Nơi nào củi gạo không vương khói bếp

Dạo gần đây mình có xu hướng đọc những truyện không có mỹ nam mỹ nữ, không có tổng tài, đại gia, không có ân oán chất chồng, không có oan gia ngõ hẹp, không có cái chi nhà lầu xe hơi, càng không ham thiên tài, đại thần, phúc hắc, tiểu bạch gì đó… Trong bảy tỉ con người sống trên Trái Đất, 90% là người nghèo và tầng lớp trung lưu. Mà 90% ấy lại thích tơ tưởng tới cuộc sống của 10% kia. Xem phim truyền hình toàn là điện thoại Iphone phiên bản mới, nam chính đón nữ chính bằng xe ôtô, cốt truyện cũng xoay quanh những con người sang giàu ấy. Nào là kí hợp đồng cả triệu đô, nào là biệt thự cao ốc, nào là tranh chấp quyền thừa kế món tài sản kết xù,… Những câu chuyện nghe có vẻ hấp dẫn nhưng nó xa vời quá. Nhà nghèo lại thích xem phim giàu, người xấu lại thích xem diễn viên thân ngọc mặt ngà. Haizz… thật khổ cái sự đời!

Con người ta thường bỏ qua nhiều cái đẹp ở ngay trước mắt. Bạn ngưỡng mộ chuyện tình oanh oanh liệt liệt trong bộ tiểu thuyết nhưng có bao giờ hỏi ba mẹ mình đã quen biết, yêu nhau và kết hôn thế nào chưa? Một thiên tình sử dung dị và đời thường đã sinh thành nên bạn, xây đắp gia đình bạn nhưng bạn có từng nhận ra cái đẹp của nó chưa?

Hoa Ban thích nhất là ngồi nghe mẹ kể về cái thời “mới quen” của bà. Chẳng lãng mạn gì mấy vì mẹ không phải nhà văn, lời lẽ thô sơ giản dị. Nhưng hãy nhìn vào đôi mắt bà, trong sự già cõi của tuổi tác chính là cái lấp lánh rạo rực như gái mười tám đôi mươi. Vài lời tưởng thuật không đầu không đuôi, vài cái miêu tả vụng về, mẹ biến câu chuyện cuộc đời mình thành một truyện ngắn xúc tích và bình thường hơn cả bình thường. Ba mẹ chưa từng thề hẹn sắc son, cái gì thiên trường địa cữu, cái gì sống chết có nhau. Họ chỉ mỗi ngày lặng lẽ sống, chăm sóc các con, suy tính thu chi. Vợ nhắc chồng trời đang trở lạnh nhớ mặc thêm áo. Chồng thấy vợ hôm nay mệt nên giành việc rữa bát sau giờ ăn. Vợ biết chồng thích xem bóng đá nên hy sinh một tập phim mà mỗi ngày vẫn theo dõi. Chồng mỗi tuần sẽ “tha” về nhà một món, có khi là đôi găng cao su để bảo vệ tay khi giặc quần áo, có lúc là túi bánh khoai mỳ vợ thích ăn, có khi là mấy trăm nghìn “quỹ riêng” tháng rồi không dùng tới, để vợ mua cho mình thêm vài món đồ cá nhân, để vợ khỏi phải suy tính tiết kiệm quá nhiều mệt đầu óc.

Ba tôi sẽ không tặng hoa, tặng nhẫn, tặng quần áo đắc tiền (vì mẹ tôi sẽ mắng ông té tát tội “điên của”, “của” ở đâu là của cải, từ mẹ hay dùng^^) Bố mẹ tôi luôn thực tế hóa sự lãng mạn, nói trắng ra họ không cần lãng mạn, họ cần ấm áp và hạnh phúc giản đơn. Với Hoa Ban – người có bệnh nghiện tiểu thuyết, chưa có cặp nam nữ chính nào trong tác phẩm có thể đẹp hơn mẹ tôi, soái hơn cha tôi, cũng chưa có chuyện tình nào vĩ đại hơn câu chuyện của ba mẹ tôi dù rằng có thể tóm gọn nó bằng 3 câu văn không hơn không kém.

Haizz… mình phát hiện đã lạc đề tới 1 trang word rồi =)) Có đôi khi công việc viết review này giống như cơ hội cho người viết khoe mẻ chút xíu, than thở chút xíu hoặc thổ lộ chút xíu. Rồi sẽ có lúc người cần đọc phát hiện ra, sẽ có lúc thông điệp nho nhỏ của tôi đến với ai đó, nói cho họ biết tôi yêu họ thế nào, ngưỡng mộ họ thế nào hoặc đơn giản là tôi hối tiếc vì bỏ lỡ họ ra sao… Trong mấy nghìn đọc giả ghé thăm blog mỗi ngày, tôi hy vọng có người mà tôi vẫn luôn tìm kiếm… Tôi chỉ muốn nói với người đó 1 câu: “Con người ai cũng sẽ trưởng thành, cái thời hồng hồng phấn phấn là để chúng ta nông nổi và liều lĩnh, để chúng ta lì lợm và bốc đồng. Em cũng cần những sai lầm để biết thế nào là vấp ngã. Nơi nào củi gạo không vương khói bếp? Tuy có chút ảo mộng xa vời nhưng tất cả những gì em cần là cuộc sống giống bố mẹ, hoặc ví như nhân vật trong câu truyện này, có đau, có khổ nhưng vẫn là hạnh phúc!”

.

.

.

Cho xin 5 phút chỉnh đốn tâm trạng rồi lại viết nhé ^^

.

.

.

Nơi nào củi gạo không vương khói bếp là một câu chuyện tình bình thường của những con người bình thường. Nhưng thấp thoáng trong đó là ý nghĩa chân thực của hạnh phúc, ý nghĩa đích thực của đời người.

Nam chính – Trần Dũng không phải là người đàn ông phong độ sáng ngời, không làm sếp lớn, đại gia, không phải công tử nhà giàu, không phải thiên tài hội họa, thần đồng kinh doanh gì nốt! Anh chỉ là một người đàn ông bình thường, học thức chẳng có bao nhiêu, ngày ngày vất vả làm ăn buôn bán. Ai muốn sống mà không lao động? Boss ngồi văn phòng kí tên xoèn xoẹt chẳng qua là điều kiện làm việc tốt, có hình tượng đẹp, tiền vung ra thu vào nhiều. Còn người làm ăn buôn bán thì bận rộn tay chân, dầu mỡ dính áo quần, tiền ra tiền vào có lời là đủ sống. Thật ra họ không khác gì nhau, cũng là con người có hai mắt, tứ chi cả, chẳng qua gia cảnh anh tốt hơn tôi, vận mệnh anh may hơn tôi hoặc anh sinh ra gene thông minh hơn tôi. Ném cả hai vào trong rừng rú, chưa chắc ai sống dai hơn ai!

Nữ chính – Ân Sinh cũng là một cô gái như bao cô gái, hai chục năm đầu đời cũng bận rộn học hành thi cử, rồi kiếm việc làm, cũng từng có một mối tình đầu mơ mơ mộng mộng.

Trần Dũng và Ân Sinh là những con người bạn có thể dễ dàng bắt gặp nơi các nẻo đường, bởi vì họ bình thường như mọi người, như bạn và như tôi! Một mối duyên phận kéo 2 con người xa lạ lại với nhau. Cô cần một bờ vai và anh mệt mỏi với mối tình ba năm không lối thoát. Họ chỉ là hai kẻ cùng đường, nói theo Ân Sinh là “hai con thú bị thương liếm láp cho nhau”. Trong giây phút mềm yếu và tuyệt vọng, anh kể cho cô nghe câu chuyện đời mình, cô chọn bờ vai anh trút nước mắt, rồi anh đề nghị kết hôn, cô nhận lời.

Đến đây câu chuyện thấp thoáng có nét giống Giường đơn hay giường đôi. Kết hôn rất dễ, sống chung lại khó. Cái kiêng kỵ nhất trong quan hệ vợ chồng là SĨ DIỆN. Hai từ này là đối với người dưng, đã chọn nhau làm bạn cả đời, phải xem nhau như người thân. Miễn sao sống chung thoải mái, ai gặp bất lợi trong công việc thì chia sẻ với người kia, nghe họ an ủi và cùng nhau nghĩ cách. Để sống hòa hợp, ta phải chấp nhận yếu kém của nhau, thành thật với nhau.

Thật ra khi người ta yêu nhau thật lòng, xấu cũng thành đẹp, Hà Bá cũng hóa Tây Thi ^^ Một người còn độc thân và chưa trưởng thành như Hoa Ban thật không tưởng tượng hết cuộc sống hôn nhân là thế nào, mình cũng không có tư cách đưa ra lời khuyên với ai. Chỉ nghĩ rằng những gì nhân vật trong câu truyện vấp phải cũng là vấn đề chung mà chúng ta có khả năng gặp phải khi bước vào đời sống hai người.

Chưng diện là để người khác nhìn, để họ không xem thường mình. Tỏ ra ta đây tài giỏi là để người khác không khinh, để vợ tìm chút hư vinh trong ánh mắt đồng nghiệp. Ai không muốn làm vợ tự hào? Sự ngưỡng một từ người phụ nữ của mình là niềm khoái cảm của đàn ông. Nhưng ngộ nhỡ ta không có những thứ ấy, không nhiều tài cán, không nhiều tiền bạc, lại có vài chuyện riêng xấu hổ không dám nói với ai. Lúc đó đàn ông hay chọn cách giấu giếm, chỉ sợ cô ấy thất vọng, cảm thấy tự ti lẫn khổ sở vì mình không xứng đáng, không cho người ấy một cuộc sống sung túc hưởng lạc. Đàn ông phương Đông đều có xu hướng như thế!

Trần Dũng chính là con người như vậy. Anh có gánh nặng trên vai và bất lực trước những ước mơ hoài bão. Anh không hiểu ý nghĩa đích thực của chữ “vợ”. Ân Sinh cần sự chở che nhưng cô ấy cũng có khả năng tự bảo vệ, cô ấy có thể đứng ra che mưa chắn gió cho chồng khi anh nguy nan. Vợ chồng là cùng nhau làm mọi việc, họa cùng chịu phúc cùng hưởng. Sẽ chẳng cô vợ nào hạnh phúc khi bản thân ăn sung mặc sướng còn chồng thì làm chuyện dại dột để chứng tỏ anh ta có thể “gánh vác tất cả”. Con người không ai toàn năng, đàn ông và phụ nữ sinh ra để bù đắp cho nhau, chẳng có quy định nào ghi rằng bổn phận của chồng là nuôi vợ. Ai sinh ra cũng tay làm hàm nhai, chẳng thể ở không ăn bát vàng. Càng vô lý nếu có ai bị gán “bổn phận” chu cấp không công cho người khác.

Trong vấn đề này, Ân Sinh lại là người sáng suốt hơn. Cô không giả vờ giả vịt nói chồng tôi làm ông chủ này nọ, cô cũng thích hư vinh nhưng không tham đến mức sống ảo. Nghèo thì nghèo, đâu phải tội phạm. Chồng mình làm nghề thấp kém thì sẽ động viên giúp đỡ anh, chứ không phải kiểu trốn chui trốn nhũi, ngại giáp mặt người quen, ngại giới thiệu anh với đồng nghiệp. Ân Sinh là cô gái tốt, tốt đến hiếm có. Trong cái xã hội tiền tài vật chất làm thước đo này, một cô gái không e ngại sang hèn, chấp chận chung sống trong lo âu vất vả thực là đáng quý. Cô hoàn toàn xứng đáng với tình yêu trước sau như một của Trần Dũng.

Cuộc sống của họ thật không may, liên tiếp gặp chuyện bất hạnh. Lâm Mi trơ trẽn tống tiền, Trần Dũng giấu giếm Ân Sinh, Ân Sinh phất hiện hiểu lầm rồi bỏ đi, lại thêm Lý Hải Phi xuất hiện khiến Trần Dũng bất an, rồi lúc ngả bài thành cục diện bê bết. Thần trí rối rắm, lo lắng, Trần Dũng gây tai nạn giao thông, dính dáng tới tiền nông và pháp luật. Ân Sinh quay trở về cùng anh gánh vác. Gom góp tiền bạc, chạy ngược chạy xuôi, còn phải ngồi tù hành chính 10 ngày, bán đi cửa hàng thức ăn. Đã thế Ân Sinh còn gặp nạn trọng thương, tất cả rơi vào bế tắc. Đau nhất vẫn là đứa con chưa thành người xuất hiện sai thời điểm. Cuộc sống là như vậy, 1001 rủi ro, 101 chuyện không may, nào ai biết trước sẽ có những ngày phải sống như địa ngục. Nhưng có một điều tạo nên sức mạnh để họ vượt qua tất cả: dù mất đi mọi thứ, họ vẫn còn có nhau.

Hoa Ban đã thấy đủ kiểu mặn nồng ân ái, đủ lời thề hẹn bướm hoa nhưng tất cả đều là “tiểu thuyết”, đọc quen rồi chẳng thấy lệ đổ tim rung. Vì lẽ đó, tình tiết làm mình cảm động ngày một ít, truyện đọc ngày càng nhạt nhẽo. Nhưng bộ truyện này cứ 5 lần 7 lượt làm mình khóc trong lặng lẽ. Ân Sinh và Trần Dũng thực sự đạt tới tình yêu “hai người như một”.

Đó là lúc Trần Dũng khóc trong lòng cô, bỏ qua sĩ diện của đàn ông, chỉ cần hơi ẩm của cô là anh có thể sống.

Đó là khi Trần Dũng muốn đi giết người để báo thù cho vợ nhưng tiếng kêu yếu ớt của cô làm anh tỉnh lại “thời điểm này, Ân Sinh cần mình nhất

Đó là lúc anh lau thân dưới đầy máu của cô, dùng tay vớt túi thai nhày nhụa nằm trong bồn cầu bỏ vào lọ.

Đó là lúc anh một mình làm công việc bóc vác của nhiều người giữa đêm khuya, vì muốn có 500 vạn mua cho cô một món quà bất ngờ

Và đó là giây phút họ hôn nhau giữa đám đông hỗn loạn, giữa cái phố thị xào xáo thị phi, trong lúc áo quần bê bết lấm lem tanh hôi dầu mỡ. Hình ảnh đó còn đẹp hơn cảnh người ta che dù hôn nhau trong mưa phùn rã riết. Gì mà thơ, gì mà nhạc, ở đây chỉ có cái lãng mạn trong thực tế.

Tình yêu chân thực là phải như thế, bỏ qua vẻ bề ngoài, không ghê tởm bất cứ điều gì, hôi thối bẩn thỉu đều không ngại, nhìn thấy nhau trong bản chất hoang dại nhất, trong tận sâu tâm hồn. Khi người ta đã trải qua hết những nghịch cảnh, cùng nhau bước qua hố lửa biển băng, sự gắn kết còn cứng hơn sắt thép. Câu chuyện khép lại với tương lai tươi sáng và hạnh phúc bình dị. Chắc chắn là như thế, trên đời này ngoài cái chết thì không có bất kì sức mạnh nào chia sẻ được tình yêu của hai người.

“Cứ như vậy tiếp tục đi, cãi nhau, chông gai, một đường gian khổ cứ thế tiếp tục, chỉ cần ở bên nhau, chẳng sợ khói bếp củi gạo xông bạc tóc, dầu muối tương dấm nhuộm thô ngón tay, ít nhất cuộc sống tư vị hạnh phúc, ít nhất trăng vẫn treo cao trên bầu trời, tôi và người đàn ông tôi yêu, dắt tay nhau làm bạn.”

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #ayhanhhh