Ngốc

Ngốc

A Tứ biến mất hai tuần. Không đến đón lúc tám giờ tối, không ghé qua đưa đồ ăn xế lúc năm giờ chiều, không bất thần xuất hiện chỗ quán mì hoành thánh. Hôm đó, đưa Chi về trước công ty, chỉ dặn là chờ cậu quay lại, và đừng ghé quán muộn hơn mười hai giờ. Chi không được khỏe, sau giờ đó thì không tốt cho người sinh thể yếu đâu...

Không có những chuyến đi kéo dài qua tận giữa khuya hôm sau mà Chi vẫn cố gắng để ra khỏi văn phòng không muộn hơn chín giờ. Cứ cách ngày lại ghé quán mì, ngồi ăn hoành thánh xá xíu mà nghe tình khúc xưa văng vẳng đâu kia trên gác. Chú Tiều nói, hồi xưa má chú thích nhạc trữ tình. Mê lắm. Đi buôn đi bán cực khổ, phụ chồng lo hai bên nội ngoại, lắc tay nhẫn vàng không mua cũng được, cứ đòi ba mua máy hát với băng nhạc. Lúc má trăm tuổi già, chú mới học xong phổ thông. Chú quỳ sụp xuống bên giường má, ngước lên thấy thầy Quảng thì hết hồn. Thầy chỉ cười hiền đưa tay suỵt, bảo để thầy đưa má về trời. Chú đứng bên cạnh thầy, thấy má dặn ở trên đó má còn muốn nghe hát. Chú gật. Nên ở đây, tháng Một không còn mùa thu, trăng rơi bên hồ. Tháng Tư có ai xuôi vạn lý, tháng Mười Một dạo Chi mới ghé, mùa thu em mặc áo da trời sang đông lại khoác lên người áo hoa. Rồi thầy thấy ba nấu mì ngon dễ sợ, ngon nhất trần đời, vậy là thường ghé. Cũng kêu đồng môn ghé. Riết chỗ này sau nửa đêm thì khách trời thần đất lở gì cũng có. Hồi năm trước ba chú về với má, đến lượt A Tứ đưa đi...

Chi nghe hết chuyện, định hỏi A Tứ, lại thôi. Xoa đầu thằng nhỏ chạy bàn nói cảm ơn em, rồi chào chú đi về.

Hơn mười giờ đêm, những con đường lành lạnh. Đèn xe của Chi trở thành một con đom đóm, hòa vào những con đom đóm khác, tuôn vào những mạch chảy phập phù của thành phố. A Tứ đang ở đâu đó bên trên, hay bên dưới. Cậu đi muôn nẻo muôn phương. Còn Chi, chỉ có thể ở đây, trên mặt đất, trong những căn phòng, được thắp sáng bằng những bóng đèn mà nhìn từ các tầng mây bé xíu như một đốm lân tinh trên mặt biển đêm.


-


Cho đến khuya lơ lắc hôm kia, Chi tỉnh lại, nghe thấy có tiếng cửa sổ mở sột soạt. Cô ngồi dậy, thấy cậu trai kia không biết đã đứng cheo leo ở bên ngoài từ lúc nào. Chân cậu không chạm đất, mái tóc bù xù của cậu hắt vàng cam từ đèn đường đầu hẻm. Khuôn mặt cậu khuất trong bóng tối, nhưng Chi biết là cậu đang cười rất hiền lành.

"Mình đưa cái này cho Chi." Nói rồi, đưa tay ra để sinh vật nằm trong lòng cậu nãy giờ dựa vào cánh tay Chi. Cô giật mình, nghe đám lông êm mướt sột soạt trên da, rồi cái đầu nhỏ với đôi tai nhọn dụi vào lòng mình.

"Hôm nay mình đưa một cô nhỏ kia đi, ở bệnh viện. Ba mẹ cô bé hình như vừa ra ngoài gặp bác sĩ hỏi han gì đó. Cô nhỏ nhìn thấy mình, năn nỉ mình chăm con mèo của em với. Tội nghiệp nó, em mới nhặt nó mấy tháng trước, nuôi mới tròn ra được một chút. Giờ em đi, sợ nó buồn... Mình ừ đại, xong sực nhớ mình đâu có chăm được. Hay nhờ Chi..."

Chi nhìn con mèo màu xám tro nằm buồn bã trong lòng, gật đầu.

"Thực ra mèo tốt lắm đấy, có mấy con còn xua đuổi tà ma. Con mèo này, mình thấy nó giống Chi..."

"Giống làm sao?"

A Tứ định nói mình thấy nó cũng mềm mềm, thanh thanh, âm ấm giống Chi, mà ra đến miệng tự dưng thấy mình nói gì ngớ ngẩn quá, bèn thôi, chỉ cười trừ.

"Thì là nó thấy mình đó."

Chi gãi gãi đầu mèo, "Có một lý thuyết vật lý nói rằng, loài mèo có thể đi xuyên qua nhiều thế giới đấy."

"Cái này thì hẳn rồi."

"Mèo có tên không?"

"À... không, thực ra là mình không biết. Mình rối quá không kịp hỏi."

"Đồ ngốc." Chi cười khanh khách.

"Gì cơ?"

"Mình nói mình sẽ gọi nó là Ngốc."


-


A Tứ đi mất. Chi không hỏi cậu đi đâu, hay bao giờ mình gặp lại. Có những chuyện không nhất thiết phải hỏi, không nhất thiết phải nắm lấy. Sáng hôm sau thức dậy, thấy con Ngốc nằm cuộn tròn trong ổ giẻ mà Chi dọn cho nó đêm qua, tự dưng một làn hơi ấm áp phủ lên mũi cô. Ăn sáng xong, Chi bế Ngốc đi thú y. Bác sĩ nói, Ngốc hơn mười hai tuổi rồi, là mèo sắp lão niên. Lang thang ngoài đường mà sống được lâu như vậy, thật là kỳ tích. Em ráng chăm nó, chắc vài tháng sau sẽ khỏe hơn. Ngốc được vuốt lưng, gãi cổ, lim dim nằm nghe bác sĩ nói hết dặn dò này đến dặn dò khác, như đồ ăn phải dễ tiêu, như không được cho leo cao, té dễ gãy xương, vân vân và mây mây. Chi cố ghi nhớ, nghiêng đầu nhìn sang Ngốc, thấy con mèo xám ngước mắt nhìn cô buồn buồn. Chi thở dài, thôi thì ráng mà chăm nhau...

Thêm một dự án vùa kịp xong trước Tết. Chi tạm buông xuống các con số, bế Ngốc về nhà hôm hai chín Tết, mùng sáu lại lên, đem theo mấy đòn bánh tét mẹ làm đưa qua cho chú Tiều, nhờ chú mời các thầy nữa. Mẹ con làm bánh ngon lắm, Chi nói, nghề gia truyền của bà, ngon nhất xứ. Chú Tiều cười hỉ hả. Con Ngốc kêu meo meo phụ họa. Tết xong, Chi đi làm lại, mỗi ngày đều hứa với Ngốc là tối nay chị về, không bỏ Ngốc đâu mà. Nay Chi bỗng dưng thấy mình như có một gia đình, để thu xếp mà trở về mỗi ngày, dù gia đình đó chỉ là một cụ mèo lười và lúc nào trông cũng buồn buồn như sắp sửa chia xa.

Những con số lại ào ạt ập đến, nhưng lần này, Chi thấy lòng mình yên tĩnh lạ. Vẫn cả ngàn bài toán bày ra trước mắt, chực chờ găm vào lòng cô những vết cào lúc cô không để ý. Nhưng Chi không cố gắng làm những điều mình không thể nữa. Sẽ có những bài toán không thể nào giải được, sẽ có những khoảng cách không thể nào chắp nối. Chi chỉ có thể đảm bảo tính toán của mình và các đồng nghiệp trong nhóm là đúng nguyên tắc nhất có thể. Nếu không vá được, thì là không vá được thôi. Chi nghĩ, đâu phải lỗi của mình, do sổ sách của bên họ đưa ra không đúng, thì mình chỉ có thể nói là không đúng. Phải không Ngốc ha? Việc gì chị phải đi sửa sai cho người khác? Con mèo nghe Chi thì thầm, dựa đầu vào lòng bàn tay cô gừ gừ. Đêm buông, Chi về đến nhà, cho Ngốc ăn xong, hai đứa ngồi bên cửa sổ nhìn xuống con hẻm dần dần thưa người qua lại. Dọn dẹp trong ngoài, đọc vài trang sách, nghe vài bản nhạc, gọi điện về quê hỏi thăm ba mẹ. Chi nghĩ, thực ra làm người bình thường như thế này đã tốt đẹp biết bao.

Đi làm, là vẫn bị quấn lấy trong ngổn ngang trăm mối. Nhưng bỗng Chi cảm thấy một niềm tự hào nho nhỏ, là khi tan sở, bước chân ra khỏi cơ quan, cô có thể tạm bỏ lại hết, kể cả những chiếc móng vuốt xù xì, ở phía sau. Dường như không gian riêng của Chi, nơi cô về nương náu mỗi ngày, đã được bảo vệ, theo một cách nào đó mà Chi không thể nào lý giải.

Có lẽ vì vậy mà Chi thấy mình nhẹ nhàng hơn. Mệt thì vẫn mệt, cũng không thể ra khỏi văn phòng lúc sáu rưỡi bảy giờ như nhân viên của các công ty tầng khác, nhưng sẽ thôi những cơn váng vất ngắn dạo năm giờ chiều, vị cà phê trên đầu lưỡi cũng hiển hiện rõ ràng, không chỉ là thứ nuốt trôi xuống bụng để có thêm vài giờ tỉnh táo. Mỗi buổi sáng, Chi chọn một chiếc áo mà cô thấy xinh, thêm một cái trâm cài hoa vải, rồi nhìn nhân dạng mình trong gương như cố gắng tìm kiếm trên vai thứ màu dịu êm như trăng mà A Tứ nói. Lẽ dĩ nhiên là Chi không thấy, nhưng nếu A Tứ thấy, thì cứ tin là thế đi. Và Chi không muốn làm cậu thất vọng, rằng có ngày nào kia nếu hai đứa còn gặp lại, lỡ mà ánh sáng đó tan đi, chắc A Tứ buồn lắm.

"Chị sẽ ráng không buồn. Ngốc cũng ráng đừng buồn nữa, ha." Chi nói với con mèo nằm cuộn mình dưới chân giường. Nó vểnh râu vểnh tai nghe, rồi meoooo dài một cái, ưỡn lưng dụi đầu vào gót chân Chi.

Ngốc không khỏe hơn, cũng không yếu đi. Nhưng tính thận trọng của nó thì hình như luôn hiện hữu. Chi chải tóc xong, nó sẽ ngồi ngay ngắn kế bên đôi giày, chờ Chi mang tươm tất. Chi mở cửa nhà bước ra, nó sẽ lẩn quẩn bên gót chân cô, rồi lại trở về ngồi ngay ngắn như đang canh gác một vùng lãnh thổ nào đó. Bước vào, là nhà, là an yên và bảo bọc. Ngốc làm mọi thứ thật chậm rãi, cái cách nó tỉ mẩn canh giữ căn nhà nhỏ làm Chi xót xa. Mà cả nỗi xót xa này cũng thật êm dịu. Mười hai năm lang bạt kỳ hồ, tính theo đời người là cả bảy tám thập niên. Biết bao là chuyện đã có thể xảy ra, biết bao là buồn vui thương đắng. Những cuộc gặp gỡ rồi chia xa, những lúc đói mốc đói meo và những bữa ăn ấm áp. Mèo thì chắc cũng như người thôi, đi nhiều quá sẽ muốn về nhà, nặng nề quá sẽ muốn ngủ vùi một giấc.

Có hôm Chi tắm xong cho Ngốc, sấy khô bộ lông xám ngả bạc, rồi cho nó leo lên giường nằm trên bụng mình. Chi vuốt ve cái đầu và hai tai nhỏ, nghe hơi thở của nó, nghe tiếng meo meo dài thật dài, và da cổ run run, lại nghĩ đến cô bé nhặt nó rồi chăm sóc chừng vài tháng. Cô bé ấy chắc đang ở đâu đó trên kia, đợi mùa gió lên sẽ trở thành một giọt nước mưa rơi xuống. Chị sơ ý quá, chưa hỏi tên bạn nhỏ ấy. Mà chắc A Tứ biết đấy, cậu ấy như biết hết, quen hết mọi người...

Chi tin rằng, những tháng ngày cùng người bạn ấy, Ngốc đã rất vui.

Nếu không, nó đã chẳng buồn đến mức này.

Những ngày này, hai đứa cứ như quanh quẩn quanh lối đi của nhau, đứa này ráng tìm lại những mẩu mà đứa kia lỡ đánh rơi, rồi đẩy đến trước mặt nhau, chần chừ không biết phải gắn lại làm sao.

Ngốc đưa cả bốn chân cố quàng lấy bụng Chi, như để xem bụng cô có trống hay không.

"Bụng chị có hoành thánh trong đó là đủ rồi. Ngốc không cần vá lấp gì đâu."

Mèo dụi dụi vào người Chi, rồi hai đứa ngủ mất.

Cứ như vậy, cho đến hết tháng Tư. Tất cả các dự án đã khép, những con số cuối cùng cũng được sắp xếp, ngay hàng thẳng lối. Không hoàn hảo, chỉ rất thẳng thắn. Chi biết cô và nhóm đã làm hết sức có thể. Tạm thời, không còn những ca làm muộn đến lưng chừng đêm trôi. Ngốc dường như cũng vui hơn khi Chi có thể về nhà sớm.

...Trước khi cơn mưa đầu tiên của mùa mới rơi xuống, có một ngọn lửa nhen lên, ở một cư xá cũ, trong chập chùng bóng tối, trong giấc ngủ say. Sáng Chi dậy chuẩn bị đi làm, mở radio nghe thời sự, có giọng phát thanh viên lịch thiệp nói đám cháy đã kéo dài hơn sáu tiếng, đội cứu hỏa dập lửa xong, đám bụi dày vừa tản ra một chút, thấy các tầng trên đã hoàn toàn đổ sụp xuống, công tác cứu hộ những ai còn kẹt lại bên dưới hết sức khó khăn...

Chi nghe bụng mình giật thót.

A Tứ.


-


Thầy Quảng có nói, thời khắc mạch dừng và tứ chi buông xuôi vốn là một ước hẹn hiển nhiên, lại chỉ đến trong tích tắc, nên càng trở nên mong manh. Người ta không nên phải đợi chờ quá lâu để được tiễn đưa, càng sớm thì càng dễ an yên, càng lâu càng dễ sa vào những tối tăm mù mịt. Nên dễ dàng nhất là khi thầy hay A Tứ ở cạnh họ trong giây phút một dòng thời gian đang kết thúc, mọi sự an ủi đều có thể diễn ra nhẹ nhàng hơn. Còn ai lỡ không may mà nhắm mắt xuôi tay ở nơi không ai tìm đến được, cả thầy và A Tứ đều không thể chạm tay vào và vuốt mắt cho xuôi, thì đôi mắt đó sẽ mở trừng, gửi đi bao nhiêu là oán giận. Mọi việc khi đó sẽ khó khăn hơn nhiều lắm. Không chỉ cho A Tứ, mà còn cho chú nào nhận lấy hạt bụi xù xì, mọc đầy gai nhọn ấy. Biết bao là công sức mới hóa một hạt bụi như thế thành một giọt mưa trong.

Chi xin nghỉ một ngày. Không ở nhà, mà đến cư xá ấy.

Cậu đã nắm lấy tay Chi trong những ngày cô nặng nề nhất, nên Chi cũng không thể cứ thế mà để cậu một mình đối diện với những khó khăn. Tính cậu ấy bướng lắm, không thích nhờ thầy đâu.

Chi đến nơi, đứng ở ngoài dải phân cách báo khu vực nguy hiểm. Cô biết cư xá này, nhà ở đây xây gần năm mươi năm rồi. Chi cũng từng muốn thuê nhà tại đây, nhưng bước vào lại thấy không yên tâm, lại chọn nơi hiện tại, trông chắc chắn hơn một chút. Ở đây nghe nói có nhà kia chuyên may áo dài. Hồi trước lúc phụ nữ ra đường là mặc áo dài trắng quần lụa đen, họ làm ăn rất khá, càng về sau, mối mang càng ít. Nhưng vẫn ráng giữ nghề, lại nhận may thêm đồng phục cho trẻ con đi học. Chi bần thần nhìn vào, không biết dì thợ may và nhà dì đang ở bên ngoài hay bên trong đống gạch đổ vụn, lem màu ám khói đó. Chi muốn bước vào, bị đội cứu hộ cản, bảo ở đây nguy hiểm, cô là ký giả thì đứng ngoài thôi đừng vào trong, cần thông tin gì tụi tôi nói. Chi thì thầm, ở đây em có người quen...

Anh cứu hộ im lặng, không biết phải nói gì. Anh đằng hắng, rồi vẫn nói thôi cô đứng ngoài đi, tìm ra được ai, tụi tôi kêu cô qua gặp lần cuối...

Chi ngước lên, thấy trên mái nhà của một bên cư xá còn chưa đổ sụp, có dáng hình cậu kia, đứng lặng im nhìn xuống. Trông cậu vừa chuyên chú, lại vừa ngơ ngác đến tội. Những người cậu chờ đợi được gặp, không biết đã phải đợi bao lâu.

Chi vẫy tay, bất giác A Tứ nhìn thấy. Nhẹ nhàng thả người xuống, bước đến cạnh Chi, nhíu mày.

"Sao Chi đến đây?"

"Mình lo..."

"Mình không sao" A Tứ cười gượng.

Chi đưa tay ra, nắm lấy bàn tay run run của cậu.

Và cô gái một lần nữa bước qua miền bên kia.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top