8 kĩ năng cần thiết
Thời đại mới mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho những người đang sống cùng với nó, đặc biệt là giới trẻ. Ngày nay bạn không như cha ông mình chỉ cần thuộc Tứ Thư Ngũ Kinh là có thể ra đời tung hoành mà phải đối mặt với hàng nghìn, thậm chí hàng triệu thông tin,kiến thức từ đủ mọi nguồn và bao gồm mọi chủng loại. Vậy bạn đã confront nó đúng cách chưa. Sau đây là một bài tổng hợp những kĩ năng mình cho là thiết yếu nhất dựa trên kinh nghiệm cá nhân.
1 - Tư duy phản biện: tư duy phản biện là cốt lõi của mâu thuẫn, mà mâu thuẫn lại là nòng cốt của phát triển (tất nhiên là mâu thuẫn tích cực chứ không phải kiểu hàng cá chửi nhau ). Đã qua rồi cái thời phong kiến Á Đông khi mà trên bảo sao dưới phải nghe vậy. Giờ đây bạn đã có đủ điều kiện để phản biện lại những gì mình cho là không phải. Có câu "Tận tín thư bất như vô thư", nếu tin cả vào sách thì thà không đọc sách còn hơn, tác giả một cuốn sách có thể chủ quan trong cách nêu vấn đề, cơ quan truyền thông của một quốc gia, tổ chức có thể bóp méo thông tin cho một mục đích nào đó nhưng nếu đầu óc tỉnh táo thì bạn luôn có thể sẵn sàng để xử lý mọi thông tin. Tư duy phản biện tốt không đồng nghĩa với việc thấy gì không hợp ý là cãi lại, nó đòi hỏi sự khách quan và tính chính xác, để làm được điều này, bạn cần sự trợ giúp của kĩ năng 3,4,5.
2 - Tư duy sáng tạo: thật không ngoa khi nói sức sáng tạo của con người là vô hạn. Tổ tiên của chúng ta vào thời đồ đá chắc không thể ngờ rằng con cháu họ lại có thể làm được những việc như ngày nay. Đừng tự ti rằng mình không thể sáng tạo. Sự sáng tạo luôn tiềm ẩn trong mỗi người, nó như thế nào là phụ thuộc việc bạn đầu tư vào trui rèn sức sáng tạo ra sao. Bạn có thể bắt đầu bằng một bài tập đơn giản: khi có thời gian rỗi, hãy chọn bất cứ thứ gì mà bạn thường sử dụng, liệt kê những khuyết điểm của nó và thử nghĩ xem bạn có thể làm nó tốt hơn bằng cách nào, hoặc ít nhất, cách nào khác để cùng làm một việc đó. Ai có thể nói trước được điều này không đem lại cho bạn một bằng phát minh nào chứ. (Giải toán bằng nhiều cách cũng là một ví dụ của tư duy sáng tạo)
3 - Tư duy xúc cảm: được thai nghén từ những năm đầu của thế kỉ XX, tư duy xúc cảm được biết đến phổ biến nhất qua mô hình của tiến sĩ Daniel Goleman, được trình bày năm 1995. Thực tế đã chứng minh trí tuệ nhận thức (cognitive intelligence) là chưa đủ và không thể phát huy hết hiệu quả nếu trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence) của một cá nhân quá kém. Trí tuệ xúc cảm không những mang lại lợi ích trong việc học, việc làm mà còn cả trong đời sống cá nhân của bạn. Hãy thử tưởng tượng việc bạn có thể quản lý các mối quan hệ (gia đình, bạn bè, người yêu, đồng nghiệp, khách hàng...) một cách hiệu quả hơn và tránh những mâu thuẫn không đáng có, bạn sẽ được lợi nhiều hơn số kết quả bạn có thể tưởng tượng ra đấy. Bốn phạm trù chính của mô hình TDXC Goleman là : Hiểu được cảm xúc cá nhân - Hiểu được cảm xúc khách thể - Quản lý cảm xúc cá nhân - Quản lý cảm xúc khách thể.
4 - Kĩ năng nghiên cứu: để hiểu được tầm quan trọng của việc nghiên cứu đúng cách, bạn hãy thử gõ bất cứ đề tài nào bạn quan tâm vào search bar google và xem có bao nhiêu kết quả phản hồi. Ở đây mình lấy ví dụ "Emotional Intelligence" và số kết quả là 2,010,000 trang. Hãy thành thật với bản thân, bạn KHÔNG THỂ đọc hết ngần ấy tài liệu được. Bạn chắc chắn phải chọn lựa trong số ấy, và để chọn được tài liệu cần thiết bạn hãy tự đặt cho mình những câu hỏi sau: "Đề tài mình quan tâm là gì? Giới hạn nghiên cứu đề tài đó tới đâu? Những tài liệu đáng tin cậy nào liên quan đến đề tài đó đã được phổ biến rộng rãi...". Một điểm đáng lưu ý là độ tin cậy của tài liệu luôn được đặt lên hàng đầu khi làm research. Bạn luôn phải xem tài liệu tham khảo đó được viết bởi ai, có phải là phiên bản cập nhật mới không...Sách ở nước ngoài có cả một hệ thống reference, nên nhìn vào một cuốn sách người ta có thể đánh giá được thông tin trong đó có độ tin cậy tương đối thế nào. Về báo thì chỉ nên lấy thông tin từ những tờ có độ chính xác cao ( The Guardian, The Time, The Economist...), đặc biệt tránh báo lá cải và báo điện tử. 5 - Kĩ năng phân tích/ tổng hợp: cho dù đã research rất tốt, bạn cũng sẽ không nhận được kết quả gì nếu không sử dụng được những gì đã research. Một thực tế là một đợt research tốt sẽ mang đến cho bạn KHÔNG ÍT tư liệu khác nhau, trong đó sẽ có những thông tin trùng hoặc trái ngược nhau. Để biến tất cả những thông tin đó thành kiến thức mới cho mình, bạn cần biết phân tích và tổng hợp chúng lại. Điều này đòi hỏi kĩ năng 1 và 4 (cơ hội phải làm nhiều đợt research phụ nữa là rất cao )
6 - Kĩ năng giao tiếp: giao tiếp là một phần khách quan của đời sống con người. Khi post bài lên 4rum đây là mình đang giao tiếp, khi chat là giao tiếp, khi lườm người khác cũng là giao tiếp, thậm chí khi bạn mặc trang phục như thế nào, dù muốn hay không, bạn cũng đã gửi một thông điệp gì đó đến người khác. Quá trình giao tiếp xảy ra liên tục, dưới nhiều hình thức ( ngôn ngữ vs. phi ngôn ngữ, chủ đích vs. hạ ý thức ), nó khiến việc giao tiếp trở nên quá bình thường đến nỗi con người không nhận ra là mình cần phải học giao tiếp đúng cách để đạt hiệu quả cao nhất. Việc giao tiếp có liên quan mật thiết đến kĩ năng 3 và đòi hỏi bạn hiểu về khái niệm Perception. Ngôn ngữ là một công cụ của giao tiếp, nên việc thông thạo ngoại ngữ cũng khá quan trọng, nó cũng giúp ích cho kĩ năng research của bạn.
7 - Kĩ năng sử dụng tiện ích thời đại số: hãy tưởng tượng bạn cần làm quyết toán cuối năm cho mộy công ty mà không biết sử dụng bản tính Excel, soạn thảo một văn bản mà không thể dùng đến Word, chuẩn bị visual-aid cho một bài thuyết trình mà không thể dùng PowerPoint, gửi thư đến người bạn ở xa mà không thể dùng e-mail. Dĩ nhiên bạn có thể làm thủ công tất cả những việc này, nhưng tất nhiên ai lại chịu hy sinh nhiều thời gian và công sức cho những việc mà mình có thể làm chỉ với bàn phím và con chuột cơ chứ
8 - Kĩ năng quản lý thời gian: bạn đã bao giờ cảm thấy cuộc sống thật hối hả, có bao giờ cảm thấy stress với khối lượng công việc của mình, có bao giờ cảm thấy ngộp thở vì không đủ thời gian lo cho những vấn đề cá nhân...Chắc chắn không ai chưa từng biết qua những trải nghiệm trên. Hãy tưởng tượng bạn có một tài khoản tín dụng thời gian, ngân hàng cung cấp 24h mỗi ngày cho bạn để sử dụng, số thời gian bạn không sử dụng hoặc dùng không hiệu quả sẽ không được hoàn trả và bảo lưu. Ngày hôm sau, bạn mất sạch số thời gian mà mình chưa dùng đến!!! Hãy biết quý trọng và sử dụng hiệu quả thời gian của bạn, bạn chỉ có một lượng có hạn của nó thôi, thời gian của một người hết khi cuộc sống của người đó chấm dứt, và không ai có thể nói trước được cái mốc đó là khi nào. Bạn có thể bắt đầu quản lý thời gian của mình với cách đơn giản sau: kẻ một thời khóa biểu, liệt kê tất cả những việc mà bạn chắc chắn làm mỗi ngày (ăn, ngủ, tắm rửa, học...) và viết chúng vào ô thời gian tương ứng, liệt kê tiếp những việc bạn có thể ít nghĩ tới hơn vào (thời gian di chuyển từ nhà đến trường chẳng hạn). Khi đã tương đối đầy đủ, bạn có thể xem mình rảnh lúc nào (thời gian đó lúc này do bạn quyết định sử dụng ra sao), hoặc giả thời gian quá khít mà bạn cần thêm nó cho một việc gì đó thì có thể rút bớt khoảng thời gian của những việc kém cần thiết ra. Hai điều cần nhớ là ấn định mốc thời gian (allocation of time) cho một việc và phân bố lượng thời gian bao nhiêu cho việc đó. Ngoài ra còn có những mẹo nhỏ như : đi bus để có thể tranh thủ thời gian di chuyển mà ăn sáng hoặc học bài, luôn đặt bút viết gần điện thoại để tránh mất thời gian tìm kiếm khi cần...(cái này tùy vào mỗi người, bạn có thể tự khám phá khi tập quản lý thời gian cá nhân cho mình).
Cuối cùng, quan trọng nhất, nhưng không phải một skill mà là một nhận thức mà tất cả các skill trên hỗ trợ là "lifelong learning" - bạn phải nhận ra việc học là việc suốt đời và không chỉ gói gọn trên ghế nhà trường,yêu cũng là một việc có thể học, miễn là bạn còn muốn học, bạn đều có thể áp dụng những kĩ năng trên một cách khéo léo để hỗ trợ cho nó. Vì thế mình cho vào ngoặc kép chữ sinh viên là vậy.
Ở trên mình chỉ nêu tóm tắt những kĩ năng cần thiết, còn muốn phát triển những kĩ năng trên, bạn có thể tìm đến các trung tâm huấn luyện, nhà văn hóa hoặc dễ tìm mà đầy đủ nhất là người bạn của học vấn từ thưở xa xưa đến nay : sách. Ở đây mình có liệt kê một số nhà sách giá rẻ mà bạn có thể tham khảo
Trong tình hình giá giấy lên vùn vụt kéo theo sự tăng đột biến giá sách như hiện nay thì thật là cơn ác mộng đối với những IPLs member mê đọc. Xin gợi ý đến các bạn một số nhà sách giảm giá mà theo tớ đánh giá là tốt.Ns Quỳnh Mai: khá rộng, sạch sẽ, thoáng mát, có nhiều đầu sách với nhiều chủng loại đa dạng,tầng 1 là sách kinh tế, triết học, ngoại ngữ, gia đình, tầng 2 chủ yếu sách văn học, khoa học, lịch sử. Giá giảm thường từ 15%-20%, tối đa 30%Ns Nhân Văn: nằm cùng hướng cách Quỳnh Mai một đoạn, sách khá nhiều, cách sắp xếp hơi khó cho người mua sách chọn lọc, ở đây lâu lâu lại có những cuốn khá độc đáo mà không tìm được ở những nhà sách khác. Giá giảm đến 30%Ns Sách Hà Nội: nằm đối diện ns Quỳnh Mai, quy mô nhỏ hơn, nhưng lại có nhiều đầu sách hiếm hơn hẳn, sách ở đây chủ yếu về mảng văn học, triết học và tôn giáo, tầng 2 là sách kinh tế, tin học, ngoại ngữ, không gian nhỏ ấm cúng. Giá giảm từ 20%-35%Ns Toàn Thắng: gần Sách Hà Nội, đi có 1-2 lần không biết phải review gì, nói chung nhà sách này hơi ế nên có khả năng tìm được sách cũ tại đây. Giá giảm đến 30%* Lưu ý: tất cả nhà sách đề cập ở trên đều nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn gần vòng xoay Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Hùng Vương, Trần Phú, Phạm Viết Chánh và Lý Thái Tổ. Gần với nhà sách Minh Khai. Do tất cả sách đều giảm giá nên quy mô tương đối nhỏ và đôi lúc không có tất cả đầu sách cần tìm. Nhưng nhìn chung thì những tựa sách phổ thông đều có ở đó cả, sách mới về thường xuyên.Ngoài ra, trên đường Trần Huy Liệu, từ cà phê Trầm đi lên hướng Gò Vấp cũng có một chi nhánh của Sách Hà Nội và một vài nhà sách giảm giá khác. Giá có thể giảm đến 40%-50%.Và rẻ nhất chắc chắn là mua sách bán lề đường, thường thấy trên Võ Thị Sáu, các đường khu quận 3, nhưng chất lượng không xác định vì đa số là sách lậu.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top