Alexandre

Đại đế Alexander dưới cái bóng của cha

Trong suốt quá trình cai trị, vua Philip II đã dốc hết tâm trí để đào tạo cho người thừa kế là Alexander, con trai của ông. Nhà vua đã đào tạo ra một minh tinh vĩ đại để đóng vai chính cho vở kịch lịch sử được trình diễn lúc bấy giờ.

Thành phố Alexander mang tên vị đại đế của vương triều Marcedon là thành phố thứ hai và là hải cảng lớn nhất của Ai Cập. Tọa lạc về phía Tây của khu đồng bằng sông Nile, sát bờ biển Địa Trung Hải với phong cảnh xinh đẹp, lúc nào người ta cũng nghe tiếng rì rầm của những đợt sóng biển vỗ vào bờ ở thành phố này. Thành phố này có di chỉ của ngọn đèn biển trên đảo Faros mà thời bấy giờ được xem là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Ngoài ra, nó còn có rất nhiều cổ thích và những khu phong cảnh đẹp nổi tiếng.

Mặc dù thành phố tọa lạc tại bờ biển Phi châu, nhưng nó lại có danh xưng và quốc dáng của một thành phố kiểu Âu châu. Chính nó được đại đế Alexander của nước Macedon – Greece dựng lên cách nay hơn 2.000 năm.

Đại đế Alexander là vị Quốc vương thứ 14 của vương triều Argad nước Macedon cổ đại. Ông là một nhà quân sự đồng thời cũng là một nhà chính trị kiệt xuất trong thời đại đó. Năm 356 trước công nguyên, Alexander sinh ra tại Pella (nay nằm về phía tây bắc Thessaloniki thuộc vùng phía bắc của Hy Lạp). Ông là một thanh niên đẹp trai, có thân hình vạm vỡ, có ý chí kiên cường, trí tuệ và lòng dũng cảm hơn hẳn mọi người. Cha ông là Philip II (tại vị từ năm 359 đến 336 trước công nguyên) là một nhà vua hùng tài đại lược, hăng hái tiến hành việc đổi mới, trở thành một nhà vua có nhiều công trạng trong lịch sử của Macedon. Mẹ ông là Olympias, nguyên là công chúa của người Epirus Molossian. Trong thời thơ ấu, Alexander đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của cả cha lẫn mẹ.

Từ lâu Macedon vẫn là một địa phương thuộc vùng biên cương hẻo lánh của Hy Lạp, nằm về phía bắc của bán đảo Hy Lạp, nơi có nhiều đồi núi. Người Macedon nguyên là đồng tộc với người Hy Lạp. Trong thời cổ đại, khi các chi của người Hy Lạp cùng kéo nhau tiến xuống phía nam của bán đảo, thì người Macedon vẫn ở yên tại khu vực phía bắc. Do trình độ phát triển xã hội tương đối thấp, nên họ bị người Hy Lạp xem là “man tộc”.

Khoảng 700 năm trước Công nguyên, gia tộc Agread bắt đầu xây dựng vương quốc Macedon. Đến thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, Macedon ngày càng tích cực tham gia vào những sự vụ tại bản thổ Hy Lạp, gia nhập đại hội tranh tài thể thao Olympia khai diễn bốn năm một lần, và cùng ký kết liên minh chính trị với các thành bang của Hy Lạp. Trong thời kỳ chiến tranh giữa Ba Tư và Hy Lạp (khoảng từ năm 500 đến năm 449 TCN) người Macedon từ chối không chịu gia nhập vào đội ngũ của người Ba Tư để đánh người Hy Lạp, đồng thời đem những tin tức tình báo bí mật về quân sự của Ba Tư cung cấp cho người Hy Lạp. Theo đà tăng trưởng này ngày càng mật thiết giữa người Macedon đã hấp thu được nhiều yếu tố văn hóa tiên tiến của các thành bang tại Hy Lạp. Sau khi vua Philip II cha của Alexander lên chấp chính, thì Macedon đã phát triển lên một bước, đạt đến thời kỳ toàn thịnh. Vua Philip II từng tiến hành hàng loạt những cuộc cải cách. Về mặt chính trị, ông khống chế lực lượng của các thủ lĩnh ở các bộ lạc, khống chế quyền lực của các hội nghị quí tộc, tập trung quyền lực quân sự của quốc gia vào một tay mình. Về mặt kinh tế, ông cho áp dụng chế độ bản vị kép, vừa dùng vàng vừa dùng bạc để từ đó đặt mối quan hệ mậu dịch mật thiết giữa Macedon với Hy Lạp và Ba Tư. Về mặt quân sự, ông ra sức xây dựng một đạo quân thường trực, và đã cải tiến chiến thuật “Phương trận” (Phalax) mà ông đã học được từ Epaminodas lúc còn làm con tin ở Thebes thuộc Hy Lạp, để cải tiến thành “phương trận Macedon”, có sức chiến đấu rất mạnh. Phương trận này chủ yếu được phối hợp giữa các đơn vị bộ binh trang bị nặng, gồm có giáo dài và những tấm mộc chắc chắn. Bộ binh xếp thành hàng ngũ chặt chẽ, mỗi phương trận được xếp từ 16 đến 20 hàng bộ binh. Những bộ binh đứng ở phía sau, sử dụng giáo dài thọc qua các khe trống của những bộ binh cầm mộc che chở đứng ở phía trước, để tấn công quân địch ở trung tâm, còn kỵ binh thì từ hai bên hông tiến lên đánh bọc hậu quân địch. Do vậy, phương trận của Macedon có sức chiến đấu rất ngoan cường, đối phương khó chống trả, nổi tiếng khắp xa gần , tạo thành một sức uy hiếp mạnh mẽ đối với quân địch.

Dựa vào ưu thế quân sự, vua Philip II đã liên tiếp trong nhiều năm bành trướng, mở rộng bờ cõi, từng bước thống nhất các bộ lạc của Macedon, đồng thời, cũng đánh chiếm được vùng Thrace của người Illyrian, thế lực mở rộng tới hạ du sông Danube và eo biển Hellespont (nay là eo biển Dardanelles). Chẳng bao lâu, thế lực quân sự của nhà vua đã đén những thành bang của Hy Lạp. Năm 348 trước công nguyên, vua Philip II đánh chiếm Olymthus và thôn tín Chalcidice. Năm 338 TCN, vua Philip II lại xua đại quân Macedon đánh bại liên quân Hy Lạp tại Chaerona. Qua năm sau, vua Philip II triệu tập hội nghị toàn Hy Lạp tại Corinth, thành lập liên minh do chính ông giữ chức thống soái tối cao, đồng thời, đề xuất kế hoạch hưng binh thảo phạt Ba Tư. Kể từ đó, bán đảo Hy Lạp đại thể đã được thống nhất dưới ngọn cờ quân chủ của Macedon. Tình trạng cát cứ của các thành bang diễn ra trong nhiều năm qua đến đây kết thúc.

Rõ ràng người đặt nền tảng cho địa vị bá quyền của Macedon ở Hy Lạp nói cho cùng chính là vua Philip II. Những cuộc viễn chinh sau này của Alexander, chẳng qua là một hành động thể hiện sự nghiệp của cha ông mà thôi. Một học giả, ông H.G.Wells từng nói: nếu bảo người anh hùng thật sự trong câu chuyện về Alexander là chính bản thân Alexander, thì chi bằng bảo đó là người cha của ông tức vua Philip II thì đúng hơn. Vì “tác giả của một kịch bản không bao giờ được mọi người chú ý bằng những diễn viên đang diễn xuất dưới ánh đèn sân khấu”. Vua Philip II là người đã quy hoạch một phần lớn thành tựu trong sự nghiệp vĩ đại của Alexander, đặt nền tảng thực sự cho quốc, chuẩn bị sẵn những công cụ để phát động những cuộc chinh chiến.

 

Tuổi thơ không êm đềm của đại đế Alexander

Mặc dầu Alexander đã tiếp nhận được rất nhiều điều bổ ích từ người cha, nhưng do tình trạng gia đình bất hòa, nên giữa Alexander với cha luôn có một tình cảm bất mãn rất phức tạp. Những mâu thuẫn của vua và hoàng hậu đã để lại một vết hằn trong tính cách của ông.

Hầu hết mọi người đều cho rằng, đại đế Alexander là một trong rất ít các hoàng đế thời cổ đại, đã được tiếp nhận một sự giáo dục và huấn luyện chuyên môn để giữ vai trò thống trị cho một đế quốc. Dưới sự sắp xếp của người cha, ngay từ năm ông vừa 13 tuổi đã theo học với Aristotle, một đại học giả nổi tiếng người Hy Lạp, nên nhận được sự hun đúc của nền văn hóa cổ điển Hy Lạp. Ông từng học các môn triết học, lý luận học, thực vật học, động vật học, y học, địa lý học, nhất là ông rất thích đọc Sử thi của Homerơ (Homeric Hymns). Ông rất sùng bái và luôn học hỏi theo sự nghiệp vĩ đại của người anh hùng Achilles. Alexander rất say mê nghiên cứu và luyện tập binh pháp. Từ năm 16 tuổi trở đi, ông đã bắt đầu theo cha mình đi chinh chiến, học hỏi cách bố trận và chỉ huy quân đội. Năm 18 tuổi, ông tham gia chiến dịch Chaeronea. Ông chỉ huy đạo quân cánh trái của Macedon đánh bại quân đoàn thần thánh Thebes từng nổi tiếng một thời, qua đó ông đã thể hiện được tài năng quân sự xuất chúng.

Sau khi Alexander chào đời không bao lâu, mối quan hệ giữa cha mẹ ông ngày càng phai nhạt. Mẹ ông, bà Plympias là một người đàn bà có cá tính nóng nảy khác thường, nhất là bà rất say mê ma thuật phù thủy mang tính chất huyền bí của tôn giáo. Theo lời đồn đại, trong việc hoạt động mang tính chất tôn kính thần linh bà còn sử dụng những con rắn do bà nuôi dưỡng. Những thắng lợi và danh dự mà chồng bà đã giành được trong các cuộc chinh chiến, làm cho bà cảm thấy ganh tỵ, nên luôn có thái độ chống đối. Thái độ ganh tỵ đó đã có ảnh hưởng rất nhiều đến Alexander.

Ngay từ thời thơ ấu, Alexander đã có cá tính tự cao tự đại, thích lập những chiến công to lớn, tỏ ra rất ngang ngược, không xem ai ra gì. Alexander luôn ôm ấp giấc mơ chinh phục thế giới để lấy đó làm niềm hãnh diện cho mình. Nhà sử học cổ của Hy Lạp là Plutarch trong trước tác của ông có nói: Cứ mỗi khi nhận được tin vua Philip II chiếm được một ngôi thành hoặc đánh thắng một trận lớn, Alexander chẳng những không tỏ ra vui mừng mà trái lại, ông đã nói với những người chung quanh: “Này anh em, cha ta đã giành hết mọi công việc, không chừa lại một việc quan trọng nào để cho chúng ta cùng nhau thực hiện”.

Khi vua Philip II cưới người con gái Macedon là Cleopatra về làm vợ thứ hai như thói quen của các nhà vua khác thời bấy giờ, thì Alexander và bà mẹ Olympias đã bộc lộ sự xung đột công khai với vua Philip II.

Mùa hè năm 336 TCN, vua Philip II bị ám sát chết ngay trong buổi tiệc cưới của người con gái. Có người bảo Plympias có khả năng đã tham gia vào sự kiện này. Bà ta đã kiên quyết chủ trương cử hành lễ tang cho người thích khách cũng long trọng ngang hàng như lễ tang của vua Philip II.

Sau khi cha chết, Alexander lên nối ngôi, khi ấy ông mới 20 tuổi

 

Alexander lên ngôi - đánh đâu thắng đó

Giai đoạn đầu sau khi nối ngôi, các bộ lạc ở phía bắc Macedon và các thành bang Hy Lạp bùng nổ nhiều cuộc bạo động. Alexander xuất quân một cách quả quyết, lần lượt dập tắt những cuộc nổi loạn ở các địa phương.

Trong đó, số phận của Thebes là bi thảm nhất. Sau khi thành bị hạ, ngoại trừ nhà riêng của nhà thơ Pindar và đền thờ, còn lại tất cả những nhà cửa khác đều bị phá hủy, san bằng 30.000 dân trong thành phố bị bán làm nô lệ. Cuộc thảm sát tại Thebes chẳng khác nào một đòn giáng mạnh xuống đầu những người chống đối, tất cả các thành bang Hy Lạp đều run sợ, cùng nhau bò đến dưới chân vị bá chủ Macedon.

Sau khi Alexander củng cố địa vị thống trị tại Hy Lạp, ông liền tích cực lo việc thực thi kế hoạch chinh phạt đế quốc Ba Tư mà cha ông đã soạn thảo, để qua đó cướp đoạt lấy tài nguyên phong phú ở vùng phía đông. Thời bấy giờ vương triều Achaemnes ở Ba Tư đã từ cường thịnh trở thành suy nhược, nội bộ xảy ra tranh chấp liên miên. Alexander chụp lấy cơ hội đó phát động cuộc viễn chinh, đồng thời, ông cũng sử dụng cuộc viễn chinh này chuyển tầm nhìn của người Hy Lạp đang chống đối Macedon sang một hướng khác, và cũng làm hòa dịu cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tại các thành bang Hy Lạp.

Mùa xuân năm 334 TCN, Alexander xua quân Đông chinh. Ông chỉ huy một đoàn liên quân Macedon - Hy Lạp gồm 30.000 bộ binh, 5.000 kỵ binh, 160 chiến thuyền ồ ạt vượt qua eo biển Hellespont. Tương truyền lúc bấy giờ Alexander đích thân cầm lái chiếc kỳ hạm của mình, và đã giết một con bò để hiến tế thần biển Poseidon, ông còn dùng một chén vàng đựng rượu rót xuống mặt biển để cúng thần biển. Khi chiến thuyền cập bờ bên kia, tương truyền Alexander mình mặc võ phục, bước lên đại lục châu Á đầu tiên.

Sau đó, ông liền đến viếng Ilium, chiêm ngưỡng thành Troy thời cổ, cũng như lăng mộ của vị anh hùng đã đánh chiếm thành này. Có lẽ ông tin việc đến viếng di chỉ của một chiến trường cổ xưa sẽ giúp cho ông có được những gợi mở cũng như những linh cảm để chiến thắng.

Đầu mùa hè cùng năm, quân đội của Alexander giao phong với quân đội Ba Tư lần đầu tiên tại sông Granicus (nay là sông Kocabas của Thổ Nhĩ Kỳ) nằm về bờ phía Nam của biển Marmara. Đôi bên đã mở một trận hỗn chiến ác liệt bằng kỵ binh.

Tiếng tù và xung trận vang rền tận trời cao. Toán quân tiên phong của Macedon - Hy Lạp cố vượt sang sông, với ý đồ tràn lên bờ bên kia để diệt địch. Quân Ba Tư dựa vào địa thế đất cao của bờ sông, dốc sức chống giặc. Họ phóng những ngọn giáo bay ra như mưa về phía quân đội của Alexander, gây thương vong nặng nề cho quân Macedon - Hy Lạp. Trong tình hình khẩn cấp đó, Alexander đã kịp xua quân tới nơi. Ông có thân hình vạm vỡ, khôi giáp sáng chói, nhanh nhẹn thúc ngựa vượt lên trên các binh sĩ để đánh nhau với quân địch. Một cuộc hỗn chiến liền diễn ra hết sức ác liệt. Cây giáo dài trong tay Alexander bỗng bị gãy. Ông vội vàng ra lệnh cho người tùy tùng đưa một cây giáo khác để thay thế, rồi quay lại tiếp tục ác chiến với quân giặc. Chỉ một đường giáo mạnh như thần của ông đã đâm viên phò mã Ba Tư té xuống ngựa. Cùng một lúc đó, một tướng lãnh khác của quân Ba Tư múa đại đao xông lên chém thẳng vào Alexander, và đã chém bay một góc mũ sắt trên đầu ông. Alexander liền xoáy ngọn giáo lại đâm thủng lồng ngực của viên tướng địch thấu đến tim. Kỵ binh Macedon - Hy Lạp thừa thắng dũng mãnh tràn lên, khiến quân đội Ba Tư dần dần bị núng thế. Cuối cùng họ đã bị đánh bại. Chiến dịch này Alexander đã giành được thắng lợi hoàn toàn, bắt sống hơn 2.000 tù binh địch.

Sau trận chiến thắng đầu tiên, uy danh của Alexander rung chuyển khắp cả vùng Tiểu Á. Những thành phố như Sardis (nay ở gần vùng Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ). Epheusus (nay là địa phương nằm về phía Tây của Aydin), cũng như các thành trấn Hy Lạp nằm theo bờ biển Inoia vốn đã thần phục Ba Tư, đều đua nhau mở cửa dâng thành cho nhà vua Macedon xuất hiện với là người giải phóng. Nhưng có hai thành Miletus (nay nằm về phía Nam Soke của Thổ Nhĩ Kỳ) và Halicarnassus (nay là địa phương nằm gần Bodrum) đã chống trả lại quân đội của Alexander một cách ngoan cường. Alexander phải dùng máy bắn đá để bao vây tấn công dữ dội , trong khi bộ binh đua nhau vượt qua những nơi tường bị sụp đổ để tiến vào sát phạt. Rốt cục họ cũng đã chiếm được hai ngôi thành này.

Mùa đông cùng năm, Alexander xua quân tiến sâu vào nội địa Tiểu á, liên tiếp hạ được các thành bang ở vùng Phrygia. Khi Alexander tiến tới thành Gordium, ông đã trèo lên tường thành để quan sát cỗ chiến xa Gordius, và xem kỹ nút thắt của sợi thừng kỳ diệu buộc trên cỗ xe. Theo lời sấm truyền, ai có thể mở được nút thắt của sợi thừng được bện bằng vỏ cây “Sơn thù du”, thì người đó sẽ trở thành bá chủ tại châu á. Nút thắt của sợi thừng này vừa phức tạp lại vừa rắn chắc, không ai có thể hiểu được cách mở nó như thế nào, kể cả Alexander. Trong tình thế khẩn cấp đó, Alexander đã mạnh dạn tuốt thanh bảo kiếm ra chặt đứt nút thắt của sợi thừng và la to lên: “Tôi đã mở được rồi!”.

Alexander tràn ngập niềm tin xua quân tiếp tục tiến xuống phía nam. Mùa thu năm 333 TCN, ông vượt qua vùng núi đồi Cilicia. Lúc bấy giờ Hoàng Đế Ba Tư là Darius III cũng đang xua đại quân của đế quốc tiến lên, chuẩn bị nghênh chiến. Một trận quyết chiến ác liệt giữa đôi bên sắp sửa bùng nổ.

Đại quân của đông khoảng 600.000 người (có thuyết bảo là 360.000 người), so với 35.000 quân đội của Macedon rõ ràng là chiếm ưu thế hơn. Nhưng nội bộ của quân Ba Tư không thống nhất, chỉ huy rối loạn, phẩm chất thấp kém. Lúc ban đầu Darius III chọn vùng đồng bằng Assyria để đóng quân, cho binh sĩ nghỉ ngơi, chờ đối phương từ xa kéo tới. Địa hình nơi đây hết sức có lợi cho việc triển khai một cánh quân lớn, và cũng tiện lợi đối với việc điều động kỵ binh. Nhưng Darius III do thiếu tầm nhìn cũng như thiếu lòng kiên nhẫn, đã nghe theo bọn nịnh thần đang ở chung quanh, buông bỏ vùng đất có địa hình thuận lợi nói trên, hối hả xua quân tiếp tục tiến về phía bắc, vượt qua cửa núi Armenia, rồi đi vòng đến Issus (nay là địa phương nằm gần Iskenderun, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), nằm về phía sau lưng của quân đội Alexander để bố trí trận địa. Nơi đây là một vùng đất hẹp rất khó xoay chuyển. Chính vì vậy, thực chẳng khác nào trước khi bùng nổ cuộc đại chiến, thì Darius III đã dùng hai tay dâng quyền chủ động lên cho Alexander .

Trước tiên, Alexander triệu tập sĩ quan chỉ huy các cấp thuộc các đơn vị để tiến hành động viên, phân tích kỹ tình thế chiến trường cho họ hiểu, và cổ vũ sĩ khí của mình. Ông nói:

"Địch quân trong một thời gian dài vừa qua, luôn sống trong hoàn cảnh thái bình hưởng lạc, còn chúng ta thì luôn luôn chiến đấu và đã vượt qua không biết bao nhiêu thử thách gian nguy, mỗi chiến sĩ đều được luyện rèn nên đã trở thành kiên cường hơn. Một điều quan trọng nữa, đó là trận đánh này chính là một trận quyết đấu giữa người tự do và người nô lệ. Số người đi theo Darius III để đánh giặc đều là những người vì tiền mà bán mạng cho ông ta. Trong khi quân đội của ta đều là chí nguyện quân chiến đấu vì đất nước Hy Lạp, là những chiến sĩ dũng cảm thiện chiến nhất ở á châu. Chỗ yếu kém nhất của quân địch là ô hợp và không có tài năng".

Đứng trước sự cổ vũ sôi nổi của Alexander, các tướng lãnh hết sức phấn chấn. Đồng thời, qua đó cũng chứng tỏ nghệ thuật lãnh đạo siêu việt của Alexander.

 

 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #nta