Chap 4
Tôi đậu vào đội tuyển Lịch sử, điều làm bố tôi rất tự hào, bởi vì ông cũng là một giáo viên Lịch sử. Thực ra chuyện tôi thích lịch sử không phải vì bị bố ép, mà là chính tôi cũng cảm thấy có sự say mê nhất định đối với những bậc tiền nhân, những trận đánh thắng giặc ngoại xâm của dân tộc, những chiến công hào hùng của những anh hùng. Tôi say mê và ngưỡng mộ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đến độ thuộc làu làu Hịch tướng sĩ, cũng giành rất nhiều thời gian đọc Lam Sơn Thực Lục, cũng ngưỡng mộ tài năng của Vua Quang Trung. Tất cả những vị anh hùng đều khiến tôi kính nể mãnh liệt. Có lẽ lịch sử là một trong những môn khiến tôi hiểu được những giá trị lâu đời của dân tộc, cũng khiến tôi biết được mình là ai, mình sống trong thời đại này, mình cần làm gì với đất nước.
Bạn bè tôi ngày xưa mỗi lần nghe tôi nói đều cho rằng tôi đúng là kỳ quặc hay già trước tuổi, nhưng đôi mắt bố tôi thì lúc nào cũng ánh lên niềm tự hào. Bởi lẽ đôi khi mọi người nghĩ chúng ta phải làm những điều to lớn thì mới được ghi nhận, nhưng vốn dĩ không phải vậy. Mỗi nhành cây, ngọn cỏ đều là một phần của rừng thiêng sông núi, cùng là tô điểm cho vẻ đẹp đất nước, vì thế, chính những con người nhỏ bé như chúng ta, sống và làm việc đàng hoàng, tử tế cũng đã góp phần phát triển dân tộc rồi.
Mà thôi, nhắc tới vấn đề này tôi lại huyên thuyên nhiều quá. Quay lại câu chuyện chính, vẫn là tôi đậu vào đội tuyển Lịch sử. Và điều đó khiến tôi trở nên đặc biệt trong lớp, bởi chỉ có một mình tôi trong lớp 10.1 này chuyên Sử.
Điều đặc biệt này còn đặc biệt hơn nữa vào tiết Lịch sử bởi thầy Hùng cứ câu hỏi nào khó là lại gọi tên tôi lên. Tôi cũng cố gắng trả lời thầy bằng những gì tôi từng học được cùng bố, cũng như những cuốn sách tôi đọc được.
Cho đến một ngày...
Hôm nay chúng tôi học về các nền văn minh cổ đại trên thế giới, thầy Hùng bảo tôi đứng dậy giới thiệu với mọi người về nền văn minh của Ai Cập. Tôi nói hết những điều tôi biết, sau cùng còn bồi thêm một câu ngạn ngữ của người Ai Cập: "Vạn vật đều sợ thời gian, nhưng thời gian lại sợ Kim Tự Tháp". Nghe chừng ra vẻ rất hiểu biết, rất thông thái. Các bạn trong lớp nhìn tôi với con mắt trầm trồ đầy thán phục, tôi hãnh diện đến suýt nở mũi.
- Tốt lắm. Tuệ Nghi quả thực đã có nhiều tìm hiểu về nền văn minh Ai Cập cũng biểu tượng của nó là Kim Tự Tháp. Trong lớp mình, có bạn nào có hứng thú chia sẻ thêm bên cạnh những gì Tuệ Nghi vừa nói không?
Cả lớp ai cũng dường như rụt rè hơn hẳn. Cũng đúng thôi, 3/4 lớp này là dân tự nhiên, nếu có người học ban xã hội thì toàn là chuyên văn, vậy nên họ cũng không thực sự quá hứng thú với lịch sử.
- Em, thưa thầy.
Tôi trố mắt ngạc nhiên nhìn người bên cạnh đứng dậy, gương mặt hắn vẫn lãnh đạm, trên tay vẫn cầm cây bút chì như một thói quen mỗi khi đứng dậy phát biểu.
Thầy Hùng tỏ ra vô cùng phấn khởi, đại thần Toán học lớp 10.1, thủ khoa toàn trường lại có hứng thú với giờ học Lịch sử, thầy cũng thật thấy hài lòng:
- Thầy mời Trường An.
- Em thấy bên cạnh Kim Tự Tháp thì vẫn còn rất nhiều điều để nói về Ai Cập. Về tín ngưỡng, đời sống văn hóa, về con người của họ. Điều em luyến tiếc nhất về Ai Cập, đó là từ một quốc gia vô cùng giàu mạnh, họ chinh chiến khắp nơi, nhưng một ngày lại sụp đổ, để lại một Ai Cập hiện nay thậm chí không phải là một trong những dân tộc nổi bật trên thế giới. Tất cả những gì người ta chú ý và nhớ về họ đều là về những thứ xưa cũ, về kim tự tháp, về tượng nhân sư,... không biết, bạn Tuệ Nghi đã từng đọc qua về nguyên nhân sụp đổ của Ai Cập chưa?
Tôi thở ra một hơi. Tên này bị làm sao vậy, từ lúc học chung đến giờ lần đầu tiên hắn nói nhiều đến thế. Lại còn lôi tôi lên cùng tranh luận. Tôi dù rất ngại những tình huống như này, nhưng thầy Hùng lại đưa ánh mắt mong chờ nhìn tôi. Cũng chẳng còn cách nào khác, tôi đành đứng dậy.
- Trước đây, Ai Cập có một vị vua tên là Khan. Ông ta dành rất nhiều thì giờ để tu luyện thiên văn học, dự đoán vận mệnh của Ai Cập. Ông ta cũng là người thay đổi rất nhiều trong văn hóa của người dân Ai Cập, phản đối các cuộc chiến với các nước láng giềng với mong muốn Ai Cập được hòa bình, yên ổn mà phát triển. Tuy nhiên, các quan và tướng trong triều đều không theo lời ông, vì thế đã tạo phản. Trước khi chết, Khan đã để lại những lời cuối cùng, cũng là những điềm báo rằng tai ương sẽ đổ xuống đất nước này. Đây rõ là câu chuyện được phóng tác, nhưng bản thân mình thì lại tin rằng nó hợp lý. Mình không phải mê tín, nhưng mình tin vào sự tồn tại của vũ trụ tác động không nhỏ đến vận mệnh con người, trong đó bao gồm cả vận mệnh một đất nước. Vì vậy, việc người Ai Cập chinh chiến bao năm, giết người uống máu, đã được vũ trụ ghi lại, và đợi một ngày vũ trụ soi lại quá khứ đó vào đất nước họ, như bánh xe của lịch sử.
Cậu ta nhìn tôi rất lâu, cả lớp im lặng tựa như ngay cả một con ruồi bay qua cũng có thể ngay thấy tiếng đập cánh nhịp nhàng của nó. Đôi mắt sắc sảo kia ánh lên chút gì đó ngạc nhiên, nhưng sau đó là một loại cảm xúc gì đó mà tôi không biết gọi tên là gì. Tuy nhiên, tôi có thể thấy được ánh nhìn của cậu ta về tôi thay đổi rất nhiều so với thời gian trước.
- Tôi thì lại có một cách giải thích có thể đáng tin cậy hơn đấy. Thực ra các nhà khoa học đã làm các cuộc nghiên cứu tại Israel, và phát hiện ra nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của Ai Cập cổ đại có thể là do thiên tai gây nên. Hạn hán lại kéo dài trong suốt nhiều năm vì thế người Ai Cập không thể canh tác thuận lợi, đất nước cũng không còn hưng thịnh như xưa. Vì thế, nói là do vũ trụ gì đấy, thì vẫn không chứng minh được, phải không?
- Cậu cũng vừa nói các nhà khoa học vốn nghiên cứu tại Israel, đó chỉ là vùng lân cận với Ai Cập, cũng chưa chắc sẽ chính xác hoàn toàn. Nếu ở Lào có lũ lớn, chưa chắc Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, đúng chứ? Vậy xem ra, bằng chứng khoa học cũng không thể gọi là chính xác 100%.
- Nếu vậy, thì chúng ta mới càng phải tìm hiểu nhiều hơn, để khoa học chứng minh được.
- Vậy nếu, khoa học vĩnh viễn chẳng thể chứng minh được, thì có phải chúng ta đi vào một ngõ cụt sao? Thay vào đó thì tìm một phương thức tiếp cận mới có phải sẽ phù hợp hơn không?
Quái lạ, tôi càng tranh luận, đôi mắt cậu ta càng sáng rực, càng vô cùng hào hứng. Ánh nắng bên ngoài cửa sổ chiếu sau lưng cậu ta càng làm tôi như sinh ra một loại ảo giác, rằng nơi này chỉ có tôi và cậu, cùng tranh luận.
Tiếng chuông reng cũng là lúc tôi rời khỏi suy nghĩ miên man, cậu ta cũng giật mình quay về phía thầy.
Thầy Hùng rất hào hứng, liền nói:
- Một tiết học tuyệt vời các bạn trẻ ạ. Lớp mình nên học hỏi hai bạn Tuệ Nghi và Trường An. Hai bạn đây đều có những góc nhìn riêng và có những lập luận vững chắc để bảo vệ quan điểm của mình. Lịch sử cũng là khoa học, nhưng đôi khi cũng là tâm linh, có những thứ chúng ta phải cần có lý trí để xác định, nhưng đôi khi cũng phải lắng nghe con tim mình, các bạn nhỏ ạ. Thầy hy vọng những tiết học khác lớp mình cũng sẽ sôi nổi như này nhé.
Thầy nói rồi vui vẻ ký tên trong sổ đầu bài, sau đó ôm cặp hào hứng rời khỏi lớp.
Dư âm tiết học kéo mãi đến khi ra chơi, trong lòng tôi dâng lên một cản giác gì đó, rất phấn khích, cũng rất hào hứng. Cứ như trái tim tôi nói rằng giá mà được tranh luận thêm với cậu ta nữa thì thật tốt.
Người bên cạnh cũng không đứng dậy đi chơi bóng như mọi hôm, chỉ lẳng lặng ngồi nhìn ra bên ngoài cửa sổ.
Diệp Khanh vì nãy còn cãi nhau với Tuấn Anh nên bây giờ lẽo đẽo theo tới sân bóng để cãi tiếp. Thế là giờ ra chơi của tôi hôm nay yên tĩnh đến lạ kỳ.
- Cậu... không đi chơi bóng sao?
Bạn cùng bàn quay sang nhìn tôi, ngẩn một giây rồi nói:
- Muốn đi không?
- Đi đâu? Tôi đâu có biết chơi bóng. - Tôi bật cười.
- Xuống xem.
Tôi nghĩ nhanh 1 giây, sau đó đứng dậy, cậu ta cũng theo sát ngay sau lưng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top