Phần 3: Nhu yếu phẩm
Thấm thoát cũng đã ba tuần trôi qua kể từ khi cái lỗ hổng trên tường nhà tôi được đào xong. Bây giờ tôi và Linh đã có thể ra ngoài tìm kiếm thêm một chút đồ ăn và một manh mối, dù là nhỏ nhất, về những lực lượng quân đội chúng tôi vẫn thường hay thấy. Ban đầu, chúng tôi không dám đi xa, chỉ quanh quẩn trong khu nhà tôi đang ở. Khu nhà hoang vắng, giấy rác theo lá bay xào xạc trên con đường hẻm vắng vẻ. Đứng ở ngoài con hẻm có thể nhìn thấy đường lớn, đầy xác xe máy và ô tô. Chúng tôi đã lùng sục hết các căn nhà trong hẻm và cũng đã khuân về bao nhiêu thứ từ những thùng mì gói cho đến những chiếc thùng phuy màu xanh đụng nước. Bọn xác sống cũng hay lảng vảng tới khu này. Chúng thường đi theo một đàn bốn đến năm tên, bước xiêu vẹo và gầm gừ liên tục. Với những tên xác sống này, cách tốt nhất là né tránh chúng và không phát ra những tiếng động to.
Nhưng lâu dần, thức ăn dự trữ của chúng tôi cũng sắp cạn. Tối hôm qua Linh đã kiểm tra lại nhu yếu phẩm và cô ấy nói với tôi bằng một giọng đầy vẻ lo lắng trước khi chúng tôi đi ngủ:
"Hòa, chúng ta đã sắp hết lương thực rồi. Số mì gói và lương khô còn lại chỉ còn lại được khoảng hơn tuần nữa thôi. Với lại, ta cũng cần một chút thịt và rau anh ạ."
Tôi gật gù và thấy từng lời Linh nói là rất phải. Đã gần một tháng rồi chúng tôi chỉ toàn ăn mì gói và lương khô quân đội. Dù chúng mang lại năng lượng cao và đôi khi rất ngon, nhưng việc nạp quá nhiều chất đường bột mà không có chất xơ sẽ dẫn đến táo bón, và tôi đã bắt đầu cảm thấy tức bụng. Thế nên tôi với Linh đã khuân về nhà hai chiếc thùng phuy trong những lần đi tìm nhu yếu phẩm trước đây. Tôi xẻ chúng làm đôi và dùng những chiếc ống nhựa lượm được để làm ra một chiếc giàn trồng cây. Tôi tìm được cách làm trên Internet và mày mò chế tạo. Sau chừng bốn, năm ngày thì chiếc giàn hoàn thành, việc quan trọng là tôi phải kiếm đất và hạt giống. Tôi ngồi khá lâu bên chiếc bản đồ thành phố mở trên màn hình điện thoại, cố gắng tìm kiếm những điểm mà tôi cần đến để tìm kiếm những thứ chất lượng hơn mì gói và lương khô. Sau một hồi quẹt quẹt, đôi mắt tôi dừng lại ở một siêu thị lớn không xa nhà. Trước đại dịch, tôi cũng có đến đây mua sắm vài lần và cũng như bao đứa trẻ khác thời những năm 2000, được một lần đặt chân vào tiệm gà rán hay một khu trò chơi ở siêu thị là một hạnh vận lớn lao khi cùng mẹ đi mua sắm. Những kí ức của thời thơ bé ngập tràn trong tiềm thức khi tôi vạch ra những đường đi cho chuyến tìm nhu yếu phẩm ngày mai và tôi ngủ quên đi lúc nào không hay.
Tôi mơ một giấc mơ kì lạ vào tối hôm ấy. Tôi thấy mình đang đứng trước tòa nhà 82 tầng đang bốc cháy hôm nọ. Cảnh vật như ngưng đọng. Những chiếc trực thăng quân đội đang nã rốc két, những xác sống bị hất tung lên.... Tôi tiến vào trong tòa nhà, ngọn lửa hỏa ngục vây quanh tôi. Và tôi thấy một dáng người quen thuộc. Không, không phải là một mà rất nhiều người đứng xung quanh tôi. Khi đến gần hơn, tôi giật mình khi thấy bố trong bộ quần áo bay màu xanh, còn bên cạnh là mẹ. Đằng sau họ còn nhiều người khác. Tôi tháy Lam, anh sinh viên kiến trúc bị xung quân đã cứu sống tôi và Linh khi trước. Tôi thấy Bảo và Vinh, hai người bạn học cũ bị nhiễm bệnh. Họ mỉm cười với tôi và tan biến dần, và hình ảnh cuối cùng tôi thấy được trước khi bị hút ra khỏi cái ảo mộng hư cấu ấy là bố mẹ tôi đứng nắm tay nhau và môi họ nở một nụ cười ấm áp. Và rồi có một tiếng nổ lớn và tôi chọt thấy mình bị đẩy văng ra xa, xa mãi với bóng hình của bố mẹ...
Tôi thức dậy khá sớm vào sáng hôm sau với một cái đầu như đeo chì vì những hình ảnh của giấc mơ tối qua. Dẫu biết đó là mơ nhưng nó rất...thực, thực như một thước phim quay trong đầu tôi mà đạo diễn là nỗi nhớ tới những người đã khuất của tôi. Tôi nhìn đồng hồ. Mới bốn giờ sáng. Phía trên tôi, Linh vẫn đang ngủ ngon lành, chiếc chăn phập phồng theo từng nhịp thở. Tôi cố dỗ giấc nhưng không tài nào ngủ được nên đành lồm cồm ngồi dậy. Tôi bấm băng đạn của khẩu Makarov. Băng đạn bật ra sau một tiếng cách nhỏ, lộ ra những viên đạn vàng chóe. Mỗi băng đạn như thế có 12 viên, nghĩa là với số đạn tôi có hiện nay, tôi chỉ có hơn hai mươi phát bắn khi phải đối mặt với lũ xác sống và thế là chưa đủ. Tôi nạp đạn cho khẩu súng và ngồi dò dò chiếc đài bán dẫn nhỏ trong lúc chờ trời sáng. Tiếng radio rè rè rồi sau đó là tiếng một phát thanh viên vang lên:
"Xin kính chào quý thính giả, đây là Đài phát thanh Lực lượng Vũ trang đang phát song trên tất cả các tần số FM và AM. Chúng tôi mang đến tiếng nói của những người sống sót, tiếng nói của hy vọng và quyết tâm. Hôm nay là thứ Năm, ng"ày 11 tháng 1 năm 2018 và trời đang khá mát mẻ. Sau đây chúng tôi xin gởi đến quý thính giả mục Điểm tin trong ngày....."
Sau đó là những tin tức lặp đi lặp lại: nào là quân ta chiếm được vị trí A, B, C ở thành phố X, Y, Z; Thế giới đang hợp sức chế tạo ra thuốc giải cho các nước có người nhiểm bệnh.... Chán ngán với nhũng tin thời sự ấy, tôi lại xoay xoay cái núm dò cho tới khi một giọng nói khác vang lên:
"Cánh Đỏ 07 gọi Cánh Đỏ 12, nhận đủ trả lời..."
Đó là tần số liên lạc của những phi công quân đội. Tôi tình cờ mò ra tần số này khi đang cung Linh ăn mừng "năm mới" với vẻn vẹn hai tô cháo ăn liền, vài cái bánh quy và hai chai nước ngọt. Chúng tôi tìm được những thứ ấy ở cửa hàng tiện lợi ở đầu con hẻm, nơi mà tôi suýt vong mạng khi lỡ dánh rơi một lon đồ hộp và làm một tên xác sống đang loanh quanh ở đó chú ý. Hắn, hay ả ta, hay gì đó tiến tới gần, mùi hôi thối của thịt rữa làm tôi gai gai mình. Tên xác sống gầm gừ đánh hơi một lát rồi mới bỏ đi. Lần ấy tôi suýt chết nhưng được cái có đồ ngon ăn giao thừa. Tối ấy chúng tôi sau khi ăn no cành bụng thì lăn ra giỡn với nhau. Thôi thì đủ trò từ thọc lét rồi cấu nhéo rồi tù xì búng tai. Trò chơi thuở thơ ấu nay lại là cách làm chúng tôi có thêm nụ cười trong cái sự thể tối tăm này. Sau khi đã thấm mệt thì Linh nằm ôm tôi âu yếm. Tôi lim dim và dò chiếc đài bán dẫn, và rồi tìm ra tần số liên lạc của Không quân. Từ đó việc nghe trộm điện đài trở thành thú vui của chúng tôi. Nó tựa như việc bạn bước vào một quán cà phê, nghe một chút nhạc Trịnh và thưởng thức một cuốn sách hay. Chúng tôi cũng thế, chỉ khác là cà phê của hai đứa tôi là từng nắp chai nước suối một và nhạc của tôi là những đoạn thoại của nhũng người lính với nhau, đôi khi có thêm một chút nhạc sến hay nhạc điện tử từ chiếc điện thoại của tôi hoặc của Linh.
Trở lại ngày hôm nay, tôi lắng nghe hai chiếc trực thăng gọi nhau:
"Cánh Đỏ 12, giữ đội hình tuần tra. Chúng ta sẽ hạ độ cao ở khu vực quận 3,5 và 8. Chú ý phía cửa và đuôi."
"Cánh Đỏ 12 nhận đủ, hạ độ cao. Chúc may mắn."
"Nghe rõ, chúc may mắn và quyết thắng."
Cứ như vậy tôi nghe họ nói chuyện với nhau.Thật là một điều hay khi bạn nghe được tiếng của những con-người khác ngoài kia. Họ như một tia sáng, làm cho chúng tôi có một niềm hy vọng rằng sẽ còn một ai khác như mình ngoài kia, đang sống và tranh đấu cho bản thân, gia đình hay lý tưởng của họ; Rằng giữa những hiểm nguy và chết chóc này, cuộc sống vẫn diễn ra như một lẽ thường.
Trời sáng rõ. Linh đã thức dậy và nai nịt gọn gang. Chúng tôi khoác lên mình những tấm áo thật dày để những cú cắn của lũ xác sống không đâm sâu vào da thịt và quấn những vị trí nhạy cảm như cổ tay, cẳng chân bằng những tờ tạp chí cũ của bố mẹ. Tôi lên đạn khẩu súng ngắn và xốc ba lô. Linh thì lăm lăm cây đèn bấm quân đội ở một tay và chiếc rìu sắt ở tay còn lại. Sau khi ra khỏi nhà qua lối ra tự tạo, chúng tôi cẩn thận ngụy trang nó lại để phòng lũ cướp sẽ vào và công hết đồ của chúng tôi đi. Cảnh này tôi và Linh đã chứng kiến một lần và cả hai chúng tôi đều rởn gai ốc vì sự thật tàn bạo của nó...
... Đó là vào vài ngày trước đây, khi chúng tôi đang lang thang trên con đường Nguyễn Thị Minh Khai vắng vẻ. Trước thảm họa, con đường này không ngớt xe qua lại với những cửa hiệu to lớn và những tòa nhà chọc trời. Giờ đây, con đường vắng hoe, xác xe máy, ô tô nằm đầy đường. Giấy rác theo lá bay theo gió trắng cả con đường. Tôi và Linh hai người với hai chiếc ba lô căng phồng nước uống và thuốc men đang lầm lũi đi. Chợt tôi nghe có tiếng huyên náo trước mặt, và ngay sau đó là từng loạt tiểu liên rẹt......rẹt rẹt.... vang lên trong không gian. Tôi bấm Linh và hai chúng tôi nép sau những mái hiên nhà để tiến tới trước xem có chuyện gì xảy ra vì tiếng ấy phát ra từ hướng chúng tôi định đi đến. Càng đến gần, tiếng súng và tiếng la hét càng lớn. Chúng tôi nấp sau một cái xác xe buýt cháy đen và nhìn về phía trước. Tiếng súng phát ra từ một tòa nhà khá cao trước đây là một trụ sở của Công an. Phía trước chúng tôi là một vài gã ăn mặc vá chằng vá đụp đủ mọi thể loại từ đồ vải Tô Châu, ga bạc đin của lính, áo xanh công nhân tới những bộ đồ chắp vá chả ra đâu vào đâu. Trên tay những gã đấy là những khẩu tiểu liên M16 hay AK báng gỗ. Chúng bắn theo từng đợt một vào tòa nhà rồi lại tránh núp sau những chiếc xe. Một lúc khá lâu sau, một tên mặc áo lính đứng phắt lên và vẫy tay một cái. Lập tức, từ trong con đường đối diện, một chiếc xe buýt trườn ra, trên thân xe treo đầy những bình ga và những thùng những hộp. Nhìn cái cảnh ấy, tôi biết ngay rằng chúng là cướp, cướp có vũ trang hẳn hoi. Chiếc xe buýt của lũ cướp dừng lại giữa ngã ba, từ trong chiếc xe một khẩu súng máy to ló đầu ra và nhả đạn về phía đồn công an kia. Tiếng súng bắn điếc cả tai. Tôi và Linh dí sát người xuống và bịt chặt tai trong khi những loạt đạn súng máy xé toạc toà nhà và những người công an bên trong. Một lúc sau, khẩu súng máy im lặng và cũng không có tiếng súng bắn trả. Lũ cướp tiến vào. Một lát sau, chúng mang ra nào là thức ăn, nước và mấy khẩu súng. Cùng với đám chiến lợi phẩm ấy là ba người công an bị trói giật cùi tay. Mặt họ đầy máu và bộ quân phục thì ám một màu nâu đỏ của thuốc súng trộn với máu. Tên tướng cướp bắt ba người ấy quỳ xuống và sắp hàng. Rồi hắn rút một cây dao dài ra và xoạt..., một cái đầu người rơi xuống. Tôi lập tức che mắt Linh lại. Sau khi đã chặt đầu ba người công an kia, bọn cướp đã treo đầu họ lên chiếc xe của chúng và rời đi, kéo theo sau là một cụm khói đen và ba cái xác cụt đầu lê lết....
....Vậy đấy, đại dịch virus đã làm nạn cướp bóc nổi lên như ong quanh thành phố. Những kẻ cướp từ không vũ khí tới những đội quân bán quân sự với những vũ khi tự chế hay lấy của những chiến sĩ đã hy sinh. Chúng rảo quanh thành phố và lấy đi mọi thứ, và tệ hại hơn, chiếm lấy đất và bắt đầu hành hạ những người sống sót khác. Chúng tôi may mắn chưa bị bất kì kẻ nào rờ tới, nhưng tương lai thì chưa ai chắc được....
Quay lại với thực tại. Sau khi rời khu nhà, tôi và Linh bước đi trên con đường vắng vẻ. Tiết trời cuối năm se lạnh với một vài cơn gió bấc. Chúng tôi cứ lầm lũi bước đi trên những con đường, co mình lại mỗi khi có một cơn gió nào thổi ngang qua. Tôi nhìn khung cảnh xung quanh. Thành phố vẫn lặng im nghe từng tiếng lá xào xạc qua đường, những tiếng thở đều đều của những con người đang vật lộn sống sót, những tiếng gầm của lũ xác sống khát máu và cả những tiếng nổ ầm vang của hỏa tiễn trên những chiếc trực thăng màu bạc của quân đội. Phía xa xa, những tòa nhà chọc trời vẫn còn đang âm ỉ khói. Đường phố điêu tàn, thỉ thoảng mới có một con chó lạc phóng qua. Một sự im lặng đến rợn gáy với một nơi vốn rất nhộn nhịp như cái thành phố này.
Quanh một góc phố, nơi có một viện bảo tàng khá nổi tiếng của thành phố với những chiếc máy bay và xe tăng trưng bày từ thời chiến tranh, tôi bấm Linh dừng lại. Chúng tôi nấp sau một góc khuất và quan sát. Phía trong viện bảo tàng, nơi trưng bày một chiếc trực thăng vận tải lớn có một đám lửa nhỏ. Nó là một đám lửa trại, hoàn toàn khác hẳn với những đám cháy mà đại dịch hoặc lũ cướp gây ra. Tôi nói với Linh:
"Em thấy gì chứ, có người ở phía trước kia. Không lẽ...."
"Quay lại sao?"-Linh ngắt lời- "Anh rất nỗ lực cho chuyến này mà, Hòa. Anh biết chúng ta cần những thứ ở cái siêu thị ấy mà. Không lẽ chỉ vì một đám lửa nhỏ mà bỏ cả việc lớn."
Tôi định cãi lại nhưng thôi. Tôi thấy mình đôi lúc cũng nhát như con thỏ đế trong một số trường hợp. Nghe lời Linh, tôi thận trọng tiến về phía đám lửa phía trong viện bảo tàng. Chúng tôi đi qua một ngã tư với nhiều xác xe cộ và những xác người khô đét. Chiếc đèn vàng từ cột đèn giao thông chớp tắt một cách nhờn nhợn. Chúng tôi vừa định đi tiếp thì từ đâu, một tiếng quát rất to vang lên:
"Ai đấy, đi đâu!"
Tôi lạnh gáy. Có thể những người này đã thấy chúng tôi từ trước và đợi chúng tôi đi qua đây để hành sự. Điều đó giải thích những xác chết khô queo dưới chân tôi. Tôi nhìn Linh như ra hiệu và nói to đáp lại:
"Chúng tôi là dân thường. Chúng tôi chỉ tình cờ đi ngang qua đây"
Rồi tôi giơ hai tay lên tỏ ý đầu hàng. Linh cũng vậy. Tôi chỉ giơ hai bàn tay không lên còn khẩu súng ngắn thì giấu sau lưng quần phòng khi có chuyện gì không hay xảy ra. Giọng nói kia lại vang lên:
"Hãy vào đây cái đã. Lối vào ở phía trước kia."
Tôi và Linh nuốt nước bọt và làm theo những gì giọng nói bí ẩn kia yêu cầu. Suy cho cung, chúng tôi vẫn còn quá trẻ để chết và chết trong cái hoàn cảnh này, bị bỏ giữa đường với đám xác sống kia thì không hề ngầu tí nào cả. Chúng tôi lầm lũi bước theo con đường rợp bóng cây. Con đường này trước đây luôn luôn nhộn nhịp vào những buổi tối với những quán ăn, phòng trà và quán bar lớn luôn dập dìu người xe ra vào. Giờ đây, trong cái giá lạnh của những ngày đầu năm này, tôi và Linh đang bước trên cái bóng dáng xưa cũ của con đường ấy, đang dấn thân vào một nơi nhìn có vẻ khá nguy hiểm. Chúng tôi rẽ vào cánh cổng sơn xanh của viện bảo tàng đang mở to. Đứng trong phòng bảo vệ là một người đàn ông với một khẩu súng trường nhìn chúng tôi lạnh lùng. Bên trong khuôn viên bảo tàng, người ta lợp những chiếc bạt làm lều và có nhiều người còn ngủ trong những hiện vật như những chiếc xe tăng to lớn hay nhà bảo tàng. Đây đó nổi lên vài đám lửa. Những người đàn ông mặt lạnh lùng trong bộ áo giáp đen lăm lăm những khẩu súng gườm gườm nhìn tôi. Một người lên tiếng:
"Đại úy muốn gặp hai cô cậu. Hai cô cậu theo tôi."
Rồi ông ta đi vào nhà bảo tàng. Chúng tôi im lặng đi theo. Người đàn ông lạ dẫn tôi lên nhiều thang gác. Bên trong bảo tàng người ta đã tháo rời nhiều ô trang trí để làm thành những ô nhỏ để ở. Chúng tôi đi qua nhiều người trong bảo tàng. Trong mắt họ toát lên một vẻ đượm buồn nào đó. Tôi nghĩ chắc có lẽ việc xa rời một chốn phồn hoa để sống lay lắt nay đây mai đó, khi xung quanh toàn là những kẻ lăm le cắn xé mình thì nỗi buồn ấy dường như hiện hữu mọi nơi. Có nhiều bà mẹ ôm những đứa con của mình trong tay, mỉm cười sau mỗi tiếng ngoe ngoe của những đứa bé. Nhiều người khác thì ngủ hoặc cố tìm lại cho mình một chút hoài niệm bằng những bài nhạc hoặc tờ báo cũ vàng.
Sau một hồi đi theo người đàn ông, chúng tôi đứng trước một cánh cửa đôi lớn. Người đàn ông quay sang nói với tôi:
"Đợi ở đây."-Và ông ta biến mất sau cánh cửa to lớn kia.
Đến lúc này tôi mới có thể cử động cơ mặt của mình. Tôi quay qua nhìn Linh, lúc này cũng đang đứng im lặng. Tôi quàng tay qua vai cô ấy và vỗ nhè nhẹ như thể muốn trấn an. Linh nắm lấy bàn tay tôi đặt trên vai cô ấy và hôn lên một cách âu yếm. Như vậy để chúng tôi xua đi những lo âu khi đứng trước một nơi xa lạ và có vẻ nguy hiểm này. Chợt cánh cửa mở "Xạch" một tiếng khiến tôi và Linh vội vàng thoát khỏi trạng thái âu yếm và trở lại trạng thái nghiêm túc. Xuất hiện trước mặt chúng tôi là một ngươi đàn ông cao ráo khá điển trai. Nếu nhìn kĩ thì các bạn sẽ thấy anh này giống như ca sĩ Đan Nguyên, anh chàng ca sĩ với những bài hát sầu thảm. Anh ta bước đến gần chúng tôi và nói:
"Xin chào hai bạn, tôi là Đại úy Tâm. Hãy vào văn phòng của tôi rồi ta sẽ nói chuyện chứ"
Rồi anh ta dẫn chúng tôi qua lớp cửa vào một căn phòng khá rộng được thắp sáng bởi một dãy các bóng đèn tuýp. Cửa sổ được bịt lại bằng những bao cát và những kệ trang trí vỡ nát. Ở góc phòng có một chiếc bàn nhỏ và một lá cờ Tổ quốc treo trên tường. Xung quanh căn phòng là những máy móc và những tấm bản đồ. Đại úy Tâm mời chúng tôi ngồi xuống một chiếc xa lông ở trước bàn làm việc của anh ta. Người đàn ông lạ mặt đứng bên chiếc bàn và đưa cho Đại úy một tờ giấy nhỏ từ trong túi áo chống đạn của ông ta. Đại úy Tâm nghiền ngẫm một hồi rồi nói với ông ta:
"Được rồi, anh Báu. Hãy dẫn một đội tuần tra tới khu vực đó và tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Một đội tuần tra không thể cứ thế mà biến mất được."
Người đàn ông tên Báu lập tức giơ tay chào kiểu nhà binh và rời khỏi căn phòng, không quên đóng hai cánh cửa to lại. Đại úy Tâm sắp xếp một số giấy tờ trên bàn và rót cho chúng tôi mỗi người một ly nước. Anh ta hỏi:
"Cô cậu từ đâu tới? Trông hai người có vẻ khá trẻ đấy"
"Chúng em ở khá gần đây"- tôi đáp lại lời anh ta, xưng hô nhẹ nhàng sau khi biết người này là một người tử tế- "Và tụi em khá trẻ thật".
Vị Đại úy thoàng ngạc nhiên, nhưng rồi anh ta lấy lại được vẻ bình tĩnh và nói:
"Tình hình căng đét thế này mà cô cậu còn dắt nhau ra đường làm gì? Nếu không cẩn thận sẽ bị người xấu làm hại. Hai cô cậu nên biết khu vực này là vùng nóng đấy."
"Xin lỗi anh"- Linh lên tiếng- "Nhưng anh là ai, làm việc cho người nào mà lại có một bộ sậu lớn thế này, với những vũ khí quân đội kia. Hãy cho tụi em biết rõ về anh, chứ còn không anh cũng là một trong những kẻ xấu kia mà thôi."
Đại úy Tâm đứng dậy khỏi bàn và tiến về phía chúng tôi đang ngồi. Tôi lần tay vào túi quần, nơi có khẩu súng ngắn đang dắt vào. Chỉ cần anh ta mó đến một cọng lông của Linh thôi, thì chắc anh ta đã ăn trọn cả băng đạn của tôi rồi. Nhưng không, anh ta rất từ tốn đứng lại và nói:
"Tôi có thể mời cô cậu đi dạo quanh một chút chứ. Căn phòng kín có thể làm người ta phát bực đấy."
Rồi anh ta lịch sự mời tôi và Linh đi dạo quanh một vòng viện bảo tàng. Đại úy chỉ cho chúng tôi những kho chứa lương thực và những người dân sống ở đây. Anh ta nói trong lúc chúng tôi đang đứng trong chiếc trực thăng vận tải mà tôi và Linh đã thấy từ phía ngoài. Những người ở đây đã khéo léo biến đây thành một công sự chiến đấu vững chắc với một khẩu súng máy to đùng cùng hàng dây đạn dài như con rắn. Đại úy Tâm nói nhẹ nhàng nói với chúng tôi:
"Thực sự thì những lời cô bé đây nói cũng có phần đúng. Trong cảnh loạn ly thì ta cũng chẳng tin được ai, nên ta phải làm thế thôi. Những người ở đây khi được giải cứu cũng không ít người nghi hoặc tôi và đồng đội, nhưng rồi như cô cậu thấy đó, giờ chúng tôi vẫn đang sống rất yên bình ở đây."
"Anh nói giải cứu là sao?"
"À"- Đại úy Tâm nhìn xa xăm- "Chẳng giấu gì cô cậu, tôi và anh Báu cũng như những người mang súng mà cô cậu thấy đều là Công an cả. Chúng tôi là Cảnh sát đặc nhiệm, và giờ là một phần của HƯƠNG-GIANG."
Anh ta vén túi trên cánh tay áo lên và cho chúng tôi thấy chiếc phù hiệu của HƯƠNG-GIANG. Y hệt như chiếc trên hộp đồ sinh tồn của chúng tôi. Tôi nhân thể hỏi dồn:
"Anh có thể cho tụi em biết thêm một chút về tổ chức này được không?"
Đại úy Tâm vẻ ngần ngại, nhưng anh ta cũng nói luôn. HƯƠNG-GIANG là một đơn vị của Quân đội, hay đúng hơn là những gì còn lại của nó. Và đó là tất cả những gì viên sĩ quan này có thể chô chúng tôi biết. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, anh ta hỏi chúng tôi với một giọng khá tò mò:
"Thế bố mẹ hai em đâu? Và hai đứa lang thang ở đây làm gì?"
Chúng tôi kể cho Đại úy nghe về những gì hai đứa đã trải qua. Viên Đại úy trầm ngâm vuốt mái tóc chải gọn và nói:
"Anh công nhận cũng phục hai đứa lắm. Khá khen cho hai tụi em. Nhưng hai đứa không nên bén mảng tới khu đó. Góc Nam Kì và Nguyễn Đình Chiểu là một khu khá loạn. Đám xác sống tập hợp ở đó khá nhiều, cũng khá phiêu lưu. Nhưng anh có thể cho hai đứa những gì hai đứa cần."
Gương mặt chúng tôi như chuyển động theo những lời Đại úy nói. Nó xịu xuống như một cục bùn nhão khi nghe nói chỗ chúng tôi định đến là một vùng nóng rồi lại dãn ra và hóng lên khi nghe Đại úy nói rằng anh ta có thể cho chúng tôi những gì chúng tôi cần. Và anh ta giữ lời.
Đại úy Tâm cho người mang cho chúng tôi vài chiếc hộp nhỏ cho khu vườn nhân tạo cùng với vài mét ống nước. Còn thức ăn thì ôi thôi là nhiều. Những thùng hàng tiếp tế của Chính phủ mang tới cơ man nào là thức ăn. Đại úy cho người chất chúng lên một chiếc xe đẩy, loại mà các bạn có thể bắt gặp ở các sân bay, và buộc chúng lại thật chặt. Chúng tôi nhìn chiếc xe đầy đồ rồi nhìn vị sĩ sĩ quan trẻ vẻ biết ơn. Đây có thể là kết thúc của cuộc gặp mặt này, một kết thúc đầy vui vẻ nhưng dường như tạo hóa đã cho tôi và Linh một quãng đời trắc trở khi liên tiếp mang lại những vận rủi, không phải cho hai chúng tôi mà cho những người mà chúng tôi gặp phải. Đúng lúc tôi và Linh định rời khỏi viện bảo tàng về nhà thì từ trên một thân cây cao, có một tiếng còi hụ chói tai vang lên, liền sau đó là một người lính chạy vào nói với Đại úy Tâm:
"Tụi Thánh Minh! Tụi nó có xác sống đi đầu, vô đông lắm rồi anh ơi. Tổ cảnh giới ở phía máy bay bị diệt hết cả. Xin chỉ thị."
Đại úy Tâm tái mặt và nhìn về phía người lính chỉ. Tiếng la hét và tiếng khóc xen lẫn với tiếng súng nổ. Anh ta lệnh cho người lính cho rút lui và di tản tất cả thường dân còn mình thì rút súng ngắn ra. Đại úy nhìn hai chúng tôi và nói như thúc giục:
"Chạy đi. Chạy thật xa khỏi nơi này. Đừng để chúng thấy bọn em. Nhanh đi!"
Tôi và Linh gật đầu chào anh ta rồi đẩy chiếc xe chạy biến. Hình ảnh cuối cùng mà tôi thấy được ở viện bảo tàng ấy là một người lính đạp một tên xác sống bị xích, sau đó thì chúng tôi đã lủi nhanh vào con đường ngang và biến mất.
....
Vài ngày sau cuộc gặp của tôi và Linh với nhóm người sống sót của Đại úy Tâm, một cuộc gặp ngắn kinh hoàng, chúng tôi đã làm xong những thùng trồng rau nho nhỏ. Bữa ăn của chúng tôi giờ có thêm một chút xanh từ những cọng rau cải. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn với chúng tôi, nhưng cứ khi màn đêm ập xuống, tôi và Linh lại nhìn ra ô cửa sổ căn phòng tôi, nhìn ra phía Thành phố. Đâu đây có những ngọn lửa cháy sáng xa xa, những ngọn đèn đỏ trên nóc những tòa nhà lập lòe. Đâu đây, ở những ngóc ngách của nơi phố thị hoang tàn này, cũng có những người giống như chúng tôi, giống như Đại úy Tâm và những chiến sĩ của anh ta, đang sống và chiến đấu vì mục đích của riêng họ và cho bao người khác. Và trong một lần ngồi lại bên nhau như vậy, chúng tôi đã ngủ thiếp đi trong lòng nhau lúc nào không hay, để lại chiếc đài bán dẫn quân đội rè rè bên chiếc bàn đang liên tục phát ra những thông điệp:
"Hương Giang, đây là Cánh Đỏ 17, chúng tôi đang mất độ cao. Cấp cứu, cấp cứu... tọa độ 40....chúng tôi đang mang theo nhu yếu phẩm quan trọng.....nhắc lại.....đây là Cánh Đỏ 17...."
-Hết-
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top