6

*

Giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên, sinh viên bằng "Tai nghe, mắt thấy, tay làm"

Đại hội VII của Đảng CSVN đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Cương lĩnh khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình. Tư tưởng Hồ Chí Minh lại tiếp tục được khẳng định ở Đại hội VIII, Đại hội IX của Đảng. Đó là vũ khí lý luận có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn nóng hổi. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng chỉ đạo của toàn Đảng, toàn dân ta, đặc biệt thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Chính vì vậy, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho TN, SV là một nhiệm vụ hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Môn học tư tưởng Hồ Chí Minh, nằm trong hệ thống các môn khoa học Mác-Lênin, sẽ trang bị cho SV những hiểu biết tương đối có hệ thống và cơ bản về nội dung quan điểm, lý luận cách mạng, phương pháp tư duy khoa học sáng tạo, về nhân sinh quan và đạo đức cách mạng, về phong cách Hồ Chí Minh - một tài sản lý luận, tinh thần vô cùng quý báu của Đảng, của dân tộc ta.

Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với một thực trạng, là tâm lý ngại học, chán học các môn khoa học Mác-Lênin khá phổ biến ở TN, SV hiện nay. Có thể nguyên nhân đây là những môn khoa học khó, thiên về lý thuyết, đòi hỏi khả năng tư duy trừu tượng của người học. Nhưng hơn thế nữa, là sự thiếu hấp dẫn, thiếu "sức sống" trong việc truyền đạt của những người giảng dạy. Các môn khoa học Mác - Lênin, bản thân là những môn khoa học rất hay, vô hình dung lại trở nên cứng nhắc, buồn tẻ và giáo điều. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục các môn khoa học Mác - Lênin nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng - khi chỉ trong một thời gian ngắn nữa, môn học này sẽ được đưa vào giảng dạy chính thức ở các trường ĐH, CĐ đang là một vấn đề bức xúc với mỗi chúng ta.

Xin được trình bày một vài suy nghĩ xung quanh việc nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho TN, SV trong giai đoạn hiện nay. Đó là việc kết hợp để TN, SV được "tai nghe, mắt thấy, tay làm" thông qua các hoạt động giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Nghe gì?

TN, SV cần được nghe giảng về tư tưởng Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp của Người. Thuyết giảng là phương pháp đầu tiên khi giảng dạy về tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay, người ta nói nhiều về đổi mới phương pháp giảng dạy, và một số người cho rằng thuyết giảng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng giáo dục. Nhưng thực tế, thuyết giảng là không thể thiếu, chỉ có điều là thuyết giảng như thế nào, có thổi được sự say mê và tâm huyết của người thầy giáo vào đó hay không?

Giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh, không thể tách rời những quan điểm tư tưởng với cuộc đời và sự nghiệp của Người. Trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, Bác Hồ là hình ảnh tượng trưng cho những gì cao đẹp, thiêng liêng, cho sự phấn đấu hy sinh, tận tuỵ cả cuộc đời vì dân, vì nước. Cuộc đời Hồ Chí Minh là sự thuyết phục lớn nhất, gây xúc động lớn nhất trong lòng người. Cần lồng ghép vào bài giảng những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chí Minh. Đặc biệt, với thế hệ trẻ, hãy để các em biết: Bác đã trải qua những năm tháng gian khổ như thế nào? Đã hy sinh phấn đấu ra sao? Bác đã làm những nghề gì? Đã học ngoại ngữ như thế nào để thành thạo nhiều thứ tiếng? Bác đã làm gương trong từng lĩnh vực cụ thể ra sao? Khi Bác vận động toàn dân tiết kiệm để cứu đói, bản thân Bác cũng 10 ngày nhịn ăn một bữa. Tránh xa hoa lãng phí, đi công tác Bác đùm cả cơm nắm theo. Bác lội ruộng tát nước cùng nhân dân, Bác bắt nhịp hát bài ca "Kết đoàn"... Chính cuộc đời, sự nghiệp đã ghi dấu ấn những quan điểm tư tưởng của Người, mà khi giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh không thể tách biệt.

Chính vì vậy, thanh niên, sinh viên phải được nghe và hiểu cả về ý nghĩa lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh, cả những đóng góp lớn lao của Người về mặt thực tiễn.

2. Thấy gì?

Nhưng nếu chỉ được nghe, với TN, SV vẫn còn chưa đủ. Họ cần được nhìn nhận, được kiểm nghiệm, được "thấy". Không phải ngẫu nhiên, ở các cấp học dưới, người ta nhấn mạnh nhiều đến tác động của những "giáo cụ trực quan" trong việc tiếp thu bài giảng. Thông tin được tiếp nhận qua mắt nhìn bao giờ cũng là thông tin được lưu giữ lại lâu nhất. TN,SV là thế hệ trẻ, luôn luôn muốn tìm kiếm, học hỏi, muốn được khám phá.

Những tấm ảnh, những thước phim tư liệu, những di tích ghi dấu ấn Hồ Chí Minh... là những hình ảnh cần thiết trong các hoạt động giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho TN,SV. Những hình ảnh này có thể được lồng ghép vào các bài giảng, để tăng sự hấp dẫn, sinh động; nhưng cũng có thể được tổ chức thành các bài thực tập, thực tế, tham quan... Để giúp TN, SV hiểu thêm về tư tưởng Hồ Chí Minh, cần phải tổ chức cho họ đi thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng, các di tích về Hồ Chí Minh như khu di tích Phủ Chủ tịch, quê Bác (Nghệ An), Pác Bó (Cao Bằng)... Bởi những gì được "thấy" sẽ khắc sâu thêm vào tâm khảm của họ sự xúc động, ngưỡng mộ và yêu kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh. ở đây rất cần đến vai trò của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên... với tư cách là các tổ chức của TN, SV. Các hoạt động thực tập, thực tế, tham quan... này nếu được tổ chức tốt sẽ trở thành những hoạt động tập thể rất hấp dẫn, bổ ích, thu hút được đông đảo TN, SV và cũng là một phương pháp bổ trợ tuyệt vời trong việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh.

Và bản thân những người thầy giáo, cô giáo truyền đạt tư tưởng Hồ Chí Minh cũng phải là những người có tư cách đạo đức, có phong cách sống mẫu mực, để thế hệ trẻ có thể nhìn thấy ở họ một sự gắn bó mật thiết giữa nói và làm, suy nghĩ và hành động, chứ không chỉ là người truyền đạt những lý thuyết suông, trong khi chính bản thân mình lại không phải là người thực hành những tư tưởng đó.

3. Làm gì?

Trước hết, cần tạo ra cho TN, SV những sân chơi, để họ thực sự được "học vui, vui học". Thực tế các cuộc thi "Bác Hồ với Tuổi trẻ - Tuổi trẻ với Bác Hồ" do thành Đoàn Hà Nội phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, các cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin nói chung và Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng giữa các trường ĐH, CĐ, cuộc thi "Theo dòng lịch sử" về chủ đề tư tưởng Hồ Chí Minh trên VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam... đã chứng tỏ vốn hiểu biết khá sâu sắc của sinh viên về các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đơn cử như cuộc thi "Tầm nhìn xuyên thế kỷ" do thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức trong thời gian vừa qua, sinh viên 3 trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, khoa Kinh tế, ĐHQG TP Hồ Chí Minh và Học viện An ninh nhân dân đã vượt qua 71 trường ĐH, CĐ để vào vòng chung kết với 4 phần thi: "Nhập môn tri thức", "Vấn đề và sự kiện", "Cùng làm nhà thông thái" và "Hướng đến tương lai" và các em đã thể hiện được khả năng làm chủ tri thức của mình. Họ đã rất hiểu biết, chủ động, linh hoạt trước cả những kiến thức của môn học tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là cuộc chơi của những cá nhân tiêu biểu, cuộc chơi trên sân khấu của một số ít người. Phải làm sao để tạo nên được một phong trào rộng lớn trong sinh viên?

Có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta cần học tập phương pháp giảng dạy "cây kiến thức" của một số nước tiên tiến. Theo đó, người thầy chỉ cung cấp "thân", "rễ", còn SV là những người phải tìm ra "lá" và "cành" trong "cây kiến thức" của mình. Nên chăng, người dạy chỉ đưa ra một đề cương bài giảng, trong đó nêu lên những hướng nghiên cứu chính, những tài liệu cần tham khảo, còn chỉ ra các nội dung cụ thể là việc của người học. Như vậy, SV là những người phải "làm việc" thật sự (dĩ nhiên, công việc chuẩn bị của thầy giáo cũng không hề đơn giản), khi họ phải chuẩn bị, nghiên cứu, tìm tòi... hết sức công phu. Khi đã tham gia một cách chủ động vào bài giảng, người học sẽ nhớ hơn, hiểu hơn, và việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống cũng sẽ dễ dàng hơn. Và một lần nữa, lại cần đến vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên trong việc phát động các phong trào học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn, ví dụ như công việc học tập, rèn luyện của TN SV, giáo dục đạo đức cho TN, SV theo tư tưởng Hồ Chí Minh...

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Một tấm gương sống còn hơn trăm bài tuyên truyền. Người cũng đã nhắc nhở. "Miệng nói tay phải làm mới được". Vì vậy, để giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh một cách có hiệu quả cho TN, SV, cần kết hợp một cách chặt chẽ để họ vừa được "tai nghe", vừa "mắt thấy", "tay làm"... Và để thực hiện được điều này, cần một sự phối hợp đồng bộ giữa giáo viên, sinh viên, tổ chức Đoàn, Hội sinh viên, cũng như một sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà trường, gia đình và xã hội.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: