Phần 9: Sải Cánh Vươn Xa
"Mọi người sẵn sàng nhé. Sẽ xóc lắm đấy"
Tiếp theo câu nói đấy của người chỉ huy chiếc BTR-60 của chúng tôi là ánh sáng lóa mắt khi hai cánh cửa thép khổng lồ của con tàu đổ bộ từ từ mở ra. Mọi người trên xe háo hức, cố tranh nhau nhìn ánh sáng lọt vào từ khe hở đang ngày càng mở rộng dần của con tàu. Gió từ biển thổi vào qua những lỗ thông khí đang mở trên xe, lùa vào bên trong lớp quân phục dày của tôi thật thoải mái. Một tiếng "ruỳnh" thật vang và chiếc xe bọc thép nặng nề từ từ di chuyển ra khỏi hầm tàu và lao xuống làn nước xanh ngắt của đại dương...
"Chúng ta sẽ đổ bộ lên Bãi Sao, mọi người. Vẫn còn dân thường và một số du khách kẹt lại ở khu vực này sau cuộc chiến, nên tránh làm họ hoảng sợ trong mọi trường hợp. Sau khi xe lên bờ, di chuyển thật nhanh ra khỏi xe và tập trung theo hiệu lệnh của tôi. Tất cả nghe rõ chứ?"
"Rõ!"- Mọi người trong xe đồng thanh đáp lại lời dặn dò của Đại đôi trưởng Hạnh, đang đứng co ro vì những bọt song tạt vào người bên cạnh người chỉ huy xe. Tôi ngoảnh lại và nhìn về phía hầm tàu tối om om phía sau. Con tàu đã cứu mạng chúng tôi từ cuộc chiến ở Thành phố Hồ Chí Minh và mang chúng tôi tới nơi mà thiên nhiên đã ban cho cái tên Đảo Ngọc này. Vâng, tôi không nói hão đâu, vì con tàu đã thực sự đưa tôi và đồng đội tới Phú Quốc, thành trì cuối cùng của quân dân toàn cõi Việt Nam trong cuộc chiến chống lại bọn xác sống. Tôi cứ nhìn chăm chăm con tàu to lớn, những chiếc trực thăng bay lên từ boong tàu và dòng chữ "NGUYỆT QUẾ" được in to rõ trên cửa đổ bộ, và chỉ quay lại khi một bàn tay ươn ướt và mềm mềm đặt lên vai tôi cùng giọng nói quen thuộc:
"Thích nhỉ? Chúng ta đổ bộ lên Phú Quốc luôn đấy. Tớ chưa bao giờ được đến đây cả. Chắc đẹp lắm Hòa nhỉ?"
Đó là Đan Linh, người đồng đội và người bạn cùng tuổi thân thiết của tôi. Tôi cười đáp lại cô ấy rồi nhún vai. Tôi chưa bao giờ tới đây, và chỉ biết tới Phú Quốc qua những bài giảng môn Địa lý ở trường. Đan Linh thấy tôi quế độ như thế bèn lái qua chuyện khác để tôi cùng trò chuyện. Đa số các anh lớn đều có cùng một sự im lặng như nhau. Họ đang mong đợi một chân trời mới ở nơi này, một niềm hy vọng của bản thân, cũng như tôi hy vọng tìm lại được mẹ trong những cơ quan đã di tản đến Phú Quốc. Quãng đường từ tàu vào bờ khá ngắn, nhưng những con sóng ở Vịnh Thái Lan đã làm chiếc xe bọc thép nhỏ bé như đứt làm hai mảnh. Các anh lớn người thì nôn ọe, người thì gục gặc đầu vì say sóng, thi thoảng lại gắt lên mỗi khi anh chàng Ngọc Xuân tếu táo đùa vài câu. Tôi nhìn ra ngoài và thấy chỉ có nước là nước, những trực thăng thi thoảng bay vút qua trên đầu, mang theo cơ man hàng hóa dưới bụng. Cuối cùng, sau một hồi trầy trật thì chiếc xe bọc thép cũng đã lên bờ an toàn. Chúng tôi mau chóng chui ra khỏi xe và sắp thành hàng, sau đó bắt đầu hành quân bộ về Thị trấn Dương Đông, cách nơi chúng tôi đổ quân hơn 10 cây số. Quãng đường đi dài và mệt nên không ai trong chúng tôi nói bất cứ lời gì. Những người dân bên đường chào chúng tôi và những du khách Tây nhìn hàng quân mệt mỏi trẩy qua với một cặp mắt tò mò. Cứ thế, chúng tôi hành quân trong im lặng về hướng mặt trời lặn...
Chúng tôi đến Dương Đông vào sẩm tối hôm đó. Thị trấn vẫn như mọi ngày, yên bình và thơ mộng. Không có những bảng hiệu chào đón hay ủy ban tiếp tân, nhưng trong thị trấn, những đoàn xe quân sự trẩy qua rầm rập. Người dân đứng hai bên đường nhìn những người lính chúng tôi với cặp mắt tò mò và một sự vui mừng thầm kín. Đơn vị chúng tôi được phân đóng ở một ngôi trường cấp 3 trên một con đường lớn. Học sinh vẫn ra vào học và những người lính chúng tôi thì ngày ngày tuần tra vòng quanh đảo, tối đến thì về ngủ trong những phòng học bỏ không, chen chúc trong những chiếc túi ngủ quân dụng và những chiếc nệm nhỏ xíu. Nhưng trong cái tình cảnh hiện tại khi mà hòn đảo đang đông nghẹt người và những người lính xe tăng thậm chí còn phải trải nệm lên thân xe để nằm thì chúng tôi tính ra vẫn còn sướng chán, và chúng tôi vẫn còn có những người yêu thương và những người bạn tốt bên cạnh...
Cứ mỗi tối, tôi lại đứng tựa vào lan can và trông ra phía cửa sông chảy ra biển, nhìn những ánh đèn nhấp nháy của những chiến hạm đang đậu ngoài khơi và ánh đèn leo lét của khu tập thể mà Linh đang sinh sống. Cô ấy đã tìm lại được mẹ mình, lúc này đang công tác cho một văn phòng của chính phủ. Hai người được phân một căn phòng nhỏ trong khu tập thể ở phía Bắc đảo, vốn là một tòa nhà khách sạn cũ. Tôi cũng có đến thăm cô ấy vài lần và đã gặp mẹ Linh. Chúng tôi nói chuyện thật lâu và nắm thật chặt tay nhau trước khi tôi ra về. Nhưng phút giây hạnh phúc, tôi phải công nhận. Nhưng cùng lúc đó, tôi nhận ra được sự hằn học ra mặt của mẹ Linh. Tôi ít khi đến gặp cô ấy kể từ đó, và chỉ dám đứng từ lan can ngôi trường tôi đóng quân và nhìn về hướng tòa nhà. Ai hỏi thì tôi bảo chỉ nhìn vu vơ, tôi chỉ kể cho Đan Linh...
"Cậu nhớ lắm đúng không Hòa? Ai có tình cảm mà chả vậy chứ, đó là thứ mà con người sinh ra đã khác hẳn với loài vật là vậy rồi..."
Rồi cô ấy đặt bàn tay mát lạnh mềm mại lên vai tôi. Tôi theo phản xạ đã áp má mình vào bàn tay ấy và thì thầm trong tiếng nấc nghẹn:
"Tớ cảm ơn cậu.... Bạn thân ạ.... Tớ hiểu rồi..."
"Không sao. Giờ hãy cho tớ và mọi người thấy người lính thực thụ nào."
Rồi cô ấy cù tôi ngã lăn quay ra đất và hai chúng tôi cười sảng khoái dưới cặp mắt đầy ghen tị và những câu đùa tếu táo của mấy anh chị trong trung đội...
Một thời gian sau đó, chắc phải gần cả tháng, tôi làm theo lời Đan Linh và cố quên đi những thứ tình cảm không cần thiết. Tôi tham gia mọi chuyến tuần tra một cách nhiệt tình, tận hưởng gió biển xoa xoa làn tóc và nước thép mát lạnh của khẩu ACE-32 chạm vào sau lưng. Vả lại, trung đội tôi, và cả tiểu đoàn đang được phiên chế lại, vì sau khi di tản khỏi Tân Sơn Nhất, lực lượng của HƯƠNG-GIANG chỉ còn lại tương đương hai trung đoàn. Tiểu đoàn chúng tôi được tách ra đảm nhiệm những chiến dịch đặc biệt, vì Hải quân lục chiến luôn là thế. Và chúng tôi có một trung đội trưởng mới thay cho Đại úy Nhân, được cho là đã hy sinh trong trận Tân Sơn Nhất. Anh ta là Đại úy Vinh, một anh chàng khá đẹp trai với bộ râu được cạo gọn gàng. Nếu nhìn xa thì bạn sẽ thấy Đại úy giống như cái anh ca sĩ Hoa Vinh trước thời chiến, chỉ có điều đô hơn và đen hơn. Chúng tôi rất thích Đại úy Vinh không chỉ vì anh rất thân với lính tráng, cũng như lúc nào cũng xưng tên thay cho tôi, cậu và đồng chí. Ngoài việc ấy ra thì chúng tôi cũng sống khá sung túc: Ngày đi tuần tra hoặc tập võ và đối kháng, chiều thì thả bộ vào Thị trấn sinh hoạt với bà con. Tôi và Đan Linh với vài anh lớn khác đặc biệt thích đi đến chợ đêm để ăn hải sản hay kẹo tơ hồng, một thứ đặc sản. Hôm nào sang lắm thì kéo vào chỗ ông Tây bán đậu phụng rang hay chui vào nghe nhạc uống nước ở Thiên Nhan, một quán café dành cho giới binh sĩ và người nước ngoài. Họ có những ban nhạc người Đức, Canada và Việt Nam chơi mỗi tối. Phần lớn họ là du khách bị kẹt lai bởi cuộc chiến và tôi vẫn hay trò chuyện với những người Tây ấy để thỏa cái thích thú được nói tiếng Anh của tôi, vì đã lâu rồi từ khi tôi không được tới trường nữa, và tôi từng học ở lớp chuyên Anh. Lâu lâu, nếu chúng tôi hành quân qua khu vực sân bay, tôi lại dành thời gian ra vào thăm Thiếu tá Ngọc và anh Lam. Họ vui vẻ hỏi thăm tôi và nằng nặc đòi tôi ở lại lâu hơn. Tôi bèn bảo với Thiếu tá và cười, sau một lần tôi nghe cô ấy bảo lần sau lại đến:
"Hay lần sau cô lấy máy bay đón cháu đi, chứ hơn năm cây đi bộ thốn lắm cô nhé!"
Thiết tưởng cuộc sống của tôi thế là yên bình, nhưng ai ngờ được chữ Đời đâu. Một lần, sau khi nhảy xuống chiếc xe vận tải sau một chuyến tuần tra dài, tôi được mấy anh đưa cho một lá thư. "Quái lạ?", tôi nghĩ. Tôi không còn người thân nào ở Việt Nam, mẹ thì đang ở cùng phái đoàn Hoa Kỳ ở Thụy Sỹ. Tôi biết được mẹ còn sống khi Đại tá Hằng gọi tôi đến gặp ông ở Bộ chỉ huy vài tuần trước. Tò mò, tôi xé bìa thư ra xem. Bên trong là một hàng chữ quen thuộc đến rợn người...
"Người gửi: Đinh Thị Trúc Linh
Phòng 203, khu A1, Bắc Phú Quốc, Việt Nam
Người nhận: Trần Ngọc Hòa
A01-B02-C02-d106, Dương Đông, Phú Quốc, Việt Nam
Gửi anh
Đã hơn nửa năm rồi từ khi chúng mình quen nhau, trước khi cuộc chiến này và mọi thứ diễn ra. Em cảm ơn anh đã giúp em rất nhiều để đoàn tụ cùng gia đình, em không biết lấy gì cảm ơn anh cho xiết được. Nhưng em xin lỗi, vì mẹ em không đồng ý cho hai ta đến với nhau. Anh à, em trân trọng những phút giây hai ta bên nhau, anh hãy nhớ nhé. Vì khi anh đọc được lá thư này thì em đã đi xa rồi. Anh ở lại giữ sức khỏe, tiếp tục chiến đấu nhé. Và em mong anh sẽ tìm được một chân trời mới...."
Đọc đến đây tôi rụng rời tay chân. Buông thõng cái ba lô xuống sàn cùng khẩu ACE-32 đang đeo trên vai, tôi hộc tốc lao xuống lầu rồi chạy ra chiếc xe vận tải còn đang đậu trước cửa đơn vị. Bằng một thanh lương khô, tôi đã nhờ được anh tài xế cho đi nhờ về sân bay. Dọc đường đi tôi cứ bồn chồn nhìn lên trời, tìm kiếm một chiếc phi cơ chở khách nào đó bay ngang qua. Đến cổng sân bay, tôi lao như bay vào nhà ga hành khách. Bên trong vắng hoe, chỉ có một vài viên phi công và vài hành khách đang xếp hàng chờ máy bay. Bảng đồng hồ trên tường chỉ hiển thị một chuyến bay, và nó đã khởi hành. Nhìn ra ngoài đường bang, tôi thấy chiếc Airbus A340 to lớn của hang Swiss đang từ từ lăn ra đường băng. Như một con thú, tôi lao ra khỏi nhà ga xuống dưới sân đỗ, bỏ lại sau lưng những người lính Kiểm soát quân sự hoảng hốt. Tôi chạy như bay ra đường bang, né tránh những kỹ thuật viên và phi công nhìn tôi thảng thốt. Tôi cứ chạy mãi, chạy mãi, đuổi theo chiếc máy bay đang từ từ tăng tốc. Gió thổi lại từ bốn chiếc động cơ phần phật, làm bay cả chiếc beret xanh tôi đang đội. Kệ, tôi cứ chạy. Chiếc máy bay nhỏ dần, nhỏ dần, tưởng chừng như tôi có thể nằm lấy nó mà kéo lại. Nhưng không, chiếc A340 cất cánh và bay mất. Tôi dừng lại, quỵ xuống mặt đường nhựa nóng bỏng. Tay tôi nắm lại, tôi đấm xuống mặt đường băng đến chảy cả máu. Nước mắt cứ thế rơi xuống, cuộn với mồ hôi thành những giọt cay xè. Trong cái lúc hoảng loạn đó, tôi cảm thấy có một bàn tay to lớn đặt lên vai tôi cùng một giọng nói bằng tiếng Anh:
"Này chàng trai, cậu làm rơi cái mũ này."
Đó là một người sĩ quan cao lớn với gương mặt phúc hậu trong bộ quân phục có mang cờ Canada. Anh ta đưa tôi chiếc mũ và tôi đội lên đầu và lủi thủi bước đi sau khi đã cảm ơn. Nhưng người sĩ quan ấy đã ngăn tôi lại và nói:
"Để tôi đưa cậu về đơn vị. Chứ trông cậu tã quá, binh nhì ạ."
Rồi anh ta gật đầu với hai người Kiểm soát quân sự đang chĩa súng vào đầu tôi. Ngồi trên chiếc UAZ chạy băng băng trên đường, tôi và người sĩ quan bắt chuyện. Anh ta là Đại úy Robert Bishop, là một người Canada phục vụ trong Hội đồng chỉ huy. Đại úy Bishop đặt tay lên vai tôi và nói nhỏ:
"Tôi hiểu cái cảm giác của cậu. Cô bạn thân của cậu đã kể cho tôi nghe khi đơn vị cậu làm ầm lên vì cậu trốn. Không sao đâu, con trai ạ. Cậu là một người có gan lớn đấy. Một gã ngốc sẽ ngồi khóc chứ không đuổi theo một chiếc máy bay đâu. Mai này, Hòa ạ, mai này cậu sẽ sải cánh vươn xa đấy. Tôi hứa với cậu..."
-Hết-
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top