[AK] Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được gìn giữ như thế nào? - petrotimes.vn

Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được gìn giữ như thế nào?

(Kỳ I - VIII)

(Petrotimes) - Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từ trần. Việc giữ gìn thi hài của Người cho muôn đời con cháu mai sau được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt và chuẩn bị từ trước đó.Petrotimes xin giới thiệu với bạn đọc tư liệu về công tác gìn giữ và bảo quản thi hài Bác trong những năm tháng chống Mỹ qua Ký sự “Giữ yên giấc ngủ của Người” do NXB Quân đội Nhân dân xuất bản năm 1990.

I. Những ngày tháng cuối cùng của Bác

1. Hiếm thấy trong lịch sử có con người nào mà tên tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả một dân tộc, một đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể tìm thấy hình ảnh Người trong từng hơi thở của mỗi người dân và cũng có thể tìm thấy số phận mỗi người dân trong từng ý nghĩ của Người. “Bác Hồ”, đó là tên gọi trìu mến nhất, thiêng liêng nhất mà cả dân tộc đã dành để gọi vị lãnh tụ kính yêu của mình. Bác giản dị và gần gũi. Không có khoảng cách nào giữa một người dân bình thường với lãnh tụ lại được rút ngắn như vậy. Từ lâu Bác đã trở thành một lẽ sống không thể thiếu được trong đời sống chính trị và tinh thần của đất nước. Người là một cá nhân, nhưng Người cũng đã trở thành tất cả.

Đã có biết bao nhiêu người anh hùng trước giờ phút hy sinh đã hô lớn: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Bác Hồ muôn năm!”. Lời hô giản dị và tha thiết ấy trước kẻ thù trên nhiều pháp trường đã vang lên như một lời thề, thể hiện khí phách “tận trung với nước, tận hiếu với dân” của người chiến sĩ cách mạng. Đó cũng là niềm mong mỏi da diết, là lời cầu chúc của người chiến sĩ cách mạng đối với sức khỏe của Bác. Người sắp hy sinh cầu chúc cho Bác mãi mãi mạnh khỏe, sống lâu, người sống cũng luôn khao khát Bác trường sinh cùng với dân tộc, với đất nước.

Nhưng sức khỏe của Bác lại hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của toàn Đảng, toàn dân ta. Vào giữa những năm 60, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất. Nửa triệu quân Mỹ đã đổ bộ ồ ạt vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ tàn khốc nhất trong lịch sử. Tin tức về những người dân vô tội bị giết hại, những làng mạc trù phú ở miền Nam bị tàn phá đã trở thành nỗi đau nhức nhối thường xuyên của Bác. Cùng với tuổi tác, sức khỏe của Bác cứ mỗi ngày một suy giảm. Đã có một câu chuyện kể lại rằng, thấy Bác suy giảm sức khỏe vì hút thuốc lá nhiều, các bác sĩ đề nghị Bác không được hút thuốc nữa, Bác chấp hành. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, các bác sĩ lại phải để Bác hút thuốc trở lại vì bỏ thuốc, sức khỏe của Bác có phần sa sút hơn. Điếu thuốc là người bạn duy nhất của Bác trong những giờ phút riêng tư, khi tất cả mọi người sau một ngày làm việc với Bác đều trở về với cuộc sống gia đình êm ấm của mình.

Năm 1962, khi phái đoàn đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, trước khi về, thay mặt cho 14 triệu đồng bào miền Nam lúc đó, đoàn chỉ có một yêu cầu với Trung ương Đảng và nhân dân miền Bắc: “Phải cố gắng giữ gìn sức khỏe của Bác cho thật tốt, để đồng bào miền Nam có thể được gặp Người khi nước nhà hoàn toàn thống nhất”.

Tháng 5/1967, sau Lễ mừng thọ nhân ngày sinh thứ 77 của Bác, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp bất thường để bàn việc bảo vệ sức khỏe của Người và chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác lâu dài sau khi Người qua đời. Cuộc họp do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì. Hội nghị đã xác định: Vấn đề quan trọng đặt ra lúc này phải đảm bảo hai yêu cầu:

1 - Phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu không, nhân dân sẽ hoang mang, lo lắng và Bác sẽ phê bình Bộ Chính trị, không cho phép triển khai thực hiện chủ trương này.

2 – Phải chọn một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học gìn giữ thi hài. Nhân sự cụ thể giao cho Ban Tổ chức Trung ương lựa chọn.

Hội nghị cũng nhất trí giao nhiệm vụ đặc biệt này cho Quân ủy Trung ương vì quân đội sẵn có truyền thống nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Mặt khác, Bộ Chính trị cũng chỉ định đồng chí Nguyễn Lương Bằng thay mặt cho Trung ương Đảng trực tiếp theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Bác.

Vốn là một người sống giản dị, Bác luôn luôn lo lắng đến vận mệnh của dân tộc, của đất nước. Bác thường kêu gọi toàn Đảng, toàn dân ta thực hành tiết kiệm. Bởi vậy, quyết định trên của Bộ Chính trị là hoàn toàn trái với ý nguyện của Bác. Sau khi qua đời, Bác chỉ có một nguyện vọng: Hỏa táng thi hài Bác, lấy tro đựng vào 3 chiếc bình, đặt trên 3 ngọn đồi thấp ở 3 miền Bắc, Trung, Nam để đồng bào cả nước có thể đến với Bác để Bác mãi mãi được gần gũi với dân, với nước. Bác còn dặn thêm rằng, trên mỗi ngọn đồi phải được trồng thật nhiều cây có bóng mát và làm nhà để nhân dân có thể ngồi nghỉ mỗi khi lên viếng Bác.

Nhưng việc giữ gìn thi hài Bác cho đời đời con cháu mai sau được chiêm ngưỡng lại là nguyện vọng thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân ta. Đó sẽ là phần thưởng vô giá mà Đảng ta dành cho các thế hệ tương lai của đất nước.

Để công việc được triển khai sớm, Bộ Chính trị quyết định cử đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng và Chính phủ ta sang Liên Xô hội đàm đề nghị bạn giúp đỡ, từ công tác đào tạo cán bộ đến việc gìn giữ lâu dài thi hài Bác. Dĩ nhiên, chuyến đi này, đồng chí Lê Thanh Nghị cũng phải giấu không để Bác biết. Xuất phát từ lòng kính trọng và nhận rõ vị trí lớn lao của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng và Chính phủ Liên Xô khẳng định ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam không hoàn lại trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Chuyến đi là một thành công lớn. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, trong lòng mỗi người biết tường tận về sức khỏe của Bác, bắt đầu xuất hiện một khoảng trống, một khoảng trống còn mơ hồ nhưng không gì có thể bù đắp: Đó là sự thiếu vắng Bác trong tương lai mà mỗi người dân, mỗi người lính sẽ phải gánh chịu. Không ai muốn điều đó, nhưng lại không thể không nghĩ đến nó.

2. Trong cuộc đời của Bác có nhiều nỗi đau, nhưng nỗi đau lớn nhất là nỗi đau miền Nam chưa được giải phóng, nước nhà chưa hoàn toàn được thống nhất. Năm 1966, khi tiếp một nhà báo Cuba, Bác đã đặt một bàn tay lên ngực mình nói rằng: “Nhân dân miền Nam, mỗi nhà, mỗi người đều có một nỗi đau, đem cộng tất cả những nỗi đau đó lại thì đấy là nỗi đau của tôi”. Cũng trong năm ấy, Người đã tuyên bố một chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chân lý đó, cho đến bây giờ vẫn vang lên trên khắp hành tinh, trở thành lẽ sống của nhiều dân tộc còn chưa giành được độc lập, tự do thực sự.

Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim Bác và Bác cũng luôn có trong trái tim của mỗi người dân miền Nam. Còn nhớ năm 1946, trước quốc dân, đồng bào, trước nguy cơ miền Nam bị đe dọa, nước nhà bị chia cắt, Bác đã khẳng định: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Chuyên gia Nga và Việt Nam pha chế dung dịch đặc biệt để ướp thi hài Bác tại Việt Nam (ảnh tư liệu)

Trong những tháng năm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có ngày nào Bác không gọi điện hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tình hình chiến sự ở miền Nam? Được vào miền Nam là nguyện vọng da diết trong những năm cuối đời của Bác. Nhiều lần, Bác đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam theo đường mòn Trường Sơn, hoặc đường hàng không Hà Nội – Phnôm Pênh, nhưng nhận thấy sức khỏe của Bác không bảo đảm cho chuyến đi, nên Bộ Chính trị đã tìm mọi cách trì hoãn chuyến đi ấy vì trước đây, sau chuyến đi thăm đồng bào Thái Bình trở về, Bác đã bị bệnh co thắt động mạch não.

Vào mùa xuân năm 1968, theo lời mời của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, Bác sang Bắc Kinh nghỉ ngơi và chữa bệnh. Đồng chí Lê Đức Thọ trước khi vào miền Nam công tác đã sang Bắc Kinh chào Bác. Khi nghe đồng chí Lê Đức Thọ báo cáo về chuyến đi sắp tới, Bác lại tha thiết đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác đi miền Nam. Bác bảo: “Chú vào trong đó bàn với chú Hùng (Phạm Hùng) bố trí để Bác vào thăm đồng bào miền Nam”. Đồng chí Lê Đức Thọ khéo léo từ chối, nói rằng: “Bác chỉ có thể đi đường hàng không qua Phnôm Pênh. Muốn vậy phải làm hộ chiếu và người ta dễ dàng nhận ra Bác vì Bác có râu”. Bác bảo: “Thì Bác cạo râu đi”. “Nhưng cạo râu thì đồng bào miền Nam không còn nhận ra Bác nữa” – đồng chí Lê Đức Thọ trả lời. Bác ngồi yên và rất buồn. Lát sau Bác lại bảo cho Bác đi theo đường biển. Hồi đó, tàu chở vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam vẫn cập cảng Xi-ha-núc-vin. Bác sẽ cải trang làm một thủy thủ hoặc được giấu dưới hầm tàu…

Phương án đã được Bác vạch ra tỉ mỉ, chi tiết, khó có thể từ chối được. Nhưng cũng như lần trước, đồng chí Lê Đức Thọ lại khéo léo trì hoãn và hứa: “Tình hình còn rất nhiều khó khăn, Bộ Chính trị sẽ cố gắng thu xếp để đồng bào miền Nam có thể sớm được gặp Bác”. Lúc chia tay, Bác đã ôm lấy đồng chí Lê Đức Thọ khóc. Trong lòng người học trò, người đồng chí của Bác hôm ấy và suốt cả chuyến đi, lúc nào cũng canh cánh một nỗi lo, sợ rằng khi hoàn thành nhiệm vụ trở về có thể sẽ không còn được gặp Bác nữa.

Mồng một Tết Nguyên đán năm 1969, Bác đến thăm Quân chủng Phòng không – Không quân, sau đó đi theo Quốc lộ 11 lên chúc tết đồng bào huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Đây là chuyến đi xa cuối cùng của Bác. Buổi trưa, ngồi nghỉ ăn cơm dưới một gốc đa ven đồi, nhìn những bóng người đang cắm cúi làm cỏ dưới cánh đồng ven đường, Bác cười quay sang đồng chí Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ nói vui: “Nhân dân mình chăm chỉ thật, mồng một tết vẫn đi làm”. Và Bác đột ngột hỏi: “Này, có phải quân của chú không?”. Đồng chí Kháng bối rối “dạ” khẽ. Những năm ấy, đất nước còn chiến tranh nên việc bảo vệ an toàn cho chuyến đi của Bác luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Cục Cảnh vệ.

Sau chuyến đi đó trở về, sức khỏe của Bác vẫn bình thường, nhưng kiểm tra kỹ điện tim, các bác sĩ thấy sóng tim đều đảo ngược. Hội đồng bác sĩ chẩn đoán Bác đang bị nhồi máu cơ tim bước đầu. Trước những dấu hiệu không lành ấy, Bộ Chính trị quyết định mời các giáo sư và bác sĩ Trung Quốc sang điều trị cho Bác.

Tháng 5/1969, Bác sửa chữa lần cuối bản Di chúc nổi tiếng. Bản Di chúc này, Bác bắt đầu viết từ mùa hè năm 1965 mà Bác thường gọi là “Tài liệu tuyệt đối bí mật”. Nó “tuyệt đối bí mật” không phải ở nội dung mà ở chỗ, Bác không muốn cho mọi người biết Bác đang làm cái công việc cuối cùng của một đời người. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác kể lại rằng, Bác thường viết vào những giờ nhất định trong ngày. Có lần, đồng chí Trường Chinh gọi điện xin phép làm việc với Bác đúng vào giờ Bác đang viết bản “Tài liệu tuyệt đối bí mật”. Biết Bác không thể tiếp khách vào giờ đó, để đến chiều thì Bác bận. Đồng chí Vũ Kỳ đã khéo léo bố trí để đồng chí Trường Chinh đến ăn cơm trưa với Bác, vừa ăn vừa làm việc.

Bấy giờ Bác đang đọc lại và sửa chữa lần cuối cùng bản Di chúc ấy. Đó là những ngày nắng nóng ở Hà Nội. Khu vườn Chủ tịch phủ đầy bóng cây, nhưng không khí rất oi nồng, ngột ngạt. Bác vẫn duy trì nếp sinh hoạt như mọi ngày. Buổi sáng dậy tập thể dục, tưới cây, ăn sáng và dành phần cho cá ăn. Những bước chân của Bác lên xuống cầu thang đã chậm chạp và khó khăn dần. Tuy vậy, Bác vẫn cố gắng để những người phục vụ, những đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác không nhận thấy điều đó.

Một lần, theo Bác đi dạo trong vườn, thấy trời nắng nóng, đồng chí Mẫn, bác sĩ trong tổ y tế đặc biệt được cử đến chăm sóc sức khỏe Bác cầm theo một chiếc quạt lông chim quạt cho Bác. Bác tỏ vẻ không hài lòng: “Các chú làm cứ như đi hầu vua!”. Biết Bác không thích người khác quạt cho mình và hơn nữa là cái quạt làm bằng lông chim quý, đồng chí Mẫn đã chặt một tàu lá cọ trong vườn, cắt ra làm quạt đưa cho Bác. Bác rất thích chiếc quạt này. Vừa có thể che nắng, vừa có thể quạt mát. Từ đó, quạt lá cọ trở thành loại quạt rất phổ biến trong Phủ Chủ tịch. Để khỏi nhầm lẫn với những chiếc quạt khác, Bác cẩn thận lấy thuốc lá châm chữ B vào quạt của mình.

Cũng trong tháng 5 rất đáng ghi nhớ này, các cán bộ cao cấp toàn quân đã đến thăm và mừng thọ nhân dịp Bác 79 tuổi. Đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng dự trong buổi gặp mặt đầy lưu luyến và xúc động ấy. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và toàn quân lên chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu, hứa với Bác quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ để đón Bác vào thăm miền Nam. Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt anh em ôm một bó hoa lớn lên mừng thọ Bác. Bác ngồi trên chiếc ghế tựa, cảm động nhận hoa và cảm ơn các chú ở quân đội luôn quan tâm tới sức khỏe của Bác. Bác bảo các chú đánh thắng giặc là Bác vui, Bác khỏe ra nhiều… Giọng Bác ấm áp, quen thuộc nhưng nhỏ và thỉnh thoảng Bác đã phải dừng lại nghỉ.

Buổi gặp mặt hôm ấy, các tướng lĩnh ai cũng thầm nghĩ, có lẽ đây là lần cuối cùng họ được gần Bác, được nghe tiếng nói âm vang đầy trìu mến của Người.

Buổi chiều ngày 12/8, trời mưa dông. Gió giật từng cơn ào ào trên những lùm cây trong vườn. Bác chợt nảy ra ý định lên nhà nghỉ Hồ Tây thăm phái đoàn ta mới ở Hội nghị Paris về đang nghỉ tại đó. Hôm đó xe đưa Bác đến tận nơi để Bác thăm các đồng chí trong phái đoàn.

Ngày hôm sau, Bác húng hắng ho, Bác bị nhiễm lạnh, phế quản bị viêm và khi kiểm tra thấy bạch cầu tăng so với ngày hôm trước. Các giáo sư và bác sĩ hội chẩn, quyết định để Bác uống kháng sinh nhưng không đỡ. Ngày 23 phải dùng pê-ni-xi-lin tiêm cho Bác. Khoảng 9 giờ tối hôm ấy, Bác thấy đau trong lồng ngực. Các bác sĩ vội đình chỉ tiêm và làm điện tim ngay, thấy rõ rệt có phản ứng nhồi máu cơ tim thành sau tim. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ lại quyết định tiêm cho Bác.

Đến ngày 28/8, tim Bác bắt đầu có dấu hiệu loạn nhịp và rối loạn phần truyền nhĩ thất. Trong những ngày đêm căng thẳng ấy, ngày nào các đồng chí trong Bộ Chính trị cũng đến thăm Bác và báo cáo với Bác tình hình chiến trường ở hai miền. Mỗi tin chiến thắng đều làm gương mặt Bác rạng rỡ hẳn lên. Lần nào Bác cũng nói: “Hôm nay Bác khỏe hơn hôm qua”. Nhưng thực tế thì ngược lại.

Chiều ngày 30/8, đồng chí Phạm Văn Đồng sang, Bác còn hỏi: “Các chú chuẩn bị Lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi?”. Nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo, Bác dặn: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”. Nhưng Bác đang bệnh, làm sao có thể bắn pháo hoa được.

Ngày 31, Bác thèm ăn một bát cháo. Các đồng chí phục vụ vội nấu cho Bác một tô cháo thật ngon. Thấy Bác ăn hết, ai cũng mừng. Nhưng tối hôm đó, Lễ kỷ niệm Quốc khánh ở Hội trường Ba Đình diễn ra trong không khí đầy lo âu trên nét mặt các đồng chí trong Bộ Chính trị.

Nghe tin bộ đội tên lửa Hà Nội bắn rơi 1 máy bay không người lái của Mỹ ngày 30/8, nên hôm đó (ngày 31/8), Bác bảo Văn phòng gửi tặng lẵng hoa cho đơn vị vừa lập công. Đó là lẵng hoa cuối cùng của Bác mà các chiến sĩ tên lửa Sư đoàn 361 được đón nhận.

9 giờ 47 phút ngày mồng 2/9, trái tim Bác ngừng đập. Cho đến những giây phút cuối cùng ấy, đồng bào miền Nam và Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng vẫn mãi mãi còn lại trong trái tim vĩ đại của Người.

(Petrotimes) -  Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, sự ra đi đột ngột của Bác là một nỗi đau, một tổn thất vô cùng to lớn không gì bù đắp nổi.

Quân ủy Trung ương theo dõi và chỉ đạo nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác ở 75A

Mồng 2/9, ngày Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng khai sinh ra Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Đông Nam Á 24 năm trước, cũng là ngày Người vĩnh biệt chúng ta! Đây là một sự trùng hợp thật lạ lùng, không sao giải thích được. Để nhân dân có thể kỷ niệm lễ Quốc khánh thật yên tĩnh, Bộ Chính trị quyết định công bố ngày mất của Bác lùi lại một ngày: ngày mồng 3/9.

Có lẽ trong thời đại chúng ta, sau cái mất của Lê-nin chưa có sự ra đi nào lại gây chấn động lớn đối với loài người tiến bộ như sự ra đi của Bác. Khi Đài Phát thanh vừa đưa tin, đất trời như ngừng lại trong một nỗi đau khôn xiết và cái cảm giác trống vắng như bao phủ lên toàn bộ đất nước.

Năm ấy, trong những ngày để tang Bác, trời đổ mưa tầm tã. Vòm trời Ba Đình như trĩu nặng một nỗi buồn. Thiên nhiên như cũng đau nỗi đau của con người. Trên các đường phố ở thủ đô, trên các làng mạc, những dòng sông và những cánh rừng, người dân để tang Bác thật giản dị và trang nghiêm. Những giọt nước mắt hòa lẫn nước mưa chảy mãi như không bao giờ hết trong niềm tiếc thương vô hạn của mỗi con người.

Nhưng có lẽ nỗi đau đến với mỗi người dân, mỗi người lính trên chiến trường miền Nam da diết hơn, day dứt hơn, bởi ai cũng cảm thấy ân hận chưa làm xong sứ mệnh được Đảng giao phó. Đấy là sứ mệnh giải phóng miền Nam, đón Bác vào thăm dải đất luôn luôn nhức nhối trong trái tim của Người.

Năm ấy, ở đồng bằng sông Cửu Long, những người dân Nam Bộ đã dựng đền thờ Bác bên bờ những con kênh, những rừng đước, rừng tràm bạt ngàn, để mỗi người dân khi chống xuồng qua đều có thể bước lên viếng Bác. Những ngôi đền mộc mạc và đơn sơ ấy vẫn còn mãi cho đến bây giờ. Ở chiến trường miền Trung, nhiều chiến sĩ đi hai, ba ngày trời lên núi cao tìm củ trầm về làm nhang thắp trên bàn thờ Bác… Nỗi đau vò xé được nén chặt trong tâm khảm họ.

Cũng ngay sau khi nghe tin Bác mất, hàng trăm đoàn đại biểu của các Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế đã xin được đến Việt Nam viếng Bác. Hàng vạn bức điện đã được gửi tới Trung ương Đảng, Chính phủ ta chia buồn với những lời lẽ đầy thương tiếc và kính trọng.

Cùng với dân tộc Việt Nam, Bác đã trở thành lẽ sống, thành lương tâm của thời đại.

Bác đã ra đi và một cuộc đời mới của Bác lại được bắt đầu, được tái sinh trong lòng mỗi người dân, mỗi người lính. Việc xây dựng Lăng và giữ gìn thi hài Bác trở nên hết sức bức thiết trong thời gian đó. Nhưng để được ngày đón Bác vào Lăng trên Quảng trường Ba Đình, những người dân và những người chiến sĩ đã phải trải qua biết bao thử thách gian khổ với một sức lực và trí tuệ phi thường. Đoàn 969 là đơn vị được vinh dự thay mặt cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân gìn giữ thi hài Bác và bảo vệ Lăng – nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người.

Vận hành hệ thống chiếu sáng linh cửu Bác

II. Đơn vị đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt

1. Ngày 2/9/1967, chiếc xe Skô-đa của Tổng cục Đường sắt chở một tổ cán bộ y tế lặng lẽ rời Hà Nội. Lúc ấy vào khoảng 6 giờ chiều, thành phố đã lên đèn, nhưng những dòng người, đầu đội mũ rơm, vai mang súng vẫn qua lại náo nhiệt trên đường phố. Xen lẫn trong dòng người là những đoàn xe kéo pháo, xe chở hàng phủ bạt kín mít, đầy bụi đường, ùn tắc lại ở lối rẽ xuống cầu phao, bắc ngang sông Hồng để lên phía Bắc.

Đó là giai đoạn quyết liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Bị thất bại nhục nhã sau hai mùa khô phản công chiến lược, Giôn-xơn điên cuồng tung thêm những đơn vị tinh nhuệ nhất vào chiến trường miền Nam và tăng cường đánh phá miền Bắc. Những phi đội AD.6, F.105, F.4 từ Cò-rạt, U-đôn, Hạm đội 7… không ngày nào không quần lượn, gây tang tóc cho các làng mạc, thành phố trên miền Bắc. Còi báo động của thủ đô chốc chốc lại rú lên cùng với giọng người phát thanh viên báo tin máy bay địch đang vào Hà Nội. Tiếp đấy hoặc là tiếng súng cao xạ nổ ran ở ngoại ô, hoặc là một khoảnh khắc im lặng, căng thẳng cho đến khi giọng người phát thanh viên trầm tĩnh vang lên báo tin máy bay Mỹ đã đi xa…

Trong những ngày ấy, ngoài Bộ Chính trị và tổ y tế, không mấy ai biết được sức khỏe của Bác đang mỗi ngày một suy giảm. Ngay từ giữa năm 1966, sau chuyến đi thăm đồng bào tỉnh Thái Bình trở về, Bác đã bị liệt nhẹ nửa người bên trái, đi lại đã phải chống gậy. Được sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ, kết hợp với sự rèn luyện phi thường của Bác, sức khỏe Bác dần dần hồi phục nhưng đó cũng là dấu hiệu đầu tiên, báo hiệu sự thiếu ổn định trong cơ thể của Người.

Một buổi sáng, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm khoa Giải phẫu, Bệnh viện 108, Trưởng phòng Pháp y, Cục Quân y; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, Chủ nhiệm khoa Ngoại, Bệnh viện Việt  – Xô được đồng chí Lê Đức Thọ triệu tập lên Văn phòng Trung ương giao nhiệm vụ sang Liên Xô học tập. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền được cử làm tổ trưởng. Trong buổi giao nhiệm vụ, đồng chí Lê Đức Thọ căn dặn: Đây là một công việc tối mật, tất cả mọi việc chúng ta đều làm theo lời Bác, không giấu Bác điều gì, nhưng riêng việc này tuyệt đối không được để Bác biết. Nếu biết, Bác sẽ buồn và sẽ không cho phép thực hiện kế hoạch. Đồng chí Lê Đức Thọ còn dặn thêm: Ngay đối với vợ con cũng không được tiết lộ một chi tiết nào về nhiệm vụ của chuyến đi này.

Xe chạy sang bờ bắc sông Hồng thì trời ập tối. Tuy vậy, dấu vết tàn phá của những cuộc ném bom trong ngày vẫn còn hiện rõ ở hai bên đường. Khắp nơi, những người dân, những người lính đang sôi động chuẩn bị cho trận đánh ngày hôm sau. Hầu hết những đoàn xe, đoàn tàu hối hả đổ về phía nam. Riêng chiếc Skô-đa chở tổ y tế thì cứ ngược mãi lên phía bắc, hồi đó được coi là hậu phương lớn của cả nước.

Đến ga Đồng Đăng, 3 người lên tàu liên vận sang Bắc Kinh đi Mát-xcơ-va. Ngày 14/9/1967, đoàn đến Mát-xcơ-va. Đón đoàn tại nhà ga thủ đô Mát-xcơ-va có đồng chí La-du-nốp, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Đoàn được bố trí ăn, nghỉ tại khách sạn Tháng Mười.

Vừa mới đặt chân đến khách sạn, bạn đã mời đoàn làm việc ngay và ngày hôm sau, đoàn được đưa tới Viện Nghiên cứu Lăng Lê-nin để trao đổi về chương trình và kế hoạch học tập. Tại cuộc họp mặt này, đồng chí Viện trưởng Đê-bốp cho biết, chương trình học tập của đoàn gồm 2 phần: lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết chủ yếu là đọc tài liệu ở Viện. Phần thực hành do Giáo sư Xa-rô-va-tốp, người đã tham gia ướp giữ thi hài Đi-mi-tơ-rốp trực tiếp hướng dẫn.

Ngày thứ hai, đồng chí Viện phó Rô-ma-cốp dẫn đoàn vào Lăng viếng Lê-nin và tiếp sau đó là những ngày học tập căng thẳng. Bạn đã dành hẳn cho đoàn phòng làm việc của đồng chí viện phó làm nơi nghiên cứu, đọc tài liệu, chủ yếu là các tài liệu về bảo quản thi thể từ cổ chí kim trên thế giới mà tiêu biểu là cổ Ai Cập, Liên Xô và Mỹ.

Hết phần lý thuyết, đoàn được chuyển sang bộ phận dành riêng cho việc bảo quản thi thể do Giáo sư Xa-rô-va-tốp phụ trách. Đối tượng nghiên cứu thực hành là thi thể của người già trên 60 tuổi, vì thế việc tìm kiếm thi thể ở lứa tuổi này rất khó khăn. Nhiều ngày trời lạnh, mưa tuyết phủ trắng trên các đường phố, đồng chí Xa-rô-va-tốp vẫn tìm đến các bệnh viện cách xa thủ đô hai, ba trăm cây số để tìm kiếm tử thi cho đoàn thực tập.

Biết rằng thời gian dành cho việc học tập không được nhiều, cả 3 người đã dồn hết tâm lực vào những đường dao, mũi chỉ tranh thủ học hỏi, cố gắng tiếp thu những kiến thức trong một lĩnh vực khoa học mới mẻ và phức tạp. Nhiều hôm, 3 người đã phải làm việc suốt ngày trong phòng kín, không khí hết sức ngột ngạt, khó thở, bởi các mùi hóa chất xông lên nồng nặc.

Ban ngày làm việc, học tập, đêm về khách sạn, đoàn lại tập trung trao đổi, rút kinh nghiệm, đọc thêm tài liệu. Ngày nào cũng dành thời gian nghe đài, theo dõi tin tức của Tổ quốc. Một ngày trôi qua yên tĩnh là một ngày nhẹ nhõm nhưng không khỏi thắc thỏm những lo âu cho ngày mới đến. Không ai bảo ai, nhưng cả 3 đều lo có chuyện không hay xảy ra với Bác trong khi họ đang còn ở Liên Xô. Cho đến ngày cuối cùng, lúc đã ngồi trên con tàu liên vận trở về tổ quốc, 3 người mới thở phào, yên dạ khi buổi sáng và buổi chiều, Đài Phát thanh Hà Nội vẫn chỉ báo tin chiến thắng. Nghe giọng người phát thanh viên, cả 3 đều hiểu: Họ đã không về muộn và Bác của chúng ta vẫn mạnh khỏe.

Về hôm trước, hôm sau đoàn đến báo cáo tình hình kết quả học tập với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, bấy giờ là Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe của Bác. Sau 7 tháng trời học tập, thực nghiệm trên đất bạn, tổ y tế đã có thể hoàn toàn đảm đương được công việc ướp giữ thi hài trong giai đoạn đầu từ 15 đến 20 ngày. Giai đoạn tiếp theo, bạn sẽ trực tiếp sang giúp đỡ. Vì thế, tổ y tế không nghiên cứu học tập quy trình bảo quản lâu dài. Tổ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong học tập và thực nghiệm. Tổ hứa với đồng chí Nguyễn Lương Bằng sẽ cố gắng tiếp tục nghiên cứu, kết hợp giữa phương pháp hiện đại của bạn với phương pháp cổ truyền của dân tộc.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tình hình sức khỏe của Bác, tổ được chia làm hai bộ phận: Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn được vinh dự vào Phủ Chủ tịch cùng với bác sĩ Nhữ Thế Bảo theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Bác. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều được lệnh thành lập một tổ y tế đặc biệt nằm trong khoa Giải phẫu bệnh lý, Bệnh viện 108 do Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo.

Buổi chiều ngày 19/8/1968, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn vào Phủ Chủ tịch gặp Bác. Lúc đó Bác đang đi bộ từ nhà sàn sang nhà ăn. Nghe đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác giới thiệu, tuy Bác không hài lòng nhưng Bác vẫn ôn tồn bảo: “Bác có một mình mà những hai bác sĩ. Trong khi đó, nhân dân, bộ đội, trẻ em còn rất thiếu thầy thuốc”. Ngừng một lát, Bác nói tiếp: “Nhưng Bộ Chính trị đã quyết thì Bác nhận, Bác cũng nói trước cho chú biết, người già trong lúc lâm bệnh thường khó tính, các chú phải hết sức thông cảm cho Bác”.

Từ hôm đó, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn và bác sĩ Nhữ Thế Bảo thường xuyên có mặt bên cạnh Bác. Cuối năm 1968, Bác vẫn duy trì rất đều đặn nếp sinh hoạt và rèn luyện hàng ngày. Sáng Bác dậy xuống nhà hầm đánh răng, rửa mặt. Sau đó đi bộ sang nhà ăn sáng. Rồi tiếp khách và trở về nhà sàn làm việc. 11h30 lại sang nhà ăn, ăn trưa. Buổi chiều, Bác thường tập thể dục, ném bóng, đi bách bộ theo đường mòn sang tận chùa Hội Đồng. Bác hết sức chú ý tới những hàng cây mọc hai bên đường, luôn luôn đặt câu hỏi về cây này, cây kia… Nhiều hôm trời nóng, Bác vẫn không từ bỏ những cuộc đi bộ và thường thở dài bảo bác sĩ Mẫn: “Mình đi chơi không mà còn toát mồ hôi, huống hồ là công nhân hầm lò, các pháo thủ trực chiến… Cần phải lo nước giải khát cho họ…”.

Luôn luôn quên mình, nghĩ đến dân, đến bộ đội là phẩm chất của Bác. Năm ấy, Bác đã 78 tuổi. Không ai nghĩ rằng, chưa đầy một năm sau, Bác đã vĩnh biệt chúng ta, vĩnh biệt khu vườn đầy hoa trái mà Người đã gieo trồng từ những năm đầu về Hà Nội.

2. Tổ y tế đặc biệt được chính thức thành lập vào tháng 6/1968, do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền làm tổ trưởng.

Các tổ viên gồm có: Đại úy, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn; Thượng úy, bác sĩ Lê Điều; Thiếu úy, bác sĩ Nguyễn Văn Châu; y sĩ Đỗ Trung Hát và hộ lý trưởng Phạm Ngọc Am. Để tổ y tế có thể bắt tay ngay vào thực hành thí nghiệm gìn giữ thi hài ở điều kiện khí hậu nhiệt đới, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Công binh lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ tốt về Viện Quân y 108 xây dựng phòng thí nghiệm đặc biệt và đó cũng sẽ là nơi yên nghỉ đầu tiên của Bác trước khi hoàn thành công trình Lăng mà giờ đây mới chỉ là đồ án thiết kế.

Nhận nhiệm vụ, từ địa điểm sơ tán một số cán bộ kỹ thuật phòng Công trình, Bộ Tư lệnh Công binh gồm các đồng chí Nguyễn Trọng Quyền, Bùi Danh Chiêu, Lam Sinh và Trần Thanh Vân, do đồng chí Nguyễn Trọng Quyền phụ trách hành quân gấp về Hà Nội, vừa ổn định chỗ ăn, ở, vừa khảo sát hiện trường, vừa lập phương án thiết kế sơ bộ, cũng không kịp tìm hiểu công trình phục vụ ai, nhằm mục đích gì, chỉ được biết: đây là một công trình đặc biệt, phục vụ một nhiệm vụ đặc biệt, đòi hỏi kỹ thuật cao so với khả năng, phương tiện hiện có của đơn vị.

Phải thiết kế và thi công một công trình phức tạp, bảo đảm nhiệt độ thường xuyên 16 độ C, chỉ được phép dao động trên dưới ± 0,2 độ C. Độ ẩm phải ổn định 75% trong điều kiện không có gió lùa và phải vô trùng tuyệt đối. Đây là một khó khăn lớn. Mặt khác, qua mấy năm chiến tranh phá hoại, một số cơ sở điện, nước bị địch đánh phá hư hại nặng, không thể đảm bảo điện nước 24/24 giờ cho công trình. Các cơ quan Trung ương lại ở nơi sơ tán, việc trao đổi kinh nghiệm, học hỏi thêm kỹ thuật, tìm kiếm phương tiện, vật tư bị hạn chế lớn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng nhóm cán bộ kỹ thuật vẫn quyết tâm chuẩn bị thi công.

Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Công binh, cả hai lực lượng thiết kế và thi công phải song song triển khai cùng một lúc mới bảo đảm tiến độ. Quá trình thi công cũng là quá trình vừa bổ sung hoàn chỉnh thiết kế. Chỉ ít ngày sau, lực lượng thi công chủ yếu của Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 259 công binh, do đồng chí Trần Sĩ Yêm chỉ huy đã được điều động tới. Thời gian này, phần lớn các khoa của Bệnh viện 108 đã đi sơ tán. Không khí trong viện vắng lặng, kín đáo, rất thuận lợi cho việc thi công cả ban ngày lẫn ban đêm. Do vị trí thi công chật hẹp, Tiểu đoàn 2 phải tổ chức làm ca, kíp, kết hợp với việc tập kết vật tư, nguyên liệu đúng lúc, đồng bộ. Vốn là những chiến sĩ ngày đêm đối mặt với bom đạn Mỹ trên các mặt đường, trên các cây cầu, bến phà, các chiến sĩ công binh đã tỏ ra dày dạn, có nhiều kinh nghiệm và hết sức năng động trong nhiệm vụ mới này.

Sau một thời gian lao động quên mình, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và yêu cầu kỹ thuật. Nhưng đến khi lắp đặt các thiết bị, máy móc, vận hành thử nghiệm lại nảy ra những khó khăn mới tưởng chừng không sao khắc phục, như khi lắp máy điều hòa nhiệt độ, lúc cần hạ thấp nhiệt độ theo yêu cầu thì máy không đáp ứng được. Thế là lại phải mày mò, cải tạo làm cho máy điều hòa nhiệt độ thỏa mãn tất cả mọi yêu cầu kỹ thuật trong từng giai đoạn gìn giữ thi hài Bác.

Xử lý, khắc phục xong máy điều hòa nhiệt độ thì ở buồng trung tâm, nơi sẽ đặt thi hài lại xuất hiện một trục trặc khác. Nguyên do là sau khi máy điều hòa ngừng làm việc, mọi người nhận ra có hiện tượng đọng sương trên trần nhà. Hiện tượng này dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, trong khi đó, buồng đòi hỏi phải vô trùng tuyệt đối. Làm thế nào để khắc phục hiện tượng này? Nhiều lần các chiến sĩ công binh đã dùng sơn chóng khô và dùng giẻ thấm nước, nhưng hiện tượng đọng sương vẫn xảy ra. Cuối cùng họ đã tìm được một biện pháp: dùng gỗ dán lát toàn bộ trần nhà kết hợp với thông hơi. Hiện tượng đọng sương biến mất. Công trình này đã được hoàn tất vào những ngày cuối năm 1968 và mang mật danh: Công trình 75A.

Khi đoàn chuyên gia Liên Xô sang kiểm tra, bạn đã ngạc nhiên đánh giá cơ sở làm việc được chuẩn bị hết sức tốt và bắt đầu từ đó, công trình được bàn giao cho tổ y tế đặc biệt sử dụng. Tiểu đoàn 2 công binh chỉ để lại một bộ phận nhỏ tiếp tục củng cố, bổ sung và quản lý vận hành, còn phần lớn đơn vị chuyển sang một nhiệm vụ mới: cải tạo, xây dựng công trình 75B, một công trình có cấu trúc và thiết bị tương tự như 75A. Đây là nơi đặt thi hài Bác trong những ngày tang lễ.

(Petrotimes) - Bước vào cải tạo, xây dựng công trình 75B, Tiểu đoàn 2 công binh có nhiều thuận lợi. Vì sau ngày địch ngừng ném bom, các cơ quan của Bộ Quốc phòng và cơ quan Dân, Chính, Đảng đã lần lượt trở về Hà Nội. Những vướng mắc về kỹ thuật, những khó khăn về vật tư, trang thiết bị được các cơ quan của Đảng, Nhà nước có liên quan quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện.

Một tổ bác sĩ chăm sóc thi hài Bác

Nhưng cũng như ở công trình 75A, vị trí thi công ở 75B rất chật hẹp, khó tập kết nguyên vật liệu, khó thi công ồ ạt trong cùng một thời gian và lại ở quá gần đường nên chỉ có thể tiến hành vào ban đêm để giữ bí mật. Gần sáng mọi công việc phải được thu dọn gọn ghẽ để ban ngày Hội trường có thể dùng làm việc bình thường, phục vụ cho các hoạt động khác.

Trong những ngày đầy lo âu ấy, những dòng người cuồn cuộn đổ qua Quảng trường Ba Đình, không ai nghĩ rằng, bên trong cái vẻ yên tĩnh, trang nghiêm của Hội trường Ba Đình, nơi đã diễn ra những sự kiện lịch sử của đất nước, các chiến sĩ công binh đang âm thầm chuẩn bị cho cái ngày đau xót nhất của dân tộc. Họ đã làm việc hết sức mình, bởi họ nhận thức sâu sắc rằng, giai đoạn đầu  – giai đoạn ở Hội trường rất quan trọng. Nó sẽ là giai đoạn quyết định cho cả quá trình gìn giữ thi hài Bác về sau.

Để có những giải pháp tối ưu, hàng loạt các thí nghiệm trong công tác bảo đảm kỹ thuật đã được tiến hành. Cũng giống như ở buồng trung tâm của công trình 75A, trên bề mặt hòm tôn được gò để chạy thử máy, không chỉ có hiện tượng đọng sương mà hơi nước còn bốc lên, ngưng tụ, chảy thành dòng. Trước khó khăn này, các cán bộ kỹ thuật lại lao vào vật lộn với các đề án khắc phục. Cuối cùng, sau nhiều đêm mất ngủ, họ đã tìm ra biện pháp chạy máy điều hòa kết hợp với thông hơi dùng tốc độ gió, chấm dứt được tình trạng đọng sương, ngưng tụ nước. Chính kết quả này đã làm cơ sở cho lãnh đạo quyết định duy trì phương án cải tạo xây dựng công trình 75B và tiếp tục cho đặt các máy móc, thiết bị kỹ thuật như ở công trình 75A.

Cũng cần nói thêm rằng, năm 1967, Trung ương còn cử đồng chí Phùng Thế Tài sang Liên Xô, Bun-ga-ri tìm hiểu về nghi thức Lễ Quốc tang. Đồng chí Phùng Thế Tài tìm hiểu tỉ mỉ cả việc tại sao khi mai táng lại dùng xe kéo pháo chở linh cữu mà không dùng các loại xe khác. Ở Liên Xô, bạn giải thích rằng, trước đây trong chiến tranh, Đại tướng Cu-tu-dốp chết, không có xe khác nên phải dùng xe kéo pháo chở linh cữu. Còn ở Bun-ga-ri, bạn trả lời việc này tùy theo phong tục, tập quán của mỗi nước và không có một quy định chung nào cả. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau khi nghe báo cáo, đã đề xuất ta nên dùng xe ngựa để tránh sự ồn ào. Lập tức đồng chí Đỗ Viết Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ được cử đi Mông Cổ mua ngựa. Nhưng khi diễn tập thử thì thấy không ổn, nên Trung ương quyết định dùng xe kéo pháo trong các dịp Lễ Quốc tang như ở Liên Xô và các nước châu Âu khác.

Hoàn thành hai công trình đặc biệt trong một thời gian ngắn, các chiến sĩ công binh Trung đoàn 259 đã biểu lộ tất cả tấm lòng của họ đối với Bác. Đứng trước những thành quả lao động do chính bàn tay mình tạo ra, họ không thấy thỏa mãn mà thấy lòng mình trống trải. Họ cố mong rằng, công trình làm chỉ để dự phòng, rằng Bác vẫn đang mạnh khỏe. Bác sẽ còn sống rất lâu với dân, với nước và công trình của họ, cái công trình mà họ đã dồn tất cả tâm lực để hoàn tất còn rất lâu, rất lâu nữa mới có thể dùng đến.

3. Trong khi các chiến sĩ công binh bước vào giai đoạn khởi công cải tạo, xây dựng công trình 75B thì ở 75A, tổ y tế đặc biệt cũng bắt tay vào công việc chuẩn bị trang thiết bị y tế. Một việc cấp bách cần làm ngay là phải đặt làm một chiếc bàn đá ga-ni-tô chuyên dụng để ướp giữ thi hài. Đây là một chiếc bàn đặc biệt. Khi còn học ở Liên Xô, anh em trong tổ y tế đã đo kích thước để khi về nước đặt làm. Sau khi nhận được mẫu vẽ, các công nhân ở Xí nghiệp đá An Dương đã làm được một chiếc bàn rất đẹp, y hệt chiếc bàn đặt ở trong phòng giải phẫu của Viện thi hài Lê-nin tại Mát-xcơ-va.

Khi tổ y tế đặc biệt về nước, bạn đã cấp cho ta ba bộ đồ đại phẫu thuật và một số dụng cụ đặc biệt chuyên dụng. Số dụng cụ này là một cái vốn ban đầu hết sức quý giá nhưng chưa đủ. Dưới danh nghĩa của Khoa Giải phẫu, Quân y viện 108, tổ y tế đã phân công người đi tìm thêm dụng cụ ở các kho, các cơ sở y tế, ở Bệnh viện Hữu nghị Việt  – Xô, ở Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần và đặt làm ở các xí nghiệp, các nghệ nhân, các kỹ sư của Trường đại học Bách khoa Hà Nội… Cuối cùng tất cả các dụng cụ chuyên dụng cho việc bảo quản thi hài như kim tiêm đặc biệt, ống thông chỉ pla-tôn, chỉ vàng bạch kim… đều đã được chuẩn bị chu đáo.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe của Bác rất sốt ruột về công tác chuẩn bị của tổ y tế đặc biệt. Nhiều lần, đồng chí trực tiếp xuống kiểm tra hoặc gọi lên báo cáo. Trong một lần gặp mặt, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ thị:

- Phải tiến hành khẩn trương công tác thực nghiệm để Bộ Chính trị và Trung ương yên tâm.

- Trong lĩnh vực này phải hết sức chú ý khai thác những kinh nghiệm của cha ông ta.

Để tiến hành được các thí nghiệm theo phương pháp đã học, việc đầu tiên đối với tổ y tế là phải có tử thi. Đây là một vấn đề hết sức nan giải. Theo phong tục tập quán của người Việt Nam, không dễ gì có thể giữ lại được thi thể của những người quá cố một khi họ còn thân nhân.

Đã nhiều lần, các cán bộ của tổ y tế đặc biệt được cử đi các bệnh viện để xin tử thi nhưng đều trở về tay không. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tổ quyết định đi tìm bằng được và một thời gian sau đó, tổ đã tìm được một số thi hài không còn thân nhân ở các bệnh viện.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương và đồng chí Phạm Ngọc Mậu, sau khi kiểm tra kết quả thực nghiệm đã hết sức hài lòng. Đồng chí Phạm Ngọc Mậu thay mặt Tổng cục Chính trị, quyết định cấp ngay cho tổ y tế 10 chiếc áo khoác Ba Lan để chống rét, một máy ảnh Đức có ống kính chụp gần và một số đồ dùng khác cho cá nhân và cho tập thể mà Tổng cục Chính trị có thể có được.

Với những kết quả bước đầu, tổ y tế đặc biệt đã khẳng định: Với khả năng của mình, họ có thể gìn giữ được thi hài của Bác trong giai đoạn đầu. Dĩ nhiên, phía trước họ còn là một con đường gian khổ, cần phải học tập, nghiên cứu nhiều hơn nữa và phải được sự giúp đỡ không điều kiện của bạn mới có thể gìn giữ được lâu dài thi hài Bác.

Cuối năm 1968, đồng chí Rô-ma-cốp, Viện phó Viện Thi hài Lê-nin sang kiểm tra, xem xét công việc chuẩn bị tại chỗ và kết quả thí nghiệm đã đánh giá cao cố gắng của tổ y tế. Thời gian này, sức khỏe của Bác yếu đi nhiều, mặc dù Người vẫn kiên nhẫn duy trì nếp sinh hoạt, tập luyện hàng ngày. Nhưng các bác sĩ đi với Bác hiểu rất rõ: Người đã phải hết sức cố gắng mới có thể duy trì được nếp sinh hoạt tập luyện ấy.

Tháng 3/1969, đề phòng mọi việc có thể xảy ra sớm hơn, hai đồng chí Nguyễn Gia Quyền và Vương Quốc Mỹ được cử sang Liên Xô thông báo kết quả thí nghiệm và quy trình kỹ thuật dự kiến tiến hành trong giai đoạn đầu, đề phòng bạn không sang kịp. Ngoài ra, đoàn còn được giao nhiệm vụ xin thêm dụng cụ chuyên môn, nghiên cứu thêm công tác bảo quản thi hài tại Hội trường và cả khi chuyển vận. Đồng chí Vương Quốc Mỹ tìm hiểu sơ bộ về việc xây Lăng. Mọi việc được tiến hành gấp gáp và đã được bạn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ.

Có thể nhận thấy rất rõ rằng, bên ngoài sự tĩnh lặng, yên ả thường ngày của thủ đô là sự lo âu, căng thẳng của các đồng chí lãnh đạo, của các bộ phận được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho những ngày đau thương, chắc chắn không lâu nữa sẽ xảy ra.

Đó là việc các chiến sĩ công binh đang cải tạo công trình 75B, các công nhân viên quốc phòng, Đội Cơ động 2 của Bộ Tư lệnh Công binh đang gấp rút hoàn thành chiếc hòm kính đặc biệt thay thế chiếc hòm kính cũ do Bộ Kiến trúc làm từ trước đã trải qua quá nhiều thí nghiệm…

Khi bắt tay vào việc làm chiếc hòm kính, các chiến sĩ Đội Cơ động 2 đã gặp một khó khăn tưởng chừng rất vô lý: Làm hòm kính nhưng lại không có kính. Kính làm hòm yêu cầu phải dày, trong suốt, không có gợn sóng. Đồng chí Trần Bá Đặng, Tư lệnh phó Binh chủng Công binh, người đã có mặt thường xuyên ở công trình 75A, 75B báo cáo lên trên, có ý kiến đề xuất lấy kính của quầy trưng bày ở cửa hàng bách hóa tổng hợp. Nhưng khi kiểm tra thì loại kính này mỏng, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Giữa lúc đó anh em phát hiện ở gầm sân khấu Hội trường Ba Đình có một số tấm kính có thể sử dụng được. Đồng chí Trần Bá Đặng cho kiểm tra, kết quả thật không ngờ: kính tốt, đạt tiêu chuẩn, dùng được.

Làm xong hòm kính lại nảy ra một vấn đề khác: Đôi dép của Bác đặt ở đâu? Để trong hòm kính thì không ổn. Để bên ngoài càng không ổn. Thế là lại quyết định làm một hòm kính nhỏ để đôi dép. Các chiến sĩ Xưởng 49 quốc phòng đã thức trọn đêm để hoàn thành chiếc hòm kính nhỏ bé này.

Đó còn là việc Lữ đoàn 144 do đồng chí Vũ Ngạch làm Lữ trưởng được giao nhiệm vụ chọn 150 cán bộ, chiến sĩ triển khai tập luyện các nghi thức cho một lễ tang lớn.

Hàng ngày, khi thành phố vừa lên đèn, các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 144 lại lặng lẽ rời đơn vị, chia làm hai bộ phận tập kết tại Hội trường Ba Đình và Câu lạc bộ Quân đội. Tại đây, họ tập các động tác đứng tiêu binh danh dự, tập tiếp cận bảo vệ mục tiêu, khiêng linh cữu, đưa vòng hoa… sao cho thật thuần thục, không rối, không sai, theo các quy định hết sức nghiêm ngặt của Nghi lễ Quốc tang.

Công việc phải rèn đi, tập lại nhiều lần là động tác khiêng linh cữu. Với chiếc linh cữu đóng bằng gỗ Ngọc Am, một loại gỗ hiếm và quý, màu vàng chanh thơm ngát, nặng gần 200 ki-lô-gam. Bên trong còn chứa thêm hai bao tải gạo. Trên nắp của linh cữu để một bát nước đầy. 16 cán bộ, chiến sĩ phải khiêng linh cữu đi đúng điều lệnh, lên xuống bậc tam cấp thật nhịp nhàng, sao cho bát nước không bị tràn sánh ra ngoài.

Ngoài hai bộ phận luyện tập nói trên, Lữ đoàn 144 còn được giao nhiệm vụ lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ do Thượng úy Nguyễn Văn Mộc chỉ huy làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực 75A và triển khai kế hoạch luyện tập phương án hành quân di chuyển từ Phủ Chủ tịch về 75A và ngược lại.

Đội hình xe tham gia luyện tập gồm 5 chiếc, trong đó có 2 xe Hồng thập tự (một chính thức, một dự bị) và 3 xe Gát hộ tống do các chiến sĩ Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Nhít và Nguyễn Văn Thịnh lái.

Trong thời gian diễn tập, một số cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 144 được cải trang, mặc trang phục Cảnh sát giao thông, ém chốt ở các ngả đường mà đoàn xe sẽ đi qua. Tất cả mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra đều đã được lường tính để có kế hoạch xử trí.

Tuy chỉ là diễn tập, nhưng một bầu không khí trang nghiêm đã bao trùm trên nét mặt từng chiến sĩ. Những buổi tập, ngay cả trong giờ nghỉ rất ít tiếng cười, nói. Mọi người lặng lẽ đi, đứng, mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo. Mặc dù không được phổ biến chi tiết, nhưng mọi người đều ngầm hiểu Bác đang mệt nặng và công việc họ đang làm là để chuẩn bị đón đợi cái ngày không thể không đến, đã, đang đến với toàn Đảng, toàn dân ta.

Đưa thi hài Bác từ K84 về Lăng ngày 18/7/1975

4. Và cái ngày không ai mong đợi ấy đã đến. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ buổi sáng ngày 2/9/1969, ngày dân tộc và đất nước từ giã một con người vĩ đại nhất. Con người mà ngay từ lúc sinh thời đã đi vào truyền thuyết, huyền thoại. Con người của tất cả mọi người.

Buổi sáng hôm ấy, trong căn nhà hầm giản dị cách nhà sàn của Bác không xa, trên chiếc giường gỗ đơn sơ, Bác nằm im thanh thản. Vây quanh phòng Bác là các bác sĩ, các chuyên gia và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Trên nét mặt người nào cũng tràn ngập một nỗi lo buồn và khi đồng chí Vũ Kỳ ngồi ở phía đầu giường Bác ngừng quạt, gục xuống khóc nức nở thì cả căn phòng như lặng đi, chìm ngập trong một nỗi đau quá lớn. Trái tim của Bác đã ngừng đập. Tuy vậy, các bác sĩ vẫn gắng hết sức xoa bóp cho Bác, hy vọng  – một niềm hy vọng mãnh liệt nhưng thật mong manh  – trái tim của Bác sẽ đập trở lại. Nhưng một giờ sau, đồng chí Phạm Văn Đồng đau đớn ra hiệu cho các bác sĩ ngừng hô hấp nhân tạo để Bác được yên nghỉ.

Trước đó, vào những ngày cuối tháng 8, thấy bệnh tình của Bác mỗi ngày một nặng, Bộ Chính trị đã điện mời các chuyên gia Liên Xô sang và giao cho Quân ủy gấp rút thành lập một ban phụ trách theo dõi, điều hành việc gìn giữ thi hài Bác trong thời gian tang lễ, bao gồm các bộ phận đã tham gia các công việc chuẩn bị trước như y tế, công binh, Cục Bảo vệ và Lữ đoàn 144, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài, Kinh Chi, Vũ Văn Cẩn.

Ngày 28/8, một phái đoàn y tế Liên Xô do Viện sĩ thông tấn, Giáo sư Đê-bốp làm trưởng đoàn đã đến Hà Nội. Vừa đặt chân xuống sân bay Gia Lâm, nhìn sắc trời mùa thu chói chang ánh nắng, nhìn những vạt cỏ cháy xém bên đường băng, các đồng chí chuyên gia đã tỏ ra lo lắng, với nhiệt độ quá cao ở Hà Nội mùa này, khó có thể gìn giữ được thi hài của Bác.

Vào những ngày này, không khí chuẩn bị tang lễ ở Hội trường Ba Đình diễn ra hết sức dồn dập. Hòm kính để thi hài và hệ thống điều hòa nhiệt độ đã được kiểm tra, đánh giá kỹ. Hệ thống chiếu sáng, hệ thống điều hòa nhiệt độ và độ ẩm… bảo đảm được nhiệt độ, độ ẩm ổn định trong hòm kính ở môi trường khí hậu nhiệt đới là một cố gắng rất lớn của các kỹ sư, cán bộ Bộ Tư lệnh Công binh. Đây là những yếu tố cơ bản quyết định trong việc bảo quản và giữ gìn thi hài Bác.

Liên tiếp trong 2 ngày 31/8 và mồng 1/9, sau khi Ban chỉ đạo thông báo kết quả thí nghiệm, vận hành máy móc, đoàn chuyên gia Liên Xô đã tiến hành kiểm tra xem xét tỉ mỉ từng thí nghiệm. Ở 75A và 75B, đoàn tỏ vẻ hài lòng. Kết quả đã vượt qua những lo lắng ban đầu của bạn.

11 giờ trưa ngày mồng 2/9, sau khi Bác yên nghỉ chưa đầy nửa giờ, một đoàn xe đặc biệt do đồng chí Kinh Chi chỉ huy được lệnh xuất phát từ công trình 75A. Đến trước cổng Phủ Chủ tịch, đoàn xe được lệnh dừng lại. Riêng chiếc xe Hồng thập tự mang biển số FH 1468 của Quân y viện 108 do chiến sĩ Nguyễn Văn Hợp lái được lệnh đi tiếp. Xe vừa đến trước ngôi nhà sàn của Bác đã thấy đồng chí Trần Quốc Hoàn từ căn nhà hầm bước ra đón. Đồng chí căn dặn “sự việc đã xảy ra rồi, các đồng chí cứ bình tĩnh làm cho thật tốt”. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền cảm động thay mặt anh em hứa “sẽ biến đau thương thành trách nhiệm”.

Trong căn nhà hầm, các đồng chí trong Bộ Chính trị vẫn đứng lặng quanh phòng Bác, cạnh giường có một bó hoa huệ lớn. Các đồng chí trong tổ y tế bàng hoàng khi nhìn thấy Bác. Bác gầy và xanh. Mọi người vừa khóc vừa đến bên giường Bác. Đồng chí Phạm Văn Đồng vừa nói vừa ra hiệu: “Thôi, mọi người giãn ra cho chuyên môn làm nhiệm vụ”

(Petrotimes) - Suốt trong những ngày đau thương ấy, cả nước đã thao thức, không ngủ. Các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị quân đội âm thầm treo cờ tang, may băng tang, lập bàn thờ Bác, cử người đại diện cho đơn vị mình về thủ đô viếng Bác.

Hình như cho đến lúc ấy, mọi người trong căn nhà hầm vẫn còn ngơ ngác như chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, như chưa tin hẳn vào cái sự thật vừa xảy ra trước mặt họ.

Con đường Phan Đình Phùng, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Lê Thánh Tông hôm ấy âm thầm đưa tiễn Bác. Các chiến sĩ cảnh vệ Lữ đoàn 144 đã bảo vệ cho đoàn xe đưa Bác về 75A được an toàn.

Đón Bác ở Bệnh viện 108 có các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài và các chuyên gia. Xe vừa dừng, mọi người đã có mặt xung quanh để đưa Bác vào buồng đặc biệt. Gần 2 năm chuẩn bị, hôm nay nhiệm vụ đã đến với tổ y tế đặc biệt. Mọi người bỏ mũ, đứng lặng đi trước linh cữu của Người.

Nửa giờ sau, biên bản khám nghiệm được hoàn thành, 2 Giáo sư, Viện sĩ Liên Xô I-u-ri Mi-khai-lô-vích và Ni-cô-lai I-ních Mi-khai-lốp đã trực tiếp làm công tác y tế cho Bác cùng với sự phụ giúp của 2 bác sĩ Việt Nam.

Thượng tướng Đoàn Khuê - Tổng Tham mưu trưởng đi kiểm tra công trình Lăng

Sau hai giờ làm việc, các chuyên gia cùng với tổ y tế đặc biệt đã hoàn thành công tác y tế giai đoạn một và làm các biện pháp bảo quản thi hài giai đoạn đầu. Để giữ cho chân dung Bác được nguyên vẹn, các chuyên gia và tổ y tế đã nâng niu từng sợi tóc, sợi râu, từng tế bào trên khuôn mặt và đôi bàn tay của Bác. Đặc biệt là các chi tiết ở mắt và miệng đòi hỏi phải làm hết sức tỉ mỉ và công phu. Mỗi mũi kim tiêm, mỗi đường đưa thuốc đều phải cân nhắc kỹ trước khi tiến hành, nhằm đạt kết quả cao nhất. Công việc này không chỉ nhằm chuẩn bị cho những ngày tang lễ mà còn liên quan trực tiếp đến việc gìn giữ thi hài Bác. Trong chiếc hòm kính do các chiến sĩ công binh sản xuất, Bác nằm thanh thản như sau một ngày làm việc căng thẳng, như sau một chuyến đi xa trở về. Bộ quần áo kaki quen thuộc như còn đang phập phồng theo nhịp thở. Bác nằm đó, nhưng linh hồn Bác như đã thoát ra khỏi căn phòng chật hẹp của bệnh viện để đến với đồng bào ở từng ngõ phố, làng mạc và đến với chiến sĩ ở từng trận địa.

Sau buổi làm việc với các chuyên gia, bạn quy định chỉ có một số ít người được tiếp xúc với thi hài Bác. Vì thế, đồng chí Nguyễn Gia Quyền đã phải huy động một số nhân viên của khoa Giải phẫu bệnh lý, Quân y viện 108 để thành lập một tổ y tế lưu động hỗ trợ cho tổ y tế thi hài do bác sĩ Lê Điều phụ trách. Tổ này phải thường xuyên xử lý các phương tiện di chuyển, làm vệ sinh hòm kính ở Hội trường Ba Đình và theo dõi những diễn biến của khí hậu tác động tới nhiệt độ và độ ẩm trong hòm kính.

Quy trình xử lý môi trường ở Hội trường Ba Đình cũng được tổ thực hiện hết sức nghiêm túc, bằng các hóa chất có khả năng sát trùng mạnh và đèn cực tím. Do không có phương tiện bảo hộ, nên sau 3 ngày, mắt nhiều cán bộ trong tổ bị sưng, tuy vậy không một ai chịu nghỉ. Mọi người vẫn khẩn trương lao vào giải quyết công việc và đều bồn chồn có cảm giác ngày đêm như ngắn lại.

6h sáng ngày 4/9/1969, trên làn sóng của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam đã truyền đi bản Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo tin cho đồng bào và chiến sĩ cả nước biết: Bác Hồ đã từ trần. Giọng đọc nghẹn ngào đầy xúc động của  người phát thanh viên đã vang lên trong một bầu không khí ảm đạm và buồn bã. Trên các đường phố Hà Nội, trong các căn nhà, mọi hoạt động đều ngừng lại. Mọi người bàng hoàng vây quanh những chiếc đài bán dẫn hoặc đứng lặng đi quanh những chiếc loa truyền thông công cộng. Tin Bác qua đời như một tiếng sét đánh dữ dội, làm xáo trộn tất cả mọi sinh hoạt của đất nước. Những người đã từng được gặp Bác thì bồi hồi ôn lại những kỷ niệm về Người, còn những người chưa được gặp Bác thì đau đớn, ân hận, bởi niềm hạnh phúc mà họ hằng khao khát sẽ không bao giờ còn đến với họ nữa.

Trung tâm bưu điện quốc tế cũng chưa có thời gian nào làm việc căng thẳng đến như thế. Hàng trăm bức điện trên khắp trái đất liên tiếp được gửi tới chia buồn với Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, đồng thời xin được đến Hà Nội dự lễ tang của Bác.

Tối ngày 5/9, khi đài phát thanh thông báo danh sách Ban Tổ chức tang lễ và thời gian tiến hành lễ viếng thì cũng là lúc tổ y tế đặc biệt đang cùng với các chuyên gia chuẩn bị đưa Bác về Hội trường Ba Đình.

Đúng 20h, đèn điện quanh khu vực Ba Đình vụt tắt. Đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác từ từ chuyển bánh, rời khỏi Quân y viện 108. Ngoài 3 chiếc xe hôm trước, còn có 2 chiếc xe của các đồng chí trong Ban chỉ đạo: Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài, Kinh Chi tiễn chân Bác. Theo kế hoạch, đoàn xe vẫn đi theo đường Lê Thánh Tông, qua Bảo tàng Cách mạng, Nhà hát Lớn, Trần Quang Khải, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Bắc Sơn để vào Hội trường Ba Đình. Xe chở thi hài do đồng chí Nhít lái. Khi đến Nhà hát thành phố đã xảy ra một sự cố nhỏ. Vì quá xúc động và căng thẳng qua nhiều đêm tập luyện, xe đồng chí Nhít chở thi hài Bác đi lạc qua đường Nguyễn Hữu Huân và phải mất một lúc lâu, đoàn xe mới hợp điểm lại được ở cột đồng hồ để cùng về vị trí tập kết. 21h đoàn xe đến Hội trường Ba Đình. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng có mặt đầy đủ để đón vào 75B và thay nhau túc trực bên thi hài Người.

Khi đưa Bác ra Hội trường, theo yêu cầu của các chuyên gia, Ban chỉ đạo đã bố trí sẵn một xe trang bị đầy đủ mọi thiết bị, đề phòng ở Hội trường không bảo đảm được nhiệt độ, độ ẩm thì phải kịp thời đưa Bác về ngay lại 75A.

Mãi sau này khi lễ tang Bác kết thúc, các cán bộ, chiến sĩ công binh mới được biết: Phương án chuẩn bị của quân đội ở 75B là phương án dự bị. Nhiệm vụ chuẩn bị hòm kính, các trang thiết bị đặt ở 75B để bảo đảm thi hài trong thời gian tang lễ được giao cho Bộ Kiến trúc. Năm 1969, Bộ Kiến trúc đã khẩn trương cử đồng chí Vương Quốc Mỹ, Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc sang Liên Xô ký hợp đồng, nhờ bạn giúp đỡ các phương tiện máy móc, làm hòm kính giữ thi hài Bác. Ngày 12/8/1968, khi Bác ốm nặng, đồng chí Vương Quốc Mỹ tiếp tục được cử sang Liên Xô lấy hòm kính và phương tiện máy móc nhưng không kịp. Bác đã ra đi trước khi đồng chí Mỹ về. Vì vậy phương án dự phòng trở thành phương án chính thức. Điều này thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, thể hiện tính chủ động, sáng tạo và ý thức nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh của quân đội ta mà trước hết là tấm lòng của những người lính đối với Bác.

3h sáng ngày mồng 6, Ban Tổ chức lễ tang cùng với các chuyên gia tiến hành tổng kiểm tra các mặt chuẩn bị cho ngày viếng đầu tiên. Khi nâng chiếc nắp hòm kính lên, đặt máy đo kiểm nhiệt độ, độ ẩm, thấy kết quả hiện trên mặt máy báo hiệu mọi sự đều hết sức ổn định. Viện sĩ thông tấn, trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Đê-bốp không kìm được xúc động đã quay lại ôm chầm lấy đồng chí Trần Bá Đặng và đồng chí Nguyễn Gia Quyền, lặp đi lặp lại mãi một câu nói: “Kha-ra-sô, kha-ra-sô!” (Tốt, tốt!).

Đến 6h sáng, tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đều đã có mặt quanh linh cữu Bác. Cặp mắt người nào cũng đỏ ngầu đẫm lệ, xung quanh Bác là cả một rừng hoa muôn sắc và trầm hương tỏa khói nghi ngút như khoét sâu thêm vào nỗi mất mát quá lớn của cả một dân tộc.

Giữa không khí trang nghiêm ấy, bỗng một tiếng khóc nức nở, òa lên vang khắp Hội trường. Đó là tiếng khóc không thể kìm nén được của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vừa khóc, Thủ tướng vừa bắt tay cảm ơn các đồng chí chuyên gia Liên Xô. Lời cảm ơn chân thành và những giọt nước mắt liên tiếp lăn trên má của đồng chí Phạm Văn Đồng khiến các đồng chí chuyên gia cũng không cầm được nước mắt.

Đồng chí Lê Duẩn cố nén xúc động, quay sang bắt tay mọi người. Đồng chí hỏi khẽ: “Các đồng chí có yêu cầu gì không?”. Thay mặt cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đồng chí Trần Bá Đặng đã đề nghị với đồng chí Lê Duẩn cho phép anh em được chụp ảnh bên thi hài Bác. Nguyện vọng thật đơn giản nhưng hết sức thiêng liêng ấy là phần thưởng vô giá đối với mọi cố gắng bấy lâu của các chiến sĩ công binh, cảnh vệ và tổ y tế đặc biệt. Đó cũng là hình ảnh đầu tiên của các chiến sĩ quân đội được đứng vòng quanh linh cữu của Người.

5. Dòng người nối nhau nhích dần từng bước tưởng chừng như vô tận trên Quảng trường Ba Đình. Trong những ngày đau thương ấy, trời Hà Nội đổ mưa tầm tã. Dòng người đổ vào Hội trường lặng lẽ, mắt nhìn xuống. Nước mưa đổ ào ào trên người họ. Dòng người đổ ra từ cửa bên kia nhòa nước mắt. Nhiều người đã phải dìu nhau loạng choạng bước xuống bậc tam cấp. Họ là những công nhân, nông dân, bộ đội, nguyên thủ quốc gia, tướng lĩnh… từ khắp mọi miền đất nước và trên khắp hành tinh về Hà Nội viếng Bác.

Hội trường Ba Đình chất đầy những vòng hoa lớn, những cây trái của bạn bè quốc tế, của nhân dân các dân tộc mang về dâng lên anh linh của Người. Trên bục sân khấu của Hội trường, Bác nằm trong chiếc hòm kính trong suốt, hồng hào như vừa trải qua một ngày làm việc, đang yên tĩnh trong giấc ngủ. Người vẫn mặc bộ kaki màu vàng thường ngày vẫn mặc. Bên ngoài hòm kính là đôi dép cao su giản dị của Người.

Đứng trước thi hài Bác, những đồng chí cán bộ lãnh đạo lão thành, những cụ già và em nhỏ, những người dân, những người lính, những vị tổng tư lệnh tối cao… không ai cầm được nước mắt. Nỗi đau mất Bác giờ đây như mới thấm sâu vào cuộc đời mỗi người. Bác vẫn nằm đó, nhưng không bao giờ còn có lại giọng nói ấm áp, cử chỉ khoan thai, giản dị, đầy sức thuyết phục của Người trong những lần đến với đồng bào, chiến sĩ và bạn bè quốc tế. Trước đây, khi một bác sĩ Bun-ga-ri sang công tác tại Việt Nam, không may bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, Bác đã đến thẳng Đại sứ quán Bun-ga-ri, Người khóc và nói: “Chúng ta biết báo tin cho bà mẹ anh ấy như thế nào?!”.

Cả nước đang đau nỗi đau của Bác. Cả nước cầu chúc cho giấc ngủ của Người được thanh thản mãi mãi. Tình thương yêu bao la của Người sẽ mãi mãi liên kết mọi trái tim bè bạn trong một sứ mệnh cao cả: Tất cả cho hòa bình, tất cả cho hạnh phúc của mỗi một con người!

Thượng tướng Lê Trọng Tấn và Trung tướng Phùng Thế Tài kiểm tra công tác bảo vệ an ninh công trình Lăng

Để có được những ngày viếng Bác trang nghiêm và đầy xúc động như vậy, các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt đã làm việc hết sức mình. Sau mỗi ngày ngừng lễ viếng, mọi người lại gấp rút và thận trọng kiểm tra lại thi hài Bác, hiệu chỉnh các thiết bị máy móc, làm vệ sinh công nghiệp… để những ngày viếng tiếp theo được tốt hơn.

Các cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 144 cùng với Bộ Tư lệnh Thủ đô, những người đã từng bảo vệ Bác và Bộ Tổng tham mưu suốt cả hai cuộc chiến tranh cũng thường xuyên có mặt, túc trực gác danh dự bên thi hài của Bác.

Chiều ngày 9/9, Lễ truy điệu Bác đã được cử hành trọng thể và trang nghiêm. Sau khi đồng chí Lê Duẩn nghẹn ngào đọc Di chúc của Bác và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương, cả Quảng trường như cùng khóc òa lên. Các cháu thiếu nhi đã níu áo gục đầu vào lòng đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp khóc nức nở, trông thương tâm như một vườn hoa trong một cơn bão lớn. Cả nước đã giơ cánh tay của mình, cùng với Ban Chấp hành Trung ương xin thề với Bác sẽ làm tròn sứ mạng mà Bác đã tin cậy giao phó, xin đi trọn con đường mà Người đã vạch ra và đã dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đến thắng lợi cuối cùng.

Lễ truy điệu vừa dứt, tổ y tế đặc biệt và các bộ phận phục vụ tang lễ cũng đã chuẩn bị xong phương án cho cuộc hành quân di chuyển Bác về lại 75A. Phương án hành quân được phổ biến chi tiết xuống tận các tổ. Mọi người lặng lẽ chuẩn bị công việc.

Thời gian nặng nề trôi qua. Tuy chỉ một đoạn đường ngắn nhưng mọi người đều cảm thấy dài như vô tận. Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã nhắc đi nhắc lại: Phải cẩn thận, bằng mọi cách, phải bảo vệ an toàn tuyệt đối nơi gìn giữ thi hài của Bác.

21h đêm, chiếc xe Hồng thập tự chầm chậm rời khỏi Hội trường Ba Đình. Trời đã khuya và mưa vẫn chưa dứt hẳn, nhưng xung quanh Quảng trường vẫn chật ních người. Hình như chưa ai muốn trở về nhà và những lời lẽ tâm huyết của Bác với dân, với Đảng trong bản Di chúc vẫn còn như âm vang trong tâm trí họ.

Trong các đường phố vẫn một khung cảnh như vậy. Chiếc xe Hồng thập tự phải khó khăn lắm mới lách qua được những dòng người để đưa Bác về 75A chấm dứt những ngày tang lễ có một không hai trong lịch sử.

6. Giai đoạn gìn giữ, bảo quản thi hài Bác trong thời gian tang lễ đã kết thúc. Đối với tổ y tế, giai đoạn tiếp theo là một khoảng trống hết sức khó khăn. Những kiến thức học được ở Liên Xô chỉ đủ cho họ làm được những gì mà họ đã cố gắng hết sức để làm. Phương pháp hiện đại thì chưa được học hết, phương pháp cổ truyền của dân tộc thì chưa kịp khai thác cho thật thấu đáo. Hơn nữa nước ta đang trong điều kiện chiến tranh và lại là một nước khí hậu nhiệt đới; quanh năm nắng nóng, độ ẩm cao…

Việc bảo đảm giữ gìn lâu dài thi hài Bác có rất nhiều khó khăn. Nhưng được sự giúp đỡ trực tiếp của bạn, tổ y tế tin rằng chúng ta có thể vượt được tất cả để giữ gìn trọn vẹn, lâu dài thi hài Bác.

Sau ngày đưa Bác về lại 75A, hàng loạt công việc cần phải làm ngay được đặt ra trước tổ y tế, như việc làm vệ sinh môi trường, chống bụi, chống nấm mốc… Điều gay go nhất là làm sao có ngay được 320 lít nước mềm, bảo đảm chất lượng cao, trong nước hoàn toàn không có chất kim loại, không có khuẩn trùng. Để giải quyết khó khăn này, tổ y tế đã cử người đến các cơ sở y tế có máy chạy thận nhân tạo như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai và 108 xin, nhưng khi bạn kiểm tra lại không đạt yêu cầu về chất lượng. Cuối cùng đồng chí Bộ trưởng Y tế phải đích thân trực tiếp chỉ đạo cách giải quyết, tổ y tế mới có được 320 lít nước mềm đúng tiêu chuẩn.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với trí thông minh, sáng tạo, có đầu óc phân tích, phán đoán nhạy bén, tổ y tế đặc biệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Quân ủy giao phó: Vừa gìn giữ thi hài Bác, vừa nghiên cứu khoa học đạt kết quả tốt.

Cho tới nay, gần 30 năm trôi qua, những cố gắng ban đầu của tổ y tế vẫn được đánh giá cao. Chiến công của họ thật đáng kể nhưng lại diễn ra hết sức thầm lặng. Họ không được báo chí nhắc đến, không được biểu dương rầm rộ. Chỉ có tấm lòng, tình cảm của họ đối với Bác là cứ mỗi ngày một sáng thêm. Khiêm tốn, giản dị, không lùi bước trước khó khăn là phẩm chất mà Bác đã để lại cho họ, giúp họ đi đến tận cùng trong mọi lĩnh vực khoa học phức tạp và đầy những trắc trở. Bao giờ những thử thách cũng luôn luôn ở phía trước họ.

(Petrotimes) - Sau khi cân nhắc, xem xét kỹ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn K9 làm nơi giữ gìn thi hài Bác. Đó là một khu đồi thông yên tĩnh nằm bên bờ hữu ngạn một dòng sông, hồi ấy còn là một con sông hung dữ nhưng cũng đầy thơ mộng.

7. Cuối năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn mới  – giai đoạn đánh gãy xương sống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Sau khi Bác mất, cả nước dấy lên phong trào thi đua biến đau thương thành hành động cách mạng, miền Bắc tiếp tục làm hết sức mình chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Ngày cũng như đêm, những đoàn xe, những dòng người náo nhiệt tập kết ở vĩ tuyến 20  – vĩ tuyến mà Giôn-xơn đã buộc phải tuyên bố ngừng ném bom hạn chế năm 1968  – chuẩn bị lần trót trước khi bước vào chiến trường. Miền Nam liên tiếp diễn ra những trận đánh lớn ở vùng ven Sài Gòn, vùng Đông Nam Bộ và trên chiến trường Khu 5… Trước tình hình đó, Ních-xơn một mặt tăng cường viện trợ cho quân ngụy, mở nhiều chiến dịch càn quét vào hậu cứ và ngang nhiên tuyên bố sẵn sàng ném bom trở lại miền Bắc…

Đề phòng chiến tranh lại có thể xảy ra trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Nếu tiếp tục để thi hài Bác tại Hà Nội, khi xảy ra chiến tranh, công trình 75A không đủ kiên cố chống đỡ sức phá hủy của bom đạn Mỹ. Hà Nội lại là một mục tiêu đánh phá quan trọng của địch, việc bảo đảm điện, nước thường xuyên cho công trình cũng là điều hết sức hạn chế…

Xuất phát từ nhận định như vậy, Bộ Chính trị quyết định giao cho Quân ủy tìm một vị trí thật yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội và thuận tiện cho việc di chuyển thi hài Bác khi chiến tranh lan rộng.

Tổ y tế đặc biệt chụp ảnh chung với các chuyên gia Liên Xô tại Viện nghiên cứu Lăng Lê Nin năm 1967

Sau khi cân nhắc, xem xét kỹ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn K9 làm nơi giữ gìn thi hài Bác. Đó là một khu đồi thông yên tĩnh nằm bên bờ hữu ngạn một dòng sông, hồi ấy còn là một con sông hung dữ nhưng cũng đầy thơ mộng. Vào mùa mưa lũ, dòng sông réo ầm ầm, nước sông tràn lên mênh mang như dang rộng cánh tay ôm lấy quả đồi, trên đồi có những mỏm đá lô nhô sắc nhọn như những mũi mác lớn. Chính tại vùng đất sơn thủy hữu tình này đã đẻ ra một trong những huyền thoại đẹp nhất về sức mạnh của con người chế ngự sự hung dữ của thiên nhiên. Đó là chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh. Trước Cách mạng Tháng Tám, thấy khí hậu ở khu vực này thuận tiện cho việc trồng thông, thực dân Pháp đã mở đồn điền trồng thông và khai thác quặng ở đây. Ngày nay, thông vẫn mọc đầy trong khu rừng thưa thoáng xen kẽ với các loại cây gỗ cao có tán lá rộng như trò, trám, long não…

Năm 1956, trong một lần đến thăm Sư đoàn 316 đang diễn tập bên sông, dọc đường Bác dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đỉnh đồi. Thấy khí hậu ở đây mát mẻ, địa thế hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng ra miền Bắc.

Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần được lệnh lên khu đồi ấy xây dựng một số ngôi nhà cấp bốn và đến năm 1960, nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại có thể xảy ra quá rõ ràng, Cục Doanh trại được lệnh tiếp tục lên xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Bộ Chính trị khi cần thiết. Cùng với việc xây dựng ngôi nhà sàn, bộ đội công binh còn xây dựng một hệ thống công sự kiên cố và đặt tên là K9. Điều đáng kể là cả hầm và nhà đều do Bác cắm cọc, nhắm hướng. Những năm sau này, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã lên làm việc và nghỉ tại đây. Cũng có một đôi lần Bác đưa khách quốc tế lên nghỉ. Thiên nhiên ở đây đẹp, rất phù hợp với hồn thơ đầy rung cảm của Bác.

Ngày 10-9-1969, một đoàn cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Công binh và Lữ đoàn 144 đã có mặt tại K9 để khảo sát, thiết kế, cải tạo lại công trình và nhận bàn giao toàn bộ khu vực do các đơn vị công an võ trang và Văn phòng Trung ương giao lại.

Thoạt đầu ở K9, ban chỉ đạo chỉ có ý định dùng ngôi nhà kính đã có sẵn để lắp đặt thiết bị máy móc gìn giữ thi hài Bác ở ngay trên mặt đất. Nhưng về sau, Quân ủy Trung ương quyết định phải cải tạo cả hệ thống hầm ngầm để có thể đưa Bác xuống một khi chiến tranh có thể lan rộng tới khu đồi yên tĩnh và thơ mộng này.

Khối lượng công việc lớn, vị trí thi công chật hẹp, nhưng các đơn vị thi công nhận được lệnh phải hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng vào đầu tháng 12. Cả thời gian thiết kế và thi công chỉ được vẻn vẹn chưa đầy 3 tháng. Đây là một yêu cầu vượt quá khả năng và phương tiện hiện có của đơn vị.

Tuy vậy, nhận rõ tầm quan trọng của công trình, các đơn vị trực tiếp thi công đều xác định bằng bất cứ giá nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ đúng quy định, đúng thời gian. Một ban chỉ huy công trình được thành lập gồm các đồng chí: Nguyễn Trọng Quyền, Nguyễn Trung Thành, Cao Đàm, Lam Sinh, Bùi Danh Chiêu, Hoàng Quang Bá, Phạm Hoàng Vân, đại diện cho các ngành, các bộ môn kỹ thuật đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Bá Đặng, Tư lệnh phó binh chủng. Lực lượng thi công chủ yếu vẫn là Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 259, đơn vị đã thi công xuất sắc công trình 75A và 75B.

Ngày 20-9, các lực lượng tham gia cải tạo K9 đã tập kết đầy đủ. Trong cùng một lúc, đoàn vừa thiết kế, vừa thi công công trình. Tuy đã có kinh nghiệm nhưng vấn đề khó khăn nhất đặt ra đối với công trình là vấn đề kiến trúc. Trước đây, Bộ Kiến trúc đã cho làm hai nhà kính, cốt thép ở hai cửa hầm trên và dưới. Để đạt các yêu cầu đặt các thiết bị máy móc, dụng cụ y tế, ban chỉ huy công trình quyết định làm thêm một nhà kính nữa ở cửa thứ 3. Vấn đề khó khăn thứ hai là phải chọn cho được vật liệu, cấu kiện kiến trúc. Từ viên gạch men đến tấm gỗ làm cửa đều phải đi các nơi tìm kiếm. Tìm được vật tư lại lo vận chuyển. Mọi công đoạn vận chuyển đều tổ chức vào ban đêm. Theo yêu cầu của công tác bảo vệ, xe phải có cán bộ áp tải để kịp thời phát hiện nếu có xe lạ bám theo.

Khác với việc thi công 2 công trình 75A và 75B, ở K9 không có điện, nước, thời gian lại gấp, các chiến sĩ Tiểu đoàn 2 công binh phải tập trung sức lực làm cả ngày lẫn đêm. Đêm đến, khu đồi sáng rực ánh đèn. Đèn đất, đèn dầu. Anh em chiến sĩ thường gọi những đêm thi công là những đêm “hội đèn”, nào là đèn ăn, đèn làm việc, đèn trên đồi, đèn dưới hầm, đèn đào, đèn khoan… không khí lao động rất gấp gáp, sôi động, mặc dầu đời sống của anh em rất khó khăn, thiếu thốn.

Công việc nặng nhọc nhất, khó khăn nhất là cải tạo hầm ngầm cũ, làm thêm một ngách hầm đặt máy điều hòa và dụng cụ y tế. Để tiến hành thi công, các chiến sĩ đã phải đào một cái giếng rộng 5 mét, sâu 6 mét xuống nóc hầm ngầm rồi dùng khoan tay để phá nóc hầm. Tuyệt đối không được dùng chất nổ. Cứ 5 xăng-ti-mét vuông phải khoan một mũi, 1.800 mũi khoan đã được khoan suốt ngày đêm mới phá vỡ được nóc hầm bê tông cốt thép để đưa vật liệu xuống bảo đảm điều kiện thi công theo thiết kế mới.

Thi công xong đường hầm, việc lắp đặt thiết bị cũng diễn ra căng thẳng và sáng tạo. Để lắp đặt một cánh cửa sắt nặng 3.000 ki-lô-gam dưới độ sâu 6 mét trong điều kiện không có cần cẩu, các chiến sĩ công binh đã nghĩ ra cách làm tời quay tay và chỉ cần 5 chiến sĩ cũng đưa được cánh cửa khổng lồ ấy xuống đúng vị trí. Việc thiết kế, lắp đặt hệ thống đường ray trong hầm cũng diễn ra tương tự. Theo yêu cầu của chuyên môn, khi thiết kế và xây dựng phải hết sức chú ý tới đường lên xuống. Làm sao để có thể đưa được thi hài Bác lên xuống hầm ngầm bảo đảm không nghiêng, không rung xóc. Đây là một công việc khó. Ban chỉ huy công trình giao cho hai kỹ sư cơ khí Đặng Thành Trung và Vũ Quý Khôi nghiên cứu thiết kế. Sau nhiều ngày đêm trăn trở trước bản vẽ, hai đồng chí đã hoàn thành bản thiết kế đường ray thay cho việc khiêng linh cữu từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Khi bản vẽ thiết kế được thông qua, Xưởng 49 quốc phòng được giao nhiệm vụ thi công và lắp đặt trong một thời gian ngắn. Kết quả đạt được rất mỹ mãn. Linh cữu được đặt trên một giá đỡ, có bánh xe lăn trên hai đường ray uốn cong, nên ở độ dốc 60 độ, linh cữu vẫn luôn giữ được thế cân bằng, bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài của Bác.

Do ngọn đồi K9 có độ cao 250 mét so với mặt biển nên mặc dù nằm ngay bên bờ sông, vấn đề nước cũng như điện khi đưa công trình vào sử dụng là hai yếu tố quan trọng nhất. Để đảm bảo cho công trình hoạt động hằng ngày, nước cần đến hàng trăm mét khối. Đó là chưa kể nước dùng trong sinh hoạt. Điều này đã làm cho các cán bộ kỹ thuật mất ăn, mất ngủ. Đã có ý kiến đề nghị sử dụng nguồn nước sông. Nhưng nguồn nước sông rất thất thường, lên xuống tùy theo từng mùa, dễ xảy ra sự cố.

(Petrotimes) - Suy tính mãi, cuối cùng kỹ sư Hoàng Quang Bá đã đề ra một phương án sử dụng nguồn nước giếng hiện có bằng chu trình tuần hoàn. Phương án được chuẩn y và được triển khai thực hiện.

Theo thiết kế, nước từ giếng được bơm lên bể chứa ở độ cao 65 mét rồi dẫn vào các máy điều hòa làm lạnh, xong nước không thải ra ngoài theo lẽ thường mà lại được chảy xuống một bể chứa khác gồm bốn ngăn theo nguyên tắc bình thông nhau để hạ nhiệt độ từ 350C xuống 270C. Sau đó nước từ bể chứa này lại được bơm lên chiếc bể ở độ cao 65 mét rồi tiếp tục dẫn vào máy. Hệ thống bơm cũng được lắp đặt tự động theo kiểu “du kích hóa” bằng phương pháp dùng phao nổi để đóng ngắt mạch điện cho máy hoạt động mỗi khi nước đầy hoặc vơi trong bể.

Với sáng kiến lắp đặt hệ thống nước tuần hoàn này, ở K9 không những đủ nước cho máy hoạt động mà còn bảo đảm nước cho cả đơn vị sinh hoạt, tiết kiệm được một số lượng vật tư, tài chính lớn cho Nhà nước.

Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng trong việc gìn giữ thi hài Bác là nguồn điện. Không có điện, máy móc không thể vận hành được. Trước đây, ở K9 có một trạm biến thế lấy từ nguồn điện quốc gia. Nhưng từ khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều đoạn đường dây bị phá, trạm biến thế điện cũng bị hư hại nặng. Do đó, phương án cấp điện lúc này chủ yếu dùng nguồn điện từ máy phát đi-ê-den. Bộ phận kỹ thuật điện do kỹ sư Nguyễn Trung Thành phụ trách đã thiết kế lắp đặt 3 cụm tổ máy, mỗi cụm có 3 máy đi-ê-den theo thế chân vạc. Song song với việc lắp đặt 3 cụm máy đi-ê-den, đường dây lưới điện quốc gia cũng được kịp thời khôi phục.

Để bảo đảm nguồn điện thường trực 24/24 giờ mỗi ngày, một hệ thống đóng và cắt nguồn điện dự phòng đã được thiết kế và thử nghiệm thay thế cho việc thao tác của con người. Hệ thống tự động này không những đảm bảo tự động đưa một trạm đi-ê-den vào hoạt động khi nguồn điện quốc gia bị mất mà còn có khả năng chọn trạm đi-ê-den thay thế nhau sau hai lần khởi động không được của máy đi-ê-den trực.

Bên cạnh trạm tự động, đóng ngắt điện, bộ phận kỹ thuật còn thiết kế, lắp đặt kèm theo một hệ thống tự động nạp ắc-quy, đảm bảo cho các bình ắc-quy luôn luôn ở trạng thái “no đủ”…

Trước ngày di chuyển thi hài Bác lên K9, đồng chí Lê Quang Đạo, Trưởng ban Chỉ đạo cùng với đồng chí Trần Bá Đặng đã trực tiếp kiểm tra thử nghiệm các sự cố. Kết quả thu được thật không ngờ, các tình huống giả định đều được xử lý với thời gian không đến một phút.

Giải quyết được nguồn điện cung cấp cho công trình, các cán bộ và công nhân kỹ thuật ngành điện còn thiết kế, lắp đặt một hệ thống điều khiển từ xa đối với các máy điều hòa nhiệt độ đặt ở buồng trung tâm. Bởi vì, nếu phải thao tác bằng tay, khả năng xử lý sẽ không kịp thời và mỗi lần ra vào tiếp xúc với các máy, sự ổn định nhiệt độ trong phòng đặt thi hài rất dễ bị phá vỡ đột ngột.

Lắp đặt xong các hệ thống tự động kể trên là một cố gắng lớn của các cán bộ và công nhân ngành điện. Nó chứng tỏ những khả năng tiềm tàng của người lính khi được phục vụ Bác. Họ luôn tâm niệm rằng, để giữ gìn thi hài Bác, trong mọi việc, mỗi người phải tìm ra những biện pháp tối ưu nhất, tốt nhất mà khả năng và điều kiện lúc đó có thể cho phép thực hiện được.

Ngày 15/12, công trình K9 hoàn thành những chi tiết cuối cùng, vượt mức thời hạn quy định 10 ngày. Để giữ bí mật, K9 được đổi thành K84. Gọi K84 là xuất phát từ một phép tính rất đơn giản: K75+K9 = K84. Từ đó về sau, không ai còn gọi khu đồi đó là K9 nữa.

Có lẽ trong những trang sử truyền thống vẻ vang của quân đội ta, chưa có trang nào ghi về nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng hết sức thiêng liêng của những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm gìn giữ, bảo vệ thi hài của Bác. Đó là một đơn vị đặc biệt, làm một nhiệm vụ đặc biệt. Do vậy, chiến công của họ cũng hết sức đặc biệt, không giống chiến công của bất kỳ đơn vị nào ngoài chiến trường.

Hoàn thành xong công trình K84, 20 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 259 công binh được lựa chọn ở lại quản lý, vận hành công trình. Đấy là một vinh dự, một phần thưởng lớn đối với họ. Ít ngày sau, khi Tiểu đoàn 2 công binh và các lực lượng phối thuộc khác rút đi, những người còn lại rạo rực chuẩn bị, họ chăm chút từng lối đi, từng gốc cây, khóm hoa và hồi hộp chờ đợi ngày được trở về Hà Nội đón Bác lên.

III.  Những nơi Bác yên nghỉ

1. Quyết định di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84 là một quyết định chính xác của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Nhưng di chuyển bằng cách nào, bằng phương tiện gì là điều Ban Chỉ đạo còn phải cân nhắc. Ở Liên Xô và Bun-ga-ri, thi hài

Lê-nin và Đi-mi-tơ-rốp thường xuyên nằm ở trạng thái tĩnh tại, nên bạn cũng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hơn nữa, các yêu cầu trong công tác di chuyển được các chuyên gia Liên Xô đặt ra hết sức nghiêm ngặt. Ngoài lĩnh vực y  – sinh  – hóa, trong quá trình hành quân còn phải bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm theo quy định. Thiếu hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc gìn giữ thi hài. Ngoài ra, khi di chuyển phải tuyệt đối chống rung xóc. Trong khi đó, con đường di chuyển lại gập ghềnh, đầy ổ gà, nhiều đoạn đường, nhiều cây cầu bị hư hại nặng cần phải được sửa chữa.

Sau nhiều cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thận trọng cân nhắc cả 3 phương án hành quân: đường không, đường thủy và đường bộ. Đường không có ưu điểm nhanh, an toàn, K84 lại sẵn có sân bay trực thăng nhưng không thể chống rung xóc vì độ rung của máy bay trực thăng rất lớn. Đường thủy có thể chống được rung xóc nhưng thời gian lại kéo dài quá, ảnh hưởng đến quy trình làm thuốc. Cuối cùng Ban Chỉ đạo quyết định chọn phương án đường bộ. Đường bộ có nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn ấy có thể khắc phục được.

Lễ đón nhận lẵng hoa của Chỉ tịch Tôn Đức Thắng tặng CBCS Bộ Tư lệnh Lăng

Sau khi đã xác định được phương án hành quân bằng đường bộ, Ban Chỉ đạo tập trung vào việc bàn cách khắc phục những hạn chế của phương án này. Thứ nhất, về bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm, Ban Chỉ đạo quyết định dùng nước đá thay cho máy điều hòa nhiệt độ. Trước đây, khi đón Bác từ Phủ Chủ tịch về 75A và đưa Bác từ 75A ra Hội trường Ba Đình, tổ y tế đặc biệt cũng đã dùng nước đá và đã bảo đảm tốt nhiệt độ, độ ẩm. Dĩ nhiên hồi đó đường đi gần hơn nên vấn đề nhiệt độ, độ ẩm đặt ra không gay gắt như lần di chuyển này. Thứ hai là làm thế nào để chống rung xóc. Muốn chống rung xóc phải khắc phục hai yếu tố xe và đường. Sau những tính toán, cân nhắc, Ban Chỉ đạo quyết định chọn xe Zin 157. Loại xe này lớn và khỏe, có 3 cầu, độ xóc ít hơn các loại xe khác. Còn đường, Ban Chỉ đạo nhận định không thể dùng công nhân sửa chữa ồ ạt, như vậy dễ bị lộ bí mật. Nhưng không sửa chữa thì dù xe tốt đến đâu cũng không tránh được hiện tượng rung xóc. Không còn cách nào khác ngoài việc cho người đi khảo sát rồi giao cho Lữ đoàn 144 chuẩn bị phương án sửa chữa những đoạn đường và những cây cầu xấu nhất ngay trong đêm hành quân. Khi đoàn xe đặc biệt đi qua, lập tức phải xóa dấu vết để cầu và đường trở lại tình trạng vốn có của nó…

Sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo, cán bộ, chiến sĩ và công nhân Xưởng 49, Bộ Tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ nghiên cứu, cải tạo lại chiếc xe Zin 157 theo yêu cầu của các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt. Với tinh thần làm việc khẩn trương, chỉ sau 3 tuần, chiếc xe Zin bình thường đã biến đổi hình dạng và khoác lên mình một màu áo mới xanh thẫm. Bên trong thiết kế hết sức gọn ghẽ, hợp lý. Các bộ phận máy, bệ, gầm, đặc biệt là bộ nhíp giảm xóc đã được cải tiến lại. Các cán bộ kỹ thuật còn tính toán cả lượng hơi bơm ở các bánh xe, sao cho xe vẫn có thể chạy nhanh nhưng lại giảm độ rung xóc ở mức thấp nhất.

Cùng với Xưởng 49 công binh, các cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thông tin cũng được giao nhiệm vụ làm 2 chiếc hòm lớn, một chiếc dùng để bảo quản thi hài Bác khi hành quân và một chiếc khác dùng để chữa bể thủy tinh.

Sau nhiều đợt ném bom của máy bay Mỹ, con đường lên K84 ngày ấy bị hư hại nặng. Do tính chất đặc biệt của cuộc di chuyển và do yêu cầu đặt ra rất khắt khe đối với người lái xe nên Ban Chỉ đạo đã quyết định phải tích cực tập luyện để tránh những sai sót, dù rất nhỏ có thể xảy ra khi bước vào cuộc di chuyển chính thức.

Để đảm bảo bí mật, hầu hết những cuộc tập luyện đều diễn ra vào ban đêm. Không biết bao nhiêu lần, chiếc Zin 157 đã lặng lẽ rời 75A khi thành phố vừa lên đèn để lao vào màn đêm đang trùm phủ lên những cánh đồng, làng mạc ở ngoại ô thành phố. Người lái xe vừa chạy xe, vừa quan sát, ghi nhận những đoạn đường và những chỗ khó đi. Nhiều đêm các đồng chí trong Ban Chỉ đạo đã thay nhau nằm trên thùng xe theo dõi, giám sát độ rung xóc của xe cũng như phát hiện kịp thời những đoạn đường cần phải sửa chữa.

Cứ như vậy, gần 3 tháng trời ròng rã, chiếc Zin 157 đã lăn bánh đi, về một cách kiên nhẫn 6, 7 tiếng đồng hồ trên một con đường quen thuộc. Ban đêm tập luyện, ban ngày rút kinh nghiệm. Những địa ranh, những lối rẽ, những đoạn đường dốc… đã in sâu vào trí nhớ không chỉ của người lái xe mà cả của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo. Cùng với các chiến sĩ lái xe, các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ cho cuộc di chuyển cũng bước vào những buổi luyện tập công phu. Thường vào các buổi chiều, Lữ đoàn 144 được cải trang rải quân dọc hai bên đường, để ban đêm khi chiếc xe Zin 157 xuất phát lên đường, họ đã có thể thông báo cho nhau biết xe đang ở vị trí nào, sắp tới vị trí nào. Những người đi tắm mình trong mưa lạnh, nhưng những người ở nhà cũng vất vả trong luyện tập. Từng động tác nhỏ nhất như khiêng linh cữu lên xe, xuống xe, khiêng bể thủy tinh, cách chuyển các bình hóa chất… đều phải tập đi tập lại căng thẳng. Tất cả đều phải hết sức thuần thục, tỉ mỉ. Chỉ một sơ suất, một va chạm khẽ đều có thể dẫn tới một hậu quả không lường trước được. Có lẽ việc luyện tập khó khăn nhất là khiêng chiếc bể thủy tinh lớn. Chiếc bể vừa to vừa trơn. Sau một vài buổi tập luyện các chiến sĩ đã nghĩ ra một cách: May băng tải luồn dưới đáy bể rồi quàng qua cổ người khiêng ở hai bên thành bể. Nếu lỡ tuột tay thì băng tải vẫn giữ được chiếc bể.

Ngày 20/12/1969, cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo và bộ phận giữ gìn thi hài Bác kéo dài quá nửa đêm. Ngay từ đầu hội nghị đã xác định quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải lãnh đạo, động viên các bộ phận thực hiện tốt nghị quyết của Quân ủy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt di chuyển sắp tới, đạt các yêu cầu: nhanh, gọn, đúng thời gian, bảo đảm bí mật và an toàn tuyệt đối.

Hội nghị cùng một lúc phải bàn triển khai tất cả các mặt công tác cụ thể: sắp xếp lại tổ chức, ai đi, ai ở, lên phương án hành quân, tổ chức nghi binh và triển khai công tác chính trị trong hành quân cũng như khi đến địa điểm mới. Tất cả mọi việc đã được rà xét, cân nhắc kỹ lưỡng như chuẩn bị cho một trận đánh quan trọng. Khi đồng chí Kinh Chi đứng lên kết luận hội nghị thì kim đồng hồ đã chỉ đúng 2h sáng.

Ngày hôm sau, 21/12, quyết tâm của hội nghị được phổ biến xuống từng bộ phận. Một cuộc chuẩn bị rất khẩn trương. Ai cũng hiểu kết quả của 3 tháng trời rèn luyện vất vả sắp được thể hiện một cách cụ thể. Không khí bỗng lắng xuống, trang nghiêm khi mọi người bất chợt nghĩ đến Bác. Nỗi đau của những ngày lễ tang đột ngột trở lại. Lòng mọi người đều nhói lên khi nhận thấy sau khi qua đời, Bác vẫn không được yên nghỉ trọn vẹn. Chiến tranh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc và không biết Bác sẽ còn vất vả, gian khổ đến bao giờ?

2. Buổi sáng ngày 22/12, một bộ phận của tổ y tế đặc biệt được lệnh cùng với hai chuyên gia Liên Xô mang bể thủy tinh lên K84 trước để chuẩn bị. Các đơn vị của Lữ đoàn 144 bí mật rải quân dọc hai bên đường. Cứ 5 ki-lô-mét lại có một trạm trang bị máy thông tin liên lạc. Trước đó, các chiến sĩ cảnh vệ cũng đã liên hệ với công an địa phương, nắm tình hình ở các xóm trên trục đường hành quân. Tất cả đều được dự tính trước để bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Đúng 23h ngày 23/12, đoàn xe đặc biệt được lệnh xuất phát. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục miền Nam đã có mặt đông đủ ở 75A để tiễn Bác. Đêm đó trời lạnh. Gió mùa đông bắc tràn về thổi giật từng cơn trên các lùm cây dọc hai bên đường. Phía sau đoàn xe, Hà Nội với những ánh đèn vàng lùi xa dần, cho đến lúc chỉ còn là một quầng sáng mờ đục trên bầu trời thành phố. Đoàn xe lặng lẽ vượt qua một thị trấn, bò xuống cây cầu rồi vượt lên bờ đê. Đoàn xe đi vào một thị xã, lúc đó đã chìm trong giấc ngủ. Mặt đường chỉ còn lác đác một vài bóng người cắm cúi đạp xe và thỉnh thoảng một đoàn xe quân sự chạy ngược chiều, đèn pha quét sáng rực thành từng vòm sáng trên những lùm cây xà cừ ướt đẫm.

Dẫu sao, chặng đường vừa trải qua vẫn là một chặng đường đơn giản vì phần lớn mặt đường được rải nhựa. Nhưng đoạn đường tiếp theo cho đến đích là một thử thách không nhỏ đối với họ. Khi đoàn xe vừa ra khỏi rặng cây xà cừ của thị xã, đường nham nhở, đầy ổ gà, ổ trâu lần lượt hiện ra trước mắt. Các chiến sĩ cảnh vệ đang tay cuốc, tay xẻng san lấp khẩn trương để bảo đảm xe qua. Sau khi đoàn xe đi qua họ lại xóa hết mọi dấu vết của cuộc di chuyển đặc biệt.

Ngoài chiếc Zin 157 chở thi hài của Bác còn có 4 chiếc xe khác. Xe đi đầu là chiếc Gát 69A, xe bảo ôn bảo vệ phía trước, xe bảo ôn bảo vệ phía sau, cuối cùng là xe của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo. Theo yêu cầu của các chuyên gia Liên Xô, để đề phòng những diễn biến bất trắc xảy ra dọc đường, tổ y tế phải chuẩn bị một cơ số thuốc dự bị đi cùng xe thi hài để khi cần có thể dừng lại làm thuốc bổ sung.

Đêm mùa Đông, càng về khuya trời càng se lạnh. Gió bỗng nhiên tắt lặng và những vì sao hiện ra mờ nhạt sau những tảng mây xám ngắt. Con đường trườn qua những sườn đồi, bò xuống những thung lũng, băng qua các cây cầu vừa được sửa chữa gấp gáp. Không gian hoàn toàn yên tĩnh. Chỉ còn nghe tiếng máy nổ, tiếng bánh xe nghiến trên đường đầy sỏi đá sàn sạt. Mỗi lần qua một đoạn đường xấu, một ý nghĩ, một câu hỏi cùng một lúc vụt đến với mọi người: Liệu Bác có làm sao không?

(Petrotimes) - Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền được phân công ngồi cùng xe chở thi hài Bác. Trời bên ngoài đã lạnh, trong xe càng lạnh hơn bởi những khối nước đá xếp đầy trong xe và xung quanh linh cữu Bác thay cho máy điều hòa nhiệt độ.

Đồng chí I-go, chuyên gia Liên Xô cũng tình nguyện lên xe thi hài, ngồi cùng với bác sĩ Quyền. Trong xe có trang bị điện thoại giữa bác sĩ Quyền và đồng chí Kinh Chi ngồi bên buồng lái. Thỉnh thoảng đồng chí Kinh Chi lại hỏi: “Thế nào, vẫn yên ổn cả chứ?”, đồng chí Nguyễn Gia Quyền đặt cặp kính trên nắp linh cữu để kiểm tra độ rung xóc của xe. Mỗi lần đồng chí Kinh Chi hỏi, nhìn cặp kính vẫn nằm yên ở vị trí cũ, đồng chí Nguyễn Gia Quyền lần nào cũng trả lời ngắn gọn: “Báo cáo, không có chuyện gì xảy ra cả”.

Trời vừa hửng sáng thì chiếc xe cuối cùng trong đội hình hành quân của đoàn cũng mất hút trong cánh rừng của khu căn cứ. Đoàn xe đi vào con đường ngang qua một hố nước lớn bàng bạc sương mù để lên đồi. Hai bên đường, lau, sậy mọc đầy, quệt hai bên thành xe lạt sạt. Lúc đoàn xe tắt máy dừng lại đã thấy rất đông người đứng đón Bác trước ngôi nhà kính. Trong cùng một lúc, cả người mới đến và người ra đón đều đổ xô đến chiếc Zin chở thi hài Bác. Cánh cửa sau xe vừa mở, đồng chí I-go và đồng chí Nguyễn Gia Quyền bước xuống, khuôn mặt hai người tái nhợt nhưng không giấu được xúc động.

Đồng chí Phùng Thế Tài bước đến nắm lấy bàn tay to, lạnh giá của bác sĩ I-go và hỏi: “Đồng chí ngồi trong đó lạnh, nhưng yên ổn phải không?”. “Tốt, tốt”, đồng chí I-go trả lời. Mọi người cùng thở phào. Họ hiểu: Như vậy có nghĩa là không có gì xảy ra đối với thi hài Bác.

Các đồng chí Quân ủy Trung ương tham gia xây dựng Lăng Bác - 1973

Buổi sáng ngày 24/12, đến với khu căn cứ thật yên tĩnh nhưng cũng thật sôi động. Cuộc di chuyển hoàn toàn thắng lợi. Mọi người khẩn trương đưa thi hài Bác vào nhà kính, nhanh chóng làm mọi công việc chuyên môn kỹ thuật. Các bộ phận khác thì củng cố nơi ăn, ở mới. Ai cũng ngơ ngác trước vẻ đẹp kỳ lạ của khu rừng. Trước đây khi các chiến sĩ công binh phải chặt bỏ một số cây thông để xây nhà ở và đào công sự, Bác chỉ cho phép chặt những cây không thể để lại được, cây nào còn có thể giữ được thì phải giữ lại bằng mọi cách. Bởi thế, ngay giữa tiền sảnh của ngôi nhà lớn trước đây là nơi họp của Bộ Chính trị, mọi người còn thấy một cây thông lớn chui vượt qua trước hiên ngạo nghễ tỏa bóng xuống khu rừng. Điều này chứng tỏ Bác không chỉ yêu mà còn tôn trọng vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên đến mức nào.

Có lẽ cũng cần phải nói thêm về tình hình dân cư ở xung quanh địa bàn đóng quân của đơn vị. Trước năm 1945, ở khu vực này có một cơ sở nhỏ của Quốc dân đảng. Trong chống Pháp trở thành vùng địch kìm kẹp có đồn bốt của lính Pháp. Cơ sở Đảng trong vùng yếu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước khi di chuyển thi hài Bác lên, Cục Bảo vệ đã làm việc kỹ với các tổ chức Đảng, chính quyền ở địa phương. Do phải giữ bí mật nên cả tỉnh ủy, huyện ủy và nhân dân trong vùng không ai biết rằng, quê hương của họ đang được nhận một vinh dự lớn: Thay mặt cho cả nước gìn giữ thi hài Bác.

Những ngày đầu ở K84 đã trôi qua trong những khó khăn, thiếu thốn tưởng như rất vô lý. Mọi người không ai được ra ngoài nên nguồn thực phẩm chủ yếu là ra rừng với thức ăn khô và từng bộ phận phải tự lo liệu lấy. Hầu hết các bộ phận: y tế, bảo vệ, công binh, thông tin, cục đối ngoại… anh em cán bộ, chiến sĩ từ nhiều đơn vị về, đơn vị cũ đã cắt quân số, nhưng đơn vị mới thì chưa được thành lập chính thức, do đó việc bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm… gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả trong các ngày tết Nguyên đán năm đó, đã sát tết rồi nhưng cán bộ, chiến sĩ ở đây vẫn chỉ có cơm độn ngô với canh rau rừng. Trước tình hình đó, tuy thời gian đã muộn nhưng đơn vị đã cố gắng cử người về các cơ quan cũ liên hệ xin được đảm bảo một phần tiêu chuẩn hương vị ngày tết cho anh em. Riêng với các đồng chí chuyên gia, những chiến sĩ quốc tế đã vượt hàng vạn dặm đến vùng rừng hẻo lánh này để đóng góp một phần chủ yếu vào việc gìn giữ thi hài Bác, đã được Cục Đối ngoại và đơn vị chăm sóc hết sức chu đáo.

Sau tết Nguyên đán, các bộ phận tích cực triển khai công tác tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho bộ đội, nhiều vạt đất ven hồ nước dưới chân đồi đã được phát quang để trồng rau, trồng sắn. Những đàn gà đầu tiên đã xuất hiện. Cuộc sống dần dần thay đổi.

Ngày 16/2/1970, Bộ Tổng tham mưu công bố quyết định thành lập Đoàn 69, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu do Trung tá Nguyễn Văn Hanh làm Chính ủy. Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Những tia nắng mùa xuân chợt hửng lên ửng vàng trên các tán rừng. Dưới kia, dòng sông vẫn cuồn cuộn chảy. Từ đỉnh đồi nhìn xuống dòng sông sóng bạc như một lưỡi kiếm sắc. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, những con người đã từ lâu gắn bó trong một nhiệm vụ thiêng liêng ngồi yên lặng lắng nghe đồng chí Nguyễn Văn Hanh đọc quyết định thành lập Đoàn. Kết thúc buổi lễ, mọi người đứng dậy, sát vai nhau với lời hô: “Trung thành vô hạn, vượt mọi khó khăn, quyết tâm gìn giữ tốt nhất thi hài Bác”.

Ít lâu sau, theo quyết định của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Đoàn 69 cũng thành lập. Các đồng chí Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Gia Quyền, Nguyễn Văn Mộc, Vũ Văn Quán, Đinh Viết Phụng được chỉ định vào Đảng ủy.

Chính ủy Nguyễn Văn Hanh trong những ngày đầy khó khăn ấy đã đóng góp một phần quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và củng cố đơn vị. Ban ngày anh xắn quần tham gia lao động với anh em, đêm về lại chong đèn suy nghĩ tìm ra những biện pháp tốt nhất để thực hiện nghị quyết của Đảng ủy: “Phải tự lực tự cường, không ỷ lại chờ trên, phát huy hết thế mạnh tại chỗ, tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho bộ đội, từng bước xây dựng đơn vị trưởng thành về mọi mặt”.

Vừa làm nghiệp vụ vừa lao động sản xuất, tự túc một phần lương thực, thực phẩm dần dần trở thành một nếp sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Nhiều người dân trong vùng ngày ấy, mỗi khi đi qua đường thấy những chiến sĩ không mang quân hàm, quân hiệu, cặm cụi cày cuốc đã lầm tưởng nơi đây là một khu cải tạo những quân nhân bỏ ngũ. Vì thế, trong những lần tiếp xúc, các chiến sĩ phải im lặng, làm ngơ trước những lời trêu chọc bóng gió, đôi khi rất nặng nề của các cô gái. Điều này phần nào đã xác nhận sự thành công của công tác giữ gìn bí mật.

Ngay sau khi được thành lập, Đảng ủy Đoàn đã đề ra nghị quyết về công tác đảm bảo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. Nơi ăn, chỗ ở được củng cố. Những vạt đất trồng rau, trồng sắn, trồng lúa được mở rộng, không còn manh mún, nhỏ lẻ như trước. Ban Chỉ huy Đoàn còn tổ chức chăn nuôi bò, lợn. Ngoài chỉ tiêu rau xanh chia cho từng bộ phận, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn còn lần lượt thay nhau đi chăm sóc đàn bò. Các cán bộ chỉ huy Đoàn cũng dành mỗi tháng một ngày đi chăm sóc đàn bò với các chiến sĩ. Ngày 23/5/1970, một phái đoàn chuyên gia của Viện Thi hài Lê-nin sang Hà Nội. Một hội đồng khám nghiệm thi hài Bác gồm các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã được thành lập. Sau khi tổ chức khám nghiệm ở K84, hội đồng đã kết luận: Qua 8 tháng đầu bảo vệ, gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một nước khí hậu nhiệt đới, mặc dù phải di chuyển xa nhưng hình dáng bên ngoài và các bộ phận trên cơ thể Người vẫn được bảo tồn đầy đủ, phù hợp với hình thể lúc Người còn sống.

Hội đồng còn khẳng định, thi hài của Bác có đầy đủ điều kiện để giữ gìn lâu dài. Đây là một phần thưởng hết sức quý giá đối với những cán bộ trong tổ y tế và tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Họ giành được thắng lợi trong chặng đường đầu tiên, chặng đường này sẽ là một tiền đề quan trọng cho tất cả thế hệ mai sau, khi họ được giao nhiệm vụ gìn giữ thi hài Bác.

Ngày 22/8, đồng chí Vũ Văn Cần, Ủy viên Ban Chỉ đạo từ Hà Nội lên chỉ thị cho Ban Chỉ huy Đoàn chuẩn bị đón đoàn đại biểu của Trung ương và Quân ủy lên viếng Bác. Nhận được lệnh, các đồng chí chuyên gia và tổ y tế khẩn trương làm việc: làm thuốc, chỉnh hình, cải tạo đèn ở phòng viếng… công việc kéo dài tới 17 giờ. Mọi người hiểu rằng, chỉ một thay đổi nhỏ trên khuôn mặt quen thuộc của Bác cũng sẽ làm cho chúng ta đau lòng. Vì thế, các đồng chí chuyên gia và các cán bộ y tế đã chú ý tới từng chi tiết nhỏ nhất trên cơ thể của Bác.

Sáng ngày hôm sau, 23/8, tại buồng thi hài ở khu căn cứ đã diễn ra một lễ viếng giản dị và trang nghiêm. Các đồng chí Trung ương và Quân ủy do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu bồi hồi đứng trước linh cữu Bác. Mới đó mà đã một năm trời Bác đi xa. Một năm với biết bao nhiêu nỗi đau, nỗi nhớ! Giờ đây, đứng trước thi hài Bác, những người học trò, những người đồng chí trung thành của Bác đều bàng hoàng, không tin rằng Bác đã đi mãi mãi, đều ngỡ ngàng tưởng như Người còn đang trong giấc ngủ.

Sau lễ viếng, đồng chí Lê Duẩn đã gặp mặt thăm hỏi các đồng chí chuyên gia và Ban Chỉ huy Đoàn. Đồng chí nhận xét: Thi hài của Bác giữ gìn rất tốt như thi hài Lê-nin ở Mát-xcơ-va.

Xế trưa đoàn mới rời K84 trở về Hà Nội.

3. Cuối năm 1970, cuộc sống của những người chiến sĩ Đoàn 69  – “Đội cận vệ đỏ của Bác”  – như anh em thường gọi, dần dần đi vào ổn định. Khu rừng không chỉ có những cây thông, cây lim cổ thụ mà còn có những nương sắn, nương ngô, những ruộng lúa nước đang được thu hoạch. Những buổi chiều, sau một ngày làm việc căng thẳng trong phòng làm thuốc hoặc ngoài nương rẫy, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn lại sôi nổi hoạt động thể thao quanh sân bóng và khi buổi tối đến, từng bộ phận lại tổ chức sinh hoạt, đọc báo, hoặc diễn đàn thanh niên hay biểu diễn văn nghệ… Nghị quyết của Đảng ủy Đoàn đã được cụ thể hóa trong từng việc làm, từng ý nghĩ của mỗi người. Ai cũng nghĩ rằng đơn vị sẽ ở đây, sẽ giữ gìn thi hài Bác tại khu đồi thơ mộng này cho đến ngày Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi hoàn toàn. Những phương án chuẩn bị cho một cuộc sống lâu dài ở khu căn cứ đã được Ban Chỉ huy Đoàn chuẩn bị và dự tính kỹ lưỡng. Nhưng một biến cố bất chợt đang xảy ra đã làm đảo lộn tất cả mọi sinh hoạt đang đi vào ổn định của Đoàn.

Đêm 20 rạng sáng ngày 21/11, tiếng máy bay trực thăng đột ngột vang lên trên bầu trời khu căn cứ. Từ trong nhà, mọi người cùng bật dậy, lao ra ngoài. Thấp thoáng sau những tán lá rừng, có nhiều chiếc trực thăng bật đèn hiệu nối đuôi nhau bay qua. Nhiều người tưởng không quân mình diễn tập. Nhưng chỉ một lát sau, khi nghe tiếng máy bay phản lực gầm rú, thì mọi người đều hiểu, có chuyện gì đó không bình thường đã xảy ra.

Ngày 24, Ban Chỉ huy Đoàn đã nhận được điện khẩn của đồng chí Phùng Thế Tài: “Trước đây các anh đổ nước vào thì bây giờ chuẩn bị múc nước ra”. Mặc dù nội dung bức điện chỉ ngắn gọn như vậy, nhưng Ban Chỉ huy Đoàn đã hiểu: Có lệnh chuẩn bị di chuyển thi hài Bác!

E259B - Đoàn Ba Đình lực lượng trực tiếp thi công lắp đặt thiết bị công trình Lăng Bác

Ngày hôm sau, các đồng chí Phùng Thế Tài và Kinh Chi trực tiếp lên đơn vị phổ biến quyết định di chuyển thi hài Bác về Hà Nội. Lúc ấy mọi người mới được biết, cái hiện tượng “diễn tập của không quân” thực chất là đêm phiêu lưu của lực lượng biệt kích Mỹ, hòng giải thoát những tên giặc lái đã bị bắt ở một trại tù binh. Nhưng bọn biệt kích đã vồ hụt, sau một lúc sục sạo không thấy gì, trại tù binh trống rỗng, bọn chúng bỏ chuồn thẳng.

Sau biến cố trên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định, khu đồi K84 tuy là một vị trí hẻo lánh, nhưng có nhiều đồi trọc, rất thuận lợi cho việc đổ bộ đường không của Mỹ. Hơn nữa, không quân Mỹ lại có khả năng trinh sát điện tử rất hiện đại, kết hợp với gián điệp nội địa, rất có thể chúng phát hiện ra khu vực này. Mặc dù xác định được rằng, một cuộc tập kích đổ bộ đường không như đã xảy ra ở Sơn Tây nếu diễn ra ở khu đồi K84, địch vẫn không thể cướp nổi thi hài Bác, nhưng sự đụng độ rất dễ gây ảnh hưởng lớn đến việc giữ gìn thi hài. Bởi vậy, Bộ Chính trị quyết định di chuyển Bác về lại Hà Nội. Ở Hà Nội, dù liều lĩnh đến mấy, không quân Mỹ cũng không thể tiến hành nổi một cuộc đổ bộ chớp nhoáng như đã diễn ra đêm 20/11.

Nhận lệnh di chuyển gấp, Đảng ủy và Ban Chỉ huy Đoàn họp và triển khai nhiệm vụ đến từng bộ phận, phân công người về, người ở. Bộ phận ở lại bảo quản cơ sở vật chất của khu căn cứ được giao cho đồng chí Vũ Văn Quán phụ trách.

Đêm mồng 3/12, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 144 được lệnh rải quân bảo vệ tuyến đường hành quân. Trước đó hai ngày, các chuyên gia Liên Xô và một số cán bộ trong tổ y tế đặc biệt cũng lên đường trở về 75A chuẩn bị đón Bác.

22 giờ, đoàn xe đặc biệt lại lặng lẽ rời căn cứ. Đêm đó trời quang đãng, gió chạy lang thang trên những khu đồi trống trải. Ở những đoạn đường nhiều ổ gà và những cây cầu hỏng lại thấy thấp thoáng bóng các chiến sĩ cảnh vệ với cuốc, xẻng, quang, sọt. Khi đoàn xe chạy qua, họ im lặng đưa mắt nhìn theo như để đưa tiễn Bác rồi lại vội vã xóa sạch dấu vết của cuộc di chuyển. Do đã rút được kinh nghiệm sau lần di chuyển trước nên đợt di chuyển này mọi việc đã diễn ra hết sức nhanh gọn.

3h ngày 4/12, đoàn xe về tới Hà Nội. Thành phố đang chìm sâu trong giấc ngủ, những ngọn gió buốt như kim châm vào các khớp xương nhức nhối, mấy chiếc lá khô cuộn mình ngủ yên trên hè phố bị ngọn gió đánh thức dậy, chốc chốc lại trở mình xào xạc. Khi chiếc xe Zin vừa dừng lại trước công trình 75A, các chuyên gia Liên Xô lên kiểm tra ngay hai miếng gạc đắp hai bàn tay Bác. Hai miếng gạc vẫn nằm nguyên ở vị trí cũ. Mọi người thở phào. Như vậy có nghĩa là, trong quá trình hành quân, thi hài Bác đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối.

Từ địa bàn rừng núi chuyển về thành phố, các chiến sĩ Đoàn 69 cũng như Ban Chỉ huy Đoàn đều rất yên tâm trong nhiệm vụ của mình. Ở thủ đô, đời sống sinh hoạt thuận lợi hơn. Công tác phục vụ bạn cũng đỡ vất vả, thiếu thốn. Nhưng cũng như ở K84 mọi người vẫn phải hết sức giữ bí mật. Ngay cả các đồng chí trong Ban Chỉ đạo hay chuyên gia, mỗi khi vào làm thuốc cho Bác đều phải ngồi trong xe bịt kín, thư từ của mọi người gửi về nhà đều phải để ngỏ. Sự đi lại hết sức hạn chế… Tuy vậy, không một người nào cảm thấy bức bối, khó chịu. Mọi người chấp hành các quy định nghiêm ngặt ấy một cách nghiêm túc, hoàn toàn tự nguyện, bởi họ hiểu rằng, sự hy sinh của họ là để phục vụ cho một nhiệm vụ cao cả. Họ không cảm thấy thiếu thốn bởi Bác luôn luôn ở bên cạnh họ, ở trong trái tim và tình cảm của họ.

(Petrotimes) - Khó khăn nhất vẫn là tuyến đường cuối của cuộc di chuyển. Đường trơn nhầy nhụa, lầy lội, đoàn xe phải chạy với tốc độ rất chậm. Ngồi trong xe chở thi hài Bác, đồng chí Nguyễn Gia Quyền nhiễm lạnh, giọng nói nghe qua ống nghe máy điện thoại lập bập, rời rạc.

4. Trưa ngày 18/8/1971, trời vẫn mưa như trút, đứng trên bờ đê nhìn xuống, dòng sông Hồng trở nên hung dữ. Tất cả nhà cửa, đường sá ở bãi sông đều bị nhấn chìm trong nước. Trên mặt đê san sát các lều bạt, giường tủ.

Đúng 13h, đồng chí Phùng Thế Tài trực tiếp phổ biến quyết định của Quân ủy di chuyển thi hài Bác trở lại căn cứ. Một cuộc họp khẩn cấp lập tức được triệu tập. Sau đó ai về việc nấy, hối hả chuẩn bị suốt đêm 18. Vì là lần di chuyển thứ ba nên mọi việc diễn ra hết sức thuận lợi. Nhưng vì khối lượng công việc nhiều nên đúng vào lúc 2 tấn nước đá được xếp lên xe Zin 157 thì trời cũng vừa hửng sáng.

8h ngày 19, đồng chí Kinh Chi xuống phổ biến mệnh lệnh hành quân rồi cùng với một số cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đi K84 trước. 11h hôm ấy, đoàn xe được lệnh rời khỏi công trình 75A. Cuộc di chuyển lần này diễn ra vào ban ngày nên tất cả các xe đều cắm cờ hỏa tốc và đều có giấy phép đi vào tất cả mọi con đường cấm. Khác với những cuộc di chuyển trước, vì nhiều đoạn đường bị ngập nên trong đội hình hành quân có thêm chiếc xe Páp, một loại xe đặc chủng của công binh vừa có thể chạy trên bộ vừa có thể chạy dưới nước, trong mọi địa hình và thời tiết phức tạp. Lần này, đồng chí Nguyễn Gia Quyền cũng lại được phân công ngồi trên xe chở thi hài Bác. Các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Phùng Thế Tài cùng hành quân đưa tiễn Bác.

Đoàn xe chạy trong mưa lạnh. Những con đường trong thành phố đều ngập nước. Suốt dọc hai bên đường hành quân, những cánh đồng lúa vừa bén rễ cũng bị nhấn chìm trong nước. Khắp nơi không khí chống lụt diễn ra khẩn cấp. Tiếng máy bơm, tiếng gầu tát nước vang lên trong tiếng sấm và tiếng mưa ào ào, không dứt.

Khó khăn nhất vẫn là tuyến đường cuối của cuộc di chuyển. Đường trơn nhầy nhụa, lầy lội, đoàn xe phải chạy với tốc độ rất chậm. Ngồi trong xe chở thi hài Bác, đồng chí Nguyễn Gia Quyền nhiễm lạnh, giọng nói nghe qua ống nghe máy điện thoại lập bập, rời rạc. Thấy vậy, đồng chí Phùng Thế Tài quyết định cho đoàn xe dừng lại nghỉ một lúc để mọi người lấy lại sức.

17h, đoàn xe về tới địa phận khu căn cứ. Lúc này trời đã ngớt mưa nhưng đoạn đường rẽ vào khu căn cứ ngập nước, xe Zin không thể vượt qua được

Biết rằng không thể dừng xe chờ nước rút, Ban Chỉ huy Đoàn quyết định chuyển thi hài Bác từ chiếc xe Zin sang xe Hồng thập tự rồi chuyển toàn bộ xe Hồng thập tự lên xe Páp. Chỉ có cách ấy mới vượt qua đoạn đường này. Phải cho đến khi chiếc xe Hồng thập tự nằm gọn trên thùng xe Páp mọi người mới thở phào, nhẹ nhõm. Chiếc Páp dừng lại một lát như để lấy sức rồi từ từ bò xuống ngầm. Xung quanh xe, nước ào ào chảy. Chiếc xe như một con tàu nhỏ vượt sông. Tất cả mọi người vượt sông. Tất cả mọi người khẩn trương lên xe Páp để vào khu căn cứ.

Khi chiếc xe Páp dừng lại, tắt máy trước cửa ngôi nhà kính, hai thanh sắt lại được bắc song song ở phía sau thùng xe. Lại những phút giây căng thẳng mới, đưa xe lên đã khó, đưa xe xuống lại càng khó khăn hơn. Chiếc xe Hồng thập tự nổ máy. Hai bánh sau của xe rồi hai bánh trước bám vào hai thanh ray từ từ lùi xuống. Cả bốn bánh xe đã nằm gọn trên hai thanh sắt ở một độ dốc 30 độ. Bên dưới là khoảng trống. Xung quanh bỗng im phắc, mọi người như nín thở. Không ai còn nghe thấy tiếng gió chạy rào rào giũ nước trong rừng thông. Không gian chỉ còn tiếng xe rú nhè nhẹ, 4 bánh xe từ từ lăn trên hai thanh sắt. Và đến khi chiếc xe Hồng thập tự đỗ thăng bằng 4 bánh trên mặt đất, mọi người ồn lên. Vì quá căng thẳng và xúc động, đồng chí Sướng xỉu thiếp đi trên vòng tay lái.

Sau 8 tháng trời xa cách, trở lại K84 lần này mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của khu căn cứ. Mặc dù chỉ còn một bộ phận nhỏ ở lại nhưng cơ sở vật chất được phát triển khá phong phú. Ngay buổi tối hôm ấy, để mừng thắng lợi của cuộc di chuyển, Ban Chỉ huy Đoàn đã cho anh em một bữa liên hoan bằng những vật phẩm của các chiến sĩ làm ra.

Thời gian lại lặng lẽ trôi qua trên khu đồi thơ mộng và yên tĩnh. Con sông sau mùa lũ lụt dữ dội hiếm thấy trong lịch sử lại thu mình chảy hiền hòa, êm đềm giữa hai bờ lau sậy xanh biếc. Rồi tết đến, một cái tết thật yên ả. Mọi người đón xuân trên những cánh đào, những đòn bánh chưng xanh. Đó là một mùa xuân đầy đủ, ít xáo động nhất của những người lính Đoàn 69 kể từ khi được thành lập. Đó cũng là mùa xuân thứ ba, đất nước ta, dân tộc ta vắng Bác.

5. Mùa hè năm 1972, Ních-xơn liều lĩnh dùng máy bay B.52 đánh phá trở lại miền Bắc, dùng thủy lôi phong tỏa mặt biển, hy vọng có thể giành được ưu thế trước khi hiệp định ngừng bắn được ký kết.

Tất cả những diễn biến quân sự ấy đều được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương dự tính và chuẩn bị đối phó. Ngay từ những ngày giữa tháng 5, khi tin chiến thắng dồn dập bay về Hà Nội, Bộ Chính trị đã có kế hoạch đưa nhân dân và các cơ quan trong nội thành, nội thị và một số khu công nghiệp lớn tiếp tục sơ tán về nông thôn và các khu căn cứ vùng núi.

Vào những tháng ngày sôi động ấy, một bầu không khí lo âu bao trùm lên khu căn cứ của Đoàn. Mỗi khi có tiếng máy bay bay qua bầu trời của khu căn cứ và nghe tiếng bom rền rĩ từ thủ đô và các vùng xung quanh dội về, lòng mọi người lại thấp thỏm, bồn chồn.

Đề phòng máy bay Mỹ có thể ném bom phá hủy khu căn cứ, Ban Chỉ huy Đoàn quyết định chuyển thi hài Bác từ nhà kính xuống hầm ngầm.

Nhưng đưa Bác xuống hầm ngầm trong tình hình máy bay Mỹ ngày càng đánh phá dữ dội miền Bắc chỉ là một biện pháp tạm thời, bởi K84 mặc dù ở xa Hà Nội nhưng lại nằm trong phạm vi đường bay của máy bay giặc Mỹ. Đề phòng khả năng bị đánh trả quyết liệt, máy bay Mỹ sẽ quăng bom bừa bãi dọc đường bay để tháo chạy, Bộ Chính trị và Quân ủy lại quyết định di chuyển thi hài Bác đến một vị trí an toàn hơn, trước ngày 15/7/1972.

Song di chuyển Bác đi đâu, về hướng nào là một câu hỏi lớn đối với Ban Chỉ huy Đoàn 69. Cuối tháng 6 một đoàn cán bộ do đồng chí Kinh Chi phụ trách đã tiến hành một chuyến đi khảo sát từng công trình, cuối cùng Ban Chỉ đạo quyết định chọn K2, một hang đá lớn nằm bên bờ tả dòng sông, cách K84 15 kilômét về phía bắc.

Sau khi nghe đoàn khảo sát trở về báo cáo, Ban Chỉ đạo quyết định cải tạo lại K2 làm nơi giữ gìn thi hài Bác. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ Tư lệnh Công binh với thời hạn 20 ngày đêm vừa khảo sát thiết kế và cải tạo. Tuy khối lượng công việc bề bộn, nhưng bù lại, đơn vị thi công sẽ được chi viện, đáp ứng mọi yêu cầu về vật tư kỹ thuật. Trong khi các chiến sĩ công binh bắt tay vào cải tạo K2, thì các chiến sĩ Lữ đoàn 144 cũng bắt tay vào sửa chữa đường và luyện tập.

Sau vụ lụt năm 1971, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý xe, Tổng cục Hậu cần cải tạo xe Páp để chở thi hài Bác mỗi khi cần phải di chuyển. Đặc biệt xe phải bảo đảm khả năng việt dã, lội nước cao, có thể di chuyển trong mọi địa hình, thời tiết và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn không thể xảy ra bất kỳ sự cố nào trong quá trình sử dụng.

Một năm sau các cán bộ, công nhân quốc phòng Cục Quản lý xe đã cho ra đời một chiếc Páp thỏa mãn tất cả mọi yêu cầu nói trên và bàn giao cho Đoàn 69. Sau này, khi được biết chiếc Páp mà đơn vị mình cải tạo được dùng để chở thi hài Bác trong những năm chiến tranh ác liệt, các chiến sĩ Cục Quản lý xe, Tổng cục Hậu cần hết sức cảm động. Họ không ngờ chính họ đã được nhận niềm vinh dự đặc biệt ấy.

Phòng theo dõi an ninh ở khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đêm mồng 9/7, thi hài Bác được chuyển vào quan tài kính và đến 21h ngày 11/7, đoàn xe chở thi hài Bác được lệnh rời khỏi K84. Khi đoàn xe đến bến, đã thấy 3 chiếc xe lội nước K61 chờ sẵn. Mặc dù đã tập luyện nhiều, nhưng chiếc xe Páp từ từ bò xuống bến sông, tim mọi người thót lại và lo lắng. Đêm đó nước sông chảy xiết. Những đám bọt sôi ào ạt ở đầu và hai bên thành xe. Ánh đèn pha quét trên mặt sông từng vạt sáng lấp lánh. Đoàn xe lặng lẽ rời bến, xuôi theo dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Chưa đầy nửa giờ, đoàn xe đã lần lượt cập bến bên bờ tả ngạn. Do được tập luyện tốt nên cuộc vượt sông diễn ra hoàn toàn thuận lợi. 0h15’ ngày 12/7, đoàn xe vào tới K2. Cả khu rừng bạt ngàn trong một khoảnh khắc như đã yên lặng mở rộng lòng ra đón Bác.

Công việc gìn giữ thi hài Bác ở K2 phức tạp và vất vả hơn nhiều, nhất là với tổ y tế đặc biệt, vì ở đây không có nơi hấp sấy quần áo nên sau mỗi lần làm thuốc, anh em phải cử người gánh gồng quần áo đi bộ qua rừng, qua sông về K84 giặt giũ, hấp sấy. Cứ như vậy mỗi tuần hai lần trong suốt 7 tháng trời ròng rã.

Tháng 12/1972, máy bay Mỹ tăng cường đánh phá Hà Nội, việc đưa đón chuyên gia gặp nhiều trở ngại, Ban Chỉ huy Đoàn đã đề nghị với bạn ở lại K84 vì dù sao ở K84 cũng an toàn hơn ở Hà Nội.

6. Đầu năm 1973, sau những xáo động lớn, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 ở K2 dần dần đi vào ổn định. Những vườn rau, nương sắn trong thung lũng đã lên xanh. Sự vất vả đã trở nên quen thuộc đối với mọi người lính. Giữa lúc đó, lúc mà mọi người xác định giữ gìn thi hài Bác lâu dài ở K2 thì Hiệp định Pa-ri, một hiệp định mà nhân dân ta đổ không biết bao nhiêu xương máu để giành lấy từng dòng, từng chữ, đã được ký kết. Ních-xơn buộc phải tuyên bố triệt thoái toàn bộ quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam.

Ngày 27/1/1973, Chính ủy Nguyễn Văn Hanh được lệnh về Hà Nội nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho đơn vị tổ chức đón Bác về lại K84. Đã là những ngày giáp tết rồi. Trong lúc cán bộ, công nhân ở các cơ quan, xí nghiệp được về quê ăn tết với gia đình thì các chiến sĩ Đoàn 69 vẫn lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc di chuyển mới. Phương án di chuyển vẫn bằng phương tiện cũ và đi đường cũ.

Đêm hôm ấy, trong dãy lán lợp lá cọ dưới chân núi, mọi người quây quần quanh cành đào đón giao thừa và chờ nghe thư chúc tết của Bác Tôn. Đồng chí chính ủy Nguyễn Văn Hanh thay mặt Đảng ủy và Ban Chỉ huy Đoàn công bố quyết định khen thưởng cho các tập thể và cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm, đồng thời phổ biến quyết định và giao nhiệm vụ cho từng bộ phận.

Ngày mồng 4 tết, tức là ngày 8/2/1973, sau khi các chuyên gia Liên Xô và Ban Chỉ đạo xem xét, kiểm tra lại việc quản lý thi hài, lệnh di chuyển chính thức được công bố. 21h đoàn xe rời hang đá ra bến sông. Hình như cho đến lúc ấy, những người dân trong vùng mới biết niềm vinh dự mà quê hương mình thời gian qua đã được giao phó. Họ đã lặng lẽ đổ ra hai bên đường. Những ánh mắt, những bàn tay giơ lên vẫy chào tạm biệt, những nụ cười ngập ngừng đã nói lên tất cả tấm lòng của họ đối với Bác, với các chiến sĩ Đoàn 69.

Đêm ấy trời sáng đầy sao. Những tán lá rừng, những cánh hoa rừng rơi đầy ở hai bên lối đi thỉnh thoảng lại thả một vài cánh hoa mềm nhẹ lên linh cữu Người. Rừng ngào ngạt hương xuân. Đây là lần đầu tiên kể từ 4 năm lại đây, các chiến sĩ Đoàn 69 được khiêng linh cữu Bác trên vai, đi trên một đoạn đường dài, trong một thời gian dài đến như vậy.

Khi mọi người từ ngôi nhà kính, nơi đặt thi hài Bác trở ra thì gà nhà, gà rừng đã bắt đầu cất tiếng gáy. Công việc di chuyển kết thúc, đấy cũng là lần di chuyển thứ năm thi hài Bác. Sau này, khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, trong một lần nói chuyện với đồng bào tỉnh Long An, đồng chí Vũ Kỳ đã kể lại những chuyến đi đầy gian khổ, qua sông, qua núi, ở rừng, ở hang của Bác sau khi Người qua đời, nhiều người nghe chuyện đã không cầm được nước mắt.

Còn khi ấy, vào buổi sáng ngày mồng 5 tết Quý Sửu, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong lần di chuyển thứ năm đã nghĩ ngay tới lần di chuyển thứ sáu và chắc chắn sẽ là lần di chuyển cuối cùng: Đón Bác về lại thủ đô, về lại ngôi nhà vĩnh hằng của Người mà giờ đây đang được các nhà kiến trúc thông qua lần cuối cùng bản đồ án thiết kế và các lực lượng thi công đang triển khai để chuẩn bị khởi công xây dựng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: