kinh nghiệm phỏng vấn

I. Vẻ bề ngoài tiếp viên hàng không tương lai

1) Để đạt được sự tươi trẻ và trẻ trung

Cố gắng đứng trước gương tập cười, cười các kiểu: chúm chím (để tạo đồng tiền hay "lúm, khoen" trên má), cười tươi (nhếch mép lên 30 độ, cố để hở hàm răng nếu hàm rằng bạn trắng đẹp) đồng thời chú ý đến con mắt cố gắng tạo nụ cười trong ánh mắt và mắt long lanh (nếu cười như thế mà mắt có đuôi, cũng tốt => thân thiện).

Trang điểm: Nên nhớ một điều đừng bao giờ đi ra ngoài thuê trang điểm. BGK là những người kinh nghiệm, họ sẽ dễ dàng nhận ra bạn tự trang điểm hay thuê ngoài (thuê ngoài là sẽ mất điểm ngay, bởi vì nó không thể hiện kỹ năng trang điểm của bạn). Tuy nhiên, nếu bạn tự trang điểm mà phô quá (cũng không nên). Nên tạo nét hài hòa và trang điểm nhẹ khi bạn đi phỏng vấn. Thường dùng tông hồng sen, hồng cam hoặc đỏ (đất) dễ tạo sự trẻ trung cho gương mặt của bạn.

Tóc: Kẹp gọn gàng, hoặc nếu có để xõa, cũng cần gọn gàng. Lưu ý, đây là nơi bạn đi xin việc chứ không phải là nơi bạn biểu diễn sự duyên dáng (có bạn vào gặp BGK, vừa nói vừa vuốt các lọn tóc được xấy xoăn rất cẩn thận, lại còn hơi nghiêng người, hất nhẹ ra đằng sau v.v...), hoặc đừng quá nhí nhảnh "tóc em đuôi gà".

Bàn tay và móng tay: Đây là chỗ dễ lộ ra nhất và BGK cũng hay "soi" vì khi phục vụ trên máy bay, bàn tay bạn đưa qua đưa lại, dễ lôi cuốn sự chú ý. Vậy lưu ý việc làm sạch móng tay, nếu có để móng thì cắt đẹp, nếu có sơn thì sơn màu hồng lợt hoặc trắng bóng. Không sơn đỏ, đen, nâu, xanh và vẽ vân hoa.

2) Để đạt sự cao ráo và năng động

Chọn trang phục: Nên mặc quần tây áo sơ mi hoặc jiup công sở, áo sơ mi hoặc áo kiểu công sở. Tránh mặc áo vét (quá nặng nề), lại càng tránh mặc áo thun T shirt hoặc áo thun kiểu và quầy jean, quần kaki. Nếu có 1 bông hoa broche cài nhẹ nhàng hoặc có 1 cái khăn làm nơ => trông rất tuyệt.

Giày: Nếu có thể, bạn nên chọn đôi giày cao gót (khoảng 5 phân), nếu quần tây quả bạn phủ cả đôi giày (phía sau) => làm cho dáng bạn khá cao ráo. Tránh đi giày bẹt (làm cho bạn thấp đi), tránh bước đi nghe tiếng động lộp cộp (sàn lát gạch mà các bạn) => tạo nên sự thiếu thiện cảm ngay từ đầu.

Dáng đi và dáng đứng tạo sự năng động cho bạn: BGK quan sát bạn ngay từ khi bạn bước vào phòng thi. Lưu ý dáng đứng: bàn chân phải lùi sau gót chân trái nửa bước và nhìn bàn chân trái và phải gần trên 1 đường thẳng => mục đích tránh để khoảng hở giữa lòng 2 chân quá nhiều (nhiều khi chân vòng kiềng, dễ bị phát hiện lắm).

Dáng đi: Bạn bước tự tin, sải chân bằng chiều ngang vai, đừng bước bước quá nhỏ và chậm => tạo dáng nặng nề và chậm chạp, chân bị ríu vào nhau => mất điểm chỗ này. Khi đi tay để lên túi đeo vai, nhưng tốt hơn hết khi vào nên cầm theo 1 cái folder bìa trong mỏng hoặc túi nhẹ (không nên mang cái túi quá to và nặng, màu sắc rực rỡ). Không đánh tay, không dùng tay vân vê quai túi.

Nếu bạn không cầm gì, tay phải úp trên tay trái ngửa, để ngang bụng, bước vào là đẹp nhất. Phần giao tiếp, mình sẽ nói đến cách chào BGK và cách ngồi, nếu BGK mời bạn ngồi xuống ghế. Bạn nên nhớ, mọi cử chỉ lời nói của bạn đều "bị" quan sát đó.

Quan điểm: Nếu ứng viên cẩu thả hoặc thiếu sự chuẩn bị ngay ban đầu thì làm sao làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp được. Bạn nên nhớ, đây không phải là "vườn trẻ" để bạn vào rèn luyện, mà là nơi đòi hỏi bạn đã có các tố chất nêu trên, chỉ cần trong vòng từ 3 – 6 tháng, đào tạo thêm và chuyên sâu để bạn càng chuyên nghiệp hơn.

II. Phương pháp giao tiếp

a) Để đạt sự lịch thiệp và tinh tế trong giao tiếp

– Tiến đến bàn BGK, bạn nên có lời chào: "Dạ, em chào anh (chị)" hoặc "em chào các anh các chị". BGK sẽ rất khó chịu nếu bạn chào "em chào mấy anh mấy chị". Lưu ý, mỉm cười nhẹ trước khi chào.

– Nên đứng cho đến khi nào BGK đề nghị bạn ngồi.

– Lưu ý: Phải đọc kỹ vị trí thi tuyển và công ty/ đơn vị thi tuyển. Đoàn Tiếp viên thì dễ nhớ, nhưng TIAGS "Xí nghiệp Thương mại Mặt đất Tân Sơn Nhất" thì khó nhớ hơn nên có nhiều bạn không nhớ chính xác tên công ty mình thi vào => mất điểm nhé.

– Khi trả lời câu hỏi vì sao, ví dụ như câu "Vì sao em muốn làm việc trong ngành ?". Các bạn cần trả lời câu đầy đủ: "Em muốn làm việc trong ngành hàng không là vì ...". Rất nhiều bạn nói liền luôn "Vì đó là ước mơ từ nhỏ của em(!?)" => hehe, BGK không thể nào rủ lòng thương cô bé tội nghiệp có ước mơ giản dị này.

– Câu trả lời thể hiện sự hiểu biết của bạn nên là "Em muốn làm việc trong ngành hàng không vì em nhận thấy bản thân có các tố chất, khả năng và kỹ năng theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng. Bản thân em cũng đã có định hướng cho nghề nghiệp khi em còn học ....(gì gì đó)".

– BGK có thể hỏi thêm: "Em hãy nói rõ về tố chất, khả năng và kỹ năng mà em đề cập". Ui, quá tốt rồi, bạn cứ thuộc lòng cái đoạn yêu cầu của vị trí tuyển dụng. Nhiều khi BGK hỏi sâu hơn, ví dụ: "em vừa đề cập đến việc em có thể làm việc trong môi trường áp lực cao? em hãy cho một tình huống cụ thể mà em đã trải nghiệm để giải thích rõ hơn" => Ố là la, cái này bạn cần chuẩn bị kỹ à nha, tình huống của chính bạn (Mình sẽ gợi ý thêm 1 số câu hỏi mà BGK có thể hỏi).

b) Cách sử dụng các cử chỉ điệu bộ – Nên và Không nên

– Dáng ngồi: Nếu ban mặc jiup, khi ngồi không được vắt chéo chân lên đùi. Cần phải ngồi thẳng lưng, 2 chân đề xéo và song song với nhau, mũi chân đè xuống sàn để chịu lực, gót kiễng lên. Ban đầu ngồi thấy khó chịu, nhưng sau dần dần sẽ quen, bạn ạ. Kiểu ngồi (mặc jiu1p đó) giúp bạn duyên dáng hơn. Nếu bạn mặc quần tây, nên khép sát 2 đùi, để thẳng (jiup thì xéo cẳng chân). Bàn tay vẫn ở tư thế bàn tay phải úp trên lòng bàn tay trái, hoặc là bàn tay phải đan trên lưng bàn tay trái (các ngón tay chụm lại, chúi xuống).

– Trong quá trình giao tiếp với BGK: Không được quá đơ người (ngồi thẳng lưng, nhưng thoải mái), không lắc vai, không ngoáy mũi.

– Nên ánh mắt chuyển qua từng giám khảo (bạn cần phải làm khéo, không thì phô lắm) để tạo sự giao tiếp bằng mắt với các giám khảo, chứ đừng nhìn vào một người. – Khi kết thúc phỏng vấn, các bạn đi ra ngoài bằng cách bước lui lại 2 – 3 bước rồi sau đó mới quay lưng bước đi, đừng quay ngoắt liền trước mặt BGK.

III. Sự hiểu biết về ngành và xã hội

1) Về ngành, về công việc

Các bạn nên nhớ không giám khảo nào yêu cầu các bạn phải trình bày chi tiết hiểu biết về ngành, vì các bạn sẽ được đào tạo chuyên sâu về ngành ngay sau khi trúng tuyển. Tuy nhiên, một số điểm cần phải hiểu rõ:

– Tên công ty/ bộ phận bạn đang dự tuyển.

– Chi tiết công việc mà bạn dự tuyển, tính chất công việc

– Thông thường mô tả công việc đều được đăng một cách rõ ràng, nhưng đó là những nét chính. Tuy nhiên, nhiều bạn chưa lường trước hoặc hiểu rõ công việc mà mình đang dự tuyển nên không có sự chuẩn bị câu trả lời sẵn

VD: Em thử mô tả công việc tiếp viên của tiếp viên hàng không

i) Về an toàn:

– Kiểm tra thiết bị trên máy bay để đảm bảo sự an toàn.
– Kiểm tra số lượng hành khách trên máy bay...

ii) Phục vụ hành khách: Phục vụ suất ăn: nóng, lạnh v.v....

iii) Công việc hành chính: Điền vào các biểu mẫu v.v...

Nhưng bạn có biết, trong quá trình bay đường dài, tiếp viên hàng không còn phải làm những công việc dọn dẹp khác như dọn dẹp toilet không?

Nếu giám khảo đưa ra tình huống sau hỏi bạn :

*) Máy bay đang bay bằng (cruise speed), bạn khá mệt sau khi vừa phục vụ suất ăn và dọn dẹp khu vực galley (tức bếp trên máy bay), bạn được tiếp viên trưởng yêu cầu dọn dẹp lavatory đầy rẫy giấy vương trên sàn, nước đổ nhiều trên sàn, bạn sẽ làm gì (thường việc này được phân công ngay từ đầu trong tổ tiếp viên, tuy nhiên đây là câu hỏi dự tuyển để kiểm tra phản ứng của bạn và độ thích nghi với công việc).

**) "Em có suy nghĩ gì không khi được yêu cầu phục vụ một hành khách già yếu, ngồi xe lăn, tay run rẩy, bị lở loét?"

=> Đây là 1 nghề phục vụ, câu hỏi này để xem mức độ thích nghi trong phục vụ hành khách của bạn và cho biết suy nghĩ, cảm xúc của bạn.

Một số câu hỏi khác:

1) "Ai trang điểm cho em?" (Đã trả lời phía trên)

2) Tại sao em thích nghề tiếp viên hàng không mặc dù với bằng cấp em đang có (vd, tốt nghiệp đại học chính qui kinh tế chẳng hạn), em có thể tìm một công việc phù hợp hơn, ít vất vả hơn?

Lưu ý với các bạn trẻ thiệt là trẻ (đừng trẻ như em bé nhé) => Đừng bao giờ nói câu "Đây là niềm mơ ước của em từ nhỏ" => Không ai tước bỏ sự mơ ước của bạn cả, chỉ có điều giám khảo muốn biết bạn đã làm gì để đạt được niềm mơ ước đó. Ước mơ (mà không làm gì) chỉ mãi mãi là ước mơ.

3) "Em đang đi học, phải không?" => Nếu bạn trả lời "Dạ em đang học năm thứ 2" => rất dễ rớt (trừ phi bạn thật xuất sắc), vì ai nỡ làm gián đoạn việc học của bạn, BGK có thể nghĩ "tội nghiệp em quá, cha mẹ nuôi ăn học đến chừng này, thôi để em học nốt rồi đi làm cũng không muộn. Có khi sau khi tốt nghiệp, em càng trưởng thành hơn" hoặc " đang đi học thế này, rồi nhận vào làm, làm sao vừa học bên ĐH vừa học nghề bên tiếp viên hàng không => có thể bỏ, phí 1 chỗ cho em khác xứng hơn".

4) Xin lỗi, cho tôi hỏi một câu cá nhân nếu em không phiền, em có người yêu chưa? Nghề tiếp viên hàng không có thời gian làm việc bất thường, đi xa, em sẽ chia sẻ thế nào với bạn (trai/ gái) của em? => Cách trả lời của bạn sẽ giúp giám khảo đánh giá mức độ thích nghi với công việc của bạn (vì nếu bạn đọc kỹ, trong phần mô tả công việc có điều kiện làm việc).

Các bạn nên nhớ, họ chọn "người phù hợp nhất với nghề", chứ không phải người giỏi nhất trong số thí sinh dự tuyển nhé.

2) Câu hỏi về xã hội

BGK có 1 list các chủ đề để hỏi về xã hội để nhận biết mức độ hiểu biết của các bạn và ứng xử tình huống khó (thi cử khó vậy, rồi đào tạo cũng kỹ lưỡng vậy mà vẫn có những trường hợp "đụng chuyện" không biết xử lý như cô tiếp viên hàng không với ông HLV vừa xùm xèng một dạo). Ví dụ:

a) Em có quan tâm đến các sự kiện văn hóa xã hội gần đây không? Sự kiện nào em quan tâm nhất và vì sao?
b) Em có thích thời trang không? Vì sao? Lợi ích của nó đối với cuộc sống?
c) Em có theo dõi vụ việc ông HLV Taekwoondo không? Nếu ở vào vị trí cô tiếp viên đó, em sẽ xử lý thể nào?

Tốt hơn hết là các bạn nên có một vài buổi viết ra các chủ đề như thế này và gạch đầu hàng cho câu trả lời, sau đó đứng trước gương tập nói cho lưu loát.

Đối với phần trả lời các câu hỏi về hiểu biết công việc, ngành và xã hội, cần nhất vẫn là "trình bày lưu loát, thành thật, thể hiện sự hiểu biết" và đôi lúc cần sự dí dỏm một chút.

Nếu thực sự các bạn muốn làm việc trong ngành hàng không, bạn nên có một sự đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi dự tuyển.

Mến chúc các bạn thành công, trở thành một tiếp viên hàng không giỏi

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: