Chương 10. Ngài Chelski
Cuối tháng 6 năm 2003, Ken Bates đang hết sức lo lắng. Các ngân hàng muốn ông trả khoản vay 23 triệu bảng Anh chỉ trong một vài ngày, và thế là vị chủ tịch của Câu lạc bộ Bóng đá Chelsea đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Ông đã mua câu lạc bộ này với cái giá tượng trưng 1 bảng Anh năm 1982 sau khi đồng ý trả các khoản nợ cũ của Câu lạc bộ. Ông đã chăm chút để Câu lạc bộ phát triển trở lại. Năm 1996, Câu lạc bộ đã đủ mạnh để có thể giao dịch trên Thị trường Đầu tư Thay thế (thuộc Thị trường Chứng khoán London) và gia tài của Bates có thêm hàng triệu bảng. Thành công ban đầu khiến tham vọng của Bates ngày càng tăng. Để mua quyền sử dụng sân bóng của Chelsea, Stamford Bridge, và chi phí cho việc hoàn thiện một tổ hợp giải trí gồm các khách sạn, nhà hàng và câu lạc bộ thể thao, Bates đã chấp nhận vay một khoản Eurobond trị giá 75 triệu bảng với mức lãi suất khắc nghiệt 9%/năm.
Ông đã xây dựng được hai khách sạn Chelsea Village và The Court, hai nhà hàng Fishnets và Arkles và một câu lạc bộ thể thao "Thế giới Thể thao" (World of Sport). Nhưng dự án này ngay từ đầu đã tỏ ra là một tính toán sai lầm. Stamford Bridge mặc dù tọa lạc trong một khu vực sang trọng ở phía tây London, nhưng lại không gần một sân bay nào và cũng không gần West End. Trong những ngày có các trận bóng đá thì các quán bar lại đông nghẹt các cổ động viên chứ không phải là du khách hay doanh nhân. Vì vậy, các khách sạn lúc nào cũng khó có thể xếp kín phòng và trong vài năm qua, giá cho thuê phòng buộc phải giảm xuống, chỉ còn khoảng 100 bảng. Trong khi đó, các nhà hàng không thu hút đủ lượng khách trong những ngày không có đấu bóng, còn các câu lạc bộ thể chất lại phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các phòng tập thể dục khác trong vùng như Trung tâm Thể dục David Lloyd và Holmes Place.
Một dự án đầu cơ khác của Bates cũng không thành công hơn. Việc kinh doanh các buồng VIP Thiên niên kỷ xây dựng ở khu vực Khán đài Tây (West Stand) nói một cách nhẹ nhất thì cũng rất chậm chạp. Giá cho thuê các buồng này, với 24 chỗ ngồi mỗi buồng, trong vòng 10 năm có giá lên tới 10 triệu bảng. Sky Television, kênh truyền hình có bản quyền chiếu Giải ngoại hạng Anh và là một cổ đông của Chelsea, thuê một buồng. Các nhà tài trợ của Câu lạc bộ là Umbro và Siemens cũng thuê một buồng. Tuy nhiên, các khách hàng khác tỏ ra không hào hứng lắm và thế là Bates buộc phải giảm giá và thời gian cho thuê. Giá giảm từ một triệu bảng một năm xuống còn 650 nghìn bảng một năm. Không khó để hiểu được tại sao các công ty lại không sẵn lòng trả mức giá ban đầu. Ngay cả với 650 nghìn bảng một năm thì tính ra giá mà một khán giả theo dõi một trận đấu của đội nhà phải trả là 1.400 bảng, mức giá quá đắt đỏ ngay cả khi so sánh với tiêu chuẩn cao mà các công ty tưởng thưởng cho nhân viên của mình. Trên thực tế, một nhóm người như thế có thể dùng một bữa trưa hoành tráng tại Claridges chỉ với giá 200 bảng một người.
Những áp lực về tài chính này càng lớn hơn do Bates tiếp tục phải chi trả khoản lương 1,5 triệu bảng mỗi tuần cho các cầu thủ và phải lo một số các thương vụ chuyển nhượng kỳ cục khác. Hãy xem trường hợp của Winston Bogarde. Bogarde được mua về Chelsea tháng 8 năm 2000, chỉ hai tuần trước khi huấn luyện viên Gianluca Vialli rời Câu lạc bộ. Điều kỳ cục là với mức lương lên tới 40 nghìn bảng một tuần theo thỏa thuận ban đầu, cầu thủ này chỉ chơi được bốn trận dưới sự dẫn dắt của Claudio Ranieri, người thay thế Vialli. Cho đến khi hợp đồng của anh hết hạn vào cuối mùa giải 2003/2004, trong vòng chưa đầy 4 năm, tổng số lương Chelsea phải trả cho Bogarde đã là 7,2 triệu bảng.
Mặc dù gặp những khó khăn này, nhưng câu lạc bộ Chelsea vẫn tỏ ra khá thành công trên sân bóng. Trong mùa giải 2002/2003, Chelsea không giành được cúp nhưng đã đứng vị trí thứ tư của giải ngoại hạng, đủ tiêu chuẩn để tham dự cúp châu Âu. Một vị trí ở cúp C1 (Cúp các đội vô địch bóng đá quốc gia châu Âu) không chỉ giúp xoa dịu các người hâm mộ và làm thỏa mãn khát vọng được chơi trên đấu trường danh giá nhất châu Âu của các cầu thủ mà còn hứa hẹn có thể đem lại hàng triệu bảng từ việc tăng số vé bán ra và tiền bản quyền truyền hình. Nhưng điều đó có phải là quá ít và quá muộn không?
Ken Bates là người kiêu ngạo. Ông nổi tiếng là người "làm trước hỏi sau". Dáng cao to, râu tóc trắng, ông có thể là một người bạn đáng mến nhưng cái kiểu hay gây gổ khiến ông có nhiều thù hơn bạn. Cựu cầu thủ Chelsea David Speedie rất xác đáng khi nhận xét: "Ông ấy luôn phải cao hơn bạn một bậc. Nếu tôi nói với ông ấy rằng tôi đã từng đến Tenerife, ông ấy sẽ nói rằng ông ấy đã từng đến Elevenerife". Ý tưởng về việc mời gọi một nhóm các nhà đầu tư tiềm năng có vẻ giống như là đi khất thực vậy. Điều đó sẽ là một cú đấm khủng khiếp vào cái tôi của ông, vì vậy ông ủy nhiệm việc này cho Giám đốc Điều hành Trevor Birch.
Người giúp Bates thoát khỏi cơn ác mộng ngày càng kinh hoàng là một nhà môi giới bóng đá có tên là Pini Zahavi. Zahavi bắt đầu sự nghiệp với công việc của một phóng viên thể thao ở Israel nhưng sau khi chuyển sang làm môi giới, ông ta nhanh chóng trở thành một trong số những nhân vật quyền lực nhất trong làng túc cầu châu Âu. Một trong số những người bạn thân cận nhất của ông ta là Eli Azur, người điều hành hoạt động nhiều tờ báo tiếng Nga ở Israel. Hai người cùng quản lý Charlton, công ty mua toàn bộ bản quyền truyền hình trên toàn thế giới và bán lại cho các đài truyền hình Israel. Zahavi đã chứng tỏ sự khôn ngoan khi nhận ra tiềm năng của thị trường Nga từ rất sớm và vì vậy đã chú ý học tiếng Nga và đầu tư cho việc duy trì các mối quan hệ ở Moscow. Một trong số các mối quan hệ đó là German Tkachenko, Chủ tịch đội Krylia Sovietove Samara thuộc Nga, một thành viên của Hội đồng Liên bang Nga. Quan trọng hơn, Tkachenko là bạn của Abramovich. Năm 1998, Tkachenko và Zahari gặp nhau và trở thành bạn bè.
Khi quyết định sẽ mua một đội bóng châu Âu, ban đầu Abramovich hướng đến Ý và Tây Ban Nha nhưng sau đó lại thôi vì cơ cấu sở hữu quá phức tạp của các đội bóng mà ông nhắm tới. Sau đó ông mới để ý đến nước Anh. Đội bóng đầu tiên mà ông quan tâm là Manchester United, và vào tháng 4 năm 2002, Abramovich bay tới Manchester để xem trận đấu của Manchester United tại sân nhà với đối thủ Real Madrid. Zahavi thu xếp một chuyên gia là Graeme Souness, huấn luyện viên đội Blackburn Rover, cựu cậu thủ của Liverpool, đón Abramovich ở sân bay và đưa ông đến sân bóng. Sau trận đấu, đến lượt hậu vệ phòng Rio Ferdinand trở thành tài xế cho Abramovich, và Rio Ferdinand đã rất cảm động khi thấy Abramovich cất giọng hát cùng với người em cùng cha khác mẹ mới 4 tuổi của anh trên đường đi.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán nghiêm túc đầu tiên của Abramovich lại không phải là với Manchester United mà là với một câu lạc bộ tại London. Người ta lan truyền một giai thoại rằng khi đang ngồi trong một chiếc trực thăng bay trên sông Thames, Abramovich nhìn thấy một sân vận động và hỏi: "Đó là gì vậy?" Và thật là may mắn cho Bates, ai đó đã trả lời: "Chelsea".
* * *
Đến tháng 4, Zahavi đã được một đồng nghiệp là Jonathan Barnett giới thiệu với Trevor Birch trong một bữa trưa tại Les Ambassadeurs, một nhà hàng sang trọng ở Mayfair. Bề ngoài, lý do của buổi gặp gỡ là để thảo luận các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ nhưng câu chuyện nhanh chóng chuyển sang khả năng rao bán câu lạc bộ Chelsea. Thế là Zahavi đã có điều kiện để thu xếp cho Abramovich liên hệ với Bates nếu và khi nhà tỷ phú người Nga này quyết định thâu tóm Chelsea.
Trong thời gian thu xếp để trả các khoản nợ đáo hạn, Bates cân nhắc một số lựa chọn. Giải pháp dễ dàng nhất cho các vấn đề tài chính của ông là đưa lên sàn giao dịch chứng khoán. Về cơ bản, đây là cách vay khoản tiền bán vé của các mùa giải tới. Câu lạc bộ Newcastle United đã thu được 55 triệu bảng nhờ cách này và một số các câu lạc bộ khác ở Giải Ngoại Hạng cũng thực hiện điều tương tự để trả nợ, mua cầu thủ và sửa chữa sân vận động. Stephen Schechter, Chủ tịch ngân hàng đầu tư Schechter&Co, tư vấn cho Bates rằng bằng cách thế chấp doanh thu vé của các mùa giải trong 25 năm tới của Chelsea, Bates có thể thu được 120 triệu bảng, đủ để trả hết nợ cho Câu lạc bộ và vẫn còn 26 triệu bảng dự trữ. Mặt tiêu cực của biện pháp này là chi phí rất tốn kém. Một lựa chọn khác mà Schechter nêu ra với Bates là bán Chelsea cho quỹ hưu trí Mỹ CalPers, doanh nghiệp từ lâu đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào câu lạc bộ này. Tuy nhiên, CalPers đã nói rõ rằng Bates sẽ phải ra đi nếu họ tiếp quản Câu lạc bộ, trong khi thời điểm đó Bates hoàn toàn chưa có ý định nghỉ hưu.
Một vị cứu tinh khác là ông trùm bất động sản Paul Taylor, người nhận được sự ủng hộ của David Mellor, một cựu bộ trưởng, thành viên Đảng Bảo thủ Anh. Taylor đề nghị đầu tư 10 triệu bảng để mua 30 triệu cổ phiếu mới và cho Chelsea vay khoản tiền mà Sky Television sẽ trả cho Câu lạc bộ theo thỏa thuận giữa Hiệp hội Bóng đá Anh và Sky về việc truyền hình trực tiếp các trận thi đấu của Giải Ngoại Hạng. Khoản tiền của Sky sẽ được trả vào tháng 8 và khoản tiền mà Taylor cho vay sẽ giúp Bates có được khoảng thời gian cần thiết để xoay xở. Điểm hạn chế trong giải pháp của Taylor là nó chỉ mang tính tạm thời.
Ngoài ra, đại diện của Chelsea cũng tiến hành những cuộc thương lượng nhanh chóng với Dermot Desmond, ông chủ của đội Celtic, và các cuộc đàm phán kéo dài với Mel Goldberg, nhà hoạt động nhân danh một hiệp đoàn Venezuela.
Đa số các lựa chọn của Bates đều có hạn chế ở vấn đề này hoặc vấn đề khác, nhưng đề nghị của Abramovich tỏ ra hấp dẫn nhất bởi vì nó có thể trực tiếp đem lại tiền mặt. Vào lúc 8 giờ sáng thứ 2, ngày 23 tháng 6, Birch có một cuộc gặp với Zahavi tại căn hộ gần đài kỷ niệm Marble Arch của nhà môi giới này. Cổ phiếu Chelsea Village, từng được giao dịch với giá 55 xu, lúc đó đã giảm xuống chỉ còn chưa đến 20 xu. Birch cho biết Bates đang rao giá 40 xu một cổ phiếu, nhưng cũng bày tỏ lập trường rằng Câu lạc bộ sẵn sàng đàm phán về giá nếu Abramovich có ý định nghiêm túc. Ba ngày sau, Abramovich, Tkachenko và Tenenbaum gặp Birch tại sân Stamford Bridge. Trong vòng 20 phút, hai bên đã đi đến thỏa thuận giá 35 xu một cổ phiếu. Như vậy, tính ra giá của Câu lạc bộ là 60 triệu bảng và phần góp vốn của Bates là 17 triệu bảng. Abramovich cũng nhận gánh khoản nợ 80 triệu bảng của Câu lạc bộ, nâng tổng chi phí của ông lên đến 140 triệu bảng. Lúc đó đã là 11giờ30phút sáng và bốn người quyết định cùng đi ăn mừng. Tại nhà hàng, Birch trêu đùa rằng Abramovich mua Câu lạc bộ chỉ là để kiếm một bữa trưa miễn phí.
Tối hôm đó, Zahavi thu xếp cho Bates và Abramovich gặp nhau tại một tiệm rượu ở Dorchester. Ở đó họ bắt tay thỏa thuận chỉ sau bốn mươi lăm phút. Hình như không có sâmpanh để chào mừng: cả hai người đều chỉ uống nước khoáng Evian. Từ lúc đó trở đi, mọi việc diễn tiến rất nhanh. Ngày hôm sau là thứ 6, Abramovich, Tenenbaum và Richard Creitzman có một cuộc gặp khác tại sân Stamford Bridge, lần này là với các cố vấn tài chính và môi giới chứng khoán của Chelsea thuộc ngân hàng đầu tư Seymour Pierce, đứng đầu là vị chủ tịch Keith Harris. Sau đó thì mọi việc đơn thuần chỉ là vấn đề thủ tục.
Birch và Giám đốc thương mại Lorraine O'Brien, người ông quen biết khi còn ở Liverpool, khẩn trương bắt tay vào việc hoàn tất các thủ tục trong mấy ngày cuối tuần. Có vẻ như thương vụ này được giao dịch với tốc độ quá nhanh, nhưng Bates vẫn luôn khăng khăng rằng vụ chuyển nhượng Chelsea không phải là một vụ bán tống bán tháo. Một lần ông phát biểu: "Các người hâm mộ của chúng tôi nghe người ta tuyên truyền rằng chúng tôi sắp phá sản. Toàn là vớ vẩn. Chúng tôi đã tái sắp xếp các khoản nợ và đó không còn là vấn đề nữa."
Thỏa thuận được ký kết và Bates phấn khởi gọi vào cho Mellor để thông báo tin nóng hổi. Đang ăn tối với bạn bè ở nhà hàng Thái của mình, Mellor thấy cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Mặc dù đó là tin tốt lành đối với ông bạn Bates của ông, song lại đồng nghĩa với việc tham vọng của chính ông bị phá hoại. Trong khi đó, Abramovich đã gọi về Moscow cho Aleksandr Voloshin trước khi ký kết. Voloshin ngay lập tức cầm điện thoại gọi cho Alexei Venediktov thông báo về dự án kinh doanh mạo hiểm này. Duy trì được chiếc ghế Chánh Văn phòng Tổng thống qua giai đoạn quá độ từ Yeltsin đến Putin, Voloshin hẳn rất tự hào là một trong số những người đầu tiên ở Nga được Abramovich thông báo về thương vụ này và vì vậy muốn chia sẻ thông tin với người nào đó mà ông có thể tin tưởng. John Mann cho biết, anh không thể khẳng định rằng Abramovich có thông báo cho Voloshin hay không. Tuy nhiên, anh chia sẻ: "Quả thực tôi được biết rằng các nhà lãnh đạo cao nhất đã có các cuộc thảo luận về việc Abramovich mua Chelsea." Không phải ai đó có ý rằng Abramovich đã làm gì sai trái, nhưng người ta không thể hiểu được lý do tại sao Abramovich không hề thông báo cho chính phủ Nga về kế hoạch thâu tóm câu lạc bộ Chelsea trước khi đưa ra thông báo chính thức.
Sau mọi cuộc tiếp xúc không chính thức như thế, có lẽ không ai ngạc nhiên khi tính đến ngày thương vụ này được thông báo chính thức, vào lúc tối muộn, đã có không dưới 270 nghìn cổ phiếu được giao dịch, gấp nhiều lần doanh thu thường ngày chỉ vào khoảng vài chục nghìn cổ phiếu. Cuối cùng, do cổ phiếu giao dịch trên thị trường chỉ ở mức thấp hơn 20 xu trong khi giá giao dịch của thương vụ trên là 35 xu, nên những ai đủ may mắn chộp được các cổ phiếu của Chelsea ngày hôm đó chắc chắn là đã thu lợi lớn. Hiện tại, cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính của Anh (FSA) vẫn đang tiếp tục cuộc điều tra về các giao dịch tại Chelsea thời gian đó của những người liên quan.
Đây không phải là khía cạnh gây tranh cãi duy nhất của thương vụ nói trên. FSA cũng đang xem xét hai vấn đề khác. Một vài ngày trước khi thông báo về việc bán Chelsea, Taylor đã đề nghị mua số cổ phiếu tương đương 21% cổ phần ở Chelsea của Ruth Gist, vợ góa của cựu Phó Chủ tịch Chelsea Matthew Harding, người thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay tháng 10 năm 1996. May mắn cho Gist, bà đã quyết tâm không bán. Theo các điều khoản trong vụ bán Chelsea cho Abramovich, số cổ phiếu của bà có giá trị lên đến 12,6 triệu bảng. Nếu bà chấp nhận đề nghị của Taylor thì con số thiệt hại của bà đã là 4 triệu bảng.
Cuộc điều tra của FSA còn tập trung vào quyền sở hữu một số lượng lớn các cổ phiếu do nhiều công ty không minh bạch ở nước ngoài nắm giữ trước khi bán cho Abramovich. Bí ẩn bắt đầu từ ngày 28 tháng 6 năm 2002, khi Swan Management, một công ty ủy thác đăng ký kinh doanh tại St Peter Port, Guernsey, bán số cổ phiếu tương đương 26,3% cổ phần của mình tại Chelsea. Một nửa số cổ phiếu đó được bán cho Công ty Chứng khoán Mayflower, một công ty thuộc sở hữu của Bates và đăng ký kinh doanh tại British Virgin Islands. Thương vụ này giúp số cổ phần mà Bates nắm giữ lên đến 29,5%, chỉ thấp hơn một chút mức 30% cần thiết để ông có thể ra giá cho số cổ phiếu còn lại của công ty. Một nửa số cổ phiếu còn lại được bán cho 5 công ty khác nhau, có cùng có địa chỉ đăng ký là Guerney nhưng lại đặt trụ sở tại các thiên đường thuế xa xôi như Cook Islands, Samoa và British Virgin Islands. Đó là các công ty Catstone (2,9%), Cervantes Investment (2,9%), Kalbarri Investments (2,8%), Yellow park (2,7%) và Ecspress (2,7%).
Một công ty như Chelsea Village trước đây, với những cổ đông bí ẩn, lẽ ra đã có thể sử dụng quyền hạn được quy định trong Điều 212 của Luật Doanh nghiệp Anh để cảnh báo các cổ đông về các nhân vật đứng sau các công ty đầu tư nói trên. Có điều lạ là công ty này đã không làm như vậy. Theo BBC, FSA đã được lưu ý rằng những thông tin mà cơ quan này có được về số cổ phiếu Chelsea do một vài nhà đầu tư sở hữu có thể là không chính xác. FSA lo ngại rằng "hậu quả là thị trường có thể hiểu sai về chủ nhân thực sự của Công ty cổ phần hữu hạn Chelsea Village."
Trong khi đó, phản ứng của công chúng đối với thương vụ này nhìn chung không được tích cực lắm. Cựu Bộ trưởng Thể thao và người hâm mộ của Chelsea Tony Banks lên tiếng bày tỏ lo ngại về nhiều vấn đề:
Tôi muốn biết liệu đây có phải là người thích hợp để lãnh đạo một câu lạc bộ như Chelsea không. Tôi những mong rằng việc chuyển nhượng Chelsea chỉ nên thực hiện khi các câu hỏi này đã được trả lời. Chúng tôi biết rằng Chelsea đang gặp khó khăn về tài chính và đã xúc tiến một thỏa thuận với một người mà chúng tôi không hề biết về ông ta và lai lịch của ông ta cả.
Thế nhưng Abramovich đã rút cuốn séc ra để mua Juan Sebastian Veron từ Manchester United với giá 15 triệu bảng, mua Claude Makelele từ Real Madrid với giá 14 triệu bảng, mua Damien Duff từ Blackburn Rovers với giá 17 triệu bảng và mua Frank Lampard, Joe Cole và Glen Johnson từ West Ham với giá lần lượt là 11 triệu, 6,6 triệu và 6 triệu bảng. Trong vòng hai tháng, tổng chi phí của Abramovich cho việc mua cầu thủ đã lên đến 110 triệu bảng. Phong cách tiêu pha hào phóng như thế đã khiến Abramovich trở thành người anh hùng trong con mắt của những người ủng hộ một câu lạc bộ đang thi đấu kém cỏi là Chelsea, những người từ lâu đã luôn ghen tỵ khi phải chứng kiến Arsenal, đối thủ phía Bắc London của họ, được thi đấu cạnh tranh những danh hiệu hàng đầu. Không lâu sau khi các hợp đồng chuyển nhượng lớn được thực hiện, họ sáng tác một bài ca mới (để hát theo nhạc hiệu của chương trình hài Only Fools and Horses), cho thấy rõ cái nhìn mới của họ đối với ông chủ mới của Chelsea:
Ông ấy có Veron ở trong túi
Chúng ta có Johnson từ West Ham
Nếu bạn muốn điều tốt nhất
Thì xin đừng hỏi gì nhé
Bởi Roman, ông ấy là người của chúng ta
Tất cả đều đến từ nơi bí mật
Đó là súng ống ư? Đó là thuốc phiện ư?
Hay đó là dầu lửa từ biển?
Hỡi tất cả các bạn Chelsea
Và cả ví tiền của các bạn nữa
Chúng ta vẫn cứ là CFC trứ danh
Vậy tại sao một ông trùm Nga vốn không thích khoa trương lại quyết định mua một đội bóng của Giải Ngoại hạng Anh? Gregory Barker, một nghị sĩ từng là Giám đốc Quan hệ Đầu tư của Sibneft phát biểu: "Tôi vô cùng kinh ngạc... Tôi từng tìm mọi cách để thuyết phục ông ấy thực hiện một bộ ảnh đẹp nhưng khó khăn vô cùng." Những người thân cận của Abramovich tuyên bố rằng sự việc trên không xuất phát từ động cơ nào khác ngoài việc Abramovich mong muốn được vui vẻ đôi chút khi ông có một gia sản lớn trong tay. Tuy nhiên, một ông trùm khác lại có ý nhận xét châm biếm hơn: "Đó là hợp đồng bảo hiểm rẻ nhất trong lịch sử."
Abramovich hiểu rằng, bất chấp những gì ông đã làm cho Tổng thống Putin, ông vẫn có thể bị chống lại bất cứ lúc nào. Bằng việc mua Chelsea, vị tỷ phú vô danh nhất thế giới ngay tức khắc trở thành một cái tên thân thuộc ở đất nước đã chấp nhận ông. Trong trường hợp ông bị Putin tấn công, liệu có thủ tướng nào của Anh có đủ dũng cảm để bác bỏ nguyện vọng xin tỵ nạn của ông?
Nói điều đó hoàn toàn không có nghĩa phủ nhận niềm yêu thích bóng đá đặc biệt của Abramovich. Người ta biết rằng ông đã trực tiếp đến sân vận động theo dõi các trận đấu trong khuôn khổ World Cup năm 1998 ở Pháp và năm 2002 ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Bất kỳ ai từng gặp ông đang xem các trận đấu bóng từ chỗ ngồi ở Khán đài Tây của sân Stamford Bridge đều không thể nghi ngờ cam kết của ông với đội Chelsea và sự phấn khích trong con người ông. Sự thực là Alexei Venediktov đã từng đề nghị một người quay phim tập trung ghi lại hình ảnh Abramovich trong suốt trận đấu và kết luận rằng phản ứng chân thật của ông là điều không ai có thể phủ nhận.
Ngay từ đầu, ông đã đóng vai trò vô cùng tích cực trong việc thành lập một đội bóng gồm toàn những ngôi sao tại Chelsea. Abramovich hẳn là có ý định hành xử giống như phương cách của một ông chủ câu lạc bộ của lục địa châu Âu chứ không phải của một câu lạc bộ bóng đá Anh. Tại Tây Ban Nha và Ý, thông thường thì các vị chủ tịch đóng vai trò trực tiếp trong việc lựa chọn các cầu thủ cần tiếp cận, trong khi ở Anh, phần việc đó thường được dành cho các huấn luyện viên. Chỉ 9 ngày sau khi ký hợp đồng với Bates, Abramovich đã bay tới Ý để ăn sáng với Massimo Moratti, Chủ tịch câu lạc bộ Inter Milan lúc đó. Trước đó, có vẻ như Abramovich đã tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với Moratti thông qua hoạt động kinh doanh dầu lửa vì vị chủ tịch Ý này có nguồn gốc từ một đế chế dầu lửa thịnh vượng. Nhưng trong lần gặp gỡ này, Abramovich quan tâm hơn đến bóng đá và khả năng mua ngôi sao Christian Vieri của Inter. Dù vậy, lần đó ông trở về trắng tay, rời khỏi Ý mà không có gì đáng kể ngoài 3 lưỡi dao cạo mới để luôn cắt tỉa gọn gàng những gì mà người Ý gọi là barba d'attore (bộ râu) của ông. Giá các lưỡi dao cạo đó đắt nhất chỉ là 191 euros, ít hơn nhiều so với chi phí hàng triệu bảng cho Vieri.
Rõ ràng ngay từ ngày đầu tiên của mùa bóng, Abramovich đã hiểu tầm quan trọng của việc tham dự mọi trận đấu mà câu lạc bộ của ông tham gia. Sở hữu nhà ở London, ở Homes Counties, Moscow và miền nam nước Pháp; có công việc làm ăn ở khắp nước Nga và các nghĩa vụ chính trị với một khu vực thuộc Siberia xa xôi, việc đưa các trận đấu bóng vào lịch trình dày đặc của ông đòi hỏi phải được lên kế hoạch một cách cẩn thận và phải có sự phối hợp tốt các phương tiện đi lại. Một ví dụ sinh động là quá trình thu xếp vô cùng phức tạp để có thể đưa được Abramovich, gia đình ông và Eugene Shvidler, Chủ tịch mới của Chelsea khi đó, đến xem đội Chelsea chơi trận đầu tiên trong mùa bóng với đội Liverpool tại sân Anfield tháng 8 năm 2003. Đang nghỉ tại một khu biệt thự ở miền Nam nước Pháp, Abramovich đáp trực thăng đến sân bay Nice, lên máy bay riêng (một chiếc Boeing 737 Business Jet) và hạ cánh ở Liverpool vào buổi trưa. Trong khi đó vợ con ông, đang ở London hôm đó, đến sân trực thăng Battersea để lên một chiếc trực thăng thuê của hãng hàng không Metro Aviation thuộc sở hữu của Mohamed Al Fayed (ông chủ cửa hàng Harrods, người trở thành bạn của vợ chồng Abramovich từ khi Irina bắt đầu mua sắm ở cửa hàng này). Người thứ ba, Shvidler, bay từ sân bay Farnborough ở Hamsphire bằng máy bay phản lực riêng. Ông này có máy bay riêng đậu ở sân Farnborough nhưng vì lý do nào đó lại thuê một chiếc máy bay phản lực Global Express của một công ty Luxembourg có tên là Global Jet để bay tới xem trận đấu. Sau khi thưởng thức một trận đấu vô cùng hồi hộp với kết quả Chelsea thắng 2-1, trong đó có một bàn do Jimmy Floyd Hasselbaink ghi ở phút thứ 87, họ lại tỏa ra ba hướng để trở về nhà. Abramovich bay từ Liverpool về Nice rồi lên một chiếc trực thăng để trở lại khu biệt thự; Irina và các con quay về London; còn Shvidler thì quay lại Farnborough nhưng không may là máy bay phải chuyển hướng sang Luton do không thể hạ cánh ở Farnborough vì các lý do kỹ thuật.
Một tuần sau trận đấu đầu tiên của Chelsea trên sân nhà từ khi có ông chủ mới, công việc có vẻ thư thả hơn một chút. Thật trùng hợp, đội bóng lại tiếp tục giành được một trận thắng 2-1, lần này là trước Leicester, và một trong những hợp đồng mới đắt giá nhất của Abramovich là Adrian Mutu đã ghi bàn thắng vào đúng phút cuối cùng của hiệp một. Để ăn mừng, Abramovich cùng vợ, một người bạn mới là Tổng thống Iceland và phu nhân, và một người đàn ông không rõ tên lên ô tô đến tiệm River Café gần đó để ăn mừng. River Café là một trong những nhà hàng có cái tên không hề phản ánh đúng vị thế thực tế. Nằm dưới sự quản lý của Rose Gray và Ruth Rogers, vợ của kiến trúc sư Lord Rogers, người được trao giải thưởng Pritzker (giải thưởng cao nhất của ngành kiến trúc thế giới), River Café thực sự là một thiên đường của nghệ thuật ẩm thực hiện đại. Giá cả ở đây thì thể hiện đúng chất lượng thực phẩm, vị trí tuyệt đẹp nằm ngay bên bờ sông Thames và hệ thống dịch vụ hoàn hảo. Đây chắc chắn cũng không phải là nơi mà Abramovich phải lo rằng có một người hâm mộ nào đó ở bàn bên cạnh bám theo ông vào nhà vệ sinh và khơi mào câu chuyện về trận đấu đó. Tuy nhiên, đó chính là điều đã xảy ra. Ở nhà hàng, ông không gặp một người hâm mộ bình thường nào, nhưng ngồi phía sau ông lại là một giảng viên đại học đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Orlando Figes là một giảng viên lịch sử tại Đại học Birkbeck thuộc Đại học London và đã có trong tay tấm vé cả mùa của Chelsea. Ông cũng là tác giả của một số cuốn sách bán chạy nhất về Nga và là một người nói tiếng Nga rất trôi chảy.
Phòng vệ sinh nam ở River Café khá nhỏ, chỉ có một bồn cầu và Abramovich đã đứng ở trước đó khi Figes bước vào. Không hề bối rối, Figes bắt đầu trò chuyện với Abramovich về trận đấu ban chiều bằng tiếng Nga. Figes nhớ lại:
Ông ấy tỏ ra rất hứng thú khi nói chuyện về bóng đá và chúng tôi đã trò chuyện trong vài phút. Khi ông ấy đi tiểu xong và tôi bắt đầu đứng vào trước bồn cầu, chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện và khi ông ấy nói: "Sao ông nói được thứ tiếng Nga tuyệt vời thế?" thì tôi hỏi lại: "Tôi kể vài điều về bản thân nhé?". Nhưng đúng lúc đó thì tôi bắt đầu đi vệ sinh và ông ấy thì đã rửa tay xong, vì thế tôi nghĩ rằng, thật là chó chết, mình không thể bắt tay ông ấy được.
Không thực hiện được nghi lễ đó, Figes kể cho Abramovich nghe rằng ông viết các cuốn sách về lịch sử Nga. Khi Abramovich bày tỏ mong muốn được xem những cuốn sách đó, Figes hỏi làm thế nào để ông có thể chuyển cho Abramovich được. Mọi chuyện lẽ ra phải tiếp tục như vậy. Nhưng câu chuyện của họ đã diễn ra quá lâu theo tiêu chuẩn của một cuộc gặp trong nhà vệ sinh, kéo dài phải đến 5 phút hoặc hơn, và những người cùng ăn tối với Figes đã trở nên lo lắng. Figes và vợ là Stephanie đang dùng bữa cùng với một cặp đôi khác, trong đó người vợ là một luật sư thành đạt trong lĩnh vực ngân hàng và thường xuyên đến Moscow. Ngay từ đầu cô đã thấy e ngại khi Figes đi sau một ông trùm Nga vào trong nhà vệ sinh và khi Figes càng ở trong đó lâu thì cô càng trở nên lo lắng. Có vẻ như cô tin rằng các vệ sĩ của Abramovich đã găm một viên đạn vào đầu Figes và dúi ông vào tường. Thế là cô nhắc ông chồng đi giải thoát cho ông. Khi phe giải cứu đến nơi, Abramovich và Figes đã trên đường ra khỏi nhà vệ sinh. Theo Figes, Abramovich có nụ cười rộng đến mang tai. Chính Figes cũng cho rằng đó là chuyện không bình thường khi Abramovich đi vào nhà vệ sinh và bị một người biết nói tiếng Nga và ủng hộ Chelsea đến bắt chuyện.
Tuần sau đó, Figes gửi một bức thư và một bộ sách đến văn phòng chính ở Stamford Bridge và nhân viên ở đó đã cam đoan là sẽ chuyển chúng tới Abramovich. 6 tuần sau, không thấy hồi âm gì, ông gọi điện cho John Mann và gửi một bộ sách khác (lần này ông mua ở hiệu sách vì đã hết sách dự trữ) đến trụ sở của Sibneft ở Moscow. Một lần nữa lại không có ai trả lời. Có lẽ thực ra Abramovich chẳng thích thú với việc bị bắt chuyện trong một nhà vệ sinh đến thế.
* * *
Việc Abramovich mua Chelsea đã góp phần tạo ra một Câu lạc bộ những người hâm mộ Chelsea phiên bản kiểu Nga. Địa điểm ưa thích của câu lạc bộ này vào những đêm có đấu bóng là Metelitsia, một sòng bạc kiêm nhà hàng kiêm quầy rượu trên phố Novi Arbat ở Moscow, nơi thường chiếu các trận bóng đá Anh cho dân nhập cư và những người Nga phát cuồng vì bóng đá. Tình trạng bạo lực rất phổ biến ở nước Nga lúc đó. Vì vậy, ban quản lý Metelitsia muốn đảm bảo an ninh tuyệt đối. Các nhân viên bảo vệ cao to tiến hành "kiểm tra bề ngoài" ở cửa ra vào, xem xét thái độ của các khách hàng trước khi kiểm tra vũ khí bằng cách đưa họ đi qua một máy dò kim loại có hình cánh cửa và sau đó trực tiếp kiểm tra bằng máy dò cầm tay cho chắc chắn. Biện pháp phòng ngừa này có vẻ hơi thái quá, tuy nhiên chính Moscow cũng đã nhiều lần bị tấn công khủng bố. Ví dụ, vào tháng 12 năm 2003, một kẻ đánh bom liều chết, được cho là người Chechnya, đã giết chết sáu người và làm bị thương 12 người ngay bên ngoài điện Kremlin.
Những gì diễn ra bên trong Metelitsia cho thấy rõ rằng Abramovich gặp phải thách thức rất lớn trong việc thực hiện tham vọng biến Chelsea thành một thương hiệu toàn cầu. Manchester United vẫn là đối thủ lớn nhất của Chelsea và những người ủng hộ Chelsea buộc phải kiên nhẫn chịu đựng cái nhà nguyện thánh Mẫu đó trong khu thánh đường mơ ước này. Trong khi người hâm mộ của Man United chiếm các ghế hàng đầu tại khu trung tâm rộng rãi có màn hình phẳng lớn nhất, thì các trận đấu của Chelsea thường được trình chiếu một cách khiêm tốn trên một màn hình nhỏ hơn ở một bên cánh khán đài.
Tham vọng của Abramovich đối với Chelsea là rất lớn, và nạn nhân đầu tiên của ông trên con đường thực hiện các tham vọng đó là Trevor Birch. Một vài tháng sau khi Abramovich tiếp quản Câu lạc bộ, Trevor Birth, người đã làm việc nhiều giờ liền để hoàn tất thủ tục giấy tờ cho việc tiếp quản của ông chủ mới, người đã tham gia tích cực vào các cuộc thương lượng để có thể mua được những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, lại nhận được thông báo rằng Peter Kenyon, Giám đốc Điều hành của Manchester United, sẽ thay thế ông. Birch là một trong những nhân vật đáng mến của làng túc cầu. Khi ông còn đang là cầu thủ tập sự ở Liverpool, cả Bill Shankly và Bob Paisley đều cho rằng ông rất phù hợp với nghề này. Tuy nhiên, vì những lý do mà không ai có thể lý giải được, ngay cả những cầu thủ trẻ triển vọng nhất cũng có thể không bao giờ được thăng hạng và Birch chính là một trong số đó.
Sau khi bị xuống hạng, ông từ bỏ sự nghiệp cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và chuyển sang nghề kế toán. Ông nhận thấy mình có năng khiếu cho công việc này. Ông thăng tiến từ bậc thấp nhất tới bậc cao nhất ở công ty Ernst&Young và trở nên nổi tiếng vì đã giúp khôi phục một số công ty đang hoạt động trì trệ trong giai đoạn đó. Bates nhắm đến Birch năm 2002, và đến tháng 1 năm 2003, Birch được ký một hợp đồng làm việc trong 5 năm tại Stamford Bridge với giá 750 nghìn bảng mỗi năm. Với hợp đồng này, Birch trở thành nhân viên đắt giá nhất từng bị sa thải. Lý do là vì Birch đã sai lầm khi không hưởng ứng sự lạc quan của ông chủ mới. Khi Abramovich bảo với Birch rằng ông muốn biến Chelsea thành một thương hiệu toàn cầu, Birch lại trả lời là phải cần đến 40 năm mới làm được điều này. Bạn không thể trả lời như vậy với một ông chủ trẻ tuổi đang muốn vội vã thực hiện ý định của mình. Sự bi quan của Birch (hoặc là chủ nghĩa hiện thực), đã quyết định số phận của ông. Theo lời khuyên của Pini Zahavi, Abramovich đã thuê được Kenyon, người từng giúp Manchester United nổi danh toàn cầu, bằng một cách đơn giản là đề nghị trả cho ông này mức lương gấp đôi hiện tại, lên đến 1,2 triệu bảng/năm (mặc dù có những tin đồn rằng số tiền trả trọn gói cho Kenyon, bao gồm tiền thưởng, có thể lên đến 7,5 triệu bảng trong 3 năm). Sự thất vọng của Birch cũng được an ủi phần nào với khoản tiền bồi thường từ Abramovich. Mặc dù Birch rời đi gần như ngay lập tức nhưng Kenyon vẫn chưa có mặt cho đến khi ông kết thúc kỳ nghỉ sau khi thôi việc (mà vẫn được hưởng lương) ở Manchester United. Trong thời gian chuyển tiếp đó, Paul Smith đảm nhiệm vai trò của ông.
Người kế nhiệm Birch phải đối mặt với một thách thức to lớn. Ở United, Kenyon có được thuận lợi do danh tiếng tầm cỡ quốc tế của Câu lạc bộ từ nhiều thập kỷ trước. Manchester United là câu lạc bộ bóng đá Anh đầu tiên tỏa sáng ở đấu trường châu Âu. Các cầu thủ như George Best đã thu hút được người hâm mộ bóng đá ở khắp nơi. Những người lái xe tải ở Brazil, không hề biết tiếng Anh, cũng sẽ mỉm cười chào đón du khách và nói: "Bobby Charlton, tốt lắm." Trong những năm gần đây, Câu lạc bộ này còn xây dựng được các nhóm người hâm mộ hâm mộ ở thị trường Viễn Đông nhờ các chuyến giao hữu ở đó trước các mùa giải. Vì vậy câu lạc bộ này có thể tự hào là có đến 11 triệu người hâm mộ ở nước Anh và 54 triệu người hâm mộ khác trên khắp thế giới. Như chúng ta đã thấy trong thái độ của các khách hàng ở tiệm Metelitsia, Moscow, các người hâm mộ của Manchester United ở bất cứ nơi nào cũng rất trung thành và không dễ gì họ chuyển sang ủng hộ Chelsea hay một câu lạc bộ khác dù rằng các câu lạc bộ này có tỏ ra thành công đến mức nào.
Một dấu hiệu cho thấy tham vọng của Abramovich trong việc cải thiện hình ảnh thương hiệu Chelsea là việc ông thuê hãng CPLG (The Copyright Promotions Licensing Group) để giúp ông thực hiện dự định này. Nhưng di sản của Chelsea vốn kém hấp dẫn hơn nhiều so với Manchester United, vì vậy việc khai thác thị trường toàn cầu về bản quyền TV sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, cách nhanh nhất để quảng bá thương hiệu toàn cầu mà Abramovich mong muốn là Chelsea phải giành được Cúp C1. Ngay tức khắc, điều đó sẽ thu hút rất nhiều người ủng hộ trên khắp thế giới: các người hâm mộ sẽ mong muốn sở hữu mọi thứ, từ những chiếc áo nhái (replica) cho đến những chiếc cốc có in thương hiệu Chelsea. Lòng trung thành của họ sau đó sẽ được củng cố qua các chuyến giao hữu trước mùa giải được thu xếp theo mục đích cụ thể tới các quốc gia hâm bộ bóng đá và chịu chi nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc và một thị trường ngày càng lớn là Trung Quốc.
Ngoài ra, việc thu nạp các cầu thủ chủ chốt có sức hấp dẫn đối với một bộ phận dân chúng đặc biệt nào đó. Real Madrid từng chấp nhận một cái giá cắt cổ cho khoản đầu tư vào tiền vệ David Beckham, không chỉ vì khả năng trình diễn trên sân bóng của anh mà còn vì sự gia tăng khả năng bán bản quyền truyền hình ở vùng Viễn Đông. Tương tự như vậy, thu nạp một cầu thủ được hâm mộ ở một quốc gia nào đó có thể làm tăng tín nhiệm của câu lạc bộ ở thị trường này. Fulham chắc chắn là đã được hưởng lợi từ hiệu ứng Junichi Inamoto. Cựu cầu thủ Liverpool và hiện là bình luận viên đài BBC Mark Lawrenson quan sát và nhận định: "Bạn chỉ việc đến đường Loftus vào các thứ 7 khi Fulham chơi bóng trên sân nhà là có thể thấy hàng trăm người hâm mộ Nhật tập trung bởi vì câu lạc bộ này có một cầu thủ Nhật." Tuy nhiên, lợi ích thực sự của Fulham không phải ở việc tăng doanh thu bán vé tại London nhờ có Inamoto, một cầu thủ thường thường bậc trung, mà ở chỗ Inamoto đã giúp cho câu lạc bộ này nổi danh hơn Nhật Bản.
Kể từ khi mua Chelsea, một việc khó khăn hơn đối với Abramovich là ông phải điều chỉnh cách ứng xử cho phù hợp hơn với văn hóa bóng đá, đặc biệt là tại các trận đấu trên sân khách. Nghi thức ở khu vực ban huấn luyện có vẻ thần bí không kém gì nghi lễ an táng các pha-ra-ông. Matthew Harding quá cố hẳn là đã thường làm cho Ken Bates khó chịu vì thói quen nhảy dựng lên và khua tay mỗi khi thấy hứng thú cao độ. Đây được coi là phong cách rất xấu khi bạn đang ngồi cùng các đại diện của đối phương. Và vì vậy, khi Abramovich tham dự trận đấu đầu tiên của mùa giải ở Liverpool mà không đeo cà vạt còn Shvidler thì vỗ tay sau khi Chelsea ghi bàn, Bates cảm thấy không hài lòng. Ông chủ người Nga cũng nhận được một bài học khác về cách ứng xử khi theo dõi trận đấu của Chelsea trước đội Besiktas của Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ Cúp C1. Trận đấu được chuyển tới Đức sau khi xảy ra một vụ đánh bom tại chi nhánh ngân hàng HSBC ở Istanbul hai tuần trước. Đêm hôm đó đã xảy ra một vụ đụng độ đẫm máu giữa các người hâm mộ của Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát Đức đã phải huy động hàng trăm nhân viên ra giải quyết vụ việc. Thực ra không phải người Anh muốn khai chiến. Tại Đức có một số dân đáng kể người lao động nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy 50 nghìn người ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đảo con số 400 người hâm mộ của Chelsea đến xem trận đấu. Abramovich ngồi ở khu vực ban huấn luyện và hành động ban đầu của ông cho thấy ông nhận thức được tính nhạy cảm của tình hình. Khi các người hâm mộ của Chelsea bắt đầu hò reo cổ vũ và hô to tên của ông, Abramovich đặt một ngón tay lên môi nhằm ra hiệu cho họ yên tĩnh hơn. Tuy nhiên, khi trận đấu tiếp tục diễn ra, chính thái độ phân biệt bè phái của ông chủ câu lạc bộ này đã tạo ra một khoảnh khắc không hay. Khu vực ban huấn luyện thường được coi là nơi của sự điềm tĩnh ngay cả trong những cuộc đọ sức căng thẳng nhất. Tuy nhiên, lần này thì khác. Khi Abramovich bật dậy sau một cú chơi xấu rất thô kệch đối với một cầu thủ của mình, những người Thổ Nhĩ Kỳ ngồi phía trước ông quay lại và đưa tay cắt ngang cổ. Các vệ sĩ của Abramovich vô cùng lo lắng về việc này nên đã phải tháp tùng ông rời khỏi khu vực khán đài trước khi trận đấu kết thúc.
Tony Banks, cựu bộ trưởng thể thao và người hâm mộ của Chelsea, có lần phát biểu rằng ông có cảm giác nếu có thể, Abramovich thích xem đá bóng với bạn bè trong phòng kín hơn, ngụ ý rằng Abramovich có rất ít kiên nhẫn và khả năng kiềm chế trong những tình huống kiểu này. Tuy nhiên, khi chứng kiến thái độ của Abramovich sau chiến thắng 4-0 của Chelsea trước Lazio ở Rome tháng 12 năm 2003, có thể thấy nhận định trên không công bằng. Sau trận đấu, 5.000 người hâm mộ của Chelsea từ nơi xa đến bị cảnh sát Ý giữ lại trong sân vận động để người ủng hộ Lazio có thời gian giải tán trước. Trong khi chờ đợi, họ được giải trí bằng các đoạn phim quay lại các trận đấu của Chelsea. Tuy nhiên, họ dần trở nên bớt kiên nhẫn và Gianfranco Zola, một cựu cầu thủ Chelsea rất được mến mộ, đến sân bóng và cố gắng xoa dịu tình hình. Anh được mọi người hoan nghênh nồng nhiệt vì hành động này. Năm phút sau đó, Abramovich xuất hiện cùng với các vệ sĩ. Tiếng hoan hô càng vỡ òa lên vang dội. Giây phút đáng nhớ đó đã giúp Abramovich giành được lòng mến mộ và sự kính trọng lâu dài của các người hâm mộ. "Điều đó làm cho bạn xúc động", Mark Meehan, cựu biên tập viên một tờ báo độc lập của người hâm mộ Chelsea, người có mặt ở sự kiện đêm đó cho biết: "Ai nấy đều vui vẻ gọi điện về nhà để kể lại câu chuyện đó."
V7Q}8
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top