Alexandra David Neel * Câu chuyện tầm sư học đạo kỳ lạ của KARMA DORDJI (1)

Karma Dordji xuất thân từ một gia đình nghèo hèn. Từ thuở nhỏ ông được cha mẹ gởi vào chùa, và ở đó ông luôn bị đám bạn bè cùng trang lứa thuộc tầng lớp giàu sang chế nhạo, khinh bỉ. Khi ông lớn lên thì đám bạn lại tìm cách xa lánh, không thèm trò chuyện vì xuất thân hạ tiện của ông. Karma Dordji là người kiêu hãnh và có ý chí kiên cường. Ông kể cho tôi nghe rằng ngay từ khi còn bé, ông đã quyết tâm tìm cách vượt lên trên những kẻ đã hạ nhục mình.

Thân phận tu sĩ chỉ dành cho ông một phương tiện duy nhất để đạt đến mục tiêu. Đó là ông phải trở thành một nhà khổ tu vĩ đại, một nhà huyền thuật lỗi lạc có tài hàng ma phục quỷ, và có đi đâu cũng có kẻ hầu người hạ, hậu ủng tiền hô. Có thế ông mới có thể nhìn được cảnh những kẻ thù run sợ như cầy sấy trước mặt mình.

Quyết tâm như vậy, Karma Dordji đến xin vị tăng trụ trì tu viện cho phép ông được nghỉ hai năm, vì ông muốn lui vào rừng sâu để tham thiền. Một tâm nguyện như thế không bao giờ bị từ chối. Dordji bèn leo lên một ngọn núi cao, tìm ra được chỗ thích hợp bên dòng suối và dựng một thảo am. Tiếp theo đó, để học tập các nhà ẩn tu khổ luyện môn viêm công, ông vất bỏ tất cả quần áo và để tóc bù xù. Viêm công hay nhiệt công là pháp môn tập luyện để khơi thông những nguồn chân hỏa trong cơ thể giúp ta chống chọi với giá lạnh mà không cần quần áo. Trong suốt một thời gian dài, rất hiếm khi có người đem lương thực đến, và họ thấy ông luôn trần truồng ngồi bất động, ngay cả trong mùa đông, tựa hồ như đắm chìm trong thiền định.

Người ta bắt đầu bàn tán về Dordji, nhưng ông vẫn chưa được nổi tiếng như mong đợi. Karma Dordji hiểu ra rằng cảnh khổ tu trần truồng của mình không thể giúp ông nổi tiếng. Ông bèn hạ sơn tìm về tu viện, và lần này xin được bỏ xứ ra đi để tìm cho được mộtgourou nơi khác. Ông lại được toại nguyện.

Cuộc viễn trình của Karma Dordji còn ly kỳ hơn cả Yéchés Gyatzo, bởi vì Yéchés Gyatzo biết rõ mình đi đâu, trong khi Dordji cứ lang thang vô định.

Đi mãi mà vẫn không tìm ra được với sư phụ như ý, Dordji liền dồn hết đức tin vào chư thiên và ma quỷ. Ông thuộc lòng chuyện đạo sư Milaréspa dùng huyền thuật phá sập nhà kẻ thù, và nhớ lại những câu chuyện tương tự về chư thiên “Đại khủng khiếp” đã từng mang những cái đầu đẫm máu bỏ vào giữa đàn tràng kyilkhor(2) do các đạo sĩ huyền thuật dựng lên.

Dordji biết chút ít về nghi thức lập đàn tràng kyilkhor. Ông bèn dựng một đàn tràng bằng đá giữa một ngọn đèo hẹp, rồi cầu nguyện các nữ ác thần hãy đưa ông đến vị sư phụ mà họ đang phụng sự. Đến đêm thứ chín thì có một tiếng sấm nổ vang, rồi một cơn lũ đột ngột dâng lên ngập cả ngọn đèo. Một vòi nước tung cao quét sạch hẽm núi, cuốn Dordji trôi đi cùng với đàn tràng kyilkhor và gói hành lý đi đường. Bị cuốn trôi giữa núi đá, Dordji may mắn đã không bị chết đuối, và cuối cùng ông trôi đến một thung lũng rộng mênh mông. Khi trời sáng, ông thấy trước mắt mình là một tịnh thất (riteu(3)) thấp thoáng sau bức tường đá, nằm cheo leo trên một mỏm núi.

Căn nhà nhỏ đó quét vôi trắng hồng và tỏa sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Kẻ thoát nạn tin rằng đã thấy một tia nắng thoát ra khỏi khối sáng đó để đến đậu trên mặt mình. Nơi kia hẳn phải chốn ẩn cư của vịsư phụ mà ông đã khổ công tìm kiếm. Chắc chắn trong việc này phải có sự can thiệp của chư thiên để giúp ông hoàn thành tâm nguyện. Trong khi ông muốn vượt lên ngọn đèo để băng qua dãy núi thì các nữ ác thần lại bắt ông trôi xuống dưới thung lũng một cách thô bạo để ông gặp được tịnh thất này.

Tin chắc như thế, Karma Dordji chẳng thèm quan tâm đến cảnh mình đang trần truồng như nhộng, vì quần áo đã bị cơn lũ cuốn nát tả tơi; rồi giống như một vị thần Hérouka(4), ông xăm xăm đi đến tịnh thất kia.

Khi Karma Dordji vừa đến cổng thì có một đệ tử của vị ẩn tu đi ra ngoài múc nước. Gã đệ tử kinh hãi suýt đánh rơi cả thùng nước, khi trông thấy một người lạ đang lù lù xuất hiện trước mặt mình. Khí hậu ở Tây Tạng khác xa khí hậu ở Ấn Độ, và nếu như ở Ấn Độ, những vị ẩn tu lõa thể hoặc bán lõa thể có rất đông và không làm ai kinh ngạc, thì điều đó lại khác hẳn ở những đỉnh núi cao ở “Xứ tuyết” lạnh giá này. Rất ít vị naldjorpa ăn mặc kiểu này, họ đều sống xa những con đường có người qua lại, mà ẩn cư trong những núi sâu, cho nên ít ai thấy được họ.

- Vị nào ẩn cư trong tịnh thất này? – Karma Dordji lên tiếng hỏi.

- Sư phụ tôi, Lạt ma Tobsgyais – chú tiểu đáp.

Karma Dordji không hỏi gì thêm nữa. Ông đã thông báo những gì? Ông đã biết trước cả rồi, các nữ ác thần đã đưa ông đến với vị sư phụ mà ông mong đợi.

- Hãy vào báo với vị Lạt ma rằng Tcheu-Kyong (hộ pháp) đã đem đến cho ngài một tên đệ tử - gã đàn ông trần truồng kia nhấn mạnh từng chữ.

Chú tiểu sau một hồi ngơ ngác liền chạy vào trong để thông báo với thầy. Và vị Lạt ma cho đưa người khách vào.

Karma Dordji quỳ phục dưới chân vị Lạt ma theo nghi thức bái sư, rồi trình bày cho ông ta biết là mình đã được chư thiên đưa đến đây “dưới chân thầy”.

Lạt ma Tobsgyais là một học giả uyên bác. Là con trai của một viên quan Trung Quốc, cưới người vợ Tây Tạng, nên ông có xu hướng thiên về thuyết bất khả tri đáng yêu, giống tổ tiên mình. Có lẽ ông lui về ẩn cư trong sa mạc là vì thích sự cô liêu quý phái và không muốn bị người khác quấy rầy việc học tập nghiên cứu, hơn là vì động cơ nào khác. Ít ra đó cũng là hình ảnh tôi cảm nhận về ông, thông qua những gì Karma Dordji mô tả. Bản thân Karma Dordji cũng được học hỏi từ các tu sĩ phụng sự Lạt ma Tobsgyais, bởi vì như ta sẽ thấy, mối quan hệ giữa Karma Dordji với vị Lạt ma rất là ngắn ngủi.

Chốn ẩn tu của Lạt ma Tobsgyais rất hợp với sự mô tả trong kinh điển: “Đừng quá gần làng mạc, đừng quá xa làng mạc”. Từ cửa sổ nhìn ra, nhà ẩn tu có thể thấy cả một thung lung hoang vắng mênh mông, và khi vượt qua ngọn núi nơi tịnh thất đang tọa lạc, ta sẽ gặp một ngôi làng trên một sườn núi đối diện, cách độ một nửa ngày đàng.

Bên trong tịnh thất bày biện rất đơn sơ, giống nhưnhiều chỗ ẩn cư khác, nhưng có một tủ sách khổng lồ. Những bức tranh lụa (thangka) xinh đẹp treo hai bên tường cho thấy chủ nhân không nghèo và có am hiểu về nghệ thuật.

Karma Dordji thì thân hình to như hộ pháp, mình trần trùi trụi, mái tóc bờm xờm kết thành bó, còn nối thêm một túm lông bờm bò yak thả dài tới gót, hình ảnh đó thật hoàn toàn tương phản với vị học giả tao nhã mà tôi vừa mô tả.

Karma Dordji liền kể câu chuyện đàn tràng kyilkhorvà “phép lạ” của cơn lũ đã đưa mình tới “dưới chân thầy” tại một nơi xa lăng lắc như thế này. Lạt ma Tobsgyais hỏi lý do vì sao kẻ cầu đạo kia lại trần truồng như vậy.

Khi nghe Karma Dordji, bằng giọng tự hào, nói về thần Hérouka và hai năm trần truồng khổ luyện môn viêm công trong rừng, vị Lạt ma chỉ nhìn ông ta một lát, rồi thản nhiên bảo với chú tiểu đứng hầu bên cạnh: 

- Hãy đưa kẻ đáng thương này vào nhà bếp, để gã sưởi ấm và cho uống trà thật nóng. Tìm một cái áo da cừu cũ nào đó đưa cho y mặc. Y đã chịu lạnh mấy năm rồi.

Nói xong, ông quay lưng bỏ đi.

Karma Dordji cảm thấy dễ chịu khi khoác tấm áo choàng bằng da, dù đã cũ mèm, và tách trà nóng đầy bơ giúp làm ông sảng khoái sau một đêm trôi trong nước lũ lạnh căm. Nhưng lạc thú vật chất này lại làm hỏng đi công phu hành xác đầy kiêu hãnh của ông. Kẻ đệ tử được chư thiên đưa đến “một cách kỳ diệu” này đã không được vị Lạt ma đón tiếp đúng cách. Sau khi ăn uống phục hồi sức lực, Karma Dordji muốn trình bày để vị Lạt ma ẩn tu biết mình là ai và mình muốn gì ở ông ta. Song Lạt ma Tobsgyais chẳng hề cho ông gặp mặt, và tựa hồ như quên bẵng mất ông đi. Tuy vậy, vị tu sĩ trụ trì vẫn dặn dò chăm sóc ông, bằng chứng là hàng ngày các chú tiểu vẫn lo cơm nước cho ông chu đáo, và chỗ nghỉ ngơi của ông vẫn là bên bếp lửa.

Từng ngày cứ trôi qua, và Dordji mất hết kiên nhẫn. Gian nhà bếp mặc dù dễ chịu thoải mái, nhưng với ông thì nó chẳng khác chi một nhà tù. Ông muốn lao động, muốn được xách nước bửa củi, nhưng các chú tiểu không cho ông làm. Vị Lạt ma đã ra lệnh ông chỉ việc ăn no ngủ ấm, ngoài ra không được làm chi cả.

Dần dần Karma Dordji cảm thấy xấu hổ vì thấy mình bị đối đãi như con chó con mèo trong nhà, người ta nuôi mà không đòi hỏi làm chi cả. Trong những ngày đầu, ông nhiều lần xin các chú tiểu cho ông được bái kiến vị Lạt ma nhưng họ đều từ chối, lấy cớ rằng họ không dám làm kinh động đến sư phụ, và nếu như Hòa thượng (Rimpotché) muốn gặp thì ngài sẽ cho người gọi đến. Bởi vậy, Karma Dordji không dám yêu cầu nữa. Niềm an ủi duy nhất của ông giờ đây là theo dõi khi vị Lạt ma ngồi một mình trước hàng lan can nhỏ ngoài hiên, hoặc chăm chú lắng nghe vị này giảng giải nghĩa kinh cho các môn đồ hay cho khách đến viếng chùa. Ngoài những giây phút học lóm hiếm hoi này, Karma Dordji thấy thời gian trôi qua thật chậm chạp và vô vị, trong khi trong lòng ông lại bừng cháy với khát vọng đã đưa ông đến nơi đây.

Gần một năm như thế trôi qua khiến Karma Dordji rất đỗi muộn phiền. Ông thà tinh tấn chịu đựng mọi thử thách khắc nghiệt nhất, còn hơn là bị vị Lạt ma quên lãng hoàn toàn. Điều đó làm cho ông vô cùng bối rối. Ông đoán rằng có lẽ Lạt ma Tobsgyais dùng huyền lực biết được xuất thân hạ tiện của ông – mặc dù ông đã thú nhận điều đó với ngài - cho nên ngài khinh bỉ ông, để cho ông ăn của bố thí trong chùa vì lòng thương hại. Tư tưởng này cứ gậm nhấm trong đầu, càng ngày càng làm cho ông thêm đau khổ.

Quyết tâm học cho bằng được phép lạ nơi vị Lạt ma mà định mệnh đã đưa ông đến, và tin tưởng rằng đây là vị sư phụ duy nhất trên thế gian, Karma Dordji không hề nghĩ đến chuyện bỏ đi tìm sư phụ khác, nhưng ý định tự tử đôi khi lại thoáng qua đầu.

Khi Karma Dordji gần như đắm chìm trong tuyệt vọng thì nhà chùa lại đón tiếp một vị khách là cháu của Lạt ma trụ trì. Vị khách này là một Lạt ma hóa thân (tulkou), tu viện trưởng một tu viện lớn, đi đâu có đoàn tùy tùng đông đảo theo hầu. Rực rỡ trong tấm áo choàng brocart vàng chói, đầu đội mũ gỗ nhọn lấp lánh như ngôi bảo tháp, vị Lạt ma hóa thân đó cùng đoàn tùy tùng dừng lại dưới chân núi của chốn ẩn cư. Những tấm lều xinh đẹp được dựng lên làm nơi tạm trú. Sau khi dùng trà trong một bình bằng bạc do Tobsgyais sai thị giả đem xuống, vị Lạt ma hóa thân đi lên tịnh thất của chú mình.

Những ngày sau đó, ngạc nhiên khi thấy một người khách lạ khoác cái áo choàng cũ mèm với mái tóc dài bết đất, cứ suốt ngày ngồi bên bếp lửa, vị Lạt ma hóa thân bèn cho gọi Karma Dordji lại hỏi nguyên cớ. Dordji nhân cơ hội này kể lể, trình bày hết nỗi niềm, và mong vị hóa thân tạo cho ông một cơ hội.

Vị Lạt ma hóa thân kia hẳn cũng có óc khôi hài như ông chú nên chẳng hề quan trọng hoá mọi chuyện. Ông chỉ ngạc nhiên nhìn gã hộ pháp trước mặt mình, và hỏi Karma Dordji muốn học hỏi gì ở Lạt ma Tobsgyais.

Cuối cùng thấy cũng có người quan tâm đến chuyện của mình, Karma Dordji lấy lại niềm tin. Ông trả lời là muốn học những phép thuật như bay lượn trên không, hô phong hoán vũ, đảo hải bài sơn, lay trời chuyển đất, nhưng ông cẩn thận giấu kín lý do vì sao mình cần phải đi học những thứ đó.

Chắc chắn vị Lạt ma hóa thân cảm thấy thú vị. Ông hứa sẽ nói lại với người chú, thế nhưng trong suốt hai tuần ở lại thăm chùa, ông ta chẳng hề ngó ngàng gì đến Karma Dordji.

Vị hóa thân từ biệt người chú và cùng đoàn tùy tùng ra đi. Từ tịnh thất nhìn xuống, người ta thấy những kẻ tùy tùng dắt một con tuấn mã, yên cương đều nạm vàng sáng lấp lánh dưới ánh nắng ban mai. Karma Dordji nhìn theo, bụng bảo dạ vị hóa thân kia chắc không nói gì với sư phụTobsgyais, khi ông ta đi rồi thì bao hy vọng cũng trôi theo dòng nước.

Ông toan quỳ xuống để chào từ biệt vị hóa thân, thì nghe vị này buông một câu gọn lỏn:

- Đi theo ta!

Karma Dordji hơi sửng sốt. Người ta chưa hề bắt ông làm bất cứ điều gì. Vậy thì vị Lạt ma này muốn gì đây? Lều trại dưới chân núi đã được xếp gọn gàng để sẵn sàng lên đường, vậy thì có việc gì để ông làm nữa? Hay là vị hóa thân này muốn tặng cho người chú một món quà mà để quên dưới chân núi nên nhờ ông xuống mang lên?

Khi đến chân núi, vị hóa thân ngoảng lại bảo:

- Ta đã trình bày với Kouchog Rimpotché (Đại Hòa thượng) về nguyện vọng muốn học huyền thuật của ông. Ngài trả lời cho ta biết trong tịnh thất này không có những sách vở loại đó để ông nghiên cứu. Loại sách vở đó bên ta có rất nhiều, nên Hòa thượng dặn ta đưa ông qua bên đó để tha hồ mà nghiên cứu, học hỏi. Ngựa của ông đó, hãy lên ngựa và đi theo đoàn tùy tùng của ta.

Dứt lời, vị Lạt ma lên ngựa đi theo đoàn tùy tùng đang đứng chờ ông.

Tất cả mội người quay mặt về hướng tịnh thất, cung kính quỳ xuống lạy từ biệt Lạt ma Tobsgyais, rồi nhảy lên yên ngựa, phi nước đại đi xa dần.

Karma Dordji đứng sững tại chỗ, một người hầu đặt dây cương vào tay ông. Ông thấy mình ngồi trên yên ngựa, rồi thúc ngựa đi theođoàn người, mà không hề quan tâm điều gì sẽ chờ đợi mình.

Chuyến đi có một sự cố nhỏ. Vị Lạt ma hóa thân chẳng hề đoái hoài gì đến Karma Dordji, dù ông ở chung lều và ăn uống chung với những tu sĩ trong đoàn(5).

Tu viện của vị hóa thân còn xa lắm mới sánh được với quy mô hoành tráng của những tu viện ở Tây Tạng. Tuy nhiên, dù bề ngoài trông khá nhỏ, song nó lại rất đầy đủ tiện nghi.

Sau khi đến tu viện được bốn ngay, một trapa đến báo cho Karma Dordji biết rằng vịtulkou đã cho mang vào mật thất (tsham skhang) tất cả sách vở cần thiết mà Lạt ma Tobsgyais yêu cầu để ông nghiên cứu. Vị trapa còn nói thêm rằng trong suốt thời gian nghiên cứu trong mật thất, tu viện sẽ gởi đồ ăn thức uống đều đặn đến cho ông.

Karma Dordji làm theo lời hướng dẫn, và sống trong một mật thất sạch sẽ gần tu viện. Cửa sổ nhìn ra tu viện với mái ngói mạ vàng chói sáng, và xa hơn nữa là thung lũng được bao quanh bằng những sườn đồi cây cối rậm rạp. Bên cạnh bàn thờ trên gác là ba mươi bộ kinh sách được bao bọc cẩn thận, và buộc chặt bằng dãi lụa.

Nhà huyền thuật tương lai cảm thấy thoải mái. Ông bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng các pho kinh sách kia.

Trước khi để Karma Dordji ở đó, vị trapa còn dặn thêm rằng với tulkou không quy định ông phải ở mãi trong mật thất. Ông có thể tự do sắp xếp thời gian biểu cho sinh hoạt của mình, có thể đi múc nước ở con suối gần đó và đi dạo thoải mái. Nói xong, vị trapa chỉ cho ông thấy những túi lương thực và đống củi trước khi bỏ đi.

Karma Dordji say sưa đọc. Ông thuộc lòng những thể thức luyện huyền thuật và siêng năng thực hành với kỳ vọng sẽ đạt được thần thông để khỏi phụ lòng vị gourou là Lạt ma Tobsgyais đang chờ ngày ông quay trở lại. Ông lập nhiều đàn tràng kyilkhor theo hướng dẫn trong sách, dùng bột mì và bơ để làm những cái bánh cúng torma đủ mọi hình dạng để luyện huyền thuật chớ không ăn, đồng thời tinh tấn tham thiền nhập định.

Suốt mười tám tháng trời, lòng nhiệt tình của ông không hề sút giảm. Ông chỉ bước chân ra ngoài mật thất để đi lấy nước, không hề trò chuyện với những trapa mang lương thực đến hai lần mỗi tháng, và cũng không hề đến bên cửa sổ để nhìn ra ngoài. Dần dần, những tư tưởng trước kia ông chưa bao giờ nghĩ đến giờ đây thấm dần vào ông trong quá trình thiền định. Đối với ông, những câu kinh văn, những vòng tròn huyền thuật giờ đây mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ, xuất hiện trong một làn ánh sáng hoàn toàn khác. Ông dừng chân bên cửa sổ mở rộng nhìn cảnh các tu sĩ đi đi lại lại ở bên ngoài. Cuối cùng, ông rời mật thất, chạy lên trên núi, nhìn thật lâu vào từng cái cây, từng viên đá cuội, nhìn mây bay lơ lửng trên trời, nhìn dòng suối tuôn róc rách, tất cả đang hòa điệu trong trò chơi của ánh sáng và bóng tối.

Ông ngồi đó hàng giờ, nhìn những ngôi làng rải rác trong thung lũng, quan sát những người nông dân đang cày bừa trên ruộng đồng, nhìnđàn gia súc đang đủng đỉnh thồ vật nặng trên lưng hoặc đang nhởn nhơ ngoài đồng cỏ.

Mỗi chiều, sau khi thắp đèn trên bàn thờ xong là Karma Dordji bắt đầu ngồi thiền. Nhưng giờ đây ông không còn tìm kiếm nữa, không còn thực hành theo các nghi quỹ trong kinh sách nữa, không còn cầu các nữthần hiện thân ra nữa. Karma Dordji ngồi thiền như thế cho đến nửa đêm hoặc đến lúc bình minh. Ông ngồi yên bất động, đánh mất toàn bộ giác quan và tư tưởng, ông thấy mình như đứng trên bờ sông nhìn cơn thủy triều đang dâng lên từ mộtđại dương lấp lánh mơ hồ, sẵn sàng nhận chìm ông dưới làn nước mênh mông trắng xóa.

Hai tháng nữa trôi qua, rồi đến một đêm hay một ngày ông không nói rõ, Karma Dordji thấy thân thể mình từ từ bay lên khỏi tấm bồ đoàn ông đang ngồi. Vẫn không thay đổi tư thế ngồi thiền với hai chân bắt chéo, Karma Dordji bay ra khỏi cửa, trôi bồng bềnh rồi bay lượn trên không. Cuối cùng, ông bay về đến quê nhà, đến trước tu viện ngày xưa. Lúc đó là buổi sáng, các trapa vừa mới tản ra khỏi hội trường sau buỗi lễ sớm. Ông nhận ra rất nhiều người trong họ: nào là những tu sĩ có chức sắc, nào là những tulkou, nào là những bạn đồng môn thuở trước. Ông thấy ai nấy cũng đều có vẻ mệt mỏi, bận bịu và muộn phiền, nên càng tò mò nhìn thật kỹ. Từ trên cao nhìn xuống trông họ thật nhỏ bé đáng thương biết ngần nào! Khi ông hiển lộ thần thông cho họthấy thì trông họ sững sờ kinh hoảng biết bao nhiêu! Và khi tất cả quỳ xuống trước mặt ông- nhà huyền thuật đã đạt được những quyền năng siêu nhiên - thì trông họ càng thảm não!

Nhưng rồi ngay cả ý tưởng chiến thắng trước đám người kia cũng khiến ông mĩm cười thương hại. Ông thấy thật nhọc lòng vô ích khi phải bận tâm đến những con người nhỏ bé đớn hèn đó. Ông không còn nghĩ đến họ nữa. Ông nghĩ đến niềm vĩnh phúc chan hòa trong ngọn thủy triều dâng cao củađại dương bao la lấp lánh và rất đỗi bình yên, không một gợn sóng lao xao. Ông không còn muốn hiển lộ thần thông ra trước đám người kia nữa. Họ có nghĩ gì về ông cũng không còn gì quan trọng, ngày xưa họ đã khinh bỉ làm nhục ông, rồi ông khao khát trả thù… tất cả điều đó giờ đây đều trở thành khôi hài và vô nghĩa. Bao nhiêu ý tưởng về vinh quang và thù hận đều tan biến.

Ông bay trên không trung để quay về. Đột nhiên cả tòa tu viện đều chấn động rồi sụp đổ tan tành. Các dãy núi chung quanh cũng lắc lư hỗn loạn, đỉnh núi này vừa sụp thì đỉnh khác lại nhô lên. Mặt trời băng qua bầu trời như một ngôi sao băng, tựa hồ như rơi xuống. Rồi một mặt trời khác xuất hiện, chọc thủng cả nền trời. Cảnh tượng huyền nảo dị thường đó cứ nối tiếp nhau đến vô biên vô tận. Dordji không còn phân biệt được gì ngoài một cơn lũ thét gầm cuồng nộ, mà những con sóng tung bọt trắng kia chính là mọi loài vô tri hay hàm thức trên thế gian này.

Ảnh tượng này không phải là điều hiếm xảy ra đối với các đạo sư huyền thuật Tây Tạng khi nhập định. Không nên lẫn lộn chúng với giấc mơ. Chủ thể quán sát ảnh tượng này không hề mơ ngủ, và thông thường thì dù hoàn tất cuộc viễn trình qua thế giới ảnh tượng đó, hành giả vẫn hoàn toàn ý thức về bản thân và không gian quanh mình. Do đó, đôi khi ở trong lúc nhập định xuất thần mà có nguy cơ bị nhiễu loạn, thì hành giả sẽ cảm thấy bất an, và muốn đừng có điều gì xảy đến, không muốn có ai nói chuyện với mình hay gọi mình, không ai gõ cửa v.v… trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Trong trường hợp đó, mặc dù không thể nói năng hay di chuyển, song hành giả vẫn có thể lắng nghe và cảm nhận được những diễn biến chung quanh. Lúc đó, mọi âm thanh hay cảnh mọi người tới lui, qua lại sẽ đem lại cho hành giả cảm giác hết sức nặng nề. Nếu ngoại cảnh kéo hành giả ra khỏi trạng thái tâm thức đó, hoặc nếu vì một lý do nào đấy mà hành giả buộc phải nỗ lực thoát ra, thì một cơn chấn động tinh thần tiếp theo sẽ gây nên xung đột đau đớn mà hậu quả nặng nề còn lưu lại rất lâu.

Chính vì thế, để tránh những cơn chấn động cùng những hậu quả đáng tiếc đối với sức khỏe, hành giả cần phải tuân thủ những quy định khi chấm dứt sau một buổi ngồi thiền, nếu thời gian ngồi thiền tương đối kéo dài. Chẳng hạn hành giả phải quay đầu chầm chậm từ phải qua trái, xoa trán một lúc, bắt chéo tay ra sau lưng, ưỡn người ra phía sau v.v… Mỗi người chọn một cách phù hợp với mình.

Đối với Thiền tông Nhật Bản, các tu sĩ tập trung tọa thiền trong một thiền phòng lớn, một vị giám sát tăng cầm thiền bảng theo dõi, hễ thấy người nào có vẻ uể oải buồn ngủ sẽ quất một cú vào vai để đánh thức. Tất cả những ai đã nếm mùi thiền bảng đều nói rằng cú đánh đó giúp phục hoạt lại thần kinh.

Karma Dordji quay về lại mật thất và nhìn và nhìn cảnh vật quanh mình. Căn phòng đó, cùng đống sách vở trên giá gỗ, bàn thờ đó cùng với bếp lò, tất cả cũng y nguyên như ngày hôm qua, như ông đã nhìn một cách quen thuộc suốt gần ba năm nay. Ông đứng lên, đến bên cửa sổ nhìn ra. Tu viện, thung lũng, những rừng cây bao phủ sườn núi vẫn hiện ra với dáng vẻ thân quen. Không có gì thay đổi, thế nhưng tất cả đều khác biệt. 

Karma Dordji bình thản nhóm lửa, và khi đống củi cháy bùng lên thì ông lấy kéo cắt đứt mái tóc naldjorpa dài phủ gót của mình, rồi ném nó vào trong đống lửa. Ông pha trà, uống trà, lặng lẽ bỏ một ít lương thực vào tay nải, khoác trên vai rồi bước ra ngoài, không quên cài then mật thất cẩn thận.

Khi tới tu viện, ông đi đến trước gian phòng của vị tulkou thì gặp một chú tiểu đứng ngoài sân. Karma Dordji nhờ chú tiểu chuyển lời từ biệt đến vị sư phụ, và ngõ lời cám ơn vị trụ trì nhân đức đã cưu mang ông trong thời gian qua. Nói xong, Dordji quay lưng bỏ đi.

Đi được một quãng thì Karma Dordji nghe có tiếng người gọi. Ông quay lại nhìn thì thấy một chú tiểu chạy đến bảo:

- Đại hòa thượng (Kouchog Rimpotché) muốn gặp sư huynh.

Dordji liền quay lại tu viện.

Vị Lạt ma trụ trì từ tốn hỏi:

Ông muốn rời tu viện, nhưng ông sẽ đi đâu?

Karma Dordji đáp:

- Quay về lại với bổn sư (gourou).

Vị Lạt ma tulkou im lặng một lúc, rồi cất giọng buồn bã:

- Tôn thúc của ta đã vượt ra ngoài cõi khổ đau (6) hơn sáu tháng nay rồi.

Karma Dordji lặng người không nói được một lời.

Vị Lạt ma nói tiếp:

- Nếu ông muốn quay về lại tịnh thất (riteu) của Rimpotché thì ta sẽ tặng ông một con ngựa làm quà. Về đó, ông sẽ gặp một Lạt ma trụ trì mới, đó là pháp tự của người.

Karma Dordji cảm tạ và không nhận gì cả. Mấy ngày sau, ông quay về lại tịnh thất màu trắng, nơi anh nắng đầu tiên đậu trên vầng trán và chỉ đường cho ông đi. Dordji đi vào căn phòng của vị Lạt ma quá cố, nơi ông chỉ đặt chân vào một lần duy nhất trong ngày đầu đến nơi đây, quỳ xuống khấu đầu trước bồ đoàn mà Lạt ma Tobsgyais vẫn ngồi thiền hàng đêm.

Sáng hôm sau, Dordji từ giã vị trụ trì mới. Vị này khoác cho ông cái áo choàng zen của vị Lạt ma quá cố.

Từ đó, Karma Dordji sống một đời vân du phiêu lãng, phần nào giống với vị Thánh tăng khổ hạnh Milaréspa mà ông vô cùng tôn kính.Khi tôi gặp ông thì ông cũng đã già, nhưng vẫn không nghĩ đến chuyện tìm một chỗ định cư. 

Hiếm có vị Tăng khổ hạnh ở Tây Tạng nào lại có cuộc đời kì dị như Karma Dordji. Lý do ông khổ công tầm sư học đạo cũng rất đỗi lạ lùng, nên tôi mới kể dài dòng ra đây. Tuy vậy, chuyện tu tập của những môn đồ các gomtchén cũng luôn mang những sắc thái lạ thường. Tôi đã nghe kể nhiều câu chuyện về chủ đề này, và kinh nghiệm của bản thân tôi với tư cách là một môn sinh nơi “Xứ tuyết” đã khiến tôi phải tin rằng một phần lớn những câu chuyện đó là hoàn toàn có thật. 

(1) Bản dịch được thực hiện theo nguyên bản tiếng Pháp Mystiques et Magicciens du Tibet, NXB.PLON, 1929, các trang 194-206. (Ghi chú của người dịch; các ghi chú trong nguyên tác sẽ ghi thêm (T.g)). 

(2) Kyilkhor là một loại đồ hình vẽ trên giấy hoặc trên vải, có khi khắc trên kim loại, trên đá hay trên gỗ. Một số kyilkhor được thiết kế cùng những lá cờ nhỏ, đèn, hương, bánh bột dùng để cúng gọi là torma, và những chai lọ đựng nhiều vật cúng khác nhau... để tạo nên một vòng tròn nhỏ. Những nhân vật được tạo hình trong đó cùng đoàn tùy tùng thường không hiện ra dưới hình dáng thật, mà chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Ví dụ chư thiên hay các vị Lạt ma được tạo hình nhưmột kim tự tháp nhỏ bằng bánh bột gọi là torma. Các kyilkhor có khi được vẽ trên nền nhà hoặc trên nền đất bằng bột màu.

(3) Bản tiếng Anh phiên âm là ritöd và dịch là “chốn ẩn cư”(hermitage). Riteu là tịnh thất nằm ẩn khuất trên những sườn núi chênh vênh, dành cho các vị ẩn tu. 

(4) Vị thần Lạt ma giáo tượng trưng cho các nhà khổ tu lõa thể. (T.g).

(5) Những người hầu của Lạt ma phải là những tu sĩ. Những người thế tục không được phép ở trong khuôn viên tu viện. (T.g).

(6) Nya-nien les des song: cách nói tôn kính về một vị Lạt ma thánh thiện đã viên tịch, có nghĩa là đã đạt đến cõi Niết Bàn. (T.g).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top