Chương 6. Tham gia chính trường


Một buổi sáng mùa hè oi ả tháng 8 năm 1999, Vladimir Putin bắt đầu ngày làm việc đầu tiên với tư cách là Thủ tướng của Yeltsin. Sớm hôm đó, đoàn xe hộ tống Putin lướt nhanh vào khuôn viên điện Kremlin, khu vực biệt lập rộng hơn 3 hecta. Người lái xe đưa ông đến lối vào Tòa Văn phòng Tổng thống Số 1. Dù cảm thấy căng thẳng nhưng ông vẫn thể hiện dáng vẻ thư thả trong chiếc áo sơ mi khi bắt tay vào công việc trong khu vực phòng họp đầy quyền lực như Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Nhưng lúc này, tầng lầu bên trên mới chính là nơi diễn ra các cuộc phỏng vấn đặc biệt. Các chính trị gia cao cấp đi lại trong dãy hành lang khi chờ được gọi phỏng vấn tại một căn phòng kín. Người phỏng vấn là một thanh niên trẻ và có vẻ dễ chịu. Từng người trong số những người đã được lựa chọn vào vị trí lãnh đạo các bộ, ngành quan trọng trong chính quyền mới của Putin, lần lượt thảo luận với một người đàn ông ngoài 30 tuổi có dáng vẻ khiêm tốn. Phía sau cánh cửa đóng chặt, anh kiên nhẫn trao đổi và lắng nghe từng người.

Ai là người xét duyệt hồ sơ của nội các tương lai đó của Putin? Đó chính là một người từng bán búp bê nhựa ở chợ và đã trở thành một ông trùm: Roman Abramovich.

Người phóng viên tình cờ phát hiện ra vai trò của Abramovich trong hậu trường là Alexei Venediktov, Tổng biên tập Đài Tiếng vọng của Moscow. Theo thông lệ khi diễn ra các cuộc cải tổ nội các, ông sẽ đến điện Kremlin để gặp gỡ những nhà hoạch định chính sách. Ông đi dọc con đường giữa tòa Thượng viện và khu vực tòa nhà Quốc hội được xây dựng rất hiện đại trước khi rẽ trái và bước vào tòa nhà Số 1. Việc đầu tiên của ông là tham dự một cuộc họp thông báo tình hình chung dưới sự chủ tọa của Aleksandr Voloshin, Chánh Văn phòng Tổng thống và các cấp phó của ông ta. Khi cuộc họp này kết thúc, ông bắt đầu đưa tin. Theo quy định của Hiến pháp Nga, tất cả các ứng viên văn phòng nội các phải được Phòng Nhân sự của Tổng thống phỏng vấn trước khi nhậm chức. Trong khi họ chờ đợi bước vào buổi phỏng vấn, Venediktov tìm cách tiếp xúc và trò chuyện với họ.

Venediktov không phải là một phóng viên điển hình kiểu Nga. Ông ưa thích những chiếc áo sơ mi dài kín cổ, quần jean và áo lót cổ chữ V, đeo kính gọng thép và để mái tóc xoăn dài. Trông ông giống một giáo viên môn lịch sử hơn là một trong những nhà phân tích chính trị sắc bén nhất đất nước lúc đó. Khả năng độc lập trong suy nghĩ đã giúp ông trở thành một trong những tiếng nói được coi trọng nhất trong nền chính trị Nga. Ví dụ, trong cuộc đảo chính năm 1991, ông đã chống lại mệnh lệnh của các ông chủ, từ chối phát sóng thông tin của lực lượng âm mưu đảo chính. Bản tính trung lập đó khiến ông không thể thân thiết với các nhân vật hàng đầu, thậm chí trong hồi ký, Yeltsin còn dùng từ "chua loét" để lột tả tính cách của ông.

Khi leo lên đến tầng 3, Venediktov bắt chuyện với một người lạ mặt khoảng hơn 30 tuổi. Không lâu sau, ông phát hiện ra quyền lực ghê gớm của người này. Ông thậm chí còn rất ngạc nhiên khi biết điều này. Ông nhớ lại:

Tôi đến nói chuyện với một số ứng cử viên mà tôi quen biết và hỏi họ đang làm gì ở đó. Họ trả lời: "Chúng tôi đang chờ phỏng vấn". Tôi hỏi ai sẽ phỏng vấn họ và "Ông ấy trông thế nào?". Khi họ mô tả anh ta, tôi nhận ra rằng đó chính là người đàn ông trẻ mà tôi đã gặp ở hành lang điện Kremlin.

Việc một trong số những phóng viên thạo tin nhất của Moscow, đã tham gia thương trường từ năm 1990 mà không nhận ra một tỷ phú thân cận với Tổng thống nghe có vẻ khó tin nhưng quả thực là lúc đó không có bức ảnh nào của Abramovich được công bố cả. Trên thực tế, khi tin tức về quyền lực và ảnh hưởng của ông trùm này bắt đầu lan ra, biên tập viên các báo buộc phải sử dụng ảnh vẽ chân dung Abramovich do các họa sĩ thực hiện cho đến khi có ai đó đã chụp lén được một bức ảnh của ông trùm giàu có mà khiêm tốn này.

Mặc dù từ đầu năm 1999, các ứng cử viên tham gia vào chính quyền của Putin đều phải trải qua cuộc phỏng vấn của Abramovich, nhưng đến tháng 12 năm 2003, Abramovich vẫn kiên trì con đường của một doanh nhân thay vì của một chính trị gia. Theo Venediktov:

Trong cuộc gặp gần đây nhất với tôi, Abramovich nhấn mạnh: "Alexei, tôi cam đoan với anh là tôi không thích chính trị.". Tôi liền nhắc lại việc ông ấy đã giúp thành lập nội các năm 1999 ra sao, từng ứng cử viên bộ trưởng trong chính quyền Putin phải đến gặp ông ấy ở văn phòng thế nào. Ông ấy trả lời: "Không phải như thế.". Tôi nói, đúng là như vậy, bởi vì tôi có mặt ở điện Kremlin hôm đó và tận mắt chứng kiến. "Ồ", ông ấy cười, "đó chỉ là các cuộc trò chuyện thân tình". Các cuộc trò chuyện thân tình ư? Trong điện Kremlin ư?

Thông tin mà Venediktov có được có thể trở thành một khám phá bất lợi cho Abramovich. Nếu nó được lan truyền rộng rãi trong công chúng, có thể khiến các chính trị gia bảo thủ cảnh giác hơn với sự can dự của Abramovich vào tiến trình buôn bán quyền lực ở cấp lãnh đạo cao nhất của điện Kremlin. May cho Abramovich, anh có thể tin cậy vào sự sáng suốt của Venediktov. Cho đến tận bây giờ.

Khi đọc hồi ký của Yeltsin, bạn có thể đã nghĩ rằng chỉ duy nhất ông ấy là người có công trong việc phát hiện ra khả năng của tổng thống tương lai Putin. Trên thực tế, chính các ông trùm cũng muốn đảm bảo nhân vật thay thế Yeltsin phải là ứng cử viên do họ lựa chọn và kiểm soát. Trong khi đó, ý nguyện của cử tri cũng là một yếu tố phải được tính đến. Vì vậy, các ông trùm nhận thấy họ cần một người có khả năng lôi cuốn được quảng đại quần chúng.

Để đạt được mục đích này, việc đầu tiên họ làm là mời một công ty tư vấn chính trị có trụ sở tại Mỹ. Sau khi tiến hành một loạt các cuộc thăm dò ý kiến, các cố vấn kết luận rằng kiểu mẫu ứng cử viên tổng thống có thể được người dân Nga ủng hộ phải là "một người cứng rắn". Yevgeny Primakov, thủ tướng từ tháng 9 năm 1998 đến tháng 5 năm 1999, tham gia cuộc đua cho đến khi phải bỏ cuộc vì có chủ trương chữ "r" (tái quốc hữu hóa – renationalization). Người kế nhiệm Primakov là Sergei Stepashin cũng được cân nhắc nhưng người ta nhanh chóng nhận thấy anh không đủ uy tín và sức thu hút về tính cách để có thể đánh bại đối thủ chính là Thị trưởng Moscow Yuri Luzhkov. Stepashin bị sa thải chỉ sau khi nhậm chức Thủ tướng chưa đầy ba tháng.

Người lên thay Stepashin là Vladimir Putin, mặc dù hoàn toàn vô danh cho đến khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, lại tỏ ra có đủ những phẩm chất cần thiết. Trong thời kỳ Liên Xô, ông gia nhập KGB, đã thăng tiến và nắm giữ vị trí lãnh đạo FSB (tên gọi của KGB dưới thời Yeltsin) năm 1998. Là một người có vẻ khổ hạnh, đôi mắt hiếm khi để lộ xúc cảm, ông tỏ ra thực sự là "một người cứng rắn". Trong cuốn First Person (tạm dịch: Nhân vật đầu tiên), câu chuyện về cuộc đời của Putin xuất bản năm 2000, một người bạn của Putin kể lại rằng khi ông đang ở cùng với Putin, có một sinh viên say khướt đến và xin ông một điếu thuốc. Tuy nhiên, vị tổng thống tương lai ngăn lại. Cậu sinh viên này hùng hổ phản ứng và "đột nhiên những chiếc vớ vụt qua trước mặt tôi, cậu nhỏ bay vèo đi chỗ khác. Tôi rất khoái cái cách cậu ấy ném cậu sinh viên đó đi. Chỉ một động tác, đôi chân của cậu ta bay lên trời!" Đừng dại gây sự với người đã từng vô địch judo Leningrad năm 1976 ấy.

Việc Abramovich hỗ trợ Putin tuyển dụng nội các đầu tiên chỉ là sự bắt đầu của một sự nghiệp buôn bán quyền lực chính trị vô cùng năng động. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống cuối cùng, Yeltsin đã buộc phải tranh đấu với một Duma Quốc gia do phe cộng sản chiếm ưu thế. Mặc dù tỷ lệ ủng hộ Putin gia tăng nhanh chóng, nhưng vị thế của các nhà cộng sản và khối Fatherland-All Russia trong các cuộc bầu cử vẫn tỏ ra thắng thế. Điều cần thiết lúc này là phải có một chính đảng toàn tâm toàn ý ủng hộ Putin, nếu chưa có sự hiện diện của một đảng nào như vậy thì cần phải thành lập một chính đảng mới. Kết quả là đảng Thống nhất, một chính đảng tập hợp các thành phần hỗn tạp, được thành lập và đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Sergei Shoygu, một nhân vật dễ chịu và có uy tín cao.

Nhưng ông chủ và nhà tổ chức thực sự đứng sau đảng này không ai khác chính là Abramovich.

Không chỉ bảo đảm về tài chính, Abramovich còn đóng vai trò rất lớn trong việc thuyết phục các thống đốc địa phương để phát triển đảng này ra toàn quốc. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và khó khăn bởi đối thủ chính của Putin trong cuộc đua vào phủ tổng thống là Thị trưởng Moscow, người nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng thủ đô. Tại Moscow, chắc chắn Luzhkov sẽ thu hút được nhiều phiếu hơn. Vì vậy, việc quan trọng là phải tối đa hóa ảnh hưởng của đảng Thống nhất ở những nơi khác ngoài Thủ đô.

Chỉ trong vài tháng cuối năm 1999, Đảng Thống nhất từ một ý tưởng viển vông đã trở thành một lực lượng chính trị đáng nể. Tuy nhiên, Putin gặp phải một vấn đề nan giải là liệu có nên gắn hình ảnh của mình với "một chính đảng vô danh và thiếu kinh nghiệm" như nhiều người trong phe của ông mô tả. Nếu Đảng Thống nhất không tạo được dấu ấn trong các cuộc bầu cử nghị viện, nỗ lực tranh cử tổng thống của ông có thể sẽ thất bại chí tử. Các cố vấn của ông bị chia rẽ trong vấn đề này nhưng cuối cùng chính Putin là người quyết định. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, khi được hỏi là sẽ bầu cho đảng nào, ông trả lời: "Chỉ có một đảng duy nhất rõ ràng và chắc chắn là sẽ ủng hộ sự nghiệp của chúng tôi. Đó là Đảng Thống nhất". Vào ngày bầu cử, ngày 19 tháng 12 năm 1999, sự quyết đoán của ông đã chứng tỏ tác dụng. Đảng Thống nhất giành được 23% số phiếu, chỉ đứng sau phe cộng sản chiếm 24%. Các nỗ lực của Abramovich cũng gặt hái được thành công. Mặc dù Đảng Thống nhất không giành được kết quả cao ở Thủ đô (chỉ được 10% số phiếu), nhưng 20 đến 30% cử tri ở các khu vực khác đã bỏ phiếu ủng hộ đảng này.

Với kết quả trên, Abramovich đã củng cố được quan hệ với vị nguyên thủ tương lai. Chỉ 12 ngày sau, Yeltsin, lúc đó đã trở thành trò cười trong mắt thiên hạ khi tật say xỉn và các vấn đề sức khỏe do uống rượu quá nhiều của ông bị phanh phui, đã thực hiện một hành động bất ngờ và xứng đáng với vị thế của một nguyên thủ quốc gia đến mức ai nấy đều sững sờ: ông phát biểu từ chức vào một giờ cao điểm trên truyền hình nhân dịp phát biểu chúc mừng Năm mới. Lời phát biểu đầu năm của Yeltsin đã trở thành thông lệ. Dưới thời cộng sản, Giao thừa đã thay cho Giáng sinh để trở thành ngày mà các gia đình sum họp quanh cây thông được trang hoàng lộng lẫy và tặng quà cho nhau. Tục lệ này tiếp tục được duy trì ngay cả sau khi Liên Xô sụp đổ. Năm 1999, Yeltsin ghi âm bài phát biểu như thường lệ vào ngày 28 nhưng sau khi gửi lời Chúc mừng Năm mới tới người dân, ông thông báo rằng giọng ông bị khàn và không hài lòng với văn bản, vì vậy bài phát biểu sẽ được ghi âm lại vào ngày 31. Yeltsin đã quyết định sẽ thông báo việc từ chức và đưa Putin lên làm quyền Tổng thống trong giờ truyền hình cao điểm nhất của một năm nhưng vẫn muốn giữ bí mật đến phút chót. Động thái bất ngờ này của Yeltsin là nhằm giúp Putin thu hút được cảm tình của công chúng và tạo ưu thế cho Putin so với các ứng cử viên khác trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3.

Chiến dịch tranh cử sau đó diễn ra quyết liệt như nhiều người đã dự đoán và Berezovsky nổi lên là "một bộ óc" đầy thủ đoạn của Putin. Đích nhắm của ông ta là liên danh tranh cử Luzhkov và Yevgeny Primakov. Trong thời gian ngắn ngủi làm thủ tướng, Primakov tìm mọi cách để gây sức ép với Berezovsky. Đầu tháng 2 năm 1999, mặc dù không có cơ sở pháp lý, nhưng các công tố viên nhà nước bị một số nhân viên vũ trang mặc đồ ngụy trang và mang mặt nạ đen tháp tùng bất ngờ tấn công trụ sở tại Moscow của công ty Sibneft và hãng hàng không Aeroflot, những doanh nghiệp mà Berezovsky và Abramovich nắm giữ lượng cổ phần rất lớn. Tại Sibneft, mặc dù không có lệnh, nhưng họ vẫn tự ý thu giữ các cặp tài liệu ở văn phòng của Atoll, một trong số các công ty con chuyên về lĩnh vực an ninh của Berezovsky. Một tờ báo thân tín với Luzhkov sau đó lại đổ thêm dầu vào lửa khi đưa tin các nhà điều tra tin rằng Berezovsky đã dùng Atoll để do thám gia đình Yeltsin, trong đó có Tatyana Dyachenko, nhưng không đưa ra được bằng chứng. Khi Berezovsky giận dữ phản kháng, Primakov kiên quyết phủ nhận bất cứ mối liên hệ nào với cuộc đột kích đó. Không may cho chính trị gia bất hạnh này, ông trùm Berezovsky đã nắm được một bản sao mật lệnh của chính Thủ tướng.

Nhưng nếu Berezovsky nghĩ rằng vụ bê bối có thể dễ dàng có thể tiễn biệt Primakov thì ông ta đã nhầm. Ngày 5 tháng 4 năm 1999, một tháng sau khi Berezovsky bị sa thải khỏi chức Phó Thư ký Hội đồng An ninh, văn phòng công tố viên ra lệnh bắt giữ ông với cáo buộc sử dụng sai mục đích tiền bán vé của Aeroflot ở nước ngoài (lại một lần nữa, cơ sở pháp lý của mệnh lệnh này có vấn đề). Lúc đó Berezovsky đang ở Pháp nên không bị bắt. Đến ngày 12 tháng 5, Primakov bị sa thải và các cáo buộc đối với Berezovsky bị hủy bỏ.

Trong khi đó, Luzhkov làm cho Berezovsky vô cùng giận dữ vì liên tục cáo buộc rằng chính phủ Nga đang được điều hành không phải bởi Tổng thống Yeltsin, mà là một nhóm hoạt động hậu trường rất nguy hiểm, trong đó có ông trùm này. Rõ ràng là, nếu Luzhkov nắm quyền, Berezovsky sẽ không chỉ bị tước mất quyền lực và ảnh hưởng mà tài sản cũng sẽ bị tổn hại nặng nề. Và theo như Elena Tregubova đề cập trong cuốn Tales of a Kremlin Digger (tạm dịch: Những mẩu chuyện về một nhân vật đã tận dụng triệt để Kremlin) thì Abramovich cũng sẽ trở thành nạn nhân. Một năm sau, khi Luzhkov đang được coi là ứng cử viên thủ tướng đầy tiềm năng, Tregubova đã thảo luận với Sergei Yastrzhembsky, Phó Tổng Tham mưu trưởng của Yeltsin, về hậu quả có thể xảy ra nếu điều đó trở thành sự thật. Yastrzhembsky nhận định rằng Yeltsin và gia đình ông sẽ an toàn nhưng những người thân cận với họ sẽ bị soi xét, và việc đó không có lợi cho bất cứ ai. Có lẽ chúng tôi nên trích dẫn đầy đủ lời kể của Tregubova về những phân tích của Yastrzhembsky:

"Những ai vậy?" Tôi hỏi.

"Ồ, Berezovsky chẳng hạn."

Nhưng ông ấy còn làm tôi ngạc nhiên hơn. Lấy ra một mảnh giấy, ông ấy viết chữ "ABRAMOVICH". Đưa tờ giấy cho tôi, ông ấy thì thầm "và có lẽ cả người này nữa".

Sau đó, ông ấy viết thêm chữ "Số 1" bên cạnh tên của Abramovich và "Số 2" cạnh tên của Berezovsky. Điều đó làm tôi sửng sốt.

Hai ngày sau, tôi hỏi một người bạn của Berezovsky về Abramovich.

"Ồ, đừng để ý đến cậu ta làm gì", ông ấy nói. "Cậu ta chỉ là một anh thu ngân của Berezovsky. Cậu ta không dính dáng gì đến chính trị mà chỉ ngồi ở Sibneft để tính toán tiền nong cho Berezovsky thôi."

Ông ấy không ngờ được rằng khi tôi viết cuốn sách này, Berezovsky đã phải đi tị nạn chính trị và "anh thu ngân" mà Yastrzhembsky liệt kê ở số 1 đang ngày càng giành được cảm tình của Putin.

Luzhkov và Primakov nhanh chóng hiểu ra rằng Putin là một địch thủ nguy hiểm như thế nào khi tiếp tục bị bồi thêm một đòn nữa. Vũ khí mới của Berezovsky lần này là Sergei Dorenko, một người dẫn chương trình truyền hình dũng cảm. Anh này đảm trách một chuyên mục chuyện đương thời cực kỳ thẳng thắn. Một bình luận viên đã mô tả anh này là "một người dẫn chương trình truyền hình mà các chính trị gia căm ghét". Những tình tiết liên quan đến mối quan hệ của Berezovsky với "con sói" truyền hình này đã lột tả sinh động bản chất vô liêm sỉ của Berezovsky:

Đầu giờ tối ngày 7 tháng 6 năm 1994, Berezovsky rảo bộ ra khỏi trụ sở Câu lạc bộ Logovaz và ngồi vào băng ghế sau chiếc Mercedes của mình. Vệ sĩ của ông ngồi ghế trên cạnh lái xe và, khi họ ra khỏi sân và lướt vào phố, chiếc xe đi ngang một chiếc Opel đậu bên lề đường. Đúng lúc đó, một quả bom điều khiển từ xa giấu trong chiếc Opel phát nổ, thổi tung phần đầu chiếc Mercedes và sắt thép bay ra tứ phía. Người lái xe bị bay mất đầu, viên vệ sĩ bị mất một mắt và bảy khách bộ hành bị thương. Berezovsky bị xước xát nặng đến mức sau đó phải bay tới Thụy Sĩ để chữa trị nhưng may mắn là không có vết thương nghiêm trọng nào.

Ít lâu sau, Berezovsky tình cờ xem chương trình của Dorenko và sau khi nghe người dẫn chương trình này có những nhận xét rất không tế nhị về cuộc chạm chán với tử thần của ông ta: "Hôm nay một túi tiền lớn bị trúng bom, thật tệ quá", đó là thông điệp châm biếm của Dorenko, Berezovsky lẽ ra phải cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, nhưng ông ta lại không phản ứng gì cả, thậm chí còn làm những việc mà không ai có thể tưởng tượng được. Thay vì trở nên phẫn nộ, Berezovsky cho rằng đã phát hiện được một ngôi sao tiềm năng cho mạng lưới truyền thông của mình. Ông đề nghị thư ký tìm gặp Dorenko và thu xếp một cuộc gặp giữa hai người. Tuy nhiên, ban đầu, người dẫn chương trình truyền hình điển trai có giọng nói khàn khàn này tỏ ra không thích thú và từ chối. Berezovsky không bỏ cuộc. Giống như một người hâm mộ kiên trì, ông ta đến văn phòng của Dorenko và ngồi chờ ở khu vực lễ tân, theo đúng cách mà Abramovich buộc phải làm khi muốn gặp Berezovsky trong giai đoạn đầu mối quan hệ của họ. Sau 40 phút, ông bỏ cuộc nhưng hai người sau đó đã thu xếp được một bữa ăn trưa cùng nhau. Trong bữa ăn tại một nhà hàng Nhật, họ nhanh chóng nhận ra sự đồng cảm và chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, Dorenko đã có ông chủ mới. Berezovsky đã nói chuyện với anh về việc đầu quân cho ORT, hứa hẹn cơ hội cho anh được thể hiện phong cách thẳng thắn, cường điệu và trào phúng của mình.

Chương trình Sergei Dorenko là loại vũ khí có lẽ đã ảnh hưởng quyết định đến chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000. Berezovsky hướng mũi dùi châm biếm hóm hỉnh của ngôi sao mới của mình về phía các đối thủ chính trị trong suốt mùa thu năm đó. Khi một cuộc nói chuyện trên điện thoại bàn bạc về âm mưu này được một hoặc một số người giấu tên ghi âm và tiết lộ cho báo chí tháng 12 năm đó, người ta nhận thấy giữa hai người này có mối quan hệ vui vẻ, thậm chí là khá tình cảm.

Trong suốt 15 chương trình lên sóng giờ cao điểm của Sergey Dorenko, Thị trưởng Moscow bị nhạo báng một cách không thương tiếc. Ban đầu, sự chế nhạo ấy dù rất tàn nhẫn nhưng không quá nặng nề. Ví dụ, khi Primakov phải phẫu thuật hông, Dorenko mỉa mai bằng cách đưa hình ảnh những động tác đáng sợ mà các bác sĩ thực hiện khi đang phẫu thuật chân và đùi. Và khi Luzhkov ghi điểm vì đã xây dựng lại một bệnh viện ở Budyonovsk, miền nam nước Nga, nơi bị các nhóm Chechnya tàn phá nhưng lại sơ suất không vinh danh nhà tài trợ, Dorenko chỉ trích ông ta một cách không thương tiếc: "Ngài đang làm gì vậy?", anh ta hỏi, vẻ hoa mỹ, "Tại sao ngài không cảm ơn nhà tài trợ dù chỉ một câu thôi?"

Chiến dịch bôi nhọ Luzhkov của Berezovsky-Dorenko kéo dài liên tục trong nhiều tuần, và ngày càng gây tranh cãi. Chiến dịch này ám chỉ rằng Luzhkov liên quan đến "những vụ chuyển tiền bí mật" từ Moscow đến các ngân hàng ngoại quốc. Hình ảnh của ông trở nên lố bịch khi các đoạn phim ghi hình ông trong hai năm liên tiếp lại thể hiện hai quan điểm khác nhau, đầu tiên là ca ngợi Yeltsin trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1996 và sau đó lại chỉ trích Yeltsin là tù nhân của các lợi ích đặc biệt và làm việc quá kém cỏi. Thông điệp gây kích động nhất là việc cáo buộc Thị trưởng Moscow có dính líu trong vụ giết hại doanh nhân người Mỹ Paul Tatum, người bị bắn chết khi đang tranh chấp quyền sở hữu một khách sạn ở Moscow, một vụ án mà trước đó không có ai bị buộc tội cả.

Bị chỉ trích quá sức chịu đựng, Luzhkov thưa kiện Dorenko về tội phỉ báng và cuối cùng đã chiến thắng với số tiền bồi thường thiệt hại khiêm tốn là 4.500 đô-la. Tuy nhiên, đối đầu với Dorenko có nghĩa là ông đã sao nhãng việc trọng tâm trong giai đoạn quyết định. Berezovsky vô cùng hài lòng rằng thử thách đối với Luzhkov trên truyền hình đã làm xói mòn vị thế của Luzhkov trong các cuộc trưng cầu dân ý và, mặc dù có một cuộc mít tinh lớn vào phút chót ở một góc của Quảng trường Đỏ, khi các công nhân đi xe buýt đến mang theo các áp phích phản đối "Dorenko là con rối của Berezovsky" và "Trả lại danh dự cho Thị trưởng của chúng ta", nhưng giấc mơ trở thành tổng thống của Luzhkov đã bị phá tan tành. Niềm an ủi duy nhất là ông tái đắc cử Thị trưởng Moscow vào tháng 12 năm đó.

Đến lúc này thì những trò châm biếm của Dorenko có lẽ không còn cần thiết. Việc Putin quyết định đưa quân trở lại Chechnya sau các vụ đánh bom khu chung cư ở Moscow và Volgodonsk đã giúp ông giành được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. "Mọi việc vẫn rất gay go cho đến khi ông ấy làm như vậy", một chuyên gia Nga nhận xét, "còn sau đó thì lại dễ như trở bàn tay".

Ban đầu các ông trùm thích phong cách của Putin vì mặc dù có cách tiếp cận cứng rắn, nhưng ông vẫn được coi là "dễ uốn nắn". Họ đã làm việc cùng với Putin từ khi ông là thành viên của chính quyền Yeltsin và tin rằng họ có thể kiểm soát ông trong thời gian chính thức nắm quyền. Niềm tin này là một sai lầm tai hại. Ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống, Putin đã chứng minh rằng ông là người tự chủ. Khi Berezovsky thông báo cho Putin về những nhân vật mà ông ta muốn được bổ nhiệm vào nội các, Putin trả lời rằng chỉ có ông mới có quyền quyết định việc đó. Đây rõ ràng là một cử chỉ khai chiến (casus belli). Từ thời khắc đó, Berezovsky và Gusinsky quyết định thách thức vị tổng thống mới này. Trong khi họ kiên nhẫn tìm thời cơ, chờ đợi một cuộc khủng hoảng quốc gia để thực hiện mục đích của mình, thì Putin tiến hành một cuộc chiến chống lại họ.

Khi mùa hè năm 2000 ngày càng nóng bức, Putin triệu tập một cuộc họp bất thường. Một nhóm 30 ông trùm lớn, nhỏ được mời đến điện Kremlin. Trong ánh sáng rực rỡ của ngày hè tháng 7, họ bước xuống từ những chiếc limousine bọc thép mát lạnh và bước vào căn phòng lớn nhất trong số những phòng họp lộng lẫy của điện Kremlin để gặp Tổng thống. "Nó giống như một cuộc gặp mặt theo lời mời của Don Corleone chứ không phải một cuộc họp với một nhà lãnh đạo quốc gia", một người có mặt ở đó nhận xét.

Putin chờ cho đến khi họ đã yên vị quanh một chiếc bàn hội nghị bóng bẩy rồi mới bước vào phòng. Lạnh nhạt và điềm tĩnh, ông nhìn xuống bàn và bắt đầu lên tiếng: "Các vị đã đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng đất nước này thông qua những cấu trúc chính trị và bán chính trị. Vì thế chẳng có ích gì khi đổ trách nhiệm cho hình ảnh phản chiếu ở trong gương cả". Nếu nhận xét khá mơ hồ này được đưa ra nhằm làm người nghe mất bình tĩnh thì chắc chắn đã mang lại hiệu quả mong muốn: không ai có mặt trong cuộc họp này dự đoán được điều gì sẽ diễn ra tiếp theo.

Trong thông điệp này, Putin đã cảnh báo rằng thời kỳ họ chen chân vào chuyện chính trị đã qua. Họ có thể giữ lại của cải phi nghĩa của mình với ba điều kiện: không được can thiệp vào chính trị, đóng thuế đầy đủ và ngừng thông đồng với các bộ trưởng hay quan chức thoái hóa, biến chất. Ngụ ý đe dọa là không chỉ sản nghiệp của họ có thể gặp rủi ro nếu không tuân theo luật lệ mới mà các đài phát thanh, truyền hình của những người có lợi ích trong lĩnh vực truyền thông, nhất là Berezovsky và Gusinsky, có thể sẽ bị tịch thu hoặc đóng cửa nếu họ sử dụng những cơ sở này để tấn công chính phủ. Tất cả những người có mặt đều nhận thấy, với nền tảng từ KGB, không ai có điều kiện tốt hơn Putin trong việc khai thác một kho tài liệu khổng lồ (được gọi là kompromat – các văn bản thỏa hiệp có thể làm bằng chứng buộc tội do các cơ quan an ninh thu thập được). Đây là mệnh lệnh mà nếu phớt lờ, họ sẽ gặp nguy hiểm.

Không phải các ông trùm thiếu nhạy cảm đến mức không biết rằng thời thế hiện đang bất lợi cho họ. Một nhóm nhỏ bọn họ đã gặp nhau từ đầu năm để thảo luận về những việc cần làm khi mà đa số công chúng đang ngày càng oán giận họ. Mikhail Friedman kể lại: "Tôi nói với họ: "Phải thừa nhận rằng chúng ta không được người dân yêu mến". Một người đề xuất thuê một công ty tư vấn hình ảnh. "Tôi nói là chúng ta phải làm nhiều hơn thế. Người dân bình thường không có đủ tiền để đi thăm gia đình ở ngay trong lãnh thổ nước Nga. Trong khi đó, họ lại thấy chúng ta đi St Tropez và gọi đó là đi công tác. Bản thân chúng ta phải trở nên tốt đẹp hơn."

Tuy nhiên, chính Friedman lại là người tỏ ra loay hoay khó chịu nhất khi Putin đưa ra tối hậu thư. Chỉ vài ngày trước đó, ông ta đã khẳng định rằng Tổng thống không dám chống lại các doanh nghiệp lớn vì "chúng ta đã trở nên quá quan trọng". Đến cuộc họp này, ông ta nhận thức được rằng các doanh nghiệp lớn phải biết tuân lệnh, nếu không sẽ bị nghiền nát. Thời hoàng kim đầy uy lực của họ có vẻ sắp kết thúc.

Thực sự Putin đã ra tay. Tháng trước đó, vị Tổng thống này đã ra lệnh bắt giữ Gusinsky vì tội tham ô. Tội danh này chỉ được hủy bỏ khi Gusinsky đồng ý ký vào thỏa thuận chuyển giao tập đoàn Media-Most bao gồm nhiều tờ báo và đài phát thanh cho công ty năng lượng Gazprom của Chính phủ với giá trọn gói là 300 triệu đô-la. Khi đến dự cuộc họp đáng sợ này của Putin, ông ta vẫn tố cáo rằng thỏa thuận trên được thực hiện khi ông ta ở trong tù và bị ép buộc, vì vậy không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Ngay cả khi cuộc họp đang diễn ra thì các hồ sơ kompromat vẫn đang được cập nhật. Oleg Chernov, một trong số ba cấp phó của Sergei Ivanov, người bạn cũ ở KGB được Putin bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, đang tiếp xúc với Tổng Chưởng lý Thụy Sĩ để tìm hiểu thêm thông tin về các công ty Nga đăng ký ở quốc gia này.

Súng đã lên nòng.

Khi rời khỏi điện Kremlin, các ông trùm chia thành các nhóm có quan điểm khác nhau. Nhiều người bày tỏ sự phản đối, một số khác muốn nổi loạn. Tuy nhiên, Abramovich rõ ràng là có ý định tuân thủ những quy định mới. Trên thực tế, ông đã trung thành với Putin đến mức không cần phải triệu tập đến cuộc họp.

5 tháng sau khi Putin đắc cử tổng thống nhiệm kỳ đầu, Berezovsky tìm được cơ hội trả thù. Lúc 11 giờ 28 phút thứ bảy ngày 12 tháng 8, tàu Kursk, một con tàu ngầm hiện đại nhất được trang bị tên lửa dẫn đường, bị chìm ở biển Baren vùng biển Bắc. Với chiều dài bằng hai chiếc máy bay phản lực lớn cộng lại, tàu Kursk đã từng là niềm tự hào của Hạm đội phương Bắc của Nga và được giao nhiệm vụ bảo vệ các vùng thuộc lãnh thổ nước Nga chống lại các mối đe dọa từ tàu sân bay và các đơn vị chiến đấu trên tàu sân bay của các thế lực thù địch. Đó không chỉ là một chiếc tàu ngầm đơn thuần mà còn là biểu tượng của sức mạnh an ninh quốc gia. Con tàu chìm xuống cùng với toàn bộ thủy thủ đoàn sau khi người ta nghe thấy hai tiếng nổ. Sự mất mát lớn lao ấy đã làm rung chuyển chính quyền non trẻ của Putin.

Putin không được thông báo về vụ chìm tàu Kursk cho đến sáng sớm hôm sau, khi số phận của thủy thủ đoàn 108 người còn chưa được xác định. Lúc đó ông đang tận hưởng ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè ở khu nghỉ dưỡng Sochi tại Biển Đen. Nếu là một nguyên thủ quốc gia giàu kinh nghiệm hơn, có lẽ ông đã nhận ra rằng cấp dưới đang tránh làm ông bị sốc khi Bộ trưởng Quốc phòng Igor Sergeyev gọi điện lúc 7 giờ sáng để thông báo rằng con tàu "không liên lạc được". Nhưng Sergeyev cam đoan rằng mọi việc vẫn đang trong tầm kiểm soát và không có lý do gì để Tổng thống phải chấm dứt kỳ nghỉ. Vì vậy, trong khi bộ phận tinh hoa của hải quân Nga đang ngạt thở đến chết dưới đáy biển sâu thì Putin vẫn đi lướt ván, tắm nắng và viết thiệp chúc mừng sinh nhật cho một nữ diễn viên nổi tiếng. Gia đình của các thủy thủ tàu Kursk đang cố gắng trong tuyệt vọng để nắm thêm thông tin về người thân trong khi Hải quân Nga từ chối tất cả các đề nghị của phương Tây về việc hỗ trợ Nga mở các chiến dịch cứu hộ cứu nạn.

Phải đến khi nhận được cuộc điện thoại dài 25 phút từ Tổng thống Mỹ Clinton thì Putin mới nhận ra rằng tình trạng thủy thủ đoàn Kursk đã trở thành một mối quan tâm của cả thế giới. Clinton khẳng định rằng nếu Putin không chấp thuận sự hỗ trợ cho công tác cứu nạn thì chứng tỏ ông không hề nhân tính hơn những người tiền nhiệm Xô Viết của mình.

Tình thế đó buộc Putin phải dung hòa lập luận của Clinton với sự phản đối mạnh mẽ của các quan chức cao cấp trong chính quyền Nga, những người tin rằng phương Tây muốn có mặt ở đó để đánh cắp các bí mật quân sự của họ. Putin cuối cùng cũng đồng ý với Clinton. Tuy nhiên, khi phương Tây đề nghị đưa một chiếc tàu ngầm nhỏ của Anh ra ứng phó với tình trạng khẩn cấp này thì các lãnh đạo hải quân Nga kiên quyết từ chối cấp phép. Chắc hẳn là trong khi người Nga quanh co, lập lờ thì toàn bộ thủy thủ đoàn đã thiệt mạng và truyền thông thì cáo buộc thảm kịch này cho lỗi của Putin.

Ngay cả khi không còn hy vọng thì các lãnh đạo hải quân Nga vẫn tiếp tục gây cản trở. Cho đến khi tờ Komsomolskaya Pravda, tờ báo thuộc quyền sở hữu của Vladimir Potanin có quan điểm ủng hộ Kremlin, hối lộ 600 đô-la cho một sĩ quan Hạm đội phương Bắc thì người ta mới có được danh sách đầy đủ thủy thủ đoàn. Cũng nhờ vậy mà gia đình của các thủy thủ mới biết được rằng con em họ đang có mặt trên con tàu Kursk dưới đáy biển khơi. Những việc diễn ra sau đó rất bất bình thường. Phó Thủ tướng Ilya Klebanov và Đô đốc Vladimir Kurodeyov bay tới cảng Vidyayevo để gặp gỡ gia đình các nạn nhân. Nhiều người trong số họ đã được cho uống rất nhiều thuốc an thần để kiềm chế cơn cuồng loạn. Khi bà mẹ của một trong số những thủy thủ mất tích đang phản đối lời giải thích chính thức của các phát ngôn viên ngay trước mặt Phó Thủ tướng và hàng loạt máy quay phim thì một nữ bác sĩ từ phía sau bà tiến đến và đâm một mũi kim tiêm qua áo khoác của bà. Người phụ nữ ngấm thuốc ngã xuống sàn và được đưa ra khỏi phòng.

Một thảm kịch quốc gia giờ đã trở thành một vụ tai tiếng quốc tế. Phải đến tận sáng sớm thứ 7 ngày 19 tháng 8, đúng một tuần sau vụ tàu chìm Kursk, Putin mới quay trở lại Moscow để nghe báo cáo về nguyên nhân vụ việc. Đêm hôm đó, Chính phủ ra tuyên bố chính thức rằng toàn bộ thủy thủ đoàn đã thiệt mạng, nhưng cá nhân Putin vẫn chưa phát biểu gì. Ông thậm chí còn chưa đề nghị tổ chức quốc tang mặc dù áp lực của công chúng đã buộc Chính phủ phải vội vã thu xếp tổ chức quốc tang vào ngày 23 tháng 8. Cuối cùng, Putin đích thân bay tới Vidyayevo để gặp gỡ gia đình các nạn nhân vì nhận thức được rằng họ không chào đón Klebanov.

Tại Câu lạc bộ Sĩ quan, ông phải đối diện với khoảng 600 thính giả phẫn nộ, chất vấn và phản đối ông trong suốt sáu giờ căng thẳng. Chưa một tổng thống Nga nào từng phải trải qua thái độ thù địch đến vậy. Ông hứa hẹn sẽ cùng họ tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi tại sao một thảm họa kinh hoàng như thế lại có thể xảy ra. Thế nhưng điều này không xoa dịu được người thân của các nạn nhân, những người đang đau đớn và muốn biết sự thật tại sao Tổng thống lại bỏ lỡ thời cơ quan trọng tiếp nhận sự giúp đỡ của các nhóm cứu hộ quốc tế? Tại sao Tổng thống không thân chinh ra biển chỉ đạo các hoạt động cứu hộ cứu nạn? Một vài người thấy hài lòng khi Tổng thống hứa sẽ bồi thường cho những người vợ góa số tiền tương đương số lương trong 10 năm. Nhưng một số người khác thì thẳng thừng buộc tội Tổng thống đang mua chuộc họ.

Truyền thông trên khắp thế giới lên án Putin và chính phủ Nga vì thái độ quá thờ ơ. Tại London, tờ Daily Telegraph cho rằng Putin nhẫn tâm và vô trách nhiệm vì cứ tiếp tục kỳ nghỉ khi thảm họa đang diễn ra. Nhưng không nơi nào chỉ trích Putin mạnh mẽ hơn Moscow, lớn tiếng nhất là các đài ORT của Berezovsky, NTV của Gusinsky và Đài phát thanh Tiếng vọng (lúc này, Berezovsky vừa mới từ chức thành viên của Duma và tuyên bố sẽ phát động một "chiến dịch chống đối mang tính xây dựng" đối với Putin). Cả ba cơ quan truyền thông trên đều cáo buộc Kremlin đã tìm cách "kiểm soát" tin tức về cuộc gặp của Tổng thống với gia đình của những người đã mất. Đài ORT không chỉ chiếu cảnh Putin chơi lướt sóng khi cuộc khủng hoảng đang ở giai đoạn đỉnh điểm mà còn so sánh việc chìm tàu Kursk với thảm họa hạt nhân Chernobyl.

Đây đúng là kiểu thái độ mà Putin đã cảnh báo các ông trùm rằng ông sẽ không thể dung thứ và sẽ đáp trả bằng sự khôn ngoan nhưng tàn nhẫn vô cùng. Đầu tiên, Tổng thống giận dữ gọi điện cho Berezovsky phàn nàn về việc ORT nhắc đến Chernobyl. Cuối cùng hai người đồng ý gặp nhau. Tuy nhiên, khi Berezovsky đến điện Kremlin, người đón ông không phải là Putin mà là Chánh văn phòng Tổng thống Aleksandr Voloshin. Voloshin yêu cầu ngắn gọn: "Hoặc là ông phải từ bỏ ORT trong vòng hai tuần, hoặc là ông sẽ theo gót Gusinsky." Câu trả lời của Berezovsky là: "Ông đã quên một điều. Tôi không phải là Gusinsky". Ông ta yêu cầu gặp trực tiếp Tổng thống. Cuộc gặp diễn ra vào lúc 3 giờ chiều ngày hôm sau. Sau một hồi tranh luận không có kết quả về đoạn phim mô tả thảm kịch của ORT, Putin đưa ra một hồ sơ và bắt đầu đọc. Nội dung chính của hồ sơ này là nhận định cho rằng ORT là một tổ chức tham nhũng bị nhân vật lãnh đạo (đứng đầu là Borris Berezovsky) chiếm dụng lợi nhuận. Putin đã lật lại báo cáo của Primakov về kẻ thù cũ.

Khi Berezovsky hỏi lý do tại sao Putin lại lôi những cáo buộc cũ rích này ra, Tổng thống trả lời: "Bởi tôi muốn nắm được ORT. Tự tôi sẽ điều hành nó." Berezovsky đáp lại: "Nghe này Vlod (cách gọi ngắn gọn và tình cảm của Vladimir), điều này thứ nhất là buồn cười, thứ hai là không thể hiểu được... Anh có hiểu anh đang nói gì không? Có phải thực ra là anh muốn kiểm soát toàn bộ các phương tiện thông tin đại chúng ở Nga không?" Đến lúc này, Putin đứng dậy và bỏ đi, còn Berezovsky quay trở lại văn phòng và viết cho Putin một bức thư ly khai hoàn toàn khỏi điện Kremlin.

Theo Venediktov, cách Tổng thống Putin xử lý Gusinsky tinh vi hơn nhiều. Với sự giúp đỡ của đồng minh trung thành Abramovich, Putin bắt đầu tìm cách phá vỡ đế chế của ông trùm này. Trước khi bị Putin đánh phá, hãng MediaMost của Gusinsky sở hữu NTV (kênh truyền hình thứ tư), tờ Segodnya (một tạp chí chính trị), Itogi và đài Tiếng vọng Moscow (nơi Venediktov làm việc). Putin tìm cách ngăn chặn nguồn sống của bốn cơ quan truyền thông này, đó là thu nhập từ quảng cáo. Chiến lược này tỏ ra hiệu quả vô cùng: Ban quản trị của đài truyền hình NTV được thay thế bởi một nhóm khác biết phục tùng hơn, tờ Segodnya không thể sinh lời được nữa và bị thâu tóm. Trong khi đó, Tổng biên tập tờ Itogi bị sa thải và người lên thay ông đã chuyển hóa hoàn toàn phong cách của Itogy. Cũng theo mô tả của Venediktov thì hãng MediaMost "bị phá hủy hoàn toàn". Mặc dù đài Tiếng vọng Moscow tồn tại được và tiếp tục sinh lời nhưng nay đã nằm dưới sự quản lý của Gazprom, một công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước. Điều thú vị là nhận định của Venediktov về các sự kiện này mâu thuẫn với đánh giá của John Mann. Nhân vật này từng khẳng định: "Ngài Abramovich không hề liên quan đến bất kỳ nỗ lực có tổ chức nào nhằm kiểm soát tự do ngôn luận ở Nga. Có lúc ông ấy đã mua của Ngài Berezovsky một nửa đài truyền hình ORT khi đài này tiến hành tư nhân hóa và đặt nó dưới quyền quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, ông ấy cũng là một trong số các nhà đầu tư tư nhân vào kênh TVS (một dự án truyền hình đáng buồn là đã thất bại) khiến một nhóm các phóng viên độc lập có trình độ rời bỏ NTV và sau đó là TV6. Tôi không thể bình luận gì về đoạn hội thoại cá nhân của ông ấy với Ngài Venediktov."

Theo Venediktov, một thông tin thú vị khác về chuyện này là vào thời điểm đó, "Gusinsky thường qua tôi gửi lời hỏi thăm tới Abramovich và Abramovich cũng gửi lời hỏi thăm tới Gusinsky."

Trong khi những hoạt động hậu trường này vẫn đang diễn ra sôi động, Putin công khai chĩa mũi tấn công trực diện vào các ông trùm. Ví dụ, trong phần cuối một bài phát biểu trước toàn quốc có vẻ mang tính cá nhân, Tổng thống Nga thừa nhận có "cảm giác tội lỗi và chịu trách nhiệm hoàn toàn về thảm kịch (vụ tàu Kursk) này", ông mạnh mẽ lên án các phương tiện truyền thông nói chung và những ông trùm kiểm soát ngành truyền thông nói riêng:

Họ muốn gây ảnh hưởng đến quần chúng nhân dân, thể hiện với Quân đội và ban lãnh đạo chính trị của đất nước rằng chúng ta cần họ, rằng chúng ta mắc câu họ, rằng chúng ta phải sợ họ, rằng chúng ta nên lắng nghe họ và để cho họ cướp bóc đất nước, Quân đội và Hải quân. Đó là mục đích thực của họ. Thật không may là chúng ta không thể ra lệnh cho họ dừng lại mặc dù đó là việc đúng đắn phải làm.

Ông cũng gay gắt chỉ trích những người từ lâu đã góp phần phá hoại Quân đội và Hải quân nhưng sau đó lại trao hàng triệu đô-la cho gia đình các nạn nhân tàu Kursk khi nhắc đến một quỹ từ thiện do báo Kommersant của Berezovsky phát động. "Lẽ ra họ nên bán các biệt thự của mình ở bờ biển Địa Trung Hải thuộc Pháp và Tây Ban Nha đi", ông đưa ra một nhận xét đậm chất dân túy, "chỉ khi đó thì họ mới có thể giải thích việc các tài sản đó được đăng ký dưới các tên khác và núp đằng sau các công ty hợp pháp. Và có lẽ chúng ta sẽ đặt câu hỏi: Số tiền đó từ đâu mà ra?" Thông điệp này nhằm thẳng vào Berezovsky, chủ nhân của một biệt thự xa hoa ở Cap d'Antibes, và Vladimir Gusinsky, người cũng sở hữu một biệt thự lộng lẫy không kém tại Sotogranda, Tây Ban Nha, nơi mà Vladimir và Ludmilla Putin đã từng viếng thăm.

Cuộc chiến đã bắt đầu. Bị các phương tiện truyền thông chỉ trích vào thời điểm khó khăn nhất, Tổng thống đã thể hiện rõ rằng ông đang tuyên chiến với những ông trùm sở hữu các phương tiện đó. Dù là một trong số những người có công trong việc kiến tạo thắng lợi của Putin trong bầu cử, nhưng giờ Berezovsky lại bị các công tố viên chính phủ và cảnh sát thuế vụ điều tra. Đối với các ông trùm, phải chăng nước Nga của Putin đã trở thành nơi nguy hiểm hơn nước Nga của Yeltsin? Berezovsky và Gusinsky không có ý định quanh quẩn ở lại để tìm hiểu điều này. Đến mùa đông năm đó, cả hai đã rời bỏ đất nước, Berezovsky đến Pháp và sau đó đến Anh tị nạn, còn Gusinsky đến Tây Ban Nha và sau đó là Hy Lạp trước khi dừng lại ở Israel.

Sau khi rời đi, Berezovsky bán 49% cổ phần ở ORT cho Abramovich, động thái biến người từng được ông ta đỡ đầu trở thành ông trùm có tầm ảnh hưởng lớn nhất nước Nga. Khodorkovsky có thể giàu có hơn nhưng lại thiếu cái thức thời của Abramovich. Khi Berezovsky và Gusinsky đang sống lưu vong thì Abramovich lên chiến dịch vận động tranh cử chức tỉnh trưởng Chukotka và xây dựng một hình ảnh chân tình mới. Anh đã dứt khoát giữ khoảng cách với đối tác cũ hiện đang gặp khó khăn. Anh phát biểu với một phóng viên phương Tây tham gia hỗ trợ chiến dịch tranh cử: "Chúng tôi là bạn thân nhưng Berezovsky không giúp tôi, ông ta giúp chính mình thôi."

***

Chưa đầy hai năm sau bài phát biểu của Putin trước cả đất nước về vụ chìm tàu Kursk và đưa ra lời tuyên chiến với các ông trùm, tất cả các kênh truyền hình độc lập của Nga đã bị đóng cửa. Các ông chủ lớn không bao giờ còn có thể dùng truyền hình để gây áp lực với Kremlin nữa. "Điều đó giống như là việc loại mọi ứng cử viên, ngoại trừ một người, ra khỏi chiến dịch tranh cử", Alexei Venediktov thở dài ngao ngán.

Tuy nhiên, đối với Putin, chế ngự Berezovsky thôi là chưa đủ. Ông muốn giam cầm ông ta. Nhà chức trách Nga bắt đầu các nỗ lực dẫn độ Berezovsky về Nga với những cáo buộc gian lận số tiền lên đến 8 triệu bảng Anh. Hơn nữa, sau khi nhà chức trách Thụy Sĩ nhắc lại một cáo buộc trước đây về việc Berezovsky biển thủ số lượng lớn tiền của Aeroflot giữa những năm 1990 (đến lúc đó được tính là 970 triệu đô-la Mỹ), lệnh truy nã quốc tế dành cho Berezovsky chính thức được ban hành.

Berezovsky không định trở về nước để đối mặt với những cáo buộc đó. Ông ta thừa biết rằng mình có thể phải ngồi tù một thời gian, hoặc thậm chí tồi tệ hơn. Tuy nhiên, sau khi bị Bộ trưởng Nội vụ Anh David Blunkett bác bỏ yêu cầu tị nạn, Berezovsky buộc phải thông qua tòa án để chống lại tiến trình dẫn độ. Một việc có vẻ kỳ cục là trong một phiên tòa như thế tại Tòa sơ thẩm Phố Bow, Berezovsky tuyên bố nhận được thông tin về một âm mưu giết hại ông ta. Ông ta cho biết một thành viên FSB đã được cử đến Anh để đâm chết ông ta bằng một chiếc bút bi tẩm độc. Âm mưu này nghe có vẻ kỳ lạ. Nhân viên đặc vụ này theo lời kể của Berezovsky được giao nhiệm vụ mang đến Tòa án một chiếc bật lửa có chứa một lượng độc tố đủ gây chết người, chuyển lượng chất độc đó vào một chiếc bút và sau đó đâm ngài tỷ phú lưu vong vào cánh tay khi ông này đi qua.

Thực ra câu chuyện này có thể không đến mức khó tin như thoạt nghe ban đầu. Chuyện tương tự đã từng xảy ra với nhà văn, ông chủ đài truyền hình lưu vong người Bulgari tên Georgi Markov năm 1978. Khi đang đi dạo trên một con phố ở London, Markov bị đầu một chiếc ô tẩm độc đâm vào bắp chân sau và qua đời không lâu sau đó. Việc này khả thi trong môi trường chen lấn xô đẩy ở thành phố, trong một không gian mở, nơi mà người ta dễ dàng lẩn vào đám đông sau khi thực hiện. Tuy nhiên, trong phạm vi một phòng xét xử được bảo vệ nghiêm ngặt thì đó lại là chuyện hoàn toàn khác, nó quá khó tin trừ khi nhân viên đặc vụ kia là một kẻ mạo hiểm đến mất trí. Khó tin hơn là, sẵn sàng đối mặt với khả năng gần như chắc chắn sẽ bị bắt giữ, tay này được mô tả là tiến đến gần Berezovsky và tiết lộ cho ông ta kế hoạch ám sát để ông ta thông báo cho cảnh sát. Một chi tiết kỳ cục khác của câu chuyện này là tay nhân viên đặc vụ kia đã trở lại Nga sau khi kế hoạch ám sát bị tiết lộ.

Berezovsky khẳng định vụ việc này là nỗ lực ám sát lần thứ ba nhằm vào ông ta kể từ khi đến tị nạn ở London. Hậu quả đầu tiên của vụ ám sát bằng bút bi thất bại là những phiên tòa liên quan đến Berezovsky sau đó được chuyển tới Belmarsh, một nhà tù được duy trì an ninh nghiêm ngặt. Sau đó, đến tháng 9 năm 2003, Bộ trưởng Blunkett thay đổi quan điểm và quyết định chấp thuận trao quy chế tị nạn cho Berezovsky. Nếu tiếp tục ở lại Anh trong 5 năm nữa thì nhân vật xin tị nạn giàu có nhất nước Anh này sẽ đủ tiêu chuẩn để được cấp quốc tịch. Trong lúc ấy, ông ta thuê một nhóm vệ sĩ riêng bảo vệ nghiêm ngặt suốt ngày đêm. Ngôi nhà ở ngoại ô của ông được lắp các cửa sổ chống đạn, cửa ra vào bằng thép gia cố, thiết bị giám sát laze bằng hồng ngoại và camera gián điệp ở khắp các phòng. "Tôi không thể sống sót nếu bất cẩn", một lần ông giải thích, "Ngoài kia có những người muốn thấy tôi chết".

Trong khi đó, Putin giận dữ cáo buộc chính quyền Anh đang phá hoại tiến trình điều tra. Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Anh Hazel Blears đáp trả rằng các cuộc điều tra của Chính phủ nước này không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Berezovsky phạm tội. Không lâu sau khi được trao quy chế tị nạn, tháng 11 năm 2003, Berezovsky tới Georgia để thăm người bạn cũ Badri Patakartsishvili. Đó là một hành trình nguy hiểm và trước khi khởi hành, ông ta bí mật đổi tên và làm hộ chiếu lấy tên Platon Yelenin. Có vẻ như cái thói quen lén lút ấy thật khó bỏ.

Giống như vụ bắt giữ Khodorkovsky sau đó, việc truy đuổi hai trong số những ông trùm hàng đầu quốc gia là một bước ngoặt trong lịch sử của nền chính trị Nga. Những ngón tay giờ không còn có thể che khuất mặt trời được nữa. Yeltsin, người bênh vực họ bao lâu nay, hiện đang sống lặng lẽ dưới sự bảo đảm của một sắc lệnh về quyền miễn trừ truy tố. Một phần của sắc lệnh đó như sau: "Tổng thống Liên bang Nga, đã hoàn thành trọng trách, được hưởng quyền miễn trừ... Ngài sẽ không phải chịu bất kỳ thủ tục, biện pháp giam giữ hay câu lưu hành chính và tố tụng hình sự nào; Ngài sẽ không phải chịu các cuộc điều tra về đất đai và không phải chịu thẩm vấn hay điều tra cá nhân." Trong một đất nước mà các cáo buộc giả tạo vốn là thủ thuật của nhiều lãnh đạo chính trị thì một sự bảo vệ như thế có thể được coi là sự khôn ngoan hiếm thấy, nhưng một phần của thỏa thuận là Cựu Tổng thống Yeltsin không được can thiệp vào chính trường. Thế là những tỷ phú mà ông tạo ra giờ đã trở nên yếu đuối hơn bao giờ hết.

Giành chiến thắng trong những nỗ lực đầu tiên chống lại các ông trùm, Putin bắt đầu tìm cách buộc họ phải tuân lệnh. Ông áp dụng theo cách thức của Anwar Sadat khi ông này kế vị Tướng Nasser làm Tổng thống Ai Cập năm 1970. Sadat thừa kế một chính đảng vượt trội, và trong một nỗ lực nhằm xây dựng hình ảnh đa đảng trong tiến trình chính trị, ông chia đảng này ra thành một số tổ chức riêng biệt. Quyền lực của ông không suy giảm nhưng hình ảnh của ông lại giống một nhà dân chủ. Tương tự như vậy, Putin cho phép các ông trùm tài trợ cho một số đảng phái khác nhau và đổi lại, các đảng này sẽ phải ủng hộ sự nghiệp chính trị của ông.

Mặc dù quyền lực gia tăng nhưng có những dấu hiệu cho thấy Abramovich bắt đầu thể hiện thái độ không sẵn sàng tham gia vào tiến trình chính trị. Một cựu cố vấn của Putin cho biết: "Roman không bao giờ muốn dính líu tới chính trị, chỉ muốn tập trung vào kinh doanh, nhưng Berezovsky đã lôi kéo anh ấy vào các vấn đề của điện Kremlin." Đến nay, người ta không còn nghi ngờ gì việc trò đã giỏi hơn thầy. Trong khi có những người cho rằng Abramovich là nhân vật quyền lực thứ hai ở Nga thì Berezovsky đã là người của quá khứ. Sáu tháng sau khi Berezovsky rời sang Pháp, trong một lần được hỏi về ông ta, Putin đã trả lời: "Boris Berezovsky ư? Ai vậy?"

mϛD$I

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top