A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa - Phần 3
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
阿彌陀經疏鈔演義
Phần 3
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong
Tập 5 (01-03-005)
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, dòng thứ ba trang thứ năm:
(Diễn) Tịnh nghiệp giả, nghiệp cư khổ chi tiên, phiền não chi hậu. Thập pháp giới bất đồng, giai do sở tác chi nghiệp bất đồng. Cổ vân: “Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong”. Hựu vân: “Phật thập lực trung, nghiệp lực thậm thâm”. Hựu vân: “Thập phương chư quốc độ, giai y nghiệp lực sanh”. Cố nghiệp bất khả bất tịnh.
(演) 淨業者,業居苦之先,煩惱之後。十法界不同,皆由所作之業不同。古云,假使百千劫,所作業不亡。又云,佛十力中,業力甚深。又云,十方諸國土,皆依業力生。故業不可不淨。
(Diễn: Tịnh nghiệp: Nghiệp ở trước khổ, ở sau phiền não. Mười pháp giới khác nhau đều do tạo nghiệp khác nhau. Cổ nhân nói: “Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp đã làm chẳng mất”. Lại nói: “Trong Thập Lực của Phật, nghiệp lực rất sâu”. Lại nói: “Các cõi nước trong mười phương đều nương theo nghiệp lực mà sanh”. Vì thế, nghiệp chẳng thể không thanh tịnh).
Đoạn này khá quan trọng, chúng ta phải đặc biệt lưu ý, vì tu pháp môn này phải tu “tịnh nghiệp”. Nếu chẳng hiểu rõ định nghĩa của tịnh nghiệp, đương nhiên tu hành sẽ có chướng ngại. Nghiệp là gì? Ở đây, đại sư giải thích: Nghiệp “ở trước khổ”, khổ là nói về quả báo, tức là quả báo trong tam giới. Quý vị phải hiểu, cả ba cõi đều khổ, đừng nghĩ là có vui. Nếu quý vị nghĩ trong ba cõi có niềm vui thì quý vị đã nhìn lầm rồi! Trong ba cõi không có vui, chỉ có khổ. Trong Dục Giới có ba thứ khổ, có tám thứ khổ, trong các cõi trời thuộc Sắc Giới có Hành Khổ và Hoại Khổ. Dù sanh lên các tầng trời thuộc Vô Sắc Giới, không còn thân hình, nay chúng ta gọi là “linh giới”,trong linh giới ngay cả sắc tướng cũng không có, nhưng họ vẫn có Hành Khổ. Do vậy, nói: “Cả ba cõi đều khổ!” Đấy là chân tướng sự thật. Nếu nghĩ ba cõi có vui thì là mê hoặc. Quả báo trong tam giới gọi là Khổ Báo, chữ Khổ này chỉ quả báo trong tam giới lục đạo. Nghiệp ở trước quả báo, vì tạo nghiệp thì mới có quả báo; nhưng kinh còn dạy chúng ta: Tạo tác thiện nghiệp, có quả báo trong ba đường lành; tạo ác nghiệp, có quả báo trong ba đường ác. Bất luận thiện hay ác đều là khổ, ba đường lành cũng khổ. Chúng ta hiện đang ở trong nhân đạo, con người có khổ hay không? Ngày nay chúng ta làm người, nếm đủ mùi vị làm người, con người khổ sở lắm! Chư thiên theo như kinh Phật đã nói: Dục Giới Thiên có nỗi khổ Ngũ Suy[1], trời Sắc Giới và Vô Sắc Giới có nỗi khổ chết đi đọa lạc, tức là chết rồi sẽ bị đọa lạc.
Ở đây, sách Diễn Nghĩa viết: Nghiệp ở trước nỗi khổ quả báo, ở sau phiền não. Không có phiền não sẽ chẳng tạo nghiệp. Phiền não là mê hoặc. Nghiệp ở giữa “Hoặc, Nghiệp, Khổ”. Hễ nói đến Nghiệp thì trước nó là Hoặc, sau nó là Khổ, [Hoặc và Khổ] đều được bao gồm trong ấy. Phật pháp không chỉ nói đến một mình Nghiệp, hễ nói đến Nghiệp là nói đến Hoặc - Nghiệp - Khổ, chúng ta phải hiểu rõ điều này. Phiền não có rất nhiều loại, có Kiến Tư Phiền Não, Trần Sa Phiền Não và Vô Minh Phiền Não. Ba loại phiền não này, đặc biệt là Kiến Tư Phiền Não, chính là nhân duyên luân hồi trong lục đạo tạo nghiệp, hứng chịu quả báo, chúng ta phải đặc biệt lưu ý. Phải đoạn Kiến Tư Phiền Não thì mới có thể vượt thoát luân hồi. Sách Yếu Giải nói đến “Ngũ Trược ác thế”, đặc biệt thảo luận cặn kẽ hai món Kiến Trược và Phiền Não Trược chính là vì đạo lý này. Đấy là Kiến Tư Phiền Não.
“Thập pháp giới bất đồng, giai do sở tác chi nghiệp bất đồng” (Mười pháp giới sai khác đều do nghiệp đã tạo sai khác): Đây là chỉ bày rõ ràng mười pháp giới do đâu mà có? Do nghiệp lực mà bản thân chúng ta đã gây tạo hiển hiện. Pháp giới vốn chỉ có Nhất Chân, không có mười pháp giới. Nhất Chân biến thành mười pháp giới, biến như thế nào? Do tạo nghiệp bất đồng, quả báo biến hiện bất đồng. Trong các bộ kinh lớn đã nêu ra một nguyên tắc chung: Căn cứ lý luận tối cao trong sự tu học Phật pháp là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Nhìn từ phương diện “duy tâm sở hiện”thì gọi là Nhất Chân pháp giới, nhìn từ phương diện “duy thức sở biến” thì gọi là mười pháp giới. Chuyện này quả thật chẳng dễ hiểu cho lắm, chẳng dễ lãnh hội. Chúng ta hãy nhìn vào màn hình của TV. Trong giảng đường này, quý vị đều có thể nhìn thấy, những tướng được hiện trên màn hình ví như Nhất Chân pháp giới. Tướng hiện ra, nói đơn giản là “hiện tướng”, bất luận là hiện tướng gì, tướng ấy đều là tướng bình đẳng. Những tướng ấy biến hóa trong màn hình là do duy thức biến, thức biến tại nơi ấy. Thức có thể biến, tâm có thể hiện. Có thể hiện thì quyết định bình đẳng, trong ấy không phân biệt, không chấp trước, gọi là Nhất Chân. Nếu là cái được hiện, cái được biến thì sao? Mỗi một ống kính trong ấy đều có biến hóa, đều có những động tác khác nhau; đó gọi là“duy thức sở biến”. Vì vậy Năng Hiện và Sở Hiện là Nhất Chân, Năng Biến và Sở Biến là mười pháp giới, do đã tạo nghiệp khác nhau. Nghiệp đã tạo muôn ngàn sai khác, nói chẳng hết; chẳng những chúng ta không có cách nào tưởng tượng được, mà chư Phật, Bồ Tát cũng chẳng có cách gì nói trọn hết được!
Vì sao tạo nghiệp? Chúng sanh trong mười giới mê khác nhau, những thứ bị mê muội có thể chia thành hai loại lớn: Một là mê nơi Sự, hai là mê nơi Lý. Một loại là Lý lẫn Sự đều mê, loại kia là Lý và Sự đều không mê. Phật là Lý lẫn Sự đều không mê, phàm phu chúng ta mê cả Sự lẫn Lý. Quy nạp những nghiệp đã tạo theo phương diện cương lãnh và nguyên tắc để luận định thì:
- Địa ngục đạo là do nghiệp được tạo bởi tâm nóng giận, cảm thọ khổ báo trong địa ngục.
- Ngạ quỷ đạo là do nghiệp được tạo bởi tâm tham lam, keo kiệt, chiêu cảm ngạ quỷ đạo không được tự tại.
- Súc sanh đạo là do tội nghiệp đã tạo bởi tâm ngu si.
Nghiệp nhân của tam ác đạo chẳng ngoài tham, sân, si. Ngu si là gì? Nói đơn giản, chẳng hiểu rõ chân tướng của hết thảy sự lý là ngu si. Có nghĩa là quý vị chẳng phân biệt rõ ràng chân - vọng, chánh - tà, đúng - sai, thiện - ác, điên đảo ngỡ thiện là ác, tưởng ác là thiện, thị phi điên đảo, không phân biệt chân và vọng, đấy là ngu si. Kẻ ngu si có tự biết hay chăng? Không biết! Nếu người ngu si biết chính mình ngu si thì đâu còn ngu si nữa, đã khai ngộ rồi! Do vậy, chắc chắn là kẻ ấy chẳng tự biết, thường chấp trước cứng ngắc. Đấy là nghiệp nhân của súc sanh đạo.
Trong ba thiện đạo, nhân đạo tuân giữ Ngũ Giới. Đối với người không học Phật, khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Quốc, cổ thánh tiên hiền Trung Quốc đề xướng tiêu chuẩn đạo đức là Ngũ Thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, rất giống với Ngũ Giới trong Phật pháp. Trong xã hội Tây Phương, tinh thần của mười điều răn của Moses[2] trong Cơ Đốc Giáo cũng hết sức tương tự. Đấy chính là nghiệp nhân của nhân thiên đạo. Do vậy, chúng ta được làm thân người là do trong đời quá khứ từng tu Ngũ Giới, Thập Thiện, nghiệp nhân ấy chín muồi, gặp được nhân duyên này, chúng ta được hưởng quả báo làm thân người. A Tu La cũng tu Ngũ Giới, Thập Thiện, vì sao họ biến thành Tu La? Họ có công phu Ngũ Giới Thập Thiện kha khá, tu khá lắm, nhưng có tập khí rất nặng: Nóng giận, ngạo nghễ, tự cao. Tuy không đoạn trừ tập khí ấy, nhưng họ có phước đức tu Ngũ Giới Thập Thiện nên cảm được quả báo A Tu La. Chắc chắn là A Tu La có phước, bất luận ở trong đường nào, chỉ cần là A Tu La sẽ nhất định có phước báo rất lớn, nhưng chưa chắc họ đã tu thiện. Trong khi tu nhân thì họ có tu thiện, nhưng khi hưởng quả, chưa chắc đã tu thiện.
Thiên đạo là tu Thập Thiện nghiệp đạo. Nếu [muốn sanh vào những cõi trời cao hơn, như] từ Sắc Giới Thiên trở lên, còn phải tu thêm Tứ Thiền Bát Định, tu Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, bi, hỷ, xả. Chư thiên Sắc Giới và Vô Sắc Giới, chắc chắn không có sân khuể. Trong Kiến Tư Phiền Não, họ không có sân khuể. Vì sao không có tâm sân khuể? Họ có Định. Nếu kẻ nào có tâm sân khuể sẽ không có Định. Do đây có thể biết rằng: Sân khuể là chướng ngại lớn nhất đối với người tu Định. Đừng nói là chẳng thể thành tựu xuất thế gian định, ngay cả thế gian định cũng chẳng thể thành tựu. Do vậy, người chứng Sơ Thiền trở lên không có sân khuể. Đấy là nói về lục đạo. Lục đạo là phàm phu; chúng ta gọi những vị không thuộc trong lục đạo là “thánh nhân”, thuộc vào tứ thánh pháp giới. Thanh Văn tu pháp Tứ Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Duyên Giác tu Thập Nhị Nhân Duyên. Bồ Tát tu Lục Độ vạn hạnh. Phật tu chân từ bi bình đẳng, thật sự từ bi, thật sự bình đẳng. Đấy là giới thiệu với quý vị một cách đơn giản về sự khác nhau trong mười pháp giới, đã tạo các nghiệp khác nhau. Chúng ta tạo nghiệp như thế nào, sẽ có pháp giới như thế ấy hiện tiền. Đấy là quả báo. Nếu chúng ta muốn thành Phật thì phải tu từ bi bình đẳng thật sự. Muốn làm Bồ Tát, nhất định phải tu Lục Độ vạn hạnh. Muốn làm quỷ, tức là chết đi sẽ làm quỷ thì phải tu tâm tham, tham cầu không chán, tương lai sẽ làm quỷ. Mười pháp giới chẳng có một ai làm chủ tể trong ấy muốn phái chúng ta đi vào đó, không hề có! Không ai có năng lực đó, mà là do nghiệp lực của bản thân chúng ta hiện ra, tự làm, tự chịu, chẳng phải do bên ngoài mà có!
Cổ nhân có nói mấy câu rất hay, chúng ta phải ghi nhớ: “Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo chẳng mất, khi nhân duyên tụ hội, quả báo phải tự chịu”, tự làm, tự chịu mà! Do vậy, đối với chuyện tạo nghiệp, phải cẩn thận, vì sao? Chủng tử của nghiệp ở trong A Lại Da Thức quyết định chẳng mất đi, chẳng thể thất lạc. Cái kho A Lại Da Thức là nơi bảo đảm bậc nhất trong thế gian, làm cách nào cũng chẳng thể mất đi được. Ngàn vạn phần chớ làm, tôi làm rồi, [cứ tưởng rằng] đại khái là chẳng sao hết! Thức thứ sáu là Ý Thức chẳng nghĩ đến nữa, quên mất rồi, nhưng cái kho A Lại Da Thức cất chứa rất kỹ, chẳng tổn hoại tí xíu nào. Khi nào nhân duyên tụ hợp, quả báo bèn hiện tiền. Do vậy, khởi tâm động niệm chẳng thể không cẩn thận, chẳng thể không chú ý đối với hết thảy tạo tác.
“Hựu vân: Phật Thập Lực trung, nghiệp lực thậm thâm” (Lại nói: Trong Thập Lực của Phật, nghiệp lực rất sâu): Thập Lực của Phật chính là mười thứ năng lực hết sức thù thắng nơi quả vị Như Lai rốt ráo, Bồ Tát chẳng có mười thứ năng lực ấy. Mười thứ năng lực ấy đều do trí huệ sanh khởi. Do vậy, Phật mới có thể độ hết thảy chúng sanh, Ngài có năng lực lớn như vậy; nhưng trong mười thứ năng lực ấy, nghiệp lực sâu nhất. Điều này cũng khiến cho chúng ta nghe xong bèn thắc mắc: “Đã thành Phật, thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vẫn còn có nghiệp lực ư? Nếu có nghiệp lực thì làm sao có thể thành Phật?” Con người hiện thời cho rằng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn phải tiêu nghiệp, mang theo nghiệp một phần, tiêu một phần, thế mà đạt đến quả địa rốt ráo vẫn còn nghiệp lực rất sâu, chuyện này khiến chúng ta rất hoang mang, không hiểu được! Thật ra, chúng ta thường nói “trong Thập Lực, nghiệp lực rất sâu”, đấy là Phật biết hết thảy chúng sanh nghiệp lực rất sâu, chứ chính Ngài đã chuyển được nghiệp lực, chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển nghiệp lực rất sâu của chính mình thành Bồ Đề, chuyển biến thành công đức. Có nghĩa là Phật đã chuyển tám thức thành bốn trí. Phật biết nghiệp lực của hết thảy chúng sanh; do vậy, Phật giáo hóa chúng sanh mới thật sự khế cơ, khế lý, gặp được Phật, không một ai chẳng thành tựu.
“Hựu vân, thập phương quốc độ giai dĩ nghiệp lực sanh” (Lại nói, các cõi nước trong mười phương đều nương theo nghiệp lực mà sanh): Câu này rất khẩn yếu. Trong kinh, đức Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng), “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh” (hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng), nhưng chúng ta cảm thấy những tướng hư vọng ấy dường như thật sự tồn tại, bày ra trước mắt chúng ta, chuyện như thế nào đây? Đấy là do nghiệp lực bất đoạn cho nên huyễn tướng ấy tồn tại liên tục. “Liên tục” mang ý nghĩa: Trong thực tế, hoàn toàn không phải là tướng được hiện có thể tạm thời ngưng trụ một thời gian lâu dài, không phải vậy, mà là mỗi một tướng ấy đều độc lập, tướng trước và tướng sau giống nhau, thật ra là hai, chứ không phải là một. Mỗi một tướng đều là tương tự. Chẳng hạn như hiện thời chúng ta dùng máy chụp hình để chụp ảnh, trước mắt, loại máy chụp hình phổ biến nhất hiện nay là loại trong một giây có thể chụp được hai mươi bốn tấm, ống kính đóng mở hai mươi bốn lần. Khi quý vị chiếu phim, phải dùng hai mươi bốn tấm phim, mỗi giây là hai mươi bốn tấm. Nói cách khác, trong một giây có hai mươi bốn tấm hình. Nếu một người vừa sinh ra liền được quay phim, quay mãi cho đến khi già chết, quay phim liên tục không ngừng, quý vị thấy quá trình cả một đời người ấy, chẳng phải là từng tấm độc lập hay chăng? Tấm phía trước rất giống với tấm phía sau, không tách ra được, thế nhưng cách biệt nhau mấy vạn tấm, nhưng đem mấy chục vạn tấm phim ấy so sánh thì chẳng giống hệt nhau. Vì sao không giống hệt? Do duy thức biến.
Từ tỷ dụ này, quý vị thấu hiểu: Đời người và thế giới này là chuyện gì vậy? Hư vọng, chẳng chân thật! Từ tỷ dụ, chúng ta có được một khái niệm, thấu hiểu tướng chân thật, mỗi tấm phim đều là hư vọng. Đức Phật bảo chúng ta, nói [tướng được biến hiện] giống y như cũ tức là chẳng phải nói sự thật, vì không có cách gì diễn tả được pháp chân thật, không thể nói được. Đức Phật dạy chúng ta trong một khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt. Quý vị cứ nhân lên, chúng ta tính coi: Một giây gồm bốn lần khảy ngón tay, bốn nhân sáu mươi nhân với chín trăm (4x60x900), trong một giây có bao nhiêu lần sanh diệt? Giống như ống kính của máy chụp hình đóng mở bao nhiêu lần? Hơn hai mươi vạn lần! Máy ảnh hiện thời trong một giây đóng mở hai mươi bốn lần mà chúng ta nhìn không ra sự hư vọng; nếu một giây đóng mở hơn hai mươi vạn lần, làm sao quý vị nhận biết được tướng ấy là tướng hư vọng? Làm sao có thể nhận biết tướng ấy, mỗi một Tướng Phần[3] đều là Tướng Phần độc lập ư? Vì vậy, chúng ta nói “tương tục” (liên tục) thì chẳng phải là tướng ấy tồn tại trong một thời gian dài, không phải vậy, từ trước đến giờ nó chẳng hề tồn tại trong một thời gian dài. Tướng chân thật là “lửa xẹt do đập vào đá, là ánh sáng của tia chớp”, trong sát-na sẽ chẳng thể thấy nữa. Điều này giảng rõ “các cõi nước trong mười phương đều nương theo nghiệp lực mà sanh”. Nghiệp thanh tịnh, cõi nước liền thanh tịnh; nghiệp ô uế, cõi nước bèn ô uế, đấy chính là nói: “Tướng chuyển theo tâm”, “vạn pháp duy tâm sở tạo”. Tây Phương Cực Lạc thế giới do tịnh nghiệp của chúng sanh cảm thành, do tịnh nghiệp hiện, người nơi ấy ai cũng tu Tịnh nghiệp. Quý vị cũng tu Tịnh nghiệp sẽ chí đồng đạo hợp với họ, có cùng một cảnh giới với họ, nên mới có thể vãng sanh.
Do vậy học Phật, đặc biệt là có những người học Phật cũng đọc kinh Phật, cũng tin tưởng, nhưng chẳng chịu lạy Phật, chẳng chịu thọ giới, chẳng chịu quy y, họ cảm thấy những thứ ấy không cần thiết, [cứ nghĩ] tin là được rồi! “Kinh nói Tín - Nguyện - Hạnh, ta cũng đầy đủ Tín - Nguyện - Hạnh”, người ấy có được vãng sanh hay không? Chẳng thể vãng sanh! Chính họ nghĩ mình đã đầy đủ Tín - Nguyện - Hạnh, thật ra cả ba món Tín - Nguyện - Hạnh đều chẳng đủ. Nếu quý vị nói tới Tín thì kinh đã nói rõ ràng; “Tịnh nghiệp tam phước” như trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh đã dạy chính là ba điều kiện ắt phải trọn đủ: Thiện căn, phước đức, nhân duyên. Điều kiện thứ nhất là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện nghiệp”, kẻ ấy đã làm được hay chưa? Điều kiện thứ hai là “thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới”, kẻ ấy chẳng quy y, chẳng chịu thọ giới! Điều kiện thứ ba: “Phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, khuyến tấn hành giả là hoằng pháp lợi sanh. Quý vị chẳng thể y giáo phụng hành tức là chẳng tin, chẳng chịu làm như vậy là chẳng nguyện, có Hành ở chỗ nào? Do vậy, những kẻ thông minh trí huệ trong thế gian hằng ngày đọc kinh Phật chắc chắn chẳng thể vượt thoát lục đạo luân hồi. Họ tự mình chiếu theo đó để làm, không có thầy giảng giải cho họ. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải” (Phật pháp không có người nói thì tuy có trí cũng chẳng thể hiểu được). Người trong thế gian dù thông minh trí huệ đến đâu đi nữa, chẳng thể hiểu Phật pháp, vì lẽ nào? Vì họ có tâm ý thức, có phân biệt, chấp trước, có vọng tưởng, có tà kiến, chấp trước những thứ ấy, chẳng thể thành tựu! Phật pháp cần phải có người giảng, người nào giảng được? Người nào bỏ tâm ý thức, người ấy thật sự hiểu Phật pháp. Người lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng sẽ hiểu Phật pháp.
Nói nghiêm ngặt, thọ Tam Quy, Ngũ Giới chẳng phải là chuyện dễ dàng. Phát tâm cầu thọ Tam Quy, đấy là nhập môn, vào học, phát tâm cầu thọ Ngũ Giới là đi thi. Hiện thời, Phật pháp đã suy, suy đến mức chỉ có hình thức, không có thực chất, trong sự tu học điều gì cũng không đúng pháp. Chúng ta không cần bàn đến chuyện xuất gia thọ giới, chỉ nói về tại gia thọ Ngũ Giới. Hiện thời, quý vị muốn thọ giới ở nơi nào đó, hễ ghi danh liền lập tức thọ giới pháp, dễ dàng quá! Trước kia thì không được, trước kia, quý vị muốn cầu thọ Ngũ Giới, quý vị phải theo học với vị pháp sư ấy. Pháp sư dạy quý vị, quý vị phải tu sáu tháng, pháp sư quan sát quý vị trong sáu tháng, thấy quý vị có thể thọ được hay không? Trong vòng sáu tháng, thấy quý vị vẫn không sai sót, trong tri kiến, trong hành trì, quý vị đều có thể thọ được thì mới chịu truyền cho quý vị. Đâu có chuyện hễ muốn thọ giới liền thọ, đâu có đơn giản như vậy, quan sát trong sáu tháng. Hiện thời có còn như vậy hay chăng? Hiện thời không còn nữa! Thọ giới xuất gia càng khó hơn nữa! Nói thông thường là phải quan sát trong năm năm; do vậy, xuất gia là học giới trong năm năm. Quý vị muốn thọ giới Sa Di, tối thiểu cũng phải quan sát từ sáu tháng đến một năm, người thật sự có thể giữ giới thì mới cho thọ giới Sa Di. Sau khi thọ giới Sa Di, còn phải quan sát trong thời gian năm năm mới có thể thọ giới tỳ-kheo, thọ giới Bồ Tát. Hiện thời đơn giản, là vì trong thời đại công nghiệp, hết thảy đều mong cầu hiệu quả tức thời, trong vòng một tháng, tam đàn đại giới đều thọ hết. Trong quá khứ không thể như vậy. Vì thế, trước kia, tố chất (phẩm chất, quality) quả thật là cao, số người [được thọ giới] ít ỏi; hiện thời, tố chất rất tệ, số người thọ giới rất đông.
Những điều này đều nhằm giảng rõ nghiệp lực có quan hệ rất sâu. Học Phật nhất định phải đúng lý, đúng pháp thì mới có kết quả. Trái nghịch lý luận, chẳng tuân theo pháp tắc, cứ dựa vào sự tưởng tượng do trí huệ thông minh của chính mình, đến cuối cùng chẳng có kết quả gì! Chuyện này đã được nói rõ trong Đàn Kinh nơi đoạn nói về Vĩnh Gia đại sư. Kinh bảo rõ ràng với chúng ta: Trước thời Oai Âm Vương Phật, tự mình tu hành thì được; từ sau thời Oai Âm Vương Phật, nếu không có thầy, tự mình tu hành mà thành tựu đều là thiên ma ngoại đạo, không một ai có thể thành chánh quả. Oai Âm Vương Phật là vị cổ Phật từ vô lượng kiếp trước, từ sau thời Ngài, những kẻ không có thầy mà tự thông sẽ đều là thiên ma ngoại đạo. Còn có một hạng người “tôi cũng theo một vị thầy, nghe lời thầy, tôi cũng theo học với thầy, tôi học thành rồi, nhưng không lễ bái thầy”. Đến chỗ Lục Tổ tham học, khi kẻ ấy đến, hoàn toàn chẳng nói rõ, hoàn toàn chẳng lễ bái thầy, ngồi cùng một chỗ với đại chúng, ngồi nghe kinh nơi đó. Lục Tổ rất lợi hại. Trong khi giảng khai thị, Lục Tổ tuyên bố: “Trong đại chúng có kẻ tới trộm pháp”, ép kẻ đó không có cách nào khác, phải đứng lên nói rõ nguyên do, trộm pháp mà! Người trộm pháp có thể thành tựu hay chăng? Chẳng thể thành tựu! Do vậy, chẳng đúng pháp thì sẽ như thế nào? Chẳng đúng pháp, nghiệp chẳng thanh tịnh. Đúng pháp, đúng lý, nghiệp mới thanh tịnh. “Cho nên nghiệp chẳng thể không thanh tịnh”, nhất là trong pháp môn này, pháp môn này gọi là pháp môn Tịnh Độ, điều được tu là Tịnh nghiệp. Tiêu chuẩn của Tịnh nghiệp là như trong kinh này đã dạy. Bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư và sách Diễn Nghĩa của pháp sư Cổ Đức đều nhằm nói rõ cách tu và cảnh giới của Tịnh nghiệp.
Tiếp theo đây, sách giảng về Tín - Nguyện - Hạnh, dựa trên cương lãnh để nói:
(Diễn) Tín giả, bất nghi chi vị.
(演) 信者不疑之謂。
(Diễn: Tín có nghĩa là chẳng nghi).
Chẳng nghi thì gọi là Tín.
(Diễn) Ư Tịnh Độ diệu lý, thâm tín bất nghi.
(演) 於淨土妙理,深信不疑。
(Diễn: Đối với lý mầu Tịnh Độ, tin sâu chẳng nghi).
Đấy mới gọi là tin tưởng thật sự. Hiện thời chúng ta có tin hay không? Rất khó nói! Nói quý vị không tin thì dường như quý vị rất kiền thành; nói quý vị tin thì vẫn chưa hiểu đạo lý Tịnh Độ. Vẫn chưa hiểu thì làm như thế nào? Chớ nghi! Căn bản là chẳng hiểu đạo lý trong pháp môn này. Người ta nói, ta liền tin ngay, ta học ngay, còn chưa hiểu đạo lý, nhưng không dấy lên nghi vấn. Sau khi đã nhập cảnh giới mới khởi lên nghi vấn, mới đặt câu hỏi. Chúng ta không hiểu đạo lý này, “chẳng hiểu” là do vô minh che lấp, đấy cũng là một chướng ngại lớn. Nhất định phải hiểu lý, nhất định phải đoạn nghi sanh tín thì mới là tín tâm chân thật. Do vậy, phải thường đọc bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa, xem thường xuyên. Quý vị có thể niệm kinh trong khóa tụng sáng tối, kinh Di Đà không dài! Nói chung, mỗi ngày phải đọc mấy đoạn Sớ Sao Diễn Nghĩa, có nghi thì phải hỏi. Chúng ta cùng nhau nghiên cứu, thảo luận, lý càng biện định, càng hiểu rõ. Hiểu rõ rồi, chúng ta sẽ đoạn sạch nghi, tín tâm mới thật sự kiến lập. Đương nhiên, trong khi giảng giải, sẽ có nhiều nghi vấn được phúc đáp. Trong khi giảng giải không nêu ra, sẽ chẳng có phúc đáp. Trong pháp hội niệm Phật mỗi Chủ Nhật, chúng tôi chuyên môn giải đáp câu hỏi cho quý vị, hy vọng quý vị nêu ra nhiều câu hỏi để chúng ta cùng nhau nghiên cứu, thảo luận.
(Diễn) Hạnh giả, xu tạo chi vị, ư Di Đà danh hiệu, niệm niệm minh liễu.
(演) 行者趨造之謂。於彌陀名號,念念明了。
(Diễn: Hạnh là hướng đến, tạo tác. Đối với danh hiệu Di Đà, trong mỗi niệm đều biết rõ).
“Hạnh” là nói tới tu hành. Hạnh là hướng đến, là tạo tác. Chúng ta hướng đến mục tiêu nào? Hướng đến mục tiêu là Tây Phương Cực Lạc thế giới, đi theo phương hướng ấy. Hết thảy tạo tác của chúng ta phải tương ứng với mục tiêu ấy. Kinh dạy chúng ta phương pháp tu hành là “chấp trì danh hiệu” và “nhất tâm bất loạn”, “tâm chẳng điên đảo”, ba câu này quan trọng nhất. Ba câu này là điều kiện cần phải hội đủ để sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Đối với danh hiệu Di Đà”: Danh hiệu là bốn chữ A Di Đà Phật. “Nam-mô” có nghĩa là quy y, thêm Nam-mô thành sáu chữ, tức lục tự hồng danh. “Niệm niệm minh liễu”: Niệm chẳng phải chỉ là miệng niệm. Chữ Niệm thuộc loại Hội Ý, [Niệm gồm hai chữ Kim và Tâm ghép lại], “kim tâm” là cái tâm hiện tiền, [“niệm niệm minh liễu” là] hiểu rõ cái tâm hiện tiền. Hiểu rõ sẽ chẳng mê, A Di Đà Phật là Vô Lượng Giác, giác chứ không mê. Cái tâm hiện tiền này giác chứ không mê, đấy là A Di Đà Phật. Niệm niệm đều hiểu rõ, niệm niệm đều chẳng mê, đấy là quy y Vô Lượng Giác. Do vậy, một câu danh hiệu phải khiến cho cái tâm hiện đang mê hoặc điên đảo của quý vị xoay chuyển, phải đánh thức nó từ mê trở về ngộ, từ nhiễm trở về tịnh, từ loạn tâm quay về nhất tâm. Đấy là Hạnh.
(Diễn) Nguyện giả, nhạo dục chi vị.
(演) 願者樂欲之謂。
(Diễn: Nguyện có nghĩa là ưa muốn).
“Nhạo” (樂) là ưa thích, “dục” (欲) là mong mỏi, hết sức hoan hỷ, rất hy vọng có thể đến được thế giới Cực Lạc.
(Diễn) Ư Cực Lạc thế giới tâm tâm hướng vãng.
(演) 於極樂世界心心向往。
(Diễn: Tâm luôn hướng về thế giới Cực Lạc).
Đấy là thật, chẳng phải giả. Niệm niệm đều nghĩ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó gọi là Nguyện. Chúng ta hãy suy nghĩ, Tín - Nguyện - Hạnh có hay không? Chúng ta niệm Phật đã nhiều năm như vậy, không có cảm ứng, chẳng trách chính mình, ngược ngạo trách móc Phật, Bồ Tát chẳng linh! Chúng ta niệm đã nhiều năm như vậy mà chẳng có cảm ứng, chẳng trách chính mình đối với ba điều kiện chẳng trọn đủ một điều kiện nào, chúng ta có thật sự tâm tâm niệm niệm muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới hay chăng? Đến Niệm Phật Đường, niệm kinh văn, niệm Phật hiệu, trong tâm vẫn nghĩ đến chuyện khác, đều chẳng nghĩ tới Tây Phương Cực Lạc thế giới thì làm sao được nữa? Vẫn khởi vọng tưởng, vẫn suy nghĩ lung tung, đủ thấy là “miệng có, tâm không”, không nguyện gì hết! Ba điều kiện khuyết mất một điều sẽ chẳng thể có cảm ứng.
(Diễn) Thử Tịnh Độ tam tư lương dã.
(演) 此淨土三資糧也。
(Diễn: Đấy là ba món tư lương của Tịnh Độ).
Ba điều kiện của Tịnh Độ chính là ba điều kiện giúp quý vị sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ắt phải trọn đủ [ba điều kiện ấy], chẳng thể thiếu một điều nào. Cái tâm của chúng ta thật sự là tâm tâm niệm niệm chỉ nghĩ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng nghĩ tới điều gì khác. Chuyện gì trong thế gian này cũng đều bỏ hết, quý vị sẽ cảm ứng đạo giao rất nhanh. Nói chung, phải coi chuyện này là chuyện chánh đáng, nhất thiết phải làm, lại còn coi nó như là chuyện trọng yếu nhất mà ta cần phải làm trong cuộc đời này. Những chuyện khác đều là chuyện vặt vãnh, chẳng khẩn yếu; còn chuyện này là chuyện lớn, là chuyện khẩn yếu nhất; phải làm như vậy thì mới có thể có thành tựu. Đây là nói về Tín - Nguyện - Hạnh, Tín - Nguyện - Hạnh chính là ba đoạn lớn trong phần Chánh Tông mà cũng là ba đại cương lãnh của kinh này.
Đoạn kế tiếp sẽ giải thích câu “diệc thuận Tịnh nghiệp Tín - Hạnh -Nguyện cố” (mà cũng là thuận theo Tín - Nguyện - Hạnh của Tịnh nghiệp), nói về ba món tư lương. Lời giảng về Tín - Nguyện - Hạnh trong phần trên nhằm nêu rõ: Ba đoạn lớn trong phần Chánh Tông của kinh này, tức nội dung của phần Chánh Tông, hoàn toàn tương ứng ba món tư lương Tịnh Độ.
(Diễn) Diệc thuận giả, khế kỳ đại đoan, tự năng thâm nhẫn; cố Thông Tự thuận Tín tư. Thiện độc kinh giả, tùy văn nhập quán, cố Khai Chương thuận Hạnh tư. Thức sở du quy, vô bất hướng mộ, cố Kết Thích thuận Nguyện tư.
(演) 亦順者。契其大端,自能深忍,故通序順信資。善讀經者,隨文入觀,故開章順行資。識所攸歸,無不向慕,故結釋順願資。
(Diễn: “Cũng là thuận theo”: Khế hợp với đầu mối lớn, tự có thể chấp nhận sâu xa, vì thế phần Thông Tự tương ứng với món tư lương Tín [trong ba món tư lương Tịnh Độ]. Người khéo đọc kinh sẽ theo kinh văn mà nhập quán nên phần Khai Chương tương ứng với tư lương Hạnh. Biết chỗ quy kết, không ai chẳng hướng về, ngưỡng mộ, nên phần Kết Thích tương ứng với tư lương Nguyện).
Bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư gồm ba đoạn lớn: Thông Tự Đại Ý, Khai Chương Thích Văn và Kết Thích Chú Ý. Ba đoạn lớn này cũng tương ứng với phần cốt lõi của kinh này, tức là ba món Tư Lương. Đoạn lớn thứ nhất là Thông Tự Đại Ý tương ứng với tư lương Tín trong ba món Tư Lương. Câu nói này hết sức khẳng định, hết sức chánh xác. Đoạn Thông Tự Đại Ý chưa bước vào kinh văn, chưa giảng đến kinh văn, nhưng phân lượng chiếm cả một quyển. Toàn bộ quyển thứ nhất giảng về Thông Tự Đại Ý, tới quyển thứ hai mới giảng kinh văn. Do vậy, quyển thứ nhất hết sức quan trọng. Chúng ta đọc Sớ Sao, nếu đọc xong quyển thứ nhất, tín tâm kiên cố, tín tâm đã kiến lập thì công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn.
“Khế kỳ đại đoan”: Đại đoan (đầu mối lớn) là ba món Tư Lương, người ấy có thể khế nhập [ba món Tư Lương ấy]. “Tự năng thâm nhẫn”: Thâm Nhẫn là Tín, Nhẫn (忍) có nghĩa là đồng ý, chấp nhận. Quý vị nói lời này, tôi đồng ý, tôi thừa nhận, tôi không phản đối, tôi cũng chẳng hoài nghi thì gọi là Nhẫn. Sự chấp nhận ấy không hời hợt nên gọi là Thâm Nhẫn. Vì sao Thâm Nhẫn? Những đạo lý được giảng trong phần này đều hiểu rõ hết, không hoài nghi, tin tưởng rất sâu.
Đoạn thứ hai là Khai Chương Thích Văn nhằm giải thích toàn bộ kinh, tức là nói về Sớ Sao. “Thiện độc kinh giả, tùy văn nhập quán” (người khéo đọc kinh sẽ thuận theo kinh văn mà nhập quán), hai câu này khẩn yếu, điều quan trọng nhất trong khi đọc kinh là phải “tùy văn nhập quán”, tức là dựa theo kinh văn để khởi lên công phu quán chiếu của chính mình, như vậy sẽ được thụ dụng, đọc đến chỗ nào, cảnh giới nơi ấy sẽ hiện tiền. “Khai Chương thuận Hạnh tư” (phần Khai Chương tương ứng với tư lương Hạnh): Y giáo tu hành, nương theo văn quán chiếu, đó là “khéo đọc kinh”. Khéo nghe, khéo nói cũng giống như vậy, cũng hiểu theo nghĩa này.
Đoạn lớn thứ ba là Kết Thích Chú Ý, “thức sở du quy, vô bất hướng mộ” (biết chỗ quy kết, không ai chẳng hướng về, ngưỡng mộ): Ghép Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà La Ni, tức Vãng Sanh Chú, vào sau bản kinh này. Chú có công năng dẹp trừ nghiệp chướng của chúng ta, giúp chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, biết chỗ quy hướng, không ai chẳng ngưỡng mộ. “Cố Kết Thích thuận Nguyện tư” (vì thế, phần Kết Thích tương ứng với tư lương Nguyện): Tư lương Nguyện trong ba món Tư Lương. Tiếp theo đây, chúng ta lại xem Khoa Phán.
(Sớ) Sơ Thông Tự Đại Ý.
(疏) 初通序大意。
(Sớ: Thứ nhất là Thông Tự Đại Ý).
Phần này gồm năm đoạn.
(Sớ) Sơ minh tánh, nhị tán kinh, tam cảm thời, tứ thuật ý, ngũ thỉnh gia.
(疏) 初明性,二讚經,三感時,四述意,五請加。
(Sớ: Thứ nhất là chỉ rõ tánh, hai là khen ngợi kinh, ba là cảm thán trước thời thế, bốn là trình bày ý nghĩa [vì sao phải chú giải kinh], năm là thỉnh Tam Bảo gia hộ).
“Gia” (加) là gia trì, chúng tôi giải thích tên gọi của năm khoa này trước, đây là năm khoa nhỏ, tức các tiểu đoạn.
(Diễn) Sơ minh tánh giả.
(演) 初明性者。
(Diễn: Thứ nhất, minh tánh là...).
Giải thích tên gọi của khoa này, “minh tánh là gì?” Từ tên gọi của khoa này, quý vị sẽ biết căn cứ lý luận của bộ kinh này chẳng thể nghĩ bàn, mới có thể thật sự nhận biết giá trị của bộ kinh này.
(Diễn) Tánh tức thường trụ chân tâm.
(演) 性即常住真心。
(Diễn: Tánh chính là chân tâm thường trụ).
Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Thường trụ chân tâm, tánh tịnh minh thể”.
(Diễn) Toàn thể thị Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật.
(演) 全體是極樂世界阿彌陀佛。
(Diễn: Toàn thể [của tánh] chính là đức A Di Đà Phật ở thế giới Cực Lạc).
Tuyệt diệu! Trong khóa tụng, chúng ta đọc thấy câu “Pháp giới tạng thân A Di Đà Phật”. Cách xưng hô này chẳng phải là không có căn cứ, chẳng phải là nói tùy tiện. Chúng ta đọc đến đây bèn hiểu: Đúng là Pháp Giới Tạng Thân, vì sao? “Toàn thể là đức A Di Đà Phật ở thế giới Cực Lạc”. A Di Đà Phật là gì? Chính là Chân Như bổn tánh của bản thân chúng ta. Đấy gọi là “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”, là căn cứ lý luận cho pháp môn này, nêu rõ giáo thể của kinh này cho chúng ta thấy.
(Diễn) Sơ minh giả.
(演) 初明者。
(Diễn: Trước hết, nêu rõ [tự tánh] là vì....)
“Minh” (明) là nêu rõ. Tánh vốn sẵn có, vốn sẵn đầy đủ, nhưng kẻ sơ học chẳng thể hiểu rõ.
(Diễn) Khủng nhân nhận A Di Đà Phật tại tự tánh chi ngoại, cố cổ vân: “Nhược nhận tha thị Phật, tự kỷ khước thành ma”. Hựu vân: “Cầu nhân bất như cầu tự kỷ”.
(演) 恐人認阿彌陀佛在自性之外。故古云,若認他是佛,自己卻成魔。又云,求人不如求自己。
(Diễn: Sợ người ta nghĩ A Di Đà Phật ở ngoài tự tánh nên cổ nhân nói: “Nếu nghĩ ai khác là Phật thì chính mình đã trở thành ma”. Lại nói: “Cầu người khác chẳng bằng cầu chính mình”).
Những câu nói này đều là lời lẽ trong Thiền Tông; vì vậy, đại sư bắt buộc phải nói rõ cho chúng ta biết, chỉ giúp cho chúng ta, khiến cho chúng ta nhận biết rõ ràng: Bản thể của pháp môn này là gì? Căn cứ lý luận của pháp môn này là gì? Chính là Chân Như bổn tánh của chính chúng ta, là chân tâm thường trụ. Có những điều hiểu lầm như đã nêu trong đoạn [Diễn Nghĩa] vừa trích trên đây hay không? Có, không chỉ có mà còn có rất nhiều! Nói chung, người ta thường tưởng A Di Đà Phật ở ngoài tự tánh, cầu pháp ngoài tâm, đó là ngoại đạo. Chẳng biết Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật do tâm của chính mình hiện, là do thức của chính mình biến. Chẳng biết đạo lý này! Tôi nói như vậy, quý vị hiểu ngay, từ nay trở đi, quý vị bắt đầu biết. Có thật sự biết hay chăng? Chưa trọn hết! Vì sao? Thế giới trước mắt chúng ta có phải là do tâm tạo hay không? Có phải là do thức biến hay không? Cũng vậy, chẳng khác gì! Thế giới hiện tại này do uế tâm biến ra, thế giới Cực Lạc do tâm thanh tịnh của chúng ta biến ra. Thế giới này do cái tâm ô uế biến ra, hoặc thế giới này do loạn tâm của chúng ta biến ra. Tây Phương Cực Lạc thế giới do nhất tâm biến, phải hiểu đạo lý này! Thật sự hiểu rõ Tự và Tha chẳng hai, vạn pháp giống như một. Nếu quý vị có kiến giải này, quý vị khẳng định như vậy, quý vị tu học Đại Thừa Phật pháp chẳng khó; quý vị thật sự là pháp khí Đại Thừa, có tư cách tiếp nhận Phật pháp Đại Thừa. Nếu quý vị chẳng tin tưởng thì hãy học dần dần, bồi dưỡng dần dần. Nếu quý vị tin tưởng, chẳng ngờ vực, quý vị bèn có tư cách tu học Đại Thừa. Tâm lượng quý vị đương nhiên sẽ mở rộng, chẳng còn có thị phi, nhân ngã, vì sao? Hiểu vạn pháp chỉ do tâm biến, vạn pháp giống hệt như một, vạn pháp chẳng hai, giống như kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt” (Tâm, Phật, chúng sanh, ba thứ chẳng sai khác). Do vậy, nếu cho rằng Phật ở ngoài tự tâm thì là ngoại đạo.
Thiền Tông dạy: “Nhược nhận Tha thị Phật, tự kỷ khước thành ma”. Vì sao? Có Tự, có Tha, thì Tự và Tha là hai bên; hai bên chẳng phải là ma thì ai là ma? Lục Tổ đại sư nói: “Hai pháp chẳng phải là Phật pháp”. Tự và Tha là hai pháp, Phật pháp là pháp Bất Nhị, Tự và Tha bất nhị. Có Tự và Tha hay không? Có Tự, có Tha, trên mặt sự tướng quyết định là có, trên mặt Tướng quyết định là có, nhưng trên mặt Lý, quyết định chẳng có. Lý là một, còn sự tướng thì có Tự và Tha. Lý là một, trên mặt Lý không có [Tự và Tha].
“Hựu vân: Cầu nhân bất như cầu tự kỷ” (Lại nói, cầu người khác chẳng bằng cầu chính mình): Nếu quý vị [cho rằng] cầu A Di Đà Phật sẽ có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đấy là mê tín. A Di Đà Phật đại từ đại bi. Đã nói là đại từ đại bi thì không cầu Ngài cũng phải giúp người khác vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, huống là có cầu? Đấy mới gọi là đại từ đại bi. Đúng hay không? Không đúng! Vì sao không đúng? Vì nơi ấy là thế giới thanh tịnh, người nơi ấy ai nấy đều nhất tâm bất loạn, tâm quý vị loạn mà sang đó, sẽ chẳng thể ở chung với họ được. Quý vị có cái tâm mê nhiễm này, sang đó sẽ cãi cọ với người ta thì làm sao được? Do vậy, quý vị không đi sang đó được. “Cầu người khác chẳng bằng cầu chính mình”, cầu chính mình nhất tâm bất loạn, cầu cái tâm của chính mình chẳng điên đảo. Chỉ cần ta thật sự tu được cái tâm không điên đảo, nhất tâm bất loạn, chắc chắn vãng sanh, hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Khi đó, phát nguyện vãng sanh, A Di Đà Phật nhất định đến tiếp dẫn. Do vậy, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật làm Tăng Thượng Duyên cho chúng ta, chẳng phải là Thân Nhân Duyên. Thân Nhân Duyên là chính mình. Trong bốn thứ duyên, Thân Nhân Duyên, Sở Duyên Duyên, Vô Gián Duyên đều là chính mình, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn chỉ là Tăng Thượng Duyên mà thôi! Trong bốn điều kiện, nếu chính mình đã có đủ ba điều kiện kia rồi thì A Di Đà Phật mới giúp đỡ được. Cứ một mực ỷ vào A Di Đà Phật, chắc chắn sẽ uổng công, quý vị chẳng hiểu ý nghĩa lời Phật dạy, quý vị hiểu lầm mất rồi! Chẳng phải là Phật pháp không linh mà do chính mình sai lầm, chứ không phải là Phật sai lầm. Những điều này là luận định về mặt Sự, ba hàng tiếp theo là luận định về mặt Lý. Hôm nay hết giờ rồi.
Tập 6
Xin coi sách A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, dòng thứ mười, trang thứ năm:
(Diễn) Sơ minh tánh giả, tánh tức thường trụ chân tâm, toàn thể thị Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật. Sơ minh giả, khủng nhân nhận A Di Đà Phật tại tự tánh chi ngoại, cố cổ vân: “Nhược nhận tha thị Phật, tự kỷ khước thành ma”. Hựu vân: “Cầu nhân bất như cầu tự kỷ”.
(演) 初明性者,性即常住真心,全體是極樂世界阿彌陀佛。初明者,恐人認阿彌陀佛在自性之外。故古云:若認他是佛,自己卻成魔。又云:求人不如求自己。
(Diễn: Thứ nhất, minh tánh: Tánh chính là chân tâm thường trụ, toàn thể là A Di Đà Phật nơi thế giới Cực Lạc. Trước hết phải nói rõ [tánh] vì sợ người ta sẽ nghĩ A Di Đà Phật ở ngoài tự tánh. Vì thế, cổ nhân nói: “Nếu nghĩ ai khác là Phật thì chính mình đã trở thành ma”. Lại nói: “Cầu nơi người khác chẳng bằng cầu chính mình”).
Trong buổi giảng lần trước, chúng tôi đã giảng đến chỗ này. Lời chú giải trong tiểu đoạn này hết sức trọng yếu, dùng văn tự rất ít mà giới thiệu [đầy đủ] căn cứ lý luận và công đức thù thắng của kinh này. Đây là điều hết sức khó đạt được, hy hữu. Chúng ta còn chưa đọc kinh văn mà đã sanh lòng kính ngưỡng đối với kinh này, đương nhiên hết sức ngưỡng mộ pháp môn này. Đoạn trên đây luận theo mặt Sự, nửa đoạn sau luận theo mặt Lý.
(Diễn) Đản dĩ vô thỉ ám động, chướng thử tĩnh minh, cố thác bỉ danh hiệu, hiển ngã tự tâm nhĩ.
(演) 但以無始暗動,障此靜明,故託彼名號,顯我自心耳。
(Diễn: Nhưng do tối tăm, xao động từ vô thỉ, chướng ngại sự tĩnh lặng, sáng suốt này, nên dựa vào danh hiệu ấy để hiển lộ tự tâm của ta).
Mấy câu này rất trọng yếu. “Tĩnh minh” chính là Chân Như bổn tánh, là con người thật sự của chúng ta, Thiền gia gọi nó là “bổn lai diện mục”, kinh Lăng Nghiêm gọi nó là “chân tâm thường trụ”. Nó vốn sẵn tĩnh lặng, vốn sẵn sáng suốt. “Tĩnh” (靜) là tịch tĩnh, “minh” (明) là hiểu rõ. Minh là Huệ, Tĩnh là Định. Tĩnh là Niết Bàn, Minh là Bồ Đề. Thế nhưng hiện thời chúng ta Tĩnh và Minh của chúng ta bị chướng ngại, bị chướng lấp. Vật gì gây chướng ngại vậy? Động! “Ám động” từ vô thỉ, “ám” chính là vô minh, tức là vô minh từ vô thỉ. Tướng của vô minh là động, chân tâm vốn bất động, do xáo động, chân tâm biến thành vọng tâm, biến “bổn minh” (vốn sẵn sáng suốt) thành vô minh. Nói vô minh từ vô thỉ là do ý nghĩa nào? Vô thỉ ở đây hoàn toàn chẳng phải là không tìm được chỗ khởi đầu, mà là từ nhiều kiếp trước rất lâu trong quá khứ, Chân Như bổn tánh bị động. Đương nhiên đây cũng là một cách nói, Chúng ta rất khó thể vừa ý với cách nói này được, nghe xong khó thể vui lòng! Trên thực tế, Phật pháp nói tới vô thỉ thì “vô” là không có, [vô thỉ] về căn bản không có khởi đầu. Bởi lẽ, vô minh là hư vọng, không chân thật, vô minh là bất giác. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát nói: “Bổn giác bổn hữu” (Bổn giác vốn có), tức là như trong phần sau nói “tĩnh minh là vốn có”, “bất giác vốn không”. Vốn là không, sao lại có? Do tâm động nên có. Khi nào tâm động thì khi ấy có, khi nào tâm chẳng động sẽ không có. Do vậy, chẳng thể nói nó bắt đầu vào lúc nào được!
Hiện thời, nếu tâm quý vị bất động, sẽ chẳng còn vô minh nữa; nhưng tâm chúng ta động không ngừng, đấy là “vô thỉ ám động”, chướng ngại tánh bổn giác của quý vị. Tâm ấy vọng động, phàm phu chúng ta không có cách nào nhận biết cái tâm vọng động ấy vì tướng động của nó quá vi tế. Hiện thời, chúng ta có thể cảm nhận những khởi tâm động niệm trong tâm là vì những ý niệm ấy rất thô. Chúng ta dấy lên tâm tham, dấy lên tâm nóng giận, dấy lên tâm nghi, chúng ta có thể cảm nhận được. Những tướng ấy hết sức thô, nhưng đối với những tướng động cực vi tế, chúng ta sẽ không có cách nào cảm nhận được. Chẳng phải chỉ riêng chúng ta không thể cảm nhận mà quý vị thấy như trong kinh đã nói, bậc A La Hán công phu định lực khá sâu, đạt Cửu Thứ Đệ Định cũng chẳng có cách nào cảm nhận được. Tại Ấn Độ vào thời cổ có hàng ngoại đạo công phu quả thật khiến người khác kính ngưỡng, bội phục, công năng định lực họ đã đạt đến Tứ Thiền Bát Định, có thể lên tới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, công phu Thiền Định thế gian đã đạt đến tột cùng, đạt đến đỉnh cao nhất. Ở trong cảnh giới ấy, họ thấy vũ trụ và nhân sinh là một khối hỗn độn, giống như sách Ấu Học Cố Sự Quỳnh Lâm[4] của Trung Quốc đã chép: “Hỗn độn sơ khai, càn khôn thỉ điện” (lúc hỗn độn sơ khai, trời đất mới bắt đầu thành lập), hoàn toàn giống với cảnh giới của ngoại đạo. Đủ thấy công phu định lực của cổ nhân Trung Quốc đã đạt đến cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, cho rằng đó là đầu mối của vũ trụ nhân sinh, đại khái sự khởi đầu của vũ trụ nhân sinh được bắt đầu từ nơi ấy. Ngoại đạo gán tên gọi cho cảnh giới ấy là Minh Đế (冥諦,Minh ở đây là tối tăm). Trong hai mươi lăm Đế [của ngoại đạo Ấn Độ], thì Đế thứ nhất là Minh Đế, một bầu vô minh, không có cách nào quán sát được!
Tiểu Thừa có thể đột phá Tứ Thiền Bát Định để đạt đến Đệ Cửu Định, nhưng vẫn không có cách nào quán sát vô thỉ ám động, ý niệm vi tế ấy chẳng dễ gì cảm nhận được. Kinh cho chúng ta biết tới khi nào mới có thể thấy được những vọng động vi tế ấy? Đức Phật dạy chúng ta, bậc Bát Địa Bồ Tát, Bát Địa gọi là Bất Động Địa, Bất Động Địa Bồ Tát chuyển A Lại Da Thức thành Đại Viên Kính Trí, khi ấy mới có thể quán sát thấy. Nói cách khác, không quán sát thấy sẽ chẳng thể hàng phục, quán sát thấy nó mới có thể hàng phục nó, mới có thể dứt bỏ nó; hễ dứt bỏ sẽ chuyển Thức thành Trí. Chuyển Thức thành Trí là dứt trừ vọng động từ vô thỉ, khôi phục sự tĩnh minh sẵn có. Đó gọi là “chuyển A Lại Da Thức thành Đại Viên Kính Trí”, Bát Địa Bồ Tát mới có thể làm được chuyện này. Từ ngữ “Bát Địa” ở đây chỉ bậc Bát Địa trong Viên Giáo. Chúng ta nghe xong, [cảm thấy] thật sự chẳng dễ dàng, thật khó khăn! Thật sự là khó! Thật sự khó khăn như vậy ư? Chính quý vị hãy lắng lòng suy xét. Chúng ta đều nằm mộng, mộng do đâu mà có? Mộng cũng là vọng tâm. Khi quý vị ngủ, tâm vẫn động. Chẳng động sẽ không có tướng, hễ động bèn có tướng. Tướng ấy chính là cảnh trong mộng. Quý vị có thể cảm nhận khi nào mộng cảnh sẽ khởi lên hay chăng? Do nguyên nhân nào mà có mộng? Cảnh giới trong mộng là tướng thô; ngay cả tướng thô mà chúng ta cũng chẳng biết rõ, huống gì tướng vi tế? Do vậy, mục đích tu học Phật pháp là phải phá vô minh, khôi phục cái tĩnh minh chúng ta sẵn có. Đấy là tông chỉ tu học trong Phật pháp. Nếu trái nghịch tông chỉ này, sẽ chẳng gọi là Phật pháp. Vô lượng vô biên pháp môn, bất luận cách thức, phương tiện khác nhau, hễ đạt đến mục tiêu thì nhất định phải giống nhau. Pháp môn này cũng không nằm ngoài lệ ấy, cũng nhắm tới mục tiêu ấy, chúng ta biết pháp môn này là Phật pháp thuần chân. Không sai! Chẳng phải là tà pháp, chẳng phải là ngoại đạo.
Điều chủ yếu nhất trong sự tu học của pháp môn này là hai câu cuối cùng: “Thác bỉ danh hiệu, hiển ngã tự tâm” (nhờ vào danh hiệu ấy, hiển lộ tự tâm của ta). Tám chữ này là tông chỉ tu học của pháp môn này. “Bỉ danh hiệu” (danh hiệu ấy) là A Di Đà Phật. Dùng danh hiệu ấy nhằm hiển lộ tự tâm của chúng ta. Nói cách khác, Phật hiệu này đả phá ám động vô thỉ, khôi phục tĩnh minh sẵn có, đây là tông chỉ tu học trong pháp môn Tịnh Độ. Do vậy, đối với trì danh niệm Phật, trong phần trước chúng tôi có nhắc tới sách Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư, Ngẫu Ích đại sư đã nói rất rõ ràng: Một câu Phật hiệu nhất định là mỗi tiếng đều đầy đủ Tam Học, Tam Huệ, Tam Tư Lương nên mới có thể hiện lộ tự tâm của ta. Nhất định phải biết ý nghĩa của một câu Phật hiệu thì khi niệm mới có thể từng tiếng dấy khởi công phu quán chiếu.
A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Giác, giác tâm là thanh tịnh, giác tâm là quang minh. Tâm mê là động, trong tâm mê có vọng niệm. Trong giác tâm không có vọng niệm. Trong cảnh giới, tâmchúng ta vừa mê liền phải giác ngộ. Cổ nhân thường nói: “Bất phạ niệm khởi, chỉ phạ giác trì”(Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ biết chậm). Niệm vừa dấy lên bèn mê, bất luận là niệm gì, hễ dấy niệm đều là mê. Chúng ta chẳng dấy một niệm thì thưa với quý vị, niệm nào cũng chẳng khởi, nhưng vẫn còn mê! Chuyện này khó thể thực hiện lắm! Dấy niệm là gì? Là vọng niệm, là loạn tưởng; nhưng [đối với phàm phu chúng ta] niệm nào cũng chẳng có thì lại là vô minh. Chuyện này phiền phức rất lớn. Sự giác (nhận biết ấy) đến cuối cùng là gì? Giác tâm. Thưa quý vị, không có niệm thì thứ gì cũng rõ ràng, nó chẳng phải là vô minh. Quá khứ, hiện tại, vị lai đều biết, trong tâm chẳng khởi lên ý niệm, đó gọi là chánh niệm, đó là giác tâm. Nếu chúng ta niệm gì cũng đều chẳng có, nhưng chuyện gì cũng hồ đồ, đấy là vô minh. Nếu niệm gì cũng chẳng có mà chuyện gì cũng hiểu rõ ràng, rành mạch thì là chân tâm. Ở chỗ này, chớ nên lầm lẫn một chút nào. Cổ nhân nói: “Sai chi hào ly, thất chi thiên lý” (sai chỉ hào ly, lạc cả ngàn dặm). Thật đấy! Chẳng sai tí nào!
Chúng ta là kẻ sơ học, dụng công thì một câu Phật hiệu chẳng thể gián đoạn giữa chừng, vì sao? Một câu Phật hiệu rành mạch phân minh, chẳng phải là vô niệm, mà là hữu niệm; do hết thảy vọng niệm đều chẳng có nên chẳng phải là hữu niệm. Niệm Phật chẳng phải là hữu niệm, chẳng phải là vô niệm. Bắt đầu dụng công thì phải khởi sự từ chỗ này. Một câu Phật hiệu từng tiếng lay tỉnh cái tâm Bổn Giác của chúng ta. Bởi lẽ, A Di Đà Phật chẳng ở bên ngoài, chẳng phải chỉ cho vị Phật ở ngoài tâm, mà ở trong tự tâm. Từng tiếng từng tiếng gọi ra vị A Di Đà Phật của chính mình. A Di Đà Phật là Vô Lượng Giác; sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần, thứ gì cũng đều giác chẳng mê, đấy là A Di Đà Phật. Mê là phàm phu, ngộ là Phật. Đối với cảnh giới trước mắt phải giác, đối với quá khứ phải giác, đối với vị lai cũng phải giác. Mười phương ba đời là phạm vi giác ngộ của chúng ta.
Trong tháng này chúng ta muốn mở khóa Đại Chuyên Giảng Tòa mùa Đông, trong khóa giảng có hai chủ đề là Phật Học Khái Yếu và Tâm Kinh. Trong hai khóa trình này, chúng tôi muốn thảo luận về vấn đề này: Hai khóa trình này đều quy kết A Di Đà Phật, quy kết nơi “thác bỉ danh hiệu, hiển ngã tự tâm”. Chúng ta học xong mới thật sự thụ dụng được. Do vậy, bốn câu này hết sức trọng yếu, hoàn toàn dựa theo Lý để nói ra, nói rõ pháp môn này quả thật có căn cứ lý luận hết sức cao, quyết chẳng phải là mê tín. Với cách niệm như vậy, niệm đến nhất tâm bất loạn thì gọi là Lý nhất tâm bất loạn, một câu Phật hiệu nhất định sẽ niệm đến mức “tâm khai, ý giải”, chẳng khác gì“minh tâm kiến tánh” của Thiền Tông và “đại khai viên giải” của Giáo Hạ. Đấy mới là như Liên Trì đại sư đã nói “nhiếp trọn năm tông, bao trùm tám giáo”.
(Diễn) Nhiên Tây Phương diệc thật hữu A Di Đà Phật.
(演) 然西方亦實有阿彌陀佛。
(Diễn: Nhưng tại Tây Phương cũng thật sự có A Di Đà Phật).
A Di Đà Phật ở đây chỉ một vị Phật, chỉ danh hiệu của một vị Phật, có vị Phật ấy, quả thật có một vị A Di Đà Phật.
(Diễn) Nhi tức thử Tây Phương Phật, diệc bất tại tự tâm ngoại.
(演) 而即此西方佛,亦不在自心外。
(Diễn: Nhưng ngay cả vị Phật ở Tây Phương này cũng chẳng ở ngoài tự tâm).
Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nêu rõ một nguyên lý tối cao: Sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo trong mười pháp giới đều do cái tâm của chính chúng ta biến hiện, giống như chúng ta nằm mộng, toàn bộ mộng cảnh đều do tự tâm của chúng ta biến hiện. Tâm có thể hiện, Thức có thể biến, đấy là nguyên lý tối cao được giảng trong Phật pháp. Cái có thể hiện (năng hiện) là tâm của chính mình, cái có thể biến hóa (năng biến hóa) là Thức của chính mình. Tâm là chân tâm, Thức là vọng tâm; vọng tâm có thể biến hóa, chân tâm có thể hiện tướng. Chân tướng của vũ trụ và nhân sinh là chuyện này, ngàn kinh vạn luận nói rõ sự thật này.
Danh hiệu có tác dụng quả thật chẳng thể nghĩ bàn. Cổ nhân dạy chúng ta tu học, nghe kinh phải “tiêu quy tự tánh”[5], dụng công phải “chuyển Thức thành Trí”. Tu hành, một là Giải, hai là Hành; Giải phải tiêu quy tự tánh, ở đây gọi là “hiển ngã tự tâm”. Có như vậy thì mới thật sự thụ dụng, thật sự có tâm đắc. Danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ Tát đều nhằm hiển lộ tự tâm của ta, A Di Đà Phật hiển lộ tự tánh bổn giác, tự tánh giác, vô lượng giác của chúng ta. Quán Thế Âm Bồ Tát hiển lộ lòng từ bi trong tự tâm của chúng ta. Địa Tạng Bồ Tát hiển lộ sự hiếu thuận trong tự tâm của chúng ta. Văn Thù Bồ Tát hiển lộ trí huệ trong tự tâm của chúng ta. Phổ Hiền Bồ Tát hiển lộ đại nguyện trong tự tâm của chúng ta. Danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát đều nhằm hiển lộ tự tâm của ta, không riêng gì một vị A Di Đà Phật đang được nói tới ở đây. Quý vị hiểu được ý nghĩa này thì mới biết danh hiệu Phật, Bồ Tát nhiều như vậy là vì tự tánh có vạn đức, vạn năng, một danh hiệu không thể hiển lộ hết được!
Danh hiệu của chính chúng ta cũng phải tương ứng với điều này. Quý vị quy y hoặc xuất gia, pháp sư đặt pháp danh cho quý vị, tên gọi ấy cũng nhằm để quán chiếu, cũng nhằm hiển lộ tự tâm của ta, chính mình phải giác ngộ. Chẳng những hiển lộ ta mà còn hiển lộ hết thảy chúng sanh, vì sao? Tự và Tha bất nhị. Khi tôi xuất gia, sư phụ đặt pháp danh cho tôi là Tịnh Không; hễ nhắc đến tên gọi ấy, tôi phải nghĩ: “Ta có thanh tịnh hay không? Có Không hay chăng?” “Chân tịnh, chân không” là chân tâm, tức chân tâm thường trụ. Quý vị nghe danh hiệu ấy, đừng nghĩ danh hiệu ấy dùng để gọi tôi, sai rồi! Quý vị chấp vào tướng! Quý vị hãy lập tức nghĩ đến tự tâm, tâm quý vị có thanh tịnh hay không? Có rỗng rang hay không? [Hễ nghĩ như vậy] quý vị liền được thụ dụng. Nếukhông, chúng ta hằng ngày niệm câu A Di Đà Phật, Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, hằng ngày niệm danh hiệu Ngài, Ngài nghe chẳng chán ngán ư? Trọn chẳng biết tiêu quy tự tánh là vô lượng công đức, nhất định phải hiểu đạo lý này. Đối với cổ nhân Trung Quốc, người tại gia chọn danh hiệu luôn có ý nghĩa rất sâu, khác hẳn cách đặt tên của người hiện thời. Khác biệt về tư tưởng và quan niệm! Cha mẹ đặt tên cho con cái, quá nửa là kỳ vọng nơi cả cuộc đời của con cái, tức là mong mỏi con cái trong tương lai danh sẽ hợp với thật.
Ở đây, [sách Diễn Nghĩa] viết tại Tây Phương quả thật có thế giới Cực Lạc, có Phật hiệu A Di Đà. Thế giới và Phật cũng chẳng ở ngoài tự tâm. Phải biết cái tâm của chính mình hết sức rộng lớn“tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” (tâm chứa đựng hư không, có phân lượng trọn khắp các cõi nhiều như cát). Do vậy, cái tâm này chẳng thể quá nhỏ, nhỏ nhoi sẽ đáng thương, tâm lượng phải lớn. Tận hư không, trọn pháp giới là chính mình, thật sự bỏ đi chính mình, nếu chấp trước một tí nào trong ấy, ngỡ nó là chính mình, sẽ rất đáng thương! Kinh Lăng Nghiêm có tỷ dụ, sánh ví chân tâm như biển cả, dùng bọt nước trong biển cả để ví người điên đảo mê hoặc. Kẻ nào chấp bọt nước là biển cả, bỏ quên toàn bộ biển cả thì là kẻ mê, là phàm phu. Người giác ngộ biết toàn bộ biển cả là chính mình, bọt nước ấy cũng là chính mình, bọt nước chẳng tách lìa biển cả. Do đây biết rằng: Chúng sanh sở dĩ trở thành chúng sanh là do phân biệt, chấp trước, vọng tưởng tạo ra. Lìa khỏi phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, thì trí huệ và đức tướng của mỗi cá nhân sẽ chẳng khác gì chư Phật Như Lai. Theo kinh Hoa Nghiêm, khi Thích Ca Mâu Ni Phật lúc mới thành đạo, đã rất cảm khái, nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”. Câu nói này rất rõ ràng, lại nói: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”. Khuyết điểm, sai lầm của chúng sanh là do phân biệt, chấp trước hết thảy pháp nên chẳng thể chứng đắc.
Do vậy, Phật pháp từ đầu đến cuối nhằm dạy chúng ta phá trừ chấp trước. Phá được Ngã Chấp sẽ là Chánh Giác, trong Phật pháp gọi là Chánh Giác. Phá được Pháp Chấp sẽ là Chánh Đẳng Chánh Giác. Đoạn sạch hai thứ Pháp Chấp và Ngã Chấp sẽ gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chánh Giác là A La Hán, Chánh Đẳng Chánh Giác là Bồ Tát, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là Phật. Phật, Bồ Tát và phàm phu khác biệt ở chỗ một đằng có chấp trước, một đằng không chấp trước. Người không chấp trước gọi là Bồ Tát, kẻ có chấp trước gọi là phàm phu. Người không chấp trước, tâm to lớn, “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Có chấp trước, tâm nhỏ nhoi. Tâm chấp trước là vọng tâm, là vô minh; tâm không chấp trước là chân tâm, vốn sẵn sáng suốt. Chúng ta phải hiểu rõ những đạo lý này, phải rèn luyện trong cảnh giới hòng mở rộng tâm lượng của chính mình.
(Diễn) Tức Sự tức Lý, tức Lý tức Sự.
(演) 即事即理,即理即事。
(Diễn: Sự chính là Lý, Lý chính là Sự).
Lý và Sự là một. Lý là chân tâm, tâm có thể hiện, có thể biến. Sự là hiện tượng được biến hiện. Lý và Sự giống như một, Lý và Sự chẳng hai.
(Diễn) Đại sư khủng cuồng ngu thác nhận, cố thủ minh dã.
(演) 大師恐狂愚錯認,故首明也。
(Diễn: Đại sư sợ kẻ cuồng ngu hiểu lầm, nên trước hết phải nói rõ).
Chữ “đại sư” chỉ Liên Trì đại sư. Ngài chỉ sợ người cuồng vọng, kẻ ngu mê hiểu lầm, hiểu sai; do vậy, trước hết, nói rõ. Đoạn này nói rõ [những điều sẽ được trình bày] trong trang thứ nhất của quyển Thượng, đến khi ấy, chúng ta sẽ lại nghiên cứu. Chúng ta xem tiếp [lời giải thích cho] tựa đề của khoa thứ hai trong phần Thông Tự Đại Ý.
(Diễn) Nhị, tán kinh giả, kinh tức Phật Thuyết A Di Đà Kinh.
(演) 二、讚經者,經即佛說阿彌陀經。
(Diễn: Thứ hai là khen ngợi kinh, “kinh” chính là Phật Thuyết A Di Đà Kinh).
Chữ “kinh” chuyên chỉ bộ kinh này, “tán” (讚) là tán thán (khen ngợi).
(Diễn) Dĩ thử kinh thị nhất Đại Tạng trung đệ nhất phương tiện cố.
(演) 以此經是一大藏中第一方便故。
(Diễn: Do kinh này là phương tiện bậc nhất trong cả Đại Tạng).
Chúng ta cũng phải nhớ kỹ đoạn này, vì chúng ta chưa đọc Đại Tạng
Kinh, chúng ta không có Pháp Nhãn. Kinh điển trong Đại Tạng Kinh nhiều như thế, bộ nào tốt nhất, chúng ta cũng chẳng tìm ra. Chúng ta không có Huệ Nhãn, chính mình chẳng thấy được! Nay chúng ta dựa vào Pháp Nhãn của Liên Trì đại sư lão nhân gia, Ngài giúp đỡ chúng ta, bảo chúng ta bộ kinh này là “phương tiện bậc nhất” trong Đại Tạng Kinh, lại không có bộ kinh nào có thể thuận tiện bằng bộ kinh này. Phương tiện chẳng phải là không tốt, phương tiện tốt lắm chứ! Đức Phật nói hết thảy kinh, đều là nói phương tiện, vì pháp chân thật chẳng thể diễn tả được. Kinh Pháp Hoa là kinh Nhất Thừa trong Viên Giáo, phẩm quan trọng nhất trong kinh ấy là phẩm Phương Tiện, giảng rõ ràng cho quý vị: “Phàm những gì có thể nói ra đều là pháp phương tiện!” Chủ ý của đức Phật là dạy quý vị nương vào phương tiện để ngộ nhập chân thật. Pháp chân thật phải cậy vào chính mình để ngộ nhập. Ví như trong phần trước có nói “thác bỉ danh hiệu, hiển ngã tự tâm”(dựa vào danh hiệu ấy để hiển lộ tự tâm của ta). Dựa vào danh hiệu ấy là pháp phương tiện, hiển lộ tự tâm của ta là pháp chân thật. Quý vị dùng một câu danh hiệu này thật sự hiển lộ tâm tánh của quý vị, đấy là công phu của chính quý vị, người khác chẳng thể giúp đỡ được!
Do vậy, hết thảy các kinh đều là pháp phương tiện, đều nhằm giúp chúng ta minh tâm kiến tánh. Bộ kinh này là pháp phương tiện bậc nhất trong hết thảy các pháp phương tiện, quý vị biết giá trị của bộ kinh này. Chúng ta học kinh, có thể nắm vững bộ kinh này, cả một Đại Tạng Kinh đều bỏ hết, quý vị quyết định thành công, trong một đời này, quý vị chắc chắn có thể thành tựu. Nếu chọn lựa những kinh điển khác thì vẫn phải dùng bộ kinh này để phụ trợ; nếu không, sẽ chẳng thể thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tôi nói lời này chẳng phải là nói tùy tiện, chẳng phải là tùy tiện đề cao pháp môn này, mà là có căn cứ thật sự. Căn cứ gì vậy? Kinh Hoa Nghiêm cũng là Nhất Thừa Viên Giáo. Năm mươi ba vị thiện tri thức trong kinh Hoa Nghiêm đại diện vô lượng pháp môn. Nói cách khác, họ đại diện cho hết thảy các kinh; bất luận quý vị tu một pháp môn nào, học một bộ kinh nào, đến cuối cùng vẫn phải theo Phổ Hiền Bồ Tát “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”. Nếu quý vị chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ chẳng thể viên mãn Bồ Đề. Nói cách khác, chẳng thể thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Kinh Hoa Nghiêm chỉ rõ điều này.
Do đây có thể biết rằng: Kinh này là kết luận, là kết quả của kinh Hoa Nghiêm. Điều đáng tiếc là người thật sự nhận biết bộ kinh này không nhiều, ai nấy đều tụng niệm khóa tụng, nhưng ai nấy đều chẳng nhận ra kinh này là kinh bậc nhất trong hết thảy các kinh, là pháp môn bậc nhất trong hết thảy pháp môn, họ không nhận ra được. Tuy hằng ngày niệm nhưng chẳng xem trọng, chẳng nghĩ kinh này đáng để vào mắt, kết quả là ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ, đáng tiếc quá sức! Do vậy, kinh này chẳng thể không học! Tôi thường nói: Kinh Hoa Nghiêm có thể không cần nghe, nhưng kinh này chẳng thể không nghe! Vì sao? Nếu muốn thành tựu trong một đời, kinh này rất quan trọng. Nói thật ra, cậy vào kinh Hoa Nghiêm thì quý vị chẳng thể thành tựu trong một đời được đâu! Đấy là sự thật, nhất là sách Sớ Sao đã đem những ý nghĩa của bộ kinh này nêu rõ tường tận như thế, quả thật rất khó có!
(Diễn) Thị thập phương chư Phật đồng sở tán thán cố.
(演) 是十方諸佛同所讚歎故。
(Diễn: Nên được mười phương chư Phật cùng khen ngợi).
Nếu chẳng phải là kinh bậc nhất, chẳng phải là phương tiện bậc nhất, cớ sao được mười phương chư Phật đều cùng tán thán? Trong các kinh điển khác, quả thật chúng ta không thấy điều này, chỉ có bộ kinh này được mười phương chư Phật đều tán thán. Nếu chẳng phải là kinh bậc nhất, sẽ chẳng được mười phương chư Phật đều tán thán. Chẳng thể có hiện tượng này! Chúng ta nên hiểu rõ điều này.
(Diễn) Dĩ tứ tự danh hiệu, phổ tiếp tam căn, trực thông ngũ giáo cố.
(演) 以四字名號,普接三根,直通五教故。
(Diễn: Do danh hiệu bốn chữ tiếp dẫn khắp ba căn, thông thẳng với năm giáo).
“Tam căn” là những người thuộc các căn tánh thượng, trung, hạ. Người căn tánh thượng đẳng, căn tánh nhạy bén nhất, thường nói là “nghe một, ngộ cả ngàn” cũng tu Tịnh Độ. Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát là bậc thượng thượng căn mà vẫn muốn cầu sanh Tịnh Độ. Trung căn, hạ căn cũng đều có thể vãng sanh. Kẻ hạ căn ngu muội dẫu ngu si đến tột bậc, chỉ cần kẻ ấy nhất tâm trì danh thì cũng có thể vãng sanh. Tịnh Tông thường nói “căn cơ chín muồi”, người căn cơ chín muồi là như thế nào? Chính là người trong một đời này đã nhận biết, hạ quyết tâm, ta chỉ trì một câu danh hiệu suốt đời chẳng thay đổi, một bộ kinh A Di Đà. Những kinh điển khác ta không đọc đến, chẳng cần phải nghiên cứu! Căn cơ của người ấy rất thuần thục, người ấy quyết định vãng sanh ngay trong một đời này. Nếu tâm còn nghĩ Đông, tưởng Tây, vẫn mong nghiên cứu cái này, vẫn muốn học cái nọ, tức là chưa chín muồi, trong đời này có thể gieo thiện căn, nhưng trong đời này chẳng chắc chắn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì sao? Người ấy vẫn còn có tam tâm nhị ý đối với hết thảy kinh giáo, chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này. Đã nói như vậy, cũng sẽ có người hỏi tôi: Vì sao trong Đại Chuyên Giảng Tòa thầy không giảng kinh Di Đà, mà phải giảng Phật Học Khái Yếu, giảng Tâm Kinh? Có phải là xen tạp hay không? Thưa quý vị, đó là xen tạp, không sai! Đấy là phương tiện nhằm tiếp dẫn sơ cơ, bảo những người ấy niệm Phật, họ sẽ chẳng chịu niệm, họ chẳng tin tưởng, [giảng những thứ ấy] nhằm tiếp dẫn kẻ sơ cơ đấy mà!
Chẳng những nhằm tiếp dẫn hàng sơ cơ mà trong ấy còn có nguyên nhân: Tiếp dẫn người sơ cơ ở nước ngoài. Bên ngoại quốc gởi thư sang xin băng thâu hình Phật Học Khái Yếu và Tâm Kinh, chúng tôi nhân dịp này thâu hình tại hiện trường để gởi ra ngoại quốc, tiếp dẫn hàng sơ cơ bên ấy. Từ từ khuyên họ niệm Phật, khi nào họ chịu tin tưởng là lúc căn cơ của họ đã chín muồi. Họ không tin tưởng thì cũng chẳng có cách nào, chưa chín muồi mà! Băng ghi hình và kinh bổn này đều phải gởi ra ngoại quốc với số lượng lớn; do vậy, khóa giảng này hết sức có ý nghĩa. Trong thời gian diễn giảng, đặc biệt hoan nghênh các đồng tu nêu lên câu hỏi để thảo luận, sẽ có rất nhiều điều hay, nhất là với người ngoại quốc, họ nghe xong sẽ có nghi vấn, nhưng có nghi vấn mà không có chỗ để hỏi. Do vậy, những câu hỏi của quý vị có thể là những vấn đề họ đang nghi hoặc. Hỏi đáp như vậy có thể giúp ích rất lớn cho họ.
“Ngũ giáo”: Tác phẩm chú giải A Di Đà Kinh Sớ Sao của Liên Trì đại sư đã chọn lựa [những giáo nghĩa] từ năm giáo theo tông Hiền Thủ: Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên. Hết thảy các pháp môn do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng trong bốn mươi chín năm được Hiền Thủ đại sư chia thành năm giai đoạn, bao gồm toàn bộ các kinh, đấy là Ngũ Giáo: Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên.
(Diễn) Dĩ y kinh chấp trì năng hiển tự tánh, ư nhất sanh trung.
(演) 以依經執持能顯自性,於一生中。
(Diễn: Do nương theo kinh chấp trì sẽ có thể hiển lộ tự tánh, trong một đời...)
Chữ “kinh” nói tới lý luận, phương pháp, cảnh giới. Chiếu theo những lý luận, phương pháp, cảnh giới được giảng trong kinh điển để tu hành. “Chấp trì” là chấp trì danh hiệu, có thể đạt đến mức hiển lộ tự tánh của chính mình, có thể thành tựu trong một đời này. Đấy là pháp khó tin, chẳng thể nghĩ bàn! “Hiển tự tánh” chính là kiến tánh. Tu những pháp môn khác mà mong kiến tánh quả thật chẳng phải là chuyện dễ. Tham Thiền có thể kiến tánh, bởi Thiền là con đường tắt trong cửa Phật nên có thể đạt đến được. Ngoài Thiền ra, tu học các pháp môn khác mà muốn kiến tánh trong một đời sẽ chẳng dễ dàng. Câu kế tiếp là....
(Diễn) Khả tùng bác địa, trực đăng Thập Địa.
(演) 可從博地,直登十地。
(Diễn: Có thể từ địa vị thấp lè tè sát đất lên thẳng Thập Địa).
Thiền Tông trọn chẳng thể đạt được điều này. Nói thật thà, Thiền có thể đạt đến Sơ Trụ hoặc Nhị Trụ thì còn có thể, chứ bảo đạt lên Sơ Địa, chẳng phải đơn giản! Trì danh niệm Phật, niệm đến Lý nhất tâm bất loạn sẽ kiến tánh. Nói theo pháp môn này thì có ba bậc công phu: Công phu Tối Thượng Thừa là Lý nhất tâm bất loạn, tương đương từ Sơ Trụ đến Thập Địa trong Viên Giáo, đều là Lý nhất tâm. Trong Lý nhất tâm, công phu có sâu hay cạn khác nhau. Công phu sâu thì đăng địa (chứng từ Sơ Địa trở lên), công phu cạn thì là Thập Trụ, Thập Hạnh, đều là hạng công phu thượng đẳng, thành tựu thượng đẳng. Thành tựu trung đẳng là Sự nhất tâm bất loạn. Nếu dựa theo các địa vị Bồ Tát trong Viên Giáo để nói, [Sự nhất tâm bất loạn] sẽ tương đương với các địa vị Bồ Tát từ Thất Tín cho Thập Tín, gồm bốn cấp. Công phu hạ đẳng là công phu thành phiến, từ địa vị Ngũ Phẩm cho đến địa vị Lục Tín trong Viên Giáo đều thuộc công phu thành phiến, đều là đới nghiệp vãng sanh, chúng ta có thể thành tựu [công phu này] trong một đời.
Người niệm Phật đã niệm đến mức công phu thành phiến rồi sẽ có thể vãng sanh. Khi ấy, sẽ nên làm như thế nào? Có phải là ngay lập tức vãng sanh hay không? Đi ngay cũng được! Có thể đi được, chứ không phải là chẳng đi được. Nếu quý vị thật sự thông minh, quý vị có thể không đi, quý vị vẫn ở trong thế giới này để nâng cao phẩm vị của mình; bởi lẽ, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới đương nhiên cũng là thành Phật ngay trong một đời, nhưng thời gian dài lắm, không có thành tựu nhanh chóng như trong thế giới này. Kinh đã từng dạy: Người công phu theo đúng đường lối, tu hành một ngày trong thế giới Sa Bà bằng tu hành một trăm năm trong thế giới Cực Lạc. Do vậy, ở nơi đây dụng công mười năm, hai mươi năm, có thể nâng công phu thành phiến lên Lý nhất tâm bất loạn. Nếu tu hành trong cõi Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị muốn đến cõi Thật Báo, thời gian [tu tập] ấy khá dài, chúng ta tốn thời gian mấy chục năm ở đây tu hành thành công, hễ vãng sanh liền sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới, tự tại nhiều lắm!
Vì vậy, tự hành, dạy người, tự lợi, lợi tha, chúng ta quyết định chẳng vứt bỏ, chỉ cần có cơ hội sẽ nhất định phải làm, trừ khi thọ mạng đã đến thì chẳng có cách nào. Nếu thọ mạng chưa hết, nhất định phải lợi dụng thời gian này để nâng cao phẩm vị của chính mình. Những phương pháp tu hành đều có trong kinh sớ, chúng ta phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận. Trong một đời, từ địa vị phàm phu sát đất, từ địa vị hiện thời của chúng ta có thể đạt thành Địa Thượng Bồ Tát (hàng Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên), bất cứ pháp môn nào khác cũng chẳng thể làm được như vậy, chỉ có mình pháp môn này.
(Diễn) Tam, cảm thời giả. Thời, tức kim Mạt Pháp chi thời.
(演) 三、感時者,時,即今末法之時。
(Diễn: Ba là cảm thán trước thời thế. Thời chính là thời Mạt Pháp hiện tại).
Đặc biệt nói về thời đại hiện tại của chúng ta.
(Diễn) Cảm giả.
(演) 感者。
(Diễn: Cảm là)
“Cảm” là cảm tưởng.
(Diễn) Dĩ thời đinh Mạt Pháp, căn đa thiển bạc, pháp môn trung nhân phi cuồng tức ngu.
(演) 以時丁末法,根多淺薄,法門中人非愚即狂。
(Diễn: Do nhằm thời Mạt Pháp, căn cơ phần nhiều nông cạn, mỏng manh, những người trong pháp môn nếu không cuồng cũng ngu).
Hiện tượng này, đặc biệt là trong thời đại hiện thời của chúng ta, có thể nói là lúc nào, chỗ nào cũng đều nhận thấy, rất là quan trọng. Bản thân chúng ta phải tự mình phản tỉnh, kiểm điểm xembản thân chúng ta có thuộc vào hai loại căn tánh ngu hoặc cuồng hay không? Cuồng ngu là chẳng tin tưởng pháp môn này.
(Diễn) Cố vi diệu pháp môn, hoặc nhương tý bài vi tiểu giáo, hoặc đại tiếu xích tác Quyền thừa.
(演) 故微妙法門,或攘臂排為小教,或大笑斥作權乘。
(Diễn: Cho nên đối với pháp môn vi diệu, hoặc xắn tay áo[6] quở là tiểu giáo, hoặc cười to chê là Quyền thừa).
Đây đều là cảnh giới của hạng ngu cuồng. Pháp môn bậc nhất là pháp môn thành Phật ngay trong một đời mà chẳng nhận biết, coi là Tiểu giáo, hoặc là giáo pháp của các bà cụ già. Học Phật rất khá, nhưng nếu hằng ngày cầm xâu chuỗi niệm Phật liền cảm thấy rất khó chịu, rất mất mặt, nghĩ pháp môn này chẳng có kẻ có tri thức nào học. Lầm rồi! Lầm lẫn quá đỗi!
(Diễn) Hựu hoặc chung nhật duy động sổ châu, hoặc cùng niên đản sổ hoàng đậu, đại sư bà tâm thậm thiết, năng bất vị chi thương tâm dã.
(演) 又或終日唯動數珠,或窮年但數黃荳,大師婆心甚切,能不為之傷心也。
(Diễn: Hoặc có người suốt ngày chỉ lần xâu chuỗi, hoặc quanh năm chỉ đếm đậu vàng, tâm đại sư đau đáu thiết tha, há chẳng thể không đau lòng ư?)
Suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật, “đếm đậu vàng” [7] cũng là niệm Phật, nhưng mà sao? Chẳng hiểu đạo lý niệm Phật, đối với pháp môn niệm Phật chẳng biết tí gì! Tôi cũng từng nghe nói có một loại người như thế, có thật đấy, chẳng giả đâu! Có những kẻ ngu niệm Phật, vì sao họ niệm Phật? Nghe nói một tiếng niệm Phật sẽ được một đồng, trong tương lai sau khi chết đi sẽ được một đồng trong cõi Âm, càng niệm nhiều thì khi làm quỷ sẽ có nhiều tiền, trở thành con quỷ giàu có, chẳng thành quỷ đói! Do vậy, kẻ ấy hằng ngày niệm Phật, khi niệm hoàn toàn chẳng mong sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, mà mong tương lai khi làm quỷ sẽ có nhiều tiền chẳng đói khổ, hỏng bét rồi! Lầm chẳng biết đến đâu nữa rồi! Do vậy, nhất định phải hiểu lý, phải tương ứng với tự tánh giác, phải nâng cao cảnh giới của chính mình. Đấy là ý nghĩa vì sao đại sư vì người đời sau mà biên soạn Sớ Sao.
(Diễn) Tứ, thuật ý giả, ý tức đại sư tác sớ chi ý.
(演) 四、述意者,意即大師作疏之意。
(Diễn: Bốn là thuật ý. Ý chính là ý nghĩa vì sao đại sư soạn Sớ Sao).
Đây là lời giải thích của pháp sư Cổ Đức, giới thiệu cho chúng ta biết vì sao Liên Trì đại sư viết Sớ Sao cho kinh Di Đà.
(Diễn) Thuật, trần dã, dữ tiền thuật tự giải sảo dị.
(演) 述,陳也,與前述字解稍異。
(Diễn: Thuật là trình bày, hơi khác với chữ Thuật đã được giải thích trong phần trước).
Trong phần Nhân Đề ở phía trước đã từng giảng [ý nghĩa chữ Thuật là “thuật nhi bất tác” (kể lại chứ không sáng tác), Thuật trong phần này là nêu rõ nguyên do].
(Diễn) Đại sư bổn ý, toàn tại kiêm lợi.
(演) 大師本意,全在兼利。
(Diễn: Bổn ý của đại sư hoàn toàn nhằm tự lợi lẫn lợi tha).
“Kiêm lợi” là tự lợi và lợi tha, hai thứ lợi ích.
(Diễn) Dục phát khởi chúng sanh chi chân tín, cố cực luận niệm
Phật chi hoằng công nhĩ.
(演) 欲發起眾生之真信,故極論念佛之宏功爾。
(Diễn: Muốn cho chúng sanh phát khởi lòng tin chân thật, nên luận định tột bậc về công lao to lớn của niệm Phật vậy).
“Hoằng” (宏) là to lớn. Niệm Phật luận trên phương diện công phu hoặc công đức đều là đệ nhất. Đương nhiên, quan trọng nhất vẫn là “chân tín”. Hiện thời, người niệm Phật đông đảo, người chân tín ít ỏi. Chúng ta nhất định phải nỗ lực phản tỉnh, kiểm điểm, đừng nói tới ai khác, phải nỗ lực kiểm điểm chính mình, phản tỉnh xem chính mình có phải là chân tín hay không. Người chân tín nhất định y giáo phụng hành; nói cách khác, từng tiếng Phật hiệu nhất định đầy đủ Tam Học, Tam Huệ, Tam Tư Lương, mỗi tiếng Phật hiệu nhất định tương ứng với tự tánh giác. Đấy là chân tín. Nếu chẳng tương ứng với “giác, chánh, tịnh” trong tự tánh sẽ chẳng phải là chân tín, niệm niệm vẫn là mê hoặc, điên đảo. Thế nào mới là chân tín? Niệm niệm vẫn là thị phi, nhân ngã, niệm niệm vẫn là phân biệt, chấp trước, đấy chẳng phải là chân tín. Trong chân tín không có những thứ ấy. Tâm chân tín là tâm thanh tịnh. Tâm chân tín là tâm rộng lớn. Nếu chẳng nhờ bộ Sớ Sao này của đại sư, sẽ rất khó khiến cho người niệm thật sự khởi lên lòng tin chân thật. Công đức của Ngài quả thật vô lượng vô biên.
(Diễn) Cái dục dĩ nhất cú Di Đà, biến dẫn quần sanh xuất ư khổ hải, na dung bất nhiêu thiệt da?
(演) 蓋欲以一句彌陀,遍引群生出於苦海,那容不饒舌耶。
(Diễn: Ấy là vì muốn dùng một câu Di Đà dẫn khắp quần sanh thoát khỏi biển khổ, nào ngại nhiều lời ư?)
Chẳng riêng đại sư có ý này, mà mười phương chư Phật cũng có ý này, [đây cũng là] bổn ý của Bổn Sư Thích Ca, ý nghĩa thật sự của việc đức Phật nói pháp suốt bốn mươi chín năm là đây. Dùng một câu A Di Đà Phật giúp chúng ta vượt thoát sanh tử luân hồi, giúp chúng ta viên mãn Bồ Đề trong một đời. Liên Trì thấu hiểu Phật tâm sâu xa, chẳng thể không nói! Chúng tôi ngày nay thấu hiểu ý nghĩa này nên chẳng thể không giảng Sớ Sao và Diễn Nghĩa. Tuy rất dài, dẫu dài cũng phải giảng, vì sao? Quá quan trọng! Hết thảy các kinh đều có thể không giảng, nhưng kinh này chẳng thể không giảng. Tôi càng hy vọng các đồng tu, mọi người đều sốt sắng học tập. Hy vọng sau các vị học xong, đến các nơi giảng giải, giảng giải trọn khắp, giúp Bổn Sư tiếp dẫn chúng sanh, giúp mười phương hết thảy chư Phật, dùng một câu Di Đà dẫn dắt trọn khắp chúng sanh thoát khỏi biển khổ. Vậy thì cớ sao quý vị chẳng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới? Nhất định vãng sanh! Vì thế, mọi người hoằng dương phổ biến càng là điều quan trọng hơn bất cứ gì khác!
(Diễn) Ngũ, thỉnh gia giả.
(演) 五、請加者。
(Diễn: Năm là thỉnh gia hộ).
“Thỉnh” là thỉnh cầu, “gia” là gia bị.
(Diễn) Gia thị Tam Bảo gia bị.
(演) 加是三寶加被。
(Diễn: “Gia” là Tam Bảo gia bị).
“Bị” (被) có cùng một ý nghĩa với chữ “phi” (披) trong hiện tại, đây là một chữ Phá Âm[8]. Thần lực của Phật gia trì chúng ta. Không có thần lực của Phật, đại sư sẽ không viết Chú Giải được. Trên giảng đài, nếu không có thần lực của Phật gia bị, chúng tôi cũng không nói ra được những ý nghĩa vi diệu trong ấy. Do vậy, nhất định phải cầu thần lực của chư Phật, Bồ Tát gia trì.
(Diễn) Thỉnh giả, kỳ thỉnh dã, Phật diệt độ hậu, phàm hữu trước thuật, giai quy Tam Bảo minh hy gia bị.
(演) 請者,祈請也。佛滅度後,凡有著述,皆皈三寶冥希加被。
(Diễn: “Thỉnh” là cầu xin. Sau khi Phật diệt độ, hễ trước thuật đều
hướng về Tam Bảo mong được ngầm gia trì).
“Minh” (冥) là gia trì âm thầm.
(Diễn) Lương dĩ tự kỷ nhất nhân tâm lực hữu hạn, nhi Phật cụ vô duyên đại từ, năng linh tinh thành kỳ thỉnh giả, tự đắc thắng trí, cố thỉnh gia dã.
(演) 良以自己一人心力有限,而佛具無緣大慈,能令精誠祈請者,自得勝智,故請加也。
(Diễn: Ấy là vì tâm lực của chính một người có hạn, nhưng Phật sẵn lòng vô duyên đại từ có thể khiến cho người cầu nguyện với tấm lòng tinh thành sẽ tự đạt được trí huệ thù thắng, cho nên cầu thỉnh Tam Bảo gia trì).
Cầu Phật gia trì, lũ chúng ta thỉnh cầu Phật gia hựu, phải “tinh thành”, tự nhiên sẽ được cảm ứng, trí huệ mở mang. Chuyên tu một môn này, chuyên học một môn này, chuyên hoằng một môn này, đó là “tinh”. Nhất tâm nhất ý chuyên nhập một môn này, quyết định chẳng có tam tâm nhị ý; đó là “thành”. Chúng ta có cái tâm ấy, thưa quý vị, Tây Phương Tam Thánh trước hết gia trì quý vị, A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, mười phương chư Phật gia trì quý vị, hết thảy Bồ Tát gia trì quý vị, hộ pháp thiên long hộ trì quý vị, lẽ nào quý vị chẳng mở mang trí huệ? Lẽ nào quý vị chẳng đắc biện tài? Đạo lý nhất định mà! Trừ phi quý vị chẳng tinh, chẳng thành, sẽ không có cảm ứng đạo giao. Thật sự làm được hai chữ “tinh thành”, chẳng cầu Phật gia trì, Phật cũng sẽ gia trì quý vị. Vì sao? Do có cùng tâm, cùng nguyện với mười phương chư Phật, hết thảy Bồ Tát, chí đồng đạo hợp, lẽ đâu chẳng có chuyện giúp đỡ? Chẳng cần phải cầu mà chủ động giúp đỡ! Nay chúng ta ở trong thế gian, nếu nghe nói có những người chí đồng đạo hợp, nhất định rất hoan hỷ, họ không đến kiếm chúng ta, chúng ta đi kiếm họ trước, chí đồng đạo hợp, quá khó được! Nhất là trong thời kỳ Mạt Pháp này, có thể chí đồng đạo hợp với chư Phật, Bồ Tát, không nhiều! Hiếm có lắm! Lẽ đâu Phật, Bồ Tát chẳng gia trì? Chúng ta cũng phải nên hiểu rõ điều này. Đến đây, tựa đề của năm điều trong phần Thông Tự Đại Ý của Sớ Sao đã được giới thiệu đơn giản xong. Lần sau, chúng ta sẽ bước vào phần văn tự, tức là đoạn thứ nhất, tức Minh Tánh trong phần Thông Tự, bước vào phần văn tự càng tinh vi đẹp đẽ hơn. Hôm nay tôi chỉ đem ý nghĩa của tựa đề
giới thiệu đại lược mà thôi!
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
Phần 3 hết
[1] Ngũ Suy là năm dấu hiệu báo trước thọ mạng của một vị trời trong Dục Giới sắp hết thọ mạng. Ngũ Suy được chia thành hai loại:
1. Đại Ngũ Suy gồm y phục dơ bẩn, hoa trên đỉnh đầu bị héo, dưới nách tự nhiên tươm mồ hôi, thân thể bẩn thỉu hôi hám, chẳng thích ngồi trên tòa của mình.
2. Tiểu Ngũ Suy gồm tiếng thiên nhạc chẳng trỗi lên nữa; ánh sáng nơi thân giảm bớt, mờ dần; nước tắm dính vào thân; đắm đuối những cảnh mình tiếp xúc không thể lìa bỏ được; thân cảm thấy trống trải, mắt nháy lia lịa.
Hễ tướng Đại Ngũ Suy xuất hiện, vị trời ấy chắc chắn phải chết; còn nếu tướng Tiểu Ngũ Suy xuất hiện, có thể tu thiện căn để cứu vãn.
[2] Moses (còn viết là Musa, Mosheh, Musse, Moshe Rabbeinu) là lãnh tụ tôn giáo của dân Do Thái thời cổ, được coi là nhà lập pháp, tiên tri, chỉ huy quân sự và sử gia thời ấy. Ông ta được xem như là tác giả của bộ Torah (năm cuốn đầu trong Thánh Kinh Do Thái, tương đương với năm quyển đầu trong Cựu Ước của Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo, còn gọi là Pentateuch). Theo Kinh Thánh, Moses là con trai của Amram và Jochebed, thuộc chi tộc Levite. Theo một chiếu chỉ của Pharaoh Ai Cập, tất cả các bé trai sơ sinh thuộc dân tộc Do Thái trong năm ấy phải bị giết để tránh cho đế quốc Ai Cập khỏi bị sụp đổ. Sau khi cố giấu diếm đứa con mới sanh được ba tháng, cuối cùng Jochebed buộc phải phó thác con cho số phận bằng cách thả chiếc nôi của con trôi theo dòng sông Nile. Cuối cùng, cậu bé được công chúa Thermuthis của Ai Cập vớt được, nhận làm con nuôi và đặt tên là Mosheh (có nghĩa là vớt khỏi nước) và trở nên một thành viên của hoàng gia Ai Cập. Sau khi ra tay giết chết một quản nô Ai Cập để cứu một người Hebrew, Moses phải chạy trốn vào vùng Sinai, rồi trở thành mục tử trong 40 năm tại Midian. Về sau, ông được Jehovah (Thiên Chúa của người Do Thái) mặc khải tại núi Horeb, truyền hãy trở về Ai Cập với sứ mạng giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ. Ông cùng với anh là Aaron dẫn dắt dân Do Thái băng qua Hồng Hải, tiến vào hoang mạc tìm cách trở về đất hứa Israel. Do lòng vô tín của dân Israel, ông cùng với họ phải lưu lạc trong đó suốt 40 năm. Dù thọ đến 120 tuổi, Moses không được vào Đất Hứa mà chết trong hoang mạc. Mười Điều Răn (Ten Commandments, Decalogue) là do Thiên Chúa khải thị cho Moses trên núi Sinai, và trao cho ông ta bảng đá khắc mười điều ấy.
[3] Tướng Phần (còn gọi là Sở Thủ Phần) là một thuật ngữ chỉ hình ảnh của cảnh giới bên ngoài (lục trần) được sáu căn tiếp nhận, lưu giữ ấn tượng trong tâm thức.
[4] Đây là một tác phẩm để dạy cho trẻ học vỡ lòng thuở xưa. Thoạt đầu có tên là Ấu Học Tu Tri (Trẻ nhỏ mới học cần biết) do Trình Đăng Cát soạn cuối đời Minh. Đến thời Gia Khánh đời Thanh, Trâu Thánh Mạch (hiệu Ngô Cương) viết thêm lời chú thích, đổi tựa đề thành Ấu Học Cố Sự Quỳnh Lâm. Bản này lại được các ông Phí Hữu Dung, Diệp Phố Tôn, và Thái Đông Phiên tăng đính một lần nữa dưới thời Dân Quốc. Toàn thể cuốn sách được viết theo lối văn biền ngẫu, văn tự giản dị, đẹp đẽ, dễ đọc, dễ học, dễ nhớ. Nội dung bao gồm nhiều chủ đề thiên văn, địa lý, tình cảm con người, hôn nhân, gia đình v.v... Trong sách giới thiệu nhiều thành ngữ cũng như nêu rõ nguồn gốc của các thành ngữ ấy.
[5] Tiêu quy tự tánh: “Tiêu” là các niệm đều tiêu dung, tức hoàn toàn không còn thấy hữu niệm và vô niệm, dứt trừ mọi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, mà cũng chẳng thấy có dứt trừ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. “Quy” là quán chiếu tánh của mọi niệm đều có cùng một thể với tự tánh thanh tịnh tâm, chẳng ra ngoài tự tâm.
[6] “Nhương tý” (xắn tay áo, lộ cánh tay, biểu lộ sự phấn chấn) là một thành ngữ thể hiện sự sốt sắng tích cực. Đây là một thành ngữ phát xuất từ một câu nói của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh: “Thượng lễ vi chi, nhi mạc chi ứng, tắc nhương tý nhi nhưng chi” (Bậc chú trọng lễ nghĩa dùng lễ đãi người, dẫu chẳng được đáp ứng vẫn sốt sắng thực hiện). Câu này được dịch theo lời chú giải của Vương Bật.
[7] Trước kia, ở Trung Hoa xâu chuỗi chưa thông dụng. Khi ngài Đạo Xước đề xướng niệm Phật, để ghi nhớ số câu, người ta thường dùng những hạt đậu để ghi nhớ số, trong đó, loại “hoàng đậu” (đậu nành) được dùng phổ biến nhất.
[8] Chữ “phá âm” là những chữ tùy theo cách sử dụng hoặc ngữ cảnh mà sẽ có âm đọc khác nhau. Chẳng hạn như chữ 參sẽ đọc là Tham (trong “tham gia”, “tham dự”), nhưng sẽ đọc thành Sâm trong Nhân Sâm, Đảng Sâm, hoặc đọc là Tam nếu dùng với ý nghĩa là số ba. Chữ 禅 đọc thành Thiền trong Thiền Học, Thiền Môn, nhưng phải đọc là Thiện khi dùng với ý nghĩa “nhường lại” như “thiện vị” (nhường ngôi). Ngoài ra, có những trường hợp, chữ Phá Âm có thể đọc khác âm (trong tiếng Quan Thoại) khi dùng với những ý nghĩa khác nhau, nhưng âm đọc Hán Việt vẫn giữ nguyên, như trong trường hợp chữ Bị ở đây.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top