A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa - Phần 23
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
阿彌陀經疏鈔演義
Phần 23
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không năm 1984
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong
Tập 45
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm mươi sáu:
(Sớ) Thuyết pháp chủ giả, thuyết pháp độ sanh, nhất độ chi trung, vô nhị Phật cố.
(疏) 說法主者,說法度生,一土之中,無二佛故。
(Sớ: “Thuyết pháp chủ”: Thuyết pháp độ sanh, trong một cõi không có hai vị Phật).
Đoạn này nhằm giải thích câu thứ nhất trong bài kệ Thỉnh Gia (thỉnh Tam Bảo gia hộ): “Quy mạng Sa Bà thuyết pháp chủ”. Chữ “thuyết pháp chủ” chỉ đức Phật. Trong một tam thiên đại thiên thế giới chỉ có một vị Phật, Ngài được gọi là “thuyết pháp chủ”, giống như mỗi trường học chỉ có một hiệu trưởng. Chư Phật từ phương khác nếu đến ứng hóa tại nơi đây, tình hình này hết sức thường có, chỉ cần [chúng sanh trong cõi ấy] có duyên với Phật, Phật sẽ tùy thời thị hiện các thứ thân tướng trong mười phương để hóa độ chúng sanh, nhưng các Ngài thị hiện thì chẳng thể dùng thân phận Phật để thị hiện. Trừ thân phận Phật ra, bất cứ thân phận nào cũng đều có thể thị hiện được. Trong một thế giới, dùng thân phận Phật để thị hiện, nhất định chỉ có vị giáo hóa chủ.
(Sớ) Tiếp dẫn giả, chúng sanh niệm Phật, Phật thùy tiếp dẫn. Dụ như hành lộ, nhược giả tiếp nhi tế chi, mê giả dẫn nhi đạo chi dã. Phục hữu nhị nghĩa: Hiện sanh tiếp dẫn, tắc tư kỳ đạo tâm; lâm chung tiếp dẫn, tắc nhiếp kỳ thần thức.
(疏) 接引者,眾生念佛,佛垂接引,喻如行路,弱者接而濟之,迷者引而導之也。復有二義:現生接引,則資其道心;臨終接引,則攝其神識。
(Sớ: “Tiếp dẫn” là chúng sanh niệm Phật, Phật rủ lòng tiếp dẫn. Ví như đi đường, đối với người yếu đuối bèn nâng, dìu, giúp đỡ, đối với kẻ lạc đường bèn dẫn dắt, chỉ bảo. Lại có hai nghĩa: Tiếp dẫn trong lúc còn sống nhằm vun bồi đạo tâm cho người ấy; tiếp dẫn lúc lâm chung thì nhiếp thọ thần thức của người ấy).
Đây là giải thích ý nghĩa chữ “tiếp dẫn”. Ở đây nói tới “tiếp dẫn” thì đương nhiên là Tây Phương thế giới A Di Đà Phật. Ở chỗ này, đại sư dùng tỷ dụ để giảng chữ “tiếp dẫn”, tỷ dụ khá thân thiết. Ví như đi đường, người thể lực yếu đuối, chúng ta bèn nâng đỡ, dìu dắt, giúp đỡ người ấy. Đấy là ý nghĩa “tiếp nhi tế chi”. “Tế” (濟) là giúp đỡ. Nếu người ta bị lạc đường, quý vị có thể chỉ điểm, hoặc nếu quý vị có thời gian, cũng có thể dẫn họ đi một đoạn, đấy là “dẫn nhi đạo chi”. Tiếp dẫn có hai thứ ý nghĩa, [nên lời Sớ mới viết là] “phục hữu nhị nghĩa”, [tức là] tiếp dẫn về Tây Phương lại gồm có hai tình huống: Thứ nhất là ngay trong khi còn sống.
(Diễn) Hiện sanh tiếp dẫn giả.
(演) 現生接引者。
(Diễn: Tiếp dẫn ngay trong khi còn sống).
Tình hình này rất nhiều, một người phát tâm thật sự niệm Phật, nếu tâm thanh tịnh thì gần như là thường có thể cảm thấy Phật ngấm ngầm gia trì.
(Diễn) Bất hiện thân ngữ, minh minh gia bị.
(演) 不現身語,冥冥加被。
(Diễn: Chẳng hiện thân hay nói năng, âm thầm gia bị).
Chúng ta chẳng thấy hình tướng, cũng chẳng nghe thấy âm thanh, nhưng trong tâm có thể cảm nhận được Phật ở bên cạnh.
(Diễn) Tinh tâm ấm tốc, phát bỉ thần thức dã.
(演) 精心陰速,發彼神識也。
(Diễn: Nhanh chóng ngầm cảm thông với tâm thuần chân, khiến cho thần thức của kẻ ấy phát khởi tác dụng)[1].
Đây là ý nghĩa cảm ứng đại giao. Trừ tình hình này ra, cũng có khi hiện thân, nhưng điều này khá ít. Hoặc là trong khi niệm Phật thấy được tướng lành, hoặc là trong khi tịnh tọa thấy thân Phật, cũng có khi nằm mộng thấy Phật. Thấy Phật thì hoặc là nghe pháp, hoặc Phật xoa đỉnh đầu, đó là những hiện tượng tốt, đều là cảnh giới tốt. Bất quá là thấy hiện thân, trông thấy thân ấy, hoặc nghe âm thanh, thỉnh thoảng một hai lần thì được; nếu thường xuyên nghe thấy thì thưa cùng quý vị, đấy là ma, chẳng phải Phật! Vì sao? Phật chẳng thể thường xuyên cho quý vị trông thấy. Thỉnh thoảng một hai lần [hiện thân] để tăng trưởng tín tâm của quý vị, đó là thật sự tiếp dẫn. “Tư kỳ đạo tâm”(vun bồi đạo tâm), nhằm chứng minh cho quý vị. Chứng minh một hai lần là đủ rồi, chứ thường xuyên trông thấy sẽ phiền phức lớn lắm. Đấy chắc chắn không phải là Phật; quý vị phải chú ý điều này!
Có những đồng tu bảo tôi, lúc họ mới học Phật có rất nhiều tướng lành, hiện thời chẳng có gì hết, có phải là lui sụt hay không? Chẳng phải là lui sụt! Vì sao lúc mới học thường có? Đối với người mới học, nhất định phải giúp họ kiến lập tín tâm. Họ đã nhập môn rồi, đã sanh tín tâm rồi, mà còn thường xuyên thị hiện, chắc chắn họ sẽ đi theo con đường thần thông. Đi theo con đường thần thông thì sẽ đi vào tà đạo, quý vị phải chú ý điểm này. Chắc chắn Phật chẳng dùng thần thông để làm Phật sự. Hễ dùng thần thông để làm Phật sự thì chẳng phải là chánh pháp.
Đúng là Phật, Bồ Tát có thần thông, thần thông rộng lớn, vì sao chẳng dùng thần thông làm Phật sự? Vì Ma có thần thông! Nếu Phật dùng thần thông làm Phật sự, chúng nó cũng thường dùng thần thông, chúng ta không có cách nào phân biệt Phật và Ma. Phật dùng chánh pháp giáo hóa chúng sanh, còn Ma thì không. Nếu ma cũng dùng chánh pháp giáo hóa chúng sanh thì là Phật, chẳng gọi là ma nữa. Do vậy, Phật nhất định dùng chánh pháp chỉ dạy chúng sanh. Phàm những kẻ nào dùng thủ đoạn thần thông để tiếp dẫn chúng sanh, quý vị phải cẩn thận, đó chẳng phải là chánh pháp. Những thứ như Phong Thủy, đoán mạng, coi tướng đều chẳng phải là Phật pháp, đều là dùng tà pháp tiếp dẫn chúng sanh. Đức Phật dùng giáo học để tiếp dẫn chúng sanh, nhất định phải hiểu rõ điều này!
(Diễn) Lâm chung tiếp dẫn giả.
演臨終接引者。
(Diễn: Tiếp dẫn lúc lâm chung là...)
Loại thứ hai là khi lâm chung. Lâm chung nhất định thấy hình tượng Phật.
(Diễn) Hiện thân ngữ ý.
(演) 現身語意。
(Diễn: Hiện thân, ngữ, ý).
Chẳng những quý vị thấy hình tượng Phật, mà Phật còn nói với quý vị. Có thể trông thấy tướng, có thể nghe âm thanh của Phật, đó là Phật tiếp dẫn quý vị.
(Diễn) Nhiếp kỳ thần thức, quy ư Tịnh Độ.
(演) 攝其神識,歸於淨土。
(Diễn: Nhiếp thọ thần thức của người ấy về Tịnh Độ).
Tây Phương Tịnh Độ ở đâu, quý vị chẳng hiểu! Chẳng hiểu cũng không sao! Phật đến tiếp dẫn quý vị, cứ theo Ngài ra đi, Ngài dẫn quý vị đến đó. Do vậy người niệm hãy hết sức an tâm, đừng nghĩ hư không lớn dường ấy, rốt cuộc A Di Đà Phật ở tinh cầu nào? Đến đâu để tìm kiếm? Đừng bận tâm! Phật đến tiếp dẫn quý vị.
(Sớ) Đại từ tôn giả.
(疏) 大慈尊者。
(Sớ: “Đại từ tôn” là...)
Đức Thế Tôn đại từ đại bi.
(Sớ) Như mẫu ức tử, danh chi viết Từ. Từ vô dĩ gia, danh chi viết Đại. Tôn tức chủ nghĩa. Giao hỗ ngôn chi, diệc khả Thích Ca thử độ chi tôn.
(疏) 如母憶子,名之曰慈。慈無以加,名之曰大。尊即主義。交互言之,亦可釋迦此土之尊。
(Sớ: Như mẹ nhớ con nên gọi là Từ. Lòng Từ không gì hơn được nên gọi là Đại. Tôn có nghĩa là chủ. Gộp chung [các ý nghĩa này] để nói thì có thể dùng [danh xưng Đại Từ Tôn] để gọi đức Thích Ca trong cõi này).
Đây là giáo hóa chủ trong thế giới này, “giáo hóa chủ” là vị thầy căn bản.
(Sớ) Di Đà bỉ độ chi giáo chủ.
(疏) 彌陀彼土之主也。
(Sớ: Phật Di Đà là giáo chủ trong cõi kia).
A Di Đà Phật là giáo chủ cõi Cực Lạc.
(Sớ) Kiêm nhị Như Lai, thị vị Phật Bảo.
(疏) 兼二如來,是謂佛寶。
(Sớ: Hai vị Như Lai cùng được gọi là Phật Bảo).
Câu này nói về hai vị Phật.
(Sớ) Bất Khả Tư Nghị Phật Hộ Niệm Kinh, thử kinh nguyên danh dã, thị vị Pháp Bảo.
(疏) 不可思議佛護念經,此經原名也,是謂法寶。
(Sớ: Bất Khả Tư Nghị Phật Hộ Niệm Kinh là tên gốc của kinh này, đây là nói về Pháp Bảo).
Tựa đề nguyên thủy của kinh này là Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh. Quý vị phải đọc kỹ tựa đề kinh này, mới biết kinh này thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Là vì hết thảy các kinh do đức Phật đã nói trong suốt bốn mươi chín năm đều chẳng dùng danh xưng này. Bất Khả Tư Nghị là xưng tán những lý luận và phương pháp trong kinh này đều chẳng thể nghĩ bàn. Hết thảy chư Phật, tận hư không, trọn pháp giới, mười phương ba đời, chẳng sót một vị Phật nào. Nói cách khác, chẳng có bất cứ một vị Phật nào chẳng khen ngợi kinh này, chẳng hộ niệm bộ kinh này, quý vị mới hiểu được giá trị của kinh này cũng như biết được tánh chất quan trọng của pháp môn này. Quý vị có nghe pháp môn nào khác mà được hết thảy chư Phật hộ niệm hay chăng? Chưa từng nghe nói! Kinh này được hết thảy chư Phật hộ niệm. Nếu quý vị thật sự phát tâm tu học pháp môn này, đọc tụng kinh điển này, niệm một câu A Di Đà Phật, quý vị đừng nên hoài nghi, quý vị chính là người được hết thảy chư Phật hộ niệm! Vốn như vậy mà! Hết thảy chư Phật hộ niệm kinh này, quý vị hằng ngày đọc tụng kinh này, hết thảy chư Phật chẳng hộ niệm quý vị thì hộ niệm ai? Quý vị đã được hết thảy chư Phật hộ niệm, mà nếu lại đi xem Phong Thủy, đoán mạng, chư Phật đều bỏ đi hết. Quý vị thấy đó: Chúng ta hộ niệm kẻ đó, hắn cảm thấy không thể trông cậy được, vẫn phải tìm thầy tướng số, tìm thầy Phong Thủy, vẫn nghĩ lũ người kia mới đáng tin cậy, còn hết thảy chư Phật chúng ta chẳng đáng nương tựa, vậy thì đương nhiên chư Phật phải ra đi. Quý vị đại bất kính đối với chư Phật, chẳng có lòng tin đối với hết thảy chư Phật, phải biết điều này!
Như thế nào thì mới thật sự được thần lực của chư Phật gia trì? Đối với Phật, quý vị phải cung kính. Nguyện thứ nhất trong mười đại nguyện vương là “lễ kính chư Phật”. Điều đầu tiên của quý vị là đại bất kính thì làm sao được? Nhất định phải thật sự tin vào chính mình, quý vị ở nơi đâu, nơi ấy nhất định cát tường. Quý vị được chư Phật hộ niệm, lẽ đâu chẳng cát tường? Thậm chí trong thế gian, chỗ Phong Thủy xấu hèn, Phong Thủy chẳng tốt đến đâu đi nữa, quý vị đến ngồi nơi đó, chỗ ấy bèn cát tường, vì sao? Quý vị được hết thảy chư Phật hộ niệm, chứ người khác thì không được, họ bị Phong Thủy, bị vận mạng xoay chuyển! Quý vị là người được hết thảy chư Phật hộ niệm, quý vị đến đó ngồi, Phong Thủy chuyển theo quý vị. Quý vị chẳng bị nó chuyển mà nó chuyển theo quý vị. Người nào có phước nhất? Người niệm Phật có phước nhất; thế gian và xuất thế gian chẳng có ai phước lớn bằng người niệm Phật! Quý vị không niệm Phật thì không có cách gì hết!
Cưu Ma La Thập đại sư phiên dịch kinh này, vì sao chẳng dùng tên gốc của bản kinh? Đây là lòng từ bi của lão nhân gia, lão nhân gia vận dụng phương tiện. Bởi lẽ, cách tu hành trong kinh này là xưng danh, tức là thọ trì danh hiệu. Vì thế, Ngài dùng danh hiệu để đặt tên kinh khiến cho vô lượng vô biên chúng sanh kết pháp duyên với Tây Phương Tịnh Độ. Người chẳng tu Tịnh Độ hỏi: “Đây là kinh gì?” “Kinh A Di Đà!” Quý vị thấy đó, quý vị vừa niệm một tiếng A Di Đà Phật. Do vậy, vô lượng vô biên chúng sanh kết pháp duyên với Tịnh Độ. Sở dĩ Ngài dùng danh hiệu của Phật để đặt tên kinh, chẳng dùng tựa đề gốc của bản kinh, đạo lý là ở chỗ này. Đây là Pháp Bảo.
(Sớ) Xá Lợi, Văn Thù đẳng, văn kinh chúng dã, thị vị Tăng Bảo.
(疏) 舍利文殊等,聞經眾也,是謂僧寶。
(Sớ: Xá Lợi, Văn Thù v.v... là những người nghe kinh, đây là nói tới Tăng Bảo).
Nói rõ Tam Bảo trọn đủ, tán thán Tam Bảo trọn đủ. Trong Tự Phần của kinh này đã kể tên mười sáu vị tôn giả là bậc A La Hán. Kinh văn ghi rất rõ ràng: “Giai thị đại A La Hán” (đều là đại A La Hán). Đại và Tiểu khác biệt rất lớn. Chữ A La Hán thường được dùng để nói tới bậc A La Hán trong Tiểu Thừa, Đại A La Hán có ý nghĩa khác hẳn! “Đại A La Hán” có hai cách giải thích:
- Loại thứ nhất là hồi Tiểu hướng Đại. Hạng hồi Tiểu hướng Đại cũng có thể gọi là Đại A La Hán; nhưng cách giải thích này không phải là bổn ý của chữ Đại A La Hán.
- Bổn ý của chữ Đại A La Hán chỉ gì? Pháp Vân Địa Bồ Tát là bậc A La Hán trong Đại Thừa.
A La Hán (Arhat) dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô Học, đã học xong những điều Ngài cần phải học, tốt nghiệp rồi. Sở dĩ Tứ Quả trong Tiểu Thừa được gọi là A La Hán là vì Tứ Quả đã tốt nghiệp rồi, những pháp Tiểu Thừa Ngài đã học hết rồi, không cần phải học nữa. Trong Đại Thừa, phải đạt đến Thập Địa tức Pháp Vân Địa Bồ Tát mới là học xong pháp Đại Thừa, đáng gọi là Đại A La Hán. Ở đây, tuy kinh gọi các Ngài là Đại A La Hán, nhưng ý nghĩa rất sâu. Những vị A La Hán này đều thị hiện hình dáng A La Hán của Tiểu Thừa, nhưng trên thực tế họ là Bồ Tát. Trong ấy, không chỉ là Bồ Tát, mà nhiều vị còn là cổ Phật tái lai. Chẳng hạn như các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Văn Thù đều đã thành Phật từ lâu, thấy Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật ở nơi đây hòng giáo hóa chúng sanh, các Ngài bèn lui xuống địa vị thấp hơn Phật, dùng thân phận học sinh của Thích Ca Mâu Ni Phật để xuất hiện trước mặt Ngài, giúp Ngài hoằng pháp lợi sanh. Đó gọi là “nhất Phật xuất thế, thiên Phật ủng hộ” (một vị Phật ra đời, ngàn vị Phật ủng hộ). Tình hình là như vậy đó!
Trong kinh, đức Phật cũng có nói: Ngài Văn Thù là thầy của bảy đức Phật, đã thành Phật từ sớm; trong số học sinh của Ngài, có bảy vị đã thành Phật. Ngài Xá Lợi Phất là Thanh Long Cổ Phật ở phương Đông tái lai, chẳng phải là người tầm thường. Do vậy, nói [các Ngài là cổ Phật tái lai hay Bồ Tát thị hiện thân Thanh Văn] là nói đến Bổn, nay chúng ta chỉ nói đến hình tướng trên mặt Tích, giống như diễn tuồng, không quan tâm đến thân phận [thật sự của diễn viên] sau sân khấu, chỉ xem họ đang đóng vai trò nào. Trong pháp hội của Thích Ca Mâu Ni Phật, các Ngài sắm vai Tiểu Thừa La Hán, lên sân khấu biểu diễn, còn [xét đến thân phận thật sự ở] phía sau sân khấu thì các Ngài đều đã thành Phật từ rất sớm. Điều này cũng ban cho chúng ta một sự khải thị to lớn, khải thị gì vậy? Chính là điều mà nay chúng ta gọi là “tùy hỷ công đức”. Chư Phật Như Lai cũng có thể tùy hỷ công đức của các đức Phật khác: Vị Phật này thị hiện giáo hóa chúng sanh ở nơi đây, các vị Phật khác đến tùy hỷ. Tùy hỷ bằng cách nào? Từ địa vị Phật lui xuống làm học sinh của Ngài, đến tùy hỷ, đến giúp Phật giáo hóa.
Trong phần trên, tôi đã thưa cùng quý vị: Địa vị của Phật là thầy. Chỉ nghe nói có người tìm đến học, chưa nghe nói thầy phải qua chỗ trò để dạy. Trước mặt thầy, chỉ có học sinh thỉnh giáo thì thầy mới trả lời. Học sinh chẳng hỏi, thường là thầy chẳng nói năng gì. Vì thế, trong mỗi pháp hội đều có người đến khải thỉnh, người khải thỉnh là ai? Đều là các vị đại Bồ Tát hay cổ Phật thả chiếc bè Từ cố ý đến hỏi. Một đằng hỏi, một đằng đáp, giống như hai chiếc kèn hòa điệu, chúng ta ở bên cạnh nghe hỏi đáp bèn khai ngộ, đạt được lợi ích. Chúng ta có thể nêu ra những câu hỏi ấy hay chăng? Không thể hỏi được! Quý vị thấy Phật chỉ biết dập đầu, lời nào cũng chẳng thốt ra được! Ắt cần phải có những người thông hiểu hỏi thay cho chúng ta. Cũng giống như vậy, chúng ta hiểu đạo lý sau đây: Bất luận người nào phát nguyện hoằng pháp lợi sanh, chúng ta đều phải tận tâm tận lực giúp đỡ người ấy.
Người mới học đang học giảng kinh, quý vị là một nhà Phật học, tu hành đã lâu, người ta là kẻ mới học. Những thứ họ giảng có gì quý vị chẳng biết hay chăng? Quý vị còn giảng hay hơn họ, nhưng họ giảng thì quý vị có cần đi nghe hay chăng? Phải đi nghe! Vì sao? Ủng hộ đạo tràng, giống như chư Phật Như Lai vậy, phải ủng hộ đạo tràng, làm Ảnh Hưởng Chúng. Trong thính chúng có một hạng người gọi là Ảnh Hưởng Chúng, tức là những người có thân phận, có địa vị, có học vấn, đến ngồi trong ấy nghe giảng, nhằm tạo ảnh hưởng đến người khác. Có những người mới đến nghe kinh, là hạng người sơ học trông thấy những vị như ngài X.... đều ngồi ở nơi đây, chắc là người giảng này khá lắm, chúng ta cũng đến nghe vậy. Họ tạo ảnh hưởng đến người khác. Nếu trong hội không có mấy vị “cao thủ” ngồi ở dưới, nói chung, dù người ấy giảng như thế nào đi nữa, cũng chẳng có ai nghe! Có mấy người cao minh ngồi ở trong đó, tuy là ít người, nhưng trong tâm mọi người nghĩ khác hẳn: Người [đến nghe tuy] ít, nhưng ông X... là bậc cao minh mà cũng nghe giảng ở đây! Điều này tạo tín tâm to lớn cho những kẻ sơ học. Do vậy, Bồ Tát phải làm Ảnh Hưởng Chúng.
Bồ Tát Giới Kinh nói rất hay: Bất luận đạo tràng ở nơi đâu, hễ là đạo tràng chánh pháp; ngày nay tà - chánh rất khó phân biệt, kinh Lăng Nghiêm nói yêu ma quỷ quái đều vào trong cửa Phật, cũng cạo đầu, thọ giới, đắp y ca-sa, cũng bày kinh điển nhà Phật ra giảng, thấy kinh bổn là kinh Phật thật sự, nhưng họ giảng toàn pháp ngoại đạo! Chẳng dễ gì phân biệt điều này, phải cậy vào phước đức, nhân duyên của mỗi người. Trong khoảng cách bốn mươi dặm mà có pháp sư giảng kinh, hoặc cư sĩ giảng kinh thì cũng thế, thật sự giảng chánh pháp mà nếu chẳng đến nghe kinh thì sẽ phạm giới. Quý vị phải nhớ: Bốn mươi dặm là thời Thích Ca Mâu Ni tại thế; thời ấy chưa có xe hơi, bốn mươi dặm là khoảng cách từ nhà quý vị đến đạo tràng nghe kinh, có thể đi về trong một ngày. Đi từ sáng sớm, mỗi giờ đi được chừng tám dặm, bốn mươi dặm là năm tiếng đồng hồ, đến nơi đó nghe kinh một buổi rồi trở về nhà, lại đi năm tiếng nữa, tình hình là như vậy đó. Bồ Tát nghe kinh, ủng hộ Phật pháp, chân tinh tấn! Nếu Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp cho chúng ta nghe trong hiện thời thì bốn mươi dặm sẽ đổi thành lái xe năm tiếng đồng hồ. Trong khoảng cách lái xe năm tiếng đồng hồ mà quý vị chẳng đến nghe kinh thì quý vị phạm giới. Quý vị thọ Bồ Tát Giới, Bồ Tát Giới chớ nên tùy tiện thọ! Thọ rồi, quý vị phải thật sự làm, chẳng làm là hằng ngày quý vị phạm giới! Quý vị sám hối thì cũng chẳng sám được, sám chẳng hết. Vì thế, thọ Bồ Tát Giới phải rất cẩn thận, chớ nên tùy tiện thọ. Tam Bảo trọn đủ, tiếp theo đây, đại sư giải thích ý nghĩa của chữ Bảo.
(Sớ) Xưng chi vi bảo, lược hữu lục nghĩa.
(疏) 稱之為寶,略有六義。
(Sớ: Gọi là của báu vì đại lược có sáu nghĩa).
Vì sao Phật - Pháp - Tăng được gọi là Bảo? Dưới đây, đại sư nêu ra sáu ý nghĩa.
(Sớ) Nhất, hy hữu nghĩa.
(疏) 一希有義。
(Sớ: Nghĩa thứ nhất là hy hữu).
Ý nghĩa thứ nhất là “hy hữu” (hiếm có). Chúng ta đọc câu này, chắc là nghĩ nó không đúng lắm. Người xuất gia đến đâu cũng thấy. Đài Loan có quá nhiều chùa miếu, tượng Phật nơi đâu cũng thấy, cớ sao là hy hữu? Quả thật là hy hữu! Nếu so sánh tỷ lệ trên cả thế giới, quý vị sẽ biết là quá ít. Nói theo thế giới ngày nay, Phật pháp hưng thịnh nhất ở Đài Loan, bất cứ nơi đâu cũng đều chẳng thể sánh bằng Đài Loan. Chỉ có một điều khuyết hãm là tà ma ngoại đạo đã xâm nhập Phật pháp, Phật pháp chẳng thuần, đó là điều đáng tiếc nuối lớn nhất. Do vì Phật pháp hưng thịnh ở nơi đây, yêu ma quỷ quái xâm nhập với mục đích phá hoại Phật pháp. Phật pháp truyền đến tận ngày nay, Phật pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật, quý vị thấy trên hòn đảo nhỏ như thế này, nếu bị ma vương phá hoại, Phật pháp sẽ mấp mé bờ vực diệt vong, chúng sanh nhất định sẽ gặp đại khổ nạn; nhưng Phật pháp vẫn chưa đến nỗi diệt là vì pháp vận của Phật hãy còn chín ngàn năm. Giả sử Phật pháp ở Đài Loan bị diệt mất, có khả năng là Phật pháp ở những nơi khác sẽ dần dần phục hưng.
Chư vị đồng tu! Quý vị phải thật sự phát nguyện hộ trì chánh pháp, công đức ấy vô lượng vô biên. Phát tâm hộ trì Phật pháp, chư Phật, Bồ Tát không đặc biệt gia trì thì hộ pháp long thiên cũng đặc biệt bảo vệ, che chở quý vị. Hộ trì chánh pháp là sứ mạng quan trọng nhất trong suốt một đời học Phật của tứ chúng đệ tử.
(Sớ) Nhị ly cấu nghĩa.
(疏) 二離垢義。
(Sớ: Nghĩa thứ hai là lìa nhơ).
Ý nghĩa thứ hai là “ly cấu”. Cấu (垢) là ô nhiễm. Tam Bảo thanh tịnh tột bậc, Giác - Chánh - Tịnh là một nhưng ba, tuy ba mà một. Giác nhất định thanh tịnh, nhất định Chánh; Chánh nhất định thanh tịnh, nhất định là Giác. Người tâm địa thanh tịnh, nhất định là Giác, nhất định là Chánh. Tứ chúng đệ tử học Phật nhất định phải hiểu rõ: Chúng ta học Phật là học điều gì? Tu những gì? Người ta hỏi: “Quý vị tu học những gì?” Nếu quý vị đáp: “Tôi học Thiền, học Mật”, những câu trả lời ấy không khớp với câu hỏi. Ví như ta hỏi: “Ông đến chỗ nào?” [Người được hỏi bèn trả lời]: “Tôi đi xe bus, tôi ngồi xe lửa”. Quý vị hãy nghĩ xem: Quý vị trả lời như thế đó! Tôi hỏi quý vị: “Học điều gì? Tu điều gì?” Quý vị nói: “Tôi niệm Phật, tham Thiền”. Niệm Phật, tham Thiền là phương pháp, chẳng phải là mục đích. Tôi hỏi về mục đích, quý vị đáp trật lất! Tu điều gì? Giác - Chánh - Tịnh. Quý vị dùng phương pháp nào để tu? Tôi dùng phương pháp niệm Phật, tôi dùng tham Thiền, đáp như vậy là đúng. Tám vạn bốn ngàn pháp môn là phương pháp, là phương tiện, niệm Phật cũng là một trong các phương pháp và phương tiện. Chính quý vị nhất định phải hiểu, tu là tu Giác - Chánh - Tịnh, học là học Giới - Định - Huệ.
Tam Bảo có nghĩa là ly cấu, nhưng quý vị phải nhớ: Ly cấu là chính mình ly cấu, đừng bận tâm tới người khác! Người khác thanh tịnh hay không, giác ngộ hay không, chúng ta chớ nên quan tâm tới, nhất định phải hỏi xem chính mình có giác ngộ hay không, bản thân ta có thanh tịnh hay không. Đó gọi là học Phật. Trì giới cũng giống hệt như vậy, bản thân chúng ta có Giới - Định - Huệ hay không, đừng hỏi tới người khác. Người khác có trì giới hay không chẳng liên quan gì đến chúng ta.
(Sớ) Tam thế lực nghĩa.
(疏) 三勢力義。
(Sớ: Nghĩa thứ ba là thế lực).
Tam Bảo quả thật có thế lực chẳng thể nghĩ bàn.
(Diễn) Thế lực giả, như tiền khả thông thần, năng sử vong giả tục, tử giả sanh, thế lực dã.
(演) 勢力者,如錢可通神,能使亡者續,死者生,勢力也。
(Diễn: Thế lực giống như tiền có thể cảm thông thần, có thể khiến cho cái đã mất lại được tiếp tục, cái đã chết lại sống, đấy là thế lực).
Đây là nêu tỷ dụ, chẳng phải là chuyện thật! Nếu dùng kim tiền để hối lộ thì làm mọi chuyện sẽ thuận lợi, dễ hơn rất nhiều. Điều này được gọi là “tiền năng thông thần” (tiền có thể cảm thông thần). Quý vị phải nhớ: Phàm là những vị thần chánh đáng đều chẳng nhận đút lót. Quý vị chẳng thể dùng kim tiền, tài vật để dâng cống, bợ đỡ được! Vậy thì ai sẽ tiếp nhận? Yêu ma, quỷ quái sẽ tiếp nhận! Tiếp nhận xong, chúng nó có thật sự chịu trách nhiệm thay cho quý vị hay chăng? Chưa hề thấy! Ngoài miệng nói là sẽ bảo vệ, ban ân cho quý vị, đến khi quý vị bị bệnh thì vẫn là bị bệnh, lúc phải chết thì vẫn phải chết, chúng nó đâu có bảo vệ, ban ân cho quý vị! Chúng nó chẳng chịu trách nhiệm! Nói chung, tà thần gạt gẫm con người, chánh thần chẳng lừa dối người khác. Vì thế, họ chẳng tiếp nhận đồ hối lộ của quý vị. Đoạn này nhằm nêu tỷ dụ về thế lực.
(Diễn) Kim Tam Bảo năng hàng phục chư ma, chế chư ngoại đạo, hà đẳng thế lực?
(演) 今三寶能降伏諸魔,制諸外道,何等勢力。
(Diễn: Nay Tam Bảo có thể hàng phục các loại ma, chế ngự các ngoại đạo, thế lực nào bằng?)
Thế lực của Tam Bảo cũng phải nhờ vào chúng ta thì mới có thể tỏ lộ, như thường nói: “Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân” (Con người có thể hoằng đạo, chứ không phải là đạo có thể hoằng người). Chúng ta là đệ tử Phật, bất luận tại gia hay xuất gia, thân tâm thanh tịnh, giác chứ không mê, chánh chứ không tà, ngoại đạo chẳng dám léo hánh gần bên quý vị. Thấy quý vị ngồi ở nơi đây, chúng nó sẽ chạy xa, có thế lực to lớn dường ấy. Tà cảm ứng tà, chánh cảm ứng chánh. Tà và chánh chẳng thể cảm ứng lẫn nhau. Nếu quý vị cầu chánh pháp, tâm quý vị là chánh thì sẽ cảm ứng chánh pháp. Tâm quý vị là tà thì sẽ khởi cảm ứng với tà pháp. Vi thế, chỉ cần cầu tự tánh chánh.
(Sớ) Tứ, trang nghiêm nghĩa.
(疏) 四莊嚴義。
(Sớ: Nghĩa thứ tư là trang nghiêm).
Chúng ta thường nói “trang nghiêm đạo tràng”, đạo tràng phải trang nghiêm. Đạo tràng dùng gì để trang nghiêm? Thưa cùng quý vị, dùng thanh tịnh để trang nghiêm, chẳng phải là xây cất vàng ngọc choáng lộn, chẳng phải là pháp hội huy hoàng, nhộn nhịp, đồ chúng rất đông, chẳng coi những điều ấy là trang nghiêm, mà coi thanh tịnh là trang nghiêm. Đấy là nơi Phật, Bồ Tát, chánh thần (những vị thần chân chánh) cư trụ. Các thứ trang nghiêm bằng bảy báu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới do tâm thanh tịnh trong tự tánh biến hiện, chúng là sự trang nghiêm thật sự. Tiếp đó, nói đến chánh báo. Tướng hảo, quang minh là sự trang nghiêm nơi chánh báo. Nhìn vào tướng cũng có thể nói: “Tướng chuyển theo tâm”. Quý vị thường tu tâm từ bi, người ta vừa nhìn quý vị liền cảm thấy quý vị rất từ bi, quý vị cũng chẳng cần phải bảo họ: “Tôi rất từ bi”, không cần! Người ta vừa nhìn quý vị liền biết ngay. Tâm địa quý vị rất hiểm ác, người ta thoạt nhìn [liền tự nhủ]: “Gã này chẳng dễ gì cư xử, rất đáng sợ!” Vừa nhìn liền thấy ngay. Do vậy, nếu quý vị tu chánh báo trang nghiêm, cũng là tu thanh tịnh, tu từ bi. Quý vị thấy tướng mạo của chư thiên đẹp đẽ lắm, vì sao họ đẹp đẽ? Họ tu từ, bi, hỷ, xả, tu Thập Thiện Nghiệp Đạo.
Tướng hảo là do tu thành, đức Phật sắp thành Phật, trước khi thành Phật còn phải dành một trăm kiếp để chuyên môn tu tướng hảo, tu ba mươi hai vẻ đẹp, tám mươi thứ hảo, người thế gian gọi đó là “đức tướng”. Những thứ “quý tướng” hay “hảo tướng” được nói trong sách xem tướng, đức Phật đều có đầy đủ, chẳng sót một điều nào. Chẳng lẽ đức Phật vẫn còn thích tướng hảo? Chẳng phải vậy! Phật đã thành Phật rồi, cần gì phải tu những thứ đó? Vì chúng sanh mà tu. Nếu tướng Phật rất khó coi, gầy đét đèn đẹt, vẻ mặt tối thui, Ngài ngồi nơi đó thuyết pháp, mọi người sẽ chẳng tin tưởng. Người ấy chẳng có phước báo, có gì phi phàm đâu? Lắc đầu, bỏ đi mất tiêu! Vì vậy, Phật nhất định phải tu tướng hảo. Mọi người biết Phật là người đàn ông đẹp trai trong thế gian, mọi người vừa nhìn thấy mặt Ngài, chẳng cần nghe Ngài thuyết pháp đã chẳng rời khỏi Ngài được, tướng hảo ấy hấp dẫn chúng sanh, là một loại phương tiện nhằm nhiếp thọ chúng sanh, chứ không phải là vì chính Ngài chuộng dáng vẻ đẹp đẽ. Vì thế, Ngài cần phải tu tướng hảo. Quý vị nhìn vào Biến Tướng Đồ[2], [sẽ thấy] Phật có tướng hảo, Bồ Tát có tướng hảo, còn tướng của La Hán thì lạ lùng, cổ quái, chẳng viên mãn, tuyệt đối chẳng thể sánh bằng Phật, Bồ Tát.
Do vậy, nếu phát tâm hoằng pháp lợi sanh, nhất định phải tu chánh báo trang nghiêm, nhất định phải tu tâm thanh tịnh, phải tu “từ, bi, hỷ, xả” tứ vô lượng tâm. Điều xác thực là tướng mạo của chúng ta sẽ chuyển biến theo công phu tu hành của chúng ta. Quý vị thật sự tu hành thì sau khi tu dăm ba năm, quý vị đem hình chụp trước khi tu hành đối chiếu, khác hẳn! Công phu của quý vị càng sâu, tướng mạo cũng càng đẹp. Công phu tu hành của quý vị chẳng lừa được ai, vừa nhìn là biết ngay! Tướng đích xác chuyển theo tâm; tâm thanh tịnh, thân liền thanh tịnh, tướng thanh tịnh. Tâm từ bi, tướng bèn từ bi, cử chỉ lẫn ngôn ngữ đều từ bi.
(Sớ) Ngũ tối thắng nghĩa.
(疏) 五最勝義。
(Sớ: Nghĩa thứ năm là tối thắng).
“Thắng” là thù thắng.
(Diễn) Tối thắng giả, thế gian thắng diệu vô quá thất bảo.
(演) 最勝者,世間勝妙無過七寶。
(Diễn: “Tối thắng: Sự thắng diệu trong thế gian không gì hơn bảy báu).
Đây là những thứ ai nấy đều quý báu.
(Diễn) Kim Phật xưng vi Lưỡng Túc Tôn, Pháp xưng Ly Dục Tôn, Tăng xưng Chúng Trung Tôn, thị tối thắng dã.
(演) 今佛稱為兩足尊,法稱離欲尊,僧稱眾中尊,是最勝也。
(Diễn: Nay Phật được gọi là Lưỡng Túc Tôn, Pháp được gọi là Ly Dục Tôn, Tăng được gọi là Chúng Trung Tôn; đó là tối thắng).
“Tôn” (尊) có nghĩa là tôn quý, thù thắng nhất. “Lưỡng Túc Tôn”: Túc (足) có nghĩa là đầy đủ, viên mãn, chẳng bị thiếu khuyết. Chữ “lưỡng” (hai thứ) chỉ trí huệ và phước đức. Trí huệ của Phật viên mãn, phước báo cũng viên mãn. Thông thường chẳng nói tới phước báo, mà nói phước đức, phước là quả báo, đức là nhân. Phước là thiện quả, đức là thiện nhân. Nói “phước đức” là nhân và quả cùng nói. Đấy mới gọi là viên mãn.
“Pháp xưng Ly Dục Tôn”: Pháp là chánh tri chánh kiến, đặc biệt dùng chữ Ly Dục Tôn, bao hàm ý nghĩa rất sâu, chỗ nào cũng nhằm khơi gợi chúng ta. Nếu trong tâm chúng ta có dục vọng, chánh tri chánh kiến sẽ bị chướng ngại, tri kiến bất chánh. Do vậy, Lão Tử cũng nói: “Vô dục tắc cang, hữu dung nãi đại” (không ham muốn thì tánh tình mới kiên cường, có lòng khoan dung to lớn)[3]. Trong tâm có dục vọng thì tri kiến làm sao có thể chánh? Chánh tri chánh kiến sanh từ cái tâm thanh tịnh. Sở dĩ Phật pháp dạy đoạn phiền não, phá Sở Tri Chướng, Nho gia dạy quý vị “cách vật trí tri” (trừ khử vật dục thì sẽ đạt đến sự hiểu biết tận cùng, dung thông, không thiên chấp), đều là vì muốn cho nội tâm của quý vị sanh khởi chánh tri chánh kiến. Đấy là Ly Dục Tôn.
“Tăng” xưng là “Chúng Trung Tôn”. “Chúng” (眾) là đại chúng. Trong hết thảy đại chúng, Tăng là tôn quý nhất. Vì sao tôn quý nhất? Thanh tịnh nhất, Tăng là thanh tịnh nhất. Các đồng tu xuất gia càng phải đặc biệt chú ý điều này. Nếu chúng ta chẳng thanh tịnh, sẽ là chuyện rất phiền phức! Chẳng phải là cá nhân quý vị tạo tội, cá nhân quý vị tạo tội thì nhỏ, nhưng quý vị ô nhiễm toàn bộ Tăng đoàn, tội ấy to lắm! Vì quý vị là một phần tử trong Tăng đoàn, ô nhiễm toàn bộ Tăng đoàn, phá hoại Tăng đoàn, tội nghiệp ấy là tội “phá hòa hợp Tăng”. Tuy miệng quý vị chẳng hủy báng người xuất gia, cũng chẳng bài bác, chê bai đúng - sai, cũng chẳng chướng ngại đạo tràng, nhưng tâm địa quý vị chẳng thanh tịnh là đã hủy hoại [Tăng đoàn]. Do vậy, xuất gia chắc chắn chẳng phải là chuyện đơn giản. Cơ hội đọa địa ngục của người tại gia hết sức ít, cơ hội đọa địa ngục của người xuất gia đặc biệt nhiều! Do vậy, hễ xuống tóc xuất gia là đi vào đâu vậy? Vào trong cửa địa ngục! Thân tâm thanh tịnh là Phật tử, chư Phật hộ niệm, long thiên ủng hộ. Nếu chẳng thanh tịnh thì đã ghi danh trong sổ bộ chốn địa ngục, chẳng vào đó cũng không được! Chúng ta nhất định phải hiểu điều này!
Các đồng tu phát tâm xuất gia phải suy nghĩ kỹ lưỡng, chẳng có con đường nào dễ đi, một là lên Thiên Đường, hai là xuống địa ngục, hãy đặc biệt lưu tâm cẩn thận. Nói thật ra, ma không có năng lực hủy diệt Tam Bảo, tà chẳng thể thắng chánh. Ai hủy diệt? Chính người xuất gia tự hủy diệt! Đó gọi là “sư tử thân trung trùng, tự thực sư tử nhục” (trùng trong thân sư tử, tự ăn thịt sư tử). Yêu ma quỷ quái là gì? Những người xuất gia [thân tâm không thanh tịnh] là yêu ma quỷ quái. Do vậy, chúng ta nhất định phải phản tỉnh, đã xuất gia thì hãy suy nghĩ chính mình có phải là yêu ma, quỷ quái hay không? Có phải là kẻ phá hoại Phật pháp hay không? Trong tương lai, quả báo ở nơi nào? Chính mình phải hiểu rõ ràng, đừng hỏi ai khác! Những gì chúng ta làm, khởi tâm động niệm nhằm hưng vượng Phật pháp hay là phá diệt Phật pháp? Vì thế, trong những người xuất gia, có nhiều kẻ hủy diệt Phật pháp dữ dội, là tội khôi họa thủ (tội phạm đầu sỏ), tại gia cư sĩ là kẻ giúp người khác làm ác, miệng nói hưng khởi Phật pháp, nhưng hành vi đều là hủy diệt Phật pháp. Như vậy thì còn làm sao được nữa, thật là đáng thương!
(Sớ) Lục bất cải nghĩa.
(疏) 六不改義。
(Sớ: Nghĩa thứ sáu là không thay đổi).
“Bất cải” là chẳng biến đổi.
(Diễn) Bất cải giả, tinh kim bách luyện, dũ tân dũ diệu.
(演) 不改者,精金百煉,愈新愈妙。
(Diễn: “Bất cải”: Vàng ròng qua trăm lần nung luyện, càng mới, càng đẹp).
Đây là nói tới chuyện luyện vàng, dùng điều này để tỷ dụ. Nếu nung luyện vàng, luyện như thế nào đi nữa, vàng vẫn không thay đổi. Luyện vàng là dùng lửa mạnh để hun đúc, vàng chẳng thay đổi tánh chất.
(Diễn) Kim Phật tắc Pháp Thân thường trụ, vô hữu biến dị.
(演) 今佛則法身常住,無有變異。
(Diễn: Nay Phật là Pháp Thân thường trụ, chẳng hề đổi khác).
Pháp Thân của Phật vĩnh viễn chẳng bị biến đổi.
(Diễn) Pháp tắc hỏa bất năng phần, thủy bất năng phiêu.
(演) 法則火不能焚,水不能漂。
(Diễn: Pháp thì lửa chẳng thể đốt, nước chẳng thể cuốn trôi).
“Pháp” là nói tới Phật pháp, chánh pháp của Phật cũng chẳng diệt. Chánh pháp là tâm thanh tịnh, chánh pháp là Bổn Giác, chánh pháp là trí huệ Bát Nhã trong tâm tánh, chẳng phải là kinh điển. Kinh điển từ trí huệ Bát Nhã trong tâm tánh lưu lộ thành ngôn ngữ, được ghi chép lại mà thành. Chánh pháp là trí huệ Bát Nhã thanh tịnh, lửa chẳng thể đốt được, nước chẳng thể cuốn trôi, nó cũng chẳng bị biến đổi.
(Diễn) Tăng tắc phùng ma bất thoái, ngộ nạn chuyển kiên, thị bất cải dã.
(演) 僧則逢魔不退,遇難轉堅,是不改也。
(Diễn: Tăng thì gặp ma chẳng lui sụt, gặp nạn càng kiên cố, đó là chẳng thay đổi vậy).
Đây là Tăng chân chánh, càng rèn luyện trong cảnh giới, càng tinh tấn. Càng rèn luyện, Định - Huệ càng tăng trưởng. Quý vị có thể hàng ma chứ chẳng bị ma chiết phục. Đó là Tam Bảo. Vì thế, Tam Bảo có ý nghĩa “chẳng thay đổi”.
(Sớ) Cụ như Yếu Tập trung thuyết, thôi nhi cực chi, Cực Lạc Sa Bà nhị độ, tứ duy thượng hạ thập phương, dĩ chí vi trần Phật sát, tắc biến nhất thiết xứ, quá, hiện, vị lai, tắc biến nhất thiết thời. Ư trung Tam Bảo, hoành cai thụ triệt, vô cùng tận dã.
(疏) 具如要集中說。推而極之,極樂娑婆二土,四維上下十方,以至微塵佛剎,則遍一切處,過、現、未來,則遍一切時。於中三寶,橫該豎徹,無窮盡也。
(Sớ: Nói đầy đủ thì như trong Yếu Tập[4] đã nói, suy luận đến tột cùng. Trong bốn phương, trên, dưới và mười phương của hai cõi Cực Lạc và Sa Bà cho đến các cõi Phật nhiều như vi trần, trọn khắp hết thảy các nơi, quá khứ, hiện tại, vị lai là trọn khắp hết thảy thời, Tam Bảo trong ấy vô cùng vô tận trọn khắp theo chiều dọc, tột cùng theo chiều ngang).
Từ cảnh giới mà nói thì Tam Bảo vô lượng vô biên. Sa Bà và Cực Lạc là hai đại thiên thế giới. Nơi bốn phương và trên dưới, mười phương của hai đại thiên thế giới này còn có vô lượng vô biên thế giới. “Phật sát” là một đại thiên thế giới, tức là một cõi Phật. Do vậy, các thế giới trọn khắp hư không, trọn khắp hết thảy mọi nơi. Có quá khứ, hiện tại, vị lai thì nói là “tam thế”. Tam thế là trọn khắp các thời. Theo chiều ngang thì trọn khắp hết thảy nơi, theo chiều dọc thì trọn khắp hết thảy thời, “ư trung Tam Bảo” (Tam Bảo ở trong ấy) đều được bao gồm trọn hết. Đấy là đối tượng mà đại sư quy mạng, lễ kính, cầu gia bị. Đối tượng ấy chẳng khác gì kinh Hoa Nghiêm đã nói, hoàn toàn tương đồng, tận hư không, khắp pháp giới, mười phương ba đời hết thảy Tam Bảo. Tiếp theo đó, đại sư lại giải thích cho chúng ta biết Tam Bảo còn có những ý nghĩa khác nữa.
(Sớ) Hựu Tam Bảo giả, phục phân Sự Lý, hữu biệt, hữu đồng.
(疏) 又三寶者,復分事理,有別有同。
(Sớ: Lại nữa, Tam Bảo lại chia thành Sự và Lý, có khác biệt, có tương đồng).
Điều này cũng chớ nên không biết. Đoạn này nêu lên một đạo lý rất quan trọng trong Tam Quy Y. Tiếp nhận Tam Quy Y cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng. Quy y chẳng đúng pháp thì cũng là phá hòa hợp Tăng! Hễ thọ Tam Quy [không đúng pháp] bèn giống như báo danh nơi địa ngục vậy, ghi tên vào sổ bộ rồi! Phát cho quý vị một bằng chứng nhận đã quy y, bằng chứng nhận quy y là gì? Là bằng chứng để trong tương lai quý vị vào địa ngục A Tỳ. Chuyện này rất phiền toái! Cớ sao nói “quy y là phá hòa hợp Tăng?” Quý vị nói: “Tôi quy y pháp sư này nọ, vị pháp sư này nọ là thầy quy y của tôi”, vậy là xong! Ghi cố định cái tên trong địa ngục rồi! Quý vị quy y Tam Bảo, làm sao có thể quy y vị pháp sư nào đó? Tam Bảo là nhất thể, quý vị dấy lên sự phân hóa trong ấy: Vị này là thầy quy y của tôi, vị kia chẳng phải. Như vậy là không được! Quý vị thấy đó: Liên Trì đại sư quy y mười phương ba đời hết thảy Tam Bảo, quyết định chẳng phải là quy y một cá nhân nào. [Nếu nghĩ quy y Tam Bảo là quy y với một vị thầy nào đó] thì chính là phá hoại Tăng đoàn! Ngày nay Phật pháp suy vi, suy đến mức này, là do Tam Quy Y bị phá hoại. Người ta không quy y Tam Bảo, mà quy y một người nào đó. Mỗi người tạo một đảng phái, mỗi người lập một đoàn thể nhỏ, khiến cho Phật pháp mất tăm mất tích, rối lung tung xèng! “Người này nọ là đồ đệ quy y của tôi”, người đồ đệ quy y ấy nói: “Vị thầy này nọ là sư phụ quy y của tôi”, nói rất đắc ý, tương lai đều vào trong địa ngục A Tỳ!
Quý vị quy y Tam Bảo, vị xuất gia ấy chứng minh cho quý vị, chứng minh quý vị đã quy y, chứ quý vị chẳng thể quy y với người ấy, nhất định phải hiểu đạo lý này! Giống như vào đảng (Trung Hoa Quốc Dân Đảng) vậy, khi quý vị vào đảng, đảng bộ cấp trên phái người đến giám sát sự phát thệ, nhưng quý vị làm trật, quy y với người ấy, đi theo bè phái của người ấy. Xong rồi! Người ta phái mười người đến giám sát lễ phát thệ bèn trở thành đảng nhỏ của mười người, cử một trăm người đến giám sát bèn thành một đảng nhỏ gồm một trăm người. Đảng ấy bị chia năm xẻ bảy, ngay lập tức suy vi! Do vậy, người ta đến yêu cầu tôi truyền trao quy y, tôi giảng đạo lý này rất rõ rệt, vì sao? Trong tương lai, quý vị tự đọa trong địa ngục A Tỳ, tôi không chịu trách nhiệm, tôi đã nói rõ rồi. Nếu quý vị nghĩ như thế này: “Tôi là thầy quy y của quý vị”, tôi chẳng thừa nhận. Quý vị đến thọ quy y, tôi đại diện Tam Bảo chứng minh cho quý vị. Quý vị quy y Tam Bảo, xưng là Tam Bảo đệ tử, lại còn quy y chỉ có một lần, chẳng quy y lần thứ hai. Ví như quý vị đã vào đảng, chỉ cần vào đảng một lần, chẳng thể nói tôi gia nhập đảng bộ ở Đài Bắc, chạy đến đảng bộ Cơ Long lại vào đảng lần nữa, không có đạo lý ấy! Các chi bộ đảng các nơi trong ngoài nước, nếu quý vị là đảng viên thì là người một nhà, quý vị phải hiểu đạo lý này. Nếu quý vị không hiểu những điều này, quý vị phá hòa hợp Tăng.
(Diễn) Sự Lý đồng biệt giả, Trụ Trì Tam Bảo vi Sự, Nhất Thể Tam Bảo vi Lý.
(演) 事理同別者,住持三寶為事,一體三寶為理。
(Diễn: “Sự giống nhau và khác nhau giữa Sự và Lý”: Trụ Trì Tam Bảo là Sự, Nhất Thể Tam Bảo là Lý).
Trước tiên nói rõ Sự là gì, Lý là gì, Trụ Trì Tam Bảo là gì? Trụ Trì Tam Bảo là nghi thức, hình tượng, Nay Phật chẳng còn ở trên đời, tượng Phật là Phật Bảo, bất luận là khắc, đắp hay tô vẽ, chúng ta thờ bức tượng này bằng sứ, nhằm tượng trưng cho Phật Bảo, đại diện cho Phật Bảo. Chúng ta lễ kính Phật, dùng tượng này để thay thế, khiến cho chúng ta có đối tượng lễ kính. Pháp Bảo là kinh điển, những kinh điển trong Đại Tạng Kinh là Pháp Bảo; nhưng quý vị phải nhớ: Đại Tạng Kinh do con người hiện thời biên tập tôi không đọc, tôi vẫn xem những bản được biên tập vào thời cổ. Vì sao? Kinh quyết định không có vấn đề, quan trọng nhất là các bản chú giải. Trước kia, những bản chú giải muốn được đưa vào Đại Tạng Kinh chẳng phải là có thể tùy tiện mà đưa vào. [Khi một bản kinh hay luận được đưa vào Đại Tạng Kinh sẽ] gọi là “nhập tạng”, trước kia, phải được thánh chỉ của hoàng đế ban xuống tuyên bố bộ kinh nào có thể nhập tạng, như vậy thì mới được. Vì thế, những trước tác của một tác giả nào dâng lên triều đình, dâng lên hoàng đế; đương nhiên hoàng đế đâu có thời gian đọc, nhất định sẽ tìm những cao tăng đại đức thật sự thông đạt Phật pháp, giao cho họ thẩm tra, họ công nhận tác phẩm ấy có thể nhập tạng, hoàng đế mới phê chuẩn.
Hiện thời, quốc gia chẳng quản lý chuyện này, chúng tôi in Đại Tạng Kinh, thấy tác phẩm nào của quý vị khá hay bèn gom vào Đại Tạng Kinh, in vào đấy, biến thành Đại Tạng Kinh bản mới trong hiện thời. Vì thế trong bộ Đại Tạng Kinh mới, ngay cả những tác phẩm của yêu ma quỷ quái cũng được đưa vào, không ai thẩm tra, quý vị phải đặc biệt lưu ý điều này! Trong thời đại quá khứ, đích xác là quốc gia bảo vệ, hộ trì Phật giáo, tà tri tà kiến chẳng dễ gì trà trộn được! Pháp sư giảng kinh thuyết pháp cũng phải được quan lại địa phương chấp thuận, chẳng thể tùy tiện nói nhăng nói cuội. Quý vị viết tác phẩm nào nhất định phải dâng lên triều đình thẩm tra; nếu không, chẳng thể tự ý lưu thông. Chính quý vị viết để tự mình tham khảo thì được, chứ nếu muốn in ra để lưu thông, chắc chắn là không được, phải được quốc gia thẩm tra! Nói cách khác, chẳng đủ tiêu chuẩn, tri kiến bất chánh, sẽ không có cách nào lưu thông! Đấy là cái hay của thuở xưa; sở dĩ Phật pháp có thể gìn giữ đến tận ngày nay là do có đạo lý trong ấy. Hiện thời, chẳng có ai thẩm tra, dân chủ tự do, cho nên tệ trạng của dân chủ tự do hết sức nhiều, tuy có mặt tốt đẹp, nhưng tác dụng phụ quá lớn. Chúng ta phải hiểu rõ những điều này!
Những thứ tốt đẹp của cổ thánh tiên hiền quá nhiều, đọc suốt đời chẳng hết! Vì thế, tôi thường khuyên các đồng tu đọc sách cổ. Đọc văn chương Văn Ngôn trong sách cổ không hiểu ư? Chẳng có lẽ ấy! Quý vị phải tự mình kiên định tín tâm, nếu đọc văn chương Văn Ngôn mà không có tín tâm thì còn học Phật gì nữa! Làm thế nào để kiến lập tín tâm học Phật? Thuở trước, có một người Mỹ theo học chương trình Tiến Sĩ của đại học Đài Loan, sống tại Đồ Thư Quán của chúng ta bốn tháng, nói tiếng Quan Thoại khá lắm. Ông ta có thể đọc kinh Hoa Nghiêm, có thể đọc chú giải của Thanh Lương đại sư. Ông ta học tiếng Hoa mới bốn năm, tôi rất bội phục. Ông ta hiện đang ở chỗ cư sĩ Trầm Gia Trinh bên Nữu Ước, đủ thấy [văn chương Văn Ngôn] không khó! Người ngoại quốc tốn thời gian bốn năm có thể đọc được văn chương Văn Ngôn của Trung Quốc, có thể thông hiểu. Chúng ta là người Hoa đọc văn chương Văn Ngôn càng thuận tiện hơn người ngoại quốc nhiều lắm!
Học văn chương Văn Ngôn bằng cách nào? Rất đơn giản, quý vị đọc Di Đà Kinh Sớ Sao từ đầu đến cuối một trăm lần sẽ thông thạo, sẽ giải quyết được vấn đề. Chữ nào không biết thì tra tự điển, đọc một trăm lần, cơ sở văn chương Văn Ngôn của quý vị đã được thành lập tốt đẹp. Quý vị lại xem hết thảy các kinh sẽ đều chẳng bị chướng ngại. Trước kia, cổ nhân học cổ văn, học thuộc sách, quý vị có thể thuộc lòng năm mươi bài [cổ văn] sẽ có năng lực đọc [trôi chảy cổ văn], nếu có thể thuộc một trăm bài thì sẽ có khả năng viết. Trước kia, dạy học theo phương cách ấy. Hiện thời, chúng ta học văn chương Văn Ngôn, chẳng cần thuộc cổ văn, đọc kinh Phật là được rồi. Hằng ngày đọc, đọc ba năm sẽ tự nhiên thông suốt, sẽ chẳng có chướng ngại gì! Phải hiểu văn chương Văn Ngôn là chìa khóa để mở kho báu kinh nghiệm và trí huệ của cổ thánh tiên hiền đã tích lũy trong năm ngàn năm, văn chương Văn Ngôn là công cụ. Nếu quý vị nắm được cái chìa ấy, kinh điển trong Tam Tạng và Tứ Khố Toàn Thư quý vị đều thọ dụng. Những tác phẩm ấy đã được lịch sử khảo nghiệm, đều là học vấn chân thật, chẳng giống như những tác phẩm hiện thời chưa từng được khảo nghiệm. Quý vị có cái chìa khóa ấy, kho báu sẽ là của chính mình. Quý vị không có chìa khóa thì Tứ Khố Toàn Thư, Tam Tạng kinh điển thờ trong nhà chỉ là một đống giấy vô dụng chất tại đó để nuôi lũ mọt sách, chẳng có công đức gì! Vì thế, hiện thời trong nhà thỉnh một bộ Đại Tạng Kinh để thờ trong nhà, chính mình không đọc, lại chẳng chịu đưa cho người khác đọc. Trong nhà ta có thờ tượng Phật là có Phật Bảo, thờ Đại Tạng Kinh là có Pháp Bảo, nghĩ nhà mình Tam Bảo trọn đủ, sẽ có thần hộ pháp đến bảo vệ, giúp đỡ quý vị. Thật ra thần hộ pháp là ai? Kiểm tra kỹ lưỡng, chính là những con trùng nhỏ sống trong đống sách, đó là thần hộ pháp! Kinh bị lũ trùng ăn sạch, tạo tội nghiệp đấy! Chính mình không xem, nhất định phải cho người khác mượn xem, lưu thông Phật pháp. Làm sao có thể keo lẫn Phật pháp cho được? Cớ sao chẳng để cho người khác coi? Sau mỗi bộ kinh đều ghi chữ “lưu thông”, đều có Lưu Thông Phần, hy vọng quý vị có thể lưu truyền khắp ba đời, thông suốt mười phương.
Hiện thời, còn có những kẻ hết biết nói gì luôn! Tạo tội nghiệp A Tỳ! Phía sau kinh điển in thêm dòng chữ “giữ bản quyền, in lại ắt sẽ truy cứu trách nhiệm”. Đấy tức là quyết định chẳng cho phép lưu thông, bộ kinh này là của cá nhân tôi! Nói cách khác, kẻ ấy nhất định vào địa ngục A Tỳ. Kinh điển làm sao có thể làm theo cách ấy được? Quý vị thấy những kinh sách do cổ đại đức ấn hành, phía sau nhất định in “hoan nghênh lưu thông, công đức vô lượng”. Nhất định in theo cách đó, hết sức mong mỏi quý vị lưu thông. Hiện thời nghiễm nhiên là “chẳng được phép lưu thông, in lại ắt sẽ truy cứu”, độc chiếm kinh điển và chú giải của cổ nhân, chướng ngại Phật pháp lưu thông, đoạn Pháp Thân huệ mạng của hết thảy chúng sanh, chiếm bản quyền của Thích Ca Mâu Ni Phật, chiếm bản quyền của cổ nhân, giống như thế đó. Thích Ca Mâu Ni Phật và các vị cao tăng đại đức thời cổ đã trao bản quyền cho quý vị lúc nào vậy? Chưa hề nghe nói! Thật sự là hết cách nói luôn! Vì thế, chúng tôi thấy vậy cười khan! Phía sau kinh luận mà có in những chữ như vậy thì [những người đứng ra in] đều đã ghi danh trong sổ bộ của địa ngục A Tỳ. Có những đồng học thật sự tốt đẹp, tôi đều bảo họ: Chúng ta hoằng dương Phật pháp, phải cực lực hoằng dương những tác phẩm của cổ thánh tiên hiền, hãy in lại để giúp cho những tác phẩm ấy được lưu thông. Tác phẩm do chính mình biên soạn thì cũng phải hoan nghênh [người khác] in lại, cũng nhằm lưu thông rộng rãi lợi ích chúng sanh. Đây là Pháp Bảo trong Trụ Trì Tam Bảo, Pháp Bảo là kinh điển.
Tăng Bảo là người xuất gia, đây là nói về phàm phu Tăng. Họ tượng trưng cho một ngôi trong Tam Bảo. Trụ trì Tam Bảo duy trì, bảo vệ truyền thống Phật pháp. Nếu chẳng có trụ trì Tam Bảo, hình tượng Phật pháp sẽ không còn nữa, không có gì đại diện cho Phật giáo. Do vậy, trụ trì Tam Bảo công đức vô lượng vô biên. Người xuất gia dẫu phá giới, dẫu người ấy chẳng tuân thủ Thanh Quy, thậm chí họ là yêu ma quỷ quái trà trộn vào Phật pháp để làm chuyện phá hoại Phật giáo, nhưng họ có chút điểm tốt đẹp, tốt đẹp gì vậy? Mặc y phục [tăng sĩ] là tốt lành, vì sao mặc y phục này lại là tốt lành? Y phục này mặc vào, đi đường, người ta [gặp mặt] sẽ chào A Di Đà Phật, gieo một chủng tử Phật vào A Lại Da Thức của kẻ ấy. Chút điều lành này cũng chẳng thể nghĩ bàn, do đã vì hết thảy chúng sanh mà gieo trọn khắp một chủng tử kim cang “thành Phật”. Vì vậy, kẻ ấy cũng làm ác, nhưng điều thiện cũng chẳng phải là không có, mà là cũng có!
Người tu hành chúng ta trông thấy Tam Bảo, nếu có thể quy về Nhất Thể Tam Bảo thì sẽ là tu hành chân chánh. Nhất Thể Tam Bảo là gì? Nhất Thể Tam Bảo là Tự Tánh Tam Bảo, Phật, Pháp, Tăng là chính mình. Phật tượng trưng cho Giác, giác chứ không mê. Giác tánh của chúng ta là Phật Bảo. Tri kiến của chúng ta là Pháp Bảo. Kinh Pháp Hoa nói “nhập Phật tri kiến”, tri kiến của Phật là chánh tri chánh kiến. Do vậy, tri kiến là Pháp Bảo. Hiện thời, chánh tri kiến của chúng ta biến thành tà tri kiến, biến thành như thế nào? Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật nói rất rõ ràng: “Tri kiến lập tri, thị vô minh bổn” (từ trên sự tri kiến chân thật (chánh tri kiến), lập ra một cái thấy biết [hư vọng]; đó là cái gốc của vô minh). “Tri kiến” là tốt, tri kiến là Phật tri Phật kiến, là Bổn Giác, đáng tiếc là trên chánh tri chánh kiến, quý vị lại lập ra một cái tri kiến của chính mình, tri kiến ấy là tà tri tà kiến, đó là vô minh.
Đạo lý này rất sâu, sự tướng này hết sức rộng lớn, chẳng phải là bằng mấy câu mà hòng giảng rõ ràng, đều phải nói lan qua các bộ kinh to, luận lớn. Tri kiến nơi bổn tánh là Pháp Bảo chân thật, hết thảy Phật pháp đều lưu xuất từ tri kiến này. Tâm thanh tịnh là Tăng Bảo. Khi Lục Tổ khai ngộ đã nói: “Hà kỳ tự tánh, bổn tự thanh tịnh” (nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh). Từ phương diện thanh tịnh mà nói thì là Tăng Bảo, từ giác không mê mà nói thì là Phật Bảo, từ chánh tri chánh kiến mà nói thì là Pháp Bảo.
Vì vậy, chúng ta trông thấy tượng Phật, phải nghĩ đến tự tánh giác, phải giống như Phật. Trong hết thảy mối quan hệ với con người, trong hết thảy thuận cảnh và nghịch cảnh, chúng ta đừng mê hoặc. Chẳng mê hoặc là luôn có thể giác chứ không mê. Đấy là “tự tánh Phật Bảo”. Vì thế, tượng Phật có tác dụng rất lớn, thời thời khắc khắc nhắc nhở chúng ta, trong hết thảy quan hệ giữa con người với nhau và trong các hoàn cảnh phải giác ngộ, đừng mê hoặc, tác dụng của nó là như vậy. Kinh điển bày ra ở chỗ này, bất luận quý vị đọc hay không, hễ thấy kinh điển, phải nghĩ: Chúng ta phải chánh tri chánh kiến, xa lìa tà tri tà kiến. Từ chỗ này mà quy về tự tánh, đấy là “tự tánh Pháp Bảo” tỏa sáng ra ngoài. Thấy người xuất gia, bất luận trì giới hay phá giới, là Phật tử hay ma tử, chẳng cần biết, chẳng cần quan tâm tới, hễ thấy người xuất gia, liền nghĩ tới sự thanh tịnh của chính mình tức là “tự tánh Tăng Bảo”. Như vậy thì Trụ Trì Tam Bảo sẽ khởi tác dụng rất lớn đối với chúng ta, nhờ vào Trụ Trì Tam Bảo để khơi gợi Nhất Thể Tam Bảo nơi tự tánh. Sự Lý này mới là bất nhị, Sự Lý này mới là “nhất như” (giống hệt như nhau). Tiếp đó, sách Diễn Nghĩa giảng về “đồng, biệt” [như sau]:
(Diễn) Phật bất thị pháp đẳng, vi biệt.
(演) 佛不是法等為別。
(Diễn: Phật chẳng phải là Pháp v.v..., đó là biệt).
Phật chẳng phải là Pháp, Pháp chẳng phải là Tăng, đó là Biệt.
(Diễn) Hựu Phật hữu tam thân tứ giáo, Pháp hữu giáo lý hành quả, Tăng hữu Thập Thánh, Tam Hiền, Tứ Quả, Tứ Hướng, giai biệt dã.
(演) 又佛有三身四教,法有教行理果,僧有十聖三賢,四果四向,皆別也。
(Diễn: Lại nữa, Phật có ba thân, bốn giáo, Pháp có giáo, lý, hành, quả, Tăng có Thập Thánh, Tam Hiền, Tứ Quả, Tứ Hướng, đều khác biệt).
Phật có ba thân: Pháp Thân Phật, Báo Thân Phật, Ứng Hóa Thân Phật. Tứ Giáo là Tạng, Thông, Biệt, Viên, có Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật, Biệt Giáo Phật và Viên Giáo Phật. Đấy là Tứ Giáo Phật. Pháp có giáo pháp, lý pháp, hành pháp và quả pháp. Tăng có Thập Thánh, tức là Thập Địa Bồ Tát, Tam Hiền là Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng. Tứ Quả Tứ Hướng là các địa vị trong Tiểu Thừa. Có nhiều đẳng cấp khác biệt như vậy nên nói là Biệt.
(Diễn) Đồng thể Tam Bảo vi đồng.
(演) 同體三寶為同。
(Diễn: Tam Bảo có cùng một Thể, đó là đồng).
Nhất Thể Tam Bảo được nói trong phần trên là đồng thể. Đó là “đồng”.
(Diễn) Nội tự ước Lý, ngoại tha ước Sự.
(演) 內自約理,外他約事。
(Diễn: Ước theo bên trong và chính mình thì là Lý, ước theo bên ngoài và người khác thì là Sự).
Hễ hướng vào trong phản chiếu thì là Lý, những dấu tích hình tướng Trụ Trì Tam Bảo ở bên ngoài đều là Sự. Chúng ta phải nên nhận rõ điều này. “Sự Lý hữu đồng hữu biệt” ([xét theo] Sự và Lý [thì Tam Bảo] có đồng, có biệt). Ở đây là nói đại lược, “như hậu văn biện” (như trong phần kinh văn phía sau sẽ phân định), tương lai khi đến những phần sau, sẽ có một đoạn văn dài giảng giải cặn kẽ. Hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi giảng tới đây.
Tập 46
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm mươi bảy:
(Sớ) Cổ vân: “Phật diệt độ hậu, phàm chư đệ tử, sở hữu trước thuật, giai quy Tam Bảo”. Lương diêu thánh cảnh cao huyền, Phật ngôn vi diệu, nhi dục dĩ phàm phu hào mạt chi trí, võng tự bình lượng, thị nãi dụng lãi trắc hải, trì quản khuy thiên, mạn tự bì lao, sở đắc kỷ hà. Cố tất quy mạng Tam Bảo, minh hy gia bị!
(疏) 古云:佛滅度後,凡諸弟子,所有著述,皆歸三寶。良繇聖境高玄,佛言微妙,而欲以凡夫毫末之智,罔自評量,是乃用蠡測海,持管窺天,漫自疲勞,所得幾何。故必歸命三寶,冥希加被。
(Sớ: Cổ nhân nói: “Sau khi đức Phật diệt độ, phàm tất cả các trước thuật của hàng đệ tử đều quy về Tam Bảo”. Ấy là vì thánh cảnh cao vời, huyền diệu, lời Phật vi diệu, muốn dùng cái trí vụn vặt của phàm phu để tự lầm lạc phê phán, đánh giá, đấy là dùng bầu đong biển, cầm ống ngắm trời, đã chậm chạp lại còn tự nhọc nhằn, hiểu biết được mấy! Vì thế, ắt phải quy mạng Tam Bảo mong được ngấm ngầm gia bị).
Chuyện này cũng là sự thật. Chư Phật Như Lai cho đến các vị đại Bồ Tát khác hẳn lũ phàm phu chúng ta. Bọn phàm phu chúng ta chẳng dễ gì quan sát, nhận biết. Phàm phu thấy Phật, Bồ Tát cũng là phàm phu, khác nhau ở chỗ nào? Dụng tâm không giống nhau. Phàm phu dùng cái tâm phân biệt, tức là cái tâm ý thức; Phật và các đại Bồ Tát dùng chân tâm, đó là bổn tánh, đấy là chỗ khác nhau! Trong Tánh chẳng có phân biệt, không có chấp trước, vĩnh viễn thanh tịnh. Thức thứ sáu, tức Ý Thức, chẳng thanh tịnh, suốt ngày từ sáng đến tối chẳng biết có bao nhiêu vọng niệm. Vọng niệm nhiều nên chẳng thanh tịnh, trí huệ sẵn có chẳng thể hiện tiền. Tuy sẵn có trí huệ, “Bổn Giác vốn có”, nhưng chẳng thể hiện tiền, đó là phàm phu.
Ngôn ngữ, văn tự của chư Phật đều từ tâm thanh tịnh, từ trong bổn tánh lưu lộ, phàm phu muốn lý giải sẽ khá khó khăn, đúng như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải” (Phật pháp không có người nói thì tuy là kẻ có trí cũng chẳng thể hiểu). Người trí huệ thông minh bậc nhất trong thế gian cũng không có cách nào lý giải, nguyên nhân là vì dụng tâm khác nhau. Làm như thế nào đây? Cần phải có người từng trải giảng giải cho chúng ta, đấy là một phương pháp. Một phương pháp khác là đọc tụng, khi đọc chẳng thể dùng tâm ý thức. Nói cách khác, đọc kinh, thậm chí đọc chú giải của cổ đại đức cũng như vậy, đừng phân biệt, đừng chấp trước, đừng suy tưởng trong đây có ý nghĩa gì. Nếu quý vị hiểu thì đọc kinh là tu hành, tu Giới - Định - Huệ.
Cớ sao đọc kinh là tu Giới - Định - Huệ? Chúng ta phải biết Giới có nghĩa là gì? Tuy Giới Luật nhiều ngần ấy, nhưng tinh thần của Giới Luật chỉ có tám chữ: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành). Quý vị đọc kinh, trong tâm chẳng khởi ác niệm, tự nhiên “chư ác mạc tác”. Lẽ đâu một mặt niệm kinh, một mặt nghĩ tưởng chuyện ác, không có lẽ ấy! Vì thế, khi quý vị đọc kinh, tự nhiên là “chư ác mạc tác”. Kinh điển là tối thiện, tức là điều thiện nhất trong những điều thiện, là giáo huấn của Phật, Bồ Tát; kinh do Phật nói, chú giải do Bồ Tát giảng, tổ sư là Bồ Tát, tuyệt đối chẳng phải là phàm nhân. Quý vị đọc lời giáo huấn của Phật, Bồ Tát đó là điều lành tốt nhất, há còn có gì tốt lành hơn?
Quý vị phải biết: Niệm kinh là trì giới, là trì giới viên mãn, chẳng khuyết chút nào! Nếu quý vị đang niệm kinh mà nghĩ lời này có nghĩa là gì, câu này vì sao phải nói như vậy, sẽ chẳng có Giới. Vì sao? Do quý vị khởi vọng tưởng, vọng tưởng là ác, chẳng lành. Do đó, khi đọc kinh, chớ nên dấy vọng tưởng, đừng mong hiểu ý nghĩa. Còn như trong kinh này có những chữ lạ thì làm thế nào? Những chữ lạ thì tốt nhất là nên tra tự điển trước, ghi chú âm đọc bên cạnh, đấy là biện pháp tốt nhất. Nếu không thì đừng đọc, chẳng đọc cũng không có lỗi gì, đọc sai sẽ phạm lỗi. Trừ việc tu Giới ra, [đọc kinh] còn là tu Định vì quý vị niệm kinh phải chuyên tâm, chuyên tâm là Định. Vì thế, [đọc kinh không khởi vọng tưởng] là tu Định. Đồng thời còn là tu Huệ, tu Huệ bằng cách nào? Huệ ấy là tu Căn Bản Trí, kinh Bát Nhã nói Căn Bản Trí là “Bát Nhã vô tri”, tức là tu cái trí vô tri, đó là “chân tri”. Vì thế, niệm kinh từ “như thị ngã văn” cho đến “tín thọ phụng hành” rõ ràng, rành mạch. Đã rõ ràng, rành mạch, nhưng lại chẳng có phân biệt, chấp trước, cũng chẳng khởi vọng tưởng; niệm kinh như thế là tu hành, là tu Giới - Định - Huệ, lại còn tu hành Giới - Định - Huệ cùng một lúc, viên mãn một lượt, hết sức cao minh! Niệm như vậy là biết niệm, cách niệm này được Tam Bảo gia trì, cho nên nói “độc kinh thiên biến, kỳ nghĩa tự kiến” (đọc kinh ngàn lượt, tự thấy ý nghĩa), được thần lực của Tam Bảo gia trì, niệm nhiều sẽ khai ngộ.
Có những người niệm nhiều nhưng chẳng khai ngộ, là vì người ấy niệm giống như chúng ta đọc sách: Vừa niệm vừa khởi vọng tưởng, như vậy là không được! Chẳng thể nào khai ngộ, vì tuy quý vị niệm kinh, nhưng trong ấy không có Giới, Định, Huệ. Có Giới - Định - Huệ, lẽ nào quý vị chẳng khai ngộ? Không có Giới - Định - Huệ sẽ chẳng khai ngộ, vì chẳng khác gì các phàm nhân trong thế gian đọc sách. Do đây có thể biết: Người tu hành niệm kinh khác với phàm phu niệm kinh. Phàm phu niệm kinh đích xác là đọc sách, dùng phân biệt, chấp trước, vọng tưởng để tư duy, dùng những thứ đó; người tu hành không giống như vậy, họ niệm kinh là tu hành, là tu Giới - Định - Huệ, hoàn toàn khác nhau!
Do vậy, từ Bồ Tát trở xuống, bất luận trước thuật hay soạn chú giải cho kinh luận, hoặc là làm sáng tỏ những nghĩa trọng yếu trong kinh, soạn luận, cho đến lên đài giảng kinh, vì người khác diễn nói, đều phải cậy thần lực của Tam Bảo gia trì. Nếu không có thần lực của Tam Bảo gia trì, quý vị sẽ chẳng lãnh hội, mà cũng chẳng nói ra được những nghĩa thú vi diệu trong kinh. Có rất nhiều người giảng kinh hay giảng chú giải của người khác, nhưng toàn là giảng những điều ngoài mặt của lời chú giải, đó gọi là “văn tự ngoài da”, chẳng thấu hiểu nghĩa lý, nguyên nhân là vì đâu? Rất đơn giản! Không được thần lực của Tam Bảo gia trì. Chúng ta có thể cầu thần lực của Tam Bảo được hay không? Chẳng được! Nhất định phải cảm ứng rồi mới có thể cầu được!
Cảm ứng gì vậy? Chính là cái tâm của chúng ta hiện thời có giống như tâm Phật hay không? Nói chung, tâm của quý vị có mấy phần giống Phật thì mới có thể khởi tác dụng cảm ứng, chẳng hoàn toàn giống mà là có phần nào giống; chẳng thật sự giống, mà rất gần gũi, tương tự. Hễ tương tự bèn có cảm ứng. Nếu tâm hoàn toàn chẳng giống với tâm Phật, dùng Phật pháp để tạo tiếng tăm, lợi dưỡng, tham cầu ngũ dục, lục trần, sẽ hoàn toàn chẳng tương ứng. Hoàn toàn chẳng tương ứng thì người ấy tuy nói cũng giỏi, viết cũng hay, nhưng quý vị chú tâm quán sát [sẽ thấy] tuyệt đối chẳng phải là như thế, [người ấy] đã biến toàn bộ kinh điển, kinh luận thành pháp thế gian. Đấy chẳng phải là Phật pháp, mà là pháp thế gian; nói dẫu hay đến đâu đi nữa, quý vị nghe xong chẳng còn đọng lại ý vị gì. Người thật sự tu hành, quý vị nghe người ta nói một lần, cả đời chẳng quên, cổ nhân đã nói: “Dư âm nhiễu lương” (tiếng nói dường như còn vang vọng, quẩn quanh mãi), nó còn đọng lại ý vị. Càng tiếp cận người kiến tánh thì nội dung và ý vị những lời họ nói ra lắng đọng càng lâu dài.
Vì thế, nhất định phải cầu Tam Bảo gia trì. Mấy câu tiếp theo nhằm nói rõ đạo lý này. “Lương diêu thánh cảnh cao huyền” (ấy là vì thánh cảnh cao vời, huyền diệu). “Thánh” là thánh nhân. Cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát cao vời, chúng ta chẳng thể tưởng tượng được, chẳng thể nghĩ bàn! “Phật ngôn vi diệu”: Ý nghĩa nơi ngôn ngữ của Phật hết sức sâu. Do vậy, so sánh Phật pháp và thế gian pháp thì có một chỗ rõ ràng đặc thù nhất mà quý vị phải biết: Chúng ta học hành trong nhà trường, học Tiểu Học, Trung Học, nay đang học Đại Học, mỗi năm học sách giáo khoa khác nhau, năm nào cũng phải thay sách mới. Sách giáo khoa trong Phật pháp rất đặc biệt, bắt đầu từ lớp Một Tiểu Học cho đến lớp Tiến Sĩ vẫn là một cuốn sách, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Ví như một bộ kinh A Di Đà này, khi quý vị bắt đầu học, bèn học kinh này, cho đến địa vị Đẳng Giác, quý vị vẫn học kinh này. Đấy là chỗ vi diệu trong lời Phật. Càng đọc, càng thú vị! Quý vị mới học bèn có cảnh giới mới học, thấu hiểu một chút pháp vị, tương lai khi đạt đến Pháp Thân đại sĩ minh tâm kiến tánh, cảnh giới quý vị lại thấy một cảnh giới khác! Vẫn là ngần ấy chữ, nhưng quý vị thấy ý nghĩa khác hẳn. Người nông cạn thấy nông cạn, người sâu xa thấy sâu xa. Ý nghĩa trong kinh cạn hay sâu tùy thuộc cảnh giới của quý vị mà bất đồng; vì thế, càng đọc càng thú vị, chẳng giống như sách giáo khoa trong trường học, học xong rồi chẳng có ý vị gì hết, mà cũng chẳng muốn đọc nữa. Kinh Phật càng đọc càng thú vị, vì sao? Ý vị vô cùng!
Kinh Phật giảng bằng cách nào? Kinh này có nghĩa gì? Tôi thật thà thưa cùng quý vị, kinh không có ý nghĩa gì hết! Kinh cũng chẳng có cách nào giảng. Nếu có ý nghĩa, có cách giảng [nhất định], sẽ chẳng vi diệu! Nói cách khác, chương trình lớp Một sẽ chẳng thích hợp để dùng cho lớp Hai được, vì sao? Vì nó có ý nghĩa, nó có cách giảng, nên chẳng thích hợp để sử dụng [chương trình của lớp này cho lớp kia]. Chính vì nó không có ý nghĩa, nên quý vị phải thấu hiểu: Nó có vô lượng nghĩa. Do nó không có cách giảng, nên mới có vô lượng cách giảng. Đúng như câu nói: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”. Kinh vốn vô tri, không có cách giảng, không có ý nghĩa, nếu quý vị thật sự hiểu rõ đạo lý này, quý vị niệm kinh mới hoàn thành Tam Học Giới - Định - Huệ cùng một lúc. Nếu quý vị có cách giảng, có ý nghĩa thì Tam Học Giới - Định - Huệ đều không có, [kinh Phật] biến thành pháp thế gian. Quý vị niệm những thứ này bèn cảm thấy mệt mỏi, chán ngán. Đem một cuốn sách thế gian bảo quý vị thật thà đọc, đọc mấy lượt, quý vị chán ngấy, nội dung trong sách ấy đã hoàn toàn biết rồi, đọc nữa có ý nghĩa gì nữa đâu? Những ý nghĩa trong kinh Phật là vô cùng tận, càng đọc càng hoan hỷ, càng đọc càng muốn đọc. Do vậy, lời Phật vi diệu!
Nếu giảng giải kinh A Di Đà tường tận thì một bộ kinh này, thưa cùng quý vị, giảng đến một trăm năm vẫn chẳng xong. Giảng suốt ba đại A-tăng-kỳ kiếp, hay giảng trong vô lượng kiếp vẫn chẳng giảng xong, ý nghĩa ấy mầu nhiệm ở chỗ này. Xác thực là như thế, đối với ngần ấy chữ, trong mỗi một chữ có vô lượng nghĩa, quý vị làm sao có thể nói là nó có một cách giảng nhất định cho được? Dẫu cho các vị tổ sư đại đức từ xưa suốt đời tu hành, công phu tương ứng, mà giảng giải hoặc chú giải thì cũng chỉ là cảnh giới do các Ngài thấy được. Mỗi người giảng, mỗi cá nhân chú giải là do cảnh giới tu hành của mỗi người khác nhau nên thấy khác nhau. Giảng giải sâu hay cạn, thiên lệch hay viên mãn thì cũng mỗi người mỗi khác. Chúng ta phải liễu giải bản chất của kinh Phật là chẳng thể nghĩ bàn. Dùng trí huệ của phàm phu để “võng tự bình lượng” (tự lầm lạc phê phán, đánh giá), hiện thời rất nhiều người giống như vậy. Tội lỗi ấy rất lớn!
(Diễn) Trước thuật giai quy Tam Bảo giả, thị học hữu sở tông, bất cảm tự dụng tự chuyên dã.
(演) 著述皆皈三寶者,示學有所宗,不敢自用自專也。
(Diễn: “Trước thuật đều quy vào Tam Bảo” là nêu rõ học vấn có cội nguồn, chẳng dám tự cậy, tự chuyên).
Đấy là thái độ của người làm học sinh. Liên Trì đại sư nêu gương cho chúng ta thấy.
(Diễn) Dụng lãi trắc hải giả, Đông Phương Sóc đáp khách nạn vân: “Dĩ quản khuy thiên, dĩ lãi trắc hải, dĩ đính tràng chung, khởi năng thông kỳ điều quán, khảo kỳ thiển thâm, phát kỳ âm thanh tai?”
(演) 用蠡測海者,東方朔答客難云:以管窺天,以蠡測海,以梃撞鐘,豈能通其條貫,考其淺深,發其音聲哉。
(Diễn: “Dùng bầu đong biển”: Đông Phương Sóc đáp lời khách cật vấn như sau: “Dùng ống ngắm trời, dùng bầu đong biển, dùng que giộng chuông, há có thể thông hiểu [bầu trời] tường tận, biết được biển sâu hay cạn, làm chuông phát ra âm thanh hay chăng?”)
Những điều này đều nhằm nói kiến thức nông cạn, mỏng tanh, những điều được tiếp xúc hết sức hạn chế, cục bộ. Quý vị dùng cái ống để nhìn trời, thấy được bao lớn? Dùng điều này để làm tỷ dụ nhằm nói rõ tri kiến của phàm phu chúng ta hết sức hữu hạn, không có cách nào liễu giải cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát, tự uổng công nhọc nhằn, sở đắc hết sức hữu hạn. Nếu có thể đạt được một chút thì cũng coi như là khá lắm rồi, e rằng còn hiểu sai bét ý Phật, hiểu cong quẹo nghĩa kinh. Hiểu rõ đạo lý này, quý vị đọc chú giải, [sẽ hiểu] vì sao chúng tôi khuyên đồng tu hãy xem chú giải của cổ nhân? Cổ nhân hữu tu hữu chứng; nếu họ không có công phu tu chứng thật sự, trước tác của họ sẽ chẳng thể lưu truyền hậu thế. Chẳng giống như con người hiện thời, tốn một chút tiền bèn có thể in rất nhiều thứ lưu truyền khắp nơi. Cổ nhân chẳng cầu danh, chẳng cầu lợi, những tác phẩm ấy chẳng do các Ngài tự lưu thông mà đều do hậu nhân đọc, thấy những tác phẩm ấy quá hay bèn lưu thông. Người đời sau cũng chẳng quen biết các Ngài, cũng chẳng có quan hệ, trong ấy chắc chắn không có chuyện cảm tình, mà đều là đọc xong, bội phục quá, bèn bỏ tiền khắc ván lưu thông. Huống chi những trước tác của cổ nhân đã trải qua thời gian mấy trăm năm, trong khoảng thời gian ấy có bao nhiêu người đã đọc; nếu chẳng phải là những tác phẩm hay, sẽ chẳng được lưu truyền!
Đúng là những tác phẩm hay vì được lắm người lưu truyền! Chúng ta phải hiểu rõ chân tướng sự thật này; vì lẽ đó, tôi khuyên mọi người đọc những tác phẩm của cổ nhân. Những tác phẩm của người bây giờ thỉnh thoảng dùng để tham khảo thì được, vẫn phải xem là do ai viết. Điều này đối với bản thân chúng ta, đặc biệt là kẻ sơ học, có ảnh hưởng hết sức sâu xa, quan hệ rất lớn, chẳng thể không lưu ý. Chọn mấy thứ nhất định để chúng ta thọ trì trong cả một đời là đủ rồi. Chớ nên tham nhiều, hy vọng có thể thâm nhập. Khi nào quý vị đã khai ngộ, hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian quý vị chẳng học cũng thông đạt. Quý vị đọc Đàn Kinh, thấy Lục Tổ đại sư chẳng học mà thông đạt. Do vậy, điều khẩn yếu là thâm nhập. Hiện nay, một đạo tràng giống như đạo tràng của chúng ta chẳng dễ có đâu nhé! Đạo tràng này của chúng ta là một môn thâm nhập; những đạo tràng khác, dẫu là đạo tràng hoằng pháp, nhưng người giảng nhiều quá, khóa trình nhiều, chẳng chuyên, rất khó thụ dụng! Vì thế, tuyên truyền Phật pháp thì được, chứ đối với một người chân chánh tu hành mà nói thì chỉ là xen tạp. Do vậy, Bồ Tát đều như thế này: Trước khi làm hết thảy công việc trước thuật, diễn thuyết, đều cầu Tam Bảo gia trì.
“Minh hy gia bị” (mong ngấm ngầm gia bị). Bảo vệ, giúp đỡ ngấm ngầm, do thần lực của Phật, Bồ Tát gia trì, khiến cho những gì đã nói, những điều chú giải chẳng đến nỗi sai lầm, mục đích là hy vọng lưu thông Pháp Bảo lợi lạc chúng sanh, tuyệt đối chẳng nghĩ đến lợi ích cá nhân. Hễ nghĩ đến lợi ích cá nhân là trật, sẽ chẳng cảm ứng. Tâm Phật thanh tịnh, tâm Phật từ bi, chúng ta cũng phải dùng tâm thanh tịnh, tâm từ bi thì mới có thể cảm ứng đạo giao cùng Phật, Bồ Tát. Hễ xen tạp một chút lòng riêng tư bèn chẳng được. Chúng ta phải biết, phải noi theo điều này
(Sớ) Oai thần giả, như kinh ngôn Phật lực bất khả tư nghị, Pháp lực bất khả tư nghị, hiền thánh lực bất khả tư nghị.
(疏) 威神者,如經言佛力不可思議,法力不可思議,賢聖力不可思議。
(Sớ: “Oai thần” là như kinh nói Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, Pháp lực chẳng thể nghĩ bàn, hiền thánh lực chẳng thể nghĩ bàn).
Đây là Tam Bảo: Phật là Phật Bảo, Pháp là Pháp Bảo, hiền thánh là Tăng Bảo. Đủ thấy đây chẳng phải là phàm phu Tăng, mức độ thấp nhất cũng phải chứng Sơ Quả trong Tiểu Thừa thì mới được coi là “hiền nhân”. Trong Viên Giáo, nhất định phải từ Sơ Tín Vị Bồ Tát, từ địa vị Sơ Tín trở lên mới là hiền nhân. Nói theo phía người niệm Phật, phải đạt đến Sự nhất tâm bất loạn mới là hiền nhân; Lý nhất tâm bất loạn là thánh nhân. Chưa đạt được cảnh giới này, nhưng nếu đạt đến công phu thành phiến thì là “tương tự hiền nhân” mới có thể có cảm ứng đạo giao.
Phát nguyện hoằng kinh, công đức vô lượng vô biên, nhưng quý vị chớ nên tham cầu công đức. Vì sao tôi phát nguyện hoằng kinh? Công đức quá lớn, nếu tôi không làm chuyện này, tôi sẽ không có công đức! [Đấy chính là] quý vị dùng cái tâm tham để hoằng pháp, tham cầu công đức! Tâm tham là phiền não lớn nhất, quý vị chưa đoạn phiền não, tâm chẳng thanh tịnh. Dẫu công đức to lớn, tôi chẳng vì công đức mà hoằng kinh, vì lẽ gì mà hoằng kinh? Vì lợi ích hết thảy chúng sanh mà hoằng kinh, vì báo Phật ân mà hoằng kinh, như vậy là đúng! Công đức đích xác to lớn, chẳng thể nghĩ bàn, trọn chẳng tham cầu, chẳng vì công đức mà hoằng kinh thì mới có cảm ứng. Vì lợi ích chúng sanh, đó là tâm đại từ bi.
Vì báo ơn Phật bèn giúp Phật hoằng hóa; trừ phương pháp này ra, còn có phương pháp nào có thể báo ơn Phật hay chăng? Không có biện pháp nào hết! Nói thật ra, báo ơn Phật thì chỉ có lưu thông Pháp Bảo. Vì Phật chẳng cần gì hết, quý vị mỗi ngày hương hoa cúng dường thì mỗi ngày Phật có thưởng thức những thứ cúng dường ấy hay không? Chẳng thể nào có chuyện ấy! Hương hoa cúng dường chẳng qua là để trọn một chút lòng mình, chứ thật ra điều quan trọng hơn là nhằm khơi gợi chính mình, khiến cho chính mình trông thấy hoa bèn lập tức nghĩ đến lục độ, vạn hạnh, nghĩ chính mình phải sốt sắng tu tập trên đường Bồ Tát đạo, mang ý nghĩa này, nhắc nhở chính mình. Đó là tác dụng lớn nhất. Do vậy, Tam Bảo chẳng thể nghĩ bàn!
(Sớ) Trượng Tam Bảo lực, năng sử ngu trung hốt thành thắng trí.
(疏) 仗三寶力,能使愚衷忽成勝智。
(Sớ: Nhờ sức Tam Bảo khiến cho đầu óc ngu muội chợt trở thành trí huệ thù thắng).
Chỉ cần quý vị thành tâm thành ý phát tâm làm [chuyện hoằng pháp], vốn rất ngu muội, chợt biến thành thông minh, do được sức oai thần của Tam Bảo gia trì, biến chuyện chẳng thể trở thành có thể, biến người ăn nói vụng về thành người có thể cảm động người khác, chạm vào dây tơ tình cảm trong tâm họ. Phải chí thành thì mới có thể cảm thông!
(Sớ) Phàm khẩu sở thuật, minh thông thánh tâm dã.
(疏) 凡口所述,冥通聖心也。
(Sớ: Phàm những lời nói ra đều ngầm thông thánh tâm).
Miệng phàm phu chúng ta nói ra điều gì, sẽ ngấm ngầm thông với ý tưởng của Phật, Bồ Tát, đó là thần lực gia trì. Nếu quý vị thật sự phát tâm, quý vị có thể thấu hiểu điều này. Thường là trước khi quý vị giảng kinh, quý vị phải chuẩn bị rất cẩn thận, chẳng chuẩn bị thì lên bục giảng sẽ không thể kết thúc bài giảng được. Chuẩn bị là dùng phàm tình, trong khi ấy, quý vị dùng cái tâm chí thành, tâm cúng dường, tâm báo ân, tâm lợi ích chúng sanh để viết bài giảng nhằm chuẩn bị chu đáo. Khi quý vị lên giảng đài, đột nhiên giảng những ý nghĩa khác hẳn những điều đã chuẩn bị, lại còn thù thắng, hay hơn những thứ đã chuẩn bị, mà trong lúc chuẩn bị, quý vị chẳng hề nghĩ tới. Đến khi lên bục giảng, chẳng biết do trí huệ ở đâu mà có thể nói ra [những điều ấy]. Từ xưa đến nay, những pháp sư giảng kinh đều có sự cảm ứng ấy. Chúng ta đọc cuốn Viên Giác Kinh Thân Văn Ký của pháp sư Đế Nhàn, đây là bút ký do thính chúng ghi lại; chính Ngài cũng có chuẩn bị, chính Ngài soạn bài ghi những ý nghĩa sẽ được giảng, nhưng những điều được ghi chép trong Thân Văn Ký chẳng hề có trong bài giảng [do Ngài đã chuẩn bị sẵn]. Người ta ghi chép xong, đưa cho lão hòa thượng coi. Lão hòa thượng xem xong, hỏi người ấy: “Đây là lời tôi giảng ư?” Chẳng biết là do chính mình giảng; đấy là thần lực của Phật, Bồ Tát gia trì.
(Sớ) Hà nhĩ giả, kiêm xứ dữ thời. Xứ tắc diêu nhất ngung dĩ chí châu biến thập phương. Thời tắc diêu sát-na dĩ chí tận vị lai tế, giai danh “tự nhĩ cập hà” dã.
(疏) 遐邇者,兼處與時。處則繇一隅以至周遍十方,時則繇剎那以至盡未來際,皆名自邇及遐也。
(Sớ: “Xa gần” bao gồm nơi chốn và thời gian. Nơi chốn thì từ một góc cho đến trọn khắp mười phương; thời thì từ một sát-na cho đến hết đời vị lai, đều gọi là “từ gần đến xa”).
“Hà nhĩ” có nghĩa là xa gần, “hà” (遐) là xa, “nhĩ” (邇) là gần. Đối với thời gian và không gian mà nói thì đều có thể được. Nói theo phía không gian, từ một phương có thể thông đạt mười phương; nói theo phương diện thời gian thì từ một sát-na cho đến hết đời vị lai. Câu này nói lên ý nghĩa “lưu thông” và “lợi ích”. Ví như trong thuở ấy đại sư viết cuốn chú giải này, nay chúng ta đọc thấy câu này được ứng nghiệm. Thuở ấy, đại sư viết bản chú giải này tại Phương Trượng Thất chùa Vân Thê ở Hàng Châu, đến khi lão nhân gia viên tịch, các đệ tử lưu thông phổ cập tác phẩm này khắp cả nước. Ngày nay, bản này lại được truyền khắp thế giới. Tại ngoại quốc có nhiều thư viện của trường đại học hay thư viện quốc gia đều có lưu giữ. Về mặt không gian, đúng là trọn khắp mười phương, thời gian lưu truyền đến năm trăm năm, đối với hết thảy chúng sanh tạo lợi ích quá lớn. Bao nhiêu người đọc bản chú giải của Ngài bèn phát tâm niệm Phật, đã vãng sanh thế giới Tây Phương. Bản chú giải này của Ngài đã tiếp dẫn họ. Chúng ta cũng nương nhờ sức [tiếp dẫn] của bản chú giải này, không được lão nhân gia chỉ dạy, chúng ta sẽ chẳng hiểu kinh A Di Đà, đọc cách nào cũng chẳng biết trong kinh này bao hàm ý nghĩa nhiều dường ấy. Vì thế, bản chú giải và diễn thuyết này thật sự tương ứng trí huệ và oai thần của chư Phật. Công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn, đó là công đức lợi ích chúng sanh.
(Sớ) Hàm linh giả, giản phi mộc thạch, vị nhất thiết hữu tình dã.
(疏) 含靈者,揀非木石,謂一切有情也。
(Sớ: [Gọi là] “hàm linh” nhằm phân biệt chẳng phải là gỗ, đá, mà là nói về hết thảy hữu tình).
Chữ “hàm linh” chỉ hết thảy chúng sanh.
(Sớ) Kiến văn tùy hỷ giả.
(疏) 見聞隨喜者。
(Sớ: Thấy, nghe, tùy hỷ là....)
“Kiến” (見) là thấy bản chú giải này, “văn” (聞) là nghe giảng. Trong giảng đường của chúng ta, quý vị vừa thấy vừa nghe, mà tùy hỷ thì sẽ có phần trong thế giới Tây Phương.
(Sớ) Đản ư thử kinh, mục lãm nhĩ thính.
(疏) 但於此經,目覽耳聽。
(Sớ: Đối với kinh này, chỉ cần mắt nhìn, tai nghe).
“Lãm” (覽) là chính mắt nhìn, “thính” là (聽) nghe giảng.
(Sớ) Dĩ chí tạm nhĩ tùy thuận sanh hoan hỷ giả, giai thực thiện căn, đồng sanh bỉ quốc dã.
(疏) 以至暫爾隨順生歡喜者,皆植善根,同生彼國也。
(Sớ: Cho đến tạm thời tùy thuận, sanh lòng vui mừng thì đều gieo trồng thiện căn, cùng sanh về cõi kia).
Không nhất định phải đọc trọn bản chú giải từ đầu đến đuôi, cũng chẳng phải là nói nghe trọn kinh này từ đầu đến đuôi, chẳng phải vậy! Nghe một lần, hai lần, trong một hai lần ấy, quý vị thật sự sanh lòng hoan hỷ, tin tưởng, phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, chắc chắn quý vị được vãng sanh. Trong một hai hội mà còn như thế, huống hồ quý vị nghe trọn vẹn, đọc toàn bộ bản kinh, đọc toàn bộ cuốn Sớ Sao Diễn Nghĩa thì càng khỏi cần phải nói nữa! Ngẫu Ích đại sư hết sức tán thán cuốn Sớ Sao Diễn Nghĩa là “bác đại tinh thâm” (rộng lớn, tinh tường, sâu xa), không chỉ là tinh hoa của Phật pháp đều nằm trong đây, mà bản chú giải này còn trích dẫn kinh điển Đại Thừa hết sức nhiều, nhất là kinh Hoa Nghiêm. Đọc bộ Sớ Sao này giống như đọc một bộ Đại Tạng Kinh, tinh hoa đều nằm trong ấy. Hiểu ý nghĩa này, chúng ta có một bộ là đủ rồi, chẳng cần phải dụng công nơi những thứ khác, chết sạch lòng so đo, khăng khăng học một bản này là được rồi. Nếu còn hiềm chưa đủ, hãy dùng tác phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Biệt Hành Sớ Sao để bổ sung thì sẽ có thừa, ổn thỏa, thích đáng sanh về Tây Phương. Học thêm thứ khác, quý vị sẽ bị phân tâm, chẳng thể tập trung sức mạnh được, cầu nhất tâm sẽ bị chướng ngại. Vì thế, nay chúng ta không nên học [thêm pháp môn] nào khác, điều này cũng có quan hệ với chuyện có thể thành tựu trong một đời này hay không, hết sức quan trọng! Tiếp theo đây là nói về quả báo, Tịnh Độ.
(Sớ) Tịch Quang giả, Như Lai chân Tịnh Độ. Sanh bỉ quốc dĩ, kiến Phật văn pháp, ngộ Vô Sanh Nhẫn, đắc tự bổn tâm, Tịch Chiếu bất nhị, danh Thường Tịch Quang.
(疏) 寂光者,如來真淨土,生彼國已,見佛聞法,悟無生忍,得自本心,寂照不二,名常寂光。
(Sớ: Tịch Quang là Tịnh Độ thật sự của Như Lai. Sanh về cõi ấy, thấy Phật, nghe pháp, ngộ Vô Sanh Nhẫn, đắc bổn tâm của chính mình. Tịch - Chiếu chẳng hai, gọi là Thường Tịch Quang).
Đây là lời giải thích về Thường Tịch Quang Tịnh Độ trong Tịnh Độ. Tây Phương có bốn thứ Tịnh Độ, vì sao chẳng nói tới những thứ khác, chỉ nói tới Tịch Quang? Sách Diễn Nghĩa có chú giải như sau.
(Diễn) Như Lai chân Tịnh Độ giả, thượng tam độ vị vi chân, nhi Tịch Quang nãi vi chân.
(演) 如來真淨土者,上三土未為真,而寂光乃為真。
(Diễn: [Nói cõi Tịch Quang] là Tịnh Độ thật sự của Như Lai là vì ba cõi trước đó chưa phải là thật, cõi Tịch Quang mới là thật).
Cõi Phàm Thánh Đồng Cư, cõi Phương Tiện Hữu Dư và cõi Thật Báo Trang Nghiêm đều chưa chân thật, chỉ có cõi Thường Tịch Quang là chân thật, là Tịnh Độ chân chánh.
(Diễn) Nhiên Tịch Quang diệc hữu tịnh uế bất đồng.
(演) 然寂光亦有淨穢不同。
(Diễn: Nhưng cõi Tịch Quang cũng có tịnh và uế khác nhau).
Cõi Thường Tịch Quang chân thật mà còn có tịnh và uế ư? Nếu ông nói cõi Thật Báo Trang Nghiêm có tịnh và uế thì chúng tôi còn có thể tưởng tượng được. Nếu nói trong cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ có tịnh và uế thì chẳng thể nghĩ bàn! Nói theo Lý, chắc chắn không có tịnh hay uế. Nói theo mặt Sự thì có, chúng tôi nêu lên một tỷ dụ để nói: Ví như cảnh giới bên ngoài chúng ta hết sức trong trẻo, sáng sủa, tơ hào ô nhiễm cũng chẳng có; nhưng nếu chúng ta đeo kính râm có màu: Đeo kính đen thì thấy bên ngoài đen thui, đeo kính màu xanh thấy vách tường trắng đều thành xanh, đều thành có màu. Đấy là tự mình có chướng ngại. Nói cõi Tịch Quang có uế là do chướng ngại ở nơi đâu? Vô minh chưa đoạn hết! Đeo cặp kính vô minh để nhìn cõi Tịnh Độ chân thật. Như vậy là tự mình sanh ô nhiễm, chẳng phải do Tịnh Độ bất bình đẳng, có ô nhiễm, Tịnh Độ không có [ô nhiễm hay bất bình đẳng]. Không riêng gì Tịnh Độ của bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ không có ô nhiễm, mà Tịch Quang Tịnh Độ của lũ phàm phu sát đất chúng ta cũng chẳng có ô nhiễm. Nay cõi Tịch Quang của chúng ta hoàn toàn là nhiễm, Pháp Thân đại sĩ, Đẳng Giác Bồ Tát còn mang theo một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, cho nên Thường Tịch Quang Tịnh Độ của các Ngài còn có một phần ô nhiễm. Đoạn sạch một phần sanh tướng vô minh ấy, cõi Thường Tịch Quang nơi quả địa Như Lai sẽ được gọi là Cứu Cánh Tịch Quang (Tịch Quang rốt ráo), không có ô nhiễm. Phải hiểu lý này, cho nên, ở đây nói “Tịch Quang cũng có tịnh và uế khác nhau”.
(Diễn) Tứ thập nhất vị Pháp Thân đại sĩ sở cư vi uế độ, duy Phật nhất nhân sở cư vi Tịnh Độ. Kim viết “Như Lai chân Tịnh Độ”, tắc thị Thường Tịch Quang Tịnh Độ dã, danh chi vi chân giả. Diệu Tông Sao vân.
(演) 四十一位法身大士所居為穢土,唯佛一人所居為淨土。今曰如來真淨土,則是常寂光淨土也。名之為真者。妙宗鈔云。
(Diễn: Cõi mà bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ ở là uế độ, chỉ có mình cõi đức Phật ngự là Tịnh Độ. Nay nói “cõi Tịnh Độ chân thật của Như Lai” thì chính là [nói tới] cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ vậy, đặt tên cho nó là “chân”. Sách Diệu Tông Sao nói...)
Trích dẫn Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Diệu Tông Sao, đây cũng là một bản chú giải đầy thẩm quyền trong Tịnh Độ Tông. Quý vị có đọc bản chú giải này hay không cũng chẳng sao, vì sao? Những câu văn hay đẹp và lý luận trọng yếu [trong ấy] đã được Liên Trì đại sư trích dẫn hết rồi!
(Diễn) Chư Phật Như Lai sở du cư xứ, chân thường cứu cánh cực vi Tịnh Độ, thị dã.
(演) 諸佛如來所游居處,真常究竟極為淨土,是也。
(Diễn: “Chỗ chư Phật Như Lai dạo chơi, cư trụ, chân thường rốt ráo tột bậc là Tịnh Độ” chính là nói về ý này).
Đây là mấy câu trong Diệu Tông Sao. Do đây biết: Chí nguyện của đại sư là cầu Tịnh Độ rốt ráo, mà cũng là cầu Phật quả rốt ráo. Ngài cũng khuyến khích chúng ta, hy vọng mỗi người chúng ta thấy nghe Sớ Sao cũng sẽ phát tâm giống như Ngài, cầu Tịnh Độ viên mãn rốt ráo, hãy nên như thế!
“Sanh bỉ quốc dĩ, kiến Phật văn pháp, ngộ Vô Sanh Nhẫn” (Sanh về cõi ấy rồi, gặp Phật, nghe pháp, ngộ Vô Sanh Nhẫn): Mấy câu này cũng là nói công phu niệm Phật đến mức Lý nhất tâm bất loạn, được gọi là Thượng Phẩm Thượng Sanh; đây cũng là điều chúng ta hãy càng thêm nỗ lực [hòng đạt được]. Nếu quý vị hỏi: “Thượng Phẩm Thượng Sanh có thể cầu được hay không?” Nếu quý vị có mối hoài nghi ấy, sẽ cầu chẳng được! Pháp môn này hoàn toàn kiến lập trên cơ sở của lòng “tự tín” (tin vào chính mình); bản thân quý vị nhất định phải tin tưởng vào chính mình, có lòng tự tín kiên định, có lòng tự tín thanh tịnh thì thần lực của Phật có thể giúp đỡ và gia trì quý vị. Vì vậy, chính mình nhất định phải có lòng tự tín.
Cách tu ra sao? Trừ một câu Phật hiệu trong mười hai thời chẳng gián đoạn ra, còn phải tu mười đại nguyện vương, phải hiểu rõ mười thứ hành pháp. Nói thật ra, mười thứ hành pháp và mười đại nguyện vương là áp dụng câu A Di Đà Phật vào cuộc sống như thế nào. Hành pháp và nguyện vương đều là một câu A Di Đà Phật, một câu A Di Đà Phật là mười đại nguyện vương, là mười thứ hành pháp. Nếu quý vị hiểu ý nghĩa này, thật sự có thể tu như thế thì trong hiện tại thân tâm tự tại, đắc lợi ích. Trong hiện tiền, chính quý vị sẽ cảm nhận được: Quý vị và A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, Tây Phương Tịnh Độ cảm ứng đạo giao. Do vậy, quý vị chẳng còn lo ngờ nữa, nhất định phải làm! Phải thực hiện một câu danh hiệu A Di Đà Phật trong cuộc sống thường nhật, làm như thế, sẽ nhất định đạt được hiệu quả ấy. “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh”: Vô Sanh là chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn. Trong Viên Giáo, chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn thì mức độ thấp nhất là Sơ Trụ Bồ Tát, tức là địa vị đầu tiên trong bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ. Địa vị [của người vãng sanh] chẳng khác gì [địa vị của] các vị Bồ Tát vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới trong kinh Hoa Nghiêm, có thân phận giống nhau, địa vị giống nhau, trong một đời chúng ta có thể làm được, chẳng phải là không làm được!
Hôm nay có một vị đồng học hỏi tôi: Trong kỳ nghỉ hè này, chúng tôi có muốn mở giảng tòa hay không? Tôi nói: Quý vị muốn đến dự thì chúng tôi sẽ mở, nhưng quý vị phải nhớ: Bất luận chúng tôi mở khóa giảng vào kỳ nghỉ Đông hay nghỉ Hè, chúng tôi sẽ giảng hai thứ kinh này, không có loại thứ ba; nhưng quý vị hãy nghe thử xem, cảnh giới của tôi có được nâng cao hay không? Điều này rất thú vị! Giảng lần thứ hai khác với lần thứ nhất. Nếu giảng lần thứ hai mà giống như lần giảng đầu thì tôi cũng chẳng muốn giảng. mà quý vị cũng chẳng muốn nghe! Quý vị phải hiểu: Mỗi lượt giảng đều khác nhau. Không chỉ mỗi lượt giảng khác nhau, mà nếu quý vị chú tâm nghe tôi giảng kinh, sẽ thấy mỗi ngày khác nhau. Vì thế, tôi có thể pháp hỷ sung mãn, cảnh giới mỗi ngày đều khác nhau: Mỗi ngày niệm kinh này đều phát hiện những ý nghĩa mới. Vì thế, trong kinh này có vô lượng nghĩa, quý vị phát hiện vĩnh viễn bất tận! Mỗi lần xem là một lần thấy ý nghĩa mới xuất hiện, mỗi lần giảng là một lần thấy có ý nghĩa mới xuất hiện.
“Tịch - Chiếu bất nhị, danh Thường Tịch Quang” (Tịch - Chiếu chẳng hai, gọi là Thường Tịch Quang): Đây là lời giải thích danh từ Tịch Quang. Tuy là giải thích danh từ, nhưng trong ấy cũng nhằm dạy chúng ta phương pháp tu hành. Đây là môn tu học của Pháp Thân đại sĩ; nhưng nếu chúng ta chịu tu tập thì cũng dùng được, cái hay trong Phật môn là hay ở chỗ này! Phương pháp tu hành của đại Bồ Tát chúng ta cũng có thể dùng được. Nay chúng ta dùng phương pháp của kẻ sơ học, nhưng đại Bồ Tát có khi vẫn chẳng thể bỏ phương pháp ấy, họ vẫn phải dùng. Đấy chính là như trong tông Hoa Nghiêm đã nói: “Hàng Bố chẳng trở ngại Viên Dung, Viên Dung chẳng trở ngại Hàng Bố”. Hàng Bố là theo thứ tự, Viên Dung là không có thứ tự, tức “đốn siêu”. Đôi bên đều có thể ảnh hưởng lẫn nhau, có thể vận dụng lẫn nhau, đấy là chỗ tuyệt diệu trong Phật pháp.
(Diễn) Tịch Chiếu bất nhị giả, vị Tịch nhi thường Chiếu, Chiếu nhi thường Tịch, tức Tịch, tức Chiếu, tức Chiếu, tức Tịch.
(演) 寂照不二者,謂寂而常照,照而常寂。即寂即照,即照即寂。
(Diễn: “Tịch Chiếu bất nhị” nghĩa là: Tịch mà thường Chiếu, Chiếu nhưng thường Tịch, vừa Tịch vừa chiếu, vừa Chiếu vừa Tịch).
Nếu chúng ta hiểu lý luận này, hiểu phương pháp này, sẽ có lợi rất lớn đối với công phu niệm Phật của chúng ta. Chiếu là gì? Chiếu là hiểu rõ hết thảy, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bèn hiểu rõ ràng, rành mạch, phân minh, đó là Chiếu. Chiếu là trí huệ, là trí huệ Bát Nhã khởi tác dụng. Quý vị phải nhớ: Chiếu chẳng phải là ý thức. Tịch là gì? Như như bất động, cái gì bất động? Thức thứ sáu tức Ý Thức bất động, thức thứ bảy bất động, thức thứ tám bất động. Thức thứ sáu tuy bất động nhưng vẫn phân biệt rõ ràng rành mạch, tuy phân biệt nhưng không có tâm phân biệt, [vẫn nhận biết cảnh giới] rõ ràng, rành mạch, đó gọi là Diệu Quán Sát Trí. Đó là Chiếu. Thức thứ bảy chẳng khởi tác dụng, không chấp trước, không có Ngã Chấp, mà cũng không có Pháp Chấp, đó là Bình Đẳng Tánh Trí đang chiếu. Thức thứ tám chẳng khởi tác dụng, chẳng để lại ấn tượng, đó là Đại Viên Kính Trí đang chiếu.
Chiếu là gì? Tịch là gì? Mấu chốt ở chữ Tịch; quý vị phải bất động mới là đúng. Tịch là bất động, tức tâm bất động. Tâm có tám món, năm thức trước và thức thứ tám có thể không cần quan tâm đến, trọng yếu là thức thứ sáu và thứ bảy. Thức thứ sáu là phân biệt, thức thứ bảy là chấp trước. Tâm phân biệt của ta chẳng động, tâm chấp trước chẳng động, chẳng dùng đến nó. Đó là Tịch, tâm tịch rồi. Tịch khởi tác dụng là Chiếu; do vậy, “Tịch mà thường Chiếu”. Trong hết thảy cảnh giới, bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, chúng ta chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, [nhận biết] cảnh giới bên ngoài rõ ràng, rành mạch, phân minh, đó là Phật tri, Phật kiến, gọi là “Tịch mà thường Chiếu”.
Chiếu là hiểu rõ Lý, thấu triệt Lý rồi, hiểu hết thảy pháp như huyễn, như hóa, giống như kinh Kim Cang đã nói: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh” (hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng). Tướng thì có, nhưng Tánh là không, Sự có, Lý không, quý vị có thể chiếu kiến tướng chân thật của hết thảy các pháp như vậy, tự nhiên quý vị chẳng động tâm, làm sao có chấp trước? Làm sao có phân biệt? Chẳng thể có phân biệt, chấp trước! Chẳng khởi tâm động niệm đối với hết thảy cảnh giới, cái tâm khi ấy đã nhập Tánh Định. Bổn tánh của quý vị vốn là định, tâm quý vị vốn sẵn thanh tịnh. Lục Tổ nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh”. Sự thanh tịnh ấy là Định, thanh tịnh là Tịch. Vì thế, trong khi ấy, Tịch - Chiếu, Chiếu - Tịch đồng thời, chẳng khác gì Pháp Thân đại sĩ. Đã chẳng khác thì chính quý vị cũng chứng đắc Pháp Thân, cũng trở thành Pháp Thân đại sĩ. Nếu trong cuộc sống thường nhật có thể dụng công như thế thì một câu A Di Đà Phật của quý vị chính là Lý nhất tâm bất loạn. Quý vị niệm A Di Đà Phật là Lý niệm, cảnh giới ấy hết sức cao. Nay chúng ta chưa làm được; tuy làm chưa được nhưng phải hiểu đạo lý này, biết có chuyện này, vì sao? Trong tương lai, sẽ dần dần nâng cao cảnh giới của chính mình, chớ nên ngừng nghỉ ở giai đoạn hiện tiền.
Cảnh giới này cao, nhưng không có cách nào [đạt được trong hiện tại], dạy quý vị sử dụng, quý vị cũng chẳng thể sử dụng. Dù quý vị sử dụng thì vẫn dùng cái tâm phân biệt: “Ta nay chẳng phân biệt, ta cũng chẳng chấp trước”. Có chấp trước hay không? Có phân biệt hay không? Quý vị đang phân biệt “ta chẳng phân biệt”, đang chấp trước “ta chẳng chấp trước”, [như vậy là] quý vị vẫn đang chấp trước! Vì thế, hiện thời quý vị chưa thể sử dụng, không có cách nào cả! Hiện thời, chúng ta vẫn dùng thức thứ sáu, tức Ý Thức, vẫn dùng phân biệt, chấp trước để niệm câu A Di Đà Phật. Trước tiên, phải niệm đến mức công phu thành phiến, thực hiện được tầng [công phu] này rồi, từ công phu thành phiến lại nâng cao lên thành Sự nhất tâm bất loạn, lại nâng cao lên nữa, nâng cao thành Lý nhất tâm bất loạn thì mới là cảnh giới ấy. Vì thế, chúng ta tu học phải đi theo thứ tự, chớ nên vượt cấp nhằm có thể đạt ngay cảnh giới đó. Người giống như Lục Tổ Huệ Năng thì mới có thể làm được như vậy; người bình thường chẳng thể làm được; nhưng nói “làm không được” là nói trong hiện tại, chứ mười năm hay hai mươi năm sau, tôi chẳng dám nói! Cũng không chừng trong đây sẽ có chẳng ít người có thể làm được. Chỉ cần dụng công đúng cách; đúng lý và đúng pháp, sẽ có thể đạt đến cảnh giới này.
(Diễn) Danh Thường Tịch Quang giả.
(演) 名常寂光者。
(Diễn: Gọi là Thường Tịch Quang )
Cảnh giới này gọi là Thường Tịch Quang.
(Diễn) Thường tức Pháp Thân, Tịch tức Giải Thoát, Quang tức Bát Nhã, thị tam điểm bất tung hoành tịnh biệt, danh Bí Mật Tạng.
(演) 常即法身,寂即解脫,光即般若。是三點不縱橫並別,名秘密藏。
(Diễn: Thường là Pháp Thân, Tịch là Giải Thoát, Quang là Bát Nhã, ba điều này chẳng phải là ngang dọc, đồng thời hay sai khác[5], nên gọi là Kho Bí Mật).
Pháp Thân, Giải Thoát, Bát Nhã là ba nhưng một, tuy một mà ba, nên gọi là Tam Đức Bí Tạng. Hễ quý vị có thể đạt được một thì cả ba đều đạt được. Nếu chứng đắc Pháp Thân, nhất định sẽ có Giải Thoát và Bát Nhã. Bát Nhã là minh tâm kiến tánh, [hễ minh tâm kiến tánh] quý vị nhất định chứng đắc Pháp Thân. Giải Thoát là tự tại. Quý vị phải hiểu: Trong tâm thanh tịnh thì mới có tự tại; tâm chẳng thanh tịnh khởi lên ý niệm, sẽ chẳng tự tại mà có phiền não, có trói buộc! Trong tâm chẳng sanh một niệm thì gọi là Giải Thoát, là đắc đại tự tại. Sự tự tại này từ Định mà có, từ trong cái tâm thanh tịnh hiển thị ra.
(Diễn) Chư Phật trụ xứ, vô lượng thậm thâm pháp tánh dã.
(演) 諸佛住處,無量甚深法性也。
(Diễn: Trụ xứ của chư Phật là pháp tánh rất sâu vô lượng).
Mười phương hết thảy chư Phật an tâm ở nơi nào? An tâm ở chỗ này, đây là chỗ quy y thật sự của chúng ta. Thường Tịch Quang là Vô Thuợng Phật Quả.
(Sớ) Vô Thượng Quả giả, Phật chứng viên mãn Đại Giác, siêu việt Nhị Thừa cập chư Bồ Tát, thử quả chi thượng cánh vô quá giả, danh Vô Thượng Quả, thị chứng Phật Nhất Thiết Chủng Trí dã.
(疏) 無上果者,佛證圓滿大覺,超越二乘及諸菩薩,此果之上更無過者,名無上果,是證佛一切種智也。
(Sớ: “Vô Thượng Quả”: Phật chứng Đại Giác viên mãn, vượt trỗi Nhị Thừa và các Bồ Tát. Quả này không có gì hơn được nên gọi là Vô Thượng Quả, tức là chứng Nhất Thiết Chủng Trí của Phật vậy).
Vô Thượng Quả là quả vị Phật trong Viên Giáo.
(Diễn) Viên mãn Đại Giác giả, ly mê viết Giác, ly tiểu viết Đại, ly nhân viết viên mãn.
(演) 圓滿大覺者,離迷曰覺,離小曰大,離因曰圓滿。
(Diễn: “Viên mãn Đại Giác”: Lìa mê gọi là Giác, lìa Tiểu gọi là Đại, lìa nhân gọi là viên mãn).
Lời giải thích này đơn giản dễ hiểu, ý nghĩa hết sức đầy đủ. Trước hết, chúng ta phải học giác chứ không mê. Thế nào là giác? Thế nào là mê? Nhất định phải hiểu rõ ràng, rành rẽ. Khởi tâm động niệm là mê. Khởi phân biệt, chấp trước đối với cảnh giới bên ngoài là mê, chẳng hiểu rõ tướng bên ngoài, chẳng khởi tâm động niệm cũng là mê, chuyện này khó làm lắm! Khởi tâm động niệm bèn sanh phiền não, khởi vọng tưởng, vọng tưởng bèn dấy lên. Chẳng khởi tâm động niệm mà hồ đồ, mờ mịt thì là vô minh, tăng trưởng vô minh. Quý vị thấy đó! Chẳng rớt vào tà kiến, bèn rớt trong vô minh. Chuyện này rắc rối lắm! Hãy nên làm như thế nào? Tịch Chiếu! Cảnh giới bên ngoài đã rõ ràng mà lại hiểu rất rành, bên trong chẳng động tâm, chẳng khởi niệm, như vậy mới là đúng, như vậy mới là tu hành thật sự, mới là đắc pháp.
Cách tu này quả thật chẳng dễ dàng, nói thì dễ nhưng làm khó lắm! Không dễ dàng thì làm cách nào đây? Quý vị cứ thật thà niệm một câu A Di Đà Phật, đó là biện pháp mầu nhiệm. Chúng ta tiếp xúc bên ngoài, thấy sắc, nghe tiếng, chớ khởi vọng tưởng, đừng khởi ý niệm tham, sân, si, mạn, hãy khởi A Di Đà Phật. Không động niệm thì thôi, hễ động niệm bèn ngay lập tức chuyển nó thành A Di Đà Phật là được. A Di Đà Phật cũng là một niệm, dùng một niệm này để ngưng dứt hết thảy vọng niệm, vì một niệm này tương ứng với giác, còn vọng niệm tương ứng với mê. A Di Đà Phật là Vô Lượng Giác, một niệm này tương ứng với giác, những niệm khác tương ứng với mê, sẽ càng mê càng sâu. Lập tức chuyển vọng niệm thành A Di Đà Phật, giữ gìn giác tâm của quý vị, giác chứ không mê. Công phu của chúng ta phải dùng cách này. Do vậy, quý vị phải biết niệm Phật hiệu, tức là nói quý vị học xong phải biết dùng, dùng vào lúc nào? Trong khi quý vị hôn trầm, mê hoặc, phải dùng nó khi quý vị có suy nghĩ tà vạy hay có tà tri kiến, tức là khi khởi tâm động niệm liền phải dùng, khi mê hoặc, điên đảo phải dùng, dùng ngay một câu Phật hiệu giúp cho chính mình chẳng mê, chẳng tà. Đó gọi là quý vị biết niệm. Biết niệm Phật tức là quý vị biết dùng, sẽ có ích rất lớn cho quý vị trong cuộc sống thường ngày.
“Ly Tiểu viết Đại” (lìa Tiểu thì gọi là Đại), Tiểu là Tiểu Thừa, đây là nói về Đại Thừa; do vậy, [trì danh niệm Phật] là pháp Bồ Tát, [sự giác ngộ do tu pháp trì danh niệm Phật] chẳng phải là Tiểu Giác. Sự giác ngộ của A La Hán là Tiểu Giác. A La Hán là Chánh Giác, Bồ Tát là Chánh Đẳng Chánh Giác, nên gọi là Đại Giác. Tuy đại, nhưng vẫn chưa viên mãn, Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa đoạn. Đoạn sạch hết rồi thì mới gọi là viên mãn. Đại Giác viên mãn cũng chỉ có một người, tức là Phật trong Viên Giáo. Ngoài một mình đức Phật ra, chỉ có thể gọi là Đại Giác, chứ không thể gọi là Đại Giác viên mãn.
(Diễn) Cánh vô quá giả, Thiên Thai vân: “Vô Thượng Sĩ giả, như thập ngũ nhật nguyệt, viên mãn cụ túc, chúng tinh trung vương, tối thượng, tối thắng, oai đức đặc tôn, cánh vô quá giả”, thị dã.
(演) 更無過者,天台云:無上士者,如十五日月,圓滿具足,眾星中王,最上最勝,威德特尊,更無過者,是也。
(Diễn: “Không gì hơn được” là như ngài Thiên Thai (Trí Giả đại sư) đã nói: “Vô Thượng Sĩ như trăng ngày Rằm, viên mãn đầy đủ, là vua trong các ngôi sao, tối thượng, tối thắng, oai đức đặc biệt tôn quý, không chi hơn được” là nói về điều này vậy).
Địa vị này không còn ai cao hơn được nữa, đã đạt đến tột đỉnh rồi. Tiếp đó, sách Diễn Nghĩa dùng tỷ dụ để nói: Giống như trăng tròn ngày Rằm, ánh trăng vào bất cứ lúc nào khác đều chẳng thể sánh bằng! Nó viên mãn, chẳng có thiếu khuyết. Điều này tỷ dụ Phật quả trong Viên Giáo đã đạt đến tột đỉnh. “Vô Thượng Sĩ”: Thông thường, Sĩ (士) là người đọc sách, là phần tử tri thức, có học vấn, có đạo đức. [Vô Thượng Sĩ] có nghĩa là người không có ai cao hơn được về học vấn lẫn đạo đức, đạo đức đã đạt đến tột bậc, học vấn cũng đạt đến tột bậc, rốt ráo viên mãn có nghĩa là như vậy đó!
(Diễn) Nhất Thiết Chủng Trí giả.
(演) 一切種智者。
(Diễn: Nhất Thiết Chủng Trí là).
Đây là trí huệ nơi quả địa của Như Lai.
(Diễn) Cứu tận chư pháp Thật Tướng, biên tế trí mãn, Chủng Giác đốn viên dã.
(演) 究盡諸法實相,邊際智滿,種覺頓圓也。
(Diễn: Thấu suốt tột cùng Thật Tướng của các pháp, trí đã viên mãn không còn bờ mé, nhanh chóng viên mãn Nhất Thiết Chủng Trí).
“Chư pháp” là hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Tướng chân thật (Thật Tướng) của hết thảy các pháp Ngài đều hiểu rõ. Các tôn giáo thông thường luôn tán thán thần của họ là đấng toàn tri toàn năng; thật ra, thần chẳng phải là toàn tri toàn năng. Đạt đến địa vị này mới là toàn tri toàn năng, chẳng giả tí nào! Nhất Thiết Chủng Trí là toàn tri toàn năng. “Biên tế trí mãn” là không có bờ mé, trí huệ không có ngằn mé. “Chủng Giác đốn viên”: Chữ Chủng Giác chỉ Nhất Thiết Chủng Trí. Thế gian, xuất thế gian, quá khứ, hiện tại, vị lai, không điều gì chẳng biết, không điều gì chẳng thể làm! Đức Phật bảo: Trí huệ và năng lực này mỗi cá nhân chúng ta vốn sẵn trọn đủ, chúng chẳng phải đến từ bên ngoài. Vì thế, Phật pháp nói tới bình đẳng là nói từ chỗ này, mỗi cá nhân đều là như vậy.
Hiện tại, toàn tri toàn năng của quý vị bị chôn vùi là vì quý vị khởi vô minh, tà kiến, khiến cho bản năng (năng lực sẵn có) bị mất đi. Kinh đã nói rất rõ ràng: Bản năng này [tuy nói là] bị mất, nhưng thật sự chẳng mất, chỉ là mê mất, khi nào quý vị giác ngộ, quý vị lại khôi phục [những bản năng ấy]. Mê mất là giống như quý vị ngủ thiếp đi, năng lực bị mất, chẳng thể khởi tác dụng, nhưng khi quý vị tỉnh giấc, bản năng lại khôi phục. Nó chẳng do học tập mà có, mà là năng lực sẵn có. Vì thế, Phật pháp dạy chúng ta: Vô lượng trí huệ và đức năng là những khả năng sẵn có; mục đích tu học của chúng ta không gì chẳng phải là khôi phục bản năng mà thôi! Trong các bộ kinh lớn, đức Phật đã nói: “Nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật” (hết thảy chúng sanh vốn thành Phật), hiện thời [tu học] chỉ là khôi phục diện mục Phật của quý vị mà thôi! Chỉ cần quý vị từ mê vọng quay trở lại là được rồi!
(Sớ) Kinh vân: “Giai đắc bất thoái chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”, tắc tri đản đắc vãng sanh, tất cánh thành Phật, cố vân: Đồng chứng Tịch Quang Vô Thượng Quả dã.
(疏) 經云:皆得不退轉於阿耨多羅三藐三菩提。則知但得往生,畢竟成佛,故云同證寂光無上果也。
(Sớ: Kinh dạy: “Đều đắc bất thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, nên biết chỉ cần được vãng sanh, sẽ rốt ráo thành Phật. Vì thế nói: “Cùng chứng Tịch Quang Vô Thượng Quả”).
Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa này. Đại sư sợ chúng ta hoài nghi nên đặc biệt trích dẫn kinh - kinh do Phật nói - nhằm chứng minh, ngõ hầu chúng ta có thể đoạn nghi sanh tín. Như vậy thì mới chẳng cô phụ hảo ý của Phật, ý nghĩa trong đoạn này rất quan trọng. “Giai đắc bất thoái chuyển”: Chữ “giai” ở đây có nghĩa là chỉ cần ai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ đều chẳng thoái chuyển. Trong kinh còn nói “viên chứng ba thứ Bất Thoái”, càng nhiệm mầu hơn, càng chẳng thể nghĩ bàn hơn! Vì thế, sợ là sợ chẳng thể vãng sanh, chứ hễ vãng sanh, nhất định sẽ thành Phật trong một đời, thành vị Phật nào vậy? Thành Viên Giáo Phật, chứng Vô Thượng Quả. Do vậy, ở đây Ngài thỉnh cầu Tam Bảo gia trì, đến cuối cùng bèn có nguyện này. Nguyện này chẳng phải là nói xuông, mà có kinh Phật để làm bằng chứng nhằm hy vọng chúng ta đều có thể “cùng chứng Tịch Quang Vô Thượng Quả”.
(Sớ) Khất cầu gia bị, ý cái như thử, dĩ thượng thông tự nhất kinh đại ý cánh.
(疏) 乞求加被,意蓋如此,以上通序一經大意竟。
(Sớ: Ý nghĩa “cầu xin gia bị” là như vậy, trên đây là đoạn “đại ý của kinh này” trong phần Thông Tự đã được giảng xong).
Đây là đoạn lớn thứ nhất trong phần Chú Giải, hôm nay chúng tôi giảng tới đây đã xong, tiếp theo đây sẽ là đoạn lớn thứ hai, giảng về Huyền Nghĩa. Đoạn lớn thứ ba mới thật sự giảng vào kinh văn.
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
Phần 23 hết
[1] Đây là hai câu trích từ đoạn sau đây trong kinh Lăng Nghiêm: “Thử chư Kim Cang Bồ Tát Tạng Vương, tinh tâm ấm tốc, phát bỉ thần thức, thị nhân ứng thời, tâm năng ký ức bát vạn tứ thiên Hằng hà sa kiếp, châu biến liễu tri, đắc vô nghi hoặc”. Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải của sách Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Dịch Giải (do cư sĩ Vương Trị Bình biên soạn), quyển bảy: “Tinh tâm là cái tâm thuần chân. Cái tâm này trên có cùng một từ lực với chư Phật, dưới cùng một niềm bi ngưỡng với chúng sanh, cho nên có thể khiến cho thần thức thông sáng. Câu này có nghĩa là cái chân tâm ấy âm thầm được phát khởi nhanh chóng, khiến cho thần thức được phát huy tác dụng, nên câu kế đó mới nói: Người ấy ngay lập tức có thể nhớ được chuyện trong tám vạn bốn ngàn Hằng hà sa kiếp, thông hiểu trọn khắp”.
[2] Biến Tướng Đồ (còn gọi là Biến Tướng, Biến Tượng, Biến Hội, hay Biến) là những tranh vẽ hay phù điêu miêu tả những sự kiện trong kinh Phật (Phật đản sanh, Phật nhập Niết Bàn, Phật chuyển pháp luân, Hoa Nghiêm Thập Xứ Cửu Hội Đồ v.v...), hoặc sự trang nghiêm nơi Tịnh Độ (như Tịnh Độ của A Di Đà Phật, Tịnh Độ của Phật Dược Sư, Tịnh Độ nơi Đâu Suất Nội Viện), hoặc cảnh tượng nơi địa ngục.
[3] Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải của trang nhà Bách Độ Tri Đạo.
[4] Yếu Tập chính là bộ sách Chư Kinh Yếu Tập (được xếp vào tập hai mươi bốn của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh), gồm hai mươi quyển, do ngài Đạo Thế soạn. Nội dung gồm những phần trích thuật trọng yếu từ các bộ kinh Đại Thừa và được phân loại thành các tiểu mục như Tam Bảo, Kính Tháp, Nhiếp Niệm, Nhập Đạo v.v... Tác phẩm này còn được gọi là Thiện Ác Nghiệp Báo Luận, có tánh chất tương tự như bộ Kinh Luật Dị Tướng của ngài Bảo Xướng soạn vào đời Lương.
[5] Đây là cách nói dựa theo kinh Niết Bàn khi đức Phật giảng về chữ Y trong tiếng Phạn. Chữ Y gồm có ba điểm xếp theo hình tam giác (đỉnh nhọn xoay xuống dưới). Phật dùng chữ Y để ví với tam đức bí tạng. Ba chấm ấy hợp thành chữ Y, chúng không thể tách rời mà phải đồng thời tồn tại thì mới thành chữ Y, do vậy nói “bất tung hoành” (chẳng dọc ngang), tức là không thể phân biệt chúng là khác nhau theo phương diện thời gian hay không gian. Ba điểm của chữ Y nếu xếp nằm cùng một hàng thì không thành chữ Y, ngoài chữ Y thì không có ba chấm này, ngoài ba chấm này thì không có chữ Y nên mới nói “bất tịnh biệt” (chẳng ngang hàng, chẳng tách rời). Mượn hình ảnh này để diễn tả tam đức chỉ là một trong những khía cạnh của chân tâm. Hễ chứng được một đức thì cả ba đức đều đồng thời tồn tại nên hòa thượng Tịnh Không mới giảng đơn giản là “ba nhưng một, tuy một mà ba”, rồi Ngài nói thêm như “chứng đắc Pháp Thân, sẽ nhất định có Giải Thoát” v.v...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top