7-1936
Hội nghị họp vào tháng 7-1936 tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hội nghị đã đề ra những chủ trương thích hợp để đưa cách mạng nước ta tiến lên trong tình hình mới, bổ khuyết những thiếu sót của Đại hội I.
Hội nghị diễn ra trong hoàn cảnh chủ nghĩa phátxít chuẩn bị phát động chiến tranh thế giới, Quốc tế Cộng sản có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược là: xác định nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân quốc tế chưa phải là đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản nói chung, mà là đấu tranh chống chủ nghĩa phátxít và ngăn ngừa chiến tranh thế giới, giành dân chủ và hoà bình; chủ trương xây dựng mặt trận nhân dân rộng rãi để tập hợp lực lượng đấu tranh. Tháng 5-1936, Mặt trận nhân dân Pháp, gồm Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội, Đảng Xã hội cấp tiến,... giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Chính phủ của Mặt trận nhân dân lên cầm quyền, ban hành nhiều chính sách tiến bộ có lợi cho thuộc địa.
Căn cứ vào diễn biến tình hình thế giới, trong nước và đường lối của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị xác định: Kẻ thù chủ yếu trước mắt của nhân dân Đông Dương chưa phải là chủ nghĩa đế quốc Pháp và phong kiến nói chung, mà là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai của chúng; mục tiêu và nhiệm vụ trực tiếp trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phátxít và chiến tranh, đòi dân chủ, dân sinh và hoà bình. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương. Mặt trận có nhiệm vụ tập hợp rộng rãi "các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, các dân tộc ở xứ Đông Dương để cùng nhau tranh đấu để đòi những điều dân chủ đơn sơ (tức đòi những quyền dân chủ tối thiểu - TG)"1. Hội nghị quyết định thay đổi các hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh của quần chúng, từ tổ chức bí mật, đấu tranh bất hợp pháp là chủ yếu chuyển sang tổ chức và đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp là chủ yếu.
Mối quan hệ giữa chiến lược và chỉ đạo chiến lược, giữa mục tiêu lâu dài và mục tiêu trước mắt, giữa vấn đề giải phóng dân tộc và điền địa,... đã được Hội nghị làm sáng tỏ. Văn kiện Chung quanh vấn đề chiến sách mới ghi rõ: "... chiến lược của Đảng Cộng sản Đông Dương là phải làm cách mạng tư sản dân quyền - phản đế và điền địa - lập chính quyền của công nông bằng hình thức Xôviết, để dự bị điều kiện đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, đó là mục đích cuối cùng của cuộc cách mạng trong giai đoạn này, nhưng làm sao đi tới mục đích ấy là vấn đề chiến sách"2 và "Cuộc dân tộc giải phóng không nhất định phải kết chặt với cuộc cách mạng điền địa (...). Nhiệm vụ cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương là đuổi đế quốc Pháp ra khỏi xứ, tẩy sạch tàn tích phong kiến, Đông Dương hoàn toàn độc lập! Chủ trương ấy không bao giờ di dịch, nhưng chưa phải là nhiệm vụ trực tiếp lập tức của Mặt trận nhân dân phản đế trong lúc hiện tại ở Đông Dương, mà nó là mục đích cuối cùng của Mặt trận nhân dân phản đế"3.
Về công tác xây dựng Đảng, Hội nghị chủ trương trong khi sử dụng hình thức đấu tranh công khai hợp pháp, càng phải củng cố tổ chức và công tác bí mật của Đảng hơn nữa và hết sức chú trọng kết nạp đảng viên và củng cố hàng ngũ.
Những quyết định của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 7-1936 đánh dấu bước trưởng thành mới của Đảng trong việc chỉ đạo chiến lược và sách lược cách mạng Đông Dương. Trên cơ sở nắm vững mục tiêu chiến lược của cả tiến trình cách mạng, Đảng đã định ra mục tiêu cụ thể của từng thời kỳ cách mạng trước mắt phù hợp với những diễn biến tình hình mới, Đảng nhận thức đầy đủ hơn về vị trí chiến lược của công tác mặt trận, có chủ trương linh hoạt để tập hợp lực lượng một cách rộng rãi, lôi cuốn mọi lực lượng, dù là tạm thời, vào cuộc đấu tranh nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt. Đảng lại biết lợi dụng một cách khôn khéo và đúng lúc khả năng đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp để đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng, kết hợp chặt chẽ cách mạng Đông Dương với cách mạng thế giới, cách mạng Đông Dương với cách mạng Pháp, tranh thủ những điều kiện thuận lợi của tình hình thế giới để thúc đẩy cách mạng Đông Dương phát triển, góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Những quyết định của Hội nghị này phản ánh Đảng ta đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối của Quốc tế Cộng sản vào điều kiện cụ thể của các dân tộc Đông Dương trong bối cảnh lúc bấy giờ.
Hạn chế của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng
7-1936 là chưa nêu được những khẩu hiệu thích hợp về dân tộc trong lúc còn tạm gác khẩu hiệu chiến lược đánh đổ đế quốc Pháp giành độc lập dân tộc cho các dân tộc Đông Dương. Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương mà Hội nghị thành lập chưa thích ứng với hoàn cảnh cụ thể của Đông Dương thời kỳ này. Bởi vì, yêu cầu lịch sử đặt ra lúc này là cần có một hình thức Mặt trận rộng rãi hơn để tập hợp quần chúng đấu tranh đòi quyền dân chủ, chống chiến tranh, chống phátxít, bảo vệ hoà bình. Các Hội nghị Trung ương Đảng sau đó tiếp tục bổ sung và phát triển thêm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top