A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa - Phần 14
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
阿彌陀經疏鈔演義
Phần 14
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không năm 1984
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong
Tập 27
Xin đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba mươi bốn:
(Sớ) Cố Vĩnh Minh vị: “Hữu nhân sổ tức, giác quán bất hưu, niệm Phật xưng danh, tức phá giác quán”, thử kỳ nghiệm dã, hưu chi hựu hưu, cùng kỳ nguyên bổn, cố vân cứu cực, chí ư nhất tâm bất loạn, thị vi thành tựu Niệm Phật tam-muội.
(疏) 故永明謂有人數息,覺觀不休,念佛稱名,即破覺觀,此其驗也。休之又休,窮其源本,故云究極。至於一心不亂,是為成就念佛三昧。
(Sớ: Vì thế, ngài Vĩnh Minh nói: “Có người tu Sổ Tức, giác quán chẳng ngơi, niệm Phật xưng danh liền phá giác quán”. Đấy là sự chứng nghiệm vậy, [đó là] đã ngưng dứt lại càng ngưng dứt hơn, thấu tột cội nguồn, nên nói là “rốt ráo đến tột bậc”, đạt đến nhất tâm bất loạn, đó là thành tựu Niệm Phật tam-muội).
Hôm qua tôi đã giới thiệu các từ ngữ Sổ Tức và Giác Quán rồi.
(Diễn) Hưu chi vị hưu, tức sở vị “tinh tấn cánh tinh tấn, phóng hạ hựu phóng hạ” dã.
(演) 休之又休,即所謂精進更精進,放下又放下也。
(Diễn: “Đã ngưng dứt lại càng ngưng dứt hơn”, ý nói: Đã tinh tấn lại càng tinh tấn, đã buông xuống lại càng buông xuống hơn).
Những khai thị này đều là nguyên tắc chỉ đạo tối cao trong Hành môn (phương diện tu hành). Chúng ta muốn công phu thành tựu, cổ đức thường nói: “Thấy thấu suốt, buông xuống”. Thấy thấu suốt và buông xuống có những tầng lớp khác nhau, hình thành năm mươi mốt địa vị Bồ Tát khác nhau, tức là Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác. Ngẫu Ích đại sư và Liên Trì đại sư cùng phán định kinh này có một phần thuộc Viên Giáo. Địa vị Sơ Tín Bồ Tát trong Viên Giáo đã buông xuống tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, trong Tịnh Độ gọi cảnh giới này là “công phu thành phiến thượng phẩm”. Nếu quý vị đạt đến cảnh giới này, có phải là trọn đủ hay chăng? Thưa quý vị, chưa thể được! Phải nên làm như thế nào? Phải càng tinh tấn hơn, từ cảnh giới này phải không ngừng nâng cao hơn, phải nỗ lực cho đến hết tuổi thọ! Nỗ lực trên phương diện nào? Tinh tấn trên hai phương diện buông xuống và thấy thấu suốt. Thấy thấu suốt và buông xuống giúp nhau thành tựu; thấy thấu suốt là trí huệ, buông xuống là công phu, đấy mới là tinh tấn thật sự, là “đã ngưng dứt càng ngưng dứt hơn”, phải đạt đến mục tiêu như thế nào? Câu tiếp theo nói giảng từ ngữ “cùng kỳ nguyên bổn”.
(Diễn) Nguyên bổn thị vạn lự chi nguyên đầu căn bản.
(演) 源本,是萬慮之源頭根本。
(Diễn: “Cội nguồn” là gốc rễ đầu mối của mọi mối lo sầu).
Trong Giáo Hạ thường nói tới điều này, gọi nó là “căn bản vô minh”. Chúng ta có thể bỏ ngay căn bản vô minh được hay chăng? Chẳng thể nào! Giống như chúng ta mặc quần áo, trời lạnh, mặc rất nhiều quần áo, mặc tới mấy bộ quần áo, căn bản vô minh giống như bộ quần áo sát thân. Khi quý vị cởi ra, nhất định phải cởi lớp bên ngoài trước, cởi từng lớp một thì mới cởi được lớp tận trong cùng, trọn chẳng thể nào không tháo bỏ những lớp ngoài mà cởi ngay được lớp bên trong. Đó là chuyện không thể nào làm được! Chúng ta phải buông xuống từ ngoài vào trong, từ thô đến tế; trước hết là buông xuống Kiến Tư phiền não, rồi buông xuống Trần Sa phiền não, cuối cùng buông xuống căn bản vô minh. Chiếu theo thứ tự thuận này thì mới tột cùng nguồn cội được. Sách Diễn Nghĩa lại dùng mấy câu kinh Lăng Nghiêm để chứng minh.
(Diễn) Cận ngôn chi, tức thị dung thông vọng tưởng, dĩ vi kỳ bổn. Cùng vị phù tưởng tiêu trừ, ư giác minh tâm, như khử trần cấu, thử tức thị Sự nhất tâm dã.
(演) 近言之,即是融通妄想,以為其本。窮謂浮想消除,於覺明心,如去塵垢,此即是事一心也。
(Diễn: Nói gần gũi thì chính là dung thông vọng tưởng, lấy nó (tức vô minh) làm gốc. “Cùng” có nghĩa là tiêu trừ những vọng tưởng hời hợt nơi tâm giác minh như trừ khử bụi nhơ. Đây chính là Sự nhất tâm).
“Dung thông vọng tưởng” là đối với điên đảo mà nói. Lũ chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối khởi tâm động niệm, nghĩ trước, lo sau, những vọng tưởng ấy gọi là “dung thông vọng tưởng”. Vô lượng vô biên vọng tưởng đều từ sanh ra từ đây, chúng vẫn lấy vô minh làm căn bản. Nếu hiểu rõ, thông đạt chân tướng của hết thảy các pháp, người ấy sẽ chẳng khởi vọng tưởng nữa. Quả thật là do chẳng hiểu rõ, thông đạt tướng chân thật của hết thảy các pháp, do chẳng hiểu rõ nên dấy lên nghi hoặc, do dấy nghi hoặc bèn sanh ra vọng tưởng.
Chữ “cùng” (窮) có nghĩa là công phu, nhất định phải gạt bỏ vọng tưởng. “Phù tưởng tiêu trừ”: Nói tới “phù tưởng” (những vọng tưởng hời hợt) thì có thể thấy những tướng được biến hiện bởi những vọng tưởng ấy là thô nhất, là tầng ngoài cùng hời hợt nhất [nên gọi là “phù tưởng”], chúng ta thường gọi chúng là Kiến Tư phiền não. Kiến (見) là kiến giải sai lầm, Tư (思) là tư tưởng sai lầm. Kiến giải và tư tưởng đều chẳng chính xác. Trước hết phải trừ bỏ những thứ ấy, tâm chúng ta sẽ thanh tịnh giống như trừ sạch bụi nhơ, tâm thanh tịnh dần dần thấu lộ. Đấy là cảnh giới Sự nhất tâm, mà cũng là mục tiêu thứ nhất trong sự học Phật của chúng ta.
(Diễn) Viễn ngôn chi, tắc thị võng tượng hư vô, điên đảo vọng tưởng, dĩ vi kỳ bổn. Cùng vị thúc nhiên huy liệt, viên minh tinh tâm, ư trung phát hóa, thử tức thị Lý nhất tâm dã.
(演) 遠言之,則是罔象虛無,顛倒妄想,以為其本。窮謂倏然隳裂,圓明精心,於中發化,此即是理一心也。
(Diễn: Nói xa xôi thì những hình tượng được biến hiện hư vọng, hư vô, điên đảo vọng tưởng, lấy nó làm gốc. “Cùng” có nghĩa là đột nhiên vỡ nát, cái tâm tinh thuần viên minh phát khởi tác dụng từ trong ấy. Đây chính là Lý nhất tâm vậy).
Công phu càng sâu hơn. Do vậy, chúng ta niệm Phật, công phu bước đầu là trước hết cầu công phu thành phiến, không có cách nào bỏ qua được những điều này. Vì sao hiện thời công phu của chúng ta chẳng thể thành phiến? Nói cách khác, do chúng ta không buông xuống. Chẳng thể buông xuống, đó là chướng ngại. Chỉ cần quý vị không chịu buông xuống, công phu của quý vị vĩnh viễn chẳng thể thành phiến được!
Vừa rồi, Trịnh cư sĩ ngồi ở chỗ tôi cả tiếng đồng hồ. Ông ta và tôi bàn đến rất nhiều thứ đang được giới Tâm Lý Học Tây phương nghiên cứu, thảo luận hiện thời. Tâm có thể chuyển cảnh giới; gần đây nhất, họ công nhận đó là chuyện có thể được, có xu thế như vậy. Họ khảo sát tại mọi nơi, đặc biệt là [khảo sát] những người tu hành trong Phật giáo. Họ nói tâm có thể khống chế thân thể, khống chế tuổi thọ, có thể khiến cho thọ mạng kéo dài, hoặc khiến cho thọ mạng rút ngắn, [“khống chế thân thể”] là danh từ được dùng bởi giới Tâm Lý Học hiện thời. Trong Phật pháp, chúng ta gọi đó là “sanh tử tự tại”; họ chẳng gọi là “sanh tử tự tại”, mà gọi là “khống chế thân thể”. Tâm linh có thể khiến cho thân thể khỏe mạnh, [và cũng] có thể khiến cho thân thể trường thọ. Người Tây phương hiện nayđang dốc sức nghiên cứu chuyện này, họ nghĩ những nghiên cứu ấy sẽ giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu, thảo luận Phật pháp, học Phật. Như vậy là có phải họ sẽ thật sự đạt đến Phật pháp hay chăng? Vẫn còn có một khoảng cách khá dài, vì chẳng thể dùng tâm ý thức để nghiên cứu mà hòng thấu đạt Phật pháp được! Bọn họ vẫn sử dụng phân biệt hư vọng, chấp trước hư vọng, vẫn đi theo đường lối ấy.
Do những hiện tượng ấy là sự thật, tôi nêu lên một trường hợp: Bà Hoàng vãng sanh chưa được mấy ngày. Bà ta bị ung thư bao tử, ung thư ruột; do ung thư bao tử mà chuyển thành ung thư ruột. Mọi người đều biết bệnh nhân mắc chứng này hết sức đau khổ, nhưng bà ta nghiễm nhiên chẳng đau khổ tí nào, ăn uống như bình thường. Do vậy, ngay cả bác sĩ cũng ngơ ngác, vì sao vậy? Chưa từng thấy có bệnh án nào như thế. Bà ta suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật, buông nỗi thống khổ xuống, bệnh khổ cũng buông xuống luôn. Do vậy, khi vãng sanh hết sức tự tại, không bị đau khổ mảy may nào, chắc chắn vãng sanh! Với tình hình như vậy, chắc chắn bà ta vãng sanh, chẳng có mảy may nghi vấn nào, đủ thấy tầm trọng yếu của buông xuống!
Những người niệm Phật chẳng thể thành tựu là vì trong lòng vướng mắc quá nhiều sự việc, tâm chẳng chuyên, niệm chẳng nhất. Tổ sư đại đức thường dạy chúng ta: “Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” (Niệm chẳng chuyên nhất, chẳng sanh Tịnh Độ). Sanh về Tịnh Độ nhất định phải chuyên nhất, siêng năng niệm. Do vậy, hết thảy vọng tưởng đều phải buông xuống, tâm an trụ trong một câu Phật hiệu, có như vậy mới hòng thành tựu. Người thế gian chúng ta cứ tưởng người có nhiều kiến thức là kẻ thông minh, học rộng, lắm tài, nhưng trong cái nhìn của nhà Phật, chẳng hề nói như vậy! Những thứ kiến giải, tư tưởng ấy hoàn toàn chẳng chân thật, mà là căn bản của lục đạo luân hồi, là Kiến Tư phiền não. Kiến Tư phiền não đều buông xuống hết. Đó là Sự nhất tâm bất loạn. Tiến hơn nữa là Trần Sa phiền não và Vô Minh phiền não cũng buông xuống, đó là Lý nhất tâm bất loạn.
Ở chỗ này, kinh văn được dẫn [trong lời Sớ] là kinh Lăng Nghiêm: “Võng tượng hư vô”. “Võng” (罔) là hư vọng, chẳng chân thật. “Tượng” (象) là hiện tượng. Đúng như kinh Kim Cang đã dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, đấy là “võng tượng hư vô” (những hình tượng được biến hiện đều hư vọng, rỗng tuếch). Trong hết thảy cảnh giới hư vọng, chúng ta chẳng liễu giải tướng chân thật; do vậy, bị những tướng cảnh giới ấy xoay chuyển, chẳng thể tự tại! Chỗ cao minh của người tu hành là “cảnh chuyển theo tâm”. Vừa rồi, Trịnh cư sĩ bảo tôi: “Hiện thời, người phương Tây dùng những dụng cụ đo đạc khoa học để khám nghiệm hành giả Du Già (Yoga) nhập Định và người tu Thiền nhập Định, thu được kết quả khác nhau. Đối với người tu Thiền Định theo lối Yoga, qua quan sát làn sóng điện ghi nhận sự phản ứng của người ấy, [các nhà khoa học nhận thấy] nếu cho người [đang nhập Thiền Yoga] ấy nghe âm thanh, [nhìn vào] làn sóng điện thể hiện sự phản ứng, [ta nhận thấy] người ấy dường nhưhoàn toàn không có tri giác, giống như cánh cửa đóng chặt. Điều này cũng giống như Vô Tưởng Định được nói trong kinh Phật, người ấy chẳng có tri giác đối với hết thảy cảnh giới bên ngoài. Những người nhập Thiền Định trong nhà Phật có cảm giác, lần thứ nhất cảm giác rất rõ rệt, lần thứ hai cảm giác nhẹ yếu hơn, đến lần thứ ba dần dần bất động. Do điều này, chứng tỏ rằng: Thiền Định trong Phật môn có tri giác, thứ gì cũng đều nhận biết. Cách nói này hoàn toàn phù hợp với những ý nghĩa về Thiền Định đã được giảng trong kinh Phật.
Thiền Định Phật pháp gọi là Tịnh Lự. “Tịnh” (靜) là tâm thanh tịnh, xa lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. “Lự” (慮) là hiểu rõ phân minh. Có Chỉ, có Quán; Chỉ và Quán cùng vận dụng thì mới gọi là Thiền. Do vậy, Thiền Định hoàn toàn chẳng phải là “cái gì cũng không biết”, không phải vậy! Nếu là như vậy, sẽ biến thành Vô Tưởng Định, trở thành ngoại đạo. Điều này cũng chứng tỏ, Phật pháp gọi Yoga là ngoại đạo, cảnh giới và công phu của họ khác với cách tu trì trong Phật pháp. Nói cách khác, Thiền Định có thể đoạn phiền não, có thể phá vô minh, nhưng Định của Yoga không thể làm được! Nó đọa trong vô minh, chẳng thể phá vô minh. Trong Định, họ (hành giả Yoga) có thể ngăn dứt phiền não, nhưng sau khi xuất Định, phiền não lại hiện tiền. Chúng ta cũng phải nên hiểu rõ điều này. Do hiện thời, những thứ này khá thịnh hành trên cả thế giới, thuật Yoga của Ấn Độ cũng hết sức thịnh hành tại Âu Mỹ, cảnh giới của họ đã dần dần bị các nhà khoa học dò lường. Điều này hữu ích đối với sự hoằng dương Phật pháp, sau đấy, họ mới liễu giải Phật pháp là chánh pháp.
Chữ “cùng” (窮) ở đây cũng là công phu, công phu ấy càng sâu hơn [so với công phu được nói trong đoạn trước]. Đột nhiên [vô minh] bị vỡ nát! Đây là nói “phá vô minh, khai trí huệ”, nhà Thiền gọi điều này là “hoát nhiên đại ngộ”. Trong phần trên là tiêu trừ những phù tưởng (suy tưởng hời hợt) bên ngoài, đấy là đắc Định, nhưng chưa khai trí huệ; còn trong tầng này là từ Định mà khai Huệ, đại triệt, đại ngộ, cảnh giới khác biệt rất lớn.
“Viên minh tinh tâm, ư trung phát hóa” (cái tâm viên mãn, sáng suốt, tinh thuần được phát khởi tác dụng từ trong ấy): “Viên”(圓) là viên mãn, “minh” (明) là quang minh, trí huệ đầy ắp, “tinh” (精) là thuần nhất, chẳng tạp, nhất tâm đấy! Nhất tâm là viên mãn, nhất tâm là quang minh, là trí huệ. “Tinh tâm” là nhất tâm. “Ư trung phát hóa”: “Phát” (發) là làm sáng tỏ, “hóa” (化) là biến hóa. Hai chữ này đều nói về tác dụng, tức là cái tâm tinh thuần, viên mãn, sáng suốt khởi tác dụng, biến hiện điều gì? Biến hiện y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Điều này cũng thường được các tôn giáo gọi là “toàn tri toàn năng”, không gì chẳng biết, không gì chẳng thể, đấy là Lý nhất tâm bất loạn. Nói theo Viên Giáo, từ Sơ Trụ Bồ Tát cho đến Đẳng Giác Bồ Tát đều gọi là Lý nhất tâm. Do đây biết rằng: Công phu nơi Lý nhất tâm có sâu hay cạn khác nhau; đấy chính là bốn mươi mốt đẳng cấp [Bồ Tát] được liệt kê trong kinh điển, chúng cùng là Lý nhất tâm, từ Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên đều gọi là Lý nhất tâm bất loạn.
Kinh Hoa Nghiêm gọi [những vị đã chứng đắc] Lý nhất tâm là Pháp Thân đại sĩ. Nếu chúng ta hỏi: Trong một đời, chúng ta có thể đạt đến cảnh giới này hay không? Thưa quý vị, có thể chứ, chẳng phải là không có thể, mà thật sự là có thể! Chứng đắc công phu này, đừng hỏi ai khác! Khi quý vị chứng đắc sẽ hiểu rõ ràng, nhưng khi quý vị chứng đắc sẽ có tầng lớp, có cấp bậc. Nhất định trước hết phải là khinh an, đạt được cái trong cửa Phật thường nói là “tám gió thổi chẳng động”. Tám gió thổi chẳng động, thưa cùng quý vị, thì vẫn chưa phải là nhập môn, mà tính là công phu thành phiến, tức là công phu thành phiến trung hạ phẩm trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, chẳng phải là thượng phẩm. Đoạn sạch tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc thì mới là công phu thành phiến thượng phẩm. Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, cũng có ba bậc, chín phẩm. Do vậy, trong quá trình tu học, quý vị nhất định phải trải qua thứ tự như vậy. Hiện thời, cái tâm của chúng ta hễ được người ta khen ngợi mấy câu liền vui sướng mấy hôm, người ta chửi vài câu bèn giận mấy chục bữa chưa tan, làm thế nào được đây? Tám gió nhỏ xíu từ cảnh giới bên ngoài vừa thổi, tâm đã dấy động ầm ầm, không được rồi! Niệm Phật như vậy thì niệm suốt đời, vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ vẫn có vấn đề lớn!
Trong việc niệm Phật, tôi lại thưa cùng quý vị: Nay chúng ta coi vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ là chuyện to lớn nhất. Thế giới này khổ quá, thế giới này chẳng đáng lưu luyến! Nếu quý vị nói: Trong nhà tôi còn có cha mẹ, còn có con cái, chẳng thể không bận tâm! Quý vị có thể thật sự bận tâm được sao? Quý vị thật sự chăm sóc họ được ư? Chăm sóc chẳng được! Phải giác ngộ điều này! Chính mình chưa thể vượt thoát luân hồi, làm sao có thể chăm sóc người khác, có năng lực gì để chăm sóc người khác? Đúng là mê hoặc, điên đảo! Chẳng phải là bảo quý vị hãy mặc kệ cha mẹ, quyến thuộc, chẳng phải vậy. Điều kiện thứ nhất trong pháp môn Tịnh Độ là“hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, đủ thấy pháp môn này được kiến lập trên cơ sở luân lý. Hiện thời, [ta và thân quyến] tụ hội một chỗ, hãy tận tâm tận lực chiếu cố, nhưng cái tâm của chính mình nhất định phải an trụ nơi Tây Phương.
Làm như thế nào thì mới có thể chiếu cố người nhà và quyến thuộc? Thưa quý vị, cách chiếu cố viên mãn rốt ráo nhất chính là khuyên họ niệm Phật. Họ niệm một câu Phật hiệu thành công cũng có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đấy mới là đạt đến rốt ráo, mới là đạt đến viên mãn. Khuyên họ chẳng nghe thì nêu gương cho họ thấy. Bà Hoàng rất tuyệt vời, chồng, con trai, con gái bà ta đều tin Phật, đều chẳng hoài nghi, do nguyên nhân nào vậy? Thấy bà ta vãng sanh, bà ta độ không ít người. Ngay cả bác sĩ trong bệnh viện thấy hiện tượng ấy cũng phải động tâm, rốt cuộc chuyện này là như thế nào vậy? Bất cứ bệnh nhân nào cũng không nhịn đau nổi, bà ta tỉnh như không! Khi mất, mặt còn lộ nét tươi cười, một tí đau khổ cũng chẳng có! Độ không ít người! Chính mắt chúng tôi trông thấy chuyện này, chẳng giả tí nào hết. Do vậy, nhất định phải hiểu: Chỉ có sanh về Tây Phương Tịnh Độ mới là rốt ráo.
Quý vị ở trong thế gian này, đem cả thế giới tặng cho quý vị thì quý vị lại có thể đạt được gì? Một hơi thở ra không hít vào được nữa, món gì cũng chẳng mang theo! Đấy là “vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân” (muôn thứ chẳng đem được, chỉ có nghiệp theo thân). Quý vị chẳng thể mang theo thứ gì cả, cũng có vị nghĩ rằng: “Hiện tại ta còn chưa chết”, đấy là một cách nghĩ sai lầm. Quý vị mỗi đêm đi ngủ, ngủ là chết nhẹ nhàng một lần, mỗi ngày phải chết một lần. Quý vị thấy khi ngủ, quý vị có biết gì hay không? Khi quý vị ngủ, có vật nào trong thế gian thuộc về bản thân quý vị hay chăng? Ngủ say thì người ta có khiêng thân quý vị đi, bê đi, quý vị cũng không biết! Có khác gì đã chết hay chăng? Mỗi ngày phải chết nhẹ nhàng một phen, còn chưa tỉnh giác ư? Nhất định phải tỉnh giác!
(Diễn) Sự Lý nhất tâm, giai vi thành tựu Niệm Phật tam-muội.
(演) 事理一心,皆為成就念佛三昧。
(Diễn: Sự nhất tâm và Lý nhất tâm đều là thành tựu Niệm Phật tam-muội).
Đều gọi là Niệm Phật tam-muội. Niệm Phật tam-muội có thứ tự sâu hay cạn khác nhau. Sự nhất tâm nói theo Viên Giáo thì là sự chứng đắc của hàng Bồ Tát thuộc địa vị Thất Tín. Do đây biết: Chúng ta thường nói tới cõi Phàm Thánh Đồng Cư, nhưng nếu chiếu theo Viên Giáo để nói, đối với mức độ thấp nhất trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, có sáu cấp bậc: Sáu cấp bậc ấy là thượng trung phẩm (thượng phẩm, trung phẩm) trong những người đới nghiệp vãng sanh. Nếu trong cảnh giới, “tám gió thổi chẳng động”, chẳng qua là hạ phẩm trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, nhưng thưa với quý vị, người ấy quyết định vãng sanh. Chửi quý vị, hủy nhục quý vị, quý vị chẳng nóng giận; khen ngợi quý vị, quý vị cũng chẳng sanh tâm hoan hỷ. Trong cảnh giới thường ngày, quý vị có thể giữ gìn cái tâm bình tịnh, chẳng bị ngoại cảnh lay động, công phu ấy không cao, chẳng được coi là công phu cao, nhưng quyết định vãng sanh!
Sự nhất tâm bất loạn là cõi Phương Tiện Hữu Dư trong Tịnh Độ. Nếu dùng Viên Giáo để nói thì [Sự nhất tâm bất loạn] có bốn tầng cấp là Thất Tín, Bát Tín, Cửu Tín, Thập Tín. Lý nhất tâm bất loạn là bốn mươi mốt tầng cấp trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Thế nhưng, đạt từ Sự nhất tâm trở lên mới gọi là “thành tựu Niệm Phật tam-muội”. Tam-muội là gì? Dưới đây là lời giải thích.
(Diễn) Tam-muội giả, Phạn ngữ.
(演) 三昧者,梵語。
(Diễn: Tam-muội là tiếng Phạn).
Từ tiếng Phạn của Ấn Độ dịch âm.
(Diễn) Thử vân Chánh Định, diệc vân Chánh Thọ.
(演) 此云正定,亦云正受。
(Diễn: Cõi này dịch là Chánh Định, còn dịch là Chánh Thọ).
Định là gì? Thọ là gì? Dưới đây sẽ có giải thích.
(Diễn) Ly tà danh Chánh, ly tán danh Định.
(演) 離邪名正,離散名定。
(Diễn: Lìa tà nên gọi là Chánh, lìa tán loạn nên gọi là Định).
Người ấy lìa khỏi hết thảy tà tri kiến, tâm hệ niệm một chỗ, chẳng tán loạn; do vậy, gọi là Chánh Định.
(Diễn) Dĩ nhất tâm bất loạn, bất đồng phàm phu chi bất định, ngoại đạo chi tà định.
(演) 以一心不亂,不同凡夫之不定、外道之邪定。
(Diễn: Do nhất tâm bất loạn nên chẳng giống với phàm phu bất định và tà định của ngoại đạo).
Vì lẽ đó mà gọi là Chánh Định. Tâm phàm phu suốt ngày từ sáng đến tối tưởng Đông nghĩ Tây, bất định mà! Ngoại đạo thì giống như tôi vừa mới nói người ngoại quốc trắc nghiệm thuật Yoga, khi họ (người tu Yoga) nhập Định bèn chẳng biết gì về cảnh giới bên ngoài nữa, đó là tà định, chẳng gọi là Chánh Định. Do vậy, [Thiền Định] trong Phật pháp gọi là Chánh Định, không có tà tư, mà có chánh niệm. Chánh niệm phân minh, có giác, có quán, chẳng phải là Định chết cứng, mà là Định hoạt bát, sống động. Chánh Thọ là gì?
(Diễn) Bất thọ chư thọ, danh vi Chánh Thọ.
(演) 不受諸受,名為正受。
(Diễn: Chẳng nhận lãnh các cảm thọ, nên gọi là Chánh Thọ).
“Chư thọ”: Phật pháp quy nạp hết thảy các thứ cảm nhận thành năm loại lớn: “Khổ, lạc, ưu, hỷ, xả”. [Sự cảm nhận nơi] thân được quy nạp thành hai loại khổ và lạc, tâm cũng có hai loại cảm nhận là ưu và hỷ (lo và mừng). Thân chẳng khổ chẳng lạc, tâm chẳng ưu chẳng hỷ thì khi ấy gọi là Xả Thọ. Chánh Thọ là lìa khỏi năm thứ cảm thọ này, hoàn toàn không có, khi ấy mới là sự thụ hưởng đúng đắn. Nói cách khác, quý vị có khổ, lạc, ưu, hỷ, xả thì sự cảm nhận ấy không đúng đắn. Trong sự cảm thọ đúng đắn, nhất định không có khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Do đây, có thể biết: Nếu chúng ta có những cảm thọ khổ, lạc, ưu, hỷ, xả hiện tiền, chính mình nhất định phải giác ngộ, phải liễu giải những thứ cảm thọ ấy là không bình thường, ta là phàm phu, không phải là thánh nhân!
(Diễn) Dĩ nhất tâm bất loạn, vô nhất pháp đương tình, danh Chánh Thọ dã.
(演) 以一心不亂,無一法當情,名正受也。
(Diễn: Do nhất tâm bất loạn, không có một pháp nào là tình thức, nên gọi là Chánh Thọ).
Câu này rất quan trọng. Chữ Tình (情) có phạm vi hết sức rộng lớn. Ở đây, nó là tên gọi chung của vô minh phiền não. Khi tâm đã đạt nhất tâm, trong ấy quả thật không có vô minh, mà cũng chẳng có phiền não. Nhất tâm là tâm thanh tịnh, trong nhị tâm sẽ khởi lên tình, tức là có tình kiến, có tình thức. Nói cách khác, có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Nếu khi tâm quý vị chuyên nhất, chắc chắn chẳng sanh phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, đó gọi là Chánh Thọ. Hiểu rõ ràng, minh bạch những cảnh giới trước mắt, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, tâm quý vị là một, không hai. Nhất tâm là chân tâm, nhị tâm là vọng tâm. Nói cách khác, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bằng chân tâm thuần nhất. Trong chân tâm đầy ắp trí huệ, đầy đủ hết thảy công năng, giống như Lục Tổ khi ngộ nhập đã nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh”. Chân tâm là thanh tịnh, quyết chẳng có ô nhiễm. “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ”: Nhất tâm đầy đủ vạn pháp, vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, thứ gì cũng viên mãn, chẳng khiếm khuyết thứ gì. “Nào ngờ tự tánh có thể sanh ra muôn pháp”. Đấy chính là “ư trung phát hóa” (khởi tác dụng trong ấy). Do vậy, không có một pháp nào là tình thức thì cảm thọ ấy mới gọi là Chánh Thọ, mới gọi là Niệm Phật tam-muội. Do đây, biết rằng: Niệm Phật tam-muội có nhiều trình độ sâu hay cạn khác biệt, từ Sự nhất tâm đến Lý nhất tâm, từ địa vị Thất Tín trong Viên Giáo cho đến quả vị Như Lai rốt ráo, đều gọi là Chánh Thọ. Đấy mới là sự hưởng thụ tối cao và chân thật nhất trong đời người.
Đoạn này giảng về “nhân thành”, tức là tu nhân sẽ có thành tựu. Nay chúng ta cũng đang niệm Phật. Niệm Phật là tu nhân, tuy tu nhưng mà như thế nào? Chẳng thành tựu! Do vậy, mọi người phải đặc biệt học thuộc hai câu trong đoạn văn trên đây. Câu thứ nhất là “vạn lự hàm hưu” (mọi mối lo đều ngưng dứt), câu thứ hai là “nhất tâm bất loạn”. Đấy là thành tích trong khi tu nhân. Nay chúng ta tuy tu nhân mà chẳng đạt được thành tích, là vì chúng ta hiện đang muôn mối lo sầu tơi bời, chẳng thể khống chế được tí nào, còn nói gì đến nhất tâm nữa? Người ta là nhất tâm bất loạn, chúng ta chẳng biết có bao nhiêu cái tâm? Đúng là thiên hạ đại loạn! Lời này cũng rất đúng vậy!
Tại Trung Quốc, trong quá khứ do chánh phủ nỗ lực, đề xướng nền giáo dục ưu mỹ, tốt đẹp, nên tâm người Trung Quốc nằm trong phạm vi luân thường đạo đức. Tuy quý vị có rất nhiều niệm lự (tức vọng tưởng), nhưng vọng tưởng có phạm vi, chẳng vượt quá những phạm vi ấy, nên xã hội có thể đạt đến an ninh, hòa bình. Giềng mối đạo đức có thể duy trì cho đến hiện tại là nhờ vào từ đường. Bất cứ dân tộc quốc gia nào trên thế giới cũng không có từ đường, chỉ có người Trung Quốc mới có từ đường; nay lại muốn dẹp bỏ từ đường. Nói cách khác, căn bản của dân Trung Quốc bị dao động, nếp suy nghĩ của mọi người không có phạm vi, chẳng có chuẩn tắc. Trước kia, chuẩn tắc dựa theo Nho gia, lấy Tứ Thư, Ngũ Kinh làm tiêu chuẩn, nếp suy nghĩ chẳng thể vượt khỏi những tiêu chuẩn ấy. Do lấy chúng làm phạm vi, nên chúng trở thành phạm vi đạo đức. Hiện thời, phạm vi đạo đức này bị đả phá. Nói cách khác, hiện thời không có nguyên tắc, chẳng có phạm vi, còn làm gì được nữa! Những học thuyết lạ lùng, những dị đoan xuất hiện khắp nơi. Trước kia thì không được! Trước kia, nếu ngôn luận, trước tác nào phản kháng giềng mối đạo đức Nho gia, chánh phủ sẽ ngăn cấm, chẳng cho phép lưu thông. Trong Phật pháp, những thứ gì trái nghịch Đại Thừa Phật pháp thì chúng là dị đoan, cũng chẳng được phép lưu thông. Hiện thời, nói là “dân chủ, tự do”, không còn hạn chế nữa! Do vậy, bao nhiêu là “tôn giáo” mới xuất hiện, dị đoan, tà thuyết, giống như trong kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Tư tưởng đã loạn thì thiên hạ cũng loạn. Ví như trong đoàn thể chúng ta, nếu mỗi người nghĩ một cách, mỗi người làm một kiểu, làm sao đoàn thể của quý vị không loạn cho được? Trong đoàn thể của quý vị, mỗi người chỉ có một kiểu nghĩ, cùng một cách làm, đoàn thể ấy nhất định phục hưng, đó là đạo lý rất rõ rệt vậy!
...Trong Phật pháp, quý vị muốn thành tựu quả vị rốt ráo, càng phải nhất tâm. Vì sao Tây Phương Cực Lạc thế giới thù thắng nhất trong hết thảy thế giới? Là vì điều kiện để đến được nơi đó là nhất tâm bất loạn. Phàm những người đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, ai nấy đều là nhất tâm bất loạn. Nói cách khác, người dân trong toàn cõi có cùng một cái tâm, cùng một tri kiến, không có dị thuyết, chẳng có dị đoan. Thế giới Cực Lạc cao minh là cao minh ở chỗ này. Quý vị có tri kiến, do tri kiến ấy, chắc chắn chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ắt phải buông xuống hết thảy tri kiến, phải vứt bỏ hết, thì mới thỏa điều kiện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Sự và Lý này chẳng khó hiểu. Do vậy, y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới quả thật là có lý.
Chúng ta thấy thế giới ngày nay loạn lạc, vô lượng vô biên tà thuyết dị đoan cùng dấy lên, đấy là điềm đại loạn. Chúng ta lại chẳng có năng lực ngăn dứt, dẹp yên mối loạn ấy, không có năng lực cứu khổ chúng sanh. Không có năng lực ấy thì trước hết phải tự cứu. Chẳng thể cứu người thì phải cứu chính mình trước. Đợi đến khi chúng sanh thế giới này hết khổ, muốn quay trở lại thì khi ấy có thể thừa nguyện tái lai.
Do đây biết: Y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới nhờ vào đâu mà có? Chúng ta hiểu rõ Sự và Lý này, rồi mới hiểu nên tu hành như thế nào thì mới có thể ổn thỏa, thích đáng vãng sanh Tịnh Độ. Tu nhân nhất định có thành tựu, phải có thành tích. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh điều này, hy vọng các đồng tu sẽ chú ý.
Nhị, quả chứng
二果證
(Hai, chứng quả).
Do có thành tích, đương nhiên có kết quả. Trong phần Quả Chứng, lời văn gồm hai dòng rưỡi và được chia thành bốn đoạn, xin hãy xem kinh văn.
(Tự) Nãi tri phỉ ly khuể bộ, bảo trì dũng tứ sắc chi hoa.
(序) 乃知匪離跬步,寶池涌四色之華。
(Tựa: Bèn biết: Chẳng lìa nửa bước, ao báu trổ hoa bốn màu).
Đây là đoạn thứ nhất.
(Tự) Bất xuất hộ đình, kim địa nhiễu thất trùng chi thụ.
(序) 不出戶庭,金地遶七重之樹。
(Tựa: Chẳng ra khỏi sân, khỏi cửa, bảy hàng cây vây quanh đất vàng).
Đây là đoạn thứ hai.
(Tự) Xứ xứ Di Đà thuyết pháp, thời thời liên nhụy hóa sanh.
(序) 處處彌陀說法,時時蓮蕊化生。
(Tựa: Chốn chốn Di Đà thuyết pháp, thời thời hóa sanh trong hoa sen).
Đây là đoạn thứ ba.
(Tự) Trân cầm dữ thứ điểu giai âm, quỳnh viện cộng mão đường tịnh thái.
(序) 珍禽與庶鳥偕音,瓊院共茆堂並彩。
(Tựa: Chim quý lẫn chim thường hòa tiếng hót nhịp nhàng, lầu quỳnh cùng lều tranh cùng nhau khoe sắc).
Đây là đoạn thứ tư. Bốn câu này toàn nói về quả báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, quả báo thù thắng chẳng thể nghĩ bàn. Xin đọc lời chú giải trong sách Diễn Nghĩa.
(Diễn) Nãi tri hạ, thị minh Lý nhất tâm cảnh giới.
(演) 乃知下,是明理一心境界。
(Diễn: Từ chữ “nãi tri” trở đi, nói về cảnh giới Lý nhất tâm).
Đây là nói chung.
(Diễn) Phỉ ly tứ cú, chánh thuyết duy tâm Tịnh Độ dã.
(演) 匪離四句,正說唯心淨土也。
(Diễn: Bốn câu “chẳng lìa....” nói thẳng vào duy tâm Tịnh Độ).
Chúng ta vừa nói tới bốn đoạn. Trong ấy, đoạn thứ nhất và thứ hai nói về duy tâm Tịnh Độ.
(Diễn) Xứ xứ lưỡng cú, ngôn xúc xứ đỗng nhiên.
(演) 處處兩句,言觸處洞然。
(Diễn: Hai câu “chốn chốn” ý nói những chỗ tiếp xúc đều rỗng rang).
Chốn chốn Di Đà thuyết pháp là đoạn thứ ba. “Ngôn xúc xứ đỗng nhiên”: Lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần [bèn nhận biết] rõ ràng, minh bạch.
(Diễn) Trân cầm lưỡng cú, ngôn nhất vị bình đẳng.
(演) 珍禽兩句,言一味平等。
(Diễn: Hai câu “trân cầm” ý nói một vị bình đẳng).
Trong đây còn có một lời tiểu chú.
(Diễn) Tế ngoạn chú trung tự kiến.
(演) 細玩註中自見。
(Diễn: Từ những lời chú thích, hãy suy ngẫm cặn kẽ sẽ tự thấy từng ý nghĩa thú vị).
Chú thích ở đâu? Trong phần sau. Đối với lời chú giải tiếp theo đây, phải chú ý suy gẫm cặn kẽ sẽ thấy rất ý vị, mới có thể thấy được ý nghĩa được nêu ra trong đoạn văn này. Chúng ta hãy xem từng đoạn.
(Diễn) Khuể bộ dũng hoa giả.
(演) 跬步湧華者。
(Diễn: “Nửa bước, trổ hoa” là...)
“Khuể bộ” ý nói rất gần, giống như chúng ta đi đường, nửa bước gọi là Khuể (跬). [“Khuể bộ”] là còn chưa được một bước chân, nghĩa là rất gần. Trong từ ngữ “dũng hoa” (hoa trồi lên, hoa vọt lên) thì chữ “hoa” chỉ hoa sen.
(Diễn) Vị tâm hoa xán phát, tả hữu phùng nguyên, thanh tịnh quang minh chi Thể, đương xứ xuất sanh dã.
(演) 謂心華燦發,左右逢源,清淨光明之體,當處出生也。
(Diễn: Ý nói tâm hoa nở rạng rỡ, đâu đâu cũng gặp nguồn, Thể thanh tịnh quang minh xuất sanh từ ngay nơi ấy).
Quả thật là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Duyên Khởi Tánh Không được nói trong Tánh Tông cũng chính là cảnh giới này. Hoa tượng trưng cho “nhân hạnh” (hạnh thực hiện trong khi tu nhân). Phần trước là tu nhân, nhân viên, quả mãn. Nhân đã tu trọn vẹn, sẽ đắc quả báo viên mãn. Nói “tâm hoa xán phát” (tâm hoa trổ rực rỡ) thì hoa ở đây là hoa Lục Độ, mà cũng chính là “tinh tấn hựu tinh tấn, phóng hạ hựu phóng hạ” (đã tinh tấn lại càng tinh tấn, đã buông xuống lại càng buông xuống) như đã nói trong phần trước. Đó chính là “tâm hoa xán phát”. Hết thảy đều buông xuống sạch sành sanh; khi ấy, bổn lai diện mục hiện tiền. Đến khi ấy, trong cảnh giới hiển thị “tả hữu phùng nguyên, đầu đầu thị đạo” (đâu đâu cũng gặp nguồn, chuyện gì cũng là đạo), đúng như cổ đức đã nói: “Có pháp nào chẳng phải là Phật pháp?” Không có một pháp nào chẳng phải là Phật pháp, đấy mới là “đâu đâu cũng gặp nguồn, chuyện gì cũng là đạo”, mà cũng là Lý Sự Vô Ngại, Sự Sự Vô Ngại như kinh Hoa Nghiêm đã nói, nhập cảnh giới “vô chướng ngại tự tại giải thoát”. “Thanh tịnh quang minh chi Thể” chính là Chân Như bổn tánh, “đương xứ xuất sanh” (xuất sanh từ ngay nơi ấy). Chân Như bổn tánh ở đâu? Không đâu chẳng phải là nó, không lúc nào chẳng phải là nó, chẳng có một vật, một sự nào chẳng phải là nó; đấy là cảnh giới Lý nhất tâm bất loạn. Sự nhất tâm chưa đạt đến cảnh giới này, công phu thành phiến chẳng cần phải nhắc tới nữa! Cảnh giới ấy chẳng hai chẳng khác những điều được nói trong kinh Hoa Nghiêm. Đây là một cách giải thích. Lại xem tiếp:
(Diễn) Hựu tâm bao pháp giới, ký diệu ngộ nhất tâm, tức vạn ức sát ngoại chi liên hoa, diệc bất ly thốn bộ dã.
(演) 又心包法界,既妙悟一心,即萬億剎外之蓮花,亦不離寸步也。
(Diễn: Lại nữa, tâm chứa trọn pháp giới. Đã diệu ngộ nhất tâm thì hoa sen ở ngoài mười ức cõi cũng chẳng cách xa một tấc bước chân nào).
Pháp nào cũng viên dung giống như kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất vi trần trung, hiện vô lượng vô biên đích sát hải” (Trong mỗi vi trần hiện vô lượng vô biên sát hải). Không chỉ là hạt cải chứa đựng núi Tu Di, hạt cải chứa đựng núi Tu Di thấm vào đâu? Chúng ta đọc thấy những điều này trong kinh Hoa Nghiêm. Vi trần và cõi nước viên dung, một niệm và cả kiếp viên dung, cảnh giới ấy mới được gọi là Nhất Chân pháp giới, quyết định là chân thật. Hễ mê thì sẽ có cái được gọi là “mười pháp giới”, vô lượng vô biên pháp giới; ngộ rồi thì pháp giới là một, chẳng phải mười! Đây hoàn toàn là cảnh giới sau khi đã ngộ, mới biết “tâm bao pháp giới”. Vì vô lượng vô biên pháp giới đều là Tướng Phần được hiện trong tự tâm, tâm có thể hiện tướng, thức có thể biến tướng. Vì sao có thiên sai vạn biệt (muôn vàn sai khác) nhiều dường ấy? Duy thức sở biến. Những tướng được biến hiện ấy do đâu mà có? Duy tâm sở hiện. Do vậy, phải hiểu tâm rộng lớn, thức có công năng chẳng thể nghĩ bàn!
“Tâm” là chính mình. Cách nói này thường khiến cho chúng ta mê hoặc, hồ đồ. Vì sao mê hoặc? Vì chúng ta cứ một mực cho rằng cái thân này là chính mình. Trừ cái thân ra, chẳng có gì là chính mình! Tâm ở nơi đâu? Tâm ở trong cái thân ta, tâm chẳng ở bên ngoài. Đó là sai lầm căn bản! Nói cách khác, nó cũng là căn bản vô minh. Minh là hiểu rõ, [vô minh] là chẳng hiểu rõ! Do vậy, Phật pháp thường lấy mộng cảnh để tỷ dụ, hy vọng quý vị sẽ từ mộng cảnh mà thấu hiểu. Trong khi chúng ta đang nằm mộng, lúc chúng ta tỉnh dậy hãy suy nghĩ: Cảnh giới trong mộng và giấc mộng do đâu mà có? Do cái tâm của chính mình biến hiện. Cảnh trong mộng há chẳng phải do tâm hiện thức biến? Rất dễ dàng cảm nhận: Những cảnh giới trong mộng chỉ do thức biến, những cảnh giới trong mộng chỉ do tâm hiện, dễ dàng hiểu rõ điều này! Nếu giác ngộ rồi thì tâm thức ấy mới thật sự là chính mình, cái có khả năng biến (Năng Biến) là chính mình, cái được biến (Sở Biến) cũng chẳng hai. Năng và Sở bất nhị.
Nếu quý vị giác ngộ như vậy thì có cảnh nào trong mộng chẳng phải là chính quý vị? Trong mộng, đương nhiên có cái thân thể của chính mình thì nó cũng là chính mình, hết thảy nhân vật được hiện trong giấc mộng vẫn là chính mình, đều do cái tâm của chính mình biến ra. Ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm, vốn là chính mình. Trong mộng gặp một kẻ oán gia đối đầu, cãi cọ với hắn, đánh lộn với hắn, tỉnh giấc rồi, đúng là chẳng ra làm sao cả, tự mình đánh chính mình. Tự mình do chính cái tâm của mình biến hiện. Oán gia đối đầu vẫn là do chính cái tâm của mình biến ra, đánh lộn chẳng phải là tự mình đánh chính mình đó ư? Đâu còn có chuyện ấy nữa!
Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy: “Tự tâm thủ tự tâm, phi huyễn thành huyễn pháp” (Do tự tâm chấp lấy tự tâm, nên cái chẳng huyễn trở thành pháp hư huyễn). Thích Ca Mâu Ni Phật rất cảm thán, chúng sanh mê hoặc, điên đảo, chẳng biết tâm lượng của chính mình rộng lớn, chẳng biết công năng nơi chân tâm của chính mình. Do vậy, phàm là người minh tâm kiến tánh, nhất định sẽ một dạ từ bi, người ấy liễu giải chân tướng, thật sự hiểu rõ trời, đất và ta có cùng một gốc, vạn vật và ta cùng một Thể. Thật sự hiểu rõ rồi thì khi ấy sẽ khởi tác dụng là vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, thanh tịnh, bình đẳng, bác ái đối với hết thảy chúng sanh. Nếu quý vị chẳng ngộ, đại dụng này chắc chắn chẳng thể hiện tiền. Nếu quý vị mê hoặc, sẽ phân chia giới hạn, có phân biệt, chấp trước, có vô lượng vô biên vọng tưởng trong ấy. Nói cách khác, mê mất chân tướng của toàn thể vũ trụ nhân sinh.
Ở đây, sách Diễn Nghĩa bảo chúng ta người đã ngộ, “ký diệu ngộ nhất tâm” (đã diệu ngộ nhất tâm) thì y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là Tướng Phần của nhất tâm. Quý vị hãy suy nghĩ: Quý vị niệm Phật đến mức nhất tâm bất loạn, sẽ tuyệt diệu lắm! Khi nào niệm đến mức nhất tâm bất loạn, niệm thành tựu Niệm Phật tam-muội, tận hư không khắp pháp giới là chính mình, làm sao chẳng tự tại? Đó gọi là giải thoát thật sự, tự tại thật sự. “Tức vạn ức sát ngoại chi liên hoa, diệc bất ly thốn bộ”. (Ngay cả hoa sen cách ngoài mười vạn ức cõi, cũng chẳng lìa khỏi khoảng cách chừng bằng một tấc bước chân). Chữ “vạn ức” ngụ ý xa xôi, Tây Phương Cực Lạc thế giới cách chúng ta mười vạn ức cõi Phật. Dẫu là cách mười vạn ức cõi Phật, cảnh giới trong ấy cũng chẳng lìa khỏi [khoảng cách] chừng bằng một tấc của bước chân, vì sao? Nó do nhất tâm hiện ra. Ý nghĩa trong câu này hết sức sâu xa, thật sự hiểu rõ đạo lý này, mới biết thế giới Tây Phương cách chúng ta mười vạn ức cõi Phật, tuy xa xôi ngần ấy, muốn đến đó chẳng khó, chẳng lìa khoảng cách chừng bằng một bước chân! Vì sao nói bước chân chẳng rời khỏi một tấc đã đến được? Vì nó là do tâm của chính mình hiện ra, do tám thức của chính mình biến. [Lời Sớ] nói cho ta biết lý ấy! Nếu nói theo phương diện cảnh giới và công phu thì đây là sự thật. Thế giới Tây Phương là liên hoa hóa sanh; do vậy, lời Sớ mới viết “phi ly khuể bộ”, tức là chẳng rời khỏi nửa bước chân, trong ao sen bảy báu trổ hoa sen bốn màu. Hoa sen là chỗ hóa sanh của người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Câu này nhằm bảo chúng ta: Bất luận là nói theo mặt Lý, hay nói theo mặt Sự, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới quyết định là sự thật, chắc chắn có thể được, đúng như cổ đức đã nói: “Vạn người tu, vạn người đến”. Sợ quý vị không hiểu rõ đạo lý này, chứ nếu đã hiểu rõ đạo lý này, quý vị mới có thể đoạn trừ nghi hoặc. Đoạn nghi sanh tín là điều kiện cơ bản nhất trong sự tu học của Tịnh Độ. Do đây biết rằng: Bản kinh và bản chú giải này có công đức rất lớn đối với chúng ta, thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Hôm nay đã hết thời gian, chúng tôi giảng đến đoạn này.
Tập 28
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba mươi lăm:
Nhị, quả chứng
(Tự) Nãi tri phỉ ly khuể bộ, bảo trì dũng tứ sắc chi hoa. Bất xuất hộ đình, kim địa nhiễu thất trùng chi thụ. Xứ xứ Di Đà thuyết pháp, thời thời liên nhụy hóa sanh. Trân cầm dữ thứ điểu giai âm, quỳnh viện cộng mão đường tịnh thái.
二果證
(序) 乃知匪離跬步,寶池涌四色之華。不出戶庭,金地遶七重之樹。處處彌陀說法,時時蓮蕊化生。珍禽與庶鳥偕音,瓊院共茆堂並彩。
(Hai, chứng quả.
Tựa: Bèn biết: Chẳng lìa nửa bước, hoa bốn màu trổ nơi ao báu. Chẳng ra khỏi cửa, khỏi sân, bảy hàng cây vây quanh đất vàng. Chốn chốn Di Đà thuyết pháp, thời thời hóa sanh trong hoa sen. Chim quý cùng chim thường hòa tiếng hót nhịp nhàng, viện quỳnh cùng lều tranh cùng nhau khoe sắc).
Trong đoạn văn này có bốn tiểu đoạn. Hai câu đầu trong đoạn thứ nhất đã được giới thiệu trong phần trước. Hôm nay chúng ta xem tiểu đoạn thứ hai, tức là “bất xuất hộ đình, kim địa nhiễu thất trùng chi thụ”. Đối với phần lời Tựa, phải đọc kỹ Sớ Sao và Diễn Nghĩa rồi mới hiểu được những nghĩa lý huyền diệu, có thể nói là từng câu từng chữ đều ban cho chúng ta những khơi gợi rất lớn. Những điều này hoàn toàn thuộc về cảnh giới Lý nhất tâm bất loạn, mà cũng là những điều được nói trong kinh Hoa Nghiêm, tức “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, chúng ta thường gọi [cảnh giới ấy] là Nhất Chân pháp giới. Trong bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa đều giải thích những điều ấy.
(Diễn) Hộ đình nhiễu thụ giả.
(演) 戶庭繞樹者。
(Diễn: “Cửa, sân, hàng cây vây quanh” là...)
“Hộ đình” là chỗ rất gần. Hộ (戶) là cánh cửa, phía bên ngoài cửa là sân (đình viện). Đây là kiến trúc của Trung Quốc thuở trước, đương nhiên khác với chung cư hiện thời. Hiện thời chúng ta có cửa, nhưng không phải nhà nào cũng có sân.
(Diễn) Vị giác lâm tăng trưởng, đạo thụ tư vinh. Trưởng dưỡng chúng thiện chi Thể, tùy xứ phát hiện dã.
(演) 謂覺林增長,道樹滋榮,長養眾善之體,隨處發現也。
(Diễn: Ý nói: Rừng giác tăng trưởng, cây đạo tốt tươi. Nuôi dưỡng lớn cái Thể của các điều thiện, nó sẽ hiển lộ ở mọi nơi).
Đây là giảng giải ý nghĩa. Trong thế giới Tây Phương, đất bằng vàng ròng, do vậy, gọi là “kim địa”. Trên mặt đất, kinh đã nói rất cặn kẽ, có bảy tầng hàng cây, bảy tầng lưới chăng, đây là nói về sự trang nghiêm trên mặt đất. Chữ “thất” trong “thất trùng” (bảy tầng) tượng trưng cho ý nghĩa viên mãn, hoàn toàn chẳng phải là con số. Nếu quý vị nghĩ nó là con số thì lầm mất rồi! Nếu chúng ta nhìn vào một chỗ nào mà tất cả nhà cửa đều giống nhau, quý vị nghĩ xem nó có dễ coi hay không? Không có gì dễ coi cả! Thế nào là viên mãn? Trong tâm chúng ta vui thích như thế nào, nó bèn xuất hiện đúng như thế ấy, đó gọi là viên mãn. Nói cách khác, trong thế giới Tây Phương chẳng có chuyện gì không vừa lòng, không có một sự vật nào chẳng xứng ý. Hoàn cảnh ấy quả thật trang nghiêm đến cùng cực. Nhìn ngược lại hoàn cảnh của chúng ta hiện thời, hoàn cảnh lý tưởng mà tâm chúng ta thường mong mỏi chẳng dễ gì đạt được, không có được! Hoàn cảnh chẳng vừa ý, chẳng xứng lòng mà chúng ta muốn rời khỏi cũng chẳng dễ gì bỏ được. Đấy chính là: “Hảo nan cầu, ác nan khiển” (Điều tốt khó cầu, điều xấu khó gạt bỏ), đâu có thứ gì cũng xứng lòng thỏa ý như trong thế giới Tây Phương! Chữ “thất” biểu thị xứng tâm như ý, tượng trưng cho sự viên mãn, có cùng một ý nghĩa với chữ “thập” trong kinh Hoa Nghiêm, đều nhằm biểu thị ý nghĩa viên mãn.
“Giác lâm”, “đạo thụ” đều nhằm tỷ dụ thân tâm của chính mình; hai câu này ý nói trí huệ tăng trưởng, công đức dồi dào, vô lượng vô biên trí huệ, vô lượng vô biên đức năng. “Trưởng dưỡng chúng thiện chi Thể”: “Thể” là bản tánh của chính mình. Chân tánh là Thể của muôn điều thiện. Từ chỗ này, chúng ta cũng có thể thấu hiểu chân tánh là cái Thể chí thiện. Nếu trong tâm chúng ta có mảy may bất thiện nào, chứng tỏ chân tánh của chúng ta đang bị mê, không ngộ! Nếu chân tánh là giác, nhất định sẽ thuần thiện, không có mảy may điều ác nào. Chân tánh là thanh tịnh, quyết chẳng có một tạp niệm nào!
Chúng ta gọi thế gian này là thế giới Sa Bà, thế giới này là thế giới ô nhiễm. Người tu đạo nếu khéo vận dụng hoàn cảnh thì nơi đây chính là chỗ tu hành tốt nhất. Nếu chẳng khéo vận dụng hoàn cảnh, thưa quý vị, không ai chẳng đọa lạc. Tuy nói là sáu đường, ba đường lành ví như “ngoi đầu ra”, ba đường ác ví như “chìm lỉm”, nhưng nói thật ra, thời gian chúng sanh ở trong ba đường lành hết sức ngắn ngủi, tạm bợ, thời gian trong ba đường ác cực dài. Đây đều là chân tướng sự thật trong thế giới Sa Bà. Khéo vận dụng hoàn cảnh này để làm đạo tràng tu hành cho chính mình thì xưa nay đã có khá nhiều tấm gương. Những vị ấy ở trong thế giới ngũ dục lục trần phồn hoa mà có thể bỏ, có thể buông xuống được. Hôm qua chúng ta đã đọc câu “hưu chi hựu hưu”, tức là đã tinh tấn lại càng tinh tấn hơn, đã buông xuống lại càng buông xuống hơn.
Trong Phật môn, bất luận là bậc đại đức xuất gia hay tại gia, hễ thật sự là một người tinh tấn tu hành, người ấy chắc chắn chẳng tham luyến ngũ dục, lục trần, hạ mức sống đến mức thấp nhất. Thuở đức Phật tại thế, ba y một bát, đấy là hạ mức sống xuống mức thấp nhất. Ngoài ba y một bát, không còn vật nào khác, hoàn cảnh này là nơi tu học tốt đẹp. Liên Trì đại sư dạy chúng ta: Người tu hành thật sự chắc chắn không tham luyến tiếng tăm, lợi dưỡng, bỏ sạch những thứ ấy. Nếu có thể cam lòng sống đạm bạc, đạo nghiệp mới có thể thành công. Thứ hai, nhất định chẳng nắm níu, trừ những cuộc thù tiếp bất đắc dĩ, không có cách nào [tránh né được], mọi thứ đều phải giảm bớt. Chính tôi thấy có hai vị pháp sư hiện đang ở nước Mỹ, một vị là pháp sư Nhân Tuấn, vị kia là pháp sư Nhật Thường. Ở ngoại quốc, hai vị này bị gọi là “quái nhân”, chẳng giao tiếp, thù tạc, không trả lời điện thoại, tu hành rất sốt sắng, đâu có lúc rảnh rỗi để thù tiếp. Chúng tôi nhìn thấy, hết sức kính trọng, đấy là tấm gương trước mắt.
Cổ đại đức nêu gương rất nhiều, như bậc cao tăng thời cận đại là lão hòa thượng Hư Vân, lão pháp sư Ấn Quang, quý vị đều biết. Một bộ quần áo mặc ba, bốn năm, rách rồi lại vá! Quý vị thấy lão hòa thượng mặc quần áo vá víu, chằm khíu bao nhiêu mảnh? Tín đồ của các Ngài đầy khắp thiên hạ, đại tài chủ rất đông, cúng dường chẳng thể tính được số, ngay cả một bộ quần áo mới mà lão hòa thượng may không nổi hay sao? Lão hòa thượng không may! Tín đồ thường tặng cho Ngài quần áo mới. Vừa được tặng quần áo mới, Ngài coi xem ai không có quần áo để mặc bèn tặng cho người ấy, còn Ngài vẫn mặc những quần áo rách nát. Suốt đời không thay đổi, chẳng tham luyến hưởng thụ, chẳng ve vãn kẻ quyền quý. Bất luận chuyện gì có thể giảm được thì giảm, người tu hành coi giảm bớt việc là bậc nhất thì mới có thể trưởng dưỡng “cái Thể của các điều lành”. Vàn muôn phần chớ nên đa sự, người xuất gia là như vậy, mà bậc cao nhân tại gia cũng nên như thế.
Bàng cư sĩ là một vị tài chủ, đã học Phật bèn hạ quyết tâm liễu sanh tử, thoát tam giới. Ngài chất hết tài sản, vàng bạc trong nhà lên một chiếc thuyền to, lái thuyền ra giữa dòng Trường Giang, trút sạch cả thuyền, vùi chìm toàn bộ, chẳng cần gì hết. Sau đấy sống bằng cách nào? Bện giày cỏ. Mỗi ngày bện giày cỏ bán được mấy đồng, sống hết sức thanh bần. Có người hỏi Ngài: “Ông có nhiều tiền như vậy, nếu không cần tới, sao không đem làm chuyện tốt có phải là hay hơn không?” Ngài bảo người ấy: “Hảo sự chẳng bằng vô sự”. Quý vị hãy suy nghĩ ý nghĩa thú vị trong lời nói ấy. Vô sự là hảo sự bậc nhất! Vô sự là nghiệp vô lậu, hảo sự vẫn là nghiệp hữu lậu, khác nhau!
Quý vị thấy cả nhà Ngài, ai nấy đều thành đạo. Lúc Ngài sắp mất, bảo vợ con rằng: “Ta sắp ra đi, hãy thay ta lo liệu hậu sự”. Con gái Ngài còn cao minh hơn cha, cô ta nói: “Cha ơi! Cha hãy đợi một lát. Con ra ngoài một chút”. Khi cô ta ra ngoài, bèn vãng sanh giữa đồng. Sanh tử tự tại, đến đi theo ý mình, cả nhà đều chứng quả. Do vậy, nếu chúng ta tu hành thật sự, đã buông xuống lại càng buông xuống hơn nữa, đạo tâm của chúng ta mới có thể kiến lập.
Hiện thời, trước hết đặc biệt nói tới tăng trưởng là vì lẽ nào? Hiện tại chúng ta không có đạo tâm, cổ nhân bảo đạo tâm của chúng ta là “lộ thủy đạo tâm” (đạo tâm ít ỏi như nước trong một hạt sương). Nay ngồi nghe kinh ở đây, ban ngày niệm Phật ở nơi đây, dường như có chút đạo tâm, bước ra đường là chuyển biến ngay, đạo tâm chẳng còn nữa, làm sao thành công cho được? Do vậy, niệm Phật, niệm cả mấy chục năm, ngay cả tin tức cũng chẳng có, do nguyên nhân gì? Không buông xuống, đó là đại chướng ngại. Những điều kinh luận đã giảng đều nhằm dạy chúng ta hãy buông xuống. Tu hành là gì? Buông xuống là tu hành, buông xuống là công phu. Trong thế gian này, quyết định phải tuân thủ “ư nhân vô tranh, ư thế vô cầu” (chẳng tranh với người, chẳng cầu nơi đời). Thân tâm thanh tịnh, chẳng vướng mắc mảy may, niệm Phật như vậy không có ai chẳng thành công, đúng như Vĩnh Minh đại sư đã nói: “Vạn người tu, vạn người về”.
Thánh Cam Địa (Gandhi) của Ấn Độ không phải là tín đồ Phật giáo, nhưng được người thế gian tôn trọng, kính ngưỡng như thế, là vì Ngài đã sống theo lối sống của một tín đồ Phật giáo. Thuở ấy, sau khi từ Anh Quốc trở về, Ngài đã mua một khoảnh đất nhỏ, lập một cộng đồng nhỏ, sống đời nguyên thủy trong cộng đồng ấy. Mấy người thân thích, bạn bè chí đồng đạo hợp ở với nhau, tự mình cất nhà, tự mình cày cấy, cuộc sống giảm thiểu đến mức độ thấp nhất. Những dụng cụ trong nhà đều là những thứ bắt buộc phải có, không có gì nhiều hơn. Ba người là ba cái ghế nhỏ, bốn người là bốn cái ghế nhỏ, gần như người xuất gia ba y một bát vậy. Vì sao Ngài làm như vậy? Bớt việc! không có mảy may ưu lự, vướng mắc nào, thân tâm tự tại, trí huệ tăng trưởng. Đấy là bậc thánh nhân thế gian.
Đạo nghiệp của chúng ta chẳng thể thành tựu vì bị ngũ dục, lục trần và những tình cảm, sự việc thế gian lôi kéo, buộc ràng, đó là ma, quyết chẳng phải là Phật. Cứ tưởng là có phước báo, phước báo gì vậy? Ma báo! Người nọ tín đồ đông đảo, đó là ma đông đảo, ma theo kẻ ấy đông lắm. Tín đồ của người xuất gia là pháp quyến thuộc, nhưng pháp quyến thuộc là ma, chẳng phải là chuyện tốt! Tín đồ quá đông, sẽ chẳng thể vãng sanh, vẫn phải luân hồi trong sanh tử, vẫn phải đọa lạc. Nếu ai mà một tín đồ cũng chẳng có, nhất định sẽ kêu: “Tôi rất khổ não, tôi phải nhanh chóng niệm Phật cầu vãng sanh”, người ấy thật sự thành công. Không có ai cúng dường, người ấy một lòng hướng về đạo, hằng ngày niệm Phật, cầu liễu sanh tử. Cúng dường quá nhiều, khá quá! Nơi đây còn có phước báo để hưởng, quên tuốt Tây Phương Cực Lạc thế giới, có hỏng bét hay là không? Phải dùng trí huệ để quan sát những chỗ này.
Trong phần trước, Sớ Sao nói đến tu nhân, tu nhân đã thành, ở đây nói tới quả báo, tức quả báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quả báo ấy là tự nhiên, chẳng phải do chúng ta khởi tâm động niệm cầu được, mà là tự nhiên. Phước báo là chân thật, chẳng hư vọng, chẳng do con người làm ra. Tây Phương Cực Lạc thế giới là như vậy. Từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy thế giới Hoa Tạng cũng giống như vậy, đều là do thiện căn phát hiện, đâu đâu cũng hiển lộ, giống như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Đương xứ xuất sanh, đương xứ diệt tận” (Phát sanh ngay tại đây, diệt hết ngay tại đây), “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng” (thuận lòng chúng sanh, ứng với khả năng hiểu biết của họ). Tùy theo tâm lượng của họ mà phát hiện.
(Diễn) Hựu pháp giới duy tâm.
(演) 又法界唯心。
(Diễn: Lại nữa, pháp giới duy tâm).
Chữ “pháp giới” chỉ Nhất Chân pháp giới, thường nói là bao gồm mười pháp giới. Ngộ rồi thì gọi là Nhất Chân pháp giới, hễ mê thì gọi là mười pháp giới. Thật ra, pháp giới không có mê hay ngộ; mê hay ngộ là do lòng người.
(Diễn) Ký diệu ngộ nhất tâm, tức vạn ức sát ngoại chi hàng thụ, diệc bất xuất hộ đình dã.
(演) 既妙悟一心,即萬億剎外之行樹,亦不出戶庭也。
(Diễn: Đã diệu ngộ nhất tâm thì ngay cả hàng cây ở ngoài mười vạn ức cõi cũng chẳng ra khỏi cửa, khỏi sân vậy).
Đây là cảnh giới giải thoát bất khả tư nghị! Câu trọng yếu nhất trong đoạn này là “diệu ngộ nhất tâm”, trong đoạn trên có bốn chữ này, ở đây lại có bốn chữ này, bốn chữ này quan trọng lắm! Sự tu học trong Phật pháp là trong một câu này. Tu nhất tâm bất loạn, trì danh niệm Phật là đơn giản, trọng yếu nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, dễ dàng nhất. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, mỗi một pháp môn đều nhằm tu nhất tâm, tuy danh xưng khác nhau, vẫn là cùng một chuyện, thảy đều nhằm tu tâm bất loạn! Trong phần trên đã nói rất rõ ràng, công phu là khuất phục phiền não, đoạn phiền não, khai trí huệ, kinh thường nói tới những điều này. Nói cách khác, công phu là buông xuống, lại buông xuống, tiếp tục buông xuống, vì sao? Chẳng buông xuống, sẽ chẳng thể đắc nhất tâm. Trước hết phải buông Kiến Tư phiền não xuống, rồi lại buông Trần Sa, buông Vô Minh xuống, buông hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng xuống, nhất tâm hiện tiền, đó là công phu chân thật.
Có mảy may nào không buông xuống được, chắc chắn nhất tâm chẳng thể hiện tiền, vì sao? Trong tâm còn có một vật. Lục Tổ nói:“Vốn chẳng có một vật”. Quý vị có một vật, sẽ chẳng nhất tâm. Chẳng những hết thảy pháp thế gian chẳng nên có, mà có Phật pháp cũng chẳng được! Trong Chân Như bổn tánh, ngay cả Phật pháp cũng không có! Do vậy, trong kinh Bát Nhã có nói: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Pháp còn nên bỏ, huống hồ phi pháp). Khi ấy mới gọi là “diệu ngộ nhất tâm”. Bất đắc dĩ phải kiến lập giả danh này, ngàn vạn đừng chấp trước cái giả danh này, đến khi ấy, nếu ta còn có diệu ngộ nhất tâm thì sai mất rồi! Trong chân tánh mà còn có diệu ngộ nhất tâm ư? Bất đắc dĩ, không có cách nào khác, phải lập ra cái danh tướng như vậy. Đạt đến cảnh giới ấy, tận hư không, trọn pháp giới là chính mình mà thôi! Viên mãn Báo Thân, thanh tịnh Pháp Thân đều hiện tiền, không gian lẫn thời gian đều tiêu mất, trở thành một khối, đó gọi là Nhất Chân. Đả phá không gian và thời gian, hàng cây ngoài mười vạn ức cõi nước cũng ở ngay trước mắt. Đấy là ý nghĩa của đoạn thứ hai.
Lại xem đoạn thứ ba, “xứ xứ Di Đà thuyết pháp, thời thời liên nhụy hóa sanh”. Hai câu này được sách Diễn Nghĩa chú giải như sau:
(Diễn) Di Đà thuyết pháp giả, thước táo, nha minh, tận thị thâm đàm Bát Nhã, khê quang, sơn sắc, vô phi toàn lộ Giá Na dã. Xứ xứ giả, tức cổ nhân sở vị xí nhiên thuyết, vô gián hiết dã.
(演) 彌陀說法者,鵲噪鴉鳴盡是深談般若,溪光山色無非全露遮那也。處處者,即古人所謂熾然說無間歇也。
(Diễn: Di Đà thuyết pháp: Chim khách hót, quạ kêu đều là đàm luận Bát Nhã sâu xa; ánh khe, sắc núi không gì chẳng hiển lộ trọn vẹn Xá Na. “Xứ xứ” là như cổ nhân đã bảo “nói cuồn cuộn, không gián đoạn” vậy).
Các đồng học phải đặc biệt chú ý đoạn này, vì có không ít đồng học thường đến hỏi: “Chúng ta niệm Phật phải không gián đoạn, nhưng khi chúng con có việc phải làm, Phật hiệu bị gián đoạn, như vậy thì có thể thành công hay không?” Ở đây, lời Diễn Nghĩa đã giải đáp tường tận câu hỏi này.
“Thuyết pháp”: “Thuyết” (說) là thuyết minh (nói rõ). Lời nói thì quý vị vừa nghe liền hiểu rõ, đó gọi là “thuyết pháp”. Nếu mắt quý vị vừa thấy, thấy rõ ràng, thì cũng gọi là “thuyết pháp”. Ta đã không dùng tai nghe, mà cũng chẳng dùng mắt thấy, lưỡi ta vừa nếm liền hiểu rõ thì cũng gọi là “thuyết pháp”. Tay ta sờ, chạm đến liền hiểu rõ, đã hiểu rõ thì cũng gọi là “thuyết pháp”. Hai chữ “thuyết pháp” có ý nghĩa vừa sâu lại vừa rộng. Do vậy, chấp vào tướng ngôn thuyết, chấp vào tướng danh tự, quý vị sẽ chẳng thể hiểu được ý nghĩa chân thật của Như Lai.
“Di Đà” là A Di Đà Phật, ở đây nói gọn. A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Giác. Nói cách khác, trong hết thảy sự vật, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, phải giác chứ không mê. Đối với cảnh giới bên ngoài mà nói thì Ngài thuyết pháp, nhưng đối với sự cảm nhận của chính quý vị mà nói thì là niệm Phật, chúng ta phải hiểu được đạo lý này.
Khi chúng ta thân tâm vô sự, câu Phật hiệu này niệm niệm tiếp nối, chẳng gián đoạn giữa chừng. Khi chúng ta làm chuyện gì đó, tuy Phật hiệu không niệm, nhưng tập trung toàn bộ tinh thần làm thật tốt đẹp công việc của chính mình thì cũng gọi là “niệm Phật”. Niệm Phật gì vậy? Chính là niệm niệm nhắc nhở chính mình giác chứ không mê. Bất luận trong cảnh giới nào cũng giác chứ không mê, đó gọi là “niệm Phật”. Nếu suốt ngày từ sáng đến tối “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, nhưng chuyện gì cũng mê hoặc, điên đảo thì câu Phật hiệu ấy đã uổng công niệm xuông, chẳng thể gọi là “niệm Phật”, mà gọi là “miệng có, tâm không”, đúng như cổ nhân nói “hét toạc cổ họng cũng uổng công”, vô dụng! Sáu căn của quý vị tiếp xúc cảnh giới sáu trần, quý vị mê hoặc, tà kiến, ô nhiễm, câu Phật hiệu đã uổng công niệm rồi! Phải hiểu rằng: Từng câu Phật hiệu đánh thức Giác - Chánh - Tịnh của chính mình, Giác - Chánh - Tịnh thì khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, Phật hiệu ấy mới thật sự là niệm có tác dụng, có chỗ dùng được!
Ở chỗ này, sách nêu tỷ dụ, “thước táo” là chim khách (hỷ thước) kêu, mọi người chúng ta vui mừng, chim khách báo điềm vui. Trông thấy chim khách kêu, trong lòng hoan hỷ, vậy là sao? Quý vị mê rồi, tâm động rồi, bị cảnh giới chuyển rồi! “Nha minh” là quạ đen (ô nha) kêu, ai nấy đều chán ghét. Khi quạ kêu là điềm chẳng tốt lành. Vừa nghe quạ kêu, quý vị chau mày, hôm nay xúi quẩy rồi! Nhất định phải đuổi nó đi gấp, vậy là quý vị cũng mê hoặc, cũng bị cảnh giới chuyển. Chim khách kêu, nghe rất rõ ràng, trong tâm như như bất động, đó là Bát Nhã, là trí huệ. Quạ kêu, cũng nghe rất rõ ràng, trong tâm cũng như như bất động. Ở đây, [dùng chim khách và quạ để] tượng trưng hai cảnh giới khác nhau, một đằng là thuận cảnh, đằng kia là nghịch cảnh. Thuận cảnh, quý vị sanh tâm hoan hỷ; nghịch cảnh, quý vị khởi tâm nóng giận, tức là quý vị bị cảnh giới chuyển, tâm bị cảnh chuyển.
Người học Phật thật sự giữ được “chẳng chấp lấy tướng, như như bất động”, nhìn thấy tướng cảnh giới bên ngoài rõ ràng, rành rẽ, nghe rõ ràng, rành rẽ, ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm; đó là Kim Cang Bát Nhã. Kim Cang Bát Nhã hiện diện trong cảnh giới, đó là A Di Đà Phật giảng kinh Kim Cang cho quý vị, là Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh Kim Cang cho quý vị. Cứ nhất định phải cầm cuốn kinh Kim Cang để niệm thì mới là kinh Kim Cang ư? Thưa cùng quý vị, sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần, rõ ràng, minh bạch, chẳng chấp vào tướng, như như bất động, đó là kinh Kim Cang, đó là kinh Kim Cang sống, là kinh Kim Cang thật sự. Sống động, chân thật mà quý vị chẳng nhận biết, quý vị chỉ nhận biết cuốn kinh chết cứng bằng giấy trắng mực đen! Do vậy, niệm kinh Kim Cang là niệm kinh chết cứng, chữ chết cứng trong từng dòng, niệm đến cuối cùng biến thành kẻ si ngốc trong nhà Phật, đâu có ích gì? Chỉ có thể nói: Có chút điểm tốt, tức là tốt hơn so với suốt ngày từ sáng đến tối chửi bới người khác mà thôi! Trừ điều này ra, quý vị hãy nghĩ xem, quý vị còn đạt được lợi ích nào nữa hay không? Nếu quý vị hiểu rõ đạo lý này, chư Phật, Bồ Tát giảng kinh, thuyết pháp có khi nào gián đoạn giữa chừng đâu? Câu này tượng trưng cho hữu tình thuyết pháp.
Xem tiếp câu kế đó thì sẽ thấy vô tình cũng thuyết pháp. “Khê quang, sơn sắc”, “khê” (溪) là khe nước, con suối nhỏ. Ý nghĩa của câu này là từ thuở cư sĩ Tô Đông Pha lên chơi Lô Sơn làm thơ, thơ như sau: “Khê thanh tận thị quảng trường thiệt, sơn sắc vô phi thanh tịnh thân” (Tiếng suối đều là lưỡi rộng dài, màu núi không gì chẳng phải là thân thanh tịnh). Đấy là nói về vô tình cũng có thể thuyết pháp, “vô phi toàn lộ Giá Na” (không gì chẳng hiển lộ hoàn toàn Tỳ Lô Giá Na). “Giá Na” là Tỳ Lô Giá Na (Vairocana), tức Pháp Thân, thanh tịnh Pháp Thân. [Ánh sáng phản chiếu trên khe suối, sắc núi] có phải là thanh tịnh Pháp Thân của Tỳ Lô Giá Na Phật hay chăng? Tỳ Lô Giá Na Phật là ai? Là chính mình, chứ không phải ai khác. Thiền gia nói “Phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục” (Mặt mày vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra), bổn lai diện mục là Tỳ Lô Giá Na, tiếng Phạn gọi là Tỳ Lô Giá Na, tức là Pháp Thân của chính mình.
Hai câu này ngụ ý: Hữu tình và vô tình thuyết pháp chưa hề gián đoạn. Nếu quý vị hiểu rõ, thật sự hiểu được, quý vị lãnh hội, công phu niệm Phật của quý vị cũng chưa hề gián đoạn, niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm. Chư Phật, Bồ Tát thuyết pháp không gián đoạn, chẳng ngưng nghỉ. Quý vị nghe pháp cũng chưa hề gián đoạn, ngưng nghỉ. Nếu quý vị thấu hiểu đạo lý này, lãnh hội phương pháp này, làm sao quý vị chẳng thành Phật trong đời này? Làm sao quý vị chẳng vãng sanh ngay trong đời này? Chẳng những vãng sanh, mà Thượng Phẩm Thượng Sanh chắc chắn có phần. Mọi người nghe những lời này, nếu trong tâm hâm mộ, kính ngưỡng thì phải buông xuống, phải xả, xả sạch sành sanh thì quý vị mới thực hiện viên mãn được!
(Diễn) Liên hoa hóa sanh giả.
(演) 蓮花化生者。
(Diễn: Hóa sanh trong hoa sen là...)
“Liên hoa hóa sanh” nghĩa là gì? Trước hết phải hiểu rõ ý nghĩa được biểu thị bởi chữ Liên. Trong Phật pháp, thường dùng hoa sen để biểu thị pháp. Hoa sen mọc trong bùn nhơ, hoa nở vươn khỏi mặt nước, Phật pháp dùng nó để biểu thị pháp, ví bùn nhơ như lục đạo phàm phu thế gian, lớp nước trong ở phía trên ví như tứ thánh pháp giới. Hoa sen nở trên mặt nước như tứ thánh lẫn lục phàm đều buông xuống, đều bỏ hết, đó là thanh tịnh thật sự. Nếu quý vị buông hết tứ thánh lục phàm xuống thì quý vị là “liên hoa hóa sanh”.
(Diễn) Tùng ngộ nhi mê, thị vi thai tạng thọ sanh.
(演) 從悟而迷,是為胎藏受生。
(Diễn: Từ ngộ thành mê, bèn thọ sanh trong bào thai).
Phàm là thai sanh, noãn sanh, hay thấp sanh, và một phần trong hóa sanh[1], quyết định là mê, chẳng ngộ. Do vậy, trong cảnh giới lục phàm, phương cách sanh thành có bốn loại lớn: Thai, noãn, thấp, hóa. Sau khi giác ngộ, ngộ ấy là đại triệt đại ngộ, là giác ngộ thật sự. Thật sự giác ngộ thì tối thiểu là phải buông Kiến Tư phiền não xuống, quả thật bỏ được nó. Thông thường, Kiến Tư phiền não được quy nạp thành hai loại lớn: Một là Kiến Hoặc, hai là Tư Hoặc. Trong Kiến Hoặc, thật sự buông xuống được, quả thật chẳng có Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến, Tà Kiến. Trong Tư Hoặc, quả thật chẳng có keo tham, nóng giận, ngu si, ngạo mạn, hoài nghi thánh giáo, hoài nghi những lý luận và phương pháp trong Phật pháp. Những thứ ấy cũng đều buông xuống hết. Kiến Tư phiền não thảy đều buông xuống hết, khi ấy mới gọi là Chánh Giác, giác ngộ rồi. Vì vậy, tiêu chuẩn ngộ trong Phật pháp là đây.
Nói người nào đó khai ngộ, nhưng người ấy đã khai ngộ mà vẫn còn có tâm tham, vẫn còn tâm nóng giận, chắc chắn người ấy chưa khai ngộ! Người đã ngộ chắc chắn không có tham, sân, si. Người đã ngộ tâm nhất định thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Do vậy, từ thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, có thể kiểm tra xem chính mình có thật sự khai ngộ hay chăng. Nếu còn có giới hạn ta - người là chưa khai ngộ. Vì sao? Ngã Chấp vẫn còn, chưa đoạn được. Nếu còn phân biệt cao - thấp thì chưa khai ngộ, chắc chắn là đang mê, chẳng ngộ! Người đã ngộ thì cái tâm thanh tịnh, bình đẳng, đại từ, đại bi.
Lừa người là tạo tội nghiệp, lừa chính mình là kẻ ngu si nhất. Nếu lừa mình, dối người, người như vậy có quả báo trong tam đồ, làm sao có thể thành Phật, thành Tổ cho được? Có vị Phật, Bồ Tát nào dối mình, lừa người hay chăng? Chẳng thể có chuyện ấy! Người khác làm như thế nào, đừng bận tâm! Chuyện khẩn yếu là chính mình nên tu theo cách nào? Do vậy, Phật pháp, kinh điển nhằm giáo huấn mỗi người chúng ta, cũng chẳng liên can gì đến người khác. Giới luật nhằm dạy mỗi người chúng ta tuân thủ, chẳng liên can gì đến người khác thì tâm chúng ta mới được thanh tịnh. Do vậy, trải qua sự việc để luyện tâm trong cảnh giới, luyện cái tâm gì? Chính là dùng kinh luận giới luật để ràng buộc chính mình, tiêu chuẩn ấy do chính mình tuân thủ, chẳng phải để dành cho người khác, luyện điều ấy. Nếu chúng ta học giới luật, bất cứ nơi đâu cũng đem những tiêu chuẩn giới luật ấy ra để cân đong người khác, “người này phá giới, kẻ nọ chẳng giữ quy củ”, chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung, suốt ngày từ sáng đến tối phân biệt, chấp trước, kết quả ra sao? Hủy hoại chính mình. Đấy là đối với Phật pháp, quý vị có biết sử dụng hay không? Biết dùng sẽ thành tựu chính mình. Chẳng biết dùng, chắc chắn hủy diệt chính mình, khiến cho chính mình tạo vô lượng vô biên tội nghiệp.
Mê là gì? Ngộ là gì? Hình dạng của mê như thế nào? Hình dạng của ngộ là gì? Nói chung, chính mình phải hiểu rõ. Người giác ngộ, thân tâm thanh tịnh, đó gọi là “liên hoa hóa sanh”. Do vậy, trong bốn cách sanh thành, người giác ngộ chỉ có một cách hóa sanh, quyết định chẳng có thai, noãn, thấp, trừ phi cố ý dùng cung cách ấy để thị hiện. Đó là phương tiện nhằm lợi ích chúng sanh, chẳng phải là chân thật.
(Diễn) Thời thời giả, tức kinh trung sở vị, thường tại ư kỳ trung, kinh hành cập tọa ngọa dã.
(演) 時時者,即經中所謂,常在於其中,經行及坐臥也。
(Diễn: “Thời thời” là như trong kinh nói: “Thường kinh hành và ngồi, nằm ở trong ấy”).
Đây là giảng chữ “thời thời”. Bất luận lúc nào, bất luận nơi chốn nào, bất luận trong cảnh giới nào, dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh, thân tâm luôn thanh tịnh, quyết chẳng bị ngoại cảnh khuấy nhiễu, đấy chính là “thời thời liên nhụy hóa sanh” (luôn luôn hóa sanh trong hoa sen). Nếu chúng ta rèn luyện như vậy trong cuộc sống thường ngày thì gọi là “tu hành thật sự”. Trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, chúng ta cầu điều gì? Thân tâm thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Vậy thì chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, làm sao chẳng phải là liên hoa hóa sanh? Đương nhiên là liên hoa hóa sanh, chẳng có mảy may nghi vấn nào! Do vậy, nhìn vào Quả sẽ biết chúng ta đang tu nhân như thế nào.
(Diễn) Cầm điểu chỉ hữu tình, đường viện chỉ vô tình, cử thử nhị chủng, kiến tình dữ vô tình, đồng thành Chánh Giác dã. Giai âm, tịnh thái, chánh thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ xứ.
(演) 禽鳥指有情,堂院指無情,舉此二種,見情與無情,同成正覺也。偕音並彩,正是法平等,無有高下處。
(Diễn: Chim chóc chỉ hữu tình, nhà viện chỉ vô tình, nêu lên hai thứ này để thấy hữu tình và vô tình cùng thành Chánh Giác. “Hòa tiếng hót nhịp nhàng, cùng nhau khoe sắc” nhằm chỉ rõ pháp bình đẳng, không có chỗ nào cao hay thấp).
Hiển thị ý nghĩa này, “trân cầm” (chim quý) là những loài chim trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, như kinh Di Đà liệt kê các loài khổng tước, anh vũ, Ca-lăng-tần-già, Cộng Mạng... Những loài chim ấy do A Di Đà Phật biến hóa ra. “Thứ điểu” (chim tầm thường) là những loài chim chóc trong thế giới Sa Bà, thuộc vào súc sanh đạo. “Quỳnh viện” là cung điện bảy báu thù thắng trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Mão đường” là lều tranh, là nơi ở đơn giản, hèn tệ nhất. Trước kia, người xuất gia ở trong rừng núi, tự mình đẵn gỗ dựng một túp lều tranh nhỏ, [mọi thứ] đều do chính tay mình làm. Vách che bốn mặt quá nửa đều là dùng những thân gỗ, hoặc dùng trúc xếp san sát ghép thành vách, đủ để tránh gió che mưa như thế mà thôi, đấy chính là lều tranh danh hợp với sự thật. Hai thứ này (viện quỳnh và lều tranh) đều nói về loài vô tình.
“Đồng thành Chánh Giác”: Đây là cảnh giới Hoa Nghiêm, “tình dữ vô tình, đồng viên Chủng Trí” (Tình và vô tình, đều viên mãn Chủng Trí). Kinh Đại Thừa cũng thường nói: Chư Phật Như Lai lúc mới thành đạo, cảnh giới khi ấy là hết thảy thế gian “tình và vô tình đều thành Chánh Giác”. Chánh Giác là gì? Chánh Giác là Bổn Giác như Đại Thừa Khởi Tín Luận đã nói. Mã Minh Bồ Tát nói rất khéo: “Bổn Giác vốn có, bất giác vốn không”. Bổn Giác là đức dụng sẵn có trong tự tánh. Vì sao thấy hữu tình và vô tình cùng thành Chánh Giác? Là vì người ấy kiến tánh, đã kiến tánh thì đúng là “chuyện gì cũng là đạo, đâu đâu cũng gặp nguồn”. Hết thảy hữu tình chúng sanh do tự tánh biến hiện, là Tướng Phần của tự tánh. Hết thảy vô tình chúng sanh vẫn là Tướng Phần của tự tánh, Tánh và Tướng như một, Tánh và Tướng không hai! Giống như vàng và đồ vật vậy! Dùng vàng chế đồ vật, món nào cũng đều là vàng. Thử hỏi có một thứ nào chẳng phải là tự tánh hay chăng? Có thứ nào chẳng phải là Chủng Trí? Có thứ nào chẳng phải là Chánh Giác? Do vậy, khi ấy mới thật sự hiển thị pháp nào cũng bình đẳng, không có cao - thấp, cũng đúng như kinh Pháp Hoa đã nói “bách giới thiên như”. Đây là chân tướng trong Nhất Chân pháp giới, mà cũng tướng chân thật của Tây Phương Thật Báo Độ.
Nếu quý vị niệm Phật, niệm đến Lý nhất tâm bất loạn, cảnh giới này sẽ hiện tiền. Tây Phương Cực Lạc thế giới là như thế, mà thế giới trước mắt chúng ta cũng trọn chẳng phải ngoại lệ, cũng giống như vậy. Hiện tại, cảnh giới chân thật chẳng thể hiện tiền là do chúng ta nghiệp chướng quá nặng, mê hoặc, điên đảo. Do vậy, chúng ta chẳng thấy được tướng chân thật của toàn bộ cảnh giới. Chúng ta thấy tướng hư vọng, trong tướng hư vọng chẳng có bình đẳng, mà có cao - thấp. Tướng chân thật không có cao - thấp, quyết định bình đẳng; phải dùng tâm chân thật mới có thể thấy được tướng chân thật. Cái tâm hư vọng của chúng ta mà muốn thấy được tướng chân thật sẽ chẳng thấy được, nhất định phải dùng chân tâm mới thấy được chân tướng. Do vậy, nếu quý vị đắc nhất tâm, sẽ thấy được Nhất Chân pháp giới. Nhất tâm là năng chứng, Nhất Chân pháp giới là sở chứng; nhất tâm là năng nhập, Nhất Chân pháp giới là sở nhập. Do vậy, kinh Di Đà và kinh Hoa Nghiêm là một, không hai. Trong kinh Hoa Nghiêm nói Nhất Chân pháp giới, còn kinh này nói nhất tâm bất loạn; đắc nhất tâm sẽ đắc Nhất Chân.
Chúng ta muốn chứng đắc Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, quý vị hãy niệm một Di Đà cho tốt đẹp thì sẽ đạt được, thật sự đạt được! Chẳng những quý vị thấu hiểu Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, mà còn nhập cảnh giới ấy. Do đây biết rằng: Về giá trị của Tiểu Bổn Di Đà Kinh trong hết thảy các kinh thì như trong các buổi giảng tôi đã bảo quý vị, kinh này là kinh bậc nhất trong hết thảy các kinh. Quý vị phải tin tưởng! Tôi quyết chẳng cố ý đề cao thân phận của kinh này, chẳng phải vậy, mà sự thật là như thế đó. Chẳng đọc Hoa Nghiêm, quý vị sẽ chẳng thấu hiểu [điều này]; sau khi đọc Hoa Nghiêm, mới phát hiện kinh Di Đà này là kinh bậc nhất, nó là chỗ quy túc của kinh Hoa Nghiêm, là kết luận của kinh Hoa Nghiêm. Nếu nhìn cặn kẽ, Thiện Tài đồng tử vốn tu tập pháp môn này, một môn thâm nhập, một đời thành Phật. Chúng ta thấy tu những pháp môn khác, chưa hề thấy nói là thành Phật ngay trong một đời, còn tu pháp môn này, một đời thành tựu vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc.
Hôm nay, có một người ở Đài Trung gọi điện thoại cho tôi, hỏi: “Cách bế quan tu hành như thế nào? Con muốn niệm chú Lăng Nghiêm, niệm nhiều kinh luận có được không?” Tôi bảo ông ta: “Ông hãy bỏ hết rồi mới bế quan, phải lấy liễu sanh tử làm bậc nhất”. Khóa tụng như thế nào ư? Tôi bảo ông ta: “[Trong thời gian cháy hết] một cây hương, [tụng] một quyển A Di Đà Kinh, bảy biến Vãng Sanh Chú, một ngàn câu Phật hiệu, lễ A Di Đà Phật một trăm lạy, cách làm là như thế. Ông bế quan, trong quan phòng chẳng có việc gì, tùy thuộc thể lực của ông, mỗi ngày niệm càng nhiều càng hay”. Tôi bảo ông ta: “Mỗi ngày [thời gian tụng niệm] không thể ít hơn bốn cây hương, tốt nhất là ông có thể niệm đạt tiêu chuẩn từ sáu cây hương đến bảy cây hương”. Nói cách khác, mỗi ngày tụng bảy biến kinh A Di Đà, bảy ngàn câu Phật hiệu, lễ Phật bảy trăm lạy, đó là tiêu chuẩn bế quan thấp nhất. Tôi nói: “Ông cứ làm như thế, những kinh luận, chú ngữ khác đều buông xuống, hoàn toàn chẳng cần phải quan tâm đến thì mới có thể thành tựu.
Nghe nói chú Lăng Nghiêm có thể hàng phục ma chướng, A Di Đà Phật chẳng thể hàng ma ư? Tôi thấy chú Lăng Nghiêm không chỉ chẳng thể hàng ma, mà sợ rằng còn chiêu cảm khá nhiều yêu ma quỷ quái, sợ ông đối phó không nổi! Một câu A Di Đà Phật niệm cho tốt đẹp là được rồi, sẽ có thể thành công. Nếu ông thật sự nghe lời tôi, hết thảy vạn duyên đều buông xuống hết, chiếu theo phương pháp này để tu hành, trong ba năm, không dám chắc ông đắc nhất tâm bất loạn, nhưng công phu thành phiến quyết định có thể đạt được, quyết định có thể vãng sanh Tây Phương, điều này chúng tôi chẳng hoài nghi mảy may! Trừ phi ông chẳng chịu làm như vậy, ông vẫn suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, thân ở trong quan phòng mà tâm ở bên ngoài, vậy là hỏng rồi, không có cách nào hết. Có bế quan ba đại A-tăng-kỳ kiếp cũng vô dụng!”
(Sớ) Ký đắc nhất tâm bất loạn, thỉ tri liên hoa, hàng thụ, chủng chủng trang nghiêm, tịnh phi tâm ngoại.
(疏) 既得一心不亂,始知蓮華行樹,種種莊嚴,並非心外。
(Sớ: Đã đắc nhất tâm bất loạn mới biết hoa sen, hàng cây, các thứ trang nghiêm, trọn chẳng ở ngoài tâm).
Đoạn văn ở phía trên là do Liên Trì đại sư viết, sau khi viết đoạn ấy, Ngài lại sợ người đời sau đọc không hiểu, nên đại từ đại bi chú giải thêm, giải thích thêm cho chúng ta. “Ký đắc nhất tâm bất loạn” ý nói: Đoạn trước là nói khi công phu đã thành tựu, quý vị mới biết “hoa sen, hàng cây, các thứ trang nghiêm, trọn chẳng ở ngoài tâm”. Sau khi ngộ nhất tâm mới thật sự biết “ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm”, đúng như trong phần trước đã nói: “Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ” (pháp này bình đẳng, không có cao - thấp).
(Sớ) Hà tất nhĩ thính kim ngôn, phương thị Di Đà thuyết pháp, Sa Bà ấn hoại, thỉ danh Tịnh Độ văn thành giả tai? Nhiên tắc trân cầm, thứ điểu, quỳnh viện, mão đường, hà liệt, hà ưu, hà tịnh, hà uế? Cố viết: Tây Phương tại mục tiền dã.
(疏) 何必耳聽金言,方是彌陀說法,娑婆印壞,始名淨土文成者哉。然則珍禽庶鳥,瓊院茆堂,何劣何優,何淨何穢,故曰西方在目前也。
(Sớ: Cần gì phải tai nghe lời vàng mới là Phật Di Đà thuyết pháp? [Há phải] cái ấn cõi Sa Bà đã nát thì mới gọi là “nét khắc nơi Tịnh Độ” được thành ư? Vậy thì chim quý, chim thường, viện quỳnh, lều tranh, gì là kém, gì là hơn, gì là tịnh, gì là uế? Cho nên nói: Tây Phương ở ngay trước mắt).
Đối với bốn hàng chú giải này, sách Diễn Nghĩa lại chú giải thêm, đúng là từ bi đến tột bậc. Chúng ta đọc Diễn Nghĩa, đoạn trước là nói chung, nói rõ đại ý của đoạn chú giải này.
(Diễn) Ký đắc tứ cú.
(演) 既得四句。
(Diễn: Bốn câu kể từ chữ “đã đắc” trở đi).
Bốn câu tiếp theo câu “ký đắc nhất tâm bất loạn” (đã đắc nhất tâm bất loạn).
(Diễn) Minh, tức thử nhất tâm, tức thị Tịnh Độ.
(演) 明,即此一心,即是淨土。
(Diễn: Nói rõ chính cái nhất tâm này là Tịnh Độ).
Nói rõ sự thật này.
(Diễn) Hà tất tứ cú.
(演) 何必四句。
(Diễn: Bốn câu bắt đầu bằng chữ “cần gì”).
Bốn câu kể từ “hà tất nhĩ thính kim ngôn” (cần gì phải tai nghe lời vàng) trở đi, nhằm nói rõ:
(Diễn) Bất tất vãng sanh, phương thành Tịnh Độ.
(演) 不必往生,方成淨土。
(Diễn: Cần gì phải vãng sanh mới thành Tịnh Độ).
Chỉ cần đắc nhất tâm bất loạn thì chỗ nào chẳng phải là Tịnh Độ? Đâu đâu cũng là Tịnh Độ. Nói như vậy thì Tây Phương Cực Lạc thế giới có Tịnh Độ hay không? Thưa quý vị, có chứ, quả thật có Tịnh Độ!
(Diễn) Nhiên tắc tứ cú, hiển duy tâm cảnh giới, vô sai biệt tướng, đẳng đồng nhất vị dã, cố viết cú tổng kết.
(演) 然則四句,顯唯心境界,無差別相,等同一味也。故曰句總結。
(Diễn: Bốn câu từ chữ “vậy thì” trở đi, hiển thị cảnh giới duy tâm, không có tướng sai biệt, bình đẳng có cùng một vị. Câu “cho nên nói” là tổng kết).
Câu cuối cùng “cố viết Tây Phương tại mục tiền dã” (cho nên nói Tây Phương ở ngay trước mắt) là tổng kết. Đoạn văn gồm ba dòng rưỡi này có tất cả bốn đoạn. Trong Phật pháp thường gọi cách phân đoạn này là Khoa Phán, các đồng học muốn học giảng kinh phải đặc biệt chú ý. Nếu quý vị có khả năng thấy được kết cấu chương pháp phân đoạn thì quý vị mới có thể thật sự hiểu rõ thứ lớp ý nghĩa.
(Diễn) Ấn hoại văn thành giả, Niết Bàn nhị thập thất vân: “Thí như lạp ấn ấn nê, ấn dữ nê hợp, ấn diệt văn thành”.
(演) 印壞文成者,涅槃二十七云:譬如蠟印印泥,印與泥合,印滅文成。
(Diễn: “Ấn nát, nét khắc thành hình” là như kinh Niết Bàn quyển thứ hai mươi bảy đã chép: “Ví như ấn sáp đem đóng xuống bùn, ấn áp vào bùn, ấn nát, mà nét khắc trên ấn đã thành hình”).
Chuyện này được nói trong kinh Đại Bát Niết Bàn, quyển hai mươi bảy. Cổ nhân đúc ấn, ấn ấy không đắc mà là đúc. Trước tiên, họ chế tạo một cái khuôn ấn, khuôn ấn ấy làm bằng sáp, sau đấy dùng cái khuôn ấn ấy để chế ra cái ấn bằng bùn. Ở Trung Quốc vào thời xưa, người ta in tượng Phật, hình người hoặc văn tự trên ngói sành đều sử dụng phương pháp này. Họ chế khuôn xong, đem chất bùn đổ vào khuôn ấy, xong rồi đem nung. Hễ thiêu thì đương nhiên chất sáp không còn nữa. Chất bùn được nung khô xong, đất đã trở thành gốm, đó gọi là “ấn hoại văn thành”. Trước kia, người ta đúc ấn dùng phương pháp này, chất gốm ấy được bỏ vào lò gốm để nung. Nung xong, chất sáp đã tan chảy hết, nét khắc đã thành hình, mô hình đã thành tựu. Chuyện này tỷ dụ điều gì? Dưới đây lại giảng rõ.
(Diễn) Dĩ dụ phàm phu hiện tại ấm diệt.
(演) 以喻凡夫現在陰滅。
(Diễn: Nhằm tỷ dụ thân ngũ ấm hiện tại của phàm phu đã diệt).
“Ấm” là thân Trung Ấm, nói theo cách thông tục thì hiện thời người đã chết đi, “Ấm” ấy chính là linh hồn.
(Diễn) Trung hữu ấm sanh.
(演) 中有陰生。
(Diễn: Thân Trung Ấm đã sanh).
Linh hồn đã lìa khỏi thân thể.
(Diễn) Kim tá thử văn, dĩ dụ vãng sanh hành nhân, thử độ Ấm diệt, bỉ quốc Ấm sanh.
(演) 今借此文,以喻往生行人,此土陰滅,彼國陰生。
(Diễn: Nay nhờ vào đoạn văn này để tỷ dụ hành nhân vãng sanh, ngũ ấm trong cõi này diệt, ngũ ấm trong cõi kia được sanh ra).
Dùng ý nghĩa này, chúng ta là người cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải là thân thể ra đi, mà là thần thức ra đi. Thân thể trong cõi này hoại, thì thần thức của chúng ta hóa sanh trong hoa sen bên Tây Phương. Ý nghĩa như vậy đó, dùng chuyện này (tức chuyện ấn nát, nét khắc hình thành) để tỷ dụ.
(Diễn) Tu tri: Thùy chung tự kiến tọa kim liên thân, dĩ thị bỉ quốc sanh Ấm cố dã.
(演) 須知垂終自見坐金蓮身,已是彼國生陰故也。
(Diễn: Cần biết rằng: Người lâm chung tự thấy thân mình ngồi trên hoa sen vàng tức là ngũ ấm của chính mình đã sanh trong cõi kia).
Quý vị cần biết: Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là đi trong lúc sống, chẳng phải chết rồi mới đi. Chúng ta nói “lâm chung”, nhưng thật ra người ấy chẳng hề mạng chung. Người ấy thấy Phật đến tiếp dẫn, theo Phật ra đi. Phàm phu mắt thịt chúng ta trong thế giới này thấy người ấy chết, thật ra, người ấy chẳng có sanh tử, mà là theo Phật sang Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, phàm là vãng sanh, chắc chắn là vãng sanh trong lúc sống, chẳng phải là chết rồi mới vãng sanh. Chết rồi thì người ấy phải đầu thai, phải luân hồi, chuyện này phiền phức lớn lắm. Do vậy, chúng tôi thấy rất nhiều người vãng sanh, biết trước lúc mất, thấy Phật đến tiếp dẫn, có các thứ tướng lành, những tướng lành ấy hiển hiện trước khi người ấy tắt hơi, đó gọi là “thùy chung”. “Thùy chung” là vẫn còn chưa kết thúc, chính mình sáng suốt, tỉnh táo, thấy Phật đến tiếp dẫn, thấy chính mình hóa sanh trong hoa sen, khi ấy chính mình đã đến thế giới Cực Lạc, tới Tây Phương Tịnh Độ.
(Diễn) Thành luận minh cực thiện cực ác, câu bất kinh Trung Ấm.
(演) 成論明極善極惡,俱不經中陰。
(Diễn: Thành Duy Thức Luận nói kẻ cực thiện hay cực ác đều không trải qua giai đoạn Trung Ấm).
“Thành luận” là Thành Duy Thức Luận[2], Thành Duy Thức Luận cũng nói như thế này: Người cực thiện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới không có thân Trung Ấm, kẻ “cực ác” đọa địa ngục A Tỳ cũng không có thân Trung Ấm, “câu bất kinh Trung Ấm” (đều không trải qua giai đoạn Trung Ấm). Nói cách khác, ngoài người cực thiện và cực ác ra, tất cả đều có thân Trung Ấm. Trung Ấm thường tồn tại trong thời gian bốn mươi chín ngày. Trong Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh đã giảng rất rõ ràng. Do vậy, thường làm thất cho người chết, đều là căn cứ theo kinh Địa Tạng đã nói mà làm. Người cực thiện hay kẻ cực ác tuy không có Trung Ấm, chúng ta làm thất cho họ vẫn tốt, vun bồi phước cho họ. Tốt đẹp ở chỗ nào? Vì sao có điều tốt? Kinh Địa Tạng đã nói rõ ràng, minh bạch. Hôm nay đã hết giờ, chúng tôi giảng đến chỗ này!
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
Phần 14 hết
[1] Chúng sanh thọ sanh trong địa ngục và ngạ quỷ bằng cách hóa sanh nên nói “một phần trong hóa sanh”.
[2] Thành Duy Thức Luận (Vijñāptimātratāsiddhi) là một bộ luận chủ yếu của Pháp Tướng Duy Thức Tông, do ngài Huyền Trang viết nhằm chú giải bộ Duy Thức Tam Thập Tụng của Thế Thân Bồ Tát. Ngài Huyền Trang đã tổng hợp ý kiến chú giải của mười vị đại luận sư Ấn Độ thời ấy để viết ra bộ luận này khi Ngài còn đang tham học ở học viện Na Lan Đà.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top