàn ác trong ánh mắt England.
"Nó là kì tích của đế quốc." Người mỉm cười, "Một thứ kỳ diệu."
. . . . .
Sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp giống như một ngôi sao băng vụt qua bầu trời châu Âu, mang những món quà của nó đến với thế giới. Sự giàu có cuồn cuộn dâng trào và người sáng tạo trở thành người hưởng lợi lớn nhất, những người ngưỡng mộ nối tiếp nhau theo sau.
. . . . .
"Như những con người đó." England nói, dẫn hắn đi vào bên trong nhà máy, hàng loạt chiếc máy kéo sợi chạy ầm ầm xung quanh họ. Người cho America xem sợi tơ sau khi trải qua một loạt công đoạn, được dệt và làm phẳng ở phía cuối máy rồi biến thành từng mảnh vải dưới nhát cắt của công nhân.
"Nếu so sánh một quốc gia với một đứa trẻ thì thế giới là một ngôi trường. Khi đứa trẻ đến trường với bộ quần áo mới hoặc có nhiều tiền tiêu vặt, đám trẻ còn lại sẽ thấy ghen tị."
"Giống như ngài đang khoe khoang về 'bộ quần áo mới' của mình hấp dẫn đến mức nào vậy."
"Bởi vì nó thực sự hấp dẫn." England cười khẩy, "Rất nhiều người từ lục địa châu Âu đến ghé thăm. Ngay cả cậu từ bên kia Đại Tây Dương cũng bị nền công nghiệp Anh quốc thu hút."
"Tôi không thể sống bằng nghề khai thác kim loại và làm nông cả đời được." America tùy tiện nhặt miếng giẻ rách nào đó, nhìn rồi ném chúng về chỗ cũ. "Hàng rẻ tiền sản xuất hàng loạt nhỉ? Ngài định bán cho ai? Thị trường dân sự Anh hay các thuộc địa bị bóc lột của ngài?"
"Các anh em trước đây của cậu sẽ rất vui khi mua chúng, nếu cậu cũng thế-"
"Đừng bán cho tôi, lão già, trừ khi muốn nhìn thấy đám cá ở Vịnh Boston ăn lá trà lần nữa."
"Và tôi là người dạy cậu cách câu cá." England tỏ vẻ bất mãn nhìn hắn, thái độ lịch sự giả tạo làm người không thể tức giận trong nhà máy đông đúc. "Nói đến chuyện này, tôi lại nghĩ đến một người khác."
"Ngài đã nuốt chửng thuộc địa mới nào?"
"Xui xẻo thay, bây giờ vẫn chưa gọi là thuộc địa được." England dùng đầu ngón tay chọc chọc những sợi chỉ và America thấy người vặn xoắn chúng một cách đầy khó chịu, "Nó biến thành trò cười lan rộng khắp châu Âu. Mấy năm trước, tôi cùng sứ giả đến thăm đất nước phương Đông đó để yêu cầu buôn bán, nhưng hoàng đế của họ yêu cầu chúng tôi quỳ xuống bái lạy, và hiện thân tóc bện của chúng còn gọi tôi là đồ man rợ phương Tây bẩn thỉu." [2]
"Wow, England." Phản ứng từ America giống hệt với các nước châu Âu, hắn cười lớn: "Ngài không dùng gậy chọc vào mắt tên phương Đông đó à? Có lẽ hốc mắt hắn sẽ trũng xuống như chúng ta!"
"Sớm muộn gì tôi cũng làm được." England nheo mắt, "Đáng tiếc là tôi chưa bán được hàng hoá nào. Cứ tiếp tục như vậy thì trà và đồ sứ nhà hắn sẽ bào mòn ví tiền của tôi. Thực sự đáng lo lắng."
"Tôi đoán ngài phải hút ít nhất hai gói thuốc phiện mỗi ngày để giải toả căng thẳng. Ngài từng làm điều đó khi gặp rắc rối." America khịt mũi chán ghét. "Tốt nhất ngài nên bỏ thứ đó càng sớm càng tốt. Hồi tôi còn bé, bộ dạng xộc xệch với đôi mắt thâm quầng cùng mùi hôi toả ra từ người của ngài thật kinh tởm."
"Một lời đề nghị hay." England trầm ngâm đáp: "Dù sao thì tôi vẫn cần giữ lại chúng, sau này có thể sẽ dùng đến."
America không hiểu ý nghĩa của câu trả lời, England cũng chẳng giải thích nhiều mà chuyển sang chủ đề khác. Công xưởng bụi bặm nhưng không ảnh hưởng tới sức khỏe sinh vật như họ, hai người vừa dọc theo lối đi vừa trò chuyện.
Bỗng England đột ngột dừng lại. Người nhìn vào vị trí trống ở dây chuyền lắp ráp, ánh mắt hiện lên một tia kinh ngạc, nhớ ra gì đó rồi tối sầm.
Người vẫy tay với tên quản đốc, gã đàn ông cầm roi vội chạy tới chào hỏi như một con chó thấy chủ. Vẻ mặt gã ta lập tức thay đổi khi nhìn thấy America đứng bên cạnh England, gã ngẩng đầu tỏ ra kiêu ngạo, không hề phù hợp với thân hình bám đầy bụi bẩn.
"Đây là công nhân mới mà ngài đưa tới?" Gã khinh thường liếc America, "Cậu ta trông không có nhiều kinh nghiệm lắm, tuy nhiên tôi sẽ dạy cậu ấy cách làm việc."
"Cút ngay hoặc tao đấm gãy mũi mày."
Lời đáp trả từ America gây sốc đến mức làm tên quản đốc đứng hình, gã kinh ngạc nhìn England, chờ người đưa ra lời giải thích.
England thở dài bất lực lên tiếng: "Thằng bé này từng là con trai tôi, nó mới từ Bắc Mỹ trở về - để học tập."
"Thì ra là con trai ngài." Gương mặt quản đốc vốn cau có nhanh chóng thả lỏng, gã đưa tay muốn bắt tay với America lại bị từ chối, đành xấu hổ nói tiếp: "Cho nên, ngài đang tính rèn luyện cậu ấy thành người thừa kế?"
"Lão già chịu giao lại nhà máy này cho tôi thì thật đáng nguyền rủa, trừ phi lão chết và tôi tới đào quan tài lão lên, lấy tài sản thừa kế- Ugh! Tại sao lại đánh tôi?!"
"Im lặng đi nhóc." England cố gắng hành xử như một người cha bình thường đến cực điểm.
"Chúng ta nói chuyện công việc đi." Người quay sang chỗ trống hồi nãy, "Tại sao công nhân phụ trách ở đây lại vắng mặt?"
"Anh ta đã hai ngày không đến làm việc." Quản đốc lo lắng trả lời: "Không có đơn xin nghỉ, có thể đã bỏ trốn."
"Có biết tên đó đi đâu không?" England lạnh mặt tiếp tục hỏi.
"Khả năng cao là về nhà, khu ổ chuột ở London."
"Nếu tôi nhớ không lầm, anh ta là một công nhân luôn không hài lòng với công việc của mình và đã nhiều lần gây rắc rối trong nhà máy." England nhìn thẳng vào mắt gã khiến gã rùng mình vì sợ hãi. "Có đủ lý do để anh ta bỏ đi và không trở lại."
"Xin lỗi ngài! Tôi sẽ ngay lập tức sắp xếp công nhân thay thế-"
"Không cần."
England thản nhiên cắt ngang lời gã, suy nghĩ rồi đưa ra quyết định. "Chuyện này để tôi giải quyết."
"Tuy nhiên tôi và chàng trai bên cạnh còn có chuyện riêng, quay lại làm việc đi."
Tên quản đốc ngoan ngoãn đứng gọn sang một bên, kính cẩn nhường đường cho chủ xưởng. England chống gậy bước hai bước đầy kiêu ngạo, quay lại ra hiệu cho hắn đi theo.
"Trông ngài không dễ dàng bỏ qua đâu." America vạch trần khi đuổi kịp người. "Nói tôi biết ngài muốn làm gì. Đưa người công nhân đó quay lại hay tìm lý do để tống anh ta lên giá treo cổ?"
"Có khi điều mà tên kia đang nghĩ đến là một ngày nào đó được tự tay đưa chủ nhà máy của mình lên giá treo cổ."
"Thật là khó khăn."
"Đúng vậy. Con trai chủ xưởng có thể lựa chọn trở thành doanh nhân, luật sư, giám đốc ngân hàng hoặc kế thừa sự nghiệp. Còn hầu hết con trai của công nhân đều tiếp tục đi theo công việc cha mình. Nếu chúng ta là con người, vài năm nữa cậu sẽ ở trong nhà máy, giám sát con của người công nhân kia."
England nhún vai, như thể đang kể một câu chuyện cười.
"Nào, hãy theo tôi tham quan nơi này. Ngày mai tôi đưa cậu ra phố."
. . . . .
Hãy đội chiếc mũ cao nhất lên và nhìn qua chiếc kính một mắt của mình để thấy những đường ống phức tạp trong thời đại công nghiệp, cách lắp đặt các bộ phận vào máy móc có trật tự. Ở Anh quốc, nơi xoay chuyển với tốc độ cao như một bánh răng, khung cảnh thịnh vượng lần lượt hiện ra, từ máy kéo sợi đến các ống khói.
. . . . .
"Xưởng dệt của ngài có thể kiếm được bao nhiêu tiền trong một ngày?"
America hỏi, vén rèm lên và nhìn ra ngoài. Cạnh hắn là người chủ xưởng thành đạt, vẫn ngồi thẳng dù toa xe lắc lư. England nhìn thoáng qua thành phố bên ngoài cửa kính. Những hàng ống khói giống như những con dao thẳng tắp, cắt ngang bầu trời xám đen của London.
"Cậu hỏi tôi có thể kiếm được bao nhiêu, hay số tiền mỗi công nhân được nhận?" Người xoay chiếc nhẫn vàng nơi tay trái. "Mức lương ở nhà máy khá cao. Nếu cậu làm việc 12 tiếng một ngày thì cậu có được nửa tuần lương, một bảng và thêm vài xu nếu làm tốt."
"Đây chỉ là mức giá dành cho công nhân bình thường."
"Đoán đúng. Một nửa số người trong xưởng dệt là phụ nữ hoặc trẻ em, giá thuê họ sẽ rẻ hơn."
"Ngay cả tụi nhỏ cũng phải đi làm à?"
"Hết cách rồi." England cố tình nhấn mạnh từ 'đứa trẻ' để giễu cợt điều gì đó, "Hầu hết cặp vợ chồng thường dân nào cũng có nhiều con, và không phải tất cả đều được đi học đầy đủ."
"Bây giờ tôi nên mừng vì mình chẳng phải là con người, nếu không thì ngài hẳn đã ném cả bọn vào nhà máy để giũ sợi." America nhìn thấy một đứa trẻ đi ngang qua cửa sổ, hắn nhổ nước bọt và đóng rèm lại. "Cái máy chết tiệt."
"Người cha giàu có nào lại gửi con mình đến nhà máy? Trừ khi con nó bỏ nhà đi." England cười xấu xa với hắn, "Con cái thuộc tầng lớp lao động chỉ có thể ăn bánh mì và khoai tây cũ. Tôi chưa bao giờ để cậu phải ăn loại rác rưởi đó."
"Bởi vì ngài biến thức ăn tươi thành rác." America lè lưỡi chán ghét, nhớ lại một số ký ức khó chịu. "Còn nữa, tại sao bánh mì bày bán trên đường phố London luôn có màu như thạch cao vậy? Rượu bia cũng bị trộn lẫn với nước? Chúng làm ra theo kỹ năng nấu ăn đặc biệt của ngài à?"
Quý ngài Anh quốc khinh thường liếc nhìn hắn và từ chối trả lời. Khi xe của họ đến nơi, người ném hai đồng xu cho tài xế và nói America chú ý lúc hắn bước xuống xe.
"Cẩn thận nước thải."
"Trên đường?" America giẫm phải vũng nước sau cơn mưa làm người đồng hành cùng hắn cau mày. "Kệ đi, tôi đã quen giẫm chúng ở miền Tây rồi."
"Tôi đang có lòng nhắc nhở cậu." England ngước nhìn dãy nhà trên phố, bức tường đá cẩm thạch bị khói và mưa mài món xuất hiện vết mốc lốm đốm. "May mắn nơi này là khu vực sinh sống của tầng lớp trung lưu. Nếu cậu đi về phía đông London, nơi công nhân ở, nhớ để ý bồn nước tầng trên."
"Tôi không tin ngài muốn đến một nơi như thế."
"Vì tôi trải qua rồi nên tôi mới không muốn đi."
England nói và chỉ đường cho hắn, nếu đi xa hơn một chút dọc theo con phố này, hắn sẽ đến khu thương mại trung tâm của London. Dù thời tiết vẫn u ám nhưng môi trường ở đây hoàn toàn khác biệt với nhà máy. Các hoa viên và sân vườn của những người giàu có được xây dựng trên đường phố. Chẳng còn bóng dáng công nhân hay người bán hàng bẩn thủi ở đâu. Một số người thuộc tầng lớp cao hơn nhìn America, ầm thầm phán xét bộ quần áo rộng thùng thình hắn mặc không đủ thanh lịch.
Wow, tên người Mỹ lỗ mãng xuất hiện ở thị trấn. America luôn có cảm giác ánh mắt họ thể hiện điều này. Nhưng tất cả người Anh đều có xu hướng đạo đức giả, vậy nên nếu có ai dám lên tiếng và chế nhạo hắn, America nhất định sẽ cho bọn họ thấy thế nào là một người đàn ông miền Tây hoang dã thật sự.
"Không thích ánh mắt của họ à?" England giả vờ quan tâm, "Lần sau nhớ mặc vest nhé."
"Vậy ngài có thể cởi quần áo ngài ra cho tôi mặc được không?"
"Biến giùm." Quý ông sang trọng đẩy tay hắn ra, ngó lơ lời trêu chọc của hắn. "Đồ khốn nạn Bắc Mỹ vô văn hoá."
Họ đi dạo quanh phố và đi xem các cửa hàng mới xuất hiện. Có rất nhiều loại trang phục và đồ thủ công rực rỡ được trưng bày trên kệ. Kể từ khi các nhà máy mọc lên, nhiều cửa hàng thủ công mỹ nghệ đã đóng cửa, các chủ cửa hàng và thợ thủ công buộc phải làm việc trong các nhà máy. Hàng hóa cũng đã trở thành sản phẩm của dây chuyền lắp ráp. Chúng thực sự đã mang lại rất nhiều thịnh vượng cho thành phố.
Một nhân viên mỉm cười nói với họ tất cả những điều tốt đẹp. Phương pháp bán hàng này rất hiệu quả với England, người mua một chiếc áo khoác giá 20 bảng ở cửa hàng đó. America chứng kiến từ đầu đến cuối, rút ra nhận xét: một lão già hoang đàng.
"Đừng vội buộc tội tôi, America." Người nói với vẻ không quan tâm. "Khi trở nên giàu có, cậu có thể tiêu nhiều tiền hơn."
"Thế thì tôi nhất định sẽ ném tiền vào mặt ngài." America nói đùa, nhướng mày: "Mặc dù chuyện ngài phá sản là điều khó tưởng tượng."
England bác bỏ ngay và mắng hắn rằng giới trẻ ngày nay chỉ giỏi mơ mộng.
Hai người mới bước ra khỏi cửa hàng được vài bước thì nghe thấy tiếng ồn ào từ bên ngoài. Một nhóm biểu tình cầm biển hiệu diễu hành giữa đường. Nhân viên cửa hàng hoảng sợ chạy tán loạn, như sợ đám người này xông vào cướp bóc.
Người công nhân dẫn đầu hét lên điều gì đó với giọng khàn đặc, chỉ có đồng đội rách rưới giống nhau phía sau đáp lại. Nhiều người qua đường bắt đầu hét lên 'Những kẻ man rợ!' và 'Cảnh sát đâu rồi!'
"Biểu tình?" America đứng dưới mái hiên quan sát một cách thích thú, "Chắc là chủ nhà máy tham lam nào đó lại vỡ nợ."
Đám công nhân bước qua họ, quá tập trung vào lời kêu gọi đến nỗi không biết rằng ác quỷ đang dõi theo suốt chặng đường. England im lặng đứng bên cạnh, ánh mắt chậm rãi di chuyển theo đoàn người, lạnh lẽo như mũi tên có thể xuyên qua qua lưng công nhân dẫn đầu cho đến khi khuất bóng. Người nhận ra tên công nhân đó, hay đúng hơn, khuôn mặt mà người có thể nhớ ngay cả khi nó đã biến thành tro bụi.
America để ý đến biểu hiện này, không phải hắn chưa bao giờ nhìn thấy England như thế, lần cuối cùng trong ký ức của hắn, là khi người đối xử với những nô lệ thấp hèn trong đồn điền.
"Thật không may, chủ xưởng của chúng ta đã gặp phải một chút rắc rối."
"Một rắc rối lớn." England lặng lẽ sửa lại, giọng điệu kéo dài như những sợi dây violin bị vật sắc bén cứa vào. "Cậu đã bao giờ nghe nói về sự kiện xảy ra ở Pháp vào cuối thế kỷ trước chưa?" Người xoay chiếc nhẫn trên tay, đè nén tâm tư trong lòng. "Vua chúa, quý tộc, điền chủ...đều bị người nghèo chặt đầu."
"Ngài sợ nó?"
"Tôi lo lắng." England ngẩng đầu lên, đôi mắt xanh nhìn về phía trước, dần dần trở nên gợn sóng. "Sự hỗn loạn đó là do lỗi của France, tôi sẽ không bao giờ cho phép nó xảy ra lần nữa ở London."
"Ồ, có vẻ là-" America trêu chọc, "Kỳ nghỉ yên bình của ngài sắp kết thúc rồi."
"Là kết thúc đau khổ của họ."
Tựa một cỗ máy lạnh lẽo, England chậm rãi quay lại nhìn hắn, ánh mắt u ám.
"Vì họ rất ghét các nhà máy,"
"Tôi sẽ cho chúng đến một nơi tốt hơn."
. . . . .
Người cho con quái vật hơi nước ăn than và lái nó xuyên qua tuyến đường sắt. Chiếc đồng hồ bỏ túi của người kêu tích tắc cùng cây gậy ánh lên tia sáng giữa truyền thống - công nghệ. Người nhìn chằm chằm vào những đồng tiền vàng bị nghiền nát dưới bánh xe, chưa bao giờ ngẩng đầu lên để nhìn thấy hài cốt người chết đang cháy rụi trong ống khói.
. . . . .
America đứng cạnh đường sắt nửa tiếng, cuối cùng cũng đợi được England xuất hiện trước khi hết kiên nhẫn. Người hiếm khi đến muộn vì linh cảm về thời gian của England chính xác như đồng hồ ở các nhà máy. Vậy mà lần này người lại tới quá trễ, làm America tưởng rằng lời mời của người chỉ là một lời sáo rỗng.
England bước đến chỗ hắn, vẫn mặc trang phục lúc ở nhà máy. Trái ngược hoàn toàn với chàng trai trẻ đang nóng lòng chờ đợi, người gật đầu ngả mũ với tâm trạng rất vui vẻ.
"Có gì mà vui thế?" America không chịu nổi ánh mắt đấy, nhếch mép tỏ vẻ không vui. "Ngài đã giải quyết được vấn đề của đám công nhân đó rồi à?"
"Ừ." England trả lời ngắn gọn. "Chuyện này đã giải quyết từ hai ngày trước."
"Đừng nói với tôi rằng nó là lý do ngài đến muộn."
"Đương nhiên không."
"Cậu còn nhớ cái máy tôi nhắc đến chứ? Hôm nay tôi thử nó lần đầu tiên. Một số quy trình gặp trục trặc, nước bẩn tràn ra khắp nơi...Làm tôi tốn rất nhiều tiền để xử lý."
"Cái ở xưởng riêng của ngài à? Nó dùng để làm gì vậy?"
"Muốn biết?" Thấy hắn tò mò hơn mấy ngày trước, England khẽ nở nụ cười. "Được rồi, tôi sẽ chọn thời điểm thích hợp để nói cho cậu. Nhưng bây giờ tôi muốn cho cậu xem thứ kỳ diệu khác."
Họ đi về phía trước dọc theo đường sắt. Ở London hiếm khi có nắng, một vài tia nắng ló ra từ sau những đám mây khói, tạo nên ánh sáng lung linh cho công trình kim loại mới trên đường ray. Một đầu máy hơi nước đậu ở sân ga, tổng cộng có năm toa xe giống như một con quái vật bằng thép nuốt chửng nhiên liệu, hơi nước trắng xóa phun ra từ ống khói.
Đây là một cuộc chạy thử, với hàng tấn hàng hoá chất chồng lên nhau và một số hành khách đứng trên toa tàu, háo hức thử nghiệm hình thức vận chuyển mới. Thanh niên trẻ đến từ đất nước xa xôi cảnh giác với con quái vật thép ồn ào, nhưng England đã đưa tay kéo hắn lên sau khi bước lên bậc thang.
Tầm nhìn từ nó nhìn ra rộng rãi và choáng ngợp. Họ có thể nhìn thấy các toà nhà trong thành phố ở phía xa, thấy ngọn tháp Tu viện Westminster vươn lên bầu trời. Gần đó là tuyến đường mới lắp đặt trải dài, các quý ông, quý bà vui mừng ngước mắt lên vẫy khăn tay, trong khi các công nhân đường sắt cúi đầu dùng vòi nước lạnh để rửa sạch bụi bẩn dưới gầm tàu.
"Khi nó mới ra đời, nó phun ra những tia lửa từ ống khói." England lên tiếng, âm thanh ồn ào từ bánh xe va chạm với đường ray gần như át đi giọng nói của người. "Đó là lý do tại sao tôi gọi nó là tàu hoả."
Con tàu phát ra một tiếng còi dài rồi khởi hành chậm rãi, dần tăng tốc và lao ầm ầm ra khỏi sân ga. Quý ngài Anh quốc phấn khích vẫy tay chào những người đứng trên mặt đất, nhận lấy sự ngưỡng mộ đầy hi vọng của họ.
"Mỏ than, vận tải hàng hóa và hành khách, ngành công nghiệp mới ra đời này có thể mang lại sự thịnh vượng giàu có vô tận." England dựa vào lan can, quay về phía America, "Đường sắt của tôi rồi sẽ lan rộng khắp London và đến Southampton, Liverpool hay Manchester."
"Và sau đó mở rộng nó ra nước ngoài?"
"Nếu họ cho tôi cơ hội." England mỉm cười, "Cậu có vẻ thích thú với sự sáng tạo này."
"Nó đúng là một kỳ tích." America phóng tầm mắt ra xa khi bám vào lan can, để gió thổi tung mái tóc vàng nắng. "Nếu có thể áp dụng cho Bắc Mỹ, những ngọn núi phía Tây chỉ có thể vượt qua bằng ngựa bây giờ có thể được chinh phục nhờ nó."
"Chỉ lý tưởng này thôi sao?" England nhẹ nhàng cười nhạo hắn, người nói chuyện rất tao nhã nhưng không ai có thể cảm nhận được chút ấm áp nào, giống như một loại bản chất, bề ngoài ngụy trang bằng vẻ thiện trí còn tham vọng đã ăn sâu vào tận xương tủy.
"Họ từng gọi tôi là chúa tể biển cả, nhưng điều này vẫn chưa đủ, còn lâu mới đủ. Vinh quang của đế quốc sẽ cưỡi trên con tàu lịch sử và tỏa sáng khắp thế giới."
"Sớm hay muộn, đồng bằng Bắc Mỹ và Nga sẽ trở thành cánh đồng ngũ cốc của tôi, Canada và Baltic là trang trại, Australia và New Zealand là đồng cỏ, người Ấn Độ và Trung Quốc sẽ trồng trà cho tôi. Vô số vàng bạc sẽ chảy về London." [3]
"Tôi muốn chứng kiến đường ray này kéo dài đến tận núi, đạn pháo của hạm đội biển chạm vào bến cảng - thế giới cuối cùng cũng phải đầu hàng Đế quốc Anh! Khi ngày đó đến, tôi sẽ khiến tất cả các quốc gia run sợ, hát vang bài ca vinh quang Đế quốc Mặt trời không bao giờ lặn."
America bất thường không ngắt lời người mà chỉ đứng bên cạnh im lặng nhìn làn hơi nước cuồn cuộn bốc lên trên bầu trời London.
"Đây là ước muốn của ngài?" Hắn hỏi.
"Nó là nguyện vọng của tất cả quốc gia."
"Vậy bao gồm cả tôi."
England nhìn hắn với ánh mắt ngạc nhiên, như thể người đã nghe thấy một lời nói sai lầm buồn cười. "Cậu?" người cười mỉa mai, "Thằng nhóc ngu ngốc, đợi thêm một trăm năm nữa đi."
America không đáp. Cơn gió ập đến làm dựng tóc gáy, họ tựa nhau vào lan can, ngắm mặt trời đã thành hình nhưng ánh sáng vẫn bị che khuất sau đám mây và sương mù dày đặc. Tựa một tương lai mù mịt.
Sự im lặng kéo dài cho đến cuối chuyến đi. Người công nhân bấm chuông và những hành khách may mắn được trải nghiệm cuộc hành trình lần lượt xuống tàu. England vội vã chuẩn bị quay lại nhà máy, America phía sau hét lên làm người ngoái đầu.
"Mặc dù tôi cảm thấy mình chỉ học được một chút," hắn nói, "Nhưng chuyến thăm London của tôi sắp kết thúc rồi."
"Đừng quá tham lam, một đứa trẻ tiên phong học bằng này là đủ rồi."
"Ngài đã hứa với tôi..."
"À, lời hứa đó." England khẽ gật đầu, "Trước khi cậu đi, tôi sẽ cho cậu biết bí mật về chiếc máy."
Người mỉm cười bỏ mũ xuống và nói lời tạm biệt.
"Tối mai hãy đến gặp tôi ở nhà máy."
. . . . .
Đó là mùa xuân của hy vọng, đó là mùa đông của tuyệt vọng, chúng ta có tất cả trước mặt, chúng ta chẳng có gì trước mắt, tất cả chúng ta đều hướng thẳng tới Thiên Đàng, tất cả chúng ta đều hướng về phía khác - Địa Ngục. [4]
. . . . .
Mưa lớn từ chiều đến tận đêm khuya. America cầm đèn và ô đi qua làn sương mù dày đặc, băng qua con phố ven sông vắng vẻ. Thủ đô thịnh vượng dưới cơn mưa lộ ra vẻ xấu xí, nước thải tràn ra trên đường, rác bẩn và xác động vật trôi theo dòng nước rơi xuống cống.
Nó hoàn toàn khác với vẻ yên bình ngày trước. Tựa như thiên đường công nghiệp ban ngày đã bị mưa lớn cuốn trôi, chỉ còn lại địa ngục tối tăm và ẩm ướt.
Nhà máy tối đen báo hiệu công việc đêm nay sẽ tạm ngừng. America dừng lại một chút, do dự không biết đối phương có hoãn lời mời vì cơn mưa giông này hay không. Nhưng vé tàu sáng mai đang đợi hắn, America chửi rủa. Dù thế nào thì bây giờ lão già cũng phải kể cho hắn nghe cái bí mật chết tiệt đó.
Hắn vươn tay, cánh cửa chưa kịp chạm vào bỗng nhiên từ từ mở ra. Hắn cảm thấy có điều gì đó bất ổn. Công xưởng tối om, những chiếc máy dệt ngừng hoạt động như những tấm bia mộ bằng kim loại. Chẳng có chủ xưởng nào lại bất cẩn đến mức để cửa nhà máy không khoá vào ban đêm. Mùi rỉ sét bay lơ lửng trong không khí, ngọn đèn trên tay hắn cũng bị gió thổi tắt.
Có lẽ lão già đã về nhà. America nghĩ. Lão ta ưu tiên lợi nhuận nhất, chẳng có lý do gì để lão ngồi im trong một nhà máy vắng tanh.
Hắn đang định cầm ô rời đi thì bất ngờ nghe thấy tiếng động phát ra từ trong xưởng.
Âm thanh máy móc hoạt động.
Một tia sét loé lên, hắn thấy một bóng người đứng cạnh cửa xưởng thoáng chốc biến mất, hắn tin chắc mình không nhìn nhầm. America vứt ô và đèn, tới gần cánh cửa với trái đim đập nhanh gấp trăm lần. Cửa hé mở, khi bước vào, thứ chất lỏng trên mặt đất bắn vào giày America, ánh sáng hạn chế làm hắn nghĩ đó chỉ là vũng nước mưa.
"England?"
America to tiếng gọi, vang vọng khắp nhà máy rồi chìm trong tiếng ồn chói tai của máy móc. Hắn khó hiểu tự hỏi tại sao chiếc máy này lại là chiếc duy nhất hoạt động, với tia chớp lần nữa loé lên, hắn mò mẫm tìm nút tắt máy.
Đây là lần đầu tiên hắn ở gần con quái vật khổng lồ này đến vậy. Hắn cố nhìn ra hình dạng và cấu tạo của nó trong bóng tối. Nó giống một thùng rượu nằm ngang, có băng chuyền ở phía sau và lỗ xả nước ở phía trước, tay cầm xoay ở bên cạnh, phía trên có ống khói để hơi nước thoát ra ngoài. Hắn nghĩ mình có thể tắt máy bằng cách xoay tay cầm về vị trí ban đầu. Nhưng khi hắn thực hiện, một tiếng hét phát ra từ bên trong máy. America sốc đến mức rút tay lại, tuy nhiên âm thanh kì lạ vẫn không biến mất. Có thứ gì đó rơi ra khỏi lỗ xả và lăn xuống đất.
Đồng xu?
Hắn bối rối nhìn vài đồ vật lăn tới chân mình. Chất bẩn từ nước thải khiến hắn không muốn cúi xuống nhặt chúng. Lúc này hắn nghe thấy tiếng bước chân. Người chủ xưởng đội mũ chóp xuất hiện, khuôn mặt bị che phủ bởi bóng tối, đôi mắt xanh thẳm nhìn hắn.
Phải công nhận, những ngày mưa là ngày có nhiều điều kỳ lạ xảy ra. America cảm thán. Hôm nay lão già trông không bình thường chút nào.
"Ngài bị sao vậy?" Hắn cau mày, tỏ ra cảnh giác, "Chuyện gì đang xảy ra với cái máy này?"
England vẫn điềm tĩnh như ngày đầu tiên hắn tới London, nhưng người lại im lặng. Người nhìn vào cỗ máy đang chạy, không quan tâm bầu không khí kỳ dị.
"Máy của ngài hình như bị rỉ sét, trong xưởng có mùi lạ."
England phớt lờ mọi câu hỏi, vẫn im lặng đến gần hắn và thay hắn xoay tay cầm, càng nhiều đồng xu rơi ra hơn.
"Ngài bật nó lên chưa?" America tiếp tục, "Nếu ngài đổi ý và không muốn nói với tôi cũng không sao." Hắn chỉ vào thứ gì đó trên mặt đất, "Tôi chỉ tự mình thử một chút thôi, vặn tay cầm nhưng nó phát ra tiếng kỳ lạ, rồi vài đồng xu rơi ra khỏi lỗ xả nước-"
"Không phải đồng xu, là tiền vàng."
America ngơ ngác quay đầu nhìn chủ xưởng, người cuối cùng cũng lên tiếng. Khi tay cầm ngày càng khó xoay, âm thanh kỳ lạ dần nhỏ đi. England dùng hết sức để xoay tay cầm, một tiếng hét chói tai vang lên, sau đó mới hoàn toàn im lặng. Một dòng nước thải xả ra ngoài.
Người tự xưng là quý ông luôn ghê tởm sự bẩn thỉu nay lại quỳ xuống đất, nhặt những đồng tiền vàng, nhét chúng cùng nước bẩn vào túi. Với ánh sáng le lói, America đã thấy rõ được sản phẩm của chiếc máy kia, ngâm trong chất lỏng hôi thối là hàng đống đồng tiền vàng thật.
Họ tạo thành một gò đồi, hàng nghìn người.
"England..." America lùi lại vài bước, chậm rãi cách xa quốc gia hành động dị thường, "Người là cái quái gì vậy..."
Động tác của England dừng lại trong dây lát. "Nếu muốn biết bí mật," người cười thật sâu. "Hãy đứng trước băng chuyền và nhìn kỹ bên trong."
Nghe những lời người nói, trong đầu America chỉ nghĩ đến việc phải rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt. Hoặc tốt bụng hơn, kéo lão già đi khám bác sĩ, nếu họ vẫn chịu khám vào giữa đêm. Nhưng bản năng thôi thúc hắn bước về phía đầu sau của chiếc máy, cúi xuống như England nói và nhìn vào máy thì một tia sét loé lên.
Hắn nhìn thấy một cái đầu.
Người đàn ông bị nhét vào máy vẫn đội chiếc mũ công nhân, đôi mắt mở to kinh ngạc, cánh quạt chết máy dính đầy máu, mỡ cơ thể tiết ra như một loại dầu nhớt, chút thịt vụn đỏ vẫn còn sót lại, tứ chi thì biến mất, có lẽ đã bị nghiền nát đến không còn thứ gì.
Hắn cảm giác như từng thấy người này ở đâu đó.
Hiện tại hắn đã hiểu mọi thứ, mùi gỉ sét, nước thải và số tiền vàng.
England giải quyết những rắc rối của mình như thế nào?
Chủ nhà máy có thể biến máu thịt thành vàng.
Kỳ tích công nghiệp.
America thở nặng nhọc, xung quanh ám đầy mùi máu. Gót chân hắn hình như đã giẫm phải một bộ phận nội tạng ngấm nước trương phồng. Hắn có thể đoán được ai đã vắt kiệt con người bình thường tội nghiệp này. Và hắn biết đây không phải là người đầu tiên và sẽ không bao giờ là người cuối cùng.
Nó thực sự là một phép lạ.
"Cậu có ngạc nhiên không, chàng trai của tôi?" England mỉm cười, hỏi hắn.
England không cao lắm thậm chí trông hơi gầy, nhưng khi America chứng kiến người điên cuồng tích tiền, hình dáng của người từ từ biến dạng và lớn dần đến mức không thể nhận ra. Các bộ phận giả bằng kim loại nhô lên từ vai và lưng, người hoàn toàn biến thành một quái vật hình nhện đen ngòm.
Nó chộp lấy tất cả đồng tiền vàng cùng máu thịt, mặc kệ chúng bẩn đến đâu, đều nhét vào cái miệng mở to và nuốt chửng.
"Sự giàu có, thịnh vượng vô tận...Điều tôi tự hào nhất là thứ kỳ diệu đầu tiên do ngành công nghiệp tạo ra."
Của cải không bao giờ thoả mãn cái bụng vô đáy của nó, con quái vật ngày càng bánh trướng, làm rung chuyển mọi thứ xung quanh. Trong trạng thái mơ hồ, khung cảnh xung quanh biến mất, giống như màn cuối cùng của một vở kịch, với ánh đèn sân khấu chiếu vào con quái vật cùng chiếc máy duy nhất còn sót lại ở giữa sân khấu.
America nhận ra rằng những gì hắn trải qua đêm nay hoàn toàn không có thật, cơn ác mộng cuối cùng cũng lộ diện ở cuối câu chuyện. Con quái vật đói khát lao vào tấn công hắn, America dùng tay giữ chặt hàm của nó để ngăn nó cắn vào đầu mình. Hai chiếc răng nanh đẫm máu ở ngay mặt, dù bị cắn xuyên qua vai nhưng hắn vẫn đấm mạnh và đẩy con quái vật ngã xuống đất, làm nó gãy răng nanh và tứ chi.
Nó không ngừng vặn vẹo vùng vẫy, nhận ra điều kỳ lạ, nó nhìn hắn bằng đôi mắt đục ngầu và thốt ra những lời bằng giọng khàn đặc.
"Nó chẳng thể đánh bại tôi với sức mạnh hiện tại," quát vật rít lên, "Mi không phải nó, mi là ai!?"
"Ác mộng nên kết thúc rồi, lão quái vật độc ác." America trả lời, sức mạnh kinh người của hắn giúp hắn dễ dàng trấn áp kẻ đang phản kháng. Hắn tóm lấy đầu con quái vật và đập nó xuống đất hết lần này đến lần khác, cho đến khi nó ngừng cử động như một con cá chờ bị làm thịt.
"Nào, hãy trở lại ngôi mộ của mình với Thế kỷ 19."
Hắn lôi con quái vật ném nó vào băng chuyền chiếc máy. Nó hét lên đau đớn ngay khi tiếp xúc với cỗ máy, biến trở lại hình dạng con người, cố gắng thoát khỏi cái chết sắp xảy ra. Tuy nhiên, quần áo của nó bị những người công nhân đã chết siết chặt.
"Hãy nhớ những gì tôi đã nói, con trai của một công nhân là công nhân, con trai của một chủ nhà máy là chủ nhà máy tiếp theo." Nó cười cay đắng, "Còn cậu? Muốn trở thành 'hiện thân công lý'? Con trai của quái vật sẽ luôn là quái vật!"
America phớt lờ lời nguyền rửa, hắn xoay tay cầm lạnh lùng nhìn bóng dáng đó biến mất ở cuối máy. Số lượng tiền vàng được tạo ra nhiều hơn bao giờ hết. Hắm thấy khung cảnh xung quanh bắt đầu sụp đổ, biết rằng cơn ác mộng này sẽ kết thúc bằng cái chết của con quái vật.
Chàng trai cúi đầu nhìn mình không còn mặc quần áo cũ nữa, đôi giày lạ thay thế đôi bốt da của người tiên phong phương Tây, khiến hắn có cảm giác xa lạ nhưng quen thuộc.
Hắn đẩy kính râm lên đầu, bỗng nhiên thấy đói. Những đồng tiền vàng và máu thịt không còn bẩn thỉu, toát ra vẻ quyến rũ. Các mạch máu giống con quái vật chảy khắp cơ thể hắn, như một liều mật ong chứa đầy kịch độc rót vào cổ họng, một niềm vui nóng bỏng chưa từng có.
Hắn chậm rãi quỳ xuống, nhặt đống tiền vàng đưa lên miệng.
. . . . .
"Khi nào con sẽ trở nên giống người, thưa cha?"
Cậu bé lắc sợi dây xích, máu loãng chảy qua cổ tay và quần áo.
"Khi con lớn lên. Nhưng ta thà con vẫn là một đứa trẻ."
Cậu bé vô cùng chán ghét câu trả lời này. Cậu ném trà xuống Vịnh Boston, nổ súng vào Lexington, đuổi cha cậu ra khỏi quê hương. Nhưng ác mộng chưa bao giờ biến mất với chiến thắng. Cậu nhìn khẩu súng hoả mai trong tay, biết rằng mình vẫn còn phải chờ đợi rất lâu để con quái vật suy yếu và sự thịnh vượng của thời đại công nghiệp lụi tàn.
Nhìn đi, America. Người đàn ông không còn vinh quang bị xiềng xích, rên rỉ dưới thân, khoé miệng chảy máu nhếch lên một nụ cười.
Cậu trở thành một con quái vật mới.
. . . . .
Tiếng còi tàu đánh thức hắn khỏi giấc mơ. Hắn mở mắt ra và nhìn thấy cỗ xe hiện đại, có một khu rừng bên ngoài cửa sổ, rượu mà người phục vụ để trên bàn vẫn còn sủi bọt. Hắn dần nhớ lại kế hoạch. Họ lên tàu sáng nay và từ Hoa Kỳ đi về hướng bắc, hy vọng sẽ đến Canada trước kỳ nghỉ lễ.
Cách hắn thức dậy đã đánh thức người bên cạnh, có lẽ là do cuộc tình đêm qua và chuyến tàu sớm hôm nay, trông người vẫn rất buồn ngủ.
"Gặp ác mộng à?"
"Tôi mơ thấy năm 1825." America ngáp dài, "Người chế tạo ra một cỗ máy có thể biến người sống thành tiền vàng."
"Nhảm nhí." England nhàn nhạt trả lời, "Trên đời này làm sao tồn tại thứ tốt như vậy." Người buồn ngủ hồi tưởng, "Lúc đó cậu tới London, thứ tôi dạy cậu rõ ràng là máy móc dệt vải thông thường."
"Nó chỉ là một giấc mơ thôi." America cười nói, "Người có muốn nghe câu chuyện đằng sau không? Người đã biến thành một con nhện xấu xí và hung ác..."
"Được rồi, đủ rồi." England cắt ngang mạch suy nghĩ vẫn vơ của hắn. "Câu chuyện trẻ con này tốt hơn nên giữ lại và chia sẻ với em trai cậu. Thằng bé rất mong chờ cậu đến nhà nó nghỉ dưỡng."
"Thành thật mà nói, tôi hầu như không thể nhớ được nguồn gốc của Ngày Lao động...Có một cuộc tổng đình công ở Chicago cuối thế kỷ 19 hay sao đó? Trong thành phố có rất nhiều rắc rối nên họ đã tạo ra ngày lễ này.."
"Đôi lúc tôi nhớ thế kỷ 19." England lẩm bẩm, "Khi những người làm thuê vẫn có thể làm việc thêm vài giờ nữa."
"Tôi không nhớ người chút nào, hồi đó tính tình người tệ lắm. Tôi thích người bây giờ hơn." America cố ý xoa eo người yêu, thấy người hơi khó chịu điều chỉnh tư thế ngồi. "Tôi đặc biệt thích người vào ban đêm, mãnh liệt quá trời. Đêm qua người đã làm đến mức đó và ngồi tàu cả ngày hôm nay - người cảm thấy thế nào?"
England quay mặt đi, không coi đây là một lời khen hay một lời quan tâm.
"Muốn ngủ thêm chút nữa không?" America vòng tay qua vai người, England không từ chối, tựa đầu vào người hắn, mệt mỏi chợp mắt.
"Hiện tại là năm giờ chiều, một tiếng nữa tàu sẽ đến nơi." America nói: "Trước khi mặt trời lặn tôi sẽ đánh thức người."
America nhìn ra ngoài cửa sổ, đoàn tàu đang tiến đến thành phố, hai trăm năm trôi qua chỉ như cái chớp mắt. Dưới ánh chiều tà, những toà nhà bốc khói đen đó không còn để lại dấu vết.
Nhưng bốn mùa vẫn sẽ đến rồi qua, những người chủ nhà máy đang ngày ngày vui vẻ kiếm tiền còn những người công nhân thì tất bật vận hành máy móc. Mọi người sợ quái vật và nguyền rủa nó, nhưng chính họ cũng muốn trở thành quái vật. Cứ lặp đi lặp lại.
Ít nhất trong kì nghỉ lễ này, những con quái vật đang ẩn náu đã rơi vào trạng thái im lặng ngắn ngủi. Hắn biết người bên cạnh đang ngủ say, ôm lấy hắn, hơi thở nhẹ nhàng đều đặn. Vì vậy hắn cười và tiếp tục ngắm nhìn khung cảnh thành phố dưới ánh hoàng hôn.
-END-
Chú thích:
[1] "Bệ hạ công nhận...": Được lấy từ Hiệp ước Paris, điều khoản đầu tiên của hợp đồng năn 1783, trong đó Anh buộc phải công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ.
[2] Năm 1793, phái đoàn Anh đến thăm Trung Quốc và xảy ra tranh chấp với Bộ Lễ nghi nhà Thanh, yêu cầu họ phải lạy hoàng đế. Họ chỉ sẵn sàng thực hiện nghi lễ một quỳ của người Anh và từ chối thực hiện lễ chín lạy. Ngoài ra, yêu cầu buôn bán bị từ chối nghiêm trọng khiến Anh bực bội và trở thành một trong những nguyên nhân phát động Chiến tranh nha phiến.
[3] "Đồng bằng Bắc Mỹ...": Nguyên văn của nhà kinh tế học người Anh William Stanley Jevons.
[4] "Đó là mùa xuân...": Trích từ tác phẩm A Tale of Two Cities của nhà văn Dickens.
- 1 bảng = 20 shilling = 240 pence. Sức mua của 1 bảng được đề cập trong Sherlock Holmes vào cuối thế kỷ 19 gần bằng khoảng 1000 tệ hiện tại ( 3 triệu 5 vnđ)
- Anh ban hành "Đạo luật Nhà máy" đầu tiên trên thế giới vào năm 1833. Nó vẫn chưa được ban hành vào năm 1825, dòng thời gian chính của câu chuyện diễn ra. Vì thế, người lao động lúc đó gần như đang ở trong thời kỳ bị đối xử tồi tệ nhất.
- Ngày Lao động bắt nguồn từ phong trào đình công ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19. Mục đích ra đời ban đầu của nó là để bảo vệ quần lợi của người lao động và tưởng nhớ những công nhân chống lại áp bức.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top