Những phen kinh hồn chỉ có trong nghề bốc mộ
Những phen kinh hồn chỉ có trong nghề bốc mộ
Ông đã truyền... lửa nhiệt huyết đến tất cả các thành viên trong gia đình, bốn người trong nhà đều chung chí hướng làm cái nghề "trần gian có một".
Ông là Hoàng Văn Quý, ở xã Hồng An (huyện Hưng Hà, Thái Bình), người dân trong làng, ngoài xã chẳng ai không biết tiếng. Gần 70 tuổi, cái nghiệp nó vận vào thân, hơn 3/4 quãng đời, ông làm nghề chẳng giống ai: Bốc mộ thuê.
Ông Quý gắn bó với nghề bốc mộ đã hơn 50 năm nay. Ngày còn nhỏ, hoàn cảnh gia đình khốn khó, bố mất sớm nên ông phải lang thang phiêu bạt tận ngoài Hải Phòng làm thuê. Tình cờ gặp một người Hoa kiều tốt bụng nhận làm con nuôi, rồi truyền cho nghề gia truyền: Bốc mộ.
Ông Quý theo cha nuôi đi bốc mộ từ năm 15 tuổi. Ông kể, lần đầu khi mới nhìn thấy xương người, ông sợ lắm, tay cầm chiếc đầu lâu mà sởn da gà. Nhưng cha nuôi bảo: "Nghề này kiếm ra tiền nhiều nhất. Mày không chịu học, sau sẽ chết đói đó con ạ". Dần dần, ông cũng quen với công việc vốn chẳng cao sang này rồi gắn bó với nó đến tận bây giờ.
Sau nhiều năm lăn lộn, cuối cùng ông cũng xây được nhà cửa đàng hoàng. Vợ ông sinh được hai cậu con trai. Từ đây, ông bỏ hết những nghề khác và quyết tâm theo nghiệp... cha truyền.
Ông truyền "bí quyết" cho vợ là bà Vũ Thị Huệ, và hai cậu con trai là Hoàng Văn Hưng và Hoàng Văn Hải. "Nếu không có nghề bốc mộ này thì cuộc sống của gia đình tôi sẽ vô cùng khó khăn. Tất cả cơ nghiệp của tôi bây giờ đều được gây dựng nhờ việc đi bốc mộ thuê", ông Quý tự hào kể lại.
Không giống những nghề khác, bốc mộ là nghề đặc biệt nên gia đình ông chỉ bận rộn vào những tháng cuối năm.
Ông kể, cứ đến tầm tháng 10 âm lịch trở đi là cả gia đình vào vụ. Chỉ trong hai tháng cuối năm, gia đình sang cát cho khoảng 80 trường hợp, có năm cao điểm lên đến 100. Có những đêm, hai vợ chồng ông Quý sang cát 12 đám liền, từ chập tối đến sáng, chẳng có thời gian mà ngẩng mặt lên. Những lúc đó, hai vợ chồng và hai cậu con trai của ông gần như kín lịch. Nhà nào muốn nhờ ông sang cát phải xếp lịch trước.
Vợ ông, bà Vũ Thị Huệ chia sẻ: "Lúc đầu cũng sợ lắm, mở nắp quan tài ra là giật bắn người. Nhưng rồi dần dần cũng quen, vì cả nhà có mỗi cái nghề này để kiếm sống, để một mình ông ấy làm thì thương quá".
Đúng như lời cha nuôi ông nói ngày trước: "Đây là nghề kiếm tiền nhanh nhất mà nhiều nhất". Bây giờ, mỗi đám vợ chồng ông làm mất khoảng 30 phút, đám nào lâu thì 2 tiếng, trung bình mỗi đám được 600.000 đồng. Có đám người ta còn cho thêm tiền bồi dưỡng.
Riêng trong Thanh Hóa, Nghệ An, mỗi đám không dưới 2 triệu đồng. Còn tiền tàu xe, đi lại, người ta lo toàn bộ cho gia đình ông. Mỗi năm, thu nhập của cả nhà ông bằng nghề bốc mộ này không dưới 50 triệu đồng. Có năm "được mùa" thu nhập đến hàng trăm triệu đồng.
Mấy chục năm làm nghề "trần gian có một" này, không ít lần, hai vợ chồng ông Quý gặp những phen kinh hồn mà chỉ trong nghề bốc mộ mới có. Đó là những lần gặp phải đám mà mở nắp áo quan ra, vẫn còn nguyên cả người, cả tóc như người mới chết hôm qua.
Thường thì những người chết từ 3 đến 5 năm mới tiến hành sang cát, nhưng cũng có nhiều trường hợp, vì dùng nhiều thuốc bắc, thuốc bổ nên đến khi bốc mộ, vẫn còn nguyên vẹn như lúc sống.
vợ.
Một lần khác, hai vợ chồng ông sang cát cho một cụ bà ở Hải Phòng. Nhớ lại lần đó, ông vẫn còn rùng mình vì trong đời làm nghề bốc mộ, chưa lần nào gặp phải trường hợp đáng sợ như thế.
Bà cụ này chết đã được 8 năm, các con cháu trong gia đình cho biết lúc chết bà rất gầy còm, chỉ còn da bọc xương. Nhưng khi hai vợ chồng ông đến, mở nắp áo quan thì người trong đó vẫn còn cả tóc, cả da thịt nguyên như một xác chết. Vì bà cụ quá gầy nên bị dính đét vào tấm thiên, làm thế nào cũng không lôi ra được.
Con cháu trong nhà thấy cảnh này, có người ngất, có người chẳng dám đứng ở đó trông. Chỉ có vợ chồng ông bà vật lộn với xác chết từ 4 đến 6h sáng mới xong.
Cũng có đám từng gọi 5 thợ đến làm, nhưng không làm được nên lại tìm đến gia đình ông. Vừa nói chuyện với tôi, ông Quý vừa cười hóm hỉnh: "Người ta cứ tưởng nghề này ai cũng có thể làm được. Nhưng nó có bí quyết cả đấy".
Rồi ông lục lọi mang cho tôi xem mấy chục chiếc đèn măng sông đốt bằng dầu: "Bảo bối của tôi là mấy chiếc đèn này. Chúng như những người bạn gắn bó với tôi mấy chục năm rồi. Thiếu chúng là tôi không thể làm được nghề đâu".
Rồi ông giải thích cho tôi nghe công dụng của những chiếc đèn bảo bối: "Trong trường hợp khi mở nắp quan tài ra, người chết vẫn chưa phân hủy được, mình cứ đặt người đó lên nắp áo quan, rồi dùng đèn măng sông đốt ở xung quanh, cách xa khoảng 30 đến 40 cm. Cứ đốt thế, cho đến khi lấy được xương người chết ra mà không cần dùng dao kéo, hay dùng rượu".
Ông Quý nói thêm: "Khi gặp những trường hợp như thế, chỉ được đốt lửa xung quanh chứ tuyệt đối không được dùng rượu hay xăng, dầu để đốt trực tiếp. Làm như thế xương sẽ nhanh phân hủy, phải tội với vong linh người chết và con cháu nhà người ta".
Có lần hai vợ chồng ông Quý hành hương lên Tuyên Quang "xử lý" một "ca khó". Vì không thể mang theo đèn măng sông được nên gia đình đó đã phải đốt 3 sào rơm, rất nhiều củi mới có thể làm xong.
Không ít người luôn kỳ thị, xa lánh những người làm nghề bốc mộ. Gia đình ông Quý cũng chịu không ít điều tiếng, nhất là khi cả gia đình cùng làm thứ nghề mà người ta vẫn gọi là "trần gian có một" này.
Hai cậu con trai của ông được theo cha học nghề bốc mộ từ nhỏ, đến khi trưởng thành, cả gia đình đều nghĩ các con chắc không lấy được vợ. Vì đến nhà nào cũng vậy, chỉ cần nghe tiếng là con trai ông Quý bốc mộ là người ta đã không muốn gả con gái cho rồi.
Vượt qua những khó khăn, điều tiếng, bốn thành viên trong gia đình ông vẫn gắn bó với nghề. ông truyền nghề cho hai cậu con trai từ sớm, cũng bởi lo rằng, lỡ mình khuất đi, thì sẽ không có ai nối nghiệp. ông coi đó là nghề gia truyền của gia đình.
Ông luôn căn dặn các con rằng đây là làm nghề, nhưng cũng là làm phúc cho thiên hạ. Bởi nếu làm tốt, thì mình sẽ tạo phúc cho gia đình người ta, cũng là tích đức cho con cháu nhà mình. Chỉ cần để sót lại một chiếc xương, hay một chiếc răng cũng là mắc tội lớn với người đã khuất và người còn sống.
Việc bốc mộ, người ta thường làm về đêm, vì ban ngày, có ánh mặt trời chiếu vào, sẽ làm hỏng xương. Chẳng thế mà, có những hôm trời mưa phùn gió rét, hai vợ chồng ông vẫn lặn lội ngoài nghĩa trang, làm cho hết đám này đến đám khác.
Trời lạnh thấu xương, ông vẫn mò mẫm dưới mộ, vì sợ sơ ý, có thể để xót chiếc xương nào. Có đêm làm xong, ông bị nhiễm mưa, cảm lạnh, nhưng có người đến gọi, không đành lòng được nên lại khăn gói lên đường.
Gắn bó với nghề mấy chục năm, bây giờ chỉ cần nhìn qua là ông có thể biết được người đã khuất còn thiếu đốt xương nào. Một lần, tình cờ đi ngang đám bốc mộ, vì "bản năng nghề nghiệp", ông ghé vào xem. ông xem qua bộ xương đã xếp vào trong tiểu và cam đoan rằng còn thiếu hai chiếc xương bánh chè của người chết.
Vì không ai chịu tin, ông xắn quần áo, lội xuống huyệt, mò được lên hai chiếc xương bánh chè. Lúc đó, mọi người mới tin và thầm thán phục ông.
Qua mấy chục năm, vượt qua bao nhiêu nỗi cơ cực, đắng cay, bao nhiêu điều tiếng tốt xấu, thị phi, nhưng với cái tâm, gia đình ông Quý vẫn gắn bó với nghề. Khi được hỏi sẽ còn theo nghề này đến bao giờ, ông Quý cười bảo: "Nếu trời còn cho tôi khỏe mạnh, thì tôi vẫn làm nghề này. Tôi mất đi, các con tôi sẽ tiếp nối, vì đây là nghề gia truyền của gia đình tôi" .
http://www.nguoiduatin.vn/nhung-phen-kinh-hon-chi-co-trong-nghe-boc-mo-a39635.html
wIFBvc)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top