990 - Buon Me Da Lat

1. Cầu Bình Triệu, Hàng Xanh, giao lộ Bình Phước (QL1A và QL13).

Cầu Bình Triệu được xây dựng năm 1960 với tổng chiều dài là 554m, rộng 9,5m nằm trên quốc lộ 13, Cầu bắc qua sông Sài Gòn.

Khu vực Hàng Xanh nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh, là khu vực cửa ngõ quan trọng phía Đông-Bắc TP.HCM. Phía Bắc nối liền với xa lộ Hà Nội đi đến các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu và các tỉnh dọc QL1. Phía Tây nối với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đi đến khu vực Thanh Đa và qua cầu Bình Triệu, nối tiếp QL13. Phía Đông nối với tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Thị Minh Khai đi vào trung tâm thành phố. Phía Nam qua đường Điện Biên Phủ nối với trung tâm thành phố và đi về các tỉnh miền Tây. Trong khu vực Hàng Xanh, diện tích tuy nhỏ nhưng có nhiều nút giao thông liền kề. Khoảng cách giữa tim của những nút này chỉ cách nhau từ 150-250m. Những nút giao thông này bao gồm: nút giao thông Hàng Xanh (ngã tư), nút giao thông Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng (ngã ba), nút giao thông Bạch Đằng - Đinh Bộ Lĩnh (ngã tư) và nút giao thông Đinh Bộ Lĩnh- Điện Biên Phủ (ngã ba).

Nút giao thông ngã tư Hàng Xanh hiện nay thuộc loại nút vòng xuyến, tự điều chỉnh. Nhờ kết hợp với hệ thống đèn tín hiệu nên đã góp phần nâng cao lưu lượng giao thông, cải thiện độ an toàn. Tuy nhiên, nút vẫn còn nhiều điểm giao cắt, nhập và tách dòng. Nút thuộc loại phức tạp và nguy hiểm, mức độ an toàn thấp. Số vụ tai nạn giao thông có khả năng xảy ra hàng năm, tính cho 1 triệu lượt xe lưu thông qua nút, được dự báo khoảng 124-908 vụ (năm 2003) và 138-950 (năm 2008) khi nút được tổ chức với đèn tín hiệu giao thông. Còn khi đèn, tín hiệu giao thông không hoạt động, con số vừa nêu có thể tăng 467-1617 vụ (năm 2003), 489-1687 vụ (năm 2008).

Giao lộ Bình Phước tại đây nếu chạy thẳng theo QL13 khoảng 16km sẽ đến thị xã Thủ Dầu Một, đi tiếp khoảng 9km sẽ đến ngã tư Sở Sao, đi tiếp là ngã tư Chơn Thành, thị trấn An Lộc, thị trấn Lộc Ninh và điểm cuối cùng là cửa khẩu Hoa Lư. Ngay tại giao lộ Bình Phước nếu rẻ phải theo QL1 đi khoảng 5km sẽ đến ngã tư Linh Xuân, tiếp khoảng 4km đến ngã 3 trạm 2, còn rẽ trái đi khoảng 12km sẽ đến ngã tư An Sương. Ngày nay do lượng xe trong thành phố quá đông nên trên đoạn đường cầu Sài Gòn, xe khách của bến xe miền Đông đều chạy theo cầu Bình Triệu và quẹo phải ở ngã tư Bình Phước rồi rẻ phải theo QL1 về hướng Bắc.

2. Khu du lịch Lái Thiêu, khái quát Thị xã Thủ Dầu Một.

Khu du lịch Lái Thiêu là một địa danh du lịch nổi tiếng của Bình Dương. Những năm 90 của thế kỷ trước, cứ mỗi khi đến mùa trái cây, du khách thường đến Lái Thiêu để nghỉ ngơi, thưởng thức những loại trái cây đặc sản của vùng đất này, như: măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ,... Vườn cây Lái Thiêu được quảng bá như là một điểm du lịch hấp dẫn du khách của Bình Dương. Thế nhưng, việc quản lý và phát triển nó chưa ngang tầm với tiềm năng. Để vực dậy tiềm năng du lịch của vườn trái cây Lái Thiêu, qua tham khảo ý kiến của các chuyên gia và các công ty du lịch, UBND huyện Thuận An chủ động phối hợp với ngành du lịch Bình Dương chấn chỉnh lại, quy hoạch lại khu du lịch vườn trái cây Lái Thiêu (làm sao vườn trái cây Lái Thiêu đẹp và hấp dẫn du khách). Nếu làm được như vậy, ắt hẳn khu du lịch vườn trái cây Lái Thiêu sẽ có chỗ đứng trong lòng du khách và trở thành một thương hiệu du lịch trong tương lai.

Thị xã Thủ Dầu Một là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương. Gồm các phường và xã: Phường Phú Cường, Phường Hiệp Thành, Phường Chánh Nghĩa, Phường Phú Hòa, Phường Phú Thọ, Xã Tương Bình Hiệp, Xã Tân An, Xã Phú Mỹ, Xã Định Hòa, Xã Chánh Mỹ. Thị xã Thủ Dầu Một có diện tích tự nhiên là 88 km2, là đô thị loại bốn, nằm trong chùm đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với vị trí tương đối thuận lợi cho việc giao lưu với các huyện trong tỉnh và cả nước qua quốc lộ 13, đường Bắc - Nam, và cách Thành phố Hồ Chí Minh 30 km. Thị xã Thủ Dầu Một đã và đang chuyển biến sâu rộng trong các mặt kinh tế xã hội góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nhanh của tỉnh Bình Dương.

3. Giới thiệu chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương.

Đến với chùa Bà Thiên Hậu (chùa Bà) không chỉ có người dân ở Bình Dương mà còn có rất nhiều người từ các tỉnh tập trung về đây để cầu nguyện. Đi chùa với đầy đủ mọi lứa tuổi, nhiều cặp vợ chồng từ thành phố Hồ Chí Minh sau hơn một tiếng đồng hồ chen chúc mới vào thắp được nén nhang. Đêm 29tết đường Cách Mạng Tháng Tám, Yersin, từng đoàn xe lớn nhỏ nối nhau làm cho không khí ở chùa Bà ngày đầu tiên của năm mới thêm sôi động. Nhiều người đến đây không chỉ để cầu nguyện mà là dịp thưởng thức vẻ đẹp của chùa. Ban đêm là giờ khách ra vào đông, nhiều gia đình do ban ngày bận việc nên họ thuê xe đi ban đêm. Ban ngày, dưới ánh nắng dịu dàng của mùa xuân bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 10 giờ rưỡi là đông khách. Trong dòng người tấp nập hành hương đến với chùa Bà, ai cũng trang phục chỉnh tề, đứng trang nghiêm cầu nguyện những điều tốt lành nhất trong năm mới. Bình quân mỗi ngày chùa Bà đón từ 8 ngàn đến 10 ngàn lượt người, số lượng khách hành hương ngày càng tăng. Đến với chùa Bà ai cũng mong muốn cuộc sống có thêm nhiều niềm vui mới. Mỗi người có một lời nguyện khác nhau, đó là niềm tin, sức mạnh cho những công việc hàng ngày mà họ phải đối mặt. Trong không khí đầu xuân, dòng người tấp nập đến với chùa Bà hy vọng rằng những lời cầu nguyện kia sẽ trở thành hiện thực, mọi điều tốt lành sẽ đến với họ.

4. Gốm Bình Dương.

Tỉnh Bình Dương là vùng đất nổi tiếng chế tác gốm sứ. Với trên 160 cơ sở sản xuất gốm sứ, trong đó có 90% cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thủ công, nên các sản phẩm làm ra khó cạnh tranh với thị trường. Đã vậy, các cơ sở còn sử dụng vật liệu chất đốt bằng củi, gây ô nhiễm môi trường ở khu dân cư. Đứng trước thực trạng này, Bình Dương đã xây dựng nhiều giải pháp để qui hoạch khu sản xuất gốm sứ.

Trước đây, do ngành nghề gốm sứ truyền thống nối nghiệp từ đời cha đến đời con nên việc phát triển ngành nghề luôn mang tính tự phát. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn diễn ra quá nhanh, nên việc quy hoạch cụm công nghiệp gốm sứ chưa theo kịp với bước đường phát triển. Vì thế, đến nay, tất cả cơ sở sản xuất gốm sứ thủ công vẫn còn nằm trong khu dân cư. Xuất phát từ vấn đề bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường và yêu cầu định hướng quy hoạch chiến lược phát triển ổn định, phát triển lâu dài cho ngành công nghiệp gốm sứ, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 37/2004/QĐ-UB về việc thành lập cụm công nghiệp gốm sứ tại Đất Cuốc I (ấp 5, xã Tân Thành, huyện Tân Uyên), với diện tích quy hoạch 208 ha, đủ đáp ứng nhu cầu di dời của hàng trăm cơ sở gốm sứ ra khỏi các khu dân cư. Hiện nay, Công ty Khoáng sản- Xây dựng Bình Dương là đơn vị trúng thầu đang tập trung nhân lực, tập kết xe máy, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng cơ bản, trước mắt làm giai đoạn I gồm 104 ha, để nhanh chóng đưa vào hoạt động.

Theo kế hoạch, năm 2005, cơ sở hạ tầng của cụm công nghiệp gốm sứ sẽ hoàn thành, tiến hành tổ chức phân lô, định giá và thực hiện di dời. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sở dĩ chọn địa bàn này để thực hiện dự án vì nó gắn liền với khu vực nguyên vật liệu tại chỗ như đất đai, củi đốt. Quan trọng hơn, cụm công nghiệp này xa với các khu dân cư, bảo đảm môi trường sống cho người dân.

5. Khái quát Thị xã Đồng Xoài.

Thị xã Đồng Xoài là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Phước nằm cách TP.HCM 128km. Thị xã đã được chính thức thành lập vào ngày 01/09/1999, có diện tích khoảng gần 17ngàn ha. Có các phường: Tan Đồng, Tam Xuân, Tân Phú, Tân Bình và các xã: Tiến Thành, Tân Thành, Tiếng Hưng. Người dân ở đây chủ yếu trồng cầy nông nghiệp, thường là cây điều lộn hộp, hàng năm nhờ vào cây điều mỗi gia đình thu nhập khoảng 9 đến 10 triệu đồng. Vì vậy du khách cũng thấy những ngôi nhà rất khang trang do trồng điều và trồng các loại rao cải khác thường thì cung cấp cho TP.HCM và tỉnh Bình Dương.

6. Sóc Bom Bo ở Bù Đăng (Đức Lộc – Đắc Nông).

Sóc Bom Bo - một địa danh của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi vào lịch sử của dân tộc như một huyền thoại đẹp đẽ, hào hùng, thể hiện ý chí kiên cường quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc. Người dân Bom Bo bước ra từ khói lửa chiến tranh với tư thế của người anh hùng cùng cả nước vào cuộc trường chinh xây dựng cuộc sống mới. Đúng dịp xuân Nhâm Ngọ này, Bình Phước tròn tuổi lên 5 sau ngày tái lập tỉnh, Bom Bo (Bù Đăng) cũng tròn 4 năm thành lập xã mới. Bốn năm "mới bấy nhiêu ngày", nhưng Bom Bo đã không ngừng vươn dậy, lớn lên bởi 14 ngàn dân của 12 dân tộc anh em đang sát cánh bên nhau xây dựng quê hương giàu đẹp.

Bom Bo đã trở thành địa chỉ đỏ của tỉnh Bình Phước, là niềm tự hào của quê hương "Miền Đông gian lao mà anh dũng". Bom Bo đã đi vào lòng người của cả dân tộc Việt Nam, thậm chí cả trên thế giới bởi một ca khúc "tiếng chày trên Sóc Bom Bo" mà cố nhạc sĩ Xuân Hồng - người chiến sĩ cách mạng đã từng sống và chiến đấu cùng đồng bào Bom Bo, sáng tác trong những ngày tháng sôi sục khí thế cách mạng : chuẩn bị lương thực phục vụ cho chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long năm 1965. Âm vang bài ca là những lời động viên thúc giục già, trẻ, gái, trai hưởng ứng phong trào "giã gạo nuôi quân" lúc bấy giờ. Đến tận bây giờ và có lẽ mãi mãi về sau mỗi khi chỉ cần nghe những nốt nhạc đầu tiên với những ca từ dạo đầu "cắc cùm cum" là lòng người bỗng dưng xao xuyến, rạo rực cái không khí ngày đồng bào Bom Bo đốt đuốc "giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa".

Trong điều kiện khó khăn bị địch phá hoại sản xuất, đốt phá nương rẫy làm cho "người dân Bom Bo, cái bụng không no, cái thân đói gầy" nhưng với tinh thần "Tất cả vì chiến dịch, hậu cần tốt - thắng trận to" người dân Bom Bo đã hết lòng vì cách mạng, gom góp lúa gạo, có gia đình đã gặt cả lúa non ủng hộ. Trong những ngày cận kề chiến dịch (khoảng tháng 4-1965), với quyết tâm cao, bằng sự sáng tạo của mình đồng bào các sóc Bom Bo và vùng Dak Nhau huy động toàn bộ số cối, chày hiện có và còn đốn hạ những cây gỗ sao to dài, đục khoét thành hàng chục lỗ cối, với chày tay, chày đạp giã gạo suốt ngày đêm phục vụ cho nhu cầu chiến dịch.

Hình ảnh người dân nô nức phục vụ chiến tranh như một ngày hội lớn. Những đêm ở vùng núi rừng, dưới ánh lửa bập bùng to, nhỏ từ những bó đuốc lồ ô, những chàng trai giải phóng quân bên cạnh những cô gái S'Tiêng cùng giã chung cối gạo thật nhịp nhàng và thắm tình quân dân. Đó là nguồn cảm hứng để lời ca, tiếng nhạc "Tiếng chày trên Sóc Bom Bo" trở thành tiếng kèn thôi thúc giục giã lòng yêu nước, tình cảm cao cả của người dân miền sơn cước đối với Đảng và Bác Hồ. "Tiếng chày trên Sóc Bom Bo" là bản trường ca cách mạng đi cùng với thời gian để trở thành huyền thoại Bom Bo và cũng là bản anh hùng ca bất diệt. Chính bản trường ca cách mạng đó đã lan tỏa đi muôn nơi để rồi lớp lớp về sau có địa chỉ, hướng về cội nguồn để cảm nhận người Bom Bo bản tính thật thà, đôn hậu, yêu hòa bình và yêu quý núi rừng của mình lắm. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, người Bom Bo vẫn kiên trinh, sắt son, thủy chung với cách mạng, một lòng đi theo Đảng và càng cảm phục hơn khi chúng ta biết rằng trong những ngày tháng gian lao lo gạo cho bộ đội, người dân Bom Bo không giữ lại hạt gạo nào cho riêng mình. Họ ăn củ nần, củ chụp, lá bép để phục vụ chiến dịch.

7. Khái quát tỉnh Đắk Lắk – TP. Buôn Ma Thuột và sơ lược Lịch sử hình thành vùng Tây Nguyên.

Tỉnh Đắk Lắk nằm trên cao nguyên Đắk Lắk, một trong 3 cao nguyên lớn của Tây Nguyên, có độ cao trung bình 400 - 800m so với mặt nước biển, phía bắc và đông bắc giáp Gia Lai, phía nam giáp Lâm Đồng và Bình Phước, phía tây giáp Campuchia và tỉnh Đắk Nông, phía đông giáp Phú Yên và Khánh Hoà. Đắk Lắk là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất nước. Vùng núi cao từ 1000 - 1200m chiếm 35% diện tích của tỉnh. Vùng cao nguyên Buôn Ma Thuật cao 450m, chiếm 54%, đát đỏ mầu mỡ, khá bằng phẳng thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi gia súc và trồng rừng. Có nhiều di tích danh thắng như: Chùa Khải Ðoan; Nhà tù Buôn Ma Thuột; Thác Yang Prong; Khu sinh thái rừng, hồ Đakmin; Mộ vua săn bắt voi; Bãi đá sông Krông Bông; Hồ Lắk; Thác Ð'ray Sap; Rừng quốc gia Yok Đôn.

Buôn Ma Thuột là thành phố lớn nhất ở Tây Nguyên nằm ở độ cao 535m, nhiệt độ trung bình hàng năm 24 độ C, là tỉnh lỵ của tỉnh Đăk Lăk. Buôn Ma Thuột có một thời là thủ phủ của Tây Nguyên có số dân đông nhất, sầm uất nhất ở đây, là trung tâm hành chính, văn hóa và kinh tế của toàn vùng. Địa danh này cũng là đầu mối huyết mạch giao thông tỏa ra các hướng, nối với thành phố Đà Lạt qua huyện Lăk bằng quốc lộ 27, nối liền với Khánh Hòa qua Ninh Hòa bằng quốc lộ 26, nối với TP.HCM bằng quốc lộ 14 qua Đăk Nông, Bình Phước, nối liền với Yok Đôn Buôn Đôn bằng tỉnh lộ số 1 và nối với Pleiku, KonTum bằng quốc lộ 14.

Từ một thị xã mà công nghiệp hầu như không có gì, đến nay Buôn Ma Thuột thật sự là một trung tâm kinh tế lớn ở Tây Nguyên đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều công ty thương mại chuyên xuất nhập khẩu, chế biến nông, lâm sản (đặc biệt là cà phê, cao su) ra đời và phát triển. Buôn Ma Thuột cũng là trung tâm văn hóa, giáo dục quan trọng. Tháng 11/2005 vừa qua, chính quyền và nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tiến hành kỷ niệm 101 năm hình thành và phát triển (1904-2005). Và nay, đô thị giàu đẹp và có tầm cỡ ở Tây Nguyên này lại được vinh dự trở thành đô thị loại II của cả nước.

Lâm Đồng là một vùng đất cao nguyên do phún thạch của núi lửa cấu thành. Với độ cao trên 1.200m, tỉnh Lâm Đồng có ba cao nguyên nhỏ. Đó là cao nguyên Lâm Viên (thuộc huyện Lạc Dương), cao nguyên Di Linh (thuộc huyện Di Linh) và cao nguyên Bảo Lộc (thường gọi là cao nguyên Mạ thuộc huyện Bảo Lộc). và còn có những vùng bằng phẳng và đồng cỏ. Có thể nói, Lâm Đồng là một vùng địa lý phong phú và đa dạng về các giống loài thực vật, đặc biệt là cây dược liệu (sâm, atisô....). Ở Lâm Đồng có nhiều thác nước và hồ nước lớn. Những thác nước lớn như Prenn (còn gọi là thác Thiên Sa), thác Cam Ly, thác Angkrôet, thác Đatanla, thác Liên Khương....đây có thể là những nguồn điện năng lớn. còn có thêm những hồ nước lớn như Hồ Xuân Hương, hồ Suối Vàng…. Tóm lại, những nhu cầu cơ bản cho con người tồn tại và phát triển trong điều kiện tối ưu nhất của đời sống đều có thể giải quyết được một cách khả quan với những tiềm năng thiên nhiên sẵn có. Những tiềm năng tối ưu đó chỉ có thể trở thành sự thật khi con người nhận thức được chính xác những quy luật của thiên nhiên, biết sắp xếp và tổ chức khai thác thiên nhiên đúng phương hướng, biết quản lý xã hội một cách hiệu quả nhất.

8. Giới thiệu hệ thống bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.

Đắk Lắk có thế mạnh về du lịch văn hóa và du lịch bảo tàng. Đắk Lắk là nơi cư trú nhiều nhất của các dân tộc Việt Nam: 43 dân tộc, đông nhất là dân tộc Kinh, kế đến là Êđê, Nùng, Tày… Nơi đây cũng chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đắk Lắk có kho tàng sử thi phong phú nhất Việt Nam với 292 pho, đã sưu tầm 77 pho (gồm 12 sử thi Êđê và 65 sử thi M’nông). Nổi tiếng nhất là Bài ca chàng Đam San (Klei khan Y Đam San) của dân tộc Êđê do học giả người Pháp - ông Sabatier phát hiện khoảng năm 1920 và công bố lần đầu qua bản Pháp ngữ năm 1927. Một đội cồng chiêng nổi tiếng của người Đắk Lắk, chỉ có 8 nam và 3 nữ mà họ đã đem tài năng và vốn văn hóa của mình đi biểu diễn khắp nơi trong cả nước và còn sang Thụy Điển dự lễ hội Womek. Đắk Lắk còn có chiếc ghế Kpan (được làm gỗ nguyên khối) dài nhất Việt Nam. Ghế Kpan là tài sản quý của những gia đình giàu có và uy thế người Êđê. Chiếc Kpan lớn nhất dài 11,50m, dày 8cm, bề mặt 68cm, cao 48cm hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Văn hóa dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Nói đến Tây Nguyên không thể không nói tới lễ hội voi ở nơi đây. Lễ hội này được coi là lễ hội voi lớn nhất Việt Nam, với 30 chú voi thiện chiến dự thi nhiều môn. Đắk Lắk cũng là nơi có đàn voi nhà đông nhất với 54 con.

Bên cạnh những nét riêng của vùng đất Tây Nguyên, Đắk Lắk còn lưu giữ được những dấu tích lịch sử của thời xưa như: Đình Lạc Giao, nơi in đậm dấu ấn của nền văn hóa người Việt trên mảnh đất cao nguyên. Biệt điện của vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn – Bảo Đại hay di tích tháp Chăm Yang Prông được xây dựng từ thế kỷ XIV…Những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc cùng với những “tài nguyên” thiên phú đã tạo cho Đắk Lắk một thế mạnh về du lịch văn hóa bảo tàng.

9. Giới thiệu về nhà Đày ở Buôn Ma Thuột.

Nhà đày Buôn Ma Thuột có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc vận động cách mạng Tháng Tám ở DakLak. Những chiến sĩ cộng sản bị địch giam cầm ở đây đã trở thành những người gieo hạt mầm cách mạng vào mảnh đất Cao nguyên đất đỏ này. Được mở rộng và xây dựng kiên cố thêm trên cơ sở của một nhà lao, có từ năm 1900 đến năm 1930 nhà lao Buôn Ma Thuột trở thành nơi đày ải những chiến sĩ yêu nước Việt Nam. Giờ đây, đến thăm nhà lao Buôn Ma Thuột, các bạn sẽ nhìn thấy những chứng tích tội ác của bọn thực dân Pháp. Qua đó, bạn có thể hình dung lại toàn bộ nhà đày Buôn Ma Thuột với chế độ cai trị khắc nghiệt và tàn bạo chẳng khác nào địa ngục của bọn thực dân Pháp.

Khi đặt chân đến đây, nhìn lại những chiếc cùm các bạn cũng sẽ thấy đau lòng, bồi hồi xúc động và càng khâm phục những chiến sĩ cộng sản kiên cường không sợ hy sinh, quyết tâm chiến đấu và đã chiến thắng kẻ thù góp phần giải phóng dân tộc thoát khỏi đêm mờ nô lệ. Thế nhưng cũng cùng thời gian ấy, ở đây đã có một nhà đày (một trong những khu biệt giam tù chính trị) với chế độ tàn bạo nhất của bọn thực dân Pháp ở nước ta. Đến Buôn Ma Thuột tìm hiểu về mảnh đất - con người, không thể không đến thăm khu di tích lịch sử cách mạng đã được Nhà nước xếp hạng này. Tại đây, các bạn sẽ được thấy, được nghe, được biết thêm nhiều điều mới lạ về truyền thống đấu tranh oanh liệt của những chiến sĩ cộng sản thuở trước. Nhà đày Buôn Ma Thuột không những là chứng tích về tội ác của bọn Đế quốc - thực dân mà nó còn là trường học lớn đào tạo và rèn luyện nên những chiến sĩ cách mạng kiên cường của cách mạng Việt Nam như : Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hồng Chương, Bùi San, Trần Văn Quang, Ngô Đức Đệ và biết bao nhiều người con ưu tú của mọi miền Tổ quốc.

10. Vài nét về người dân tộc X’Tiêng.

Dân tộc Xtiêng có gần 70.000 người. Người Xtiêng cư trú tập trung tại tỉnh Bình Phước và một phần sinh sống ở Đồng Nai và Tây Ninh. Có thể phân biệt hai nhóm Xtiêng là Bù Đéc và Bù Lơ. Nhóm Bù Đéc ở vùng thấp, biết làm ruộng nước và dùng trâu, bò kéo cày từ khá lâu. Nhóm Bù Lơ ở vùng cao, làm rẫy là chủ yếu, sống gần gũi với người Mnông và người Mạ. Dân tộc Xtiêng còn có tên gọi là Xa-điêng. Tiếng Xtiêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Ngày nay người Xtiêng ở nhiều nơi đã định canh định cư, từng gia đình nhỏ làm nhà ở riêng. Vùng cao ở nhà trệt, vùng thấp ở nhà sàn. Họ đều là họ phổ biến khắp vùng Xtiêng. Làng Xtiêng có truyền thống tự quản, đứng đầu là một ông già am hiểu tập tục, có uy tín lớn, tháo vát và thường là người giàu có ở làng. Mức giàu được tính bằng tài sản như: trâu, bò, chiêng, cồng, ché, vòng trang sức...

Thông thường con trai từ tuổi 19-20, con gái từ tuổi 15-17 bắt đầu tìm bạn đời. Sau lễ cưới, cô dâu về nhà chồng hoặc chú rể về ở đằng vợ. Trang phục của người Xtiêng khá đơn giản, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố. Mùa đông người ta choàng một tấm vải để chống rét. Người Xtiêng để tóc dài búi sau gáy, dái tai xâu lỗ để đeo hoa tai bằng gỗ hay ngà voi và xăm mặt, xăm mình với những hoa văn giản đơn. Mọi người nam, nữ, già, trẻ đều thích đeo các loại vòng. Trẻ em còn nhỏ đeo lục lạc ở hai cổ chân.

Người Xtiêng quan niệm ''vạn vật hữu linh'', tin vào sức mạnh huyền bí của sấm, sét, trời, đất, trăng, mặt trời. Tính chất thiêng liêng và quyền uy của thần được quy ước bằng vật hiến sinh màu trắng : gà trắng, lợn trắng, trâu trắng. Người Xtiêng ưa thích âm nhạc, nhạc cụ thường thấy nhất là bộ chiêng 6 cái, bộ cồng 5 cái. Chiêng không được gõ ở ngoài nhà, trừ ngày lễ đâm trâu. Chiêng dùng trong hội lễ, cả trong bộc lộ tình cảm, hòa giải xích mích giữa các gia đình. Ngoài chiêng cồng còn có khèn bầu, sáo, cũng được Người Xtiêng ưa thích.

11. Vài nét về người dân tộc M’Nông.

Dân tộc Mnông có khoảng 92.000 người, gồm nhiều nhóm địa phương: Preh, Gar, Nong, Prâng, Rlăm, Kuyênh, Chil. Người Mnông cư trú tập trung ở phía nam tỉnh Đắc Lắc, một phần tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước. Tiếng nói người Mnông thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Người Mnông làm rẫy là chính. Những con vật nuôi thông thường trong các gia đình là trâu, chó, dê, lợn, gà và một số nhà nuôi cả voi. Người Mnuông ở Bản Đôn có nghề săn và thuần dưỡng voi nổi tiếng. Nghề thủ công của người Mnông có dệt vải sợi bông do phụ nữ đảm nhiệm và đan lát các dụng cụ như gùi, giỏ, mủng...chủ yếu do đàn ông làm. Người Muông có cả nhà sàn và nhà trệt. Ngôi nhà trệt của người Mnông khá đặc biệt bởi chân mái thường buông xuống gần đất, nên cửa ra vào có cấu trúc vòm như tổ tò vò.

Đàn ông Mnông thường đóng khố, ở trần. Đàn bà Mnông mặc váy quấn buông dài trên mắt cá chân. Thanh niên nam nữ thường mặc áo chui đầu. Khố, váy, áo màu chàm thẫm trang trí hoa văn đỏ và trắng đẹp mắt. Người Mnông theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ, trong gia đình người vợ giữ vị trí chính, nhưng người chồng không bị phân biệt đối xử, họ sống tôn trọng nhau. Cha mẹ về già thường ở với con gái út.

Theo nếp cũ, đến tuổi trưởng thành, người Mnông phải cà răng mới được yêu đương lấy vợ lấy chồng. Phong tục cưới xin gồm 3 bước chính là đạm hỏi, lễ đính hôn, lễ cưới. Sau khi cưới, chàng rể thường về nhà vợ ở. Nhưng cũng có nơi đôi vợ chồng trẻ ở phía nào là tùy thoả thuận giữa 2 gia đình. Người Mnông thích nhiều con, nhất là con gái. Sinh con sau một năm mới đặt tên chính thức. Trong tang lễ, Người Mnông có tập quán ca hát và gõ chiêng trống bên áo quan suốt ngày đêm, theo điệu buồn thương có từ lâu đời. Sau khi hạ huyệt, đồng bào dùng cây, que và lá cây trải kín miệng hố rồi mới lấp đất lên trên. Qua 7 ngày hoặc 1 tháng thì gia chủ làm lễ đoạn tang.

Người Mnông tin có rất nhiều thần linh liên quan đến cuộc sống của mình, trong đó thần lúa giữ vị trí đặc biệt, hàng năm cùng với việc canh tác, người Mnông thực hiện những nghi thức nhằm giữ gìn thần lúa, cầu mong mùa màng bội thu.

12. Vài nét về người ÊĐê.

Dân tộc Êđê nói tiếng Ma-lay-Po-ly-nê-xi-a, sống thành từng buôn làng trong những ngôi nhà kiểu nhà sàn. Nguồn sống chủ yếu bằng nương rẫy, chăn nuôi. Dân số khoảng 200.000 người, sống tập trung ở tỉnh Đắc Lắc, nam tỉnh Gia Lai và miền tây hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.

Người Êđê làm rẫy là chính, làm ruộng nước theo lối cổ sơ, dùng trâu dẫm đất thay việc cày, cuốc đất. Ngoài trồng trọt, đồng bào còn chăn nuôi, săn bắn, hái lượm, đánh cá, đan lát, dệt.

Trong gia đình người Êđê, chủ nhà là phụ nữ, theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ, con trai không được hưởng thừa kế. Đàn ông cư trú trong nhà vợ. Nếu vợ chết và bên nhà vợ không còn ai thay thế thì người chồng phải về với chị em gái mình. Nếu chết, được đưa về chôn cất bên người thân của gia đình mẹ đẻ.

Người Êđê có kho tàng văn học truyền miệng phong phú: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, đặc biệt là các Khan (trường ca, sử thi) nổi tiếng với Khan Đam San, Khan Đam Kteh Mlan... Người Êđê yêu ca hát và thích tấu nhạc. Nhạc cụ có chiêng, cồng, trống, sáo, khèn, đàn. Đing năm loại nhạc cụ phổ biến của người Êđê và được nhiều người yêu thích.

Nhà người Ê Đê thuộc loại hình nhà sàn dài. Nhà Ê Đê có những đặc trưng riêng không giống nhà người chăm và các cư dân khác ở Tây Nguyên. Nhà dài của gia đình lớn mẫu hệ. Bộ khung kết cấu đơn giản. Cái được coi là đặt trưng của nhà Ê Đê là: hình thức của thang, cột sàn và cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt. Đặt biệt là ở hai phần. Nửa đằng cửa chính gọi là Gah là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của cả nhà dài, bếp chủ, ghế khách, ghế chủ, ghế dài (tới 20cm), chiếng ché, nửa còn lại gọi là Ôk là bếp đặt chỗ nấu ăn chung và là chỗ ở của các đôi vợ chồng, chia đôi theo chiều dọc, phần về bên trái được coi là "trên" chia thành nhiều gian nhỏ. Phần về bên phải là hàng lang để đi lại, về phía cuối là nơi đặt bếp. Mỗi đầu nhà có một sân sàn. Sân sàn ở phía cửa chính được gọi là sân khách. Muốn vào nhà phải qua sân sàn. Nhà càng khá giả thì sân khách càng rộng, khang trang.

Về trang phục thì Có đầy đủ các thành phần, chủng loại trang phục và phong cách thẩm mỹ khá tiêu biểu cho các dân tộc khu vực Tây Nguyên. Y phục cổ truyền của người Êđê là màu chàm, có điểm những hoa văn sặc sỡ. Đàn bà mặc áo, quấn váy. Đàn ông đóng khố, mặc áo. Người Êđê ưa dùng các đồ trang sức bằng bạc, đồng, hạt cườm. Trước kia, tục cà răng qui định mọi người đều cắt cụt 6 chiếc răng cửa hàm trên, nhưng lớp trẻ ngày nay không cà răng nữa. Hiện nay nữ thanh niên thường mặc váy kín. Đếch là tên gọi mảng hoa văn chính ở gấu áo. Ngoài ra phụ nữ còn có áo lót cộc tay (ao yêm). Xưa họ để tóc theo kiểu búi tó và đội nón duôn bai. Họ mang đồ trang sức bằng bạc hoặc đồng. Vòng tay thường đeo thành bộ kép nghe tiếng va chạm của chúng vào nhau họ có thể nhận ra người quen, thân.

13. D’ray Sáp.

Dray Sap theo tiếng Êđê nghĩa là Thác Khói, thuộc xã Nam Đà (nay là xã Đak Sor) nằm về phía bắc huyện Krông Nô thuộc tỉnh Đak Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuột 27 km. Dray Sap còn hoang sơ, nhưng lại là một trong những thác đẹp trên sông Xêrêpốc - dài hơn 25km, chảy qua địa phận xã Nam Đà. Khu du lịch Dray Sap rộng khoảng 1.800 ha, trực thuộc Công ty Thương mại & Du lịch tỉnh Đak Nông. Đây là khu rừng phòng hộ đầu nguồn, có nhiều loại cây gỗ quí hiếm cao to, phủ trùm bóng mát. Nơi đây có 3 con thác chính tạo thành một quần thể thác, bao gồm thác Gia Long, Dray Nu và Dray Sap. Trong đó, thác Gia Long từ thượng nguồn đổ về, tẻ ra làm 2 nhánh là Dray Sap (còn gọi là sông đực) và Dray Nu (sông cái). Từ thác Gia Long về Dray Sap có con đường nội bộ dài khoảng 4 cây số, rộng 2 thước, đã được gia cố xi măng, dành cho người đi bộ. Con đường nhựa từ cổng đi thẳng vào khu du lịch, dài 6 cây số. Từ Dray Sap sang Dray Nu khoảng độ trăm rưỡi thước, có cầu treo vượt thác. Đứng trên cầu treo, nhìn về Dray Sap, nghe tiếng thác reo và thấy như có lớp sương khói bốc lên. “Thác Khói” là dòng Xêrêpốc như một bức tường nước trắng xóa, với bề ngang xấp xỉ 80 thước - từ độ cao hơn 10 mét đổ xuống gần như là thẳng đứng. Những ngày thượng tuần tháng 11 Dương lịch còn mùa mưa lũ nên dòng thác cuồn cuộn nước, du khách không thể đến gần chân thác. Từ Dray Nu trở lại cầu treo, xuống dốc cầu, rẽ trái theo đường nội bộ phía đối diện Thác Khói sẽ phải vượt qua một đoạn dốc rất trơn trợt do vô vàn hạt nước bắn li ti suốt ngày đêm, tạo nên lớp sương mờ. Trong lớp “sương nước” và bóng râm của những tàng cây cổ thụ thật cao to; cẩn trọng, dò dẫm từng bước chân trên từng khối đá ong lỗ chỗ hằn dấu thời gian mà cứ ngỡ đi trong huyền thoại...

Chuyện kể rằng: “H’My, một người con gái dân tộc Ê-đê và người yêu của mình vẫn ngày ngày cùng nhau đi làm rẫy. Một hôm, khi họ đang ngồi nghỉ trên một tảng đá thì bỗng trông thấy một con quái vật đầu to như quả núi; mắt lớn như chiếc nồi đồng; râu dài; răng nhọn và toàn thân có vẩy lấp lánh như ánh bạc – đang bay lượn trên trời và bất thần lao xuống... Trong lúc gió nổi lên cuồn cuộn, cây cối ngả nghiêng, quái vật lao thật mạnh và cắm vòi xuống đất. Thế rồi, từ nơi ấy phụt lên một cột nước khổng lồ, kéo theo cả người con gái đang khiếp hãi. Riêng chàng trai bị bắn dạt đi, đau đớn, bất lực nhìn người yêu đã tan biến vào lớp sương mù cùng ánh bạc lấp lánh. Trước khi bay mất, con quái vật còn xòe đôi cánh lớn lượn mấy vòng và phun nước tạo nên một cơn mưa dữ dội. Từ đó, chàng trai biến thành một thân cây to như dáng người đang đưa tay than khóc, gốc cây cắm sâu vào ghềnh đá... Những người dân trong vùng truyền miệng rằng: Thỉnh thoảng, họ lại nhìn thấy từ trên trời phía đầu thác có một đám mây trắng giống hình cô gái đang sà xuống ôm ấp lấy thân cây cổ thụ kia. Và cứ mỗi lần đám mây kỳ diệu ấy xuất hiện thì ở vùng thượng nguồn con thác lại có mưa to và gió giật...”. Trên dòng sông Xêrêpốc thơ mộng có không biết bao nhiêu là câu chuyện tình. Ở Dray Sap cũng vậy, mỗi gốc cây, tảng đá... đều có những câu chuyện cảm động, khó quên về tình yêu lứa đôi, sự thủy chung, và ngang trái... khiến nước mắt chảy thành sông, thành thác.

Đường cáp quang nối khu du lịch Dray Sap đang làm lên thác Gia Long, hơn 5 cây số. Công ty Thương mại & Du lịch tỉnh Đak Nông đang kêu gọi đầu tư, liên kết các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư phát triển Khu du lịch Dray Sap trở thành khu du lịch sinh thái. Hy vọng số du khách đến với Dray Sap một địa chỉ du lịch trữ tình của Tây Nguyên không chỉ ở mức bình quân bảy, tám chục ngàn lượt người trong một năm như hiện nay.

14. Thác Trinh Nữ.

Thác Trinh Nữ: sở dĩ ngọn thác có cái tên đầy quyến rũ này là do bắt đầu từ một câu chuyện khá buồn : Một cô gái đang tuổi xuân thì, do trắc trở chuyện tình duyên đã tìm đến ngọn thác, mong gửi thân vào dòng nước bạc trắng xóa để quên đi nổi đau khổ, và như để tỏ lòng trắc ẩn, cảm thương cô gái xấu số kia, cái tên Trinh Nữ đã được người đời đặt cho ngọn thác. Cũng chính vì cái tên thơ mộng đó, cộng với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, từ nhiều năm qua, thác Trinh Nữ là một trong những địa điểm thu hút khách thập phương đến đây du ngoạn, ngắm cảnh nhiều nhất.

Trước khi cùng với nhánh sông Krông ANa hòa chung vào dòng Sêrêpôk cuồn cuộn chảy, nhánh sông Krông Nô còn phải vượt qua những dãy đá lởm chởm, xếp chồng lên nhau muôn hình, muôn vẻ. Thế nhưng, lực cản cuối cùng đó đã tạo nên một thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn và có một cái tên vô cùng thơ mộng - Thác Trinh Nữ. Bên cạnh việc vẫn giữ nguyên hiện trạng những gì vốn có do thiên nhiên ban tặng, bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, con người đã điểm xuyết, thêm thắt ít nhiều để tạo cho nơi đây trở thành một khu du lịch đúng nghĩa. Không những giúp du khách có cơ hội cảm nhận được hết cái vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên mà còn thấy mình được đón tiếp, phục vụ một cách chu đáo khi đặt chân đến đây. Theo những con đường uốn lượn, bậc cấp bằng đá, bạn có thể đi dọc theo dòng chảy của thác để ngắm cảnh nước non đang hòa quyện vào nhau. Khi đôi chân đã mỏi, hay muốn vui chơi ca hát, chén tạc chén thù với nhau, bạn có thể nghỉ ngơi, quây quần thoải mái dưới những chiếc chòi mái lá xinh xắn trong một khung cảnh chỉ có riêng mình với thiên nhiên.

15. Chùa Khải Đoan, QL14, đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh.

Chùa Khải Đoan còn gọi là Khải Đoan Tự, nằm ở Trung tâm Thành phố BuônMaThuột tỉnh DakLak trong khuôn viên xấp xỉ 7 sào Trung bộ thuộc địa phận Phường Thống Nhất. Tên chùa 'Khải Đoan được ghép bởi 2 từ đầu của vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy Hoàng Thái Hậu.

Chùa Khải Đoàn bắt đầu xây dựng từ năm 1951 với hai phần hậu tổ và nhà giảng, còn chính điện thì đến năm 1953 mới khởi công. Người có công lớn trong việc xây chùa này là Đoan Huy Hoàng Thái Hậu vợ vua Khải Định và chính bà đã đặt tên cho chùa này là Khải Đoan Tự. Chùa được xây dựng bởi những bàn tay khéo léo của những người thợ cố đô Huế nên có kiến trúc nhà rường Huế xen lẫn với kiến trúc địa phương. Cổng chính theo hướng Tây Nam nhìn ra đường Quang Trung, hướng về thung lũng Suối Đốc Học. Trước và sau cổng đều ghi Khải Đoan Tự.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Khải Đoan là nơi có phong trào Phật giáo yêu nước đấu tranh đòi hòa bình thống nhất Tổ quốc. Chùa còn là nơi đùm bọc, che chở cho nhiều quần chúng cách mạng hoạt động, chùa Khải Đoan chính là nơi nổ ra các cuộc đấu tranh chính trị góp phần quan trọng vào phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Cùng với Biệt Điện Bảo Đại, Đình Lạc Giao, Nhà đày Buôn Ma Thuột, chùa Khải Đoan là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn đồng thời cũng là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh DakLak và của Thành phố Buôn Ma Thuột.

Quốc lộ 14 là tuyến đường thông thương giữa khu công nghiệp phát triển tập trung ở Đà Nẵng và cụm cảng nước sâu Dung Quốc (Quảng Ngãi), hơn nữa tuyến quốc lộ 14 nối với quốc lộ 40 qua cửa khẩu 18 giao lưu với nước Lào và đông bắc Thái Lan là điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thông của huyện Đăk Hà trong tương lai. Tuyến quốc lộ 14 chạy dọc theo hướng Bắc - Nam, bắt đầu từ ranh giới xã ĐăkLa, qua phía đông bắc xã Hà Mòn, qua trung tâm thị trấn Đăk Hà, xã Đăk Ma, Xã Đăk Hring. Đoạn quốc lộ 14 chạy qua địa phận Đăk Hà có chiều dài 24,30 Km. Các tuyến huyện lộ Đăk Hring đi Đăk Pxy có chiều dài 14 Km, tuyến lộ thị trấn Đăk Hà - Đăk Ui có chiều dài14,60 Km, tuyến đường liên xã Hà Mòn - Ngọc Réo có chiều dài 22 Km, ngoài ra còn có các tuyến đường liên xã, liên thôn khác với tổng chiều dài 413 Km. Tuyến quốc lộ 14 hầu hết đều chạy qua trung tâm các xã trong huyện tạo tiền đề phát triễn kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn huyện Đăk Hà. Tuy vậy, huyện mới thành lập nên các tuyến huyện lộ mới được tu bổ chủ yếu là đường đất, giao thông đi lại trong mùa mưa rất khó khăn, ảnh hưởng đến phát triền kinh tế - xã hội và dân trí.

Bình Phước là tỉnh miền Đông Nam Bộ, nối liền với Nam Tây Nguyên, và phần cuối của dãy Trường Sơn. Trong kháng chiến, Bình Phước là địa bàn căn cứ chiến lược, là hành lang nối liền khu 6 và khu 7 với chiến khu D Đông Nam Bộ, căn cứ miền là đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh, nơi tiếp nhận sức người, sức của của hậu phương lớn chi viện cho chiến trường Nam Bộ, là nơi có thủ phủ của Chính Phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Lộc Ninh, có căn cứ của Quân ủy và Bộ chỉ huy miền trong chiến dịch tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975.

16. Nghề săn bắt voi ở Đắk Lắk.

Nghề săn bắt voi ở Đắk Lắk đã có từ lâu rồi, từ thời những nhóm người Lào di cư sang bám vào ven dòng Sêrêpôk và chọn nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng làm kế sinh nhai. Một người có thành tích bắt và thuần hóa hơn 340 con voi được “phong vương” - Khun Ju Nốp tên là N'Thu Knul, hay còn gọi là Y Thu. “Vua” voi cũng là người mang đến cho các lễ hội của người Ê Đê, Gia Rai, Mơ Nông... Chính vì thế, ngay từ nhỏ, hình ảnh những con voi rừng hung dữ lại trở thành người bạn hiền lành của buôn làng đã khiến cậu bé Prông Êban rất thích thú. Năm 13 tuổi, Prông Êban đã làm thợ phụ trong đoàn săn voi của buôn. Đến năm 17 tuổi ông trở thành thợ chính. Trong chuyến đi này, ông đã bắt được 5 con voi. Một chuyến đi săn của ông thường kéo dài khoảng 2 tuần, nhưng cũng có khi kéo dài đến trên 30 ngày.

Chuyến đi săn voi cuối cùng năm 1996, Prông Êban đi ròng rã 48 ngày, qua tận Campuchia và bắt được 7 con voi. Ông đã từng tặng voi cho vua Thái Lan, vua Lào. Năm 1943, ông đã từng đi săn voi với vua Bảo Đại. Năm 1995, sau khi Nhà nước nghiêm cấm săn bắt thú rừng,  Prông Êban về làm việc tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Hiện ông đã 91 tuổi, có 21 người con, 118 cháu, chắt.

Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam - Vietbooks sau thời gian tiến hành nghiên cứu, xác minh cũng như nhận được ý kiến đóng góp và phản biện của độc giả trên toàn quốc, chính thức công nhận ông Prông Êban là người săn được nhiều voi nhất Việt Nam.

17. Cà phê Đắk Lắk, Rượu cần ở Đắk Lắk và Rượu cần ở Lâm Đồng.

Nói đến Đắk Lắk với thủ phủ là thành phố Buôn Mê Thuột là nói đến cà phê. Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành một thương hiệu không chỉ nổi tiếng trong nước mà cả trên thị trường thế giới. Trải qua nhiều bước thăng trầm, với gần 200.000ha và chiếm tới 50% diện tích cà phê của vùng Tây Nguyên, cà phê vẫn là cây trồng đem lại thu nhập cao cho người nông dân Đắk Lắk. Diện tích mía, lúa, ngô lai, điều cũng phát triển nhanh. Năm 2005, sản lượng lương thực toàn tỉnh ước đạt 800.000 tấn, vượt đến 250.000 tấn so với kế hoạch, trong đó ngô chiếm tới 66%. Để phát triển kinh tế, khai thác các thế mạnh của địa phương tỉnh chủ trương phát triển các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để thu hút đầu tư. Đắk Lắk hiện đẫ hình thành và xây dựng khu công nghiệp Hoà Phú, cụm tiểu thủ công nghiệp Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Ea Dar. Nằm trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Đắk Lắk có 1,7 triệu dân, trong đó 30% là người dân tộc thiểu số, thuộc 44 dân tộc anh em. Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk luôn xác định việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống các dân tộc địa phương là một nhiệm vụ trọng tâm.

Ai đã có đôi lần ghé qua các buôn làng Tây Nguyên, chắc đã được biết đến hai tiếng "rượu cần". Rượu cần (T-rơ-nơm) là thức uống truyền thống độc đáo của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tuy từng nơi có khác nhau ít nhiều về cách chế biến và mục đích sử dụng. Phần lớn các dân tộc ở vùng cao khắp châu Á cũng có rượu cần. Cái ú hay ché (giăng) được các dân tộc thiểu số dùng làm rượu cần và được xem là vật gia bảo có giá trị cao ngàng hàng với bộ đồng la (ching), vòng đeo cổ (nhoòng)... Ngoài ý nghĩa là vật cúng, vật dẫn lễ, rượu cần còn được xem là món giải khát rất bổ dưỡng. Mọi lứa tuổi, mọi giới, kể cả người ốm đều dùng được.

Về đặt tính của rượu cần: Là thức uống có rượu nhưng không phải cất. Là sản phẩm lên men rượu nhưng không có hơi ga. Màu đỏ như hổ phách, trong suốt. Mùi thơm dịu đặc trưng không có mùi cồn. Vị ngọt, không cay, không đắng.

Về cách pha chế rượu cần: Ché làm rượu phải sạch, tráng nước sôi, phơi khô một ngày nắng. Gạo, bắp mới giã, nấu thành cơm vừa chín, không khê, nhão. Trộn men vào cơm còn ấm, bọc lá chuối sạch và ủ một đêm, giữ nhiệt bằng trấu (Men được sản xuất bắng cách giã nhỏ vỏ cây rừng với gạo phơi khô trong mát, cất vào gùi dùng dần).  Lựa lá trấu lớn lót bên trong đáy ché, dày khoảng vài phân, sau đó để cơm ủ men lên trên, đến cách miệng ché khoảng 10 phân thì ủ trấu dày. Nhồi tro với nước để làm nắp đậy cho ché rượu. Trát kín mép ché và trên nắp. Sau khoảng 2 tuần thì rượu chín, có mùi thơm nhẹ, rượu càng lâu càng ngon, vị ngọt đậm, hương thơm nhiều, màu đỏ sậm như màu mận chín.

18. Giới thiệu về Buôn Đôn, Rừng quốc gia YokĐôn.

Buôn Đôn cách Buôn Ma Thuột gần 50 km về phía Tây - Bắc là một vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ðó là Buôn Ðôn, nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc: Ê Ðê, M’nông, Gia rai, Lào, Thái... Buôn Ðôn cũng đã và đang trở thành một thương hiệu nổi tiếng của du lịch ĐăkLăk và Tây Nguyên nói chung.

Buôn Ðôn là tên gọi theo tiếng Lào, nghĩa là làng Ðảo, vì luôn được lập bên cạnh con sông Sêrêpốk có nhiều đảo nhỏ nổi giữa dòng nước ngày đêm cuồn cuộn chảy. Một bên sông là cuộc sống cộng đồng buôn làng êm ả, một bên là rừng đại ngàn Yok Ðôn đầy bí ẩn, kỳ thú và như còn vang vọng những âm thanh hào hùng của các cuộc săn voi từ xa xưa. Dưới con mắt những nhà chuyên môn, Buôn Ðôn có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác cả hai loại du lịch: du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Nơi đây có Vườn quốc gia Yok Ðôn rộng hơn 100 ngàn ha là bảo tàng phong phú về động thực vật tự nhiên. Nhiều vị khách du lịch cho rằng, đến ĐăkLăk mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như chưa lên ĐăkLăk; như vậy có thể nói rằng khu du lịch Buôn Đôn có một vị trí rất quan trọng trong các danh lam, thắng cảnh của tỉnh ĐăkLăk.

Hiện nay, thương hiệu du lịch Buôn Đôn đang được 3 đơn vị khai thác. Từ Trung tâm huyện Buôn Đôn đi vào khoảng 15km, rẽ tay trái chừng 500m bạn sẽ gặp trước tiên là Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn, đây là công ty đang khai thác Làng đảo Bản Đôn và thác Bảy Nhánh. Đến đây, quý khách được thưởng thức những cảnh đẹp tuyệt vời của Làng Đảo, cũng cầu treo, ngắm thác bảy nhánh, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên trù phú và đặc biệt là được ngắm ngôi nhà dài hàng trăm mét của đồng bào Tây Nguyên.

Vườn quốc gia Yok Đôn nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Đắk Lắk thuộc địa bàn hai huyện Buôn Đôn và Ea Sup, cách thành phố Buôn Mê Thuột gần 50km, là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn nhất ở nước ta, với diện tích tổng cộng: 115.500ha. Con sông Srépok chảy từ Đông sang Tây, xuyên qua vườn quốc gia đã tạo cảnh quan nơi đây thật đẹp, hệ sinh thái thật đa dạng và phong phú. Vườn quốc gia Yok Đôn còn là nơi ẩn chứa biết bao điều lý thú, hấp dẫn các nhà khoa học và du khách bởi sự phong phú và độc đáo của thiên nhiên hoang sơ. Những cánh rừng đại ngàn của Yok Đôn thuộc hệ sinh thái mang đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông Nam Á. Ở đây có nhiều gỗ quý như: giáng hương, gõ đỏ, sao lá tím, trắc, cẩm lai, cà te...

Địa hình Vườn quốc gia Yok Đôn khá bằng phẳng trong đó nổi lên các ngọn núi Yok Đôn cao 482m, Yok Đa cao 442m, Reheng 410m. Rừng nguyên sinh chiếm đến 90% diện tích toàn vườn quốc gia, là môi trường sống lý tưởng cho các loài động thực vật. Theo các nhà khoa học, Vườn quốc gia Yok Đôn hiện có 67 loài thú, 46 loài bò sát, 196 loài chim, 15 loài lưỡng cư và khoảng hơn 100 loài côn trùng sinh sống. Nguồn động vật hoang dã không những đa dạng và phong phú mà còn đặc trưng cho hệ động vật vùng Đông Nam Á. Trong số 56 loài động vật quý hiếm ở Đông Dương thì ở Yok Đôn có đến 36 loài, trong đó có 17 loài được ghi trong sổ đỏ thế giới như voi, trâu rừng, bò rừng xoắn, sơn dương, hươu sao, phượng hoàng... Đây còn là khu vực duy nhất ở Việt Nam có nhiều loài động vật quý hiếm sống tập trung với số lượng lớn như: báo, kỳ đà nước, bò rừng, nai cà tông. Còn hệ thực vật ở đây cũng phong phú, đa dạng chẳng kém với 464 loại trong đó có nhiều loại chỉ có ở Tây Nguyên. Vườn quốc gia còn tập trung nhiều giống hoa rừng quý hiếm, chỉ riêng phong lan cũng đã có 25 loại với đủ màu sắc tuyệt đẹp.

Vườn quốc gia Yok Đôn được thành lập năm 1992. Từ đó đến nay, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu về sinh học của vườn quốc gia, nghiên cứu đặc điểm sinh thái của các loài động vật hoang dã cũng như khám phá ra nhiều loài thực vật quý hiếm. Bên cạnh công tác bảo tồn, Ban Quản lý Vườn quốc gia Yok Đôn đã tích cực phối hợp với ngành du lịch Đắk Lắk tham gia phát triển các loại hình du lịch sinh thái, tham quan, nghiên cứu và thám hiểm các khu rừng nguyên sinh.

19. Giới thiệu vài nét về cồng chiêng Tây Nguyên.

Cồng chiêng Tây Nguyên là nơi chứa đựng những giá trị kiệt tác của nhân loại. Không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng độc đáo kỹ thuật diễn tấu mà cồng chiêng còn là biểu tượng cho cuộc sống của con người nơi đây. Văn hoá cồng chiêng được bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn cổ đại, nền văn minh được biết đến với tư cách là một nền văn hoá trống đồng nổi tiếng ở Đông Nam Á. Nghệ thuật cồng chiêng của Việt Nam đã phát triển đến một trình độ cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị văn hóa của cồng chiêng ở Việt Nam có vị thế đặc biệt nổi bật trong hệ nhạc khí cổ truyền ở bởi nó bắt nguồn từ sự tổng hoà các giá trị văn hóa đa dạng như: Giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; Giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; Giá trị phản ánh đa chiều; Giá trị nghệ thuật; Giá trị sử dụng đa dạng; Giá trị vật chất; Giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; Giá thị tinh thần; Giá trị cố kết cộng đồng và Giá trị lịch sử.

Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên bao trùm 5 tỉnh Tây Nguyên, tập hợp của 17 dân tộc thiểu số. Cồng chiêng được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người, thần thánh và thế giới siêu nhiên, những chiếc cồng chiêng của mỗi gia đình xưa kia còn biểu hiện cho sự giàu có của người dân Tây Nguyên.

Cồng, chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Các dàn cồng chiêng thường gồm nhiều bộ. Mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hoà tấu. Nhạc cụ cồng chiêng có nhiều cỡ, đường kính từ 20, 50 đến 60 cm, loại cực đại tới 90 - 120 cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, một bộ có từ 2 đến 12 - 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18 - 20 chiếc. Trong một bộ chiêng có chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất.

Các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hoà tấu nhạc đa âm. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có bộ tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng...Mỗi bài chiêng đều có rất nhiều bè, trong đó mỗi cá nhân sẽ dùng một cái chiêng, bài chiêng có bao nhiêu chiêng thì có bấy nhiêu người đánh. Các nghệ sĩ cồng chiêng nhớ rõ các tiết tấu trong đầu và kết hợp với nhau rất hài hòa. Cách phối hợp âm thanh của dàn cồng chiêng giữa các chiếc cồng để làm thành thang âm điệu thức là điều rất đặc biệt.

Người Tây Nguyên còn có nhiều phong cách chơi cồng chiêng rất phong phú và bài bản. Người BaNa và Giarai có phương pháp đánh chỉ điệu (một bài trầm đánh trên một vài giai điệu); người Êđê đánh theo cách thức từng chùm...Ngoài ra còn có phong cách sử dụng chiêng của từng tộc người như người Chăm, Churu hay người Ra-glai, họ thường chỉ có 5,6 chiêng, số lượng ít hơn so với người Giarai, Êđê, M'nông.

Người dân Tây Nguyên không chỉ dùng riêng một loại chiêng núm hoặc chiêng bằng, mà thường dùng kết hợp với nhau. Trong đó, chiêng núm làm bè trầm, chiêng bằng đánh giai điệu. Khi biểu diễn vòng tròn, các nghệ nhân đánh và di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái với ý nghĩa ngược chiều với thời gian, hướng về nguồn cội.

Giá trị của cồng chiêng không chỉ thể hiện ở kỹ thuật chế tác mà nó còn có ý nghĩa tâm linh. Cồng, chiêng đại diện cho văn hoá Tây Nguyên, được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng. Người Gia-rai, khi đứa trẻ được sinh ra, trong lễ hội "thổi tai", tiếng chiêng sẽ cấp cho đứa bé những tín hiệu đầu tiên của văn hoá dân tộc. Chiêng còn sử dụng khi làm đám cưới, làm nhà mới, làm rẫy, đưa người chết ra mồ và cả khi bỏ nhà mồ. Chiêng đem cái thiêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một không gian thanh cao, tâm linh, huyền ảo. Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên hoà nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội...của người nơi đây. Không chỉ có vậy, tiếng cồng chiêng còn đem đến đời sống của người Tây nguyên sự lãng mạn. Đó chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người.

Cồng chiêng cũng là một nhạc cụ rất phổ biến trong nền âm nhạc của các tộc người Việt Nam. Nhưng với người Tây Nguyên, cồng chiêng là đại diện, là nguồn sống, là tín ngưỡng tâm linh. Những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng sẽ sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên.

20. Giới thiệu Buôn Jun, Hồ Lắk, QL27.

Hồ Lăk ở Buôn Jun không chỉ ở trước mắt bạn, mà còn hiện ra trong những câu chuyện cổ tích được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Hồ Lăk cách Buôn Ma Thuột khỏang 56km về phía Nam theo quốc lộ 27 đi Đà Lạt. Xung quanh hồ được bao bọc bởi những dải núi và rừng nguyên sinh, tạo nên cảnh quan rất ngọan mục.Nước hồ xanh thăm thẳm in bóng thông trên các ngọn đồi. Mặt hồ được phủ kín bời sen, mùa sen nở sắc trắng xen lẫn sắc hồng đẹp tựa chốn bồng lai. Trên đỉnh đồi cao, con đường xoắn ốc men theo sườn đồi dẫn lên Biệt điện Bảo Đại rợp bóng cổ thụ, cùng cỏ xanh và hoa dại. 

Về Hồ Lăk nghe kể chuyện ngày xưa, để du thuyền độc mọc, hay đủng đỉnh cuỡi voi đi dạo. Rồi đêm về, bên ché rượu cần, nghe con trai, con gái Tây Nguyên múa hát bên ánh lửa cùng tiếng cồng chiêng, lắng nghe người già kể khan, ăn chén cơm dẻo thơm mùi lúa mới, thưởng thức món chả cá thác lác đặc sản ở nơi này.

Quốc lộ 27 bắt đầu từ ngã ba Phan Rang đến thành phố Đà Lạt rồI trãi dài đến thành phố Buôn Ma Thuột với tổng chiều dài là 285km. Con đường này được xây dựng từ năm 1914 đến năm 1920 thì hoàn thành. Trước đây do lưu lượng xe qua cầu tăng, nên người ta phải áp dụng cách chia thời gian cho xe lên và xuống cầu. Ngày nay quốc lộ đã được mở rộng và trãi nhựa bằng phẳng thuận tiện cho hai làn xe chạy.

21. Khái quát tỉnh Lâm Đồng – TP. Đà Lạt, trường ĐH Tổng hợp Đà Lạt.

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên có diện tích 9.765km2, chiếm khoảng 3% diện tích cả nước. Phía đông giáp các tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận. Phía tây nam giáp tỉnh Đồng Nai. Phía nam – đông nam gáp tỉnh Bình Thuận. Phía bắc giáp tỉnh Đắc Lắc.

Đặc điểm chung của Lâm Đồng là địa hình cao nguyên. Đặc điểm nổi bật của địa hình tỉnh Lâm Đồng là sự phân bậc khá rõ ràng từ bắc xuống nam. Phía bắc tỉnh là vùng núi cao, vùng cao nguyên Lang Bian với những đỉnh cao từ 1.300m đến hơn 2.000m như BiĐúp 2.287m, LangBiang 2.167m. Phía đông và tây có dạng địa hình núi thấp độ cao 500m – 1.000m. Phía nam là vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Di Linh – Bảo Lộc và bán bình nguyên.

Khoáng sản trong phạm vi tỉnh Lâm Đồng  thuộc thời đại sinh khoáng Mesozoi muộn – Kainozoi sớm và thời đại sinh khoáng Kainozoi. Liên đoàn địa chất 6 đã tổng hợp được 165 điểm khoáng sản, trong đó có 23 mỏ lớn, 3 mỏ vừa, 48 mỏ nhỏ và 91 điểm quặng. Các mỏ và điểm quặng được chia ra thành 7 nhóm: Than (than nâu, than bùn). Kim loại (sắt, wolfram, chì – kẽm, antimoan, nhôm, thiếc, vàng). Phi kim loại (cao lanh, felspat, bentonit, diatomit). Vật liệu xây dựng (cát, đá, sét). Đá quý và bán quý (saphyr, topa và thạch anh tinh thể, opan, tectit). Dị thường phóng xạ. Nước khoáng.

Tỉnh Lâm Đồng thuộc vùng 4 của khí hậu Tây Nguyên với khí hậu nhiệt đới gió mùa. Trên toàn lãnh thổ, do địa hình phức tạp nên có sự khác nhau về độ cao và độ che phủ của thảm thực vật. Tuy nhiên, thời tiết ở Lâm Đồng ôn hoà, dịu mát quanh năm; thường ít có những biến động lớn trong chu kỳ năm. Nhiệt độ thay đổi rõ rệt giữa các khu vực, càng lên cao nhiệt độ càng giảm. Nhiệt độ trung bình năm của tỉnh dao động 16 – 23oC. Lượng mưa năm phân bố không đều theo không gian và thời gian, dao động trong khoảng 1.600 – 2.700mm. Sườn đón gió tây nam (Bảo Lộc) có lượng mưa năm lớn đạt tới 3.771mm.

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-2005, Lâm Đồng có 1.255.221 người, chiếm 1,95% dân số cả nước. Mật độ dân số: 105 người/km2. Lâm Đồng là một tỉnh đa dân tộc. Người Kinh là dân tộc chiếm đa số tại địa phương. Ngoài người Kinh, Lâm Đồng còn có: các dân tộc bản địa: Cơ Ho (112.737 người), Mạ (25.289 người), M’Nông (9.679 người), Chu Ru (14.579 người), Rắc Lây (989 người), Xtiêng (256 người). các dân tộc từ miền Bắc: Tày (18.927 người), Nùng (8.491 người), Thái (4.178 người), Mường (2.067 người), Thổ (522 người). Dân tộc người Hoa (15.229 người).

Thành phố Đà Lạt: tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lang Bian nên Đà Lạt có độ cao 1.500m so với mặt nước biển. Đà Lạt có khí hậu mát mẻ quanh năm, là một đô thị có cảnh quan độc đáo, với sự kết hợp hài hòa giữa phong cảnh thiên nhiên với các công trình kiến trúc của con người.

Về du lịch Đà Lạt trải qua hơn một thế kỷ xây dựng và phát triển, mặc dù đã qua nhiều chế độ nhưng vẫn mang mục đích ban đầu là một thành phố du lịch nghỉ dưỡng. Ngay từ khi mới hình thành, với khí hậu đặc thù á nhiệt đới gió mùa, có nhiệt độ trung bình hàng năm 18,5oC, cùng với diện tích rừng thông ba lá đặc hữu lớn nhất nước (hàng chục ngàn hecta), Đà Lạt là thành phố du lịch khá nổi tiếng. Nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách.

Chính phủ đã xác định Đà Lạt là một trong 10 trung tâm du lịch dã ngoại của cả nước. Dự án VIE 89.003 của tổ chức Du lịch thế giới (OMT) và kế hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2005 của cơ quan phát triển Liên hiệp quốc đã xác định Đà Lạt là hạt nhân của vùng du lịch số 3 (một trong 4 vùng du lịch của Việt Nam). Tính đến nay, trong số 26 thắng cảnh của Đà Lạt, Bộ Văn hóa đã quyết định công nhận 7 di tích văn hóa: thác Cam Ly, thác Đatanla, thác Prenn, hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm, hồ Than Thở và cụm Thung lũng Tình yêu, đập III Đa Thiện.

Về kiến trúc cảnh quan Đà Lạt là một trong số ít đô thị của Việt Nam được quy hoạch tổng thể về xây dựng rất sớm. Qua nhiều thời kỳ, các chương trình chỉnh trang đô thị được tiến hành; công tác xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan được chú trọng. Tổng thể kiến trúc cảnh quan đô thị Đà Lạt là sự phối hợp hài hòa giữa địa lý cảnh quan với nghệ thuật kiến trúc châu Âu hài hòa với kiến trúc Đông Á châu, đã tạo cho các công trình kiến trúc của Đà Lạt có độ thấm mỹ cao. Tính chất Thành phố trong rừng - rừng trong thành phố là một bức tranh có sự sắp xếp hài hòa theo một bố cục đặc thù độc đáo, đã góp phần làm tăng tính hấp dẫn đối với du khách đến Đà Lạt.

Về Giáo dục - đào tạo Đà Lạt đã trở thành một trong những trung tâm giáo dục - khoa học lớn của khu vực phía Nam; tạo nên môi trường "trí thức" trong đời sống xã hội. Hiện nay, Đà Lạt có hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và một hệ thống mạng lưới trường lớp hoàn chỉnh từ cấp cơ sở đến bậc đại học.

Trường đại học tổng hợp Đà Lạt nằm về phía Bắc hồ Xuân Hương, trên đường Phù Đổng Thiên Vương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 2km. Toàn bộ khu vực nằm trên một cụm đồi rất thơ mộng nhìn sang sân golf rộng khoảng 38ha với hơn 40 toà nhà lớn nhỏ ẩn hiện thấp thoáng giữa rừng thông.

Được thành lập do Nghị Định số 67/BNV/NA/P5 ngày 8-8-1957, Viện đại học Đà Lạt có cơ sở nguyên là Trường Thiếu Sinh Quân hỗn hợp Âu Á (École d’Enfants de Troupe de DaLat – Thành lập năm 1939), được quản lý do Hội đồng Giám mục Việt Nam và là Đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam. Với danh hiệu là THỤ NHÂN tức trồng người, Viện Đại học Đà Lạt đã chính thức hoạt động từ năm học 1958 – 1959 với 5 Khoa (trường) Sư phạm, Văn khoa, Khoa học, Thần học và được biết đến nhiều nhất là Chính trị Kinh doanh. Sau ngày đất nước thống nhất, Viện Đại học Đà Lạt được nhà nước quản lý và đổi thành Trường Đại học Đà Lạt theo quyết định số 426 TTg ngày 27-10-1976 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay trường có 18 ngành học với 7 chương trình Giáo dục đại cương, 10 chương trình Cử nhân Khoa học, 8 chương trình Cử nhân Sư phạm, tiếp nhận khoảng 14.000 sinh viên theo học hàng năm. Trường cũng có mối quan hệ thường xuyên với khoảng 30 tổ chức quốc tế và các Trường đại học trên thế giới.

22. Giới thiệu đèo Prenn, thác Prenn và thác Đatanla.

Đèo Prenn Đà Lạt là con đường lên độ cao 1.500m ngoằn ngoèo ôm lấy những rừng thông thẳng tắp, vút lên trời, tỏa ánh sáng xanh. Không gian rì rào âm thanh. Như có tiếng đàn cầm ai khẽ gảy giữa thinh không lạnh vắng. Một khúc buồn. Rồi cũng từ đó, bỗng vi vút, vi vút những âm thanh lạ và cao. Thông nói. Thác nói. Những lời từ đất âm lên, từ trời vọng xuống... Đà Lạt như chốn mơ có thật!

Thác Prenn nằm ngay chân đèo Prenn, cạnh quốc lộ 20, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 10km. Cái tên Prenn gợi nhớ đến một thời xa xăm vào khoảng thế kỷ XV – XVII, khi vùng núi rừng nơi đây còn là ranh giới chiến trường của các cuộc chiến tranh xâm lăng và bảo vệ lãnh thổ. Prenn gốc tiếng Chăm có nghĩa là “vùng xâm chiếm”, còn các tộc dân bản địa như Lat, Chil, Sré lại gọi kẻ xâm lăng là “người Prenn”. Để vào thác, du khách phải qua một chiếc cầu ngắn bắc ngang dòng suối đã được kè chắn bằng bêtông nhằm tránh bị xói lở. Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý; Du khách sẽ nhìn thấy một bức màn nước buông mình từ độ cao gần 10m xuống thung lũng nhỏ đã được chỉnh sửa thành vườn hoa mà từ đây có nhiều lối đẹp đưa chân lên các đồi thông thoáng đãng chung quanh. Du khách có thể men theo các con đường dẫn đến vườn thú, vườn lan hay thư thả dạo gót hoa viên ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc, những căn chòi xinh xinh trên ngọn cây hoặc đung đưa cùng cầu treo bắc ngang dòng suối nhỏ. Ở một góc độ khác, vườn đá Thái Dương với sự sắp xếp đầy ngẫu hứng tạo được một bất ngờ thú vị. Đặc biệt với hệ thống cáp treo, du khách có thể ngang qua dòng thác trong cảm giác phiêu bồng, tưởng như đang đi vào cõi thần tiên.

Nằm khoảng giữa đèo Prenn cách Đà Lạt 5km đó là thác Datanla tuy không hùng vĩ, ồn ào như nhiều dòng thác khác của Đà Lạt, nhưng lại có một sức cuốn hút đặc biệt đối với những ai thích mạo hiểm phiêu lưu. Datanla hay Datania do các từ K’Ho ghép lại: “Đà –Tàm - N’ha” có nghĩa là “nước dưới lá” – liên hệ đến cuộc chiến tranh Chăm, Lạt, Chil thế kỷ XV-XVII. Từ quốc lộ 20 rẽ xuống dốc khoảng 300m là tới một thung lũng nhỏ, du khách sẽ gặp thác Datanla với cảnh trí đầy hấp dẫn và đậm nét hoang sơ. Thác đổ xuống từ ghềnh cao 20m, len lõi qua nhiều tầng nấc trong các khe đá rồi lẫn khuất đâu đó trong rừng sâu tạo thành một dòng suối, lúc ẩn lúc hiện như mời gọi thách thức bước chân khách lãng du. Nơi đây có những tảng đá nhẵn bóng thật đẹp, tương truyền xưa kia các tiên nữ trên thượng giới thường ghé lại nô đùa tắm suối nên khu vực này còn được gọi là Suối Tiên. Đi xa xuống phía dưới, du khách sẽ gặp một hẻm vực sâu hun hút được gọi là vực Tử Thần. Đây là một nơi khá nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn nên nếu không được tổ chức thám hiểm do các đơn vị chuyên nghiệp với những trang thiết bị bảo đảm an toàn, du khách không nên liều lĩnh khám phá những bí ẩn hẻm vực Tử Thần Datanla.

23. Thiền viện Trúc Lâm, hồ Tuyền Lâm và khu du lịch Cáp treo Đà Lạt.

Từ quốc lộ 20 đi vào hồ Tuyền Lâm, du khách có thể rẽ phải theo con đường tráng nhựa ngoằn nghèo ôm sườn núi để đến đỉnh Phượng Hoàng, nơi tọa lạc Thiền viện Trúc Lâm đẹp nổi tiếng trong một khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng nên thơ. Ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, với chủ trương khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập, một dòng thiền đã biết dung hợp các thiền phái Thảo Đường, Vô Ngôn Thông, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Lâm Tế … để un đúc thành Thiền Tông Việt Nam với bản sắc văn hoá, phong tục tập quán của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm được xây dựng theo quyết định số 1039/QĐ-UB ngày 19-07-1993 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, trên một khuôn viên bảo vệ rừng là 23,2 ha trong đó diện tích xây dựng khoảng 2 ha.

Thiền viện Trúc Lâm đã được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ phác hoạ tổng thể, kiến trúc sư Huỳnh Ngọc Ẩn vẽ thiết kế chánh điện. Sau đó Viện thiết kế quy hoạch tổng hợp thành phố Đà Lạt đã vẽ lại và vẽ thêm phần thiết kế khu nội viện. Trong quá trình xây dựng, Hoà thượng Viện trưởng có nhờ kiến trúc sư Vũ Xuân Hùng vẽ thêm phần cổng tam quan và tháp chuông đồng thời cũng vẽ điều chỉnh lại để cho kiến trúc có đường nét thanh thoát nhẹ nhàng và đậm tính dân tộc hơn. Công trình xây dựng bắt đầu từ ngày 08 tháng 04 năm Quý Dậu(1993), với sự giúp đỡ nhiệt tình của các tăng, ni Phật tử trong và ngoài nước, chỉ sau 10 tháng thi công đã tạm hoàn tất và khánh thành trọng thể vào ngày 08 tháng 02 năm Giáp Tuất (1994).

Ngoài ngôi chánh điện ở vị trí trung tâm, công trình còn có tham vấn đường, lầu chuông và nhà trưng bày bên phải; gác trống, nhà khách tăng, thư viện, thiền thất viện trưởng và thiền đường bên trái. Để đến được chánh điện du khách có thể theo hai lối: hoặc từ bến đỗ xe theo cổng bên leo lên 61 bậc cấp, hoặc từ hồ Tuyền Lâm leo 222 bậc cấp qua 3 cổng tam quan để vào thẳng sân trước chánh điện. Trong chánh điện, giữa khoảng không gian cao rộng ngập tràn ánh sáng, chỉ tôn trí một pho tượng Đức Bổn Sư cầm hoa sen đưa lên – đây là hình ảnh của Đức Phật trong Pháp hội Linh Sơn, một ấn tượng về “có mà như không, không mà như có” của đạo thiền. Thiền là pháp môn giúp chúng ta sống với sự “tỉnh thức”, đưa tâm trở về trạng thái an định. Thiền phái Trúc Lâm chú trọng sự tu tập nội tâm của bất cứ ai, dù đó là tu sĩ xuất gia hay người sống tại gia. Đường lối tu tập hướng nội dẫn đến thanh tịnh hoá bản thân, khiến lòng không còn vướng bận và tự tánh hiển lộ đây là tâm trạng thực sự an ổn trong chính mỗi người mà không phải tìm kiếm cực lạc ở tận phương trời nào xa xăm. Vãn cảnh Thiền viện Trúc Lâm, trong cái tĩnh lặng mênh mông của núi đồi, du khách như được giải thoát khỏi những muộn phiền cố hữu, và bỗng gặp lại mình giữa đất trời bao la. Viện trưởng đương nhiệm là Hoà thượng Thích Thanh Từ.

Hồ Tuyền Lâm được tạo thành bởi dòng suối Tía và thượng nguồn sông Đa Tam từ núi Voi đổ về. Trong nổ lực tạo nguồn nước dự trữ và tưới tiêu cho các cánh đồng huyện Đức Trọng, từ năm 1982 Bộ Thủy Lợi đã tiến hành việc đắp đập ngăn nước ở đây. Công trình xây dựng đến năm 1987 mới hoàn thành đã mở rộng mặt hồ đến 32km2 với độ sâu có nơi trên 30m nối liền các núi đồi tạo thành một cảnh quan thiên nhiên hoành tráng. Du thuyền trên hồ, du khách có dịp chiêm ngắm bao điều kỳ diệu của núi đồi Đà Lạt mà ở một góc độ luôn cho phép những khám phá mới lạ. Sẽ thú vị hơn khi ghé thác Bảo Đại, du khách có dịp làm quen một gia đình sống đơn lẻ nơi đây trong sự gắn bó lạ lùng với thiên nhiên. Và khi ghé khu dã ngoại Nam Qua, Đá Tiên hay của Công ty Du Lịch thưởng thức món thịt nướng bên ché rượu cần, trong những căn nhà sàn xinh xắn hoặc thả mình trên bãi cỏ mượt êm giữa thênh thang gió lộng, du khách như bị “say” niềm-vui-cuộc-sống và cảm thấy thỏa lòng trong cái thú viễn du.

Cáp treo Đà Lạt dài 2.300m từ đỉnh đồi Rôbin đến Thiền viện Trúc Lâm, ở độ cao 1.600m so với mực nước biển.Hệ thống cáp treo Đà Lạt này được khởi công xây dựng vào ngày 3/2/2002, khánh thành ngày 24/1/2003 và chính thức đưa vào hoạt động ngày 1/2/2003. Hệ thống này do Hãng Doppelmayr của Thụy Sĩ và Áo thiết kế, chế tạo và lắp đặt. Với 50 cabin tự động đủ màu sắc có công suất vận chuyển tối đa 900 lượt/giờ, du khách có thể thưởng ngoạn rừng núi Tây Nguyên hùng vĩ, toàn cảnh thành phố ngàn hoa và bay trên những rừng thông bạt ngàn, tận hưởng cái lành lạnh của trời Đà Lạt.

Tại đồi Rôbin (rộng 15.000m2), một nhà ga 7.500m2 được trang bị hệ thống tách cáp hiện đại theo dây chuyền đường ray để cabin tự chặn lại cho khách lên xuống. Du khách còn có thể thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị Đà Lạt của nhà hàng tại ga đi. Ở ga đến, khách sẽ được tham quan khu du lịch Thiền viện Trúc Lâm - hồ Tuyền Lâm và thưởng thức cơm chay. Đặc biệt, vào ngày 6/8/2004, Khu Du lịch Cáp treo Đà Lạt đã đưa vào phục vụ du khách chương trình “Cà phê cảm giác trên cáp về đêm”. Cáp treo Đà Lạt đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho thành phố “đường trong hoa, thấp thoáng nhà trong lá” này.

24. Nhà thờ Con Gà, Nhà Thờ Domain De Marie.

Nhà thờ Con Gà được tiến hành xây dựng vào năm 1923, cao gần 70 m do linh mục Louis Vallet đảm trách. Kiến trúc nhà thờ theo kiểu Gothique với những đường nét cao vút, những vòng cửa quả trám. Bên trong, các tranh ảnh và tượng Chúa minh họa theo thánh kinh; bài trí theo dạng mỹ thuật nhà thờ Thiên Chúa giáo phương Tây. Sau lưng nhà thờ là hang đá Đức Mẹ được bài trí phỏng theo mẫu hang đá Lourdes ở Pháp. Nhà thờ lớn có nhiều tên gọi: nhà thờ Tourane (thời Pháp thuộc), nhà thờ Con Gà (vì trên nóc thành giá nhà thờ có hình tượng con Gà trống Gaulois Pháp) và từ 1963 giáo xứ chính thức gọi là nhà thờ giáo xứ chánh tòa Đà Nẵng.

Người địa phương quen gọi là Nhà Thờ Lớn, nhà thờ Con Gà (vì trên nóc thánh giá có hình một chú gà trống Gaulois), nằm ở 156 Trần Phú. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1923 do linh mục Louis Vallet đảm trách, nhà thờ cao gần 70m kiến trúc theo kiểu Gothique với những đường nét cao vút, những hình cửa quả trám. Cách bài trí theo dạng mỹ thuật nhà thờ Thiên Chúa giáo phương Tây thời trung cổ, sau lưng nhà thờ là hang Đức Mẹ. Du khách nước ngoài, nhất là du khách Pháp rất thích tham quam nhà thờ này.

Domainne de Marie hay Lãnh địa Đức Bà là tên gọi cụm kiến trúc gồm nhà nguyện và hai dãy nhà phía sau của tu viện nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn (Filles de la charité de saint Vincent de Paule), được xây dựng từ năm 1930-1943 trên một ngọn đồi thoáng đẹp đường Ngô Quyền rộng 12 ha, cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 1km về hướng Tây Nam. Đây là một kiến trúc độc đáo mang phong cách Châu Âu thế kỷ XVII nhưng đã được thực hiện với vật liệu hoàn toàn của Việt Nam - ngôi nhà nguyện mới được quét lại màu sơn vàng với mái ngói đỏ nổi bật giữa bầu trời xanh và cây lá cũng rất xanh. Trong nhà thờ, đặc biệt có bức tượng Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu được tạc theo hình mẫu người phụ nữ Việt Nam, do Janchère - kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Tượng cao 3m, nặng 1 tấn được làm năm 1943 và do bà Decoux dâng cúng. Phía sau nhà thờ có phần mộ phu nhân toàn quyền Decoux – bà Suzanne Humbert, ân nhân chính đã giúp xây dựng tu viện và có nguyện vọng được an nghỉ tại đây sau khi qua đời. Bà bị tai nạn giao thông tại đèo Prenn và mất ngày 06/01/1944.

Tuy dòng chính đã chuyển về thành phố Hồ Chí Minh, nhưng để thực hiện tôn chỉ của dòng là phục vụ người nghèo, các nữ tu vẫn cố duy trì một trường mẫu giáo bán công thu nhận khoảng 200 cháu, ngoài ra còn mở những lớp dạy nghề miễn phí cho người lao động gồm các môn: đan, móc, thêu, may. Ngày nay các “nữ tử Bác Ái thánh Vinh Sơn” đang có mặt trong nhiều môi trường xã hội, như chăm sóc trẻ em chậm phát triển, giúp đỡ các cô nhi, chữa trị bệnh cho người nghèo, phục vụ bệnh nhân phong tại trại phong Di Linh...Trong âm thầm, tất cả như muốn nói “chỉ với lòng nhân ái chia sẻ, con người mới thật sự là đồng loại của nhau...”và đó cũng chính là tinh thần “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” như lời kêu gọi của hội đồng Giám mục Việt Nam gởi cộng đồng dân Thiên chúa năm 1980.

Từ sau năm 1975, tên Domaine được Việt hóa thành Đồi Mai Anh. Du khách đến đây nếu có thể vào tham quan vườn hoa phía sau, sẽ có dịp chiêm ngắm dàn Hài Tiên khá hiếm nở hoa thật đẹp.

25. Phân viện sinh học Đà Lạt.

Phân Viện Sinh học nằm trên đỉnh đồi Tùng Lâm cao 1.548m, giữa khu rừng thông cách trung tâm thành phố Dalat gần 10km trên đường đi Suối Vàng. Đặt chân đến đây, điều đầu tiên gây chú ý và ngạc nhiên nơi du khách là toà nhà bằng đá có nhiều cửa sổ thật tĩnh lặng giữa rừng thông mà nổi bật ở mặt tiền là cây thập giá với hai dòng chữ bằng tiếng Latin: ” Copiosa Apud Eum Pedemptio”, có nghĩa: “Ơn cứu độ chan chứa nơi Ngài”. thật ra đây nguyên là Học viện dòng Chúa Cứu thế thuộc Giáo hội Công giáo, xây dựng từ năm 1950. Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền địa phương đã dùng cơ sở này cho các hoạt động công ích. Sau vài lần thay đổi đơn vị quản lý, đến năm 1991 nơi đây được chuyển giao cho Viện Sinh học nhiệt đới trực thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ và trở thành Phân Viện Sinh học tại Dalat.

Phân Viện Sinh học có chức năng nghiên cứu hoá học, nghiên cứu vi sinh, nghiên cứu thực vật và công nghệ sinh học nuôi cấy mô...Ngoài ra, Phân Viện Sinh học còn hoạt động như một bảo tàng nhằm giới thiệu những loài đặc hữu tại Tây Nguyên và Lâm Đồng gồm bảo tàng động vật và vườn thực vật phục vụ tham quan và du lịch.

Tham quan nơi đây, du khách sẽ có dịp thưởng lãm bộ sưu tập hoa lan phong phú được trình bày trong hệ thống giàn gỗ với chừng 900 chậu địa lan nội ngoại, 1300 giò, chậu, bảng phong lan các loại. Du khách sẽ càng cảm kích khi biết Phân Viện Sinh học hiện đang chăm sóc giữ gìn nguồn gene của gần 200 loài lan rừng khác nhau như nguồn dự phòng cho phát triển kinh tế địa phương mai sau. Đây là những loài được tìm thấy ở các rừng Lâm Đồng và vùng phụ cận mà trong số đó nổi bật các tên như: Thanh lan, Thanh đạm, Tuyết ngọc...là những giống loài quý hiếm, hoặc như Hài đỏ được xếp vào những loài đẹp nhất thế giới. bộ sưu tập động vật ở Tây Nguyên và của cả nước được trưng bày tại 7 phòng gồm 378 mẫu thú của 58 loài, 242 mẫu chim của 94 loài, 42 mẫu lưỡng thê bò sát của 32 loài, 36 mẫu thú nuôi nhà của 22 loài và hơn 200 hộp mẫu của các loài côn trùng được sắp xếp theo từng loài, lớp, bộ, họ đi từ động vật phát triển cấp thấp đến cấp cao, từ động vật biển như: san hô, cua, ốc; loài lưỡng thê như trăn, rắn; động vật nuôi như gà, vịt, bò, cừu; lớp côn trùng; lớp chim; lớp thú rồi đến loài vật có não bộ phát triển ở bậc cao gần với con nguời như họ khỉ, hầu hay linh trưởng.

Một danh sách đỏ cũng được Bảo tàng giới thiệu, từ các loài đang nguy cấp (đang bị đe doạ tuyệt chủng) như Gấu ngựa, Mang lớn, Cầy vằn bắc, Vượn má hung, Sóc bay sao, Sói đỏ, Cầy Giông sọc, Gấu chó, Hổ, Báo hoa mai... đến các loài sẽ nguy cấp ( có thể bị đe doạ tuyệt chủng) như Sơn dương, Cầy mực, Mèo gấm, Báo gấm, Beo lửa, Rái cá vuốt, Kỳ đà nước, Vọc vá chân đen, Lửng lợn...Du khách sẽ thật thích thú với các mẫu vật sẽ được giới thiệu trong những tư thế tự nhiên, sinh động. Khi gởi đi những lời kêu gọi: “Hãy bảo vệ loài tê giác Java”, “ Hãy bảo vệ Sao la”, “Hãy cứu lấy đàn voi của chúng ta”...Các nhà khoa học còn muốn nhắn nhủ ” Hãy thân thiện hơn với thiên nhiên, để thiên nhiên mãi là bạn đồng hành của con ngưởi!” Phân Viện Sinh học còn trưng bày 2 mô hình vũ trụ do Liên Xô cũ tặng Việt Nam năm 1989.

26. Núi LangBiang và truyền thuyết.

Đến Đà Lạt vào những ngày trời trong nắng đẹp, du khách có thể nhìn thấy hai ngọn núi Langbian sừng sững vươn cao giữa trời mà có người lãng mạn mô tả “ như bộ ngực tràng căng sức sống của một phụ nữ xinh đẹp khỏa thân nhìn trời xanh mênh mang”. Núi Langbian cao 2.163m, nằm về phía Bắc thành phố Đà Lạt và cách trung tâm 12 km thuộc địa bàn huyện Lạc Dương. Dưới chân núi là nơi định cư các bản làng dân tộc Lat, Chil … còn lưu giữ khá nhiều nét văn hoá truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên.

Về cái tên Langbian, có truyền thuyết kể rằng: “Ngày xưa, xưa lắm tại làng La Ngư Thượng (tức Đà Lạt bây giờ) có người con trai tên Lang, tù trưởng bộ tộc Lat thương người con gái tên Bian, con tù trưởng người Chil, do khác bộ tộc nên Bian không cưới được chồng là Lang. Cuối cùng Lang và Bian phải chấp nhận cái chết cho trọn tình và phản đối luật tục khắc khe. Khi hai người mất, ông K’Zềnh – cha của Bian hối hận, nhận trách nhiệm thống nhất các tộc người Lat, Chil, Sré… thành chung một dân tộc K’Ho. Từ đó thanh niên nam nữ các bộ tộc đều dễ dàng yêu nhau, cưới nhau. Để ghi nhớ ngày lịch sử hợp nhất ấy, các dân tộc La Ngư Thượng chọn hai đỉnh núi cao do K’Bùng tạo lập đặt tên là Lang - Bian”.

Còn tên núi Bà chỉ mới có về sau này, khi người Việt đến đây ngụ cư đã mang theo những niềm tin thánh tín của địa phương mình làm phong phú thêm nếp sống tinh thần bản địa. Năm 1963 trong phong trào đòi tự do tín ngưỡng chống chính quyền Ngô Đình Nhiệm, nhiều tin đồn Bồ Tát Quan Âm cứu khổ cứu nạn xuất hiện tại núi Langbian đã cuốn hút hàng ngàn người lên đây xin thuốc và nước trị bệnh. Lâu dần cái tên Núi Bà - một cách gọi cung kính trở thành quen thuộc theo năm tháng cùng với lòng tin của một số đồng bào.

Đến Langbian, du khách có cái thú chinh phục độ cao. Nơi đây quả là địa điểm tưởng cho các hoạt động thể thao như leo núi, nhảy dù, đi bộ hay nghiên cứu các loại chim chóc và thảo mộc quý hiếm trong vùng. Và khi đã đứng trên đỉnh Langbian, du khách có thể phóng tầm mắt đến thành phố Đà Lạt với những cao ốc, biệt thự, tháp chuông… ẩn hiện giữa ngàn thông, đến hồ Suối Vàng kỳ ảo lượn lờ giữa thảm thông xanh mướt, đến cả biển Ninh Chữ tận Phan Rang huyền ảo mơ màng… sẽ thật thú vị khi tình cờ du khách nhìn thấy những “bon” người Chil, Lat đang lặng lẽ âm thầm bên dòng suối, và khi xuống núi, du khách mang được những tặng phẩm của núi rừng như hoa lan, cây cảnh về làm kỷ niệm cho một chuyến lên non.

27. Dankia Suối Vàng.

Rời trung tâm Đà Lạt theo hướng Bắc đi Lạc Dương, đến km 7 Tùng Lâm rẽ trái, du khách còn phải vượt qua đoạn đường dài khoảng 12km gập ghềnh uốn lượn giữa những đồi thông chập chùng trước khi đến được hồ Suối Vàng, nơi mà 100 năm trước đây khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, ngẩng ngơ trước cảnh sắc thơ mộng kỳ ảo của thiên nhiên còn nguyên vẹn nét hoang sơ, Yersin đã chạy nhảy reo hò như một cậu học trò nhỏ để sau này đề nghị với toàn quyền P. Doumer cho xây dựng khu nghỉ dưỡng nơi đây. Hồ Suối Vàng gồm hai hồ là Dankia ở trên và Ankroet ở dưới, được tạo bởi hai đập cùng tên Ankroet chắn dòng sông Đa Dung phát nguyên từ núi Langbian.

Hồ Suối Vàng có sức chứa khoảng 20 triệu khối nước, ngoài việc cung cấp nguồn nước trong lành cho thành phố Đà Lạt, còn được dùng để vận hành tổ máy phát điện của nhà máy thủy điện Ankroet với công suất năm đạt 15 triệu kw/h.

Nơi đây còn có nhà máy nước Suối Vàng khá hiện đại do Đan Mạch giúp xây dựng hoàn thành năm 1984 với công suất 18.000m3/giây, với sự kiểm nghiệm thường xuyên của Trung tâm Y tế dự phòng đã xác nhận nước đầu nguồn luôn đạt tiêu chuẩn vệ sinh cần thiết.

Dankia - Suối Vàng ngày nay đã được nhìn nhận đúng với giá trị thực của nó. Trong một tương lai không xa nơi đây cùng với khu vực Tuyền Lâm sẽ là một đối trọng của Đà Lạt hiện nay đã bị bê tông hóa tràn lan đến bực bội. Một liên doanh gồm một bên là Tỉnh Lâm Đồng và một bên là Singapore đã có kế hoạch đánh thức nàng sơn nữ Dankia với hàng trăm hạng mục lớn nhỏ sẽ được dựng lên bên hồ, trên hồ và giữa những đồi thông, thảm cỏ mượt mà. Chúng ta có quyền hy vọng nơi đây sẽ đem lại sức hấp dẫn quyến rũ cho một vùng đất huyền thoại luôn làm say đắm biết bao khách viễn du.

28. Chùa Tàu.

Chùa Tàu hay chùa Phật Trầm có tên gọi đầy đủ là chùa Thiên Vương Cổ Sát, tọa lạc trên một đồi thông cuối đường Khe Sanh được gọi là Đồi Rồng, cách trung tâm Đà Lạt 5km về hướng Đông Bắc. Chùa được Hòa thượng Thọ Dã thuộc Hội quán Triều Châu xây dựng năm 1958 gồm 3 gian nhà bằng gỗ lộp tôle. Năm 1989, ông Lê Văn Cảnh đã đứng ra trùng tu xây dựng, lúc này ngôi nhà giữa đã được tháo dỡ nhằm tạo không gian thông thoáng cho hai tòa nhà còn lại.

Tại Từ Tôn Bảo điện, ngay giữa điện thờ có điện phật Di Lặc, cao chừng 2.5m và tượng phật Thích Ca cao 0.5m; tại 4 góc Bảo Điện có tượng Tứ Đại Thiên Vương cao 2.6m được đúc bằng xi măng. Qua một khoảnh sân là đến Minh Quang Bảo Điện, tại đây thờ Tây Phương Tam Thánh gồm các tượng A Di Đà Phật ở giữa, Qua Thế Âm Bồ Tác bên trái và Đại Thế Chí Bồ Tác bên phải. Đây là những bức tượng quí được tạc từ gỗ trầm cao 4m và nặng 1.5 tấn do Hòa thượng Thọ Dã thỉnh từ Hồng Kông năm 1958. Nơi đây cũng còn hai tượng Văn Thù và Phổ Hiền ở hai bên vách bảo điện.

Phía sau chùa sau ngọn đồi, nơi trước đây là cốc của nhà sư Thọ Giã, đã xây dựng Thích Ca Phật Đài cao chừng 10m thật đẹp giữa đồi thông lộng gió. Hiện chùa chỉ có bà Diệu Anh phụ rách hoa, đèn và đọc kinh.

29. Dinh Bảo Đại I, Dinh Bảo Đại II, Dinh Bảo Đại III.

Theo đường Trần Hưng Đạo đến ngã 3 Trại Hầm rồi rẽ phải đi tiếp đường Trần Quang Diệu, du khách sẽ đến được Dinh I, nơi mà sau khi người Pháp trở lại nắm quyền (1948) và lập Hoàng Triều Cương Thổ (1950), vua Bảo Đại đã dùng làm Tổng hành dinh và nơi làm việc cho các quan chức trong “lãnh thổ” của mình. Nằm cách trung tâm Đà Lạt chừng 4 km về hướng Đông-Nam, trên một ngọn đồi thơ mộng có độ cao 1.550m với những rừng thông bao quanh. Dinh 1 là một công trình kiến trúc độc đáo trong dáng vẻ cổ kính, uy nghi và tao nhã khiến ai đã một lần đến đây đều phải trầm trồ cảm thán. Nguyên đây là nhà của một viên chức người Pháp tên Robert Clément Bourgery - thấy nơi đây khá đẹp lại yên tĩnh nên chính phủ Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng đã mua lại từ tháng 8-1949 và sửa sang toàn bộ dinh cơ này.

Khi xây dựng Dinh người ta phát hiện ra một đường hầm bí mật, nhưng vua Bảo Đại đã chỉ thị dấu kín. Đường hầm này nằm ngay sau lưng Dinh 1 thông ra tận Dinh 2, dài gần 4km với các nhánh rẽ vào các biệt thự 11, 16, 18, 26 … Trần Hưng Đạo - người Nhật đã đào từ trước khi đảo chánh Pháp với ý đồ bắt sống các sĩ quan Pháp trong Dinh Toàn Quyền cũng như ở các biệt thự xung quanh.

Dinh II là dinh thự mùa hè của Toàn quyền Decoux, hay còn gọi là dinh Toàn quyền, là nơi ở và làm việc của Decoux vào mùa hè hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 10. Tọa lạc trên một ngọn đồi thông rợp bóng ở độ cao 1.540m trên đường Trần Hưng Đạo, cách trung tâm Đà Lạt 2km về hướng Đông-Nam. Dinh 2 được xây dựng từ năm 1933 là một tòa lâu đài tráng lệ gồm 25 phòng được bài trí cực kỳ sang trọng. Đứng ở nơi đây, du khách có thể nhìn thấy hồ Xuân Hương cách xa chừng 1km thấp thoáng qua những tán lá thông. Từ ngày chuyển Phủ Toàn Quyền về đây làm việc, Decoux đã cho xây dựng những đường hầm bí mật rất kiên cố nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ông và gia đình. Đường hầm này được nối vào hầm chứa rượu với bề ngang chừng 1.5m và bề cao hơn 1m với nhiều ngóc ngách được đổ bê tông chắc chắn. Dưới thời Ngô Đình Diệm, Dinh 2 trở thành nơi nghỉ mát của gia đình Ngô Đình Nhu. Năm 1964 khi tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền trong bối cảnh chính trị đầy bất trắc, ông đã chọn Dinh II0 làm Tổng hành dinh trong mùa nghỉ mát và đã cho tu bổ xây dựng thêm các đường hầm bí mật trên tận sườn đồi theo hướng Đông-Nam và Tây-Bắc phòng khi có đảo chánh.

Dinh III là tên gọi để chỉ biệt thự nghỉ hè của vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn đồng thời cũng là vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Sau này khi người Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền từ năm 1948 rồi thành lập “Hoàng triều Cương Thổ” vào năm 1950, nơi đây còn được gọi là Biệt điện Quốc trưởng. Được xây dựng từ năm 1933 gồm 25 phòng, Dinh 3 là một tòa dinh thự vô cùng trang nhã, gắn mình trong khung cảnh thơ mộng của một đồi thông ở độ cao 1539m trên đường Triệu Việt Vương, cách trung tâm Đà Lạt chừng 2km về hướng Tây-Nam. Do một may mắn của lịch sử, Biệt điện Quốc trưởng còn được bảo tồn gần như nguyên trạng khiến cho du khách đến đây có thể cảm nhận một bầu không khí vừa trang nghiêm lại vừa gần gũi, ấm cúng của một gia đình hoàng tộc căn phòng làm việc của vua Bảo Đại với những ấn tín quân sự, ngọc tỷ của Hoàng đế, quốc thư, quốc kỳ các nước có quan hệ ngoại giao, tượng bản thân của vua Bảo Đại và vua cha Khải Định, phòng của hoàng hậu Nam Phương, hoàng tử Bửu Long. Phương Mai công chúa, hình ảnh gia đình và những vật dụng thường ngày…tất cả đều như mới hôm qua một chút gì đó se sắt chạnh lòng gợi nhớ một thuở vàng son nay đã không còn.

30. Thung lũng tình yêu, Đồi Mộng Mơ, Tranh thêu XQ.

Nằm cách trung tâm thành phố chừng 7km về hướng Đông - Bắc, Thung lũng Tình yêu là một thắng cảnh trữ tình và thơ mộng vào bật nhất Đà Lạt. Trước kia du khách thường từ ngã 5 Đại học theo đường Phù Đổng Thiên Vương để đến nơi đây, du khách có thể đi một mạch từ hồ Xuân Hương đến Thung lũng Tình yêu bằng đường vòng Lâm Viên một con đường mới xây dựng.

Thoạt đầu người Pháp gọi nơi đây là Valley d’Amour; đến thời Bảo Đại làm Quốc trưởng được đổi thành Thung lũng Hòa Bình. Năm 1953, khi Chủ tịch Hội đồng Thị xã lúc bây giờ là Nguyễn Vỹ đề xuất chuyển đổi tên gọi các địa danh từ tiếng Pháp sang tiếng Việt nhằm thể hiện tính độc lập của dân tộc, thì cái tên Thung Lũng Tình Yêu đã càng trở nên quen thuộc và in đậm trong tâm thức nhiều người. Thung lũng Tình yêu vốn đã đẹp và cuốn hút bởi lũng sâu và đồi thông, lại càng hấp dẫn hơn khi vào năm 1972, một đập ngăn nước được xây dựng vắt ngang tạo thành hồ Đa Thiện, làm biến đổi hình thái và tăng thêm sức quyến rũ cho cảnh quan nơi đây. Du khách có thể men theo những lối mòn hoặc leo cả trăm bật cấp, đi qua những cổng hoa với màu sắc rực rỡ để lên đồi Vọng Cảnh. Từ đây Thung lũng Tình yêu hiện ra trong tầm mắt đẹp tựa một bức tranh, sinh động với những cánh buồm nhấp nhới trên hồ. Những con đường đất đỏ uốn lượn vòng vèo có thể đưa khách lên đồi hoặc dẫn đền tận đỉnh núi Langbian thấp thoáng trong mây. Du khách cũng có thể vượt qua chiếc cầu nhỏ để khám phá đồi Địa Đàn, một địa điểm lí tưởng nhờ được bao quanh bởi hồ nước. Những cái balcon trắng toát soi bóng mặt hồ là những vị trí thuận tiện để câu cá hay hàn huyên tâm sự. Giữa thiên nhiên gió lộng, du khách tưởng như đang lạc vào một cõi tiên nào đó với màu xanh bất tận và ánh sáng khúc xạ diệu kỳ tạo thành những mãng không gian thực thực hư hư. Đến với Thung Lũng Tình Yêu, sẽ là thiếu sót nếu chỉ quẩn quanh những nơi náo nhiệt với chen chúc dòng người mua sắm, bởi nơi đây vẫn còn ẩn giấu bao điệu kỳ diệu đang chờ bạn khám phá.

Nằm trên đường đi Thung Lũng Tình Yêu. Đồi Mộng Mơ là điểm du lịch được khai trương phục vụ du khách nhân dịp kỷ niệm Đà Lạt 110 năm hình thành và phát triển. Khu du lịch Đồi Mộng Mơ phục vụ Quý du khách với các loại hình dịch vụ như: Tham quan các vườn hoa, cây cảnh thiên nhiên hữu tình.Tham quan khu nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm (được di dời đúng nguyên gốc từ Bình định vào thành phố Đà Lạt).Tham quan trích đoạn Vạn Lý Trường Thành với kiến trúc độc đáo dọc theo sườn đồi.Tham quan hầm rượu và thưởng thức " Mộng Mơ Tửu".Tham quan gian hàng đá cảnh thiên nhiên.Đến Đồi Mộng Mơ quý khách có dịp thưởng thức chương trình ca múa nhạc dân tộc Tây Nguyên - sinh hoạt văn hóa, lễ hội cồng chiêng với sân khấu lộ thiên hoành tráng.Nếu quý du khách có nhu cầu lưu trú qua đêm, tại Đồi Mộng Mơ có sẵn khu nhà rong Tây Nguyên dạng Bungalow cao cấp, tiện nghi ấm cúng, an toàn.

Nằm trên diện tích 3ha, đối diện với thung lũng tình yêu, XQ sử quán là một không gian được kết hợp giữa thơ ca, âm nhạc, hội họa và nghệ thuật truyền thống. ở đây, với nghệ thuật bài trí của chủ nhân, khách như tách hẳn với thế giới bên ngoài để chỉ có nghệ thuật, thiên nhiên, sự an bình và tình người. Trong không gian rộng lớn nhưng ấm cúng này, khách sẽ được tham quan các khu vực bản sắc; không gian làm việc của các nghệ nhân; bảo tàng tranh thêu tay XQ với những tác phẩm lớn về cội nguồn, cõi tâm linh; phố nghệ thuật; nghệ thuật thư pháp, Và giữa tiết trời se lạnh của màn đêm Đà Lạt, khách vừa nhâm nhi tách trà nóng hay ly rượu vang của xứ sở sương mù vừa thưởng thức chương trình phố đêm, nghe rao thơ, hòa nhạc, xem thời trang văn hóa Việt Nam... và thưởng thức ẩm thực của 3 miền đất nước. Giờ đây, những nghệ nhân XQ vẫn miệt mài sáng tác bên khung vải. Với đường kim, những người phụ nữ ấy đang thêu cho đời những khoảnh khắc lắng đọng... và thời gian dường như không đi qua, vì những hạt sương vẫn lung linh trên khóm hoa bên khung cửa, nắng vẫn vàng ở sân sau và lá đang rụng trong chiều thu gió lạnh.

31. Hồ Xuân Hương và Đồi Cù, khách sạn Palace, Vườn hoa thành phố.

Nằm ngay trung tâm thành phố, ở độ cao 1.477m, Hồ Xuân Hương nguyên là thung lũng có dòng suối Cam Ly chảy qua, nơi quy tụ của các cư dân Lạch buổi ban đầu. Năm 1919, từ sáng kiến của viên Công sứ Counhac, kỹ sư công chánh Labbe đã tiến hành việc ngăn dòng suối làm thành hồ. Đến năm 1923 lại xây thêm một đập nữa ở phía dưới tạo thành hai hồ. Do ảnh hưởng của cơn bão tháng 3 năm 1932, cả hai đập đều bị vỡ. Mãi đến năm 1934-1935 một đập lớn bằng đá mới được kỹ sư Trần Đăng Khoa thiết kế xây dựng phía dưới hai đập cũ tạo thành một hồ lớn - người Pháp gọi là Grand Lac. Đập này nằm trước dinh Quản Đạo mà vị Quản đạo lúc này là Phạm Khắc Hoè vẫn được dân địa phương xưng gọi “Ông Đạo”, nên khi đập cũng là cầu xây xong, người dân quen gọi là cầu Ông Đạo, còn tồn tại đến ngày nay.

Hồ có chu vi 5.000m, rộng 25ha với hình dạng trăng lưỡi liềm. Mặt hồ phẳng lặng như tấm gương soi bóng những tán tùng già cỗi, những hàng liễu rũ thướt tha và sẽ đẹp hơn khi mùa xuân về, lúc những cánh anh đào nở rộ một màu hồng rực rỡ khiến mặt hồ bừng lên như đôi má cô gái Đà Lạt tuổi xuân thì.

Hồ được mang tên Xuân Hương từ năm 1953 như muốn làm sống mãi hình ảnh lãng mạn của nữ sĩ thơ Nôm nổi tiếng Việt Nam thế kỷ thứ 19 Hồ Xuân Hương.

Vừa đặt chân đến trung tâm thành phố, du khách có thể nhìn thấy những quả đồi tròn trịa mấp mô tựa hồ một thảo nguyên soi bóng xuống mặt hồ nước phẳng lặng, đó là Đồi Cù mà có người ví như trái tim, như nhịp thở của Đà Lạt. Đồi Cù và hồ Xuân Hương nằm kề bên thường được nhắc đến như một địa danh kép - nhiều người cho rằng Đà Lạt sẽ kém phần mỹ lệ nếu thiếu Đồi Cù và hồ Xuân Hương. Ngay từ 1942, khi thiết kế đồ án quy hoạch thành phố Đà Lạt kiến trúc sư Lagisquet đã khoanh vùng Đồi Cù như một khu vực “bất khả xâm phạm” nhầm tạo một tầm nhìn thoáng đãng cho Đà Lạt. Về sau, một kiến trúc sư người Anh đã thiết kế biến Đồi Cù thành sân golf 9 lỗ khá nổi tiếng của vùng Đông Nam Á.

Tên Đồi Cù không rõ có từ bao giờ, còn vì sao gọi “Đồi Cù” lại có hai hướng lý giải có người cho rằng những quả đồi thoai thoải nơi đây khi nhìn từ xa giống như tấm lưng trần của những con cù khổng lồ nên đã ví von gọi là “Đồi Cù”; cũng có người giải thích sở dĩ có tên “Đồi Cù” vì nơi đây là một địa điểm chơi golf hay còn gọi là đánh cù, và tên “Đồi Cù” đã từ môn chơi này mà có.

Hiện nay Đồi Cù đã được nâng cấp thành sân golf 18 lỗ, là liên doanh giữa công ty Du lịch Lâm Đồng và công ty Da Nao Hồng Kông.

khách sạn Palace là một trong những khách sạn nổi tiếng ở Tp. Hồ Chí Minh. Ở đây chúng ta có thể được thưởng thức những món ăn Âu - Á nổi tiếng, có thể ngắm nhìn cảnh đẹp sông nước Sài Gòn ở độ cao lý tưởng, hoặc dễ dàng đến với các trung tâm mua sắm, giải trí rất nhiều ở xung quanh. Được xây dựng vào năm 1968, đến năm 1972 được đưa vào sử dụng dưới quyền quản lý của ông Nguyễn Tấn Ân. Năm 1976, khách sạn được UBND TP. Hồ Chí Minh thu hồi và giao cho công ty du lịch TP quản lý - khai thác kinh doanh. Đến năm 1995, khách sạn Palace tiếp nhận thêm khách sạn Phát Hạnh.Đến nay, sau nhiều lần sữa chữa (lần sữa chữa gần đây nhất vào tháng 10/1999), khách sạn đã có bộ mặt khang trang như hiện nay, và được Tổng cục Du lịch Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao theo quyết định số 57/TCDL cấp ngày 25/02/1999. Hiện tại, khách sạn Palace có tổng số 150 phòng, trong đó được đưa vào kinh doanh là 140 phòng.

Với khí hậu quanh năm ôn hòa mát mẻ, Đà lạt đã trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tốt nhất ở nước ta và khu vự Đông Nam Á. Vườn hoa thành phố cách trung tâm Đà lạt khoảng 2km, nằm gần cạnh hồ Xuân Hương. Là nơi hội tụ tất cả các loài hoa quý hiếm đủ sắc màu đang khoe mình dưới ánh nắng sương mai. Đến Vườn hoa, chắc chắn du khách rất hài lòng bởi những bàn tay nghệ nhân đã chăm sóc và sưu tầm các loài hoa thật đầy tính nghệ sĩ, sẽ lưu lại cho du khách kỷ niệm không quên bằng những tấm ảnh đầy nghệ thuật. Ngoài những loài hoa quý hiếm, du khách có những phút giải trí bằng những môn thể thao : Bơi lặn, đá cầu. Đến với Đà lạt mà chưa đến Vườn hoa thật là điều tiếc nuối của du khách.

32. Ga xe lửu Đà Lạt.

Trong các tuyến giao thông nối Đà Lạt với các địa phương khác, đã từng tồn tại tuyến đường sắt nối Đà Lạt với Tháp Chàm (Tourcham) được khai trương từ năm 1933, và ga Đà Lạt khánh thành năm 1938 đã được đánh giá là nhà ga đẹp nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Đoạn đường sắt dài 84 km với 16 km đường răng cưa (Crémailère) được người Thụy Điển với nhiều kinh nghiệm về đồi núi thiết kế, đã cho phép du khách cùng con tàu hì hục leo qua những tầng dốc cao hay chui vào những đoạn đường hầm tối tăm, trong một cảm giác phiêu lưu thú vị khi thấy núi rừng hùng vĩ chầm chậm lướt qua tầm mắt... vậy mà do tình trạng chiến tranh, một vài đoạn trong tuyến đường không đảm bảo an ninh nên cả một tuyến đường sắt độc đáo đành phải bỏ hoang phế theo thời gian.

Năm 1991, trong nỗ lực góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch Đà Lạt, tuyến đường sắt nối Trại Mát với Đà Lạt dài 7 km đã được khôi phục với chi phí cải tạo lên đến 11 tỉ đồng. Thực tế hiện nay vẫn chưa xác định du lịch gì ở Trại Mát, ngoài việc du khách có thể vãng cảnh chùa Linh Phước gần đó nhưng cũng thật khó khăn bởi đường đi và thời gian còn có nhiều giới hạn.

Gác qua một bên những bất cập của tour du lịch có cái tên khá ấn tượng “Tham quan Trại Mát”, du khách vẫn còn lợi thế được ngắm nhìn thành phố Đà Lạt từ trên cao khi cùng đoàn tàu uốn mình vòng vèo qua sườn núi, chiêm ngắm những cảnh sắc thiên nhiên biến hóa kì ảo trong tầm mắt, đặt biệt còn tận hưởng nguồn không khí trong lành của vùng cao nguyên, nơi mà những áp lực của sự phát triển chưa kịp vươn tới làm nhiểm bẩn môi sinh.

33. Chợ Đà Lạt, Rau Đà Lạt.

Năm 1929, một ngôi chợ bằng cây, lợp tôn gọi là “Chợ cây” được dựng lên tại vị trí Rạp chiếu bóng 3 tháng 4 ở Khu Hòa Bình hiện nay. Năm 1937, sau một trận hỏa hoạn lớn, Công ty SIDEC xây dựng một ngôi chợ mới bằng gạch để thay thế “Chợ cây”. Thế là một ngôi chợ bằng cây, lợp tôn gọi là “Chợ cây” được dựng lên tại vị trí Rạp chiếu bóng 3 tháng 4 ở Khu Hòa Bình hiện nay.

 Năm 1937, sau một trận hỏa hoạn lớn, Công ty SIDEC xây dựng một ngôi chợ mới bằng gạch để thay thế “Chợ cây”.

Năm 1958, chợ Đà Lạt hiện nay được khởi công xây dựng trên một vùng đất sình lầy trồng xà-lách-son (cresson), do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế, nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu thi công, hoàn thành vào năm 1960. Về sau, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tham gia chỉnh trang chợ Đà Lạt.

Năm 1993, khởi công xây dựng khối B chợ Đà Lạt do kiến trúc sư Lê Văn Rọt và Trần Hùng thiết kế. Công trình do Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt và Ngân hàng Việt Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác đầu tư. Chợ Đà Lạt có 3 tầng, là một trong những chợ lầu đầu tiên ở Việt Nam.

Vào những năm 60, Đà Lạt đã xuất cảng rau sang Singapo, Hồng Kông, Indonesia. Năm 1972, diện tích canh tác rau cải ở Đà Lạt đã đạt 5.897ha với sản lượng 82.213 tấn. Rau Đà Lạt ngon, bổ, mang hương vị đặc thù của rau ôn đới. Những loại rau cao cấp hiện nay như pố xôi, xà lách, khoai tây hồng, lơ trắng đã đi vào các bữa ăn thông thường của người dân Đà Lạt và còn cung cấp cho những vùng khác như thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam Bộ, các tỉnh miền Trung.  

Từ sau năm 1975, việc đưa điện đến các vùng nông thôn, cải tạo hệ thống giao thông đã góp phần thuận lợi cho việc mở rộng diện tích đất trồng rau. Những vùng trồng rau lớn của Đà Lạt ngày nay như Cam Ly, Đa Thiện, Thái Phiên, Sào Nam, Xuân Thọ, Xuân Trường đã có không ít những nhà “triệu phú nông dân”, đặc biệt là tầng lớp thanh niên ở những vùng trồng rau với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, biết ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần gia tăng sản lượng rau cải ở đây.  

Mặc dù hiện nay đã có thêm những vùng trồng rau khác, xa như vùng ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh, gần như các vùng Đơn Dương, Đức Trọng nhưng vùng Đà Lạt vẫn tồn tại vì đã có những tiền đề phát triển bởi kinh nghiệm của hơn 50 năm trồng rau. Vùng rau Đà Lạt mãi mãi vẫn là nơi sản xuất và cung cấp những loại rau cải cao cấp quanh năm, phục vụ cho hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng của thành phố Cao nguyên.

34. Truyền thuyết về núi Voi.

Truyền thuyết của các dân tộc Nam Tây Nguyên kể về Núi Voi rằng: trước đây rặng Rowas này vốn là 2 con voi vủa ông bà ở vùng La Ngư Thượng đi dự lễ cưới của Bian và Lang. Khi đến đồi Cà Đắng (Prenn) nó nghe tin Lang và Bian qua đời. Hai con voi đau buồn quá, không còn sức để vượt nổi dốc Cà Đắng nên đã quỵ hóa thành 2 ngọn núi, đầu nó hướng về đỉnh Lang Bian. Bà con dân tộc gọi là Vơrơm Rowas, còn bà con người Kinh thì gọi là Núi Voi đó.

35. Chùa Linh Phước.

Chùa Linh Phước tọa lạc tại số 120 Tự Phước, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 8 km về hướng Đông Nam. Chùa được khởi công xây dựng từ 1949 đến 1952 mới hoàn thành. Năm 1990 chùa trùng tu lại toàn bộ, xây dựng cổng tam quan ngay mặt đường để khách dễ nhận biết, vì thực tế chùa nằm sâu trong hẻm cách mặt đường chừng 80m. Bước vào sân chùa, du khách sẽ thấy choáng ngợp với tiền đường bảo tháp cao 27m được trang trí bằng những hình rồng độc đáo. Gian chánh điện dài 33m, rộng 22m với trần nhà được đỡ bằng 12 cột rồng khảm mảnh sành. Tại điện thờ, tượng Phật Thích Ca uy nghi trên tòa sen cao 4,9m được tiếp vàng rực rỡ.

Bên phải chánh đường là Tổ đường, còn bên trái sau bức Cửu long môn uốn mình chầu Phật là Long Hoa viên với hồ nước và hòn giả sơn, cây cảnh và vườn phong lan. Một hình rồng dài 49m uốn quanh hồ nước với đầu rồng che phủ tượng đài Di Lặc dựa theo tích Pháp hội Long Hoa, toàn thân rồng được khảm tạo vây bằng mảnh của 12.000 vỏ chai bia các loại.

Ngày 08-11-1999 (tức 01-10 năm Kỷ Mão), chùa đã đúc thành công đại hồng chung có chiều cao 4,3m, miệng rộng 2,2m và nặng chừng 10 tấn.

Trụ trì chùa từ 1985 đến nay là Đại đức Thích Tâm Vị.

36. Hồ Than Thở, Thác hang cọp.

Hồ Than Thở nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 6km về hướng Đông-Nam, trên đường đi Chi Lăng – Thái Phiên. Thoạt đầu nơi đây chỉ là một hồ nhỏ, không rõ từ lúc nào được gọi là Hồ Than Thở. Về sau người Pháp đã làm đập chặn nước tạo thành hồ và đặt tên là Lac des Soupirs, mãi đến năm 1956 hồ mới được gọi theo tên cũ.

Năm 1975, sau khi hòa bình lập lại, có lẽ cho rằng cái tên Than Thở ủy mị quá, đã có lúc hồ được đổi tên thành Sương Mai. Nhưng trong lòng người dân Đà Lạt cũng như du khách đều luyến lưu tên cũ, không gọi Sương Mai cho đến năm 1990, chính quyền địa phương đã cho sử dụng lại tên cũ của hồ.

Hồ Than Thờ gắn liền với bao truyền thuyết tình sử thật buồn đã như có ma lực hấp dẫn biết bao du khách đến đây ngắm nhìn mặt hồ phẳng lặng trầm ngâm, để nghe tiếng lá thông xì xào trong gió, và để thả hồn đồng cảm mộng du cùng huyền sử xa xăm.

Ngày nay hồ Than Thở được Công ty Huy Hoàng rồi Công ty Thùy Dương đầu tư tôn tạo thành một công viên giải trí với những bồn hoa thảm cỏ được chăm tỉa công phu, những trò chơi đu quay, xe đạp nước, cưỡi ngựa … tuy có thay đổi bộ mặt ảm đạm của hồ nhưng cũng vì thế làm mất đi nét trầm mặc huyễn hoặc vốn đã là cái “hồn” của hồ Than Thở.

Thác Hang Cọp nằm tại “thung lũng trắng”, cách trung tâm Đà Lạt 12 km về hướng Đông Bắc, trên đường đi Phan Rang qua ngả đèo Dran.

Theo đường Hùng Vương đến đoạn ngang qua xã Xuân Thọ, du khách sẽ nhìn thấy biển báo thác Hang Cọp bên tay trái. Con đường dẫn đến thác dài khoảng 3 km trải nhựa.

Đứng trên đồi cao, du khách có thể nhìn thấy một chú cọp thật lớn đang thư thả dạo chơi giữa vườn hoa, đó là biểu tượng của thác Hang Cọp. Cạnh đó, trên ngọn đồi nhỏ, hình tượng một chàng trai dân tộc – dũng sĩ của núi rừng đang trong thế đứng hiên ngang, một gia đình cọp đang quây quần hay những cây nấm khổng lồ đã tạo thêm những nét mới cho một khu du lịch đang dần được định hình. Phía dưới ngọn đồi nhỏ, cạnh dòng suối đang lặng lờ trôi, du khách sẽ bất ngờ khi gặp một cái hang tự nhiên với hai cửa ra vào mà tương truyền xưa kia một vị chúa sơn lâm đã độc chiếm nơi này làm giang sơn.

Muốn tham quan thác, du khách phải đi theo con đường lát đá xinh xắn với gần 150 bậc cấp chen lẫn giữa rừng cây nguyên sinh. Điểm độc đáo là dù vào mùa khô, dòng thác vẫn cuồn cuộn đổ, rồi dòng nước lại chia thành nhiều nhánh, len lỏi qua từng mỏm đá xuôi dần về phía dưới, tạo thành một khung cảnh hùng vĩ đầy sức cuốn hút của chốn thiên nhiên hoang sơ. Giã từ thác Hang Cọp, con đường trở về cũng là một cuộc chinh phục mới nếu du khách muốn leo ngược lên đồi thông, những thử thách cuối cùng sẽ càng làm cho chuyến đi thêm phần thú vị và đáng nhớ.

37. Thác Gougah.

Trên đường 20 từ Đà Lạt đi thành phố Hồ Chí Minh cách trung tâm Đà Lạt 37km thuộc địa bàn huyện Đức Trọng, du khách rẽ trái theo con đường tráng nhựa đi xóm Chung – Phú Hội, qua chừng 500m sẽ đến được thác Gougah mà từ xa đã nghe tiếng thác đổ ầm ào làm vang động cả núi rừng.

Gougah trong tiếng K’Ho có nghĩa là “bờ sông giống cái củi lồng”. Theo dã sử Chăm, Gougah vốn xưa là một vực sâu cất giấu kho tàng của Hoàng Hậu Nai Biút, vốn người Yuan (Việt). Cũng trong một truyện dã sử khác thì Nai Biút chính là Huyền Trân Công Chúa, còn Vua Chăm là Chế Mân. Thác Gougah, hay còn gọi Ổ Gà là một thác đẹp hùng vĩ, với khối lượng nước đổ xuống từ độ cao khoảng 17m phản chiếu ánh mặt trời tạo thành nhiều sắc màu rực rỡ. Nước nơi đây được phân đôi thành 2 nhánh theo chiều dọc, một bên là dòng thác đậm màu đất đỏ im lìm chảy, một bên bắn tung tóe bọt nước trắng xóa. Có người giàu tưởng tượng đã thấy 2 màu nước này giống như lòng trắng và lòng đỏ của một qủa trứng gà nên đã nôm na gọi là thác Ổ Gà (?!). Thực ra chữ “Ổ Gà” chỉ là biến âm của chữ Gougah mà ra. Thác Gougah thật đẹp và cuốn hút nhưng còn hoang sơ quá. Đến nơi đây, cảnh núi đồi hoang vắng dễ làm khách liên tưởng đến những “plei”, làng Chăm nhiều huyền thoại của một thuở xa xưa.

38. Thác Pongour.

Theo quốc lộ 20 nối thành phố Hồ Chí Minh với Đà Lạt, khi qua khỏi cầu Đại Ninh đến xóm Trung huyện Đức Trọng, du khách rẽ trái rồi đi tiếp chừng 7km sẽ đến được thác Pongour. Con đường vào thác đã được công ty Đất Nam đầu tư nâng cấp, tuy chưa thật hoàn chỉnh cũng đã cho phép các loại xe đưa khách tham quan vào đến thác một cách dễ dàng. Nằm cách huyện lỵ 20 km và cách trung tâm Đà Lạt 50km, Pongour là một ngọn thác hùng vĩ nhất của núi rừng Nam Tây nguyên. Tại đây ngọn nước đổ ào ào xiết mạnh từ độ cao chừng 30m xuống một hồ nước lớn sau khi trượt qua các tầng thác đã tạo thành những âm vang gầm gào như sấm động, nhất là vào mùa mưa, cảnh thác càng hung hãn dữ dằn hơn trong làn sương khói ảo huyền.

Pongour là tên do người Pháp phiên âm từ tiếng bản địa K’Ho: Pon-gou có nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng. Theo một số tài liệu địa chất của người Pháp, vùng đất này có nhiều kaolin.

Pongour là thác nước duy nhất có ngày hội. Hằng năm cứ vào dịp rằm tháng giêng âm lịch, từ khắp nơi các nam thanh nữ tú không phân biệt dân tộc đổ về đây trẩy hội mùa Xuân, hồ hởi vượt qua các tầng thác với ước mong vào được chốn thiên thai. Đây là dịp mà mọi người sống cởi mở, chân tình, tự do tìm hiểu và yêu mến nhau.

39. Khái quát đèo Bảo Lộc và Thị xã Bảo Lộc, Thác Pobla ở Di Linh.

Đèo Bảo Lộc là cửa ngõ của cao nguyên Di Linh, một loại cao nguyên bóc mòn, phần lớn diện tích được phủ bởi đất đỏ bazan. Đèo Bảo Lộc sẽ đưa du khách lạc vào một vùng khí hậu lý tưởng. Vớiđộ cao 800m so với mặt nước biển, không quá nóng như ở tp.HCM hay Đồng Nai và không lạnh như ở Đà Lạt, quanh năm nhiệt độ trung bình ở Bảo Lộc chỉ ở mức 21-23oC. Đây quả là một “thiên đường” cho du lịch nghỉ dưỡng. Nhưng “thiên đường” này vẫn bị bỏ quên, chưa được khai thác bao nhiêu.

Thị xã Bảo Lộc ở vị trí trung tâm phía Nam đối với địa bàn Tỉnh. Là đầu mối giao thông đường bộ quan trọng nối liền TP HCM – ĐALẠT, là nơi du lịch với thác Đambri nổi tiếng trong và ngoài Tỉnh, khí hậu ôn hoà với hai mùa mưa nắng rỏ rệt, nhiệt độ trung bình ổn định, là Thị Xã mới thành lập từ năm 1994 do tách từ Huyện Bảo Lộc trước đây nhưng đã có quá trình phát triển lâu đời. Hiện nay thị xã Bảo Lộc có diện tích 234 Km2. Thị xã Bảo lộc là vùng có khí hậu ôn hoà, địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu nằm trên nền đất Bazan màu mỡ nên rất thích hợp cho các loại cây công nghiệp dài ngày như chè, cà phê phát triển. Bảo lộc là vùng tập trung chuyên canh chè chiếm 42% về diện tích và 52,4% về sản lượng toàn Tỉnh, đồng thời cũng là nơi thuận lợi cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển Bảo Lộc có khí hậu quanh năm mát mẻ, không qúa lạnh, cũng không qúa nóng, nhiệt độ trung bình 22 – 24oC. Bảo Lộc có lượng mưa khá lớn (2.762 mm), không có tháng nào không có mưa. Biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, trung bình là 10,3oC. Sương mù xuất hiện ở Bảo Lộc nhiều nhất tỉnh do độ ẩm cao, trung bình mỗi năm có 85 ngày có sương mù tập trung vào những tháng cuối mùa mưa. Thị xã Bảo Lộc có nhiều thắng cảnh đẹp như đèo Bảo Lộc, thác Đam Bri, hồ Nam Phương, suối Đá Bàn, núi Đại Bình (S’Pung)... cùng với những đồi trà, những cánh đồng dâu thoai thoải xanh mượt mà làm cho Bảo Lộc càng thêm xinh tươi, trù phú là tiềm năng lớn để phát triển ngàn du lịch. Hàng năm ngành du lịch thị xã thu hút từ 250-300 ngàn lượt khách, doanh thu từ 7-8,5 tỷ đồng.

Cùng với du lịch, ngành thương mại - dịch vụ cũng góp phần quan trọng vào nền kinh tế của thị xã. Là đầu mối có vai trò cung cấp các loại vật tư, hàng hoá phục vụ sản xuất và đời sống cho hàng chục vạn dân khu vục phía nam Lâm Đồng, ngành dịch vụ – thương mại của thị xã chiếm 30% tổng thu nhập của ngành TM-DV Lâm Đồng. Năm 2005, tổng giá trị thu được từ ngành thương mại-dịch vị-du lịch đạt 260 tỷ đồng, chiếm 45% tổng giá trị GDP của thị xã.

Thác Pobla khá nổi tiếng đối với nhiều du khách, Nằm trên địa phận xã Liên Đầm, huyện Di Linh, cách thành phố Đà Lạt hơn 8km và cách thị xã Bảo Lộc 25 km. Thác nằm cách đường quốc lộ 20 chỉ khoảng 300m đường vòng. Thác Pố Pla (theo tiếng K’ho nghĩa là đầu ngà voi) hay đọc theo tiếng Kinh là Bobla, hoặc còn vài chục mét, du khách sẽ nghe thấy tiếng thác đổ và càng gần thác du khác càng cảm nhận được vẻ hoang sơ của nó. Thác nằm lọt thỏm giữa hai ngọn đồi có hình voi phục và giống như một cái hang động trong với cảnh quan nhà cửa, những trang trại cà phê ở xung quanh, dứơi thác là một cái hồ nhỏ do nước chảy lâu ngày tạo thành, cạnh hồ có những tảng đá lớn trồng như những bàn đá của trời và có những cây cổ thụ cao to che mát cả một khoảng trời. Cũng giống như thác Đambri ở thị xã Bảo Lộc, thác Ngà voi rất cao.

Theo lời kể của đồng bào dân tộc bản xứ thì vào thời xa xưa, xưa lắm - khi người Chàm cai trị Di Linh ngày nay, họ bắt ngừơi dân bản xứ phải đóng thuế bằng những sản vật của núi rừng như da thú, sừng tê giác, hươu nai… và đặc biệt là ngà voi. Với ngà voi thì phải chọn cái to và người tù trưởng của bộ tốc noơi con thác đã tìm được một cặp ngà voi cao quá đầu người, ngựa phi qua cũng không được. Từ đó, vua Chàm thích quá nên đặt cho nơi này là Pố Pla và dòng thác cũng mang tên là Pố Pla.

Còn cái tên Liên Đầm là do đọc trại của hai chữ Lang Dăm - một chàng trai tài giỏi đã cứu giúp dân làng Liang Jrăk Mur khỏi giặc Chàm. Trong một lần quân Chàm tiến đánh buôn làng, cả làng đều sợ hãi bỏ chạy, duy chỉ có Liang Dăm là không chạy, anh bẻ một cành trâm bên bờ thác và cầm cành trâm hướng về phía quân thù; lạ thay, khi cành trâm gãy đến đây thì quân Chàm tan vỡ, tự đâm chém nhau. Giặc tan rồi, Liang lặng lẽ đi về phía đông dòng thác rồi biến mất không đợi dân làng kéo đến tạ ơn. Từ đó để ghi nhớ công ơn, dân làng đã đặt tên buôn là Liang Dăm và sau này đã bị đọc trại, phiên âm theo tiếng Kinh là Liên Đầm.

40. Cây Trà ở Di Linh và Bảo Lộc.

Cây trà xuất hiện đầu tiên ở Lâm Đồng vào năm 1927 tại Cầu Đất (Đà Lạt), sau đó theo quá trình hình thành và phát triển, nó có mặt tại Di Linh và có mặt tại Bảo Lộc sau năm 1930, khi thực dân Pháp đã cơ bản hoàn thành con đường QL20 từ Đà Lạt đi Sài Gòn. Cây trà là một trong những loại cây công nghiệp xuất hiện sớm nhất ở vùng đất B’lao và khẳng định được vị trí chủ đạo của mình ở vùng đất này, bắt đầu từ những đồn điền của người Pháp như: Felit B’lao, B’lao Sierré, sau đó đến các trang trại, rồi các rẫy trà, vườn trà được trồng trong các hộ gia đình ở B’lao, Bảo Lộc. Và từ đó bắt đầu xuất hiện một tầng lớp nhân dân chuyên sống băng nghề trồng trà, chế biến trà hương.

Ngay từ những ngày đầu, những người sản xuất trà ở B’lao đã lấy địa danh B’lao (tên gọi Bảo Lộc chỉ mới xuất hiện từ năm 1954) để đặt tên cho sản phẩm của mình, nhằm biểu hiện đặc sản ngon ở vùng đất này. Và có lẽ do tiếng tăm của trà B’lao mà các danh trà sau này ngoài tên gọi cơ sở sản xuất của mình đều phải dùng chữ “Trà B’lao” trên bao bì, cho dù danh trà của họ có nổi tiếng đến mấy đi nữa như: Quốc Thái, Đỗ Hữu, Trâm Anh, Rồng Vàng (của Ladotea), Ngọc Trang, Thiên Thành… Bởi nếu không ghi chữ trà B’lao vào thì sản phẩm sẽ rất khó bán, vì người tiêu dùng ở xứ “Đàng trong” đã quen với tên gọi này rồi. Ở “Đàng ngoài” thì có trà Bắc Thái cũng nức tiếng từ lâu đời. Nhưng do “gu” của mỗi miền khác nhau nên cách chế biến cũng khác nhau. Trà Bắc Thái thường sao suốt và không ướp hương. Còn trà B’lao phần lớn đều luộc qua, ép bớt nước đắng rồi mới sao khô và ướp hương, đóng gói. Hương ướp trà ở B’lao chủ yếu dùng hoa sói và hoa nhài. Đặc biệt loài hoa sói rất thích hợp với khí hậu Bảo Lộc. Hạt hoa sói nhỏ, trắng xanh như hạt gạo nếp và hương của nó rất “ăn” với cành trà. Do “công nghệ” chế biến khác nhau nên trà B’lao ngọt và thơm chứ không đậm chát như trà Bắc Thái. Nghề làm trà ở B’lao đã thành “nghiệp” cha truyền con nối. Chủ danh trà Đỗ Hữu năm nay đã 73 tuổi, có thâm niên làm trà 48 năm nói “Người làm trà cùng thời với tôi ở B’lao không còn ai nữa, phần lớn là con cháu nối nghiệp và những người mới vào nghề mấy năm gần đây”. Người con của trà Quốc Thái năm nay đã 60 tuổi và chủ danh trà hôm nay lá cháu Quốc Thái, nghĩa là nghề làm trà B’lao đã sang đến đời thứ ba.

Ở thị xã Bảo Lộc hôm nay có trên 1300 cơ sở chế biến trà lớn nhỏ. Đó là những doanh nghiệp lớn như: Hồng Chi, Tân Nam Bắc, Tây Nguyên, Trường Đỉnh… Bên cạnh đó đã hình thành nên những phố trà chiếm lĩnh mặt đường QL 20 chạy dài qua khu trung tâm thị xã. Tư nhân ở Bảo Lộc trước đây sản xuất trà chủ yếu phục vụ nội tiêu, nhưng vào thời kỳ mở cửa hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham gia xuất khẩu trà với số lượng lớn qua các nước: Nhật, Đài Loan, Mỹ… 

41. Công nghệ tơ tằm ở Bảo Lộc.

Lụa tơ tằm ở Bảo Lộc vốn được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế biết đến và ưa chuộng. Để cho ra được những tấm vải lụa bảo đảm được độ bóng, độ ẩm và có chất lượng đồng đều thì đòi hỏi phải có giống cây, con giống tốt, cho năng suất cao. Về giống tằm, người nuôi cũng phải được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật tiên tiến để xử, hạn chế rủi ro trong sản xuất. nhất là trong khoảng thời gian tằm nhả tơ cho ra kén rất dễ bị bệnh chết, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân. Hơn 20 năm qua, Bảo Lộc đã có khuyến công, tổ chức đào tạo đưa tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực sản xuất tơ ở thành phần kinh tế.

Để giữ vẫn chất lượng lụa tơ tằ. Hiệp hội và Tổng Công ty tằm tơ Việt Nam phải luôn luôn cung cấp giống, hướng dẫn qui trình sản xuất tơ, tiêu chuẩn, qui cách, mẫu mã cho người sản xuất. Sở Công nghiệp tỉnh Lâm Đồng cần hỗ trợ kinh phí cho nông dân để thực hiện chuyển đổi giống dâu có năng suất cao, giống tằm tốt. Hỗ trợ kinh phí khuyến công, đào tạo công nhân và nâng cấp thiết bị sản xuất.

42. Khu du lịch thác Đamb’ri.

Thác Đamb’ri nằm ở độ cao khoảng 1500m so với mực nước biển, Đamb’ri là một khu du lịch được phát triển và đầu tư mạnh trong vài năm trở lại đây ở cao nguyên Lâm Đồng. Hằng năm Đamb’ri đón khoảng 200.000 lượt du khách tham quan. Cách thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng) khoảng 18km, thác Đamb’ri nằm giữa một khu rừng cấm rộng hàng ngàn héc-ta với nhiều động, thực vật quý hiếm. Len lỏi trong những cây cổ thụ già hàng trăm năm tuổi là các lối đi được xây đá hoa cương hết sức công phu. Nhìn từ xa, ngọn thác Đamb’ri cao gần 90 m hiên ngang hùng vĩ giữa rừng núi cao nguyên. Từ trên độ cao ấy, một khối nước khổng lồ tung bọt trắng xoá, Bên dưới là vực sâu với những đoàn khách du lịch chuyển động nhỏ xíu. Nếu nhìn từ dưới lên, bạn sẽ thấy hàng chục cầu vồng bảy sắc do bụi nước và ánh sáng mặt trời tạo nên lung linh huyền ảo.

Huyền thoại Đamb’ri được người dân Tây Nguyên thêu dệt thật đẹp. Chuyện kể rằng ngày xưa có một đôi uyên ương người dân tộc K’ho thường hẹn hò bên thác nước. Tình yêu đẹp như nhánh lan rừng và ngọt ngào như dòng suối mát. Và một ngày nọ, chàng trai bỗng mất tích không có dấu vết để lại. Cô gái khóc mãi, chờ mãi những bóng dáng người yêu vẫn mịt mù trong rừng thẳm. Lâu ngày nước mắt của cô đọng lại và chảy thành dòng thác lớn. Người K’ho đặt tên thác là Đamb’ri, nghĩa là “đợi chờ”. Ngày nay, ngọn thác hùng vĩ và thơ mộng ấy đã trở thành một minh chứng cho sự thuỷ chung son sắt của người con gái dân tộc K’ho năm xưa. Dưới chân ngọn thác có một tảng đá hình sư tử với đôi mắt buồn rười rượi. Giai thoại kể lại rằng, khi chàng trai đi làm ăn xa trở về không gặp lại người yêu, anh ta rất buồn và hoá thành con sư tử đá nằm dưới chân ngọn thác.

Du khách men theo bờ đá đi vào dòng thác ở những tầng nước phía dưới sẽ thấy con sư tử đá ấy và những kỳ quan khác trong hang động dưới chân thác. Thác Đamb’ri có nhiều tầng kéo dài. Từ phía dưới nhìn lên bạn sẽ thấy những tầng xếp chồng lên nhau rất độc đáo. Đến với Đamb’ri ngoài việc thưởng thức thắng cảnh của thác, bạn có thể làm một chuyến du lịch mạo hiểm trong rừng cấm. Với hàng ngàn héc-ta rừng nguyên sinh trong khu du lịch, Đamb’ri sẽ mang lại nhiều dấu ấn kỳ thú khác cho chuyến du khảo của bạn ở vùng đất cao nguyên giàu đẹp.

43. Sông La Ngà và lòng Hồ Trị An.

La Ngà cũng là 1 phụ lưu ở tả ngạn. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh và chảy trên bề mặt khá bằng phẳng. Dòng sông dài khoảng 272 km và chảy theo hướng gần như song song với dòng chính. Độ dốc lòng sông khoảng 4,3%. Lòng sông uốn khúc quanh co, lại bị chặn bởi nhiều khối đá basalt nên nước sông khó tiêu, nhất là về mùa lũ sông thường gây ngập lụt.

Lòng hồ Trị An rộng trên 32.000 ha, có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch. Với trử lượng gần 3tỉ m3 nước hồ Trị An được đưa vào sử dụng năm 1998 và đây là thủy điện lớn nhất miền nam với tổng công suất gần 2tỉ kw/năm.

44. Giới thiệu về hiện tượng đá chồng ở Định Quán.

Đá Ba Chồng nằm  giữa khu vực dân cư sầm uất của huyện Định Quán, cạnh Quốc lộ 20. Sau hàng triệu năm dãi dầu mưa nắng, ba lần ngâm mình dưới biển khi biển tràn vào, chứng kiến hàng trăm ngọn núi lửa hoạt động dữ dội, Đá Ba Chồng như ba tảng đá xếp chồng lên nhau khá chênh vênh vẫn đứng đó, tạo ra một cảnh quan hùng vĩ. Cạnh đá Ba Chồng là hai quả núi Bạch Tượng hình dáng giống như đôi voi phục. Trên đỉnh núi là tượng Phật Thích Ca cao hơn 20m ngự trên đài sen. Dưới chân núi Bạch Tượng còn có hang sâu và chùa Thiện Chơn, đối diện là Hòn Dĩa, xa hơn một chút là hòn Sư Tử.

Đá Ba Chồng thuộc nền văn hóa óc- Eo – Phù Nam ở thềm cao nguyên Đông Nam Bộ, đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin xếp hạng năm 1988.

45. Rừng Nam Cát Tiên, Vườn cây giá tỵ.

Rừng Quốc Gia Cát Tiên với diện tích 74.320ha, thuộc xã Đaklua, huyện Tân Phú, là một trong những vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam, được UNESCO công nhận là khu sinh quyển của thế giới. Cát Tiên cũng là đô thị tôn giáo của Vương quốc cổ Phù Nam (thế kỷ thứ hai sau Công nguyên) với nền văn hóa óc Eo nổi tiếng. Nơi đây là một bảo tàng tự nhiên có ý nghĩa quốc tế về khoa học và văn hóa, là nơi còn lưu giữ hệ động thực vật của rừng nhiệt đới cực kỳ quí giá.

Thực vật có 636 loài thuộc 411 chi của 192 họ, trong đó có nhiều loại quý hiếm. Về động vật, có 208 loài chim, 57 loài thú, 10 loại bò sát, 121 loài côn trùng và rất nhiều loài quý hiếm đang được quan tâm bảo vệ như báo gấm, báo hoa mai, sói đỏ, sóc bay, vộc ngũ sắc, tê giác một sừng, bò tót, gấu chó, hạc cổ trắng, công xanh. Đa dạng về sinh cảnh và chủng loại động thực vật, Vườn Quốc Gia Cát Tiên là khu du lịch sinh thái độc đáo với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú : Bàu Chim, Bàu Sấu, Suối Tiên, Thác Trời, rừng phong lan, cây cổ thụ ngàn tuổi,.. Các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên, sinh viên học sinh và du khách bốn phương đã tìm thấy ở đây nhiều kiến thức, bài học lý thú và những cảm giác hiếm có, khó quên.

Vườn cây Giá Tỵ là do công ty lâm nghiệp La Ngà quản lý. Đây là khu rừng giá tỵ  (tếch) được trồng vào năm 1977-1979. Sau nhiều năm bị khai phá trái phép, đến nay còn sót lại 170 cây giá tỵ, có đường kính từ 20-25cm nằm rải rác trên diện tích 4,8 hécta với mật độ 30-35 cây/hécta, cây còi cọc, phát triển kém. Hiện tại trên diện tích này, gốc cây rừng tự nhiên còn lại tương đối nhiều, mùa mưa đến có khả năng tái sinh chồi mạnh.

Cảm nghĩ sau chuyến thực tập

TP.HCM – TP.Buôn Ma Thuột – TP.Đà Lạt

“Ai lên xứ đào nhớ hái một cành hoa” những lời hát đó, những âm vang đó còn mãi trong lòng em sau khi chuyến thực tập Tây Nguyên về. Cái nắng, cái gió cái sương của đất trời Đà Lạt đã ru Em thổn thức một tâm hồn. Lòng Em đắm chìm vào điệu nhạc cồng chiêng, say mê cùng với rượu cần. Lòng Em hòa mình vào thiên nhiên, hòa vào cái sự se lạnh của thời tiết Đà Lạt. Vâng! Những con người của núi rừng Tây Nguyên, những người con đã sống trên mảnh đất này, đã tạo cho Em có một giấc mơ đẹp, tạo cho Em ký ức mới không phai. Khi nói đến Tây Nguyên lòng Em nghĩ tới những hương vị cà phê của Buôn Ma Thuột, những hương vị hoa của thành phố Đà Lạt và còn nhiều hương vị ngọt ngào của mảnh đất Tây Nguyên này. Và một điều Em muốn nói đó chính là tình yêu, tình yêu như một huyền thoại của chuyện tình chàng lang và nàng biang và còn nhiều chuyện tình giữa đất trời Tây Nguyên này nửa. Qua những điều đó Em như đã có tình yêu đối với thiên nhiên, vùng đất núi rừng và còn người nơi đây.

Một số thông tin về khách sạn nhà hành

sau chuyến thực tập Tây Nguyên

Một số thông tin về khách sạn nhà hành

sau chuyến thực tập Tây Nguyên

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: