Chương 5. Sự bành trướng thô bạo


Sibnef, hãng dầu lửa mà Abramovich và Berezovsky khôn khéo giành được, không chỉ là một tập đoàn công nghiệp khổng lồ với hơn 50 nghìn công nhân. Ngoài một công ty khai thác dầu và một nhà máy tinh chế, tập đoàn này còn tham gia nhiều hoạt động phụ trợ khác thông qua chi nhánh khai thác chính Noyabrskneftegaz, có trụ sở ở một khu vực xa xôi phía Tây Siberia. Noyabrskneftegaz bắt đầu hình thành ở vùng Kholmogorskoye, nơi từng có mỏ dầu cực bắc của Nga và bắt đầu khai thác từ giữa thập kỷ 70. Không lâu sau, người ta phát hiện ở khu mỏ này một trữ lượng dầu mới rất lớn. Năm 1980, Chính phủ quyết định mở rộng sản xuất dầu ra toàn quốc và ban hành lệnh khẩn trương xây dựng một mạng lưới các thành phố và làng xã làm nơi cư ngụ cho dòng công nhân di chuyển đến. Một trong những nơi đó là Noyabrsk.

Giống như nhiều "doanh nghiệp kiến tạo địa phương" được thành lập trong thời kỳ Xô Viết, người ta hy vọng Noyabrskneftegaz sẽ vừa khai thác dầu vừa tạo ra cơ sở hạ tầng xã hội. Như vậy, Abramovich và Berezovsky nghiễm nhiên được thừa hưởng thêm 5 nông trang tập thể với 1.500 người, một nhà máy gạch, một nhà máy sản xuất quần áo và một nhà xuất bản. Ngoài ra còn có 200 nghìn m2 đất để xây chung cư, 100km đường xá, các khu thể thao, các nhà trẻ và một khách sạn. Tương tự như ở nhà máy lọc dầu Omsk, dần dần, tất cả các hoạt động phụ trợ này đều được đem bán hoặc chuyển giao cho chính quyền thành phố. Thực tế này có thể giải thích cho việc Abramovich mua một công ty giết mổ và chế biến thịt heo có tên là Omsk Bacon nhằm đa dạng hóa các hoạt động phụ trợ. Một vài năm sau, anh cũng mua lại toàn bộ đội khúc côn cầu trên băng của Omsk – đội Omsk Avangard, và xây dựng đội này theo mô hình một đội Chelsea thu nhỏ. Khi Abramovich tiếp quản, đội bóng này còn được mô tả là "một tập hợp những kẻ vô vọng ngập trong nợ nần" nhưng sau khi được đầu tư nhiều triệu đô-la, đội bóng đã thay đổi hoàn toàn. Năm 2003, Abramovich thuê Sergei Gersonsky, một huấn luyện viên có tầm cỡ quốc gia và đội bóng đó giờ đây đang cạnh tranh ngôi vị hàng đầu khu vực. "Từ khi ông ấy giải cứu chúng tôi cách đây 5 năm, đội bóng đã thay đổi đến mức không thể nhận ra," Arkady Alekseev, phát ngôn viên của Câu lạc bộ, nhận xét, "Bây giờ chúng tôi có thể thu nhận những cầu thủ tốt nhất".

Ngoài những tài sản hữu hình đó, các ông chủ mới của Sibneft còn xây dựng lại lối tư duy và văn hóa tập thể của công ty này. Nhiều nhân viên quản lý kỳ cựu của Sibneft đã trưởng thành trong môi trường cộng sản, được định hướng xây dựng và phát triển nhằm đạt được chỉ tiêu của Nhà nước chứ không phải là hướng đến việc tối đa hóa lợi nhuận. Điều này đã dẫn đến những tác hại nghiêm trọng cho môi trường. Theo một nghiên cứu độc lập được công bố năm 2001, có đến 840 nghìn hecta đất ở tây Siberia đã bị ô nhiễm do chất thải hóa học trong quá trình khai thác và dầu rò rỉ từ các đường ống, các giếng dầu và các kho dầu. Báo cáo này, được tổ chức Hòa bình Xanh ủy nhiệm, đưa ra đánh giá rằng các đường ống dẫn dầu đã rò rỉ đến 500 lít dầu mỗi giây. Không chỉ các động vật hoang dã ở địa phương phải gánh chịu hậu quả, các con sông và các tầng nước ngầm ở đây cũng bị phát hiện là ô nhiễm ở mức gấp 50 lần tiêu chuẩn an toàn của Nga. Chi phí để khắc phục những hậu quả này có thể lên đến nhiều tỷ bảng Anh. Tuy nhiên, sau khi được tư nhân hóa, ưu tiên của công ty không phải là làm sạch môi trường mà là kiếm tiền.

Không thỏa mãn với việc mua rẻ được Sibneft, Abramovich và Berezovsky tiếp tục tìm cách kiểm soát chặt các công ty con của Sibneft. Sibneft là một tập đoàn cổ phần đa công ty và mặc dù bộ đôi Abramovich – Berezovsky sở hữu hầu như toàn bộ cổ phần của Sibneft, nhưng lại chỉ nắm được 61% cổ phần của Noyabrskneftegaz. Hai người nhanh chóng xác định quyết tâm thay đổi hiện trạng khó chịu này. Mùa hè năm 1997, các cổ đông của Noyabrskneftegaz nhận được một thông báo về chương trình nghị sự của phiên họp toàn thể thường niên của công ty. Các nội dung chính bao gồm việc thông qua một điều lệ mới nhằm điều chỉnh hoạt động của Noyabrsk cho phù hợp với luật công ty cổ phần mới của Nga và một đề xuất về việc phát hành thêm cổ phiếu phổ thông được phép lưu hành nhằm mục đích "chính thống" là tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, kiến nghị này chưa xác định số lượng cổ phiếu mới mà công ty dự định phát hành. Vì vậy, một số cổ đông nhỏ quyết định không dự họp. Đúng vào phiên họp đó, Ban quản trị của Noyabrskneftegaz mới tiết lộ theo kế hoạch này, số cổ phiếu mới được công bố chiếm một tỷ lệ vô cùng lớn, bằng 196.300% công ty. Theo Giáo sư Bernard Black, giáo sư luật của Trường Đại học Luật Stanford, người sau đó tư vấn cho một cổ đông bị thiệt hại của Noyabrsk, Sibneft dĩ nhiên là cổ đông duy nhất ủng hộ đề xuất này, nhưng vì chỉ đại diện của 75% số cổ đông tham dự cuộc họp, nên kế hoạch pha loãng cổ phiếu có một không hai đó đã nghiễm nhiên được thông qua.

Kể từ lúc đó mọi việc chuyển biến một cách nhanh chóng. Tại cuộc họp, Ban quản trị của Noyabrsk chỉ hứa miệng là sẽ tuân thủ những nội dung trong điều lệ mới liên quan đến việc phát hành cổ phiếu mới. Điều lệ này quy định "quyền được ưu tiên mua trước", cho phép tất cả các cổ đông hiện tại được quyền mua thêm cổ phiếu mới tương đương với tỷ lệ cổ phần mà họ đang nắm giữ, như vậy sẽ đảm bảo tỷ lệ góp vốn của họ ở công ty không bị suy giảm. Tuy nhiên, sau đó, Noyabrsk phớt lờ hoàn toàn điều lệ mới và chỉ cho phép bốn đối tác, tất cả đều có mối liên hệ chặt chẽ với Sibneft, được mua cổ phiếu mới. Hai trong số bốn bên mua cổ phiếu đó đều do Sibneft kiểm soát, bên thứ ba là một quỹ đầu tư khai thác dầu ngoài khơi cũng do Sibneft kiểm soát và bên thứ tư là "một ngân hàng đầu tư chịu sự chỉ đạo của Sibneft", theo như Black mô tả. Tệ hơn là số cổ phiếu mới không được bán với giá 16 đôla/1 cổ phiếu – giá đang được giao dịch tại thời điểm đó – mà bị giảm xuống chỉ còn 7,0 đôla, mặc dù Công ty đã quy định rằng cổ phiếu phải được bán với "giá thị trường". Chỉ hai tháng sau đó, bốn đối tác trên đều chuyển số cổ phiếu của mình cho Sibneft. Người ta thấy rõ rằng tất cả những bước đi đó đều nhằm mưu đồ giúp Sibneft tăng cổ phần ở Noyabrsk.

Có lẽ không ai ngạc nhiên khi một cổ đông nhỏ đệ đơn kiện Noyabrsk và Sibneft ra tòa về việc này. Tình huống trớ trêu xảy ra sau đó không được điều chỉnh cụ thể trong hệ thống pháp luật Nga. Giáo sư Black đã mô tả những diễn biến này một cách sinh động trong một bài báo đăng trên tạp chí của Công ty Dịch vụ Pháp lý cho Cổ đông (Institutional Shareholder Services) có tiêu đề là "Ăn chặn cổ phiếu kiểu Nga". Noyabrsk và Sibneft bảo vệ hành động của mình bằng một số biện pháp. Đầu tiên họ đưa một "chuyên gia" thuyết phục Tòa rằng giá 7,60 đô-la thực sự là giá thị trường của cổ phiếu Noyabrsk mặc dù giá giao dịch thực tế gấp hơn hai lần (trên thực tế, giá cơ bản của cổ phiếu Noyabrsk thậm chí còn cao hơn vì giá giao dịch đã bị giảm rất nhiều do công ty này bán phá giá dầu và gas cho Sibneft).

Về "quyền được ưu tiên mua trước", Noyabrsk và Sibneft tranh luận rằng điều khoản của Điều lệ đảm bảo tính pháp lý của quyền này trên thực tế là không được phép theo Luật doanh nghiệp, chính bộ luật mà ngay từ ban đầu những người xây dựng Điều lệ đã sử dụng làm căn cứ soạn thảo. Black thừa nhận luận điểm này có lý nhưng cũng chỉ ra rằng không gì có thể ngăn cản Ban quản trị tạo điều kiện cho tất cả các cổ đông mua cổ phiếu mới nếu họ muốn.

Quyết định của Tòa có lợi cho bị đơn khi xác định giá cổ phiếu tương đương với khoảng 45% giá giao dịch là hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu cổ phiếu được phát hành với giá thị trường, đồng thời khẳng định rằng Noyabrsk "không có nghĩa vụ phải tuân thủ Điều lệ của chính mình".

Khi cổ đông bị thiệt hại kháng cáo, mọi chuyện còn tồi tệ hơn. Chánh án tòa phúc thẩm ở thành phố nhỏ Salekhard quyết định so sánh chữ ký của luật sự trong bản kháng cáo với chữ ký trong đơn kiện gốc và đi đến kết luận rằng chúng có vẻ "khác nhau" ("Chúng không khác nhau", Black khẳng định), và bác bỏ đơn kháng cáo. Một việc rất kỳ lạ khác là phiên tòa phúc thẩm lại do chính vị quan tòa đã xét xử phiên tòa sơ thẩm làm chủ tọa. Giáo sư Black nhận xét: "Đây không phải là thông lệ ở các phiên tòa của Nga."

Kế hoạch chiếm đoạt cổ phiếu thành công này đã giúp Sibneft có được lượng cổ phần vượt trội tại Noyabrsk và giành thêm quyền kiểm soát chi nhánh khai thác dầu chủ chốt này. Mấu chốt của vụ việc này là biện pháp thâu tóm Noyabrsk bằng phương pháp chuyển giá. Đây là tiến trình mà một công ty mẹ mua dầu từ một chi nhánh khai thác với giá thấp hơn giá thị trường; sau đó thế chấp công ty con đó, với giá cao hơn nhiều, để vay tiền của các ngân hàng phương Tây. Kết quả là công ty mẹ trở nên giàu có nhưng chi nhánh sản xuất của nó bị thiệt hại. Hãng Yukos của Khodorkovsky cũng đã vô cùng thành công với phương thức làm ăn này.

Kiểu làm ăn đó của giới tài phiệt Nga giải thích tại sao cho đến năm 1998, đầu tư nước ngoài ở Nga rất thấp trong khi đồng rúp trên đà mất giá mạnh. "Hậu quả là, Nga là một trong số những nước có tỷ lệ đầu tư nước ngoài so với GNP thấp nhất trong số các nền kinh tế thị trường đang nổi lên trong thập kỷ 1990." Black viết, "Các nhà đầu tư nước ngoài, lẽ ra đã có thể cung cấp nguồn vốn dài hạn giúp Nga tránh được sự mất giá của đồng rúp, nhưng lại rất quan ngại và bỏ đi."

Có lẽ do lo ngại những tác động tiêu cực của vụ Noyabrsk đến uy tín về khả năng quản trị tập đoàn của mình, Abramovich và Berezovsky quyết định thành lập một "ban cố vấn quản trị tập đoàn" để xây dựng một bộ "các nguyên tắc quản trị tập đoàn". Giám đốc điều hành của Sibneft lúc đó là Eugene Shvidler, một người bạn và đồng nghiệp lâu đời của Abramovich ở Runicom, công ty kinh doanh dầu lửa có trụ sở ở Thụy Sĩ mà anh thành lập vài năm trước. Không giống như ông chủ, Shvidler có một hồ sơ học vấn hoàn hảo: tốt nghiệp đại học ở Học viện Dầu khí Gubkin, sau đó nhận bằng thạc sĩ ở Đại học Fordham danh tiếng của Mỹ và làm việc cho công ty kế toán khổng lồ Deloitte Touche với vai trò là thành viên bộ phận thuế quốc tế của công ty này. Nhưng cũng như Abramovich, anh này rất chăm chỉ duy trì những mối quan hệ trong điện Kremlin và nghe nói là rất thân cận với Putin và Mikhail Kasyanov, vị thủ tướng mà Putin sa thải ngay trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 3 năm 2004. Shvidler có dáng hơi thấp, tính tình nóng nảy, không kiên nhẫn với các phóng viên. Mặc dù được đồng nghiệp ở Sibneft kính trọng và cấp dưới yêu mến, nhưng Shvidler có vẻ giống như nhân vật phản diện trong bộ đôi Shvidler-Abramovich. "Anh ta có thể tẩn nhừ tử một nhân viên vì tội làm mất cái gì đó", một người trong cuộc nói, "trong một công ty có 60 nghìn nhân viên, anh ta vẫn có thể chú ý đến những món tiền rất nhỏ. Chẳng hạn, anh ta quan tâm đến cả những tấm vé máy bay."

Cùng với việc phát hành trái phiếu châu Âu (Eurobond) cuối năm 1997, Sibneft bắt đầu hình thành và sử dụng một thế hệ các nhà quản lý linh hoạt hơn. Eugene Tenenbaum bắt đầu làm việc với Sibneft khi anh là Giám đốc Điều hành ở Salomon Brothers, ngân hàng đầu tư phụ trách vấn đề Eurobond. Sinh ra ở Nga, anh ta rời Liên Xô năm 1974 khi mới 8 tuổi và chuyển đến Canada. Mặc dù sau đó trở thành công dân Canada, nhưng khi lớn lên, anh ta lại chuyển đến London để theo đuổi ngành ngân hàng. Khi gặp Abramovich và Shvidler, anh ta đã 32 tuổi, vẻ ngoài bảnh bao, luôn đeo kính và đã rất thành đạt. Chính nhờ khuyến nghị của Tenenbaum mà Abramovich đã thành lập một ban quản trị quan hệ đầu tư đầu tiên. Eurobond là biện pháp thu hút thêm tiền mặt bằng cách cam đoan trả một tỷ lệ lãi suất cố định trên giá trị của mỗi trái phiếu và hoàn trả khoản đầu tư của người mua khi đến hạn. Vì Eurobond khi đó đã trở thành một loại hàng hóa có thể giao dịch, nên giá của chúng có thể lên hoặc xuống phụ thuộc vào mức độ tin tưởng của thị trường cả về khả năng trả tỷ lệ lãi suất đã cam đoan và trả gốc đúng hạn của nhà phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, niềm tin của thị trường rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực do những tin đồn thất thiệt và các điều kiện giao dịch khó khăn. Vì vậy, Tenenbaum nhắc Shvidler rằng phải có một cố vấn về quan hệ công chúng để vô hiệu hóa những tin đồn bất lợi và người được chọn mặt gửi vàng là Gregory Barker. Chuyên gia tài chính trẻ tuổi người Anh này chỉ mới làm việc cho hãng PR Brunswick không lâu trước khi tiếp xúc với Sibneft và vừa trải qua thất bại đầu tiên trong nỗ lực sáp nhập Sibneft và Yukos thành một công ty dầu lửa khổng lồ có khả năng cạnh tranh với các công ty khác như Exxon, Shell và BP.

Shvidler thích tính cách của Tenenbaum và rất nhanh chóng, cả Tenenbaum lẫn Barker đều nghỉ việc tại công ty cũ và chuyển đến Moscow vào tháng 3 năm 1998 để đầu quân cho Sibneft. Tenenbaum làm Giám đốc tài chính tập đoàn còn Barker trở thành cấp dưới cao nhất của Tenenbaum, phụ trách quan hệ với các nhà đầu tư. Sibneft hoàn toàn khác với những công ty trước đó mà họ đã từng làm việc. "Công việc ở đây rất căng thẳng nhưng hứng thú và hấp dẫn", Barker nhớ lại, "Họ không bắt đầu làm việc sớm nhưng liên tục làm việc cho đến rất khuya." Các nhân viên của công ty rất thân thiết với nhau, đặc biệt là trong ban lãnh đạo. Mọi người thường gọi nhau bằng tên thân mật. Chính phong cách thoải mái của Abramovich đã tạo không khí thân tình cho toàn công ty. Barker còn nhớ rất rõ lần đầu tiên gặp Abramovich: "Tôi còn nhớ đã nói với một thư ký: 'Cái ông nhà quê đứng ở chỗ máy photocopy kia là ai vậy?' Cô thư ký trả lời: 'Roman đấy, đây là công ty của ông ấy.' Anh ấy ăn mặc rất giản dị, chỉ là một chiếc quần jeans và một áo sơ mi hở cổ."

Văn phòng chính của Abramovich nằm trên một góc tầng chóp của tòa nhà Sibneft ở Moscow, trong khuôn viên một biệt thự được xây dựng vào thế kỷ XIX, có tầm nhìn hướng ra điện Kremlin qua con sông Moscow. Văn phòng xa hoa này có vẻ không hợp với phong cách dân dã của Abramovich. Nội thất của nó do một công ty thiết kế nội thất Anh sắp đặt, bắt chước kiểu cung điện của vua James với những bức tường ốp gỗ tối màu và có một lò sưởi lớn ở giữa.

Abramovich ít khi ngồi sau bàn làm việc. Anh thích được ngồi thư thái trên một chiếc ghế sofa để điều hành các cuộc họp. Khi không khí bớt nóng và có chương trình bóng đá trên truyền hình, nhìn qua cánh cửa luôn rộng mở, mọi người sẽ bắt gặp anh gác chân lên bàn xem đá bóng trên chiếc TV màn hình rộng. Ngay cả Shvidler đáng gờm cũng biết cách giải trí với Abramovich. Mọi người tụ họp ở văn phòng của Abramovich không chỉ để thảo luận về chiến lược kinh doanh mà còn để trò chuyện về những mẫu xe hơi mới và tính xem nên đi đâu trong kỳ nghỉ tới. Abramovich và phụ tá cao cấp nhất của mình không chỉ cùng làm việc mà còn cùng chơi. Mỗi khi họ trở về nhà sau khi cùng nhau đi nghỉ, đến miền nam nước Pháp chẳng hạn, thì mọi người trong văn phòng sẽ phát hiện ra rằng chiến lược hoạt động của Tập đoàn cũng đã được phát triển xa không kém. Trên thực tế, dấu hiệu duy nhất của việc phân tầng xã hội ở Sibneft, ngoài độ dày của phong bì tiền lương, là bữa ăn trưa. Các nhân viên sẽ ở căng-tin hoặc ở phòng ăn của Ban quản trị tùy thuộc vào vị trí của họ.

Riêng Abramovich, tuy có phòng ăn riêng nhưng nếu không có khách thì anh sẽ mời đồng nghiệp cùng dùng bữa.

Nhân vật nổi danh là một trong những ông chủ cứng rắn nhất trên thương trường nước Nga hiện nay chắc chắn cũng có những "phần mềm" khó lý giải. Chánh văn phòng đương nhiệm của Sibneft là Marina Goncharova, một phụ nữ trung tuổi có mái tóc nhuộm vàng, đã làm việc cùng với Abramovich từ những năm 1980 khi hai người cùng bán búp bê ở một sạp hàng ở chợ. Abramovich đã luôn quan tâm tới Goncharova kể từ ngày đó. Một người tỏ ra ngưỡng mộ: "Bất kỳ ai thành đạt như thế ở Anh thì chắc chắn cũng đều đã bỏ rơi cô ấy rồi. Thế nhưng với Abramovich, cô ấy vẫn có sức ảnh hưởng đáng kể."

Bầu không khí dân dã ở Sibneft hoàn toàn đối lập với kiểu văn hóa thứ bậc vốn tồn tại như một truyền thống ở Yukos. Ở Yukos, việc quản lý được tổ chức theo trật tự rất rõ ràng và nhiều người quanh Khodorkovsky tỏ ra khiếp sợ ông ta. Khi điều hành công ty, Khodorkovsky cho lắp đặt các máy quay phim trong văn phòng để giám sát công việc của các nhân viên. Người ta còn đồn đại về việc Khodorkovsky đã quát mắng những người trưởng thành đến phát khóc và đe dọa họ trước mặt mọi người. Sự khác biệt về phong cách này chưa bao giờ lớn đến mức ảnh hưởng đến việc hợp nhất Sibneft và Yukos, tuy nhiên, chính những vấn đề cốt lõi đã khiến việc đó thất bại. Người ta nói rằng, khi Abramovich và Shvidler nhận thấy Yukos gặp nhiều khó khăn về tài chính hơn họ từng nghĩ, họ đã rút khỏi thương vụ này. Theo trang web của Sibneft, lý do khiến các cuộc thảo luận bị bỏ dở là "vì sự khác biệt về chiến lược".

Sibneft không chỉ giúp Abramovich và Berezovsky trở thành những trùm tài phiệt trong chớp mắt mà còn giúp họ dư dả tiền bạc vô cùng. Bằng việc thế chấp sản phẩm tương lai cho các ngân hàng nước ngoài, gần như ngay lập tức họ có được những khoản vay khổng lồ. Berezovsky lúc đó rất cần tiền mặt. Tháng 4 năm 1995, lợi dụng lúc Yeltsin quẫn trí, ông ta tìm cách giành quyền kiểm soát Kênh 1 (Channel One), đài truyền hình quốc gia số 1 ở Nga. Ông ta cam đoan là sẽ biến công cụ truyền thông đầy quyền lực này từ một lực lượng chỉ trích Chính phủ trở thành công cụ cổ động cho sự nghiệp của Tổng thống. Trước tiên ông phải vượt qua sự chống đối của Korzhakov, người kiên quyết phản đối việc trao vào tay tư nhân một doanh nghiệp quan trọng như thế. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của nhóm "Gia đình", Berezovsky dễ dàng đạt được ý đồ khi Dyachenko và Yumashev thuyết phục thành công Yeltsin. Lại một lần nữa, vai trò thành viên nhóm "Gia đình" đã giúp Berezovsky giành được quá nhiều đặc quyền: nắm 49% kênh truyền hình này với giá rẻ mạt 2,2 triệu đô-la mà không phải thông qua các cuộc đấu giá cần thiết theo quy định của pháp luật. Để biện minh, Berezovsky khẳng định rằng mặc dù đài truyền hình này thu được 40 triệu đô-la mỗi năm từ quảng cáo nhưng chi phí lại đang tăng vượt ngoài tầm kiểm soát, lên đến 250 triệu đô-la mỗi năm. Vấn đề ở đây là phần lớn số tiền thu được từ quảng cáo đã bị thất thoát qua các khâu trung gian.

Giải pháp của Berezovsky cho vấn đề này rất linh hoạt. Ông ta chỉ đơn giản đề nghị tuyên bố ngưng bán quảng cáo trong 3 tháng và sau đó bắt đầu mở lại tiến trình này. Việc này làm không ít người tức giận nhưng không ai dự đoán được thảm kịch sẽ xảy ra sau đó. Sau khi đặt một cái tên mới kiểu Orwellian cho kênh truyền hình tư nhân này là Truyền hình Đại chúng Nga, hoặc ORT theo bảng chữ cái tiếng Nga, Berezovsky bổ nhiệm một giám đốc điều hành mới là Vlidislav Listyev. Lúc đó Listyev mới 38 tuổi, có bộ râu kiểu ghi-đông, là một trong những người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng nhất thường phỏng vấn những nhân vật có thế lực. Tuy nhiên, chỉ một tháng trước ngày dự định tiếp quản công việc mới (tháng 4), Listyev bị hai người đàn ông bắn chết trên đường dẫn vào căn hộ của mình. Cái chết của nhân vật danh tiếng này đã gây ra một cơn chấn động khắp đất nước và Yeltsin phản ứng bằng cách sa thải công tố viên và cảnh sát trưởng của Moscow, đồng thời đổ lỗi cho Thị trưởng Yuri Lozhkov vì đã không kiên quyết trấn áp mafia.

Dù chính quyền có dùng mọi lời lẽ hoa mỹ thì người ta vẫn không bao giờ tìm thấy thủ phạm. Cái chết của Listyev đã tiếp tục ám ảnh Berezovsky rất lâu. Chúng ta sẽ nhận thấy điều đó trong phần tiếp theo.

Cuối cùng, Berezovsky đã giải quyết vấn đề bằng một biện pháp đơn giản là bán thời gian quảng cáo của ORT cho một doanh nghiệp trung gian để doanh nghiệp này bán lại cho các nhà quảng cáo. Sau này Berezovsky thú nhận: "Tôi chưa bao giờ thích thú với truyền thông như với kinh doanh. Động cơ của ông ta thuần túy là củng cố quyền lực chính trị. "Ngay từ đầu, đó đã là động lực của tôi", ông ta nói, "Và nhiều người chống lại tôi vì điều đó, nhưng tôi sẵn sàng đương đầu. Tôi nghĩ rằng đây là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn cộng sản, ngăn chặn Primakov và Luzhkov (người sau này thách thức Yeltsin trong bầu cử tổng thống)."

Khi vấn đề ORT được giải quyết và Sibneft được vận hành trơn tru dưới sự quản lý của Abramovich và các cộng sự, Berezovsky quyết định tập trung cho sự nghiệp chính trị. Tháng 10 năm 1996, ông trở thành Phó Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, thuộc cấp của Ivan Rybkin. Berezovsky có những mối quan hệ tốt ở Chechnya và nhiệm vụ chính của ông là tìm giải pháp cho cuộc xung đột được khơi mào từ hai năm trước đó. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị sau đó của ông trùm này không gặp thuận lợi. Ngày 30 tháng 12 năm đó, một bài báo đăng trên tạp chí tài chính Mỹ Forbes đã làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của Berezovsky. Bài viết có tiêu đề "Bố già của điện Kremlin? Quyền lực, chính trị, giết chóc. Boris Berezovsky có thể dạy cho các ông trùm mafia ở Sicilia một vài điều." Bài báo trên mô tả Berezovsky là người "tinh quái" và "vô liêm sỉ", đồng thời bình luận: "Sau lưng ông ta đầy rẫy xác chết, những món nợ khó đòi và những đối thủ cạnh tranh đang lo sợ cho cuộc sống của họ", chưa kể đưa ra những cáo buộc khủng khiếp khác, bao gồm cả việc giết hại các đối thủ chính trị, trong đó có cả Vladislav Listyev, người được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của ORT. Có lẽ không ai ngạc nhiên lắm khi Berezovsky khởi kiện tạp chí Forbes về tội phỉ báng. Vụ kiện kéo dài trong nhiều năm vì trước khi điều trần về vụ này, Berezovsky đòi quyền thưa kiện tới các tòa án Anh và bị tạp chí Forbes phản đối kịch liệt. Berezovsky lập luận rằng các tòa án Anh có đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện này vì ông có các mối liên hệ trọng yếu về công việc, xã hội và gia đình ở Anh. Ví dụ, bà vợ thứ hai của ông (đã ly thân) sống ở London với hai con chung. Ngoài ra, ông còn có hai người con gái khác từ cuộc hôn nhân trước đang theo học tại Đại học Cambridge.

Forbes thua kiện vào tháng 3 năm 2003, vụ kiện được khép lại với việc tạp chí này thừa nhận đã buộc tội Berezovsky sai, cam đoan không bao giờ nhắc lại và đưa ra lời hiệu đính trên trang web của mình. Dù sao đi nữa, những tai tiếng đó đã khiến giai đoạn đảm nhiệm vị trí Phó Thư ký Hội đồng An ninh của Berezovsky trở nên rất ngắn ngủi.

Ông ta và Vladimir Gusinsky bước vào cuộc chiến chống lại Vladimir Potanin sau thất bại trong phiên đấu giá Công ty viễn thông Svyazinvest tháng 7 năm 1997. Ban đầu, chính Abramovich là người đề nghị tư nhân hóa Svyazinvest. Tuy nhiên, thế cờ bị đảo ngược, cái giá mà họ đề nghị không đạt được. Potanin với sự hậu thuẫn của George Soros đã thắng cuộc sau khi trả giá 1,9 tỷ đô-la. Tuy nhiên, Berezovsky (với sự ủng hộ của Abramovich) và Gusinsky không chấp nhận kết quả đó. Họ sử dụng quyền kiểm soát truyền thông để cáo buộc tiến trình đấu giá này có sự gian lận và Potanin đã hối lộ các thành viên chính phủ. Hai phó thủ tướng thứ nhất vừa được bổ nhiệm hồi đầu năm là Anatoli Chubais và Boris Nemtsov đã cố gắng xoa dịu vấn đề nhưng không bên nào có ý định thỏa hiệp. Trong cuốn Tales of a Kremlin Digger, Elena Tregubova trích dẫn lời Nemtsov mô tả cuộc chạm trán căng thẳng tại nhà của Valentin "Valya" Yumashev, một nhân vật trung thành với Abramovich-Berezovsky:

Tanya Dyachenko có mặt ở đó. Chubais và tôi đến bởi chúng tôi tưởng Valya muốn thông báo tình hình gì đó, nhưng ông ấy không nói gì. Thật quá tệ. Không khí ngột ngạt. Valya và Tanya ngồi đó trong im lặng, ăn món shashliki với vẻ hăm dọa. Tôi không biết ai chuẩn bị món ăn đó cho họ. Tôi đồ rằng chắc là một đầu bếp nào đó. Sau đó có người nói với tôi rằng đó chính là Abramovich.

Cái gọi là "cuộc chiến truyền thông" này kéo dài nhiều tháng liền cho đến khi Chubais và Nemtsov đến gặp Yeltsin và khuyên Tổng thống "sa thải" Berezovsky, khẳng định rằng nếu ông ta vẫn còn một chân trong Chính phủ thì Yeltsin sẽ mất tín nhiệm với người dân. Sau khi thăm dò ý kiến của các cố vấn, Yeltsin đã thực hiện đề nghị này vào tháng 11 năm 1997. "Tôi chưa bao giờ thích Berezovsky và đến giờ cũng vậy", Tổng thống viết trong hồi ký, "Tôi không thích vì cái vẻ kiêu ngạo của ông ta và vì mọi người tin ông ta có ảnh hưởng đặc biệt ở điện Kremlin. Điều đó không đúng." Tổng thống viết thêm rằng ông cảm thấy buộc phải sử dụng Berezovsky vì "tài năng" và "năng lực chuyên môn và kinh doanh" của ông ta.

Nhưng nếu Yeltsin nghĩ sự nghiệp chính trị của Berezovsky sẽ kết thúc tại đây thì vị Tổng thống này đã nhầm. Berezovsky trở lại chính trường tháng 4 năm 1998 khi Leonid Kuchma, Tổng thống Ucraina, đề cử ông làm Thư ký Điều hành của Cộng đồng các Quốc gia độc lập (CIS). Thư ký CIS có nhiệm vụ phối hợp hoạt động giữa các quốc gia thành viên có vai trò quan trọng trong chính trường khu vực. Yeltsin đã phải thừa nhận rằng việc CIS bổ nhiệm chức vụ cho Berezovsky khiến ông "vô cùng ngạc nhiên". Ông thậm chí còn kinh ngạc hơn khi chứng kiến hết nguyên thủ quốc gia này đến nguyên thủ quốc gia khác lên bục diễn thuyết bày tỏ sự ủng hộ đối với Berezovsky trong vai trò thư ký CIS. Sau đó sự việc dần hé lộ rằng Berezovsky đã vận động hậu trường điên cuồng, tiếp cận từng vị tổng thống một. Yeltsin phát biểu bày tỏ sự e ngại và đề nghị các tổng thống khác cân nhắc lại, nhưng họ phản ứng một cách bối rối và hỏi thẳng vì sao Tổng thống Nga lại phản đối một ứng cử viên người Nga?

Yeltsin đề nghị giải lao và yêu cầu Trưởng ban lễ tân triệu tập Berezovsky vào điện Kremlin ngay lập tức. Sau một cuộc gặp riêng ngắn ngủi với ông trùm mà ông từng tỏ ra coi thường này, Tổng thống trở lại phòng họp và thông báo rằng ông đã chấp thuận đề nghị của họ.

Dĩ nhiên Berezovsky thực thi công việc mới một cách rất nghiêm túc. Trụ sở văn phòng mới của ông ta đặt tại Minsk, Belarus. Ông ta nhanh chóng bắt tay vào việc quản lý hoạt động của cơ quan này cho phù hợp với tham vọng của mình. Một người trong cuộc nhớ lại: "Ông ấy không có nền tảng cần thiết. Ông ấy quyết tâm biến cơ quan này thành một tổ chức lớn chỉ trong vài tháng đầu, từ tháng 5 cho đến mùa thu. Thông qua Shvidler, Abramovich đã đề nghị tôi giúp Berezovsky bắt đầu mọi việc." Anh này không cần phải lo lắng vì chỉ một năm sau, do tác động của Yeltsin, Berezovsky bị sa thải và không bao giờ giữ vị trí nào trong chính quyền nữa.

Trong suốt thời kỳ này, nhân vật nói trên ở vào vị trí có thể đánh giá được bản chất của mối quan hệ từng là thầy trò giữa Berezovsky và Abramovich. Ông này nói: "Đó chắc chắn không phải là mối quan hệ chủ-tớ. Berezovsky thường đến Sibneft để gặp Abramovich. Trong những lần tôi đến văn phòng của Berezovsky, hai lần ông ấy đi gặp Abramovich, chứ không phải ngược lại."

Năm 1998, Abramovich vẫn chưa được biết đến nhiều, đối với cả giới tài phiệt phương Tây cũng như là hầu hết công chúng Nga. Gregory Barker cố gắng thuyết phục Abramovich công khai danh sách cổ đông của Sibneft để dân chúng biết rằng Berezovsky, người bị nhiều nhân vật trong cộng đồng tài chính phương Tây coi là lập dị, không phải là cổ đông toàn quyền như họ vẫn nghĩ. Mặc dù Abramovich từ chối nhưng anh quyết định tháo bỏ mặt nạ, công bố mình là đối tác của Berezovsky với hy vọng có thể khiến cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan và quan tâm nhiều hơn đến Sibneft.

Việc Abramovich mong muốn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư phương Tây được thể hiện rõ ràng nhất sau thời điểm đồng rúp sụt giá thảm hại tháng 8 năm 1998. Cuộc khủng hoảng bắt đầu ngày 27 tháng 5, sau này được gọi là Ngày Thứ Tư đen tối. Trong phiên đóng cửa hôm đó, chỉ số chứng khoán chính tại Nga bay hơi 10% giá trị, khiến cho tổng mức sụt giảm của thị trường chứng khoán kể từ đầu tháng là 40%. Tỷ lệ lãi suất đã giảm từ 42% trong tháng 1 xuống còn 30%, nay đột ngột tăng lên 150%. Chính phủ nợ nước ngoài hơn 140 tỷ đô-la Mỹ và nợ 60 tỷ đô-la Mỹ tính bằng tiền rúp trong giao dịch thương mại trong nước. Khi đất nước chao đảo bên bờ vực phá sản, Yeltsin buộc phải xem xét việc giảm giá đồng rúp, một động thái chắc chắn là sẽ làm tiêu tan niềm tin của công chúng. Ông triệu tập Anatoli Chubais, người bị ông sa thải hai tháng trước đó, tới điện Kremlin và đề nghị ông này đi cầu xin sự cứu trợ từ IMF.

Chubais bay tới Washington vào cuối tháng 5 và trở về với lời hứa của Tổng thống Clinton rằng sẽ hỗ trợ tài chính "nhằm thúc đẩy sự ổn định, cải cách cơ cấu và tăng trưởng cho nước Nga". Tuy nhiên, người ta không hề tin tưởng vào khả năng kiểm soát tình hình của một thủ tướng mới và thiếu kinh nghiệm như Sergei Kiriyenko. Trong lúc đó, chính các ông trùm đang nhiều hiềm khích lại ngồi lại với nhau và đề nghị, trái với ý nguyện của Yeltsin, rằng họ muốn đưa Chubais, "người lính cứu hỏa" ưa thích của họ, trở lại chính quyền để tiến hành các cuộc thương lượng quan trọng với IMF. Con số 10 tỷ đô-la mà các ông chủ ngân hàng quốc tế cam kết là không đủ. Nga cần 35 tỷ đô-la. Tình thế đó đã giúp vị thế các ông trùm, trước đó từng bị Kiriyenko thẳng tay tước bỏ, trở lại vị trí hàng đầu.

Trong chuyến thăm tiếp theo tới Mỹ, Chubais thuyết phục được IMF tăng số tiền cho Nga vay lên tới 22,6 tỷ đô-la trong vòng hai năm. Đến cuối tháng 7, họ vẫn tưởng rằng khoản cho vay trước 4,8 tỷ đô-la của IMF có thể giúp giải quyết vấn đề, ít nhất là tới tháng 10. Nhưng thật không may, các nhà đầu tư nước ngoài quyết định rằng đã đến lúc phải rời bỏ Nga. Họ ồ ạt rút vốn, nhiều tới mức mà cho đến cuối tháng 8 thì các ngân hàng của Nga không còn đơn giản là gặp khó khăn nữa mà là sắp bị nghiền nát. Sau hàng loạt các sự kiện thảm họa đó, Kiriyenko buộc phải thông báo rằng Chính phủ cho phép phá giá đồng rúp còn 9,5 rúp/1 đô-la Mỹ, mức giảm lên đến hơn 50%. Không lâu sau, Yeltsin sa thải Kiriyenko và nội các của ông ta nhưng đó không phải cách có thể làm dịu vấn đề. Đến cuối năm 1998, đồng rúp đã tụt xuống chỉ còn một phần ba giá trị trước khủng hoảng, hàng trăm nghìn người mất việc làm và các cửa hàng thì có rất ít hoặc không có gì để bán cả. Đó là thời khắc đen tối nhất của Yeltsin.

Sự yếu kém của đồng rúp trên thị trường tiền tệ quốc tế đã làm cho việc trả nợ nước ngoài của nhiều công ty Nga trở nên vô cùng khó khăn, nếu không nói là không thể. Sibneft đã không gặp may vì chỉ mười ngày sau khi Yeltsin thông báo tạm ngừng trả nợ nước ngoài, Sibneft có một loạt FRN (trái phiếu lãi suất thả nổi) trị giá lên tới hàng chục triệu đô-la đến kỳ hạn thanh toán. Tình hình càng tồi tệ hơn khi công ty này cũng đến hạn phải trả lãi suất Eurobond theo định kỳ hàng quý. Nhưng Abramovich kiên quyết rằng uy tín tập đoàn mà anh đã dày công xây dựng trước đây sẽ không thể bị phá hủy dễ dàng chỉ vì không trả được những khoản nợ trên. "Cứ như là họ đang đọc thần chú vậy", Barker nói, "Họ suy nghĩ và làm việc suốt ngày đêm. Trong khi một số người nhận thấy đây là cơ hội để gây sức ép đối với các ông chủ ngân hàng thì quan điểm của Sibneft là: chúng tôi sẽ không vỡ nợ. Đó chính là thời khắc tính cách đặc trưng của Abramovich bộc lộ rõ nét nhất."

Nhưng tính minh bạch về tài chính của Sibneft bắt đầu có dấu hiệu giảm dần trong hai năm sau đó. Thời điểm đó, Eric Kraus, một nhà phân tích đầu tư uy tín người Mỹ làm việc tại Moscow, tỏ ra rất quan tâm một giao dịch khác thường trị giá 450 triệu đô-la liên quan đến cổ phần của Sibneft. Kraus từ lâu đã có mối quan hệ không êm ả với Sibneft và ban quản trị của công ty này. Ông từng thẳng thắn mô tả rằng họ chính là những tên cướp mạo danh. Trước đó, nhân vật này từng có ấn tượng tốt với Sibneft khi nỗ lực Tây hóa phong cách quản trị với việc chỉ định một ban giám đốc độc lập, đưa ra một cam kết về tính minh bạch và công khai thông tin thông qua quan hệ công chúng. Tuy nhiên, đầu năm 2000, Kraus, khi đó đã là chiến lược gia trưởng của công ty môi giới hàng đầu Nikoil, kết luận rằng tất cả những điều đó đều giả dối. "Tôi nhận ra rằng họ nói được nhưng không làm được", ông nói, "Đáng buồn là về bản chất, nó vẫn chỉ là một nền chính trị đầu sỏ theo kiểu thú ăn thịt người."

Những ồn ào nổi lên xung quanh việc 27% cổ phiếu mà một trong những cổ đông chính của Sibneft (có tin cho là Abramovich hoặc Berezovsky) đã bán cho Công ty vào tháng 12 năm 2000 với mức giá được giữ kín. Bảy tháng sau, cổ đông lớn này mua lại nguyên vẹn 27% cổ phần bằng cả tiền mặt và "tài sản" để vừa kịp nhận được phần chia cổ tức trị giá 150 triệu đô-la. Kraus và đồng nghiệp từng rất ủng hộ việc Sibneft mua lại số cổ phiếu đó vì cho rằng như vậy thì tất cả cổ đông của Sibneft sẽ được hưởng lợi với tư cách là cổ đông của một công ty sở hữu khối lượng tài sản nhiều hơn trước. Nhưng khi Sibneft công bố các tài khoản IAS (International Accounting Standards - Chuẩn mực Kế toán Quốc tế) vào tháng 10 năm 2001, thông báo việc giao dịch cổ phiếu và chi trả cổ tức thì tranh luận lập tức nổ ra. Vấn đề nằm ở chỗ Sibneft từ chối cho biết họ đã phải trả bao nhiêu để mua số cổ phiếu ban đầu và "người bán trở thành người mua" ấy sau đó đã trả bao nhiêu. Sự thiếu minh bạch một cách cố ý đó khiến giá cổ phiếu của Công ty đã giảm xuống 20% khi các cuộc tranh luận diễn ra. Kraus quan sát và nhận định:

Các nhà đầu tư rất tức giận còn chúng tôi thì rất bất bình. Đó thực sự là một ác mộng PR cho Sibneft. Vì vậy, họ tổ chức một hội nghị trên điện thoại. Hội nghị này kỳ quái đến mức có thể so sánh với những vở bi hài kịch của nhà văn Samuel Beckett. Tham gia hội nghị này gồm Richard Creitzman (một giám đốc điều hành cao cấp của Sibneft), Nick Halliwell (người đã thay Barker làm Giám đốc quan hệ đầu tư), và một người từ bộ phận tài chính tập đoàn. Họ không thể nói được giá phải trả cho số cố phiếu, bằng tiền mặt hay bằng các hình thức khác và đã trả cổ tức hay chưa. Họ tỏ ra vô cùng bối rối và Creitzman buộc phải cam đoan: "Đây có thể không phải là ngày vinh quang nhất trong lịch sử của Sibneft nhưng giao dịch đó là tự do và công bằng."

Phản ứng bảo thủ, tự mãn của Sibneft chỉ khiến các nhà đầu tư nhỏ tức giận hơn và Kraus quyết định phải đưa ra một đánh giá đầu tư cho vấn đề này: "Trong một bài báo gây xôn xao dư luận gần đây, chúng tôi gọi Sibneft là 'kẻ cướp mạo danh.'" Đánh giá của Kraus được Thời báo Moscow phiên bản tiếng Anh sử dụng trong một câu chuyện có tiêu đề: "Kẻ cướp: Sibneft bị lên án vì bán phá giá cổ phiếu". Kraus nhớ lại:

Họ làm ầm ĩ cả lên khi bài báo đó được đăng. Tôi nghe nói Roman Abramovich đã gọi điện cho Nikolai Tsvetkov, Chủ tịch tập đoàn Nikoil để yêu cầu sa thải tôi ngay lập tức. Dưới áp lực của Abramovich và Shvidler, Halliwell quát lên trong điện thoại với tôi: "Thật là kinh khủng" và đề nghị tôi rút lại lời nhận xét đó. Tôi trả lời rằng tôi sẽ làm như vậy nếu họ cho biết giá chuyển nhượng, người được chuyển nhượng cổ phiếu và lý do cho thấy giao dịch đó là công bằng đối với các nhà đầu tư khác. Tôi thừa nhận rằng việc tôi dùng từ "kẻ cướp" là không chuyên nghiệp nhưng tôi không thể không dùng cái từ gây tranh cãi đó.

Kraus có thể cương quyết bảo vệ quan điểm của mình nhưng Ban quản trị Nikoil đã đầu hàng Abramovich. Công ty này ra thông cáo báo chỉ trích lời phát biểu của Cormac Lynch, Chủ tịch Ngân hàng đầu tư của Nikoil: "Bình luận của Ngài Kraus là thiếu trách nhiệm và không đại diện cho quan điểm của Nikoil về Sibneft. Kiểu cáo buộc thiếu cơ sở này gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Nikoil với tư cách là một nguồn phân tích độc lập và khách quan." Tất cả những nghi ngờ rằng lời xin lỗi này không phải là do Sibneft ra lệnh đều bị xóa tan ngay sau khi người ta nhận thấy phiên bản đầu tiên của lời xin lỗi được in trên thông cáo nội bộ của Sibneft. Tại một hãng tin điện tử lớn, các nhà báo buồn cười chuyện này đến mức họ ghim bản copy của nó lên bảng tin công cộng.

Trong khi đó, tại một hội nghị của Sacs Bloomberg được tổ chức ở khách sạn Savoy, London không lâu sau khi tin tức về vụ mua bán cổ phiếu bất chính này bị bung ra, người ta đề nghị một ủy viên cao cấp Ban quản trị Sibneft phát biểu. Ông này đã không những không thể làm rõ vấn đề, mà thay vào đó nhắc lại cam kết của Sibneft về khả năng quản trị tập đoàn tốt, khán giả cười ồ lên.

Cuối cùng thì Kraus vẫn bị Nikoil đuổi việc và đề nghị rời đi ngay lập tức hoặc sau ba tháng, khi vụ lùm xùm đã lắng xuống. Kraus quyết định nán lại một thời gian.

Đến lúc này, lẽ ra vấn đề phải được khép lại, nhưng Edward Lucas, một phóng viên chi nhánh Moscow của tờ The Economist lại tiếp tục khơi ra câu chuyện. Bài báo của anh có tiêu đề: "Đặt mồi, di chuyển, kéo câu, nuốt chửng" và phụ đề ghi: "các doanh nhân Nga vẫn giữ một số thói quen xấu cũ". Bài báo bắt đầu bằng câu bình luận: "Ở nhiều nước điều đó là bất hợp pháp. Ngay cả ở Nga, việc đó cũng là có vấn đề." Hành động thiếu minh bạch của Sibneft đã được quốc tế biết đến rộng rãi, nhưng các cơ quan giám sát có trách nhiệm của Nga không có động thái điều tra nào cả. Ủy ban Chứng khoán Liên bang, "một con cá mập không răng" như một nhân vật trong nội bộ nhận xét, hoàn toàn không có bất cứ phản ứng nào.

Vậy động cơ của thương vụ được sắp đặt một cách tài tình này là gì? Kraus cho rằng những ai đủ tỉnh táo đều có suy nghĩ giống như anh: "Tôi đoán rằng Berezovsky và/hoặc các cổ đông khác của Sibneft cần tiền mặt. Họ 'bán' cổ phiếu của mình cho Sibneft với thỏa thuận rằng họ có thể mua lại. Sau đó Sibneft tuyên bố một đợt trả cổ tức béo bở và những ông trùm đã nhanh tay mua lại toàn bộ số cổ phiếu kia để 'hớt không' phần cổ tức"

Bàn về việc này hai năm rưỡi sau đó, "cánh tay phải" của Abramovich thừa nhận rằng đó là "một sai lầm lớn". Anh này nói: "Nếu thấy được hậu quả thì chúng tôi đã không đề xuất việc đó. Nó không phải là phi pháp mà chỉ là trình độ quản trị tập đoàn kém và lẽ ra chúng tôi phải giải thích được phần nào cho công chúng. Trên bảng cân đối tài sản của công ty khi đó có nhiều tiền mặt và chúng tôi thấy nơi trữ tiền mặt tốt nhất là cổ phiếu, vì vậy chúng tôi đã mua số cổ phiếu đó với giá thị trường." Theo nhân vật này, mặc dù Sibneft muốn trở thành một công ty đại chúng nhưng lúc đó vẫn chịu sự kiểm soát của Ban quản trị, "không phải là kiểu công ty Coca-Cola hay IBM". Anh cũng chỉ ra rằng mặc dù lúc đó giá cổ phiếu trên thị trường giảm nhưng sau đó đã tăng lên "200 đến 300%".

Khi Sibneft thu lại được lượng tiền mặt đã dùng để trả cho số cổ phiếu bằng việc bán lại cổ phiếu cho người bán ban đầu, công ty này góp vốn đầu tư vào Slavneft, một công ty dầu lửa khác. Năm 2002, cùng với một đối tác liên doanh, công ty này tiến hành mua thêm 49% vốn cổ phần của Slavneft (xem chương 8).

***

Sản xuất dầu ở Nga giảm từ 591 triệu tấn năm 1987 xuống còn 303 triệu tấn năm 1998 khi quan điểm mới "lợi nhuận, chứ không phải sản lượng" bén rễ trong giới kinh doanh. Tuy nhiên, không lâu sau khi thế giới bước vào thiên niên kỷ thứ 3, sản lượng của Sibneft tăng vọt. Theo Bộ Năng lượng Nga, Sibneft dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng sản lượng trong năm 2001 với mức tăng 20%. Năm 2002, sản lượng dầu thô của Sibneft tăng tiếp 27%. Cùng với việc tăng sản lượng khai thác từ các mỏ dầu cũ, công ty này còn mở thêm các mỏ dầu mới. Năm 2000, bốn mỏ dầu mới đi vào sản xuất, trong khi ba mỏ khác đang được xây dựng. Nhờ đầu tư lớn cho công nghiệp lọc dầu và cùng với các hoạt động đầu tư quy mô khác, Sibneft đã trở thành nhà sản xuất dầu động cơ lớn thứ hai của Nga. Sibneft cũng xây dựng một mạng lưới các trạm bơm xăng dầu ở Moscow và công bố các kế hoạch xâm nhập thị trường St Petersburg. Ngay cả Eric Kraus cũng rất ấn tượng với kết quả đó: "Tôi chưa bao giờ khuyến nghị các nhà đầu tư bán Sibneft, và ngày nay nó đã trở thành một công ty dầu lửa phát đạt, quản trị tốt và hoạt động ngày càng tốt."

Vận may tiếp tục đến với Abramovich khi anh tận dụng được cơ hội một doanh nghiệp dầu lửa lớn được đem ra đấu giá. Thương vụ kiếm bộn tiền tiếp theo là khi anh táo bạo mua lại hai nhà máy luyện nhôm lớn. Điểm chung của hai thương vụ này là anh chỉ phải trả cái giá rất thấp cho số cổ phiếu muốn nắm giữ. Với vụ Sibneft, anh lợi dụng bối cảnh Tổng thống Yeltsin vô cùng cần tiền. Còn trong trường hợp các nhà máy nhôm, anh được hưởng lợi do bên bán bị yếu thế. Sau khi chính quyền Xô Viết sụp đổ, lĩnh vực nhôm chính là nơi diễn ra những cuộc chiến tàn bạo nhất nhằm tranh giành quyền kiểm soát các tài sản nhà nước cũ. Cho đến khi Abramovich bước vào bàn đàm phán thì các cuộc chiến đó cơ bản đã chấm dứt.

Cái gọi là "Cuộc chiến Kim loại" diễn ra hồi đầu thập kỷ 1990 được khơi mào khi các đối thủ cạnh tranh nhận ra tiềm năng kinh doanh trong lĩnh vực nhôm và nickel, tương tự như việc Abramovich nhận ra tiềm năng kinh doanh trong ngành dầu lửa. Giá nhôm trong nước và quốc tế chênh lệch nhau đến mức mà các nhà buôn tháo vát có thể kiếm lời tốt nếu biết tận dụng cơ hội thuận lợi trong giai đoạn giao thoa giữa những quy định khắt khe thời kỳ cộng sản và sự quản lý kinh tế theo nguyên lý của chủ nghĩa tư bản. Một sinh viên 20 tuổi có tên là Andrei Melnichenko đã kinh doanh và nhanh chóng kiếm được một triệu đô-la nhờ buôn bán kim loại trong khi vẫn chưa tốt nghiệp chuyên ngành vật lý học tại Đại học Quốc gia Moscow. Nhưng sau đó Melnichenko lựa chọn con đường tài chính và đã trở thành Giám đốc Ngân hàng MDM đầy quyền lực, còn thương gia Oleg Deripaska, bạn của Melnichenko trong Sở Giao dịch Hàng hóa Nga, quyết định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nhôm. Để làm được điều đó, anh buộc phải hy sinh nhiều điều. Deripaska không chỉ phải chuyển từ Moscow tiện nghi đến sinh sống ở thành phố Krasnoyarsk tẻ nhạt tại Siberia mà còn phải bước vào một thế giới đáng sợ của những mưu mô tống tiền, những hợp đồng giết chóc và những vụ kiện tụng lùm xùm kéo dài.

Năm 1992, ngành công nghiệp nhôm của Nga rơi vào khủng hoảng. Bốn nhà máy luyện nhôm lớn nằm ở Krasnoyarsk, Bratsk, Sayansk và Novokuznetsk đều từng có một khách hàng lớn là Không lực Xô viết. Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và nền kinh tế bị suy sụp, họ đều thiếu tiền nghiêm trọng. Tệ hơn là Kazakhstan và Ukraine, hai bạn hàng cung cấp ô-xít nhôm (nguyên liệu thô để sản xuất nhôm) truyền thống không còn là bộ phận của Liên Xô nữa. Các quốc gia độc lập này quyết định xuất khẩu ô-xít nhôm sang Nga theo giá thị trường.

Đến lúc này, David Reuben, chủ tịch của một công ty buôn bán kim loại có trụ sở ở London từng mua nhôm của Liên Xô từ thập kỷ 1970, quyết định dấn thân vào thị trường Nga đầy rủi ro. Ông đi tiên phong trong việc thực hiện biện pháp "thu phí (tolling). Công ty Transworld Metals của ông sẽ cung cấp ô-xít nhôm cho các nhà máy luyện nhôm của Nga; các nhà máy này sẽ xử lý nguyên liệu thô thành nhôm; Transworld sẽ bán số nhôm đó ra thị trường thế giới và chuyển lợi nhuận cho một công ty nước ngoài. Khi chính phủ Nga chuẩn bị bãi bỏ thuế VAT và thuế hàng hóa đối với nhôm xuất khẩu để đổi lấy ô-xít nhôm nhập khẩu và thu phí luyện nhôm bằng ngoại tệ mạnh, kế hoạch này của Reuben tỏ ra có khả năng sinh lời rất lớn. Chướng ngại vật duy nhất đối với Reuben là chủ nghĩa tư bản đậm tính côn đồ của Nga thời kỳ đó đang phát triển đến đỉnh điểm và các thành phố luyện kim ở Siberia chính là những nơi có tình trạng bạo lực đáng sợ nhất. Đây chính là thách thức mà Reuben phải vượt qua.

Tình trạng giết chóc ở Krasnoyarsk bắt đầu từ đầu những năm 1990 khi một nhân vật xã hội đen có tên là Christyak bị giết hại và 6 tuần sau lại đến một người khác tên là Sinii. Những vụ ám sát này khiến ông trùm xã hội đen Vladimir Liphyagov, tên thường gọi là Lyapa, ra lệnh trả thù. Không may cho Lyapa, những tay súng mà anh ta thuê bội phản, tố với mục tiêu của anh ta về số tiền thưởng và người này ngay lập tức treo thưởng gấp đôi nếu họ quay lại giết Lyapa. Tháng 11 năm 1993, sau một trận đấu súng ác liệt, Lyapa bị bắn chết ở trung tâm thành phố Krasnoyarsk. Sau cái chết của Lyapa, giới trùm tội phạm truyền thống của thành phố này chỉ còn lại Yuri Tolmachev, còn gọi là Tolmach. Tên này vô cùng lo sợ. David Satter, tác giả cuốn sách Darkness at Dawn: the Rise of the Russian Criminal State (tạm dịch: Bóng tối lúc bình minh: Sự phát triển của tình trạng tội phạm ở Nga), viết:

Anh ta đi đâu cũng kèm theo hàng trăm vệ sĩ. Khi về đến chung cư 9 tầng của mình, anh ta chỉ rời khỏi xe hơi sau khi các vệ sĩ đã kiểm tra toàn bộ khu cầu thang. Ngày 12 tháng 5 năm 1994, Tolmach về đến nhà và ra khỏi xe sau khi các vệ sĩ đã lục soát cầu thang. Đúng lúc đó, một cửa thông hơi hướng ra phía tầng hầm hé mở, một nòng súng nhô ra và người ta nghe thấy một tiếng nổ của một khẩu súng tự động. Tolmach bị trúng 20 phát đạn.

Vụ ám sát Tolmach làm bùng lên một làn sóng giết chóc mới mà đối tượng là các doanh nhân không chịu quy phục chính quyền mới, các quan chức chính phủ cố tình can thiệp, đại diện của các nhóm tội phạm có tổ chức đóng tại Moscow tính toán sai lầm khi đến Krasnoyarsk đòi được cống nạp, và những người không may bị các sát thủ chuyên nghiệp giết nhầm hoặc gặp tên rơi đạn lạc. Con số thiệt mạng lên đến hàng chục người đã biến Krasnoyarsk thành một "thành phố ma" cứ sau 8 giờ tối.

Một chiến lược khác của giới tội phạm là chặn nguồn tài chính của các nhà máy. Khi chủ tịch Ngân hàng Yugorsky đang tìm cách mua một nhà máy luyện nhôm tư nhân thì một trong số các phó chủ tịch của ông bị bắn chết trong xe hơi. Sau đó, chính ông thì được tìm thấy với hàng chục vết đâm trên người và họng thì bị rạch nát. Trong một sự việc khác xảy ra gần hai tháng sau đó, người ta thấy hai gã đàn ông tuyên bố là người của FSB đến tìm Felix Lvov, Giám đốc Thương mại của công ty kim loại Mỹ AIOC, tại sân bay Sheremetyevo của Moscow và đưa anh này rời khỏi sân bay. Felix Lvov sau đó được tìm thấy trên một đống rác ven đường với năm phát đạn trên người.

Các quan chức nhà nước cố gắng can thiệp nhằm khôi phục lại trật tự cũng bị thanh toán không kém phần tàn nhẫn. Ngày 3 tháng 7 năm 1997, Phó Thống đốc Dmitri Chirakadze bị một nhóm côn đồ dùng dao tấn công trên đường. Ông bị đâm năm phát vào cổ, lưng và bụng. Mặc dù sống sót nhưng ông mất khả năng làm việc trong nhiều tháng liền.

Trong một môi trường như thế, những gì Reuben cần là một số đối tác có bản lĩnh và hòa nhập tốt với cuộc sống nơi này. Anh em nhà Chernoi là Mikhail và Lev tỏ ra có tất cả các tiêu chuẩn cần thiết. Từng nhiều năm buôn bán kim loại, họ không chỉ là bạn của Oleg Soskovets, Chủ tịch Ủy ban Luyện kim Nga lúc đó, mà còn có các mối liên hệ với Shamil Tarpishchev, huấn luyện viên tennis đầy thế lực của Yeltsin, và sau đó là Aleksandr Korzhakov. Một điểm cộng cho anh em nhà Chernoi là họ không dính líu vào những hoạt động tội ác vốn điển hình cho cuộc sống ở Krasnoyarsk. Vì vậy, Reuben giúp anh em Chernoi thành lập một công ty ở Monte Carlo có tên gọi là Trans-CIS Commodities và hợp nhất với các công ty khác của nhà Chernoi để cấu thành Tổ hợp Trans-World Group. Anh em Chernoi góp vốn trong một số nhà máy nhôm, trong đó có 20% cổ phần tại nhà máy Krasnoyarsk, còn gọi là KrAZ.

Năm 1999, Oleg Deripaska, người đã tiến một bước dài so với thời còn là một sinh viên kiêm nhà buôn kim loại, xác định KrAZ là mục tiêu tiếp theo trong quá trình xây dựng đế chế của mình. Deripaska đã bắt đầu làm việc ở nhà máy nhôm Saransk Aluminium từ đầu thập kỷ 1990 khi mới 26 tuổi. Anh làm việc nhiều giờ trong ngày, thường xuyên ngủ đêm tại nhà máy và có lúc mái tóc của anh gần như rụng hết do bị nhiễm các loại hóa chất công nghiệp sử dụng trong quá trình luyện nhôm.

Khi Yeltsin sa thải Soskovets và Korzhakov năm 1996, tổ hợp Trans-World Group bị suy yếu nặng nề và sau đó bị chia thành một số công ty nhỏ hơn. Deripaska đã nhanh tay chiếm được quyền sở hữu nhà máy nhôm Siberian Aluminium, hay còn gọi là SibAl, trong đó không chỉ có nhà máy luyện nhôm Sayansk mà còn có nhà máy Nikolaevsk, một nhà máy sản xuất ô-xít nhôm ở Ucraina. Công cuộc thâu tóm KrAZ của Deripaska hoàn tất vào tháng 10 khi Lev Chernoi, do mâu thuẫn với anh trai, và một ông chủ ngân hàng có tên là Vasily Anisimov đồng ý bán cổ phiếu cho Abramovich, một cộng sự thân cận của Deripaska lúc đó. Khát vọng xây dựng một tập đoàn nhôm khổng lồ và thống nhất của Deripaska sắp thành hiện thực. Một năm sau ông đã thâu tóm được BrAZ ở Bratsk, ăn chắc nhà máy Sayansk rồi chuyển KrAZ cho cộng sự của mình là Abramovich. Việc còn lại là phải giành được mục tiêu cuối cùng, NkAZ ở Novokuznetsk.

Năm 2000, các ông chủ của NkAZ là anh em nhà Zhivilo, Mikhail và Yuri, những người đã nắm quyền kiểm soát nhà máy được 5 năm, đồng ý bán toàn bộ nhà máy. Có hai bên tham gia đấu giá: Abramovich và một doanh nhân có tên là Grigori Luchansky. Nghe nói mức giá mà Abramovich trả, khoảng từ 50 đến 70 triệu đô-la (mặc dù giá thị trường của công ty này được cho là gần 200 triệu đô-la), đã được chấp nhận vào tháng 2 năm 2000. Luchansky tiếp tục bán số cổ phần còn lại của mình cho Abramovich. Sau khi thâu tóm xong NkAZ, hồ sơ ngành nhôm của Abramovich được hoàn tất. Năm 2000, các nhà máy KrAZ và NkAZ thuộc sở hữu của Sibneft được sát nhập với SibAl của Deripaska để thành lập tập đoàn Russian Aluminium, hay còn gọi là RusAl. Sự hợp nhất hai tập đoàn nhôm lớn này là thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử nước Nga, tạo nên một tập đoàn khổng lồ sản xuất không dưới 70% sản lượng nhôm của Nga, 10% nguồn cung của toàn thế giới. Và giá trị tài sản của Abramovich nhanh chóng tăng lên đến con số 3 tỷ đô-la!

I#HS#I

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top