Túc duyên
Em ở đó như một phép màu tạo hóa ban tặng cho gia đình, cho tôi, và cho mẹ, trong những tháng năm nhạt nhòa thiếu thốn. Mẹ ngày ấy lo lắng và khủng hoảng. Tôi không biết.
Em ở đó và chập chững bước đi, lần lũi cán từng cột mốc tôi đã vượt qua bằng khoảng cách 3 năm 3 tháng, đều đặn.
Em sống như một thước phim về tôi của ngày trước. Nhưng vì sự hiện diện của tôi hiện tại, thước phim ấy sẽ không bao giờ hoàn chỉnh như nó đã là.
Tôi đối chiếu với Em, một phiên bản không hoàn thiện của bản-thân-ngày-xưa, và chùi nước mắt miên man năm tháng.
Chiều nắng, gió không trả lại sóng trời yên ả, và nắng cũng không nhân nhượng cho không gian dịu lòng. Trong những inh ỏi của một khu xóm không bình yên, chen chúc tiếng xe cộ vọng dài và karaoke chập chờn rè rẹt, mẹ bước xuống gian bếp lộc cộc chát chúa, báo hiệu cho chuỗi hòa âm không kém của mớ đồ bếp.
"Đứng dậy đi đưa đồ ăn cho ba."
Trời nóng. Cửa ở lối vào dưới văn phòng khóa lặng, và người ngồi sau lớp kính trông chẳng liên quan. Tôi được gọi đi đưa, không ai xuống lấy, giữa nỗi oi bức của trưa chiều và của chuyến đi quên điện thoại, và mớ bài tập cùng mạch suy nghĩ bị đâm ngang như cuộn tóc rụng.
Tôi chạy lên, nặng nề hơn bởi những lửa lách tách hừng hực.
"Chứ điện thoại đâu?" Mẹ hỏi, vẻ hiển nhiên.
Nó cũng đúng là thế thật, ngoại trừ việc, khi kêu ai đó xuống chuyển đồ, ít nhất bạn phải có mặt để mà nhận.
Tôi gắt.
Cũng hiển nhiên nhiều, như ban tối mẹ luyên thuyên bồi hồi về thời xưa cũ, mẹ giúp ông rang cà phê giữa lùm xùm việc học, mẹ giúp bà sơ chế, làm bếp giữa thời cấp ba mà không có khái niệm riêng tư hay tự do.
"Nói quá nhiều rồi, thái độ."
"Mẹ thật không hiểu nổi là thời này bọn bây sướng quá, sung túc quá, hay sao!"
"Ba đi làm cơ mà, con cái đem xuống ít trái nước cũng không được!"
"Mẹ không hiểu được là vì sao con bây giờ lại như vậy đó! Bộ bận lắm hả? Làm gì vất vả khổ sở lắm hả?"
Tiếng mẹ rát, nhấn nhá như từng tiếng chửi tét máu, nhưng không khản giọng. Một người làm kinh tế hết thanh xuân như mẹ hiểu rõ, khản giọng một lần thì chẳng thể nói ít nhất là nửa tuần, và không ai vì cái sai của người khác mà nhận thêm vấn đề vào người cả.
Những câu thoại nhai đi, nghiến lại ngày ngày tháng tháng, không thể trôi đi như cát bụi, bùn sình, cũng chẳng thể trút đi như xé một tờ lịch. Những lời ca của một thế hệ năm ấy, thế hệ muốn nó sống mãi, lay lắt quấn riết vào tuổi niên thiếu của người sau.
Ngày ấy, ông bà không rảnh để quan tâm mẹ, huống hồ là dạy dỗ.
Rồi mẹ lại trút một hơi buồn bã, mà vì thế nên ngày trước có ai ủy mị, trầm cảm chết như bây giờ.
Khổ làm người ta nương tựa vào nhau mà sống. Khổ làm gia đình ấy vẫn gắn kết với nhau.
Và ngày ấy, vốn mẹ chưa bao giờ phải dỏng tai hứng hết những nỗi bất an thời cuộc mà người lớn thản nhiên trút vào tai mình. Vì không cha mẹ nào rảnh cả. Rồi thì mỗi thế hệ đều đã khác, về quan điểm, nhận thức sống, về khả năng, về kiến thức nền, về cách đánh giá mỗi một con người, một sự việc. Nên rồi thì bao giờ cũng đầy rẫy những mâu thuẫn, chẳng thuộc về lỗi riêng ai, nên không ai muốn nhận.
Mẹ vẫn nói rằng ngày nay nhiều áp lực trưởng thành cho trẻ con thật. Bọn nhỏ phải lớn lên nhanh quá.
Nhưng mỗi khi chúng hiện hình trong những lỗi lầm con phạm phải, trong những sai trái lệch lạc mẹ nhận thấy, mẹ sẽ không bao giờ nhớ được - con, không chỉ là đứa trẻ mẹ tạo nên, mà còn là đứa trẻ lớn lên trong một xã hội tiện nghi, rộng mở, và xã hội mà chiến tranh, dịch bệnh, tình yêu, lạm dụng tinh thần và thể xác đều có đủ.
Rồi tôi lại bất chợt cắn rứt, khi tiếng động lép khép nơi cửa trượt Em đứng nghe lén lọt ra. Mẹ có nói những điều đó với em không? Mẹ bắt đầu bao giờ cũng là thấy chị mày không, mẹ bao giờ bắt đầu cũng là con lớn lên xíu thì không được. Nghĩa là giờ vẫn được, được lắm.
Nhưng mẹ làm mẹ cũng chỉ có một lần. Và tôi là đứa thứ nhất. Đứa con thử nghiệm bằng tinh thần tuổi trẻ tươi mới, xinh đẹp nhất của mẹ, cũng là đứa con phải đứng lên trước những mầu nhiệm, và thất bại không tránh hết nổi ấy.
Đối chiếu với Em, như thể điều đó quan trọng lắm. Nhưng mẹ đã không phải mẹ-ngày-xưa, và Em cũng không phải chị-ngày-xưa, từ muôn thuở bao giờ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top