Ai cũng lời ký ức
Chương 1.
Lớp học của tôi
"Sau một giấc ngủ dài, tôi mở mắt và thấy mình đang ngồi trong lớp học thân thuộc ngày nào, bên cạnh là những đứa bạn tinh nghịch đang cười nói rôm rả, trêu ghẹo lẫn nhau."
Nhưng rồi tôi mở mắt thêm lần nữa, tôi đang ngồi trong một căn phòng ngột ngạt và trước mặt là đống hồ sơ của những con người xa lạ mà tôi không hề quen biết, bên cạnh là những anh chị đồng nghiệp đang hối hả làm việc không có thời giờ nghĩ tay.
Thì ra là tôi vừa mơ, một giấc mơ đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Tôi hiện là một nhân viên văn phòng chứ không còn là một đứa học sinh như ngày nào nữa, một công việc tư vấn nhàm chán mà tôi vừa xin được để kiếm tiền sống qua ngày. Tôi phải gọi điện và thuyết phục khách hàng vay vốn mặc cho những lời than phiền hay chữi rủa mỗi ngày. Người quản lý thì luôn thúc giục nhân viên của mình phải làm nhanh lên để tăng thành tích chung cho cả nhóm, nhưng cái chính vẫn là tăng số tiền doanh thu mà bà ấy nhận được cuối mỗi tháng.
Đêm hôm trước thằng Khang có nhắn tin cho tôi rủ họp lớp, tôi thẳng thừng nói từ chối ngay. Không phải vì tôi không nhớ lớp, mà vì lúc đó t còn chưa có việc làm. Tôi ngại phải nói dối về tình hình hiện tại của mình nên đành bỏ qua cơ hội gặp lại mấy đứa bạn. Thú thật là tôi nhớ bọn nó lắm. Mấy năm trời lang thang trên thành phố tôi không gặt hái được gì nhiều, điều đó càng làm nỗi nhớ về bọn nó sâu đậm hơn.
Dù là thành công hay thất bại thì thứ người ta tích lũy được nhiều nhất vẫn là ký ức. Trong kho tàng ký ức của tôi, thời còn đi học là khoảng thời gian gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm vui buồn nhất. Để tôi kể bạn nghe về khoảng thời gian học cấp hai của tôi. Đó là một quãng ký ức đẹp mà tôi vẫn luôn lưu giữ, tôi hay mỉm cười hoặc tự dằn vặt mình mỗi khi nghĩ đến nó. Đó là lúc tôi còn học lớp chín, thời điểm mà những người bạn đã chơi với nhau trong bốn năm sắp phải nói lời chia tay nhau...
...Tôi vẫn chưa quên tiếng gọi ngày nào của thằng Duy vào những buổi sáng sớm đẹp trời:
"Dĩ ơi, đi chưa?"
Nó là thằng ở gần nhà tôi, nó học chung lớp với tôi. Nếu xét theo vai vế nó là cháu của tôi, nhưng hai thằng bằng tuổi lại chơi chung với nhau từ khi còn nhỏ nên gọi mày tao cho dễ.
"Ừ. Tao ra liền!"
Thế là hai thằng đi bộ đến trường. Trường cách nhà chúng tôi một con sông, đi bộ chừng mười phút là đến. Tuy quãng đường đến trường không xa nhưng đủ để hai thằng tám đủ thể loại chuyện trên đời.
"Mày nhớ con Linh hong?" - Tôi hỏi
"Linh nào?'
"Lam Linh đó."
"Ừ nhớ. Dạo này nó sao rồi?"
"Nghe đâu nó học trên trường Thành phố, hôm bữa thấy nó chạy ngang nhà tao, trông xinh lắm."
"Vậy hả? Từ hồi nó chuyển trường đến nay không gặp nó, cũng nhớ nhớ."
"Mà hôm nay có kiểm tra môn nào không?" - Tôi hỏi
"Hình như kiểm tra Văn. Tao cũng không nhớ rõ."
"Mày có học bài không?"
"Chút chút." - Duy đáp
Duy nói vậy thôi chứ tôi thừa biết nó chưa học bài, thường thì khi đến lớp nó mới bắt đầu lấy bài ra học, tôi cũng thường làm như thế mỗi khi ở nhà lười quá.
Khi đi qua hàng mít thơm nứt mũi của nhà ông Bảy, hai đứa để ý kỹ từng quả mít chín vàng trên cây để khi đi học về có thể hái trộm một quả và lội sông mang về. Gần đó có một xe bán nước và một vài người bán quà lưu niệm. Nào là những đồ vật được nặn bằng đất sét, móc chìa khóa với nhiều kiểu dáng ngộ nghĩnh, những chiếc nhẫn và dây chuyền mặt thánh giá làm bằng inox,... Hai thằng tuy ít khi mua nhưng mỗi lần đi ngang đều nhìn ngắm rất lâu mới chịu bỏ đi.
Đi thêm chút nữa là đến hàng cây bạch đàn gầy gộc thưa lá, trường tôi nằm phía sau hàng cây đó. Cái cổng trường THCS NGUYỄN TRÃI to sừng sững hiện ra trước mặt, cánh cổng mà ngày nào bọn tôi cũng phải đi vào. Bọn tôi chờ đi tới đây mới lấy khăn quàng đeo vào cổ để không bị đội trực cờ đỏ làm khó dễ, mặc dù cả bọn đều quen biết nhau.
Trường chỉ có hai dãy phòng học, một căn tin và một nhà xe. Dãy phòng học chính có hai tầng nằm ở giữa lối vào, dãy còn lại nằm bên trái chỉ dùng cho những buổi thí nghiệm hay những tiết học ngoài giờ. Tuy không gian phòng học không được nhiều nhưng bù lại khuôn viên trường học vô cùng rộng rãi và mát mẽ. Hai hàng phượng vĩ và các loại muồng hoàng yến nằm hai bên lối đi tỏa hương thơm mát. Hoa phượng, hoa hoàng yến rơi lã tả khiến sân trường nhuộm màu vàng đỏ lẫn lộn. Mấy đứa học sinh lớp dưới chạy giỡn một hồi là dép đứa nào cũng dính đầy những hoa phượng, hoa hoàng yến. Lúc trước bọn tôi cũng thích giỡn như chúng, nhưng giờ đã là đàn anh học lớp chín nên đứa nào cũng cố tỏ ra mình chín chắn.
Lớp chúng tôi nằm trên góc ngoài cùng của lầu hai. Khi bước vào lớp thì chỉ thấy le ngoe vài đứa. Tôi tặc lưỡi.
"Chậc. Lại đi sớm hơn tụi nó rồi."
Bởi thời còn đi học, đứa nào cũng muốn đi trễ để trở thành tâm điểm được mọi người chú ý. Có đứa lại đi rất sớm để có thời gian học bài và làm bài. Nhưng cũng có vài đứa đi sớm chỉ để chờ người mình thích. Điển hình như thằng Đạt và thằng Quân, bọn nó lúc nào cũng đi sớm để chờ Lý Linh vào lớp. Còn thằng Kiệt, mỗi lần vào lớp tôi đều thấy nó cầm quyển tập lầm rầm ôn bài. Tôi lại gần hỏi nó.
"Học gì mà ghê vậy mậy?"
"Lát kiểm tra Văn đó con. Mầy học chưa?" - thằng Kiệt nói
Phía bàn bên thằng Cường nghe thấy liền nói chen vào:
"Học làm chi lát cũng một điểm thôi."
Thằng Cường thường kiếm chuyện để trêu ghẹo mấy đứa trong lớp, nó nói vậy là để trêu tôi.
"Vậy lát đừng kêu tao cho mày chép bài nghe con." - Tôi đáp lại
"Mày mới nói gì đó? Mày muốn chơi hả gì?"
Thằng Cường nói, và thế là mặt nó nghênh lên rồi lao vào tôi, tôi biết là nó giỡn nên cũng nghênh mặt lại, rồi một trận quyền anh diễn ra kịch liệt. Thằng Trí Đạt, thằng Duy Linh vừa vào lớp không hiểu gì cũng bay vào đánh góp vui, thế là bốn thằng vừa đấu quyền vừa rượt đuổi từ trên xuống dưới lầu, giỡn đến nổi đỏ phồng cả tay, mồ hôi chảy ướt cả áo.
Lát sau bọn con gái vào, lớp cũng đông đủ hẳn lên. Sau khi nghe có tiết kiểm tra Văn thì đứa nào cũng cầm tập lầm rầm ôn bài. Một vài đứa không học gì nhưng cứ luôn miệng quay sang bảo đứa khác:
"Lát chỉ tao nghe bây! Lát chỉ tao nghe bây!"
Cả lớp vừa học bài, vừa nói chuyện trông vô cùng ồn ào. Tụi thằng Đạt, Quân, Định vẫn còn đang giao lưu cờ ca rô rất sôi nổi. Thằng Kiệt ngồi kế bên cũng bình luận góp vui, hễ có đứa nào chơi thua là thế nào cũng bị nó chọc quê. Tụi thằng Khanh, Hữu Lễ, Trí Đạt thì đang vật tay ở cuối lớp. Còn bên nữ thì con Cúc vẫn đang không ngừng chửi đứa nào vừa bỏ rác vào bàn nó. Dương Trần thì đang quay xuống tám chuyện với Dương Nguyễn. Liễu thì úp mặt xuống bàn kiểu mặc kệ thế giới còn Đào thì vẫn quyết liệt ôn bài. Mặc cho tiếng trống trường đã vang lên liên hồi nhưng mọi người vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Thằng Khang là lớp trưởng nhưng cũng bất lực trong việc giữ lớp im lặng. Cho đến khi cô giáo bước vào lớp thì đứa nào đứa nấy mới cuống cuồng quay lại bàn mình.
Tiết đầu tiên là tiết Âm nhạc, cô giáo dạy nhạc tên là Châu Pha. Môn học vốn đã nhẹ nhàng mà cô giáo lại còn dễ dãi khiến mọi người ai cũng cảm thấy thoải mái. Hôm nay học bài hát Lá xanh của nhạc sĩ Hoàng Việt. Cô Pha vừa đàn vừa hát cho cả lớp nghe, rồi sau đó cả lớp hát theo cô.
"Các em hát theo cô nhé: Lá còn xanh như bao anh còn trẻ... 2... 3..."
Cả lớp đồng thanh hát theo:
"Lá còn xanhhhhh... như bao anh còn trẻ."
Hát đến chữ "xanh" thì cả lớp cố tình nhấn mạnh làm lệch tông bài hát, cô Pha bảo hát lại, cả lớp vẫn giữ nguyên cách hát đó, cô giận quá đập bàn vài cái rồi bảo:
"Các em đừng giỡn nữa, hát nghiêm túc lại đi."
Vậy là cả lớp bắt đầu hát nghiêm túc lại, nhưng vẫn có vài người cố ý nhấn mạnh chữ "xanh" rồi bụm miệng cười hề hà. Lý do là vì phụ huynh của thằng Nhơn tên là Xanh, nên cả lớp thừa dịp này để trêu nó. Thằng Nhơn mặc dù rất bực nhưng không làm gì được.
Lát sau hát đến câu:
"Mau lên đi, hỡi các anh traiiiiiii.... làng."
Cả lớp lại cố tình nhấn mạnh chữ "trai" vì đó là tên phụ huynh của thằng Trí Đạt. Cũng như thằng Nhơn, thằng Đạt chỉ liếc nhìn đứa này rồi đến đứa khác mà không làm được gì. Thật xui xẻo cho ai có tên phụ huynh trùng với những bài hát trong tiết Âm nhạc.
Sau tiết Âm nhạc là tiết Mỹ Thuật, cô giáo Mỹ Thuật khó hơn cô dạy Âm Nhạc nhiều nên cả lớp bắt đầu nghiêm túc lại. Đề tài hôm nay là vẽ bức tranh quê hương, cả lớp ai cũng cặm cụi trổ tài vẽ của mình. Bọn con gái lúc nào cũng vẽ đẹp hơn bọn con trai. Nhìn lên Dương Trần, Dương Nguyễn, Trúc Đào,... ai cũng tô tô vẽ vẽ không ngừng nghĩ, thoáng chốc đã gần xong bức tranh. Nhìn sang thằng Mộng ngồi gần tôi, xem cách nó cầm cây bút quẹt quẹt trông rất điêu luyện nhưng nhìn xuống bức tranh thì chưa thấy nó vẽ được cái gì. Trông khi đó thằng Hiếu ngồi bàn dưới vẫn chưa xin được giấy vẽ còn thằng Cường thì đang loay hoay đi mượn viết chì. Còn tôi với thằng Minh thì vẫn luôn trung thành với chủ nghĩa đơn giản, tức là chỉ cần vẽ vài ngôi nhà, vài cái cây và vài con gà là xong bức tranh quê hương.
Có đứa mải mê mượn viết, mượn tẩy nên chưa kịp vẽ xong đã hết giờ làm bài. Có đứa luôn miệng chê người khác vẽ xấu nhưng khi nhìn lại bức tranh của nó trông không khác gì thảm họa mỹ thuật. Đến khi cả lớp nộp bài và chờ cô chấm điểm thì không gian mới bắt đầu sôi nổi. Những bài vẽ đẹp thì được cô chấm điểm cao và tuyên dương trước lớp. Những bài vẽ xấu thì cô cũng ưu tái tặng cho những lời phê vô cùng hài hước.
"Em Quân vẽ mèo ra chó, vẽ trâu ra ngựa... 2 điểm."
"Em Lộc bộ ở nhà nuôi gà nhiều lắm hay sao mà bức tranh nào cô cũng thấy em vẽ gà hết vậy?"
"Còn em Cường vẽ tranh quê hương mà cô cứ tưởng em đang vẽ rạp xiếc, sao có người đang múa lửa ở đây nữa?"
Vậy là cả lớp lại cười rầm rộ, nhận tranh về mà mặt đứa nào cũng hí hứng. Không ai nhận mình vẽ xấu hơn đứa khác, đứa nào cũng luôn miệng than vãn:
"Sao tao vẽ đẹp mà điểm tao lại thấp hơn mày?"
Cứ thế tiết học trôi qua trong niềm vui của mọi người, không có điều gì khiến ai phải buồn phiền. Nhiều lắm chỉ là những con điểm nhỏ, hoặc những lần bị dọa đánh khi ra về. Nhưng chuyện gì rồi cũng sẽ qua, những thứ âu lo nhỏ nhặt đó không thể sánh bằng niềm vui bộn bề trong mỗi giây phút ở lớp học. Bởi những nỗi sợ nhỏ nhặt sẽ dần biến mất khi người ta lớn lên trong sự an toàn, còn những niềm vui thì sẽ còn đọng mãi trong ký ức.
Hai tiết cuối là tiết Văn. Không hiểu vì sao học sinh thường chán học Văn hơn những tiết còn lại. Văn không có những công thức phức tạp như Vật Lý, Văn không phải giải phương trình như Hóa Học, Văn cũng không cần vẽ đồ thị như Toán Học. Văn là một môn học vô cùng giải trí sau những giờ phút mệt mỏi. Trong những buổi trưa vắng lặng, bạn ngồi nghe giáo viên đọc và phân tích về những câu chuyện, những bài văn hay. Trí tưởng tượng của bạn sẽ thỏa sức bay lượn mà không phải theo một công thức quy chuẩn nào. Những hình ảnh gần gũi nhất sẽ hiện lên trong đầu bạn, chưa kể là bạn được thỏa sức viết ra cảm nhận và những gì mình đang suy nghĩ.
Nhưng nếu bạn sợ tiết Văn vì giáo viên khó thì có thể chấp nhận được. Bởi giáo viên dạy Văn năm lớp chín của chúng tôi cũng vô tình khó tính. Đó chính là thầy Dô, thầy chủ nhiệm của chúng tôi. Nếu học đàng hoàng như Trúc Đào thì thầy thường khen, nhưng nếu học kém mà còn quậy thì thôi rồi. Tôi còn nhớ rõ những lần sinh hoạt lớp cuối tuần đầy đau đớn. Thằng Cường, thường Duy Linh phạm lỗi gì đó mà khiến thầy vô cùng cáu gắt. Kết quả là mỗi thằng ăn một thước vào tay, đau đến nỗi thằng Duy Linh khóc mếu máo.
Nhưng cũng có những hình phạt vô cùng ngộ nghĩnh và hài hước. Chuyện là dưới sân trường có vài cây phượng, đứa nào bị phạt sẽ phải xuống nhà vệ sinh xách nước đi tưới cây. Lúc đó tôi là lớp phó lao động, thầy kêu tôi phải đi theo trông chừng mấy đứa bị phạt. Thằng Duy bị phạt tưới năm thùng, thằng Hiếu bị phạt tưới mười thùng, còn thằng Cường có lần bị phạt tưới hai mươi thùng. Tưới đến nỗi nước tràn lan ra ướt cả sân, đứa nào đứa nấy quần áo ướt nhẹp. Nhiều khi tưới không nổi, mới tưới được một nữa là tụi nó nháy mắt nhờ tôi vào nói với thầy là tưới đủ rồi, tôi cũng xiêu lòng mà bao che cho tụi nó.
Vì thầy rất khó nên vào tiết kiểm tra hôm nay cũng chẳng có ai dám táy máy tay chân. Đề bài là nêu cảm nhận về tác phẩm Đồng Chí của nhà thơ Chính Hữu. Đứa nào cũng cặm cụi làm bài mà không dám hỏi nhau bởi ánh nhìn sắc lẹm của thầy đang theo dõi từng đứa. Nhìn lên mấy đứa con gái, đứa nào cũng viết rất dài, một đôi giấy thường không đủ đối với bọn nó, hồi đó tôi luôn thắc mắc vì sao bọn nó có thể viết dài như vậy. Còn tụi con trai ngoại trừ thằng Khang và thằng Biển ra thì những đứa còn lại viết nhiều lắm cũng chỉ được một đôi giấy. Có đứa cố ý viết chữ to ra, khoảng cách các từ lớn ra hoặc xuống dòng nhiều lần để bài văn trông có vẻ dài hơn. Có đứa viết dài lê thê nhưng không thụt đầu dòng, chấm phẩy bừa bãi khiến thầy chỉ vừa nhìn vào là hết muốn đọc. Còn tôi thì luôn mở bài theo cách đơn điệu nhàm chán như giới thiệu tên tác giả, năm sinh năm mất, tên tác phẩm,... Tôi liếc sang nhìn thằng Minh, nó cũng viết rất nhiều nhưng nếu không tính những dòng mà nó gạch bỏ thì bài văn của nó cũng chỉ mới được hai dòng không hơn không kém. Trong đầu tôi thầm nghĩ: Nếu hai người lính cùng chịu gian khổ trong thời chiến được gọi là đồng chí, vậy tao với mày cùng học ngu trong thời bình có được gọi là đồng chí không?
Chương 2. Dưới bóng mát sân trường ...
Chương 3. Lần trốn học đáng nhớ...
Chương 4. Kỳ thi chứng chỉ oái oăm...
Chương 5. Những dòng nhật ký biết nói...
Chương 6. Buổi cắm trại cuối cùng...
Chương 7. Đường chuyền bóng ngọt ngào...
Chương 8. Ai cũng lời ký ức...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top