A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa - Phần 20
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
阿彌陀經疏鈔演義
Phần 20
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không năm 1984
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong
Tập 39
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi chín:
(Sớ) Phật dĩ đại từ đại bi, tiếp dẫn chúng sanh, thị hoài ngã dĩ thánh thai, tự ngã dĩ pháp nhũ, tức kim nội ngoại thân tâm, mạc bất hà kỳ ân lực nhi đắc thành lập.
(疏) 佛以大慈大悲,接引眾生,是懷我以聖胎,飼我以法乳,即今內外身心,莫不荷其恩力而得成立。
(Sớ: Phật do lòng đại từ đại bi tiếp dẫn chúng sanh là chứa đựng ta bằng thánh thai, nuôi dưỡng ta bằng sữa pháp, ngay cả trong và ngoài thân tâm hiện thời, không có gì chẳng nhờ vào ân đức và thần lực của Phật mà được thành lập).
Đối với sự tu học của chúng ta, đoạn này rất quan trọng.
(Diễn) Phật dĩ đại từ hạ, song viết Sự Lý. Ước Sự, tắc tứ thập bát nguyện, quảng độ hữu tình, thị tiếp dẫn chúng sanh.
(演) 佛以大慈下,雙曰事理。約事,則四十八願。廣度有情,是接引眾生。
(Diễn: Từ câu “Phật do lòng đại từ” trở đi nói về Sự lẫn Lý. Nói theo Sự thì bốn mươi tám nguyện rộng độ hữu tình là tiếp dẫn chúng sanh).
Trong đoạn này có cả Sự lẫn Lý. Nói theo mặt Sự, A Di Đà Phật trong khi tu nhân đã phát ra bốn mươi tám nguyện, nguyện nào cũng nhằm tiếp dẫn chúng sanh, đấy là chuyện thuộc phía Phật. Hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới chỉ cần xưng niệm Phật hiệu, lúc lâm chung, Phật nhất định đến tiếp dẫn, đây là chuyện của chúng ta. Điều mấu chốt là chúng ta có tin tưởng hay không, có chịu phát nguyện hay không? Nếu tin tưởng, chịu phát nguyện, trong một đời này nhất định sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nói chung, đối với chuyện này, người ta thường cho rằng đây là chuyện viễn vông: Thế giới Tây Phương là ở nơi đâu? Rốt cuộc nó có phải là chân thật hay không? Không chỉ người hiện thời hoài nghi, mà cổ nhân cũng hoài nghi. Do nỗi hoài nghi này mà bỏ lỡ nhân duyên.
Chúng ta phải biết: Phật chẳng nói dối. Phật hóa độ chúng sanh bằng rất nhiều phương pháp, chẳng cần phải dùng vọng ngữ để độ chúng sanh. Dẫu là nói dối vì mục đích tốt đẹp, nói dối tốt lành, đức Phật cũng chẳng dùng, vì sao? Giả sử trong một đời Ngài đã từng nói dối một lần, sẽ chẳng có ai tin tưởng lời Ngài nói. Nói chung, người ta thường hoài nghi: “Phật đã từng có lần nói dối, lần này cũng chắc gì đáng tin!” Do vậy, chắc chắn suốt đời đức Phật không nói dối. Thích Ca Mâu Ni Phật “hiện quảng trường thiệt tướng” (hiện tướng lưỡi rộng dài), đây là một tướng tốt lành trong ba mươi hai tướng, lưỡi thè ra có thể che khắp mặt. Kinh điển dạy: “Người bình thường ba đời không nói dối, lưỡi có thể liếm đến chót mũi của chính mình”. Đức Phật thè lưỡi có thể che cả mặt, cho thấy Ngài chẳng nói dối. Kinh Kim Cang dạy: “Phật thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả” (Phật là bậc nói lời chân thật, nói đúng như sự thật, nói đúng với bản chất của các pháp, chẳng nói lời dối gạt), chúng ta phải tin tưởng điều này! Do vậy, Tây Phương Cực Lạc thế giới tuyệt đối chẳng phải là cõi nước lý tưởng (Utopia) do Thích Ca Mâu Ni Phật [tưởng tượng ra], mà là sự thật. Mười phương thế giới vô lượng vô biên, đức Phật trông thấy rất rõ ràng, minh bạch, giới thiệu cõi Tây Phương Cực Lạc thế giới cho chúng ta sanh về.
Cũng có người muốn hỏi: Mười phương thế giới vô lượng vô biên, loại Tịnh Độ giống như cõi nước của A Di Đà Phật cũng không ít, thậm chí có nhiều thế giới còn thù thắng hơn thế giới Cực Lạc, vì sao đức Phật chẳng bảo chúng ta sanh về những cõi đó, cứ khăng khăng bảo chúng ta hãy tới Tây Phương Cực Lạc thế giới? Ở đây có một điều mấu chốt là chữ “duyên”, duyên phận đấy nhé! Trong thế gian của chúng ta nói tới duyên phận, mười phương thế giới cũng nói duyên phận. A Di Đà Phật và chúng sanh trong thế giới này có duyên phận đặc biệt sâu đậm. Nói cách khác, Ngài đặc biệt hoan nghênh chúng sanh từ thế giới Sa Bà sanh về cõi nước của Ngài. Đã có duyên như vậy, mà phương pháp lại rất đơn giản: Chỉ cần quý vị niệm Phật, niệm đến mức thân tâm thanh tịnh. Quý vị phải nhớ: Nơi ấy gọi là Tịnh Độ, thân tâm chẳng thanh tịnh sẽ chẳng phù hợp điều kiện. Niệm một câu A Di Đà Phật là diệu pháp để thanh tịnh thân tâm, chúng ta nhất định phải tin tưởng.
Ở cõi này, hễ phát nguyện vãng sanh, chấp trì danh hiệu, kinh đã nói rất rõ ràng, liên hoa hóa sanh trong cõi kia. Tức là trong ao bảy báu nẩy sanh một đóa hoa sen, hoa sen ấy dành cho người niệm Phật đó. Ta niệm Phật, trong ao bảy báu trổ một đóa hoa sen, chắc chắn không sai. Hoa sen lớn hay nhỏ, ánh sáng, màu sắc mỗi hoa khác nhau, nguyên nhân là do niệm Phật siêng năng hay lười nhác. Quý vị niệm Phật rất siêng, hoa lớn dần, ánh sáng, màu sắc càng đẹp hơn. Nếu giải đãi, biếng nhác, mỗi ngày chỉ niệm Phật mấy tiếng, hoa liền bé, ánh sáng, màu sắc sẽ kém. Tốt đẹp hay kém cỏi sai khác như vậy đó. Nếu quý vị muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, trụ trong đại liên hoa thì Phật hiệu đừng nên gián đoạn, nhất tâm nhất ý niệm. Đồng thời, chúng ta càng phải nên cảnh giác: Trong thế gian không có chuyện gì là chân thật, chỉ có chuyện này là chân thật. Thế nhưng, chúng sanh mê hoặc, điên đảo, chuyện thật sự khẩn yếu mà chẳng làm, cứ khăng khăng suốt ngày từ sáng đến tối làm những chuyện chẳng liên quan, làm những chuyện sanh tử luân hồi trong lục đạo, chẳng biết vun bồi hoa sen của chính mình cho to lớn. Đấy là lầm lẫn lớn nhất!
“Hoài ngã dĩ thánh thai, tự ngã dĩ pháp nhũ” (dùng thánh thai chứa đựng ta, dùng sữa pháp nuôi dưỡng ta). Trong đây có hai ý nghĩa, Tây Phương Cực Lạc thế giới sáu trần thuyết pháp, dùng Phật pháp nuôi nấng Pháp Thân huệ mạng của chúng ta. “Pháp nhũ” là nghe pháp, nghe pháp quả thật hết sức quan trọng. Trong Phật môn, vị có duyên phận sâu đậm nhất với chúng ta là Quán Thế Âm Bồ Tát, Nhĩ Căn của chúng ta nhạy bén nhất, Quán Thế Âm Bồ Tát cũng là Nhĩ Căn nhạy bén; trong hội Lăng Nghiêm, phương pháp tu hành của Ngài “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” (xoay tánh Nghe để nghe tự tánh, tánh trở thành đạo vô thượng), từ âm thanh mà nhập pháp môn. Trong thế giới Tây Phương, sáu trần thuyết pháp, hiển thị thế giới Tây Phương cũng đặc biệt là Nhĩ Căn thọ dụng, đấy là cái nhân tố (factor) căn bản để chúng ta có duyên với cõi ấy, đều là do Nhĩ Căn nhạy bén nhất.
Do đây có thể biết: Nghe pháp hết sức quan trọng! Chẳng qua chúng ta phải hiểu rõ: Nếu trong hiện tại, chúng ta học rộng nghe nhiều, cố nhiên là chuyện tốt, nhưng chắc chắn nó sẽ chướng ngại quý vị cầu sanh Tịnh Độ vì quý vị bị phân tâm! Thêm nữa, [học rộng nghe nhiều] chỉ có thể tăng trưởng thường thức (kiến thức thông dụng) về Phật học, chẳng thể khai trí huệ. Tăng trưởng thường thức về Phật học thì như Thanh Lương đại sư đã nói: “Tăng trưởng tà kiến!” Tri kiến quá nhiều, suy nghĩ loạn xạ, nghĩ trong kinh này đức Phật nói như thế này, trong kinh kia đức Phật nói như thế nọ. Phật thuyết pháp ở chỗ nào, quý vị bèn bị âm thanh nơi đó xoay chuyển, bị Phật pháp xoay chuyển. Khi quý vị đọc kinh, bèn bị kinh xoay chuyển, đấy là phàm phu. Bị kinh, bị ngôn thuyết xoay chuyển nên đều là tà kiến[1]. Quý vị khởi phân biệt, chấp trước ở nơi đó, suy nghĩ loạn xạ tại nơi đó.
Do vậy, thường có những người học rộng nghe nhiều, chẳng bằng người suốt đời niệm A Di Đà Phật! Người ấy vãng sanh Tây Phương, hoa sen vừa to vừa đẹp; người cả đời học rộng, nghe nhiều, giảng kinh, thuyết pháp, thậm chí vẫn phải trôi nổi trong tam đồ, thua người [chỉ biết niệm Phật] ấy rất xa! Nguyên nhân là ở chỗ nào? Đọc kinh điển quá nhiều, học quá nhiều, quá tạp, chẳng có tín tâm kiên cố đối với Tịnh Độ. Vì kẻ đó biết quá nhiều pháp môn, lúc thì tham Thiền, lúc thì trì giới, lúc thì niệm chú, hoa dạng quá nhiều, quá tạp, đâm ra chẳng thể thành công! Nguyện cũng chẳng thiết, mà hạnh cũng chẳng đắc lực, niệm mấy tiếng A Di Đà Phật tạo thành nhân duyên cho đời sau mà thôi, đời này chẳng thể thành công! Chúng ta phải cảnh giác chuyện này!
Do vậy, thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật thì những thứ khác ta chẳng làm! Những kinh khác ta cũng không xem, giống như Liên Trì đại sư đã nói: “Tam Tạng thập nhị bộ nhượng cấp biệt nhân ngộ, bát vạn tứ thiên hạnh nhiêu dữ tha nhân hành” (Tam Tạng mười hai bộ kinh nhường cho người khác ngộ, tám vạn bốn ngàn hạnh để cho người khác hành). Lão nhân gia cả đời một kinh Di Đà, một câu A Di Đà Phật, là đủ rồi, chuyện gì cũng đều chẳng cần, nên Ngài có thể trở thành tổ sư một đời. Liên Trì đại sư suốt đời niệm Phật, bao nhiêu nghi thức trong Phật môn Ngài đều chẳng biết, bài Lư Hương Tán cũng không biết xướng, nhưng Ngài niệm Phật hiệu rất linh. Truyện ký có ghi chép: Thuở ấy, cả một vùng quanh chùa Vân Thê bị hạn hán, rất lâu trời không mưa, mọi người biết Ngài là một vị cao tăng có đạo đức bèn cầu lão nhân gia thay mặt chúng sanh cầu mưa. Ngài nói: “Tôi chẳng biết cách cầu như thế nào, nhưng người đến đông quá, mọi người đều cầu khẩn, làm sao bây giờ? Được rồi! Tôi hướng dẫn quý vị cùng niệm Phật!” Ngài cầm dẫn khánh hướng dẫn đại chúng, niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, bắt đầu niệm từ cửa chùa đi ra, đi nhiễu quanh bờ ruộng, Ngài đi đến đâu, mưa trút đến đấy, linh dường ấy! Lão nhân gia niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, lòng Thành ắt linh!
Ý nghĩa thứ hai, “pháp nhũ” là trong pháp hội giảng kinh hiện tại của chúng ta, giảng kinh gì vậy? Thưa với quý vị, nhất định phải giảng kinh Di Đà. Nhất định phải giảng pháp môn vãng sanh Tây Phương, chẳng thể giảng chi khác. Giảng những thứ khác sẽ gây rối ren, nhất định phải giảng pháp môn Niệm Phật. Có thể giảng bộ Di Đà Kinh Sớ Sao này, đương nhiên là lý tưởng nhất, đại sư chú giải hết sức chu đáo, tường tận, thấu triệt. Trừ kinh này ra, cộng tu niệm Phật. Đấy là pháp nhũ của chúng ta trong hiện tại. Tỷ dụ này sánh ví rất hay! Trẻ thơ bị dứt sữa một ngày, sẽ chết đói. Chúng ta một ngày không nghe pháp, một ngày chẳng niệm Phật, Pháp Thân huệ mạng của chúng ta cũng bị chết đói. Do vậy, trong mười hai thời Phật hiệu chẳng thể gián đoạn giữa chừng.
Phật lực gia trì, chúng ta mới có thể thật sự tinh tấn chẳng lui sụt. Nếu chẳng có Phật lực mà mong chẳng thoái chuyển, chẳng dễ dàng! Chúng ta mỗi ngày lạy Phật, lạy Phật để làm gì? Cầu Phật, Bồ Tát gia trì, con chẳng muốn bị thoái chuyển, đó là điều khẩn yếu. Còn như hết thảy sự nghiệp thế gian lẫn xuất thế gian, thuận lợi hoặc chẳng thuận lợi, cũng do Phật, Bồ Tát gia trì. Nhất tâm cầu Phật, Phật, Bồ Tát thời thời khắc khắc bảo vệ, gia hộ quý vị; nhưng cảnh giới có thuận, có nghịch, có rất nhiều nghịch cảnh, đang trong lúc ấy chẳng sung sướng gì, nhưng đến cuối cùng hóa ra là chuyện tốt, may là nghịch cảnh lại trở thành Tăng Thượng Duyên to lớn. Nếu chẳng phải là nghịch cảnh, sẽ chẳng thể thành công. Chẳng hạn như cư sĩ Sử Hoằng Hy vãng sanh, nếu cụ cả đời đắc chí, năm nào cũng thăng quan phát tài, cụ sẽ chẳng thể vãng sanh. Cụ suốt đời bất đắc chí, bèn làm sao? Thật thà niệm Phật, niệm đến cuối cùng, biết trước lúc mất, không tật bệnh mà qua đời. Cụ đã thành công, thật sự vãng sanh. Chẳng bị bệnh, trước hôm vãng sanh một ngày bảo với người nhà cụ sắp vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngày hôm sau liền mất. Thông thường, nghịch Tăng Thượng Duyên[2] là động lực thúc đẩy tinh tấn không chi lớn bằng khiến cho người ấy có thể thành công. Từ giảng đài, chúng tôi giới thiệu với quý vị bộ kinh này, cũng là được thần lực của Phật, Bồ Tát gia trì. Nếu không có Phật lực gia trì, chẳng biết sẽ giảng từ đâu. Đấy là chúng ta trong hiện tại được lòng từ của Phật gia bị.
“Hà kỳ ân lực nhi đắc thành lập” (nương nhờ vào ân đức và thần lực [gia trì của Phật] mà được thành lập): Chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này. Nói cách khác, trong cuộc sống thường nhật, từ sáng đến tối, đãi người, tiếp vật những chuyện vụn vặt trong thế gian lẫn xuất thế gian, đều được Phật lực gia trì, nghịch duyên dễ khiến cho chúng ta phản tỉnh quay đầu, thuận cảnh chẳng dễ dàng! Thuận cảnh thì vinh hoa phú quý càng mê càng sâu, nghịch cảnh thường kích thích khiến cho đạo tâm của con người phát khởi. Quý vị phải hiểu: Khổ nạn có thể chướng đạo, nhưng nó chỉ có thể chướng ngại những kẻ thiếu ý chí, chướng ngại kẻ hạ hạ căn, chẳng thể chướng ngại bậc trung căn trở lên. Càng bị vùi dập, càng dũng mãnh, càng tiếp xúc cảnh duyên, [bản lãnh] càng lợi hại, chướng không được! Thế nhưng thuận cảnh không như vậy, thuận cảnh thì ngay cả người căn tánh bậc trung cũng không kham nổi, đắm chìm, mê man trong đó, đọa lạc trong tiếng tăm, lợi dưỡng, tham cầu ngũ dục, lục trần, sức mạnh [mê hoặc] của thuận cảnh chẳng biết lớn gấp bao nhiêu lần nghịch cảnh? Do vậy, tu học Phật pháp, trước hết phải tu từ trong khổ nạn, trước hết tu từ trong nghịch duyên, tu thành công rồi, lại tu trong thuận cảnh.
Trong pháp môn này của Thích Ca Mâu Ni Phật, đại diện cho nghịch cảnh là Tu Bồ Đề (Subhūti). Tu Bồ Đề là Không Sanh: Ngài vừa ra đời, vàng bạc, của cải trong nhà đột nhiên mất hết. Tu học trước hết từ nghịch cảnh, nghịch cảnh là tu Nhẫn Nhục, chịu đựng hết thảy khổ nạn, hết thảy tai hại. Trước hết, học chẳng dấy lên cái tâm sân khuể trong nghịch cảnh. Điều này rất có lý. Sân khuể là địa ngục! Chẳng khởi sân khuể thì trong lục đạo chẳng đọa địa ngục. Trước hết, học lấy bản lãnh này; [tức là] trước hết là học cách chẳng đọa địa ngục. Sau đấy, trong thuận cảnh vẫn phải tu Nhẫn Nhục, nhẫn điều gì? Chẳng khởi tham ái, tâm quý vị mới có thể bình tịnh, mới có thể đạt được thanh tịnh. Hai thứ cảnh giới thuận và nghịch đều chẳng nhiễm thì trong tâm chẳng tiêm nhiễm, đối với hai thứ cảnh giới thuận và nghịch đều chẳng chấp tướng, đều chẳng động tâm thì mới có thể đạt đến nhất tâm bất loạn, mới hòng đắc công phu thành phiến. Do vậy, cảnh giới thuận và nghịch là Tăng Thượng Duyên, chỉ cần chúng ta vận dụng thích đáng!
(Diễn) Ước Lý, tắc tự tánh Di Đà, niệm niệm bất ly, thị từ bi tiếp dẫn. Chân Như bổn giác, nội huân vô minh, thị hoài ngã dĩ thánh thai.
(演) 約理,則自性彌陀。念念不離,是慈悲接引。真如本覺,內熏無明,是懷我以聖胎。
(Diễn: Ước theo Lý thì “niệm niệm chẳng lìa tự tánh Di Đà” là “từ
bi tiếp dẫn”. “Chân Như bổn giác hun đúc vô minh bên trong” là “chứa đựng ta bằng thánh thai”).
Lý này càng sâu hơn! “Tự tánh Di Đà” là A Di Đà trong tự tánh. A Di Đà có nghĩa là vô lượng, trong tự tánh có vô lượng vô biên công đức, vô lượng vô biên trí huệ. Nói theo Lý thì là tự tánh A Di Đà. “Niệm niệm bất ly” là thật, chẳng giả tí nào, niệm niệm đều là [chẳng lìa tự tánh Di Đà]. Quý vị khởi vọng tưởng, suy nghĩ lung tung thì cũng là nó (tự tánh). Nếu không có nó, từ đâu mà quý vị suy nghĩ lung tung? Chẳng qua là quý vị sử dụng sai. Quý vị dùng nó theo mê, chẳng dùng theo giác. Nếu quý vị dùng theo giác, sẽ chẳng khác gì chư Phật, Bồ Tát; đáng tiếc là quý vị mê chứ không giác. Nếu giác ngộ, có gì chẳng phải là A Di Đà? Tất cả đều là! Do vậy, đây là nói theo Lý. Nói theo Lý, chúng ta và đức A Di Đà Phật trong thế giới Tây Phương chẳng khác gì nhau, đích xác là một, chẳng phải hai. Nói theo Sự thì hoàn toàn khác nhau: Ngài là đại triệt đại ngộ, chúng ta là đại mê, đại hoặc, mê hoặc, điên đảo, đấy là chỗ khác nhau!
“Chân Như bổn giác, nội huân vô minh”: Đây cũng là nói theo Lý. Vấn đề là một chữ Chân. Chân là Như, là giác. Nay chúng ta chưa làm được chữ này, chúng ta chẳng chịu dùng Chân. Chân có hay không? Đương nhiên có! Có, nhưng quý vị không dùng, còn có cách nào nữa đây? Chúng ta có chân tâm, nhưng chẳng chịu dùng chân tâm, cứ khăng khăng dùng vọng tâm. Vọng tâm là tâm sanh diệt. Ý niệm của chúng ta sanh khởi, diệt mất, sanh rồi diệt, những ý niệm sanh diệt ấy là vọng tâm, là chẳng thật, chân tâm bất sanh bất diệt. “Như” (如): Là giống hệt nhau, chẳng hai, đó là Như. Mười phương chư Phật Như Lai dùng chân tâm; do vậy, Phật Phật đạo đồng. Nếu chúng ta cũng dùng chân tâm, sẽ giống như mười phương Như Lai, cũng chẳng khác nhau. Kinh Kim Cang giải thích chữ Như Lai như sau: “Như Lai giả, chư pháp như nghĩa” (Như Lai mang ý nghĩa “các pháp đều Như”), hết thảy các pháp, không có pháp nào chẳng Như, không có một pháp nào chẳng phải. Kinh Phật vừa mở đầu liền có câu “như thị ngã văn”, ngàn kinh vạn luận giảng điều gì vậy? Chính là giảng chữ Như. Đối với hai chữ “như thị” trong phần sau sẽ có chú giải. Kinh điển trong Đại Tạng Kinh nhiều dường ấy chính là nhằm chú giải Như là gì, Thị là gì, nhằm giảng hai chữ ấy. Trừ hai chữ ấy ra, đức Phật chẳng giảng bất cứ một câu pháp nào khác, giảng là giảng chữ Như, giảng là giảng chữ Thị. Như chính là Thị.
Do vậy, chỉ cần quý vị dùng chân tâm, vọng tâm sẽ tiêu mất. Vọng tâm là vô minh, “nội huân vô minh”, Chân là chẳng vọng, Thành là chẳng ngụy (dối trá). Nho gia nói đến lòng Thành: Chí thành tâm. Nho gia nói “thành ý, chánh tâm”. Thành ý là Chân Như bổn giác, chánh tâm là “nội huân vô minh”, chẳng khác cách nói của Nho gia. Đấy chính là “thánh thai”, mấu chốt để thành Phật, thành Bồ Tát là ở chỗ này. Thành là gì? Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Tiên sinh Tăng Quốc Phiên có một cuốn bút ký, mang tựa đề Cầu Khuyết Trai Bút Ký. Người thế gian chuyện gì cũng đều mong viên mãn, nhưng tiên sinh giác ngộ, thông minh, cụ cầu điều gì? Cầu thiếu khuyết, không cầu quá viên mãn, viên mãn thì khuyết điểm sẽ xuất hiện. Cụ chẳng cầu viên mãn, mà cầu thiếu khuyết. Chuyện gì cũng khuyết một chút sẽ tốt đẹp; vì thế căn nhà nơi cụ ở đề tên là Cầu Khuyết Trai. Trong bút ký đọc sách của cụ có chú giải chữ Thành như sau: “Nhất niệm bất sanh chi vị Thành” (Một niệm chẳng sanh gọi là Thành). Thành là gì? Một niệm chẳng sanh, đó là Thành, có cùng ý nghĩa với “nhất tâm bất loạn” trong kinh điển của chúng ta; nhất tâm bất loạn là Thành. Tâm nếu nhất sẽ là Thành, khởi ý niệm là nhị tâm, lại khởi thêm một niệm nữa bèn là tam tâm. Chúng ta thường nói thông tục là “tam tâm, nhị ý”.
“Tam tâm, nhị ý” là thuật ngữ trong Phật pháp. “Tam tâm” là nói tâm, ý, thức, “nhị ý” là nói tới Mạt Na Thức và Ý Thức (thức thứ sáu). Mạt Na (Manas-vijñāna) là Ý Căn, thức thứ sáu là Ý Thức, đấy là nhị ý. Tam tâm: Thức thứ tám là tâm, thức thứ bảy và thức thứ sáu đều có thể gọi là “tâm”. Hiện thời, chúng ta dùng tam tâm nhị ý, chẳng dùng nhất tâm. Dùng nhất tâm là Chân Như, là Bổn Giác. Tôi muốn sớm có ngày thành Phật, hy vọng con đường thành Phật của tôi chẳng có chướng ngại, phải làm như thế nào mới thành công? Đối người, đối sự, đối vật, phải dùng chân tâm thì mới được. Đối với người thân yêu của quý vị, đối với người quý vị chán ghét, đối với oán gia đối đầu, đều dùng chân tâm, quyết chẳng cái tâm thứ hai thì quý vị là Phật, là Bồ Tát. Nếu quý vị đối đãi hết thảy mọi người vẫn còn có phân biệt, người này đối với ta còn khá lắm, người nọ ta hơi ghét hắn một chút, mỗi ngày quý vị niệm Phật mười vạn tiếng, nhưng vẫn là phàm phu trong sanh tử, chính là như cổ đức đã nói “gào rách toạc cuống họng cũng uổng công”, vô ích!
Phật, Tổ dạy chúng ta niệm Phật, dạy chúng ta niệm đến mức nhất tâm bất loạn. Trong miệng chúng ta tuy niệm Phật, nhưng vẫn dùng tam tâm nhị ý, chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật, chẳng khởi tác dụng! Do vậy, quý vị niệm Phật hiệu, nhất định phải đắc lực. Đắc lực là gì? Tâm thanh tịnh, vọng niệm ít, dùng nhất tâm để xử sự thì Phật hiệu đắc lực. Nếu trong mười hai thời, Phật hiệu luôn chẳng gián đoạn, nhưng thấy sắc nghe tiếng vẫn phân biệt, vẫn chấp trước, sẽ hoàn toàn thất bại. Chúng ta niệm Phật muốn thật sự thành tựu, phải sửa trừ những thói tật này của chính mình. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, phân biệt, chấp trước, vọng tưởng đều là những căn bệnh lớn căn bản, phải sửa trừ chúng, niệm niệm đều quy về A Di Đà Phật, đó là “thánh thai”.
(Diễn) Phục tác cảnh giới chi tánh, dẫn phát hiện hành, thị tự ngã dĩ pháp nhũ.
(演) 復作境界之性,引發現行,是飼我以法乳。
(Diễn: Lại làm cho tánh cảnh giới dẫn phát hiện hành; đấy là “nuôi nấng ta bằng sữa pháp”).
“Tánh” là thể tánh, mức độ ý nghĩa của hai câu này khá sâu. “Cảnh giới” là sáu trần bên ngoài, bên trong là lục căn và lục thức. Toàn bộ những thứ ấy đều thuộc về cảnh giới. Trong khi lục căn của chúng ta tiếp xúc sáu trần, quý vị có thể thấy được tánh cảnh giới thì tốt lắm. Kinh Lăng Nghiêm nói “bỏ Thức dùng Căn”, rất nhiều đồng tu đến hỏi tôi: “Bỏ Thức dùng Căn như thế nào?” Qua kinh điển, chúng tôi đã giảng rất rõ ràng, giải đáp cũng rất minh bạch, quý vị có biết dùng không? Chắc chắn là chẳng biết dùng! Vì sao? Biết dùng sẽ chẳng đến hỏi tôi! Đến hỏi tôi tức là vẫn chưa biết dùng. Đây là đạo lý nhất định. Làm như thế nào mới có thể thấy được Sắc tánh? Quý vị dùng tánh Thấy để thấy Sắc tánh, dùng tánh Nghe để nghe Thanh tánh. Những thứ ấy chẳng gọi là lục trần, mà gọi là lục tánh. Thiền gia nói “minh tâm kiến tánh” là nói về cảnh giới này. Minh tâm là thành tâm (tâm chân thành), tức là nhất tâm. Quý vị phải hiểu: Nhất tâm là minh, nhị tâm là vô minh, là mê, là chẳng minh. Nhất tâm là minh; do vậy, nhất tâm thấy Sắc bên ngoài, sẽ thấy được Sắc tánh, chẳng phải Sắc trần. Sắc trần là gì? Trần (塵) có nghĩa là ô nhiễm; tánh chẳng ô nhiễm. Dùng nhất tâm để nghe, sẽ nghe Thanh tánh, chẳng phải là Thanh trần. Chỉ cần quý vị có thể dùng nhất tâm thì lục trần biến thành lục tánh, lục tánh là nhất tâm. Do vậy, gọi là minh tâm kiến tánh,“dẫn phát hiện hành” là kiến tánh. Kiến tánh chính là “tự ngã dĩ pháp nhũ” (dùng sữa pháp nuôi nấng ta), đây là nói theo mặt Lý. Nói theo Lý thì lại sợ quý vị vẫn chưa có cách nào để thấu hiểu; tiếp theo đây, [sách Diễn Nghĩa] thuyết minh cụ thể, hy vọng quý vị sẽ hiểu rõ, hy vọng quý vị có thể áp dụng vào cuộc sống hiện thực.
(Diễn) Chiết toàn phủ ngưỡng, xuyên y, ngật phạn, bất ly giá cá, thị hà kỳ ân lực nhi đắc thành lập dã.
(演) 折旋俯仰,穿衣吃飯,不離這個,是荷其恩力而得成立也。
(Diễn: Bẻ, xoay, cúi, ngửa, mặc áo, ăn cơm, chẳng rời điều này là “do nhờ vào ân lực mà được thành lập”).
“Chiết toàn phủ ngưỡng” là nói tới động tác, động tác rất tự tại. “Mặc áo, ăn cơm” là chuyện bình thường. “Giá cá” (cái này) là tự tánh Di Đà, là Chân Như bổn tánh.
(Diễn) Cổ vân: “Dã lão phụ tân quy, thôn phụ liên tiêu chức, khán tha gia sự mang, thả đạo bằng thùy lực? Vấn ông, ông bất tri, vấn cừ, cừ bất thức. Ta tai, kim cổ nhân, kỷ cá tri ân đức”.
(演) 古云:野老負薪歸,村婦連宵織,看他家事忙,且道憑誰力?問翁翁不知,問渠渠不識。嗟哉今古人,幾個知恩德!
(Diễn: Cổ nhân nói: “Lão tiều gánh củi về, mụ quê suốt đêm dệt, thấy họ bận việc nhà, hỏi nhờ vào sức ai? Hỏi ông, ông chẳng biết, hỏi mụ, mụ không hay. Than ôi, người xưa nay, mấy ai biết ân đức”).
“Dã lão phụ tân quy” (lão tiều gánh củi về) là nói người đẵn củi, hiện tại không thấy nữa. Hiện thời ngay trong làng quê cũng chẳng có ai đẵn củi. “Thôn phụ liên tiêu chức” (Người đàn bà nhà quê thức suốt đêm dệt vải), tỷ dụ cuộc sống bận bịu: Chồng đi ra ngoài đẵn củi, bán củi, vợ ở nhà dệt vải, thức suốt đêm để dệt. Đủ thấy cuộc sống siêng năng, nhọc nhằn. “Khán tha gia sự mang”(Thấy họ bận việc nhà), suốt này từ sáng đến tối bận tíu tít, “thả đạo bằng thùy lực” (bèn hỏi nhờ vào sức ai): Suốt ngày từ sáng đến tối bận bịu, ai đang bận? Sức đâu khiến quý vị cử động? “Vấn ông, ông bất tri, vấn cừ, cừ bất thức” (hỏi ông, ông chẳng biết; hỏi mụ, mụ không hay). Ý nghĩa này đã hiển thị rồi, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới có pháp nào chẳng phải là tự tánh Di Đà, Chân Như bổn giác? Pháp nào cũng đều là, pháp nào cũng đều Như, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Mấu chốt là giác hay mê. Nói cách khác, giác hay mê nói cho nhiều, quý vị cũng nghe như gió thoảng bên tai. Chúng ta thay đổi danh từ, vẫn là cùng một chuyện, nhất tâm và loạn tâm (tam tâm, nhị ý). Bất luận là nhất tâm hay tam tâm nhị ý, nói chung, chẳng lìa điều này. Do vậy, thành Phật là do nó, mà biến thành súc sanh, đọa địa ngục vẫn do nó, không có ai khác, đều là do Chân Như bổn tánh của chính mình!
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nguyên y nhất tinh minh, phân thành lục hòa hợp” (vốn là một cái trong trẻo, sáng suốt tuyệt diệu, mà chia thành sáu thứ hòa hợp)[3], là một, không hai. Ví như điện, điện do công ty điện lực truyền ra là một, chúng ta truyền điện vào đèn nó sẽ tỏa sáng, truyền vào cái máy này nó sẽ khuếch đại âm thanh, nhưng đều là nó cả! Tất cả máy móc chạy bằng điện mà chúng ta sử dụng chỗ này đều là một thứ “nhất tinh minh”, cũng chia thành vô lượng vô biên tác dụng. Quý vị phải hiểu: “Nhất” chính là nhất tâm của quý vị. Tất cả hết thảy hoạt động, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới toàn là tác dụng của nó, giống như nay chúng ta nói tới “điện khí hóa”. Nguyên lý là một thứ, nói thật ra, điện ngày nay vẫn là một trong vô lượng công đức của Chân Như bổn tánh. Do điều này, chúng ta mới thật sự hiểu nhất tâm đáng quý, nhất tâm là cội nguồn, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới có cội nguồn căn bản là nó.
Trong tất cả các pháp môn, tiến nhập căn nguyên này một cách trực tiếp, ngắn gọn, thỏa đáng chính là bộ kinh Di Đà này, mục tiêu của kinh là “nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo”. Thiền gia nói “tu từ căn bản”, căn bản của mọi thứ căn bản là niệm Phật. Vì thế, pháp môn Niệm Phật được gọi là “kính trung kính hựu kính” (con đường tắt hơn những con đường tắt nhất trong những con đường tắt). Đạo lý là ở chỗ này. “Kính” (徑) là trực tiếp, là đường tắt, Đại Thừa là đường tắt. Thiền Tông là con đường tắt nhất trong những con đường tắt, niệm Phật lại là đường tắt hơn nữa trong các con đường tắt nhất, không có gì trực tiếp hơn được, không có đường nào trực tiếp bằng nó. Quý vị hiểu rõ chân tướng sự thật này thì quý vị mới chết sạch những tâm niệm so đo, khăng khăng niệm một câu A Di Đà Phật đến tột cùng, mới có thể thật sự buông xuống vạn duyên. Không chỉ buông xuống hết thảy vạn duyên trong thế gian mà Phật pháp cũng buông xuống, ngàn kinh, muôn luận, vô lượng pháp môn thảy đều buông xuống, niệm một câu Di Đà này đến tột cùng, vì sao? Nó là cách tu trực tiếp, thỏa đáng để tu căn nguyên.
(Sớ) Cù lao chi đức, hạo thiên võng cực, nhi nãi bạn khí bổn sanh, minh linh dị tánh, duy ưng hoài mộ chung thân, tả hữu vô phương, định tỉnh bất vi nhi dĩ.
(疏) 劬勞之德,昊天罔極,而乃叛棄本生,螟蛉異姓,惟應懷慕終身,左右無方,定省不違而已。
(Sớ: Ân đức cù lao, trời cao mênh mông khôn sánh, thế mà ngỗ nghịch, vứt bỏ đấng sanh ra mình, làm con nuôi cho kẻ khác họ, chỉ nên nhớ tưởng, ngưỡng mộ suốt đời, phụng dưỡng mọi lẽ, sáng thăm, tối viếng, chẳng trái nghịch mà thôi).
Mấy câu này là nói tỷ dụ, dẫn dụng lời trong kinh Thi[4]. “Cù lao chi đức”: Sánh ví A Di Đà Phật như từ phụ của chúng ta. Trong phần trên đã có nói: Phật Di Đà hằng ngày mong ngóng chúng ta quay đầu, ngóng chờ chúng ta vãng sanh, nhưng chúng ta tự mình mê hoặc, điên đảo, cô phụ Phật ân. “Minh linh dị tánh”: “Minh linh”[5] là con nuôi, chẳng phải do chính mình sanh ra. Quan hệ giữa A Di Đà Phật và chúng ta giống như cha mẹ ruột [đối với con cái], chẳng phải là con nuôi, mà là do chính mình đẻ ra. Câu “minh linh dị tánh” sánh ví điều gì? Tỷ dụ từ bổn tánh, một niệm bất giác dấy lên vô minh, biến thành tám thức, giống như sâu minh linh làm con nuôi [cho tò vò]. Chúng ta hiện đang bị vô minh xoay chuyển, biến hiện thành cảnh giới gì vậy? Sáu nẻo luân hồi; nơi cái gốc sanh thành chẳng có lục đạo luân hồi, cái gốc sanh thành Nhất Chân pháp giới.“Minh linh dị tánh” tỷ dụ chúng ta nay đang mê hoặc, điên đảo, luân hồi trong sáu nẻo, “bạn khí bổn sanh” (ngỗ nghịch, vứt bỏ đấng sanh ra mình, tức là chống trái vứt bỏ bổn tánh), “bổn sanh” là Chân Như bổn tánh, trái nghịch Chân Như bổn tánh, trái nghịch tánh giác, xuôi theo trần lao, đấy là hiện tượng của chúng ta trong hiện thời.
Hai câu kế tiếp nhằm khuyên lơn chúng ta “duy ưng hoài mộ chung thân” (chỉ nên suốt đời nhớ tưởng, ngưỡng mộ): Nếu chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật này, chẳng thể nào nói tới hai chữ “hoài mộ”. Càng lý giải sâu đậm thì tâm hoài mộ càng thiết tha. “Hoài” (懷) là nhớ nhung trong lòng, niệm niệm chẳng quên. “Mộ” (慕) là ngưỡng mộ. “Chung thân” là cho đến chết. Chúng ta hoài niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngưỡng mộ những vị thượng thiện nhân vãng sanh Tịnh Độ, họ đã đến đó. Bản thân tôi học Phật ba mươi mấy năm, nghe tin mấy vị vãng sanh. Lần thứ nhất được nghe là do cư sĩ Từ Tỉnh Dân kể chuyện cụ Lý Tế Hoa vãng sanh, biết trước lúc mất, không bệnh gì mà qua đời. Cụ tới giảng khai thị tại Niệm Phật Đoàn, giảng xong một tiếng rưỡi, bảo mọi người cụ muốn về nhà, bước xuống bục giảng, ngồi trên sofa, vãng sanh tại đó. Nhà của cụ ở Tây Phương Cực Lạc thế giới, trở về nhà rồi! Đấy là biết trước lúc mất, đã sớm báo với các bạn bè. Chuyện thứ hai là do pháp sư Sướng Hoài kể với tôi, chuyện này cũng không giả, là chuyện xảy ra hồi năm ngoái. Lần này, tôi ở Los Angeles, được cư sĩ Châu Tuyên Đức kể cho tôi nghe, chuyện cũng chẳng giả, là chuyện xảy ra trước đây một tuần. Những vị vãng sanh ấy đều không bị bệnh, biết trước lúc mất, chúng ta hoài niệm, ngưỡng mộ họ. Trong tương lai chúng ta vãng sanh, nếu bị bệnh một trận, vẫn cần mọi người trợ niệm, thì chúng ta chẳng bằng họ, người ta không bị bệnh, chẳng cần người khác trợ niệm.
Có một năm tôi ở Phật Quang Sơn, có một công nhân kể cho tôi nghe một câu chuyện. Ông ta là người làng Tướng Quân, trong làng quê của ông ta có một bà cụ, suốt đời làm lành, lễ Phật, nhưng chưa từng đi học, ngược ngạo coi thần Thổ Địa cũng là Bồ Tát, Thành Hoàng Gia cũng là Bồ Tát, lễ bái khắp nơi. Ba năm trước, bà ta cưới dâu cho con trai. Con dâu là tín đồ Phật giáo, thông hiểu Phật pháp, bèn bảo bà ta đừng lạy thần, khuyên bà ta chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Bà cụ niệm suốt ba năm, khi vãng sanh bèn đứng vãng sanh, cũng là không bệnh tật mà mất. Bà cụ trọn chẳng nói trước với người nhà, khi ăn cơm tối, cụ bảo: “Ta cần tắm rửa”, bảo con trai và con dâu cứ ăn cơm trước, đừng đợi bà cụ, dặn dò như thế đó. Con trai, con dâu rất hiếu thuận, cứ thật thà đợi, đợi rất lâu chẳng thấy cụ bước ra, vào nhà tắm tìm cụ thì cụ không ở trong nhà tắm, cũng chẳng ở trong phòng, rốt cuộc khi đến Phật đường thì thấy cụ đứng tại đó, đã vãng sanh rồi. Người công nhân ấy bảo tôi: “Niệm Phật vãng sanh là thật, chẳng giả tí nào!” Chúng ta chẳng những hoài niệm, ngưỡng mộ A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, mà còn hoài niệm, ngưỡng mộ những vị thượng thiện nhân thật sự vãng sanh trong hiện tại, họ là gương mẫu, là điển hình cho chúng ta.
Tôi ở Cựu Kim Sơn, Cam cư sĩ kể cho tôi nghe một chuyện vãng sanh: Một người họ hàng của bà ta ngồi niệm Phật qua đời, biết trước lúc mất, trước đó đã may sẵn cho người lớn, kẻ nhỏ trong nhà mỗi người một bộ áo tang, nhưng người trong nhà đều không biết. Cụ vãng sanh vào một buổi sáng sớm, người nhà đẩy cửa phòng bà cụ vào xem, thấy cụ ngồi trên giường, không còn thở nữa, xem lại thì thấy áo tang đã bày hết ra trước mặt, tự mình đã chuẩn bị hết thảy hậu sự chu đáo, con cháu khỏi phải bận lòng, rất tuyệt!
Do vậy, nhất định phải buông xuống các duyên trong cõi đời, chúng chẳng có gì là tốt đẹp cả. Trong thế gian này, chúng ta ăn no, mặc ấm là đủ rồi, chẳng cần phải tích cóp. Tích cóp là tai nạn, tích cóp là ma chướng, chướng đạo, chướng ngại cái tâm thanh tịnh của quý vị. Tiên sinh Tăng Quốc Phiên nói: “Cầu khuyết, chẳng cầu viên mãn”. Áo thiếu một chút, ăn uống cũng khuyết một chút, thứ gì cũng đều khuyết một chút, là vì khuyết một chút, quý vị sẽ chẳng lưu luyến thế giới này, quý vị sẽ luôn nghĩ: “Ta nhanh chóng về Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn tốt hơn”. Thứ gì cũng đều rất viên mãn thì quý vị không bỏ đi được, chuyện này chẳng tốt! Do vậy thứ gì cũng đều khuyết một chút mới tốt, thời thời khắc khắc kích thích ý niệm vãng sanh của quý vị.
“Tả hữu vô phương, định tỉnh bất vi”. Tôi nêu ý nghĩa [của câu thành ngữ] được đại sư trích dẫn, chứ không nói tới ý nghĩa gốc của thành ngữ[6], trong lời chú giải có nêu ý nghĩa gốc ấy.“Định tỉnh” là niệm Phật. “vô phương” là niệm Phật chẳng có một phương pháp nhất định nào. Quý vị thích niệm như thế nào bèn niệm như thế ấy, chỉ cần niệm đến mức tâm thanh tịnh là đắc lực. Có người hỏi: “Niệm bốn chữ hay là niệm sáu chữ? Niệm một âm hay là niệm bảy âm?”[7] Toàn là những chuyện chẳng ra đâu vào đâu cả! Vì sao? Đó là phương pháp, phương pháp không nhất định, niệm lớn tiếng cũng được, niệm nhỏ tiếng cũng xong, niệm thầm cũng được, niệm Kim Cang Trì cũng hay, không nhất định! Nói chung là [phải tuân thủ] một nguyên tắc: Phải niệm sao cho thân tâm tự tại. Điểm này rất quan trọng, phải niệm đến nhất tâm bất loạn.
Nếu khi niệm Phật mà khởi phân biệt, chấp trước thì đều là sai lầm. Cách niệm của tôi khác với cách niệm của người ta, đừng khởi lên tranh chấp. Tôi niệm cách này, tôi đắc nhất tâm, người khác niệm cách của họ đắc nhất tâm thì đều là vô lượng công đức, không nhất định cách tôi niệm là đúng, cách người khác niệm là sai! Cũng có thể là người ta niệm đúng, tôi niệm trật, vì sao? Người ta niệm Phật chẳng khởi tâm phân biệt, tôi niệm Phật khởi phân biệt, “tôi đúng, kẻ khác sai”, tôi trật lất rồi! Tôi nhị tâm, chẳng còn là nhất tâm nữa! Nhất là khi đại chúng cùng niệm Phật thì thường có khi pháp khí gõ trật nhịp, mọi người sanh phiền não. Vì sao người ấy sanh phiền não? Là vì niệm bằng tam tâm nhị ý, đương nhiên người ấy sanh phiền não. Nếu người ấy nhất tâm niệm, quý vị gõ sai như thế nào đi nữa, người ấy cũng không nghe, nhất tâm mà! Trong nhất tâm chẳng có đúng hay sai, tam tâm nhị ý mới có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng; đấy là điều rất khẩn yếu!
(Diễn) Ước Lý, tắc niệm niệm hồi quang phản chiếu, tùy thuận Chân Như. Ước Sự, tắc tùng sanh chí lão, hành, trụ, tọa, ngọa, túc hưng dạ mị, nhất cú Di Đà vô gián đoạn dã.
(演) 約理,則念念迴光反照,隨順真如。約事,則從生至老,行住坐臥,夙興夜寐,一句彌陀無間斷也。
(Diễn: Ước theo Lý, niệm niệm hồi quang phản chiếu, tùy thuận Chân Như. Ước theo Sự, từ lúc sanh ra cho đến khi già, đi, đứng, nằm, ngồi, sáng dậy, tối ngủ, một câu Di Đà chẳng gián đoạn).
Đây chính là “tả hữu vô phương, định tỉnh vô vi”. Nay chúng tôi trong một tiếng rưỡi giảng đôi chút như vậy, nhưng điều này thật sự hết sức quan trọng đối với sự dụng công niệm Phật của chúng ta, nhất là chúng ta đã thấy những tấm gương vãng sanh tự tại nhiều như thế. Trước kia, chúng ta nghe nói cư sĩ Vương Long Thư đứng vãng sanh. Quý vị xem cuốn Long Thư Tịnh Độ Văn, phía trước có một bức vẽ, ấy là hình vẽ ông ta vãng sanh, đứng vãng sanh! Ông Vương Đả Thiết ở Hành Châu cũng đứng vãng sanh, biết trước lúc mất, nhưng thời gian niệm Phật không lâu, niệm ba năm thôi! Niệm ba năm mà có thể biết trước lúc mất, không bệnh tật qua đời, lại còn đứng vãng sanh, chẳng dễ dàng! Lại thưa cùng quý vị, buông xuống được thì [vãng sanh] chẳng khó, chứ buông xuống không được thì [vãng sanh] khó lắm! Quá ư là khó! Vấn đề là quý vị có chịu buông xuống hay không, chịu nhất tâm hay không? Chỉ cần quý vị nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật là quý vị thành tựu, niệm trong thời gian ba năm là đủ rồi!
Do vậy, hiện thời tôi không làm chuyện gì khác, chuyên niệm A Di Đà Phật. Vì sao? Tôi biết tôi cũng chẳng còn mấy năm, đấy là tính toán cho chính mình, hết sức khẩn yếu. Trước kia còn có thể giảng cho quý vị những kinh luận khác, đàm huyền, thuyết diệu, hiện thời không làm chuyện ấy nữa, nhất tâm nhất ý chuẩn bị vãng sanh. Nếu trong tương lai, tôi không vãng sanh, còn thua kém những người ấy, đúng là chuyện khó chấp nhận được! Hy vọng trong tương lai, khi tôi vãng sanh, kinh đã giảng xong, mọi người niệm Phật, tôi xin nghỉ, ra đi như vậy đó, tự tại xiết bao! Cổ nhân đã có trường hợp vãng sanh ngay trên giảng đài, tôi cũng hy vọng trong tương lai vãng sanh trên giảng đài. Hôm nay tôi giảng đến chỗ này, đến đây là hết một đoạn.
Tập 40
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm mươi:
Tam, nguyên kỷ thích kinh.
(Tự) Nhưng dĩ tâm hoài kiêm lợi, đạo quý hoằng thông, khái cổ sớ tiển kiến kỳ toàn, duy sổ giải cẩn hành ư thế, từ tuy thiết nhi thái giản, lý vi lộ nhi bất chương, bất cực luận kỳ hoằng công, trù phát khởi hồ chân tín, đốn vong phu kiến, ký kiệt tâm tư, tổng thâu bộ loại ngũ kinh, trực cứ Văn Thù nhất hạnh, nhi phục hội quy huyền chỉ, tắc phần nhập Tạp Hoa, quán xuyên chư môn, tắc bác tổng quần điển, vô nhất bất tiêu quy tự kỷ, hữu nguyện giai hồi hướng Bồ Đề, triển thử tinh thành, khất cầu gia bị.
三、原己釋經
(序) 仍以心懷兼利,道貴弘通,慨古疏尠見其全,惟數解僅行於世,辭雖切而太簡,理微露而不彰,不極論其宏功。儔發起乎真信,頓忘膚見,既竭心思,總收部類五經,直據文殊一行,而復會歸玄旨,則分入雜華,貫穿諸門,則博綜群典,無一不消歸自己,有願皆回向菩提,展此精誠,乞求加被。
(Ba, nêu lý do vì sao mình chú giải kinh này.
Tựa: Do tâm vẫn nặng lòng làm lợi cho người khác, đạo quý ở chỗ được lưu truyền rộng rãi. Cảm khái những bản sớ giải cổ ít thấy có bộ nào còn trọn vẹn, chỉ thấy vài bản chú giải ít ỏi được lưu hành trong cõi đời. [Những bản chú giải ấy] từ ngữ tuy thiết thực, nhưng quá đơn giản, lý được hé lộ đôi chút, nhưng chưa nêu rõ ràng, chẳng luận đến cùng cực công đức to lớn của bộ kinh này, làm sao phát khởi lòng tin chân thật nơi mọi người? [Do vậy, tôi bèn] mau chóng quên mình kiến giải hời hợt, dốc cạn tâm tư, gồm thâu năm bộ kinh cùng bộ, cùng loại, trực tiếp dựa trên Nhất Hạnh của ngài Văn Thù, dung hội về tông chỉ huyền nhiệm, có đôi phần dung nhập kinh Hoa Nghiêm, xuyên suốt các pháp môn, tổng hợp rộng khắp các sách vở, không gì chẳng nhằm tiêu trừ mọi kiến giải phân biệt, kết quy tự tánh. Có nguyện nào cũng đều hồi hướng Bồ Đề, giãi bày tấm lòng tinh thành này, cầu xin [Tam Bảo] gia bị).
Đoạn này có ý nghĩa hết sức trọng yếu, có thể nói là đại sư đã xác định một cách rất đơn giản nhưng trọng yếu địa vị của kinh Di Đà trong toàn bộ giáo pháp suốt một đời Thích Ca Như Lai. Do vậy, đoạn văn này hết sức khó có. Trước đoạn văn này, chúng ta đã thấy đại sư viết một đoạn vô cùng khiêm hư, quyết chẳng dám nhận mình là hạng trí huệ nhạy bén, căn cơ viên đốn. “Thích kinh” là viết chú giải cho bộ kinh này. Đã là một người rất tầm thường, làm sao có thể viết một bộ chú giải như thế này? Do vậy, nay Ngài nêu ra dụng ý viết chú giải kinh này của chính mình. Tuy [Ngài tự nhận mình] rất tầm thường, rất ngu, nhưng tấm lòng tự lợi, lợi tha chẳng kém Bồ Tát, hoàn toàn chẳng khác gì Bồ Tát. Tuy trí huệ và căn tánh chẳng bằng các vị đại Bồ Tát, nhưng tâm tự lợi, lợi tha, hoàn toàn chẳng kém các vị đại Bồ Tát. Vừa mở đầu, Ngài liền viết “nhưng dĩ tâm hoài kiêm lợi” (do tâm vẫn nặng lòng làm lợi cho người khác), Liên Trì đại sư tự nói rõ: Tâm Ngài vẫn nhằm tự lợi và lợi tha, chính mình đã thấy được lợi ích thù thắng, nhất định muốn tạo lợi ích cho người khác, đấy là hành Bồ Tát đạo. “Đạo quý hoằng thông” (đạo quý ở chỗ được lưu truyền rộng rãi), chữ “đạo” chỉ pháp môn Niệm Phật.
(Diễn) Tâm thị đại sư phổ tâm.
(演) 心是大師普心。
(Diễn: Chữ “tâm” [trong lời tựa] chỉ cái tâm rộng khắp của đại sư).
“Phổ tâm” là tâm lợi ích trọn khắp đại chúng, mỗi người chúng ta phải học theo cái tâm này. Có rất nhiều đồng tu thường nói: “Chúng tôi nghiệp chướng rất nặng, hằng ngày cầu tiêu nghiệp chướng”. Nghiệp chướng có thể tiêu được hay không? Khá khó khăn! Cội nguồn của nghiệp chướng là gì? Quý vị tìm ra nó, sau đó sẽ tiêu trừ từ chỗ ấy, dẹp trừ nghiệp chướng từ căn bản, đừng tiêu trừ từ cành nhánh, khổ lắm! Khó khăn lắm! Chẳng thể tiêu hết được! Cội nguồn của nghiệp chướng là tự tư tự lợi; kẻ tự tư tự lợi thì nghiệp chướng nào cũng có. Có thể sửa trừ cái tâm tự tư tự lợi của chính mình, khởi tâm động niệm luôn nhằm lợi ích hết thảy chúng sanh thì nghiệp chướng của quý vị sẽ bị dẹp trừ tận gốc, chẳng còn nghiệp chướng nữa. Vì sao nói “không còn nghiệp chướng?” Không có ngã! Không có ngã thì làm sao có nghiệp chướng? Còn có gì để chướng ngại nữa đây? Đó gọi là “dẹp trừ tận gốc”. Nếu chuyện gì trước hết cũng nghĩ có lợi ích cho mình hay không thì nghiệp chướng của quý vị làm cách nào cũng chẳng tiêu được! Mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu cũng uổng công! Hằng ngày lạy Lương Hoàng Sám, dập đầu đến nứt trán, nghiệp chướng vẫn chẳng tiêu! Nếu có thể mở rộng cái tâm, khởi tâm động niệm luôn nghĩ làm lợi ích hết thảy chúng sanh, căn bản là chẳng nghĩ đến chính mình thì quý vị cũng chẳng cần niệm Phật, cũng chẳng cần lễ Phật mà nghiệp chướng hoàn toàn không có! Đấy là lời thật, phải sửa lỗi, đổi mới. Căn nguyên của lầm lỗi là do tự tư, tức là chuyện gì cũng nghĩ tới mình, đó là gốc bệnh!
Do vậy, Phật pháp từ đầu đến cuối là phá Ngã Chấp. Vì sao trong quá trình tu học lại dạy quý vị phát nguyện hồi hướng? Hồi hướng là đem hết thảy công đức và phước đức do quý vị đã tu, đã học ban cho người khác, chính mình không cần đến, đều vì người khác mà tu, chẳng phải vì chính mình mà tu. Nói cách khác, phải quên đi chính mình, đây là phương pháp phá Ngã Chấp tuyệt diệu trong Đại Thừa, mở rộng cái Ngã, mở rộng hòng biến đổi nó, khiến cho cái Ngã nhỏ nhoi chẳng còn nữa. Ngã là gì? Tận hư không khắp pháp giới là Ngã, nghĩ cho hết thảy chúng sanh chính là nghĩ cho mình, nghĩ cho mình thì phải nghĩ cho hết thảy chúng sanh, đấy là tiêu nghiệp chướng. Chỗ thù thắng của đại sư là tâm Ngài trọn khắp, quyết chẳng tự tư tự lợi.
(Diễn) Đạo thị Phật pháp đại đạo.
(演) 道是佛法大道。
(Diễn: “Đạo” là Phật pháp đại đạo).
Từ ngữ “đại đạo” chỉ đạo niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ; phải hoằng dương, phải lưu thông đạo này. “Thông” (通) là lưu thông, thông đạt mười phương, phải phổ biến, tuyên dương, viết thành sách. Chẳng những có thể thông đạt mười phương, mà còn lưu truyền ba đời, truyền từ đời này sang đời khác. Đại sư cách chúng ta hơn năm trăm năm, mà kinh bổn này vẫn còn lưu truyền trong thế gian, đoạn văn này nhằm nói rõ vì sao Ngài phải viết chú giải: Viết bản chú giải này là do đạo lý này. Đấy là bổn ý của Ngài.
Có cần phải viết chú giải hay không? Trong phần sau sẽ nói, quả thật là cần thiết, vì sao? “Khái cổ sớ tiển kiến kỳ toàn” (Cảm khái vì những bản chú giải cổ ít thấy bộ nào trọn vẹn), “khái” (慨) là cảm khái. Kinh Di Đà từ xưa đến nay đã có không ít người viết chú giải, nhưng thời cổ chưa phát minh kỹ thuật ấn loát, sách vở đều chép bằng tay, số lượng hữu hạn, rất dễ bị thất lạc. Tuy người chú giải rất nhiều, nhưng truyền lại rất ít. Nay chúng ta thấy trong Đại Tạng Kinh, chú giải kinh Di Đà không nhiều, chẳng được mấy thứ, được truyền lại không nhiều, nhưng những bản chú giải cổ ấy rất đơn giản. Tuy chúng ta xem, cũng chẳng có cách nào khai quật những nghĩa lý được ẩn tàng trong bộ kinh này.
(Diễn) Tiển kiến kỳ toàn giả, cổ lai phi vô diệu sớ.
(演) 尠見其全者,古來非無妙疏。
(Diễn: “Ít thấy bộ nào trọn vẹn”: Từ xưa đến nay, không phải là chẳng có những bộ sớ giải hay).
“Tiển” (尠) là ít ỏi, chẳng dễ gì thấy [những bộ chú giải tồn tại] nguyên vẹn. “Diệu sớ” là những bản chú giải hay, từ cổ đến nay quả thật là có những bộ sớ hay.
(Diễn) Đản ư đoạn giản tàn biên[8], lược kiến nhất, nhị, tiển kiến toàn văn dã.
(演) 但於斷簡殘編,略見一二,尟見全文也。
(Diễn: Nhưng bị đứt đầu, đứt đuôi, thiếu sót, chỉ thấy đại lược một hai phần, ít thấy có bộ nào còn giữ được toàn bộ nội dung).
Truyền lại cũng rất nhiều, nhưng chẳng trọn vẹn, bị thất lạc [nhiều chương, nhiều đoạn].
(Diễn) Sổ giải cẩn hành giả, duy Hải Đông sớ, Việt Khê giải, Đại Hựu lược giải nhi dĩ.
(演) 數解僅行者,惟海東疏、越溪解、大佑略解而已。
(Diễn: “Chỉ có mấy bản chú giải ít ỏi được lưu hành”: Chỉ có bản sớ giải của ngài Hải Đông[9], bản chú giải của ngài Việt Khê[10], bản lược giải của ngài Đại Hựu[11] mà thôi).
Ở đây chỉ nêu ra ba thứ, còn có mấy thứ nữa, nhưng vẫn là chẳng nhiều. Trong Đại Tạng Kinh chỉ có mấy loại, mấy loại ấy đúng như đại sư đã nói: “Từ tuy thiết nhi thái giản” (từ ngữ tuy thiết thực, nhưng quá đơn giản), chú giải khá đơn giản, nhưng thiết yếu, có thể nói là hữu ích đối với người thông đạt giáo nghĩa, tu hành lâu năm, nhưng đối với kẻ sơ học, chẳng dễ gì khiến cho họ tin tưởng và tiếp nhận pháp môn này, vì sao? Giảng chưa thấu triệt, chỉ là nêu ra cương lãnh một lượt, không giảng cặn kẽ, không thâm nhập thảo luận, kẻ sơ học chẳng dễ gì đạt được lợi ích.
“Lý vi lộ nhi bất chương” (hơi hé lộ Lý nhưng chưa phô bày rõ ràng). “Chương” (彰) là rành rành, đã hé lộ đôi chút những đạo lý được giảng trong kinh, nhưng chẳng rõ ràng cho lắm. Đây là nói về tình hình của những bản chú giải của cổ nhân. Vì vậy, tất yếu phải viết bản chú giải mới. Đại sư nêu lý do vì sao Ngài tự viết Sớ Sao. Nếu cổ nhân đã viết rất hay thì hiện thời chúng ta chẳng cần phải nhiều chuyện, chẳng cần phải làm thêm chuyện chẳng cần thiết này! Nói thật ra, do cổ nhân không làm, nên lão nhân gia chẳng thể không làm. Tiếp theo đó, Ngài nói rõ đạo lý: “Bất cực luận kỳ hoằng công, trù phát khởi hồ chân tín” (Chẳng luận bàn tột bực tác dụng lớn lao của kinh này làm sao có thể phát khởi lòng chân tín cho mọi người?): “Công” (功) là công dụng của bộ kinh này, [soạn Sớ Sao nhằm] nói đến tác dụng, chỗ tốt đẹp của kinh. “Hoằng” (宏) là to lớn. Ứng dụng của bộ kinh này là gì? Kinh này dạy chúng ta vãng sanh trong một đời, một đời thành Phật, công dụng quá lớn. Nếu chẳng phô tỏ công dụng này đến tột cùng, người học Phật làm sao có thể thật sự sanh khởi tín tâm chân chánh đối với kinh này và pháp môn này? Đối với câu nói này (tức câu “luận bàn tột bực tác dụng lớn lao của kinh này”), lão nhân gia đã thật sự làm được, bộ Sớ Sao của Ngài đã thật sự làm được!
Hoàn toàn nêu rõ đại dụng (tác dụng lớn lao) của bộ kinh Di Đà này, khiến cho chúng ta đọc xong chẳng thể không tin, chẳng thể không phát nguyện, chẳng thể không cầu sanh Tịnh Độ. Do vậy, trong năm trăm năm, bộ Sớ Sao này quả thật đã độ vô số người niệm Phật, độ họ về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong lịch đại tổ sư, xét về sự cống hiến cho Tịnh Độ Tông, chúng ta có thể nói là chẳng có vị nào hơn được Liên Trì đại sư, đó là sự thật! Vì các vị tổ sư khác lợi ích chúng sanh một đời, ảnh hưởng một đời, không có vị nào gây ảnh hưởng sâu xa như đại sư. Đại sư truyền lại bộ Sớ Sao này, trong thuở ấy Ngài độ chẳng ít chúng sanh. Đời đời kiếp kiếp chẳng biết bộ Sớ Sao này đã độ bao nhiêu người! Chẳng có ai có thể sánh bằng được!
“Đốn vong phu kiến”: Nhanh chóng quên đi tri kiến nông cạn, hèn tệ, ngu si, hạ căn của chính mình. Vốn chẳng dám viết, nhưng nay vì những lý do trên đây mà chẳng thể không viết, chẳng thể không soạn chú giải. “Ký kiệt tâm tư”: Kiệt (竭) là tận lực, tận tâm tận lực viết một bản chú giải tường tận cho kinh Di Đà. Đây là nói rõ nhân duyên và lý do vì sao Ngài viết bản chú giải này.
Mấy câu tiếp theo đây rất quan trọng, ta cũng có thể thấy được quả thật đại sư Tông lẫn Giáo đều thông, Tông là Thiền Tông, Giáo là Giáo Hạ, pháp thế gian lẫn pháp xuất thế gian, không gì Ngài chẳng thông đạt, tuyệt đối chẳng phải là kẻ tầm thường. Nội dung của bộ chú giải này đã viết đến mức như Ngẫu Ích đại sư đã nói là “bác đại tinh thâm, tổng thâu bộ loại ngũ kinh” (rộng lớn, tinh vi, sâu xa, gồm thâu trọn vẹn năm kinh cùng bộ, cùng loại).
(Diễn) Tổng thâu bộ loại giả.
(演) 總收部類者。
(Diễn: Gồm thâu các kinh cùng bộ, cùng loại).
Những kinh cùng loại với kinh này, có tánh chất hoàn toàn tương đồng thì được gọi là “bộ loại”.
(Diễn) Thử kinh dữ Đại Di Đà Kinh vi đồng bộ.
(演) 此經與大彌陀經為同部。
(Diễn: Kinh này cùng bộ với Đại Di Đà Kinh).
Đại A Di Đà Kinh chính là kinh Vô Lượng Thọ. Kinh này (kinh A Di Đà) đồng bộ với kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ nói nhiều hơn, cặn kẽ hơn; kinh này nói rất đơn giản. Một đằng nói đại lược, một đằng nói rộng, nhưng tánh chất hoàn toàn tương đồng.
(Diễn) Dữ Thập Lục Quán, Cổ Âm Vương, Hậu Xuất Di Đà Kệ Kinh vi đồng loại.
(演) 與十六觀、鼓音王、後出彌陀偈經為同類。
(Diễn: Cùng loại với các kinh Thập Lục Quán, Cổ Âm Vương, và Hậu Xuất Di Đà Kệ Kinh).
Thập Lục Quán Kinh là Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. Tịnh Độ Tam Kinh Nhất Luận là Vô Lượng Thọ Kinh, A Di Đà Kinh, Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh và Vãng Sanh Luận. Cổ Âm Vương Kinh[12] dạy niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ nên đồng loại với kinh này. Hậu Xuất Di Đà Kệ Kinh[13] có thể tài (genre) là kệ tụng, cũng nói về niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Hai bộ kinh này chẳng thường lưu thông, nhưng trong Đại Tạng Kinh có chép. Do vậy, tổng cộng có năm bộ. Dưới đây là lời giải thích về chữ “bộ loại”.
(Diễn) Bộ giả bộ thư, kỳ văn tuy bất đồng, nhi đồng nhất hạnh môn, thị nhất bộ thư dã.
(演) 部者部書,其文雖不同,而同一行門,是一部書也。
(Diễn: Bộ là bộ thư (sách nói về cùng một pháp). Lời văn tuy khác nhau, nhưng cùng [giảng về] một hạnh môn, nên là sách đồng bộ[14] vậy).
Thuộc về cùng một bộ.
(Diễn) Loại giả lưu loại, vị hành tuy bất đồng, nhi đồng quy Tịnh Độ, thị nhất lưu loại dã.
(演) 類者流類,為行雖不同,而同歸淨土,是一流類也。
(Diễn: Loại là những thứ có liên quan với nhau, tức là hành trì khác nhau, nhưng cùng hướng về Tịnh Độ, nên chúng là cùng một loại).
Đây là nói phương pháp tu hành nơi hành môn khác nhau, nhưng cùng là một, tức là mục đích giống nhau, đều nhằm cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. [Câu “tổng thâu bộ loại ngũ kinh”] có nghĩa là lão nhân gia khi viết bản chú giải này đã gồm thâu tất cả những ý nghĩa trong lời kinh của năm thứ kinh điển Tịnh Độ đồng bộ, đồng loại này. Những kinh ấy là sách tham khảo chủ yếu nhất để Ngài soạn bản chú giải này. Nói cách khác, bản chú giải này chẳng phải là nói tùy tiện mà câu nào cũng đều có căn nguyên, đều có kinh điển để làm căn cứ thì chúng ta mới có thể tin tưởng bản chú giải này. Bản chú giải này giống như kinh Phật vì nó trích lục hết thảy kinh luận để giải thích kinh văn của bộ kinh này.
“Trực cứ Văn Thù nhất hạnh”, “trực” (直) là trực tiếp, “cứ” (據) là y cứ (依據: dựa trên). Có người nói pháp môn Tịnh Độ chẳng coi trọng Bát Nhã, tức là không coi trọng trí huệ. Nếu đọc đến câu này, mối nghi nan ấy sẽ bị phá tan. Văn Thù Bồ Tát là trí huệ bậc nhất, bản Sớ Sao của Liên Trì đại sư trực tiếp dựa trên Nhất Hạnh tam-muội của Văn Thù Bồ Tát, làm sao không nói về trí huệ? Không chỉ giảng trí huệ, mà còn là giảng trí huệ cao độ. Câu này khá quan trọng, trong đoạn trên là dựa theo kinh, trong câu kế tiếp, [nói rõ] đích xác hạnh này là hạnh trí huệ tối cao.
(Diễn) Nhất Hạnh giả, Văn Thù Bát Nhã hội.
(演) 一行者,文殊般若會。
(Diễn: Nhất Hạnh [xuất phát từ] hội Bát Nhã của ngài Văn Thù[15]).
Nói rõ xuất xứ.
(Diễn) Vân hà danh Nhất Hạnh tam-muội?
(演) 云何名一行三昧。
(Diễn: Thế nào là Nhất Hạnh tam-muội?)
Nhất Hạnh tam-muội là gì? “Nhất Hạnh” là một hạnh, không phải hai hạnh. Tam-muội (Samādhi) là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Chánh Thọ, Chánh (正) là “chánh thường” (bình thường, đúng lý), Thọ (受) là hưởng thụ. Vì thế, Chánh Thọ chính là Thiền Định, Thiền Định mới là sự hưởng thụ chân chánh đúng lý, mà cũng là “nhất tâm bất loạn” được nói trong kinh này. Nhất tâm bất loạn là Nhất Hạnh tam-muội, danh từ khác nhau, nhưng ý nghĩa chỉ một, cảnh giới giống hệt nhau.
(Diễn) Phật ngôn pháp giới nhất tướng, hệ duyên pháp giới, thị danh Nhất Hạnh tam-muội.
(演) 佛言法界一相,繫緣法界,是名一行三昧。
(Diễn: Đức Phật nói pháp giới một tướng, hệ duyên nơi pháp giới thì gọi là Nhất Hạnh tam-muội).
“Pháp giới nhất tướng”: Trong kinh Kim Cang, đức Phật giảng về “nhất hiệp tướng” rất rõ rệt. Kinh Kim Cang dạy: “Nhất hiệp tướng, tức phi nhất hiệp tướng, thị danh nhất hiệp tướng” (Một tướng hòa hợp chẳng phải là một tướng hòa hợp nên gọi là một tướng hòa hợp). Pháp giới đích xác là một tướng, một tánh, một tướng! Nhưng lũ chúng sanh chúng ta mê mất, chẳng biết pháp giới là Nhất Chân, nay chúng ta thấy pháp giới này là sâm la vạn tượng (muôn vàn hình tượng đông đảo, xúm xít). Chúng ta nói “mười pháp giới”, nhưng nói thật ra, mười pháp giới có nghĩa là vô lượng vô biên pháp giới. Kinh Hoa Nghiêm nói tới Thập thì Thập không phải là con số, chẳng phải là từ một đến mười, chẳng phải là nói kiểu ấy! Thập biểu thị vô lượng vô biên, mang ý nghĩa biểu thị pháp. Nói thật ra, cảnh giới bên ngoài chính là pháp giới, chẳng thể nói là một hay nhiều. Nói cách khác, chẳng thể nói là một, mà cũng chẳng thể nói là nhiều. Vì sao? Về căn bản, chẳng có một, lấy đâu ra nhiều? Về căn bản đã chẳng có nhiều, nên chẳng thể nói là một. Một và nhiều là tương đối; chẳng có bên này, đương nhiên chẳng có bên kia! Do vậy, nói không được! Một hay nhiều là từ đâu mà nói? Từ sự phân biệt trong tâm của chúng ta. Đối với hết thảy cảnh giới, nếu tâm chúng ta chẳng khởi tâm động niệm, không phân biệt, không chấp trước thì khi ấy pháp giới là một, được gọi là một.
Nói thật ra, cái “một” (nhất) ấy cũng chẳng thể được. Bất đắc dĩ gọi là “nhất”, dùng phù hiệu này để đại diện, tượng trưng cảnh giới. Thật ra, nói Nhất là sai bét rồi! Nhất chẳng thể nói được, chính là “mở miệng liền trật, động niệm liền sai”. Pháp chân thật chẳng thể nói được, không có cách gì nói được, hễ nói là trật! Pháp chân thật chẳng thể nghĩ tưởng được, vừa nghĩ cũng liền trật. Nói hay nghĩ đều rớt vào Đệ Nhị Nghĩa, nhất định rớt vào tương đối. Lìa khỏi tương đối thì gọi là “bất khả tư nghị”, tức là không có cách nào tư duy, mà cũng không có cách nào nói rõ. Nghị (議) là nói rõ, thảo luận, [bất khả tư nghị là] chẳng thể suy nghĩ, bàn luận được. Hiện thời, do tình thế bất đắc dĩ, phải dùng Nhất để tượng trưng. Hễ vừa khởi tâm động niệm thì pháp giới vô lượng vô biên. Do vô lượng vô biên bèn dùng Thập để tượng trưng, là vì trong các số đếm từ Một đến Mười, Mười là con số lớn nhất. Do mười mà thành trăm, do trăm mà thành ngàn, cho nên dùng Thập để tượng trưng vô lượng vô biên. Sau khi khởi tâm động niệm, từ Đệ Nhị Nghĩa mới nói đến một và nhiều. Trong Đệ Nhất Nghĩa, một và nhiều đều không có.
Pháp giới vốn là nhất tướng. Trong khi chúng ta chẳng khởi tâm động niệm, khi chẳng có phân biệt, chấp trước, pháp giới là nhất tướng. Trong cảnh giới ấy, sự cảm nhận của chúng ta gọi là Nhất Hạnh. Nhất Hạnh là gì? Muôn pháp bình đẳng, thanh tịnh giống hệt như nhau. Hết thảy pháp chẳng bình đẳng là do tâm phân biệt của quý vị dấy lên. Quý vị chẳng có tâm phân biệt, pháp liền bình đẳng. Trong Bồ Tát hạnh, có một phương pháp tu hành gọi là Anh Nhi Hạnh. “Anh nhi” (嬰兒) là trẻ nhỏ vừa mới sanh được mấy tháng, Bồ Tát phải học theo chúng, học điều gì? Học chẳng phân biệt. Chẳng phân biệt thì là một vị, là Nhất Hạnh. Quý vị thấy trẻ thơ cho nó bú sữa, nó bú rất khoái chí; nó đại tiện, bốc lấy phân bỏ vào miệng ăn cũng rất khoái chí, chẳng khác gì nhau. Vì sao? Không phân biệt. Không phân biệt thì là một, chẳng phải hai. Hễ khởi tâm phân biệt, cái này tốt, cái kia xấu, ăn cái này ngon, ăn cái kia dở, Nhất Hạnh bèn mất đi, tam-muội cũng chẳng có!
Tam-muội là Chánh Thọ bình đẳng, là sự hưởng thụ chánh đáng, đúng mực. Sau khi [Chánh Thọ] mất đi, tam-muội bị biến chất, biến thành năm thứ thọ dụng, tức khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Vốn là một, biến thành năm. Trong năm thứ ấy có thiện - ác, đúng - sai, có khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Nói cách khác, vô lượng vô biên phiền não từ đây mà sanh khởi. Vốn chẳng có phiền não, phiền não do vọng tâm sanh ra, từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà sanh. Đây là nói về căn nguyên sanh tử phiền não của chúng ta, những thứ ấy đều là hư vọng, đều chẳng chân thật. Tách rời hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, quý vị muốn tìm phiền não hay sanh tử đều tìm chẳng được, trọn chẳng thể tìm sanh tử phiền não được! Đến khi ấy, sự hưởng thụ của quý vị là Nhất Hạnh tam-muội.
Cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát được gọi là Nhất Hạnh tam-muội. Nhất Hạnh tam-muội là cảnh giới mà chính chúng ta vốn có, không có gì đặc biệt, chúng ta ai nấy đều có, nhưng hiện thời chúng ta đã đánh mất, trước mắt không có sự hưởng thụ này, trước mắt chúng ta phải lãnh nhận khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Chúng ta phải hứng chịu như vậy đều là do phân biệt, chấp trước. Những gì hợp ý mình thì có lạc thọ, chẳng hợp ý mình bèn có khổ thọ. Có cảm nhận khổ, lạc, ưu, hỷ, xả, những cảm nhận ấy đều chẳng bình thường, chẳng đúng đắn, những cảm nhận ấy là hư vọng, chẳng chân thật. Học Phật không gì chẳng nhằm lìa thoát những thứ hư vọng ấy, lìa bỏ hư vọng, khôi phục chân thật, khôi phục cái chúng ta sẵn có, đó là học Phật.
(Diễn) Tu thị tam-muội giả.
(演) 修是三昧者。
(Diễn: Để tu tam-muội này thì...).
“Tu” là chúng ta muốn khôi phục, sửa đổi những sai lầm, hư ngụy của chúng ta, khôi phục Nhất Hạnh tam-muội, hãy nên tu bằng cách nào? Thứ nhất là...
(Diễn) Bất thủ tướng mạo.
(演) 不取相貌。
(Diễn: Chẳng giữ lấy tướng mạo).
Đó là bảo quý vị chớ nên chấp tướng, giống như kinh Kim Cang đã nói: “Bất thủ ư tướng, như như bất động” (Chẳng giữ lấy tướng, như như bất động). Cách nói này dùng chung cho hết thảy các kinh, chung cho hết thảy các pháp môn; câu này là lời nói chung của ngàn kinh, muôn luận. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn đều chẳng lìa khỏi nguyên lý này. Nguyên lý và nguyên tắc là một, nhưng phương pháp, mánh khóe vô lượng vô biên, những [phương pháp, mánh khóe ấy] gọi là pháp môn. Vô lượng vô biên phương pháp, mánh khóe đều nhằm đạt đến mục tiêu này, tức là “chẳng chấp tướng, chẳng động tâm”. Do vậy, đó là tổng thuyết. Sau khi đã nói ra tổng cương lãnh, vậy thì phương pháp, thủ đoạn quá nhiều, chúng ta dùng cách nào đây? Đại sư chỉ cho chúng ta một phương pháp, chẳng phải là đại sư chỉ ra, mà là do Văn Thù Bồ Tát dạy, lão nhân gia bèn chọn lựa: “Trực cứ Văn Thù Nhất Hạnh”, [tức là] trực tiếp dựa trên Nhất Hạnh tam-muội của Văn Thù Bồ Tát, dựa theo khai thị ấy. Nói cách khác, pháp môn Niệm Phật do lão nhân gia truyền dạy vốn dựa trên lời dạy của Văn Thù Bồ Tát, chứ không phải do chính Ngài sáng chế! Văn Thù Bồ Tát dạy chúng ta điều gì?
(Diễn) Hệ tâm nhất Phật, chuyên xưng danh tự, tùy bỉ phương sở, đoan thân chánh hướng, ư nhất Phật niệm niệm tương tục, tức nhất niệm trung năng kiến quá khứ, vị lai chư Phật đẳng.
(演) 繫心一佛,專稱名字,隨彼方所,端身正向,於一佛念念相續,即一念中能見過去未來諸佛等。
(Diễn: Buộc tâm nơi một đức Phật, chuyên xưng danh hiệu Ngài, tùy theo Ngài ở nơi chốn nào mà giữ cho thân ngay thẳng, hướng thẳng về đó, đối với một vị Phật niệm niệm tiếp nối thì sẽ có thể ngay trong một niệm, thấy quá khứ và vị lai chư Phật).
Chữ “đẳng” (等) [trong đoạn văn trên đây] do lão nhân gia thêm vào, vì sau đoạn kinh văn [vừa trích từ Văn Thù Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh vừa dẫn trên đây] còn có [những đoạn văn khác nữa], Ngài chỉ trích dẫn một đoạn. Đoạn văn này là lời Văn Thù Bồ Tát giảng trong hội Văn Thù Bát Nhã, nhằm dạy chúng ta hãy từ một vị Phật mà nhập môn. Trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Thiện Tài là học trò của Văn Thù Bồ Tát. Văn Thù Bồ Tát dạy Thiện Tài tu pháp môn nào? Dạy Ngài tu pháp môn Niệm Phật. Niệm vị Phật nào? Niệm A Di Đà Phật! Sao biết? Là vì trong phần sau, Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, đồng thời ta lại thấy chính Văn Thù Bồ Tát phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Bản thân Văn Thù Bồ Tát phát nguyện cầu sanh thế giới Cực Lạc, đương nhiên Ngài cũng dạy Thiện Tài đồng tử niệm A Di Đà Phật, nhưng kinh không nói [toạc ra]! Từ hội Hoa Nghiêm, chúng ta thấy lần đầu tiên Văn Thù Bồ Tát dạy người khác, truyền trao pháp môn này. Trong hội Bát Nhã, lão nhân gia lại nhấn mạnh như thế ấy.
Vào đời Đường, thiền sư Pháp Chiếu là tổ sư đời thứ tư của Tịnh Độ Tông, đã đích thân gặp và thỉnh giáo Văn Thù Bồ Tát: “Trong thời kỳ Mạt Pháp, nên dùng pháp môn nào?” Văn Thù Bồ Tát dạy Ngài pháp môn Niệm Phật. Thanh điệu Ngũ Hội Niệm Phật là do Văn Thù Bồ Tát dạy ngài Pháp Chiếu, ngài Pháp Chiếu truyền cho đời sau. Liên Trì đại sư là người đời Minh, lão nhân gia cũng trực tiếp dựa trên lời răn dạy của Văn Thù Bồ Tát. Do vậy, chúng ta tu pháp môn Niệm Phật là tu Nhất Hạnh tam-muội. Nhất Hạnh tam-muội là pháp tu của hết thảy Bồ Tát. Từ Lục Tổ Đàn Kinh, chúng thấy Lục Tổ đại sư cũng răn dạy học trò tu Nhất Hạnh tam-muội, nhưng Ngài dùng phương pháp tham Thiền, còn chúng ta tu Nhất Hạnh tam-muội bằng phương pháp Niệm Phật. Từ chỗ này, quý vị cũng hiểu rõ: Tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là tu Nhất Hạnh tam-muội. Nếu chẳng phải là Nhất Hạnh tam-muội thì chẳng phải là Phật pháp!
Có nhiều đồng tu đến hỏi tôi, hiện thời yêu ma quỷ quái rất nhiều, làm sao phân biệt giữa Phật và ma? Từ tổng cương lãnh này rất dễ nhìn thấy. Phật quyết định là tu Nhất Hạnh tam-muội, ma chẳng tu Nhất Hạnh tam-muội. Nhất Hạnh tam-muội là nhất tâm, không có nhị tâm. Quý vị còn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chẳng phải là nhất tâm. Nhất tâm quyết định thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, gộp cả ba chuyện này lại, một là ba, ba mà một. Ta đối với người nào đó rất từ bi, đối với người khác chẳng từ bi thì nói cách khác, lòng từ bi ấy chẳng bình đẳng! Ví như có tôn giáo [dạy rằng]: Thần yêu mến người nào tin tưởng thần; kẻ chẳng tin tưởng thì thần chẳng yêu thương. Đó là bất bình đẳng. Phật pháp không như vậy, Phật pháp đối với mọi người nhất định là từ bi bình đẳng. Quý vị tin tưởng Phật, tôn kính Phật, Ngài từ bi, yêu thương, che chở quý vị. Quý vị hủy báng, nhục mạ, phá hoại Phật, Phật vẫn từ bi bình đẳng đối với quý vị, tuyệt đối chẳng có hai tâm. Đó là Phật pháp. Tâm tuyệt đối là thanh tịnh, bình đẳng, từ bi; nhưng nơi biểu hiện trên sự tướng thì là chẳng bình đẳng, vì sao? Là vì nghiệp lực của chúng sanh chẳng giống nhau. Tâm Phật quyết định là thanh tịnh, bình đẳng, từ bi giống như cha mẹ đối với con cái. Cha mẹ yêu thương, che chở mỗi đứa con giống hệt nhau, nhưng cách biểu hiện đối với mỗi đứa mỗi khác, vì sao? Tính tình của con cái mỗi đứa khác nhau, cho nên biểu hiện sự chăm sóc bên ngoài chẳng thể nào giống hệt nhau, nhưng tâm địa quyết định là tương đồng, quyết định là giống hệt.
Văn Thù Bồ Tát dạy chúng hãy “hệ tâm nhất Phật”, “hệ” (繫) là hệ niệm, tức là trong tâm thường nghĩ tới, vì sao? Nghĩ tới một đức Phật, gắn chặt ý niệm nơi một vị Phật. Chúng ta không hệ niệm thì có được hay chăng? Không được! Nếu quý vị chẳng hệ niệm một vị Phật, sẽ liền suy nghĩ lung tung, hệ niệm quá nhiều thứ! Tôi chẳng hệ niệm gì thì bèn hệ niệm vô minh, hệ niệm nơi [ý niệm] “thứ gì tôi cũng chẳng niệm”, vẫn còn có ý niệm ấy! Nói cách khác, ý niệm gì cũng không có thì phàm phu chưa làm được! Giống như người tu Vô Tưởng Định “thứ gì tôi cũng chẳng tưởng”, thật ra, kẻ ấy vẫn còn có tưởng, kẻ ấy tưởng “thứ gì cũng đều chẳng tưởng”, tức là vẫn có tưởng, không có cách nào cả! Chưa làm được! Chính vì quý vị không làm được, nên mới dạy quý vị lìa khỏi hết thảy ý niệm, tưởng một thứ thôi, tức là dùng nhất niệm để đối trị vạn niệm. Pháp môn Niệm Phật dùng phương pháp này để đạt tới Nhất Hạnh tam-muội. Do vậy, pháp môn này mầu nhiệm, quá sức mầu nhiệm! “Hệ tâm nhất Phật” chính là như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói trong kinh Lăng Nghiêm: “Ức Phật”, trong tâm nghĩ tới Phật, nhớ đến Phật, “chuyên xưng danh tự”, đó là niệm Phật. Đại Thế Chí Bồ Tát nói “ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (nhớ Phật, nghĩ tới Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật). Kiến Phật là thành Phật. Do vậy, hai câu này (tức “hệ tâm nhất Phật, chuyên xưng danh tự”) chính là “ức Phật, niệm Phật”.
“Tùy Phật phương sở, đoan thân chánh hướng” (tùy theo phương hướng, nơi chốn của đức Phật ấy ở đâu mà giữ cho thân đoan chánh, hướng thẳng về đó), phải tương ứng! Kinh này dạy chúng ta niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật. A Di Đà Phật ở phương Tây, cho nên chúng ta thường nghĩ tới Tây Phương, nghĩ Phật cũng nghĩ tới Tây Phương, chỗ nào cũng tương ứng với Tây Phương. Chúng ta ngồi mặt hướng về phương Tây, chúng ta thờ Phật, tượng Phật thờ ở phương Tây. Mỗi ngày hướng về phía Tây lễ bái, tương ứng với Ngài. Đó là “tùy Phật phương sở”. “Đoan thân chánh hướng”: Đoan (端) là đoan chánh, chẳng thể tùy tiện, bừa bãi, mà phải giống như chúng ta gặp khách quý, tiếp khách vậy, nghi dung phải nghiêm túc, chỉnh tề, chớ nên thất lễ. Đối trước khách quý, chúng ta chẳng dám thất lễ thì làm sao có thể thất lễ đối với Phật, Bồ Tát cho được? Do vậy, nhất định phải đoan chánh nghi dung, mỗi ngày niệm Phật, lễ Phật.
“Ư nhất Phật niệm niệm tương tục”: Đây là nói về phương pháp niệm Phật. Nhớ Phật, niệm Phật chớ nên gián đoạn giữa chừng. Đó gọi là “công phu”. Công phu là nói chẳng gián đoạn. Có những đồng tu biết chỗ hay của niệm Phật, cũng rất muốn niệm Phật, nhưng không niệm được, niệm mấy tiếng bèn quên tuốt, đến hỏi tôi: “Làm như thế nào?” Quý vị phải hiểu: Đó là nghiệp chướng, bản thân quý vị có chướng ngại. Có nghiệp chướng thì làm sao? Biện pháp tốt nhất là quý vị đến tham gia hội niệm Phật. Hội niệm Phật là dựa vào đại chúng, mọi người cùng nhau niệm, khiến cho Phật hiệu của quý vị được dấy lên, dùng phương pháp này để nhắc nhở chính mình. Hiện tại còn có một phương pháp là mang theo bên mình máy nghe băng cassette niệm Phật, gắn ống nghe vào tai thì quý vị chẳng dễ gì quên mất. Đó là phương pháp tốt, trong mười hai thời Phật hiệu chẳng gián đoạn!
Chính mình có thể thời thời khắc khắc dấy lên Phật hiệu, lại còn niệm rất hoan hỷ, niệm đạt được pháp hỷ sung mãn, thân tâm nhẹ nhàng, an ổn, tự tại, đó là nghiệp chướng nhẹ đi, công phu đắc lực. Người thật sự niệm Phật trong ba năm hay năm năm, nhất định thấy cảnh giới này, phiền não dần dần giảm ít. Phiền não ít thì ý niệm phân biệt, chấp trước sẽ ít và giảm nhẹ hơn trước, tâm khai ý giải, tự nhiên có thể đạt được khinh an, có thể tự tại. Đấy là cảnh giới niệm Phật tốt đẹp. Do vậy, nhất định phải nắm vững “niệm niệm tiếp tục”.
Câu tiếp theo là nói về quả chứng (quả báo chứng đắc do hành trì niệm Phật), đây là công phu, có công phu là quý vị có thâu hoạch. Trong Phật pháp gọi thâu hoạch là “sở chứng”, tức là cái quý vị đạt được, đạt được gì vậy? “Năng kiến quá khứ vị lai chư Phật”: Quá khứ vị lai mà đều có thể thấy được thì Phật trong hiện tại chẳng cần phải nói nữa! Do vậy, nói ba đời chư Phật quý vị đều có thể thấy. Đúng là giống như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tại, tương lai, nhất định thấy Phật).
“Văn Thù Nhất Hạnh tam-muội” là hạnh môn mà Liên Trì đại sư đã dựa vào để soạn bộ chú giải Di Đà Sớ Sao này. Trong đoạn trước có nói tới chỗ y cứ về mặt giáo lý của Ngài: Ngài dựa vào năm bộ kinh đồng bộ đồng loại của Tịnh Độ, đó là căn cứ lý luận, còn chỗ y cứ của phương pháp [tu hành] là dựa theo Nhất Hạnh tam-muội của Văn Thù Bồ Tát. [Có như vậy thì] chúng ta mới có thể dấy lên lòng tin đối với bản chú giải này vì Ngài chẳng nói tùy tiện, mà quả thật là có căn cứ. Không chỉ như thế, tiếp theo đây còn có một câu để dung hội thông suốt [những ý nghĩa ấy]:
“Nhi phục hội quy huyền chỉ, tắc phần nhập Tạp Hoa, quán xuyên chư môn”. (nhưng lại quy về ý chỉ huyền nhiệm, có phần nào dung nhập kinh Tạp Hoa, xuyên suốt các môn). Thật tuyệt vời! Điều này cho thấy tác phẩm này là bác đại tinh thâm (rộng lớn, tinh tường, sâu xa), không còn phải bàn cãi gì nữa! “Huyền chỉ”: Chữ “huyền” (玄) là nói về mười huyền môn trong kinh Hoa Nghiêm.
(Diễn) Hội quy huyền chỉ giả, dĩ Tịnh Độ nhất môn, hội quy Hoa Nghiêm thập huyền diệu chỉ, như hậu Phần Viên trung sở minh.
(演) 會歸玄旨者,以淨土一門,會歸華嚴十玄妙旨,如後分圓中所明。
(Diễn: “Dung hội về ý chỉ huyền nhiệm” là đem một môn Tịnh Độ dung hội, quy kết vào mười ý chỉ huyền diệu của kinh Hoa Nghiêm, như trong phần giải thích ý nghĩa “kinh Di Đà có vài phần Viên Đốn” trong đoạn sau sẽ giảng).
Thật sự phi phàm! Trong phần sau của sách Sớ Sao sẽ nói cặn kẽ, đến phần luận Huyền Nghĩa của kinh này sẽ trình bày cặn kẽ hơn. Tiểu Bổn A Di Đà Kinh và Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh là một, không hai. Tuy thường nói kinh Hoa Nghiêm và kinh này chẳng đồng loại mà cũng chẳng đồng bộ, nhưng nhìn từ đoạn văn này của Liên Trì đại sư, tợ hồ chúng vừa là đồng loại vừa là đồng bộ. Xét theo Lý là đồng bộ, xét theo Giáo thì bất đồng. Nói trên phương diện Hạnh môn thì chẳng phải là đồng loại, nhưng xét theo phương diện quy túc thì là đồng loại, vì mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Kinh Hoa Nghiêm dùng phương pháp tu mười đại nguyện vương, kinh Di Đà dạy niệm A Di Đà Phật, phương pháp khác nhau, nhưng mục đích giống nhau, đều là cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng dẫn về Cực Lạc liên bang. Do vậy, hai bộ kinh này là một, không hai. Do điều này, trong bản chú giải này, Liên Trì đại sư trích dẫn kinh Hoa Nghiêm đặc biệt nhiều, dung hội, quy kết về huyền chỉ. Chỗ trọng yếu nhất trong kinh Hoa Nghiêm là giảng về mười huyền môn, tức “thập huyền diệu chỉ”.
“Phần nhập Tạp Hoa”, Tạp Hoa chính là kinh Hoa Nghiêm. “Phần nhập”: “Phần” (分) là bộ phận, “nhập” (入) là dung hợp. Kinh Hoa Nghiêm vốn có tên là Đại Phương Quảng Phật Tạp Hoa Trang Nghiêm Kinh; vì thế, Tạp Hoa chính là kinh Hoa Nghiêm. Một bộ phận của kinh Di Đà tương thông với kinh Hoa Nghiêm. “Nhập” có nghĩa là tương thông. “Quán xuyên chư môn”: “Chư môn” là nói tới tám vạn bốn ngàn pháp môn, bất cứ một pháp môn nào cũng có mối liên quan với pháp môn Niệm Phật. Nói cách khác, pháp môn Niệm Phật là tổng cương lãnh của hết thảy các pháp môn, là chỗ hội tụ của hết thảy các pháp môn.
(Diễn) Quán xuyên chư môn giả, dĩ Niệm Phật nhất môn, quán xuyên nhất đại thời giáo chư hành pháp môn, như hậu thích nhất tâm bất loạn xứ sở minh.
(演) 貫穿諸門者,以念佛一門,貫穿一代時教諸行法門,如後釋一心不亂處所明。
(Diễn: “Quán thông các môn”: Do một môn niệm Phật xuyên suốt các môn hành pháp trong giáo pháp cả một đời đức Phật, như trong phần giải thích về nhất tâm bất loạn trong phần sau sẽ giảng rõ).
Phương pháp Niệm Phật quán thông tất cả các pháp môn do đức Phật đã nói, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn. Trong phần sau sẽ trình bày cặn kẽ, tức là trong phần giải thích khái niệm “nhất tâm bất loạn” trong kinh văn. Liên Trì đại sư dùng bao nhiêu đoạn văn để giải thích bốn chữ “nhất tâm bất loạn” này? Văn tự chiếm tới nửa quyển, tức là dành ra một chương chiếm tới một phần tám toàn bộ tác phẩm để giải thích nhất tâm bất loạn. Giảng thật cặn kẽ! Cho đến khi ấy, Ngài sẽ giảng cặn kẽ, tỉ mỉ, rõ ràng, quý vị mới biết pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn! Ngày nay có rất nhiều người không tin Tịnh Độ, coi thường Tịnh Độ, tạo vô lượng vô biên tội lỗi. Họ chẳng đọc bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư; nếu thật sự đọc Sớ Sao sẽ thay đổi quan niệm, sẽ chiếu theo Sớ Sao để tu hành, trong một đời không ai chẳng thành tựu!
“Tắc bác tổng quần điển”: “Bác” (博) là rộng rãi, “tổng” (綜) là tổng hợp, “quần điển” (群典) là hết thảy các kinh. Nay chúng ta gọi hết thảy các kinh là Đại Tạng Kinh, hết thảy các kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng trong bốn mươi chín năm. [Bộ Sớ Sao này] tổng hợp rộng rãi các kinh. “Vô nhất bất tiêu quy tự kỷ”: Kinh này niệm một câu A Di Đà Phật, câu Phật hiệu nào cũng tiêu quy tự tánh, chẳng tiêu quy tự tánh[16] thì làm sao có thể thụ dụng được? Niệm Phật chính là nói tới công phu chân chánh. Nói cách khác, biết niệm sẽ tiêu quy tự tánh. Chẳng biết niệm bèn chấp trước danh tướng. Chấp trước danh tướng sẽ chẳng thể tiêu quy tự tánh, cổ nhân bảo là “niệm rách toạc cuống họng cũng uổng công”, đấy là do biết hay chẳng biết niệm vậy!
Nếu chúng ta hỏi: Tiêu quy tự tánh là như thế nào? Trong các buổi giảng, chúng tôi thường nhắc nhở các đồng tu, ý nghĩa của câu Phật hiệu này nếu dịch hoàn toàn sang tiếng Hán thì là “quy y Vô Lượng Giác”. Chính mình phải hỏi có giác nào chẳng phải là tự tánh? Giác là tự tánh! Từng tiếng nhắc nhở chính mình, phải từ mê hoặc, điên đảo, quay trở về tự tánh giác, giác chứ không mê thì Phật hiệu ấy có vô lượng vô biên công đức. Do vậy, mới nói: “Niệm một câu A Di Đà Phật, tiêu trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”. Giác rồi, tội nghiệp bèn tiêu mất, diệt trừ. Nếu quý vị mê, tội nghiệp bèn hiện tiền, chẳng tiêu được! Niệm niệm chẳng mê, đó là quy y Vô Lượng Giác.
Ở chỗ này, phải phân biệt thế nào là giác? Thế nào là mê? Nói cách khác, giác là gì? Mê là gì? Trước hết, chúng ta phải hiểu rõ điều này. Khi sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, lưỡi nếm vị, mũi ngửi hương, thân thể tiếp xúc, trong tâm khởi ý niệm, đó là lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần. Khi tiếp xúc cảnh giới, quý vị khởi tâm động niệm phân biệt, chấp trước, đó là mê, đó là tướng mê. Khi khởi tâm động niệm, quý vị chẳng để ý tới nó, thiện niệm cũng được, ác niệm cũng xong, nhiễm niệm cũng tốt, tịnh niệm cũng hay, một mực chẳng quan tâm tới chúng, ngay lập tức chuyển chúng (những ý niệm ấy) thành A Di Đà Phật. A Di Đà Phật là giác, A Di Đà Phật là giác niệm. Trừ A Di Đà Phật ra, đều là mê niệm, đều chẳng phải là giác niệm, phải chuyển thật nhanh! Cổ nhân thường nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Quý vị lập tức chuyển ý niệm thành A Di Đà Phật, khiến cho một niệm A Di Đà Phật niệm niệm tiếp nối, chẳng để nó bị gián đoạn giữa chừng, chẳng để cho những vọng niệm khác dấy lên.
Cũng có những vị nghe lời này, nói: “Hiện tại chúng tôi chẳng thể làm được điều này! Nếu suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật, chuyện gì tôi cũng không nghĩ tới, chuyện gì cũng chẳng làm, thì làm sao được?” Nay quý vị mới học, quý vị không có công phu. Nếu quý vị thật sự có công phu, quý vị nghĩ mọi chuyện, làm mọi chuyện, nhưng Phật hiệu vẫn chẳng gián đoạn. Hiện thời chưa làm như vậy được thì làm sao? Trong khi quý vị nghĩ đến mọi việc, trong khi làm việc, tạm ngừng Phật hiệu, suy nghĩ công chuyện, lo làm việc; làm việc xong xuôi rồi, buông chuyện đó xuống, khởi Phật hiệu lên, hiện thời chỉ có thể sử dụng phương pháp này. Sử dụng phương pháp này thuần thục, dùng được mấy năm, tâm thật sự thanh tịnh, quý vị vừa làm việc, vừa suy xét vấn đề, mà Phật hiệu vẫn chẳng bị gián đoạn. Do vậy, đây là vấn đề công phu. Nói cách khác, nếu quý vị suy xét vấn đề thì nghiệp chướng hiện tiền, ắt phải tạm thời buông Phật hiệu xuống. Chớ nên nóng ruột, cứ từ từ, tuần tự tiến hành. Do vậy nhất định phải biết “tiêu quy tự kỷ” (tiêu quy tự tánh) thì niệm Phật hiệu mới có ích. Đối với Sự và Lý này, trong Sớ Sao có những phần thảo luận rất tường tận, cặn kẽ.
“Hữu nguyện giai hồi hướng Bồ Đề”: Bồ Đề (Bodhi) là tiếng Ấn Độ, dịch sang tiếng Hán là Giác. Bồ Đề tâm là tâm giác ngộ. Bồ Đề là giác, có nguyện nào thì nguyện ấy đều phải giác, chẳng thể mê. “Hữu nguyện giai hồi hướng Bồ Đề”: Có nguyện nào cũng đều phải hồi hướng giác đạo, chẳng thể mê hoặc, điên đảo. Con người, bất luận là ai, người Hoa, người ngoại quốc, người đời xưa, người đời nay, người hiền, người ngu, ai nấy đều có nguyện, có ai không có nguyện? Nguyện quá nhiều! Hôm nay tôi tính ăn gì đó, đấy là nguyện. Nếu quý vị không có nguyện thì quý vị chẳng nghĩ ngợi. Hôm nay chúng ta tính đi đâu chơi, đó cũng là nguyện. Nguyện quá ư là nhiều! Từ sáng đến tối, chính mình còn chẳng hiểu rõ nguyện vọng của chính mình, chẳng biết có bao nhiêu nguyện! Người học Phật phải nhớ một nguyên tắc: Có nguyện thì nguyện phải giác, đừng mê. Bất luận nguyện gì, chỉ cần giác chứ không mê, nguyện nào cũng đều là thiện nguyện, đều là hảo nguyện. Nếu là mê thì ý nguyện đến Phật đường nghe kinh vẫn chẳng phải là hảo nguyện, vì sao? Quý vị mê, chứ không giác. Điều khẩn yếu là giác chứ không mê. Chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, đó là giác; khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước là mê.
Khi giảng tựa đề kinh Hoa Nghiêm, ngài Thanh Lương có nói mấy câu hết sức có lý. Ngài nói người học Phật, người nghe kinh chẳng hiểu nguyên lý và nguyên tắc này, nghe kinh cho nhiều, đọc cho lắm, đạt được hiệu quả gì? “Tăng trưởng tà kiến”, đó là chẳng tiêu quy tự tánh! Chẳng biết tiêu quy tự tánh thì nghe người này thuyết pháp như thế này, nghe người kia thuyết pháp như thế nọ, có chỗ giống nhau, có chỗ mâu thuẫn, vì sao nghe đến tình trạng ấy? Là vì quý vị phân biệt, chấp trước, suy nghĩ lung tung! Nếu quý vị chẳng nghe thì “tăng trưởng vô minh”, chuyện này phiền phức lắm! Chẳng nghe kinh, tăng trưởng vô minh, tu hành là “tu mù, luyện đui”, nghe kinh nhiều thì lại suy nghĩ lung tung, chuyện này thật là khó!
Cổ đại đức dạy kẻ mới học, mà thầy cũng dạy học trò như vậy: Chỉ cho phép nghe một người, chẳng thể nghe người thứ hai, vì sao? Vì quý vị chưa biết nghe, nghe nhiều sẽ suy nghĩ loạn xạ: Vị thầy này nói với tôi như thế này; vị thầy kia lại nói như thế nọ, người nọ lại nói như thế kia. Rốt cuộc ai đúng? Chính mình phân biệt, chấp trước càng ngày càng sâu hơn, mê càng sâu hơn. Do vậy, chỉ cho phép nghe một người. Nghe một người thì phân biệt, chấp trước vẫn có, nhưng giảm bớt rất nhiều! Vì thế, hiện thời con người tu hành khó khăn là vì sao? Không có thầy! Không có sư thừa. Hiện thời dân chủ, tự do, những nơi giảng kinh quá nhiều, đi khắp nơi để nghe, ngày ngày tăng trưởng tà kiến, đó là tổn thất quá lớn.
Nếu thật sự gặp được một vị thầy tốt đẹp dạy dỗ quý vị, “quý vị chỉ nên nghe tôi, chớ nên nghe người khác”, quý vị nhất định sẽ có ác cảm: “Đừng nghe lời ông X.... Người ấy quá chuyên chế, quá bá đạo, chẳng đếm xỉa lý lẽ!” Do vậy, trong hiện thời, thật sự là thiện tri thức thì một câu cũng chẳng thể nói được! Chính quý vị thích như thế nào bèn làm như thế đó, đâm ra thành tựu hay không là do chính quý vị, chẳng liên can gì đến tôi! Thật sự biết tiêu quy tự tánh, nghe mà không nghe, không nghe mà nghe, người ấy nghe kinh chỉ có ngộ xứ, cũng chẳng suy nghĩ lung tung, chẳng khởi vọng tưởng, chẳng phân biệt, chấp trước, người ấy thường xuyên nghe kinh, hoát nhiên khai ngộ, vì sao có thể khai ngộ? Là vì trong khi nghe kinh, người ấy chẳng có phân biệt, chấp trước, câu nào cũng đều rót vào tự tánh. Tự tánh không có phân biệt, tự tánh không chấp trước. Nghe kinh như vậy có chỗ tốt đẹp nào? Chính là dùng chánh pháp để hun đúc vô minh, hun lâu ngày sẽ biến thành hoát nhiên đại ngộ, đạo lý ở chỗ này!
Chẳng biết nghe thì nghe Phật pháp nhưng chẳng biết hun đúc vô minh, chỉ giúp cho quý vị tăng trưởng tri kiến. Nghe càng nhiều, kiến thức Phật học thông thường tăng thêm, nhưng không có sức phá vô minh. Do vậy, nghe kinh suốt đời chẳng thể khai ngộ, nghe Phật pháp nói “pháp nào cũng là đạo”, quý vị hiểu, nhưng vì nghe nhiều, xem nhiều, thứ gì quý vị cũng hiểu, mà chẳng đoạn phiền não, chẳng thể phá vô minh, như vậy thì toàn bộ Phật pháp của quý vị biến thành pháp thế gian, giống như học thuật thông thường trong thế gian, biến thành một thứ Phật học thường thức, chịu thiệt thòi quá lớn! Đó chẳng phải là Phật pháp.
Nhất định phải biết “tiêu quy tự tánh”, “hồi hướng Bồ Đề”, Liên Trì đại sư nói hai câu này tuyệt vời! Nếu chính Ngài không tâm đắc điều này, không có công phu này, sẽ chẳng thể viết ra hai câu này. Nay chúng ta do đọc đoạn văn này, quý vị mới hiểu rõ giá trị của kinh Di Đà và giá trị của bộ Di Đà Sớ Sao.
“Triển thử tinh thành, khất cầu gia bị” (giãi bày tấm lòng tinh thành, cầu xin [Tam Bảo] gia bị): Triển (展) là mở ra, vì Ngài muốn viết bản chú giải này, nên giãi bày lòng tinh thành của chính mình, cầu Tam Bảo gia trì, khiến cho bản chú giải do chính mình viết không bị sai lầm. Nhất định phải được Tam Bảo gia trì; không có Tam Bảo gia trì sẽ chẳng viết được! Không có Tam Bảo gia trì, chẳng thể nào không sai lầm. Đây là cầu thần lực của Tam Bảo gia trì. Nếu quý vị hiểu rõ ràng, giác ngộ, thì suốt đời chúng ta đọc bộ kinh này là đủ rồi, hoằng dương bộ kinh này là đủ rồi, những thứ khác đều buông xuống hết, không cần đến nữa. Nếu làm những thứ khác sẽ là xen tạp, bộ kinh này đảm bảo quý vị thành Phật, đảm bảo vãng sanh, chắc chắn chẳng luống công. Hôm nay chúng tôi giảng đến đoạn này!
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
Phần 20 hết
[1] Điều này không có nghĩa là kinh hay ngôn thuyết của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ là tà kiến, mà là vì người nghe khởi chấp trước, phân biệt, vọng tưởng, suy lường xằng bậy, dính mắc nơi tướng văn tự và ngôn thuyết, nên gọi là tà kiến.
[2] Nghịch Tăng Thượng Duyên: Tăng Thượng Duyên do gặp nghịch cảnh. Tăng Thượng Duyên là cái duyên thúc đẩy khiến cho cái nhân mau chóng kết thành quả.
[3] Theo Phật Học Đại Từ Điển, chữ “tinh minh” hình dung sự trong trẻo đến tột cùng, chỉ Chân Như bổn tánh của chúng ta. Từ Chân Như bổn tánh phát khởi tác dụng, mà cụ thể là sáu thức, tác dụng của sáu thức ấy chẳng trở ngại lẫn nhau, nên gọi là “lục hòa hợp”.
[4] Hai câu đầu trong đoạn này dựa theo ý bài thơ Lục Nga trong thiên Tiểu Nhã của kinh Thi: “Lục lục giả nga, phi nga y hao, ai tai phụ mẫu, sanh ngã cù lao... vô phụ hà hỗ, vô mẫu hà thị, xuất tắc hàm tuất, nhập tắc mị chí, dục báo chi đức, hạo thiên võng cực” (cỏ nga xanh biếc, chẳng phải cỏ nga cũng là cỏ hao, xót thay cha mẹ, sanh ta nhọc nhằn... Không cha nương ai? Không mẹ cậy ai? Ra thì thương xót, vào thì chăm nom, muốn báo ân đức, trời thẳm mênh mông, khôn ngăn sánh tầy).
[5] Minh linh (螟蛉: Bollworm) là một loài sâu ký sinh trong thực vật, phổ biến nhất là loại sâu hại lúa hay hút nhựa khiến cây lúa chết khô (có lẽ là một loại rầy). Tò vò (quả lõa, 蜾蠃, potter wasp) là một loại ong mình đen, vằn vàng, đốt rất đau. Tò vò thường bắt minh linh, đốt cho minh linh mê đi, nhưng không chết, nhốt vào tổ rồi đẻ trứng lên mình nó, khi tò vò con nở ra sẽ ăn sạch con minh linh ấy. Cổ nhân lầm tưởng tò vò không có con, phải bắt minh linh về nuôi nấng để nở thành tò vò con nên thường gọi con nuôi là “minh linh”.
[6] Từ ngữ “tả hữu vô phương” xuất phát từ đoạn văn sau đây trong thiên Đàn Cung sách Lễ Ký: “Sự thân hữu ẩn nhi vô phạm, tả hữu tựu dưỡng vô phương, phục cần chí tử, trí táng tam niên. Sự quân hữu phạm nhi vô ẩn, tả hữu tựu dưỡng hữu phương, phục cần chí tử, phương táng tam niên. Sự sư vô phạm vô ẩn, tả hữu tựu dưỡng vô phương, phục cần chí tử, tâm táng tam niên” (Thờ cha mẹ, hễ cha mẹ có lỗi, con nên ẩn giấu, đừng chống đối công khai, chăm sóc phụng dưỡng theo mọi cách đừng nề hà một phương cách bó buộc nào. Siêng năng hầu hạ cha mẹ cho đến khi cha mẹ mất, để tang ba năm. Thờ vua thì hễ vua có lỗi phải can gián, đừng ẩn giấu lỗi vua. Phụng sự vua đủ mọi lẽ, nhưng phải có khuôn phép nhất định. Phụng sự cho đến khi vua chết, bèn để tang ba năm. Thờ thầy bèn chẳng chống đối thầy, mà cũng chẳng giấu lỗi của thầy, phụng dưỡng thầy đủ mọi lẽ, nhưng không ràng buộc theo quy cách nhất định nào. Phụng sự cho đến khi thầy mất, để tang trong lòng ba năm). Do vậy, “tả hữu vô phương” có nghĩa là chăm sóc đủ mọi khía cạnh, không bị ràng buộc bởi một quy củ nào.
Từ ngữ “định tỉnh” xuất phát từ thiên Khúc Lễ trong sách Lễ Ký: “Phàm vi nhân tử chi lễ, Đông ôn nhi Hạ sảnh, hôn định nhi thần tỉnh” (Phàm là lễ nghi của phận làm con thì mùa Đông giữ cho cha mẹ ấm áp, mùa Hạ giữ cho cha mẹ được mát mẻ, sáng thăm tối viếng). Trịnh Huyền chú giải: “Định là xếp đặt giường gối ngay ngắn, Tỉnh là hỏi cha mẹ cảm thấy như thế nào [khi thức dậy]”. Do đó, về sau, chữ “định tỉnh” thường được dùng để chỉ sự quan tâm, hỏi han của con cái đối với cha mẹ mỗi ngày.
Liên Trì đại sư dùng hai thành ngữ này để nói người niệm Phật phải luôn nghĩ nhớ A Di Đà Phật như nghĩ tới cha mẹ, luôn niệm Phật, tưởng Phật, nhớ Phật đó là “định tỉnh”, miễn làm sao không quên Phật hiệu, tâm chẳng lìa tâm Phật, đừng chấp nhặt một phương pháp niệm Phật cố định nào nên mới nói “tả hữu vô phương”. Tâm mình luôn đồng tâm Phật, chẳng bỏ pháp môn này chạy theo pháp môn khác nên gọi là “vô vi” (không trái nghịch).
[7] Nói là “niệm bảy âm” vì khi niệm câu hồng danh sáu chữ để đi kinh hành, chữ Đà sẽ được kéo dài thành hai âm tiết.
[8] Thuở xưa chưa có giấy, phải viết vào những thẻ tre gọi là “giản trát” (簡札). Vì thế, “đoạn giản tàn biên” có nghĩa là sách vở đứt đầu, đứt đuôi, không toàn vẹn.
[9] Ngài Hải Đông chính là ngài Nguyên Hiểu (617-686), biệt hiệu là Tây Cốc Sa Di. Sư là người xứ Tân La, là sơ tổ của Hải Đông Tông (tông Hoa Nghiêm tại Đại Hàn). Ngài được sanh ra tại quận Áp Lương, nước Tân La (nay thuộc Khánh Thượng Bắc Đạo - Gyeongsangbuk-do, Đại Hàn), họ Tiết, thuở nhỏ có tên là Thệ Tràng. Sư xuất gia năm 29 tuổi tại chùa Hoàng Long. Do hâm mộ ngài Huyền Trang và Khuy Cơ, Sư cùng ngài Nghĩa Tương vượt biển sang Trung Hoa. Giữa đường gặp mưa phải nghỉ tại một nghĩa địa là nơi có nhiều quỷ yêu tác quái. Do vậy, Sư ngộ giải “do tâm sanh nên các pháp sanh, tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Ngoài tâm không pháp, cần gì phải cầu nơi khác nữa”, bèn thôi đi tiếp, quay trở lại Tân La. Sau khi đã giải ngộ tâm địa, Sư ẩn giấu thân phận bằng cách thị hiện cuồng ngạo, phóng túng, ngôn hạnh quái dị, vào tửu quán, nhà thổ, hoặc cầm đao vàng, trượng sắt, tuyên giảng kinh Hoa Nghiêm, hoặc vào núi sâu lặng lẽ tọa Thiền. Ngài chú giải các kinh Pháp Hoa, Lăng Già, Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Duy Ma, Bát Nhã, Thắng Man, Giải Thâm Mật, Đại Vô Lượng Thọ, Di Lặc Thượng Sanh, Phạm Võng v.v... cũng như sớ giải các bộ luận Khởi Tín, Nhiếp Đại Thừa, Trung Biên, Thành Thật, Quảng Bách, A Tỳ Đàm, Tam Luận v.v.. Tổng cộng đến hơn tám mươi mốt loại, nhưng chỉ còn giữ được mười sáu tác phẩm. Sau khi viên tịch, Sư được ban thụy hiệu là Đại Thánh Hòa Tịnh Quốc Sư. Tác phẩm chú giải kinh Di Đà được sách Diễn Nghĩa nhắc tới ở đây chính là A Di Đà Kinh Sớ. Ngài còn viết một bản sớ giải kinh Vô Lượng Thọ mang tựa đề Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu.
[10] Ngài Tánh Trừng (1253-1330), pháp tự Trạm Đường, còn có hiệu là Việt Khê, là một vị cao tăng thuộc tông Thiên Thai, sống vào đời Tống. Ngài có họ ngoài đời là Tôn, người xứ Cối Kê (nay thuộc huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang). Mẹ Ngài mộng thấy mặt trời từ trên không rơi xuống, bèn hoài thai Ngài. Vừa tròn bốn tuổi, Sư đã cầm bút tự vẽ tượng Phật. Đưa kinh Phật cho Sư, Sư liền lập tức trì tụng trôi chảy. Năm Chí Nguyên 13 (1276), Sư thọ Cụ Túc Giới dưới tòa ngài Thạch Môn Thù Luật Sư, về sau y chỉ ngài Phật Giám Tiêm Công để học Thiên Thai Giáo Quán. Sư từng vì dân chúng vùng Ngô Việt cầu mưa, giúp họ chôn cất người chết trong năm hạn hán. Năm Chí Trị nguyên niên (1321) đời Nguyên Anh Tông, Sư vâng chiếu vào kinh giảo chánh Đại Tạng Kinh, được ban hiệu là Phật Hải đại sư, rồi trụ trì chùa Thượng Thiên Trúc. Cuối cùng Sư quy ẩn tại chùa Phật Quả, kiên định tâm chí chuyên tu Tịnh Độ. Tác phẩm chú giải kinh Di Đà đượcsách Diễn Nghĩa nhắc đến ở đây chính là bộ Phật Thuyết A Di Đà Kinh Cú Giải (xin chú ý: Cú Giải là giải nghĩa theo từng câu).
[11] Ngài Cừ Am Đại Hựu (1334-1407) là cao tăng tông Thiên Thai, sống vào đời Minh, người huyện Ngô, tỉnh Cô Tô, pháp tự là Khải Tông, pháp hiệu Cừ Am, xuất gia năm mười hai tuổi, học Hoa Nghiêm với ngài Cổ Đình, rồi học Ma Ha Chỉ Quán với ngài Cửu Cao Thanh. Một hôm, do xem Thiên Thai Tứ Giáo Nghi của ngài Mông Nhuận đời Nguyên mà tỉnh ngộ, dần dần thông đạt cương yếu của tông Thiên Thai. Sư dựng thất đặt tên là Chân Như, chuyên tu Niệm Phật tam-muội. Năm 1405, Sư vâng chiếu trở về kinh, chỉnh lý Phật điển, biên tập những yếu nghĩa của kinh Bát Nhã. Tác phẩm trọng yếu gồm Tịnh Độ Chỉ Quy, A Di Đà Kinh Lược Giải, Kim Cang Kinh Lược Giải. Sau này, ngài U Khê Truyền Đăng viết lời sao cho bộ A Di Đà Kinh Lược Giải, đặt tên là A Di Đà Kinh Lược Giải Viên Trung Sao.
[12] Kinh này có tên gọi đầy đủ là A Di Đà Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni Kinh, đã mất tên người dịch. Trong kinh này, đức Phật ngự tại thành Chiêm Ba, giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, gọi tên cõi ấy là Thanh Thái, xưng tán công đức trang nghiêm của cõi ấy, nói rõ tên họ song thân của A Di Đà Phật trước khi Ngài xuất gia (cha là Nguyệt Thượng, mẹ là Thù Thắng Diệu Nhan), con trai tên Nguyệt Minh, cũng như tuyên dương Cổ Âm Thanh Vương Đại Đà La Ni. Theo cổ đức, kinh này nói về Ứng Thân của A Di Đà Phật, vì Ngài thị hiện bỏ nước xuất gia, thị hiện tám tướng thành đạo thì phải là Ứng Hóa Thân, chứ không phải là Báo Thân Phật như trong Tịnh Độ Tam Kinh.
[13] Hậu Xuất A Di Đà Kệ Kinh được dịch vào thời Hậu Hán, đã mất tên người dịch, là một bài kệ tụng xưng tán sự thù thắng nhiệm mầu của cõi Cực Lạc.
[14] Chữ “đồng bộ” ở đây được dùng theo ý nghĩa: Tuy có hai kinh khác nhau, nhưng có thể coi như là những phiên bản chi tiết hay tóm lược của cùng một bộ kinh. Nói cách khác, hai kinh là một, giống như sách chỉ cùng một bộ, nhưng cách trình bày khác nhau.
[15] Tức là Nhất Hạnh tam-muội được dạy trong kinh Văn Thù Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật. Kinh này đã được Hòa Thượng Minh Lễ dịch ra tiếng Việt và xếp vào bộ Niệm Phật Viên Đốn Tam Kinh.
[16] Tiêu quy tự tánh: Tiêu trừ hết thảy các vọng tưởng, chấp trước, phân biệt, kiến giải hư vọng, nhận biết bản thể của các pháp là Chân Như tự tánh.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top