Chương 9. Bán hết tài sản


Tháng 8 năm 1999, Sergei Stepashin rời văn phòng của Boris Yeltsin sau khi bị cách chức Thủ tướng, ông gặp Aleksandr Voloshin, Chánh Văn phòng Tổng thống ở cửa. "Ông đã nói gì đằng sau lưng tôi thế?", Stepashin hỏi nhỏ, "Ông có bị điên không? Vào lúc như thế này ư?"

Voloshin và các ông trùm bạn bè của ông ta từ lâu đã e ngại Stepashin và ngay khi nhận thấy Stepashin không bảo vệ các lợi ích của họ, họ lập tức quay sang chống lại ông. Tuy nhiên, "đường trường mới biết ngựa hay". Chủ trương này của họ đã trở thành một sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Mặc dù bị sa thải để dọn đường cho Vladimir Putin – một cựu đồng nghiệp ở KGB St Petersburg, lên nắm quyền, nhưng Stepashin nhanh chóng được Putin bổ nhiệm vào vị trí tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại các ông trùm: Chủ tịch Phòng Kiểm toán. Phòng Kiểm toán của Putin tương tự với Văn phòng Chống Gian lận Nghiêm trọng của Anh, có điều là sắc bén hơn nhiều. Vị trí của Stepashin cho ông quyền tùy ý thực hiện các cuộc điều tra sâu về vấn đề thu thuế các tài sản nhà nước trước đây, và có toàn quyền đưa lực lượng vũ trang lục soát văn phòng của các công ty để tìm chứng cứ nếu cần thiết. Nói như vậy không có nghĩa là Putin thiếu các nguồn tài liệu để sàng lọc. Từ lâu Putin đã thu thập các kompromat về sự phất lên của các ông trùm và những bộ hồ sơ ấy đều "cao hàng mét", theo tiết lộ của một cố vấn của Putin.

Cuộc sống của một trùm như Roman Abramovich mặc dù xa hoa về vật chất nhưng lại vô cùng căng thẳng. Không ai có thể vươn lên thành một tỷ phú đa quốc gia trong chưa đầy chục năm mà không phải vài lần làm những điều khuất tất. Khi dân chúng ngày càng bất bình với một số ít người lợi dụng một tổng thống gần như tuyệt vọng, một cơ sở hạ tầng pháp lý yếu kém và một cơ chế thực thi pháp luật hầu như bất lực, thì áp lực đối với họ ngày càng tăng. Cho dù mối quan hệ của họ với chính quyền thời ấy có vẻ nồng ấm nhưng giới chính trị gia cũng căng thẳng khi nhận ra vẻ không hài lòng của cử tri. Vì vậy, Abramovich và các ông trùm khác phải chịu một chiến dịch quấy nhiễu liên tục do một số cơ quan chính phủ và cơ quan an ninh thực hiện. Ngoài Phòng Kiểm toán, còn có các cơ quan khác như Bộ Nội vụ, FSB, Công tố Nhà nước, Hải quan và Cảnh sát Thuế quan. Trong nhiều năm, tất cả các cơ quan này thỉnh thoảng lại tìm cách điều tra các mưu đồ đáng nghi nhất.

Tuy nhiên, họ đã không đạt được nhiều thành tích nổi bật. Điều đó được cho là vì đặc tính Byzantine (đặc tính vô cùng phức tạp) của cơ chế thống trị nước Nga. Thực tế là không hành động nào có thể thành công mà không được sự cho phép của nhà lãnh đạo cao nhất.

Những người đứng đầu các cơ quan chính phủ có tư duy độc lập hoặc chống đối đơn thuần bắt đầu tiến hành các cuộc điều tra, tuy nhiên, chỉ để nhận thấy rằng chúng bị cản trở một cách khó hiểu ở một số giai đoạn nào đó. Họ sẽ hoặc là bị những người ủy quyền phá quấy, bị mua chuộc hoặc bị sa ngã, hoặc là những ông trùm, vốn ngay từ đầu đã dựa vào các mối quan hệ với Chính phủ để làm giàu, sẽ dùng các mối quan hệ chính trị của mình để dẹp bỏ các cuộc điều tra của họ.

Có thể lấy hai trường hợp cụ thể để minh họa cho việc một số cá nhân vì đi quá xa nên phải gánh chịu hậu quả. Trường hợp thứ nhất là câu chuyện tai tiếng của cựu công tố viên nhà nước Yuri Skuratov và trường hợp thứ hai là vị Phó Chủ tịch Duma Quốc gia theo quan điểm dân túy có tên là Vladimir Yudin.

Skuratov bị đình chỉ công tác trong một hoàn cảnh đặc biệt đầu năm 1999. Tổng thống Yeltsin từng khen ngợi Skuratov là người "chu đáo, quyết tâm và kiên trì" nhưng sau đó lại công khai chỉ trích rằng ông thiếu các phẩm chất quan trọng nhất của một công tố viên như "một ý chí mạnh mẽ, tính quyết đoán và niềm tin vào bản thân và năng lực của bản thân." Lúc đó, Skuratov đang chỉ đạo điều tra một số tội ác khủng khiếp, trong đó có vụ mưu sát vị linh mục rất được lòng tín đồ là Father Aleksandr Men, người dẫn chương trình truyền hình Vladislav Listyev, nhà báo Dmitri Kholodov và doanh nhân Ivan Ivilidi. Nhưng người ta thấy lạ vì ông chẳng trừng phạt được ai cả. Trên thực tế, Skuratov đã tỏ ra bất lực đến mức người ta gán cho ông danh xưng "công tố viên thầm lặng."

Skuratov vốn không quan tâm tới chính trị. Nhưng vào thời gian đó, ông trở nên thân cận với Victor Ilyukhin, Chủ tịch Ủy ban An ninh của Duma Quốc gia – "người nhiễu sự nhất trong một nghị viện toàn những kẻ nhiễu sự". Khi Yeltsin bắt đầu cho rằng Ilyukhin là "cố vấn tinh thần" của Skuratov thì vị thế của công tố viên này bắt đầu bị đe dọa. Vị trí đó càng trở nên bấp bênh khi ông bắt đầu điều tra các cáo buộc hối lộ liên quan đến một công ty kỹ nghệ Thụy Sĩ được thuê sửa chữa một số hạng mục ở điện Kremlin. Không lâu sau đó, Skuratov lại vô tình mắc sai lầm khi đi banya (một dạng nhà tắm hơi), cùng với một vài gái mại dâm. Không may cho ông, như có ý đồ từ trước, ai đó đã ghi lại được cảnh ông đang vui thú ở đó.

Tất nhiên là đoạn phim tìm được đường đến điện Kremlin. Khi bị Chánh Văn phòng Tổng thống sử dụng đoạn phim để đe dọa, Skuratov ngay lập tức phải chấp thuận từ chức, vào chính cái ngày mà các công tố viên tiến hành lục soát văn phòng của Sibneft theo lệnh của Thủ tướng Yevgeny Primakov (xem chương 6). Lá thư từ chức của ông sử dụng kiểu ngôn từ rất bóng bẩy: "Ngài Boris Nikolayevich vô cùng kính mến!", ông viết: "Do khối lượng công việc quá lớn, tình trạng sức khỏe của tôi gần đây đã suy sụp (với những cơn đau đầu, đau ngực và nhiều thứ khác), tôi kính mong Ngài đưa nội dung thảo luận việc bãi nhiệm chức vụ Trưởng Công tố Liên bang Nga của tôi vào chương trình nghị sự của Hội đồng Liên bang. Tôi thỉnh cầu Ngài xem xét và giao cho tôi một công việc nhẹ nhàng hơn. Trân trọng cảm ơn, Yuri Skuratov."

Mặc dù đến sáng hôm sau, Skuratov lại thay đổi ý định nhưng khi ông đề nghị được rút lại đơn từ chức, thì người ta nói với ông rằng lá đơn đã nằm ở trên bàn của Tổng thống. Trong hoàn cảnh đó, Skuratov nhận định, cách phòng vệ tốt nhất chính là tấn công. Ông bắt đầu bới lên tất cả những vụ tội phạm có dính líu đến chính trị và rêu rao khắp nơi. Thế là đột nhiên, "vị công tố viên thầm lặng" đó trở thành một nhân vật tai to mặt lớn, thích lớn tiếng trong nhiều chuyện.

Đến tháng 3, Skuratov tuyên bố rằng đoạn phim quay ở banya là giả mạo và ông không phải là nhân vật trong đó. Theo kế hoạch, vấn đề này sẽ được các thượng nghị sĩ Hội đồng Liên bang đưa ra xem xét vào ngày 17 tháng 3. Thế nhưng, đoạn phim tình cờ lại rơi vào tay giới truyền thông và được công chiếu trên truyền hình Nga ngay đêm hôm trước. Việc này gây bất lợi lớn cho viên công tố và làm ảnh hưởng đến những nỗ lực vào phút chót nhằm cứu vãn danh dự của ông.

Skuratov nhận được sự ủng hộ của Yuri Luzhkov, kẻ thù không đội trời chung của Yeltsin. Thích thú khi chứng kiến đội ngũ thân cận của Tổng thống phải chịu áp lực lớn như vậy, Luzhkov muốn Skuratov tiếp tục các cuộc điều tra. Là một thượng nghị sĩ có thế lực cùng với chức danh Thị trưởng Moscow, ông vận động Hội đồng Liên bang ủng hộ Skuratov và đã thuyết phục được hầu hết, trừ một số đồng nghiệp, bỏ phiếu chống lại việc phế truất Skuratov. Tuy nhiên, đến lúc đó, vị trí của Skuratov đã không thể giữ được nữa và dưới sức ép của Yeltsin, Skuratov phải viết lá đơn xin từ chức thứ hai, với nội dung chỉ kém khôi hài hơn lá đơn trước một đôi chút.

Vấn đề là, không được phép của Hội đồng Liên bang, Skuratov không thể bị sa thải. Thế là một cuộc trả đũa bắt đầu. Ngày 27 tháng 3, các điều tra viên thuộc cơ quan của Skuratov đột ngột xâm nhập điện Kremlin và thu giữ tài liệu từ 14 tòa nhà. Yeltsin quyết định đã đến lúc phải hành động quyết liệt. Ngày 2 tháng 4, Phó Trưởng công tố Moscow buộc tội Skuratov lạm dụng chức vụ. Không lâu sau, Yeltsin ký sắc lệnh bãi nhiệm ông. Vậy là Skuratov rơi vào tình trạng bị bỏ lửng, phải ngưng làm việc trong hơn một năm. Hai cuộc bỏ phiếu tiếp theo của Hội đồng Liên bang trong năm 1999 vẫn không đạt được đa số phiếu ủng hộ việc bãi nhiệm ông. Cho đến tháng 5 năm 2000, Hội đồng mới chấp thuận kiến nghị của Yeltsin và đặt dấu chấm hết cho "trường ca" Skuratov.

Kết cục của Vladimir Yudin ít kịch tính hơn nhưng cũng không vui vẻ gì. Người ta tin rằng ông đã thu thập được rất nhiều tài liệu liên quan đến các ông trùm dầu lửa từ văn phòng của Trưởng Công tố. Tháng 9 năm 2003, khi bắt đầu một chiến dịch tại Duma Quốc gia nhằm chống lại việc các ông trùm nói chung và Abramovich nói riêng thâu tóm các nguồn tài nguyên của Nga, Yudin nhanh chóng hiểu rằng mình đang đương đầu với một đối thủ đầy quyền lực. Với cái cổ to bè, Yudin thực sự có dáng vẻ của một nhà xã hội chủ nghĩa kém thức thời. Được hộ tống bởi một vệ sĩ diện toàn đồ đen, liên tục châm thuốc, ông đúng là người không quen với việc bị ai cắt ngang câu chuyện và lúc nào cũng thích khoe các thành tích xuất sắc mà ông đạt được kể từ khi bắt đầu sự nghiệp ở Đoàn Thanh niên Cộng sản. Tự cho mình là "người yêu nước", Yudin phát biểu rằng sự kiện thúc đẩy ông thực hiện chiến dịch này chính là quyết định mua Chelsea của Abramovich. "Cách nhìn nhận của tôi là thế này," ông nói, "các nguồn tài nguyên phải do Nhà nước, do tất cả người dân Nga, chứ không phải là một Roman Abramovich hay một Mikhail Khodorkovsky nào đó quản lý." Ông chỉ trích việc các ông trùm khai thác triệt để các biện pháp trốn thuế. Ông phát biểu: "Thật là sai lầm khi đặt lợi ích của một ngành công nghiệp cụ thể lên trên lợi ích của Nhà nước".

Nếu Yudin nghĩ rằng có thể giành lợi thế bằng cách chơi trò ngựa bập bênh kiểu dân túy này thì ông quả là đã sớm thất vọng. Khi bắt đầu cuộc công kích Abramovich, ông đang là Phó Chủ tịch Đảng nước Nga Thống nhất, một tổ chức được chính Tổng thống ủng hộ. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua giành quyền tranh cử vào Nghị viện tháng 12 năm 2003, ông đã bị loại. Ông cho rằng nguyên nhân là do sự tác động của Abramovich và Khodorkovsky. Không nản lòng, ông quyết định ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Khi triển khai chiến dịch, ông sớm nhận thấy mình đang bị chống phá. Một trong những thủ đoạn của đối phương là loại ông khỏi các phương tiện truyền thông đại chúng. Cả hai kênh truyền hình chính đều từ chối phỏng vấn Yudin và mặc dù ông đã vận động được một thời lượng phát sóng trên Kênh 4, nhưng ông chỉ được phỏng vấn có một lần. Trong khu vực bầu cử, đối thủ chính của ông là một nhà tư bản công nghiệp. Ông này tìm cách loan tin rằng họ Yudin cho thấy ông là người Do Thái và gán cho ông là "người hủy diệt Sobchak" (Yudin phản đối, khẳng định rằng ông ủng hộ cố thị trưởng St Petersburg Anatoly Sobchak, người có quan điểm cải cách, trong cuộc đảo chính yểu mệnh năm 1991 nhưng sau đó mâu thuẫn với ông này về quyền của người lao động khi đang là lãnh đạo phong trào công đoàn địa phương). Thế là Yudin bị mất chức. Alexei Venediktov quan sát và bình luận: "Ông ấy không phối hợp hành động với Bộ Chính trị của đảng mình. Ông ấy quá "chơi nổi". Tuy nhiên, sự nghiệp của Yudin chưa chấm dứt. Ông ấy sẽ tiếp tục, không phải trong Duma mà ở các tổ chức khác."

Tuy nhiên, không phải tất cả các cuộc điều tra và các chiến dịch đều bị vô hiệu hóa một cách dễ dàng như vậy. Cuộc đối đầu nghiêm trọng đầu tiên của Abramovich với một trong số các cơ quan điều tra xảy ra vào năm 1998, khi mà Phòng Kiểm toán, rất lâu trước khi Stepashin được bổ nhiệm, công bố kết quả cuộc điều tra Sibneft. Bản báo cáo dài 15 trang nêu hàng loạt vi phạm ở công ty này, trong đó phát hiện gây chấn động nhất được nêu như sau: "Phòng Kiểm toán của Liên bang Nga đánh giá rằng giá thị trường của 51% cổ phần ở Sibneft là 2,8 tỷ đô-la, cao hơn giá khởi điểm 25 lần. Theo đó, Chính phủ đã thiệt hại khoảng 2,7 tỷ đô-la." Điều này có nghĩa là Abramovich và Berezovsky đã sở hữu số tiền 2,8 tỷ đô-la với số vốn ban đầu chỉ hơn 100 triệu đô-la. Ngoài ra, bản báo cáo còn nêu nhiều nội dung khác nữa. Thứ nhất, chưa có ai đánh giá lượng dầu dự trữ của Sibneft với giá trị ước tính khoảng 500 triệu đô-la. Thứ hai, việc bán Sibneft đã được thực hiện với "rất nhiều sai phạm pháp luật" và đề nghị "phải được coi là không có hiệu lực." Tuy nhiên, khi Yeltsin vẫn còn đang nắm quyền thì không ai có thể làm gì để thấy được tác động từ các kết luận nguy hại của Phòng Kiểm toán.

Đến giữa năm 2000, các tòa án địa phương của Nga đã xét xử 3.000 vụ liên quan đến các cáo buộc về tính bất hợp pháp của các tài sản nhà nước được tư nhân hóa và đi đến kết luận rằng có khoảng 1.000 trường hợp đã bị tư nhân hóa một cách phi pháp ở chừng mực nào đó. Tuy nhiên, cũng như mọi lần, những ông trùm quyền thế nhất lại thoát tội và không hề bị trừng phạt. Vậy là dường như chẳng còn ai còn có bụng dạ nào để điều tra các hoạt động tư nhân hóa trong thập kỷ 1990 nữa.

Trong khi đó, một vụ bê bối lớn hơn nhiều sắp sửa xảy ra. Lần này thì liên quan trực tiếp đến Abramovich. Trong khi Skuratov đang đấu đá để giữ được chiếc ghế Trưởng công tố vào đầu năm 1999 thì ông bạn cũ Ilyukhin cáo buộc rằng "khoản tín dụng để ổn định thị trường" 4,8 tỷ đô-la do IMF cho Nga vay trong nỗ lực nhằm ngăn ngừa cuộc khủng hoảng tài chính tháng 8 năm 1998 đã bị chiếm đoạt. Công ty kiểm toán Price Waterhouse Coopers sau đó đã bác bỏ cáo buộc này, song không ngăn được cảnh sát thuế vụ Nga lục soát trụ sở của Sibneft ở Moscow ngày 10 tháng 8 năm 2000. Ngày hôm sau, các công tố viên Thụy Sĩ bất ngờ khám xét văn phòng Montreux của Runicom, một công ty do Abramovich điều hành. Sibneft ngay lập tức bác bỏ thông tin rằng Runicom có thể dính líu đến vụ bê bối IMF bởi vì cuộc điều tra đang xác minh việc sử dụng sai mục đích 1,4 tỷ đô-la, trong khi trong năm 1998, năm diễn ra việc đó, toàn bộ doanh số của công ty này chỉ đạt 1,2 triệu đô-la.

Báo cáo của Phòng Kiểm toán năm 1998 giậm chân tại chỗ và cuộc điều tra về khoản tiền của IMF không thu được kết quả gì. Tuy nhiên, Abramovich sau đó lại đau đầu vì một vụ bê bối khác liên quan đến thuế. Như chúng ta đã thấy, đây là bậc thầy trong việc khai thác các kẽ hở của luật kinh tế. Nếu giới chức lãnh đạo Nga muốn tìm kiếm điều sai lầm nào đó của ông thì nơi họ có thể dễ dàng tìm thấy nhất chính là việc khai báo nghĩa vụ thuế.

Cho đến lúc đó, Abramovich đã dập tắt được một số cuộc điều tra về thuế. Tuy nhiên, có lẽ do bị ám ảnh rằng vấn đề này có thể bị khơi lại, đầu năm 2002, ông quyết định bắt đầu tiến trình chuyển nhượng từng bước các tài sản của mình ở Nga. Lúc này ông đang sở hữu một nửa cổ phần RusAl, tập đoàn nhôm lớn nhất nước Nga, 92% cổ phần của một trong những công ty sản xuất dầu lớn nhất của tập đoàn này; 26% cổ phần ở hãng hàng không quốc gia Aeroflot; một lượng cổ phần đáng kể của một tập đoàn chế biến thức ăn khổng lồ và hàng loạt các tài sản có tính sinh lời cao khác.

Các cổ phiếu của Aeroflot là số tài sản đầu tiên được chuyển nhượng cuối năm đó, và đến tháng 9 năm 2003, ông bán một nửa số cổ phiếu ở RusAl với giá 1,8 tỷ bảng Anh. Ông cũng dự định bán Omsk Bacon và 37,5% cổ phần ở Ruspromavto, một tập đoàn lớn nắm giữ đến 21 công ty xe hơi, trong đó có hãng sản xuất xe hơi lớn thứ hai của Nga. Người ta ngày càng nghi ngờ rằng Abramovich đang tháo chạy khỏi nước Nga cùng với hàng tỷ đô-la Mỹ, thế nhưng phát ngôn viên của ông kiên quyết bác bỏ điều đó. Viện dẫn việc ông vừa mua chi nhánh ICN Pharmaceuticals ở Nga với giá 100 triệu đô-la Mỹ mùa hè năm 2003, John Mann khẳng định: "Bạn sẽ không mua thêm gì cả nếu bạn định rời đi."

Tuy nhiên, với tầm cỡ gia tài của Abramovich thì thương vụ đó chỉ là thứ tẹp nhẹp. Lẽ ra viện dẫn của Mann có thể tăng sức thuyết phục hơn nếu ông nhắc đến một sự kiện có ý nghĩa hơn nhiều diễn ra vào cuối năm trước đó: Abramovich đã cộng tác với hãng TNK của Mikhail Friedman để mua Slavneft. Năm 2002, Slavneft là một trong số 10 công ty sản xuất dầu lớn nhất của Nga và là công ty cuối cùng còn thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Chính phủ Nga có 75% cổ phần trong công ty này và ban đầu ban lãnh đạo công ty chỉ định bán đấu giá dưới 20% số cổ phần nhằm giúp Nhà nước vẫn duy trì tỷ lệ cổ phần quyết định. Nhưng do ngân sách từ thuế thấp hơn dự kiến nên càng lúc càng thấy rõ là Chính phủ sẽ không thể có đủ mức dự trữ tài chính 197 tỷ rúp cần thiết để trả khoản nợ nước ngoài khổng lồ của Nga trong năm sau. Để bù đắp cho khoản thiếu hụt ngân sách này, Chính phủ rõ ràng là không còn con đường nào khác ngoài việc tư nhân hóa toàn bộ cổ phần nắm giữ. Nếu bán hết số cổ phiếu đó, Chính phủ có thể thu được 2 tỉ đô-la Mỹ, và giao dịch này sẽ trở thành thương vụ lớn nhất trong toàn bộ các hoạt động tư nhân hóa của Nga.

Thủ tướng Mikhail Kasyanov nhanh chóng xem xét và thông qua một bản dự thảo do Bộ Quan hệ Tài sản (Ministry of Property Relations) đề xuất. Ngày đấu giá được ấn định vào tháng 10. Ngoài Chính phủ thì các cổ đông chính của Slavneft lúc đó là chính phủ Belarus với 10% và một quỹ tín thác đặt dưới sự quản lý của Sibneft-TNK và Giám đốc Slavneft Mikhail Gutseriev (13%).

Tháng 4 năm 2002, Gutseriev bị sa thải. Người lên thay ông là Yuri Sukhanov, cựu ủy viên quản trị cao cấp của Sibneft, đồng minh của Abramovich. Tiếc nuối những ngày tươi đẹp đã mất, Gutseriev tìm cách giành lại chức vụ bằng một âm mưu đơn giản và sớm thất bại: xuất hiện ở trụ sở công ty cùng với một đội vệ sĩ vũ trang. Tình trạng căng thẳng được giải quyết chỉ vài ngày sau khi Chính phủ can thiệp, bởi vì rốt cuộc thì Kasyanov vẫn là một Yeltsinite (người ủng hộ Yeltsin) thân cận với cả Abramovich và Shvidler.

Khi Gutseriev đã bị dẹp, nhiệm vụ duy nhất còn lại của Abramovich là ngăn chặn các bên đấu giá tiềm năng khác. Chính phủ Belarus, đóng tại Minsk, chưa bao giờ được xem là một đối thủ đáng gờm nhưng những gã khổng lồ dầu lửa khác như Yukos, Tyumen Oil và Surgutneftegaz đều bày tỏ sự quan tâm đến Slavneft. Tuy nhiên, trong thương vụ này, bên đấu giá đáng gờm nhất là KNNK, một công ty dầu lửa Trung Quốc. Dù vậy, khi đối đầu với Abramovich, với tầm ảnh hưởng của ông ở điện Kremlin thì KNNK không thể tìm thấy cơ hội. Vì thế, liên doanh Sibneft-TNK đã thâu tóm được Slavneft với giá 1,86 tỷ đô-la Mỹ và chỉ ba tháng sau, giá trị của Slavneft đã lên đến 2,2 tỷ đô-la Mỹ.

Hơn hai năm sau, Slavneft trở thành trung tâm của một vụ bê bối chuyển giá. Lần này, bên nguyên không phải là Kenneth Dart nữa mà là Vostok Nafta, một hãng đầu tư có các cổ đông là các quỹ hưu trí BT và Royal Mail, Đại học Harvard và chính phủ Na Uy. Vostok đã đầu tư vào Megionneftegaz, chi nhánh tinh chế dầu của Slavneft, công ty sản xuất dầu lớn thứ tám của Nga. Thông thường, khi giá dầu tăng cao thì đây sẽ là khoản đầu tư có lời nhưng các cổ đông thiểu số của Megion nhanh chóng nhận ra rằng đó không phải là con bò sữa như nhiều người tưởng. Trên thực tế, trong nửa đầu năm 2003, công ty này đã thua lỗ lớn trong khi công ty mẹ Slavneft lại làm ăn phát đạt, chi trả cổ tức đến 740 triệu đô-la Mỹ chỉ riêng trong năm 2003. Các cổ đông của Vostok nhận định rằng sự khác biệt đó là do Megion bán 86 triệu thùng dầu cho các công ty thương mại có liên quan đến Sibneft và/hoặc TNK với giá 7,67 đô-la Mỹ/thùng, rồi các công ty này đem bán lại với giá 15,09 đôla Mỹ/thùng. Vostok phản ứng với thông tin này bằng cách nộp đơn kiện Slavneft và các công ty liên quan ở Moscow, Siberia, Antwerp và Quần đảo Virgin thuộc Anh vì các thiệt hại lên đến 950 triệu đô-la. Eugene Tenenbaum đáp trả bằng cách gọi hành động pháp lý của Vostok là "thư xanh", lập luận rằng đó chỉ là một nỗ lực của Vostok nhằm kéo giá bán đến mức mà Megion có thể mua hết cổ phiếu của các cổ đông nhỏ.

Về phần mình, đại diện của Slavneft phát biểu với tờ The Times: "Megion không phải là một công ty độc lập mà là một chi nhánh của Slavneft và tất cả các hoạt động của Megion đã được thực hiện theo thông lệ giữa các chi nhánh khác nhau của một tập đoàn riêng và tuân thủ đúng pháp luật."

Trong khi đó, Stepashin không định giảm áp lực. Ông cáo buộc Abramovich là "không yêu nước" khi mua Câu lạc bộ Bóng đá Chelsea. Tháng 4 năm 2004, ông thông báo rằng văn phòng của ông đã bắt đầu một cuộc kiểm toán chính thức các khoản tài chính của chính quyền tỉnh Chukotka. Ông giải thích rằng cuộc điều tra này nằm trong lộ trình kiểm tra việc sử dụng quỹ của các bang, tuy nhiên hầu hết mọi người đều hiểu rằng đó là phản ứng trước việc Abramovich công khai mua Chelsea và là một nỗ lực để chứng tỏ rằng Abramovich là người chi tiêu hào phóng ngoài nước nhưng lại phớt lờ người nghèo ở quê nhà.

Việc Abramovich mua Chelsea không hề ảnh hưởng đến kết quả của đợt thanh tra này. Đồng thời, chúng ta có cơ sở để tiến hành điều tra sau khi xem xét thực tế sau: Theo thông tin nhận được ngày hôm qua, quỹ từ thiện nhằm mục đích quyên tiền cho trẻ em vô gia cư ở Nga chỉ gây được 1 triệu đô-la trong năm nhưng hàng triệu đô-la khác đã được dùng để mua câu lạc bộ bóng đá đó.

5 tháng sau, kết quả điều tra của Stepashin về Chukotka được công bố. Bề ngoài, bản báo cáo có vẻ gây sốc khi tuyên bố rằng chính quyền Chukotka đã "phá sản" về mặt kỹ thuật, các nhà chức trách địa phương đã "biển thủ" 28 triệu bảng Anh và cho phép Sibneft "trốn thuế một cách hợp pháp" 263 triệu bảng Anh. Nhưng khi đọc kỹ, bản báo cáo hoàn toàn không thể được sử dụng làm bằng chứng để chống lại Abramovich.

Nhận định phá sản được đưa ra dựa trên thực tế rằng khoản nợ 9,3 tỷ rúp (tương đương 170 triệu bảng Anh) của Chukotka lớn gấp hơn hai lần thu nhập hàng năm của tỉnh này. Phe Abramovich đáp trả rằng khoản nợ trên đã dây dưa từ thời chính quyền trước và từ khi ông lên làm Tỉnh trưởng thì Chukotka đã "trả được 10% (số nợ) và tái cơ cấu được 13% khác."

Về cáo buộc biển thủ 28 triệu bảng Anh, Sergei Ryabukin, tác giả của cuộc điều tra của Phòng Kiểm toán, cho là do "chính quyền Chukotka đã không tuân thủ luật ngân sách và mắc sai lầm trong việc lập ngân sách cho địa phương." Đáp lại, phát ngôn viên của Abramovich giải thích rằng con số nói trên là do việc trả tiền muộn và các vấn đề kỹ thuật.

Về vấn đề trốn thuế, Ryabukin cho rằng 21 công ty, phần lớn có liên quan đến Sibneft, được đăng ký ở Chukotka nhưng lại chưa có hoạt động kinh doanh nào rõ ràng ở đó. Ông cho biết là "họ nhận được các ưu đãi thuế đối với tài sản và lợi nhuận" và khẳng định rằng các khoản miễn giảm thuế đó lên đến 263 triệu bảng Anh. Các đánh giá này có vẻ làm minh chứng cho các kết luận trong báo cáo của công ty Troika Dialogue mà chúng tôi đã đề cập tại chương 7. Nhưng thực tế là nhiều người đã công nhận rằng việc thành lập các công cụ tránh thuế này tuân thủ pháp luật đến từng câu từng chữ, nếu không muốn nói là hoàn toàn đúng tinh thần của luật. Bởi vậy, việc đề cập đến nội dung này trong báo cáo của Ryabukin có vẻ chỉ nhằm mục đích gây rắc rối cho Abramovich chứ không phải là chính thức buộc tội ông.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó đều làm tăng nguy cơ rủi ro và rõ ràng là Abramovich đã nhận thức được điều này. Từ một năm trước đó, ông đã quyết định đi trước một bước nhằm bảo vệ bản thân phòng trường hợp tình huống bất trắc xảy ra.

=>

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top