Chương 3. Trúng mánh

Khi Abramovich tiến đến chiếc thuyền buồm nơi bạn của anh, Pyotr Aven, đang tổ chức một bữa tiệc rượu, anh chắc hẳn đã nghĩ rằng mọi việc không thể tốt đẹp hơn. Mặt trời đang tỏa sáng, những cô gái xinh đẹp thơ thẩn đi dạo trong bộ bikini, những loại thức ăn và đồ uống hảo hạng nhất. Thế nhưng, bước ngoặt lớn trong đời Abramovich vẫn đang ở phía trước. Abramovich sắp được giới thiệu với một nhân vật quan trọng, người sau này làm xoay chuyển cuộc sống của anh, người có vai trò lớn nhất trong việc biến anh từ một triệu phú dầu lửa thành một tỷ phú tư bản công nghiệp sở hữu không chỉ một mà là ba chiếc thuyền buồm dài và xa hoa hơn cả chiếc thuyền mà Aven du ngoạn ngày hôm đó.

Aven là người rất đáng để kết làm bạn tốt. Anh là một trong số những "Nhà Cải Cách Trẻ", nhóm những thanh niên cấp tiến có lối tư duy làm biến đổi cả nền kinh tế Nga. Anh tham gia vào khu vực kinh tế tư nhân với việc gia nhập nhóm Alfa, một tập đoàn độc quyền của trùm sỏ Mikhail Friedman, khi đó đã là một người đàn ông vô cùng giàu có và quan trọng hơn là dường như rất biết nhìn người.

Trong số khách mời có mặt trên chiếc thuyền buồm của Aven ngày hè năm 1995 đó có một người đàn ông dáng thấp đậm, đầu chớm hói và phất lên từ việc buôn bán xe hơi. Tên ông ta là Boris Berezovsky, người thầy xuất sắc của Abramovich sau này. Khi hai người gặp nhau, Abramovich mới khoảng 25 tuổi nhưng thực sự đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với Berezovsky, người lớn hơn anh đến 20 tuổi. Theo Giám đốc Đài phát thanh Tiếng vọng Moscow Alexei Venediktov, sau cuộc gặp đó, Berezovsky bảo với ông ta rằng Abramovich là "thanh niên tài năng nhất mà ông ấy từng biết" (mặc dù trong một cuộc phỏng vấn vài năm sau khi bất hòa với người mình đỡ đầu, Berezovsky cho biết, thực ra ông chỉ nói rằng trong số các doanh nhân mà ông từng gặp, Abramovich là người có khả năng giao tiếp trực tiếp tốt nhất). Venediktov nhớ lại:

Lúc đó, Abramovich đã được đánh giá là một nhà quản lý giỏi và Berezovsky cần anh ấy làm đối tác. Có lần tôi hỏi Berezovsky rằng Abramovich có tài năng gì và ông ấy trả lời rằng anh ta là một nhà tâm lý giỏi. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định đó, căn cứ vào việc anh ta đã thành công trong việc thuyết phục tôi quay về làm việc cho anh ấy. Anh ta rất hiểu người đối thoại của mình. Tôi từng quan sát anh ta giao tiếp với nhiều phóng viên khác nhau và với mỗi người anh ấy đều có cách tiếp cận riêng. Rõ ràng anh ta cũng tiếp cận các chính trị gia theo cách đó. Anh ta thể hiện phong cách của một anh chàng cục mịch, trò chuyện tự nhiên về điểm yếu của mình. Anh ta thường bắt đầu câu chuyện bằng câu: "Dĩ nhiên là anh sẽ không tin tôi" và điều này luôn có tác dụng.

Chrystia Freeland cũng nhận ra ở Abramovich khả năng tạo ấn tượng tốt đối với người đối thoại:

Về tính tình, mọi người đều cảm thấy Abramovich là một người dễ chịu, và chắc chắn trong cộng đồng các ông trùm đó, anh ấy là người được mọi người thường nhắc đến với sự yêu mến. Có lẽ anh ấy thường tỏ ra hòa nhã hơn những người khác. Xét về phong cách, anh ấy là người dễ hòa đồng. Đặc điểm tính cách đó không thể giải thích cho sự thành công trong kinh doanh của Abramovich bởi bản chất của các ông trùm là những "con ngoáo ộp đáng sợ". Tuy nhiên, dù sao đó vẫn là những gì mà mọi người nói về anh ấy.

Abramovich cũng là người biết cách cư xử với các nhân viên chính quyền. Một viên chức trong điện Kremlin có quen biết với Abramovich sau khi Berezovsky bước chân vào chính phủ, còn nhớ rằng Abramovich là người rất kiên nhẫn: "Berezovsky rất khiếm nhã. Ông ấy thường bắt mọi người chờ đợi ở bên ngoài văn phòng trong nhiều giờ liền, đôi khi còn quên cả các cuộc hẹn với họ nữa. Nhưng Roman luôn ngồi ngoài hành lang và không bao giờ phàn nàn."

Tính cách khiêm nhường của Abramovich phù hợp với vai trò một đối tác cấp thấp và sự nhạy cảm thông minh giúp anh nắm bắt được tâm lý người khác. Tuy nhiên, chính sự thông hiểu về kinh doanh dầu lửa mới là điều thuyết phục Berezovsky cho Abramovich tham gia vào một trong những thương vụ hấp dẫn nhất khi Yeltsin đem bán rẻ các tài sản quốc gia khổng lồ của Nga. Trong nhiều tháng liền, Abramovich và Berezovsky cùng nỗ lực chuẩn bị cho một vụ bỏ thầu mà sau này trở thành một trong những giao dịch hời nhất của quá trình tư nhân hóa trong những năm 1990. Trong khi Berezovsky có mọi mối liên hệ chính trị cần thiết để thắng thầu thì Abramovich thể hiện sự tinh thông trong những lĩnh vực kỹ thuật phức tạp nhất. Lúc này, anh đã là một doanh nhân dầu lửa dày dạn kinh nghiệm, thường xuyên giao dịch với nhà máy lọc dầu Omsk trong một khoảng thời gian dài.

Năm 1995, nước Nga lâm vào khủng hoảng. Năm trước đó, giá cổ phiếu lao dốc không phanh, lạm phát vượt kiểm soát còn ngân sách quốc gia thâm hụt nặng nề. Lúc này, tổng thống Yeltsin cần khôi phục niềm tin của công chúng vào Chính quyền và phải gấp rút thành lập một ngân quỹ đặc biệt cho chiến dịch tranh cử tới, nếu không sự nghiệp của ông sẽ tiêu tan. Kiến trúc sư của kế hoạch cứu vớt Yeltsin, nhưng với cái giá "cắt cổ" cho người dân Nga, là một ông chủ ngân hàng tên Vladimir Potanin.

Kế hoạch của Potanin, ngày nay vẫn được nhắc đến dưới tên gọi "thương vụ cho vay tiền để lấy cổ phiếu" tỏ ra vô cùng táo bạo. Ông đề nghị một nhóm các ông trùm giàu có cho Chính phủ vay một khoản tiền, đổi lại họ sẽ được quyền mua cổ phiếu trong các ngành công nghiệp trụ cột của nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ từ bỏ một phần quyền quản lý và chuyển sang cho các chủ nợ. Vì khả năng Chính phủ có thể trả các khoản vay nợ là rất xa vời nên về lâu dài, thỏa thuận này gần như sẽ khiến các ngành kinh tế chủ lực của đất nước bị trao vào tay một nhóm các nhà đầu cơ với giá rẻ mạt. Trong một phiên họp kéo dài 4 giờ đồng hồ quanh chiếc bàn hình móng ngựa trong một phòng họp tại điện Kremlin ngày 30 tháng 3 năm 1995, Potanin, ngồi giữa hai ông chủ ngân hàng đầy quyền lực khác là Mikhail Khodorkovsky và Aleksandr Smolensky, nêu ra đề xuất trước đông đủ các thành viên nội các Nga do Thủ tướng Viktor Chernomyrdin làm chủ tọa. Ông đề nghị nhóm cho Chính phủ vay 9,1 nghìn tỷ rúp (lúc đó tương đương 1,12 tỷ bảng Anh) để đối lấy quyền mua cổ phần thiểu số và quyền quản lý 44 công ty thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có Yokos (mục tiêu của Khodorkovsky) và Norilsk Nickel (mục tiêu của Potanin).

Dù sao, đây vẫn là một kế hoạch hấp dẫn đối với Chính phủ Nga vì một số lý do. Thứ nhất, Ủy ban Tài sản Nhà nước, được giao chỉ tiêu thu 8,7 nghìn tỷ rúp từ khu vực kinh tế tư nhân, đến lúc đó mới đạt 143 tỷ rúp. David Hoffman, tác giả cuốn Các ông trùm, Sự giàu có và Quyền lực ở nước Nga mới bình luận: "Các ông chủ ngân hàng đề xuất với Chính phủ một kế hoạch mà trong nháy mắt giới cầm quyền có thể thu được toàn bộ lợi tức của quá trình tư nhân hóa trong cả năm". Potanin và các ông chủ ngân hàng khác cũng hứa hẹn một sự ủng hộ toàn diện về chính trị, tài chính và chiến lược cho chiến dịch tái tranh cử của Yeltsin và bảo đảm sự ủng hộ đối với bất cứ hoạt động nào nhằm gạt bỏ các thành phần cộng sản cũ. Thứ hai, kế hoạch này được thiết kế giống như việc đem cầm cố tài sản của nhà nước thay vì chuyển nhượng thẳng, và như vậy sẽ không gây phản ứng từ công chúng.

Freeland sau đó đưa ra bình luận trong cuốn Vụ mua bán của Thế kỷ, cuộc chuyển mình của nước Nga từ chủ nghĩa cộng sản sang chủ nghĩa tư bản như sau:

Thỏa thuận "tiền cho vay đổi lấy cổ phiếu" là thương vụ thao túng một quốc gia suy yếu một cách đau đớn đến nỗi nước Nga, ngay cả khi tiếp tục rơi vào khó khăn như thời điểm hiện tại (2004), vẫn đang phải tìm cách loại bỏ những ông trùm tham lam đã chủ mưu làm điều tồi tệ đó. Tuy nhiên, khi quan sát họ bày mưu tính kế và gặt hái lợi nhuận, tôi không ngừng tự hỏi những người Nga đó có gì khác với các doanh nhân lẫy lừng, các nhà sản xuất hàng điện tử, các nhà tài phiệt công nghệ và các chuyên gia tài chính mà xã hội chúng ta vẫn tung hô ca ngợi vì đã tạo ra một kỷ nguyên thịnh vượng chưa từng có... Vấn đề nằm ở chỗ nước Nga đã cho phép họ làm điều đó.

Có một người quan trọng đã vắng mặt tại cuộc họp ngày 30 tháng 3, đó là Boris Berezovsky. Trong tất cả các ông trùm, Berezovsky là người có kinh nghiệm nhất. Phần lớn những người kiếm chác được nhiều từ bữa tiệc tư nhân hóa của Nga là những kẻ cơ hội may mắn "chộp" được thời cơ tốt nhất. Tuy nhiên, Berezovsky là một nhân vật hoàn toàn khác. Một phần vì lớn tuổi hơn và đã có hơn 20 năm làm việc trước khi chớp được tư tưởng tự do kinh doanh mới, Berezovsky là ông trùm ma mãnh và sừng sỏ hơn nhiều.

Trước khi bước vào kinh doanh, ông ta đã có gần 2 thập kỷ làm việc tại Viện Khoa học Đối chứng, nơi dễ dàng tiếp cận với các nhà toán học và nhà lý luận nổi tiếng bậc nhất nước Nga, những người kề cận với trọng trách xây dựng một thế hệ phần cứng mới cho kỷ nguyên công nghiệp, từ những hệ thống dẫn đường cho tên lửa xuyên lục địa đến các chương trình tự động hóa các dây chuyền lắp đặt. Berezovsky trưởng thành trong môi trường này, không chỉ như một nhà khoa học mà còn là một nhà tổ chức và kết nối hệ thống. Ông ta thậm chí còn có tham vọng giành giải Nobel, nhưng công cuộc cải tổ đã cản trở việc đó.

Khi các cuộc cải cách thị trường của Gorbachev được định hình thì Berezovsky đã 40 tuổi, chưa từng được sở hữu một chiếc xe hơi và thực sự cũng không nhìn thấy khả năng có được một chiếc trong tương lai. Vì vậy, cải thiện tình cảnh đó trở thành mục tiêu chủ đạo trong cuộc đời ông. Nhưng giải pháp cho vấn đề chỉ là quyền đồng sở hữu một chiếc Lada cũ mèm, tả tơi và hỏng hóc liên tục. Chiếc xe vốn là của một người bạn cũ của Berezovsky, Leonid Boguslavsky. Trong thời gian làm việc ở Viện Khoa học, Berezovsky có mối quan hệ với nhà máy Avtovaz, nhà máy chuyên sản xuất xe Lada tại thành phố Togliatti bên bờ sông Volga. Ông đã thuyết phục được Boguslavsky cho cùng sở hữu chiếc xe nếu ông có thể đưa nó đi đại tu ở nhà máy Avtovaz.

Có được một chiếc xe luân phiên sử dụng với bạn, Berezovsky bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc đến việc tận dụng mối quan hệ với Avtovaz. Ông nhận ra rằng, cũng giống như ông, tất cả những người Nga thuộc tầng lớp trung lưu đều khao khát có một chiếc xe hơi. Chiến thuật ban đầu của ông có vẻ kỳ cục nhưng đầy sáng tạo. Ông tình nguyện làm tài xế cho một ủy viên ban quản trị Avtovaz có tên là Tikhonov khi ông này đến thăm Moscow. Khi đưa họ đi thăm quan thành phố, ông chú ý đến mọi thông tin mà các hành khách của ông trao đổi. Khi đã củng cố được mối quan hệ với ban quản trị cấp cao của Avtovaz, ông thành lập một công ty liên doanh với một công ty của Ý phát triển một dây chuyền lắp ráp ở Avtovaz. Cùng thời gian đó, Berezovsky cũng không bỏ qua các thương vụ làm ăn nhỏ lẻ. Ông ta sang Đức 10 lần, mỗi chuyến đi mua một chiếc Mercedes và lái về Nga để bán lại.

Cho đến đầu năm 1993, Berezovsky bắt đầu kiếm tiền thực sự. Móc nối với Kaddanikov, Giám đốc Avtovaz, ông mua được 35 nghìn chiếc Lada với những điều khoản vô cùng hào phóng. Theo thỏa thuận, ông sẽ phải thanh toán ngay 10% tổng số tiền phải trả theo thỏa thuận bằng tiền rúp, số còn lại sẽ phải trả sau đó 2 năm rưỡi. Trong một nền kinh tế bất ổn như ở Nga, nơi lạm phát cứ tăng vùn vụt ngoài vòng kiểm soát, thì một thỏa thuận như thế là thua thiệt lớn đối với Avtovaz. Quả thực như vậy, theo tính toán của Hoffman, khi đồng rúp rơi tự do thì giá trị của những chiếc xe hơi đó tính theo đô-la giảm từ 2.989 đô-la xuống chỉ còn 360 đô-la. Kết quả là Berezovsky đã lãi ròng 105 triệu đô-la. Berezovsky tiếp tục kiếm thêm được rất nhiều từ một kế hoạch hoang đường có tên gọi là AVVA bằng việc bán trái phiếu cho công chúng. Khỏi cần phải nói, Berezovsky đã giàu lên nhanh đến mức nào.

Một cụm từ thời thượng được lưu hành trong ngành kinh doanh xăng dầu đầu những năm 1990 là "liên kết dọc", việc một công ty khai thác dầu liên kết với một hãng lọc dầu. Các kế hoạch thành lập Sibneft (Hãng dầu mỏ Siberia) đã bắt đầu được nhen nhóm từ tháng 11 năm 1992 sau khi các quan chức công ty sản xuất dầu Noyabrskneftegaz và công ty lọc dầu Omsk, hãng chế biến xăng dầu hiện đại nhất và lớn nhất của Nga, lần đầu tiên đề xuất với Bộ Nhiên liệu và Năng lượng về việc hợp nhất hai công ty trên dưới sự quản lý của đầu não duy nhất. Tuy nhiên, chính sự can thiệp của Berezovsky mới giúp thúc đẩy nhanh tiến trình này. Ông vận động hành lang Aleksandr Korzhakov, Cục trưởng Cục An ninh Tổng thống, để ông này, cùng với một phụ tá cao cấp khác của Yeltsin, thuyết phục một thống đốc địa phương và Bộ trưởng Năng lượng bật đèn xanh cho việc thành lập một doanh nghiệp mới. Chỉ trong vòng vài tháng, Sibneft đã được thành lập theo một sắc lệnh do Yeltsin ký vào ngày 12 tháng 9 năm 1995. Ngoài Noyabrsk và Omsk, công ty này còn nắm quyền điều hành công ty thăm dò dầu khí Noyabrskneftegazgeophysica và công ty tiếp thị Omsknefteprodukt. Thương vụ bán công ty dầu lửa lớn thứ 6 của Nga cùng nằm trong chương trình "cho vay tiền đổi lấy cổ phần", và việc đấu giá được ấn định vào ngày 28 tháng 12 năm 1995. Chính phủ hy vọng có thể vay được một khoản tối thiểu là 100 triệu đô-la, thế chấp bằng 51% cổ phần của Sibneft đồng thời trao cho chủ nợ quyền quản lý vốn và tham gia đấu giá 49% cổ phần còn lại trong nhiều cuộc đấu giá tiếp theo.

Xác định được đây là một mỏ vàng nhưng vấn đề của Berezovsky và Abramovich lúc này là phải tìm các nguồn tiền có thể huy động được để mua cổ phiếu của Sibneft. Mặc dù kinh doanh xe hơi thành công nhưng Berezovsky khi đó mới chỉ có 35 triệu đô-la trong khi số tiền ông cần là 50 triệu đô-la. Vì vậy, Berezovsky đã quyết định thực hiện một chuyến gây quỹ tới những nơi xa xôi như Nhật Bản, Đức và New York nhằm thu hút được 15 triệu đô-la còn thiếu. Tuy nhiên, thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào một doanh nghiệp Nga trong thời kỳ đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nỗi ám ảnh về Gennadi Zyuganov, nhà lãnh đạo cộng sản rất có uy tín thời đó, lớn đến mức không ai trong số những người mà Berezovsky tiếp cận muốn cho ông vay tiền để mua một doanh nghiệp rất dễ có nguy cơ bị tái quốc hữu hóa chỉ một thời gian ngắn sau đó. Khi Berezovsky đề nghị tỷ phú tài chính Mỹ George Soros, cho vay 10-15 triệu đô-la, ông ta thẳng thừng trả lời là việc đó quá rủi ro. Berezovsky sau đó kể với David Hoffman rằng câu trả lời chính xác của Soros là: "Tôi không thể cho anh dù chỉ một đô-la". Cuối cùng, Berezovsky đã tìm được nguồn tiền ở trong chính nước Nga bằng việc vay Ngân hàng Menatep. Nghe nói Abramovich cũng vay một số tiền tương tự, phần vốn góp còn lại, lấy từ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh dầu mỏ.

Hai nhân vật này giành được chiến thắng trong cuộc "đấu giá" diễn ra sau đó với thỏa thuận cho Chính phủ vay 100,3 triệu đô-la. Theo một cuộc điều tra của Phòng Kiểm toán của chính phủ Nga, công ty cấp vốn là Công ty Tài chính Xăng dầu, liên doanh 50-50 giữa Ngân hàng Thống nhất của Berezovsky và công ty Vektor-A, một công ty thuộc sở hữu của hãng kinh doanh dầu lửa Petroltrans của Abramovich. Có được quyền điều hành công ty, công việc tiếp theo của Berezovsky và Abramovich là huy động đủ tiền để mua 49% cổ phần còn lại. Phiên đấu giá 19% cổ phần đầu tiên được tiến hành vào tháng 9 năm 1996. Tất nhiên, kẻ thắng cuộc lại là một liên doanh Berezovsky/Abramovich khác có tên là ZAO Firma Sins. Theo các điều khoản của thỏa thuận, ngoài việc phải trả 82,4 tỷ rúp cho số cổ phiếu đó, liên doanh này phải cam kết sẽ đầu tư 45 triệu đô-la cho Sibnef. Điều thú vị là Abramovich lúc này lại trở thành một đối tác lớn xét về lượng cổ phiếu mà anh nắm giữ, ít nhất là trên giấy tờ. ZAO Sins là một liên doanh 50-50 giữa một công ty thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của Abramovich và một công ty khác mà anh và Berezovsky giữ số cổ phần bằng nhau. Điều này có nghĩa là Abramovich chiếm 75% số cổ phiếu trong phiên đấu giá lần thứ nhất và Berezovsky chỉ chiếm 25%.

Một tháng sau, đợt đấu giá 15% khác được thực hiện. Lần này bên thắng thầu là Công ty lọc dầu ZAO với giá thỏa thuận là 65 tỷ rúp và cam kết tiếp tục đầu tư 35,5 triệu đô-la. Và Berezovsky có vẻ lại yếu thế bởi vì công ty ZAO là một liên doanh giữa hai công ty thuộc quyền sở hữu của Abramovich.

Kết quả điều tra của Phòng Kiểm toán về thương vụ Sibneft được công bố năm 1998 cho thấy, dấu hiệu cạnh tranh trong suốt quá trình này chỉ là sự giả tạo. Nhà thầu khác duy nhất trong phiên đấu giá 19% cổ phần lại là một liên doanh giữa hai công ty thuộc quyền sở hữu của một người có tên R. Abramovich. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra trong "phiên đấu giá" tiếp theo. Nhà thầu "cạnh tranh" 15% cổ phần là công ty ZAO Firma Foster, một liên doanh khác giữa hai công ty của Abramovich.

Mặc dù sắc lệnh gốc của Tổng thống Yeltsin quy định rằng số cổ phần được đấu giá sẽ vẫn thuộc sở hữu nhà nước trong 3 năm sau đó, đến tháng 9 năm 1998 mới chính thức "tự do", nhưng trên thực tế, chúng đã được Công ty Tài chính Xăng dầu, công ty liên doanh của Berezovsky và Abramovich (chứ không phải Chính phủ) đem bán vào ngày 12 tháng 5 năm 1997.

Theo các điều khoản của thỏa thuận gốc, nếu Chính phủ không trả được các khoản nợ thì số cổ phiếu được dùng để thế chấp sẽ được các nhà đầu tư đem bán đấu giá. Họ sẽ được hưởng 30% chênh lệch giá giữa số tiền mà họ đã cho vay và giá bán trên "thị trường". Trong phiên đấu giá, Abramovich và Berezovsky giành được số cổ phiếu áp đảo. Cuộc đấu giá thu hút tất cả 4 nhà thầu, một trong số đó là công ty FNK. Ban đầu, FNK là liên doanh giữa công ty Chứng khoán Alkion và Ngân hàng Thống nhất của Berezovsky. Sau đó, hai cổ đông này bán bớt cổ phần, thu hút thêm 3 đối tác mới: gồm một công ty liên doanh giữa Berezovsky và Abramovich, trong đó Abramovich chiếm ưu thế, có tên là Firma Latsis (chiếm 29,9% cổ phần) và hai cổ đông khác là Broksi và Aksiap (mỗi công ty nắm giữ 2% cổ phần). Điều thú vị là cả Broksi và Aksiap đều có cùng địa chỉ đăng ký như Firrma Latsis và đều là liên doanh Berezovsky/Abramovich. Chưa hết, trong số ba nhà thầu còn lại cũng có một công ty là của Abramovich, tên ZAO Firma Stens.

FNK được tuyên bố là bên chiến thắng với mức 110 triệu đô-la. Như vậy, số cổ phần mà Berezovsky và Abramovich nắm giữ lại được bán cho một công ty mà hai ông trùm này có tới 1/3 cổ phần trong cuộc cạnh tranh mà một trong những nhà thầu khác lại chính là Abramovich.

Trang web của Sibneft mô tả toàn bộ sự kiện trên trong hai đoạn, chính xác như sau:

Kế hoạch ban đầu về việc tư nhân hóa Sibneft là đề xuất đem đấu giá 49% cổ phần cho các nhà đầu tư và giữ lại 51% cho chính quyền liên bang cho đến tháng 9 năm 1998. Trong một loạt các cuộc đấu giá bắt đầu từ tháng 1 năm 1996, các nhà đầu tư tư nhân đã mua 49% vốn cổ phần của Sibneft.

Tháng 12 năm 1995, chính phủ đã thế chấp số cổ phần của mình theo chương trình "cho vay tiền để lấy cổ phiếu". Theo kế hoạch này, các nhà đầu tư tư nhân sẽ cho Nhà nước vay một số tiền, để đổi lấy quyền quản lý số cổ phần của Nhà nước trong một số công ty. Sau đó, số cổ phần này được bán trong một phiên đấu giá đặc biệt cho các nhà đầu tư tư nhân. Ngày 12 tháng 5 năm 1997, Tập đoàn Tài chính Xăng dầu (FTC) đã mua lại toàn bộ số cổ phần của chính phủ trong Sibneft.

Giá mà mọi việc có thể đơn giản như vậy.

Nhờ thủ đoạn này, Berezovsky, Abramovich và các đối tác của họ đã mua được Sibneft với giá chưa đến 200 triệu đô-la trong khi giá trị của công ty này năm 2003 ước tính là 15 tỷ đô-la, cao gấp 75 lần. William Browder, vị giám đốc điều hành người Mỹ của Công ty Quản lý Quỹ Hermitage có trụ sở ở Moscow, nhận định: "Trong trò chơi độc quyền đặc biệt này, Abramovich bước vào từ bên lề và chiến thắng".

Abramovich không phải là người duy nhất. Mikkhail Khodorkovsky chỉ phải trả 309 triệu đô-la để mua 78% cổ phần của Yukos, công ty dầu mỏ lớn nhất nước Nga và có giá trị lúc cao nhất lên đến 35 tỷ đô-la. Vladimir Potanin mua 51% cổ phần của công ty Sidanko, một gã khổng lồ dầu mỏ khác, với giá 130 triệu đô-la và chỉ hơn hai năm sau, giá trị vốn hóa thị trường của số cổ phần đó đã lên tới 5 tỷ đô-la. Những con số tương tự có thể thấy được trong tất cả các quá trình tư nhân hóa khác. Các ông trùm người Nga chắc hẳn đã rất hả hê khi nhận định rằng phương Tây đã bỏ lỡ một món hời lớn khi từ chối đầu tư cho những thương vụ này. Tuy nhiên, trên thực tế, sự do dự của những nhà tài phiệt như Soros mang nhiều màu sắc chính trị hơn là kinh tế. Họ cũng có thể lập luận rằng nếu không có "những khoản cho vay" của họ thì Yeltsin không bao giờ có thể tái đắc cử và nước Nga sẽ lại rơi vào tay cộng sản. Lý lẽ này có phần thích đáng, tuy nhiên điều mà họ khó có thể biện minh là trong khi chỉ vài trăm người bọn họ trở nên vô cùng giàu có thì 150 triệu người Nga lúc đó vẫn phải lăn lộn trong khốn khó bởi đất nước họ đã đem bán tài nguyên khoáng sản với cái giá vô cùng rẻ mạt.  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top