rắc rối gần nhà

Kim Thiện Vũ là cái tên mà ba mẹ âu yếm đặt cho em với mong muốn em luôn sống tốt bụng, hiền lành và bình an. Nhưng cuộc đời đẩy đưa cho số em hay lận đận, Thiện Vũ năm lớp 10 đã tự lập, em rời khỏi quê nhà lên Sài Gòn để đi học. Em thương ba mẹ, em cũng càng thương cho mình, Vũ sẽ nhớ nhà lắm nhưng trưởng thành là một trải nghiệm không mấy ngọt ngào. Em không chấp nhận việc bản thân là một gánh nặng cho gia đình, năm đó vừa thi đậu tuyển sinh là Vũ cuốn gói lên thành phố ở trọ luôn cho gần trường.

Đứa trẻ trong tuổi dậy thì nào cũng sẽ nổi loạn, chỉ là cái "nổi loạn" của em không giống với các bạn đồng trang lứa cho lắm. Em âm thầm rời đi chẳng lời từ biệt, cũng không nhận bất cứ đồng tiền nào từ ba mẹ, và chẳng dám liên lạc với họ lấy một lần, Vũ sợ ba mẹ sẽ buồn vì em. Vũ chỉ thường liên lạc với chị gái đã kết hôn trên Bình Dương để dễ dàng hỏi thăm sức khỏe ba mẹ và chị, chị thương em trai nhỏ nên hay giấu chồng gửi tiền của mình qua cho em nhưng Vũ cũng trả lại.

Tuổi còn nhỏ cũng như thiếu kinh nghiệm đã khiến em gặp nhiều khó khăn hơn trong chuyện tìm kiếm việc làm nhưng ấm áp biết bao khi Sài Gòn luôn là thành phố đong đầy tình người, em may mắn kiếm được một chân chạy bàn ở quán nhậu gần chỗ trọ. Quán nằm ở mặt tiền đường, kế đó là một con hẻm lớn, đi sâu vào trong, quẹo qua nhiều khúc cua sẽ vào tới căn trọ nhỏ như cái lỗ mũi của em, nơi ở tại cái hẻm 61 - con hẻm chỉ đi vừa một chiếc xe honda.

Khuôn mặt đáng yêu, tính tình chăm chỉ và thân thiện đã giúp em được lòng mọi người nơi khu trọ lao động. Kể cả bà Hai Gỏi Cuốn - bà chủ trọ khó tính, kể cả chú Ba Quýt - ông chủ quán nhậu hay càu nhàu, ai cũng đều thương em như con cháu trong nhà. Nhưng bên cạnh đó cũng có những lời bàn ra tán vào, đồn thổi em hư đốn bỏ nhà đi hay chạy trốn nợ nần, Vũ không quan tâm lắm đến chúng, em chỉ cố gắng từng ngày để sống mà thôi.

Nói đến đời sống thường ngày của em thì cũng đơn giản, Vũ dậy thật sớm để kịp bắt xe buýt đến trường, em thường ăn sáng, trưa, chiều từ đồ ăn thừa ở quán nhậu. Nói là đồ ăn thừa thì cũng hơi quá nhưng chính xác nó là như vậy, nhưng mà là chú Ba nấu thừa chứ không phải khách ăn thừa. Tuy hay chửi bới thế thôi nhưng chú là người rất hào phóng, ngày nào cũng cứ mua quá trời nguyên liệu, nấu rất nhiều, song vừa hết buổi là đem chia cho nhân viên quán ngay. Miệng thì nói là "để qua ngày hết ngon", "không đem cho tụi bây thì tao cũng vứt" nhưng thực chất ai mà từ chối là chú vừa dúi vào tay vừa chửi ngay.

Vì thế mà mỗi bữa ăn của em là một món khác nhau: từ đủ loại thịt chiên, xào, luộc, đến bánh mì, mì gói, bánh phở, rau, nước lẩu (rất nhiều thịt). Và Vũ còn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, em chẳng kén ăn món gì cả, hơn thế, em còn rất biết ơn chú Ba vì đã vô cùng quan tâm đến mình, vậy nên lúc nào em cũng tự nhủ bản thân phải làm việc chăm chỉ hơn.

Sau khi hết giờ ở trường, vừa về đến nhà là em lao đầu vào học để kịp thời gian đến quán làm việc, lắm lúc bài vở chất chồng thì em phải vừa học vừa làm. Cũng vì thế mà Vũ hay bị mắng do cứ nhẩm bài trong khi đang lui cui dưới bếp phụ thái rau, hoặc là vừa ghi món khách gọi vừa nháp luôn trong đó mấy bài toán. Những lúc như thế em chỉ phì cười rồi xin lỗi lia lịa, Vũ biết nụ cười xinh đẹp của em sẽ xoa dịu những trái tim nóng nảy đó.

Em siêng năng và nhanh nhảu, sức trẻ dẻo dai là điểm mạnh duy nhất của em so với những người đã có kinh nghiệm, một mình Vũ có thể làm việc của ba bốn người cộng lại: từ phụ nấu bếp đến bưng bê phục vụ, quét dọn. Nguyên nhân lớn nhất của sự lao động miệt mài này chính là để "báo đáp" sự giúp đỡ thầm lặng của chú Ba. Đó cũng là lí do vì sao em chỉ về nhà sau khi quán đã được dọn dẹp sạch sẽ, lắm lúc chú Ba phải đuổi thì em mới ngưng tay mà đi về. Và đến tận khi trời tờ mờ sáng mới là lúc em gục ngủ trên giường vì mệt.

Đồng lương tuy có chút ít ỏi nhưng vì được nhà trường hỗ trợ tiền học cũng như sự ưu ái trả tiền nhà trễ mà Vũ cũng đủ trang trải cuộc sống thường ngày. Dù cực khổ nhưng em chưa lần nào oán trách, vì chính Vũ đã lựa chọn sống cuộc đời như vậy, và chỉ có lao đầu vào học hành, làm việc mới giúp em nguôi ngoai nỗi nhớ nhà.

Thức khuya, dậy sớm nhưng Vũ luôn vui vẻ vì thứ giải trí duy nhất của đời em là những giai điệu trầm bổng của âm nhạc. Từ nhỏ Vũ đã luôn bị thu hút bởi sân khấu lộng lẫy, trang phục lấp lánh và giọng ca điêu luyện của người nghệ sĩ, em ước để được như họ một lần, sống trong đam mê cháy bỏng. Vì thế mà dù luôn miệng nói mong muốn học giỏi để trở thành công chức kiếm nhiều tiền, nhưng thực chất, em luôn khao khát được trở thành một ca sĩ, nhưng giấc mộng đẹp thì không nuôi lớn được hiện thực tàn khốc.

Mỗi lúc cô đơn em vẫn thường ngân nga những khúc nhạc, Vũ để cho bài hát khóc hộ lòng mình, người luôn mang niềm vui đến cho kẻ khác như em lại có riêng nhiều nỗi buồn. Em đôi khi cũng biết chán nản, lắm lúc cũng bâng khuân không biết lối đi em đang cố chấp bước sẽ dẫn số phận mình đến đâu, hai năm trên Sài Gòn, em dần chai sạn với xúc cảm. Vũ sợ nhất là cảm giác ấy, khi em quên đi sơ tâm thuở ban đầu lúc rời quê nhà, chẳng hiểu sao dù luôn được tấp nập yêu thương từ mọi người xung quanh thế nhưng em lại càng thấy mình vô cảm.

Và lần đầu tiên, ông trời mỉm cười với cuộc đời em, vào mùa hè năm chuẩn bị vào 12, một "biến số" nhảy vào đời Vũ. Đúng hơn là sáu, sáu tên giang hồ dọn đến sống chung khu trọ với em. Vũ nhớ mãi lần đầu tiên em gặp họ, không phải ở hẻm 61, mà là ngay tại quán nhậu tối hôm nọ, cả sáu người đàn ông cao to lực lưỡng ngồi ăn nhậu ồn ào suốt cả đêm đến nỗi chú Ba kêu em ra dọn dẹp rồi mà họ vẫn ngồi đó.

Vũ vốn đã quen với tất cả hạng người đến quán nhậu, đa số là dân lao động ra giải khuây với những món bình dân, lắm lúc cũng có mấy gã tai to mặt lớn trông hung hãn vô cùng, đôi khi còn có vài kẻ biến thái chuyên trêu chọc, quấy rối phục vụ. Gặp những tình huống như vậy Vũ chỉ thường nhẫn nhịn cho qua, em là học sinh ở dưới quê lên Sài Gòn làm chui kiếm tiền, em không muốn rước thêm rắc rối nào cho bản thân mình và chú Ba cả. Quá đáng lắm em chỉ chạy vào méc ông chủ quán, chú Ba tuy nhỏ con nhưng rất hung dữ, chỉ cần nhắc đến tên chú là ai cũng sợ. Chú ấy vừa đi ra là không tên nào dám hó hé nữa. Người ta đồn chú là "giang hồ nghỉ hưu" còn Vũ thì chỉ thấy chú rất tốt bụng, tuy bên ngoài lạnh nhạt nhưng trong dạ rất ấm áp.

Lúc đó trời cũng gần sáng, Vũ cũng không xa lạ với tình huống như khách nhậu kì kèo ngồi mãi nhưng ngay khoảnh khắc em tò mò, lén nhìn mấy tay khách ấy thì chính em đã bị choáng ngợp. Cả sáu tên đều rất đẹp, họ đẹp như diễn viên trên truyền hình mà em hay xem dưới quê. Dù có sẹo chằng chịt hay xăm trổ đầy mình thì trông họ vẫn rất đẹp, đến nỗi Vũ từ nhìn lén thành nhìn chằm chằm rồi nhanh chóng bị một tên trong đám phát hiện ra.

"Ê nhóc con lại đây" Hắn ta vừa gọi vừa ngoắc em, mã ngoài của hắn đẹp như tây lai nhưng ngay khi cái giọng khàn khàn lè nhè vì say rượu cất lên một cái là biết liền côn đồ. Mà hắn cũng đâu có ngại giấu, mặc cho mình cái áo ba lỗ trắng làm lộ hết hình xăm từ cổ tới hai cánh tay, tóc tai thì dài lòa xòa che che khuôn mặt có vết sẹo dài từ đuôi chân mày.

Vũ sờ sợ không trả lời mà chỉ gật đầu nhẹ một cái, nhưng em vẫn tiến tới như lời hắn nói, bản thân quá ngây thơ tin rằng hắn sẽ không làm gì quá đáng với mình.

"Nãy giờ mày nhìn chằm chằm cái gì vậy? Muốn đánh lộn hả?" Hắn đứng phắt dậy khoác cánh tay "dính đầy mực" lên vai Vũ, trạng thái quắc cần câu rồi nhưng vẫn rất khỏe. Hơi thở hắn nồng nặc mùi cồn phả vào mặt Vũ làm em sợ cứng người chẳng dám hó hé.

"Đâu! Em đâu có dám nhìn gì mấy anh đâu.." Vũ ngập ngừng, em biết nói dối là xấu nhưng bây giờ thậm chí nhìn hắn em cũng chẳng dám. Em muốn đẩy tay hắn ra nhưng con hổ được xăm tả thực trên tay hắn làm em ớn hết cả bụng.

"Ê thằng Luân kia thôi coi. Đụ mẹ mày xỉn rồi, đang vui tự nhiên làm cái lồn gì mà sồn sồn" Tên tóc đỏ trong bàn đứng lên, gỡ tay gã tên Luân kia xuống khỏi người em.

"Mẹ, sao anh chửi em? Nay anh bênh người ngoài mà chửi em luôn đúng không?" Luân hất tay tên tóc đỏ, quay sang chỉ Vũ rồi cãi lộn với tên đó tiếp.

Vũ đứng trân trân giữa cuộc "khẩu chiến" của mấy tên giang hồ mà vừa sợ vừa thấy mắc cười. Gã tên Luân thì cứ làu bàu trong tức tối như đứa trẻ con còn tên tóc đỏ thì cứ dìu hắn ngồi lại xuống bàn. Mấy người khác trong bàn nhậu thì cười khà khà như đang xem kịch hài.

"Đụ má nay tao nể anh Xuân nên tao không có tính chuyện với mày đâu á nha nhóc con" Luân vừa nhìn Vũ vừa đe dọa, nhưng lúc này em không thấy sợ hắn nữa vì em biết gã mặt sẹo này không đáng sợ lắm nữa rồi.

Tưởng chừng chút chuyện nhỏ đã được giải quyết êm đẹp, Vũ cũng xin lỗi và quay người đi vài bước rồi thì em nghe tiếng nói:

"Đù nay thằng Luân nhát ta, mày sợ ông Xuân luôn hả?" Tiếng nói kèm giọng cười khinh khỉnh phát ra từ một người đàn ông với tóc mái dài, lù xù trông rất "bụi bặm" và bí ẩn. Vũ còn để ý thấy cổ tay áo anh ta lấm tấm mấy vệt đỏ như máu, điều đó làm em sợ hãi không thôi.

Và Vũ còn run rẩy hơn khi biết câu nói đó là gì và sẽ dẫn đến chuyện gì nên em đã quay người lại để chạy đến nhưng nhanh hơn phản ứng của em là tên Luân mặt sẹo. Vừa nghe lời khiêu khích thì em đã nghe kèm theo tiếng ầm vang dội. Rồi xong, Vũ "ăn đủ" hết rồi, mớ hỗn độn này đều là do sự tò mò của em mà ra, chắc hẳn là làm tới sáng mai cũng không hết vì giờ bàn ghế thì đang nằm ngổn ngang, đồ ăn chén dĩa gì trên bàn cũng rơi lổn xổn dưới đất.

Gã Luân thì đang vật lộn với tên nói câu hồi nãy, bàn nhậu là bị tên đó đạp ra để đỡ cú đánh từ Luân. Hai người đàn ông, kẻ đánh người đỡ, người vật kẻ đạp, miệng thì chửi nhau xa xả bằng mấy lời tục tĩu, không ai chịu thua ai. Nhìn họ như thể muốn giết nhau tới nơi vậy đó mà bốn người còn lại không ai can ngăn, người thì đứng cười, kẻ thì đứng cổ vũ, người khác thì thờ ơ nhìn, có kẻ thì lắc đầu ngao ngán như chuyện cơm bữa.

Vừa lo sợ mạng người khó giữ vừa tiếc công dọn dẹp nên Vũ lấy hết can đảm để chạy vô can. Thấy em lại can thì mấy tên đứng ngoài cũng nhảy ra ngăn, mà là ngăn em. Người nhìn tử tế nhất bọn (vì anh ta không có hình xăm kì quặc nào lộ liễu và cũng như đang mặc áo dài tay, đến cả tóc tai cũng rất gọn gàng) đã ôm em lại và nói với giọng mệt mỏi bởi mớ lộn xộn mà đám người mình gây ra:

"Em đừng có vô can, lát nó tự hết à, em mà vô là chết người đó, tụi nó đánh trúng chết em"

Bất ngờ với lời nói của người lớn hơn, Vũ đứng im trong thắc mắc, bộ giang hồ xã hội đen nào cũng giống vậy hết hả?

"Trời ơi thằng chó nào phá quán tao!!!" Chú Ba nghe tiếng ẩu đả từ đằng sau nhà chạy lên, vừa chửi vừa xách theo con dao. Ngay khoảnh khắc nghe thấy tiếng chú, nguyên một đám ngưng lại hết, mấy tên đó coi bộ cũng bị chú Ba dọa đến tỉnh cả rượu, còn Vũ vui mừng chạy ù ra đứng sau lưng chú, sao chú toàn quen mấy người gì đâu không vậy chú Ba?

Bốn tên đàn ông vai rộng lưng dài chỉ hết vào hai gã mặt mũi sưng vù đang nằm trên đất. Người tên Xuân hồi nãy đứng ra, vừa gãi gãi đầu vừa cười cười: "Chú Ba, chú cho tụi con xin lỗi nghen. Mấy thằng này nó xỉn nó bậy quá chú"

"Mẹ mày thằng Xuân, mày lớn rồi không biết dạy tụi nó hả? Để tụi nó quậy banh quán tao?" Chú Ba bắt đầu chửi tràn lan đại hải, thường thì chú cũng hay nhiều lời rồi mà nay còn bị chọc giận nên còn nhiều lời hơn, trên tay chú vẫn còn lăm lăm con dao bếp.

"Còn thằng Luân, thằng Huấn nữa. Rượu chè vô rồi không ra con người. Tụi bây phụ thằng Vũ dọn quán cho tao, không là không yên với tao đâu. Đợi tao vô trong lấy sổ ra tính tiền đền chết mẹ tụi mày" Chú Ba liếc liếc họ mấy cái rồi bỏ vô trong, miệng vẫn còn lầm bầm chửi.

Để lại Vũ với sáu tên giang hồ đứng như trời tròng vì còn chưa tỉnh rượu hẳn, em nhìn họ một cái rồi cúi cúi đầu ngó xuống đất, nói lí nhí: "Thôi mấy anh để em làm cho" song, nhanh nhanh đi lấy chổi quét dọn. Côn đồ cũng dữ đó, nhưng chú Ba Quýt mà nổi trận lôi đình thì còn đáng sợ hơn.

"Làm vậy sao được, ờ, Vũ đúng không em? Em chỉ đi tụi anh làm phụ cho" Xuân đứng trước mặt Vũ mà nói trong sự hối lỗi. Mấy tên đằng sau anh cũng đã lui cui đi đỡ bàn ghế lên.

"Dạ, em cảm ơn anh" Vũ mỉm cười ngọt ngào, tuy là rắc rối mệt thật đó, nhưng không hiểu sao họ làm em thấy rất vui. Em nhanh chóng chỉ họ chỗ để chổi, cây lau nhà, thùng rác, nơi rửa chén, nơi dẹp bàn ghế, may là họ trông vậy nhưng cũng tử tế lắm, tay chân nhanh nhẹn dọn một thoáng cũng gần xong.

Chú Ba cũng từ từ đi tới, nhìn quán xá dọn dẹp đàng hoàng nên rất hài lòng, chân mày chú dãn ra. Trên tay chú cầm một cuốn sổ, chú ghi chi chít những thứ họ phải đền trong buổi nhậu lần này, số tiền nhiều đến nổi Vũ đếm không hết.

"Mấy giờ rồi thằng Vũ chưa về nhà nữa con? Mai mày còn đi học, về đi, để tao tính với tụi này" Chú Ba nhìn đồng hồ rồi nhắc Vũ, người đàn ông này tuy nhìn thì rất cộc tính nhưng thực chất lại vô cùng chu đáo.

"Dạ thôi chú cứ nói chuyện với mấy anh, để con đổ rác xong hết rồi con về" Vũ nhìn đồng hồ đã quá 3 giờ sáng nhưng đứa trẻ trách nhiệm như em lại không thể bỏ dở công việc mà về ngủ.

"Đó thấy con nhà người ta không? Tụi mày lớn tồng ngồng rồi mà không bằng thằng nhóc cấp 3 nữa" Chú Ba lại tiếp tục càu nhàu, đương độ gần 45 mà trán chú đã nhiều nếp nhăn vì lắm chuyện phiền phức.

Cả đám giang hồ giờ chỉ im im, gật gật đầu theo lời chú chứ không dám hó hé tiếng nào. Bọn họ tuy nhìn bặm trợn thế nhưng không hiểu sao lại rất nghe lời chú Ba, đặc biệt là hai người tên Luân, Huấn gì đó, hồi nãy còn đánh nhau tóe máu mà giờ đã dửng dưng như không có xích mích gì. Lát sau, như chợt nhớ ra điều gì đó, chú Ba lại nói: "Giờ thằng Vũ về trọ đúng không con? Sẵn tiện mày dắt sáu thằng giặc này đi về chung đi"

"Dạ?" Vũ nghe như lùng bùng lỗ tai, muốn tỉnh cả cơn buồn ngủ. Nhưng không chỉ mình em bất ngờ trước lời nói của chú, cả sáu người kia cũng sửng cồ.

"Chú nói gì vậy chú Ba? Tự nhiên để thằng nhóc này dắt tụi con?" Tên này phản ứng dữ dội, hắn đang đeo kính râm giữa buổi khuya gần 4 giờ, phong cách ăn mặc như xã hội đen của thập kỉ trước.

"Đúng rồi chú ơi, để em nó về đi, tụi con tự đi được" Người cao nhất bọn lên tiếng, hắn đứng liêu xiêu như sắp ngã nhưng vẫn đinh ninh sẽ về được.

Với lòng tốt đơn thuần của một đứa "nhóc con", Vũ thực sự lo lắng cho mấy kẻ giang hồ đang lâng lâng trong men say hơn là lo cho mình. Em chỉ là đang không hiểu tại sao em đi về trọ lại sẵn dắt họ theo làm gì. Nhưng trước thái độ mang tính "giữ thể diện, tôn nghiêm" của những kẻ côn đồ, chú Ba chỉ lắc lắc đầu, xua xua tay ý kêu Vũ về đi, và mặc kệ mấy người say xỉn này.

Vũ cũng bâng khuâng nhưng cơn buồn ngủ ra tín hiệu cho em phải về nhà gấp, vài tiếng nữa em còn phải đi học. Em nhanh chóng gật đầu chào chú và "mấy anh" rồi đi bộ về nhà. Đường đến con hẻm nhỏ mỗi lúc một ngắn hơn khi em ngâm nga vài câu hát, âm nhạc là thứ phép thần kì chữa lành mọi mệt mỏi. Trời Sài Gòn mát mẻ hơn khi hừng sáng, Vũ hít thật sâu một hơi trong lành trước khi bước vào nhà.

Nơi em gọi là nhà chỉ đơn giản là căn phòng trọ nhỏ đủ để vừa một cái nệm, cái bếp ga mini ở góc và một tủ quần áo thấp thấp gần cửa ra vào (tất cả đều là đồ mà bà Hai đã bán lại cho em với giá rẻ), dù chật chội nhưng đối với đứa nghèo túng như em thì thế này vẫn quá ổn. Vũ định sẽ dành dụm tiền mua một cái xe đạp để tiết kiệm khoảng kinh phí đi xe buýt, nhưng nếu để xe đạp trong phòng thì sẽ chật đến mức chẳng đi lại nổi, thế nên em cũng đắn đo nhiều lắm.

Nhưng ngay khi vừa đặt lưng xuống nệm, mọi âu lo đã được gác lại, Vũ đánh một giấc ngon lành. Hôm nay là ngày vô cùng dài đối với em, em đã gặp những người kì lạ ở quán chú Ba, họ tuy là giang hồ dữ tợn nhưng thực chất cũng có phần "hài hước", thân thuộc như độ tuổi thanh niên của mình. Cứ nghĩ đến chuyện lúc đó là môi Vũ tự vẻ lên một nụ cười, cảm giác mới lạ cứ dâng lên trong tim em.

Chập chờn đâu độ 6 giờ kém, chuông đồng hồ chưa kịp reng thì em đã tỉnh giấc vì tiếng ồn ào phát ra từ bên ngoài phòng trọ. Vươn vai uể oải trong sự mệt mỏi vì thiếu ngủ, em nhanh chóng tắm rửa, đánh răng và thay đồng phục để đi học. Có lẽ hôm nay em sẽ nhịn đói nửa ngày do đêm qua lộn xộn quá làm chú Ba quên đưa em "bữa sáng trưa". Nhưng Vũ cũng thấy bình thường vì thỉnh thoảng em cũng để dành lại đồ chú cho qua vài ngày hôm sau, bởi dù đã mặt dày nhận nhưng đôi khi em thấy ngại khi ngày nào cũng được cho.

"Bà nói vậy mà được sao hả bà Hai? Tụi tui cũng trả tiền nhà đầy đủ chứ đâu có thiếu bà đồng nào mà sao riết rồi bà làm cái khu trọ mình thành cái ổ chuột vậy?" Tiếng cãi nhau của mấy người lớn trong khu trọ vọng đến tận phòng của Vũ, cái phòng bé nhất ở cuối dãy.

Em hóng hớt vừa xách cặp vừa đi ra xem thì thấy mấy cô hàng xóm đang gân cổ cãi lộn với bà Hai chủ nhà. Người đàn bà lớn tuổi đã goá chồng từ lâu nhờ vào nghề bán gỏi cuốn mà nuôi con cái, thậm chí còn dành dụm được số tiền mua khu đất xây trọ rồi khấm khá từ đó như bà Hai thì cũng đâu phải dạng vừa. Vũ thấy mặt bà đanh lại, chuẩn bị hơi để chửi mấy người kia: "Mày chê ổ chuột thì mày đừng có ở. Dọn ra liền đi tao trả tiền hết lại cho mày. Mẹ kiếp cũng là dân lao động như nhau thôi mà không biết thương nhau. Thứ như mày ở đây tao cũng không chứa"

"Cái gì, bà nói tụi nó là dân lao động? Trời ơi bà không thấy tụi nó xăm mình xăm mẩy, thẹo dít đầy người hả bà Hai. Bà già cả, bà lú lẫn hết rồi! Hồi đó là cái thằng học sinh không biết gốc gác ở đâu chui ra bà cũng cho nó mướn giá rẻ, trả tiền trễ, tụi này biết hết mà không có nói. Giờ bà rước thêm một đám giang hồ về đây, nó giết người giấu xác gì rồi sao? Tụi nó giết hết người trong khu mình luôn đó" Cô hàng xóm đó cũng lí lẽ hết chỗ nói, ngoại trừ đoạn nói về Vũ ra thì còn lại cô toàn nói mấy lời mà em không hiểu lắm.

"Ê ê đụng chạm nha tụi tui giết bà rồi giấu xác hồi nào vậy thím, chỉ chỗ coi?" Là anh Xuân, mái tóc đỏ chét của anh không lẫn đi đâu được, anh mặc cái áo ba lỗ làm lộ ra đôi tay xăm hình kín mít. Anh vừa cười cợt vừa xuất hiện sau lưng cô hàng xóm đang chửi xa xả. Vậy đám giang hồ đang được bà Hai cho dọn vô ở trọ mà cô ấy nói tới là bọn họ, Vũ chỉ biết lắc đầu cười trừ và ngẫm nghĩ không biết gọi cái này là duyên hay nợ nữa.

Sự xuất hiện của người bị nói xấu làm người nói xấu là cô hàng xóm cứng đơ cả họng. Cô run run, ấp a ấp úng khi thấy người đàn ông to cao bặm trợn: "Ơ, ơ a, tui nói vậy đó. Ai hiểu sao hiểu à. Thôi tui trễ làm rồi, tui đi nghen bà Hai" rồi cô dắt xe chạy mất.

"Mày! Cái thằng này! Mày hù nó sợ mốt nó không trả tiền nhà cho tao thì làm sao?" Bà Hai vừa cười cười vừa đánh vô lưng anh Xuân một cái.

"Vậy cũng được mà bà Hai, bả không trả thì bà Hai mướn con đi đòi, trời ơi nghề của tụi con mà, có gì con lấy giá rẻ cho bà thôi" Xuân cũng bắt đầu giỡn hớt lại với bà Hai, rồi hai người cứ xí xô xí xa luyên thuyên đủ thứ chuyện, dường như họ cũng quen biết bà Hai lâu như quen biết chú Ba.

"Ủa Vũ hả em? Giờ em đi học hả? Đi bộ vầy chắc trường gần lắm hen" Xuân "phát hiện" ra Vũ đang đi gần tới nên vẫy tay hỏi thăm. Bên cạnh anh là ti tỉ thứ như túi xách, vali, thùng carton, nếu cả sáu người cùng dọn vô ở trọ như thế thì chắc họ sẽ ở căn nhà to nhất ở đầu hẻm - nơi mà con cháu bà Hai từng sống trước khi họ đi Mỹ.

"Dạ cũng hơi gần, em ra đây bắt xe buýt là tới" Vũ mỉm cười gật đầu với anh Xuân rồi quay qua khoanh tay cúi đầu: "Thưa bà Hai con đi học". Bà Hai xua xua tay ý kêu em đi nhanh đi kẻo trễ giờ.

"Phải bắt xe buýt thì sao mà gần được cái thằng nhóc này" Xuân vỗ vỗ đầu của Vũ rồi quay qua la lớn vào trong nhà: "Ê thằng Lực, thằng Nguyên gì ra đây bưng đồ vô phụ tao coi, tao ra chú Ba tao lấy xe chở nhóc Vũ đi học cái"

Hốt hoảng trước sự nhiệt tình của anh hàng xóm mới chuyển vào, Vũ lắc đầu từ chối lia lịa, em không muốn làm phiền ai vì mình. Vậy mà nhanh chóng từ trong nhà một chàng trai thư sinh bước ra, anh ấy vẫn mặc áo dài tay kín cổng, trông không khác gì học sinh như Vũ, mặt mày cũng hiền lành. Em nhớ rõ người này không chỉ bởi vẻ ngoài nhìn chẳng giống côn đồ giữa đám côn đồ mà còn là vì anh chính là người đã ôm em lại, can ngăn em trong "hỗn cảnh" hôm qua.

"Thằng Lực gì mà thằng Lực, ở đây có mỗi em thôi. Trời ơi thằng quỷ đó kêu nó đi ra đón mấy cha kia vô mà nó đi nãy giờ mất xác rồi" Anh ấy vừa ngao ngán trả lời vừa một mình bưng một lúc mấy thùng carton nặng.

"Má sao kì vậy ta, giờ sao trời. Ê nhóc Vũ em có trễ học dữ lắm không?" Xuân bối rối quay qua nhìn Vũ, cảm thấy có lỗi khi làm trễ nải việc học của em.

"Dạ em không sao đâu anh, em tự đi học được rồi. Mấy anh cứ lo dọn dẹp nhà cửa đi" Vũ vừa nói vừa gật đầu chào cả hai để lẹ bước chân đi ra khỏi cổng khu trọ. Chỉ nghe văng vẳng theo sau tiếng Xuân nói xin lỗi.

Trời cũng đã dần sáng tỏ, từng tia nắng chiếu xuống dõi theo bước chân của Vũ. Giữa những con hẻm nhỏ mà ngoằn nghoèo, tiếng người nói chuyện sang sảng, âm thanh còi xe từ tận ngoài đâu xa xa vọng lại tận trong này, cái khung cảnh Sài Gòn nhộn nhịp để chào đón ngày mới đã khiến Vũ cảm thấy tươi tỉnh hẳn ra. Càng đi, bước chân của đứa trẻ gần mười tám lại càng trở nên vững vàng. Những người hàng xóm mới, những mối quan hệ mới đã giúp em cảm thấy đời sống này thêm thú vị. Đi gần tới khúc quẹo ra hẻm lớn, em nghe thấy tiếng náo nhiệt lạ thường:

"Má nó, Lực ơi là Lực. Tao đã bảo là mày để thằng Nguyên ra đón tụi tao đi. Lanh chanh, cãi cãi giờ lạc cả bọn rồi nè" Giọng nói của ông anh đeo kính râm hôm qua, Vũ vẫn nhớ rõ cái giọng điệu như ông chú của anh ta. Em nhìn xung quanh thì thấy bốn người đàn ông chật vật, mồ hôi mồ kê giữa đống đồ đạc lỉnh kỉnh, bày biện ra kín cả con hẻm nhỏ.

"Em cũng đâu có muốn đâu anh, nãy em nhớ đường vô dữ lắm mà giờ tự nhiên quên chứ bộ?" Người tên Lực đáp lại, cậu ta coi bộ cao to nhất bọn mà lại nhỏ tuổi hơn. Dáng vẻ giận dỗi trông chẳng khác gì đứa con nít của cậu khiến Vũ bật cười khúc khích. Em nghĩ hôm nay em sẽ đi học trễ một chút vậy, vì giờ em có tới bốn người hàng xóm mới cần giúp đỡ mà.

"Mấy anh kiếm đường vô trọ bà Hai đúng hông?" Vũ lại gần họ và hỏi thăm. Chỉ cần nhìn họ là em lại nhớ đến cảnh náo loạn hôm qua, tuy mới cách có mấy tiếng mà nhìn họ tỉnh táo và "tử tế" hơn hẳn.

"Ờ đúng rồ- Ủa thằng nhóc hôm qua nè, thằng Luân bỏ cái TV xuống lại đây xin lỗi em nó coi, hôm qua mày đánh nó quá trời luôn á" Ông anh đang chửi người tên Lực té tát thì nhận ra Vũ nên đã ngó ra sau lưng kiếm tên Luân để kêu anh ta xin lỗi em.

Trước lời nói có phần quá khoa trương của anh, Vũ phủ nhận ngay lập tức: "Dạ đâu, đâu có. Em đâu có bị làm sao đâu anh". Nhưng lời nói của em dường như không có tác dụng cho lắm, người tên Luân đã nhanh nhẹn vứt cái TV to tướng xuống để chạy lên bắt tay em rồi xin lỗi liên tục: "Trời ơi cho anh xin lỗi nhóc con nha, hôm qua anh xỉn quá anh hổng có nhớ cái gì hết trơn á. Em đừng có giấu giấu gì nha, bị thương gì là phải la lên liền để anh còn chở em đi bệnh viện nữa. Không là để lại sẹo giống anh xấu quắc luôn á. Trời ơi sao con trai gì mà ốm dữ vậy nhóc, cái tay em nó có chút xíu à coi nè bây"

Luân lúc trong men say khác hẳn với bây giờ, anh vuốt tóc tai gọn gàng trông rất lãng tử, làm nét đẹp như tây lai lại cành được rạng rỡ hơn, đặc biệt là thái độ niềm nở, nói chuyện không ngớt lời của anh. Nếu chẳng để ý đến mấy thứ như vết sẹo và hình xăm trên người thì Luân cũng chẳng khác gì mấy thanh niên trai tráng làm việc đàng hoàng là mấy.

"Dạ em không sao hết trơn. Anh gì ảnh nói quá thôi" Vũ không thể ngưng cười trước sự thân thiện của Luân. Song, em cũng không quên việc giúp đỡ họ, thì ra giờ Vũ mới hiểu câu nói "dắt sáu thằng giặc này về chung" của chú Ba nghĩa là gì, thì ra họ định hướng đường đi dở đến như vậy. "Giờ mấy anh đi theo em đi, em dẫn mọi người về trọ"

Tuy toàn là hội sĩ diện nhưng với đống đồ chất chồng chật kín phía sau và cả sự mệt mỏi vì men cồn vẫn còn trong người thì cả bọn cũng "miễn cưỡng" đồng ý. Họ vừa đi vừa ríu rít trò chuyện với nhau và với Vũ, làm ồn ào suốt cả một con hẻm nhỏ. Và đến bây giờ thì em mới chính thức biết được tên của họ, lần lượt là anh Luân, anh Trọng (người có phong cách "cổ"), anh Huấn (người hôm qua đánh lộn với Luân), anh Lực (người trông cao to nhất bọn nhưng hóa ra lại chỉ hơn Vũ một tuổi).

Bà Hai từ xa đã thấy Vũ và cả đám đang khiêng vác núi đồ đi đến thì la lên oai oái: "Thằng Vũ chưa gì đã học thói xấu của mấy thằng kia rồi, sao giờ này mày còn chưa đi học nữa con? Định cúp học theo tụi nó làm giang hồ hả?"

Biết chắc là sẽ bị mắng dài dài nên Vũ tiến lại gần bà chủ nhà rồi cười cười, đấm bóp, xoa xoa vai cho bà: "Dạ đâu có, giờ còn sớm mà bà Hai, con đi nửa đường gặp mấy anh bị lạc nên sẵn tiện con dẫn mấy anh vô luôn"

"Ủa em đi học mà sao em không nói sớm cái thằng này! Trễ dữ chưa? Anh chở mày đi" Luân lại tiếp tục nhanh nhảu mặc cho chỉ vừa mới khệ nệ bước tới cổng, anh ngay lập tức bỏ đồ xuống đất một cái phịch (chẳng thèm quan tâm bên trong có bị hư hại gì không) rồi nắm tay Vũ kéo đi dù em còn chưa kịp trả lời.

"Ê Luân mặc cái áo vô mạy! Lỡ bạn nó thấy mày giang hồ rồi tụi nó nghỉ chơi thằng nhỏ sao?" Huấn cởi áo khoác ngoài của mình ra quăng cho Luân. Mặc dù che được những hình xăm chi chít trên da của Luân nhưng vấn đề ở đây là cái áo khoác toàn hình hùm beo đại bàng thì cũng không khá khẩm hơn mấy.

Thế nhưng đối với Luân, đây là đoạn được anh em tiếp thêm phần tự tin để đưa em nhỏ đến trường. Sau đó, anh được Vũ "dắt" ra quán chú Ba để lấy xe (vì Luân vẫn chưa quen đường hẻm). Sáng thì chú không mở quán mà để cho người ta mướn bán đồ ăn, mấy chiếc xe của cả bọn được khóa cổ để ở trong sân sau. Và dù không có ai trông giữ nhưng Vũ cũng thừa biết làm gì có ai điên mà đi ăn cắp xe độ của côn đồ.

Luân đưa em cái nón bảo hiểm của mình còn bản thân thì không đội, ngay khi được Vũ chỉ đường đến trường thì anh lập tức phóng vèo vèo trên con xe hầm hố. Vũ vừa sợ lại vừa thấy vui, vì đây là lần đầu tiên em được chở trên chiếc xe như thế này, em ôm chặt cứng người lớn hơn: "Anh ơi, gần trường em nhiều công an lắm"

"Haha, yên tâm đi nhóc, công an ở khu này anh quen hết. Em lo ngồi yên chỉ đường là được rồi" Luân cười khà khà trước thái độ đáng yêu của nhóc con sau lưng. Để rút ngắn con đường lại, tránh cho Vũ bị trễ học, Luân không chỉ tăng tốc xe mà còn bắt đầu luyên thuyên kể chuyện: "Con nít thì lo học thôi là được rồi, mấy chuyện khác cứ để người lớn lo. Mà anh nói em nghe nha, nhìn vậy thôi chứ hồi xưa anh mày học giỏi lắm á. Mà mẹ nó, cuộc đời chó đẻ lắm em ơi, nghề nó chọn người á, anh ghiền đánh lộn riết bỏ học luôn mà" Lời anh nói ra vừa có chút bông đùa vừa xen lẫn sự thật. Qua cách nói chuyện của Luân, Vũ cũng hiểu được phần nào tính tình phóng khoáng lẫn cuộc đời lang bạt mà anh đã trải qua.

Em im lặng nghe anh nói chuyện, thỉnh thoảng sẽ đáp lại bằng vài tiếng dạ thưa hoặc giọng cười nhẹ nhàng. Sự ấm áp của anh xuất phát từ một trái tim chân thành, dù chỉ mới gặp tối hôm qua và có nhiều chuyện "hiểu lầm" ngốc nghếch do say xỉn, nhưng Luân thực sự coi Vũ như người em trong gia đình mà nói chuyện. "Bởi vậy giờ em phải lo học đi nghe chưa? Dù gì cũng phải làm ăn đàng hoàng, sống tử tế chứ không phải lông bông tối ngày như đám tụi anh. Đời tụi anh coi như vứt mẹ rồi, mà phải lo cho đời của em, anh nói vậy chứ không có ý dạy đời gì mày đâu nha. Mẹ, đời anh còn không ra cái đéo gì thì lấy gì dạy nhóc, mà tại anh thấy em dễ thương, mình còn có duyên gặp nhau ở quán chú Ba, rồi giờ mình ở chung xóm nữa"

Cứ thế câu chuyện của Luân mỗi lúc một dài hơn, tiếng gió cũng không át được giọng kể khàn khàn của anh. Đường đến trường mỗi lúc một gần, thật khó hiểu làm sao, Vũ chưa bao giờ ngồi trên xe buýt và cảm thấy con đường này chóng vánh cũng như ấm áp đến vậy, thường thì chỉ toàn là cô đơn và lạnh lẽo u ám bủa vây mà thôi.

Ấy thế nhưng nhờ có Luân - một người xa lạ chỉ vừa mới quen mà "hành trình đi học" này của em lại trở nên khác hẳn, đúng là nắng vàng chưa bao giờ phụ rẫy người luôn tin vào nó, những người ngày ngày chăm chỉ dưới cơn nóng nực. Và mặc dù Vũ thực sự không biết Luân cũng như những người còn lại trong băng đảng đã xấu xa đến mức nào để "trở thành" côn đồ nhưng hiện tại đối với một đứa trẻ đang vật lộn trong tuổi dậy thì thất thường của mình, thì em cảm thấy giống như đang được ở gần chị Hai vậy, sự thân thuộc mang tên "tình thân" này lâu lắm rồi em mới cảm thấy rõ ràng đến thế. Nghĩ tới đó mà mắt Vũ cứ rưng rưng.

Thấy nhóc con sau lưng bỗng dưng im thin thít, Luân buông một tay cầm lái xuống để gõ gõ lên mu bàn tay gầy gò đang siết chặt bụng mình của em: "Ngủ gục hả nhóc, sắp tới nơi rồi nè". Thấy người sau lưng đáp "dạ hông" nhỏ xíu, Luân bắt đầu lắc lư người làm trò để xua tan đi không khí ảm đạm chung quanh em: "Ê đi học mà ngủ gục là học ngu lắm nha em, thằng Huấn nhìn bảnh tỏn vậy thôi chứ hồi đó nó đi học ngủ gục miết rồi giờ đi đòi nợ, đâm thuê chém mướn luôn đó"

"Em không có buồn ngủ, anh đừng có lắc nữa té xe!!" Vũ vùng vằng rồi ôm chặt Luân hơn, đây là lần đầu tiên và chắc cũng là lần cuối cùng em ngồi trên xe người đàn ông này. Vì tuy là có niềm vui nhưng sự cười đùa này còn kèm theo yếu tố tính mạng?

"Haha, yên tâm không té đâu, anh lái xe an toàn nhất xóm. Mà nói chứ không buồn ngủ thì giọng này là buồn tình rồi. Bộ đi học có đứa nào ăn hiếp em hả nhóc?" Luân hỏi nhưng đồng thời cũng vừa tới nơi. Xe vừa đậu một cái kịch là Vũ leo xuống, trả nón bảo hiểm lại cho Luân liền, em vẫy vẫy tay chào anh kèm theo lời phủ nhận "dạ không có ai ăn hiếp em đâu" rồi mới an tâm rời đi.

"Ê nhóc Vũ" Vậy mà Luân vẫn gọi với theo. Vũ quay lại thì thấy Luân đang vẫy tay, rồi tự dưng anh vuốt tóc để lộ cái sẹo lớn ở đuôi chân mày cùng động tác cởi áo khoác xuống một nửa "khoe" cái cần cổ cùng bả vai và bắp tay xăm nát nhừ như tờ giấy nháp trước mặt mọi người đang hiện diện ở cổng trường. Ai cũng trố mắt nhìn Luân rồi quay sang đánh giá Vũ - cậu học sinh vừa đi xuống từ xe của một tên chắc chắn là giang hồ.

Em hốt hoảng chạy lại, miệng vừa la nheo nhéo: "Trời ơi anh đang làm cái gì vậy?" tay vừa kéo áo khoác của Luân lên thì bị chụp lại. Anh ghì chặt tay em đè lên bộ ngực vạm vỡ của mình trong khi Vũ thì lại càng bối rối hơn, em thực sự không thể hiểu nổi Luân đang nghĩ cái gì trong đầu mà làm như thế.

Luân cố tình nói thật lớn cho ra điệu bộ xã hội đen: "Giờ em là em của thằng Luân này, thằng nào dám đụng tới em là đụng tới anh!". Sau khi nói xong Luân còn ghé vào tai em mà thì thầm: "Anh hù như vậy cho đứa nào cũng phải sợ hết, để mai mốt tụi nó không có dám ăn hiếp em" rồi mới bỏ tay Vũ ra. Mắt anh thì trừng trừng nhìn mấy đứa học sinh lẫn phụ huynh xung quanh rồi mới nhìn xuống Vũ - người đang đỏ từ cổ tay đến mặt mũi vì xấu hổ.

Bất ngờ trước cái cổ tay bị mình in dấu, nhóc Vũ của anh coi ốm vậy mà còn yếu nữa, thế là Luân bắt đầu hỏi dồn dập trong hoảng loạn như thể vừa gây nên tội ác: "Chết cha rồi cho anh xin lỗi em nha, có sao không vậy? Anh định nắm nhẹ thôi mà ai dè nó đỏ lên luôn. Mẹ, anh hơi ẩu. Nó gãy không ta? Hay thôi mình đi bệnh viện chụp hình đi cho nó chắc" miệng thì bô bô nói, tay lại xoa xoa chỗ đỏ của em, xong rồi xoa đầu an ủi do sợ em khóc. Luân thực sự coi Vũ là đứa em sơ sinh mới đẻ trong nhà.

Vũ thì mắc cỡ hết đường nói, em gật đầu chào anh qua loa rồi giật tay lại không nói thêm lời nào. Toan bỏ đi thì em bị kéo lại bởi Luân đang nắm quai cặp, em cố ngoái đầu nhìn thì thấy anh móc từ túi áo khoác cái gì rồi nhét vào bên hông cặp của mình. Xoa đầu em thêm cái nữa rồi thúc thúc vào vai ý bảo nhanh chân vô trường đi rồi mà Luân vẫn nhiều lời nói với theo: "Đi học vui nghen, quà thằng Huấn cho em á nên cứ xài thoải mái"

Vũ tuy ngại ngùng không muốn nhận nhưng để tránh thêm ánh mắt bàn tán của mọi người xung quanh, em chỉ nhanh miệng "dạ" thêm một cái nữa rồi bước chân vô trường trong sự hiếu kì của bạn bè. Ở trên trường em chỉ có vài người bạn "xã giao", ít đến nỗi chẳng một ai thèm quan tâm Vũ là đứa có gia cảnh như thế nào. Thế nên khoảnh khắc em gần gũi với tên giang hồ mặt sẹo khi nãy đã làm các bạn cuống cuồng lên vì tò mò, có mấy đứa cũng tránh xa bởi sợ liên lụy.

Vừa ngồi xuống ghế, có bạn đã khoác vai em mà hỏi trong sự phấn khích: "Ê Vũ, tui chưa bao giờ nghĩ ông dữ dội vậy luôn á. Sao đó giờ ông không nói cho tụi này biết? À mà hèn chi đi học ông cứ im ỉm hoài ha, ra là có anh trai đại bàng, sướng dữ tợn"

Câu nói của người bạn đó lại thu hút thêm nhiều người bạn khác, giống như truyền cho nhau chút can đảm để đối diện với em trai của xã hội đen vậy. Bọn họ tranh nhau tụ tập một chỗ của em để hỏi và bàn luận, không để Vũ tự trả lời câu nào mà ai cũng tự suy đoán đủ thứ, để rồi lời đồn đại nhanh chóng bay xa ra khỏi lớp học.

Đến tận khi ra chơi họ mới buông tha cho em, Vũ chợt nhớ lại món đồ Luân nhét vào bên hông cặp mình, em thọt tay vào thì bất ngờ trước một cọc giấy năm trăm mới toanh. Em vội vã nhét hết lại trong cặp, Vũ sợ mọi người để ý thấy lại bắt đầu lời ra tiếng vào. Không thể đếm nỗi có bao nhiêu tiền ở trong đó, mà Luân lại nói là của Huấn cho em, người em lạnh toát cả lên vì sợ, Vũ chưa bao giờ nhìn thấy số tiền nào lớn đến như vậy. Bình thường ở quán chú Ba em cũng có nhận tiền bo từ khách hay là làm thu ngân phụ chú, nhưng thực sự em chưa bao giờ chạm tay vào ngần này tiền trong đời. Chắc mẩm là anh nhét lộn vào cặp mình nên Vũ ôm khư khư cái cặp cũ mềm bên người, mặc cái bụng đói cứ cồn cào không thôi.

Sau đó cuối ngày thì Vũ cũng được cô giáo chủ nhiệm giữ lại hỏi han, em đã giải thích với cô rằng đó chỉ là anh hàng xóm tiện đường cho em quá giang chứ không phải người xấu lợi dụng em gì như lời đồn thổi. Cô giáo tạm chấp nhận câu trả lời của Vũ và đồng thời cũng khuyên nhủ em nhiều điều về "trông mặt mà bắt hình dong", cô cũng ngầm ý nói nhiều người nhìn thân thiện vậy nhưng cũng chưa chắc là thực sự có ý tốt.

Rồi chiều buồn dần buông xuống ánh dương tà soi bóng em đang đi bộ trên mặt đất, cổng trường lúc chập chờn muộn đã thưa thớt hẳn. Vũ vừa đi vừa cúi đầu nhìn xuống con đường nứt nẻ, trong đầu em rối bời bởi những suy nghĩ kì quặc không nói nổi đang ngổn ngang bởi lời khuyên của cô.

Thực sự thì con người ta có bao nhiêu bộ mặt nhỉ? Nếu Luân và mấy người khác trong đám đều niềm nở và thân thiện như vậy trước mặt em thì sự hung hãn và cả tấm áo lấm lem máu em đã thấy trên người họ đêm trước là gì cơ chứ? Vũ không mường tượng được cảnh cả đám người luôn đùa giỡn khùng điên kia lại cầm dao đâm chém và chửi bới, đe dọa người khác để kiếm sống. Điều đó lại càng khiến em nghi ngờ đến cả chú Ba, chú có vẻ đã quen họ rất lâu rồi thì liệu người chú cũng từng giống như họ? Cả bà Hai chủ trọ nữa, phải chăng chuyện bà bán gỏi cuốn mà để dành được cả tiền mua nguyên khu đất xây trọ cũng là lời nói dối?

"Vũ" Tiếng gọi lớn làm em giật mình, cắt ngang những suy nghĩ trong đầu và kéo Vũ về với thực tại. Em ngẩng mặt nhìn thì thấy Nguyên - người trông có vẻ bình thường nhất trong đám, anh ta có giết người không nh- một câu hỏi kì dị đột ngột xuất hiện trong đầu em.

"Anh Luân bận đi công chuyện rồi nên nhờ tôi đến đón em, em nghĩ gì mà tập trung đến độ không thèm ngẩng mặt lên vậy?" Nguyên cũng cười cười nhưng điệu bộ thì khác hẳn Luân. Nụ cười kèm theo cả đôi lúm đồng tiền trông rất thu hút mắt nhìn, vẻ điển trai của Nguyên cũng không thua kém gì những người khác, chỉ là, Vũ cảm thấy một chút linh cảm đang dâng lên trong người, vì câu nói của cô giáo.

"Dạ không có gì đâu anh" Vũ lắc đầu, "mà anh cho em cảm ơn nha, lát nữa về em sẽ cảm ơn anh Luân nữa. Với lại mai mốt mấy anh không cần đưa đón em đâu, em tự đi học quen rồi" em cười rồi cầm nón bảo hiểm Nguyên đưa. Người anh này lại đi một con xe khác, là xe honda bình thường thôi chứ không phải xe đua, xe độ, Nguyên ăn mặc lúc nào cũng lịch sự, áo sơ mi dài tay rồi quần đen dài. Nhưng giờ cổng trường vắng tanh, cũng chẳng có ai thèm để ý nữa rồi.

"Vũ ngoan quá ha, ước gì mấy cha kia được một phần của em thôi thì tôi cũng đỡ cực rồi" Nguyên bắt đầu đề máy xe, anh nói với ý lấp lửng khó hiểu. Nhanh chóng nhận ra sự vô ý của mình, Nguyên nhanh chóng lảng sang chuyện khác: "Nãy cha Luân về, ổng kể chuyện chở em đi học cho mọi người nghe, nghe xong ai cũng sợ ổng gây thêm rắc rối cho em nữa nên quyết định mai mốt để tôi chở em đi học. Mà Vũ đừng có lo mấy chuyện nề hà nhờ vả, dù gì tôi ở nhà cũng chán, không có gì làm, tiện thì đưa đón em có sao đâu. Cùng lắm mai mốt ở quán chú Ba, em rót bia cho tôi nhiều một chút là được. Với lại hồi nãy là bà Hai chỉ tôi đường đi và cả giờ đón á, chứ cha Luân có nhớ được cái gì đâu"

Vũ cười hì hì với lời than vãn, phê bình của Nguyên với những người trong nhóm, em nhận ra anh cũng không quá xa cách và ít nói như em tưởng. Lắm lúc em còn nghĩ Nguyên là cảnh sát chìm, vì anh trông kỉ luật và lịch sự hết biết. Em ngồi sau xe của Nguyên, bộ dạng hứng thú muốn nghe thêm nhiều chuyện của "băng đảng".

Nguyên cũng chiều ý em, vừa làm xe ôm vừa làm "bà tám", anh từ tốn kể em nghe về những người trong nhóm. Tuy nói là kể, nhưng không phải kẻ vô tư như Luân, lời Nguyên nói ra đều nhiều ý ngầm, như kiểu vừa muốn nói cho Vũ biết hết nhưng cũng vừa muốn giữ kín những bí mật cho riêng mình:

"Thật ra tên Xuân với Trọng là tên giả á, hai cha đó tên thật là Thừa với Tinh. Nghe kì cục ha, tên bố mẹ đặt cho thì cứ giữ đi, tự dưng đổi làm gì. Mà em biết không, kiểu trẻ trâu mà còn chơi lâu chung với nhau á, nghe đâu hai người đó quen biết từ hồi ở trại giáo dưỡng, bởi vậy lây tính nhau, nên bày đặt màu mè lấy tên giang hồ cho oách. Cả đám bọn tôi không ai làm vậy trừ hai cha đó hết, tại ai cũng thấy chỉ có trẻ trâu mới làm vậy thôi"

"Ờ mà em thấy cái sẹo trên mặt ông Luân thì đừng tưởng là chiến tích vẻ vang gì đâu nha. Hồi đó ổng mê đánh lộn, dù bây giờ vẫn mê, nhưng có hôm ông ấy đi "thách đấu" với anh Xuân, hai người chém qua chém lại cái ông Luân có sẹo tới giờ luôn. Vậy mà cũng không bỏ thói hung hăng, mệt hết chỗ nói"

"Còn ai nữa, à cha Huấn, Vũ em đừng có bị cái mã ngoài ngầu ngầu, lạnh lùng của chả lừa nha. Ông ấy siêu ra vẻ luôn á, mà được cái khôn nhà dại chợ. Ở trong băng là cứ không ngớt cái miệng cãi lộn với mọi người mà ra ngoài đời nín thinh. Bực thực sự luôn"

"À nói băng đảng giang hồ nhiều có khi em sợ ha, nhưng mà tôi xấu hổ vô cùng khi nhắc đến tên băng của tụi tôi luôn á. Tại thằng Lực nó nghĩ ra vụ đó đó, lúc đầu là anh em nương tựa nhau sống qua ngày thôi, tự dưng nó nảy ra chuyện đặt tên băng, má, chưa hỏi ý ai hết mà nó đi tuyên truyền hết với mấy băng xung quanh là tụi này đáng sợ lắm, tụi này là "Én" đó"

"Ý nó muốn nói là đại bàng đó em, mà tôi cũng thông cảm cho nó đi tại thằng Lực nó là dân ngoại tịch, nhà nó trốn nợ nên chạy tới đây. Tiếng Việt nó không rành lắm, nhầm tí cũng không sao, mà chẳng hiểu nỗi mấy cha khác nghĩ gì mà cũng đồng ý rồi công nhận nó là tên chính thức luôn. Em có thấy đám côn đồ xã hội đen nào tên Én không?"

Vũ cười không ngớt trước thái độ "bất lực" của Nguyên khi nhắc đến những người cùng chung chí hướng. Dù có vẻ như là trách móc, nhưng em vẫn cảm thấy được sự vui vẻ trong thái độ ngán ngẩm của anh. Vũ coi họ như một băng giang hồ kì lạ, duy nhất chỉ có ở đây, một "cánh én" độc đáo. Có thể ở ngoài kia họ là kẻ máu lạnh, sẵn sàng cướp đi bao sinh mạng của người khác vì tiền nhưng ở trong khu hẻm nhỏ, họ chỉ đơn giản là mấy thanh niên tối ngày làm trò ngớ ngẩn để tự mua vui cho bản thân.

Đang vui cười thoải mái, bỗng dưng Vũ thấy xe anh quẹo vào một con đường lạ. Có chút lo lắng, Vũ nắm nắm tay áo anh lay lay mà hỏi: "Đường này lạ quá anh, có phải đường về trọ đâu ạ?"

Nguyên cảm nhận được sự bồn chồn của người sau lưng chỉ qua cái nắm áo, anh gật gật rồi lấy tay vỗ nhẹ lên tay em: "Ừ tự dưng anh đói bụng quá, đi ăn hủ tiếu cái rồi mình về"

Vừa nói là Nguyên cũng vừa tắt máy xe, dựng đỡ bên đường rồi quay qua gọi món. Phất phất tay ý kêu Vũ ngồi đi, anh khoác tay ông chú bán hủ tiếu, thì thầm mấy lời trong điệu bộ cười cười rồi mới đi lại ngồi với em. Cái nụ cười lúc này không giống khi nãy kể chuyện với Vũ, người được anh khoác vai cũng không thấy hớn hở gì, ông ta còn có vẻ run rẩy, miệng cũng lầm bầm lại với Nguyên nhưng anh dường như không quan tâm.

Sau vài phút thì hai tô hủ tiếu ngon lành ở trước mặt, chỉ mới chưa đầy một ngày ở cạnh họ thôi mà Vũ đã cảm thấy như mình bị chiều hư. Em cũng đã thôi nói những lời từ chối khách sáo, cũng đã quen được đối xử tốt mà không đòi hỏi đáp lại, Vũ biết đó là tật xấu nhưng lại không cách nào phủ nhận nó được. Dù là Luân hay Nguyên hoặc là bất cứ ai trong nhóm đi chăng nữa thì em tin chắc rằng họ đều là những kẻ tùy hứng, họ muốn là làm chứ không đợi ý của ai. Và nếu đó là ý kiến phản đối thì lại càng không được họ xem là ý kiến, dường như bản năng bắt ép người khác phục tùng đã ngấm sâu vào máu họ, cái máu mà mọi người hay gọi là "máu giang hồ".

Vừa ăn vừa nói chuyện với Nguyên một lúc thì cũng đã hết, đây là một bữa hết sức ngon lành và thoải mái đối với Vũ. Nguyên nói chuyện rất hợp rơ với em, cảm giác gần gũi như một người bạn hơn là anh em, cả hai cứ luyên thuyên không thôi về ti tỉ thứ trên đời. Sau khi phát hiện trời dần nhá nhem tối, Nguyên kêu Vũ ra xe chờ anh trước rồi bưng hai tô hủ tiếu đã sạch trơn đến gần ông chú bán. Vũ ở từ xa đứng đợi, cứ trông mặt về phía anh mà tò mò rồi em chợt điếng người khi nhận ra, ở chung quanh đây chỉ toàn mấy tay bặm trợn. Họ không ăn uống gì mà chỉ ngồi nhìn Nguyên với ánh mắt sợ hãi, đúng vậy, là sự sợ hãi đang gào thét trong câm lặng ở đáy mắt họ.

Vũ nuốt nước miếng khan một cái, rốt cuộc người anh trông vô hại này là ai chứ? Sao họ lại sợ anh đến vậy, mỗi cử chỉ của Nguyên đối với người bán hủ tiếu đều được những kẻ gần đó cẩn thận quan sát. Như thể cả đám trâu nước hung tợn đang e dè một con thú săn mồi, mà con thú đó trong mắt Vũ chỉ là "chú mèo thư sinh". Ngay đoạn Nguyên vỗ vỗ vào bắp tay của ông chú bán hủ tiếu, cả bọn rục rịch đứng ngồi không yên, kể luôn Vũ. Nhìn mặt ông ta từ ở xa thôi em cũng cảm nhận được nỗi thống khổ kinh hoàng, dường như được Nguyên "dặn dò" không được hét, em thấy ông cứ cắn chặt môi đến đỏ bừng cả mặt.

Chừng vài phút lời qua tiếng lại giữa hai người mà em không nghe nổi, em thấy dường như người của ông ta run lên bần bật như đang chịu một sự đau đớn khủng khiếp, nhưng bờ vai rộng của Nguyên đã che hết những gì đang xảy ra. Em thấy cả bọn đang ngồi nhìn bỗng nhiên đứng phắt dậy, hầm hố trong tư thế chuẩn bị hỗn chiến thì lại đột ngột ngồi xuống theo cái phất tay của người bán hủ tiếu đó. Ông ta thì vội vã lấy ra thứ gì rồi nhét vào túi áo khoác của Nguyên, anh vỗ vỗ vai ông ta lần nữa trước khi đi về phía em.

Mọi thứ căng thẳng chỉ diễn ra trong chốc lát, Vũ cũng không chắc là ông ta có thực sự đưa gì đó cho Nguyên không nữa hay chỉ là tự em nhìn chưa kĩ mà đã vội kết luận. Biết Vũ nghi ngờ, trên đường đi, Nguyên chỉ nói: "Hồi nãy tôi đi vội không đem theo tiền nên mới đứng đó năn nỉ ông chủ quán thôi. Ai dè ổng cũng đáng yêu phết, cho ghi sổ luôn"

Vũ thì ậm ờ cho có, cũng tự biết không nên thắc mắc thêm gì, em dần nhận ra anh cũng không khác gì những người trong nhóm cả, đều là côn đồ thứ thiệt hết. Em ngồi sau lưng Nguyên, mắt đôi lúc lại liếc xuống cái túi áo mà ông chú kia đã nhét gì đó vào, sự tò mò thôi thúc em nhìn gần hơn một chút nhưng bộ dạng dửng dưng như không có gì xảy ra của Nguyên giữa đám người đáng sợ lúc ban nãy lại nhắc nhở Vũ đây không phải chuyện được phép hiếu kì.

Xe dừng lại trước cổng trọ, đây là chiếc duy nhất có thể chui lọt vào hẻm chứ không phải gửi nhờ ở quán chú Ba. Vũ bước xuống xe rồi e dè cảm ơn Nguyên và nhanh chóng bước vào trong, em thấy Huấn đứng đó chờ sẵn, trên tay anh cầm một cái điện thoại xịn:

"Về rồi hả Nguyên, nãy thằng Luân nó gọi nói chắc lát nó về trễ nên kêu mình ăn cơm trước đi nè"

"Vậy mọi người ăn trước đi, em với Vũ nãy ghé ông Đức ăn rồi" Nguyên trả lời qua loa trong khi đang dắt xe vào nhà, Huấn vừa lọ mò bấm điện vừa nhếch mép cười.

"Đù, đi ăn ông Đức luôn ta. Thằng này nay quậy dữ hen" Huấn chạy lên bá cổ Nguyên mà cười rần rần, điệu bộ trêu chọc không lẫn đi đâu được từ hồi tối. Mặc cho Nguyên lắc đầu, cả hai vừa đi sâu vào trong nhà vừa rôm rả nói chuyện, vọng ra ngoài những tiếng úp mở khó đoán.

Vũ ở ngoài đây thì cũng không muốn xía vào cho lắm, em lờ mờ đoán được là chuyện giang hồ thanh toán lẫn nhau nên cũng bỏ ngoài tai. Sống hai năm trên Sài Gòn không chỉ dạy em cách biết yêu thương những người xa lạ mà còn tôi luyện cho em sự thờ ơ câm điếc đúng lúc.

Ấy thế mà em chỉ vừa quay lưng đi được mấy bước là loạng choạng ngay vì bị một người từ sau lưng nhào tới. Là anh Huấn, em chợt nhớ ra chuyện số tiền Luân đưa cho mình và bảo là của Huấn. Nhưng người nhanh nhảu mở miệng trước là người lớn hơn:

"Em tên Vũ đúng không? Qua giờ gặp em miết ha, ê mà mày chỉ anh cái này đi, tao chọc thằng Nguyên dữ quá giờ nó dỗi không thèm chỉ tao nữa" Huấn dí cái điện thoại vào tay Vũ, miệng tía lia nói về vấn đề mình gặp với mấy cái ứng dụng trên điện thoại.

Vũ nhận ra người anh tên Huấn này rất tệ ở khoản công nghệ, em cũng thật tình chỉ anh những điều em biết. Dù Vũ rất muốn mở lời hỏi anh về "món quà" nhưng không tài nào xen ngang được câu chuyện của Huấn. Cuộc trò chuyện chỉ bị cắt ngang khi Trọng lái xe chạy vào trong sân, chở theo sau đó là Luân đang đi khập khiễng với cái trán đầy máu và bả vai có một vết chém dài. Màu đỏ thẫm ướt ra đến tận áo, người đàn ông thương tích đầy mình nhếch nhách bước xuống xe mà không cho Trọng đỡ. Vẻ mệt mỏi ngay lập tức biến mất khi thấy Vũ đang đứng đó nhìn mình trong ngỡ ngàng, Luân mỉm cười tươi rói trong khi một bên mắt đang nhăn lại vì bị máu chảy trúng:

"Nhóc Vũ đi học về rồi hả em?"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top