Gặp gỡ
Năm Giáp Thân, Kiến Gia năm thứ 14, vua Lý Huệ Tông ra chiếu chỉ lập con gái thứ 2 của mình với Thuận Trinh Hoàng Hậu là Lý Chiêu Hoàng làm Hoàng Thái Nữ rồi truyền ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Lý Chiêu Hoàng khi ấy 6 tuổi lên ngôi, trở thành nữ đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Một cô bé ngây thơ, hồn nhiên nhưng lại mang trên mình trọng trách nặng nề, phải giữ vững cơ đồ nhà Lý, trước bối cảnh xã tắc Đại Việt đang rơi vào khủng hoảng. Vì nữ đế lên ngôi khi còn nhỏ, Trần Thị Dung - tức mẹ của Lý Chiêu Hoàng đứng ra làm Thái hậu nhiếp chính, thế lực họ Trần ngày càng lớn mạnh.
Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2, các con em họ Trần lần lượt được đưa vào cung, giữ các chức vụ hầu cận vua. Trong đó có Trần Cảnh - con trai thứ của Thái úy Trần Thừa - giữ chức Chánh thủ.
Vào một ngày nọ, cái ngày định mệnh mà 2 đứa trẻ gặp nhau, đó là ngày mà Trần Cảnh có nhiệm vụ bưng nước hầu Bệ hạ rửa mặt.
"Nước rửa mặt đã có chưa?"- vị vua nhỏ lên tiếng hỏi.
"Dạ có rồi ạ."- một viên thái giám nhanh chóng đáp lời.
"Vậy còn không bưng vào đây!"- nữ đế gắt gỏng.
"Dạ vâng để thần cho gọi ạ."- viên thái giám run rẩy đáp, rồi quay ra, cất tiếng:" Đã đến giờ Bệ hạ rửa mặt, mau cho người bưng nước vào!".
Cảnh đang bưng chậu nước ở ngoài chờ hầu, khi nghe viên thái giám gọi, có chút gì đó sợ hãi. Cậu ta run rẩy bưng thau nước vào, bóng người nhỏ nhắn lù lù xuất hiện trước cửa điện. Không khí trong điện rất đỗi yên ắng, thật khiến người ta phải sợ hãi, hít một hơi thật sâu, Cảnh từ từ tiến lại chỗ Chiêu Hoàng.
"Dạ...Dạ bẩm...nước đây ạ."- tiếng nói của Cảnh run rẩy cất lên, xóa tan bầu không khí yên ắng kia. Cậu ta dâng khăn chầu cho Chiêu Hoàng, Chiêu Hoàng quay ra, trông thấy người hầu mình là một đứa bé thì khó hiểu. Cảnh cúi gằm mặt, dường như đang rất bất an trong lòng.
"Là một đứa bé sao? Trong cung từ khi nào lại tuyển thái giám nhỏ tuổi như vậy hả?"
"Dạ bẩm Bệ hạ, triều đình vừa ban chiếu chỉ cho tuyển con cháu các quan lại vào cung xung vào các sắc dịch để hầu hạ trong nội vụ ạ. Chúng mới vào cung nên cũng chưa được diện kiến Bệ hạ, do hôm này công việc bận rộn nên mới để nó vào hầu thay một hôm đấy ạ."- một thái giám trong điện đáp lời.
"Có chuyện đó sao!"- Chiêu Hoàng nhìn viên thái giám kia, rồi quay ra hỏi Trần Cảnh: "Ngươi tên gì? Là con cái nhà ai? Năm nay mấy tuổi rồi?"
"Dạ thần là Trần Cảnh, con trai thứ của Thái Úy Trần Thừa, thần là cháu gọi Thái hậu là cô mẫu. Năm nay thần 8 tuổi ạ."- Cảnh đáp gọn những câu hỏi của Chiêu Hoàng rồi lại cúi đầu xuống.
Chiêu Hoàng thầm nghĩ: vậy tính ra Cảnh cũng được coi là họ hàng của mình. Nàng rửa mặt, thay xiêm y, lòng cảm thấy đứa trẻ vừa rồi thật thú vị, chắc là do cậu trạc tuổi nàng.
Sau khi thay xiêm y, Chiêu Hoàng đi đến Kinh diên. Một khắc ở Kinh Diên dài tựa mấy canh giờ đối với vị hoàng đế nhỏ, ở đây thật sự chẳng có gì thú vị với nàng. Hôm thì Kinh thi, hôm thì Đại Học, hôm lại Trung Dung, nàng đã nghe giảng đến chán chường, nàng nghịch nghịch cây bút trong tay, liền bị Kinh diên giảng quan nhắc nhở nhẹ nhàng.
"Trẫm đã nghe giảng đến chán ngán rồi, khanh mau giảng cái khác thú vị hơn cho trẫm!" - nàng sớm đã chịu đựng không nổi, bèn ra lệnh.
Kinh diên giảng quan nghe vậy liền quỳ xuống, bẩm: "Nhưng mà khởi bẩm Bệ hạ, Kinh diên là nơi giảng dạy cho vua về những kinh điển xưa như tứ... "
"Tứ thư ngũ kinh. Tứ thư bao gồm Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. Ngũ kinh bao gồm Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch, Kinh Xuân Thu. Ta đã nghe đến thuộc lòng rồi, khanh mau giảng cái khác thú vị hơn đi! Nhanh lên!" - Chiêu Hoàng cướp lời giảng quan, đoạn nói dõng dạc từng loại.
Giảng quan ngơ ngác, cuối cùng cũng chịu thua vị nữ đế này, bèn hạ giọng: "Bệ hạ đã thuộc lòng như vậy, cũng coi như hạ thần không uổng công giảng giải. Nay Bệ hạ muốn thần giảng về thứ khác, thần cũng xin chiều lòng người. Vậy không biết, Bệ hạ muốn thần giảng về điều chi?".
Chiêu Hoàng nghe thấy câu hỏi thì nghiêm túc suy nghĩ, cuối cùng trả lời giảng quan: "Ta muốn khanh giảng về... ái mộ đi!".
"Ái mộ sao ạ!" - viên giảng quan có chút bất ngờ.
"Khanh mau giảng đi! Trẫm muốn nghe!".
"Vậy hạ thần xin mạn phép!"
"Dương liễu thanh thanh giang thủy bình
Văn lang giang thượng đạp ca thanh
Đông biên nhật xuất tây biên vũ
Đạo thị vô tình hoàn hữu tình. Bệ hạ có hiểu ý nghĩa của bài thơ này không?"
"Dương liễu thanh thanh giang thủy bình
Văn lang giang thượng đạp ca thanh
Đông biên nhật xuất tây biên vũ
Đạo thị vô tình hoàn hữu tình", Chiêu Hoàng ngẫm lại bài thơ, vốn chẳng thấy tâm ý ở đâu, bèn nhờ giảng quan nói ra.
"Hừm...ta đoán bài thơ này có ẩn ý gì đó, nhưng ta nghĩ mãi chẳng ra. Giảng quan hãy giảng cho ta nghe đi!"
Vị giảng quan kia cười hiền từ, ôn tồn giảng: "Bài thơ này quả thực có ẩn ý nằm ở câu cuối cùng. Câu này có sự chơi chữ “hài thanh song quan”, hai chữ “tình” trong câu cuối có nghĩa là “tạnh”, ứng với câu “đông biên nhật xuất, tây biên vũ.” nhưng ngầm biểu đạt chữ “tình” là tình yêu."
Gương mặt bầu bĩnh của vị nữ đế nhỏ tuổi như mơ hồ hiểu ra chuyện gì. Nàng nở một nụ cười lém lỉnh, nói:"À...ra là vậy. Bảo rằng không có tình mà lại có tình. Bài thơ này hay! Hay lắm giảng quan! Haha!"
Chiêu Hoàng cười hồn nhiên khiến ai nấy đều vui vẻ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top