Phần 12: Gõ cửa trái tim
Thành phố Hồ Chí Minh
Cơn mưa trái mùa đổ như tuôn xuống thành phố không còn sức sống. Gió tha hồ tạt thẳng vào những căn nhà trống hoác và rít trên những cành cây bên đường. Đêm đã xuống. Như một quy luật bất thành văn của những người còn sống ở thành phố Hồ Chí Minh này, sau 6h tối là giờ cấm kỵ, vì khi đó bạn sẽ phải mò mẫm trong bóng tối với bọn xác sống thính tai. Bất cứ tiếng sột soạt nào hoặc một ai đó dẫm lên một vũng nước thì ngay lập tức, bọn xác sống sẽ nghe thấy và đuổi theo bạn, và chỉ với một chiếc đèn pin thì không ai có thể soi sáng được mọi vật và né tránh những hàm răng khát máu đang lởn vởn xung quanh.
Thế nhưng, đêm nay, một đêm mưa tối tăm, có hai bóng người, một đàn ông một phụ nữ, đang lướt nhanh trên đường. Họ đang đi về hướng cầu Sài Gòn trên con đường đầy xác xe cộ và xác sống. Họ đi nhanh và nép vào vệ đường, cuộn mình lại trong tấm áo mưa mỏng dính, thi thoảng dừng lại để nghỉ chân. Ánh đèn pin được che mờ trên vai họ hòa với những giọt mưa tạo thành một thứ ánh sáng nhảy nhót trông rất vui mắt. Đi ngang qua trạm gác cũ của quân đội dựng gần dốc lên cầu, bóng người đàn ông dừng lại một lúc để nhìn những bao cát im lìm, những họng súng máy chúc lên trời và những chiếc xe bọc thép nằm im cho mưa gió quật ngã. Những tên xác sống gầm gào chung quanh anh. Lập tức, người phụ nữ thì thầm:
"Anh Nhân, nhanh không chúng đổi gác."
Người đàn ông gật đầu và bước tiếp, không quên ngoái lại nhìn cái trạm gác một lần cuối. Từ đây họ rẽ vào một con đường có cây cầu vượt đổ gục chắn ngang và dừng lại trước một khu những tòa tháp chọc trời được bao quanh bởi một lớp hàng rào đủ kiểu. Người phụ nữ nói:
"Đây rồi, sào huyệt của bọn chúng. Mà chính xác là ta phải tìm cái gì ở đây vậy, anh Nhân?"
"Những tài liệu cho thấy bọn mạt hạng này đang dùng dịch bệnh làm vũ khí..."
"Thật sao?"
"Đúng vậy, Thiếu úy. Bọn chúng có móc nối với một bọn ở nước ngoài để dùng lũ xác sống như một thứ vũ khí. Ta sẽ xem chúng có gì."
Nói rồi người đàn ông tiến tới lớp hàng rào và leo qua, theo sau là người phụ nữ. Ngay sau khi qua được lớp rào, họ liền lôi ra hai khẩu ACE-32 giấu trong lớp áo mưa và tiến về phía tòa tháp cao nhất. Hai người ban nãy không phải ai xa lạ mà chính là Thiếu úy Nguyễn Hoài Phương, hay Phương Nguyễn và Đại úy Lê Hoàng Nhân, Trung đội trưởng của Tiểu đoàn Nhật Ánh. Họ bị cho là đã hi sinh và bị bỏ lại khi HƯƠNG-GIANG di tản căn cứ ở Tân Sơn Nhất. Nhưng Đại úy Nhân không bị trái cối bắn chết mà chỉ bị sốc áp lực và ngất đi, còn Thiếu úy Phương thì đã cùng với 5 người cuối cùng trong nhóm của cô trốn khỏi Tân Sơn Nhất thành công, với Đại úy Nhân là người chỉ huy mới. Họ được Hội đồng Chỉ huy ở Phú Quốc giao nhiệm vụ ở lại hậu tuyến để phá rối bọn Mặt trận và thu tài liệu, nhiệm vụ này là một trong số đó.
Chỉ bằng một nhát dao, Đại úy Nhân đã cắt lìa cổ tên lính gác ngái ngủ trước cửa tòa tháp đề SỞ CHỈ HUY NHẸ viết trên một tấm tôn móp méo. Hai người đi thật nhẹ nhàng vào bên trong. Tiền sảnh trống trơn. Đây là một khu chung cư hạng sang cũ mà bọn Mặt trận đã biến thành một trại tập trung lớn, tập trung hết những người dân còn sống ở thành phố vào đây để dễ kiểm soát. Thiếu úy Phương nhìn vào gian phòng bên canh và ra hiệu trống. Hai người liền đáp thang máy lên tầng 4, nơi có đề Trung tâm hành quân-SCHN. Cửa thang máy vừa mở ra, đám lính Mặt trận đang lăng xăng làm việc bỗng hoảng hốt vì hai trái lựu đạn phát nổ giết chết mấy tên lính gác, sau đó là những loạt súng máy đốn sạch hết những tên còn lại. Sau khi đã bắn hạ hết đám lính Mặt trận, Đại úy Nhân và Thiếu úy Phương lập tức vơ hết bản đồ cho vào một túi và những tài liệu trên chiếc bàn lớn ở giữa phòng vào một túi khác. Bỗng họ nghe có tiếng sột soạt. Một tên lính Mặt trận đang cố lết tới cửa sổ và lao xuống, trên tay hắn là một chiếc cặp da. Chỉ bằng một phát đạn, tên lính ấy đã nằm bất động. Đại úy Nhân giật lấy chiếc cặp từ tay tên lính và mở ra cho Thiếu úy Phương cùng xem. Sau một hồi xem xét, họ ồ lên một tiếng thật khẽ và cùng nói:
"Đây rồi. Thứ mà Phú Quốc đang tìm kiếm bấy lâu nay."
Hai người vội vã đút chiếc cặp da vào sau lưng và rời khỏi tòa tháp. Màn mưa đêm vây quanh họ, như che chở và bảo vệ hai người đang dần mờ vào đêm tối...
Hai ngày sau...
Phòng họp của Hội đồng Chỉ huy HƯƠNG-GIANG đóng kín cửa và có hai người lính Kiểm soát quân sự đứng bên ngoài. Trong phòng, khoảng mưới người đang ngồi quanh một chiếc bàn dài. Họ là những chuyên gia và sĩ quan chỉ huy của HƯƠNG-GIANG, lực lượng quân sự và chính quyền duy nhất còn lại ở Việt Nam và đã sát cánh với đoàn quân này từ khi nó chỉ mới là một dự án trên giấy của Chính phủ Việt Nam nhằm đối phó với đại dịch KBNC. Mọi người đang bàn tán xôn xao thì Đại tá Hằng, chủ tịch Hội đồng đứng lên nói:
"Chúng ta sẽ bắt đầu buổi họp ngay bây giờ. Tôi xin trình bày cho các đồng chí cũng như các vị cố vấn đây một vấn đề. Hai ngày trước, đội viễn thám của ta ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thu được một tài liệu quan trọng của Mặt trận Thánh Minh cho thấy bọn chúng đã dùng virus KBNC làm một thứ vũ khí sinh học, và cuộc tấn công ở Phú Quốc hôm mùng 10/3 vừa qua là một minh chứng..."
"Làm sao ông lại biết chúng dùng virus làm vũ khí."
"Thưa các vị và các đồng chí, đây là toàn bộ tài liệu chúng ta thu được hai ngày trước."- Đại tá Hằng vặn nhỏ đèn và bắt đầu chiếu những trang tài liệu lên màn ảnh. Từng thước phim chụp đi qua, mặt các cử tọa càng biến sắc, và khi đèn sáng trở lại, mọi người bắt đầu rì rầm với nhau. Đại tá Hằng đợi cho tiếng ồn lắng xuống rồi nói:
"Thưa toàn thể Hội đồng, trước tình thế này, có ai có giải pháp gì cho chúng ta hay không? Vì Mặt trận rất có thể sẽ dùng phương cách này để lây nhiễm cho các dân thường còn sống trên khắp đất nước, cũng như chính chúng ta..."
"Thưa Đại tá, tôi nghĩ ta nên đánh."- Một giọng nói cất lên
Đó là giọng nói thư sinh của Nguyễn Hoàng Đăng, cố vấn cao cấp về dân sự. Mọi người lại xì xầm bàn tán. Cuối cùng, Trung tá Trang Vy, người đã đọc bản tuyên bố chiến tranh vài ngày trước, nói:
"Tôi biết là ta nên đánh, nhưng với lực lượng hiện nay, tôi e điều đó là không thể. Chúng ta chỉ còn quân số tương đương với một Trung đoàn, và lượng phương tiện lại hạn chế..."
"Thưa Trung tá, thưa toàn thể Hội đồng"- anh Đăng đáp - "Tôi không nói tới việc ta đánh tổng lực, nhưng một cuộc tấn công bằng du kích thì không khó. Đại đội Nhật Ánh vẫn còn đủ khả năng chiến đấu, và có thể được tung vào ngay."
Cuối cùng, Đại tá Hằng lên tiếng:
"Tôi thấy ý kiến của Đăng rất có lý. Vậy Hội đồng sẽ biểu quyết. Ai đồng ý với kế hoạch của Đăng?"
Hội trường im lặng. Mọi người trong Hội đồng nhìn nhau ái ngại. Bỗng một cánh tay giơ lên cao, cùng một giọng nói sang sảng:
"Đúng đó, tôi nghĩ nên đánh nhanh đi."
Đó là viên chỉ huy Thiết giáp, Trung tá Mỹ. Sau đó tới lượt Đại úy Bishop, cố vấn chiến thuật, rồi lần lượt mọi người trong Hội đồng đều giơ tay hưởng ứng. Đại tá Hằng giơ tay sau cùng, ông nói với giọng nửa như bị nghẹn lại:
"Hội đồng quyết định hoàn toàn. Ta sẽ thực hiện kế hoạch này, hiệu lực áp dụng từ khi cuộc họp kết thúc."
Ba giờ sau
*Phần này sẽ được kể theo ngôi thứ nhất của Trần Ngọc Hòa-TG.
Tôi lùa nốt bát cơm vào miệng rồi múc canh vào bát. Uống hết bát nước rau luộc nhạt thếch để nuốt cái miệng cơm đầy ứ, tôi nói đùa với các anh còn lại:
"Khiếp thật. Đậu phụ kho tương với rau muống luộc trường kỳ thế này thì ngẫm ra anh em mình còn tịnh hơn mấy người ăn chay nữa."
Mọi người phì cười. Đan Linh thì cố che miệng lại để không ho hết cơm vào mặt tôi còn anh Kỳ thì nghẹn luôn mấy hột cơm vào mũi. Anh Trung nổi đóa, dọa tôi:
"Thằng quỷ, mày ăn rồi thì dọn bát đi còn ở đó làm trò. Léng phéng là kỷ luật chú đấy nhé."
Tôi bèn cầm bát đũa ra rửa rồi quay lại ngồi chung với mọi người. Đúng là bữa ăn của chúng tôi không có gì là đáng nói cả. Một gà mên đậu phụ kho tương, một gà mên khác đựng rau muống luộc và một chén nước mắm mặn chat cùng một hang gô (hộp đựng đồ ăn cho quân đội) cơm là những gì chúng tôi có cho một bữa ăn. Thi thoảng, trong những chuyến tuần tra, chúng tôi tranh thủ xin được, hoặc săn được khi thì con cá con chim, khi thì mắm hoặc mấy miếng thịt thì đó là một bữa ăn thật thịnh soạn. Mọi người đang tranh thủ ăn cơm nhanh để lỡ có báo động còn chạy thì một bóng người ngồi xuống bên mâm cơm cùng giọng miền Trung quen thuộc:
"Ăn ngon nhỉ các cậu? Hôm nay vẫn đậu kho nữa à?"
Mọi người lập tức buông hết bát đũa lên rồi nghiêm chào. Đó là Đại đội trưởng Hạnh. Ông ngồi xuống mâm cơm của chúng tôi rồi nói:
"Tôi mang cho các cậu một tin vui. Đó là hai ngày nữa chúng ta sẽ ra trận. Hội đồng chỉ huy đã chọn tiểu đội của các cậu tham gia một nhiệm vụ đặc biệt phía sau lưng địch. Hôm nay và ngày mai là ngày cuối các cậu ăn cơm Phú Quốc đó, nên hãy thưởng thức đi. Ngày mai, toàn bộ tiểu đội các cậu được phép. Báo cáo tại sân bay lúc 17 giờ nhé."
"RÕ!"- Toàn thể chúng tôi reo lên vui mừng.
"À mà quên. Tôi sẽ dẫn đầu cuộc tấn công này, và Đại úy Vinh sẽ thay tôi làm Đại đội trưởng tại đây. Các cậu sẽ phải làm theo lời tôi đấy nhé. Thôi ăn nốt đi rồi sửa soạn. Chút nữa cậu Trung lên phòng tôi."
"RÕ!"- Chúng tôi chào Đại đội trưởng rồi lại tiếp tục ăn. Tôi thấy lòng vui hẳn, vì đã có cơ hội cầm súng lên và chiến đấu cho một cái gì đó, nhất là cho bố. Cuối cùng thì tôi cũng có thể trả thù những kẻ hèn hạ đã giết bố tôi. Bữa cơm hôm ấy kết thúc một cách đầy vui vẻ.
Tối hôm ấy chúng tôi được phép ra ngoài thị trấn. Tôi rủ Đan Linh đi tìm Vương và Nam. Hai thằng giờ nhìn đỡ hơn cái ngày mới đổ bộ lên đảo phải ngủ ngoài xe, bây giờ cả kíp lái của nó được một bà cô sống gần đó cho tá túc nhờ trong ngôi nhà của bà ở sát đường 30/4, trục lộ chính ở Phú Quốc. Hai đứa nghe tin tôi được cử ra trận thì mừng lắm, nhưng cũng lo. Thành Nam bảo tôi và Đan Linh:
"Hai cậu nhớ cẩn trọng nhé. Dù gì cũng đã là bạn thì phải là bạn cho trót, đừng để ai phải xa cách ai cả. Chúc cậu may mắn nhé."
Rồi bọn chúng tôi ôm nhau một cái thật chặt rồi chia tay. Tôi cũng tìm đến nhà Hoài và chúng tôi đã nói chuyện rất lâu. Trước khi chia tay, Hoài nói:
"May mắn thì tớ sẽ chúc cậu nhiều nhiều. Nhưng tớ nói thật nhé, ngỏ lời nhanh đi."
Rồi cô ấy liếc nhìn Đan Linh. Tôi cười, gạt chuyện ấy đi rồi chào Hoài. Cả tối hôm ấy tôi và Đan Linh thơ thẩn ngoài khu chợ đêm, dùng hết những tờ ngân phiếu cuối cùng để mua những bịch lạc rang, những thanh kẹo chỉ rồi chia nhau ăn. Cuối cùng, sau một hồi lang thang, hai đứa chúng tôi dừng bước trên cây cầu gần nơi đóng quân. Ngắm nhìn những ánh đèn lung linh từ thị trấn và những con tàu cá xa xa, tôi lấy hết can đảm nói với Đan Linh:
"Đan Linh này, tớ muốn nói với cậu rằng từ khi tớ gia nhập HƯƠNG-GIANG tới nay, tớ chua thấy ai tốt với tớ như cậu cả. Cậu tốt với tớ ngay từ ngày đâu tớ đến, trong những lúc hiểm nguy cậu cũng có mặt. Vậy nên, tớ muốn nói rằng...."-Tôi bóp đến muốn nát chiếc bê rê trong tay, dồn nén hết can đảm rồi nói- "Tớ thích cậu, thật đấy."
Đan Linh đứng im lặng bên cạnh tôi. Tôi đang mong chờ những thứ câu trả lời bạn có thể nhận được từ một cô gái thời nay, đại loại như "À có gì đâu, bạn bè thôi mà", "Tớ xin lỗi, nhưng chúng ta chỉ là friendzone" hay "Xin lỗi tớ có bồ rồi" ... Nhưng không phải như vậy, và tôi muốn khụy xuống khi nghe cô ấy nói:
"Tớ mong cậu không bao giờ nói câu ấy ra, vì khi đó tớ sẽ đồng ý ngay. Làm quen với tớ nhé?"
Và liền sau đó là một cảm giác như tôi đang được hòa mình vào làn gió mát lạnh từ biển, cảm nhận hơi muối mằn mằn và một sự ngọt ngào không tả xiết khi môi hai đứa chạm nhau. Khoảng thời gian ấy, tôi tưởng chừng như vô cực vậy. Chúng tôi cứ đứng như vậy một hồi lâu trước khi phải dứt nhau ra và dắt nhau chạy một mạch về nơi đóng quân vì chợt nhận ra chúng tôi đã lố giờ giới nghiêm. Đêm ấy tôi và Đan Linh nằm cạnh nhau và nhìn người kế bên với ánh mắt chưa bao giờ có giữa hai đứa. Trong đầu tôi thầm nghĩ: "Một tương lai mới đã bắt đầu..."
Sáng hôm sau là ngày phép cuối cùng nhưng cả tiểu đội không ai làm gì. Các anh lớn thì lo dọn dẹp đồ đoàn và kiểm tra súng đạn. Người nào rỗi hơn thì ngồi hát hoặc đọc sách. Tôi và Đan Linh kiểm tra chéo đồ của nhau rồi cùng ngồi trước cái ban công nhìn đám học trò chạy nhảy dưới sân. Tôi hỏi Đan Linh:
"Đan Linh cậu có sợ không? Khi chúng ta tham gia trận này?"
"Sợ gì cơ?"-Cô ấy hỏi, nhẹ nhàng đặt tay lên tay tôi.
"Cái chết"- Tôi nói, nhìn xa xăm- "Cái chết ấy."
"Không"- Đan Linh mỉm cười- "Tớ không sợ. Khi nào cậu còn ở bên tớ thì...."
Cô ấy không nói nữa và từ từ ngả đầu vào vai tôi. Tôi thấy người mình run lên vì thứ cảm giác là lạ này. Đang định làm gì đó lại cho cô bé thì bên dưới sân vang lên tiếng còi tập trung của Thiếu tá Hạnh. Tôi giục Đan Linh chạy nhanh xuống sân. Trước khi lên chiếc xe bít bùng sơn xanh của Không quân đang đậu ngoài cổng trường, tôi ngoái lại và thấy Hoài. Chỉ kịp ném cho cô ấy một cái vẫy tay thật nhanh chóng, tôi leo lên xe và chiếc xe lăn bánh về hướng sân bay.
Ở sân bay, chúng tôi được đón tiếp bởi một chiếc phi cơ khổng lồ đang đậu trên sân đỗ, những kỹ thuật viên hối hả chạy xung quanh, vận chuyển những thùng hàng hóa lên khoang máy bay. Anh Xuân ghé vào tai tôi nói thầm:
"C-17 đó. Máy bay của Tổng thống Mỹ đấy cậu em."
Chúng tôi lần lượt leo xuống xe và đi về hướng chiếc máy bay. Một nhóm sĩ quan đi ngược lại hướng chúng tôi và dừng lại khi hai nhóm còn cách nhau khoảng mười bước. Tôi nhận ra Đại úy Bishop, ba phi công cho chiếc C-17 và...
"Thiếu tá Ngọc"-Tôi la lớn và chạy tới ôm lấy Thiếu tá.
"Ôi, thằng Hòa. Không ngờ mày cũng được chọn ra trận đấy."
"Được rồi các bạn."-Đại úy Bishop nói bằng tiếng Việt lơ lớ- "Nhiệm vụ của các bạn sẽ là đánh thẳng vào trái tim của quân địch. Các bạn sẽ được thả xuống ATK Khánh Lê- Omega và sau đó sẽ di chuyển bộ về Sài Gòn. Các bạn sẽ móc nối với đội viễn thám của chúng ta ở Sài Gòn và đánh chúng thật đau. Khi mà các bạn đã đánh cho chúng thần kinh bát đảo rồi, chúng tôi sẽ làm việc còn lại. Chúc may mắn nhé các bạn, giờ thì ra đó và đá đít chúng đi!"
"RỖ!"- Chúng tôi hô lớn rồi lần lượt leo lên chiếc máy bay. Tôi và Đan Linh chọn cho mình một chỗ ngồi cạnh nhau và nhìn chiếc cửa hậu to lớn đóng lại. Ngay sau đó, hai chúng tôi tựa đầu vào nhau và thiếp đi trong hơi thở nồng ấm của người kế bên...
*Phần này sẽ được kể theo ngôi thứ 3- TG.
"Phú Quốc, đây là Kim Nhạn, xin phép được cất cánh."
Thiếu tá Trần Nguyệt Quế nhấn nút gọi tháp điều khiển. Bên cạnh cô, người phi công phụ là Thiếu tá Phạm Thiên Ân, viên phi công kỳ cựu của tàu chiến Nguyễn Công Trứ, giơ tay báo hiệu các phần kiểm tra đã xong...
Tháp điều khiển cho phép...
Người đánh tín hiệu vẫy chào...
Thiếu tá Trần Nguyệt Quế cùng Thiếu tá Phạm Thiên Ân đẩy cần tốc độ lên cao nhất. Chiếc C-17 Globemaster khổng lồ nặng nề nhấc bánh khỏi đường băng. Thiếu tá Trần Nguyệt Quế sau khi đã cho máy bay cân bằng bóp vào nút phát:
"Kim Nhạn gọi Phú Quốc. Xin phép được ngắt điện đài. Chúng tôi sẽ gõ cửa trái tim bọn khốn kiếp ấy đây."
-Hết-
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top