Chương 3: Bánh, mít và Anh
Thời gian này mặc dù lâu lắm rồi mới về nhà bà ngoại chơi nhưng Phương Nga cũng khó có thể ở lại lâu. Chuyện học hành và gia đình cô vẫn còn rất nhiều thứ phải để tâm và hoàn thành. Về thăm nhà bà nhiều nhất cũng chỉ ở được một tuần.
Đến ngày thứ ba, như thường lệ Nga vẫn chỉ ở nhà, thỉnh thoảng ra vườn bắt sâu cho rau của bà, chiều tối thì cho lợn gà ăn. Rảnh rỗi trong ngày sẽ ngồi đùa nghịch với con Mao. Mao có thể coi là người bạn từ nhỏ của Nga, bởi từ khi Nga có nhận thức và suy nghĩ thì chó con đã ở với bà ngoại.
"Mày ở nhà nhớ ngoan nghe không! Phải chăm sóc bà đấy!"
Cả chủ và chó cười híp cả mắt, Mao vẫy đuôi không ngừng hưởng ứng lời nói của cô chủ. Bà ngoại bên cạnh bất lực bật cười.
"Nó biết gì mà chăm sóc bà.."
"Biết chứ! Con dạy nó rồi!"
Nga phản bác lời bà, ngay lập tức con Mao cũng gâu một tiếng, ý bảo " đúng vậy đúng vậy". Bà ngoại không thèm chấp nhặt hai đứa nhỏ nữa, quay lại làm việc của mình.
Một người một chó vờn nhau giữa sân, thi thoảng sẽ lăn đùng ra đất. Bẩn mà vui.
Nga cười hí hí há há cả ngày. Cô thấy mình sống đúng độ tuổi của bản thân khi có thể thoải mái như vậy.
Cạch.
Cánh cổng sắt được mở ra. Mao đang nô đùa đã quay phắt bốn chân chạy ra cổng. Cái đuôi nó vẫy kịch liệt như đang đón chủ.
Người kia đi vào. Là Vũ Thành Văn. Anh đến mang cho hai bà cháu chút đồ gì đó.
Phương Nga cũng đứng dậy, thoạt nhìn anh một cái: "Chào anh."
"Nga đã ăn gì chưa? Anh mua chút đồ ăn cho hai bà cháu."
Thấy Văn nhiệt tình với nhà mình như vậy, Nga cũng lấy làm ngại. Nhưng bà ngoại cô thì không như thế, từ trong nhà, vừa mới nghe thấy tiếng của Thành Văn bà đã vui vẻ đi ra. Niềm vui ánh trên gương mặt bà khi nhìn Văn khiến Nga hờn ra mặt.
Cô cảm giác như Văn mới chính là cháu ruột của bà ngoại chứ không phải mình.
Phương Nga không đoái hoài đến Văn, cô hệt như trẻ nhỏ bị tranh kẹo. Mà bản tính trẻ con lại rất hay hơn thua nên lập tức chạy đến cạnh bà, níu lấy tay bà nũng nịu: "Bà ơi, con thèm xôi xéo bà làm quá đi mất!"
Ý tứ có vẻ hơi rõ ràng.
Bà ngoại cười hiền nhìn Nga, rồi quay sang nói với Văn: "Thấy không cháu? Lớn tướng rồi mà cứ như con nít." Rồi bà gỡ tay Nga ra, vào nhà chuẩn bị thổi xôi. Vừa đi vẫn không ngừng trêu cô cháu gái: "17 tuổi đầu rồi. Đến tuổi lấy chồng là phải gả đi. Thế mà vẫn thế này đây.."
"Bà ngoại..." Nga xụ mặt, tiếng gọi bà ngân thật dài, muốn bà đừng nói như vậy nữa. Ít nhất trước mặt một người con trai chưa thân quen với mình, Nga ngại vô cùng.
Càng ngại thì càng khó có thể thoải mái. Những lúc có Văn Nga dường như sẽ thu mình lại. Cô ngại thể hiện con người thật của bản thân, một phần khác cũng là dè chừng sự giúp đỡ nhiệt tình của Văn.
Vũ Thành Văn không phải một người bí ẩn. Anh rất chân thật. Đúng chất một con người của làng quê bình yên, giản dị. Văn không hay diện đồ, quần áo anh mặc chỉ đơn giản khi là áo phông quần dài, những khi sang nhà sửa đồ hộ bà sẽ thay quần dài bằng quần đùi để dễ làm việc. Anh giúp bà rất nhiều việc, từ chăm con Mao, bắt rận cho nó đến những việc nặng nhọc như khiêng vác hay sửa chữa đồ đạc bị hỏng trong nhà.
Anh cũng rất tự nhiên, hoàn toàn không ngại ngùng hay câu nệ trong lời nói với người khác. Dù là với một người mới gặp như Nga, tông giọng vẫn giữ những sắc thái vô cùng gần gũi, tạo cho người khác sự an tâm.
Quả thật, anh hội tụ trong mình tất thảy những yếu tố thuộc về nơi thanh bình này.
"Nga. Nga. Nga ơi!!?"
Giọng nói của Văn vang vọng trong đầu Nga, nghe sao chân thật quá.
Nga giật mình hoàn hồn. Hóa ra cô đã trầm ngâm suy nghĩ rất lâu, lại không nhận ra rằng mình đang nhìn Văn chằm chặp.
Cô xấu hổ: "Xin lỗi anh. Tôi vô ý quá."
"Không sao đâu. Chỉ là em vào bếp với bà đi kẻo bà chờ lâu."
"À.. ừm..."
Nga líu ríu trong cổ họng đáp lại một tiếng. Nếu để ý kĩ thì hai vành tai cô đã đỏ ửng vì ngại, ai lại nhìn người ta chăm chăm rồi bị phát hiện cơ chứ?
Nói xong thì chuồn lẹ vào bếp thổi xôi với bà, để lại Văn một mình đứng giữa sân không biết phải làm sao. Anh bật cười, giơ tay khẽ vuốt vuốt sống mũi rồi lại nhìn túi bánh ở tay bên cạnh.
Dưới chân, con Mao lắc lắc cái đuôi, lưỡi thè ra như chờ cái bánh. Văn nhấc chân bước vào nhà: "Cái này không ăn được đâu."
Cả buổi sáng vậy là chỉ quanh quẩn trong bếp. Bà ngoại thổi xôi, Nga và Văn bên cạnh có việc gì sẽ giúp đỡ bà. Trong lúc chờ xôi chín bà sai hai người ra vườn hái mít vào để ăn. Cây mít trong vườn nhà bà rất sai quả. Thậm chí còn bị rụng mất đi vài quả ngon, một mình bà cũng không ăn hết.
Vì vậy mùa mít chín bà ngoại sẽ thường mang đi cho hàng xóm. Cũng bởi Nga không về để ăn.
Văn và Nga cùng sải bước ra vườn. Bầu không khí thoáng chốc rơi vào tĩnh lặng, Nga ngượng ngùng và đoán chắc Văn cũng thế.
"Mít chín thơm thật Nga nhỉ."
Văn mở lời, nhưng Nga im lặng.
Cô nhìn về phía trước, không biểu lộ ra chút tâm tư nào cho đến khi đã giáp mặt những quả mít chín. Đôi mắt Nga sáng bừng lên, biểu cảm đầy mong chờ và vui vẻ. Kiều Phương Nga mắt chữ O miệng chữ A quay sang lay lay Văn: "Hái đi anh."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top