1244
Nếu được tham gia hội thảo về nội dung " Văn hóa giao thông " và " Học sinh THPT với Văn hóa giao thông", tôi sẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện mà chính tôi đã từng trải qua- một đêm ...
Trang bị đầy đủ đồ dùng cần thiết, tôi cuốc bộ lên đường tiếp tục cuộc hành trình của mình vì tôi nghĩ đi bộ là an toàn hơn cả. Sắp tới tôi phải tham gia cuộc thi "An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai" do hãng Honda tổ chức, vì vậy tôi phải tìm kiếm thêm tư liệu cho tác phẩm của mình.
Cả ngày hôm đó, tôi đã chụp được rất nhiều hình ảnh, nhiều tư liệu có giá trị rất được- một ngày làm việc không tồi.
Trời đã tối mịt.
Trên đường đi bộ về nhà, theo đường vỉa hè cho người đi bộ, một chiếc ô tô thể thao chạy vụt qua, nhả ra làn khói đen mù mịt. Rõ ràng chiếc xe này đã vi phạm luật giao thông về tốc độ vì trên đường bộ bình thường xe cơ giới chỉ được đi với tốc độ 50- 60 km/h, hơn nữa còn vượt đèn đỏ.
Bỗng nghe đâu đấy tiếng ho " khụ... khụ...". Người này rõ ràng đã bị hít phải khói bụi của chiếc xe vừa rồi.
- Đúng là không biết "văn hóa giao thông" là gì hết.
Nhưng khi tôi quay lại tìm nơi vừa phát ra âm thanh vừa rồi lại không thấy ai cả, thay vào đó là khoàng không trống lặng chỉ có tôi, cột đèn giao thông vẫn xanh, đỏ, vàng và một chiếc xe đạp cũ.
Tôi ngạc nhiên hết cỡ vì tiếng nói vừa rồi là từ cột đèn giao thông phát ra. Tôi lại gần xem thử, quả nhiên là do " đèn giao thông vừa nói". Cảm giác bấy giờ giống như khi Alice lạc vào xứ sở thần tiên vậy. Quá diệu kỳ!
Sau một hồi nói chuyện, tôi thấy họ cũng không hẳn là "người xấu", lại dễ nói chuyện, giống như những người hàng xóm thân thiết với nhau. Tôi liền đem chuyện tôi sắp tới tham gia dự thi và ý tưởng bài làm của mình cho họ nghe.
- Văn hóa giao thông à? Vậy theo cậu thì thế nào là " văn hóa giao thông"?- Xe Đạp hỏi tôi.
- Theo tôi thì "văn hóa giao thông" nói cách khác là văn hóa khi tham gia giao thông, là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, bao gồm cách thức ứng xử, xử sự, chấp hành luật pháp về giao thông, là tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Trên thực tế thì văn hóa giao thông được thực hiện dựa trên hay yếu tố là tính pháp lý và tính cộng đồng.
Tính pháp lý là phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác luật giao thông; theo đó các hành vi ứng xử phải đặt tính tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, đảm bảo an toàn tài sản, an toàn công cộng và chật tự công cộng.
Tính cộng đồng là cách xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông. Điều này được thể hiện qua việc không chen lấn, việc cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông, chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường, cùng cảnh sát giao thông phối hợp phê bình, ngăn chặn những hành vi sai phạm của người khác, thấy các sự cố về đường xá, phương tiện phải thông báo cho nơi liên quan để kịp thời ngăn chặn.
Nghe xong câu trả lời của tôi mọi người đều gật gù tán đồng. Cột Đèn Giao Thông còn bổ sung thêm:
- Đúng là vậy, các nước phương Tây phát triển như Anh, Mĩ có hệ thống giao thông thông minh phát triển vượt bậc nên họ thực hiện văn hóa giao thông cực kì tốt. Hàn Quốc giao thông rất phát triển, bên cạnh việc sử dụng phương tiện cá nhân, họ ưa chuộng các loại giao thông công cộng hơn, ứng xử văn hóa giao thông cũng rất tốt. Ngay cạnh chúng ta là Đài Loan- một nước ưa sạch sẽ, họ thường sử dụng loại xe đạp công cộng ubike vừa tránh ách tắc giao thông lại vừa bảo vệ môi trường. Nước ta vì cơ sở vật chất kỹ thuật không phát triển lắm nên việc giáo dục mọi người về ý thức văn hóa giao thông càng phải được chú trọng. Ngay vừa rồi có một chiếc xe ô tô chạy qua đã vượt đèn đỏ còn nhả khói bụi mù mịt làm tôi ho khù khụ một hồi. Đúng là giới trẻ bây giờ thật không có ý thức về văn hóa giao thông chút nào. Thảo nào Lão Đường bị ốm liên tục.
Tôi đương nhiên hiểu Lão Đường ở đây chính là con đường giao thông chúng ta vẫn đi hàng ngày. Anh Biển Báo ở bên kia đường cũng thêm vào:
- Phải đấy, ngày nào người ta cũng chen chen lấn lấn, bấm còi inh ỏi, nhả khói mù mịt, đến cả tôi còn phát ốm huống chi là bác ấy. Bác ấy còn ước người ta đi xe đạp, xe điện cho bớt ô nhiễm với cả đừng có chen lấn " cướp đường" như thế nữa mà mấy ai nghe thấy chứ thành ra là ốm đau suốt ngày.
Xe Đạp nói:
- Phải đấy, thời đại bây giờ người ta chẳng có ý thức gì về văn hóa giao thông cả, nhất là mấy thanh niên học sinh hiên nay. Đi xe đạp, xe điện, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, vượt đèn đỏ triền miên, còn đi dàn trải hàng hai hàng ba trên đường lại không đi đúng phần đường quy định nữa.
Tôi hoàn toàn đồng tình với họ, thanh niên học sinh hiện nay hầu hết đều không có ý thức về văn hóa giao thông. Đây cũng là đề tài mà tôi đang tìm hiểu cho câu trả lời về câu hỏi: "Khi được tham gia hội thảo với nọi dung: ' Học sinh THPT với Văn hóa giao thông', bạn sẽ chuẩn bị và tham gia những ý kiến nào với hội thảo."
Tôi cũng đưa ra những ý tưởng của mình cho bọn họ nghe về câu trả lời:
+ Đưa " An toàn giao thông" vào chương trình giáo dục để giáo dục học sinh ý thức về văn hóa giao thông.
+ Tăng cường tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông học đường.
Về việc đưa " An toàn giao thông" vào nội dung giáo dục tôi nghĩ là vô cùng cần thiết. Mặc dù trên cả nước đã có một số nơi áp dụng " An toàn giao thông" vào giáo dục nhưng vẫn còn hạn chế và chưa thật sự được coi trọng. Việc giáo dục kiến thức là quan trọng nhưng vẫn cần phải có thêm những kiến thức, kĩ năng an toàn giao thông cho học sinh.
* Đài truyền hình cần kết hợp với bộ giáo dục sản xuất các chương trình dạy học, truyền hình thực tế về an toàn giao thông mang tính giáo dục toàn diện cho học sinh.
*Các nhà xuất bản giáo dục cần xuất bản những cuốn sách bổ ích mang tính giáo dục an toàn giao thông cao dành cho sinh viên, người tham gia giao thông nhất là học sinh tùy thuộc vào cấp độ nhận thức của từng đối tượng. Nội dung của sách phải mang tính giáo dục với độ chính xác, thực tiễn cao từ các luật lệ an toàn giao thông của nhà nước, các loại biển báo, các tư liệu và ngôn ngữ trong sách.
*Nhà trường cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục an toàn giao thông cho học sinh không chỉ trên lý thuyết mà còn trên lĩnh vực thực hành. Ngoài ra nhà trường cũng cần trang bị 100% tài liệu về an toàn giao thông cho học sinh hoặc đề xuất những cuốn sách với nội dung an toàn giao thông phù hợp cho vào tủ sách lớp học, thư viện trường tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu về " văn hóa giao thông".
*Nhà trường và học sinh cần phối hợp với các cơ quan giao thông của xã, huyện, tỉnh trong viêc học tập, chấp hành luật lệ an toàn giao thông, và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật giao thông, kí cam kết thực hiện tốt nội quy an toàn giao thông. Đồng thời nên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về giao thông như: " Em tìm hiểu luật giao thông"," An toàn giao thông", " An toàn giao thông cho bạn, cho tôi"," An toàn giao thông học đường", hay " An toàn giao thông cho anh, cho tôi và cho chúng ta", hoặc tổ chức các buổi triển lãm, cuộc thi vẽ tranh hay các hoạt động ngoại khóa về an toàn giao thông... nhằm khuyến khích mọi người tìm hiểu và nâng cao ý thức về an toàn giao thông và văn hóa giao thông.
*Phụ huynh học sinh cũng nên cùng con em mình tìm hiểu về an toàn giao thông, giải đáp những thắc mắc của con em mình. Ngoài ra cũng cần hỗ trợ, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho con em mình tham gia các cuộc thi về an toàn giao thông. Đồng thời cũng nêu cao tinh thần tự giác và làm gương cho con em mình trong việc tham gia giao thông đúng luật.
* Phụ huynh học sinh cũng nên kịp thời nắm bắt các thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông học đường để phối hợp với nhà trường giáo dục an toàn giao thông cho con em mình, chú ý tới nội dùng" phòng tránh các tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông".
* Các bạn học sinh cũng nên chủ động tìm đọc những cuốn sách, thông tin hữu ích về an toàn giao thông để trang bị cho mình những kĩ năng an toàn giao thông cần thiết, đồng thời tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu an toàn giao thông. Ngoài ra cũng nên tuyên truyền cho người thân gia đình và những người xung quanh những kiến thức về " văn hóa giao thông" mà mình có được và nhắc nhở mọi người tham gia giao thông đúng luật, đúng cách.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về văn hóa giao thông học đường cũng cần được lưu ý đến. Mặc dù một số địa phương đã chú ý dùng phương pháp này song hiệu quả của nó vẫn chưa được tận dụng triệt để. Điều này còn phụ thuộc vào việc thiết kế khẩu hiệu ra sao, nội dung thế nào và nơi treo khẩu hiệu là ở đâu nữa. Tôi đã tìm hiểu ở một số địa phương khẩu hiệu thường được treo một cách tùy ý, không đảm bảo khoảng cách an toàn với mặt đất, thậm chí còn có băng rôn treo vắt vẻo giữa cột điện với dây điện làm cản trở các phương tiện giao thông lưu động trên đường. Một số khẩu hiệu nội dung còn dài dòng, không nổi bật được nội dung chính.
Việc thiết kế và treo băng rôn, khẩu hiệu cần đảm bảo các quy định của luật giao thông với nội dung ngắn gọn, phù hợp. Đặc biệt, trên các tuyến đường an toàn giao thông tại các trường học, nhà trường và địa phương nên phối hợp với nhau treo các khẩu hiệu về an toàn giao thông học đường hoặc trong phạm vi xung quanh trường học và trong khuôn viên nhà trường.
Nhà trường cũng nên phối hợp với các đơn vị đoàn thể tổ chức các buổi tọa đàm, tuyên truyền các khẩu hiệu về an toàn giao thông, tiêu biểu là " Ba có, bốn không".
* Ba có:
+ Có hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông đường bộ. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường, đi sát mép đường, chỉ qua đường ở những nơi có vạch kẻ đường và phải tuân theo tín hiệu chỉ dẫn.
+ Có ý thức trách nhiệm cao đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông. Phải đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác. Hợp tác, giúp đỡ người bị nạn khi xảy ra tai nạn giao thông.
+ Có hành vi ứng xử hợp lý và đúng mực, có tình người trong các tình huống xảy ra trên đường, cư xử có văn hóa như: tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi khi có va quệt.
* Bốn không:
+ Không uống rượi bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, điều khiển phương tiện chưa đủ giấy tờ quy định.
+ Không lấn chiếm: lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông.
+ Không có thói hư, tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia giao thông cũng như khi xảy ra tai nạn giao thông.
+ Không để xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông.
Ngoài ra còn có một số khẩu hiệu học đường dễ nhớ khác như: "Đằng sau tay lái là một mặt trời bé con" hay" Văn hóa giao thông của người lớn là bài học cho trẻ em", "Hạnh phúc đơn giản là an toàn trên đường đến trường"...
Để không ngừng nâng cao hiệu quả của việc thực hiện mục tiêu" an toàn giao thông cho học sinh đến trường", mỗi học sinh cúng ta cũng cần phải nâng cao ý thức của chính mình về văn hóa khi tham gia giao thông từ việc nhỏ nhặt nhất. Thực trạng của đại đa số học sinh hiện nay, tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, bấm còi, lạng lách, đánh võng, đi xe không có giấy phép lái xe, biển số, dùng ô khi điều khiển xe đạp, xe máy, vừa điều khiển xe đạp, xe máy vừa nghe điện thoại,... ngày càng tăng cao, thậm chí khi xảy ra va quệt còn thoái thác trách nhiệm, không cần biết người va quệt có bị thương không đã văng câu chửi...
Là học sinh, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, ta phải hành động như thế nào để góp phần xây dựng " Văn hóa giao thông" ở nước ta ngày càng tốt đẹp.
* Trước tiên, chúng ta hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhặt nhất: đã tham gia điều khiển các phương tiện giao thông là phải có mũ bảo hiểm để bảo vệ an toàn cho chính bản thân; đồng thời hãy nhắc nhở mọi người việc đội mũ bảo hiểm để bào vệ bản thân. Khi dừng và đỗ xe cần đúng nơi quy định, tránh tụ tập dưới lòng đường, dàn hàng hai, hàng ba trên đường. Nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông.
*Mỗi học sinh chúng ta đều cần phải nâng cao nhận thức của chính mình về văn hóa giao thông, cần chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn giao thông:
+ Người đi bộ: đi trên vỉa hè, lề đường, sát mép đường. Người đi xe đạp, xe điện, xe gắn máy đi đúng phần đường của mình.
+ Không chen lấn tại những nơi đông đúc như cổng trường, không tụ tập ở cổng trường, lòng đường gây ách tắc giao thông.
+ Không dàn hàng hai hàng ba trên đường, không dùng ô, sử dụng điện thoại khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông.
Kết thúc phần ý tưởng của mình, cả Xe Đạp, Cột Đèn Giao Thông và Biển Báo đều đồng tình với các ý kiến của tôi. Nhưng tôi cảm thấy vẫn còn thiếu thiếu cái gì đó, cảm giác ý tưởng của tôi vẫn chưa được hoàn thiên, mà nghĩ mãi không ra. Tôi thổ lộ điều băn khoăn của mình cho họ nghe. Họ im lặng một lúc, suy nghĩ vấn đề một cách nghiêm túc.
Cột Đèn Giao thông là người lên tiếng đầu tiên:
- Cậu học sinh này, chung quy tôi thấy ý tưởng của cậu khá độc đáo, đại đa số các ý cơ bản đều có. Tuy nhiên, cậu tập trung cái nhìn bao quát toàn thể mà không chú ý tới các chi tiết quan trọng của nó. Cụ thể là cậu chỉ ra các hành động chung để xây dựng "văn hóa giao thông tốt đẹp của học sinh mà không nói đên những việc làm cụ thể mà cậu và học sinh, nhà trường ở địa phương cậu đã làm được những gì.
- Đúng, đúng, còn có những nguyện vọng, đề xuất của bản thân mình để xây dựng "văn hóa giao thông học đường" nữa. - Xe Đạp không chịu thua kém cũng đứng lên phát biểu.
Còn Biển Báo thì:
- Tôi đồng tình với hai người họ.
Hóa ra là vậy. Thế mà mãi tôi cũng chẳng nghĩ ra.
Trường học của tôi vừa lớn, vừa đẹp, luôn là trường đứng trong top đầu của tỉnh về chất lượng học tập và giảng dạy, nơi quy tụ hơn nghìn học sinh mỗi năm xa có, gần có, lại luôn đi đầu trong các phong trào của tỉnh. Từ lâu, việc đảm bảo an toàn cho các học sinh khi tới trường luôn được nhà trường chú trọng và quan tâm. Nhà trường có quy định tất cả học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia các phương tiện như xe điện, xe gắn máy và nghiêm khắc xử phạt các trường hợp vi phạm. Đội thanh niên xung kích là lực lượng chủ chốt ở cổng trường, có nhiêm vụ giữ chật tự an toàn giao thông khu vực cổng trường, điều khiển các bạn học sinh không chen lấn, xô đẩy, phân ra các làn đường cho người đi bộ, đi xe đạp, xe đạp điên, và xe gắn máy cho các thầy cô. Ngoài ra nhà trường còn thiết lập hành lang an toàn giao thông trên các tuyến đường từ các xã, thị trấn đến trường, các đội viên có nhiêm vụ quan sát và nhắc nhở các bạn học sinh chưa đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, các bạn học sinh đi trái làn đường quy định. Cũng để nhắc nhở mọi người khi tham gia giao thông, 100% mũ bảo hiểm của học sinh toàn trường đều dán khẩu hiệu " Văn hóa giao thông"
Hàng năm, tất cả các cuộc thi về an toàn giao thông, 100% học sinh và giáo viên trong trường đều tham gia và đoạt được giải cao.
Nhà trường còn phối hợp với các cơ quan công an giao thông địa phương tổ chức các buổi tọa đàm giữa nhà trường, học sinh và cơ quan công an giao thông đàm thoại về các vấn đề an toàn giao thông học đường, luật lệ an toàn giao thông, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh khi đến trường. Tuyên truyền các khẩu hiệu: "Văn hóa giao thông là không tai nạn", "Văn hóa giao thông, đồng hành tuổi trẻ", " Một ý thức giao thông, triệu nụ cười ngày mai"...
Huyện đoàn địa phương cũng phối hợp với nhà trường thành lập chương trình " Địa phương xanh" quy tụ những học sinh có nguyện vọng tham gia để làm công tác giữ trật tự an toàn giao thông mỗi khi có dịp lễ hội lớn, tổ chức các khóa học ngoại khóa về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.
- Này, vậy còn nguyện vọng của bản thân cậu thì sao?- Biển Báo nói.
Nguyện vọng của bản thân tôi... lúc đó tôi còn chưa kịp nghĩ đột nhiên một trận động đất lớn xảy ra, cả Xe Đạp, Biển Báo, Cột Đèn Giao Thông và tôi còn chưa nói thêm một câu nào đã hoảng hốt hét to lên kêu cứu....
Lúc tỉnh dậy, tôi đã thấy mình lăn từ trên giường xuống từ lúc nào. Hóa ra vừa rồi là một giấc mơ. Thì ra cảm giác của Alice vừa từ xứ sở thần tiên về là vậy.
Bừng tỉnh khỏi cơn mơ, tôi lập tức viết tất cả những cái ý tưởng trong mơ vừa rồi thành một câu chuyên ngắn, câu chuyện lạc vào xứ sở "thần tiên" mà chính mình từng trải qua vì tôi nghĩ người ta sẽ thích nghe truyện cổ tích hơn là nghe một bài diễn văn khô khan nào đó về đề tài này.
Tất cả các học sinh chúng ta đều là những chủ nhân tương lai của đất nước, hãy chung tay góp sức xây dựng "xã hôi văn minh và không còn tai nạn giao thông". Hãy là những người tiên phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khỏe, tri thức, những suy nghĩ, hành động đúng đắn, gương mẫu, thực hiện những giải pháp thiết thực góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và góp phần xây dựng " Văn hóa giao thông" của mỗi người dân nước ta ngày càng tốt đẹp và có thể tự hào với các bạn bè trên trường quốc tế về " Văn hóa giao thông" của đất nước xinh đẹp của chúng ta.
Còn nguyện vọng, tôi nghĩ bản thân mình muốn trên thế giới này không còn Cột Đèn Giao Thông, không còn Biển Báo nữa. Khi ấy tất cả mọi người ai ai cũng có ý thức văn hóa giao thông, không chen lấn, xô đẩy nhau nữa, thế giới không còn tai nạn giao thông và còn một nguyện vọng nữa ... là Lão Đường sẽ không bao giờ bị bệnh nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top