Chương 8. Một dân tộc đặc biệt
Ngoại ô thành phố Omsk của Siberia có một nhà máy lớn. Hàng năm, có đến 300 nghìn con heo thịt được chở đến nhà máy. Ở đó, chúng được giết mổ, chế biến và đóng gói thành hàng tấn thịt xông khói, hàng tạ súc giăm bông và hàng nghìn kilogram thịt. Điều khá ngạc nhiên là một trong những cổ đông chính của nhà máy Omsk Bacon lại là một người Do Thái. Abramovich không phải là người tuân thủ Do Thái giáo một cách nghiêm ngặt theo kiểu truyền thống. Về chuyện này, ông là điển hình của kiểu đồng tôn giáo ở Nga. Eugene Satanovsky, Chủ tịch Giáo hội Do Thái Nga (RJC), nhận thấy trong khoảng hai đến ba triệu người Nga coi mình là Do Thái, chỉ có khoảng 2 nghìn người tuân thủ giáo lý cấm thịt lợn. Nhưng giống như bản chất trường tồn của người Do Thái Nga, sức bền văn hóa của họ vẫn được duy trì một cách ấn tượng sau nhiều năm bị phân biệt đối xử. Đây là điều mà chúng ta cần xem xét khi tìm hiểu con đường đi đến thành công xuất chúng, trở thành những ông trùm đầy quyền lực của người Do Thái. Mặc dù người Do Thái chỉ chiếm chưa đến 2% dân số Nga nhưng nhiều trong số những ông trùm hàng đầu ở Nga lại là dân Do Thái như Abramovich, Khodorkovsky, Berezovsky, Gusinsky và Friedman.
Lời giải thích thuyết phục nhất cho hiện tượng này là chủ thuyết "trần kính". Nhận thấy con đường phát triển bị ngăn chặn bởi tình trạng phân biệt đối xử, người Do Thái tìm đường vòng để đi tới đích. Trong khi người Nga, người Ukraina, người Georgia và những người không phải Do Thái khác, do ít gặp cản trở hơn trong việc thực hiện hoài bão của mình, đã mất đi bản năng kinh doanh dưới thời cộng sản thì người Do Thái lại phát triển một cách sáng tạo văn hóa kinh doanh và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Trong cuốn sách lịch sử ngắn viết về các tổ chức Do Thái thời kỳ hậu Xô Viết, Satanovsky viết: "Ngay cả khi chính quyền bãi bỏ những cuộc đàn áp lớn về chính trị thì chủ nghĩa bài Do Thái vẫn là một xu hướng chính trị lớn trong những năm 1980, buộc người Do Thái Nga phải tạo ra kiểu văn hóa không chính thức của họ." Và vì vậy, khi doanh nghiệp tư nhân được hợp pháp hóa sau 70 năm dưới thời cộng sản, những người từng phải chịu khổ sở nhất nay lại được trang bị khả năng tốt nhất để nắm bắt những cơ hội mới. Một nhà bình luận đã nhận xét về hiện tượng này là "thằng chột làm vua xứ mù."
Người Do Thái ở Nga đã bị ngược đãi với các mức độ khác nhau ngay từ khi quốc gia này được thành lập. Công quốc Muscovy trở thành trung tâm tinh thần của Giáo hội Chính thống Nga vào cuối thế kỷ 15 và có quan điểm bài Do Thái mạnh mẽ. Khi quân đội Nga chiếm đóng một thành phố của Ba Lan, như đã xảy ra ở Polotsk năm 1563, toàn bộ dân Do Thái ở đây bị giết hại. Đến thời Catherine Đại đế, bà có cách tiếp cận hòa dịu hơn đôi chút. Bà bà chia Ba Lan thành những lãnh thổ lớn trong thế kỷ 18 và tiếp nhận lượng người Do Thái lớn trong quá trình này. Có lẽ là do choáng váng bởi quy mô thảm sát cần thiết để có thể nhổ tận rễ người Do Thái, bà lựa chọn chính sách kiềm chế thay vì tiêu diệt hàng loạt. Chính bà đã tạo ra cái gọi là Biên giới Định cư, nơi ban đầu bao gồm Ba Lan thuộc Nga và bán đảo Crimea nhưng sau đó đã mở rộng ra cả Lithuania, Belarus, Bessarabia và phần lớn Ukraine. Người Do Thái bị cấm rời khỏi khu vực Biên giới để đến Nga nếu không được cấp giấy phép đặc biệt.
Khi sự cai trị độc tài của các Sa hoàng Nga chịu áp lực ngày càng tăng từ nhiều nhóm chống đế quốc, họ dùng chiến thuật vốn đã rất phổ biến là "chia để trị". Người Do Thái bị đổ lỗi cho việc Sa hoàng Alexander II bị ám sát năm 1881. Con trai và người thừa kế của Sa hoàng Nga kích động hàng loạt các "pogrom" – các cuộc tàn sát dân Do Thái, đưa các nhóm người Nga ở 200 thị trấn và thành phố tấn công người Do Thái, phá hủy tài sản của họ. Sau sự kiện này, pogrom trở thành chuyện thường xuyên. Tuy nhiên, việc đổ mọi tội lỗi cho những người bị coi là "những kẻ giết Chúa" vẫn không đủ để ngăn chặn cuộc cách mạng năm 1917 và dưới thời Lê-nin, người Do Thái được hưởng một giai đoạn lạc quan ngắn ngủi. Lê-nin phản đối các pogrom và chính thức bãi bỏ Biên giới, nơi có nhiều người Do Thái phải sống trong bần cùng hèn mọn. Nhưng Lê-nin tiếp tục phản bác bất cứ đề xuất nào về một "văn hóa dân tộc" Do Thái, coi đó là "kẻ thù của giai cấp vô sản, những kẻ ủng hộ cái cũ và địa vị của người Do Thái trước đây, kẻ đồng lõa của Giáo trưởng và giai cấp tư sản." Mặc dù nhiều người gốc Do Thái là thành phần xuất sắc trong số các Bolshevik nhưng họ có khuynh hướng theo tư tưởng thế tục và khi Yevsektsiya, bộ phận Do Thái của Đảng Cộng sản, được thành lập năm 1919, các đảng phái theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái bị tan rã và tiếng Hebrew (tiếng Hê-Brơ hay tiếng Do Thái) bị cấm sử dụng do có sự liên hệ với tôn giáo và chủ nghĩa phục quốc Do Thái.
Trong vài thập kỷ sau đó, người Do Thái hòa nhập vào xã hội Nga mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mặc dù tuyên bố chống chủ nghĩa phục quốc Do Thái nhưng Liên Xô đã trở thành quốc gia đầu tiên công nhận nhà nước Israel năm 1947 (khi Andrei Gromyko, Đại diện của Liên Xô ở Liên Hợp Quốc, tuyên bố ủng hộ thì Đại diện nước Anh lại bỏ phiếu trắng). Nhưng chủ nghĩa tự do đó không kéo dài. Khi Israel bắt đầu thân thiết hơn với phương Tây và Liên Xô tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong thế giới Arab thì tư tưởng bài Do Thái của Stalin ngày càng tăng. Sau khi hành quyết Zinoviev, một lãnh đạo cộng sản xuất sắc người Do Thái như là một phần trong các hoạt động thanh trừng của Stalin, nhân viên đặc vụ Cơ quan An ninh Nhà nước Liên Xô (NKVD) đảm nhiệm việc này đã mô phỏng những giây phút cuối cùng của nạn nhân cho sếp của mình. Người ta nói rằng Stalin đã cười ngặt nghẽo khi viên cảnh sát đó kêu van: "Thiên chúa của Israel, xin Người hãy nghe tiếng than khóc của con."
Ngoài việc thường xuyên thanh trừng người Do Thái và những người khác mà ông ta nghi ngờ, Stalin còn tìm cách hủy hoại đời sống văn hóa Do Thái bằng cách đóng cửa các giáo đường, các rạp hát và các trường học. Nhưng bên cạnh đó, ông ta và những người kế nhiệm cũng tỏ ra khó chịu với sự hồi hương của người Do Thái bởi vì, từ một trong những cộng đồng nghèo đói và "lạc hậu" nhất châu Âu, người Do Thái ở Nga đã tiến bộ và trở thành sắc dân có trình độ giáo dục cao nhất Liên Xô. Cho người Do Thái quyền hồi hương có nghĩa là Liên Xô sẽ mất đi nhiều luật sư, bác sĩ, nha sĩ, nhà hóa học, nhà vật lý học... quan trọng.
Trường hợp của Yuly Khosharovsky là một ví dụ điển hình về cách đối xử thô bạo của Chính quyền Nga với những người Do Thái dám xin phép đến Israel. Những trải nghiệm đau thương mà Khosharovsky phải chịu được lịch sử gia Martin Gilbert ghi lại trong cuốn Jews of Hope (tạm dịch là "Hy vọng của người Do Thái"). Khosharovsky lần đầu tiên xin thị thực đến Israel tháng 3 năm 1971 khi ông 29 tuổi. Đơn của ông bị từ chối, viện cớ rằng ông đã nắm giữ nhiều bí mật quốc gia trong thời gian làm việc tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Tự động ở Sverdlovsk. Công việc một kỹ sư điện tử vô tuyến của ông cũng bị cản trở. Sau đó ông tìm được việc gác đêm tại một rạp chiếu bóng nhưng vì tiếp tục tích cực xin thị thực, ông đã phải chịu đựng một chiến dịch quấy nhiễu do các lực lượng an ninh tiến hành. Sau khi Liên Xô ký Hiệp ước Helsinki năm 1975, Khosharovsky là một thành viên của nhóm 60 refusenik (những công dân Do Thái bị bác bỏ quyền di cư đến Israel) đến vận động Ủy ban trung ương ở Moscow. Sáu người đã được mời đến nói chuyện nhưng những khiếu nại của họ bị khước từ ngay lập tức.
Trong những năm sau đó, chiến dịch quấy nhiễu tiếp tục. Một vụ rắc rối xảy ra năm 1980 đã thể hiện rõ bản chất nghiệp dư nhưng nham hiểm của chiến dịch này. Khosharovsky thức giấc lúc 7 giờ 30 phút sáng để chạy thể dục như thường lệ. Khi đang khởi động, ông thấy một người đàn ông đang dạo bước loạng choạng, tay nắm chặt một chai rượu vang bọc giấy báo. Khi ông rảo bước chạy, người đàn ông này cũng bắt đầu liêu xiêu tiến về phía ông. Mặc dù Khosharovsky cố gắng giữ khoảng cách an toàn giữa hai người nhưng gã "say rượu" này cứ lảo đảo lao về phía ông và đánh rơi cái chai. Thế rồi anh ta gây sự ầm ĩ và sau vài phút, có hai người tự giới thiệu là druzhinnkiki (thành viên của lực lượng Cảnh vệ Quốc gia) tiến về phía họ. Sau khi làm kẻ say rượu nguôi bớt, họ kiên quyết đưa cả hai người đến đồn cảnh sát với lý do là đã gây lộn. Hai người bị phạt giam 13 ngày nhưng trong khi Khosharovsky phải ngồi tù thì gã say rượu bí ẩn kia trốn mất trước khi bị tuyên án và không bao giờ phải thực hiện bản án của mình.
Tình cảm cộng đồng của người Do Thái Nga được khơi lại trước thái độ thiên vị của truyền thông Liên Xô đối với các cuộc chiến tranh khác nhau của Israel chống lại các nước Arab láng giềng. Martin Gilbert viết trong cuốn Jew of Hope: "Hơn bất kỳ sự kiện đơn lẻ nào kể từ khi nhà nước Israel thành lập năm 1948, chính cuộc chiến tranh Sáu Ngày năm 1967, khi Israel đánh bại quân đội ba nước Ai Cập, Syria và Jordani, đã tạo nên tinh thần đoàn kết dân tộc mới trong người Do Thái Liên Xô." Khi cuộc chiến ngắn ngủi đó đang diễn ra, Liên Xô tuyên truyền rằng người Israel đang bị tiêu diệt, và khi Israel chiến thắng, nhiều người Do Thái cảm thấy bất bình với những luận điệu hoan hỉ rầm rĩ lên lúc trước. "Từ lúc đó trở đi," Gilbert nhận xét, "nhiều người Do Thái Liên Xô coi Israel là Tổ quốc và được đến Israel là mục đích dân tộc của họ". Như chúng ta đã biết, cha của Abramovich là một trong số những người khao khát được đến Israel trong giai đoạn này. Sự kiện nói trên có lẽ cũng ảnh hưởng rất lớn đến những anh trai của ông.
Ngay cả những người Do Thái không tìm cách để đến Israel cũng nhận ra tình thế nguy hiểm của mình. Dưới thời cộng sản, nhiều người gốc Do Thái phải tìm mọi cách để che giấu lai lịch. Phụ nữ Nga từ lâu đã có tục lệ giữ họ của mình sau khi kết hôn và con cái được quyền dùng họ của cả cha hoặc mẹ. Vì vậy, những người lo ngại rằng một cái họ Do Thái có thể gây bất lợi cho họ thì sẽ lấy họ Nga/Ukraina/Georgia của cha hoặc mẹ không có gốc Do Thái. Tương tự như vậy, một số cha mẹ người Do Thái đặt tên cho con cái những cái tên Nga tương đương với tên Do Thái như Mikhail thay cho Menachem, Boris thay cho Boruch hoặc Arkady thay cho Abraham. Do người Do Thái là nhóm người duy nhất được xác định trong các tài liệu chính thức bằng chủng tộc chứ không phải bằng quốc tịch, nên nhiều người cố gắng làm cho cuộc sống dễ dàng hơn bằng cách làm cho họ được xác định là người Nga. Điều này có nghĩa là khi được trao quyền hồi hương, người ta phải thu xếp hàng đống các công việc giấy tờ vì rất nhiều người Do Thái đã chuyển thành người Nga nay lại muốn tận dụng cơ hội này để đi đến miền đất hứa. Trong hoàn cảnh như vậy, có lẽ không ai ngạc nhiên khi một số người không phải là Do Thái cũng tìm cách để được công nhận chính thức là Do Thái nhằm mục đích di cư. Vì vậy, sau khi hơn một triệu công dân Liên Xô cũ tràn đến Israel từ năm 1989 đến năm 2003, có thông tin cho biết nhiều nhà thờ Chính thống Nga đã mọc lên ở các thành phố khác nhau của Israel.
Tuy nhiên, gia đình Abramovich luôn tỏ ra tự hào về nguồn gốc Do Thái và không tìm cách che giấu điều đó. Họ của ông có lẽ là không thể nào "Do Thái hóa" được hơn nữa, có nghĩa là "con của Abraham". Leib và Abram cũng đều là những tên Do Thái rất hay. Tuy nhiên, tên thánh của Abramovich, Roman, lại không rõ nguồn gốc Do Thái lắm. Nó có cùng nguồn gốc với cái tên Romeo phổ biến ở nhiều dân tộc, từ người Moldova đến người Do Thái, người Ukraina và người Nga.
Một trong những tác động kép của sự tiến bộ của cộng đồng Do Thái Nga từ một dân tộc thiểu số bị trù dập thành một nhóm lợi ích giàu có và quyền lực chính là mối hiềm khích cay đắng giữa hai tổ chức Do Thái thù địch: Giáo hội Do Thái Nga Satanovsky (RJC) và Habad. Abramovich có quan điểm trung dung. Cuộc chiến huynh đệ tương tàn này được Yeltsin và sau đó là Putin khuyến khích bởi vì nó giúp họ kiểm soát cộng đồng thiểu số cứng đầu cứng cổ này. Nhân vật trung tâm của cuộc chiến đó là Vladimir Gusinsky, người thành lập RJC năm 1996. Vì Gusinsky là một nhân vật đối lập, nên Yeltsin không thể cho ông ta thắng thế. Yeltsin đã tìm được một vị giáo trưởng có khả năng trở thành nhân vật thay thế tiềm năng, xét về thần học. Đó là Giáo trưởng Berel Lazar.
Lazar là nhân vật quan trọng nhất của Russia of Habad, một tổ chức Do Thái Habad phát triển từ một trong số khoảng hai trăm nhóm đạo Hassidic thuộc Do Thái Chính thống có điều răn các môn đồ rằng chỉ đọc Talmud thôi là chưa đủ. Chìa khóa để đến được với sự cứu rỗi phải là cầu nguyện. Những nhóm đạo này phát triển ở Ukraine, Ba Lan và Byelorussia. Mỗi nhóm do một Tsadik dẫn đạo. Tsadik được coi là cầu nối giữa con người và Chúa Trời. Các nhóm Hassidic rất phát triển ở các shtetl (các thị trấn Do Thái nhỏ) ở Đông Âu. Trong nhiều năm liền, có một phong trào phát triển mạnh, áp đảo cả các xu thế khác khác. Đó là phong trào Do Thái Chính thống Lubavich, phiên bản của phong trào Hassidism Habad, được đặt tên là HBD theo cách viết tắt các chữ cái đầu: H thay cho Hohma, có nghĩa là sự khôn ngoan; B thay cho Bna, có nghĩa là sự cảm thông; D thay cho Daat, có nghĩa là tri thức. Nhóm này bị khủng bố dưới thời các Sa hoàng Nga, nhưng sau khi người đứng đầu phong trào này bị bắt giữ lần đầu tiên và được thả sau cuộc cách mạng năm 1917, trụ sở của Do Thái Habad được chuyển tới Berlin, sau đó là tới Pháp trước khi ổn định tại Brooklyn, New York. Nhân vật có công trong phát triển một giáo phái vô danh trở thành một phong trào toàn cầu là Giáo trưởng thứ sáu Menachem Mendel Schneerson, người không chỉ được người Do Thái Habad mà cả người Do Thái dòng chính coi là có tầm nhìn lớn. Vốn được đào tạo để trở thành một kỹ sư, ông chứng tỏ mình là một nhà quản lý tài giỏi, người thu hút được môn đồ trên khắp thế giới thông qua việc tổ chức một hệ thống các shahah, tức là các nhà truyền giáo. Ông phát biểu: "Ở nơi nào người ta bán Coca-Cola, ở đó có người Do Thái và họ phải là Habad." Để đạt được mục đích đó, ông cử hàng nghìn "các nhà truyền giáo" đi khắp thế giới để thuyết phục người dân cải đạo. Nhà truyền giáo mà ông cử đến Moscow trong đầu thập kỷ 90 chính là Berel Lazar. Sinh ra ở Milan, có cha là người Mỹ, nhiệm vụ của Lazar là cấp tiến hóa người Do Thái Nga. Dưới chính quyền Xô Viết, sự mâu thuẫn giữa Do Thái Chính thống và Do Thái tự do đã giảm đi nhiều do họ cùng tham gia sự nghiệp chống lại những kẻ thù vô thần. Nhưng học thuyết "mọi con đường đều đến với Chúa Trời" là không đủ đối với Habad. Nhóm này không tán thành các thỏa hiệp tư sản về cái gọi là "phong trào hiện đại", ví dụ như thông lệ cho phép nam giới và phụ nữ được cùng cầu nguyện bằng ngôn ngữ bản địa.
Ban đầu, vì thế lực còn yếu, không thể đối đầu với giáo trưởng Do Thái dòng chính, Lazar bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất. Ông thậm chí còn trở thành một thành viên của RJC. Nhưng rồi Gusinsky bất hòa với Yeltsin. Ban đầu Tổng thống tìm cách dụ dỗ vị giáo trưởng Nga Adolf Shaevich về phe mình. Nhưng khi Shaevich thể hiện thái độ trung thành với Gusinsky, người đã trợ giúp cho cộng đồng Do Thái khi khó khăn, Yeltsin liền chuyển sang Lazar. Ngày Gusinsky bị bắt, cuộc họp các giáo chủ Nga của Habad đã bầu Lazar làm giáo trưởng đối lập của Nga để chống lại phong trào Do Thái hiện đại (đây rõ ràng là một thủ đoạn khôn ngoan của Boris Berezovsky, đối thủ lọc lõi của Gusinsky). Nikolai Propirny, biên tập viên tuần báo Yevreyskaya Gazeta (Tin tức Do Thái) do RJC bảo trợ nhận xét: "Cuộc chiến Judea bắt đầu".
Propirny chắc chắn là một thành viên của phe Do Thái tự do. Được Satanovsky giới thiệu là "một trong những trí thức cao quý nhất của chúng ta", ông có tất cả các phụ kiện thể hiện tầm cỡ một nhà tư tưởng lớn, trong đó có một cái giá đựng tẩu thuốc đặt trên bàn với khoảng năm bảy cái tẩu treo trên đó. Nhưng viên kim cương gắn trên tai trái của ông và miếng lót chuột máy tính có hình một phụ nữ ngực trần cho thấy đây là người có xu hướng trần tục.
Những người được giao trách nhiệm tài trợ cho nhóm ly khai mà Yeltsin xác định là sẽ thay thế RJC trở thành lực lượng quan trọng nhất trong cộng đồng Do Thái bao gồm Abramovich, bạn của Abramovich là Lev Liviev, một nhà buôn kim cương sinh ra ở Uzbekhistan hiện đang sống ở Israel, và Arkady Gaidamak, một doanh nhân Israel giàu có khác từ Liên Xô cũ đến. Từ đó trở đi, các giáo đường Habad trở thành nơi Yeltsin đến chúc mừng cộng đồng Do Thái vào dịp Lễ Quá Hải (Passover) và các ngày lễ Do Thái khác. Đáp lại, Habab thể hiện tốt vai trò một đồng minh biết phục tùng. Về ý thức hệ, Habad cho rằng miễn là Nhà nước không ủng hộ chủ nghĩa bài Do Thái thì Habad sẵn sàng ủng hộ những gì Nhà nước yêu cầu. Và khi nhận được nguồn ngân sách dồi dào từ các ông trùm, Habad ngày càng nổi như cồn. Điều đó khiến RJC cảm thấy lép vế. Lazar thường chụp ảnh với Yeltsin, và sau đó là Putin, rồi đem quảng bá ở các giáo đường của Habab với khẩu hiệu: "Hãy đến với giáo đường của chúng tôi bởi vì Putin cũng ở đây." Khi cơ đồ phát triển mạnh hơn, giáo đường của Habab được chuyển tới một khu vực sang trọng hơn của thành phố. Một khối đá Jerusalem trắng được chuyển đến từ Israel và đem trưng bày ở giáo đường Marina Roscha. Vào đêm Lễ Quá Hải, mỗi giờ lại có một em bé Do Thái xuất hiện trên truyền hình quảng bá các buổi hành lễ tại giáo đường mới của Habad.
Trong khi đó, các giáo đường khiêm tốn hơn của RJC được đặt ở phía bên kia đường nhìn sang giáo đường chính của Moscow, một tòa nhà ấn tượng với khu mặt tiền có các cây cột lớn. Chúng có thể vẫn được trang hoàng với hàng chục bức ảnh các ông trùm gặp gỡ với các giáo sĩ RJC, nhưng Satanovsky cảm thấy cay đắng khi hàng triệu rúp của Abramovich được chuyển cho nơi khác. "Bất cứ khi nào chúng tôi nói chuyện với người của Abramovich, họ đều trả lời: "Chúng tôi rất xin lỗi nhưng đó là hội từ thiện duy nhất mà chúng tôi ủng hộ." Nhưng Satanovsky không có thái độ cạn tàu ráo máng. Khi được hỏi về ấn tượng đối với Abramovich, ông vẫn trả lời: "Ông ấy là người nồng hậu, rất nồng hậu."
Mặc dù Habad có tín nhiệm với các ông trùm Do Thái và chính phủ Nga nhưng trong con mắt của người Do Thái trên thế giới, Habad đang dần trở thành một giáo phái rất nguy hiểm. Khi Mendel Schneerson qua đời, một nhóm nhỏ các môn đồ có vai vế đã tuyên bố ông là một Đấng Cứu thế. Các nhân vật có quyền lực trong Habad, như Rabbi Ytsakh Kogan, bắt đầu lưu ý rằng Mendel Schneerson là "người tốt nhất để gọi là Đấng Cứu thế". Mặc dù Lazar từ chối bình luận về vấn đề này nhưng tờ Do Thái Moscow Yevreyskaya Gazeta phát hiện một trang trong cuốn sổ ghi cảm tưởng của giáo đường ở Almata, Kazakhstan, trong đó (có lẽ là trong một phút yếu đuối) Lazar nhắc đến Mendel Schneerson như là một "Chúa Cứu thế". Những suy nghĩ như thế bị coi là dị giáo trong thế giới Do Thái rộng lớn hơn. Đáng thương cho RJC, vì người Do Thái Nga đã trở nên trần tục hóa như lời của Propirny: "Người Do Thái Nga sẽ phục tùng bất kỳ người nào đội một chiếc mũ vành rộng và có râu".
Cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa các ông trùm Do Thái có thể bị coi là vô nghĩa cho cộng đồng bởi có quá nhiều việc phải làm ở Nga để khôi phục hạ tầng cơ sở Do Thái vốn đã bị bỏ mặc trong nhiều thập kỷ lãnh đạo của các nhà cộng sản. Marina Roscha là giáo đường duy nhất được xây dựng khi cộng sản đang cai trị, đó là vào thập kỷ 1920. Bây giờ, khi tự do ngôn luận đã trở lại, có rất nhiều việc phải làm để củng cố các thể chế tôn giáo.
Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là chủ nghĩa bài Do Thái đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Trong những năm 1990, trong một nỗ lực nhằm phế truất Yeltsin, phe cộng sản đã tìm cách thông qua một dự luật buộc Yeltsin phải từ chức vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, dự luật này đã bị Duma bác bỏ với tỷ lệ sít sao. Vì vậy, những kẻ cực đoan bắt đầu tìm biện pháp khác để tấn công Yeltsin. Ngăn chặn các mối liên hệ của ông với cộng đồng Do Thái là một trong những nỗ lực đó. Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Duma Quốc gia Nga Viktor Ilyukhin, thuộc Đảng Cộng sản Nga, phàn nàn rằng có "quá nhiều người gốc Do Thái quanh Tổng thống" và thậm chí còn gửi một bản kiến nghị tới Duma Quốc gia nhằm làm thu hút sự chú ý của Hạ viện về vấn đề này. Trong hồi ký, Yeltsin kể lại, tại khu vực Krasnodar đã nổi lên trào lưu lên án tất cả các vấn đề của đất nước là lỗi của các "Yid" (từ xấu chỉ người Do Thái) và các "Zionist" (người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái). Nhân vật bài Do Thái lớn tiếng nhất lúc đó là Albert Makashov, một viên tướng nghỉ hưu, đại diện của Đảng Cộng sản ở Duma Quốc gia.
Nhưng người bài Do Thái thành công nhất trong thập kỷ qua phải kể đến Vladimir Zhirinovsky, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do. Điều trớ trêu là chính ông ta cũng mang nửa dòng máu Do Thái. Khi được hỏi về gốc gác lai lịch, ông ta thường đưa ra một câu trả lời rất đặc trưng: "Mẹ tôi là người Nga và cha tôi là một luật sư". Tuy nhiên, ngôi sao chiếu mệnh của ông ta gần đây đã mờ nhạt đi nhiều và kế hoạch ra tranh cử tổng thống Nga năm 2004 không còn là ưu tiên số một.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top