7 thoi quen

Thân Tặng Tới Em Hà Phương

7 Thói Quen Của người Thành Đạt

7 habits - Tài khoản tình cảm

Chúng ta ai cũng biết một tài khoản ở ngân hàng là gì. Chúng ta gửi tiền vào đó và tích luỹ một quỹ tiết kiệm để có thể rút ra khi cần. Tài khoản tình cảm là một ẩn dụ để mô tả lượng tin cậy mà chúng ta tích lũy trong một mối quan hệ nào đó. Đó là cảm giác an toàn chúng ta có đối với một người khác.

Nếu tôi gửi một tài khoản tình cảm nơi bạn qua tính lịch sự, tử tế, thành thật và trung thực với bạn, tôi đã tích lũy một quỹ tiết kiệm nơi bạn. Bạn sẽ ngày càng tin cậy tôi hơn và tôi có thể nhờ đến lòng tin cậy đó khi tôi cần. Cả khi tôi có lầm lỗi thì mức độ tin cậy và tài khoản tình cảm của tôi sẽ bù đắp vào chỗ đó. Cả khi tôi không phát biểu rõ ràng, bạn vẫn ngầm hiểu rằng tôi không cố ý làm thương tổn bạn. Khi tài khoản tín nhiệm lên cao, sự giao lưu sẽ tự nhiên, dễ dàng và hiệu quả.

Nhưng nếu tôi có thói quen cư xử thô lỗ, thiếu kính trọng, nóng giận hay khinh thường bạn, phản bội lòng tin cậy nơi bạn thì tài khoản tình cảm của tôi sẽ thâm hụt. Mức độ tin cậy của bạn đối với tôi sẽ xuống thấp. Lúc đó tôi có thể làm gì được không? Không làm gì được cả. Trong giao tiếp với bạn tôi như đi trên một bãi mìn. Tôi phải hết sức thận trọng. Tôi phải đắn đo cân nhắc từng lời. Quan hệ giữa bạn và tôi giống như trong một cuộc chiến tranh lạnh. Thế mà nhiều tổ chức, gia đình, nhiều cuộc hôn nhân đã rơi vào tình trạng đó.

Thế nhưng việc tích lũy những tài khoản tình cảm không thể làm một sớm một chiều. Việc xây dựng và sửa chữa những mối quan hệ con người là một cuộc đầu tư lâu dài.

Trương mục chính

Chúng ta có thể kể đến cac trương mục chính để xây dựng một tài khoản tình cảm.

Hiểu Người

Cố gắng tìm hiểu người khác có lẽ là một trong nhũng trương mục quan trọng nhất và là nền tảng cho những trương mục khác. Bạn phải biết bản thân người kia thế nào thì bạn mới có thể quyết định gởi gắm điều gì nơi họ. Bạn phải chạm được tới những mối quan tâm và nhu cầu thâm sâu của người ấy.

Một điều quan trọng đối với người này có thể lại là vụn vặt đối với người khác. Để bạn có thể gửi gắm vào trương mục tình cảm nơi một người, bạn phải coi điều gì người ấy cho là quan trọng thì cũng là quan trọng đối với bạn. Ví dụ, bạn đang phải tập trung vào một dự án đối với bạn là quan trọng thì đứa con sáu tuổi của bạn đến quấy rầy bạn bằng một điều gì đó mà bạn cho là vô nghĩa lý nhưng đối với nó lại là quan trọng. Bạn phải nhìn nhận ra giá trị của con bạn và dành ưu tiên cho nó. Bằng cách nhìn nhận giá trị mà nó biểu lộ, bạn chứng tỏ bạn hiểu con bạn và đó là một cách hiệu quả để tích luỹ một tài khoản tình cảm lớn.

Một người bạn tôi có một cậu con trai rất say mê bóng chảy. Ông bố thì chẳng thấy hứng thú gì trong môn này. Nhưng một kì nghỉ hè, ông đã đưa con ông đi coi mọi trận đấu bóng chày quan trọng của giải. Ông đã phải bỏ ra sáu tuần lễ và một khoản tiền lớn cho việc này nhưng đó là một kinh nghiệm gắn bó hai cha con rất mãnh liệt. Sau khi kết thúc giải, người ta hỏi bạn tôi:"Ông thích bóng chày thế cơ à?"

"Không đâu", ông đáp, " nhưng tôi thích con tôi vui như thế".

Để ý tới các điều nho nhỏ Những cử chỉ lịch sự, tử tế nho nhỏ cũng rất quan trọng. Những hành vi vô ý tứ, thiếu tế nhị, những cử chỉ thiếu kính trọng nho nhỏ có thể làm người khác tránh xa ta. Trong các mối quan hệ, chuyện nhỏ là chuyện lớn đấy.

Bản chất con người trong tâm hồn rất dịu dàng, tế nhị. Tuổi tác haykinh nghiệm không ảnh hưởng nhiều tới điều này. Trong tâm hồn, ngay cả người bề ngoài có vẻ thô lỗ và cứng cỏi nhất cũng có những quả tim dễ rung cảm và dễ bị tổn thương.

Giữ lời hứa

Giữ lời hứa là một tài khoản tình cảm quan trọng nhất, thất hứa là một căn cớ dễ gây sự xa lánh. Thực vậy, không có gì dễ làm người khác xa lánh hơn khi ta hứa mà không giữ lời. Lần tới khi ta hứa người ta sẽ không tin ta nữa. Người ta thường có nhiều mong đợi ở những lời hứa đặc biệt những lời hứa liên quan đến đời sống.

Đặc biệt trong vai trò làm cha mẹ, ta nên giữ quy luật tôn trọng lời hứa. Để làm điều này, không nên hứa quá nhiều và phải đắn đo những điều kiện có thể giúp ta giữ lời hứa của mình. Nếu chúng ta vun trồng thói quenn giữ lời hứa của mình, chúng ta sẽ xây dựng đươcj sự tin cậy đối với con cái. Sau này, khi con bạn muốn làm một điều gì mà bạn không muốn và bạn nhìn thấy trước hậu quả mà con bạn không thấy, bạn có thể nói với nó: "Con ơi, nếu con làm điều này, hậu quả chắc chắn sẽ là thế đó". Nếu con bạn đã quen tin lời của bạn, nó sẽ hành động theo lời khuyên của bạn.

Biết thành thật xin lỗi

Khi có lỗi, chúng ta cần biết xin lỗi, và xin lỗi một cách chân thành. Ta sẽ tạo được những tình cảm lớn với những lời xin lỗi chân thành như sau:

"Tôi sai rồi"

"Tôi không tử tế chút nào"

"Tôi vô ý quá. Tôi rất lấy làm tiếc"

"Tôi thiếu kính trọng bạn"

"Tôi đã làm bạn bối rối trước mặt đám đông mà lẽ ra tôi không được làm thế, tôi thành thật xin lỗi bạn."

Cần phải có cá tính mạnh để biết xin lỗi mau chóng và chân thành từ đáy tâm hồn mình chứ không chỉ do lòng thương hại bề ngoài. Người không có sự tự tin thì không thể làm điều này. Họ sẽ cảm thấy thế là nhục nhã, yếu hèn và họ sợ người khác sẽ lợi dụng lợi thế của mình để bắt nạt họ.

Người đông phương có câu: " Nếu bạn định cúi đầu, hãy cúi sâu xuống" Muốn là một tài khoản tình cảm, lời xin lỗi phải chân thành. Và phải làm cho người khác nhận ra sự chân thành ấy.

7 habits - (1) Hai trường phái của đạo đức học

Personality and Character Ethics

Bắt đầu từ những bức xúc trong cuộc sống của bản thân, Covey đã nghiên cứu hầu hết sách viết về những yếu tố cần thiết để trở thành con người thành đạt được xuất bản tại Hoa Kỳ từ năm 1776.

Qua hàng trăm cuốn sách, bài báo và bài luận, Covey đã rút ra được một điều thú vị là các sách viết về thành đạt ở Mỹ từ khoảng năm 1940 đến năm 1990 đều thuộc về cùng một trường phái đạo đức học gọi là Personality Ethics. Từ ngữ này có thể tạm dịch là Đạo đức học Nhân cách. Tuy nhiên từ ngữ Nhân cách không nói lên nhiều và thuật ngữ này cần phải được làm rõ. Personality Ethics dạy người ta thành đạt bằng cách sử dụng những kỹ xảo (techniques) trong giao tiếp với người khác để tạo nên một diện mạo đẹp (personality) nhờ đó lấy được thiện cảm, dẫn dụ người khác làm theo ý mình. Covey nhận xét rằng trường phái Personality Ethics chỉ dạy người ta dùng những giải pháp tình thế (quick fixes) kiểu bông băng và aspirin, và vì thế không thể đem lại hạnh phúc cho con người.

Trường phái thứ hai là trường phái Character Ethics (có thể tạm dịch là Đạo đức học Cá tính), phổ biến hàng trăm năm trước 1940. Character Ethics dạy rằng cuộc sống có những quy luật căn bản (basic principles). Con người muốn có thành công thực sự và hạnh phúc bền vững phải học cách áp dụng những quy luật đó vào cuộc sống của mình, sửa đổi Cá tính và thói quen của mình cho phù hợp với quy luật.

Việc trường phái Personality Ethics lấn át Character Ethics sau Thế chiến thứ I có thể nói là một điều không may cho nhân loại bởi vì Personality Ethics tạo nên thành đạt giả tạo cho những người áp dụng nó và tạo nên một xã hội ngày càng nhiều những kẻ đạo đức giả. Những người sống theo Personality Ethics sử dụng những kỹ năng, kỹ xảo trong giao tiếp, nhiều khi giả vờ tôn trọng, nịnh người ta, giả vờ có cùng sở thích với người ta để lấy lòng, khi lấy lòng được thì sẽ lợi dụng người ta. Nhiều người trong số đó đã biết kết hợp kỹ xảo với Possitive Mental Attitude (thái độ tinh thần tích cực - PMA) và tạo được bộ mặt đẹp đẽ của một người thành đạt với xã hội bên ngoài, nhưng sự thành đạt theo kiểu này không bền vững bởi vì chính bên trong những thành đạt giả tạo là khát vọng của con người muốn được sống thật với chính mình. Hãy nhìn xung quanh mình, bạn sẽ nhận ra đại diện của trường phái Personality Ethics ở khắp mọi nơi.

Và cuốn sách của Stephen Covey ra đời vào năm 1990 nhằm một mục đích giản dị: Đưa Character Ethics trở lại với loài người.

Primary and Secondary Greatness

Trong khi phê phán trường phái Personality Ethics, Covey vẫn khẳng định rằng những yếu tố của personality ethics-kỹ năng giao tiếp, chiến lược tác động là quan trọng, nhưng ông cho rằng cần phải xác định vai trò của những yếu tố đó là vai trò thứ yếu (secondary), chính Character mới giữ vai trò chính yếu (primary).

Thành đạt dựa trên luật nhân quả, gieo gì gặt nấy, không có lối tắt. Nếu tôi cố gắng sử dụng những thủ thuật để dẫn dụ người khác làm những gì tôi muốn, lao động tốt hơn, yêu mến tôi hơn, vv.. trong khi tôi thật sự chẳng tôn trọng yêu mến, tôn trọng gì những người sống quanh tôi, thì về lâu về dài tôi vẫn cứ là kẻ thất bại. Quan hệ dựa trên lòng tin (trust), lòng tin không thể xây dựng trên những thủ thuật giả tạo. Áp dụng Personality Ethics thiếu Character Ethics tất yếu sẽ dẫn đến khủng hoảng trong cuộc đời.

Tất cả chúng ta đều có những người bạn mà chúng ta tin tưởng tuyệt đối, mặc kệ họ có biết khéo léo sử dụng các kỹ năng giao tiếp hay không. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta biết cá tính của họ, chứ không chỉ biết nhân cách của họ.

William George Jordan đã từng nói: "Into the hands of every individual is given a marvelous power for good or evil -- the silent unconscious, unseen influence of his life. This is simply the constant radiation of what man really is, not what he pretends to be."

7 habits (2) Paradigm là gì?

Khái niệm căn bản nhất của Seven Habits là khái niệm "paradigms" và "Paradigm Shift".

Từ ngữ paradigm bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, được sử dụng như thuật ngữ khoa học với nghĩa là hình mẫu, lý thuyết, khái niệm, giả thuyết hoặc khung tham chiếu (model, theory, perception, assumption, or frame of reference). Nói đơn giản paradigm là cách chúng ta "nhìn" thế giới, "nhìn" ở đây có nghĩa là hiểu và giải thích chứ không phải cái nhìn đơn thuần.

Nói vậy cũng chưa rõ. Ví dụ khác của paradigms là một tấm bản đồ. Tấm bản đồ là hình vẽ diễn tả và giải thích một vùng đất nào đó. Nhờ có bản đồ mà bạn "nhìn" thấy được vùng đất đó.

Trong cuộc sống hàng ngày bản đồ giúp bạn tìm đường đi rất thuận tiện. Giả sử bản đồ in sai hoặc bạn dùng nhầm bản đồ thì chắc chắn bạn sẽ bị lạc đường. Khi đã lạc đường thì càng đi nhanh bao nhiêu, càng lạc xa bấy nhiêu.

Mỗi người chúng ta có rất nhiều paradigms, trong đó có thể chia ra 2 loại chính: Paradigm về thực tế (ways things are) và Paradigm về lý tưởng (ways things should be).

Điều rất lạ là đa số con người thường ít khi băn khoăn về độ chính xác của những tấm bản đồ mình có. Thậm chí đa số còn không phân biệt được khái niệm paradigm (map) với thực tế (territory). Chúng ta thường dễ dàng giả thiết rằng cái chúng ta "nhìn thấy" chính là thực tế (the way things are), thậm chí là lý tưởng (the way things should be).

Ấy thế mà toàn bộ thái độ và hành vi của chúng ta đều bắt nguồn từ những điều chúng ta "nhìn thấy", bởi vì đó chính là nguồn gốc trực tiếp của tư duy và hành động.

Để hiểu luận điểm này, chúng ta có thể nhìn vào bức tranh sau đây mà bạn courage80 mới đăng gần đây trong mục đố vui

Bức tranh này đã được sử dụng làm trắc nghiệm tâm lý ở trường Havard cũng như ở trung tâm đào tạo của Covey từ lâu. Một số người nhìn thấy một cô gái trẻ xinh đẹp, một số người nhìn thấy một bà già có cái mũi to tướng, đó là vì paradigm của họ khác nhau. Bức tranh được dùng để minh họa sức mạnh của paradigm. Hai người có thể khác nhau và cả hai đều không sai, vấn đề là paradigm của họ khác nhau.

Bức tranh trên cũng minh họa khái niệm "Paradigm Shift", thay đổi Paradigm. Paradigm Shift khi bạn nhìn bức tranh này thật đơn giản, nhưng thay đổi đại đa số Paradigms bạn có là quá trình phức tạp và thường đòi hỏi sự kiên nhẫn cũng như lòng dũng cảm.

Cả hai trường phái Character Ethic và Personality Ethic đều là những ví dụ của social paradigms, những tấm bản đồ hướng dẫn hành vi của bạn. Nếu bạn đã chọn sai tấm bản đồ thì dù bạn cố gắng đến bao nhiêu hạnh phúc vẫn cứ xa vời.

7 habits - (3) Paradigm Shift là gì?

Paradigm Shift là điều xảy ra khi paradigm của người ta bất thần thay đổi, khi đó người ta thường kêu lên, "À, ra thế". Đó là khoảnh khắc mà người ta cảm thấy đầu óc đang u tối chợt trở nên sáng rõ. Thuật ngữ này lần đầu được Thomas Kuhn sử dụng trong cuốn sách bất hủ "The Structure of Scientific Revolutions". Kuhn đã dẫn chứng hầu hết những tiến bộ vượt bực trong khoa học đều bắt đầu với sự phá vỡ một truyền thống, một cách nghĩ cũ, hay nói cách khác, một Paradigm cũ.

Đối với nhà thiên văn học cổ Ai Cập vĩ đại Ptolemy thì mặt đất là trung tâm của vũ trụ, nhưng Copernicus đã tạo nên một cú Paradigm Shift, và bất chấp bao nhiêu phản kháng, cuối cũng người ta cũng thay đổi và nghĩ rằng mặt trời là trung tâm. Rõ rằng tất cả các khái niệm về thiên văn học đột ngột thay đổi.

Thời đại vật lý Newton dựa trên paradigm của chiếc quả lắc đồng hồ. Tuy paradigm này đến ngày nay vẫn còn là căn bản của kỹ thuật, paradigm này còn rất thiếu sót. Khoa học đã thay thế paradigm của Newton bằng paradigm của Einstein, với giá trị dự đoán và giải thích lớn hơn rất nhiều.

Trước ngày có paradigm của lý thuyết về vi khuẩn, biết bao nhiêu phụ nữ và trẻ em đã chết mà không ai giải thích được nguyên nhân. Kể cả trong quân đội thời đó, số binh lính chết vì vết thương nhiễm khuẩn lớn hơn cả số binh lính chết trong khi đánh trận.

Không phải mọi Paradigm Shifts trên đời đều là thay đổi theo chiều hướng tích cực. Như bạn thấy trong bài về Paradigm, sự thay đổi từ character ethic sang personality ethic sau thế chiến I đã xảy ra theo chiều hướng tiêu cực.

Tuy nhiên, bất luận một paradigm shift đi theo chiều hướng nào, xảy ra nhanh hay chậm, đặc trưng của Paradigm shift là thay đổi cách chúng ta "nhìn" thế giới. Thay đổi cách hiểu thế giới chính là nguồn sức mạnh để thay đổi con người. Paradigm của mỗi người, bất luận là đúng hay sai, chính là nguồn gốc của thái độ và hành vi, quyết định kết quả cuối cùng của quan hệ với mọi người.

Dưới đây là một tiểu Paradigm Shift đã xảy ra với Covey một buổi sáng chủ nhật nọ trên subway ở New York.

Hôm đó, trên toa tàu, mọi người ngồi tĩnh lặng, một vài người đọc báo, một vài người ngồi mơ màng suy nghĩ đâu đâu, một số khác ngồi nghỉ mắt nhắm nghiền. Khung cảnh thật bình yên.

Đột nhiên có một người đàn ông đi cùng với một đứa bé lên toa tàu. Đứa trẻ rất hiếu động, ồn ào làm phá vỡ cả bầu không khí tĩnh lặng. Người đàn ông ngồi xuống cạnh Covey và nhắm mắt lại, dường như không quan tâm gì đến đứa trẻ, khi đó đang hò hét, ném đồ vật, thậm chí kéo cả tờ báo của một hành khách khác. Ai cũng thấy đứa bé này thật là khó chịu, thế mà bố nó chẳng thèm để ý. Covey không thể hiểu nổi tại sao người đàn ông này lại trơ trẽn và vô trách nhiệm đến thế. Cuối cùng, không thể chịu đựng nổi nữa, Covey quay sang phía người đàn ông và bảo ông ta: "Thưa ngài, con của ngài đang làm phiền rất nhiều người".

Người đàn ông dường như chợt tỉnh và trả lời Covey rất nhỏ nhẹ: "Ồ, ngài nói đúng, đáng lẽ ra tôi phải bảo ban cháu. Chúng tôi vừa bệnh viện trở về. Mẹ cháu vừa qua đời khoảng một giờ trước. Tôi không còn đầu óc nào để suy nghĩ nữa."

Vào khoảnh khắc đó, Covey nhận thấy paradigm của mình đột ngột thay đổi. Tự nhiên ông nhìn cảnh vật trước mắt hoàn toàn khác. Tất cả sự khó chịu, bực bội tan biến. Covey chẳng còn phải cố gắng để nhịn nỗi bực dọc, và kiểm soát hành vi cũng như thái độ của mình nữa.

Nhiều người đã trải qua Paradigm Shift tương tự như vậy khi những sự việc đe dọa tính mạng xảy ra. Họ đột nhiên nhận thấy trật tự ưu tiên các việc trong đời thay đổi, hoặc đột nhiên họ nhận thấy một vai trò khác của mình. Người ta có thể cố gắng áp dụng Personality Ethics hàng năm trời, cố gắng thay đổi thái độ và hành vi, nhưng những thay đổi đó chỉ là tạm thời, nhỏ bé. Để thay đổi lớn chúng ta cần phải sửa đổi Paradigm của mình.

ửa đổi hành vi và thái độ giống như chặt cây ở trên ngọn, sửa đổi Paradigm giống như chặt cây ở gốc vậy.

Sống và Nhận thức

Vậy Paradigm là cách mà chúng ta nhận thức thế giới. Không thể tách Paradigms khỏi Cá tính được. Vì thế đối với con người thì sống là nhận thức (Being is seeing). Điều mà bạn "nhìn thấy" gắn chặt với tính cách của bạn.

Quá trình đi đến hạnh phúc của con người là quá trình sửa đổi đồng thời cả Being và Seeing một cách có ý thức.

7 habits - (4) Đẳng cấp của tư duy

Khi bạn gặp khó khăn, trục trặc trong cuộc sống, bạn thường hay nhìn đến những người mà bạn thấy là hạnh phúc và thành đạt hơn bạn và nghĩ, tại sao họ lại sung sướng thế nhỉ? Vì bạn đã chịu ảnh hưởng (tiêu cực) của Personality Ethics, bạn thường sẽ có xu hướng giải thích sự thành đạt của người khác bằng những thuộc tính hình thức. Vì thế cho dù bạn có nhìn vào hàng ngàn tấm gương thành đạt, bạn vẫn chẳng tìm ra được giải pháp cho khó khăn của chính mình. Khi đó hãy nhớ nhận xét của Covey:

Nhận thức của bạn chính là nơi ẩn chứa trục trặc. (The way we see the problem is the problem).

Một số ví dụ đơn giản sau đây sẽ giải thích cho bạn rõ hơn ý nghĩa câu nhận xét trên. Bạn sẽ thấy rõ Personality Ethic và Character Ethic nhìn cùng một vấn đề theo cách hoàn toàn khác nhau. Và rủi thay, nhiều người trong số chúng ta thiên về cách nhận thức của Personality Ethic.

- Tâm sự của một giám đốc:

Tôi đã theo học bao nhiêu khóa đào tạo quản trị nhân sự. Tôi mong muốn quản trị tốt những nhân viên dưới quyền mình, cố gắng tỏ ra thân thiện với họ, đối xử tốt với họ. Thế nhưng tôi thấy họ chẳng có chút gì đáp lại. Nếu tôi nghỉ ốm một ngày, đó sẽ là ngày vui của họ, mọi người ngồi uống nước, tán phét suốt ngày mà chẳng ai làm ăn gì. Tôi phải làm gì để đào tạo họ trở thành những con người có trách nhiệm?

Personality Ethic bảo tôi rằng tôi nên lập ra quy định ngặt nghèo hơn trong công ty, trừng phạt những người lười biếng, đặt camera theo dõi bắt những tay bỏ việc ra ngoài hút thuốc lá, sa thải những kẻ bướng bỉnh, ... và đăng ký thêm vài khóa học quản trị nhân sự nữa cho chính bản thân tôi.

Khi tôi hiểu Character Ethic tôi nhìn nhận vấn đề khác hẳn. Tôi tự đặt mình vào địa vị của những người làm công ăn lương trong công ty và tự hỏi liệu ông giám đốc này có phải là người tử tế hay không? Ông ấy đối xử với người lao động như những con người hay chỉ như những cỗ máy. Tôi sẽ tự vấn mình, tận sâu trong đáy lòng tôi nghĩ gì về những người nhân viên này?

Cách tôi nhìn nhận những người nhân viên đó chính là cội rễ của trục trặc trong việc quản lý nhân sự của tôi. Character Ethic dạy tôi phải điều chỉnh nhận thức của mình trước khi mong nhận được kết quả ngọt ngào từ họ.

- Tâm sự của một người chồng:

Hôn nhân của tôi có vấn đề mặc dù chúng tôi chẳng có gì để tranh chấp với nhau cả, chỉ đơn giản là hai người chẳng yêu nhau nữa, thế thôi. Chúng tôi đã đến tư vấn gia đình, nhưng cảm giác yêu thương say đắm ngày xưa có lẽ chẳng bao giờ trở lại.

Personality ethic bảo tôi rằng, nên tìm đọc vài quyển sách dạy cách "điều trị" những bà vợ bướng bỉnh, hoặc đi tìm thêm vài nơi tư vấn gia đình tốt hơn, họ có thể làm cho hai người nói hết ra những nỗi bực tức, bất đồng, và hai người lại có thể quay trở lại sống với nhau. Còn nếu tất cả các biện pháp đều không hiệu quả thì có lẽ tốt hơn là ly hôn. Personality ethic luôn nhắc nhở vào tai tôi: trục trặc này là tại vì bà vợ của tôi, vì bố mẹ vợ khó tính, vì công việc của tôi hay phải đi xa, vì... cái gì gì đó ở ngoài kia chứ nhất định không phải vì tôi.

Character Ethic nhắc nhở tôi rằng không phải lúc nào trục trặc cũng là tại các bà vợ. Có một số paradigm căn bản qua đó tôi "nhìn nhận" vợ mình, hôn nhân của mình, tình yêu của mình và chính sai lệch của paradigm đó là căn nguyên của mọi vấn đề. Nếu tôi không sửa đổi paradigm đó, dù tôi có tự động viên mình bao nhiêu, có cố gắng cười tươi với bà vợ bao nhiêu, nhịn bao nhiêu hôn nhân của tôi vẫn cứ trục trặc. Aspirin và thuốc đỏ không chữa được bệnh kinh niên.

A New Level of Thinking

Albert Einstein có một câu nói bất hủ "The significant problems we face cannot be solved at the same level of thinking we were at when we created them.".

Tư duy cũng có đẳng cấp. Thuyết của Newton là một đẳng cấp trong tư duy và thuyết của Einstein là một đẳng cấp cao hơn. Những vấn đề mà thuyết của Newton không giải thích được thì sẽ chẳng bao giờ giải thích được, nếu không thay thế paradigm bằng paradigm của Einstein.

Personality Ethic đã ngấm sâu trong xã hội ngày nay. Covey nhìn vào những mối quan hệ xã hội và nhận ra rằng có những bệnh tật trầm kha không thể chữa khỏi bằng những biện pháp tình thế mà Personality Ethic luôn dạy người ta.

Khi gặp những khó khăn căn bản như vậy, chỉ có một cách giải quyết là phải "nâng cấp" tư duy của mình lên một đẳng cấp khác của tư duy cao hơn đẳng cấp tư duy đã gây ra vấn đề.

Chính dựa trên tư tưởng này, Seven Habits dạy người ta rằng khi gặp khó khăn thì nơi đầu tiên để tìm đầu mối của trục trặc chính là bản thân mình. Bắt đầu bằng cách tự nhìn lại paradigms, cá tính, giá trị và động cơ của chính mình thay vì lúc nào cũng đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc cho những người khác. Thay vì nghĩ rằng "the problem is out there", trước hết hãy cảnh báo mình rằng khả năng cao nhất là "the problem is right here, within yourself."

7 habits - (5) Thói quen - Định nghĩa

We are what we repeatedly do. Excellence, then, is not an act, but a habit.

-- ARISTOTL

Cá tính của mỗi người là tổng hợp của những thói quen của người đó. Theo luật nhân quả, gieo ý nghĩ, gặt hành động; gieo hành động gặt thói quen; gieo thói quen gặt cá tính; gieo cá tính, gặt số phận.

Chính vì vậy mà thói quen đóng vai trò cực kỳ to lớn trong cuộc sống của chúng ta. Nhiều khi ta không để ý là mình có một thói quen nào đó, nhưng thói quen đó vẫn tiếp tục, ngày càng vững chắc hơn, thể hiện cá tính của ta và quyết định số phận của ta.

Horace Mann, nhà giáo dục vĩ đại có lần đã nói, "Thói quen như một sợi dây cáp. Mỗi ngày ta chỉ tết thêm một sợi dây nhỏ, và chỉ sau một thời gian ngắn khó lòng mà có thể dứt đứt được sợi dây cáp".

Ta có thể tập nhiễm thói quen mới, cũng có thể "cai" thói quen cũ. Quá trình xây dựng cũng như bãi bỏ một thói quen là quá trình lâu dài chứ không thể một chốc một lát mà thực hiện được. Khi tập nhiễm hoặc "cai" bỏ đi một thói quen người ta phải thắng được quán tính tâm lý của bản thân. Lực cản này lớn nhất khi mới bắt đầu việc tập nhiễm hay "cai", giống như khi phóng tàu vũ trụ, vài giây đầu là những giây phải tập trung sức đẩy mạnh nhất để thắng lực hút của trái đất. Vạn sự khởi đầu nan mà. Nếu bạn muốn tập nhiễm một thói quen tốt, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn lúc đầu, nhưng khi bạn đã có thói quen đó, chính quán tính mà bạn mới có được sẽ giúp bạn đạt hiệu quả cao hơn trong cuộc sống.

Định nghĩa Thói quen.

Covey định nghĩa Thói quen là miền giao nhau của tri thức, kỹ năng và mong muốn (Habit is the intersection of knowledge, skill, and desire). Tri thức được hiểu là paradigm lý thuyết của mỗi người, trả lời câu hỏi làm gì? tại sao làm?. Kỹ năng trả lời câu hỏi Làm thế nào?. Và mong muốn chính là ý muốn thực hiện hành vi. Để có một thói quen, ta phải có hội đủ cả 3 yếu tố này.

Lấy ví dụ về một người lúc nào cũng chỉ thích nói mà không biết lắng nghe và gặp khó khăn trong quan hệ với mọi người xung quanh. Rõ ràng anh ta cần học thói quen lắng nghe người khác nói. Nhưng để có được thói quen này trước hết anh ta phải hiểu được Quy luật của giao tiếp người-người để biết được rằng anh ta cần phải lắng nghe (tri thức). Sau đó anh ta phải biết phương pháp lắng nghe và mong muốn làm việc đó. Ví dụ này thật đơn giản nhưng nó diễn tả cho chúng ta thấy, để tạo một thói quen chúng ta cần phải tính đến cả 3 khu vực đó.

Quá trình thay đổi của mỗi người giống như quá trình đi lên trên một đường xoáy trôn ốc với sự tương tác giữa "nhận thức" và "sống". Seeing thay đổi Being và Being đến lượt mình lại thay đổi Seeing. Bằng cách sửa đổi một số thói quen của mình bạn có thể rũ bỏ được paradigm của Personality Ethic. Đôi khi quá trình thay đổi là một quá trình khó khăn, đau đớn và cần phải có lòng dũng cảm mới thực hiện được. Hạnh phúc có thể được định nghĩa là kết quả của khả năng và mong muốn của con người hy sinh cái mình muốn ở thời điểm hiện tại để đạt được cái mình muốn ở thời điểm tương lai.

7 habits - (6) Interdependence

Mỗi con người bắt đầu cuộc đời là một trẻ sơ sinh, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc nâng niu của người khác. Không có ai chăm sóc thì trẻ sơ sinh khó lòng tồn tại được. Khi đó con người ở trạng thái Dependence.

Thế rồi thời gian trôi qua, đứa trẻ kia dần dần lớn lên, càng ngày càng trở nên độc lập hơn về các phương diện: thể chất, tinh thần, tình cảm, tài chính. Đến một ngày con người trưởng thành, có thể tự chăm sóc được bản thân, biết tự chủ. Con người đã trở thành Independence.

Khi con người lớn lên nữa thì sẽ dần dần nhận ra rằng mọi sự vật trên đời đều phụ thuộc lẫn nhau, trong xã hội mọi cá nhân và tổ chức cũng phụ thuộc lẫn nhau như trong một vòng tròn sinh thái vậy. Cuộc sống và hạnh phúc của con người phụ thuộc vào mối quan hệ giữa họ với những người xung quanh họ. Một số người phát triển đến cấp độ cao hơn của Independence là Inter-dependence.

ự phát triển của con người là theo luật của tự nhiên. Một người có thể hoàn toàn độc lập về thể chất nhưng tinh thần thì lại chưa độc lập. Nhưng có người phụ thuộc về thể chất nhưng tinh thần thì lại độc lập.

Ba trạng thái trên đây thể hiện 3 paradigms khác nhau.

Paradigm Dependence là paradigm kiểu "bố phải chăm sóc con, bố làm hộ con, nếu bố không làm được, con bắt đền bố đấy...." Người dependence luôn cần người khác cho họ cái mà họ muốn. Người dependence về mặt tình cảm đôi khi cảm thấy tự tin vào mình, tưởng là mình independence, nhưng sự tự tin đó có thể tan biến rất nhanh khi người mà người đó dựa vào biến mất hoặc thay đổi, kiểu "... nếu em bỏ anh thì đời anh từ nay xuống dốc ..."

Paradigm Independence là paradigm kiểu "Tôi có thể làm được, tôi chịu trách nhiệm, tôi không phụ thuộc vào ai cả, tôi có quyền lựa chọn". Khi tôi độc lập về mặt tinh thần, tôi có thể điều khiển được ý nghĩ của mình hướng đến nơi mà tôi muốn, tôi có thể sắp xếp và diễn đạt ý nghĩ của tôi theo một cách mà người khác có thể hiểu được. Khi tôi độc lập về tình cảm, việc anh đối xử tệ với tôi không làm cho tôi cảm thấy kém tôn trọng chính tôi hơn.

Paradigm Interdependence là paradigm kiểu "chúng ta có thể làm đựợc việc này, chúng ta có thể cùng hợp tác để sáng tạo nên cái gì đó lớn hơn cái mà một mình tôi hay bạn có thể làm được". Người Inter-dependence có khả năng tập hợp cố gắng của mình với người khác để làm được việc.

Rõ ràng là Independence cao hơn Dependence, nhưng Independence không phải là mức cao nhất của sự phát triển. Tuy nhiên paradigm phổ biến của xã hội ngày nay là Independence. Covey giải thích xu hướng đó là phản ứng tự nhiên của thời kỳ trước khi con người có ít tự do hơn. Khi người ta mới thoát ra khỏi cảnh bị nô lệ thì người ta sẽ thấy độc lập là cái quý giá nhất. Có lẽ chính vì thế mà con người ta ít khi nghĩ và tìm hiểu về khái niêm interdependence(phụ thuộc lẫn nhau), thậm chí khái niệm này bị hiểu lầm là một biến thái của phụ thuộc, phụ thuộc lẫn nhau cũng là một kiểu phụ thuộc, nhiều người ghét và sợ phụ thuộc.

Đúng là bản thân Độc lập đã là một trạng thái tuyệt vời, một thành công lớn, nó cho người ta quyền được sống như mình muốn. Thế nhưng độc lập không phải là mức cao nhất của phát triển vì nó không hòa hợp với luật của tự nhiên, luật của vòng tròn sinh thái. Để thành đạt và có cuộc sống hạnh phúc người ta cần phải biết sống trong tập thể, đá bóng thì phải biết phối hợp ăn ý với cả đội chứ không thể làm ngôi sao đứng một mình.

Interdependence hoàn toàn khác xa Dependence. Interdependence là sự lựa chọn chỉ có những người Independence mới có.

Nếu tôi là người Interdependent về tình cảm, tôi tự hiểu được giá trị của bản thân mình, tôi yêu thương và tôn trọng chính mình, nhưng tôi hiểu rằng tôi cần phải yêu thương người khác và được người khác yêu thương đáp lại.

Nếu tôi là người Interdependent về mặt trí tuệ, tôi có ý tưởng, có chủ kiến của riêng tôi, nhưng tôi hiểu rõ rằng tôi cần phải tập hợp những ý tưởng hay nhất của người khác để kết hợp với những gì của tôi.

Là một người Interdependent tôi có cơ hội được sống hết mình, sống có ý nghĩa với người khác, vì người khác, đồng thời tôi sử dụng được tiềm năng, tài năng của những người khác quanh tôi.

Những người Dependent không thể chọn trở thành Interdependent được bởi vì họ không quản lý được chính bản thân mình (they don't own enough of themselves).

7 habits - (7) Ngỗng đẻ trứng vàng

Lý thuyết của Seven Habits định nghĩa khái niệm "hiệu quả" (effectiveness) dựa trên quy luật rút ra từ câu chuyện ngụ ngôn Aesop này. Covey gọi tên là quy luật này là luật cân bằng P/PC.

Chuyện kể rằng, ngày xưa có một bác nông dân nghèo một ngày kia thấy con ngỗng của nhà mình đẻ ra quả trứng bằng vàng ròng. Những ngày tiếp theo mỗi ngày con ngỗng đều đẻ cho bác nông dân một quả trứng như thế. Bác nông dân vì quá mong trở nên giàu có nhất thế gian, đã mất kiên nhẫn và không muốn ngồi đợi để mỗi ngày chỉ được một quả trứng vàng. Bác nông dân mổ bụng con ngỗng định lấy ra tất cả số trứng vàng. Nhưng khi mổ bụng ngỗng ra thì bác nông dân chẳng thấy trứng vàng nào mà sau đó bác cũng chẳng bao giờ có trứng vàng nữa.

Từ câu chuyện này Covey rút ra quy luật. Hiệu quả thật sự cần bảo đảm được sự cân bằng giữa 2 yếu tố: sản phẩm, kết quả mong muốn (là những quả trứng vàng) và khả năng của tài sản (con ngỗng) có thể sản xuất ra sản phẩm vàng, gọi tắt là Production (P) và Production Capability (PC). Nếu chỉ quan tâm đến P mà quên PC, thì PC sẽ giảm và đến ngày nào đó chẳng có P mà thụ hưởng giống như bác nông dân trong truyện trên. Nếu chỉ quan tâm đến PC mà không định hướng đến P thì đến một ngày nào đó cũng sẽ chẳng có P để mà tồn tại.

Hiệu quả chính là sự cân bằng giữa P và PC. Bây giờ chúng ta theo chân Covey phân tích một số ví dụ về cân bằng P/PC để hiểu rõ hơn ứng dụng của quy luật này trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ.

Về cơ bản, con người có ba loại tài sản: vật chất, tài chính và con người (physical, financial, and human). Chúng ta sẽ phân tích về P/PC balance đối với từng loại tài sản đó.

Vài năm trước tôi mua một tài sản vật chất, một cái máy xén cỏ. Ngày nào tôi cũng dùng mà chẳng bảo trì. Cái máy chạy được 2 mùa và bắt đầu trục trặc. Tôi mang ra hàng sửa nhưng người ta bảo máy đã quá tã, có sửa cũng nay hỏng mai sửa. Thế là cái máy gần như là vô giá trị. Giá mà tôi chịu khó đầu tư vào PC một chút để duy trì, bảo dưỡng nó thì đến nay có lẽ tôi vẫn còn được hưởng dịch vụ của cái máy đó (P). Tính đi tính lại tôi thấy mình dại, bây giờ tôi phải mua cả cỗ máy mới thì tốn tiền hơn. Cách sử dụng cái máy xén cỏ của tôi thật là kém hiệu quả.

Đối với tài sản tài chính cũng vậy, P là lợi nhuận còn PC là đầu tư gốc. Nếu quá ham lợi nhuận (interest) mà làm thiệt hại đến đầu tư gốc (principal) thì hậu quả cũng tương tự như với các tài sản vật chất.

Trong lĩnh vực con người, cân bằng P/PC cũng quan trọng không kém, thậm chí còn quan trọng hơn bởi vì chính con người có quyền điều khiển 2 loại tài sản nêu trên. Mặc dù một số người không nhận ra tầm quan trọng của quy luật này. Khi quan hệ người-người đổ vỡ, thiệt hại về tài chính, vật chất khó tránh khỏi, nhiều khi vật chất trở nên vô nghĩa.

Trong quan hệ vợ chồng khi người ta ham thu lấy quả trứng vàng là những điều cá nhân mình muốn mà quên mất rằng điều quan trọng hơn là phải bảo vệ mối quan hệ giữa 2 người, họ sẽ trở nên kém nhạy cảm, không biết điều, bất lịch sự và có thể cả xấu bụng nữa. Khi con người, giống như bác nông dân trong truyện ngụ ngôn, bị mù quáng vì muốn có quả trứng vàng, họ sẽ thích sử dụng những biện pháp để áp đặt, lừa dối người khác thay vì yêu thương và thông cảm. Con ngỗng không bị mổ bụng, nhưng nó bị ốm, càng ngày càng ốm nặng và có thể qua đời.

Trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, vì trẻ con còn phụ thuộc vào cha mẹ, và rất yếu đuối về tâm lý. Chỉ cần các bậc cha mẹ thiếu suy nghĩ một chút, thì đã có thể rơi vào trạng thái quên mất tầm quan trọng của PC mà chỉ muốn có ngay P. Để duy trì PC, cần phải nói chuyện với trẻ, tìm hiểu nó, xây dựng thiện cảm với nó và huấn luyện nó có những thói quen từ đơn giản đến phức tạp. Còn nếu muốn có ngay sản phẩm tức thì thì chỉ cần áp đặt hay lừa dối, quá dễ. Cha mẹ vừa to khỏe hơn, vừa thông minh hơn, cha mẹ luôn đúng. Vì thế nhiều người có thể nghĩ: việc quái gì phải nói chuyện, giải thích dài dòng, ra lệnh cho nó, nó phải làm theo, nếu nó không nghe thì đánh cho mấy roi là phải nghe lời ngay. Họ quên mất rằng, nếu làm cho đứa trẻ hiểu được việc nó cần làm là đúng và nên làm, kết quả có được lớn hơn rất nhiều. Bạn sẽ có một đứa con biết tự làm việc đúng, biết sống có trách nhiệm không cần bạn phải cầm roi đứng bên cạnh dọa nạt.

Giả sử bạn muốn phòng của con gái bạn sạch sẽ, đấy là P, quả trứng vàng và bạn muốn chính con gái bạn tự dọn dẹp phòng của mình, đó là PC (con gái bạn là con ngỗng). Nếu bạn có cân bằng P-PC, con gái bạn dọn dẹp phòng một cách vui vẻ, không cần ai nhắc, vì nó biết việc đó là cần thiết và nó muốn làm việc đó. Khi đó bạn sở hữu một tài sản vô giá.

Thế nhưng nếu bạn chỉ biết tập trung vào P, muốn có sản phẩm bằng mọi giá, bạn sẽ thấy mình giục giã, nài nỉ, dọa nạt, quát tháo, phỉnh nịnh, nhử mồi để con gái bạn làm một việc nhỏ là dọn phòng. Nếu bạn làm vậy PC sẽ giảm và hậu quả thì bạn hiểu quá rõ.

Covey kể một câu chuyện về P/PC balance giữa ông và con gái. Covey có thói quen xếp lịch hẹn hò riêng với từng đứa con của ông. Trong một dịp như vậy ông lại gần cô con gái nhỏ và hỏi, con muốn bố con mình làm gì tối nay, buổi hẹn riêng của bố con mình? Cô bé trả lời: Không sao đâu bố, làm gì cũng được ạ. Covey vẫn cố gặng hỏi: Bố nói thật đấy, bố con mình sẽ làm bất cứ việc gì con thích làm. Sau một hồi gặng hỏi khá lâu, cô bé mới nói: Con sợ việc con thích thì bố lại không thích đâu. Covey trả lời: Không đâu, bất kỳ đó là việc gì, nếu con thích thì bố sẽ thích mà, bố cho con chọn đấy. Cô bé thỏ thẻ: Nếu thế thật, thì con thích đi xem phim Star Wars, nhưng con biết bố ghét phim ấy lắm, lần trước đi xem bố ngủ suốt cả buổi, con biết bố không thích phim viễn tưởng, nhưng như thế cũng không sao đâu mà. Covey trả lời: không, bố muốn đưa con đi xem Star Wars lần này. Cô bé nói tiếp: Không sao đâu bố, bố không cần phải lo lắng cho con, không xem Star Wars cũng không sao mà, nhưng bố biết không, bố không thích Star Wars vì bố không hiểu ý nghĩa của Hiệp sỹ Jedi. Bố biết không, những điều bố dạy học trò của bố, người ta cũng dạy các Hiệp sỹ Jedi giống hệt như vậy. Thật vậy không? Nếu thế thì nhất định bố con mình phải đi xem tối nay.

Và buổi tối đó, Covey ngồi cạnh cô con gái trong rạp như một cậu học trò, nghe giảng giải về Star Wars. Đó không chỉ là một bộ phim. Đó là cả một paradigm về triết lý của các Hiệp sỹ Jedi. Đó là một buổi tối hạnh phúc mà Covey sẽ không bao giờ quên. Đó không chỉ là một Sản phẩm - P bình thường, đó là một món quà vô giá của đầu tư lâu dài vào PC mà Covey đã kiên nhẫn thực hiện.

7 habits - (8) Proactive là gì?

Thói quen số 1 trong Seven Habits là "Be Proactive", bước đầu tiên trong 3 thói quen để tự chủ bản thân (Private Victory) trong số Seven Habits.

Proactive là một từ ngữ hiện nay đã được dùng rất phổ biến, nhất là trong các sách về quản trị kinh doanh. Thế nhưng ít từ điển định nghĩa từ này và có lẽ trong tiếng Việt chưa có thuật ngữ tương đương. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu về thói quen số 1 này đồng thời làm rõ nghĩa của thuật ngữ này.

Proactive là một Paradigm của nhận thức mà Covey giới thiệu và khuyên mọi người sử dụng để thay thế các Paradigm cũ. Vậy các paradigm cũ mà chúng ta thường sử dụng là gì vậy?

Có 3 paradigms phổ biến trong xã hội mà người ta thường áp dụng để nhận thức về con người thuyết di truyền, thuyết tâm lý và thuyết môi trường. Ba thuyết này có thể áp dụng cùng với nhau hoặc riêng lẻ. Nhiều người áp dụng cả 3 thuyết này để nhận thức về chính bản thân mình:

Thuyết di truyền cho rằng tính cách của bạn là do ông bà cha mẹ để lại cho bạn trong gen di truyền. Ông bà nóng tính thì cháu cũng nóng tính. Giỏ nhà nào, quai nhà nấy. Thuyết tâm lý cho rằng những điều kiện tâm lý xung quanh bạn trong quá trình bạn lớn lên làm nên cá tính của bạn. Nếu bố mẹ bạn ít cho bạn có điều kiện giao tiếp với người khác, khi lớn lên bạn sẽ hay xấu hổ khi tiếp xúc với mọi người. Nếu bạn thấy mình có lỗi khi làm việc gì đó sai, chẳng qua là vì bạn nhớ lại hồi bé bị phạt khi bạn không ngoan. Thuyết môi trường cho rằng môi trường xung quanh quyết định cá tính của bạn, môi trường gồm cả vợ chồng, người yêu, xếp, cả điều kiện ở trường lớp, điều kiện kinh tế quốc gia, vv. Một hoặc tất cả các yếu tố đó làm nên cá tính của bạn.

Ba thuyết kể trên có điểm chung là đều từa tựa lý luận trong thuyết phản xạ có điều kiện của Pavlov, thuyết bật đèn cho chó ăn. Nếu trước khi cho chó ăn bạn luôn bật đèn, sau này bạn chỉ cần bật đèn thì con chó sẽ tiết ra nước bọt. Ý tưởng chung là mỗi chủ thể đã được tạo dựng nên theo cách nào đó để phản ứng lại theo một kiểu nhất định, khi có một tác nhân.

Nhưng Covey đã chỉ ra rằng, không thể áp dụng paradigm áp dụng cho con chó để giải thích đúng hành vi Tâm lý-Xã hội của con người, bởi vì con người là một chủ thể đặc biệt, rất đặc biệt. Con người có ý thức (self-awareness), tức là khả năng tự nhận thức về chính mình, về hành vi, giá trị, và chính paradigm của mình. Giống như Tôn Hành Giả có phép phân thân, ai cũng có khả năng tự treo hồn mình lên trần nhà nhìn xuống để tự nhận xét chính bản thân mình. Con người còn có khả năng tưởng tượng nữa, bạn có thể ngồi một chỗ tưởng tượng mình theo thuyền trưởng Blood đi phiêu lưu khắp nơi, bạn cũng có thể tưởng tượng được mình sẽ ra sao nếu mình thay đổi và áp dụng một paradigm khác, thậm chí bạn có thể nhắm mắt lại và tưởng tượng được đám tang của mình sẽ ra sao. Không con vật nào có thể làm như vậy được. Hai khả năng đặc biệt này của con người là điều làm cho con người khác xa loài vật.

Ấy thế mà, nhiều người trong chúng ta, vì không biết mà áp dụng mãi những paradigm sai lệch, vì thế không nhận biết được khả năng của mình, và dẫn đến phạm hai sai lầm căn bản: Một là đánh giá bản thân mình qua những nhận xét của xã hội, mọi người xung quanh về mình. Khi xã hội đánh giá sai mình thì chính mình cũng không còn biết mình là ai nữa. Hai là buông xuôi để mặc cho những điều kiện tâm lý, di truyền và môi trường quyết định cá tính, theo đó quyết định số phận của mình; khi gặp thất bại thì đổ lỗi cho tất cả những hoàn cảnh, điều kiện đó.

Vậy paradigm đúng là gì? Đó chính là Proactive. Để hiểu proactive là gì, chúng ta hãy nghe câu chuyện về Victor Frankl, một nhà tâm lý học người Do thái, một đệ tử của Freud (với học thuyết cho rằng cá tính của mỗi người do thời thơ ấu quyết định hoàn toàn). Ông đã bị giam cầm trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Cha, mẹ, anh, chị và vợ của Frankl đều bị giết trong trại tập trung. Bản thân Frankl phải chịu những cực hình hạ thấp nhân phẩm. Ở trong trại tập trung tù nhân hoàn toàn mất tự do, không thể biết được số phận của mình vài phút nữa sẽ ra sao. Một ngày kia trần truồng đứng một mình trong xà lim chật chội của Đức Quốc Xã, Frankl nhận ra cái mà ông gọi là "tự do cuối cùng của con người", tự do mà thế lực bạo tàn không thể lấy đi được. Đức Quốc Xã có thể kiểm soát được toàn bộ môi trường xung quanh Frankl, có thể thích hành hạ thể xác Frankl thế nào tùy ý, nhưng vì Frankl là một con người có ý thức, bản chất của Frankl không thay đổi. Tự do của Frankl là ông có quyền quyết định những cực hình đó sẽ tác động đến ông như thế nào.

Giữa những cực hình hạ thấp nhân phẩm nhất mà Frankl đã phải chịu đựng(tác nhân-stimulus) và phản ứng của Frankl lại với tác nhân đó (response), Frankl đã áp dụng phẩm chất quý giá nhất của con người và tìm được khoảng trống của tự do, đó là quyền được lựa chọn phản ứng.

Như vậy ta có lược đồ: Tác nhân => Quyền lựa chọn => Phản ứng

thay vì: Tác nhân => Phản ứng

Chính vì bạn có quyền lựa chọn trong mọi trường hợp, bạn là người chịu trách nhiệm cao nhất về cuộc đời của chính mình. Chữ trách nhiệm trong tiếng Anh là từ ghép: responsibility= response + ability, điều này giải thích trách nhiệm là khả năng đáp lại với tác nhân. Paradigm nhìn nhận hành vi của con người theo cách này chính là Proactive. Nếu bạn hiểu paradigm này và luôn luôn thực hiện lựa chọn của chính bạn trong cuộc sống của mình, bạn là người Proactive.

Ngược lại của Proactive là Reactive. Reactive là paradigm của những người phản ứng lại với tác nhân một cách automatic, không có ý thức, không có lựa chọn. Người reactive thấy cảnh buồn thì người cũng buồn, không tự chủ được; khi được đối xử tử tế thì vui vẻ, hạnh phúc, khi bị đối xử tệ thì buồn chán. Tóm lại, người reactive mất quyền điều khiển cuộc đời mình, để mặc cho cảm giác, hoàn cảnh, điều kiện và môi trường điều khiển mình. Nhiều người vì bị tàn tật, tù đày, bị bệnh nan y thì tự nhiên nhận ra cái quyền lựa chọn của mình. Có người từ khi nhận được tin mình bị ung thư và chỉ còn sống thêm được vài năm nữa, thì tự nhiên thay đổi, họ không đổ lỗi cho căn bệnh hiểm ác, mà họ chọn cách sống để không phí hoài những ngày quý báu cuối cùng của cuộc đời. Chúng ta là những người bình thường, chúng ta không cần phải đi vào tù hay đợi đến khi bị tai nạn thì mới hiểu được cái quyền lựa chọn của mình.

Hãy tưởng tượng cuộc đời bạn là một vở kịch mà bạn thủ vai chính. Nếu bạn là người reactive, kịch bản bạn đóng do bố mẹ bạn, ông hàng xóm, thằng bạn cùng trường, người yêu cũ, vv... ,tập thể tác giả cùng sáng tác. Nếu bạn là người proactive, bạn chính là tác giả kịch bản cuộc đời của bạn.

7 habits - (9) Làm thế nào để đo mức độ Proactive

Khi đã hiểu khái niệm Proactive và áp dụng những lời khuyên của Seven Habits, bạn sẽ dần dần trở nên càng ngày càng Proactive hơn. Vậy làm thế nào để đo mức độ Proactive của mình.

Cách làm là nhìn vào cách sử dụng thời gian và năng lượng của mình. Mỗi người chúng ta đều có hàng loạt những vấn đề mà chúng ta quan tâm đến, nào là sức khỏe, con cái, công việc ở cơ quan, có người còn quan tâm đến cả chuyện chiến tranh ở quốc gia khác nữa. Hãy xếp tất cả những mối quan tâm đó vào trong một vòng tròn để tiện theo dõi, vòng tròn đó Covey gọi là Vùng quan tâm (Circle of Concern). Nhìn kỹ vào trong Vùng quan tâm này ta sẽ thấy chỉ có một số việc mà ta thực sự có ảnh hưởng đến được, ngoài ra có nhiều việc khác ta quan tâm nhưng không thể có tác động gì được. Nếu đặt những việc mà ta có ảnh hưởng này trong một vòng tròn gọi là Vùng ảnh hưởng (Circle of Influence) thì vòng tròn này thường bé hơn, nằm gọn lỏn trong Vùng quan tâm.

Nếu bạn tập trung càng nhiều năng lượng và thời gian của bạn trong Vùng ảnh hưởng, mức độ Proactive của bạn càng cao.

Một quy luật thú vị mà Covey nêu lên là nếu bạn hoạt động nhiều trong Vùng ảnh hưởng thì nó sẽ dần dần được mở rộng ra, lấn dần vào Vùng quan tâm. Ngược lại, nếu bạn đặt càng nhiều năng lượng và thời gian ra ngoài Vùng ảnh hưởng (ví dụ: trách móc lỗi lầm và nhược điểm của người khác, đổ lỗi cho điều kiện hoàn cảnh khó khăn) thì Vùng ảnh hưởng sẽ bị co lại. Lý do là năng lượng và thời gian là đại lượng có hạn, khi ta tiêu phí ra ngoài phạm vi ảnh hưởng, kết quả là bằng không, năng lượng bị tiêu tốn, Vùng ảnh hưởng bị bỏ trống, lãng quên dĩ nhiên sẽ teo lại dần dần.

Hầu hết mọi người có Vùng ảnh hưởng bé hơn Vùng quan tâm trừ trường hợp đặc biệt một số người giàu có hoặc có quyền lực vượt bực, Vùng ảnh hưởng của họ đặc biệt lớn. Nếu họ là người Proactive thì Vùng quan tâm của họ ít nhất cũng phải lớn bằng Vùng ảnh hưởng, để đảm bảo không lãng phĩ năng lượng của Vùng ảnh hưởng. Nếu Vùng ảnh hưởng lớn hơn Vùng quan tâm, họ là một dạng người Reactive đặc biệt với cá tính ích kỷ.

Trước khi bắt đầu việc tập trung thời gian và năng lực trong Vùng ảnh hưởng của mình, ta cần phải nhận thức được giới hạn của Proactive. Mặc dù bạn luôn có quyền lựa chọn hành vi của mình, bạn không thể lựa chọn được hậu quả của hành vi đó. Kết quả của hành vi do luật của tự nhiên điều khiển, luật của tự nhiên nằm ngoài Vùng ảnh hưởng của chúng ta. Một thương gia có thể chọn cách làm ăn không trung thực, hậu quả xã hội trước mắt của hành vi đó có thể là một doanh nghiệp làm ăn có nhiều lãi. Thế nhưng hậu quả tự nhiên đối với cá tính của thương gia đó thì ngược lại. Mối quan hệ giữa hành vi với cá tính và số phận của con người tuân theo luật của tự nhiên, dù ta có biết luật đó hay không. Ta chỉ có thể sửa mình theo quy luật, không thể bẻ cong quy luật cho vừa với ta. Khi thực hiện một hành vi, ta đã nhặt lấy một đầu của cây gậy, ở phía đầu bên kia là hậu quả, không thể chỉ nhặt lên một đầu của cây gậy được.

Trong cuộc sống không khỏi có những lúc ta lựa chọn sai lầm với những hậu quả không mong muốn. Trong nhiều trường hợp ta không thể đảo ngược được tình thế (undo), không thể điều khiển được hậu quả. Sai lầm nằm ngoài Vùng ảnh hưởng của chúng ta. Người proactive cần phải hiểu sai lầm, thừa nhận nó, sửa lỗi và học từ sai lầm của mình. Bằng cách này sai lầm của hôm nay sẽ gieo mầm cho thành công của ngày mai. Như T. J. Watson, người sáng lập ra hãng IBM đã nói "mistake is on the far

side of failure".

Tâm điểm của Vùng ảnh hưởng Ở chính giữa Vùng ảnh hưởng chính là khả năng hứa và giữ lời hứa của mỗi người. Khả năng hứa và giữ lời hứa là bằng chứng xác thực nhất của tính chất Proactivity của mỗi người.

Bằng chứng này có ý nghĩa với chính bản thân bạn nhiều hơn với người khác. Mỗi lần bạn giữ được lời hứa, dù là lời hứa với chính mình mà không ai biết cả, bạn có thêm lòng tự tin vào nghị lực của chính mình. Có khi đó chỉ là một việc rất nhỏ, nhưng không phải vì việc nhỏ mà bị lãng quên, bởi vì ý thức của bạn luôn mở to cặp mắt theo dõi. Nếu bạn kiên nhẫn giữ được lời hứa với chính mình, chỉ sau một thời gian bạn sẽ thấy lòng tự tin, khả năng tự chủ của bạn tăng lên trông thấy. Giống hệt như bạn có một tài khoản tự trọng ở ngân hàng vậy, mỗi lần bạn giữ được lời hứa, bạn sẽ có thêm một khoản tiền gửi quý báu. Một ngày kia khi bạn là một người giàu lòng tự trọng, bạn sẽ làm được những việc lớn hơn, xoay chuyển cả cuộc đời của bạn và tất cả những người trong đó.

Đừng thất hứa, đó là những khoản chi làm thất thoát tài khoản tự trọng vì mỗi lần điều đó xảy ra ý thức của bạn tự thấy giảm mức độ tôn trọng chính bạn đi. Hoạt động của tài khoản tự trọng này rất nghiêm khắc, không có lối tắt, không có cách nào không phải cố gắng mà lại có kết quả. Thành công không đến dễ dàng. Mỗi người phải lao động thực sự, phải chiến thắng được sự yếu đuối của chính mình, để trở nên lớn hơn.

Một câu chuyện về proactive

Covey thường đi giảng bài về 7 habits ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Một hôm, trong giờ nghỉ trưa của buổi cuối cùng của một khóa học có một học viên trạc 25-26 tuổi tìm đến hỏi Covey: Thưa thầy, suốt tuần qua thầy giảng về proactive, rằng mỗi người đều có quyền tự do sống cuộc đời của mình. Thế ngộ nhỡ những điều quan trọng nhất với cuộc sống của tôi lại nằm trong tay người khác thì tôi biết làm sao đây?

Người đàn ông vừa tâm sự vừa không cầm được nước mắt. Anh ta có đứa con trai 3 tuổi. Hai vợ chồng đang làm thủ tục ly dị gần xong sau 18 tháng kiện tụng, cả hai bên đều phải thuê luật sư. Cô vợ căm thù anh ta ghê gớm nên đã chuyển nhà đi tận Chicago để anh ta (lúc đó sống ở New Jersey) mỗi lần muốn thăm con thì phải bay khá xa. Anh ta viết thư và gửi quà cho con trai thì đều bị cô vợ cũ chặn lại, xé thư đọc trộm và giấu đi nhiều món quà. Anh ta lo lắng đến một ngày nào đó thằng bé con sẽ chẳng còn biết anh ta là bố nó nữa.

Người đàn ông hỏi Covey: Tôi hiểu những điều thầy nói là đúng. Tôi muốn sống cuộc đời của tôi, tôi muốn sống theo những quy luật thầy dạy nhưng tôi tôi cảm thấy điều đó không thể được. Tôi ghét cô vợ cũ, thằng luật sư của cô ta, ghét cái hôn nhân chết tiệt đó, nhưng tôi yêu con trai mình, tôi muốn là một phần của cuộc đời nó. Tôi phải làm sao bây giờ?

Lúc đầu bác Covey cũng bị choáng bởi tình huống lạ này, chút nữa thì trả lời là ca này khó quá. May thay Covey nghĩ thêm một chút, cố nghĩ xem cái gì ở trong Circle of Influence của anh chàng học viên tội nghiệp này? Anh ta chẳng thuyết phục được cô vợ cũ, tòa án đã quyết định cho con ở với mẹ, cũng chẳng làm gì được cả. Nếu anh ta chỉ nghĩ đến 2 việc đó thì có lẽ anh ta sẽ phát điên mất vì anh ta hoàn toàn bất lực.

Nghĩ một lát thì Covey đã nghĩ ra. Thực ra vẫn còn cách để anh ta bày tỏ tình yêu của mình với con trai, tác động đến đứa trẻ. Việc đó có thể không thực hiện được ngay lúc đó, nhưng có thể là vài ba tháng, vài ba năm sau đó. Nói cho cùng, vài năm trôi qua nếu không có những việc khác đổ thêm dầu vào lửa thì cô vợ cũ chắc cũng sẽ nguôi dần cơn tức giận, có thể tái giá, mọi chuyện có thể thay đổi. Đứa bé lớn lên sẽ muốn biết cha mình là ai và không ai có thể cản được nó làm điều đó.

Covey kể cho người đàn ông đó rằng ông giữ một quyển sổ ghi chép về các con của mình. Ông ghi lại những kỷ niệm, cảm xúc, suy nghĩ, hy vọng, thậm chí cả những giấc mơ về các con mình. Covey khuyên người đàn ông cũng nên làm thế, trong khi không đủ tiền để hàng tuần bay đi Chicago thăm con và cô vợ quá quắt vẫn tiếp tục ngăn chặn những bức thư.

Mặc dù đó chỉ là một sáng kiến nhỏ nhưng sáng kiến đó đã có tác dụng giải thoát tâm lý cho người đàn ông. Vì tình cảm với con mình anh ta đã bị thôi miên bởi những việc ở ngoài phạm vi ảnh hưởng của mình. Về mặt tâm lý, tâm trí anh ta bị tê liệt, tuyệt vọng. Nhưng khi nghĩ đến ý tưởng ghi nhật ký anh ta đã thay đổi. Chí ít cũng có một việc mà không ai có thể cấm anh ta làm cả.

Covey hướng dẫn người đàn ông cụ thể hơn: Nên ghi rõ ngày tháng, kể những kỷ niệm thật cụ thể dù là chuyện vui, buồn, buồn cười hay tự hào; viết đều đặn hàng ngày, đính kèm ảnh nếu có, và giữ bí mật về cuốn nhật ký đó.

Ba tháng sau ông bố trẻ gặp rắc rối viết thư cho Covey báo tin rằng bằng cách ghi nhật ký anh ta cảm thấy gần con trai hơn, đỡ căng thẳng hơn, công việc của anh ta ở cơ quan tiến triển rất tốt, quan hệ với cô vợ cũng tốt hơn trước.

Điều quan trọng là anh ta không cảm thấy mình là nạn nhân của người khác nữa. Anh ta đã hiểu quyền năng của mình.

7 habits - (10) Begin with the end in mind

Begin with the end in mind là tên của thói quen thứ 2 do Covey đặt, nghĩa của nó đơn giản là khuyên bạn nên hình dung ra mục đích, kết quả cuối cùng của hành động trước khi hành động.

Ví dụ đơn giản của thói quen thứ 2 này là việc bạn xây một ngôi nhà. Bạn cần phải có thiết kế ngôi nhà trước, ước lượng trước bạn sẽ cần đến những nguyên vật liệu gì, rồi mới bắt tay vào khởi công xây dựng. Trên thực tế có lẽ không ai lại cứ bắt tay vào và làm đến đâu thì nghĩ đến đó cả.

Xây nhà là ví dụ đơn giản, đối với những việc phức tạp hơn thì sao? Covey nhận định rằng trong lĩnh vực tâm lý học thì mọi thứ đều được tạo nên hai lần: lần đầu là tạo vật trong trí tưởng tượng, lần thứ hai mới là tạo vật trên thực tế. Tạo vật thứ hai bị ảnh hưởng mạnh mẽ của tạo vật thứ nhất, dù thợ xây có ẩu đến mấy thì ngôi nhà trông cũng phải khá giống với bản vẽ thiết kế. Thế nhưng, nhiều khi bản vẽ thiết kế cuộc đời của bạn lại không phải do bạn làm ra. Chính vì thế Covey khuyên bạn nên hình dung ra kết quả cuối cùng trước hết. Như vậy bạn sẽ thực sự là tác giả kịch bản cuộc đời của chính mình (Be Proactive), và cuối đời bạn sẽ không phải hối hận mình đã làm những việc ngoài ý muốn của mình.

Mô hình đơn giản về hai tạo vật ở trên thể hiện hai khía cạnh chính trong cuộc sống của mỗi người cũng như trong quá trình hoạt động của mỗi doanh nghiệp: Lãnh đạo (leadership) và Quản trị (management). Tạo vật thứ 1 thể hiện khía cạnh Lãnh đạo. Tạo vật thứ 2 thể hiện khía cạnh quản trị. Ở Việt Nam thuật ngữ Lãnh đạo ít được dùng cho con người, ít khi thấy ai nói tôi tự lãnh đạo mình, lãnh đạo là ngoại động từ, người ta thiên về lãnh đạo người khác. Thực ra, lãnh đạo cũng là nội động từ, lãnh đạo bản thân mình mới là cái quan trọng nhất và phải thực hiện được trước khi lãnh đạo được người khác. Sự khác nhau giữa Lãnh đạo và Quản trị là thể hiện trong câu nói "Leadership is doing the right things, management is doing things right". Vai trò của lãnh đạo là định hướng hành động, quản trị bảo đảm hiệu quả của hành động đó. Nếu lãnh đạo sai lầm thì giống như bạn cố gắng leo lên một cái thang tre, dù bạn có leo nhanh đến mấy bạn cũng sẽ không tới đích nếu ngay từ đầu cái thang đã được bắc ở vị trí sai. Khái niệm Lãnh đạo và Quản trị áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức.

Điều mà Covey khuyên bạn thông qua thói quen thứ 2 là chúng ta không nên chìm quá sâu vào sự bận rộn của Quản trị, cố gắng đạt hiệu quả cao trong từng hành động cụ thể mà quên mất không dành ra chút ít thời gian để nghĩ lại xem những việc mình đang làm có phải là việc quan trọng và cần thiết trong cả cuộc đời mình hay không? Tình trạng này chính là nguyên nhân của khủng hoảng trong cuộc đời của một số người, khi mà ở giữa những thành công vật chất người ta chợt nhận thấy tất cả những thành công đó là hoàn toàn vô nghĩa.

Để thực hiện "Begin with the end in mind", Covey khuyên chúng ta nên tự xác định giá trị, vai trò, mục đích dài và ngắn hạn của mình chứ không nên sống buông trôi. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đây là một trong những việc rất khó, và nếu không cẩn thận thì sẽ dễ sa vào sáo rỗng và giả dối. Hãy nhớ rằng ta chỉ có thể xác định, nhận thức được, chứ không thể phát minh, bịa ra được mục đích của cuộc sống.

Việc đầu tiên trong quá trình "Begin with the end in mind" là việc viết một bản Personal Mission Statement, trả lời câu hỏi mục đích cả cuộc đời của bạn là gì? Thật là không dễ để nhận thức được mission in life của mình. Tôi đã từng hỏi nhiều người và rất ít người trả lời được câu hỏi mục đích cuối cùng của họ trong cuộc sống là gì, thậm chí hầu hết trả lời rằng đây là lần đầu tiên trong cuộc đời họ nghĩ đến điều đó. Thật đáng tiếc cho những người không bao giờ nghĩ đến mục đích của cuộc sống. Sống như vậy chẳng khác nào đi lang thang mà không biết mình đi về đâu và sống để làm gì?

Để xác định mục đích của cuộc sống, Covey khuyên mỗi người nên làm một bài tập tâm lý, nhắm mắt lại, thật tĩnh tâm và gạt bỏ hết mọi suy nghĩ khác và tưởng tượng đến đám tang của chính mình. Nghĩ đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình có thể giúp làm cho bạn hình dung được bạn thực sự muốn đạt được điều gì. Một cách khác là bạn có thể tưởng tượng bạn nhận được tin của bác sĩ báo bạn bị ung thư và chỉ còn sống thêm được vài năm nữa mà thôi, vậy trong thời gian đó bạn sẽ làm gì? Có lẽ những việc mà bạn sẽ quyết định ưu tiên thực hiện trong khoảng thời gian quý giá nhưng ngắn ngủi đó sẽ cho bạn nhận ra điều quan trọng nhất trong cuộc đời bạn và từ đó bạn có thể hiểu ra mục đích của cuộc đời mình.

Covey nhận định rằng những người ông gặp có những giá trị khác nhau làm tâm điểm của cả cuộc đời. Những tâm điểm phổ biến là: Gia đình, Vợ chồng hay người tình, Tiền bạc, Công việc, Sở hữu, Khoái cảm, Bạn bè, Kẻ thù, Tôn giáo, Bản thân. Thông thường tâm điểm của mỗi người là nơi cung cấp cho họ sự tự tin, tự trọng, định hướng trong cuộc đời, nghị lực và lòng dũng cảm.

Tuy nhiên, Covey nhận xét rằng tâm điểm của cuộc đời bạn chính là điểm yếu nhất của bạn. Giả sử bạn dựa vào gia đình mình, coi đó là tất cả của cuộc đời bạn (đại đa số người Việt nam thuộc nhóm này), hạnh phúc của bạn cũng vẫn có thể có nguy cơ bị đe dọa. Bố mẹ có thể là những người có tầm nhìn, tầm hiểu biết hạn chế, có thể mắc sai lầm, con cái có thể trở nên hư hỏng, vợ chồng có thể đột nhiên thay lòng đổi dạ. Trong những trường hợp đó bạn sẽ cảm thấy bất hạnh vì nguồn cung cấp sự tự tin, định hướng, nghị lực tự nhiên bị mất đi. Bạn sẽ là gì nếu bạn không còn tất cả những điều đó? Có người khi rơi vào hoàn cảnh như vậy thì chuyển tâm điểm từ giá trị này sang giá trị khác.

Covey khuyên rằng, cách tốt nhất là không nên đặt một trong những giá trị nên trên vào tâm điểm của cuộc đời mình, mà nên đặt Quy luật vào đó (xem bài dịch Hãy sống theo quy luật đăng trong cùng chuyên mục này). Đó là sự lựa chọn đúng đắn nhất, cho bạn cuộc sống luôn luôn bình an và hòa hợp với vũ trụ. Nhưng đó không phải là lựa chọn dễ dàng, để nhận thức và cài đặt quy luật của vũ trụ vào bản thân mình đòi hỏi một quá trình lâu dài và nhiều nỗ lực.

During a recent Seven Habits lecture, my son and his classmates were asked to imagine that they had been given two days to live and had to write a farewell letter. Expecting his pupils to write a meaningful note to relatives or a close friend, the teacher was surprised when he read my son's contribution.

"Dear milkman," it read, "please could you cancel the milk from Thursday."

Bình luận: Bạn có thể không cần biết đến tất cả mọi học thuyết, bài tập tâm lý trên đời nếu bạn giữ được tâm hồn mình trong sáng như trẻ thơ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top