Chương 11. Đội quân áo đỏ tiến lên!


Abramovich muốn Tổng thống Putin biết quyết định mua Chelsea của ông trước khi tin tức về việc này được công bố cho giới báo chí. Vì vậy, ông cấp tốc cho gửi một bức điện chuyển phát nhanh đến Tổng thống. Phụ tá thân cận nhất của Putin là Aleksandr Voloshin không thể nào kiềm chế được, lập tức đem việc đó đi buôn chuyện. Lúc biết tin dù đã rất khuya, ông ta vẫn gọi cho Alexei Venediktov, giọng đầy phấn khích: "Ông có tưởng tượng được không? Người của chúng ta đã mua Chelsea rồi đấy." Voloshin nhận thức được khía cạnh chính trị của sự việc ngay khi biết rằng quá nhiều tiền bạc như thế của Nga lại được dành cho cái thứ phù phiếm là một câu lạc bộ bóng đá nước ngoài. Ông hỏi Venediktov: "Ông nghĩ xem, người dân (Nga) sẽ phản ứng như thế nào?" Đây quả là một câu hỏi hay. Thị trưởng Moscow Yuri Luzhkov là người có thể trả lời chính xác về phản ứng của người dân thủ đô trước tin này và vì vậy, ông ta ngay lập tức lợi dụng việc đó cho những tính toán chính trị của mình. Luzhkov cáo buộc Abramovich "phỉ nhổ vào nước Nga". Luận điệu chỉ trích của Luzhkov nhanh chóng được cựu Thủ tướng Sergei Stepashin phụ họa.

Người bạn tri kỷ Venediktov của Abramovich nhớ lại phản ứng của các thính giả gọi điện đến chương trình phát thanh của ông thế này:

Họ nói cứ như là Roman Abramovich đã đánh cắp tiền bạc của người dân để mua một món đồ chơi cho chính ông ấy vậy. Dường như tất cả những người gọi điện đến chương trình phát thanh của tôi đều bình luận với giọng điệu như vậy. Vì thế khi gặp Roman vài ngày sau đó, tôi đã kể cho ông ấy. Ông ấy trả lời rằng ông đã tính toán sai lầm, lẽ ra phải chuẩn bị tinh thần cho dư luận trước thì công chúng sẽ có phản ứng tích cực hơn. Tuy nhiên, ông ấy không quan tâm nhiều đến quan điểm của công chúng Nga. Ông ấy chẳng lo lắng và cũng chẳng nghĩ điều đó quá quan trọng.

Bóng đá Nga chỉ vừa mới bắt đầu hồi phục từ những tàn tích thời kỳ hậu Xô Viết. Cuối thập kỷ 1990, môn thể thao này lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn bởi vì chỉ sau một đêm, các câu lạc bộ vốn được các cơ quan nhà nước tài trợ bỗng trở nên nhẵn túi. Số người theo dõi các trận đấu giảm mạnh và các cầu thủ tài năng nhất của đất nước bỏ trốn ra nước ngoài. Ngay cả truyền hình cũng không hứng thú gì với việc công chiếu các trận đấu giữa các đội bóng xoàng xĩnh trên các sân vận động tồi tàn. Trong bối cảnh đó, Abramovich nhận định, cách tốt nhất để xoa dịu các cổ động viên Nga đang rất tức giận là tung tiền ra giải quyết vấn đề của bóng đá Nga. Tiếp tục chứng tỏ là người khôn ngoan, ông nhanh chóng đưa ra tuyên bố sẽ chi 65 triệu đô-la Mỹ để xây một sân vận động mới cho đội CSKA tại Moscow (CSKA trước đây là đội tuyển của Hồng quân, từng giành cúp quốc gia Nga năm 2003). Do mùa đông ở Nga vô cùng lạnh giá nên mùa giải thường bắt đầu vào mùa xuân và kết thúc vào tháng 10. Với kế hoạch lắp trần kính và nâng sức chứa lên đến 50 nghìn khán giả, sân vận động này hứa hẹn trở thành điểm thi đấu hiện đại nhất cả nước. Đầu năm sau, ông khẳng định lại rằng Sibneft sẽ chi cho Câu lạc bộ này 18 triệu đô-la Mỹ mỗi năm trong vòng ba năm; đổi lại, Sibneft sẽ có quyền sử dụng hình ảnh và can thiệp vào việc mua bán của CSKA. Hợp đồng trị giá 54 triệu đô-la Mỹ này là một thương vụ khổng lồ không chỉ theo tiêu chuẩn của làng túc cầu kiệt quệ của Nga lúc ấy mà thậm chí còn so với cả các tiêu chuẩn châu Âu. Thỏa thuận này thực sự đã vượt xa thương vụ tập đoàn điện thoại di động khổng lồ Vodafone tài trợ trong vòng 4 năm cho Manchester United. Bởi câu lạc bộ giàu có bậc nhất thế giới này, với lượng người hâm mộ lớn hơn tất cả các đội bóng khác, chỉ nhận được 65 triệu đô-la Mỹ, tương đương hơn 16 triệu đô-la Mỹ mỗi năm từ nhà tài trợ.

Việc Sibneft trình làng một hợp đồng kỷ lục như thế là một bước đi phù hợp nhằm mở rộng các cam kết truyền thống của họ với hoạt động thể thao ở những khu vực họ triển khai hoạt động, trong đó bao gồm cả việc dành 10 triệu đô-la Mỹ mỗi năm cho đội khúc côn cầu trên băng Omsk Avangard và tài trợ 350 nghìn đô-la Mỹ cho giải vô địch trượt ván bắn súng quốc tế ở Khanty-Mansiisk. Eugene Shvidler tuyên bố rằng những cam kết đó là một phần "trách nhiệm xã hội" của Công ty và ông mong muốn CSKA có thể giúp tăng cường sự hiện diện của bóng đá Nga trên đấu trường châu Âu (sức mạnh của CSKA đã được cải thiện đáng kể và thể hiện đầy thuyết phục trong trận thắng trước Glasgow Rangers trong khuôn khổ vòng loại Cúp châu Âu tháng 8 năm 2004, đưa họ đến cùng nhóm với Chelsea trong chính giải đấu này).

Nhưng không gì có thể che đậy được thực tế rằng những hành động nói trên không nằm ngoài chiến dịch giữ thể diện của Abramovich. Cho đến khi Abramovich can dự một cách muộn màng vào làng túc cầu Nga, 5 trong số 16 đội bóng của Giải Ngoại hạng Nga đã nhận được sự hậu thuẫn của các doanh nghiệp lớn, trong đó có Spartak Moscow (Yukos) và Dinamo Moscow (Lokoil). Sự tham gia của các tập đoàn lớn đang làm thay đổi số phận của môn thể thao này tại Nga. Hàng triệu đô-la đang được đầu tư để nâng cấp các sân vận động và tu sửa các trung tâm huấn luyện. Ví dụ, Dinamo có kế hoạch nâng gấp đôi sức chứa sân vận động của họ lên 60 nghìn người. Các chương trình đào tạo cầu thủ trẻ cũng đang được phục hồi và lần đầu tiên sau nhiều năm, các cầu thủ nước ngoài lại được mời đến chơi ở Nga. Những cầu thủ nước ngoài nổi tiếng, chí ít là theo tiêu chuẩn Nga, như cầu thủ người Séc Jirí Jarosík, cầu thủ người Costa Rica Winston Parks (từng ghi một bàn tại World Cup 2002) và cả cầu thủ Brazil José de Sauza đã mang lại luồng sinh khí mới cho giải đấu. Các hãng truyền hình đột nhiên quan tâm mạnh mẽ trở lại và trong mùa giải 2003, không dưới bốn hãng truyền hình đã tham gia phát trực tiếp các trận đấu và phát lại những màn trình diễn hấp dẫn trên sân cỏ.

Đến lúc này, ngân sách trung bình của mỗi đội bóng thuộc Giải Ngoại hạng Nga đạt 15 triệu đô-la Mỹ, tương đương với khoảng 200 triệu đô-la Mỹ cho cả giải đấu. Như vậy, Giải Ngoại hạng Nga có nguồn tài chính ở mức ngang với các giải đấu của Hà Lan, Thụy Điển và Na Uy. Tuy nhiên, không phải ai cũng kiếm được tiền. Giống như Sibneft, phần lớn các công ty liên quan đều coi khoản đầu tư vào bóng đá là một trong những "chương trình xã hội" của họ. Một phát ngôn viên của Yokos từng mô tả chi phí của công ty này cho Dinamo là "vì mục đích từ thiện". Còn RusAl thì tài trợ cho các câu lạc bộ bóng đá theo những cách sau: Tổng giám đốc RusAl Oleg Deripaska mua cổ phần của đội Kuban; còn German Tkachenko, Phó giám đốc một chi nhánh của RusAl, người giới thiệu Pini Zahavi với ông bạn Abramovich, cũng trở thành chủ tịch của đội Kyrilia Sovetov thành Samara.

Bên cạnh việc thúc đẩy rầm rộ Giải Ngoại hạng Nga, các ông trùm cũng quyết tâm khôi phục sự nghiệp của đội tuyển quốc gia. Sau màn trình diễn tệ hại của Nga tại World Cup 2002, Phó chủ tịch Lukoil và Chủ tịch Yokos-Moskva Vasili Shakhnovski đã viết thư gửi Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nga. Trong thư, họ khẳng định sẵn sàng thanh toán hóa đơn thuê huấn luyện viên ngoại quốc cho đội tuyển quốc gia. Đội tuyển Nga đã không thể bước vào vòng hai sau khi để thua liên tiếp Nhật Bản và Bỉ mặc dù đã nhận được sự dẫn dắt của Oleg Romantsev, một huấn luyện viên rất thành công của giải ngoại hạng Nga và được cả thế giới đánh giá là huấn luyện viên tài năng nhất nước Nga. Nếu Romantsev không thể thành công thì ai cũng cho rằng sẽ chẳng có huấn luyện viên Nga nào khác có thể làm được điều đó. Người thay thế Romantsev là Valeri Gazzaev, một huấn luyện viên người Nga khác. Tuy nhiên, sau màn trình diễn kém cỏi tại vòng loại giải vô địch bóng đá châu Âu, Gazzaev cũng bị sa thải.

o

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top