Mứt nhà làm của cô Willison


r/nosleep
u/FamilialDichotomy (4.1k points)
Mứt nhà làm của cô Willison

Thưở xưa bé, tôi rất kén ăn như mọi đứa trẻ khác. Theo lời cha mẹ tôi, thói quen ăn uống của tôi trượt dần từ những câu mè nheo quen thuộc như "Con ghét rau lắm!" thành từ chối đủ các thể loại thức ăn. Những thứ mà mấy đứa trẻ con thường thích như gà nugget, mỳ ý, thậm chí cả bánh mì kẹp xúc xích tôi cũng nhất quyết không ăn. Mà đỉnh điểm nhất, như cha mẹ tôi kể lại, là lúc mà hai người cùng bác sĩ nhi bắt đầu lo lắng về sức khỏe của tôi.

Tôi mỗi lúc một lớn chậm, với cân nặng cùng chiều cao kém xa số đo bình thường của những đứa trẻ đồng trang lứa, và theo sau đó là hàng loạt các vấn đề chậm phát triển khác. Tôi liên tục nghe thấy những cụm từ như "suy dinh dưỡng" hay "cho ăn bằng ống". Cuối cùng, cha mẹ tôi bắt buộc phải cho tôi uống những cốc sinh tố đầy ắp dinh dưỡng trước khi đi ngủ để cố gắng đẩy được cân nặng tôi lên. Nói thật thì tôi không biết làm thế nào mà họ chịu nổi tôi nữa – nghe tôi như một thằng lỗ đít vậy.

Quãng thời gian uống sinh tố trải dài khắp thời chập chững biết đi, len lỏi tới tận tuổi đi nhà trẻ. Khi đã lên 5, tôi vẫn không chịu ăn gì, mặc cho không biết bao nhiêu đêm tôi bị phạt nhịn đói vì không thèm nếm thử dù chỉ chút ít bữa tối của mình. Tôi vẫn nhỏ xíu so với tuổi, và dành phần lớn thời gian ngồi trong bệnh viện cũng vì thân thể kiệt quệ. Về sau, cha mẹ tôi đã kể rằng hai người chỉ sợ nhân viên xã hội sẽ đưa tôi đi vì trông tôi ốm yếu tới đau thương; may thay, họ luôn luôn giữ liên lạc với những bác sĩ theo dõi tình trạng của tôi, nên không thể phủ nhận rằng trường hợp của tôi hoàn toàn không phải do cha mẹ tắc trách.

Sáu tuổi, ở cái tuổi cắp sách đến trường, thì tôi vẫn là một thằng bé gầy nhằng. Cơ thể tôi không nhận đủ dưỡng chất để phát triển đầy đủ, mặc cho vô số những lần ép ăn, và vì vậy mà cách nói chuyện cũng như hoạt động bình thường của tôi cũng chậm hơn so với tuổi; tất cả điều này đã làm nên một đứa bé 6 tuổi hành xử không khác gì một đứa trẻ 3 tuổi. Tôi cũng không biết cha mẹ tôi làm thế nào mà chịu được nữa.

Tôi vẫn nhớ như in cái ngày mà tôi phát hiện ra một thứ đồ tôi thật sự thích ăn. Hai mươi hai tháng Chín, 1997, khi tôi đang đi chợ với mẹ, ngồi vắt vẻo trên ghế ngồi cho trẻ sơ sinh ở xe đẩy vì đôi chân lỏng khỏng không thể đi lại quá lâu. Gương mặt mẹ tôi nhuốm màu mệt mỏi với những nếp nhăn như khắc từng dòng khắp trán và má bà, cứ mê hoặc tôi như một bức họa khắc khổ đày đọa, khiến tôi không khỏi rời mắt. Bà chầm chậm đẩy chiếc xe đẩy qua các dãy đồ trong cửa hàng nhỏ, cố tìm bất cứ thứ gì kích thích được vị giác tôi.

Đó là lúc tôi nhìn thấy nó. Một hũ mứt. Trước kia tôi đã từng ăn thử mứt rồi – chẳng mê được. Cái thứ lỏng lỏng, dinh dính, ngọt tới quá đà đó. Kinh không chịu được. Nhưng hũ mứt này lại thật khác lạ trong bộ óc của đứa trẻ 6 tuổi này đây.

Tôi đưa tay chỉ cho mẹ xem, ngón tay gầy guộc hướng tới hũ mứt thủy tinh dán nhãn trắng ghi "Mứt nhà làm của cô Willison".

"Sao đó, con yêu? Con thấy gì rồi?" Giọng bà cũng thiếu sức sống và mệt mỏi không kém, khi bà đưa mắt theo hướng tôi chỉ. Khi vừa nhìn thấy, bà ngay lập tức quay đầu lại nhìn tôi.

"Con muốn ăn cái đó hả, Markie?" Bà không giấu nổi vẻ hào hứng trong giọng mình. "Con muốn ăn thử hả?"

Tôi gật đầu.

Mẹ tôi túm lấy hũ mứt nhanh chưa từng thấy. Bà còn mỉm cười một cái. Tôi không nhớ lần cuối mình nhìn thấy khóe miệng bà nhỏen lên là bao giờ nữa.

Chúng tôi trả tiền và ngay lập tức về nhà, còn không thèm để tâm đến những đồ khác phải mua. Mẹ tôi nắm tay tôi đi về phía xe, hồ hởi thắt dây an toàn cho tôi rồi đặt lọ mứt lên, gần như biết ơn khẩn khoản. Đây là lần đầu tiên tôi thực sự tỏ ra thích một thức đồ nào đó. Bà vui lắm.

Tôi lớn lên trong một thị trấn nhỏ, với chỉ khoảng 350 người. Đi xe từ nhà tôi tới cửa hàng tạp hóa kia mất có 5 phút, nên thật sự thì chúng tôi hoàn toàn có thể đi bộ nếu cơ thể tôi không ốm yếu tới đau đớn như vậy.

Khi về tới nhà, mẹ tôi hào hứng giục tôi chạy vào trong, tay nắm chặt hũ mứt quý báu kia. Ngay lập tức, bà kéo ghế ra cho tôi ngồi, như thể lo rằng tôi sẽ thay đổi ý định và không muốn ăn nữa. Nhưng cả tâm trí tôi chỉ dán chặt vào hũ mứt kia. Trông nó khác xa với những loại mứt tôi từng nếm qua, chẳng có những cục vón lớn, chẳng quá đặc và cũng chẳng có hạt. Ở nó có một sức mạnh gì đó cuốn chặt trí óc non nớt của tôi, mà tới tận bây giờ tôi vẫn chẳng thẻ lý giải được.

"Đây nè, Markie. Con nếm thử nhé?" Mẹ tôi xúc đầy một thìa mứt rồi đưa ra trước mặt. Màu đỏ sẫm kích thích vị giác lại càng hấp dẫn hơn dưới ánh đèn phòng bếp, lóng lánh như một món đồ quý. Tôi nhớ mình đã cẩn trọng đưa tay ra cầm lấy chiếc thừa, nhìn thật kỹ, trong khi mẹ tôi ngồi chờ đầy lo lắng.

Lưỡi tôi rụt rè thò ra để nếm thử. Và tôi sẽ chẳng thể nào miêu tả được cái hương vị đầu môi ấy như thế nào. Hãy thử tưởng tượng một vài những thứ tuyệt hảo nhất bạn từng nếm hòa lẫn với cái trải nghiệm thoát hồn nhất của bạn và đó chính là tôi khi ăn miếng mứt đầu tiên ấy.

Tôi liếm sạch chiếc thìa chỉ trong vài giây và giương mắt lên nhìn mẹ, thầm lặng xin tiếp một thìa nữa. Mẹ tôi, với đôi mắt ầng ậc nước, xúc tiếp cho tôi một thìa, và nhìn đứa con trai gầy yếu nhanh chóng ăn sạch chỗ mứt kia. Sau thìa thứ 5, mẹ tôi òa lên khóc, chạy ra vớ lấy điện thoại gọi cho bố để thông báo về tin tuyệt vời này.

Trong khi đó, mắt tôi vẫn không thể rời hũ mứt ấy. Tôi ngày ấy sẽ chẳng thể nào miêu tả được hương vị đó thành lời, cũng vì khẩu vị tôi quá hạn hẹp. Nhưng giờ đã trưởng thành, tôi có thể nói rằng đó là một hương vị cực kỳ đậm đà; một sự hòa quyện hoàn hào giữa ngòn ngọt và mằn mặn. Nó không giống hương dâu tây hay vị dâu rừng, mà là hai loại quả ấy trộn lại với nhau, được nâng lên tầm cao mới với một vị mặn nào đó. Có lẽ đó cũng là lý do nhiều người thích vị caramen muối tới vậy, một sự phối hợp hoàn hảo giữa mặn và ngọt. Nó mới lạc phúc làm sao.

Trên đường đi làm về, bố tôi ghé qua cửa tiệm kia và mua thêm một hũ nữa. Và thế là, trong hai tuần tiếp theo tôi chỉ ăn mỗi mứt. Mở mắt ra là tôi ăn mứt, tới trưa tôi lại ăn mứt, và khi trời sẩm tối tôi lại hào hứng lôi mứt ra ăn, thậm chí tôi còn ăn thêm cốc milkshake trộn với mứt ở bữa đêm nữa chứ. Bố mẹ tôi cũng hào hứng chẳng kém. Hai người mong rằng cái niềm yêu thích đồ ăn đột nhiên này của tôi sẽ lan tỏa ra những món đồ khác nữa.

Và rồi một ngày nọ khi mẹ và tôi cùng đi chợ để mua thêm mứt, thì trên gian hàng kia đã vắng bóng những hũ thủy tinh quen thuộc. Mẹ tôi, đã hơi hoảng loạn, đi vội tới quầy thu ngân để hỏi liệu họ có còn hũ mứt nhà làm của cô Willison nào nữa không.

"Xin lỗi nhé, chúng tôi hết hàng rồi." Mặt mẹ tôi sầm lại và bà khẽ nhìn một tia lo âu về phía tôi. "Vậy thì bao giờ cửa hàng nhập tiếp vậy?" Nhân viên thu ngân đăm đăm gãi bộ râu dày. "Well, chuyện là như này, thật ra một quý cô trong khu này đã làm loại mứt đó. Cô Willison. Cô ấy bán cho Hector để bán lại trong cửa hàng. Bà nói bà chỉ có từng đó hũ thôi. Không ai thích loại mứt này cả, ngoài cậu con trai của cô đó."

Tôi bắt đầu khó chịu ra mặt vì phải ngồi trong xe đẩy và vì thiếu vắng đi loại mứt mình yêu thích. Mẹ tôi nhìn thấy, trong mắt ánh lên tia lo lắng.

"Làm thế nào để lấy được địa chỉ hay số điện thoại của bà Willison bây giờ? Mark nhà tôi chỉ ăn mỗi mứt của cô ấy thôi."

Cũng như mọi thị trấn nhỏ khác, mọi cư dân sống nơi đây đều biết nhau. Nên nhân viên thu ngân cũng biết bố mẹ tôi phải khổ sở như thế nào mới bắt tôi ăn được. Có lẽ anh ta cũng đồng cảm với nỗi căng thẳng của mẹ tôi vì anh đã đi vào văn phòng nhỏ phía sau để tìm tờ hóa đơn có ghi địa chỉ nhà cô Willison.

Chiều hôm ấy, tôi cùng mẹ đi tìm người làm mứt bí ẩn kia. Cô sống ở ngoại ô thành phố, trong một căn nhà nhỏ xinh bình dị như nhà bánh gừng. Khi mẹ tôi gõ cửa, một người phụ nữ trẻ ra chào cô. Cô nhỏ xíu, mái tóc vàng óng búi cao, không một sợi tóc xõa che đi vẻ mặt đượm buồn.

"Chị muốn gặp ai?" Cô cất lên giọng nói dịu dàng và, phải rất nhiều năm sau, mẹ tôi mới nói rằng ở cô Willison toát lên một vẻ phiền muộn và thất vọng tới kì lạ. Nhưng, nỗi tuyệt vọng khốn cùng đã thúc đẩy mẹ tôi và bà muốn tôi có thể tiếp tục ăn, nên bà cố nhoẻn một nụ cười thật tươi và giải thích tình hình cho người phụ nữ trẻ đứng bên bậc cửa.

"Ồ, tuyệt vời vậy!" cô Willison thốt lên, lần đầu tiên nở một nụ cười thật rạng rỡ. "Thật mừng là thằng bé thích mứt của tôi tới vậy. Tôi làm theo công thức gia truyền và lúc mà Hector nói rằng ít người mua lắm tôi cứ ngỡ là tôi đã làm hỏng mẻ đó cơ."

Mẹ tôi hỏi rằng liệu bà Willison có còn chút mứt nào không, và với nụ cười vẫn chưa dứt, cô quay vào trong nhà rồi trở lại sau một lúc, tay cầm chiếc hộp lớn.

"Đây là những hũ cuối rồi. Tôi có giữ lại vài hũ nhưng vì có vẻ chả ai thích cả nên tôi đã nghĩ là chắc khỏi làm nữa luôn."

"Tuyệt quá," mẹ tôi thốt lên, cả người nhẹ bẫng khi cầm trên tay chiếc hộp nặng trĩu. "Tôi không biết mứt nhà cô có gì mà thằng bé lại mê mệt tới vậy."

Cô Willison cười lên. "Tôi chỉ mừng là tôi không làm hỏng mẻ mứt như tôi nghĩ thôi."

Mẹ tôi tỏ ý muốn trả tiền nhưng cô lắc đầu từ chối, nói rằng nhìn thấy có người thích mứt của cô là đủ lắm rồi. Chúng tôi rời đi với chiến lợi phẩm là một tá hũ mứt.

Số mứt đó đủ cho tôi ăn trong khoảng vài tháng, cho dù tôi cực ghét phải dè sẻn thứ mỹ thực yêu thích của mình. Rồi tới một ngày, vài tuần trước sinh nhật lên 7 của tôi, chúng tôi gặp được cô Willison trên phố. Cô tươi cười vẫy tay chào mẹ tôi rồi chầm chậm đi về phía chúng tôi, chiếc bụng hơi nhô khiến chân cô có chút loạng choạng.

"Chúc mừng nhé!" mẹ tôi kêu lên vui mừng khi cô đi lại gần. Cô Willison mỉm cười cảm ơn và dịu dàng xoa chiếc bụng tròn. Tôi đứng đó, cất tiếng hỏi liệu cô có còn chút mứt nào để cho tôi ăn không.

"Dạo này ta không làm thêm mẻ nào nữa," cô đáp lại câu hỏi nhanh nhẩu của tôi. "Nhưng chắc sẽ sớm thôi."

Tôi nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu nhưng cũng đành chấp nhận. Mẹ tôi thì vẫn vui lắm vì cuối cùng thì tôi cũng ăn uống nói chuyện như một đứa trẻ bình thường. Tôi có ăn mỗi mứt thôi cũng chẳng quan trọng, ít nhất thì tôi cũng ăn gì đó!

Vài tuần nữa lại trôi qua và nhà chúng tôi đã hết sạch mứt. Hàng tạp hóa kia không còn bán loại mứt này nữa nên một lần nữa, mẹ và tôi lại cùng đi tới nhà cô Willison. Khi chúng tôi tới nơi, tôi nhận ra bụng cô đã xẹp xuống và thêm một lần nữa, mặt cô lại nhuốm buồn.

Cô mời chúng tôi vào nhà, và một khi nghe thấy lời mời sánh màu hồng đỏ thơm ngon của hũ mứt, tôi đã chạy thẳng vào trong, không cho mẹ tôi lấy một cơ hội từ chối. Tôi ngồi kiên nhẫn bên bàn ăn nhà cô trong lúc cô phết mứt lên bánh mì. Mẹ tôi nhìn với đôi mắt chờ mong, khi tôi ngắm lát bánh mì đầy hoài nghi, cầm nó lên mà cắn thử một miếng bé tí. May sao, vị ngọt ngọt mặn mặn của mứt đã át hết vị bánh mì và tôi ngấu nghiến ăn hết sạch. Mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm, thư thái tận hưởng thêm một thắng lợi nữa trong cuộc vật lộn với thói quen ăn uống của tôi.

Tôi ăn thêm vài lát bánh mì mứt nữa trong lúc cô Willison nói chuyện cùng mẹ tôi. Niềm vui lâng lâng hoàn toàn chiếm trọn tâm trí tôi đã chặn toàn bộ cuộc hội thoại giữa hai người, và chỉ thỉnh thoảng tôi mới lại nghe thấy những từ như "chết non" và "khổ sở" nhưng cũng chẳng để tâm cho lắm. Trước khi chúng tôi rời đi, mẹ tôi ôm cô Willison thật chặt.

Hôm ấy, cô không có mứt để tôi mang về nhà nhưng hứa sẽ đưa tôi vào một ngày không xa. Tôi rời đi với cái bụng no lặc lè và hào hứng chờ đợi thứ đồ ngọt ngon nghẻ sớm về tay.

Chuyện này cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm. Mẹ và cô Willison dần dần kết thân và cứ khoảng vài tháng chúng tôi lại tới thăm cô, ngồi quây quần quanh bàn ăn nhà cô và nói chuyện trong lúc tôi ăn mứt. Cuối cùng, mẹ tôi nảy ra ý phết mứt lên các loại thức ăn khác để xem liệu tôi có ăn được không. Tôi đã nếm thử thịt gà, thịt bò, chuối và táo với món mứt ngon tuyệt ấy và đều ngấu nghiến tới miếng cuối cùng. Cha mẹ tôi suýt thì khóc trong niềm hạnh phúc khi đã tống khứ được nỗi lo âu nặng trĩu lòng sau bao nhiêu năm cố gắng.

Tới tuổi 12, tôi đã ăn được nhiều loại đồ ăn hơn nhưng vẫn phải phụ thuộc vào loại mứt kia. Nếu không phết đầy mứt lên, còn lâu tôi mới đồng ý thử ăn. Loại mứt ấy đã che đi hầu hết các mùi vị đồ ăn khác và tôi chấm mứt như những người khác chấm đồ vào nước sốt hay tương cà.

Thời điểm đó, cô Willison ngày một lão hóa nhanh và cũng vì thế mà cô không thể làm mứt thường xuyên như trước nữa. Cô nói với mẹ con tôi rằng cơ thể cô khó có thể chịu nổi công việc mất thời gian và nặng nề như này. Tôi cắn răng, lo lắng về một ngày trong tương lai khi cô không thể làm mứt cho tôi nữa nhưng cô chỉ xoa đầu tôi và nói rằng chỉ cần tôi thích, cô sẽ cố hết sức để làm. Tôi cười rạng rỡ.

Năm tôi 18, mối quan hệ giữa đồ ăn và tôi đã tiến triển nhiều, nhưng tôi vẫn ghét cay ghét đắng cái hương vị và kết cấu đi cùng. Mứt của cô Willison là món duy nhất tôi thật sự thích và muốn ăn, và cô vẫn đưa cho tôi đều đặn. Những mẻ mứt giờ chỉ ra lò một lần một năm hoặc lâu hơn một chút, nhưng cứ khi nào tôi nhìn thấy những hũ mứt đỏ hỏn ngọt ngào kia, tim tôi lại đập thình thịch với niềm vui sướng không tưởng.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi chuyển đi để vào học đại học; nhưng cứ mỗi dịp về nhà, tôi lại tới thăm cô Willison. Cô ngày một già đi trong nỗi cô đơn, và tôi vẫn thường tự hỏi chồng cô đang ở đâu hay liệu rằng cô có chồng hay không. Khi tôi hỏi cô làm nghề gì, cô chỉ nói rằng nghề của cô là đem lại niềm vui cho mọi người. Tôi không hiểu ý cô cho lắm, nhưng cũng lờ mờ đoán rằng chắc công việc đó có liên quan tới loại mứt tuyệt hảo mà cô làm ra.

Trong những lần thăm nhà cô,chúng tôi thường ngồi hỏi thăm nhau và trước khi chào tạm biệt, cô luôn gửi tôi rất nhiều các hũ mứt. Tôi cố ăn dè sẻn hết mức có thể khi quay lại nơi ở trên trường đại học, ở cái tuổi mà tôi đã đủ chín chắn để biết rằng mình cần ăn, nhưng vẫn cứng đầu ghét mọi loại thức ăn khác ngoài mứt.

Nhiều năm trôi qua và mặc cho bản tính kỳ lạ những ngày thuở nhỏ, tôi vẫn lớn lên bình thường và gặt hái được kha khá thành tựu cho mình. Tôi làm nghề nhập dữ liệu, một nghề cũng chẳng sôi động thú vị gì, và cưới được một người phụ nữ tuyệt vời. Ban đầu, em có chút khó chịu với thói quen ăn uống kì quặc của tôi nhưng rồi cũng chấp nhận rằng tôi chả thích thú đồ ăn một tí nào. Món gì cũng vậy, cơ bản là tôi không thích đồ ăn thôi. Tôi chưa và sẽ không bao giờ tận hưởng được cái cảm giác nếm vị thức ăn, tất nhiên là ngoài món mứt kia. Vợ tôi không thích món đó lắm, nhưng tôi nghĩ bây giờ em cũng dần quen với vị đó rồi.

Khoảng vài tuần trước, chúng tôi về thị trấn năm xưa để thăm cha mẹ tôi. Như mọi khi, tôi sang thăm cô Willison. Giờ cô đã già lắm rồi, cả thân thể tiều tụy tới đáng thương trước sự tàn phá thời gian. Cơ thể cô gầy yếu xanh xao như trĩu nặng nỗi khổ sở cả một đời người, giờ chỉ có thể cúi gù mà chẳng đứng thẳng như ngày trước được nữa. Nhưng cô vẫn mỉm cười khi nhìn thấy tôi, và nụ cười lại càng rạng rỡ hơn khi cô gặp vợ tôi.

Chuyến thăm vẫn dễ chịu như vậy, cô làm quen với vợ tôi và hỏi han tôi vài thứ vẩn vơ. Ngay trước khi tôi xin phép rời đi, cô đưa tôi một hộp đựng đầy các hũ mứt.

"Ta sợ rằng đây sẽ là lần cuối rồi, Mark thân yêu à." Giọng cô cũng mỏng manh như thân hình cô, và lần đầu tiên, cái ý niệm rằng cô có thể sẽ rời xa tôi mãi mãi chợt nảy lên trong đầu tôi. Dù lúc đó cô mới chỉ ngoài 50, trông cô như già hơn cả một thập kỷ. Cô vẫn luôn là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi, tới mức tôi không thể nào tưởng tượng tới việc mình không bao giờ gặp lại cô nữa.

"Ta đã quá già để có thể làm mứt rồi," cô nói, thở một hơi dài não nề. "Cơ thể ta không cho phép nữa. Những điều như vậy vẫn thường xảy ra mà. Tốt nhất là cứ để cho lớp trẻ làm thôi." Cô mỉm cười yếu ớt nhưng tôi có thể nhìn ra nỗi sầu nhuộm tràn khóe mắt ấy. Nước mắt tôi cứ chực rơi khi tôi đặt hộp to mứt xuống đất và ôm chầm lấy cơ thể gầy yếu kia.

"Cảm ơn cô vì cả một đời chia sẻ món mứt ngon lành ấy với con," tôi nói, đặt một nụ hôn nhẹ lên trán cô.

Cô Willison mỉm cười và vẫy chào tạm biệt vợ chồng tôi.

Đó đã là vài tuần trước. Hôm nay, tôi nhận được một cú điện. Là mẹ tôi, và bà cứ thút thít mãi. Phải rất lâu sau tôi mới hiểu được bà đang nói gì và khi ấy, Chúa ơi,tôi chẳng biết phải nghĩ gì nữa. Tôi ngồi đơ ra bên bàn ăn, mặc bộ đồ ngủ, trên bàn đặt một đĩa bánh mì phết mứt khi mẹ tôi nói rằng cô Willison đã qua đời. Có vẻ như cô đã mất từ vài ngày trước nhưng không ai biết, cho tới khi mẹ tôi tới thăm và nhìn thấy người phụ nữ già yếu đang vật người trên chiếc ghế tựa. Lúc đó đã là quá muộn rồi.

Tôi nhìn chằm chằm vào lát bánh mì phết mứt, không biết phải cảm thấy gì.

"Nhưng đó không phải là điều tệ nhất đâu, Mark ơi," mẹ tôi nấc lên. "Sao ạ?" tôi hỏi. "Sao hả mẹ?" "Ôi lạy Chúa tôi, Mark...họ tìm thấy...Chúa ơi, mẹ xin lỗi nhiều lắm!" Những tiếc nức nở không thành lời lại vang lên.

Cuối cùng, cha tôi cũng giằng điện thoại lại và giải thích thứ mà cảnh sát đã tìm thấy trong nhà cô Willison khi họ tới. Tôi vẫn không biết mình phải thấy sao nữa.

"Con trai à, chuẩn bị tinh thần nhé." Cha tôi cất giọng nói. "Chẳng ai biết cả. Chẳng ai biết con mụ kia nó ghê tởm và bệnh hoạn tới mức đó. Ta thề đó." Ông ho lên một tiếng, cố nén lại tiếng khóc chỉ chực bật lên. "Cha xin lỗi vì đã cho con ăn cái thứ đó không biết bao nhiêu lâu nay."

Mắt tôi ngay lập tức đưa về hũ mứt. Thứ mứt quý giá của tôi.

"Cảnh sát đã lục soát nhà mụ ta. Dưới hầm, họ tìm thấy khu vực mụ làm mứt. Lạy Chúa, con trai à. Là trẻ con. Khốn nạn thật, là trẻ con. Là con của chính mụ."

Hóa ra, mứt nhà làm của cô Willison đúng là nhà làm theo nghĩa đen. Khoảng một năm trước khi tôi bắt đầu ăn mứt của cô, cô đã mang thai nhưng lại bị sảy ở nhà. Có vẻ như lúc đó, não cô bị bóp méo thành mê muội và vì cái lý do trời đánh nào đó, cô đã quyết định cho con mình, bào thai của mình, hay gì đó, vào mứt. Cô nấu đứa trẻ lên cùng với dâu, lọc ra, và cẩn thận vớt mọi mảnh thai còn sót lại. Đó là lý do vì sao mứt của cô luôn trong vắt không vương tới một hạt dâu.

Đó cũng là lý do vì sao làm một mẻ mứt lại tốn nhiều thời gian tới vậy. Sau lần đó, cô lại quyết định mang thai thêm một lần nữa và lại sảy thai trong kỳ ba tháng thứ hai, và đó cũng là khi mẻ mứ thứ hai ra lò.

Suốt 20 năm ròng, cô Willison cứ liên tục mang thai bằng cách hành nghề mại dâm ở thị trấn kế bên, rồi phá thai ở nhà sau từ 12 tới 20 tuần, khi mà "thành phần" đã đủ lớn cho một mẻ mứt.

Đó là lý do vì sao cô chỉ làm một mẻ một năm, vì sao cô lại nhanh lão hóa và tiều tụy tới vậy. Liên tục mang thai sẽ làm một người phụ nữ thêm xuống sắc nhanh không tưởng. Những ngày cuối đời, cô nói cơ thể cô không cho phép làm thêm một mẻ mứt nào nữa cũng đúng thôi. Phụ nữ ngoài 50 rất khó có thể mang thai và cô Willison cũng chẳng phải là ngoại lệ.

Cha mẹ tôi sợ tới trắng mặt. Họ đã cho tôi ăn cái thứ này cả đời rồi. Hàng bao nhiêu năm, họ đã vui vẻ nhét loại mứt đó vào thực đơn của tôi mà không hề hay biết rằng đó là mứt làm từ thi thể người. Họ đã quá hào hứng với việc tôi bắt đầu ăn đồ bình thường; quá hào hứng khi cậu bé năm ấy đã chỉ tay vào hũ mứt và ăn ngấu nghiến tới miếng cuối cùng. Mẹ tôi rối rít xin lỗi trong cơn nức nở ở đầu dây bên kia.

Khi bà tắt máy, tôi đưa mắt nhìn xuống đĩa bánh mì phết mứt trước mặt, khám xét màu đỏ tươi ngọt ngào, độ trơn tru tuyệt hảo, cả sự hòa quyện hoàn mỹ của mặn ngọt từ món ăn duy nhất tôi thực lòng thích trong cả cuộc đời.

Tôi lặng lẽ đứng dậy và đi tới căn hầm nơi tôi cất hộp đựng đầy hũ mứt kia. Mỗi mẻ mứt của cô Willison đóng thành 12 hộp và tôi đã học cách ăn thật dè sẻn. Tôi vẫn còn sót 11 hũ.

Tôi cẩn trọng mở hộp, lấy ra từng hũ mứt và nhìn thật kỹ, như thể đang cố nhìn xem có còn sót lại những hạt bào thai bé tí nào không. Ở dưới cùng chiếc hộp, tôi nhìn thấy một bao phong bì. Tôi run rẩy đưa tay vào và lôi ra lá thư cuối của cô Willison, một lá thư ngắn gọn súc tích, nhưng lại khiến tôi nhoẻn cười mãi không dứt.

Tôi vẫn luôn có vấn đề với việc ăn uống. Tôi không biết tại sao. Hầu hết trẻ nhỏ đều dần bỏ đi thói quen kén ăn, và ở một góc độ nào đó thì tôi cũng vậy. Sau nhiều năm, tôi tự hiểu rằng mình cần đồ ăn để sống, dù cho chúng chẳng mang lại chút niềm vui nào và vẫn hay làm tôi thấy buồn nôn nếu nếm phải một vị hay kết cấu nào đó mà tôi ghét. Mứt của cô Willison đã cứu tôi. Đó là món ăn đầu tiên và duy nhất mà tôi thực lòng thích.

Và trong cái phong bì nằm dưới đáy chiếc hộp ấy; chiếc hộp chứa mẻ mứt cuối cùng mà cô Willison làm cho tôi, tôi tìm thấy di sản của cô. Một thứ mà cô muốn tặng tôi trước khi trút hơi thở cuối cùng vì, như cô nói, tôi là tia sáng duy nhất trong cuộc đời cô và cô làm tất cả những điều này chỉ vì riêng tôi thôi.

Ở dưới tận hầm sâu, tôi nghe thấy tiếng vợ mình đi lại trên tầng. Dạo này em có hơi khó ngủ chút.

Tôi vui vẻ huýt sáo, nhét lại lá thư vào phong bì rồi cất đi cùng chiếc hộp. Rồi, tôi leo lên phòng ăn nơi vợ tôi đang đứng bên bếp, làm trứng bác.

Em quay lại và mỉm cười với tôi, mái tóc rối bù từ cơn trằn trọc không ngủ được, vẻ mặt thanh bình yên ổn, không còn nhăn lại khó chịu như những khi em phải vật lộn với cơn buồn nôn mỗi sớm nữa. Em nhún chân lên hôn tôi một cái, phần bụng mềm nhô lên khẽ chạm vào người tôi. Chuyến thăm cha mẹ tôi vừa rồi là để thông báo cho hai người về niềm vui nho nhỏ này đây. Em đang tới tuần 12 rồi, nên em nói bây giờ là có thể an toàn mà đi nói cho mọi người rồi.

Tất nhiên là cha mẹ tôi mừng lắm. Cô Willison cũng thế, và có lẽ đó là vì sao cô đưa tôi tờ giấy ghi công thức làm.

Tôi nghĩ là, nếu tôi hết sức động viên em thì chắc là em sẽ đồng ý làm cho tôi vài hũ mứt đó nhỉ.

____________________

Dịch bởi mikeymoo | Phuoung Mai Vu

________________________________________


Phần comment:


1)  Đọc đoạn đầu + nosleep là tui cũng nghi nghi rồi, cơ mà twist cuối thì đáng sợ thật :|


2) Twist hơi dễ đoán :\


3) Không gì ngon bằng việc ăn con của mình cả :D


4) Nchung twist khá dễ đoán, nhưng có đoạn cuối là ko đoán đc :)))) góp ý chút là cái đoạn "thằng lỗ đít" thì trans nên để nguyên "thằng asshole" thì hay hơn :))))


5) Đù má =))) tui cũng thấy tởm đấy nhưng tự dưng nhớ ra một ngày 3 lần tui cũng tự tay giết con mình.. tận hàng triệu sinh linh bé bỏng luôn nên cũng thấy bớt tởm rồi. (Joke thôi nhé mấy ông)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top