A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa - Phần 15
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
阿彌陀經疏鈔演義
Phần 15
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không năm 1984
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong
Tập 29
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba mươi bảy:
(Tự) Cái diêu niệm không chân niệm, sanh nhập vô sanh, niệm Phật tức thị niệm tâm, sanh bỉ bất ly sanh thử. Tâm, Phật, chúng sanh nhất thể, trung lưu lưỡng ngạn bất cư. Cố vị tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ.
(序) 蓋繇念空真念。生入無生。念佛即是念心。生彼不離生此。心佛眾生一體。中流兩岸不居。故謂自性彌陀。唯心淨土。
(Tựa: Ấy là do niệm tới mức mọi đối đãi rỗng không, sẽ là chân niệm. Từ sanh tử nhập Vô Sanh Nhẫn, niệm Phật chính là niệm tâm. Sanh về cõi kia, nhưng chẳng lìa sanh trong cõi này. Tâm, Phật, và chúng sanh có cùng một Thể, giữa dòng và hai bên bờ đều chẳng ở. Do vậy nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”).
Trong đoạn lời Tựa này, đại sư đã tán thán bộ kinh A Di Đà đến mức không còn gì có thể nói thêm được nữa. Chúng ta đọc tới đoạn văn này, có thể nói là không ai chẳng cảm động. Lời tổng kết ở đây tiếp nối ý “tu nhân chứng quả” trong phần trước, đặc biệt quy kết tự tánh và duy tâm, ý nghĩa này chẳng hai, chẳng khác với các bộ kinh lớn trong Nhất Thừa Viên Giáo. Do vậy, chúng tôi thường nói: Kinh này là pháp môn bậc nhất trong hết thảy các pháp môn, là kinh bậc nhất trong hết thảy các kinh. Từ đoạn lời Tựa này, chúng ta có thể cảm nhận hết sức thân thiết [những ý nghĩa ấy]. Câu thứ nhất trong đoạn lời Tựa này là “cái diêu niệm không chân niệm” (do bởi niệm đến rỗng không mọi đối đãi thì sẽ là chân niệm), chữ “niệm” chỉ niệm Phật, sách Diễn Nghĩa đã chú giải như sau:
(Diễn) Niệm không chân niệm giả.
(演) 念空真念者。
(Diễn: Niệm tới mức mọi đối đãi rỗng không thì sẽ là chân niệm).
Đây đều là do “niệm tới mức mọi đối đãi rỗng không, sẽ là chân niệm”, niệm Phật có chân niệm. Đã có chân niệm thì đương nhiên có bất chân niệm. Do vậy, chúng ta niệm câu Phật hiệu này, dùng ngay tiêu chuẩn này để đối chiếu, hòng xét xem câu Phật hiệu của chính mình có phải là chân niệm hay không?
(Diễn) Niệm tức niệm Phật chi niệm. Chân niệm tức Chân Như Thể. Niệm đáo cực xứ, hòa niệm thoát lạc, đốn ly niệm tướng, vị chi “niệm Không”. Ly niệm tướng giả, đẳng hư không giới. Pháp giới nhất tướng, tức thị bình đẳng Pháp Thân, cố vân “chân niệm”.
(演) 念即念佛之念,真念即真如體,念到極處,和念脫落,頓離念相,謂之念空。離念相者,等虛空界,法界一相,即是平等法身,故云真念。
(Diễn: Chữ “niệm” [trong câu “niệm tới mức mọi đối đãi rỗng không, sẽ là chân niệm”] chính là chữ niệm trong niệm Phật. “Chân niệm” chính là bản thể của Chân Như. Niệm đến mức tột cùng, năng niệm lẫn sở niệm đều mất, nhanh chóng lìa khỏi tướng niệm, nên gọi là “niệm Không”. Lìa khỏi tướng niệm sẽ bằng với hư không giới. Pháp giới nhất tướng, tức là Pháp Thân bình đẳng, nên gọi là “chân niệm”).
Trong phần trước, từ sự chứng quả mà nói tới cảnh giới Nhất Chân pháp giới, đấy cũng là cảnh giới Lý nhất tâm bất loạn. Phật pháp, nói đơn giản, chính là pháp “phá mê, khai ngộ”. Hết thảy kinh luận đều giảng đạo lý này, vô lượng pháp môn đều nhằm dạy chúng ta phương pháp phá mê khai ngộ. Cảnh giới giữa mê và ngộ khác nhau. Do vậy, trong kinh luận, đức Phật thường giảng về cảnh giới của các giai đoạn khác nhau. Vì thế, người thường đọc tụng kinh điển Đại Thừa, nếu đối với cảnh giới của chính mình mà mười phần hiểu rõ, chắc chắn chẳng mê hoặc. Không mê là giác, càng khẩn yếu hơn nữa là phải không ngừng nâng cao sự giác ngộ; đó gọi là học Phật.
Trong hết thảy pháp môn tu học, không gì hơn được pháp môn Niệm Phật. Chúng tôi đang giảng bộ kinh này đến chỗ này, tôi nghĩ mỗi vị đồng tu ít nhiều cũng đều thông hiểu, biết được sự thù thắng của pháp môn này; bởi lẽ, do một câu A Di Đà Phật có thể chứng được Pháp Thân bình đẳng, hoặc như trong các kinh, [thân ấy] thường được gọi là “thanh tịnh Pháp Thân”. Đấy chính là như Ngẫu Ích đại sư đã nói trong sách Yếu Giải: Pháp môn này thẳng chóng nhất, ổn thỏa và thích đáng nhất, đơn giản và dễ dàng nhất. Không còn có pháp môn nào khác, vừa dễ dàng, vừa ổn thỏa, thích đáng bằng pháp môn này. Đấy cũng chính là như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai” (Chẳng cần nhờ đến phương tiện nào khác, tâm tự được khai ngộ).“Tâm khai” là khai ngộ, ngộ nhập thanh tịnh Pháp Thân, ngộ nhập pháp giới nhất tướng. “Pháp giới nhất tướng” chính là Nhất Chân pháp giới, là cảnh giới được chư Phật và các vị đại Bồ Tát đích thân chứng đắc. Kinh Hoa Nghiêm gọi cảnh giới ấy là Nhất Chân pháp giới. Tuy chúng ta còn chưa chứng đắc, nhưng chỗ này có ích rất lớn cho chúng ta, vì chúng ta có thể dùng tiêu chuẩn ấy để thường xuyên kiểm nghiệm cảnh giới của chính mình.
Nay trong cảnh giới này, chúng ta có thấy nhất tướng hay không? “Nhất tướng” là gì? Là tướng bình đẳng. Nếu đối với cảnh giới, chúng ta vẫn còn phân biệt tốt - xấu thì chẳng phải là nhất tướng! Có xấu và tốt sẽ là hai tướng, hai tướng là cảnh giới của phàm phu. Nhất tướng là cảnh giới của Phật, Bồ Tát. Đây là một phương pháp đơn giản nhất để kiểm nghiệm công phu của chính mình, xem công phu của bản thân chúng ta có tiến triển hay không. Nói cách khác, đối với cảnh giới, tâm chúng ta có bình đẳng hay không? Có bốn tướng bình đẳng hay không? Nếu nhận thấy chưa đạt đến cảnh giới ấy, trong cảnh giới, chúng ta vẫn sử dụng cái tâm giống như kinh Kim Cang đã nói “ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng” và “ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến”, chưa phải là Bồ Tát! Chẳng phải là Bồ Tát thì là gì? Là phàm phu! Tri kiến phàm phu, tri kiến luân hồi. Nói phàm phu thì mọi người cảm thấy chẳng có gì đặc biệt hết, nên tôi lại đặc biệt nhấn mạnh lời này bằng từ ngữ “tri kiến luân hồi”! Nếu quý vị có tri kiến ấy, sẽ chẳng thể nào thoát khỏi sanh tử luân hồi. So với phàm phu, luân hồi quả thật đáng sợ hơn nhiều! Chúng ta từ vô thỉ kiếp mãi cho đến ngày nay, có thể nói là luôn xoay chuyển [trong lục đạo] bởi tri kiến sanh tử luân hồi.
“Niệm Không”, “Không” là gì? Chính là niệm cho hết sạch tri kiến sanh tử. Khi niệm hết rồi, chân niệm sẽ hiện tiền. “Chân niệm” là chân tâm, là bản thể, Thiền gia gọi nó là “phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục” (diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra), là con người thật sự của ta. Trong Phật pháp, thường nói đến khai ngộ, hoặc nói tới chứng quả, ngộ gì vậy? Chứng gì vậy? [Chứng và ngộ] thứ này! Tại núi Hoàng Mai, do đã ngộ đạo, đã chứng đắc, Lục Tổ đại sư đã nói mấy câu: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh; nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ; nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp”. Tự tánh là Chân Như bổn thể, là con người thật sự của chính mình. Nay chúng ta đang mê, mê là gì? Mê là mê mất điều này, mà ngộ cũng là ngộ chính điều này. Lại nói rõ cùng quý vị: Trong Chân Như tự tánh, chẳng có mê hay ngộ. Trong tự tánh Lý thể, mê lẫn ngộ đều chẳng thể được. Vì vậy, khi thành Phật, người ấy ắt thấy đại địa chúng sanh cùng thành Chánh Giác, đấy đạo lý nhất định. Nói mê là hư vọng, thì ngộ còn có thể nói là chân thật được sao? Ngộ là giả danh, do đối lập với mê mà lập ra. Nếu mê đã phá rồi, mà còn tồn tại ngộ, thì ngộ ấy là căn bản vô minh, hoàn toàn chẳng phải là khai ngộ thật sự, ngay cả ngộ cũng chẳng thể được! Do vậy, ở đây nói: “Niệm đáo cực xứ, hòa niệm thoát lạc”, tức là nói công phu niệm Phật đến tột bậc thì năng niệm lẫn sở niệm đều chẳng thể được!
“Đốn ly niệm tướng, vị chi niệm Không” (nhanh chóng lìa khỏi tướng niệm, gọi là niệm Không): Đến cảnh giới này, nếu chúng ta hỏi người ấy còn có niệm hay không? Ngàn vạn phần đừng hiểu lầm là đến khi đó, người ấy chẳng niệm Phật! Không niệm sẽ đọa vào Không, lầm lẫn lớn lắm! Tới khi ấy, sáu chữ hồng danh vẫn cứ tiếp tục không gián đoạn như vậy, đúng như câu nói: “Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”, chẳng phải là không có niệm! Đại Thế Chí Bồ Tát là Đẳng Giác Bồ Tát, mà Ngài vẫn “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (nhiếp trọn sáu năm, tịnh niệm tiếp nối), chẳng gián đoạn! Đấy mới là người niệm Phật chân chánh. Câu Phật hiệu của Ngài giống hệt chúng ta, suốt ngày từ sáng đến tối chúng ta cầm xâu chuỗi, có lẽ Ngài cũng cầm xâu chuỗi, một câu Nam-mô A Di Đà Phật từ trước đến nay chưa hề gián đoạn, nhưng cảnh giới chắc chắn khác nhau, vì sao? Chúng ta niệm Phật chấp tướng, còn Ngài vô tướng niệm Phật. Chúng ta là hữu niệm niệm Phật, còn Ngài là ly niệm niệm Phật. Chúng ta sống trong mười pháp giới, Ngài sống trong Nhất Chân pháp giới. Chúng ta chỗ nào cũng bị chướng ngại, còn Ngài chỗ nào cũng vô chướng ngại, giống như “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại” trong kinh Hoa Nghiêm, làm sao [chúng ta và Ngài] giống nhau cho được? Trong cảnh giới, chúng ta thấy có các thứ sai biệt, bất bình đẳng, còn tâm địa của Ngài thanh tịnh, bình đẳng, thụ dụng khác hẳn nhau!
Quý vị nghe những lời này xong, nhất định sẽ suy tưởng: Chúng ta phải làm sao để cũng có thể niệm đạt tới cảnh giới ấy? Đấy là Lý nhất tâm bất loạn. Nếu quý vị muốn đạt tới cảnh giới ấy, ắt phải“đã tinh tấn, lại càng tinh tấn hơn”. Tinh tấn nơi điều gì? Lão Tử đã nói: “Vị học nhật ích, vị đạo nhật tổn” (Vì sự học mà ngày càng tăng, vì đạo mà ngày càng ít đi). Cầu học thuật thế gian bèn muốn nó hằng ngày tăng trưởng, đó là tiến bộ. Nếu cầu đạo, đạo là tâm thanh tịnh, phải nên làm như thế nào? Phải nên ngày càng buông xuống, “tổn” (損) là chẳng nhiễm mảy trần. Trong phần trước, đại sư có nói: “Phóng hạ, hựu phóng hạ” (đã buông xuống, lại càng buông xuống nhiều hơn). Học đạo là như vậy đó! Tinh tấn trong Phật pháp nghĩa là gì? Tinh tấn là buông xuống. Chẳng những ngũ dục, lục trần trong thế gian phải buông xuống, mà ngay cả Phật pháp cũng phải buông xuống. Ngũ dục, lục trần trong thế gian là bệnh, Phật pháp là thuốc; lấy thuốc trị bệnh, bệnh lành rồi, chẳng cần đến thuốc nữa. Đúng như câu nói: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp”(pháp còn nên bỏ, huống hồ phi pháp).
Do đây có thể biết: Từ xưa đến nay, những người thành tựu, quý vị đọc kinh cẩn thận sẽ nhận ra hiện tượng này: Đức Phật nói các bộ kinh, các đệ tử tham dự, nghe xong thường đại triệt đại ngộ, đều có thể nhập cảnh giới ấy. Chẳng phải là mỗi bộ kinh họ đều nghe, chẳng phải vậy! Khai ngộ từ đâu? Khai ngộ bởi một bộ kinh. Chúng ta đọc kinh Lăng Nghiêm, thấy cô Ma Đăng Già (Mātanga) là phàm phu sát đất, kinh giảng được một nửa, cô ta liền chứng Tam Quả và A La Hán. Cô ta không nghe rất nhiều kinh, học rất nhiều pháp môn rồi mới khai ngộ. Quý vị phải hiểu: Học nhiều, nghe nhiều, biến thành Sở Tri Chướng, chắc chắn chẳng thể khai ngộ. Trong Phật pháp, bất luận là Giải hay Hành, đều phải thâm nhập một môn! Đã là phải thâm nhập một môn, vì sao đức Phật nói nhiều kinh như vậy? Đức Phật nói kinh nhiều ngần ấy, nói thật ra, chẳng phải là vì riêng ta mà nói! Mỗi bộ kinh đều có một loại đương cơ (căn cơ có thể tiếp nhận và tu tập pháp môn ấy), đức Phật vì những người ấy nói, họ nghe liền ngộ nhập. Đủ thấy: Nói thật ra, ngộ nhập là trong một hội, trong một bộ kinh! Chúng ta thấy nhiều tình hình như vậy rồi mới nhận biết: Nếu quý vị nghe quá nhiều, chắc chắn bị chướng ngại. Giống như chúng ta bị bệnh, mỗi người mắc bệnh khác nhau, chúng ta đi khám bác sĩ, bác sĩ kê toa cho mỗi người khác nhau. Chúng ta cầm toa thuốc ấy, chiếu theo toa để uống thuốc. Uống rồi sẽ lành bệnh; thuốc vào, bệnh dứt, khôi phục sức khỏe. Nếu thuốc của quý vị đúng căn bệnh, quý vị uống vào lành bệnh, [thấy] thuốc của người khác cũng khá lắm, à! Vậy thì trao toa thuốc cho tôi, tôi mua hết những thuốc ấy về uống, uống vào mà không đổ bệnh thì cũng chết ngắc!
Hết thảy các kinh là những toa thuốc mà đức Phật kê cho khá nhiều chúng sanh thuở ấy, chẳng thể tùy tiện uống loạn xạ được! Nếu quý vị tùy tiện uống thuốc loạn xạ, chắc chắn có hại, chứ chẳng có ích gì! Nếu có ích thì hiện thời quý vị đọc kinh nhiều dường ấy, nghe kinh nhiều ngần ấy, vì sao vẫn chưa khai ngộ? Quý vị niệm Phật đã nhiều năm dường ấy, vì sao ngay cả tin tức vãng sanh cũng chẳng có chi hết? Căn bệnh là đâu? Tạp loạn ấy mà! Từ Vãng Sanh Truyện, chúng ta thấy cổ nhân cũng là phàm phu sát đất, trước nay chưa hề nghe Phật pháp, có pháp sư dạy họ niệm A Di Đà Phật, họ niệm ba năm, công phu thành phiến, đắc nhất tâm, biết trước lúc mất, tự tại vãng sanh. Chúng ta công phu nhiều hơn họ, vì sao chẳng bằng họ? Người ta uống một loại thuốc, uống vào bèn khỏi bệnh. Nay chúng ta uống cả đống thứ, chỉ sợ toa thuốc quá ít, không có bệnh cũng đổ bệnh! Làm sao có thể khôi phục sức khỏe cho được? Do vậy, “vì đạo” hay “vì học” tuyệt đối chẳng giống nhau!
Sau khi chúng ta đã hiểu rõ đạo lý này, mới biết trong các pháp môn nhiều ngần ấy, chúng ta hãy nên chọn lựa pháp môn nào? Nếu chúng ta là học trò ngoan của Thích Ca Mâu Ni Phật, là học sinh rất biết nghe lời, hãy nên chọn pháp môn Niệm Phật. Vì sao? Vì trong kinh, đức Phật đã dạy:“Thời Chánh Pháp giới luật thành tựu, thời Tượng Pháp Thiền Định thành tựu, thời Mạt Pháp, Tịnh Độ thành tựu”. Nay chúng ta đang sống trong thời Mạt Pháp, chúng ta tu pháp môn Tịnh Độ, niệm một câu A Di Đà Phật, chính là học sinh ngoan biết nghe lời nhất. Đấy cũng là lý do vì sao chúng ta chọn lựa pháp môn Tịnh Độ.
Pháp môn này có tốt đẹp hay không? Quá tốt đẹp! Nếu chẳng tốt, sao đại pháp Nhất Thừa Viên Giáo lại đề xướng? Chúng ta biết kinh Hoa Nghiêm là Nhất Thừa Viên Giáo, Thiện Tài đồng tử đại diện cho người tu học, là một tấm gương, là điển hình tu hành, Ngài tu pháp môn gì? Tu pháp môn Niệm Phật. Niệm vị Phật nào? Niệm A Di Đà Phật. Vì sao biết? [Trong kinh Hoa Nghiêm] đến cuối cùng, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc. Ngài đi tham học, vị thiện tri thức thứ nhất là tỳ-kheo Đức Vân dạy Ngài pháp môn Niệm Phật. Tuy không nói rõ là A Di Đà Phật, nhưng chỗ quy túc cuối cùng là A Di Đà Phật, nên chúng ta biết pháp môn Niệm Phật của tỳ-kheo Đức Vân tu nhất định là niệm A Di Đà Phật. Do đây biết rằng: Pháp môn này được bắt đầu đề xướng từ hội Hoa Nghiêm. Chúng ta không đọc Hoa Nghiêm, sẽ chẳng nhận biết pháp môn này. Đọc Hoa Nghiêm xong, mới biết pháp môn này thù thắng, mới biết pháp môn này là pháp môn Đại Tổng Trì của hết thảy pháp môn, hãy nên tu như thế nào? Một câu Phật hiệu niệm đến rốt ráo là thành công rồi. Hết thảy vọng tưởng, tạp niệm thế gian lẫn xuất thế gian đều phải buông xuống; khi quý vị chưa buông xuống được, hãy dùng một câu Phật hiệu để thay thế.
Có rất nhiều đồng tu niệm Phật đến nói với tôi: “Trong khi niệm Phật, vọng niệm rất nhiều”. Đấy là hiện tượng tất nhiên! Không cần phải sợ! Vọng niệm dấy lên, quý vị cũng đồng thời dấy lên Phật hiệu. Điều khẩn yếu là toàn bộ tinh thần chuyên chú nơi Phật hiệu, mặc kệ vọng niệm, mặc cho nó có bao nhiêu, mặc cho nó dấy lên, căn bản là không quan tâm tới nó, chuyên môn quan tâm một câu Phật hiệu, tự nhiên vọng niệm sẽ chẳng còn nữa! Quý vị càng quan tâm tới vọng niệm, vọng niệm càng nhiều, sẽ quên mất Phật hiệu. Do vậy nói “đừng quan tâm đến vọng niệm”. Phật hiệu và vọng niệm đồng thời dấy lên, chúng ta là người biết dụng công sẽ quan tâm Phật hiệu, mặc kệ vọng niệm. Vọng niệm chẳng trở ngại quý vị niệm Phật, niệm Phật cũng chẳng trở ngại vọng niệm, chúng có thể tồn tại đồng thời. Quý vị chỉ chú ý tới Phật hiệu, vọng niệm nhất định giảm ít, ít đến mức vọng niệm chẳng sanh, căn bản là chẳng dấy lên. Một ngày trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, vọng niệm cũng chẳng dấy lên, khi ấy là Sự nhất tâm bất loạn. Vọng niệm vừa mới dấy lên, một câu Phật hiệu đè nó xuống, đó là công phu thành phiến, coi như là thành tựu, chắc chắn nắm chắc đới nghiệp vãng sanh.
Đoạn này nói tới cảnh giới tối cao, giảng về Lý nhất tâm bất loạn, khi ấy, tâm là chân tâm hiện tiền. Kinh luận thường nói về chân tâm như sau: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” (Tâm bao trùm hư không, lượng trọn khắp các cõi với số lượng nhiều như cát). Ở đây nói là “đẳng hư không giới, pháp giới nhất tướng” (bằng với hư không giới, pháp giới một tướng). Tâm đã nhất, cảnh giới bên ngoài cũng nhất. Người học Phật phải nhớ lời Phật giáo huấn: “Nhược năng chuyển cảnh, tắc đồng Như Lai” (Nếu có thể chuyển cảnh, sẽ giống với Như Lai). Nói cách khác, người học Phật phải chuyển được cảnh giới, đừng bị cảnh giới chuyển. Bị cảnh giới chuyển là phàm phu! Chúng ta là người học Phật, người niệm Phật, niệm niệm vẫn bị cảnh giới chuyển, quý vị nghĩ xem: Làm sao đắc nhất tâm? Làm sao đắc công phu thành phiến? Chúng ta nhất định phải hiểu điều này.
Vì sao phải chuyển cảnh? Vì cảnh giới là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Cảnh giới chẳng chân thật. Kinh Kim Cang nói rất hay: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ, diệc như điển, ưng tác như thị quán” (Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như thế). Sương và ánh chớp đều vô thường, thời gian tồn tại hết sức ngắn ngủi, tạm bợ. Chúng ta hãy suy nghĩ xem: Mạng sống của mỗi một người chúng ta tồn tại trong thế gian này, kể như quý vị sống rất thọ, sống đến một trăm tuổi, người thọ trăm tuổi được mấy ai? So trong toàn thể vũ trụ, thời gian một trăm năm là một sát-na, quá sức ngắn ngủi! Nếu xét theo cái nhìn của [chư thiên trong cõi] trời Đao Lợi, một ngày trong trời Đao Lợi bằng một trăm năm trong thế gian, trời Đao Lợi thấy nhân gian đáng thương quá! Sáng sanh, chiều chết, ngày sanh, đêm chết. Nếu chúng ta thường nghĩ tới điều này, nghĩ tới sự thật này, quý vị sẽ giác ngộ, sẽ tự nhiên bỏ được hết thảy vô thường, hư vọng, giữ lấy chân thường.
Chân thường là gì? Chân thường là Chân Như tự tánh. Ở đây gọi là “Chân Như Thể”, Thể là tự tánh. Kinh Lăng Nghiêm nói “lục căn căn tánh” (căn tánh của sáu căn). Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đại từ đại bi, đối với Nhãn Căn trong sáu căn, Ngài đặc biệt giảng rõ tường tận trong phần“mười phen chỉ cái Thấy” [của kinh Lăng Nghiêm]. Đây có nghĩa là nói rõ: Căn tánh của sáu căn là chân thường, chẳng sanh, chẳng diệt, thật đấy! Chúng ta phải giữ lấy thứ này, trong pháp môn Niệm Phật sẽ là Lý nhất tâm bất loạn. Chúng ta cũng có thể nói như thế này: Chỗ khác nhau giữa Phật, Bồ Tát và phàm phu là dụng tâm khác nhau! Phật, Bồ Tát dùng chân tâm, căn tánh của sáu căn là chân tâm. Các Ngài thấy sắc, chẳng dùng Nhãn Thức để thấy, chẳng dùng Ý Thức để thấy, mà dùng tánh Thấy để thấy. Tai nghe âm thanh, chẳng dùng Nhĩ Thức để nghe, chẳng dùng Ý Thức là thức thứ sáu để nghe, mà dùng tánh Nghe để nghe. Vì vậy, người biết dùng căn tánh của sáu căn gọi là Phật, Bồ Tát. Người không biết dùng căn tánh của sáu căn mà dùng sáu thức thì gọi là phàm phu. Trừ chỗ này ra, Phật, Bồ Tát và phàm phu còn có sai biệt nào khác hay chăng? Chẳng có sai biệt!
“Niệm đáo cực xứ, hòa niệm thoát lạc” (Niệm đến cùng tột, năng niệm và sở niệm đều mất): Nay chúng ta bắt đầu niệm Phật, dùng cái tâm ý thức, chẳng biết dùng căn tánh của sáu căn. Niệm Phật đến cùng cực, năng niệm và sở niệm hai bên đều bỏ sạch, Thiền gia gọi đó là “ly tâm ý thức”. Sau khi lìa tâm ý thức, ở đây, cảnh giới ấy được gọi là “niệm Không”. Chữ “Không” ở đây đừng hiểu là “vô” (không có), chữ “không” này phải như trong Tâm Kinh đã nói: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc”. Chữ Không ở đây có ý nghĩa như vậy đó, đấy là Thật Tướng Bát Nhã.
Phía trước có nói “đốn ly niệm tướng” (nhanh chóng lìa tướng niệm), “niệm tướng” là gì? Tướng ngôn thuyết, tướng văn tự, tướng tâm duyên, tướng năng niệm, tướng sở niệm, toàn bộ [những tướng ấy] đều không có, chẳng khác gì Giao Quang đại sư đã nói trong sách Lăng Nghiêm Kinh Chánh Mạch: “Bỏ Thức dùng Căn”. Cảnh giới được nói trong sách Chánh Mạch chính là cảnh giới của bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên. Từ Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên, chính là Lý nhất tâm bất loạn trong pháp môn Niệm Phật. Khi ấy, tâm tách rời phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, chân tâm hiển lộ. Chân tâm có hình dạng ra sao? Thứ nhất là tướng rộng lớn, tức là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, tâm lượng rộng lớn mà! Tướng thanh tịnh, tướng bình đẳng, tướng từ bi (tức là vô duyên đại từ, đồng thể đại bi) hiện tiền; khi ấy, Thanh Tịnh Pháp Thân, Viên Mãn Báo Thân, Thiên Bách Ức Hóa Thân đều hiện tiền, đó gọi là “chân niệm”.
Nếu quý vị hỏi niệm Phật có chỗ nào hay ư? Những chỗ hay có nói trọn hết được không? Nói chẳng trọn hết được những chỗ hay! Nói tới đây, chúng tôi quy nạp lại, “chân niệm” là dùng chân tâm niệm Phật; đó là cách nói đơn giản nhất! Chớ nên dùng vọng tâm niệm Phật, phải dùng chân tâm niệm Phật. Lần trước đã nói ra cảnh giới, đoạn văn ấy hết sức trọng yếu, tôi cũng đặc biệt nhắc nhở các đồng tu: Chúng ta niệm Phật, sử dụng chân tâm, còn đãi người tiếp vật thì sao? Khi niệm Phật là giác, khi đãi người tiếp vật lại mê, không được rồi! Như vậy sẽ vô ích. Khi niệm Phật, niệm cho ra chân tâm, niệm ra để làm gì? Niệm cho ra để dùng trong cuộc sống, khiến cho toàn bộ cuộc sống thường nhật của chúng ta đều sử dụng chân tâm. Đấy mới là “chỗ nào cũng đều thấy Phật, lúc nào cũng đều thấy Phật, hữu tình và vô tình cùng viên mãn Chủng Trí”. Do vậy, niệm một câu A Di Đà Phật là một phương pháp. Điều khẩn yếu nhất trong phương pháp này là nhằm lay tỉnh quý vị, nhằm đánh thức giác tâm của quý vị, niệm cho ra giác tâm. Giác tâm là chân tâm, niệm cho hết vọng tâm, niệm cho chân tâm dấy lên, chuyện là như vậy đó. Xử sự bằng chân tâm. Chân tâm cai quản, chân tâm làm chủ; đó gọi là thành Phật, là Chánh Đẳng Chánh Giác.
Do đây có thể biết rằng: Niệm Phật chẳng phải là vô ích, niệm Phật hoàn toàn chẳng phải là trật khớp với cuộc sống chúng ta, mà niệm Phật là cuộc sống thực tế của chúng ta. Ngày nay, chánh phủ đề xướng phải nâng cao phẩm chất cuộc sống, nâng cao từ chỗ nào? Niệm Phật mới là phương cách duy nhất để thật sự nâng cao phẩm chất cuộc sống, khiến cho quý vị thật sự đạt đến cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Thế nhưng quý vị phải nhớ: Nếu quý vị dùng giả tâm, tạp tâm, vọng tâm, dẫu quý vị niệm như thế nào đi nữa, cũng chẳng đạt được những thứ lợi ích tốt đẹp ấy! Xét đến hết mức, chỉ là gieo một ít chủng tử niệm Phật vào A Lại Da thức, chứ chẳng thể hưởng dùng trong đời này được! Nếu do một câu Phật hiệu ấy mà niệm khiến cho chân tâm tỏ lộ, sự thụ dụng ấy sẽ thật sự chẳng thể nghĩ bàn, thật sự đại tự tại! Người thế gian thường nói “khoái lạc khôn sánh”, đấy là hô khẩu hiệu, trên thực tế, họ rất khổ, nói ngoài miệng mà thôi! Chỉ có người chân tâm niệm Phật mới thật sự sung sướng, thật sự tự tại. Do vậy, chỉ có người chân tâm niệm Phật mới có đủ chân - thiện - mỹ - huệ!
Đại sư nói: “Cái diêu niệm không chân niệm” (ấy là do niệm đến mức mọi thứ đối đãi rỗng rang, sẽ là chân niệm). Câu này nói rõ niệm Phật là công phu chân thật, công phu thành tựu, là Lý nhất tâm, là công phu thượng thừa. Tiếp theo đó, sách Diễn Nghĩa giảng câu “sanh nhập vô sanh”, sanh nhập vô sanh là quả báo, nhân viên quả mãn.
(Diễn) Sanh nhập vô sanh giả, sanh tức sanh tử chi sanh, vô sanh tức Vô Sanh Nhẫn.
(演) 生入無生者,生即生死之生,無生即無生忍。
(Diễn: “Sanh nhập vô sanh”: Chữ “Sanh” [đầu tiên trong câu này] là chữ Sanh trong sanh tử, “vô sanh” là Vô Sanh Nhẫn).
Nói cách khác, quý vị niệm đến cảnh giới này, thấy chân tướng sự thật như thế nào? Chân tướng sự thật là bất sanh bất diệt. Nói là “liễu sanh tử, thoát tam giới” nhưng vẫn chưa phải là đã xong xuôi! Đối với “liễu sanh tử, thoát tam giới”, chúng ta thường nói tới Tiểu Thừa A La Hán, nhưng [“liễu sanh tử, thoát tam giới” ở đây] cao hơn cảnh giới của A La Hán rất nhiều. Đạt đến cảnh giới ấy, mới thật sự thấy được hết thảy pháp vốn bất sanh, lẽ đâu có diệt? Đó là thấy được tướng chân thật của vạn pháp trong vũ trụ, Thật Tướng của các pháp. Vì sao nói vạn pháp bất sanh? Lý này rất sâu, một câu nói của đức Phật có thể nói toạc chuyện này, nhưng chúng ta rất khó khế nhập, chẳng dễ gì thấu hiểu được. Chẳng những không dễ gì thấu hiểu, mà còn sợ rằng chưa dễ gì tiếp nhận được. Vì sao chẳng dễ gì tiếp nhận? Vì về căn bản, không có cách nào lý giải cảnh giới này; cho nên chẳng thể tiếp nhận!
(Diễn) Sanh bổn vô Thể, dĩ niệm vi Thể.
(演) 生本無體,以念為體。
(Diễn: Sanh vốn không có Thể, lấy niệm làm Thể).
“Sanh” là hiện tượng sanh khởi của hết thảy vạn pháp, chúng ta thường nói là “duyên sanh”.“Nhân duyên sở sanh pháp, đương thể tức thị không” (Các pháp được sanh bởi nhân duyên, bản thể của chúng chính là Không). Nó không có tự tánh; không có tự tánh thì từ đâu mà sanh khởi?“Dĩ niệm vi Thể” (Lấy niệm làm Thể), từ niệm mà sanh. Sự - Lý này quả thật khó thể hiểu được, chúng ta chỉ đành lãnh hội bằng tỷ dụ. Quý vị vẫn chưa chứng thánh quả, tâm vẫn chưa thanh tịnh. Chưa thanh tịnh thì nói cách khác là tâm khởi niệm, khởi phân biệt chưa hề gián đoạn. Quý vị nằm trên giường, ngủ thật say, thân bất động, nhưng tâm vẫn còn khởi niệm, vẫn phân biệt. Do khởi niệm nên biến thành mộng cảnh. Mộng do đâu mà có? Khi quý vị ngủ, trong tâm có ý niệm, mộng do niệm mà sanh. Nếu quý vị không có niệm, sẽ chẳng có mộng. Quý vị có thiện niệm bèn có hảo mộng, có ác niệm bèn có ác mộng. Do đây có thể chứng minh rằng: Mộng quả thật từ niệm mà sanh khởi.
Mộng cảnh ngắn ngủi, tạm bợ, nhưng trong mộng cảnh, quý vị chẳng cảm nhận nó ngắn ngủi, tạm bợ. Trong bút ký, tiểu thuyết của cổ nhân Trung Quốc, có chuyện Hoàng Lương Mộng (giấc mộng kê vàng), chuyện này mọi người đều rất quen thuộc. Chuyện kể một chàng Tú Tài nghèo khổ hằng ngày suy nghĩ lung tung, có một hôm ở trong một đạo quán (miếu của đạo sĩ), đạo sĩ ngồi tịnh tọa nơi ấy, bên cạnh có một cái lò đang nấu cháo hạt kê (foxtail millet). Hoàng Lương (黃粱) là hạt kê, nấu rất mau chín! Anh ta ngủ gục cạnh lò, nằm mộng. Mộng thấy mình đi thi, kết quả đỗ Trạng Nguyên. Sau đó, được hoàng đế bổ làm Tri Huyện, làm quan, thăng chức dần dần. Làm quan bao nhiêu đó năm, lên đến Tể Tướng. Phàm những ai trước kia đã có ân huệ với anh ta, đều báo đáp từng người một. Những kẻ nào phạm lỗi với anh ta trong quá khứ, anh ta đều báo thù từng người một, ân oán phân minh! Đến cuối cùng, chính mình cũng phạm tội, bị hoàng đế cách chức, cuộc sống tồi tệ, khổ chẳng thể nói được! Khi ấy, tỉnh giấc, kê còn nấu chưa chín. Vị đạo sĩ ấy rất lợi hại, hỏi anh ta: “Hai mươi năm làm vị Tể Tướng trong thuở thái bình có đắc ý hay chăng?” Trong giấc mộng, anh ta làm vị Tể Tướng thuở thái bình suốt hai mươi năm, hạt kê vàng nấu vẫn chưa chín! Trong cảnh mộng, anh ta quả thật cảm thấy đã trải qua mấy chục năm, đời người như giấc mộng!
Người trẻ tuổi chẳng lãnh hội sâu sắc chuyện này, người lớn tuổi cảm nhận chuyện này hết sức thân thiết. Năm hai mươi ba tuổi, tôi đến Đài Loan, hiện thời chớp mắt đã sáu mươi tuổi rồi, nghĩ tới quang cảnh Đài Loan ngày ấy giống như vừa mới hôm qua. Sau này còn có ba mươi năm nữa hay chăng? Không có! Hơn ba mươi năm trôi qua như một khảy ngón tay. Đời người là giấc mộng, không có thứ gì để có thể đạt được cả! Quý vị ngỡ là có thể đạt được, đó là giả, chắc chắn là hư vọng, không gì chẳng phải là một giấc mộng lớn mà thôi! Do vậy, đức Phật dạy chúng ta phải bỏ hết thảy, phải buông xuống hết thảy, đó là chánh lý, tức là đạo lý tuyệt đối chính xác. Vì sao? Thứ gì cũng chẳng thể đạt được, quý vị cứ khư khư muốn cầu lấy, chẳng phải là tự mình chuốc khổ ư? Do vậy, buông xuống sẽ tự tại, buông xuống là giải thoát.
Hết thảy các pháp do vọng tưởng, phân biệt biến thành; tông Duy Thức bảo là “duy thức sở biến”. Thức là ý niệm, là tâm phân biệt. Do vậy, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới thảy đều lấy niệm làm Thể. Nếu ý niệm không có, sẽ như Vĩnh Gia đại sư đã nói: “Giác hậu không không vô đại thiên” (giác rồi ba cõi rỗng toang hoang). “Giác hậu” giống như tỉnh giấc, mộng cảnh chẳng còn nữa, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới trước mắt chúng ta là giấc mộng lớn. Hiện thời, cái tâm phân biệt của quý vị không có giác, chẳng đoạn dứt, suốt ngày từ sáng đến tối phân biệt không ngừng. Do vậy, tướng cảnh giới bên ngoài giống như có tướng tiếp nối, liên tục, thật ra, nó chẳng liên tục, mà là sanh diệt trong từng sát-na, như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Đương xứ xuất sanh, đương xứ diệt tận” (sanh ra từ ngay chỗ này, diệt mất cũng ngay tại đó), “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng” (thuận theo lòng chúng sanh mà ứng hiện phù hợp với khả năng nhận biết của họ). Pháp vốn là như vậy, đừng nghĩ cảnh giới là chân thật. Nếu nghĩ là thật sự có chuyện ấy, quý vị đã nhìn lầm mất rồi, chẳng có chuyện ấy đâu! Nếu quý vị thấy thấu suốt chân tướng, lẽ nào chẳng tự tại! Thấy thấu suốt chân tướng, trong hết thảy cảnh giới, sẽ chẳng có ý niệm được - mất. Chúng sanh khổ sở là do lo được, lo mất. Trong cảnh giới, chúng ta không có được - mất, sẽ tự tại nhiều lắm! Hết thảy thụ dụng không gì chẳng tự tại. Tiếp theo đây, đại sư trích dẫn một đoạn Khởi Tín Luận để giảng.
(Diễn) Khởi Tín vân: “Nhất thiết chư pháp, duy y vọng niệm nhi đắc trụ trì”.
(演) 起信云:一切諸法,唯依妄念而得住持。
(Diễn: Khởi Tín Luận viết: “Hết thảy các pháp chỉ do nương vào vọng niệm mà được tồn tại liên tục”).
Khởi Tín Luận là “tông kinh luận” (bộ luận chuyên chú trọng giải thích cương lãnh, ý nghĩa chánh yếu của một bộ kinh, chứ không giải thích tỉ mỉ từng câu văn, từng từ ngữ), chuyên căn cứ trên sự chỉ dạy của đức Phật để giảng rõ cho chúng ta [tông chỉ Đại Thừa]. “Nhất thiết chư pháp”bao gồm các pháp thế gian và xuất thế gian, lục phàm pháp giới trong thế gian, tứ thánh pháp giới xuất thế gian, không chỉ bao gồm tứ thánh lục phàm, mà còn bao gồm Nhất Chân pháp giới, thảy đều “y vọng niệm nhi đắc trụ trì” (nương vào vọng niệm mà tồn tại liên tục). “Trụ” (住) có nghĩa là tồn tại, “trì” (持) có nghĩa là gìn giữ, cũng có nghĩa là liên tục. Hiện ra tướng tồn tại liên tục là do nương vào vọng niệm.
Nói tới chỗ này, chắc cũng có những vị muốn hỏi: “Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới có vọng niệm, chúng con tin được, vì sao? Những người ở đó còn chưa đắc nhất tâm. Trong cõi Phương Tiện Hữu Dư cũng có vọng niệm, chúng con cũng tin tưởng, vì tuy họ đắc Niệm Phật tam-muội, nhưng chưa kiến tánh. Vấn đề nẩy sanh là từ cõi Thật Báo trở lên, há còn có vọng niệm ư?” Quý vị hãy nghĩ xem: Có [vọng niệm] hay là không? Sống trong cõi Thật Báo là hàng Bồ Tát đã kiến tánh, là Pháp Thân đại sĩ. Sơ Trụ Bồ Tát có vọng niệm hay không? Bốn mươi mốt phẩm vô minh mới phá được một phẩm, còn bốn mươi phẩm chưa phá, làm sao không có vọng niệm? Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, vẫn còn có vọng niệm! Viên mãn thành Phật sẽ chẳng có vọng niệm. Chẳng có vọng niệm lẽ ra không có tướng! Vì vậy, trong cảnh giới này, chúng ta mới thấy lòng từ bi của Phật đúng là vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, vì sao? Ngài có năng lực phá trừ một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng, nhưng không phá. Vì sao không phá? Muốn ở trong mộng để làm Phật sự lớn lao, giúp người khác giác ngộ. Nếu Ngài phá thì “giác rồi ba cõi rỗng toang hoang”, Ngài còn giúp đỡ hết thảy chúng sanh mê hoặc điên đảo được nữa hay chăng? Chẳng giúp đỡ được!
Do vậy, Phật đạt đến cảnh giới thành Phật, Ngài tuyệt đối chẳng phá một phẩm vô minh, giữ lại, gọi là “lưu Hoặc”, giữ lại một phần, đó gọi là “thả chiếc bè Từ”. Giữ lại một phần thì mới có thể thị hiện thân tướng trong mười pháp giới, nên dùng thân nào để độ được, bèn thị hiện thân ấy. Trong khi ấy, có gọi là vọng tưởng hay chăng? Có thể nói là vọng tưởng, mà cũng có thể nói “chẳng phải là vọng tưởng”. Vì Ngài tự biết những vọng tưởng ấy, muốn giữ chúng lại. Ngài đã giác ngộ, những vọng tưởng ấy chẳng phải là vọng tưởng. Giống như quý vị nằm mộng, trong mộng hiện ra chẳng ít chuyện tốt lành, biết mình đang nằm mộng, chẳng bằng lòng thức giấc, giấc mộng ấy vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng quý vị đã giác ngộ rồi, biết đang ở trong mộng, đấy là đã thật sự lìa khỏi mộng cảnh. Đấy là như trong kinh Đại Thừa thường nói: “Tức thế gian, nhi xuất thế gian” (ở ngay trong thế gian mà thoát khỏi thế gian), ở và lìa đồng thời, ở và lìa chẳng hai. Đấy là mặt tích cực nhất của Phật pháp, là cống hiến khôn sánh của Phật pháp dành cho hết thảy chúng sanh, chúng ta phải nhận thức. Đoạn tiếp theo là dựa trên lý luận để giảng:
(Diễn) Kim ký niệm không, sở vị: Bì ký bất tồn, mao tương an phụ, tự nhiên độc lâu phấn toái, Ngũ Ấm tiêu vong, tùng hữu sanh ngộ nhập Vô Sanh hỹ.
(演) 今既念空,所謂皮既不存,毛將安附,自然髑髏粉碎,五陰消亡,從有生悟入無生矣。
(Diễn: Nay niệm đã rỗng không, tức là nói: “Da đã chẳng còn, lông dính vào đâu?” Tự nhiên đầu lâu nát vụn, Ngũ Ấm mất tiêu. Từ có sanh bèn ngộ nhập Vô Sanh vậy).
Đây là Vô Sanh Pháp Nhẫn, chúng ta thường gọi nó là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Giảng theo nghĩa hẹp thì như kinh Nhân Vương đã nói, Thất Địa, Bát Địa, Cửu Địa, ba địa vị này là Vô Sanh Nhẫn Bồ Tát. Nếu giảng theo nghĩa rộng, tiêu chuẩn sẽ thấp hơn một chút: Từ Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên đã chứng được ít phần lý Vô Sanh, ngộ nhập Vô Sanh. Trong cảnh giới Tịnh Độ, chúng ta thường đọc bài Kệ Hồi Hướng có câu “hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh”, đấy là cảnh giới của Sơ Trụ trong Viên Giáo, là cảnh giới quý vị vừa mới chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn. Nói cách khác, chưa chứng đắc Lý nhất tâm, hoa sen của quý vị chưa nở. Quý vị vãng sanh thế giới Cực Lạc vẫn ở trong hoa sen, hoa chưa nở mà! Ở trong ấy, lại tiếp tục dụng công không ngừng, chứng đắc Lý nhất tâm, hoa sẽ nở. Trong ao bảy báu nơi cõi Tây Phương Cực Lạc thế giới, quả thật có hoa sen ấy, nó cũng chẳng phải là giả, trên mặt Sự thì nó có thật, nhưng quý vị phải hiểu Lý, Lý là gì? Hoa ấy là tâm hoa. Vì sao chẳng tỷ dụ hoa nào khác, mà cứ nhất định phải ví với hoa sen? Hoa sen là thanh tịnh, tâm quý vị vốn là thanh tịnh. Lục Tổ nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh”. [Hoa sen] nở là gì? Khai ngộ! Đại triệt đại ngộ, khi nào quý vị đại triệt đại ngộ cái tâm thanh tịnh, hoa sen bèn nở, chuyện là như vậy đó.
Nếu quý vị hỏi: Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, cần phải bao lâu hoa sen ấy mới nở? Không nhất định! Đâu có nhất định! Quý vị đến đó một ngày bèn khai ngộ, hoa sẽ nở ngay trong hôm thứ nhất. Hai ngày mới khai ngộ thì hai ngày hoa sen mới nở. Quý vị vĩnh viễn chẳng khai ngộ, hoa sẽ vĩnh viễn chẳng nở, không nhất định! Nếu hiện thời chúng ta tâm khai ý giải, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là Thượng Phẩm Thượng Sanh, vì sao? Vừa sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới hoa liền nở, đó là Thượng Phẩm Thượng Sanh. Quý vị phải suy nghĩ: Vì sao cái tâm của chúng ta chẳng khai? Chẳng khai là vì quý vị có chướng ngại, chướng ngại là do quý vị không buông xuống được! Trong lòng vướng mắc quá nhiều chuyện, cho nên quý vị chẳng thể tâm khai ý giải. Quý vị chẳng biết tướng chân thật và hình dạng chân thật của hết thảy muôn hình tượng là hư vọng, chẳng chân thật. Quý vị thấy thấu suốt đến mức độ ấy, sự gì, vật gì cũng chẳng thể vướng mắc quý vị được. Không bị vướng mắc chuyện gì, sẽ gọi là “buông xuống toàn thể”. Khi ấy mới là tâm khai ý giải, tâm quý vị thanh tịnh tự tại, vãng sanh thế giới Tây Phương bèn là Thượng Phẩm Thượng Sanh.
(Diễn) Hựu sanh tức niệm Phật chi tâm, vô sanh vị Vô Sanh chi lý.
(演) 又生即念佛之心,無生謂無生之理。
(Diễn: Lại nữa, sanh chính là cái tâm niệm Phật, vô sanh là lý Vô Sanh).
Đây là nói theo mặt Lý.
(Diễn) Tuy niệm tánh nguyên sanh diệt, ký do hữu niệm đắc nhập vô niệm, thị tùng sanh diệt đốn nhập Vô Sanh hỹ.
(演) 雖念性元生滅,既由有念得入無念,是從生滅頓入無生矣。
(Diễn: Tuy tánh của niệm vốn là sanh diệt, nhưng do hữu niệm mà nhập vô niệm, tức là từ sanh diệt mà nhanh chóng nhập Vô Sanh vậy).
Trong phần trên đã nói tới “đốn nhập”; ở đây cũng lại nói “đốn nhập”, hoàn toàn giống với cách nói của Khuy Cơ đại sư trong Thông Tán Sớ, đây là pháp môn cực viên, cực đốn. Nói thật ra, chúng ta muốn chứng được Pháp Thân đại sĩ trong một đời, quả thật chẳng dễ dàng; nhưng dùng pháp môn này, tôi chẳng dám nói chắc chắn là có thể đạt được, nhưng thưa quý vị, có khả năng thực hiện được, tùy thuộc vào dụng tâm, tinh tấn và công phu của mỗi người có đúng pháp, có đắc lực hay không? Bất cứ pháp môn nào khác cũng không có cách nào sánh bằng được!
Hiện thời, chúng ta niệm Phật là hữu niệm, dùng cái tâm sanh diệt để niệm Phật, niệm đến hoàn toàn thuần thục, sẽ nhập lý Vô Sanh. Hữu Sanh là gì? Vô Sanh là gì? Hữu Sanh là cái tâm năng niệm, cái thức năng niệm. “Thức tâm” là tâm phân biệt. Do nó là pháp hữu vi, nên có sanh, có diệt. Niệm đến mức kiến tánh thì tánh Niệm bất sanh bất diệt; đấy chính là như trong phần “mười phen chỉ cái Thấy” (thập phiên hiển Kiến) của kinh Lăng Nghiêm [đã chỉ rõ], tánh Niệm và tánh Thấy là một tánh, chứ không phải hai. Làm thế nào để từ hữu niệm đạt đến vô niệm? Đây là nói từ thức niệm (niệm bằng cái tâm ý thức) mà niệm cho tới kiến tánh. Hãy nhớ câu nói này trong phần trước: “Niệm không chân niệm” (niệm tới khi mọi đối đãi rỗng không, sẽ là chân niệm); do vậy mới có thể từ sanh mà nhập Vô Sanh. Dùng ý nghĩa của đoạn này để giải thích câu“sanh nhập Vô Sanh”, thì sẽ là từ cái tâm sanh diệt, niệm đến kiến tánh. Vô Sanh là kiến tánh, là bất sanh, bất diệt, phải “niệm không chân niệm” (niệm rỗng không mọi đối đãi, sẽ là chân niệm). Nói đơn giản, “niệm không”có nghĩa là thứ gì cũng buông xuống, thân tâm thế giới hết thảy đều buông xuống, đó là “niệm không”. Dùng chân tâm để niệm, sẽ tự nhiên từ sanh diệt mà niệm đến bất sanh bất diệt. Đạt đến bất sanh bất diệt là kiến tánh.
(Diễn) Niệm Phật niệm tâm giả.
(演) 念佛念心者。
(Diễn: Niệm Phậ là niệm tâm).
Niệm Phật là niệm tâm. Gần đây nhất, có mấy vị đồng tu đến hỏi tôi: “Không có cách nào để giữ cho Phật hiệu liên tục không gián đoạn. Vì mỗi ngày phải làm việc, hễ làm việc sẽ chẳng thể niệm Phật hiệu được. Nếu vừa niệm Phật vừa làm việc, tâm sẽ có hai công dụng, chẳng làm trọn vẹn chuyện gì được, mà Phật hiệu cũng niệm chẳng tốt đẹp, chính mình gặp tầng tầng chướng ngại”. Đấy là do không hiểu rõ nghĩa kinh, nên mới xuất hiện rối loạn như vậy. Quý vị phải nhớ, niệm Phật thì “niệm” (念) là “kim tâm” (今心), tức cái tâm hiện tiền, Phật là giác. Cái tâm hiện tại của ta giác chứ không mê, đó là niệm Phật. Dùng giác tâm để làm việc, chuyện gì cũng làm viên mãn, chuyện gì cũng đều làm chu đáo, vì sao? Tâm của quý vị giác chứ không mê. Hễ tâm mê, mới điên đảo sự việc, khiến cho sự việc bị sai sót, tâm giác sẽ chẳng bị. Vì thế, niệm Phật là giác tâm, cái tâm hiện tiền là giác chứ không mê. Một câu Nam-mô A Di Đà Phật nhằm niệm cho tâm hết mê, vốn nhằm niệm sao cho giác tâm của quý vị khởi lên. Niệm cho [giác tâm] khởi lên để làm gì? Niệm cho [giác tâm] khởi lên để làm các việc trong cuộc sống thường ngày, để đãi người, tiếp vật, đó gọi là Phật pháp, là thật sự niệm Phật.
Đủ thấy niệm Phật là hữu dụng, chứ không phải là niệm vô ích. Nam-mô A Di Đà Phật, Nam-mô nghĩa là “quy y”, A Di Đà Phật là Vô Lượng Giác. Dịch hoàn toàn sáu chữ này sang nghĩa tiếng Hán, sẽ là “quy y Vô Lượng Giác”. “Quy” (皈) là trở về, từ đâu trở về? Từ mê hoặc, điên đảo mà trở về, từ hết thảy lầm lẫn mà quay đầu trở lại, nương tựa (y:依) vào đâu? Nương vào giác chứ không mê, nương vào chánh chứ không tà, nương vào tịnh chứ chẳng nhiễm, đó gọi là niệm Phật. Nếu không, suốt ngày từ sáng đến tối lần chuỗi, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, nhưng đãi người, tiếp vật, chuyện gì cũng mê hoặc, điên đảo, quý vị niệm Phật đã uổng công rồi. Đó là như cổ nhân đã nói “rách toạc cuống họng cũng uổng công”, phí công niệm rồi, chẳng niệm ra được giác tâm, không chuyển biến cảnh giới mê hoặc, điên đảo được, chuyển không được! Do vậy, phải nhận thức hai chữ “niệm Phật” chính là niệm cái tâm, Phật là cái tâm giác ngộ. Vì thế, niệm Phật là niệm tâm.
(Diễn) Ký đáo chân niệm điền địa, tắc kỳ niệm Phật dĩ vô năng sở.
(演) 既到真念田地,則其念佛已無能所。
(Diễn: Đã đạt đến cảnh giới chân niệm thì sự niệm Phật ấy không có Năng và Sở).
“Năng” là cái tâm có khả năng niệm. “Sở” là đức Phật được niệm. Nếu có Năng và Sở, thưa cùng quý vị, chính là có nhị tâm, nhị tâm là mê. Giác tâm là nhất tâm, nhất tâm là chân tâm. Xử sự, đãi người, tiếp vật, bất luận thuận cảnh hay nghịch cảnh, đều dùng chân tâm, đó là Giác. Vừa mới dấy lên phân biệt, vừa mới chấp trước một chút, tâm ấy đã mê, chẳng phải là giác. Mê bèn có khổ, giác sẽ được tự tại. Khi đạt tới chân niệm, người ấy (hành giả) nhất định là nhất tâm hiện tiền, chân tâm hiện tiền. Trong chân tâm không có năng niệm hay sở niệm.
(Diễn) Năng niệm tâm ngoại, vô hữu Phật vi ngã sở niệm. Sở niệm Phật ngoại, vô hữu tâm năng niệm ư Phật. Trí ngoại vô Như, Như ngoại vô trí. Như, Trí bất nhị, danh niệm Phật tức thị niệm tâm dã.
(演) 能念心外,無有佛為我所念。所念佛外,無有心能念於佛。智外無如,如外無智,如智不二,名念佛即是念心也。
(Diễn: Ngoài cái tâm niệm Phật, không có đức Phật để ta niệm. Ngoài đức Phật được niệm, không có cái tâm niệm Phật. Ngoài trí không có Như, ngoài Như không có trí. Trí và Như chẳng hai, thì gọi là “niệm Phật chính là niệm tâm”).
Mấy câu này nói hết sức hay! Văn chương đơn giản, ý nghĩa hết sức rõ ràng! Do đây có thể biết người niệm Phật chúng ta tu những gì? Sở cầu của người niệm Phật là cầu chân tâm khởi tác dụng, cầu điều ấy. Trong kinh điển, danh xưng [của điều mong cầu này] là “nhất tâm bất loạn”. Tôi thay đổi danh từ thì mọi người sẽ dễ hiểu: Chân tâm khởi tác dụng chính là nhất tâm bất loạn. Nếu chân tâm chẳng khởi tác dụng, dẫu có đắc nhất tâm cũng uổng phí, chẳng có ích gì! Đã đắc nhất tâm, sẽ có Tự Thọ Dụng và Tha Thọ Dụng. Tự Thọ Dụng là thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Tha Thọ Dụng là đại từ đại bi. Tự Thọ Dụng và Tha Thọ Dụng chẳng trở ngại lẫn nhau.
Giống như Thích Ca Mâu Ni thuở còn tại thế, bốn mươi chín năm giảng kinh, thuyết pháp, đó là Tha Thọ Dụng, đại từ, đại bi, bản thân Ngài hết sức thanh tịnh. Từ tâm thanh tịnh mà nói thì trước nay Ngài chưa hề nói một chữ, chẳng thuyết pháp một câu, nói mà không nói. Nói là từ bi, là Tha Thọ Dụng; không nói là tự mình thanh tịnh, là Tự Thọ Dụng. Tự - Tha bất nhị. Đủ thấy rằng: Phật dùng nhất tâm, chẳng dùng nhị tâm. “Bản thân ta thanh tịnh. Ta giảng kinh, thuyết pháp cho người khác thì ta dùng nhị tâm”, vậy là sai rồi! Dùng nhị tâm sẽ bị chướng ngại, quý vị thuyết pháp nhất định chướng ngại sự thanh tu của chính mình, tự mình thanh tu nhất định sẽ chướng ngại hoằng pháp. Chỉ có nhất tâm, không nhị tâm, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, phải thấu hiểu tỉ mỉ sự thật này, càng nên nỗ lực học tập, khiến cho chính mình cũng có thể đạt đến cảnh giới ấy, sẽ đắc đại tự tại, quý vị mới thật sự thấu hiểu sự hưởng thụ, ý nghĩa của đời người, và giá trị của sanh mạng. Nếu không, tương lai là một bầu mờ mịt, tối tăm, thật sự đáng thương!
Qua bộ kinh này, chúng ta thật sự có được chỗ chỉ quy, có được phương hướng. Trong phần trước, tôi đã có lần nhắc nhở quý vị: Một bộ kinh này là đủ rồi, chắc chắn có thể trị lành hết thảy bệnh tật, tập khí của chúng ta từ vô thỉ đến nay, chắc chắn có thể giúp cho chúng ta thành tựu Vô Thượng Đạo. Quý vị dụng công, nhất tâm xưng niệm A Di Đà Phật, trọn đừng gián đoạn, trọn chẳng hoài nghi, sẽ thành công! Phương pháp đơn giản như vậy đó! Hôm nay đã hết giờ rồi!
Tập 30
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba mươi bảy:
(Tự) Cái diêu niệm không chân niệm, sanh nhập vô sanh, niệm Phật tức thị niệm tâm.
(序) 蓋繇念空真念。生入無生。念佛即是念心。
(Diễn: Ấy là vì niệm rỗng rang mọi đối đãi sẽ là chân niệm, từ sanh tử nhập Vô Sanh, niệm Phật chính là niệm tâm).
Hôm qua chúng tôi đã giảng ba câu này, hôm nay lại tiếp tục đọc đoạn văn kế tiếp.
(Tự) Sanh bỉ bất ly sanh thử, tâm, Phật, chúng sanh nhất thể, trung lưu lưỡng ngạn bất cư, cố vị: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”.
(序) 生彼不離生此。心佛眾生一體。中流兩岸不居。故謂自性彌陀。唯心淨土。
(Tựa: Sanh về cõi kia chẳng lìa sanh trong cõi này. Tâm, Phật và chúng sanh cùng một Thể, chẳng ở giữa dòng và hai bên, nên nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”).
Ý nghĩa được bao hàm trong đoạn tổng kết này hết sức sâu rộng, chúng ta nên đặc biệt chú ý, bất luận là đối với Giải hay Hạnh đều có ích rất lớn.
(Diễn) Sanh bỉ sanh thử giả, ký đáo vô sanh điền địa, tắc kỳ Tịnh Độ dĩ vô bỉ thử.
(演) 生彼生此者,既到無生田地,則其淨土已無彼此。
(Diễn: “Sanh cõi kia, sanh trong cõi này”: Đã đến địa vị Vô Sanh thì Tịnh Độ chẳng có đây hay kia).
Hai câu này là nói theo Lý, xác thực là như thế. Như trong phần trên đã nói, phải nhất tâm mới có thể chứng đắc Vô Sanh Nhẫn. Trong nhất tâm, không có phân biệt, không có chấp trước, không có vọng tưởng. Đã tách lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, đâu còn có đây hay kia? Nếu có đây hay kia, sẽ là có phân biệt, có chấp trước, chẳng phải là nhất tâm, cũng chẳng phải là Tịnh Độ. Chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Nói cách khác, công phu niệm Phật của chính mình có tiến bộ hay không, niệm Phật đắc lực hay không đều phải kiểm nghiệm từ chỗ này. Trong hết thảy cảnh duyên, tâm phân biệt của chúng ta có nhạt được mấy phần hay không, tâm chấp trước có nhẹ hơn so với quá khứ hay không. Từ chỗ này, mới có thể thấy được công phu.
Thế nhưng về mặt Sự, có Sa Bà hay không? Có Cực Lạc hay không? Có! Lý chẳng ngại Sự, Sự chẳng ngại Lý, Lý - Sự vô ngại. Niệm đến nhất tâm, Tây Phương là Tịnh Độ, cõi này cũng là Tịnh Độ, vì trong hết thảy cảnh giới, quý vị đều chẳng nhiễm trước, cho nên chẳng có một nơi nào chẳng phải là Tịnh Độ. Cũng có đồng tu hỏi: “Đã toàn là Tịnh Độ, ta cần gì phải về Tây Phương Cực Lạc thế giới?” Nếu quý vị khởi lên ý niệm ấy, chứng tỏ quý vị chưa chứng đắc Tịnh Độ. Vì sao? Quý vị vẫn còn phân biệt đây - kia, quý vị vẫn hoàn toàn chưa bỏ được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.
(Diễn) Du thần ức sát, thật sanh hồ tự kỷ tâm trung.
(演) 遊神億剎,實生乎自己心中。
(Diễn: Thần thức ngao du ức cõi nước, nhưng thật sự sanh trong tâm của chính mình).
“Sát” (kṣetra) là sát-độ (cõi nước) của chư Phật, trên mặt Sự, quả thật là có. Chỉ cần quý vị chứng đắc nhất tâm sẽ có vô lượng vô biên thần thông, có thể trong khoảng khảy ngón tay, phân thân trong vô lượng vô biên cõi nước, vì vô lượng vô biên cõi nước chẳng tách rời cái tâm của chính mình, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”.
(Diễn) Dựng chất cửu liên, phỉ đào hồ sát-na tế nội.
(演) 孕質九蓮,匪逃乎剎那際內。
(Diễn: Hoài thai trong sen chín phẩm, chưa đầy trong khoảng sát-na).
Sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là liên hoa hóa sanh. “Cửu liên” là hoa sen chia thành chín phẩm. Tùy thuộc mức độ công phu của mỗi người mà hiện ra sai khác. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là chuyện trong khoảng một sát-na. Do vậy mới nói:
(Diễn) Bỉ tức thị thử, thử tức thị bỉ, bỉ thử vô phân, vân sanh bỉ bất ly sanh thử.
(演) 彼即是此,此即是彼,彼此無分,云生彼不離生此。
(Diễn: Kia chính là đây, đây chính là kia, đây - kia không chia cách, nên nói: “Sanh về kia, chẳng rời sanh nơi đây”).
Câu này có ý nghĩa rất sâu, mười phương thế giới quả thật chẳng hai, chẳng khác, một mực thanh tịnh, người vừa đắc Lý nhất tâm sẽ thấy cảnh giới này. Nó cũng là cảnh giới của Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Thế nhưng từ Sơ Trụ tiến đến quả địa (Phật quả), còn một khoảng cách khá dài. Trong tình hình ấy, tu học trong thế giới Tây Phương đặc biệt thuận tiện, thành tựu dễ dàng. Do vậy, hàng Bồ Tát trong mười phương thế giới, không vị nào chẳng chọn lựa thế giới Cực Lạc, đạo lý là ở chỗ này! Đây chính là nói: Trong hết thảy cảnh giới, tâm quý vị cố nhiên một mực bình đẳng, nhưng Tăng Thượng Duyên khác nhau. Thế giới Tây Phương có Tăng Thượng Duyên đặc biệt thù thắng, có thể giúp cho quý vị thành tựu vừa nhanh chóng, vừa ổn thỏa, thích đáng. Trong cảnh giới ấy, quyết định chẳng phân chia cõi này, cõi kia. Nếu vẫn còn có ý niệm ấy, sẽ chẳng phải là Lý nhất tâm bất loạn, chẳng phải là cõi Thật Báo Trang Nghiêm.
(Diễn) Tâm, Phật, chúng sanh nhất Thể giả.
(演) 心佛眾生一體者。
(Diễn: Tâm, Phật, chúng sanh là một Thể).
“Tâm, Phật, chúng sanh” ba thứ này hợp lại là toàn thể pháp giới, là tận hư không, khắp pháp giới. Tận hư không, khắp pháp giới là chính mình, là một, chẳng phải hai. “Tâm” là nói Lý Thể có thể biến (năng biến), Phật và chúng sanh đều do tâm biến.
(Diễn) Phật giả quả đức chi xưng, chúng sanh uế ác chi hiệu, tâm giả linh minh chi Thể.
(演) 佛者果德之稱,眾生穢惡之號,心者靈明之體。
(Diễn: Phật là danh xưng của quả đức, chúng sanh là tên gọi của uế ác, tâm là cái Thể linh minh).
“Linh minh chi Thể”: Khi giác ngộ sẽ gọi là Phật; lúc mê hoặc, điên đảo sẽ gọi là “chúng sanh”. “Phật” là nói đến tâm, tức giác tâm. “Chúng sanh” là nói về mê tâm, mê hay ngộ đều bởi nó. Chúng ta nay đang mê, chẳng ngộ. Điều khẩn yếu nhất trước mắt là làm thế nào để phá mê khai ngộ, bỏ vọng, trở về với Chân.
(Diễn) Niệm Phật vị chí nhất tâm, tâm bất thị Phật, Phật bất thị sanh, phán nhiên bất nhất.
(演) 念佛未至一心,心不是佛,佛不是生,判然不一。
(Diễn: Niệm Phật chưa đạt đến nhất tâm thì tâm chẳng phải là Phật, Phật chẳng phải là chúng sanh, rành rành chẳng phải là một).
Nay chúng ta nói tới mười pháp giới, tứ thánh chẳng phải là lục phàm, lục phàm chẳng phải là tứ thánh, đây là cảnh giới của chúng ta trong hiện tại. Nếu chúng ta niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, sẽ tiến nhập cảnh giới chân thật.
(Diễn) Kim ký niệm Phật tức thị niệm tâm.
(演) 今既念佛即是念心。
(Diễn: Nay đã là “niệm Phật chính là niệm tâm”).
Đây mới là nhất tâm.
(Diễn) Tắc phản bổn hoàn nguyên.
(演) 則返本還源。
(Diễn: Thì là trở về cội nguồn).
“Bổn” là bổn tâm, bổn tánh. “Nguyên” là Bổn Giác. Khi “phản bổn hoàn nguyên”, tâm người ấy là nhất tâm. Trong nhất tâm chẳng có nhị niệm!
(Diễn) Bất kiến sanh, Phật giả danh.
(演) 不見生佛假名。
(Diễn: Chẳng thấy các giả danh “chúng sanh” và “Phật” nữa).
“Chúng sanh” và “Phật” là hai pháp, hai pháp chẳng phải là Phật pháp. Vì sao chẳng phải là Phật pháp? Phật pháp là giác pháp, hai chẳng phải là giác, mà là mê! Do vậy, nói “hai pháp chẳng phải là Phật pháp”. Giác nhất định là một, vì trong giác không có phân biệt, chấp trước; lìa hết thảy phân biệt, chấp trước mới là giác. Chấp trước hết thảy phân biệt là mê. “Chẳng thấy” là chẳng chấp trước, không còn có những kiến giải sai lầm nữa!
(Diễn) Duy nhất diệu minh, châu biến pháp giới.
(演) 惟一妙明,周遍法界。
(Diễn: Diệu minh duy nhất trọn khắp pháp giới).
Diệu minh chân tâm là nhất tâm; tâm ấy hết sức rộng lớn, tận hư không, trọn pháp giới đều là vật được hiện bởi diệu minh chân tâm. Do vậy nói “châu biến pháp giới” (trọn khắp pháp giới).
(Diễn) Dĩ tức Phật chi sanh, niệm tức tâm chi Phật, vô nhị tướng dã.
(演) 以即佛之生,念即心之佛,無二相也。
(Diễn: Dùng “chúng sanh vốn sẵn là Phật” ấy để niệm vị Phật ở ngay trong tâm thì không có hai tướng).
Đấy chính là như đã nói “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”, niệm hay không niệm? Niệm chứ! Hằng ngày niệm Phật, trong mười hai thời một câu Phật hiệu chưa hề gián đoạn; vì sao nói là vô niệm? “Vô nhị tướng” (không có hai tướng). Chẳng chấp vào cái tâm niệm Phật, mà cũng chẳng chấp nơi đức Phật được niệm. Chẳng những không chấp trước, mà ngay cả cái tâm phân biệt cũng chẳng có, khi ấy mới gọi là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Nhiếp trọn sáu căn là sáu quy về một, một tức là sáu, sáu tức là một, kinh Hoa Nghiêm nói là “nhất đa bất nhị” (một và nhiều chẳng hai), đấy là Thật Tướng chân chánh, là chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Tiếp đó, đại sư dạy chúng ta nguyên tắc trọng yếu trong dụng công:
(Diễn) Trung lưu lưỡng ngạn bất cư.
(演) 中流兩岸不居。
(Diễn: Chẳng ở giữa dòng hay hai bên bờ).
Hai bên đều không chấp trước, đấy mới là cảnh giới nhất tâm.
(Diễn) Khổ vực thị thử ngạn, lạc bang thị bỉ ngạn.
(演) 苦域是此岸,樂邦是彼岸。
(Diễn: Cõi khổ là bờ này, nước vui là bờ kia).
Chữ “thử” chỉ thế giới Sa Bà, chữ “bỉ” chỉ thế giới Cực Lạc. Nếu phàm phu chúng ta nhìn vào hai nơi này, quả thật là sướng - khổ thật khác biệt, hoàn toàn khác hẳn nhau; nhưng đối với người đã nhất tâm bất loạn, tức là nói người đã chứng Lý nhất tâm, họ thấy chúng đương nhiên chẳng khác gì nhau, hai bờ đều bình đẳng. Đấy chẳng phải là cảnh giới của chúng ta.
(Diễn) Phi khổ phi lạc thị trung lưu.
(演) 非苦非樂是中流。
(Diễn: Chẳng khổ chẳng sướng là giữa dòng).
Hai bờ đều phải buông xuống, mà giữa dòng cũng phải buông xuống luôn! “Trung lưu” tượng trưng cho Trung Đạo, chính là như câu nói: “Lưỡng biên bất lập, Trung Đạo bất tồn” (Hai bên đã chẳng lập thì Trung Đạo chẳng tồn tại). Vì quý vị rớt trong Trung Đạo, nên vẫn còn có trụ, tâm quý vị vẫn có chấp trước. Trong tâm còn có thứ gì đó thì vẫn chưa thanh tịnh. Trong kinh Bát Nhã có nói: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (hãy nên chẳng trụ vào đâu mà sanh tâm). Quý vị vẫn trụ giữa dòng thì làm sao được? Quý vị vẫn trụ vào Trung Đạo, vẫn trụ trong Đệ Nhất Nghĩa Đế, vẫn chưa đúng, hãy nên không trụ vào đâu. Cảnh giới này tuy cao minh hơn phàm phu, cao minh hơn Nhị Thừa, nhưng người ấy chưa kiến tánh, chưa thể khai ngộ, vẫn còn có chướng ngại.
(Diễn) Niệm Phật vị chí nhất tâm.
(演) 念佛未至一心。
(Diễn: Niệm Phật chưa đạt đến nhất tâm).
Công phu chưa đạt được nhất tâm.
(Diễn) Trung lưu lưỡng ngạn, tiệt nhiên bất đồng.
(演) 中流兩岸,截然不同。
(Diễn: Giữa dòng và hai bờ khác nhau rành rành).
Giới hạn rõ ràng, rành mạch, nó có giới hạn. Giới hạn do đâu mà có? Từ phân biệt, chấp trước sanh ra. Cảnh giới ấy từ đâu mà hiện tiền? Từ ý niệm mà hiện tiền. Khởi Tín Luận có nói: “Hết thảy các pháp đều lấy niệm làm Thể”, từ trong tâm niệm của chúng ta sanh ra.
(Diễn) Kim ký sanh bỉ bất ly sanh thử.
(演) 今既生彼不離生此。
(Diễn: Nay đã sanh về cõi kia, chẳng lìa sanh trong cõi này).
Tri kiến viên dung; nói “viên dung” chính là trong ấy không có giới hạn, lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, đó mới là “tri kiến viên mãn, tri kiến viên dung”. Khi ấy....
(Diễn) Tắc bất kiến bỉ ngạn, bất kiến thử ngạn, tịnh bất kiến phi bỉ, phi thử chi trung lưu.
(演) 則不見彼岸,不見此岸,并不見非彼非此之中流。
(Diễn: Sẽ chẳng thấy bờ này hay bờ kia, trọn chẳng thấy là giữa dòng chẳng phải bờ này hay bờ kia).
“Bờ này, bờ kia, giữa dòng” xét về sự tướng chắc chắn là có, chẳng thể nói không có những sự tướng này, nhưng trong tâm quý vị đừng vạch ra giới hạn. Nói cách khác, đối với thế giới Cực Lạc, quý vị không có Lạc Thọ, tâm quý vị thanh tịnh. Dẫu ở trong địa ngục A Tỳ, quý vị không có Khổ Thọ. Nếu chúng ta hỏi: Có địa ngục và thiên đường hay không? Có chứ! Cảnh giới ấy thật sự có, nhưng sự cảm nhận cảnh giới của quý vị như nhau, sự cảm nhận của quý vị [đối với Cực Lạc và địa ngục] giống hệt nhau, cũng tức là khổ, lạc, ưu, hỷ, xả quý vị đều chẳng nhận thấy, tâm thanh tịnh lắm! Chẳng phải là không có cảnh giới, cảnh giới là có, Sa Bà và Cực Lạc là có, nhưng trong thế giới Sa Bà, quý vị không có Khổ Thọ, trong thế giới Cực Lạc cũng chẳng có Lạc Thọ; thậm chí cảm nhận “chẳng khổ, chẳng vui” cũng chẳng có. Thật sự tự tại, đó gọi là Chánh Thọ, là Niệm Phật tam-muội, là nhất tâm bất loạn.
Đại sư trích dẫn một bài thơ của cổ đức, trong bài thơ này ẩn chứa Thiền cơ rất vi diệu, có thể dùng làm cước chú cho câu này.
(Diễn) Cổ vân: “Hải tạng đa la nhất diệp châu”.
(演) 古云:海藏多羅一葉舟。
(Diễn: Cổ nhân nói: “Biển cả Đa La một lá thuyền”).
Đây là tỷ dụ, trong biển cả có một chiếc thuyền nhỏ. “Đa La” chính là cây Bối-đa-la, chữ “nhất diệp” hình dung sự vật không lớn, là một chiếc thuyền nhỏ.
(Diễn) Bất cư lưỡng ngạn, bất trung lưu.
(演) 不居兩岸不中流。
(Diễn: Giữa dòng đôi bến đều không trụ).
Thuyền ấy ở đâu? Chẳng nương tựa vào hai bờ, mà cũng chẳng ở giữa dòng. Trước kia, điều này thật là chẳng thể nghĩ bàn, nhưng hiện thời chẳng hiếm lạ gì hết, phi thuyền đấy. Phi thuyền trong vũ trụ chẳng ở hai bờ, mà cũng chẳng ở giữa dòng.
(Diễn) Nhất cao xanh xuất hư không ngoại, nhạ đắc xuân phong tiếu điểm đầu.
(演) 一篙撐出虛空外,惹得春風笑點頭。
(Diễn: Một sào chống vượt ngoài trời thẳm, cười đón gió Xuân khẽ gật đầu).
Cảnh giới so ra còn cao hơn điều chúng ta vừa mới nói. Là vì trong hiện thời, phi thuyền của chúng ta vẫn còn ở trong hư không, vẫn chưa vượt thoát hư không. chiếc thuyền này có thể vượt khỏi hư không, chẳng thể nghĩ bàn! Bài thơ này hình dung cảnh giới Lý nhất tâm bất loạn, tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, không chỉ chẳng nhiễm lục phàm, mà ngay cả cảnh giới tứ thánh cũng chẳng nhiễm, vượt thoát cảnh giới ấy. Vượt thoát tứ thánh lục phàm, đấy là [vượt thoát] mười pháp giới, vậy thì nó ở đâu? Bất đắc dĩ phải đặt ra một giả danh là Nhất Chân pháp giới. Trong pháp môn Tịnh Độ, nó được gọi bằng danh xưng Thường Tịch Quang Tịnh Độ, và cõi Thật Báo Trang Nghiêm thuộc vào cảnh giới này. Nói cách khác, tuyệt đối chẳng phải là cõi Đồng Cư hay cõi Hữu Dư. Thế nhưng thế giới Cực Lạc kỳ diệu, kỳ diệu ở chỗ chúng sanh trong cõi Đồng Cư nghiễm nhiên cũng được thụ dụng [như trong các cõi Tịnh Độ phía trên], thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Do vậy, pháp khó tin là ở chỗ này. Đoạn này nêu lên đại ý của lời tựa, xin xem tiếp đoạn Sớ kế đó:
(Sớ) Thừa thượng thù nhân diệu quả, chánh diêu niệm Phật chí ư nhất tâm.
(疏) 承上殊因妙果,正繇念佛至於一心。
(Sớ: Nhân thù thắng, quả mầu nhiệm như được nói trên đây chính là do niệm Phật đạt đến nhất tâm).
Hy vọng mọi người nhớ kỹ câu này, “nhân” là tu nhân, quý vị tu cái nhân hết sức thù thắng,“quả” là quả báo, tức là hai đoạn văn của lời Tựa trong phần trước. “Thù nhân diệu quả” đều do niệm Phật đến mức nhất tâm bất loạn [mà có].
(Sớ) Tắc niệm cực nhi không, vô niệm chi niệm, vị chi chân niệm.
(疏) 則念極而空,無念之念,謂之真念。
(Sớ: Tức là niệm đến cùng cực thì rỗng không, vô niệm mà niệm nên gọi là “chân niệm”).
Ý nghĩa trong câu này khá sâu xa.
(Diễn) Niệm cực nhi không, ước tu biên thuyết.
(演) 念極而空,約修邊說。
(Diễn: Niệm đến cùng cực thì rỗng không là nói theo phương diện tu tập).
“Ước tu biên thuyết” là nói theo phương diện tu hành. Niệm đến cùng cực, sẽ rỗng không. Rỗng không điều gì vậy? Năng niệm (chủ thể niệm Phật, tức cái tâm niệm Phật) và sở niệm (đức Phật được niệm) đều buông xuống. Nói cách khác, niệm cho mất tâm ý thức. “Không”, không điều gì? Rỗng không tâm ý thức. Tâm ý thức chẳng còn nữa, nhất tâm hiện tiền, đúng như trong Lăng Nghiêm Chánh Mạch, Giao Quang đại sư đã nói “dùng Căn bỏ Thức”, trong Duy Thức Học nói là “chuyển Thức thành Trí”. Một câu Phật hiệu thật sự có tác dụng lớn như vậy sao? Thưa quý vị, chẳng giả một tí nào! Vấn đề là quý vị có biết dùng hay không? Biết dùng, chắc chắn sẽ thành tựu. Sự thành tựu ấy giống như trong kinh đã nói, là sự thành tựu tuyệt vời, tức là một đời thành Phật.
Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối khởi tâm động niệm, quý vị nghĩ xem những ý niệm ấy có phải là tâm phân biệt, tâm chấp trước hay chăng? Tâm phân biệt là thức thứ sáu, tức Ý Thức. Tâm chấp trước là thức thứ bảy, tức Mạt Na Thức. Khi phân biệt, chấp trước vừa mới hiện tiền, ngay lập tức đổi chúng thành A Di Đà Phật, quyết định chẳng để cho phân biệt, chấp trước tiếp nối, đó gọi là công phu, là “chuyển Thức thành Trí”. Chẳng dùng cái tâm phân biệt, thì cái tâm được quý vị sử dụng đúng là thứ gì cũng đều hiểu rõ, quyết định chẳng phải là nói: “Ta không dùng cái tâm phân biệt, mắt ta sẽ thấy ngoại cảnh mờ mịt”, không có hiện tượng ấy! Quý vị dùng cái tâm phân biệt, thấy hết thảy sắc tướng bên ngoài là thấy bằng Ý Thức, tức thức thứ sáu, là dùng Nhãn Thức để thấy. Quý vị không dùng cái tâm phân biệt, sẽ thấy sắc tánh ở bên ngoài, đó gọi là Diệu Quán Sát Trí. Chúng ta không có năng lực chuyển Thức thành Trí thì dùng một câu Phật hiệu A Di Đà Phật này để giúp chúng ta chuyển Thức thành Trí, đấy đúng là mầu nhiệm đến tột cùng vậy! Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, chẳng tìm được pháp nào khác mầu nhiệm như thế!
Trong hết thảy cảnh giới, vừa mới khởi chấp trước, phải biết chấp trước là Mạt Na Thức, ý niệm ấy vừa khởi lên, lập tức chuyển nó thành A Di Đà Phật, chẳng để cho vọng niệm tiếp nối. Vì có chấp trước thì hết thảy pháp đều chẳng bình đẳng. Tách lìa hết thảy chấp trước, có pháp nào chẳng bình đẳng? Tôi vừa mới nói, Tây Phương và Sa Bà bình đẳng. Vì sao? Trong thế giới Tây Phương, quý vị không có Lạc Thọ, trong cõi này không có Khổ Thọ, sự cảm nhận của quý vị là bình đẳng, Bình Đẳng Trí hiện tiền. Sự bình đẳng ấy là bình đẳng thật sự, vì sao? Trong thế giới Cực Lạc, lầu gác bảy báu, vàng ròng làm đất là do thức tâm của chính mình biến thành. Cảnh giới hiện tiền của chúng ta, bùn, cát, ngói, sạn, cũng do thức tâm của chính mình biến ra. Nói cách khác, Năng Biến (chủ thể biến hiện) chẳng khác gì nhau. Năng Biến giống nhau thì cảnh giới được biến khác nhau ở chỗ nào? Năng - Sở không hai! Hiện thời, các nhà khoa học cũng dần dần hiểu rõ đạo lý này, khoa học xương minh sự lý giải trong Phật pháp, quả thật đã giúp ích rất lớn, chúng ta mới thật sự hiểu rõ vạn pháp quả thật là nhất như (giống hệt như một), là không hai. Vì vậy, trong hết thảy cảnh giới, chớ nên khởi lên phân biệt, chấp trước. Đấy là niệm đến chỗ cùng cực thì phân biệt, chấp trước, vọng tưởng đều rỗng không, đoạn sạch toàn bộ.
(Sớ) Hựu niệm Thể bổn không.
(Diễn) Niệm Thể bổn không, ước tánh biên thuyết.
(疏) 又念體本空。
(演) 念體本空,約性邊說。
(Sớ: Lại nữa, Thể của niệm vốn là không.
Diễn: Thể của niệm vốn là không là ước theo phương diện Tánh để nói).
Câu này nói theo phương diện thể tánh. Thể của “niệm” là chân tâm, trong chân tâm chẳng có một vật, Lục Tổ nói “vốn chẳng có một vật”, do vậy nói là “bổn không”. Chữ Không này với chữ Không trong câu “niệm cực nhi không” (do niệm đến cùng cực bèn rỗng không) có ý nghĩa khác nhau. Chữ Không trong phần trước nên hiểu là Vô (không có), còn Không ở đây là Hữu, chứ không phải là Vô. Tâm Kinh đã dạy: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc”, [chữ Không trong đoạn Sớ “niệm Thể bổn không” này] giống như chữ Không trong Tâm Kinh, chẳng thể hiểu là Vô, mà là Hữu. Vì sao lại nói Có là Không? Vì nó không có dấu vết, hình tướng. Nó là Chân Hữu, không có dấu vết, hình tướng, lục căn của chúng ta không có cách nào tiếp xúc được, mắt nhìn chẳng thấy, tai nghe chẳng thấu, ngay cả tâm nghĩ cũng chẳng thể nghĩ được. Do nó không có tưởng, nên không có ý niệm, vậy thì nó có hay là không? Có chứ! Tận hư không, trọn pháp giới đều do nó biến hiện ra. Do vậy, Không này là Chân Không.
(Sớ) Niệm thật vô niệm, danh chân niệm dã.
(疏) 念實無念,名真念也。
(Sớ: Niệm thật sự là vô niệm, nên gọi là “chân niệm”).
Ở chỗ này thuyết minh, giải thích “chân niệm” theo hai phương diện (Tánh và Tu), hy vọng chúng ta thật sự hiểu rõ niệm Phật như thế nào mới là chân niệm.
(Diễn) Vô niệm chi niệm, thị chung nhật vô niệm, chung nhật niệm Phật dã.
(演) 無念之念,是終日無念,終日念佛也。
(Diễn: Niệm trong vô niệm là suốt ngày vô niệm mà suốt ngày niệm Phật).
“Chung nhật vô niệm” (suốt ngày vô niệm) là không có vọng niệm, chứ chẳng phải là không niệm Phật. Suốt ngày vô niệm. À! Phật cũng không niệm! Suốt ngày từ sáng đến tối khởi vọng tưởng, quý vị nghĩ xem có đúng hay chăng? “Vô niệm” là không có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, không có những ý niệm ấy, chỉ có những ý niệm gì? Chỉ có Phật niệm (ý niệm nghĩ đến Phật), suốt ngày từ sáng đến tối là A Di Đà Phật. “Chung nhật niệm Phật” (suốt ngày niệm Phật), một câu Phật hiệu quyết định chẳng gián đoạn giữa chừng. Người mới học quả thật chẳng dễ gì đạt đến cảnh giới này, điều này cần phải có hằng tâm, phải có nghị lực. Lũ chúng ta công phu chưa thể thành tựu, nói thật ra là giải đãi, phóng dật, đấy là nghiệp chướng, đấy là tội chướng, khiến cho công phu của chúng ta chẳng thể thành tựu, thường xuyên quên mất Phật hiệu. Hiện thời, công cụ khoa học phát triển, chúng ta hãy nên tận hết sức lợi dụng, thuận tiện nhất là máy thâu âm, quý vị thường xuyên mở máy niệm Phật nhằm nhắc nhở chính mình. Hiện thời, máy thâu âm rất thuận tiện, có thể giúp nhắc nhở chúng ta. Phật hiệu chỉ cần liên tục không gián đoạn, vọng niệm tự nhiên chẳng thể dấy lên; trong tâm không có Phật hiệu, vọng niệm nhất định khởi lên. Ví như dùng TV, quý vị vẫn phải xem, vẫn phải ngồi ở chỗ ấy, còn máy thâu âm cỡ nhỏ đem theo mình, đi, đứng, nằm, ngồi đều chẳng trở ngại, đúng là thuận tiện tột bậc! Do vậy, đối với những công cụ khoa học ấy, có rất nhiều thứ chúng ta có thể lợi dụng nhằm giúp chúng ta niệm Phật. Chúng ta phải biết điều này: Thế nào là vô niệm? Thế nào là niệm Phật? Nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa!
(Diễn) Niệm thật vô niệm, thị chung nhật niệm Phật, chung nhật vô niệm dã.
(演) 念實無念,是終日念佛,終日無念也。
(Diễn: Niệm mà thật sự vô niệm là suốt ngày niệm Phật, mà suốt ngày vô niệm).
Suốt ngày từ sáng đến tối, suốt ngày từ sáng đến tối chẳng có vọng niệm, công phu đạt đến cùng cực thì tuy suốt ngày từ sáng đến tối miệng niệm một câu Phật hiệu, sáu chữ hồng danh rõ ràng, rành mạch, phân minh, nhưng có phân biệt, chấp trước hay chăng? Chẳng có! Ngay cả phân biệt, chấp trước đối với câu Phật hiệu cũng chẳng có, đó là đạt đến nhất tâm bất loạn. Nếu một câu Phật hiệu vẫn có phân biệt, chấp trước, nhưng hết thảy những vọng niệm khác chẳng còn, thì gọi là “công phu thành phiến”, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, quyết định vãng sanh. Chúng ta niệm Phật, trước hết là phải cầu thành tựu giai đoạn này, đây là thành tựu thuộc giai đoạn thứ nhất. Chúng ta chấp trì danh hiệu, phân biệt, chấp trước danh hiệu ấy, buông hết phân biệt, chấp trước nơi những chuyện thế gian và xuất thế gian khác xuống. Đó là công phu thành phiến. Tuy xét theo Tịnh Độ để luận thì công phu này chẳng phải là cao minh gì, nhưng đã có thể đạt được “biết trước lúc mất, sanh tử tự tại”. Sau khi đã đạt đến giai đoạn này, thọ mạng và cái thân nghiệp báo của chúng ta còn chưa hết thì có thể dốc sức lợi dụng thời gian còn lại để nâng công phu của chính mình lên cao hơn nữa, nâng đến mức nhất tâm bất loạn, đừng ngưng lại trong cảnh giới [công phu thành phiến] này, như vậy mới là tốt!
(Diễn) Hựu thử nhị nghĩa, diệc nãi tương tu.
(演) 又此二義,亦乃相須。
(Diễn: Lại nữa, hai nghĩa này cũng bổ trợ lẫn nhau).
“Tương tu” là phụ trợ lẫn nhau, thành tựu lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau.
(Diễn) Do niệm cực nhi không, phương tri niệm Thể bổn không, công phu bất đáo, bất ngộ bổn thể dã.
(演) 由念極而空,方知念體本空,工夫不到,不悟本體也。
(Diễn: Do niệm đến tột cùng bèn rỗng không [mọi ý niệm đối đãi], mới biết Thể của niệm là Không, do công phu chưa đạt nên chẳng ngộ bổn thể).
Thiền gia gọi “ngộ bổn thể” là “minh tâm kiến tánh, đại triệt, đại ngộ”, Tịnh Độ gọi là “Lý nhất tâm bất loạn”. Chẳng phải là cậy vào suy nghĩ loạn xạ mà hòng đạt được điều này! Nhất định phải là công phu đến tuyệt mức mới đạt được. Công phu đã đến tuyệt mức thì như trong phần trước tôi đã thưa cùng quý vị, phải buông xuống, phải xả! Hễ có một chuyện nào chưa buông xuống được, sẽ đều là chướng ngại nghiêm trọng, chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng điều này. Bản thân chúng ta tu hành chẳng thể thành tựu, đừng nói là nhất tâm bất loạn, ngay cả công phu thành phiến cũng chưa đạt được, nguyên nhân là vì đâu? Không buông xuống được! Đây là căn bệnh lớn của chúng ta. “Không buông xuống” là căn bản của sanh tử luân hồi. Nếu muốn vượt thoát sanh tử luân hồi, phải buông xuống, quyết định chẳng tham ái hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Kinh đã nói rất hay: “Ái bất trọng, bất sanh Sa Bà” (Ái chẳng nặng, chẳng sanh trong Sa Bà). Sa Bà là lục đạo luân hồi. Vì sao có lục đạo luân hồi? Tham ái quá nặng, “niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” (niệm chẳng nhất chẳng sanh Tịnh Độ), “nhất” là nhất tâm. Tuy công phu thành phiến chưa đạt đến nhất tâm, chẳng phải là nhất tâm thật sự, nhưng đã gần với nhất tâm, đó là tương tự nhất tâm; do vậy, người ấy cũng có thể sanh về Tịnh Độ. Vì thế, chẳng xả, chẳng buông xuống thì chúng ta lại bỏ uổng một đời này!
Học Phật, nghe kinh, niệm Phật, nếu chẳng thể thật sự buông hết thảy thân tâm thế giới xuống thì cũng giống như đợi đến đời sau để tiếp tục làm [những chuyện nghe kinh, niệm Phật này], vì sao? Không có cách nào vượt thoát luân hồi, không có cách nào vãng sanh Tịnh Độ. Cũng có vị hỏi: “Đời sau có phải là tiến bộ hơn đời này hay chăng?” Chưa chắc! Cũng có trường hợp mê hoặc hơn đời này, vì sao biết? Là vì quý vị hiện đang ở nơi đây, quý vị ngồi nghe kinh một tiếng rưỡi ở nơi đây, chẳng phải là đời này quý vị mới học Phật. Nhiều đời nhiều kiếp trước, đời đời kiếp kiếp quý vị đều học Phật, trong vô lượng kiếp, thân cận chư Phật Như Lai, chẳng biết đã thân cận bao nhiêu! Thân cận chư Phật Như Lai nhiều ngần ấy, mà ngày nay vẫn tệ như thế này, vì sao? Vì quý vị không buông xuống được! Thân cận Phật có ích gì? Không buông xuống được thì có ích gì? Trong lòng vướng mắc quá nhiều chuyện, ta chẳng nỡ lòng buông xuống. Nói cách khác, lục đạo sanh tử khổ dường ấy, ta chẳng nỡ lòng lìa khỏi, còn có cách nào nữa đây? Thế giới Cực Lạc dẫu tốt đẹp, mong đến đó, nhưng chẳng nỡ lòng bỏ nơi đây. Tâm trạng chẳng nỡ lòng ấy khiến cho quý vị đời đời kiếp kiếp sanh tử luân hồi, vĩnh viễn không lúc nào xong, đó là vô minh, là ngu si, là nghiệp chướng, là tình thức!
Phật pháp là phải chuyển biến tình thành trí huệ. Nói tới trí huệ thì nó là cảm tình được vận dụng bằng lý trí. Tình là trí huệ ngu si, trí huệ đã bị mê muội! Nay quý vị không buông xuống được, chẳng nỡ lòng, thương xót người khác, mong giúp đỡ người khác, nhưng bản thân quý vị không có năng lực. Nay tạm thời rời khỏi họ, học lấy bản lãnh thành Phật, thành Tổ; sau khi đã học thành một thân bản lãnh, sẽ thả chiếc bè Từ giúp đỡ họ, như vậy thì mới thật sự đạt được hiệu quả. Do vậy, chúng ta chẳng cầu giải thoát ngay trong đời này, muốn chờ đến bao giờ? Đời này chẳng vãng sanh, quý vị còn đợi đến đời nào? Huống chi, đời đời kiếp kiếp chưa chắc có nhân duyên gặp được Phật pháp, càng khó gặp chánh pháp hơn nữa, thật sự chẳng dễ dàng đâu nhé!
Có nhiều đồng tu học Phật, có những vị tôi gặp mặt lần đầu, tôi hỏi họ: “Quý vị đã học Phật đã bao lâu rồi?” Họ nói: “Tôi học đã mấy năm rồi!” “Có nghe kinh hay chưa?” Có! Nghe kinh ở đâu? Tại Hành Thiên Cung, tại miếu Ma Tổ[1], đủ thấy chánh pháp chẳng dễ gì gặp được! Họ cũng ngỡ đó là học Phật. Nhất Quán Đạo[2] cũng giảng kinh Kim Cang, cũng giảng Tâm Kinh. Lần trước tôi có kể với quý vị rồi đó, có một đồng tu gởi cho tôi xem một cuốn chú giải kinh Kim Cang và chú giải Tâm Kinh. Những bản chú giải ấy đúng là “nói nhăng, nói cuội”! Kinh văn thì không sai, nhưng những lời giảng của họ hoàn toàn chẳng phải là nói về những chuyện ấy, còn làm sao được nữa! Tạo tội nghiệp quá nặng, đoạn tuyệt Pháp Thân huệ mạng của hết thảy chúng sanh. Do đây có thể biết: Chánh pháp chẳng dễ gì gặp được! Sau khi đã gặp, muốn công phu đạt mức, nhất định phải buông xuống hết thảy. Do vậy, trong pháp tu hành của Bồ Tát, điều thứ nhất là Bố Thí, ý nghĩa của Bố Thí là xả, là buông xuống. Trong tâm đối với bất cứ chuyện gì cũng đều không vướng mắc, Bố Thí Ba La Mật bèn viên mãn. Buông xuống viên mãn sẽ khai ngộ, tức là đạt đến nhất tâm bất loạn. Đấy là nói công phu đến mức, quý vị sẽ có thể khai ngộ.
(Diễn) Hựu do niệm Thể bổn không, phương đắc niệm cực nhi không.
(演) 又由念體本空,方得念極而空。
(Diễn: Lại do Thể của niệm vốn là Không, nên mới niệm tới mức cùng cực sẽ rỗng không các ý niệm đối đãi).
Đây là nói tới sự bổ trợ lẫn nhau, thành tựu lẫn nhau. Nay chúng ta hiểu rõ đạo lý này, biết trong chân tâm chẳng có một vật gì, Lục Tổ nói “vốn chẳng có một vật”, như vậy thì chúng ta mới chịu buông xuống. Chẳng hiểu rõ đạo lý này, muốn tôi buông xuống thì vì sao phải buông xuống? “Vì sao tôi phải bỏ? Tôi bỏ thì anh sẽ được!” Người ấy chẳng tin tưởng! Thật sự hiểu rõ lý rồi, mới biết buông xuống có nhiều điều tốt đẹp dường ấy, có lợi ích nhiều ngần ấy, nên mới chịu buông xuống, cũng đúng như cổ đức đã nói: “Hảo sự chẳng bằng vô sự”. Làm chuyện tốt cũng phải buông xuống, không buông xuống sạch sành sanh, [sẽ cảm thấy] ta còn có bao nhiêu chuyện tốt chưa làm, còn có vướng mắc, dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, chẳng thật sự đoạn được chuyện gì hết! Vô sự là thật sự đoạn!
Vì thế, một chiêu của Bàng cư sĩ quả thật đã giáng một gậy vào đầu chúng ta. Ông ta là một vị đại phú trưởng giả, vàng bạc, của cải nhiều ngần ấy không dùng làm chuyện tốt, mà đem vứt hết xuống nước, thảy đều chẳng cần tới nữa. Đó gọi là “nhổ cỏ nhổ sạch cả rễ”, chẳng vướng mắc tí ti nào! Nếu phát tâm làm chuyện tốt, đến khắp nơi bố thí, quý vị hãy nghĩ xem: Há chẳng phải là ngó gãy mà tơ còn vương, chẳng phải là hết sạch sành sanh! Xả thì phải xả sạch sành sanh, phải xả thật thống khoái, đấy mới thật sự là tấm gương tốt nhất cho người tu hành. Cách hành trì của Ngài là hiện thân thuyết pháp, Ngài làm cho chúng ta xem, khiến cho chúng ta giác ngộ: Làm như vậy mới là buông xuống, mới là bố thí, mới thật sự là “một điều xong, trăm điều đều xong”, khó trách người ta thành đạo! Chúng ta hiểu được đạo lý này, chúng ta thật sự chịu làm. Do vậy, Lý có thể giúp cho công phu, lý giải có thể giúp cho quý vị tu hành. Công phu tu hành lại có thể giúp cho quý vị lý giải. Bổ trợ lẫn nhau, thành tựu lẫn nhau!
(Diễn) Bổn thể bất không, túng niệm bất không dã.
(演) 本體不空,縱念不空也。
(Diễn: Bổn thể chẳng không, dẫu niệm vẫn chẳng không).
Nói hai câu này vì sợ quý vị lại chấp Không. Phần trên nói: “Hựu do niệm Thể bổn không, phương đắc niệm cực nhi không” (Lại do Thể của niệm vốn là Không nên mới có thể niệm đến cùng cực bèn rỗng không). Không và Bất Không là một, chẳng phải hai. Nếu có một cái Không, sẽ lại có một cái Bất Không. Quý vị lại nghĩ chúng là hai pháp, hai pháp là trật mất rồi! Hai pháp: Do phân biệt mới có hai, chẳng phân biệt đâu còn có hai? Tách rời hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, Không và Bất Không đều chẳng thể được, đó mới gọi là “chân niệm”.
Nói tới chỗ này, tôi lại tổng kết mấy câu này. Chân thật niệm Phật là dùng cái tâm thanh tịnh để niệm Phật. Nếu trong tâm quý vị còn có tơ hào vướng mắc, chẳng gọi là chân thật niệm Phật, tiêu chuẩn này quá cao! Hiện thời chúng ta đả Phật thất, suốt ngày niệm từ sáng đến tối vẫn chưa phải là niệm Phật chân thật, vì luôn có vướng mắc. Ở chỗ này, tổ sư dạy chúng ta tiêu chuẩn niệm Phật chân thật. Ai là người chân thật niệm Phật? Người đắc Lý nhất tâm bất loạn là chân thật niệm Phật. Khi nào chúng ta có công phu niệm Phật đạt mức, niệm đến chỗ thấy được bản thể, thì niệm Phật từ đó trở đi mới gọi là “chân thật niệm”. Nói cách khác, từ Sơ Trụ trong Viên Giáo cho đến Đẳng Giác Bồ Tát gồm bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, mỗi vị ấy đều là người chân thật niệm Phật, vì họ phù hợp với tiêu chuẩn này.
Câu tiếp theo giảng về Vô Sanh Nhẫn, “sanh bỉ bất ly sanh thử” (sanh về cõi kia, chẳng rời sanh trong cõi này), giảng cho chúng ta vấn đề này.
(Sớ) Sanh vô sanh giả, đạt sanh Thể bất khả đắc, tắc sanh nhi bất sanh, bất sanh nhi sanh, thị danh “dĩ niệm Phật tâm nhập Vô Sanh Nhẫn”, như hậu Giáo Khởi trung biện.
(疏) 生無生者,達生體不可得,則生而不生,不生而生,是名以念佛心入無生忍,如後教起中辯。
(Sớ: “Sanh mà vô sanh”: Thông đạt Thể của sanh là “chẳng thể được” thì sanh mà chẳng sanh, chẳng sanh mà sanh. Đó gọi là dùng cái tâm niệm Phật để nhập Vô Sanh Nhẫn, như trong phần Giáo Khởi Nhân Duyên thuộc đoạn sau sẽ luận định).
Tương lai, trong tiểu đoạn “giáo khởi nhân duyên” (nhân duyên phát khởi giáo pháp này) thuộc phần Huyền Nghĩa sẽ thảo luận cặn kẽ hơn, ở đây chỉ nói đại lược. Trong sách Diễn Nghĩa cũng có một đoạn chú giải [câu này].
(Diễn) Đạt sanh thể bất khả đắc giả.
(演) 達生體不可得者。
(Diễn: “Thông đạt Thể của sanh chẳng thể được” là...)
“Đạt” (達) là thông đạt. Thật sự thông đạt bản thể của Sanh là chẳng thể được. Điều này có nghĩa là gì? Ở đây giải thích đơn giản [như sau].
(Diễn) Do tâm không cố.
(演) 由心空故。
(Diễn: Do tâm rỗng không).
Vốn chẳng có một vật.
(Diễn) Đại địa bình trầm, hư không phấn toái, thôi cầu Ngũ Ấm, sắc, tâm, liễu bất khả đắc dã.
(演) 大地平沉,虛空粉碎,推求五陰色心,了不可得也。
(Diễn: Đại địa chìm lỉm, hư không nát vụn như bột, suy lường, tìm cầu Ngũ Ấm, sắc, tâm, trọn chẳng thể được).
Thoạt nhìn bề ngoài, mấy câu này rất đơn giản, rõ ràng, nhưng ý nghĩa quá sức sâu xa. Trong kinh Kim Cang cũng có ý nghĩa này; tuy có cùng một ý nghĩa, nhưng cách nói khác nhau. Kinh Kim Cang nói: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc” (Tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai chẳng thể được). Nếu quý vị biết ba tâm đều chẳng thể được, sẽ ngộ nhập lý Chân Không. Nói theo cách bây giờ, hết thảy động vật, thực vật, khoáng vật đều do “Ngũ Ấm, sắc, tâm” biến hiện.
Do vậy, A La Hán chứng đắc Cửu Thứ Đệ Định, ngộ nhập Nhân Ngã Không. Nói cách khác, Ngài thật sự triệt để hiểu rõ hết thảy các pháp vô ngã. Tuy vô ngã, nhưng Ngài vẫn cho rằng còn có pháp, pháp là Ngũ Ấm. Ngã không có, nhưng Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức vẫn có. Do vậy, A La Hán không có Ngã Chấp, nhưng Pháp Chấp vẫn còn, Ngài chưa thể khai ngộ. Vì thế, tâm Ngài chưa Không. Tâm A La Hán chưa không. Kinh Lăng Nghiêm có lời chứng minh, nói về cảnh giới A La Hán, đức Phật bảo: “Nội thủ du nhàn” (trong tâm giữ lấy sự an nhàn), tâm A La Hán chưa Không! Trong tâm Ngài vẫn giữ “du nhàn”, “do vi pháp trần phân biệt ảnh sự” (vẫn còn bóng dáng phân biệt đối với Pháp Trần). Câu cuối cùng nói rất hay! A La Hán giữ điều gì? Giữ lấy khái niệm trừu tượng hư vọng! Về căn bản, không có chuyện ấy, [tức là không có] bóng dáng của sự phân biệt đối với Pháp Trần, quả thật rất oan uổng! Vì vậy, tâm Ngài bất không, nói cách khác, Ngã Chấp buông xuống được rồi, nhưng Pháp Chấp chưa buông xuống.
Nếu nói tới chân tướng thì chân tướng là “thôi cầu Ngũ Ấm, sắc, tâm, liễu bất khả đắc” (suy lường, tìm cầu Ngũ Ấm, sắc, tâm, trọn chẳng thể được). Động vật, thực vật, khoáng vật là những vật do Ngũ Ấm, sắc, tâm biến hiện; động vật, thực vật, khoáng vật là giả, đều là pháp được sanh bởi nhân duyên. Duyên sanh không có tự tánh, không có tự thể. Do vậy, nói “bản thể của chúng là Không”. Ngũ Ấm cũng là pháp sanh bởi nhân duyên, cũng chẳng thật. Cùng một đạo lý, bản thể của chúng (Ngũ Ấm, sắc, tâm) là Không, trọn chẳng thể được! Do vậy, trong kinh luận, Phật, Bồ Tát bảo chúng ta: “Duyên sanh tánh Không”. Tánh là thể tánh, do Thể là “chẳng thể được”, nên gọi là Không. Cảnh giới ấy là gì? Giống như cảnh trong mộng, hoàn toàn giống như cảnh trong mộng. Khi chúng ta nằm mộng, trong mộng là có, như đã nói: “Mộng lý minh minh hữu lục thú, giác hậu không không vô đại thiên” (Trong mộng rành rành có sáu nẻo, giác rồi ba cõi rỗng toang hoang). Sau khi quý vị tỉnh giấc, những thứ quý vị đã có trong mộng có đem ra được hay không? Quý vị có đem theo một món nào hay không? Khi nào chúng ta có thể thấy cảnh giới hiện tiền là cảnh trong mộng, quý vị sẽ tự tại, đúng là đạt được đại tự tại. Vì sao? Cái tâm được - mất không còn nữa, bỏ rồi. Tâm được - mất đã không còn, tức là tâm được - mất rỗng không. Tất cả phiền não đều do lo được, lo mất mà có! Quý vị không có cái tâm được - mất, sẽ chẳng có phiền não, nên được đại tự tại.
Hiểu hết thảy pháp như mộng, huyễn, bọt, bóng; chúng quả thật là như mộng, huyễn, bọt, bóng, quý vị sẽ tùy duyên sống qua ngày, giống như Phổ Hiền Bồ Tát đã nói “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, không vướng mắc, không chướng ngại, không có pháp nào chẳng thể tùy hỷ. Công đức là gì? Thành tựu sự giác ngộ của chính mình, thành tựu vô lượng giác cho chính mình. Trong hết thảy các pháp, chẳng dùng tâm phân biệt, mà dùng quán chiếu, giống như Tâm Kinh nói là Quán Tự Tại. Ngài chiếu kiến tướng chân thật của hết thảy pháp; do vậy “chiếu kiến Ngũ Uẩn đều không”. Đấy là “cầu Ngũ Ấm, sắc, tâm đều trọn chẳng thể được”; Tâm Kinh cũng nói như thế. Tâm khai, ý giải, thật sự lìa khổ, được vui, “độ nhất thiết khổ ách”: Hết thảy khổ ách cũng đều chẳng còn, đều rỗng không. Đấy là trí huệ. “Đạt” là trí huệ thông đạt; dùng trí huệ để quán chiếu, chiếu kiến chân tướng sự thật, rồi mới “tắc sanh nhi bất sanh, bất sanh nhi sanh” (nên sanh mà chẳng sanh, chẳng sanh mà sanh). Lời chú giải [trong sách Diễn Nghĩa] giảng rõ:
(Diễn) Bất sanh nhi sanh giả, như dĩ bất sanh vi bất sanh, phi chân bất sanh dã.
(演) 不生而生者,如以不生為不生,非真不生也。
(Diễn: “Chẳng sanh mà sanh”: Nếu hiểu “chẳng sanh” là “không hề sanh” thì chẳng phải là “chẳng sanh” thật sự).
Vì sao? Rớt vào khái niệm tương đối. Có một cái “sanh” và một cái “bất sanh”; lại là hai pháp! Phải hiểu “sanh” và “bất sanh” là một, chẳng phải hai thì mới là “bất sanh” thật sự. Do vậy, ở đây nói “sanh tức bất sanh”, bất sanh là sanh, sanh là bất sanh, đấy mới là “chân bất sanh”. Tiếp đó, lão nhân gia dẫn một câu trong Chứng Đạo Ca của Vĩnh Gia đại sư để chứng minh.
(Diễn) Cố Vĩnh Gia vị: Thùy vô niệm, thùy vô sanh, nhược thật vô sanh vô bất sanh đẳng.
(演) 故永嘉謂:誰無念,誰無生,若實無生無不生等。
(Diễn: Vì thế, ngài Vĩnh Gia nói: “Ai vô niệm, ai vô sanh?” Nếu nói thật sự thì không có sanh mà cũng chẳng có bất sanh v.v...)
Hai câu đầu [trong đoạn Diễn Nghĩa vừa dẫn trên đây] là câu hỏi mang tính cách giả thiết, có ai mà chẳng niệm? Có gì chẳng sanh? Nếu nói chân thật, quả thật sanh lẫn bất sanh đều chẳng có. “Vô sanh, vô bất sanh”: Hai bên sanh và bất sanh đều tách lìa. Tách rời hai bên, hai bên đều là, đấy mới là chân tướng sự thật. Đó gọi là “song giá, song chiếu” (ngăn dứt cả hai bên, soi rõ cả hai bên). Vĩnh Gia đại sư dùng lối Song Giá, tách rời cả hai bên, không có sanh mà cũng chẳng có bất sanh, sanh lẫn vô sanh thảy đều chẳng có, thật sự thanh tịnh. Nói “sanh chính là bất sanh, bất sanh là sanh” là nói theo lối Song Chiếu. Thật ra, chúng có tồn tại hay không? Tồn tại, tướng hai bên tồn tại. Tuy tồn tại, nhưng theo Lý thì chẳng có hai bên. Xét theo Lý, chúng quyết định không có! Đã là Tướng thì có, Lý thì không; tướng ấy là huyễn tướng, chẳng phải chân tướng. Do vậy, tướng là hư vọng. Kinh nói rất hay: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng). Chúng ta phải nhớ kỹ điều này!
Do vậy, trong hết thảy tướng, đừng sốt sắng, đừng chấp trước, phải quán chiếu bằng trí huệ, quyết chớ nên mê hoặc. Nếu cư xử với chư Phật, Bồ Tát, chuyện này sẽ được thực hiện tốt đẹp: Không chấp tướng, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại; đó là cảnh giới Hoa Nghiêm. Tại Tây Phương Cực Lạc thế giới là cảnh giới Thật Báo Trang Nghiêm Độ, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Nếu cư xử với lục đạo phàm phu thì chẳng được, chỉ có thể Lý Sự vô ngại, chứ Sự Sự vô ngại còn bị chướng ngại. Quý vị đạt đến vô ngại, nhưng đối phương có chướng ngại, phải thuận theo họ! Bồ Tát phải hằng thuận chúng sanh. Quý vị hãy tra duyệt kinh điển, có kinh nào nói chúng sanh hằng thuận Bồ Tát hay không? Không có! Có nói chúng sanh hằng thuận Phật hay chăng? Không có! Chỉ có Phật, Bồ Tát hằng thuận chúng sanh. Nếu chúng sanh hằng thuận Phật, Bồ Tát, chúng sanh đã thành Phật, thành Bồ Tát rồi, chẳng gọi là chúng sanh!
Do vậy, quý vị nhất định phải hiểu: Bồ Tát phải hằng thuận chúng sanh. Sự cư xử giữa Bồ Tát và chúng sanh là Sự Sự có chướng ngại, nhưng Lý Sự vô ngại. Vì sao Sự Sự có chướng ngại? Chúng sanh có phân biệt, có chấp trước, chẳng thể không thuận theo họ. Ví như chúng sanh nói hai tai rủ xuống vai là tướng hảo, Phật, Bồ Tát hằng thuận họ, biến ra tướng ấy. Thật ra, trong cảnh giới của Phật, Bồ Tát, hết thảy tâm thanh tịnh, hết thảy pháp bình đẳng, có những thứ như ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo hay không? Không có! Có thể thấy ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo nhằm hằng thuận chúng sanh. Quý vị cảm thấy tướng ấy là đẹp đẽ, các Ngài bèn thị hiện tướng ấy. Thật ra, xấu hay tốt chẳng có tiêu chuẩn.
Xưa, nay, trong nước, ngoài nước nêu ra tiêu chuẩn tốt - xấu khác nhau. Đại chúng chúng ta ngồi cùng một chỗ, nhìn cách xếp đặt trong giảng đường này, mỗi người đều có quan điểm khác nhau. Có người cảm thấy cách xếp đặt này rất khá, có người chẳng vừa ý, tiêu chuẩn khác nhau. Thật ra, về căn bản là không có tiêu chuẩn, tiêu chuẩn là gì? Tiêu chuẩn ấy được kiến lập bởi phân biệt, chấp trước, vọng tưởng của chính quý vị. Trong pháp chân thật, chẳng hề có những thứ ấy, hết thảy đều không có, đều là Sự Sự vô ngại. Chỉ cần quý vị lập ra, Bồ Tát bèn hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Trừ biện pháp này ra, không có biện pháp thứ hai! Do vậy, mới nói: “Phật pháp trong thế gian, chẳng lìa thế gian giác”. Tuy hằng thuận, tùy hỷ, nhưng phải giác, chớ nên mê, đó gọi là Phật pháp. Đạo lý này rất trọng yếu, nhất định chớ nên hiểu lầm Phật pháp, chớ nên sử dụng Phật pháp sai lầm. Hôm nay, chúng tôi giảng đến đây!
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
Phần 15 hết
[1] Ma Tổ chính là Thiên Hậu. Ở Việt Nam, danh xưng của vị thần này thường bị đọc trại thành Mã Tổ, những ngôi đền thờ bà Thiên Hậu thường được gọi là chùa Bà. Hành Thiên Cung còn gọi là Ân Chủ Công Miếu, là miếu thờ Quan Công lớn nhất và nổi tiếng nhất tại Bắc Đài Loan.
[2] Nhất Quán Đạo là hậu duệ của Tiên Thiên Đại Đạo (tàn dư của tà phái Bạch Liên). Vào thời Thuận Trị, Hoàng Đức Huy thờ La Thanh làm tổ sư, lấy giáo nghĩa của La Thanh sáng lập ra Tiên Thiên Đạo tại Bà Dương, tỉnh Giang Tây. Sau đó, Lưu Thanh Hư tuyên bố được Vô Sanh Lão Mẫu ân tứ, truyền cho tên mới của giáo phái là Nhất Quán Đạo. Nhất Quán Đạo chính thức ra đời tại Tế Ninh (tỉnh Sơn Đông) do Lộ Trung Nhất sáng lập vào năm 1905. Lộ Trung Nhất được kế thừa bởi Trương Thiên Nhiên Nhiên và được tuyên truyền rộng rãi bởi công sức của vợ ông ta là Tôn Huệ Minh. Đây là một tà phái mượn danh nghĩa Phật giáo, chủ trương ăn chay, thờ Minh Minh Thượng Đế (còn gọi Vô Cực Lão Mẫu, Vô Sanh Lão Mẫu, Vô Cực Thiên Mẫu v.v..), Di Lặc Tôn Phật và Nam Hải Cổ Phật (Quán Thế Âm Bồ Tát), Tế Công Hoạt Phật (ngài Tế Điên), Lữ Pháp Luật Chủ (Lữ Thuần Dương, Lữ Động Tân), Quan Pháp Luật Chủ (Quan Công) v.v... Chủ trương hợp nhất Nho - Thích - Đạo, nhưng thật ra là pha trộn lung tung giáo nghĩa của Phật giáo với pháp tu luyện của đạo sĩ và tín ngưỡng mê tín trong dân gian, cầu cơ, thỉnh tiên, sấm ký v.v... chuyên giảng kinh Phật xuyên tạc theo kiểu luyện đan, luyện khí.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top