ac quy tren thien dang henry miller

Được up bởi TAH_xeko29

Truyện Dài » Ác Quỷ Trên Thiên Đàng

Font Size:

Tác Giả: Henry Miller

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Liệu ta phải tìm đến sách, tìm đến thầy, đến khoa học, đến tôn giáo, đến triết học, liệu ta phải biết nhiều đến thế sao - tuy có là bao! - rồi mới dám sống sao? Liệu ta cứ phải hành hạ thân mình đủ tình đủ tội rồi mới hoàn toàn tỉnh ngộ và hiểu biết hay sao? [...]

Hãy quên, hãy tha thứ, hãy từ bỏ, hãy thoái vị. Tôi cần phải nghiên cứu lá số tôi mới hiểu được sống giản dị, như thế là khôn ngoan sao? Cần phải sống với hôm qua mới biết hưởng ngày mai sao? Sao tôi lại không thể cạo bỏ ngay dĩ vãng, ngay tức khắc bắt đầu sống cho ra sống - nếu thực tình tôi muốn? Thanh thản và vui tươi... theo tôi chỉ cần muốn là được.

- o O o -

Chính Anaϊs Nin là người giới thiệu tôi với Conrad Moricand. Nàng đưa hắn lại văn phòng tôi ở Biệt thự Seurat vào mùa thu 1936. Cảm tưởng đầu tiên của tôi không được tốt đẹp lắm. Anh chàng có vẻ lầm lì, dạy đời, cố chấp, tự phục mình. Cả con người hắn đầy một tính chất an bài.

Hắn đến vào lúc chập tối, nên trò chuyện được một lúc chúng tôi đưa nhau đi ăn tại một quán nhỏ đường Orléans. Cứ nhìn cái lối hắn xem thực đơn tôi đủ rõ hắn tủn mủn. Suốt bữa ăn, hắn không ngớt chuyện nhưng vẫn ăn lấy ăn để. Nhưng câu chuyện của hắn chả thêm thắt gì cho món ăn mà còn làm cho món ăn thêm khó tiêu.

Ở hắn có một cái mùi mà tôi không sao ngửi thấy. Một mùi pha lẫn rượu Rôm với tro ướt và thuốc lá nặng, phảng phất chút nước hoa hạng sang. Và rồi tất cả rút lại thành một mùi không sao lẫn được - mùi vị chết chóc.

Tôi từng được giới thiệu với các nhân vật tướng số trước khi gặp Moricand. Và ở Eduardo Sanchez, có họ với Anaϊs Nin, tôi nhận thấy một con người uyên bác cũng theo lời khuyên của bác sĩ phân tâm, nên cũng nghiên cứu tử vi như thể là một cách chữa bệnh. Nhìn Eduardo, tôi liên tưởng đến con giun, một sinh vật của Thượng đế, mà người ta bảo là có ích nhất. Hắn ta đọc cũng nhiều mà nhớ cũng lắm. Cũng như giun, hắn hì hục đọc không phải cho hắn, mà cho thiên hạ. Dạo đó, Eduardo đang miệt mài nghiên cứu bộ tam tinh Diêm Thiên Hải. Đồng thời nghiên cứu cả lịch sử, tiểu sử, siêu hình để chứng minh cho các điều trực nghiệm của mình. Và sau hết hắn bắt đầu khảo cứu cái đề tài vĩ đại Apocastastasis.

Với Moricand tôi bước vào một thế giới mới. Moricand không những là một nhà tử vi, một nhà học giả miệt mài với các triết học hiểm hóc, mà còn là một nhà huyền bí học. Dáng mạo hắn trông cũng có vẻ thuật sĩ. Có phần cao lớn, vạm vỡ, vai rộng, đi đứng nặng nề chậm chạp, trông hắn người ta dám bảo là dòng giống Da Đỏ ở Bắc Mỹ. Có lần hắn tâm sự với tôi là hắn thường nghĩ hắn có sự liên hệ gì giữa cái tên Moricand và Mohican. Những khi buồn, trông bộ mặt hắn có phần buồn cười, như thể hắn tin rằng mình là tên Mohican cuối cùng. Chính những lúc đó, với cái đầu vuông và lưỡng quyền cao, với cái dáng vóc nặng nề và ngồi không nhúc nhích, trông hắn chẳng khác gì pho tượng đá ưu tư.

Thực ra hắn là một kẻ khắc khoải, một con người cứng rắn, thất thường và quả cảm. Quen với nề nếp, hắn sống cuộc đời khắc kỷ của một ẩn sĩ. Thật khó mà biết được hắn thích sống như thế hay cố tình ép mình phải sống như thế. Chưa bao giờ nghe hắn nói hắn thích sống một đời sống ra sao. Hành vi hắn như kẻ chua cay đã lắm nên đành an phận. Như kẻ thích vị cay đắng hơn ngọt bùi. Hắn mang nặng một thứ nữ tính không phải là không hấp dẫn, nhưng hắn lại khai thác có phần có hại cho hắn. Hắn là một tay phong lưu giả, hòa hoa mượn, sống tạm ở nhờ. Và hoàn toàn sống với quá khứ!

Để mô tả anh bạn chúng ta, có lẽ lời xác đáng nhất mà tôi có thể nói ra ngay là hắn ta là một con người khắc kỷ mang theo mình cả một nấm mồ. Đồng thời cũng là một con người muôn mặt, như dần dà tôi nhận thấy. Dễ chạnh lòng, rất hay hờn mát, khắc biết ngay, lắm khi nhẹ dạ đa cảm như cô gái mười sáu. Bản tính không thẳng thắn, lại cố hết sức làm ra mình thẳng thắn, vô tư, công chính. Và thủy chung nữa, tuy rằng tôi cảm thấy bản chất hắn đúng ra là kẻ lừa thầy phản bạn. Thật vậy, ngay thoạt đầu tôi đã ý thức được ở hắn cái bản chất xảo quyệt khôn tả ấy, mặc dù tôi chưa có gì làm chắc. Tôi nhớ là tôi cố gạt bỏ cái ý nghĩ ấy và thay thế nó bằng cái ý niệm mơ hồ rằng mình ngờ bậy.

Còn buổi đầu ấy hắn coi tôi ra sao thì vẫn chỉ là điều ức đoán của tôi thôi. Hắn cũng chẳng biết tôi viết lách những gì ngoài vài bài tạp nhạp dịch đăng trên các tập san Pháp. Dĩ nhiên hắn biết ngày sinh tháng đẻ của tôi nên có lập cho tôi một lá số ngay sau khi quen nhau. (Nếu tôi không nhầm thì chính hắn bảo tôi không phải sinh giờ Hợi mà sinh vào giờ Ngọ mới đúng).

Chúng tôi chuyện trò với nhau toàn bằng tiếng Pháp mà tôi không thạo cho lắm. Thật đáng tiếc, vì hắn không những nói chuyện rất hay mà còn điệu đà âm hưởng, nói tiếng Pháp như làm thơ. Nhất lại là con người thích tế nhị sâu sắc! Mỗi lần gặp là một cái thú cho tôi vừa được học hỏi (không những tử vi) vừa được nghe nhạc, vì hắn sử dụng ngôn ngữ như một nhạc sĩ sử dụng nhạc cụ vậy. Thêm nữa còn được cái thú nghe những mẩu giai thoại về các danh nhân mà tôi chỉ được biết qua sách vở.

Nói tóm lại, tôi là một thính giả lý tưởng. Và với một người thích nói, nhất lại là một người độc thoại, còn gì thích bằng có một thính giả chăm chú, nhiệt thành, tán thưởng?

Tôi cũng biết cách đặt câu hỏi. Những câu hỏi ích lợi.

Dù sao, chắc hắn cũng cho tôi là một quái vật. Một kẻ ly hương từ Brooklyn, một kẻ thân Pháp, một lãng tử, một nhà văn mới tập tễnh, dớ dẩn, hăng say, cái gì cũng tin, cái gì cũng thích, và hầu như thiếu hẳn đường hướng. Đó là cái hình ảnh mà tôi còn nhớ về tôi dạo đó. Trước hết tôi thích giao du (hắn thì không). Hơn nữa, tuổi Mùi, mặc dầu không đồng giáp. Về tuổi tác chúng tôi chênh lệch nhau không mấy.

Xem ra thì tôi cũng là một thứ kích thích cho hắn. Bản tính yêu đời phóng túng của tôi bổ khuyết cho bản tính yếm thế thận trọng của hắn. Tôi thì thật thà có sao nói vậy, hắn thì chí lý dè dặt. Tôi có xu hướng cái gì cũng muốn xem muốn biết, hắn, trái lại, thu hẹp sở thích của mình rồi tập trung hết cả tâm trí vào đó. Hắn có cái lý trí và lập luận của người Pháp, còn tôi thì hay tự mâu thuẫn và tỏa ra mọi hướng.

Chúng tôi cùng chung cái bản chất của tuổi Mùi. Trong cuốn Kính Chiêm Tinh [1], hắn có giản lược và phân biệt các nét chung của tuổi Mùi. Dưới mục "Tương đồng", chẳng hạn hắn ghi:

"Triết gia. Pháp quan. Phù thủy. Ẩn sĩ. Phu đào huyệt. Hành khất".

"Sâu sắc. Cô độc. Lo âu".

"Vực. Hang. Các nơi hoang liêu".

Đây là một số tuổi Mùi hắn nêu ra, đại loại như: Dante, Michel Angelo, Dostoievsky, El Greco, Schopenhauer, Tolstoy, Cézanne, Edgar Allan Poe, Maxim Gorky...

Tôi xin thêm vài tính chất nữa của các tuổi Mùi, theo lời Moricand.

"Trầm ngâm, lầm lỳ, ít nói. Ưa tĩnh mịch, tất cả những gì huyền bí, hay suy tư.

"Buồn rầu và nặng nề.

"Già trước tuổi.

"Thấy cái xấu trước cái hay. Thấy ngay nhược điểm của mọi sự.

"Khổ hạnh, tiếc nuối, luôn luôn ân hận.

"Thù dai.

"Ít khi hay không khi nào cười; khi cười, thì cười chua chát.

"Sâu sắc nhưng nặng nề. Biểu lộ chậm chạp khó khăn. Cố chấp và kiên trì. Làm việc không biết mỏi. Lợi dụng mọi cái để thu nhập hay tiến thủ.

"Khao khát tìm hiểu. Làm những công chuyện trường kỳ. Ưa nghiên cứu những gì phức tạp và trừu tượng.

"Sống nhiều mặt một lúc. Có thể đồng thời suy tư nhiều tư tưởng khác nhau.

"Chỉ soi sáng các vực thẳm.

Mỗi nhà có ba gian hay ba giáp. Về giáp đầu - tôi sinh ngày 26 tháng chạp - hắn viết:

"Rất kiên nhẫn và lì lợm. Dám làm bất cứ gì miễn sao thành công. Thành công nhờ kiên nhẫn, nhưng từng bước một... Có xu hướng quá coi trọng đời sống vật chất. Tiện tặn thân mình. Yêu bền thù dai. Tự phục mình".

Tôi chép lại các lời này vì nhiều lý do. Bạn đọc hãy tự mình xét lấy tầm quan trọng của chúng.

Nhưng xin nói tiếp... Lần đầu tôi gặp hắn, Moricand ở - sinh hoạt có lẽ hay hơn - tại một khách sạn tồi tàn tên là Khách sạn Modial tại đường Notre Dame de Lorette. Hắn vừa trải qua một cơn khủng hoảng lớn - mất hết cơ nghiệp. Cùng quẫn, lại chẳng biết làm ăn gì, hắn sống tay làm hàm nhai. Sáng cà phê bánh mì ăn ngay trong phòng, tối thường cũng lại bánh mì cà phê, còn trưa thì nhịn.

Anaϊs là cứu tinh. Thỉnh thoảng giúp hắn dăm ba chục. Nhưng còn có những người khác, tuy chẳng là bao, mà nàng cảm thấy cần phải giúp đỡ. Điều mà Moricand không hề ngờ là khi giới thiệu hắn với tôi, Anaϊs mong nhẹ mình được phần nào. Nàng hành động rất nhẹ nhàng, tế nhị, kín đáo, như mọi hành động khác của nàng. Nhưng nàng rất dứt khoát với hắn.

Anaϊs thừa biết rằng tôi không đủ sức đùm bọc hắn, trừ phi về mặt tinh thần, nhưng nàng cũng biết tôi khéo xoay xở, bạn bè quen biết lại nhiều và đủ hạng, và miễn là tôi muốn thế nào tôi cũng tìm ra cách giúp hắn, ít ra cũng tạm thời.

Nàng tính không sai lắm.

Dĩ nhiên, theo ý tôi, trước hết và cần nhất là lo sao cho anh chàng ăn uống đều và đầy đủ hơn. Tôi không đủ sức để bảo đảm hắn ngày ba bữa, nhưng thỉnh thoảng đãi hắn ăn một bữa ra ăn. Đôi khi tôi mời hắn đi tiệm ăn trưa hay ăn tối; thường thì tôi mời hắn về chỗ tôi, và trổ tài nấu bếp đãi hắn. Đói khát thường xuyên như hắn, nên có gì lạ là ăn xong thì hắn cũng say ngất ngư. Chẳng phải say vì rượu, mặc dầu hắn uống thả dàn, nhưng say vì món ăn, vì ăn quá nhiều khiến cơ thể ốm yếu của hắn không đủ sức tiêu hóa. Có điều éo le - và tôi hiểu chán! Là khi thả bộ về đến nhà anh chàng lại đói meo. Thật tội cho Moricand! Cái khía cạnh khôi hài này của cái khổ cảnh của hắn thật quá quen thuộc đối với tôi! Đi bộ khi bụng rỗng, đi bộ khi bụng đầy, đi bộ để tiêu cơm, đi bộ để tìm cơm, đi bộ vì đó là thú tiêu khiển duy nhất mà cái ví của ta cho phép, như Balzac từng khám phá ra đến khi đến Ba Lê. Đi bộ để khử tà. Đi bộ thay vì khóc. Đi bộ với hy vọng hão huyền tê tái may ra gặp một bộ mặt thông cảm. Đi bộ, đi bộ, đi bộ, đi bộ... Nhưng tại sao lại bắt vào chuyện này nhỉ? Thôi hãy gạt bỏ nó đi với cái nhãn hiệu "chứng cuồng cẳng" cho rồi.

Những nỗi đau khổ của Moricand hẳn nhiên bút nào mà tả cho xiết. Cũng như Job, hắn điêu đứng trăm chiều. Tuy thiếu cái đức tính của Job, hắn tỏ ra không thiếu sức mạnh tinh thần. Có lẽ còn đáng kể hơn nữa là sức mạnh ấy lại thiếu chỗ dựa. Hắn cố hết sức giữ thể diện. Ít khi hắn buông trôi, ít ra thì cũng trước mặt tôi. Những khi đó, những khi thấy hắn khóc, tôi không tài nào chịu nổi. tôi không biết phải nói gì, phải làm gì. Cái đau khổ hắn phải chịu đựng là một cái đau khổ đặc biệt, cái đau khổ của một con người không hiểu nổi tại sao hết cả mọi người lại chỉ có riêng mình phải chịu hình phạt. Hắn khiến tôi tin bằng cách nói xa nói gần rằng hắn chưa từng có chủ ý hại ai bao giờ. Trái lại, bao giờ hắn cũng tìm cách giúp đỡ. Hắn tin chắc và tôi tin là hắn chân thật, rằng hắn không nghĩ điều gì ác, không có ác ý với ai. Thật ra nó chưa hề, chẳng hạn nói xấu kẻ đã làm hắn phải thân tàn ma dại. Hắn hoàn toàn đổ lỗi cho mình đã quá tin người. Làm như thể lỗi ở hắn chứ không phải lỗi ở kẻ kia đã lợi dụng lòng cả tin của hắn.

Dở chút khôn lanh của mình ra, vì về những vấn đề thực tế tôi cũng chẳng hơn gì hắn, tôi mới có cái ý đi tán bạn bè lấy số tửu vi để cho Moricand kiếm chút tiền còm. Tôi đề nghị mỗi lá số giá một trăm quan, để rồi trả cho năm chục là vừa. Hồi đó, một bữa cơm ngon lành chỉ khoảng mười hai hay mười lăm quan. Còn tiền phòng của Moricand thì mỗi tháng chỉ chừng ba trăm quan trở lại.

Như thế cũng tạm đỡ cho đến khi điểm mặt các bạn bè không còn ai nữa. Lúc đó, không lẽ bỏ mặc Moricand, tôi mới bịa ra người này người nọ. Nghĩa là tôi cho hắn tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ, giờ sinh, của những ông những bà toàn là không có. Dĩ nhiên tôi phải nai lưng ra trả tiền các lá số ma. Anh chàng đâu có ngờ gì những chuyện như thế, vẫn tấm tắc khen trong số các thân chủ, hoặc hỏi dồn tôi những chi tiết tỉ mỉ hơn và dĩ nhiên tôi cũng sẵn sàng cho biết với cái vẻ thản nhiên như mình biết thật.

Còn khi xem tướng, người ta phải chịu là Moricand có tài đoán. Cái giác quan thứ sáu của hắn, theo lời hắn gọi, giúp hắn đoán số rất hay. Nhưng thường khi hắn chả cần đến lá số, hay ngày sinh nơi sinh gì cả. Thật không bao giờ tôi quên được cái bữa tiệc của nhóm tạp san Volontés do Georges Pelorson làm chủ nhiệm. Trong nhóm chỉ có Eugene Jolas và tôi là người Mỹ, còn thì là Pháp hết. Tối hôm ấy chũng tôi ngồi ăn khoảng hai chục người. Món ăn ngon, rượu riếc lại nhiều. Moricand ngồi đối diện tôi. Một bên hắn là Jolas, một bên hình như là Raymond Queneau. Ai nấy đều vui vẻ, chuyện nổ như pháo rang.

Có Moricand chẳng sớm thì chầy câu chuyện quay về tướng số. Mặt lạnh như tiền, Moricand ngồi ăn sao cho thật đầy bụng. Và như thường lệ hắn chờ những lời châm lẽ biếm.

Và rồi có một người nào đó hỏi một câu vớ vẩn. Thế là bầu không khí trở nên ồn ào vui nhộn. Thôi thì không ai không hỏi. Thế tất phải có một kẻ quá khích xuất hiện - tệ hơn nữa một kẻ điên khùng. Chả vì Jolas, hơi men đã ngà ngà nên có phần hăng máu hơn thường lệ, mới đòi Moricand phải nêu ra những bằng chứng xác thực. Anh thử thách Moricand nói rõ từng tướng một của các người có mặt. Khi trò chuyện với người này người kia, Moricand hẳn cũng đã nhận người nào ra sao rồi. Nghề tướng số mà không nhận xét tướng thiên hạ sao được. Đối với hắn, đó là chuyện hằng ngày, nói với ai là để ý từng cách nói, từng cử chỉ, từng cố tật, từng dáng điệu, từ vóc dáng cho đến tính tình họ, thôi thì đủ hết. Hắn thừa khôn ngoan, thừa lão luyện, để nhận định và phân loại các tướng mạo có phần lộ liễu ngồi ăn hôm đó. Thế là hắn chỉ từng người một và gọi ra vanh vách người tướng Hải Sư, tướng Kim Ngưu, tướng Thiên Xứng, kẻ tướng Xử Nữ, tướng Hổ Cáp, tướng Nam Dương không sót một ai. Đoạn quay lại Jolas, điềm nhiên bảo anh hắn có thể nói ngày sinh tháng đẻ của anh, và không chừng cả giờ sinh là khác. Nói xong, hắn lấy điệu, hơi ngước đầu lên, như thể hỏi trời là ngày nào, rồi nói đúng ngày đúng tháng đúng năm nào, và ngưng một lúc nói luôn cả giờ sinh. Hắn nói đúng không sai một ly. Jolas ngẩn người chưa kịp thở thì Moricand bồi thêm vài chi tiết thầm kín hơn về quá khứ của anh, những điều mà ngay cả các bạn thân của Jolas cũng không hề hay biết. Hắn nói anh thích gì ghét gì; hắn nói anh từng đau những chứng bệnh gì và rồi sẽ mắc những chứng bệnh gì; hắn nói tất cả những gì mà chỉ có người nào có tha tâm thông mới biết nổi. Nếu tôi không lầm thì hình như hắn còn cho biết cả có một cái bớt nằm chỗ nào (Lời nói mò này là lá bài ruột của Moricand thích đưa ra mỗi khi nắm chắc được mọi yếu tố trong tay. Cũng là một lối ký tên mình vào tấm lá số).

Đó là một dịp hắn xuất thần. Còn thì có khi mơ hồ hơn, có khi rắc rối hơn. Nhưng mỗi khi hắn xuất thần thì quả là tuyệt diệu. Còn tuyệt diệu hơn cả một buổi cầu cơ.

Nhớ lại các buổi trổ nghề này, tôi không khỏi nhớ đến căn phòng hắn ở trên thượng tầng khách sạn. Dĩ nhiên là làm gì có thang máy. Phải leo năm sáu lần thang mới lên đến nơi. Một khi vào phòng rồi, người ta không còn biết gì đến thế giới bên ngoài. Đó là một căn phòng méo mó đủ rộng để đi đi lại lại, hoàn toàn trang trí bằng những đồ còn sót lại của cơ nghiệp Moricand. Bước vào, cái cảm tưởng đầu tiên là ngăn nắp. Mọi cái đều đâu vào đấy, và nằm đúng chỗ. Từ cách đặt chiếc ghế, một mỹ phẩm đến con dao xén giấy, chỉ xê xích vài ly thôi cũng là hỏng - ít ra cũng theo đầu óc của Moricand. Ngay cả cách xếp dọn cái bàn viết của hắn cũng bộc lộ cái ám ảnh ngăn nắp này. Không chỗ nào bất cứ lúc nào lại có một vết bụi. Tất cả đều sạch bong.

Chính con người hắn cũng na ná thế. Lúc nào sơ mi cũng sạch cũng hồ, áo quần thẳng nếp (chắc hắn là lấy), giày bóng lộn, cà vạt thắt ra sao và dĩ nhiên ăn màu với sơ mi, mũ, áo ngoài, dép, và các thứ linh tinh xếp gọn đâu vào đấy trong tủ. Một điều mà hắn nhớ mãi về đời lính của hắn thời Thế chiến thứ Nhất - chả là hắn gia nhập đoàn Lê Dương - là sự dơ dáy mà hắn bị buộc phải chịu đựng. Có lần hắn kể tôi nghe rất tỉ mỉ là hắn đã cởi hết quần áo và rửa ráy từ đầu đến chân bằng tuyết ướt (trong chiến hào) chỉ vì đêm hôm đó một anh bạn đồng ngũ đã mửa văng lên hắn. Tôi có cảm tưởng thà hắn trúng đạn còn hơn là bị tai họa như thế.

Điều mà tôi nhớ mãi trong đầu óc về cái thời kỳ này là tuy nghèo rớt mùng tơi hắn vẫn khư khư giữ được cái vẻ thanh lịch và cầu kì. Trông hắn lúc nào cũng như một tay môi giới áp phe gặp phải lúc làm ăn khó khăn hơn là một kẻ đường cùng mạt vận. Quần áo hắn mặc đều cắt đẹp, hàng lại thuộc loại hảo hạng, nên cũng còn mặc được mười năm nữa, nhất là hắn lại giữ gìn rất cẩn thận. Dù cho có vá chăng nữa, hắn trông vẫn là con người biết ăn biết mặc. Không như tôi, hắn không bao giờ có ý nghĩ đem cầm đem bán quần bán áođể ăn. Hắn cần phải quần áo chỉnh tề. Dù cho có phải đoạn giao với giới cao sang quyền quý, hắn vẫn phải giấy rách giữ lấy lề. Ngay cả thư từ giao dịch thông thường, hắn vẫn dùng giấy tốt. Lại phảng phất mùi thơm là khác. Chữ hắn viết rõ ràng biểu lộ những tính tình mà tôi đã nói. Thư từ của hắn, cũng như các thủ bản và các lá số hắn viết, đều mang dấu hiệu của một sứ giả vương mệnh, của một con người cân nhắc từng lời từng chữ, vả đã nói ra thì dù phải chết cũng không thay đổi.

Trong động hắn có một vật mà suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên. Chiếc tủ kính. Thảng hoặc tối nào, thường sau khi trò chuyện đã hơi khuya, tôi lần lại gần tủ, đợi dịp hắn không để ý, tôi vội luồn một tờ năm chục hay một trăm quan dưới pho tượng nhỏ để trên đầu tủ. Tôi vẫn thường phải làm thế, vì nếu trao tiền tận tay hắn hay bỏ phong bì gửi đến sẽ làm hắn ít nhất cũng ngượng ngùng. Mỗi lần, khi ra về, tôi có cái cảm tưởng là hắn đợi cho tôi có đủ thì giờ đến trạm Mê-trô gần đấy rồi vội lẻn ra lại quán rượu quanh đó làm một đĩa cải xào trứng.

Tôi cũng xin nói rằng tôi phải giữ ý không bao giờ nói mình thích một cái gì của hắn, vì nói ra thế nào hắn cũng ép mình phải nhận lấy cho kì được, chẳng khác gì người Tây Ban Nha. Dù tôi bảo tôi thích chiếc cà vạt hắn đang mang hay chiếc can hắn đang cầm, thì cũng vậy. Can hắn có không ít. Cũng vì vô tình như thế mà tôi được tặng chiếc can của Moishe Kisling đã tặng hắn. Có lần tôi đã vận dụng hết tài ăn nói của mình ra để từ chối cặp khuy măng sét bằng vàng duy nhất của hắn mà hắn nằng nặc bảo tôi cầm lấy. Tôi chưa bao giờ dám hỏi hắn tại sao hắn cứ phải mang măng set hồ cứng và khuy vàng. Thế nào hắn chả trả lời rằng hắn không có sơ mi nào khác.

Trên giường, cạnh cửa sổ, nơi kê chiếc bàn viết, hắn thường găm dăm tấm lá số mà hắn đang nghiên cứu. Hắn găm sẵn đấy như người chơi cờ tướng sắp sẵn bàn để tính nước đi. Hắn cho rằng phải cần một thời gian để đoán chắc chắn. Lá số của hắn cũng găm cạnh các lá kia trong một khung riêng.

Chốc chốc hắn lại dò, như nhà hàng hải dò phong vũ biểu. Khi nào hắn cũng chờ một "ngõ mở". Hắn bảo tôi, trong một lá số, khi mọi lối thoát đều bị bít, thì chết là cái chắc. Hắn quả quyết rằng khó mà nói trước được là lúc nào chết. Khi người ta chết rồi thì dễ thấy quá; lúc đó cái gì cũng rõ như ban ngày, cũng có thể thấy đúng từng ly từng tí một.

Tôi còn nhớ rõ những đường bút chì xanh đỏ hắn vạch để cho thấy sự thăng trầm của vận hạn may rủi trên lá số hắn. Cũng chẳng khác nào nhìn quả lắc đu đưa, đu đưa một cách chậm chạp mà chỉ người nào vô cùng kiên nhẫn mới có can đảm theo dõi. Đưa về bên này một chút là hắn mừng rơn; đưa sang bên kia một chút là hắn buồn rượi. Hắn chờ đợi gì ở một "ngõ mở" tôi không rõ, vì có bao giờ thấy hắn chuẩn bị làm một sự cố gắng nào để cải thiện hoàn cảnh hắn đâu. Có lẽ hắn không chờ đợi gì hơn là một hơi gió thoảng. Cứ xem cái tính khí của hắn chỉ có nằm chờ sung rụng. Sung đây chẳng phải là một việc làm, vì việc làm đối với hắn chả nghĩa lý gì. Hắn chỉ muốn độc một cái là cứ tiếp tục các cuộc nghiên cứu của mình. Xem ra thì hầu như hắn đã an phận với hoàn cảnh eo hẹp của mình. Hắn không phải là một con người hoạt động, không phải là một nhà văn xuất sắc hi vọng một ngày kia nhờ ngòi bút giải phóng được bản thân mình, hắn cũng chẳng mềm dẻo để chịu khuất thân xin xỏ. Hắn là Moricand, có thế thôi, cái con người đã được phơi bày rõ ràng trên tấm lá số chính hắn đã lập. Một "số kiếp" Thổ tinh hãm địa, chưa kể đến những cái khác. Một thầy tướng số buồn rượi trong những giờ phút tuyệt vọng cố rút tỉa một tia hứa hẹn mong manh ở ngôi sao bản mệnh của mình. Nói tóm lại, một số kiếp phải chịu một đời đau khổ chật hẹp.

Tôi thường bảo hắn, "Trăng có tuần, sông có khúc, người ta ai chẳng có lúc này lúc khác. Trời đâu phải mưa hoài! Vả lại "tái ông mất ngựa" biết đâu được!"

Nếu thấy hắn chịu nghe tôi còn nói thêm: "Tại sao anh không quăng cha nó đi sao với siếc? Tại sao không đi chơi đâu, không làm như thể ta đang gặp vận? Biết chừng đâu gặp thật cũng nên! Biết chừng đâu gặp một người nào đó ở ngoài đường, một người lạ hoắc, mà lại là người giúp ta mở những cánh cửa mà anh cho là khóa chặt. Biết đâu lại chẳng có phép màu. Nó có thể đến, anh biết chứ, nếu anh vui vẻ lên, nếu anh chuẩn bị cho một cái gì đó nó đến. Nếu anh hãy quên đi những cái gì viết ở trên trời".

Những khi tôi nói thế, hắn nhìn tôi bằng một cái nhìn kỳ dị mang rất nhiều ý nghĩa. Hoặc hắn cười mỉm, một cái cười mỉm dịu dàng, thương xót, của bậc làm cha mẹ khi con dại nói một điều không thể có. Hắn cũng chẳng vội đáp lời tuy đã sẵn câu để đáp và có lẽ cũng chẳng buồn đáp khi bị hỏi dồn như thế. Trong cái im lặng sau đó, nó có vẻ như đang suy nghiệm lại các tín niệm của mình, đang rảo qua (hàng ngàn lần) tất cả những gì hắn từng nói từng nghĩ về điều này, cả đang tiêm cho mình một mũi thuốc ngờ, đang bới rộng đào sâu vấn đề, đang cho vấn đề những chiều kích mà tôi hay không ai tưởng tượng nổi, rồi mới chậm rãi, trịnh trọng, lạnh lùng và đanh thép bắt đầu bào chữa lập trường của mình.

Tôi còn văng vẳng nghe hắn nói, "Này cậu, người ta phải hiểu rõ thế nào là may rủi. Vũ trụ chuyển hành theo định luật, và các định luật này áp dụng cho số mệnh con người cũng như cho sự phát sinh và vận hành của các tinh tú. "Dựa lưng trên chiếc ghế xoay thoải mái, quay lại nhìn thẳng lá số của mình, hắn tiếp tục: "Nhìn cái đường đó xem!" ý hắn muốn nói cái đường bế tắc đặc biệt, riêng biệt, mà hắn đang nhìn chăm chú. Đoạn mở chiếc cặp khi nào cũng kề bên tay, hắn nói hết sức trịnh trọng: "Cái may độc nhất của tôi lúc này là cậu. Thì cậu hiện ngồi đây!" Và hắn giảng giải cho tôi thấy mình ăn khớp ra sao và ở chỗ nào trên lá số. "Cậu và nàng tiên Anaϊs kia. Không có hai người thì đời tôi kể như chấm dứt!"

Tôi mới nói: "Nhưng tại sao anh không chịu nhìn một cách thực tế hơn? Nếu có Anaϊs và tôi , nếu anh cho chỉ có chúng tôi là đáng kể thì tại sao anh không tin tưởng ở với chúng tôi? Tại sao anh không để chúng tôi giúp anh tự giải phóng? Có cái gì mà người ta lại không thể làm cho người khác, phải không?"

Dĩ nhiên là hắn đã sẵn có câu đáp. Cái thất bại lớn cho hắn là hắn có câu đáp cho bất cứ cái gì. Hắn không phủ nhận sức mạnh của lòng tin. Điều hắn muốn nói thật ra chỉ là hắn là một con người thiếu hẳn lòng tin. Cái thiều hẳn lòng tin đó nằm sờ sờ trên lá số. Biết làm sao bây giờ? Điều mà hắn quên không nói thêm là hắn đã lựa chọn con đường tìm hiểu và vì thế hắn đã tự xén cụt cánh mình.

Hàng bao năm sau hắn mới chịu xét lại cái bản chất và nguồn gốc của sự cắt xén này mà hắn gọi là thiếu lòng tin. Cũng vì thuở thiếu thời, bị cha mẹ bỏ bê, các thầy học lại khắc nghiệt bỉ ổi, nhất có một lão hành hạ hắn, làm nhục hắn một cách dã man. Cả một câu chuyện nhơ nhuốc, ghê tởm, nghe qua cũng đủ hiểu tại sao hắn đã bạc nhược, sa đọa tinh thần đến thế.

Truyện Dài » Ác Quỷ Trên Thiên Đàng

Font Size:

Tác Giả: Henry Miller

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Khi nào cũng vậy, trước chiến tranh, lòng người dao động. Khi chiến tranh gần tàn, mọi cái đều bị bóp méo, phóng đại, dồn dập. Bọn người có của lăng xăng như ong kiến, lo phân phối lại tài sản cơ nghiệp, nhà cửa, du thuyền, công phiếu cổ phần hầm mỏ, vàng bạc châu báu, nghệ phẩm. Hồi ấy tôi có một anh bạn thân thường bay đi bay lại từ lục địa này sang lục địa kia làm môi giới cho các khách hàng hoảng hốt này đua nhau tìm cách thoát thân. Những chuyện hắn kể tôi nghe thật động trời. Tuy nhiên rất quen thuộc. Quen thuộc đến phát tởm. (Có ai có thể tưởng tượng triệu phú mà đông như lính không?) Cũng động trời không kém là những câu chuyện của một anh bạn khác kể, một kỹ sư hóa học, thường gặp tôi ăn cơm, những khi đi xa về như Trung Hoa, Mãn Châu, Mông Cổ, Tây Tạng, Ba Tư, A Phú Hản, bất cứ nơi đâu có chuyện quỷ khốc thần sầu. Và khi nào cũng từng ấy chuyện - thủ đoạn, cướp bóc, hối lộ, lừa đảo, âm mưu, thôi thì đủ các trò quỷ quyệt gian manh. Chiến tranh còn một hai năm gì đó mới dứt, mà các triệu chứng đã lồ lộ không sao lầm được - không phải chỉ cho Thế chiến thứ Hai mà cho mọi chiến tranh, mọi cuộc cách mạng tiếp diễn sau đó.

Ngay cả bọn "lang bạt kỳ hồ" cũng bị xua ra khỏi ổ. Kể cũng lạ, không biết hàng bao nhiêu thanh niên trí thức đã bị hoang mang, thất cơ lỡ vận, xô ngược đẩy xuôi như những con cờ phục vụ cho những quan thầy vô danh. Không ngày nào không có những kẻ bất ngờ nhất đến tìm tôi. Đầu óc tên nào cũng chỉ có một câu hỏi: khi nào? Cho đến khi đó xoay xở được cách nào thì cứ xoay đi cái đã! Và chúng tôi xoay, chúng tôi cố bám cho đến chuyến tàu chót.

Trong cái bầu không khí phởn phơ bừa bãi đó, Moricand không dự phần. Hắn không phải là thứ người mời đến chè chén xong rồi phá làng phá xóm, hay say sưa túy lúy, hay bị cảnh sát bố ráp. Thật vậy, không khi nào tôi lại nghĩ chuyện mời hắn vào những buổi ấy. Mỗi lần mời hắn ăn, tôi chọn lọc cẩn thận vài ba anh bạn cùng ăn. Thường thì lần nào cũng vẫn những bộ mặt ấy. Những bạn tướng số cả.

Có lần hắn đột ngột đến tôi, với Moricand ra ngoài nghi thức như thế là chuyện hiếm. Hắn có vẻ hân hoan và bảo tôi rằng cả buổi chiều hắn la cà ngoài bờ sông. Rồi hắn rút trong túi ra một gói nhỏ đưa tôi. Giọng cảm động hắn nói: "Tặng anh!" Nhìn cách hắn nói tôi hiểu là hắn tặng tôi một món quà hẳn tôi phải thích lắm.

Cuốn sách ấy, vì đúng là cuốn sách, là cuốn Seraphita của Balzac.

Nếu không nhờ cuốn Seraphita tôi không chắc sự giao du của tôi với Moricand lại đã chấm dứt như đã chấm dứt. Rồi đây người ta sẽ thấy tôi đã trả món quà quý báu này với cái giá ra sao.

Đến đây có điều tôi muốn nhấn mạnh là, đồng thời với cái xôn xao của thời ấy, cái dồn dập, cái xáo trộn mà không ai không bị, nhất là các nhà văn, riêng trường hợp tôi, dù sao, tôi cũng nhận thấy mạch văn của mình chạy nhanh hơn. Những kẻ ngẫu nhiên tôi gặp, những chuyện xảy ra hàng ngày mà người khác không buồn đếm xỉa, đối với tôi lại có một tầm quan trọng rất đặc biệt. Cả một sự liên hệ không những kích thích hào hứng mà thường khi còn huyền ảo. Cứ đi một vòng ra ngoại ô Ba Lê - Montrouge, Gentilly, Kremlin - Bicêtre, Ivry - cũng đủ làm tôi ngây ngất cả ngày. Tôi thích được ngây ngất, trật đường, lạc hướng ngay từ sáng sớm. (Những cuộc đi dạo mà tôi nói đây là những "cuộc đi dạo cho khỏe người", trước khi ăn sáng. Tâm trí thảnh thơi trống rỗng, tôi dưỡng sức cho khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần để ngồi đánh máy được lâu). Từ con đường Tombe-Issoire, tôi đâm ra các đại lộ, rồi ra ngoại ô, mặc tình cho chân mình đưa bước. Lộn lại, khi nào tôi cũng hướng về Công trường Rungi có liên quan gì đó với vài đoạn trong cuốn phim Tuổi Vàng (L'Âge d'Or), và nhất là với Luis Bunuel. Với những tên nghe kỳ quặc, với bầu không khí chẳng phải của ai, với đủ loại nhãi ranh và quỷ quái kêu la ơi ới từ một thế giới nào khác, nơi đây đối với tôi là một khu vừa hấp dẫn vừa quái đản. Thường tôi hay ngồi trên một chiếc ghế dài ngoài lộ, nhắm nghiền mắt lại trong một lúc để thả mình chìm xuống, rồi bừng mở mắt nhìn cảnh vật với cái nhìn không đâu của kẻ mộng du. Nào dê từ ngoại ô, cầu tàu, bao nước, phao, khung sắt, cầu phao và cào cào lượn qua tròng mắt long lanh của tôi cùng những gà vịt không đầu, những gạc hươu quấn băng, những máy khâu rỉ, những tượng rỉ nước cùng nhiều hình thù kỳ dị khác. Đây không phải là một khu người ở, một khu ngoại ô, mà là một véc-tơ, một véc-tơ hoàn toàn tạo riêng cho nghệ thuật tôi, tạo riêng để buộc tôi vào cái nút cảm xúc. Đi ngược đường Fontaine đến Mulard, tôi cố nén cái đê mê của hồn mình, cố ghi lấy giữ lấy trong đầu mình (cho đến sau bữa ăn sáng) ba cái hình ảnh hoàn toàn rời rạc mà nếu đúc kết chúng lại được với nhau, tôi mới có thể chèn thêm được gì vào một đoạn gay go (của cuốn sách tôi) mà hôm trước tôi không thể nào chèn nổi. Con đường Brillat-Savarin, như con rắn luồn qua công trường Rungis, làm thăng bằng các công trình của Eliphas Lévi, con đường Butte aux Cailles (đi tới nữa) nhắc nhở lại các Chặng đường của Thánh giá, con đường Félicien Rops (ở một góc khác) kéo chuông vang lên làm chim câu vỗ cánh bay vù. Nếu gặp lại lúc đang ngà ngà say, như tôi thường say, tất cả những liên tưởng, những dị hình và xen lẫn này lại càng thêm sống động, thêm màu sắc diễm ảo. Vào những ngày như thế, có nhận được ngay trong mớ thư từ đầu bản hai hay bản ba tờ Kinh Dịch, tập hình Scriabin, tập sách nhỏ kể lại cuộc đời James Ensor, hay tập tiểu luận về Pico della Mirandola, cũng chả có gì thú vị. Cạnh bàn tôi, còn thừa lại các buổi chè chén vừa qua, những chai rượu không khi nào cũng được xếp dọn gọn gàng: Nuits Saint-Georges, Gevrey-Chamberlain, Clos-Veugot, Vosne Romanée, Merusault, Traminer, Château Haut - Brion, Chambolle-Musigni, Montrachet, Beaune, Beaujolais, Anjou, và thứ "rượu thích hơn hết" của Balzac là Vouvray. Toàn các bạn quen, dù nốc không còn một giọt. Có chai còn thoang thoảng hương vị.

Ăn sáng, tại nhà. Cà phê sữa đậm nóng, vài ba chiếc croissant còn nóng ngon lành với ít bơ ngọt và chút mứt. Và điểm thêm chút Segovia. Đế vương thì cũng chỉ thế là cùng.

Phì phà ống điếu một chút, xỉa răng, ngón tay ngứa ngáy, rảo mắt quanh một lượt (như để xem cái nào cái nấy đâu vào đó chưa!), khóa cửa lại, đặt đít trước bàn máy. Thế là làm. Đầu tôi nóng bừng.

Nhưng tôi phải mở cái ngăn kéo nào của cái đầu óc "tủ Tàu" của tôi trước đây? Mỗi ngăn chứa một bí quyết, một toa, một công thức. Có cái hàng 6.000 năm trước Thiên chúa. Có cái còn xưa hơn nữa.

Trước hết tôi phải phủi bụi đi cái đã. Nhất là bụi Ba Lê, quá mịn, quá ngấm, gần như vô hình. Tôi phải lặn xuống các nguồn rễ Williamsburg, Canarsie, Greenpoint, Hoboken, Kênh Gowanus, Erie Basin, đến các bạn ấu thời nay đã trở về với cát bụi, đến những tiên cảnh như Glendale, Glen Island, Sayville, Patchogue, đến các công viên, các vũng biển giờ đây biến thành ổ rác. Tôi phải nghĩ bằng tiếng Pháp viết bằng tiếng Anh, ngồi không nhúc nhích và nói ba hoa, đóng vai kẻ khôn và vẫn là kẻ dại hay đần. Tôi phải làm thăng bằng những gì không thăng bằng mà không ngã khỏi đây. Tôi phải làm xây xẩm mặt mày cây đàn thất huyền mang tên là Brooklyn Bridge nhung không làm mất cái mùi vị, hương thơm của Công trường Rungis. Cái lúc này phải là lúc đầy ặp cơn nước triều của sự Trở về Vĩ đại...

Ta hãy nhìn lại quá khứ. Năm ấy là năm 1939. Tháng ấy là tháng Sáu. Tôi không đợi quân Đức đến nơi rồi mới chạy tán loạn. Tôi đi nghỉ mát. Vài giờ nữa là tôi đi Hy Lạp.

Tất cả những gì tôi còn bỏ lại ở cái văn phòng tại Biệt thự Seurat là lá số của tôi viết bằng phấn trên tấm vách đối diện cửa ra vào. Để cho người đến thay tôi suy nghiệm. Chắc chắn là một sĩ quan chiến tuyến. Có lẽ một học giả.

À mà còn cái gì nữa, trên một vách khác, cao gần trần, có hai câu thơ:

Giờ đây trái đất phải chìm.

Giờ đây một phép màu phải đến.

Một ngày nào đó, nếu tôi tậu được một ngôi nhà có căn phòng rộng và tường để không, tôi có ý thiết lập một bản đồ hay đồ thị rất lớn thuật lại đời các bạn bè của tôi còn rõ hơn là viết sách, và một bản nữa thuật lại sự tích các văn phẩm trong đời tôi. Mỗi bức trên một bức tường đối diện nhau thấm nhuần nhau, tẩy xóa nhau. Không ai hi vọng sống được lâu để viết hết những chuyện, những kinh nghiệm khôn lường này thành chữ. Chỉ có một cách ghi lại thành biểu tượng, thành đồ hình, như các tinh tú viết lại cái bí mật lấm chấm của chúng trên bầu trời vậy.

Tại sao tôi nói thế? Bởi vì trong thời gian này - có quá nhiều để làm, quá nhiều để xem, để nếm, để hàng bao thứ khác - quá khứ và tương lai đồng qui một cách rõ ràng chính xác đến nỗi không những bạn bè sách vở mà cả các sinh vật, sự vật, mộng mơ, sử biến, đền đài, phố xá, tên các nơi chốn, các cuộc đi dạo, gặp gỡ, chuyện trò, mơ tưởng, chợt nghĩ, tất cả đều nổi bật, đều gãy thành góc cạnh, thành vực, thành sóng, thành bóng, bộc lộ cho tôi cái yếu tính và ý nghĩa của chúng trong một toàn thể hòa hợp và dễ hiểu.

Nói về bạn bè, tôi chỉ cần nghĩ một lúc là đã gợi ra cả một đại đội hay một đại đoàn. Chả cần phải khó nhọc, họ tự xếp thành hàng sâu rộng, ảnh hưởng, lâu mau, gần xa, trọng lượng và mật độ tinh thần, và này khác. Khi họ đứng vào vị trí tôi thấy như mình bay bổng trên không với cái tốc độ và nhịp điệu của một thiên thần đãng trí, tuy nhiên giao tiếp lần lượt với từng người một tại đúng cái điểm hoàng đới phải giao tiếp và đúng cái lúc, xấu hay tốt, mà định mệnh đã an bài. Họ lố nhố hiện ra. Người thì liệm màn sương, người thì chằm chằm như lính gác, người thì cứng nhắc như bóng băng sơn, người thì úa héo như hoa mùa thu, người thì chạy về cõi tử, người thì lăn trên bánh xe cao su như những kẻ say, người thì hì hục len lỏi qua những mê lộ vô cùng tận, người thì đi giày trượt trên đầu bạn bè như thể bọc trong ánh tuyết, người thì cử tạ nặng ngàn cân, người thì dính chặt vào sách vở mà họ đang đào, người thì cố bay lên tuy chân bị xiềng xích, nhưng tất cả đều sống động, đều có tên, đều được xếp loại, phân hạng theo nhu cầu, nông sâu, sáng suốt, mùi vị, thân khí, hương thơm và nhịp mạch. Có người bị treo như những hành tinh đỏ rực, có người như các tinh tú xa tít lạnh lùng. Có người mọc mầm nhanh như chớp, như sao mới, đoạn tan thành bụi, có người âm thầm đi, luôn luôn trong tầm gọi, như các vì sao tốt. Có người đứng riêng ra, không phải kiêu kì nhưng như thể chờ được gọi đến - như các nhà văn (Novalis, chẳng hạn) mà chỉ cái tên cũng đã đầy hứa hẹn khiến người ta khoan dọc họ và chờ cho đến cái lúc lí tưởng kia nó không bao giờ đến cả.

Còn Moricand, hắn không đóng một vai trò nào trong cái hỗn độn lấp lánh này sao? Tôi không dám chắc. Hắn chỉ là một phần của bối cảnh, một hiện tượng phù hợp với thời đại. Hiện giờ tôi còn mường tượng hắn lúc đó ngồi yên không nhúc nhích. Len lén trong bóng tối chập chờn, lạnh lùng, xám xịt, điềm nhiên, mắt long lanh với tiếng "Ái dà!" lanh lảnh thốt ra cửa miệng. Như thể tự nhủ: "Ái dà! Biết rồi". Từng nghe nói trưứoc kia rồi. Đã quên từ lâu rồi. Ái dà! Còn phải nói! Con mê lộ, con linh dương sừng vàng, mục tiêu khó đạt, nhà phiêu lưu mạo hiểm, phiên chợ kiểu Beughel, bụng bị thương của con Bò cạp, vọng dụng bánh thánh, pháp quan, thoát điên, loạn thần cộng sinh, con sạch sành cô độc giữa bãi đá cuội hoang vu. Giữ cho vững, bánh xe đang quay nhè nhẹ. Rồi đến lúc mà... Hắn vùi đầu trên các bản tính. Đọc theo một bàn tính Geiger. Rút cây bút máy bằng vàng ra, viết lên giấy màu sữa tím: Vân ban thạch, Proclus, Plotinus, Thánh Valentin, Julian tên bội giáo, Hermes Trismegistus, Apollonius ở Tayana, Clause Saint-Martin. Trong túi áo hắn có một ve nhỏ đựng nhựa mộc dược, dầu hương với chút xá xị rừng. Mùi thánh đức! Ngón út tay trái đeo chiếc nhẫn ngọc thạch khắc dấu hiệu âm dương. Hắn từ từ móc ra chiếc đồng hồ thau nặng đầu có nút lên dây và đặt xuống sàn. Lúc đó 9 giờ rưỡi, giờ vũ trụ, sừng trăng muốn đảo, đường hoàng đạo lấm chấm mầm sao chổi. Có cả Thổ tinh với ánh sáng đục mờ chỉ điềm dữ. "Ái chà!" hắn thốt lên, như thể đóng đinh lời đoán của mình "Tôi không quyết đoán gì cả. Tôi quan sát. Tôi phân tích. Tôi tính toán. Tôi rút tỉa. Minh triết đang qui tụ, nhưng kiến thức thì chắc chắn lắm rồi. Nhà mổ xẻ có dao, phu đào huyệt có cuốc xẻng, nhà phân giải có sách mộng, thằng ngu có cái đầu lừa. Còn tôi, tôi đau bụng. Bầu không khí khó thở quá, đá nặng quá không tiêu hóa nổi. Kali Yuga. Chỉ còn 9.765.854 năm nữa là chúng ta thoát khỏi hầm rắn. Cậu hãy can đảm lên!"

Và chính cái lúc này - có quá nhiều cái để làm, quá nhiều cái để xem, quá nhiều cái để uống, quá nhiều cái để tiêu hóa - là lúc mà, như các sứ giả từ các thế giới xa xăm tuy nhiên quen thuộc một cách lạ lùng, các sách bắt đầu xuất hiện. nào Nhật ký của Nijinsky, Người chồng vĩnh cửu (The Eterual Husband), Tinh thần của Thiền (The Spirit of Silence), Giọng nói của im lặng (The voice of the Silence), Tập hợp tuyệt đối (The Absolute Collective), Sách các vong nhân của Tây Tạng (The Tibetan Book of the Dead), Nhà tu uyên bác (l'Eubage), Đời sống của Milarepa (The Life of Milarepa), Chiến vũ (War Dance), Các suy tư của một Nhà thần bí Trung Hoa (Musings of a Chinese Mystic)...

Rõ ràng chưa?

Và đây là đêm cuối cùng đi chơi với anh bạn quí Moricand của tôi. Một bữa ăn sơ sài tại một quán ăn đường Fontaine, xế nhà cha đẻ của môn phái Siêu thực. Vừa bẻ bánh chúng tôi nói chuyện về ông at. Một lần nữa nói đến Nadja. Và sự "Vọng dụng Bánh thánh".

Moricand ấy à, anh ta buồn. Tôi cũng buồn, nhưng vậy thôi. Tôi mãi nghĩ đâu đâu. Tưởng tượng mình đang ở Rocamadour, nơi mai tôi sẽ đến.

Sáng ra, Moricand hẳn lại một lần nữa đứng trước lá số của mình nhìn quả lắc đu đưa chắc chắn là nó đã xê sang trái! - tìm xem Rugulus, Rirel, Antarès, hay Betelgeuse có thể giúp mình được tí nào không, tí ti thôi. Chỉ còn 9.765.854 năm nữa là tình hình thay đổi hẳn...

Ra khỏi trạm mê-trô ở Vavin thì trơi mưa lun phun. Tôi nhất định phải ngồi một mình nhấm nháp một chén.

Chẳng phải tuổi Mùi thích tĩnh mịch là gì? Ái dà! Tĩnh mịch giữa phồn hoa náo nhiệt. Không phải tĩnh mịch thiên đàng, mà là tĩnh mịch trần gian. Những nơi hoang vu.

Mưa bay bay trở thành mưa dầm, xám, buồn, êm ả buồn. Mưa ăn mày. Tôi nghĩ vẩn vơ. Bỗng nhiên tôi thấy trước mắt những đóa hoa cúc to tướng mà mẹ tôi ưa trồng ở mảnh sân xơ xác sau nhà tại con đường đau khổ thuở ấu thơ. Giờ đây chúng lủng lẳng trước mắt tôi, như một chùm hoa giả, ngay trước khóm tử đinh hương mà ông Fuchs, người hái hundski, cho chúng tôi vào một mùa hè.

Phải, tuổi Mùi là một con thú ưa tĩnh mịch. Chậm chạp, cần cù, kiên nhẫn, sống trên nhiều mặt một lúc. Nghĩ thành vòng tròn. Hay nhìn vào cái chết. Leo, leo mãi. Có lẽ để tìm một bông hoa tuyết bất tử. Hay chính nó là hoa bất tử? Không biết mẹ. Chỉ biết "các bà mẹ". Ít cười và thường thì cười méo xệch. Sưu tầm bạn dễ như sưu tầm tem, nhưng ghét giao thiệp. Nói thẳng thừng thay vì là nói mềm mỏng. Siêu hình, trừu tượng, điện từ. Lặn xuống tận đáy. Thấy sao, sao chổi, sao nhỏ nơi mà thiên hạ chỉ thấy nốt ruồi, mụn cóc, trứng cá. Tự mình ăn mình khi đã chán đóng vai cá mập ăn người. Một kẻ cuồng loạn. Một kẻ cuồng hành. Nhưng lòng chung thủy - và thù dai. Ái dà!

Từ ngày chiến tranh bùng nổ cho đến 1947 không được một tin nào của Moricand. Tôi cho là hắn chết rồi. Rồi, ít lâu sau khi chúng tôi dọn đến ngôi nhà mới ở Parlington Ridge, chúng tôi nhận được một bì thư có mang địa chỉ người gửi là một quận chúa Ý. Trong có kèm một bức thư của Moricand, viết đã sáu tháng, yêu cầu quận chúa nếu tìm được địa chỉ của tôi thì xin chuyển dùm hộ. Hắn cho địa chỉ là một ngôi làng gần Vevey, Thụy Sĩ, nơi hắn nói hắn vẫn ở từ khi chiến tranh kết thúc. Tôi trả lời ngay, bảo hắn tôi rất mừng được biết hắn còn sống và hỏi hắn tôi có thể giúp được gì không. Phúc thư của hắn như một viên đại bác, hắn kể rõ tình cảnh của hắn mà, đúng như tôi dự đoán, đã chẳng hơn gì trước. Hắn ở tại một nhà trọ nghèo nàn, một căn phòng không lửa sưởi, vẫn đói khát, và không có tiền mua nổi điếu thuốc. Tức thời tôi gửi cho hắn thức ăn cùng vật dụng này khác mà hắn chắc đang thiếu. Với thêm ít tiền. Tôi cũng gửi cho hắn ít bưu chỉ quốc tế để hắn khỏi tốn tiền mua tem.

Chả mấy lúc thư từ bắt đầu đi lại. Thêm mỗi bức thư, tình trạng hắn lại thêm khốn đốn. Những món tiền nhỏ chúng tôi gửi hắn không thấm thía gì ở Thụy Sĩ. Bà chủ nhà không ngớt đòi tống khứ hắn, hắn thì càng ngày càng yếu, phòng trọ lạnh không chịu thấu, ăn uống thiếu thốn, lại không sao tìm ra việc, và - ở Thụy Sĩ lại cấm tiệt ăn mày!

Gửi thêm tiền cho hắn thì quả tình không được. Vì chúng tôi đào đâu ra. Làm sao bây giờ? Tôi tính đi tính lại. Hầu như vô phương.

Đã thế, thư hắn lại đến tới tấp, vẫn giấy tốt, vẫn gửi máy bay, vẫn xin xỏ, kêu van, giọng càng ngày càng bi đát. Tôi phải tính gấp bằng không rồi đời hắn. Hắn nói rõ thế, thật là đau đớn.

Sau cùng tôi nghĩ ra một cách mà tôi cho là rất hay. Thần tình, không hơn không kém. Là mời hắn sang ở với chúng tôi, có gì sống nấy, coi nhà chúng tôi như nhà hắn cho đến lúc chết. Tôi tự hỏi giản dị có thế mà tại sao trước kia mình không nghĩ ra.

Tôi dự tính một mình cho đến vài hôm sau tôi mới nói cho vợ biết. Tôi cũng biết mình phải lựa lời nói sao cho khéo để nàng thấy rõ không thể làm sao hơn. Chẳng phải nàng hẹp lượng, nhưng hắn lại không phải cái thứ người làm cho đời sống thêm phần thú vị. Chẳng khác gì mời Thần Sầu đến cho mình kiệu trên vai vậy.

Khi tôi đã thu hết can đảm để đưa ra đề nghị, lời đầu tiên nàng hỏi tôi: "Thế chứ anh tính để hắn ta ngủ đâu?" Chúng tôi chỉ có độc một phòng khách làm luôn phòng ngủ, với một phòng nhỏ bé kế bên cho bé Val.

Tôi bảo "Để hắn ngủ văn phòng của anh". Phòng riêng biệt, cũng chẳng rộng gì hơn phòng bé Val. Bên trên là cái ga-ra một phần sửa thành nơi làm việc. Tôi có ý định dành nơi đó cho mình.

Rồi đến vấn đề trọng đại: "Anh đào đâu ra tiền lộ phí?"

Tôi đáp: "Điều đó anh sẽ tính. Cốt yếu là em có bằng lòng hay không?"

Hàng bao nhiêu ngày, hai vợ chồng bàn đi tính lại. Nàng thì dự cảm thế này, tiên đoán thế kia. Nàng thuyết phục tôi hãy bỏ cái ý định ấy đi. Nàng cằn nhằn. "Tôi biết mà, rồi anh sẽ hối không kịp".

Điều nàng không hiểu nổi là tại sao tôi lại cứ phải đưa vai gánh lấy cái trọng trách đối với một kẻ xưa nay chưa từng là bạn tri âm tri kỷ. Nàng nói: "Nếu phải Perlès thì lại khác; anh ta còn có một ý nghĩa gì với anh. Hay Eugene, anh bạn Nga. Còn Moricand! Anh nợ gì hắn cơ chứ?"

Câu nói này đánh trúng tim đen tôi. Tôi nợ gì Moricand? Chẳng gì cả. Và nợ đủ. Không phải hắn là người đã đặt cuốn Seraphita vào tay tôi sao?

Tôi cố giải thích điểm này. Nửa chừng tôi lại thôi. Tôi thấy cố đưa ra một điểm như thế quả thật phi lý. Chẳng qua một cuốn sách! Họa có điên mới đưa ra một luận điệu như thế.

Dĩ nhiên tôi còn đưa ra nhiều lý lẽ khác. Nhưng tôi nằng nặc lấy Seraphita ra biện luận cho mình. Tại sao? Tôi cố lý luận đến cùng. Rốt cuộc tôi tự hổ ngươi. Tại sao tôi lại phải biện bạch cho mình? Tại sao phải tự bào chữa? Người ta đang đói dở. Đang đau ốm. Đang cùng quẫn. Chỉ còn chờ chết. Như thế không đủ sao? Đành rằng trong những năm biết hắn, hắn cơ hàn, khốn khổ, khốn nạn. Chiến tranh chả thay đổi được gì; chiến tranh chỉ làm tình cảnh hắn thêm tuyệt vọng. Nhưng tại sao lại thắc mắc rằng hắn là bạn thân hay chỉ là bạn? Dù hắn là người xa lạ đi nữa, hắn đã kêu gọi đến lòng thương xót của mình cũng đủ. Không ai đành tâm ngồi nhìn một kẻ chết đuối chìm dần.

Tôi kêu lên: "Tôi phải làm!". Hiện tôi chưa biết tôi phải làm cách nào, nhưng tôi nhất định làm. Ngay ngày hôm nay, tôi viết thư cho hắn. Đoạn tôi còn nói kháy nàng một câu: "Chắc gì hắn đã thích".

Nàng nói. "Anh khỏi lo. Một cọng rơm nó cũng bám".

Thế là tôi viết rõ sự thể cho hắn biết. Tôi còn vẽ sơ đồ hình nhà cửa, cho biết kích thước phòng hắn, rằng phòng không lò sưởi, rằng chúng tôi ở xa thành thị. Tôi nói: "Không chừng ở đây anh sẽ buồn lắm, ngoài chúng tôi ra không còn ai để trò chuyện, không thư viện, không quán cà phê, và nhà xi-nê gần nhất cũng hàng sáu bảy chục cây số. Nhưng ít ra anh không còn lo ăn lo ở". Kết luận, tôi còn nói sang đây anh là chủ anh, muốn làm gì tùy thích, thật vậy, muốn nằm khàn suốt ngày cũng chẳng sao.

Hắn trả lời liền, bảo tôi rằng hắn mừng quá sức, gọi tôi là ông thánh, là cứu tinh, vân vân và vân vân.

Mấy tháng kế đó, tôi lo đào tiền, vay ai được là vay, có ít tiền dắt lưng cũng bỏ ra, mượn trước tiền bản quyền, sau hết lo giấy tờ cho hắn từ Thụy Sĩ bay qua Anh lên tàu Queen Mary hoặc Elizabeth, gặp chiếc nào đi chiếc đó, sang Nữu Ước, rồi từ Nữu Ước bay đến San Francisco, đến đây có tôi chờ sẵn.

Trong mấy tháng vay mượn ngược xuôi và nhặt nhạnh từng đồng tôi vẫn phải lo cho hắn sống đầy đủ hơn. Lo cho hắn béo tốt ra không lẽ ôm lấy một kẻ chết dở. Còn một điều tôi không giải quyết được thỏa mãn, là trả số tiền trọ còn thiếu. Trong hoàn cảnh này, tôi không thể làm gì hơn là viết một bức thư nhờ hắn đưa cho bà chủ nhà xem, trong đó tôi hứa sẽ thanh toán mọi khoản sớm ngày nào hay ngày nấy. Tôi xin lấy danh dự hứa với bà ta.

Ngay trước hôm đi, hắn gởi cho tôi một lá thư chót, cho tôi biết rằng về việc bà chủ nhà, mọi sự cũng đã yên. Hắn viết để cho bà an tâm, hắn đã phải miễn cưỡng tặng bà một bài thơ. Dĩ nhiên hắn dùng chữ văn hoa hơn thế. Nhưng hắn nói rõ ràng, dù làm thế là tởm, hắn cũng đã làm tròn phận sự.

Hắn đến phi cảng San Fransico đúng vài ngày trước lễ Giáng sinh. Chả là xe tôi hỏng, tôi mới nhờ anh bạn Lilik (Schaartz) đi đón hắn và đưa hắn về ở tạm nhà anh tại Berkeley cho đến khi tôi có thể về lại đón.

Vừa bước ra khỏi phi cơ hắn nghe gọi tên hắn "Ông Moricand! Ông Moricand! Xin chú ý!" Hắn dừng bước tai nghe miệng há hốc. Một giọng trầm ấm êm ái đang nói với hắn trên không bằng một thứ tiếng Pháp đúng giọng, bảo hắn đi lại bàn. Hỏi thăm có người đang chờ hắn.

Hắn ngẩn tò te. Thật là một xứ kỳ ảo! Thật là chu đáo! Trong lúc ấy hắn cảm thấy mình như một đế vương.

Chính Lilik đợi hắn ở bàn hỏi thăm. Lilik là người đã nhờ cô gái nói. Lilik là người đón hắn đi, cho hắn đánh một bữa ngon lành, ngồi với hắn cho đến tảng sáng, thù tạc hắn bằng thứ Scotch ngon nhất mà anh mua được. Và đặc biệt hơn nữa tặng hắn một tấm hình Big Sur trông chẳng khác nào một thiên đàng mà quả thế. Hắn, Conrad Moricand, khi rượu đã ngấm, quả là người sung sướng.

Ngẫm ra như thế còn hay hơn là chính tôi đi đón.

Vài ngày sau, thấy mình không thể đi San Francisco được, tôi mới điện thoại cho Lilik nhờ lái xe đưa Moricand về dưới tôi.

Ngày hôm sau, vào khoảng chín giờ đêm, họ đến nơi.

Trước khi hắn đến, tôi đã trải qua nhiều xáo trộn trong lòng nên khi mở cửa nhìn hắn bước mấy bậc thang vườn, tôi hầu như đờ đẫn. (Vả lại tuổi Mùi ít khi mà bộc lộ cảm tình của mình ra ngay).

Còn Moricand, hắn cảm động ra mặt. Khi rời tay nhau, tôi thấy hai giọt nước mắt to tướng lăn trên má hắn. Hắn đã "về nhà". Bình yên vô sự.

Căn phòng nhỏ tôi dọn dẹp cho hắn làm nơi ngủ, nơi làm việc chỉ nhỏ bằng nửa căn phòng trên lầu thượng Khách sạn Modial. Vừa đủ đặt một chiếc giường nhỏ, một bàn viết, một giỏ bỏ giấy. Với hai ngọn đèn dầu thắp lên, trông vẻ mờ ảo. Một Van Gogh hẳn phải thích thú.

Tôi không thể không nhận thấy hắn đã sắp đặt đâu vào đấy một cách mau lẹ ngăn nắp, cái ngăn nắp cố hữu của hắn. Tôi để hắn một mình một lúc cho hắn mở hành lý và tụng Ave Maria. Khi tôi trở lại chúc hắn ngủ ngon, tôi thấy cái bàn viết đã được sắp đặt như thuở nào - tập giấy để chênh chếch trên cái thước ba cạnh, tấm bàn thẩm rộng trải thẳng, bên cạnh là bình mực, ống bút với đủ thứ bút chì, chiếc nào cũng vót nhọn sẵn sàng. Trên kệ có gắn tấm gương, thấy để lược, bàn chải quần áo, và hai tấm hình nhỏ đóng khung. Hắn cũng đã găm lên vài tấm cờ, như một sinh viên. Tất cả đều như xưa chỉ thiếu có tấm lá số của hắn.

Tôi cố chỉ hắn cách dùng chiếc đèn Aladin, nhưng có hơi phiền phức nên hắn không thể hiểu ngay. Hắn thắp hai cây nến lên. Đoạn, xin lỗi là phải để hắn quá chật chội, và gọi đùa căn phòng là một nấm mồ nhỏ ấm cúng, tôi chúc hắn ngủ ngon. Hắn theo tôi ra ngoài nhìn sao và hít một hơi dài cái không khí sạch sẽ thơm tho của ban đêm, và bảo tôi là ở trong căn phòng này hắn hoàn toàn thoải mái.

Sáng hôm sau, sang gặp hắn, tôi thấy hắn đã quần áo chỉnh tề đứng đầu cầu thang. Hắn đang ngắm biển. Mặt trời còn thấp và sáng rực trên trời, bầu không khí hết sức trong sáng, nhiệt độ trong sáng, nhiệt độ của một ngày cuối xuân. Hắn hầu như ngây ngất trước cảnh bao la của Thái Bình Dương, trước cái chân trời xa tắp, rõ ràng từng nét, trước màu xanh rực mênh mông. Một con diều xuất hiện từ từ lượn qua trước nhà rồi biến dạng. Cảnh tượng hẳn như làm hắn sững sờ. Rồi đột nhiên hắn nhận thấy trời ấm áp dễ chịu. Hắn nói, "Trời ơi, ấy thế mà mới sắp mồng một tháng Giêng!"

Vừa bước xuống thang, hắn vừa lẩm bẩm, "Thật là một thiên đàng".

Điểm tâm xong, hắn chỉ tôi cách lấy giờ lên giây chiếc đồng hồ hắn mang sang làm quà cho tôi. Hắn nói, đó là một gia sản, vật sở hữu cuối cùng của hắn. Chiếc đồng hồ đã có hàng mấy đời. Cứ mười lăm phút lại gõ chuông, rất nhẹ nhàng, rất du dương. Hắn cầm lên cầm xuống rất nương tay trong khi tỉ mỉ giải thích bộ máy lôi thôi của nó. Hắn còn cẩn thận lần mò cho ra một tiệm chữa đồng hồ ở San Francisco, một tiệm đáng tin, mà tôi có thể đưa chữa khi đồng hồ có gì hư hỏng.

Tôi cố làm ra vẻ thích thú với món quà kỳ diệu mà hắn tặng tôi, nhưng thật ra, trong thâm tâm tôi, tôi thù ghét cái đồng hồ khỉ gió ấy. Đối với tôi, của cải của at chẳng có gì đáng quý. Thfi giừo đây tôi lại phải ôm lấy một vật đòi phải chăm nom cẩn thận. Tôi tự nhủ "Rõ của nợ". Nhưng miệng thì đề nghị hắn giữ gìn dùm, lên giây, cho dầu và này khác. Tôi bảo, "Chả anh quen rồi mà". Tôi tự nhủ chả bao lâu nữa bé Val - nó mới lên hai - thế nào cũng tý toáy vặn lên vặn xuống để nghe đánh chuông chơi.

Có điều lạ là vợ tôi lại không cho hắn là quá lầm lì, quá ủ rũ, quá già nua, quá suy nhược. Trái lại, nàng còn nhận thấy hắn rất duyên dáng và khéo chân khéo tay. Nàng cũng thán phục cái ngăn nắp và lịch sự của hắn. "Anh có thấy tay hắn không? Thật là đẹp! Tay của nhạc sĩ". Mà đúng thế, hắn có đôi bàn tay đẹp mạnh ngón đầu hơi tòe, ngón tay luôn luôn cắt xén và đánh bóng.

Tôi hỏi, "Anh có mang theo quần áo cũ nào không?" Với bộ đồ xẩm, trông hắn có vẻ thị thành quá.

Thì ra hắn không có quần áo cũ. Hay đúng hơn là hắn vẫn có từng nấy bộ, chẳng cũ cũng chẳng mới. Tôi nhận thấy hắn nhìn tôi từ đầu đến chân có vẻ hơi hiếu kỳ. Tôi không còn bộ nào cả. Tôi toàn mặc quần vải dày, áo bông có lỗ, áo ngoài mua sẵn và giày cao su. Chiếc mũ ỉu xìu - chiếc mũ cuối của tôi - lại có lỗ thông hơi quanh băng. Tôi nói "ở đây không cần quần áo. Nếu muốn, cởi truồng đi cũng không sao".

Hắn thốt, "Đời sống kỳ quá nhỉ! Thật không thể tưởng tượng!"

Sáng hôm ấy, khi cạo râu, hắn hỏi tôi có phấn thạch cao không. Tôi nói, "có chứ". Và đưa cho hắn hộp phấn của tôi. Hắn hỏi, "Anh có thứ Yardley không?" Tôi nói. "Không. Mà sao?"

Hắn mỉm cười nửa sượng sùng, nửa biện bạch. "Tôi chỉ quen dùng Yardley thôi. Rảnh đi phố anh mua cho tôi một hộp có được không?"

Bỗng nhiên tôi cảm thấy như đất lở dưới chân tôi. Sang đây nó bình yên vô sự, có nơi ăn chốn ở cho đến ngày xuống lỗ ngay giữa "một thiên đàng thật sự" mà nó lại đòi phải có phấn Yardley! Thế thì quá quắt thật, lẽ ra tôi phải vâng theo bản năng của tôi mà bảo hắn: "Xéo đi cho rảnh! Hãy trở về với cái Hỏa ngục của mày đi!'

Đó mới là chuyện vặt và, giá phải ai khác, tôi hẳn bỏ qua, cho đó là một thị hiếu, một trái chứng, một cố tật, hay bất cứ gì khác ngoài một điềm xấu. Nhưng ngay từ phút đó, tôi biết là vợ tôi nói đúng, biết rằng mình đã lầm to. Lúc đó tôi mới cảm thức được cái con đỉa mà Anaϊs đã cố dứt bỏ. Tôi thấy rõ đứa bé hư, thằng người suốt đời không từng làm một chút việc gì gọi là lương thiện, tên cùng khốn quá tự ái để ra mặt ăn xin nhưng chỉ tính rút tỉa bạn bè cho đến xương tủy. Tôi biết thế, cảm thấy thế, và biết trước kết cục phải ra sao rồi.

Mỗi ngày tôi lại cố đưa hắn đi xem một khía cạnh mới của miền này. Nào là các suối lưu huỳnh mà hắn cho là kỳ diệu - hơn khoáng tuyền ở Âu châu vì thiên nhiên, cổ sơ và trong sạch hơn. Nào các "rừng hoang" gần đó mà rồi nó đi khám phá một mình, say sưa với các cây cù tùng, các giống hoa rừng, và đủ loại dương xỉ. Thích thú hơn nữa trước cái mà hắn gọi là "bỏ mặc', vì ở Âu châu không đâu có rừng lại mang một bộ mặt bù xù như các rừng Mỹ. Hắn lấy làm lạ là không ai đến lấy các cành khô, các thân cây chết chất ngang chất dọc hai bên đường đi. Củi nhiều thế mà vứt bỏ phí phạm! Gỗ nhiều thế mà bỏ không dùng, không thiết, trong khi ở Âu châu người ta chen chúc nhau trong những căn phòng không củi sưởi. Hắn kêu lên, "Thật là một xứ kỳ dị! Đâu đâu cũng sung túc. Chả trách gì người Mỹ lại hào phóng đến thế!"

Vợ tôi nấu ăn không phải dở. Thật ra, nấu ăn ngon là khác. Bữa ăn khi nào cũng có rượu thừa thãi. Dĩ nhiên là rượu vang Californie, nhưng hắn cho là ngon tuyệt, ngon hơn rượu vang đỏ thường của Pháp. Nhưng bữa ăn phải một cái hắn thấy khó quen nổi - là thiếu súp. Hắn thấy không sao làm quen được với các thói của Mỹ là trưa ăn ít quá. Bữa ăn trưa phải ăn thực sự. Chúng tôi thì buổi ăn tối mới là buổi chính. Nói chung thì phó mát không đến nỗi dở và sà lách thì tuyệt, nhưng hắn vẫn thích dầu lạc hơn là dầu ô liu mà chúng tôi dùng thả cửa. Chúng tôi dùng nhiều tỏi là điều hắn thích. Còn bít-tết thì quả tình hắn chưa được ăn ở đâu ngon bằng đây. Thỉnh thoảng chúng tôi xoay được ít cô-nhắc cho hắn cảm thấy chút hương quê.

Nhưng cái làm hắn khó chịu nhất là thuốc lá Mỹ. Nhất là thuốc vấn thì thật ghê tởm. Chả lẽ không đào ra được ít thuốc gauloises xanh ở San Francisco hay New York hay sao? Tôi bảo cũng có thể được nhưng đắt lắm. Tôi bảo nó hút thử Between the Acts. (Không nói hắn biết, nhưng tôi nhờ các bạn ở những đô thị lớn gửi gấp cho ít thuốc lá Pháp). Hắn cho loại xì-gà nhỏ hút được. Hút loại này hắn nhớ đến một thứ hắn thích hơn là loại xì-gà cắt đầu. Kỳ tới ra tỉnh tôi đào được ít xì-gà dài cắt đầu của Ý. Hút được lắm! Ngon đấy! Tôi tự nhủ, thôi thế cũng đỡ.

Còn một vấn đề chúng tôi không giải quyết nổi là giấy viết thư. Hắn nhất định cần phải thứ giấy cỡ riêng. Hắn đưa tôi xem một tờ mẫu hắn mang từ Âu chaua sang. Tôi mang ra tỉnh đọ xem có thứ nào tương tự không. Nhưng không, rõ thật khổ. Cỡ giấy kỳ dị, chúng tôi chả ai dùng. Hắn không tài nào tin nổi đâu có chuyện lạ thế. Mỹ làm đủ thứ, làm thật nhiều. Thế mà lại không có nổi một thứ giấy rất thường. Hắn nổi cáu. Giơ cao tấm giấy mẫu, lấy ngón tay búng, hắn nói to: "Ở Âu châu không nơi nào lại không có thứ giấy này, đúng cỡ này. Thế mà ở Mỹ, bảo rằng có đủ, mà lại không sao tìm ra cái này. Thật là chó chết".

Xin thú thật, nghe cái chuyện chó chết này tôi thấy thối không ngửi nổi. Không biết hắn viết cái thá gì mà phải đòi cho được cái thứ giấy đúng cỡ ấy cơ chứ? Tôi đã phải lo cho hắn nào phấn Yardley hắn thích, thuốc lá gauloises xanh hắn thích, thứ nước hoa hắn thích, thứ đá mài bột hơi thơm thoảng (thay thuốc đánh răng) mà hắn thích, giờ đây hắn lại còn hành tôi về chuyện giấy giếc.

Tôi khẽ nói, "Anh hãy ra ngoài này một chút được không? Anh hãy nhìn xem... nhìn biển cả mênh mông kia! Nhìn lên trời xem! Tôi chỉ những đóa hoa đang nở. Một con chim sâu như vừa từ một nụ hồng bay bổng lên trước mặt chúng tôi. Cánh nó đập nghe vù vù nhỏ nhẹ. Tôi thốt, "Hãy nhìn xem!" Tôi ngưng một lát. Đoạn với một giọng rất bình tĩnh, tôi nói: "Khi người ta đã có tất cả những cái này, thì khi viết dù có viết trên giấy chùi đít cũng không được hay sao?"

Lời nói đã đánh trúng.

Hắn mở đầu, "Này cậu, tôi mong rằng cậu đừng nghĩ tôi là hay hạch sách..."

Tôi đáp, "Quả tình tôi nghĩ thế".

"Cậu hãy tha lỗi cho tôi. Tôi rất ân hận. Không ai lại biết ơn hơn tôi về tất cả những gì cậu đã giúp tôi".

"Này anh Moricand, tôi không cần anh biết ơn. Tôi chỉ xin anh hãy có chút common sense (biết điều). (Tôi muốn nói là (horse sense) nhưng lúc đó không tìm ra được chữ Pháp tương đương). Dù cho ngay cả không có giấy đi nữa, tôi cũng mong anh vẫn vui vẻ như thường. Giờ đây anh là một con người tự do, anh nhận thấy thế chứ? Mẹ kiếp, sao lại không, anh còn giàu hơn tôi! Thì hãy nhìn, đừng làm thối tất cả những cái này" - Tôi vung tay lên trời, ra biển, lên lũ chim đang bay, lên các ngọn đồi xanh - "ta đừng làm thối tất cả những cái này với những chuyện giấy giếc, thuốc thiếc, phấn phiếc, những chuyện vớ vẩn. Điều mà ta phải nói đến là - Thượng đế".

Hắn tiu nghỉu. Tôi cũng muốn xin lỗi hắn đôi chút, nhưng không. Tôi rảo bước về phía rừng. Trong bóng mát của rừng sâu, tôi ngồi bên bờ làm cái mà người Pháp gọi là tự vấn lương tâm. Tôi cố nghịch đảo lại tình trạng, tự đặt mình vào địa vị hắn, tự mình nhìn qua mắt hắn. Tôi xin thú thật rằng tôi không làm được. Dù sao tôi không tài nào đặt tôi vào địa vị hắn được.

Tôi sẽ tự nhủ, "Nếu phải mình là Moricand, hẳn mình đã tự tử lâu rồi".

Về một phương diện, hắn là một ông khách ở trọ lí tưởng - hầu như suốt ngày hắn chỉ thui thủi một mình. Ngoài mấy bữa ăn, còn thì suốt ngày hắn ở trong phòng, đọc sách, viết lách, có lẽ cũng suy tư nữa. Tôi làm việc trên cái văn phòng ga-ra ngay trên đầu hắn. Thoạt đầu tiếng gõ máy lọc tọc làm hắn khó chịu. Chẳng khác nào tiếng lạch-tạch-tạch của súng đại liên bên tai hắn. Nhưng dần dà hắn quen tai và còn là một kích thích. Hắn nói thế. Vào bữa ăn trưa và tối, hắn nghỉ ngơi. Vì ở một mình cả ngày, hắn thừa những dịp đó để trò chuyện với chúng tôi. Hắn là thứ người khi đã móc vào câu chuyện rồi thì gỡ không ra. Cơm trưa xong tôi thường đột ngột bỏ đi, để mặc hắn ba hoa chích chòe với nhà tôi. Thời giờ là cái duy nhất tôi cho là quý. Nếu phải phí thời giờ, thì thà đánh giấc ngủ trưa còn hơn ngồi nghe anh bạn Moricand.

Bữa tối lại là chuyện khác. Khó mà tìm ra một lý lẽ gì để cắt ngang câu chuyện. Sau bữa ăn, đọc sách đôi chút là một cái thú vì suốt ngày không có lúc nào rỗi, nhưng tôi đâu có được đọc. Tối đến ngồi vào ăn là ngồi cho đến khi nào hắn hết chuyện nói thì thôi. Dĩ nhiên, chúng tôi toàn nói tiếng Pháp. Moricand có ý học ít tiếng Anh, nhưng được vài bữa hắn xin hàng. Tiếng Anh không "thông cảm" với hắn. Theo hắn còn khó học hơn tiếng Đức. Cũng may là vợ tôi nói được đôi chút tiếng Pháp và cũng hiểu khá, nhưng không đủ để theo dõi một người thao thao bất tuyệt như Moricand. Chính tôi cũng lắm khi không theo nổi. Thỉnh thoảng tôi phải ngắt lời, bảo hắn nói lại những gì vừa nói bằng cách giản dị hơn, đoạn thông ngôn lại cho vợ tôi nghe. Thỉnh thoảng tôi cũng quên khuấy nói với hắn một tràng tiếng Anh và rồi ngưng bặt trước cái nhìn trố mắt của hắn. Dịch lại cho hắn nghe chẳng khác gì lạnh mà đòi đổ mồ hôi. Thường thì những khi tôi phải thông ngôn lại cho vợ bằng tiếng Anh, hắn hay làm ra vẻ mình cũng hiểu. Khi hắn thủ thỉ với tôi điều gì bằng tiếng Pháp thì nhà tôi cũng hay làm ra vẻ mình cũng hiểu . Do đó lắm khi cả ba nói chuyện khác nhau, gật gà gật gù, đồng ý, nói Phải khi nghĩ Không, và cứ thế cho đến khi chẳng còn ai hiểu nổi ai và đồng thời giơ tay kêu trời. Rồi lại bắt đầu lại, từng câu một, từng ý một, như thể hì hục gắn một sợi chỉ.

Tuy nhiên, mặc dầu có điều thiếu sót, chúng tôi cũng hiểu nhau rất rõ. Thường thì những khi hắn độc thoại hàng dây hàng tràng, thêu bướm thêu hoa thì quả thật chúng tôi chẳng còn hiểu hắn nói gì cả. Ngay lúc đó, dù bị lạc lõng trong một chuyện tràng giang đại hải hay một luận điệu rối rắm như màng nhện giăng, nghe hắn nói vẫn thú vị. Đôi khi tôi không buồn chú ý, buông thả cho mình lạc lõng, để thưởng thức cái nhạc điệu trầm bổng của những lời hắn nói. Lúc đó, hắn là cả một ban hòa tấu đơn độc.

Khi hứng đã lên rồi thì mặc hắn, nói gì thì nói, chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện lễ bái, chuyện kim tự tháp, hay các bí mật bí miếc gì cũng thế thôi. Chẳng qua cũng chỉ là một phương tiện cho hắn trổ tài thao thao bất tuyệt. Nói đến những gì tế nhị khúc mắc của tình yêu thì hắn lúc nào cũng mạch lạc và chí lý. Hắn như đàn bà, rất tinh tế vặt, khi nào cũng nói được đúng âm, đúng điệu, đúng màu, đúng mùi, đúng vị. Hắn mềm mỏng đưa đẩy, ngọt ngào như một nhà phù thủy. Giọng hắn ngân vang như tiếng cồng lanh lảnh trong cái im lặng âm ti của sa mạc bát ngát. Chẳng hạn, khi nói đến Odilon Redon, ngôn ngữ hắn tỏa đầy hương sắc, đầy âm hưởng du dương huyền ảo, mập mờ mây khói luyện kim đan với bóng hình ẩn hiện, đầy khắc khoải tâm tư lâng lâng thanh thoát không sao nắm được thành lời, mà lời chỉ có thể gợi ra khi chúng đã được in thành cảm xúc, hắn sử dụng giọng mình như thể người ta dạo đại phong cầm. cái giọng như đưa người ta đến một vùng môi giới, đến cái giao điểm, chẳng hạn của các dòng thần linh và thế tục, nơi mà hình thức với tinh thần như thẩm thấu lẫn nhau và chỉ có âm nhạc mới diễn đạt nổi. Phụ họa cái âm nhạc là những điệu bộ nghèo nàn thông tục, phần lớn là những thay đổi nét mặt - ghê rợn, chính xác đến mức thô lỗ, ma quái những khi dùng miệng và môi, não nề, đau khổ, ai bi những khi tập trung vào đôi mắt. Và làm ta rùng mình khi hắn lại lắc lư cả cái đầu. Còn lại gì ở hắn, nói đúng ra là thân mình hắn, thường thì bất dịch, ngoại trừ mấy ngón tay thỉnh thoảng gõ nhẹ lên bàn. Ngay cả trí tuệ hắn hình như cũng tập trung vào cái hộp âm, vào cái đại phong cầm nằm không phải ở thanh quản cũng chẳng phải ở ngực mà ở giữa, ở nơi mà hắn mệnh danh một cách văn hoa là đại thiên thế giới.

Thoáng những lúc buông hồn lâng lâng giữa những bụi cói bụi sậy của chính lòng mình, nhìn chằm chằm vào mặt hắn mà óc để đâu đâu, tôi mới thấy rằng mình đang nghiên cứu hắn như qua một tấm gương phản chiếu, bóng dáng hắn thay đổi, chập chờn như đám mây khi tụ khi tan như bóng câu qua khe cửa: khi là nhà hiền giả ưu tư, khi là bà đồng cốt, khi là người trên thông thiên văn dưới quán địa lý, khi là nhà luyện đan, khi là nhà chiêm tinh, khi là thuật sĩ. Đôi khi trông hắn như người Ai Cập, đôi khi như người Mông Cổ, đôi khi như người Iroquois hay Mohican, đôi khi như người Chaldée, đôi khi như người Trusque. Lắm lúc những bóng dáng thật rõ rệt của thời xưa thoáng qua óc tôi, những bóng dáng mà hắn hầu như là hóa thân nhất thời hoặc tương hợp với hắn. Chẳng hạn Montezuma, Herod, Nebuchadnezzar, Ptolem, Balthasar, Justinian, Solon. Toàn những danh nhân, trên địa hạt này hay địa hạt khác. Tuy nhiên kết hợp lại, đều nhất thiết dùng để hợp sinh một vài yếu tố của bản chất hắn mà thường thì không sao qui tụ được cùng ở một con người. Hắn là một hợp kim, mà lại là một thứ hợp kim rất kỳ lạ. Chẳng phải hoàn đồng, chẳng phải đồng thau, chẳng phải bạch kim. Có phần là một thứ hợp kim không tên không tuổi dùng làm giao chất giữa ta với cái thể xác khi nó làm mồi cho một chứng bệnh dị tặc nào đó.

Có một hình ảnh in sâu vào con người hắn, mà hắn đã tạo thành khi còn thơ ấu, mà hắn không bao giờ rũ bỏ nổi: hình ảnh của "Thiểu não". Hôm hắn đưa tôi xem tấm hình hắn chụp hồi hắn mười lăm hay mười sáu, tôi vô cùng xúc động. Trông chẳng khác gì thằng bạn tôi, thằng Cus Schmelzer, mà tôi hay trêu chọc làm tình làm tội đủ thứ cũng chỉ vì cái vẻ mặt buồn thiu buồn chảy, lúc nào cũng buồn chảy buồn thiu của nó. Ngay vào cái tuổi ấy - không chừng sớm hơn biết đâu ấy? - trong tâm linh Moricand đã in sâu tất cả những hình thái mệnh danh làm mơ hồ, sầu muộn và âm u. Ở da thịt hắn người ta đã cảm thấy cái xác ướp khô. Ở trên vai trái hắn, người ta đã thấy đậu con ác điểu báo điềm gở. Người ta đã thấy ánh sáng trăng pha loãng dòng máu hắn, làm mẫn nhuệ võng mạc của mắt hắn, nhuộm da hắn thành màu tái xanh của kẻ tù đồ, của kẻ ghiền ma túy, của dân sống trên các hành tinh biệt thẳm. Biết hắn rồi, người ta không thể không mường tượng những cái sừng tinh tế mà hắn rất tự hào rằng nhờ đó bắp thịt hắn thêm phần linh cảm. Tôi xin nói thêm - tại sao không? - rằng khi nhìn sâu vào đôi mắt buồn rượi, đôi mắt vượn âm u của hắn, tôi thấy đầu lâu trong đầu lâu, thấy nấm mộ trống rỗng, thăm thẳm, cắm trên thập tự, dưới cái ánh sáng khô khan, lạnh lẽo, giết người của một vũ trụ còn nằm bên kia các ranh giới tưởng tượng ngay của cả một nhà khoa học có mộng tưởng táo bạo nhất.

Về nghệ thuật hồi sinh, hắn là một tổ sư. Hắn sống động khi đề cập đến bất cứ cái gì có mùi chết chóc. Mọi cái đến với hắn đến từ nấm mồ chôn chúng. Hắn chỉ cần vẩy chiếc đũa là làm chúng hầu như sống lại. Nhưng cũng như mọi phù phép, dù thi vị nhất, rốt cuộc chúng chỉ còn là đất bụi với tro tàn. Đối với Moricand quá khứ ít khi là một quá khứ sống động; quá khứ một nhà xác mà muốn làm cho đẹp hơn thì cũng chỉ như một bảo tàng viện là cùng. Ngay khi hắn nói đến người sống cũng chẳng khác gì người ta kiểm kê các bảo tàng vật. Nói đến cái còn hay cái mất, hắn cũng chẳng hứng thú gì hơn. Thời gian là đồng cốt của hắn. Một đồng cốt không chết, vì không liên quan gì đến sống.

Người ta bảo các tuổi Mùi rất tương đắc, có lẽ vì có nhiều cái giống nhau. Tôi thì cho rằng các tuổi phàm tục này có nhiều điểm tương khắc, khó hiểu nhau hơn là các tuổi khác. Sự thông cảm giữa các tuổi Mùi chỉ là tương hợp bề ngoài, có thể nói chỉ là hoãn chiến, hơn là gì khác. Chỉ thoải mái ở những nơi thật sâu hay thật cao, ít khi ở đâu lâu, họ giống đá giống quỉ hơn là giống nhau. Điều mà họ hiểu rõ có lẽ là các điểm khác biệt giữa họ chỉ là ở độ cao, trước hết tùy theo địa vị. Khi đã trải qua toàn độ hệ rồi thì họ dễ dàng đồng hóa là anh hay là tôi. Đây là cái dây buộc họ và giải thích tại sao họ dễ tha thứ nhưng không bao giờ quên. Họ chẳng bao giờ quên gì cả. Trí nhớ họ thật quái đản. Không những họ nhớ những khổ nghiệp bản thân của con người họ, mà còn nhớ cả những khổ nghiệp của mình trước khi thành người và sau khi không còn là người nữa. Họ có thể trườn lại vào chất bùn nguyên sinh dễ dàng như lươn lẩn trong bùn. Họ cũng mang theo những kỷ niệm về những thế giới cao siêu, những trạng thái linh diệu, như thể họ đã từng sống những thời kỳ giải thoát rất lâu khỏi những vòng cương tỏa của thế tục, như thể họ rất quen thuộc với chính ngôn ngữ của thiên thần. Thật vậy, có thể nói rằng trong mọi con người phàm tục, họ không thích hợp với cuộc đời trần thế này hơn cả. Đối với họ, trần ai không những là một nhà tù, một hỏa ngục, một nơi đền tội, mà còn là một cái kén mà rồi đây họ sẽ thoát khỏi với đôi cánh bất diệt. Do đó họ mang tính chất đồng bóng, có khả năng và sở vọng thực hành chấp nhận, rất sẵn sàng qui hóa. Họ nhập thế như những người chủ tâm đi thăm một hành tinh khác, một thế giới khác. Họ có thái độ của kẻ nhìn quanh mình một lần chót, của kẻ lúc nào cũng chào từ biệt tất cả những gì phàm tục. Họ hút mật cái tinh túy của trần gian để chuẩn bị cho một thể xác mới, một hình thức mới, để rồi vĩnh biệt hẳn cõi trần. Họ chết không biết bao nhiêu lần, trong khi người ta chỉ chết có một lần. Do đó, họ được miễn sống hay miễn chết. Vị trí của họ thực sự là lòng bí mật. Ở đó họ thấy rõ hết. Ở đó họ sống riêng biệt kéo mộng quay mơ, và mới "thực thoải mái".

Vừa ở với chúng tôi được hơn một tuần, hắn đã gọi tôi vào phòng xin "vấn ý" về việc dùng cô-đê-in. Mào đầu hắn kể lể con cà con kê nào là đau khổ, nào là thiếu thốn trăm bề từ năm nảo năm nào, xong hắn mới nói qua về cơn ác mộng của hắn trong thời gian mới đây của hắn ở Thụy Sĩ. Tuy hắn là dân Thụy Sĩ, nhưng Thụy Sĩ không phải là xứ hắn, thủy thổ không hạp, miếng ăn cũng không. Sau bao nhiêu tủi nhục hắn phải chịu đựng trong thời chiến (Thế chiến thứ hai), lại đến những tủi nhục còn tệ hại hơn nữa mà dân Thụy Sĩ vô tình cảm bắt hắn phải chịu. Tất cả những cơ cực này đã khiến hắn bảy năm nay phải mang bệnh ngứa. Hắn ngưng lời để vén ống quần lên. Tôi rợn người. Hai cẳng hắn lở loét từ trên xuống dưới. Chả cần phải nói thêm gì hơn.

Hắn nói giờ nếu có được chút cô-đê-in thì đỡ đau, và ít ra cũng còn ngủ ngáy được đôi chút, mặc dầu không khỏi hẳn. Hắn hỏi liệu mai chẳng hạn tôi ra tỉnh có xoay cho hắn được không? Tôi nói, được.

Tôi chưa hề dùng cô-đê-in hay bất cứ thứ thuốc nào để ngủ hay thức cả. Tôi đâu có biết rằng muốn mua cô-đê-in phải có toa bác sĩ. Chính nhà thuốc bảo tôi thế. Không muốn Moricand thất vọng, tôi đi tìm hai anh bạn bác sĩ nhờ họ cho toa. Họ từ chối.

Khi tôi nói cho Moricand biết thế, hắn đổ quạu. Hắn làm như thể các bác sĩ Mỹ âm mưu đày ải hắn không bằng. Hắn kêu lên: "Thật là vô lý! Ngay ở Thụy Sĩ người ta còn cho bán tự do. Dễ thường hỏi mua cô-đê-in hay thuốc phiện thì được hẳn".

Mấy ngày sau, hắn không sao ngủ được. Rồi lại vấn ý. Lần này hắn bảo tôi là hắn đã có cách. Mà lại rất giản dị. Hắn sẽ viết cho nhà thuốc ở Thụy Sĩ gởi cô-đê-in sang thành từng gói nhỏ một. Tôi bảo hắn nhập cảng như thế là trái phép, dù nhỏ cách mấy. Tôi còn nói thêm rằng nếu hắn làm thế tôi cũng sẽ bị vạ lây.

Hắn đưa tay lên trời, thốt: "Xứ gì mới kỳ dị chứ! Xứ gì mới kỳ dị chứ!"

Tôi đề nghị: "Tại sao anh không thử ngâm chân xem?" Hắn hứa hắn sẽ thử. Với cái giọng như thể tôi bắt hắn phải uống một liều dầu xổ vậy.

Tôi toan bước đi thì hắn đưa tôi xem một bức thư hắn vừa nhận được của bà chủ nhà. Bức thư nhắc nhở tiền hắn còn nợ và tôi đã không giữ đúng lời hứa. Tôi quên lững bà ta với cái món nợ chó chết ấy.

Vợ chồng tôi không có tiền gửi băng, nhưng tôi còn vài tờ trong túi. Tôi móc ra, bày lên bàn, bảo hắn: "Có lẽ chút ít này tạm cho bà ta yên bụng một thời gian".

Chừng một tuần sau hắn lại gọi tôi vào phòng. Tay hắn cầm một bì thư mà hắn vừa mở. Hắn muốn tôi đọc xem. Thư của một nhà thuốc Thụy Sĩ nói sẵn sàng giúp. Tôi nhìn lên thấy tay hắn cầm một vài viên nhỏ tí.

Hắn nói, "Anh thấy không, muốn xoay thì phải được chứ".

Tôi tức quá nhưng làm thinh. Tôi phải công nhận rằng, nếu tôi ở vào địa vị hắn, chắc tôi cũng làm thế. Hắn đã cùng kế, quả thực vậy. Vả lại, ngâm chân chẳng ăn thua gì. Đã thế, theo lời hắn nói, còn nặng thêm. Dù sao, hắn cũng chán ngấy ngâm với nghiếc: theo hắn, ngâm là thuốc độc.

Có cái hắn cần rồi, hắn đi rừng chơi đều đều. Tôi nghĩ, thế càng hay, hắn cần thể dục đôi chút. Nhưng hắn đi quá sức; đi nhiều làm máu bốc, về mặt khác, đi như thế có lợi cho hắn. Rừng rú đưa lại một cái gì mà tinh thần Thụy Sĩ của hắn đòi hỏi. Mỗi lần đi về, hắn mệt lử nhưng hớn hở. Hắn nói: "Tối nay chả cần uống thuốc cũng ngủ ngon".

Hắn tự dối mình. Đã ngứa lại ngứa thêm. Ngay khi ngủ say, hắn cũng gãi sồn sột. Đã thế, ngứa lại lan rộng. Giờ thì cả hai cánh tay cũng ngứa. Chả mấy lúc lan khắp người, trừ hạ bộ.

Dĩ nhiên cũng có lúc bớt. Nếu có khách, nhất là khách nói được tiếng Pháp, thì tinh thần hẳn sảng khoái hẳn. Hoặc khi nhận được thư của một anh bạn thân còn nằm tù vì hoạt động thời Chiếm đóng. Đôi khi một bữa ăn thực sự ngon miệng cũng đủ làm hắn thay đổi tính khí một vài hôm. Ngứa thì hẳn là không hết, nhưng gãi cũng đỡ một khoảng nào.

Thời gian qua, hắn cảm nhận thấy rằng tôi là cái thứ người mà thiên hạ thích tặng quà. Mỗi kỳ thư thường có những gói quà đủ thứ. Điều làm Moricand lạ là quà thường là những thứ chúng tôi đang cần. Hết rượu thì y như có anh bạn gửi cho một mớ rất ngon; hết củi thì bỗng dưng có ông láng giềng xe củi đến đủ đun hàng mấy tháng . Dĩ nhiên sách báo thì đều đều đổ đến. Thỉnh thoảng còn nhận được hàng tập tem thư. Chỉ có tiền là không thấy tuôn vào. Mà chỉ vào nhỏ giọt, có khi cạn khô.

Moricand nhìn quà đổ đến với đôi mắt diều hâu. Còn như khách khứa đến thăm đều đều, ngay cả những kẻ chán như cơm nếp nát, những kẻ chỉ tổ làm mất thì giờ, hắn cũng cho dù sao cũng làm nhẹ gánh nặng của chúng tôi. Hắn nói: "Hẳn nhiên đi rồi. Cái đó có trong lá số anh. Dù những khi Tử vi không chiếu, anh cũng chẳng sao. Vả lại, số anh rủi mấy rốt cuộc vẫn lợi cho anh. Anh không bao giờ thiệt!"

Truyện Dài » Ác Quỷ Trên Thiên Đàng

Font Size:

Tác Giả: Henry Miller

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Trước những lời nói ấy, tôi không hề nghĩ cãi lại rằng suốt một đời tôi không ngừng đấu tranh và hi sinh. Nhưng tôi bụng bảo dạ: "Cái đó có trong lá số của mình là một chuyện; phải làm sao biểu thị nó lại là chuyện khác".

Có điều hình như hắn quên hẳn là bạn bè tôi thường giúp đỡ hắn không ít. Hắn không hề để ý rằng ai ai cũng lo lắng cho đời sống hắn rất nhiều. Hắn làm như thể là chuyện dĩ nhiên, và giờ đây hắn sống trên một xứ sung túc. Người Mỹ là thế đó, bản chất hiếu hòa rộng rãi, anh không biết sao. Họ không có những vẫn đề trầm trọng phải lo. Họ sung sướng từ thuở lọt lòng, đã có các thần nhân lo cho họ. Mỗi lần nói đến lòng tốt của người Mỹ, giọng hắn vẫn lẫn chút khinh. Hắn hờn mát tại sao chúng tôi lại có những bắp su-lơ, những củ cà-rốt, những quả bầu to tổ bố, lại sản xuất hằng hà sa số những thứ rau, thứ quả trông đến khiếp.

Khi mời hắn sang ở với chúng tôi cho đến ngày xuống lỗ, tôi chỉ nhờ hắn có một điều, là nếu có thể, dạy con bé tôi học tiếng Pháp. Sở dĩ, tôi nhờ hắn là để hắn đỡ thắc mắc về ơn với huệ hơn là lo cho con mình học được tiếng Pháp. Suốt thời gian hắn ở với chúng tôi, con bé chả biết gì hơn là Oui với Non, với Bonjour, Monsieur Moricand! Hắn hình như vô dụng đối với con trẻ; hắn không ưa trẻ, trừ đứa nào rất ngoan. Với phần lớn những người nhấn mạnh đến ngoan, thì ngoan có nghĩa là đi cho khuất mắt và đừng làm rộn. Hắn quả tình không sao hiểu nổi tại sao tôi lại quá lo cho con, nào hằng ngày cha con đi dạo, nào tôi lo chơi đùa với nó, dạy dỗ nó, kiên nhẫn nghe nó hỏi những cái ngớ ngẩn và chiều nó những cái quá đáng. Dĩ nhiên hắn đâu ý thức được niềm vui con bé đưa lại cho tôi. Niềm vui ấy hiển nhiên, nhưng có lẽ hắn không muốn công nhận con bé là niềm vui duy nhất của tôi. Khi nào cũng Val trước đã. Điều này làm mọi người bực, chả cứ gì Moricand. Và nhất là vợ tôi. Chung quanh thiên hạ xầm xì bảo tôi là lão già lẩm cẩm làm hư đứa con một. Thật vậy, bề ngoài là hình như thế. Sự thật bề trong của tình trạng, hay của mối liên hệ, tôi e ngại không muốn nói ngay cả với bạn bè thâm giao nhất. Thật là mỉa mai chính những người chỉ trích tôi lại cũng làm việc vớ vẩn như tôi, cũng bộc lộ một sự trìu mến quá đáng đối với những con vật cưng của họ. Còn như Val nó là máu huyết của tôi, là con cưng của tôi; tôi chỉ ân hận còn điều tôi không có thì giờ săn sóc nó hơn nữa.

Chính vào dạo này các bà mẹ trẻ đua nhau học nhảy, có người còn học hát nữa. Hay lắm. Đáng khen lắm, như ta thường nói. Nhưng còn trẻ con? Chúng có được học hát học nhảy không? Đâu có. Sau này hẵng hay, khi nào chúng lớn lên đến cái tuổi đi học ba-lê hay cái gì mà các bà mẹ trẻ cao hứng cho rằng con mình cần phải học để nâng cao văn hóa. Còn lúc này các bà còn mải lo rèn luyện cái tài năng tiềm tàng của mình.

Đến cái ngày tôi bắt đầu dạy Val hát. Chúng tôi từ rừng đi về nhà. Tôi kiệu con lên vai để đỡ nhọc đôi cẳng bé. Bỗng nhiên nó bảo tôi hát. Tôi hỏi: "Con thích nghe bài nào?" Đoạn kể nó nghe câu chuyện Abraham Lincoln chỉ biết độc có hai bài, một là bài Yankee Doodle, hai là không phải bài này. Nó nèo: "Thì bố hát đi!"

Tôi hát, sung sướng hát. Nó hát theo. Về đến nhà là nó vừa thuộc lòng bài hát. Tôi khoái chá hết sức. Dĩ nhiên là hai bố con cứ hát đi hát lại không biết chán. Lúc nào cũng Yankee Doodle this and Yankee Doodle that. Yankee Doodle dandy and the Devil takes the hindmost!

Moricand không hề quan tâm đến cái trò này. Chắc hắn tự nhủ: "Rõ chán cho cái thằng Miler", ý bảo rằng tôi chỉ khéo làm trò hề cho thiên hạ cười.

Tội con bé Val! Tôi đứt ruột mỗi khi con bé nói gì với hắn, hắn xua con bé với câu: "Tao không nói tiếng Anh".

Ngồi ăn, con bé nói huyên thuyên, tôi thì thích nghe, hắn thì bực bội, bực bội cả khi con bé làm đổ rơi đổ vãi.

Hắn thường nói, "Phải dạy nó mới được. Trẻ mà chiều quá đâu có hay".

Vợ tôi cũng đồng ý nói theo như máy. Nàng phàn nàn rằng nàng cố gắng dạy con bao nhiêu thì tôi phá bấy nhiêu, hầu như tôi lấy làm khoái chá thấy con mình hư thân mất nết. Dĩ nhiên nàng không chịu nhận rằng chính tinh thần nàng là sắt chỉ biết có phương tiện duy nhất là kỷ luật.

Nàng hay nói, "Anh ấy chủ trương tự do mà', làm cho quan niệm tự do nghe có vẻ lố bịch hết sức.

Thế là Moricand phụ họa: "Đúng , nên đứa trẻ Mỹ là một đứa trẻ man rợ. Ở Âu châu đứa trẻ biết vị trí của nó. Ở đây đứa trẻ là chủ".

Hỡi ôi! Thật là quả đúng. Tuy nhiên... Điều hắn quên nói thêm là điều mà bất cứ người Âu nào có đầu óc cũng thừa biết, điều mà chính hắn cũng thừa biết và từng nhiều lần công nhận, là ở Âu châu, nhất lại là ở cái Âu châu của hắn, đứa bé là ông cụ non, đứa bé bị khép vào kỷ luật cho đến chết, đứa bé bị dạy dỗ theo một lề lối không những "dã man" mà còn ác độc, ngu xuẩn, trì hoại, đành rằng các biện pháp kỷ luật có thể tạo nên những đứa bé ngoan ngoãn nhưng khó mà tạo nên những con người phóng khoáng. Hơn nữa, hắn quên không nói thiếu thời của hắn ra sao, quên không giải thích kỷ luật, phép tắc, lịch sự, giáo dục đã giúp hắn được những gì.

Để tự bào chữa trước con mắt tôi hắn dài dòng giải thích cho vợ tôi biết rằng tôi là một kẻ bẩm sinh nhiễu loạn, rằng bản chất tự do của tôi chỉ là một ý thức đặc biệt cá nhân, rằng bản chất tôi thù ghét cái ý niệm kỷ luật chân chính. Có thể bảo tôi là một kẻ phiến loạn, một tên phi pháp, một đầu óc ngang tàng. Tôi sinh ra là để quấy rối. Và bỏ nhỏ rằng cũng cần phải có những thằng như tôi. Rồi như đã có hứng, hắn bắt đầu sửa lại bức họa. Hắn phải thừa nhận rằng thật thì tôi quá tốt, quá lành, quá hiền, quá nhẫn nại, quá dễ dãi, quá khoan dung, quá đại độ. Như thể những cái này làm quân bình được cái bản tính mạnh bạo, cộc cằn, ngang tàng, xảo trá của tôi. Đến nay, hắn còn nói rằng tôi thừa sức hiểu thế nào là kỷ luật, vì, như hắn nói, sở dĩ tôi viết văn được cũng là nhờ đã biết triệt để khắc kỷ.

Hắn kết luận: "Thật là một con người hết sức phức tạp. Cũng may mà tôi hiểu hắn. Tôi đi guốc trong bụng hắn". Nói đoạn hắn di ngón tay cái lên mép bàn như thể giết chấy. Nghĩa là hắn di lên tôi, cái quái thai mà hắn vừa nghiên cứu, phân tích, mổ xẻ, và có thể giải thích khi cần đến.

Thường có tối bắt đầu vui vẻ nhưng rốt cuộc lại đưa đến một cuộc thảo luận về những vấn đề trong nhà cửa, điều mà tôi rất ghét, nhưng các bà vợ hầu như lại thích, nhất khi có kẻ chịu khó ngồi nghe. Vốn dĩ từ lâu tôi đã cho rằng có thảo luận với vợ tôi để đi đến chỗ thông cảm cũng vô ích - có khác gì vạch đầu gối ra mà nói - nên tôi chỉ lên tiếng cải chính khi có điều gì nói sai hay bóp méo sự thật mà thôi. Còn thì tôi nhất định không mở miệng. Thừa biết rằng cái gì cũng có hai mặt, nên tôi cho Moricand ra sức chuyển cuộc thảo luận vào những điểm căn bản hơn.

Hắn thường bảo vợ tôi: "Với một kẻ như Miller có nói cũng chả đi đến đâu. Hắn không nghĩ như chị và tôi nghĩ. Hắn nghĩ theo lối vòng tròn. Hắn đâu cần biết gì là hợp lý, là vừa phải, hắn bất chấp lý lẽ phải trái".

Đoạn hắn quay ra giải thích cho nàng biết những cái hay cái dở của nàng, để chứng minh tại sao tôi và nàng lại không thể tương hợp. "Nhưng tôi hiểu cả hai. Tôi có thể đóng vai trọng tài. Tôi biết cách dàn xếp sự rối rắm".

Thật ra, hắn nói đúng. Hắn tỏ ra là một trọng tài rất khéo. Có hắn, những gì có vẻ muốn bùng nổ chỉ kết thúc bằng nước mắt hay cau mày ngồi câm. Thường khi tôi mong hắn nói mệt rồi đi ngủ đi thì tôi lại thấy vợ tôi làm trái hẳn. Dịp độc nhất của nàng để nói chuyện với tôi hay chỉ trích tôi là khi có hắn. Riêng có hai vợ chồng không sừng sộ nhau thì cũng câm như hến. Moricand thường chuyển được các cuộc cãi vã kịch liệt và dằng dai đã thành cơm bữa ấy sang một bình diện khác; hắn giúp được chúng tôi, ít ra cũng lúc ấy, ngồi riêng suy nghĩ, kiểm thảo lại lập trường của mình một cách vô tư, nhận xét lại từng khía cạnh, và cởi bỏ cái tính chất ám ảnh của nó. Chính những lúc ấy hắn đã khéo sử dụng khoa Chiêm tinh uyên thâm của hắn, vì không gì lại bình thản hơn, khách quan hơn, lại xoa dịu và làm vững tâm kẻ đang xúc động là lập luận tử vi về cảnh ngộ của họ.

Hẳn nhiên không phải tối nào cũng cãi vã với thảo luận. Thú vị nhất là những tối để hắn nói thả dàn. Dù sao, độc thoại vẫn là sở trường của hắn. Nếu tình cờ chúng tôi lại bàn đến hội họa - chả buổi đầu hắn cũng là một họa sĩ - chúng tôi chắc chắn được cái thú nghe hắn kể đến lắm cái hay. Trong số các danh nhân của giới nghệ thuật Pháp, có nhiều hắn quen thân. Có người hắn quen từ ngày còn vàng son. Những giai thoại của hắn về thời kỳ mà tôi gọi là hoàng kim - vài ba chục năm trước ngày Les Fauves (Các Mãnh thú) xuất hiện - nghe thú vị như một bữa ăn đầy cao lương mĩ vị. Lại còn gia giảm bằng những lời phê phán độc đáo kỳ dị không kém phần quái đản hấp dẫn. Đối với tôi, thời kỳ này đưa lại rất nhiều hứng thú. Xưa nay tôi vẫn cảm thấy mình ra đời muộn mất vài ba chục năm, vẫn ân hận rằng khi còn ít tuổi mình đã không viếng Âu châu trước đã (và ở đó luôn). Ý tôi muốn nói là viếng trước Thế chiến thứ Nhất. Còn gì quí bằng được làm đồng chí hay làm bạn tri âm với những nhân vật như Apollinaire, Douanier Rousseau, George Moore, Max Jacob, Vlamick, Utrillo, Derain, Cendrars, Gauguin, Modigliani, Cingria, Picabia, Maurice Magre, Léon Daudet, và này khác. Đạp xe dọc theo sông Seine, băng qua băng lại các con cầu vắt qua sông, chạy ngang những thị trấn như Bougival, Chatou, Argenteuil, Marly-le-roi, Puteaux, Rambouillet, Issy-le-Moulineaux, và những vùng đại loại như thế vào năm 1910 hẳn thú vị hơn là vào các năm 1932 hay 1933 rất nhiều! Được thấy Ba-Lê từ trên nóc một chiếc xe buýt ngựa kéo vào cái tuổi hăm mốt hẳn khác nhiều! Hoặc đi phất phơ trên các đại lộ có cây to bóng mát vào cái thời kỳ nổi danh của phái ấn tượng!

Moricand có thể tóm lược tất cả cái huy hoàng và cơ cực của thời đại này theo ý hắn. Hắn có thể làm sống lại cái "buồn nhớ Ba-Lê" kia mà Carco từng gợi lại rất thần tình, mà Aragon, Léon-Paul Fargue, Daudet, Duhamel và rất nhiều văn gia Pháp từng nhắc đi nhắc lại khôn nguôi. Chỉ cần nhắc đến tên một con đường, một đền đài vớ vẩn, một quán ăn hay một quán rượu ngày nay không còn nữa, cũng đủ cho câu chuyện kéo dài vô tận. Những hoài niệm của hắn còn làm tôi kích thích thêm vì hắn nhìn mọi sự bằng đôi mắt của kẻ chuộng thời. Dù hắn có tham gia đến mức độ nào chăng nữa, hắn vẫn không bao giờ đau khổ như những người mà hắn nói đến. Hắn chỉ đau khổ từ cái ngày mà những người không bị giết trong thời chiến hay không tự sát hoặc phát điên trở thành trứ danh. Tôi tự hỏi liệu trong những ngày vàng son của hắn, hắn có bao giờ lại tưởng tượng được rằng có ngày hắn phải đến tìm anh bạn nghèo xác nghèo xơ là Max Jacob để xin vài xu - Max, người đã từ bỏ cuộc đời và sống như một nhà khổ hạnh? Thật là cả một tai họa giáng xuống trần gian khi các bạn cũ của mình lại vươn lên như sao sáng ở chân trời, khi chính cái trần gian này, trước kia chỉ là một sân chơi đùa nhảy nhót, nay trơ thành một hội giả trang nghèo nàn, một bãi tha ma cho mộng mơ và ảo tưởng.

Hắn thù ghét chế độ Cộng hòa, thù ghét tất cả những gì tiều biểu cho chế độ, ghét cay ghét đắng. Mỗi lần nói đến cách mạng Pháp là mỗi lần hắn tưởng chừng như đối diện với yêu ma. Như Nostradamus, hắn lấy cái ngày mà dân chúng - đồ chó má như hắn gọi, lên cầm quyền, làm ngày suy đồi, ngày mạt vận, ngày sụp đổ. Giờ đây chợt nghĩ đến, tôi lấy làm lạ là hắn không bao giờ nhắc đến Gilles de Rais. Và cũng chẳng nói gì đến Ramakrishna, Milarepa, hay Saint Francis. Napoléon, có. Bismarck, có. Voltaire, có. Villon, có. Và Pythagoras, hẳn nhiên rồi. Toàn thế giới Alexandrian, hắn thuộc như cháo và đối với hắn sống động như thể hắn từng quen biết họ ở kiếp trước rồi vậy. Phái tư tưởng Manichean đối với hắn cũng chẳng xa lạ gì. Về giáo lý của Zoroastra, hắn hay bàn đến cái quan niệm chủ trương "thực tính của ác". Hắn cũng cho rằng có thể rồi đây Ormuzd sẽ thắng thế Arhiman, nhưng bảo rằng giờ đây chứ cũng phải còn lâu lắm, lâu đến mức có bàn tán đến vấn đề hay chỉ hi vọng vào vấn đề cũng chỉ phí hơi vô ích. Không, thực tính của ác chắc chắn là điều mà hắn tin tưởng nhất. Thật vậy, hắn biết quá về điều này, biết đến nỗi hắn không sao thưởng thức được gì đến tận cùng; chủ động hay thụ động khi nào hắn cũng lo xua đuổi các tà ma lẩn khuất ở mọi giai đoạn, mọi nấc thang, mọi địa hạt của đời sống.

Một hôm nhân khi nói đến những gì là sở trường của hắn, hắn đột ngột hỏi tôi phải chăng tôi không còn quan tâm đến chiêm tinh. Hắn bảo: "Đã lâu không nghe anh nói đến".

Tôi đáp, "Đúng. Tôi thấy có nghiên cứu thêm cũng chẳng ích lợi gì cho tôi. Tôi quan tâm đến chiêm tinh không phải như anh. Đối với tôi, nghiên cứu chiêm tinh chỉ là học một thứ ngôn ngữ khác, vận dụng một bàn máy khác. Thực sự làm gì tôi cũng chỉ quan tâm đến phương diện thi vị của nó. Xét cho cùng thì chỉ có một ngôn ngữ mà thôi - ngôn ngữ của chân lý. Còn làm cách nào để đạt đến ngôn ngữ ấy không đáng kể".

Tôi không nhớ đúng lời hắn đáp lại ra sao, chỉ biết rằng lời đáp ngụ ý trách móc tôi là theo đuổi nghiên cứu tư tưởng Đông phương. Ý hắn nói tôi quá say mê với những lý luận trừu tượng. Có thể là quá Đức. Tôi nghiên cứu chiêm tinh vì cần dùng nó làm phương tiện hiệu chính. Nó giúp phân tích, định hướng và tổ chức ở tôi những gì là mơ hồ và hỗn độn. Với những thằng như tôi, thường có cái nguy hiểm hoặc là một ông thánh hoặc là một thằng cuồng.

"Không điên chứ?"

"Không bao giờ!"

"Nhưng tàng tàng! Phải không?"

Câu đáp của hắn là - Phải và Không. Tôi vốn đạo gốc, lại có khiếu siêu hình. Ở tôi, có một cái gì còn hơn là một Thập tự quân. Tôi vừa kính nhường vừa xấc xược, vừa là kẻ sám hối, vừa là Pháp quan Tôn giáo. Và thế thế.

"Và theo anh đi sâu vào chiêm tinh có thể thắng được các xu hướng ấy sao".

Hắn nói, "Tôi không dám quả quyết là thế. Tôi chỉ bảo rằng nó giúp anh thấy rõ hơn... thấy được cái bản chất của các điều anh thắc mắc rõ hơn".

Tôi đáp: "Nhưng tôi có điều gì thắc mắc đâu. Trừ phi là những điều thuộc vũ trụ. Tôi sống thanh thản với tôi, với thiên hạ. Thật thì tôi với vợ tôi không được thuận hòa. Nhưng chuyện vợ chồng thì đến Socrate cũng chẳng thuận hòa nữa là. Vả lại..."

Hắn ngắt lời.

Tôi nói, "Được rồi, thế tôi hỏi anh chứ chiêm tinh đã giúp anh được gì. Đã giúp anh sửa chữa được các khuyết điểm của anh chưa? Đã giúp anh hòa mình với thiên hạ chưa? Đã giúp anh tìm được thanh thản và niềm vui chưa? Tại sao anh lại gãi sồn sột như mắc chứng kinh phong thế kia".

Cứ xem hắn nhìn tôi ra sao cũng đủ hiểu là tôi đã đánh trúng tim đen của cu cậu.

Tôi nói: "Xin lỗi anh, nhưng anh biết đấy, tôi có tính hay nói trắng, nói thẳng khi cần nên nói. Tôi không có ý miệt thị anh hay giễu cợt anh. Nhưng đây chính là điều tôi muốn biết. Anh hãy trả lời thẳng thắn! Cái gì quan trọng nhất - thanh thản nhất là vui tươi hay minh triết? Nếu biết ít mà sướng hơn thì anh chọn đường nào?"

Lẽ ra tôi phải biết câu trả lời của hắn. Là về vấn đề này ta không phải muốn là được.

Tôi kịch liệt phản đối. Tôi nói: " Có lẽ tôi vẫn còn Mỹ quá. Nghĩa là còn ngây thơ, lạc quan, dễ tin. Có lẽ tất cả những gì tôi đã thu thập được trong những năm súc tích ở Pháp là phần nội tâm của mình vững mạnh và sâu sắc hơn. Trước mắt của một người Âu, tôi là gì, chẳng qua chỉ là một anh chàng Mỹ chính hiệu con nai, một anh chàng Mỹ phô trương cái Mỹ tính của mình như một cái mụn lở. Thích hay không thích, tôi vẫn là một sản phẩm của mảnh đất sung mãn này, một kẻ tin ở dồi dào thừa thãi, tin ở phép màu. Nếu phải thiếu thốn cũng lỗi tại mình. Nếu phải buồn phải khổ, nếu thua kém, nếu phạm tội, tôi không trách được ai mà tôi trách tôi. Những gì anh tưởng có lẽ tôi học được ở nghiên cứu chiêm tinh đều là những gì tôi đã học được ở đời. Tôi đã từng phạm những sai lầm mà một con người có thể sai lầm và tôi đã phải trả. Do đó tôi phong phú hơn nhiều, khôn ngoan hơn nhiều, sung sướng hơn nhiều, tôi dám nói thế, hơn là đi tìm tòi nghiên cứu hay thụ giáo môn phái nào để biết phải làm sao tránh được các cạm bẫy trên đường mình đi... Chiêm tinh nghiên cứu các tiềm lực, phải không? Tôi không quan tâm đến con người tiềm tàng. Tôi quan tâm đến con người đã thể hiện, đã thực hiện được những gì của tiềm thể của mình. Vả lại con người tiềm tàng là gì? Nếu không phải là tổng số của tất cả những gì là người? Nói theo cách khác là thần linh? Chắc anh nghĩ tôi đang đi tìm Thượng đế? Không, Thượng đế sẵn có. Thế giới sẵn có. Con người sẵn có. Chúng ta sẵn có. Thực tại đầy đủ, đó là Thượng đế - và người, và thế giới, và tất cả những gì sẵn có, kể cả những gì không thể gọi tên. Tôi chủ trương thực tại. Thực tại hơn, hơn nữa. Tôi là kẻ cuồng tín thực tại, nếu anh muốn nói thế. Còn chiêm tinh là gì? Nó liên can gì đến thực tại? Hẳn nhiên là có. Cũng như thiên văn, cũng như sinh học, cũng như toán học, cũng như âm nhạc, cũng như văn chương; cũng như các con bò ngoài đồng, các cây hoa, các cỏ dại, và đống phân giúp chúng hồi sinh. Trong trạng thái nào thì cái nào đó quan trọng hơn các cái kia. Ta bảo cái này có giá trị, cái kia không. Bất cứ cái gì cũng quan trọng, cũng có giá trị. Nếu quan niệm thế thì tôi sẵn lòng chấp nhận khoa chiêm tinh của anh..."

Hắn nhún vai nói: "Anh lại giở chứng rồi".

Tôi đáp: "Tôi biết. Hãy chịu khó nghe tôi nói. Rồi sẽ đến lượt anh... Thường lâu lâu tôi lại nổi loạn, ngay với cả những gì tôi tin tưởng hết lòng. Tôi cần phải đả kích mọi cái, kể cả bản thân tôi. Tại sao? Tôi xin vắn tắt. Chúng ta biết quá nhiều - và quá ít. Chính cái trí năng đã làm chúng ta rắc rối. Không phải cái trí tuệ của chúng ta. Trí tuệ, chúng ta có mấy cho vừa. Nhưng tôi đã chán nghe các nhà chuyên môn, chán nghe con người chỉ biết có một đường. Tôi không phủ nhận hiệu tính của chiêm tinh. Điều tôi phản đối là trở thành nô lệ cho bất cứ một quan điểm duy nhất nào. Dĩ nhiên có tương hợp, tương giao, tương chiếu, có tiết điệu thiên cơ, có tiết điệu địa hòa... như trên kia, như dưới đây. Nếu không thế thì trời đất đảo điên còn gì. Nhưng biết thế rồi, nhận thế rồi, tại sao không quên đi? Ý tôi muốn nói hãy cho đó là một phần thành sống động của đời mình, một cái gì đã nuốt, đã tiêu, đã phân phối đi từng lỗ chân lông một trong người mình, và vì thế đã quên, đã đổi, đã sử dụng trong tinh thần và phục vụ cho đời sống. Tôi ghét những người bất cứ gì cũng chỉ biết lọc qua cái ngôn ngữ duy nhất mà mình biết, dù ngôn ngữ đó là chiêm tinh, tôn giáo, yoga, chính trị, kinh tế, hay gì khác. Cái vũ trụ này của chúng ta có mỗi một điều làm tôi băn khoăn, làm tôi nhận thấy rằng nó là linh diệu và vượt ra ngoài mọi tầm kiến thức, điều đó là người ta muốn giải thích nó cách nào cũng được và mọi cách đều được. Mọi điều ta nói về nó đều vừa đúng vừa sai. Nó bao gồm cả các chân lý lẫn các lầm lẫn của chúng ta. Và, dù cho ta nghĩ gì về vũ trụ cũng chẳng thay đổi gì được nó...

"Cho phép tôi trở lại những gì tôi nói lúc đầu. Chúng ta sống mỗi người một nếp sống. Chúng ta ai cũng muốn làm sao sống cho được êm ả hòa dịu chừng nào hay chừng nấy. Chúng ta ai cũng muốn làm sao tận hưởng được đời sống. Liệu ta phải tìm đến sách, tìm đến thầy, đến khoa học, đến tôn giáo, đến triết học, liệu ta phải biết nhiều đến thế sao - tuy có là bao! - rồi mới dám sống sao? Liệu ta cứ phải hành hạ thân mình đủ tình đủ tội rồi mới hoàn toàn tỉnh ngộ và hiểu biết hay sao?".

Hắn nói, "Đời sống chỉ là Khổ ải. Dù có biết chiêm tinh cũng không thay đổi được cái sự thật phũ phàng này".

"Thế không có ngoại lệ? Hẳn nhiên..."

Hắn đáp: "Không có ngoại lệ. Tất cả mọi người, cho đến cả những người sáng suốt nhất, đều có những ưu tư, những khổ não riêng. Sống là tranh đấu không ngừng, và tranh đấu đưa đến phiền não khổ đau. Và có đau khổ mới có sức mạnh và chí khí".

"Để làm gì? Để đi đến đâu?"

"Để dễ bề chịu đựng gian khổ ở đời".

"Thật là một hình ảnh đen tối! Có khác gì luyện võ để tranh tài mà lại biết mình tất thua".

Hắn nói, "Còn có cái như thoát tục chẳng hạn".

"Nhưng phải chăng đó là một giải pháp?"

"Có người thì lấy đó làm một giải pháp, có người không. Đôi khi ta đâu chọn được".

"Thẳng thắn mà nói, chúng ta thật ra có cái gì gọi là chọn không?"

Hắn suy nghĩ một lúc trước khi trả lời.

"Có, tôi tin rằng chúng ta được chọn một phần nào, nhưng ít hơn như người ta tưởng. Trong giới hạn số mệnh của ta, ta được tự do chọn. Chính ở đây chiêm tinh mới rất ư quan trọng: khi đã ý thức được ta sinh ra trong cảnh ngộ nào, điều mà chiêm tinh phơi bày rất rõ, ta không chọn cái không thể chọn".

Tôi nói, "Đời sống các bậc vĩ nhân hầu như nói ngược lại".

"Thì như anh nói, hầu như thế. Nhưng có nghiên cứu lá số họ ta phải công nhận điều rằng họ chỉ có thể chọn như họ đã chọn. Những gì ta chọn hay muốn khi nào cũng phù hợp với tâm tình ta. Đứng trước cùng một thắc mắc, Napoléon hành động một đàng, và Saint Paul hành động đàng khác".

Tôi ngắt lời: "Phải, phải, tôi biết. Và tôi cũng biết, cũng tin rằng Saint Francis vẫn là Saint Francis, Saint Paul là Saint Paul, và Napoléon là Napoléon, dù họ rất uyên thâm về chiêm tinh. Để hiểu các vấn đề của ta, để có thể đi sâu vào chúng, để loại bỏ những vấn đề không cần thiết, tất cả những cái kia thực sự tôi không còn quan tâm. Sống là một gánh nặng, sống là một chiến trường, sống là một vấn đề - nói thế là chỉ nhìn đời theo một khía cạnh nào đó thôi. Hai câu thơ thường khi nói ta biết nhiều, cho ta được nhiều hơn là cả một tập sách dày cộm của một nhà học giả. Muốn làm cái gì thật sự có ý nghĩa, người ta cần thi hóa nó. Cái duy nhất tôi tìm ở chiêm tinh, hay ở bất cứ cái gì khác, gọi là đáng tìm, cái đó là coi nó như thơ, như nhạc. Nếu chiêm tinh mà lại tìm ra được những nốt mới, những hòa âm mới, những rung động mới, thì chiêm tinh mới thực sự đắc lực cho tôi. Kiến thức làm người ta khòm lưng; minh triết làm người ta buồn rượi. Tình yêu sự thực không liên quan gì đến kiến thức hay minh triết cả: nó nằm ngoài địa hạt chúng. Bất cứ điều gì ta tin chắc đều nằm ngoài phạm vi của bằng chứng.

"Phương ngôn có nói, "phải đủ mọi loại mới làm thành một thế giới". Đúng. Điều này không thể áp dụng cho các quan điểm hay tư tưởng. Xếp mọi hình ảnh lại với nhau, mọi quan điểm, mọi triết lý, ta vẫn không có được một toàn thể. Tổng số của các góc cạnh và ảo ảnh này không làm và không bao giờ làm thành sự thực. Tổng số của mọi kiến thức là rắc rối thêm. Trí năng bỏ trốn với chính nó. Tâm trí không phải là trí năng. Trí năng là sản phẩm của ngã, và ngã không bao giờ hết băn khoăn, không bao giờ thỏa mãn. Khi nào ta bắt đầu biết là ta biết? Khi ta thôi không tin rằng ta lại có thể biết. Hàng đi là sự thực đến. Và nó vô ngôn. Óc không phải là tâm trí; nó là kẻ bạo tàn tìm cách thống trị tâm trí.

"Tất cả những điều này có ăn thua gì đến chiêm tinh? Có lẽ không, ấy thế mà có. Đối với anh, tôi là hình ảnh của một loại tuổi Mùi nào đó; đối với một nhà phân tích tôi là cái gì khác; đối với một môn đồ Mác-xít lại là một thứ khác, và cứ thế. Tất cả những cái này có nghĩa gì đối với tôi? Máy chụp của anh ghi ra sao có liên quan gì đến tôi? Muốn thấy một người toàn bộ và thấy họ là gì, người ta phải dùng một loại máy ảnh khác; người ta phải có một con mắt khách quan hơn là ống kính. Rồi người ta phải nhìn qua nhiều mặt kính mà các tia phản chiếu sáng chói làm ta lóa mắt không còn thấy được cái thực chất của một cá nhân. Ta càng học, càng biết ít; càng lắm trang cụ, càng không thấy rõ. Chỉ khi nào ta ngưng không cố thấy nữa, ngưng không cố biết nữa, ta mới thực sự thấy và biết. Cái gì thấy và biết không cần đến kính và lí thuyết. Tất cả sự cố gắng và tranh đấu của chúng ta đều có tính chất tự thú. Đó là một cách nhắc nhở chúng ta biết rằng chúng ta yếu, dốt, mù, vô dụng.

Nghĩa là chúng ta không có. Chúng ta nhỏ bé hay bằng nào cũng do chúng ta tự cho phép mình nghĩ mình bằng ấy.

"Đôi khi tôi nghĩ rằng chiêm tinh chắc hẳn đã phát sinh vào một lúc nào đó trong quá trình biến chuyển của con người, lúc mà con người mất tin tưởng ở chính mình. Hay nói theo một cách khác, khi con người mất toàn bộ tính của mình. Khi con người muốn biết thay vì là muốn có mình. Chứng tảo điên có từ lâu, chẳng phải hôm qua hay hôm kia. Và khi con người tách ra, nó tách thành muôn ức mảnh. Nhưng ngay cả hiện nay, dù rằng tan nát, con người vẫn hàn gắn lại thành nguyên vẹn được. Giữa con người nguyên thủy và con người ngày nay, điểm khác biệt duy nhất là một đàng sinh ra ở Thiên đàng và một đàng phải tạo ra Thiên đàng. Và điều này đưa tôi trở lại vấn đề lựa chọn. Con người chỉ có thể chứng tỏ mình là tự do bằng cách chọn lấy tự do. Và nó chỉ có thể làm thế khi nó ý thức được rằng chính nó đã làm chính nó không tự do. Và theo tôi điều này có nghĩa là nó phải giật lấy ở Thượng đế các quyền lực mà nó đã trao cho Thượng đế. Càng nhận thấy Thượng đế ở chính nó nó càng tự do hơn. Và càng tự do nó càng đỡ phải quyết định, càng đỡ phải lựa chọn. Tự do chỉ là một ngụy danh. Tin chắc có phần đúng hơn. Không nhầm lẫn vì thành thực mà nói, trong bất cứ trường hợp nào cũng chỉ có một lối hành động duy nhất, không phải hai, chẳng phải ba. Tự do ngụ ý lựa chọn, và lựa chọn chỉ có trong cái mức mà ta nhận thức rằng ta bất lực. Có thể nói, người tài giỏi không suy nghĩ. Họ là một với tư tưởng, là một với đường lối.

"Nghe có vẻ như tôi đang đi lạc đề. Thật ra không. Tôi chỉ đang nói một thứ ngôn ngữ khác. Tôi muốn nói rằng thanh thản và niềm vui nằm trong vòng tay mọi người. Tôi muốn nói rằng bản thể tinh túy của chúng ta như Thượng đế. Tôi muốn nói rằng không có giới hạn nào cho tư tưởng hay hành động cả. Tôi muốn nói rằng chúng ta là một, không phải nhiều. Tôi muốn nói rằng chúng ta sinh ra đấy, rằng chúng ta không thể ở nơi nào khác ngoại trừ qua cửa diệt. Tôi muốn nói rằng nhìn thấy dị biệt tức là tạo ra dị biệt. Một tuổi Mùi là một tuổi Mùi chỉ đối với một chiêm tinh gia khác. Chiêm tinh sử dụng một số hành tinh, thái dương và thái âm, nhưng còn hàng triệu triệu hành tinh khác thì sao, hàng triệu vũ trụ khác, tinh tú, sao chổi, vân thạch, tiểu tinh hằng hà sa số thì sao? Liệu xa gần đáng kể, hay to nhỏ, hay sáng tối? Chứ không phải một cái gì là một, là liên động, là liên nhập hay sao? Ai dám bảo các ảnh hưởng bắt đầu nơi đâu và chấm dứt nơi đâu? Ai dám bảo cái gì là quan trọng cái gì là không? Ai sở hữu cái vũ trụ này? Ai điều hành nó? Tinh thần ai chỉ giáo nó? Nếu cần giúp đỡ, dìu dắt, chỉ bảo, tại sao ta không tìm ngay đến nguồn? Và ta cần giúp đỡ, dìu dắt, chỉ bảo để làm gì? Phải chăng để mọi sự được dễ chịu cho ta, để ta đạt được các cứu cánh của ta nhạy hơn, hay hơn? Tại sao mọi sự lại rắc rối, khó khăn, mập mờ, bực bội đến thế? Bởi vì chúng ta đã lầm chúng ta là trung tâm của vũ trụ, bởi vì chúng ta muốn mọi sự phải tác động như ý chúng ta muốn. Điều mà chúng ta cần khám phá là nó muốn gì, gọi nó là đời sống, tâm trí, Thượng đế, hay gì gì tùy ý. Nếu chủ đích của chiêm tinh là thế, thì tôi tán thành chiêm tinh.

"Còn điều nữa tôi muốn nói, nói một lần cho cạn vấn đề, rồi thôi. Đó là các vấn đề hằng ngày của chúng ta, nhất là vấn đề xử sự với nhau sao cho êm đẹp, vấn đề hầu như là vấn đề chính yếu. Điều tôi muốn nói là, nếu ta đi tìm nhau với cái quan điểm hay cái ý thức rằng chúng ta dị biệt nhau, bất đồng nhau thì không bao giờ chúng ta có đủ kiến thức để đối xử với nhau một cách trơn tru và mỹ mãn. Muốn thông cảm được với một cá nhân khác, ta phải đi sâu vào tận đáy lòng con người, vào tận cái lớp thầm kín chung cho mọi con người và có sẵn ở mọi người chúng ta. Muốn thế không phải khó và chắc chắn không đòi hỏi người ta phải là một nhà tâm lý hay một người có tha tâm thông. Người ta cũng chẳng cần phải biết gì về các mẫu người theo lý số, về tính chất phức tạp của các phản ứng của họ trước cái này hay cái kia. Có một đường lối giản dị trực tiếp để đối xử với mọi loại người, và đó là thành thật và thẳng thắn. Suốt đời chúng ta chỉ lo tránh né sợ bị hàng xóm láng giềng làm tổn thương hay làm nhục. Thật là phí thời giờ. Nếu ta đừng sợ đừng có thành kiến, ta có thể đối diện với một kẻ sát nhân cũng dễ như với một ông thánh. Tôi chán ngấy cái giọng lưỡi chiêm tinh mỗi khi thấy người ta nghiên cứu lá số của mình để tìm một lối thoát sao cho hết đau, hết nghèo, hết làm bậy, hết đủ thứ. Theo tôi như thế có khác gì tìm cách khai thác các sao một cách đáng buồn. Ta nói đến số mạng như thể một cái gì ta phải gánh chịu; ta quên rằng mỗi ngày ta sống là mỗi ngày ta tạo ra cái số mệnh của ta. Và nói đến số mệnh ý tôi muốn nói những gì đau khổ xảy đến cho ta, những gì chẳng qua chỉ là những kết quả của những nguyên nhân không đến nỗi bí ẩn như ta tưởng. Phần lớn những cái họa ta phải chịu đều do chính hành vi của ta trực tiếp gây ra. Con người không đau khổ vì những tai họa do động đất, núi lửa, giông tố hay sóng thần gây ra; con người đau khổ vì những hành động xấu xa của chính mình, sự ngu xuẩn của chính mình, sự dốt nát của chính mình và sự bất chấp các định luật thiên nhiên. Con người có thể loại trừ chiến tranh, có thể loại trừ bệnh tật, có thể loại trừ già yếu và không chừng cả tử thần nữa. Con người chả cần phải sống trong bần hàn, tội lỗi, dốt nát, chả cần đua tranh giành giật. Tất cả những điều kiện này đều nằm trong tay con người, đều ở trong vòng khả nằng cải tổ của con người. Nhưng ngày nào nó chỉ có biết lo đến số mệnh cá nhân của riêng nó, ngày đó nó còn chưa thể cải tổ. Hãy thử tưởng tượng một lương y mà lại không chịu chữa vì sợ lây bệnh thì thấy! Như Kinh thánh nói, chúng ta đều là chân tay của một thân thể. Thế mà chúng ta lại đánh đấm lẫn nhau. Chính cái thể xác của chúng ta có một sự khôn ngoan mà chúng ta là người cư ngụ cái thể xác ấy lại không có. Ta ra cho nó những cái lệnh vô lí. Bệnh tật, tội lỗi, chiến tranh, hay hàng ngàn lẻ một những gì khác làm chúng ta điêu đứng đều chả có gì bí mật. Hãy sống giản dị, sống khôn ngoan. Hãy quên, hãy tha thứ, hãy từ bỏ, hãy thoái vị. Tôi cần phải nghiên cứu lá số tôi mới hiểu được sống giản dị, như thế là khôn ngoan sao? Cần phải sống với hôm qua mới biết hưởng ngày mai sao? Sao tôi lại không thể cạo bỏ ngay dĩ vãng, ngay tức khắc bắt đầu sống cho ra sống - nếu thực tình tôi muốn? Thanh thản và vui tươi... theo tôi chỉ cần muốn là được. Ngày nào biết ngày nấy, đối với tôi thế cũng đủ lắm rồi. Thật ra, cũng không cần thế. Hãy cứ ngày hôm nay đây! Cái ngày hôm nay tươi đẹp đây! Phải chăng đó là nhan đề của một cuốn sách Cendrars? Hãy thử cho tôi một cái nhan đề nào hay hơn xem..."

Dĩ nhiên, tôi đâu có nói một dây một tràng như thế, nói đúng những lời như thế. Có lẽ nhiều câu tôi tưởng chừng như tôi có nói. Không sao. Bây giờ tôi nói thì cũng thế. Toàn những cái nằm trong đầu tôi đây, không phải chỉ có một lần, mà còn nói đi nói lại. Phải thì nghe, không thì thôi.

Truyện Dài » Ác Quỷ Trên Thiên Đàng

Font Size:

Tác Giả: Henry Miller

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Với trận mưa đầu mùa, hắn bắt đầu ủ rũ. Đành rằng phòng hắn chật hẹp, mái lại dột, cửa sổ thấm nước, đủ thứ bọ xâm nhập, thường rơi cả trên giường khi hắn đang ngủ, để sưởi ấm hắn phải dùng một cái lò sặc mùi dầu hôi lại tiêu thụ hết chút ít dưỡng khí còn lại sau khi hắn trét kín các kẽ nứt kẽ hở, lấy bao bố nhét dưới khe cửa, khép kín mọi cửa sổ, cùng đủ thứ. Đành rằng gặp phải một mùa đông mưa nhiều hơn mọi năm, gió bão lại dữ dội liên miên nhiều ngày mới dứt. Và tội nghiệp thằng cha, suốt ngày co ro trong phòng, bực bội, bồn chồn, không nóng quá thì lại lạnh quá, rồi là gãi, gãi, không còn biết làm sao để cởi bỏ được hàng trăm ngàn của nợ từ thinh khổng thinh không kéo đến, vì không hiểu tại sao đã đóng kín trét kỹ mọi khe, đã phải hun khói mà những con bọ quỷ lại lọt vào được và bò khắp, chui khắp.

Tôi không bao giờ quên được cái bộ mặt sững sờ thiểu não của hắn khi một buổi chiều hắn gọi tôi vào phòng hắn để xem lại mấy cái đèn. Hắn bật diêm châm bấc, và nói: "Anh xem, anh xem, châm đâu có cháy".

Như các người ở quê thừa biết, loại đèn Aladdin này kỳ cục và hay trở quẻ lắm. Muốn cháy tốt, phải lau chùi thật sạch. Cứ cái việc xem bấc thôi cũng phải rất cẩn thận. Dĩ nhiên tôi bảo hắn hàng trăm lần, nhưng lần nào vào thăm hắn tôi cũng thấy đèn không lờ mờ thì bốc khói. Tôi cũng biết hắn bực mình. Với đèn đóm đâu buồn nghĩ chuyện giữ gìn.

Bật một que diêm châm vào bấc, tôi đã toan nói, "anh thấy không, rất giản dị... có gì đâu" - thì lạ quá, bấc không chịu cháy. Tôi châm que nữa rồi que nữa, bấc vẫn không bắt lửa. Mãi khi lấy nến thắp xem có gì trục trặc tôi mới khám phá ra.

Tôi mở cửa cho không khí vào và khi thắp đèn lại thì đèn cháy. Không khí mà, cụ ơi. Cụ thiếu không khí! Hắn trố mắt nhìn tôi. Muốn có không khí thì phải mở cửa sổ. Mà mở cửa thì gió và mưa vào. Hắn thốt "Mẹ kiếp!" Thật vậy. Mà còn tệ hơn nữa. Tôi từng tưởng tượng một buổi sáng đẹp trời nào đó thấy hắn nằm trong giường - chết ngạt.

Sau đó hắn nghĩ ra cách cho không khí lọt vào vừa đủ thở. Bằng một sợi dây với cả một loạt móc dài móc ngắn đặt cách quãng vào phần trên cánh cửa lò-xo hắn có thể cho không khí vào nhiều ít tùy ý. Không còn phải mở cửa sổ hay rút bỏ bao tải chèn dưới cửa hay nạy nhựa trám các khe vách nữa. Còn mấy cái đèn chết tiệt, thì hắn quyết định không dùng mà dùng nến đốt thay. Ánh nến leo lét làm căn phòng chật hẹp trông chẳng khác gì nấm mồ và như thế hợp với tâm trạng bệnh hoạn của hắn.

Đồng thời cái ngứa vẫn không ngớt hành hắn. Mỗi lần xuống ăn cơm, hắn lại vén ống tay ống quần lên trình bày cái tai hại của bệnh ngứa. Giờ thì hắn lở loét khắp. Phải tôi là hắn, chắc tôi sẽ bắn tôi nát óc rồi.

Thật vậy, phải làm sao chứ để thế chúng tôi đến điên mất. Chúng tôi đã thử mọi thứ thuốc cổ truyền - nhưng vô hiệu. Cùng quá tôi mới nhờ một anh bạn ở cách đấy vài trăm cây số đến xem giùm. Anh ta là một lương y giỏi, lại cả giải phẫu nữa. Anh cũng nói được tiếng Pháp. Thật ra anh ta là người bất thường, lại rộng rãi, thành thật. Tôi biết nếu chữa được anh ta không ngại gì mà không giúp tôi tận lực.

Anh đến. Anh khám Moricand từ đầu đến chân, khám trong khám ngoài. Xong rồi anh hỏi chuyện hắn. Anh không nói gì đến lở loét, cũng chẳng động gì đến vấn đề. Anh nói đủ chuyện nhưng không nói gì đến ngứa. Hầu như thể anh quên hẳn anh đến vì việc gì. Thỉnh thoảng Moricand toan nhắc khéo anh, nhưng mỗi lần anh lại khéo léo hướng câu chuyện sang vấn đề khác. Sau cùng anh viết toa đặt ngay dưới mắt Moricand rồi sửa soạn ra về.

Tôi đưa anh ra xe, nóng ruột muốn biết thực sự anh nghĩ sao.

Anh nói, "Có gì đâu. Hễ cứ đừng nghĩ đến ngứa thì không còn ngứa".

"Nhưng khi mà...?"

"Thì bảo hắn uống thuốc".

"Liệu thuốc có công hiệu không?"

"Cái đó do ở hắn. Thuốc không công phạt mà cũng chẳng công hiệu trừ phi hắn tin".

Một giây phút im lặng nặng nề.

Anh bỗng nói: "Cậu muốn tôi nói thật không?"

Tôi nói: "Sao không".

"Vậy thì tống khứ hắn đi".

"Anh bảo sao?"

"Còn sao nữa. Có khác gì anh sống với hủi".

Trông tôi có lẽ bàng hoàng thờ thẫn thì phải.

Anh nói, "Có gì đâu. Hắn đâu có cần khỏe mạnh. Hắn chỉ cần được chú ý, được săn sóc. Hắn đâu phải người lớn, hắn là một đứa bé. Một đứa bé hư".

Im lặng.

"Và hắn có dọa tự tử cậu đừng có lo. Khi không còn cách nào khác, hắn có thể dọa cậu chơi. Hắn không tự tử đâu. Hắn thương cái thân hắn quá mà".

Tôi nói: "Tôi hiểu. Ra là thế... Nhưng tôi biết nói với hắn làm sao?"

"Cái đó thì tùy cậu liệu lấy". Anh rồ máy.

Tôi nói: "Được rồi. Không chừng chính tôi lại uống thuốc cũng nên. Dù sao cũng cám ơn anh nhiều lắm".

Moricand nằm đợi tôi. Hắn cố đọc toa mà đọc không ra; chữ viết xấu quá.

Tôi nói sợ hắn biết rằng theo sự nhận xét của bạn tôi thì chứng bệnh của hắn là một chứng bệnh tâm lý.

Hắn thốt: "Ngu mấy mà lại không biết thế!" Đoạn nói thêm; "Hắn ta có đúng là bác sĩ không?"

Tôi đáp: "Có tiếng nữa là khác".

Moricand nói: "Kể cũng lạ. Hắn nói như một thằng ngu".

"Vậy à?"

"Lại hỏi tôi có thủ dâm không?"

"Rồi sao nữa...?"

"Hỏi tôi có yêu đàn bà bằng đàn ông không. Rằng tôi có từng dùng ma túy không. Tôi có tin đồng bóng không. Có, có, có... Đúng là thằng điên".

Tức quá, hắn thừ người ra một lúc. Đoạn với một giọng thiểu não hơn, hắn lẩm bẩm như tự nhủ: "Trời ơi, Trời ơi, tôi còn biết làm sao đây? Tôi cô độc, cô độc quá đi mất!"

Tôi khẽ nói: "Thôi mà, hãy bình tĩnh! Còn thiếu gì cái khổ hơn ngứa".

Hắn hỏi: "Cái gì chẳng hạn?" Hắn nói đột ngột qua khiến tôi chưng hửng.

Hắn lặp lại: "Cái gì chẳng hạn? Tâm lý... chu choa! Dễ thường hắn cho tôi là thằng ngốc. Cái xứ này là cái xứ quái gì! Chả biết gì là nhân đạo. Là thông cảm. Là thông minh. Chà, phải chi tôi chết được... Chết ngay tối nay".

Tôi không nói một lời.

"Này anh Miller thân yêu ơi, cầu cho anh đừng bao giờ lại đau khổ như tôi hiện giờ! Chiến tranh chả thấm tháp vào đâu".

Hắn bỗng chợt thấy toa thuốc. Hắn cầm lên, vò trong nắm tay, đoạn vứt xuống đất.

"Hoàn tán! Hắn cho tôi, thằng Moricand này, uống hoàn tán!" Hắn nhổ phẹt xuống đất. "Thằng bạn anh là một lang băm. Một lang vườn. Một tên giả mạo".

Mưu toan đầu tiên để lôi hắn ra khỏi cảnh khốn nạn của hắn chấm dứt như thế đó.

Sau đó một tuần kkhông ngờ lại có anh bạn cố tri Gilbert đến thăm. Tôi nghĩ bụng, chả mấy khi có được một người biết tiếng Pháp, một người thích văn chương Pháp, Moricand khoái phải biết!

Chả có gì khó, với một chai vang tôi khiến hai cha bắt chuyện với nhau.

Chỉ vài phút sau là họ quay ra bàn cãi nào Baudelaire, Villon, Voltaire, Gide, Cocteau, nào ba-lê Nga, Ubu Roi, và này khác. Khi thấy họ ý hiệp tâm đầu rồi, tôi lẳng lặng rút lui, mong rằng Gilbert vốn đã từng nếm cảnh ba chìm bảy nổi, sẽ giúp được tên kia lên tinh thần. Không thì ít ra cũng làm hắn say sưa.

Chừng một giờ sau đó, tôi đang lững thững đi dạo trên đường với con chó thì thấy Gilbert lái xe đi tới.

Tôi nói: "Sao, về sớm thế?" Gilbert mà ra về trước khi cạn chai thì kể cũng lạ.

Anh đáp: "Tôi ạch bụng rồi. Đồ gàn bát sách!"

"Ai, Moricand ấy à?"

"Còn ai nữa".

"Chuyện gì thế?"

Vẻ ghê tởm anh biểu lộ đủ trả lời cho anh. Anh nói giọng hằn học: "Này đằng ấy, có biết nếu phải tớ thì tớ làm gì không?"

"Không, mà làm gì cơ chứ?"

"Xô hắn xuống biển cho rồi".

"Nói nghe dễ đấy nhưng thử làm coi".

"Thử đi! Chỉ có cách đó là tốt nhất". Đoạn anh rồ ga.

Lời Gilbert nói làm tôi giật mình. Xưa nay anh có bao giờ nói ai thế đâu. Anh hiền lành, mềm mỏng, ý nhị, và cũng từng biết thế nào là địa ngục trần ai. Quả anh chả cần phải lâu mới thấy rõ con người Moricand.

Đồng thời Lilik, anh bạn tôi, thuê nhà nẻo dưới cách chúng tôi vài dặm, không quản ngại giúp sao cho Moricand được thoải mái. Moricand mến Lilik và tin tưởng ở anh at. Cũng là dĩ nhiên vì Lilik giúp đỡ hắn rất nhiều. Lilik thường ngồi với hắn cả giờ, nghe hắn tả oán.

Nghe Lilik thuật thì tôi hiểu ý Moricand cho tôi là không mấy quan tâm đến hắn. Anh nói, "Anh không hề hỏi han gì đến công trình gì của hắn".

"Công trình của hắn? Anh bảo sao? Chứ hắn đang làm gì?"

"Hình như hắn đang viết bút ký".

Tôi nói, "Hay đấy. Để thỉnh thoảng tôi phải xem mới được".

Lilik nói, "À này, anh có bao giờ xem hắn vẽ không".

"Vẽ gì?"

"Trời ơi, thế anh chưa bao giờ xem à? Hắn có cả một tập trong cặp. Toàn hình dâm ô". Anh chặc lưỡi, "Cũng may cho anh là nhà đoan đã không khám thấy".

"Vẽ trông được không?"

"Cái được cái không. Nhưng chắc chắn không phải là để cho trẻ con xem rồi đó".

Sau câu chuyện vài ngày, có một anh bạn cũ lại thăm. Anh Leon Shamroy. Như thường lệ, anh mang theo rất nhiều quà. Phần lớn là thức ăn thức uống.

Lần này đôi mắt cú vọ của Moricand còn giương to hơn.

Hắn kéo tôi ra bên, hỏi nhỏ: "Khá thật. Triệu phú phải không?"

"Không, chỉ là nhiếp ảnh viên chóp bu của hãng phim Fox. Là người đoạt hết các giải Oscar".

Tôi nói thêm: "Tôi chỉ mong sao anh hiểu được anh ta nói gì. Cả nước Mỹ không ai nói được những điều anh ta nói mà lại không ngẫm nghĩ".

Vừa lúc đó Leon bước vào. Anh hỏi, "Chứ thì thầm với nhau cái gì đó? Cha nội nào đây - lại một anh bạn Montparnasse của anh chắc? Cha nội nói được tiếng Anh không? Cha nội làm gì ở đây? Chắc lại ăn bám anh chứ gì? Rót rượu cho cha nội uống đi! Trông cha nội thiểu não quá".

Móc túi ra một nắm xì gà, Leon nói: "Này, đưa cho cha nội hút thử một điếu xem. Một điếu mới có một đô la thôi. May ra cha nội có phởn hơn chăng".

Anh đưa đầu ra hiệu cho Moricand rằng xì gà là đãi hắn. Đoan anh ném nửa điếu Havane đang hút dở mà anh để tắt và châm điếu mới. Xì gà dài có gần ba tấc và to bằng con rắn. Lại có mùi thơm dễ chịu nữa. Tôi bụng bảo dạ, còn rẻ chán.

Moricand cám ơn bằng tiếng Pháp lòng thòng gì đâu khiến Leon có hơi bực mình nên bảo tôi: "Nói với cha nội là tớ không rành tiếng Pháp". Vừa nói anh vừa mở các gói ra, nào phó mát trông đến ngon lành, nào xúc xích, giăm bông. Anh nói với: "Bảo thằng chả mình ăn uống cái đã. Còn xạo gì thì để nhai sau. Ờ mà cái rượu ấy tôi mang mà không biết đâu rồi nhỉ? Không, xem nào. Tôi có một chai Haig and Haig ở ngoài xe. Cho thằng chả uống cái đó. Tội thằng chả, chắc một đời chưa bao giờ được nếm thử một ly uýt-ki... Này, chứ thằng chả mắc chứng gì? Bộ không bao giờ biết cười chắc?"

Vừa lảm nhảm luôn miệng, vừa mở hết gói này đến gói khác, cắt một khoanh bánh, phết bơ lên, thứ bơ ngọt ngon tuyệt, châm một quả ô liu, nếm một miếng cá đối, rồi một quả dưa chua, thứ này một tí, thứ kia một tí, vừa móc ra một hộp kẹo cho Val, cùng với một chiếc áo thật đẹp, một chuỗi hạt, và... "Đây, còn cái này cho mày, thằng quỷ à!" và ném cho tôi một hộp thuốc lá đắt tiền. "Còn nhiều ở ngoài xe. Nhân tiện, tao quên hỏi mày - chúng mày dạo này có khá không? Chưa giàu phải không? Mày với thằng Bufano! Hai thằng mồ côi. Mày mà còn có thằng bạn như tao... còn biết làm để sống, phải không?"

Truyện Dài » Ác Quỷ Trên Thiên Đàng

Font Size:

Tác Giả: Henry Miller

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Trong khi đó Lilik ra xe mang đồ xuống. Chúng tôi mở chai Haig and Haig, rồi một chai Bordeaux hảo hạng cho Moricand (và cho cả chúng tôi), và khoái trá nhìn chai Pernod với chai Chartreuse mà anh ta còn nhớ đem theo, không khí sặc khói thuốc, trên sàn giấy dây vứt bừa bãi.

Leon cởi nút áo sơ mi lụa, hỏi: "Hoa sen mày còn xài được chứ? Chắc tao phải cho mày cái khác. Suốt băm sáu tiếng đồng hồ chưa được chợp mắt. Chúa ơi, được ngủ vài tiếng thì hay quá! À này, đêm nay cho tao ngủ được chứ? Không chừng hai đêm. Tao cần nói chuyện với mày. Chúng tao tính giúp mày làm ăn lớn. Chứ sống ăn mày thế này suốt đời đâu có được, phải không? Đừng nói gì cả, tao biết mày sắp nói gì... À mà các tranh thủy mặc của mày đâu cả rồi? Lấy tao xem nào! Mày biết tao chứ, tao có thể mua nửa tá mang đi. Nếu như xem được".

Bỗng anh thấy Moricand đang phì phà một điếu Ma ní nhỏ.

Anh thốt: "Chứ thằng cha có mắc chứng gì? Nó ngậm cây cỏ thối ấy làm gì cho bẩn mồm? Chứ không phải mình vừa cho nó một mớ xì gà ngon là gì?

Moricand đỏ mặt bảo hắn để dành. Xì gà ngon quá không muốn hút ngay. Hắn cần được vuốt ve ít lâu rồi mới hút.

Leon hét: "Mẹ kiếp, nói thế mà nghe được! Bảo hắn là hiện giờ hắn ở Mỹ. Chúng ta đâu có phải lo ngày mai, phải không? Bảo hắn cứ hút hết đi tao về Los Angeles sẽ gửi cho hắn cả một hộp". Anh quay đầu, hạ bớt giọng: "Chứ thằng chả nó lo cái gì không biết? Ở bên kia xưa nay nó chết đói à? Dù sao, cũng thây kệ nó. Này, tao nói bọn bay nghe một chuyện hài hước tao mới nghe đêm trước. Rồi mày dịch lại cho thằng chả nghe. Tao muốn xem thằng chả có cười không chớ".

Vợ tôi toan dọn cơm, nhưng vô ích. Leon đã bắt đầu kể câu chuyện đùa của anh, chuyện tục, khiến Lilik cười ré lên như ngựa hí. Giữa câu chuyện, Leon ngưng lời, cắt một khoanh bánh, rót một ly rượu, cởi giày cởi tất, xâm một quả ô liu, và cứ thế. Moricand trố mắt nhìn anh. Đối với hắn đó là một mẫu người mới. Mẫu người Mỹ chính hiệu con nai mà! Tôi dám chắc hắn đang thú vị lắm. Thưởng thức ly Bordeaux, hắn liếm môi liếm mép. Món lachs ăn lạ miệng. Còn bánh ngô, hắn chưa từng thấy, chưa từng nếm. Tuyệt thú! Ausgezeichnet!

Lilik cười rũ rượi, nước mắt chảy dòng. Chuyện thú vị, lại chuyện tục, nên khó dịch.

Leon nói, "Thì đã sao? Chứ bộ bên xứ hắn người ta không xài cái ngôn ngữ này sao?"

Anh ngắm nhìn Moricand xâm thịt, nhắm rượu, phì phà điếu Havane to tướng.

"O.K. Bỏ câu chuyện đi. Hắn đang nhồi đầy bụng, thế cũng đủ rồi. À này, mà bảo hắn làm gì nhỉ?"

Tôi nói: "Thấy chiêm tinh chiêm tiếc gì ấy mà".

"Hắn mà biết cái đếch mẹ gì. Chiêm tinh! Ai mà cần cái khỉ khô ấy? Bảo hắn hãy chiêm hắn đi cái đã... Ờ mà này, để tao cho hắn ngày sinh tháng đẻ của tao. Xem hắn giở nghề ngỗng gì".

Tôi bảo Moricand biết. Hắn nói hắn chưa chuẩn bị. Nếu không sao, để hắn ngắm Leon thêm tí đã.

"Hắn bảo gì?"

"Hắn nói cho hắn khoái khẩu cái đã. Nhưng hắn biết rằng anh là loại phi thường". Tôi nói ra thế để đỡ căng thẳng.

"Hắn nói đầy một mồm. Mày nói đúng lắm. Tao là loại phi thường, thằng nào ở vào địa vị tao đến phát điên. Mày bảo giùm tao với hắn rằng tao hiểu hắn lắm, nghe?" Đoạn quay nhìn thẳng Moricand, anh nói: "Sao rượu... vang đỏ đó? Ngon chứ hả?

Moricand đáp: "Tuyệt?" Hắn có biết người ta xỏ xiên gì hắn ngay mũi hắn đâu.

Leon nói: "Sư anh, nhất định phải tuyệt. Thằng này mua mà lại. Chỉ nhìn qua thằng này đủ biết cái gì ngon dở".

Anh ngắm nhìn Moricand như thể hắn là một con rái cá làm trò vậy, đoạn quay bảo tôi: "Ngoài nhìn sao ra thằng chả có gì làm khác không?" Với cái nhìn trách móc, anh nói thêm: "Tao chắc thằng chả không thích gì hơn là ngồi gãi háng suốt ngày. Sao mày không bắt thằng chả làm việc? Bắt hắn cuốc vườn, trồng rau, xới cỏ. Hắn cần phải làm. Tao biết rõ mấy cái thằng chó đẻ này. Chúng như nhau hết à".

Vợ tôi tỏ vẻ khó chịu. Nàng không muốn làm mất lòng Moricand.

Nàng bảo Leon: "ở phòng anh ấy có cái chắc anh xem phải thích".

Lilik nói, "Ừ, Leon à, đúng sở thích của anh".

"Mấy người định chơi khăm tôi phải không? Chứ cái gì mà bí mật ghê thế? Đốt mấy người đi!"

Chúng tôi nói ra. Kể cũng lạ, Leon hầu như chả buồn quan tâm.

Anh nói: "Thứ đó Hollywood thiếu quái gì. Chứ mấy người muốn tôi làm gì - thủ dâm chắc?"

Buổi chiều trôi qua. Moricand lui về phòng. Leon đưa chúng tôi ra xem chiếc xe anh mới tậu, có thể chạy trăm rưỡi cây như chơi, trên chả cứ đường thẳng. Bỗng anh nhớ có mấy món đồ chơi cho Val để đàng sau xe. Vừa thò tay trong thùng xe, anh nói: "Thằng Bufano dạo này đâu nhỉ?"

"Đi Ấn thì phải".

Anh cười khì: "Lại đi thăm Nehru hẳn! Tao chịu không hiểu nổi làm sao cái thằng ấy nó đi khắp mà không có lấy một xu dính túi mà đi được. À mà dạo này, chúng mày làm gì ra tiền?"

Nói đoạn anh thọc tay vào túi quần, lôi ra một xấp giấy xanh có kẹp, rút ra vài ghim.

Đặt tiền vào tay tôi, anh nói: "Này, cầm lấy. Trước khi đi thế nào tao chả nợ mày".

Bỗng anh lại hỏi: "Mày có gì hay đọc không? Tao thích cuốn Giono mày cho tao mượn nhớ không? Thế còn thằng cha Cendrars mà mày không ngớt vãi ra quần thì sao? Đã có cái gì của hắn được dịch chưa?" Anh vứt nửa điếu Havane hút dở, lấy gót chân xéo lên, và thắp điếu khác. "Mày tưởng tao không bao giờ đọc sách hẳn. Mày lầm, tao đọc dữ lắm... Một ngày kia mày sẽ viết cho tao một truyện phim - và mày sẽ có nhiều xìn. Nhân tiện" - anh hất ngón tay cái về phía phòng Moricand - "thằng chó nó rút ruột mày phải không? Mày khờ quá. Mày làm sao mà mắc bẫy?"

Tôi bảo anh câu chuyện dài lắm... để khi khác nói.

"Còn các bức vẽ của hắn thế nào? Tao có nên xem không? Chắc hắn cần bán chứ? Tao mua vài bức cũng chẳng sao - nếu giúp được chúng mày đỡ... Khoan đã, để tao đi làm một ly cái đã".

Khi anh trở lại, miệng anh đã ngậm một điếu xì-gà mới rồi. Trông anh đỏ ửng.

Anh nói, mặt mày hớn hở: "Không gì bằng một ly rượu ngon. Nào ta hãy đi thăm cái thằng buồn chảy ấy. Mày gọi cho tao thằng Lilik, được không? Trước khi quyết định làm gì tao muốn biết ý kiến nó".

Vừa bước vào phòng Moricand, Leon khụt khịt mũi. Anh kêu: "Trời đất quỷ thần ơi, bảo hắn mở một cánh cửa sổ coi!"

"Không được đâu, anh Leon. Hắn sợ trúng gió".

"Thảo nào, chả trách hắn than rầm trời. O.K. Hình hiếc của hắn đâu, bảo hắn bày ra xem - và lẹ lẹ coi? Ngồi đây thêm mười phút nữa tao chết ngạt mất".

Moricand từ từ lấy chiếc cặp xinh xắn của hắn ra. Hắn cẩn thận đặt xuống trước mặt hắn, đoạn bình thản châm một điếu gauloises xanh.

Leon nói: "Tao xin mày bảo nó quăng thuốc đi". Anh móc túi lấy một bao Chesterfield và rút một điếu đưa cho Moricand. Moricand nhã nhặn từ chối, nói hắn không hạp thuốc lá Mỹ.

Leon nói: "Đồ ngốc! Thì này!" Anh đưa Moricand một điếu xì-gà to.

Moricand từ chối. Hắn giơ điếu thuốc lá Pháp khét lẹt của hắn lên và nói: "Tôi thích thứ này hơn".

Leon nói: "Nếu vậy thì đ.m...! Bảo nó làm gì thì làm đi. Không lẽ ngồi cả buổi trong cái mồ này sao".

Nhưng Moricand đâu phải giục mà được. Hắn có cái lối trình bày riêng các tác phẩm của hắn. Hắn không cho ai được sờ vào các bức vẽ. Hắn giơ ra trước hắn, chậm rãi giở từng trang một, giống như thể là giấy cổ phải dùng bàn xẻng xúc nhẹ. Thỉnh thoảng hắn lại rút chiếc khăn lụa ở túi ngực ra lau mồ hôi tay.

Đây là lần đầu tiên tôi được thấy công trình của hắn. Tôi phải thú thật là nhìn các bức vẽ tôi muốn lợm mửa. Toàn là những cái thác loạn, bạo dâm, phạm thánh. Nào những con quỷ dâm dật hãm hiếp trẻ con, nào các gái đồng trinh làm đủ chuyện thông dâm, nào các nữ tu dùng các thánh vật để thỏa mãn thú tính... nào là hành xác, tra khảo, chặt chân tay, nào là những cảnh xâu xé thịt người, và như thế. Nét vẽ tế nhị mẫn cảm lại càng làm cho người xem ghê tởm.

Đến Leon cũng phải sửng sốt. Anh quay nhìn Lilik hỏi ý kiến. Hỏi xem lại một vài tấm.

Anh nói: "Thằng chó chết biết vẽ đấy chứ nhỉ".

Lilik chỉ vài bức mà anh cho là đặc biệt.

Leon nói: "Tao lấy. Bao nhiêu?"

Moricand ra giá. Một cái giá đắt, ngay cả với một khách hàng Mỹ.

Leon nói: "Bảo hắn gói lại. Kể ra thì không đáng giá, nhưng tao lấy. Tao biết thế nào cũng có người sẵn sàng mua lại".

Anh móc ví, đếm tiền thật nhanh, đoạn bỏ lại vào túi.

Anh nói: "Phải giữ tiền để tiêu. Bảo hắn về đến nhà tao gửi ngân phiếu cho hắn... nếu hắn tin tao".

Lúc này Moricand hình như đổi ý. Hắn nói hắn không muốn bán riêng rẽ. Mua hết không thì thôi. Hắn ra giá cho cả tập. Một giá như nhát búa.

Leon thốt: "Bộ hắn điên. Để hắn ôm lấy mà thờ".

Tôi bảo Moricand rằng Leon còn nghĩ lại xem đã.

Moricand nhìn tôi cười tinh quái và nói: Okay. Tôi biết rằng trong óc hắn, hắn cho là cá đã cắn câu. Hắn cầm chắc trong tay. Khi chúng tôi lui gót hắn còn lập lại: "Okay"

Vừa xuống thang, Leon vừa nói: "Nếu thằng chó chết hắn khôn lanh hắn cứ việc để tao sách chiếc cặp mang đi khắp, thế nào tao cũng kiếm được gấp đôi giá. Dĩ nhiên tranh có thể bẩn. Cái thằng chó đẻ nó mới tủn mủn chứ!" Anh hích tôi một cái thật mạnh. "Làm bẩn đồ bẩn thỉu đó cũng lôi thôi đấy chứ nhỉ?"

Xuống hết bậc thang anh ngưng một lúc, nắm cánh tay tôi.

"Mày biết cái thằng cha ấy làm sao không? Nó bệnh hoạn mà".

Anh đưa ngón tay chỉ lên sọ.

Anh nói thêm: "Khi nào tống khứ được hắn đi rồi, mày nhớ tẩy sạch căn phòng".

Cách đó vài đêm sau, khi ngồi ăn, chúng tôi dần dà nói đến vấn đề chiến tranh. Moricand đang lúc hào hứng nên chỉ lăm le kể lại những cái ba chìm bảy nổi của mình. Tôi cũng không hiểu tại sao trước đây chúng tôi lại không đả động đến chuyện này. Đành rằng trong thư từ hắn viết cho tôi từ Thụy Sĩ hắn cũng có nói sơ qua về những gì xảy ra từ cái đêm chúng tôi chia tay nhau vào tháng Sáu, 1939. Nhưng tôi cũng chẳng nhớ được bao lăm. Tôi được biết hắn gia nhập đội Lê-dương một lần nữa, chẳng phải vì lòng ái quốc mà để còn được sống sót. Vì hắn còn cách nào khác để có cơm ăn chốn ở? Dĩ nhiên nó ở Lê-dương cũng chỉ được vài tháng, vì không chịu nổi các khắt khe của đời sống ấy. Bị giải ngũ, hắn trở lại cái gác xép tại khách sạn Modial, dĩ nhiên lại càng tuyệt vọng hơn khi nào hết. Khi hắn ở Ba-lê thì quân Đức kéo vào. Sự hiện diện của quân Đức không làm hắn bận tâm bằng sự khiếm diện của thực phẩm. Cùng kế, hắn gặp được một anh bạn cũ hiện giữ một chức vụ quan trọng tại Đài phát thanh Ba-Lê. Anh bạn dùng hắn. Hắn có tiền, có ăn, có thuốc. Một việc làm bỉ ổi, nhưng... dù sao, giờ đây anh bạn đang nằm tù. Tội cộng tác với địch, hẳn nhiên rồi.

Đêm nay, hắn ôn lại cả cái thời kỳ ấy, và rất tỉ mỉ. Như thể hắn cảm thấy cần phải trút hết nỗi lòng. Thỉnh thoảng tôi cũng không theo kịp. Vốn không bao giờ quan tâm đến chính trị, đến thù hằn, đến thủ đoạn, đến tranh chấp, tôi không còn hiểu mô tê gì khi đến cái giai đoạn ác liệt theo lời hắn là người Đức buộc hắn phải sang Đức. (Họ còn chọn cho hắn một bà vợ nữa là khác). Đến đây câu chuyện bỗng rối tung. Tôi không còn rõ tại sao một anh mật vụ Đức lại dí súng vào lưng hắn. Dù sao cũng là cả một cơn ác mộng vừa phi lí vừa khủng khiếp. Hắn có làm cho người Đức hay không - có bao giờ hắn cho biết rõ ràng cái vị trí của hắn đâu - tôi cũng chẳng bận tâm. Nếu hắn cứ điềm nhiên bảo tôi là hắn từng phản quốc tôi cũng chẳng bảo sao. Có điều tôi tò mò muốn biết - là làm cách nào mà hắn thoát được cả mớ bòng bong ấy? Làm cách nào hắn thoát được mà không sứt mình sứt mẩy?

Tôi sực để ý là hắn đang kể tôi nghe hắn trốn thoát ra sao. Lúc ấy không còn ở Đức, mà ở Pháp... hay Bỉ hay Lục Xâm Bảo gì đó? Hắn đang mò về hướng biên giới Thụy Sĩ. Tay lết hai chiếc va-li nặng hàng bao ngày, bao tuần. Có hôm hắn kẹt giữa quân đội Pháp và quân đội Đức, hôm sau kẹt giữa quân đội Mỹ và quân đội Đức. Đôi khi băng qua khu trung lập, đôi khi là khu phi chiến. Đi đâu thì cũng vẫn chỉ một chuyện: không có, không nơi trọ, không ai giúp đỡ. Phải làm mình đau ốm mới được chút cơm thừa canh cặn, mới có chỗ ghé lưng, và cứ thế. Thế rồi hắn ốm thực. Mỗi tay một chiếc vali, hắn lê bước khắp nơi, vừa phần sốt run lập cập, vừa phần đói khát, choáng váng, xây xẩm mặt mày tuyệt vọng. Đại bác nổ rền mà hắn vẫn nghe ruột gan hắn cồn cào lạo xạo. Trên đầu đạn bay vèo vèo, khắp nơi xác chết thối nằm chất đống, các bệnh viện ngập người, cây cối trơ trụi, nhà cửa tan hoang, dọc đường toàn những kẻ không nhà, đau ốm, què quặt, thương tích, bị bỏ rơi, vô thừa nhận. Thân ai kẻ ấy lo! Chiến tranh! Chiến tranh! Và giữa đám người ấy, hắn đang quờ quạng: một công dân Thụy Sĩ trung lập với một tờ thông hành và một cái bụng lép kẹp. Thỉnh thoảng một anh lính Mỹ vứt cho điếu thuốc. Nhưng thiếu phấn Yardley. Thiếu giấy vệ sinh. Thiếu xà phòng thơm. Và vì thế hắn mắc bệnh ngứa. Không những ngứa, mà còn chấy rận, mà còn hoại huyết.

Có tất cả sáu mươi chín quân đội chiến đấu quanh hắn. Hình như họ không quan tâm đến sự an toàn của hắn. Nhưng chiến tranh rõ ràng sắp kết liễu. Xong rồi nhưng còn tảo thanh. Chả ai biết tại sao mình chiến đấu và chiến đấu cho ai. Quân Đức kiệt lực, nhưng vẫn nhất định không hàng. Đồ ngu. Ngu bỏ mẹ. Thật ra, ai cũng kiệt lực cả, trừ bọn Mỹ. Bọn Mỹ ngây ngô đến đâu phè phỡn đấy, bạc đà đầy nghẹt thức ngon, túi chật ních thuốc lá, kẹo cao su, rượu, lúc lắc, thôi thì đủ thứ. Những chiến sĩ mang đồng phục lương cao nhất xưa nay. Tiền để đốt thì có, còn để mua bán gì thì không. Chỉ mong sao đến Ba Lê, mong sao có dịp hiếp dâm các cô gái Pháp lẳng lơ hoặc các mệ già nếu như thiếu gái. Và khi tiến đi thì đốt rác-trước con mắt thất đảm sững sờ của những dân đói. Lệnh truyền. Nhổ trại! Gập hết! Tiến, tiến... tiến tới Ba Lê! Tiến tới Bá Linh! Tiến tới Mạc Tư Khoa! Mặc sức càn quét, mặc sức say sưa, mặc sức hãm hiếp. Nếu không được, thì ỉa lên! Nhưng đừng kêu rên! Đi tới, tiến tới, tiến lên! Gần tới đích rồi. Thấy chiến thắng rồi. Thượng cờ lên! Hoan hô! Hoan hô! Thây kệ tướng lãnh, thây kệ đô đốc! Xông bừa tới! Đời người dễ có mấy lần!

Thật là khoái tỉ! Thật là bừa bãi bẩn thỉu! Thật là cuồng loạn ghê tởm!

("Tôi là Tướng Thế-thế chịu trách nhiệm về cái chết của hằng bao kẻ thân yêu của quí vị!")

Như một bóng ma, anh bạn Moricand của chúng ta, giờ đây óc rỗng bụng không, mò mẫm dọ đường, lẩn lút như chuột giữa các đạo quân đối chiến, bao vòng họ, sát nách họ, đánh lừa họ, đâm đầu vào họ, sợ quá khi nói tiếng Anh đúng giọng, khi nói tiếng Đức, khi nói bừa nói đại, bất cứ cái gì miễn sao thoát thân, miễn sao qua lọt. Nhưng lúc nào cũng khư khư hai chiếc va-li bên mình, giờ đây nặng hàng tấn, lúc nào cũng nhắm về hướng ranh giới Thụy Sĩ, dù phải vòng vo, phải lắt léo, phải lộn đi lộn lại, đôi khi phải bò bốn cẳng, đôi khi đi thẳng, đôi khi nghẹt thở dưới xe phân, đôi khi nhảy choi choi như mắc chứng giật gân. Luôn luôn tiến tới, trừ khi bị đẩy lui. Sau cùng cũng đến được biên giới, để thấy được biên giới bị phong tỏa. Lại trở gót. Lại trở lại khởi điểm. Giữa hai hỏa lực lại bị tháo dạ. Sốt rét, rồi lại sốt rét. Tra vấn. Chủng ngừa. Tản cư. Lại đụng độ với những đạo quân khác. Chiến tuyến khác. Điều động khác. Chiến thắng khác. Triệt thoái khác. Dĩ nhiên lại thêm nhiều thương vong. Thêm nhiều diều hâu. Thêm nhiều luồng gió thối.

Tuy nhiên lúc nào cũng khư khư ôm chặt lấy tờ thông hành Thụy Sĩ, lấy hai chiếc vali, lấy chút minh mẫn mỏng manh còn lại, lấy tia hi vọng, tuyệt vọng ở tự do.

"Trong vali có những gì mà anh quí đến thế?"

Hắn đáp: "Tất cả những gì tôi quí nhất".

"Cái gì chẳng hạn?"

"Sách, nhật ký, những gì tôi viết, những...."

Tôi nhìn hắn sửng sốt.

"Trời đất thiên địa! Anh bảo là những..."

Hắn nói: "Ừ, những sách, những giấy tờ, lá số, những gì trích ở Plotinus, Iamblichus, Claude Saint-Martin..."

Tôi không sao nhịn được, tôi bật cười. Tôi cười là cười. Tôi cười tưởng không muốn dứt.

Hắn phật ý. Tôi xin lỗi.

Tôi nói: "Anh lết tất cả các của nợ ấy đi khắp như kéo một con voi, bất chấp rằng anh có thể mất mạng vì chúng?"

"Người ta không thể vứt bỏ tất cả những gì người ta quí báu khơi khơi như vậy!"

Tôi nói: "Tôi thì tôi vứt!"

"Nhưng cả đời sống tôi là gắn liền với các của nợ đấy".

Truyện Dài » Ác Quỷ Trên Thiên Đàng

Font Size:

Tác Giả: Henry Miller

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

"Anh cũng có thể đã vứt luôn cả mạng anh!"

Hắn đáp: "Thế đã không phải là Moricand!"

Mắt hắn rực lên.

Tôi sực không còn thương hại gì hắn nữa. Không còn bận tâm đến bất cứ những gì đến cho hắn nữa.

Hai chiếc va-li kia làm nặng lòng tôi hàng mấy ngày. Chúng đè nặng lên tâm trí tôi như lên tâm trí Moricand khi hắn bò như con rệp trên khắp cái chăn điên loạn mệnh danh là châu Âu. Tôi cũng từng nằm mơ thấy chúng. Đôi khi tôi mơ thấy Moricand, trông nhue Emil Jannings, anh chàng Jannings trong cuốn Tiếng Cười cuối (The Last Laugh), anh chàng Jannings gác cửa Đại khách sạn từng bị đuổi việc, từng mất chân đứng, sau khi bị hạ xuống làm chân lau nhà tắm, nhà cầu đêm đêm lại lén lút mang giấu bộ đồng phục ra ngoài. Trong giấc mơ, tôi thấy mình luôn luôn theo dõi anh chàng Conrad, luôn luôn ở tầm gọi của hắn mà vẫn không bao giờ gọi hắn mà hắn nghe thấy mình, nào tiếng đại bác đì đùng, nào tiếng đại liên lạch tạch, nào tiếng la thét của những kẻ bị thương, những tiếng rền rĩ của những kẻ hấp hối. Đâu đâu cũng chỉ thấy hoang vu. Đây một hố bom đầy chân tay; đây một chiến sĩ mình còn ấm, quần áo mở phanh, hạ bộ mất hẳn; đây một đầu lâu trắng xóa nhung nhúc những bọ đỏ rực, một đúa bé bị xâu lên cột hàng rào, một xe chở súng bê bết máu và chất mửa, cây cối đứng chổng ngược, lủng lẳng chân tay người, một cánh tay còn dính bàn tay, một bàn tay nát chôn trong găng. Hoặc những con thú dồn dập chạy, mắt long lanh điên, cẳng trông lờ mờ, da cháy đỏ rực, ruột gan lòng thòng ra ngoài làm vướng cẳng chúng, và sau chúng, hàng ngàn hàng triệu con khác, con nào con nấy cháy sém, da tróc, tan tác, rách nát, tơi bời, hộc máu, mửa ọe, chạy như điên, chạy trước đám vong linh, chạy về âm ty, rơi hết huy chương, thông hành, dây nhợ, hàm thiếc, yên cương, lông lá, mỏ miếc, hồng hiếc. Và Conrad Moriturus luôn luôn chạy đầu, như bay như biến, chân xỏ bốt da láng, tóc chải láng mượt, móng tay chải chuốt, sơ-mi hồ, râu mép thoa sáp, quần thẳng nếp. Phi như anh chàng lực sĩ đu bay, hai chiếc va-li xòe ra như cánh, hơi thở lạnh lùng đông lại sau hắn như sương giá. Ra biên giới! Ra biên giới!

Và đó là châu Âu! Một cái châu Âu tôi chưa từng thấy, một cái châu Âu tôi chưa từng nếm. Ôi, Iamblichus, Porphyry, Erasmus, Duns Scotus, chúng ta ở đâu? Chúng ta đang uống linh dược gì? Chúng ta đang bám vào minh triết gì? Ôi những bậc triết minh, hãy định nghĩa mẫu tự! Hãy đo cái ngứa! Nếu có thể, hãy đánh lành mạnh cho đến chết! Các ngôi sao kia đang soi xuống chúng ta hay đang cháy thủng thành lỗ trên một thớ thịt bệnh hoạn?

Và giờ đây tướng Doppelganger ở đâu, tướng Eisenhower ở đâu, tướng Pussyfoot Cornelius Triphammer ở đâu? Quân địch ở đâu? Chàng ở đâu và Nàng ở đâu? Tôi ước sao nhắn tin được đến Thượng đế! Nhưng tôi không nhớ ra tên. Tôi vô hại quá, vô tội quá. Chỉ là một dân trung lập. Chả có gì để khai, ngoài hai chiếc va-li. Phải, một công dân. Một thứ điên lành, có thế thôi. Tôi không đòi huy chương, không đòi đài kỷ niệm có tên tôi. Chỉ cần hai chiếc va-li qua lọt. Tôi sẽ theo sau. Tôi sẽ đến đó, dù cho tôi chỉ là một cái hòm. Moriturus, đó là tên tôi. Dân Thụy Sĩ, vâng. Một lính Lê-dương. Một thương phế binh. Muốn gọi tôi là gì cũng được. Là Iamblichus, nếu như ông thích. Hay chỉ là "Cái Ngứa"!

Lợi dụng mùa mưa, chúng tôi quyết định cuốc đất trồng rau. Chúng tôi lựa một chỗ xưa nay chưa hề cuốc xới. Tôi cuốc trước, vợ tôi xúc sau. Tôi nghĩ dù có thấy đàn bà làm công việc như thế Moricand cũng chẳng chút áy náy. Thật là một sự thật ngạc nhiên. Hắn xin cùng xúc. Nửa giờ sau, hắn đâm thích. Xúc đất hắn cảm thấy khỏe khoắn. Thật vậy, hắn cảm thấy khỏe khoắn đến nỗi ăn cơm trưa xong, hắn yêu cầu chúng tôi mở nhạc nghe - hắn thèm nghe nhạc muốn chết. Vừa nghe hắn vừa ầm ĩ hát vừa huýt sáo. Hắn hỏi chúng tôi có đĩa nào của Grieg không, nhất là của Peer Gynt. Hắn nói trước kia đã lâu rồi hắn có chơi dương cầm. Nghe rồi chơi. Đoạn hắn nói thêm rằng theo hắn, Grieg là một nhà soạn nhạc đại tài; hắn thích ông ta hơn hết. Điều này làm tôi chưng hửng.

Vợ tôi để một đĩa valse. Giờ thì hắn phởn thực sự. Bỗng nhiên hắn đứng lên, đi lại chỗ vợ tôi và xin nàng nhảy với hắn một bài. Tôi gần bổ ngửa. Moricand mà cũng nhảy cơ à! Thật khó tin quá. Thật phi lí. Nhưng hắn nhảy, và nhảy với hết cả tâm hồn. Hắn quay và quay mãi cho đến khi xây xẩm mặt mày.

Khi hắn ngồi xuống, mồ hôi nhễ nhại thở không ra hơi, vợ tôi nói: "Anh nhảy đẹp lắm".

Tôi nói xen: "Anh còn trẻ chán"

"Tôi không nhảy dễ thường từ năm 1920 đến giờ". Hắn nói mặt đỏ ửng. Hắn vỗ đùi: "Già lão rồi, nhưng còn nhựa sống".

Tôi hỏi: "Anh có muốn nghe Harry Lauder không?"

Hắn chưng hửng giây lát. Lauder, Lauder...? Đoạn hắn nhớ ra.

Hắn nói: "nghe chứ". Quả thực lúc đó hắn đang phởn nghe gì mà chẳng được.

Tôi để bản "Roamin in the Gloamin". Thì lạ quá, hắn lại còn có hát theo nữa kìa. Tôi nghĩ có lẽ ăn cơm no uống rượu hơi nhiều, nhưng không, lần này không phải rượu, cũng chẳng phải cơm; nó phởn thật ít ra cũng lần này.

Có điều ghê tởm là thấy nó phởn còn thương hại hơn là thấy nó buồn.

Giữa lúc vui vẻ như thế thì Jean Wharton bước vào. Nàng ở phía trên chúng tôi, ở một ngôi nhà nàng vừa cất xong. Trước đó nàng có gặp Moricand một vài lần, nhưng chỉ chào hỏi qua loa. Hôm nay, cao hứng thế nào mà hắn lại còn dở tiếng Anh ra trò chuyện với nàng đôi chút. Khi nàng đi rồi, hắn nói nàng là một người đàn bà rất hay, có phần hấp dẫn là khác. Hắn còn nói nàng là một người có hấp lực, nàng tỏa ra sinh lực và vui tươi. Hắn nghĩ có lẽ nên làm quen với nàng, nàng làm hắn cảm thấy phởn phơ.

Hắn cảm thấy phởn phơ, thật vậy, đến mức đi lấy bút ký xuống cho tôi đọc.

Dù sao, ngày hôm ấy là một ngày đáng ghi nhớ cho Moricand. Tuy nhiên, ngày vui nhất là ngày Jaime de Angulo từ đỉnh núi xuống thăm chúng tôi. Anh đến cốt gặp Moricand. Dĩ nhiên tôi có nói với Moricand về Jaime, nhưng không hề nghĩ chuyện cho hai người gặp nhau. Đúng ra, tôi không cho rằng hai người lại ăn ý nhau, vì cả hai hầu như ít có điểm gì giống nhau. Vả lại, tôi không dám bảo đảm hành động của Jaime một khi đã có vài ly ấm bụng. Những khi đến chơi rồi ra về họa hoằn lắm mới có khi không gây chuyện này chuyện khác, mới không chửi thề, chửi tục, chửi mọi người.

Cơm trưa vừa xong được ít lâu thì Jaime cưỡi ngựa đến, buộc ngựa vào gốc cây, đấm vào sườn ngựa và đi xuống bậc. Hôm ấy trời nắng chói, có phần hơi nực với một ngày tháng Hai. Như thường lệ, Jaime quấn vải màu quanh trán - chắc hẳn chiếc khăn lau bẩn của anh. Mặt nâu sạm, người gầy đét, cẳng hơi khuỳnh, anh còn điển trai, còn lắm vẻ Y Pha Nho - và vẫn lầm lì khó hiểu. Với một chiếc lông cắm băng đầu, chút ít màu bôi mặt, với một bộ y phục khác, trông anh có thể bảo là một tên Hippewa hay Shawnee gì đó. Anh đúng là người ngoài vòng pháp luật.

Khi hai người chào nhau tôi không khỏi nhận thấy sự tương phản giữa họ, hai con người (đẻ sau trước nhau có vài ngày) thuở thiếu thời đều sống tại một khu tĩnh mịch, sang trọng ở Ba-lê. Hai "Lord rauntleroy nhỏ" cùng từng thấy bề trái của cuộc đời, hiện giờ cùng đếm từng ngày, và sẽ không bao giờ còn gặp nhau nữa. Một người thì chỉnh tề, ngăn nắp, sạch bóng, khó tính, cẩn thận, còn một người thì ngược hẳn. Một người thì đi bộ, một người thì đi ngựa. Một người là một nhà thẩm mĩ, còn một người lại là một con vịt trời.

Tôi đã lầm khi cho rằng họ không có gì giống nhau. Họ giống nhau nhiều lắm. Ngoài một nền văn hóa như nhau, một ngôn ngữ như nhau, một bối cảnh như nhau, một cái thú yêu sách, yêu thư viện, yêu tìm tòi như nhau, một tài ăn nói như nhau, một cái nghiện như nhau - một người nghiện ma túy, còn một người nghiện rượu - họ còn chung một sợi dây mật thiết hơn nhiều: đó là sự ám ảnh của cái xấu. Tôi ít gặp ai như Jaime mà tôi có thể nói là có một cái gì quỷ quái ở anh. Còn Moricand, thì từ thuở nào hắn vẫn là một kẻ quỉ mị. Điểm khác biệt duy nhất giữa thái độ của họ đối với Quỉ là Moricand thì sợ quỷ, còn Jaime thì lại giao du với quỷ. Ít ra thì đó cũng là điều mà tôi hằng nghĩ xưa nay. Cả hai đều vô thần ra mặt và hoàn toàn bán Chúa. Moricand thiên về thế giới đa thần thượng cổ, Jaime thiên về đa thần cổ sơ. Cả hai đều là những người mà ta có thể gọi là có văn hóa, những người có học rộng, những người hào hoa phong nhã. Tuy đóng vai trò man rợ hay ngu xuẩn, Jaime vẫn là con người có khiếu thẩm mĩ tế nhị; dù cho anh có khạc nhổ cách mấy lên những cái gì "thanh lịch" đi nữa, thực sự anh vẫn là anh chàng Little Lord Fauntleroy từ thuở nào. Chỉ vì cùng quẫn Moricand mới phải từ bỏ nếp sống thượng lưu; chứ trong thâm tâm hắn vẫn là chàng công tử bột, vẫn hợm mình, vẫn đua đòi.

Khi mang chai cốc ra - xin nói chai còn có một nửa - tôi đã lo có chuyện. Nhìn hai anh chàng đi hai nẻo đường khác nhau như thế, ai dám bảo rằng họ ngồi với nhau được lâu.

Hôm ấy, tôi hoàn toàn lầm, không những họ ăn ý nhau, họ còn không buồn sờ đến rượu. Họ say sưa một cái gì mạnh hơn rượu - đó là quá khứ.

Nhắc đến Đại lộ Henri-Martin - chỉ trong vài phút họ khám phá ra rằng họ sinh trưởng tại cùng một khu! - mở đầu câu chuyện. Kể lại thời thơ ấu, Jaime bắt đầu tức thời nhái lại điệu bộ của cha mẹ anh, bắt chước các bạn học, trình diễn lại các trò tinh nghịch của mình, chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Y Pha Nho và ngược lại, khi thì đóng vai bà chị, khi thì đóng vai một thiếu nữ e lệ, khi thì đóng vai một nhà quyền quý Y Pha Nho đang cơn thịnh nộ, khi thì đóng vai một bà mẹ liến thoắng lại hay chiều con.

Moricand khoái tỉ. Tôi chưa bao giờ tin rằng hắn lại có thể cười to và dài đến thế. Hắn không còn là con cá heo buồn chảy buồn thiu nữa, cũng chẳng còn là con cú già minh triết nữa, mà là một con người bình thường, tự nhiên đang lúc thích thú.

Không muốn xen vào cái thú hoài niệm ấy, tôi ngả mình xuống chiếc giường giữa phòng vờ ngủ. Nhưng tai vẫn vểnh to.

Trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi hình như Jaime đã lược thuật được hết cuộc đời sóng gió của anh. Và thật là một cuộc đời! Từ Passy sang Wildwest bước cái một. Từ là con một nhà quyền quý Y Pha Nho, sinh trưởng trong nhung lụa, trở thành một cao bồi, một bác sĩ y khoa, một nhà nhân chủng học, một nhà ngôn ngữ học lỗi lạc và sau hết là một nhà chăn nuôi trên đỉnh núi Santa Lucia ở đây, ở Big Sur. Một con sói đơn độc, ly dị với tất cả những gì thân yêu, không ngớt gây thù gây oán với anh bạn láng giềng Boronda, cũng người Y Pha Nho, vùi đầu vào sách, vào các từ điển (Hoa, Phạn, Do Thái, Ả Rập, Ba Tư, đó là mới kể vài thứ) trồng ít cây ăn quả, ít rau, săn hươu đầu mùa cuối mùa, luyện ngựa, uống rượu say, cãi nhau với mọi người, ngay cả các bạn bè thâm giao, cầm roi đuổi khách, nghiên cứu đến tận khuya, trở lại cuốn sách về ngôn ngữ của anh, mà anh hi vọng nó là cuốn sách độc nhất về ngôn ngữ! - làm xong thì vừa anh chết... Đồng thời hai lần lấy vợ, ba con, một con trai yêu quí bị chết bẹp dưới anh trong một tai nạn xe hơi bí mật, một đau thương suốt đời ám ảnh anh.

Nằm giường nghe chuyện anh thấy cũng là lạ. Lạ ở chỗ nghe con người mệnh danh là phù thủy trò chyện với nhà minh triết, nghe nhà nhân chủng học trò chuyện với nhà chiêm tinh, học giả với học giả, nhà ngôn ngữ học với con mọt sách, kỵ sĩ với kẻ bộ hành, người lang bạt với người ẩn dật, người man rợ với chàng công tử bột, người yêu ngôn ngữ với người yêu chữ, nhà bác học với nhà huyền bí, kẻ vong mạng với chú Lê-dương cựu, người Y Pha Nho bồng bột với người Thụy Sĩ nặng nề, người bản xứ thô lỗ với khách phong nhã chỉnh tề, kẻ vô kỷ cương với người Âu văn minh, kẻ phiến loạn với người công dân tôn trọng luật pháp, người ở ngoài trời bao la với người ở căn gác chật hẹp, người say sưa rượu chè với người ghiền ma túy ...

Cứ mỗi khắc, chiếc đồng hồ lại lên tiếng ngân nga.

Sau cùng tôi nghe họ nói điềm đạm hăng say, như thể bàn một vấn đề quan trọng vậy. Ra họ nói về ngôn ngữ. Giờ thì Moricand nói rất ít. Hắn chăm chú nghe. Với tất cả cái kiến thức của hắn, tôi chắc hắn không bao giờ lại ngờ rằng trên cái lục địa Bắc Mỹ này đã từng có lúc nói đủ các thứ tiếng, các thứ ngôn ngữ, chẳng phải chỉ thổ ngữ, mà những ngôn ngữ lớn bé, tối nghĩa thô sơ, có thứ hết sức lôi thôi, kỳ quặc, về hình thức và cơ cấu chẳng hạn. Làm sao hắn biết được - và cũng mấy người Mỹ biết được - rằng có những bộ lạc ở sát nách nhau mà ngôn ngữ khác nhau một trời một vực như Bantu với Phạn ngữ, như Phần ngữ với tiếng Phénicie, như tiếng Basque với tiếng Đức. Dù là người tứ xứ, hắn có bao giờ ngờ rằng tại một góc trời xa xăm cùng thẳm của trái đất mang danh là Big Sur lại có một tên là Jaime de Angulo, một kẻ bội giao, một kẻ bị đày đọa, lại ngày đêm lo tỷ giảo, xếp loại, phân tích, mổ xẻ các cội rễ, các biến thể, các tiếp đầu, tiếp vĩ, các ngữ nguyên, các tương đồng, các tương hợp cùng các quái tượng của các ngôn ngữ và các thổ ngữ mượn của năm châu, của mọi thời đại, mọi chủng tộc và mọi cảnh trạng của con người. Chưa bao giờ hắn lại nghĩ rằng tất cả lại có thể phối hợp ở một con người, như thằng cha Angulo này, tên man rợ, nhà học giả, con người của thế giới, kẻ ẩn sĩ, lý tưởng gia và con đích thực của Lucifer. Trách gì sau đó hắn đã phải nói: "Đó là một kẻ phi thường. Hắn ta mới là một con người".

Phải, Jaime de Angulo, anh ta quả thật là một con người được yêu quí, bị thù, bị ghét, khả ái, duyên dáng, lắm điều, khốn kiếp, một con người sùng quỷ, chó đẻ, với một trái tim kiêu hãnh và một linh hồn bất chấp, đầy âu yếm, đầy thương yêu đối với toàn thể nhân loại, tuy nhiên tàn ác, xấu thói, bần tiện và cộc cằn. Một con người tất phải chết khổ chết sở - chết cắt tay cắt chân, chết thiến, chết tủi nhục đến tận xương tận tủy. Ấy thế mà cho đến cùng vẫn giữu được lý trí, vẫn tỉnh táo vẫn coi đời như rác, vẫn bất chấp Thượng đế, bất chấp thiên hạ - và bất chấp cái bản ngã vô ngã vĩ đại của anh.

Phải chăng họ đã trở thành đôi bạn tri âm? Tôi ngờ lắm. Cũng may là Moricand không bao giờ dám quyết định đi bộ lên đỉnh núi để bắt tay ký kết tình tri kỷ. Bất chấp tất cả những cái giống nhau, họ vẫn khác nhau một trời một vực. Ngay cả quỷ cũng không thể kết họ trong tình bằng hữu hay huynh đệ được.

Ôn lại trong óc cái buổi gặp gỡ chiều hôm ấy, tôi thấy họ như hai kẻ mắc chứng tự kỷ trung tâm trong một vài giờ lạc bước trong cái mê hồn trận của những thế giới đã từng bao phủ cá tính họ, sở thích họ, và triết lý sống của họ.

Trong vòng tục lụy nhân sinh thường có những sự giao hợp cũng thoảng qua, cũng bí mật như những giao hợp giữa các tinh tú, những giao hợp hầu như bất chấp luật thiên nhiên. Đối với tôi là người quan sát biến cố, cuộc gặp gỡ cũng tựa như phối hợp lửa với nước vậy.

Giờ đây cả hai đều đã quá cố, hẳn cũng tha thứ cho ta khi ta tự hỏi liệu họ sẽ có bao giờ gặp nhau lại, và gặp ở trong thế giới nào đây. Họ còn nhiều cái phải cởi mở, nhiều cái cần khám phá, nhiều cái để sống trọn! Họ là những linh hồn cô độc, nhiều tự hào, nhiều kiến thức, nhiều trần lụy! Cả hai đều không có lấy gì là đức tin. Đi bên lề thế tục và oán trách thế tục; bám lấy cuộc đời và nguyền rủa cuộc đời; xa lánh xã hội mà không bao giờ dám đối diện với Thượng đế; đóng vai trò tiên tri và phù thủy nhưng lại không bao giờ thâu nhập được cái minh triết của đời sống hay cái minh triết của tình yêu. Trong cái thế giới nào, tôi tự hỏi, họ sẽ lại gặp nhau? Và liệu họ có thừa nhận nhau không?

Kết Thúc (END)

END

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #xeko29