Chương 3: Sống lại √
Cậu ấm Trần thấy thế thì mất hết hứng thú. Hắn ta bật dậy, không thèm quay lại nhìn Liễn cái nào. Không biết là bởi Trần Doanh Dĩnh đã làm quá nhiều chuyện khủng khiếp như vậy, hay do trời sinh hắn ra vốn bản chất máu lạnh, chứ người bình thường nào có ai cư xử thế kia.
Cơn mưa này dai dẳng thế. Mưa mãi, nữa mãi, mưa không hết nước. Bên ngoài sấm giật đùng đùng, bên trong lặng ngắt như tờ. Hiên trước của căn nhà tranh bị dột, nước mưa chảy xuống chỗ ông Lý và bà Nhàn nằm; máu me lênh láng thành từng dòng, từng dòng như con suối nhỏ.
Khuôn mặt trắng phớ của Trần Doanh Dĩnh hiện lên chán ghét. Hắn cố gắng phủi đi vết nhem nhuốc trên quần áo không thành, liền tiện tay xé rách chỗ bị bẩn ấy.
Hai tên đầy tớ Ghếch và Bỏi vừa giết người xong, tay chân vẫn còn hơi run rẩy, không dám hó hé chờ lệnh của chủ nhân.
Doanh Dĩnh lấy một lọ thuốc nước từ trong túi, tu ưng ực. Nghe nói con của quan tri phủ yếu ớt từ nhỏ, luôn phải dùng thuốc quý để giữ mạng.
– Bọn bay xử lý cái lũ này đi.
Nên làm thế nào thì làm thế đó, chắc không cần thằng này phải cầm tay hướng dẫn đâu nhỉ.
Ô ở góc nhà, hắn cầm lấy rồichậm rãi đi khuất vào màn mưa.
Ghếch và Bỏi liếc mắt nhìn nhau. Vậy là làm theo lệ cũ.
Vì trời mưa to và cũng đã chập tối nên đường xá không một bóng người. Ba thi thể xấu số được cuộn vào trong chiếu rách khuân vào tới trong rừng. Âm thầm, bí mật, trời không biết, đất không hay. Hoặc có lẽ là có người biết nhưng đã bị bọn gian ác kịp thời bịt miệng. Bằng tiền, bằng quyền, và bằng cả an nguy tính mạng của chính họ.
***
Mấy hôm sau, trong phiên chợ tiếp theo, người dân đã đồn ầm lên. Thế nhưng cho dù hỏi han cỡ nào thì cũng chả ai biết sự tình.
Người thì bảo nhà họ trốn nợ bỏ đi biệt xứ. Kẻ lại nói họ là đều là yêu ma biến thành, hôm mà trời mưa to như trút ấy, cả nhà đã bị lôi công điện mẫu đánh cho tan thành tro bụi. Một đồn mười, mười đồn trăm. Người biết thì không dám nói. Người dám nói thì tức là không biết. Cuối cùng sự thật ra sao cũng đã bị chôn vùi trong đất đá.
***
Nghe phong thanh sắp có quan tổng đốc mới.
Tính ra vị tổng này cũng xuất thân cao quý, là con trai trưởng của ông Thượng thư Bộ Lại ở triều đình.
Thường thì sau khi thi đỗ, các ông nghè sẽ được nhậm chức ở các huyện làm tri huyện, huyện thừa, phủ doãn,... Nhưng Phạm Thành Uyên ba năm trước sau khi đỗ cao lại được bổ nhiệm trực tiếp vào làm việc trong Quốc Tử Giám một thời gian để tạm dạy học cho thái tử vì chưa tìm được người phù hợp.
Nay thánh thượng đã mời được tiên sinh dạy học nên mới ban cho trạng chức tước để về vinh quy bái tổ.
Ngày trạng về nhậm chức, võng lộng xa hoa, cờ bay rợp trời.
Là trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong ba mươi năm trở lại đây, Phạm Thành Uyên năm nay chắc cũng vừa hai mươi ba tuổi. Còn trẻ thế mà đã giữ chức tổng đốc, e là khó thuận lòng người.
Chàng không mặc mũ mão, ngồi trên lưng ngựa đi đằng sau đoàn người hộ tống, đội một cái nón tầng loại nhỏ, khăn khố kín mít. Dáng người cao ngất và cường tráng làm người ta nhầm tưởng đây hẳn là một vị thị vệ nào đó.
Ai mà biết đây chính là vị tổng đốc sắp nhậm chức cơ chứ.
Vì tránh cho nhiều người nhận diện nên Phạm Thành Uyên quyết định cải trang như vậy.
Phủ lại đã ở ngay trước mặt. Chỉ mỗi cổng vào và tường bao thôi mà đã to lớn uy nghi lắm rồi, không biết bên trong còn đến mức nào nữa.
Nông dân thì bâu thành đám, binh lính thì xếp thành hàng.
Quan tổng đốc cũ đã già, phải về hưu, mái tóc hoa râm, mặt mày nhăn nheo lao lực, nhưng ánh mắt vẫn tinh tường lắm.
Ông đã được đánh tiếng trước rằng người ngồi trên võng không phải quan tổng đốc mới thật thế nên chỉ hành lễ nhỏ, trao con dấu và sổ sách xong thì dẫn theo gia quyến lên xe ngựa rời đi.
Dân chúng hai bên chen chúc, đặng là để xem được mặt và tặng một số vật phẩm thôn quê cho ông quan mới. Lính lệ có trách nhiệm bảo vệ đứng thành một vòng tròn cố gắng cản lại dòng ngươi liều mạng chen chúc.
Viên thiếu úy Cao Điển giơ tay nói lớn:
– Bà con bình tĩnh, nếu muốn tặng sản vật cho đại nhân của chúng tôi thì vui lòng đứng thành hàng lối một cách trật tự. Không được chen chúc!
Thế nhưng lời nói ấy chẳng có tác dụng mấy, chỉ có một vài người là tản ra, còn lại vẫn y nguyên hò hét, xô đẩy.
– Ông quan ơi! Đại nhân ơi! Nhà tôi trồng được rau sạch nên biếu ngài đây, xin ngài nhận cho!
– Đại nhân, tôi có trứng gà con so ngon lắm, ông mau lấy đi!
– ...Lấy của tôi!
– ...Lấy của tôi này!
Trong màn xáo động là tiếng nói bất lực của Cao Điển:
– Không được chen lấn! Không được!
Mặc cho viên thiếu úy hét khàn cả cổ, tình trạng vẫn có xu hướng ngày một hỗn loạn.
Không biết là trời xui đất khiến hay sao, Thành Uyên tình cờ trông thấy một người cầm theo giỏ rau bị xô ngã, rau rơi vương vãi trên mặt đất. Dù gã đó nhặt lại rất nhanh nhưng cũng kịp để chàng phát hiện một thỏi vàng cũng vừa lúc rơi ra từ giỏ rau ấy.
Lính lệ đều cảm thấy vô cùng phiền phức nhưng không dám đánh dân chúng, chỉ có thể làm mấy hành động giơ gậy dọa nạt hay quát tháo vài câu.
Thế nhưng càng nhân nhượng thì đám người này càng lấn tới. Một người phụ nữ đã có tuổi thậm chí còn xô đẩy người khác.
– Tránh ra, mấy cái người này tránh ra. Để tôi, để tôi tặng trước! Không biết kính lão đắc thọ à?
Lưỡi kiếm sắc bén vừa tuốt ra khỏi vỏ vẫn con nóng chỉa thẳng vào mặt mụ đàn bà. Dưới lớp vải che, vẻ mặt Thành Uyên đã hơi tức giận. Chàng nói một cách cương quyết:
– Ta chỉ biết cố tình gián đoạn người có chức trách thi hành công vụ thì sẽ bị phạt đánh mười hai hèo và nộp hai mươi quan tiền vào công quỹ. Nhà ngươi vừa ngăn cản tri châu mới nhậm chức, vừa xô đẩy người khác thì đáng bị phạt như thế nào?
Người đàn bà mặt mày xanh mét, chết sững không nói nổi.
Thấy thời cơ đã đến, Phạm Thành Uyên rút kiếm tra vào vỏ, ngẩng cao đầu nói lớn:
– Tránh ra.
Chiêu “giết gà dạo khỉ” này thực sự hiệu quả, đoàn người rối tung như đống bùi nhùi lập tức tản ra hai bên. Một kiếm định càn khôn chắc là dùng ở đây. Đoàn võng lọng của quan tổng đốc lúc này mới vào được đến phủ.
Thiếu úy Cao Điển đứng ra trước cửa.
– Được rồi, giờ bà con nào muốn tặng gì thì xếp thành từng hàng một đem đến đây.
Mọi người rục rịch, cầm giỏ tiến đến gần thì Phạm Thành Uyên đang giả thành hộ vệ lại đứng lên cắt ngang:
– Đại nhân truyền lời là không nhận bất kì thứ gì, nếu ai nghe không rõ mà vẫn cố tình biếu tặng thì sẽ quy cho là tội hối lộ quan viên, y theo luật mà xử.
Chàng nói xong thì bỏ đi ngay.
Viên thiếu úy thấy vậy thì tiếc nuối lắm nhưng vẫn nghe theo, ra lệnh cho lính đóng chặt cửa lớn. Dòng người bị chặn ở phía ngoài nhìn nhau hoài nghi.
***
Đồng ruộng của làng Thượng Xá giáp với một rừng cây, gọi là rừng Vụ.
Mặc dù gần nhau là vậy nhưng ngoài những tay thợ săn lão luyện thì chả có người dân nào dám bén mảng tới.
Vì từ thời xa xưa đã có lời đồn đại không hay về ma rừng hay những loài sinh vẫn kì bí và độc ác chưa biết tên, và cả thú dữ lúc nào cũng rình rập, chực chờ con mồi xấu số rập bẫy.
Từ ngày nhà Bình Nhàn bỏ đi biệt xứ tính ra đã được bảy bảy bốn mươi chín ngày.
Mấy ngày nay trời còn mưa suốt nên không khí trong rừng càng thêm lắng đọng âm trầm.
Khu rừng yên ắng lạ thường, có chi là tiếng gầm của chúa tể hay tiếng "cọt kẹt" của sâu mọt đục thân.
Lòng đất ẩm ướt và bí bách, chẳng ai nằm mãi dưới đó được nên cho dù phải dùng hết sức cũng phải thoát ra.
Lớp vôi trắng mỏng được vãi lên trên đã trôi gần hết, mặt đất nhấp nhô không theo quy luật, như là tua nhanh quá trình sinh trưởng của một mầm cây đang cố gắng đội đất trồi lên để hứng lấy tia nắng mà nó vốn được hưởng.
Đầu tiên là chân, sau đó là tay.
Hai tay hai hai như bốn cây măng mới nhú chọc thẳng lên trời.
Người dưới đất cứ cựa quậy trong vô thức, lớp bùn lầy cứng đầu theo động tác mà dần rơi ra.
Bóng ma ngồi bật dậy. Tóc rũ rượi che hết mặt mũi. Bộ quần áo cũ kĩ nát bươm. Cơ thể đang phân hủy tỏa ra mùi hôi khó chịu. Làn da đen sạm, lở loét, giòi bọ lúc nhúc làm tổ.
Khuôn mặt đó vừa lạ vừa quen.
Phải chăng là cô Liễn con nhà Bình Nhàn.
Thế nhưng giờ đây dung nhan xinh đẹp khi xưa đã không còn nữa, nhân dạng biến đổi và trở nên gớm ghiếc hệt như quỷ sứ bò về từ địa ngục để đòi mạng.
Liễn lom khom đứng dậy, nàng đi từng bước lững thững, xương cốt va đập vào nhau.
Rít.
Nàng không biết mình đi đâu, chân tay cứ vô thức, cảm thấy mình như ảo ảnh, lúc tồn tại lúc không, vừa trừu tượng lại mông lung.
Trong đầu Liễn trống rỗng, trí nhớ hỗn loạn, không nhớ ra bất kì điều gì.
Nàng sống lại?
Sao lại sống lại?
Vì đã chết ư?
Tốc lực gia tăng, nàng cứ chạy, chạy mãi, càng chạy người lại càng đau, đau đến nỗi ngã quỹ xuống ngay bên cạnh một khe nước nhỏ.
Hôm nay là rằm. Ánh trăng tròn vành vạch. Trong veo.
Liễn gắng gượng, cố muốn trườn mình về phía nguồn nước để giải tỏa cơn khát.
Nhưng nước chưa kịp uống thì nàng đã giật mình vì bàn tay xấu xí, đã bong cả lớp biểu bì, thấy cả xương trắng và máu thịt đỏ hỏn.
Tim Liễn đập "thình thịch". Nàng linh cảm có chuyện chẳng lành đã xảy ra với mình.
Nhờ ánh sáng yếu ớt của mặt trăng và mặt nước tĩnh lặng lạ thường, Liễn trông thấy một khuôn mặt quỷ dị từ từ hiện ra.
Đó là một khuôn mặt tím tái, một tròng mắt gần như trắng dã với con ngươi chỉ bé bằng cái lỗ kim, mắt còn lại thì đỏ lòm toàn máu, một nửa mặt sần sùi như chết bỏng.
Thế nhưng diều làm Liễn sợ hãi hơn cả...
Nàng đưa tay sờ lên mặt mình.
Đó... Là nàng sao?
"Á...á...á..."
Liễn gào lên một tiếng, nhảy bật ra khỏi chỗ đó.
Nàng thở hồng hộc, hai hàm răng va cầm cập vào nhau.
Nàng sợ hãi, chính bản thân mình.
Liễn lùi mãi đến khi lưng nàng chạm vào một thân cây. Nàng trượt dài người, ngồi lên đám hoa dại mọc ngay dưới gốc, đè chúng nát bét.
Nàng cần phải bình tĩnh lại.
Nàng không thể bình tĩnh được.
Liễn quờ quạng xung quanh, giãy giụa và rú hét một cách điên cuồng, tới khi mệt mỏi và mất dần ý thức.
Một đêm kinh hoàng.
Mấy hộ dân sinh sống gần cánh rừng cho biết tối qua có tiếng động vô cùng kì lạ, nghe như tiếng gầm của yêu ma quỷ quái, thế nên mặc dù hôm nay trời nắng to, cũng không có ai dám bén mảng tới gần.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top