123456789
Có người từng nói với tôi: "Trên đời này ai ai cũng cần có ước mơ để nỗ lực, phấn đấu vươn lên biến ước mơ thành hiện thực."
Tôi cũng có ước mơ, ước mơ:
- Trở thành nhà văn.
- Ha ha ha ha ...
Sau câu nói của tôi liền đón nhận được một trận cười lớn từ đám bạn trong lớp.
Tôi không hề ngạc nhiên hay xấu hổ về điều đó. Cũng phải thôi, ai mà nghĩ một đứa mắc chứng tự kỷ bẩm sinh như tôi có thể trở thành nhà văn lãng mạn hay ngâm thơ được.
Phải! Tôi là đứa trẻ bị tự kỷ.
Ngay từ nhỏ tôi đã được chăm sóc cách đặc biệt, chưa bao giờ bước chân ra khỏi nhà ... cho tới khi người đó xuất hiện.
Một ngày năm 12 tuổi bố mẹ gọi tôi xuống phòng khách để gặp giáo viên mới. Tôi chỉ nhìn lướt qua người đối diện một lát, lại quay đi nơi khác, nghe bố giới thiệu một hồi lại chỉ chọn lọc những từ ngữ cần thiết ghi nhớ vào đầu: " giáo viên nam- 39 tuổi- bạn của bố- giáo viên mới của tôi."
Màn giới thiệu xong xuôi. Chỉ đợi có thế tôi liền đứng dậy đi lên phòng đọc sách.
Nhanh chóng kết thúc một ngày.
Mọi ngày 7h tôi sẽ thức dậy, 7h 30' ăn sáng, 8h sẽ vào học. Hôm nay quy trình vẫn cứ thế diễn ra nhưng thời điểm ăn sáng trên bàn ăn lại có thêm một chiếc ghế nữa, thầy giáo mới. Bữa ăn vẫn diễn ra bình thường, tôi không hề để tâm tới.
8h, vào học. Tôi lên phòng trước, theo thói quen lại nhìn hàng giá sách lớn chạy quanh phòng theo hình tròn chứa cơ man nào là sách. Bên cạnh giá sách còn có cái thang 4 chân nhỏ để lấy sách ở trên cao. Sở thích duy nhất của tôi hơn chục năm nay là đọc sách. Sau đó mới đi tới cái bàn học lớn ở chính giữa căn phòng mà ngồi xuống, dở một cuốn sách ra để đọc.
Lát sau, thầy tới, ngồi đối diện tôi.
- Chào em. Tôi là giáo viên mới. Hôm qua chúng ta mới gặp nhau.
Tôi im lặng, nhìn chằm chằm trang sách.
- Từ giờ tôi sẽ quản giáo tất cả thời gian học tập của em.
- ....
- Vậy từ giờ tôi gọi em là Học Trò nhé!
Tôi nhíu mày không vui ngước mắt lên nhìn thầy, lấy tay chỉ vào chiếc đồng hồ trên tay, lại giơ cuốn sách trước mặt lên, ám thị: "mất thời gian, học."
Mặt thầy xuất hiện tia kinh ngạc, sửng sốt, lại có chút xấu hổ:
- Thầy xin lỗi. Ta bắt đầu học nhé.
Lần này lại đến lượt tôi kinh ngạc. Rất ít người có thể hiểu được ngôn ngữ cơ thể của tôi. Nhưng chỉ vài giây sau tôi lại đem vẻ lạnh tanh treo lên mặt, vùi ánh mắt vào cuốn sách.
Buổi học đầu tiên bắt đầu. Thầy không giống những giáo viên khác, thầy lại ngồi kể cho tôi nghe những câu chuyện đời sống tôi chưa từng nghe thỉnh thoảng đến những tình tiết hài hước thầy lại cười khẽ. Trông thật giống tự biên tự diễn.
Kì lạ là tôi lại chăm chú lắng nghe ghi nhớ từng chữ vào đầu, nhưng mặt vẫn cúi gằm xuống nhìn sách, tay chưa hề lật sang trang kế tiếp. Mỗi khi có chỗ chưa hiểu lại nhíu mày, sau đó lại giãn ra tiếp tục nghe.
Tiết học cứ thế diễn ra trong sự im lặng của một người và sự thao thao bất tuyệt của người còn lại trong 2 tiếng đồng hồ liên tiếp.
- Bài giảng hôm nay kết thúc tại đây. Em có chỗ nào không hiểu muốn hỏi thầy không?
Tôi dở cuốn vở ra, theo suy nghĩ mà viết những từ khó hiểu lên giấy rồi đưa cho thầy. Thầy đọc qua một lượt lại cười khẽ.
Tôi khó hiểu nhìn thầy, cầm lên tờ giấy ngắm nghía một lượt. Chữ viết đẹp, thẳng, không lệch dòng, thuận mắt, dễ đọc, không sai chính tả:
[ - ngu ngốc.
- sở thích.
- trò chuyện.
- la hét.
- nhọc nhằn.
- gánh nặng.
- bố dượng.
- mẹ nuôi.
- đánh nhau.
- chơi ghêm.
-.....]
- À. Không có gì đâu. Em thực sự không biết những cái này sao?
Tôi thẳng thắn gật đầu.
Thầy cười. Lại giảng giải cho tôi ý nghĩa của các từ đó ra sao. Tôi nghe, lại gật gù hiểu, lại sao chép vào bộ não của mình.
Lúc này mới chính thức kết thúc.
- Hôm nay ta học tới đây thôi. Nghỉ ngơi thật tốt rồi chiều nay thầy sẽ qua đón.
Đón? Đi đâu sao?
Nhận ra vẻ khó hiểu của tôi, thầy bối rối giải thích:
- Chết thật, thầy quên mất. Chúng ta sẽ học 1 tiết lý thuyết và 1 tiết thực hành. Chiều nay chúng ta sẽ đi trải nghiệm thực hành.
Ra là thực hành. Cái này tôi biết.
Thầy thu dọn đồ đạc chuẩn bị rời đi lại nhớ ra cái gì đó quay lại:
- Còn nữa sau này gặp qua người nào đều phải chào hỏi, đây là phép lịch sự, nhớ chưa?
Tôi gật đầu. Nhưng thầy vẫn chưa đi. Còn quên cái gì sao?
- ... Cũng cần chào tạm biệt trước khi đi.
À, hiểu rồi. Tôi nghe lời mà cúi đầu chào thầy.
Mặt thầy xám xịt.
- ... Vẫn là nên để sau thì hơn.
Tôi đứng nhìn bóng lưng thầy một lát rồi mới ngồi xuống ghi vào cuốn sổ nhỏ của mình:
[ Bài học đầu tiên: chào hỏi là một phép lịch sự.]
________________________________
3h chiều, tỉnh dậy xuống lầu lại phát hiện cổ họng khô rát liền hướng tới phòng bếp tìm cốc nước. Đảo mắt ra phòng khách tôi đã thấy thầy đến từ lúc nào, đang ngồi nói chuyện với bố.
Đang tính một mạch tới phòng bếp lại nhớ ra bài học sáng nay lại hướng tới mỗi người cúi đầu chào hai cái. Song lại quay người rời đi mà không để tâm tới phản ứng của người phía sau.
Nhanh chóng thay một bộ đồ thể thao khá là kín đáo đứng cạnh thầy một thân quần tây áo sơ mi trắng trông chẳng thích hợp chút nào. Tiếc là khi ấy tôi không biết thích hợp là như thế nào.
Tôi quay người chào bố mẹ tôi, vẫn là mỗi người hai cái cúi đầu rồi mới đi. Khi ấy, bố mẹ tôi và thầy cứ nghĩ đó là nghi thức chào đặc biệt của riêng chứ chưa bao giờ nghĩ...
Thầy để tôi đi trước tự mình mở cửa.
Đứng trước cửa, tôi bỗng run nhè nhẹ. Cánh cửa này đã ngăn cách tôi với thế giới bên ngoài suốt 12 năm trời. Tôi cũng rất tò mò về nó nhưng những cuốn sách đã lôi cuốn tôi, khiến tôi vùi mình trong hàng ngàn cuốn sách mà quên đi nó. Tôi không muốn bày tỏ quá nhiều cảm xúc của mình lúc này nhưng sự thật là tôi có chút mong đợi.
Lấy hết dũng khí, tôi xoay nắm cửa, bước ra ngoài. Cơn gió mùa thu thoang thoảng mà lành lạnh chạm vào da thịt tôi làm tôi có chút rùng mình. Khi đã an vị ở trước cửa nhà, tôi mới từ từ mở mắt ra.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về hành tinh này chính là: chói mắt.
Đập vào mắt tôi là ánh mặt trời chói rọi. Mặt trời chiều tuy không gắt nhưng cũng làm tôi cảm thấy chói lòa. Đợi khi đôi mắt đã thích ứng được với ánh sáng tôi mới nhìn lại mặt trời lần nữa.
Mặt trời rực rỡ màu vàng cam, tròn tròn đầy đầy y như cái bánh rán. So với cái tôi nhìn thấy qua cửa kính đen kịt trong nhà đúng là khác xa nhau. Nó đẹp hơn, còn sáng hơn cả bóng đèn trong nhà.
Tôi dáo dác đưa mắt nhìn xung quanh. Các ngôi nhà nằm san sát nhau, kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, màu sắc cũng khác nhau nữa, thật kì cục. Tôi còn thấy cây, xe đạp ô tô, thùng rác nữa, tôi biết những thứ này. Còn cái kia, cái đó, cái đó nữa, tôi không biết.
- Đẹp lắm đúng không?
Tôi gật đầu.
Thầy dẫn tôi ra trước xe ô tô màu đen xì của thầy, tôi tần ngần nhìn cái xe một hồi nghiền ngẫm nghiên cứu. Đi kiểu gì đây?
Trong đầu dường như lóe lên bóng đèn, tôi cố gắng làm cho kỳ được cái ý nghĩ vừa rồi. Nhanh chóng tìm điểm tựa rồi bấu víu, trèo lên nóc xe ngồi khoanh tay khoanh chân đợi thầy.
Thầy cất đồ vào sau thùng xe, vừa ngước lên đã thấy tôi ngồi vắt vẻo trên nóc xe liền cười lớn một trận, còn khoa trương vừa ôm bụng vừa bám vào xe.
Tôi thật không hiểu. Thầy vừa rồi còn kêu tôi lên xe mà.
Đứng trước cửa xe thầy cầm tay nắm kéo cửa ra:
- Lên xe, là lên ghế bên trong xe ngồi, hiểu chưa?
Tôi gật đầu. Sau đó lại đẩy cánh cửa đóng lại, lại theo khuôn mà lặp lại động tác mở cửa như vừa rồi, mới lên xe ngồi. Thầy đứng bên ngoài chỉ biết lắc đầu cười.
Lại nói tới việc thắt dây an toàn cũng là tôi bắt chước thầy làm theo. Thầy nói tôi giống khỉ con. Tôi ám thị không biết khỉ con là cái gì. Thầy im lặng không nói nữa, chuyên tâm lái xe.
Trên đường đi, xe chạy chầm chậm, tôi men theo cửa kính nhìn khung cảnh bên ngoài. Thật nhiều người, nhiều cây và nhiều nhà lớn nữa. Thầy theo ánh mắt của tôi mà giải thích cho tôi nghe những cái gì đó, cái gì kia của tôi. Hôm nay học được thật nhiều thứ.
Đích đến của chúng tôi theo lời thầy nói là công viên tập thể, nơi người ta thường hay tụ tập, vui chơi, chạy bộ... theo lời thầy thì là thế.
Không khí trong lành dễ hít thở, nhiều cây xanh, mát mẻ. Thảo nào người ta thích đến thế. Nhưng mà có rất nhiều người. Tôi bỗng thu mình lại, kéo cao khóa áo lên hơn nữa. Nhận ra cử chỉ đề phòng của tôi, thầy đi tới vỗ vỗ bả vai tôi động viên:
- Không sao đâu. Đừng lo.
Tôi bỗng yên lòng trở lại. Tiếp tục đi theo thầy dạo một vòng quanh công viên.
Đi ngược chiều chúng tôi có người mẹ trẻ đang đẩy chiếc xe nôi có đứa trẻ. Tôi nhanh chân đi tới phía trước hai người họ, hướng mỗi người cúi đầu chào hai cái sau đó lại quay về đi bên cạnh thầy mà không để ý tới ánh mắt kì dị của người mẹ.
Không chỉ thế, với mỗi người tôi gặp như bác lao công, ông lão đọc báo, cả đôi vợ chồng đang chạy bộ nữa. Tò mò quá mức, thầy dừng lại hỏi tôi:
- Học trò! Em là đang làm cái gì vậy?
Nghe thầy gọi, tôi ngẩn người một lúc mợi định thần được. Tôi đã suýt quên thầy từng quy định tôi là "Học trò".
Tôi nhíu mày khó chịu, không phải là thực hành bài tập sao? Tôi cho tay vào túi lôi ra một cuốn sổ, lật trang đầu tiên, đưa ra trước mặt thầy:
[ Sau này gặp qua người nào đều phải chào hỏi, đây là phép lịch sự.
Cũng cần chào tạm biệt trước khi đi.]
Thầy nhìn tôi đầy kinh ngạc, lại cười khẽ, thầy hình như rất thích cười.
- Vậy ra cái đầu tiên là chào hỏi, còn cái sau là chào tạm biệt hả?
Tôi gật đầu.
- ...
Sau đó thầy mới nói cho tôi biết không phải gặp ai cũng cần phải chào và nên nói tạm biệt khi nào.
Đi dạo hết một vòng công viên, tới vòng thứ hai, thầy bắt chuyện với bác lao công, ông lão đọc báo, cả đôi vợ chồng chạy bộ vừa rồi đang ngồi nghỉ nữa. Họ nói chuyện, tôi lắng nghe, im lặng một bên, sau đó tiếp tục hành trình mới với thầy.
- Em thấy không, đây là cách mà con người giao tiếp với nhau. Dùng cả hành động, cử chỉ, lời nói, nét mặt, ánh mắt để truyền đạt những điều mình suy nghĩ tới người khác. Rất dễ dàng phải không?
Tôi gật đầu. Nhưng vẫn có chỗ chưa hiểu, liền dùng ngôn ngữ cơ thể truyền đạt:" Tại sao lại phải giao tiếp với nhau?"
Không phải sống một mình rất tốt sao?
- Không một cá thể nào có thể sống tách khỏi xã hội. Ngay cả chính con người cũng vậy, như gia đình em, cũng phải sống theo cấu trúc tập thể vì từng thành viên trong gia đình đều dựa vào nhau mà sống. Nhưng nếu không hiểu được nhau sẽ không thể sống cùng nhau, thậm chí xảy ra xung đột, mâu thuẫn. Để hiểu được nhau, người ta phát minh ra cái gọi là giao tiếp. Cho nên, để lăn lội tốt trong xã hội thì phải có kỹ năng giao tiếp.
Ra là vậy. Tôi gật gù mà hiểu ra. Nhưng mà, theo thầy nói hình như tôi chưa giao tiếp với thầy bao giờ, hình như toàn là thầy nói, tôi nghe. Vậy nên, tôi có cần phải giao tiếp không?
-... Vâng... thầy...
Lời bởi vì ít khi nói cho nên tiếng phát ra nhỏ nhỏ, khàn khàn mà còn làm rát cổ họng nữa. Âm phát ra cũng chỉ ậm ừ được một hai tiếng. Thực ra ở nhà tôi cũng từng kêu bố gọi mẹ nhưng lại rất ít khi nói, ví dụ như: "mẹ... cơm"," bố... cơm". Hình như chỉ nói có thế thì phải.
Tôi thấy được trên mặt thầy viết ra hai chữ: kinh ngạc. Vài giây sau mới vui vẻ cười nói:
- Ừ! Sau này em nên nói nhiều hơn.
Chúng tôi tiếp tục hành trình. Trước mặt chúng tôi là một cặp đôi đang ngồi ở ghế đá tán chuyện. Anh trai cười cười vuốt tóc chị gái. Chị gái chu môi nhăn mày gạt tay anh trai ra. Anh trai lại cười cười vuốt tóc chị gái. Chị gái lại chu môi... Mấy người này thật hết nói nổi.
Tôi bước nhanh tới trước mặt hai người họ. Bắt đầu "trò chuyện" với họ. Thầy bảo phải nói chuyện nhiều hơn.
- Chào... Anh trai ... sở thích ... vuốt tóc... chị này... chị ... không thích... nên ...không cho... vuốt... nên ... không vuốt ... nữa... hư...
Thực ra tôi muốn nói " Chào anh chị. Anh trai có sở thích vuốt tóc chị này nhưng chị không thích nên không cho vuốt, nên không vuốt tóc nữa. Hư"
Tôi đã nghe thầy nói sở thích là cái gì rồi, với cả mẹ nói nếu làm người khác khó chịu là đứa trẻ hư, người ta sẽ không thương nữa.
Đáng tiếc ý tốt của tôi lại làm hai người kia khó chịu, như tôi là kẻ phá đám vậy, mà tôi có làm gì đâu.
Thầy sững người nhìn tôi một lúc mới chạy tới cuống quít xin lỗi hai người kia. Họ quay đi, còn không quên gửi lại cho tôi hai cặp mắt khó chịu. Thật oan ức mà.
Chúng tôi tiếp tục đi, tiếp tục gặp gỡ nhiều người và tiếp tục trò chuyện, tất nhiên tôi chỉ có thể đứng một bên làm chân thính giả, thỉnh thoảng mới ậm ừ được đôi ba câu.
Ngồi xuống nghỉ một lát, thầy lại đưa xe chạy quanh thành phố một vòng ngắm cảnh mới đưa tôi trở về.
Lúc này hoàng hôn đã buông xuống, mặt trời đỏ như tơ máu nhuốm đỏ cả một vùng trời. Hình như mặt trời lớn lúc đi thì phải.
Trước khi ra xe, thầy đưa tôi mấy chiếc đĩa CD: "Khám phá thế giới", dặn dò rảnh rỗi thì xem và còn nhắc nhở tôi nói chuyện với mọi người nhiều hơn nhất là bố mẹ. Thầy cười, xoa đầu tôi bảo:
- Học trò! Hôm nay em ngoan lắm!
- ...
- Ngày mai tôi sẽ kiểm tra bài tập hôm nay đấy nhé. Mai gặp lại. Tạm biệt.
- Tạm... tạm biệt...
Tôi nhìn chiếc xe khuất sau dãy nhà đến mất tăm rồi mới mở cửa vào nhà. Bố mẹ vẫn chưa về. Tôi ngồi lại phòng khách, lấy cuốn sổ nhỏ ra, cẩn thận viết từng nét chữ:
[ Bài học thứ hai: ngoan ngoãn, sẽ được xoa đầu.]
Sau đó lại lên phòng đọc sách.
Tối, bố mẹ về, tôi nghe lời thầy mà nói chuyện với bố mẹ nhiều hơn. Mẹ tôi vui mừng đến độ nước mắt rơi lã chã. Tôi chỉ biết nhíu mày mà nói: " Đừng khóc ... nữa". Mẹ càng khóc dữ hơn đến độ bố phải khuyên nhủ một lúc mẹ mới nín khóc đi làm bữa tối. Tôi cũng đói rồi.
Lộ trình học của chúng tôi vẫn như cũ: 1 tiết học, 1 tiết thực hành. Địa điểm thực hành cũng rất phong phú, chúng tôi có tới trại trẻ mồ côi trong thành phố thăm các em nhỏ. Chúng rất vui vẻ khi có người tới nô đùa chạy nhảy không biết mệt. Đến khi chúng tôi phát kẹo lại rất biết nghe lời xếp thành hàng. Từng đứa nhỏ đến chỗ tôi nhận quà, tôi lại xoa đầu chúng, ngoan sẽ được xoa đầu mà. Thầy còn cùng bọn trẻ chơi trò vòng tròn lớn vòng tròn nhỏ. Bọn trẻ chơi đùa cười vui vẻ, thầy cũng cười. Tôi nhìn mọi người chơi, bất giác khóe miệng đã cong lên từ lúc nào. Nụ cười đầu tiên trong đời tôi. Tiếc là tôi chưa kịp thu lại nụ cười thầy đã nhìn thấy, hăm hở chạy đến vỗ vai tôi:
- Sau này em nên cười nhiều hơn!
Thầy cười cười kéo tôi ra chơi cùng bọn trẻ. Mấy sơ trong trại cũng không nhịn được nhìn theo chúng tôi cười. Tất cả mọi người, cả tôi đều cười.
[ Bài học thứ ba: trẻ con cần được chăm sóc đặc biệt.]
Chúng tôi còn tới vườn bách thú thăm quan các loài động vật lớn nhỏ. Tôi rất có hứng thú đi tham quan từng người bạn một. Thầy còn đặc biệt đưa tôi đi thăm "người họ hàng cũ": bạn khỉ con, không ngừng cười cười chỉ chỉ trỏ trỏ:
- Học trò! Em xem "họ hàng" nhà em vui tính thế kia em lại...
Tôi mới không có ngu ngốc, hành vi rối loạn như chúng. Tôi cũng không thích ăn chuối giống chúng nhé.
[ Bài học thứ tư: động vật nhỏ rất đáng yêu, trừ loài khỉ.]
Chúng tôi còn tới ngoại ô thành phố cắm trại đêm, cả bố mẹ tôi cũng đi nữa. Gần đó có cánh đồng lớn sắp đến mùa thu hoạch. Nhìn từ xa, thật giống như tấm thảm vàng rộng lớn. Đến gần:
- Sao nhìn... giống cỏ dại vậy?
Không biết cái này làm sao lại làm thành cơm nữa.
Bên cạnh cánh đồng có con đê lớn để ngăn nước sông mỗi khi lũ đến. Bố tôi hào hứng dẫn tôi đi dạy tôi cách thả diều để con diều bay lên cao nhất, cách giật dây diều nữa. Sau này mỗi lần nghĩ lại tôi thấy hình như ước mơ của tôi cũng theo cánh diều đó mà bay lên, bơi lượn giữa biển trời xanh thẳm.
Đến tối, bố lại dạy tôi cách dựng lều, còn nhắc nhở tôi, buổi tối nếu muốn ra ngoài phải làm sao.
Thầy có nhiệm vụ tìm củi, còn mẹ tôi làm nhiệm vụ quan trọng nhất: nấu ăn.
Chiều đến, chúng tôi ngồi quanh tấm thảm vừa ăn cơm lại trò chuyện rôm rả. Bố kể lại câu chuyện thời xưa khi bố và thầy còn đang là học sinh, trốn học, cúp tiết bao nhiêu lần. Mẹ và tôi chỉ nghe hai người huyên thuyên nhìn nhau cười cười, thỉnh thoảng lại thêm thắt vài ba câu.
Đêm, chúng tôi lại ngồi quây quần bên nhau cùng nướng khoai, trò chuyện ngắm trăng. Thầy đem ra một cái lọ nhỏ bằng thủy tinh, nói là quà thưởng cho tôi. Bên trong có rất nhiều vật nhỏ phát sáng bay lượn, trông thật đẹp. Tôi nghe theo lời thầy mở nắp ra, những ánh đèn nhỏ được tự do chui ra khỏi chiếc lọ chật hẹp bay lượn khắp không gian. Tôi thích thú mà ngắm nghía chúng cho tới khi chúng đã bay mất dạng mới không vui mà quay lại:
- Bay hết rồi!
Mọi người bật cười.
Thầy ngồi xuống cạnh tôi cùng ngắm trăng, ánh trăng cao ngất tròn vành vạnh làm tôi lại nhớ tới "Sự tích chú Cuội cung trăng mà mẹ từng kể". Thầy bất chợt đưa tay lên chỉ lên bầu trời, bảo tôi:
- Em có thấy ngôi sao gần mặt trăng nhất không?
Tôi gật đầu.
- Nó rất đặc biệt, màu đỏ không giống những ngôi sao khác.
Tôi rất không muốn phá hỏng trí tưởng tượng bay bổng của thầy, thực ra nó chỉ có màu cam thôi.
- Thầy cảm thấy đó là ngôi sao rực rỡ và sáng nhất trên bầu trời... giống như em vậy. Ngôi sao màu đỏ.
Tôi cười. Sao có thể so sánh người với sao chứ. Tôi cũng không phát sáng như nó. Nhưng lại không nhịn được ngước lên nhìn nó, khóe miệng mỉm cười. Thật đẹp.
Sau này tôi mới hiểu được ý nghĩa thực sự trong câu nói ấy của thầy, chỉ là rất lâu về sau mới thông suốt.
[ Bài học thứ năm: ở bên gia đình, cùng nhau ngắm bầu trời rất vui.]
Thầy cũng dẫn tôi đi rất nhiều nơi, tất nhiên lần nào cũng đi trên chiếc ô tô mà tôi cho là xấu xí bởi vì nó màu đen thui của thầy. Chỉ duy nhất một lần đi xe bus, và đó cũng là kỉ niệm đáng nhớ mà tôi nghĩ mình sẽ không quên.
Hôm ấy thầy nói tôi phải tập làm quen với cuộc sống giống như bình thường, đương nhiên, công việc tập làm quen ấy bắt đầu từ việc đi đến chỗ đông người, điển hình là xe bus.
Khi mới lên xe, khách chưa có nhiều lắm nên hai thầy trò ngồi thư thả ở ghế gần cuối xe. Càng ngày càng nhiều người tới hơn nữa làm cho xe đông nghịt người, chật chội làm người ta nóng nảy, bực bội, đâu đó còn nghe thấy tiếng chửi rủa của ai đó.
Tôi ngồi cạnh cửa sổ, nghiễm nhiẻn có thể ngắm quang cảnh thành phố một lượt rồi, thầy ngồi bên cạnh. Chiếc xe dừng lại đón thêm một lượt khách nữa, lên xe có một bà cụ đi về phía cuối xe, có vẻ như muốn tìm chỗ ngồi. Thầy lại đứng lên, mời bà cụ ngồi vào chỗ mình, bà cụ rối rít cảm ơn, thầy cười nhẹ: "chỉ là phép lịch sự thôi cụ".
Lịch sự à!
Tôi đương nhiên hiểu phép tắc liền đứng dậy mời một chàng thanh niên đang đứng ngay cạnh thầy tới ngồi chỗ của mình. Tất cả mọi người trên xe trố mắt nhìn tôi, thấy anh chàng thanh niên kia định nói gì đó, tôi đã đẩy anh ta lại ngồi vào ghế mình, còn không quên khách sáo nói:
- Không cần cảm ơn! Phép lịch sự tối thiểu mà.
Lần này mọi người lại được phen kinh hãi, có cần biểu hiện rõ vậy không. Thầy chỉ nhìn tôi lắc đầu bất đắc dĩ cười. Tôi lại xem đó là nụ cười khích lệ mà vui vẻ suốt chặng đường. Kết quả anh chàng kia vừa vó tín hiệu tới trạm đã nhanh chóng chen lấn vô số người mà bước chân xuống xe.
Sau này tôi mới biết không phải là ai cũng có thể nhường ghế ngồi, ví dụ là tôi vừa rồi...
Trạm kế tiếp có người xuống xe, có người lại lên, tôi vẫn duy trì tư thế đứng cạnh thầy. Đứng trước tôi là một người phụ nữ đã bước sang tuổi tứ tuần, khuôn mặt đánh một lớp phấn dày nhưng vẫn không ngăn nổi vết lão hóa trên mặt. Duy nhất có người phụ nữ này làm cho tôi thấy ấn tượng vì mùi nước hoa nồng nạc trên người làm cho tôi thấy khó chịu.
Nhưng để ý tôi lại thấy trên chiếc túi xách bên hông có đeo cái móc khóa hình ngôi sao năm cánh màu vàng đỏ. Tôi rất thích nhé, thầy nói tôi giống ngôi sao màu đỏ mà. Tôi liền không nghĩ ngợi đưa tay lên vuốt vuốt cánh ngôi sao, thầm mong có được nó.
Bất ngờ, người phụ nữ này lại đột nhiên xoay người lại nắm chặt lấy cánh tay tôi làm tôi chợt sợ hãi, giằng co rụt tay lại. Nhưng đâu có dễ như thế, huống chi tôi chỉ là đứa bé 12 tuổi.
- Cái con ranh này, mày làm gì túi bà đấy hả? Định móc túi hả? Nhìn mày có ăn có học vậy mà lại đi ăn cắp hả? Đúng là đồ vô giáo dục.
Tôi đau đớn muốn giựt tay lại. Chuyện này đã làm kinh động tất cả mọi người trên xe, ai ai cũng nhìn chằm chằm về phía chúng tôi. Thầy định lên tới gỡ tay bà ta ra nhưng bà ta đã rút tay lại, cho tay vào túi kiểm tra.
Thầy cầm lên cổ tay hằn dấu đỏ của tôi không khỏi nhíu mày. Hỏi tôi có sao không, tôi lắc đầu.
Người kia đã kiểm tra xong lại phát hiện chiếc điện thoại đắt tiền mới mua của mình đã không cánh mà bay, kinh hoảng mà hét lên một tiếng chói tai:
- Mày ... mày đã ăn cắp điện thoại của tao đúng không? Mày giấu ở đâu, mang ra đây cho tao.
Nói rồi định sấn tới muốn lục soát tôi, thầy đã lên trước một bước ngăn bà ta lại.
- Chị này! Dựa vào đâu chị nói con bé lấy cắp điện thoại của chị? Chị có chứng cớ không? Còn nữa chị chưa có bằng chứng đã đổ tội cho người ta, còn mắng chửi người ta. Chị xem lại xem ai mới là người vô giáo dục.
Tất cả ánh mắt đều đổ dồn về phía mình bà ta giận tím mặt.
- Lúc nãy tôi thấy nó đưa tay chạm vào túi tôi, không phải nó thì còn ai nữa?
- Chẳng lẽ cứ động vào túi của chị là ăn cắp đồ của chị sao?
- Vậy chứ điện thoại của tôi đã bay đi đâu chứ?
- Cái này sao lại hỏi tôi. Nhỡ đâu chị bỏ quên ở đâu đó thì sao? Không bằng bây giờ chị đọc số điên thoại cho tôi, thử gọi xem.
Tôi đứng ngây ngốc nhìn, bộ não chậm tiêu hóa không cách nào hiểu được rốt cục là cái gì đang diễn ra.
Điện thoại nhanh chóng được kết nối. Bỗng có tiếng nhạc chuông phát ra phía đầu xe.
- Đó là chuông điện thoại của tôi.
Người đàn ông trẻ bối rối không biết làm thế nào khi xe vẫn chạy mà cửa xe vẫn đóng. Cuối cùng cũng tìm được thủ phạm, người phụ nữ kia hướng chúng tôi xin lỗi rối rít. Đến trạm tiếp theo, chúng tôi xuống xe.
- Tay còn đau không?
Tôi lắc đầu, tiếp tục bước theo thầy.
- Đứa bé này! Sao lại không tức giận, thanh minh cho chính mình chứ?
- Sao phải làm thế?
- Là con người ai ai cũng phải có cảm xúc vui buồn giận hờn yêu ghét. Như thế mới tốt.
Tôi ngẫm nghĩ một hồi lại gật đầu xem như hiểu.
- Sau này nếu vui thì cười, nếu buồn thì khóc, nếu oan ức thì tức giận. Nghe không? Đừng có ngốc lúc nào cũng im lìm mà chịu ấm ức.
- Vâng.
[ Bài học thứ sáu: vui - cười, buồn- khóc, bực- tức giận. Không được để chịu oan ức.]
_____________________________
Đã bao lâu rồi nhỉ, chính xác đã tròn hai tháng lẻ hai ngày thầy bắt đầu làm giáo viên của tôi. Cuốn sổ nhỏ của tôi đã ghi rất nhiều bài học, đã sắp kín sổ rồi. Thầy đã dạy cho tôi rất nhiều bài học, kể cho tôi rất nhiều câu chuyện.
Thầy dạy tôi cách nói chuyện, cách bày tỏ cảm xúc, cách đối nhân xử thế, những điều căn bản cần có ở một con người. Thầy dạy tôi biết tình nghĩa là gì, biết thế nào là chân thành, trung thực, biết yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Thầy còn dạy tôi cả đức tính khiêm tốn, khiêm nhường giống như thầy vậy. Thầy dạy tôi cách hòa hợp với thiên nhiên, cách trò chuyện với cỏ cây hoa lá, cách để mọi người đều yêu quý mình. Thầy dạy tôi cavhs mỉm cười với khó khăn, cách cố gắng vượt qua thử thách, cách mơ ước và thực hiện ước mơ. Thầy đã dạy cho tôi rất nhiều thứ...
Tôi bắt đâu nói chuyện nhiều hơn, thành thạo hơn. Đã nói cười nhiều hơn. Đối với sự thay đổi tích cực của tôi, bố mẹ tôi mừng tới phát khóc. Bữa cơm gia đình trở lên ấm cúng hơn rất nhiều, tôi còn theo mẹ vào bếp học hỏi làm một số thao tác cắt thái đơn giản. Cuối tuần lại cùng nhau đi chơi. Tôi bây giờ đã có thể tự mình ra khỏi nhà mà không cần có người bên cạnh.
Nói thế nào nhỉ, trước khi thầy đến, tôi chỉ là một con bé mắc chứng tự kỷ tự nhốt mình trong nhà, hoàn toàn không quan tâm tới mọi thứ xung quanh. Thầy đến giống như một mặt trời nhỏ chiếu sáng khắp căn phòng tối trong tôi. Nếu nói con người trước kia của tôi giống người đã chết, chỉ có cái xác biết đi thì bây giờ tôi như được tái sinh thành một con người hoàn toàn mới. Và chính thầy là nhân tố quang trọng nhất trong việc bắt đầu cuộc sống mới của tôi.
Đối với sự có mặt của thầy tôi đã xem như là lẽ đương nhiên giống như bố mẹ vẫn luôn bên cạnh tôi mà chưa từng nghĩ tới việc một phần cuộc sống của mình biến mất tăm hơi khỏi cuộc đời mình.
Ngày 20 tháng 11 năm đó, tôi biết đó là ngày kỉ niệm hiến chương các nhà giáo. Buổi sáng học tại nhà, tôi mua một món quà nhỏ theo ý kiến đóng góp của bố mẹ, tặng thầy. Đó là một cái kẹp mạ vàng, thầy rất thích liền kẹp luôn lên cà vạt, rất hợp với thầy.
Buổi học vẫn tiếp tục như bình thường, tôi còn nhớ thầy kể cho tôi câu chuyện về con cá nhỏ không nghe lời mẹ, muốn lên khỏi mặt nước, cá nhỏ chết. Mẹ cá nhỏ vì muốn cứu con mà đã chấp nhận được chết thay con để cho con được sống.
- Em thấy không. Người ta có thể hy sinh tất cả để bảo vệ thứ quan trọng nhất đời mình. Cha mẹ có thể hy sinh tất cả để bảo vệ con cái của mình vì con cái đối với họ rất quan trọng. Nhưng mà cũng có cha mẹ lại không hề quan tâm tới con cái mình, con mình chịu nhiều oan ức cũng không hay biết...
Thanh âm nhỏ dần giống như thầy đang nói cho chính mình nghe. Thầy cúi thấp đầu xuống, ánh mắt bi thương mà nhìn vào hư không. Lần đầu tôi mới thấy thầy buồn như vậy.
Nhanh chóng thu bộ dạng kia lại giống vừa rồi không phải thầy vậy.
- Vậy cho nên em phải cảm ơn bố mẹ rất nhiều vì đã luôn yêu thương, quan tâm em. Em thật hạnh phúc khi có những người cha, người mẹ như vậy.
- Cảm ơn là sao?
- Khi người ta làm giúp mình việc gì đó ta nên nói tiếng cảm ơn.
- À! Vậy ... em cảm ơn thầy.
Thầy lại sững sờ. Không biết vẻ mặt này tôi đã từng thấy bao nhiêu lần rồi. Thầy bảo tôi luôn làm người khác bất ngờ đến sững sờ. Không phải hay sao, thầy đã giúp tôi rất nhiều, không phải nên nói cảm ơn sao?
- Ừ! Là thầy cảm ơn em mới đúng.
Sao lại cảm ơn tôi, tôi đã giúp thầy làm gì sao?
Thầy còn dạy tôi khi làm gì khiến người khác khó chịu phải xin lỗi, như thế mới ngoan.
[ Bài học thứ bốn mươi tám: biết nói cảm ơn, xin lỗi mới là đứa trẻ ngoan.]
- Bố mẹ thầy thì sao?
-... Thầy không biết nữa ... Từ nhỏ thầy đã sống cùng ông bà ngoại rồi.
- Xin lỗi thầy.
Tôi không ngờ thầy lại có quá khứ không mấy vui vẻ ấy, chỉ biết cúi thấp người mà xin lỗi. Nhưng thầy chỉ cười nhẹ nói không sao.
Chiều, chúng tôi tiếp tục đi thực nghiệm, địa điểm lần này là trường học. Đây là lần đầu tiên tôi tới trường học, nghe đây là trường cấp hai thầy đã từng theo học. Tôi quan sát tổng thể ngôi trường, ừm khá rộng, khuôn viên lớn, có ba dãy nhà hai tầng và một dãy biệt lập làm văn phòng trường.
Vì hôm nay là ngày đặc biệt nên tất cả học sinh đều có mặt ở sân trường để tổ chức hội chợ trò chơi. Các giáo viên đều ở các gian hàng vui chơi cùng học sinh còn không thì cũng ở văn phòng tiếp cựu giáo viên hay cựu học sinh của trường. Thầy dặn dò tôi ngồi xuống ghế đá đợi thầy một lát, thầy đi thăm hỏi các thầy cô một lát.
Tôi ngoan ngoãn ngồi im, nhìn dáo dác xung quanh, tiếng ồn ào làm tôi cảm thấy thật khó chịu. Lại nhìn vào một gian hàng bán đồ trang sức, tôi thấy có sợi dây chuyền hình ngôi sao năm cánh rất đẹp. Nghĩ thế nào lại đứng lên đi về phía gian hàng vừa nhìn trúng, cầm lên sợi dây chuyên mà ngắm nghía, nhưng ngôi sao này không có màu đỏ mà là màu trắng bạc. Tôi lại bỏ xuống tìm kiếm sợi dây chuyền khác, nhưng cũng không có cái nào màu đỏ như ngôi sao màu đỏ kia. Nhìn lại tôi đã thấy mình hình như lạc đi đâu mất rồi. Vừa nãy không nhìn đường nên để tìm về chỗ cũ cũng có chút khó khăn.
Đi được nửa đường tôi đã thấy thầy hớt hải chạy tới chỗ mình, trên trán lấm tấm mồ hôi.
- Em có sao không? Thầy tìm em nãy giờ đó? Sao lại đi một mình?
- Em không sao, chỉ đi xem một chút thôi.
Thầy nhìn tôi không nói gì. Dẫn tôi trở về chỗ cũ bảo tôi ngồi chờ thầy rồi lại đi ra phía cổng trường.
Tôi có chút lo lắng, không phải thầy tức giận rồi đấy chứ, vì tôi không nghe lời mà đi lung tung. Tôi rất lo lắng, thầy đi đã hơn năm phút rồi vẫn chưa về.
Tôi rất không kiên nhẫn mà đứng dậy theo hướng thầy vừa đi, tôi muốn đi tìm thầy, xin lỗi thầy.
Tôi không biết đi đâu chỉ biết cứ thẳng phía trước mà đi tới, mắt vẫn hướng về phía trước tìm bóng dáng thầy.
Chợt phía sau tôi vang lên tiếng gọi lớn:
- Học trò.
Tôi nhận ra tiếng thầy, định bụng quay lại nhưng một lực đạo lớn đẩy tôi về phía trước khiến cho tôi ngã vòng nhào vào vệ đường. Âm thanh tiếng ô tô phanh gấp như rít gào trong gió. Một tiếng bịch lớn vang lên làm mọi người hoảng hồn. Một cơ thể con người từ trên mui xe lăn xuống vài vòng rồi bất động trên đường.
Lòng tôi bỗng chốc sợ hãi. Mặc kệ chân tay xây xát đến rướm máu, bò dậy đi từng bước đến chỗ vừa nãy người đó vừa ngã xuống. Thực ra toii muốn chạy thật nhanh đến đó nhưng đôi chân lại như mất sức. Đám đông vây quanh càng ngày càng nhiều. Tôi ngồi sụp xuống bên cạnh thầy.
Cả người thầy, cả chiếc áo sơ mi trắng đều nhuốm máu trông như đang mặc chiếc áo màu đỏ vậy. Dòng chất lỏng từ trán cao không ngừng rỉ ra tựa như không hề có xu hướng ngừng chảy. Khuôn mặt thầy trắng bệch, nhuốm máu, rất nhiều.
Xung quanh người bàn ra tán vào không ngừng:
- Người đàn ông đó là ai vậy?
- Tội nghiệp quá.
- Ai đó gọi xe cứu thương đi.
- Cô bé kia chắc là học sinh?
- Ừ! Vừa nãy thấy anh ta gọi " học trò" mà.
- Tội nghiệp thật! Con bé khóc rồi kìa!
-.....
Khóc sao? Không thể nào? Sao tôi lại khóc...
Một giọt nước óng ánh chạm vào mu bàn tay tôi, chân thật. Chắc là do mưa thôi. Nhưng xung quanh tôi lại không hề có giọt mưa nào. Tôi đưa tay lên lau má lại thấy tay mình đầy vệt nước. Còn có vị mặn chát nơi khóe miệng nữa. Không còn nhầm lẫn gì nữa, tôi đã khóc. Bố mẹ tôi từng nói tôi chưa từng khóc, ngay cả khi mới sinh ra, làm cách nào cũng không làm tôi khóc được. Nghiễm nhiên những giọt nước mắt bây giờ là lần đầu tiên trong đời. Nhưng tôi không muốn chút nào, vì khóc, rất đau, giống như tôi bây giờ vậy.
- ... Đừng ... khóc...
Tôi nghe thấy tiếng thầy khó nhọc mà lên tiếng. Lại nghe thấy tiếng nức nở của mình gọi thầy, tiếng gọi như nghẹn ở cổ họng.
- ... Thầy ...không sao... không ... phải lỗi... tại em ...
Tôi chỉ biết khóc, bàn tay nắm chặt tay áo thầy tựa như nếu bỏ ra, thầy sẽ đi mất.
- ... Sau này... nếu buồn... cứ ... khóc...
Tôi đã nghe hàng trăm lần cái câu" sau này ... sau này...". Đến nước này mà thầy còn ...
- Em không nghe! Thầy, thầy về dạy em!
Thầy cười khẽ, lồng ngực phập phồng liên tục, tôi biết lúc này thầy đang rất đau đớn. Thầy lại cố sức đưa bàn tay kia đang cầm chặt một cuốn sách. Cuốn sách bị thầy cầm chặt tới mức nhàu nát, cũng nhuốm đỏ màu máu cả một vùng.
Tôi nhận lấy cuốn sách từ tay thầy. Thầy thều thào nói:
- ... Đây là... thưởng ...cho em... tìm mãi... mới... còn một ...cuốn
Thì ra lúc nãy là thầy đi mua sách. Tôi càng khóc dữ hơn.
Thầy run rẩy lấy trong túi áo ra một cuốn sổ nhỏ màu trắng, rất giống cuốn sổ của tôi, được bọc trong một lớp ni lông mỏng. Những giọt máu loang lổ như đã thấm vào cuốn sổ. Tôi nhận lấy cuốn sổ.
- ... Sau này... có điều ...gì ... không hiểu...muốn... hỏi thầy... nhớ ... viết vào đây... đến khi... hết thì thôi... lúc đó... nếu thầy... trở về... được... thầy sẽ ... dạy em...
Còn nếu thầy không về thì sao? Trăn ngàn lần tôi không muốn nói ra câu này chút nào.
Thầy nhắm tịt mắt lại, ngực vẫn phập phồng. Tôi chỉ biết níu chặt hơn tay áo thầy. Lần này thầy khó nhọc mở mắt nhìn về cái bóng ngay trước mặt mình, thều thào nói:
- ... Con gái... ngoan... bố ... không sao... đừng khóc... ngoan...
Thầy nói dối, rõ ràng đã đau đớn đến thế còn nói không sao.
Tôi không còn nghe tiếng thầy nữa. Cũng không nghe thấy tiếng mọi thứ xung quanh nữa. Trong đầu tôi chỉ văng vẳng câu chuyện con cá nhỏ mà thầy kể sáng nay.
Cá nhỏ không nghe lời mẹ, muốn lên khỏi mặt nước, nó chết. Mẹ cá nhỏ vì cứu nó đã chấp nhận hy sinh để cho nó sống. Cá nhỏ không nghe lời mẹ, muốn lên mặt nước.... mẹ cá nhỏ chấp nhận hy sinh để cho nó sống. Cá nhỏ không nghe lời. Mẹ cá nhỏ vì cứu nó mà đã hy sinh. Mẹ cá nhỏ chết vì cá nhỏ không nghe lời.
Khuôn mặt thầy không còn trắng bệch nữa nhưng lại lạnh ngắt, bàn tay thầy cũng lạnh ngắt. Tôi thấy thầy đang mỉm cười dù đôi mắt vẫn nhắm, nụ cười giống như mọi lần thầy vẫn cười khi xoa đầu tôi nói:
- Hôm nay em rất ngoan!
Hoặc có thể do tôi đã nhầm.
Tôi không khóc thành tiếng nữa, nhưng nước mắt vẫn không nghe lời chảy ròng ròng, có lau bao nhiêu cũng không hết. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã khóc nhiều như thế.
Tôi buông tay áo thầy ra, góc áo nhăn nhúm như muốn rách. Lại lau sạch hai bàn tay nhuốm đầy máu vào hai bên góc áo mình. Lặng lẽ lấy cuốn sổ nhỏ của mình, ghi lại bài học cuối cùng thầy dạy tôi:
[ Bài học thứ bốn mươi chín- bài học cuối cùng: nói dối sẽ rất đau.]
Nét chữ run rẩy không thẳng hàng trông rất xấu, khác với những nét chữ thẳng tắp bên trên kia.
Một giọt nước mắt lăn xuống làm nhòe mờ đi chữ " đau". Màu mực đen thấm nước chạy dọc như sợi chỉ nhỏ lan sang những nơi khác giống như tia máu màu đen nhánh.
----------------------------------------------
Tầm mắt tôi lúc này chỉ thu nhỏ lại trong tấm ảnh một người đàn ông với nụ cười rạng rỡ đang đứng cạnh một bé gái tầm 12 tuổi mặc đầm trắng, dáng người nhỏ nhắn với nụ cười mỉm giống như một thiên thần nhỏ. Người đàn ông đó là thầy của tôi, bé gái đó chính là con gái thầy.
Sau vụ tai nạn đó, tôi mới biết rằng hiểu biết của tôi về thầy rất hạn hẹp. Ngay cả tên thầy sau này tôi mới biết. Thầy không phải là giáo viên như tôi vẫn nghĩ, thầy là bác sĩ khoa tâm lý, có hẳn một phòng khám lớn khá nổi tiếng ở trung tâm thành phố. Vợ thầy đã mất khi mới sinh đứa con gái duy nhất. Con gái thầy là một cô bé dễ thương nhưng lại cũng mắc chứng tự kỷ giống như tôi. Thật nực cười khi con gái của một bác sĩ tâm lý lại mắc bệnh tâm lý. Ba tôi nói là do thầy quá sốc sau cái chết của vợ nên đã để con gái cho ông bà ngoại lo, còn mình thì cặm cụi làm việc đến quên cả thời gian.
Khi phát hiện ra bệnh tình của con gái thì cũng là đã hơn mười năm sau. Khi ấy thầy mới dành tất cả thời gian để chữa bệnh cho con. Bệnh tình hồi phục rất nhanh nhưng đáng tiếc cô bé lại bị tai nạn xe trong khi thầy đang đi mua chiếc bánh kem mà con gái thích nhất.
Sau đó, qua lời bố, thầy biết được bệnh tình của tôi giống hệt con gái mình. Thầy bất chấp bỏ cả phòng khám, từng bước tiến vào thế giới của tôi, kiên nhẫn chữa bệnh cho tôi. Thầy nói với bố bởi vì không muốn có người thứ hai giống con gái mình.
- Thật tội nghiệp.
Mẹ tôi nói thế. Nhưng tôi chỉ nghĩ tới câu nói cuối cùng của thầy khi ấy. " Con gái" mà thầy nói có phải đang nói với tôi hay thầy chỉ đang mê man nhớ tới con gái mình mà nói? Cái này tôi không biết. Tôi không biết thầy đã phải trải qua một đoạn thời gian như vậy, nhưng thầy vẫn mỉm cười với tôi.
Thầy không phải giáo viên nhưng thầy mãi mãi là thầy của tôi.
Thoát khỏi vài phút hoài niệm, tôi vẫn đứng yên nhìn tấm ảnh. Đã 5 năm rồi, nhanh như vậy. Hằng năm cứ vào ngày đó, người ta thì vui vẻ tới trường tham gia lễ kỉ niệm, chỉ có mình tôi tới nhà để tro cốt để gặp thầy. Đã bao lâu rồi tôi không được gọi tiêng thầy. Đã bao lâu rồi, tôi không còn nghe tiếng thầy kể chuyện, tiếng thầy nhắc" sau này ... sau này...", tiếng thầy mỗi lúc xoa đầu nói với tôi:
- Hôm nay em ngoan lắm.
Từ sau đó, tôi không còn cười nhiều, ít nói, không còn khóc nữa. Tôi vẫn nghe lời thầy nhưng tôi chỉ nói, cười, khóc với những người thân thiết với tôi và... không nói dối tôi, tôi không thích nói dối, ít nhất là vậy.
Về chứng tự kỷ của tôi, tôi đã khỏi bệnh, theo chuẩn đoán của bác sĩ là thế. Chỉ là đã sống khép kín quá lâu, lại còn dư chấn tâm lý sau vụ tai nạn đó mới khiến tôi trở nên như bây giờ.
Vài tháng sau đó, tôi đã bắt đầu tới trường học. Tất cả mọi kiến thức học được trong lúc bệnh cùng sự cố gắng của mình tôi đã theo kịp các bạn cùng tuổi. Tôi đi học, giống như những gì thầy và bố mẹ mong muốn. Và tôi luôn cố gắng để thực hiện ước mơ của mình, cố gắng như chính tôi mong muốn.
Tôi muốn thành nhà văn, kể chuyện giỏi như thầy khiến cho ai nghe cũng không thể không nhớ đến. Tôi muốn kể những câu chuyện chân thật, sâu sắc và mang nhiều bài học đạo lý giống câu chuyện thầy kể. Tôi muốn kể về câu chuyện của chính tôi, đứa trẻ bắt đầu có được ký ức từ một người thầy không có bằng cấp sư phạm. Tôi muốn kể về chính cuộc đời của thầy, người đã giúp tôi vượt qua mặc cảm bệnh tật trở về cuộc sống của người bình thường.
Vì vậy tôi luôn cố gắng hơn người bình thường.
-------------------------------------------------
Cuốn sổ nhỏ ghi 49 bài học của tôi, tôi vẫn còn giữ, đặt trong chiếc hộp lớn khóa kĩ. Tôi nhớ như in, thậm chí thuộc làu làu từng trang, từng bài học, thuộc như thuộc bảng cửu chương vậy.
Kỷ vật của thầy, tôi vẫn còn giữ. Cuốn sách thầy tặng, tựa đề là" Không gia đình" của Hector Malot giá sách của tôi cũng có nhưng tôi vẫn đọc đi đọc lại cuốn sách ấy hàng ngàn lần, đọc xong lại gấp lại cẩn thận bỏ riêng trong chiếc hộp lớn có khóa, cuốn sách mang đầy vết hoen ố màu đất.
Cuốn sổ thầy tặng tôi, tôi vẫn giữ nó bên mình. Tôi đã cố gắng tìm tòi để hiểu tất cả mọi thứ trước khi nó hình thành câu hỏi trong đầu tôi. Thế nhưng cuốn sổ đó ngày ngày vẫn có nét chữ ngắn gọn, chen chúc nhau trên một dòng, đến hôm nay nó đã sắp đầy rồi, chỉ còn ba dòng nữa thôi.
Tôi lấy bút ra ghi nốt 3 dòng còn chưa viết đó, lại gấp cuốn sổ lại, bỏ vào bên cạnh hũ men sứ tinh xảo kia. Lại nhìn sang phía bên cạnh, con gái thầy ở ngay bên cạnh thầy, cô bé trông như thiên thần có nụ cười tuyệt đẹp ấy, rồi mới luyến tiếc bước ra ngoài.
Thầy! Em cảm ơn thầy. Lời cảm ơn trân thành từ một người học trò gửi tới thầy. Từ giờ em sẽ sống thật tốt, cố gắng thật nhiều để thực hiện ước mơ của mình.
Tôi tự nhủ như thế rồi bước ra khỏi nhà để tro cốt.
Mặt trời chiều màu vàng cam, tròn tròn đầy đầy như chiếc bánh rán, không gay gắt nhưng lại làm tôi thấy chói mắt. Giống như ngày đầu tiên thầy dẫn tôi bước ra khỏi chiếc lồng chật hẹp, đặt chân vào thế giới xa lạ này.
[ Thầy ơi! Em đã viết hết cuốn sổ thầy tặng rồi, cũng viết rất nhiều câu hỏi rồi! Tại sao thầy vẫn chưa về?]
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top