LỜI NÓI ĐẦU

Nói chung, chúng ta không thể nào hiểu nổi cái cảm giác rằng mình không có tí tí quyền lực nào đối với những con người và sự kiện xung quanh ta. Ai cũng muốn có nhiều quyền lực hơn, không ai muốn nhường bớt. Tuy nhiên trong thế giới ngày nay, thật nguy hiểm khi để mọi người nhìn thấy mình quá khát khao quyền lực, hoặc quá lộ liễu trong việc mưu cầu quyền lực. Chúng ta phải tỏ ra vừa phải và biết điều. Vì vậy ta cần phải tinh vi - tỏ ra tương đắc nhưng bên trong thì láu lỉnh, bề ngoài dân chủ nhưng lòng dạ lại thủ đoạn.

Trò chơi hai mang này giống với việc mưu cầu quyền lực từng tồn tại ở các triều đình xưa kia. Điểm lại lịch sử, ta thấy một triều đình tự hình thành quanh người quyền lực - nhà vua, hoàng hậu, hoàng đế, lãnh tụ. Các quần thần trong những triều đình ấy chiếm một vị thế hết sức tế nhị; Họ phải phục vụ chủ nhân, nhưng nếu tỏ ra quá xum xoe, nếu cầu xin ân huệ một cách quá lộ liễu, những triều thần khác sẽ chú ý và hãm hại. Vì vậy mọi cố gắng để lấy lòng quan thầy đều phải hết sức tinh vi. Ngay cả những triều thần tài ba nhất, tinh tế nhất cũng phải có phương cách tự vệ đối với bạn đồng triều, những người bạn ấy luôn tìm cách hất chân anh ra khỏi vị trí vốn đang được chiếu cố.

Thế mà lẽ ra triều đình phải đại diện cho đỉnh cao của văn minh và tao nhã. Mọi động thái mưu cầu quyền lực quá tàn bạo hoặc công khai sẽ bị chỉ trỏ. Các quần thần sẽ hành động âm thầm và bí mật để chống lại những đồng liêu nào dùng bạo lực. Đó chính là tình huống khó xử của một triều thần: Một mặc phải chứng minh ta là điển hình của lịnh lãm, mặt khác phải khôn ngoan để đánh bại đối thủ bằng những phương pháp tinh vi nhất. Qua thời gian, một triều thần thành công hiểu rằng mọi nước cờ điều phải gián tiếp, nếu muốn đâm sau lưng bạn đồng liêu thì phải mang găng nhung, mặt phải nở nụ cười ngọt lịm nhất. Thay vì phải áp bức hay phản bội, một triều thần hoàn hảo đạt đến mục đích bằng sự cám dỗ, mê hoặc, lừa bịp, và chiến lược tinh vi, luôn phải dự kiến sẵn sàng nhiều nước cờ. Cuộc sống ở triều đình là thứ trò chơi không bao giờ kết thúc, nó đòi hỏi người ta phải cảnh giác thường xuyên và tư duy chiến thuật. Đó là cuộc chiến văn minh.

Ngày nay chúng ta chứng kiến một nghịch lý tương tự đối với cách hành xử của một triều thần. Mọi hành động đều có vẻ văn minh, tử tế, dân chủ, và công bằng. Nhưng nếu ngây thơ chơi đúng theo những quy tắc ấy, ta sẽ bị nghiền nát bởi những thành phần không dại dột gì tuân theo. Như nhà ngoại giao nổi tiếng thời Phục hưng là Niccolò Machiavelli nhận xét, "Bất kỳ người nào cố gắng để luôn tử tế, thì chắc chắn sẽ tàn lụi giữa số đông không tử tế."

Triều đình tự tạo cho mình hình ảnh của đỉnh cao tao nhã, nhưng bên dưới cái vẻ lung linh đó là một hỏa lò sục sôi những tình cảm đen tối - tham lam, gang tỵ, dục vọng, ghen ghét. Thế giới chúng ta ngày nay tưởng tượng rằng mình là đỉnh cao công bằng, song những tình cảm xấu xa ấy vẫn khuấy động trong ta, như vẫn luôn khuấy động từ bao giờ. Cuộc chơi vẫn là một. Bề ngoài ta có vẻ tuân theo lối chơi đẹp, nhưng bên trong, trừ khi quá ngây thơ khờ dại, ta nhanh chóng học bài cẩn trọng, và hành động như Napoléon từng khuyên nhủ: "Bàn tay sắt bên trong cái găng nhung". Nếu tựa như một triều thần của thời xa xưa trước, ta có thể thành thạo nghệ thuật đánh lạc hướng, biết cách quyến rũ, mê hoặc, lừa bịp, và tinh vi đánh lừa các đối thủ, thì ta sẽ đạt đỉnh cao của quyền lực. Ta sẽ có khả năng làm người khác thuận theo ý chí ta, mà họ không hề ngờ ta đang điều khiển họ. Và nếu không hề ngờ, thì họ sẽ không bao giờ cay cú hoặc kháng cự ta.

Đối với nhiều người, việc chơi trò chơi quyền lực một cách có ý thức - cho dù chỉ là gián tiếp - có vẻ như xấu xa, phi xã hội, như một di tích của quá khứ. Họ bảo là mình có thể rút chân ra khỏi cuộc chơi, bằn cách sử xự như thế họ không dính dáng gì đến quyền lực. Ta cần phải đề phòng dạng người này, bởi vì ngoài miệng nói như vậy, song thật ra thường khi họ là những tay chơi thứ thiệt. Đó là những chiến lược khôn ngoan để nghi trang bản chất của sự thao túng đang được sử dụng. Chẳng hạn như họ muốn cho người khác thấy rằng sự yếu đuối và không có quyền lực mới là quân tử. Nhưng người thật sự không có quyền lực, nếu không vì động cơ hoặc tư lợi nào, thì hiệu quả, tinh vi và mang tính chất lừa đảo, trong trò chơi quyền lực. Một chiến lược khác của người mưu cầu quyền lực là đòi hỏi sự công bằng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ai ai cũng phải được đối xử bình đẳng, cho dù thân thế hay quyền lực họ như thế nào. Nhưng nếu vì không muốn mang tiếng là trò chơi quyền lực mà ta phải đối xử bình đẳng với mọi người, thì ta xử trí như thế nào đây khi có người này giỏi hơn người khác? Đối xử bình đẳng có nghĩa là phớt lờ những dị biệt giữa mọi người, nâng người dở lên và hạ người giỏi xuống. Một lần nữa, ta cần nhớ rằng những người cổ xúy bình đẳng như thế, thật ra họ đang triển khai một chiến lược quyền lực khác, nhằm tái phân phối phúc lợi cho mọi người theo cách họ muốn.
Vậy hóa ra để tránh tham dự vào trò chơi quyền lực, ta phải tuyệt đối lương thiện và trung thực, bởi vì bọn tranh giành quyền lực thường lừa đảo và bí hiểm. Nhưng thái độ tuyệt đối lương thiện chắc chắn sẽ xúc phạm rất nhiều người, và vài người trong số đó sẽ quật lại ta. Sẽ không ai xem thái độ lương thiện của ta là hoàn toàn khách quan, hoàn toàn không có động cơ cá nhân nào. Và họ đúng: Thật ra việc sử dụng sự lương thiện chỉ là một chiến lược quyền lực, nhằm thuyết phục người khác tin rằng ta cao thượng, hảo tâm, và vô vụ lợi. Đó chỉ là một hình thức thuyết phục, thậm chí đó là một dạng thúc ép tinh vi.
Cuối cùng những ai rêu rao rằng mình không tham dự cuộc chơi có thể giả vờ ngây thơ, để mọi người không lên án họ đang tranh giành quyền lực.

Tuy nhiên ta nên cảnh giác, bởi vì cái vẻ ngây thơ cụ đó lại là một phương tiện lừa đảo rất hiệu quả (xem Nguyên tắc 21, Giả điên hạ địch). Và thậm chí ngay cả người thật sự ngây thơ cũng chưa chắc là không muốn mưu cầu quyền lực. Ngây thơ nhất là trẻ em, nhưng thường khi nhiều hành động của chúng vẫn xuất phát từ nhu cầu cơ bản là điều khiển những người quanh chúng. Chúng rất đau khổ khi cảm thấy mình bất lực trong thế giới của người lớn, vì vậy chúng dùng mọi cách để có được thứ chúng muốn. Những người thật sự ngây thơ vẫn có thể mưu cầu quyền lực, và thường khi họ hành động hiệu quả một cách khủng khiếp, vì họ không bị cản trở bởi bất kỳ suy nghĩ nào cả. Vậy ta hãy nhớ rằng ai phô trương hay trình diễn vẻ thơ ngây sẽ là kẻ ít ngây thơ nhất.
Với những người rêu rao không tham quyền, ta có thể nhận ra họ qua cách họ hô hào nào là đạo đức, lương tâm, công bằng. Nhưng vì ai cũng khao khát quyền lực và hầu như mọi hành động của chúng ta đều hướng về đó, nên ta biết rằng những người vừa kể thật ra chỉ định tung hỏa mù, dùng cái bình phong đạo đức để che đậy ý đồ của họ. Nếu quan sát kỹ, ta sẽ nhận thấy rằng họ thường là một trong những bậc thầy về kỹ năng thao túng gián tiếp, thậm chí một số bậc thầy ấy lại hành động theo vô thức.
Nếu thế giới này giống như một sân chơi cho những triều thần[2] trăm mưu ngàn chước và chúng ta đang bị kẹt trong đó, thì có cố gắng rút chân ra cũng không ích gì. Làm như thế ta chỉ thêm bất lực, và càng bất lực càng khốn khổ. Thay vì vùng vẫy chống lại điều không thể tránh, thay vì tranh cãi, than vãn, và tự chuốc cảm giác tội lỗi, tốt hơn ta nên thành thạo trò chơi quyền lực đó. Trên thực tế, hễ càng giỏi tung hứng quyền lực thì ta càng trở nên một người bạn, người tình, người chồng, người vợ giỏi giang hơn. Đi theo lộ trình của một triều thần hoàn hảo (xem Nguyên tắc 24), ta giúp người xung quanh cảm thấy hài lòng hơn với bản thân họ, ta trở thành nguồn vui cho họ. Họ sẽ lệ thuộc vào khả năng của ta, luôn muốn có ta bên cạnh. Thuần thục được 48 nguyên tắc trong quyển sách này, ta giúp mọi người tránh được nỗi

đau khi bất cẩn với quyền lực – chơi với lửa mà không biết tính chất của lửa. Nếu trò chơi quyền lực là điều không thể tránh, tốt hơn ta nên trở thành chuyên gia còn hơn là kẻ phủ nhận hoặc gã vụng về.
Muốn học trò chơi quyền lực, ta phải thay đổi viễn cảnh, phải có cách nhìn khác đối với thế giới. Phải mất nhiều năm nỗ lực và thực hành, bởi vì phần lớn trò này không tự nhiên hình thành. Cần phải có một số kỹ năng cơ bản, và một khi đã thành thạo những kỹ năng này rồi, ta sẽ áp dụng được các nguyên tắc quyền lực dễ dàng hơn.
Kỹ năng quan trọng nhất, đồng thời là nền tảng sinh tử của quyền lực là khả năng làm chủ cảm xúc. Phản ứng lại một tình huống bằng cảm xúc, đó là rào cản lớn nhất trên đường mưu cầu quyền lực, là lỗi lầm buộc ta phải trả cái giá đắt hơn nếu so với khoảnh khắc khoái chí khi ta biểu lộ xúc cảm. Xúc cảm làm mờ lý trí, và nếu lý trí bị che mờ, ta không thể chuẩn bị và đáp lại tình huống một cách có kiểm soát.
Sân giận là phản ứng xúc cảm tiêu cực nhất, vì nó làm cho lý trí bị che mờ nhiều nhất. Ngoài ra, sân giận còn có hiệu ứng phụ là làm cho tình thế càng thêm khó kiểm soát, và khiến kẻ thù quyết tâm hơn. Muốn tiêu diệt kẻ thù đã hại ta, tốt hơn ta nên dụ hắn hạ thấp cảnh giác, bằng cách làm bộ thân thiện, còn hơn là ra mặt giận dữ.
Tình yêu và thương mến cũng hại ta, bởi vì nó bịt mắt không cho ta phát hiện mục đích tư lợi của những kẻ mà ta không ngờ là đang chơi trò quyền lực. Nếu không thể đè nén cơn giận hoặc tình yêu, hoặc không thể cảm nhận hai thứ đó, thì bạn đừng nên thử. Nhưng bạn phải cẩn thận về cách biểu lộ những tình cảm ấy, sao cho chúng đừng ảnh hưởng đến cơ đồ và chiến lược.
Liên quan đến việc làm chủ cảm xúc là khả năng tạo ra khoảng cách với giây phút hiện tại để suy nghĩ khách quan về quá khứ và tương lai. Giống như Janus, vị thần La Mã hai mặt trông giữ mọi cánh cửa và cổng thành, ta phải có khả năng một lúc nhìn về nhiều hướng để xử lý nguồn nguy hiểm. Đó là gương mặt mà ta tạo cho mình – một mặt luôn nhìn về tương lai, mặt kia nhìn quá khứ.
Với tương lai thì khẩu hiệu là „Không có ngày nào không cảnh giác". Đừng để bị bất ngờ vì bởi bất kỳ việc gì, vì ta luôn dự trù mọi tình huống trước khi chúng phát sinh. Thay vì phung phí thời gian mơ tưởng đến đoạn cuối có hậu của kế hoạch, ta nên suy tính mọi hỏng hóc, mọi biến thể khả dĩ. Càng nhìn xa trông rộng, càng tính trước nhiều nước cờ, ta càng thêm hùng mạnh.

Gương mặt thứ hai của Janus luôn nhìn về quá khứ - nhưng không phải để nhớ những vết thương đã qua hoặc nuôi dưỡng hận thù, vì như thế chỉ hạn chế sức mạnh. Điều quan trọng là tập cho quên những sự kiện không vui trong quá khứ, có khả năng mài mòn tinh thần và che mờ lý trí. Mục tiêu thật sự của việc nhìn lại sau lưng là luôn rút tỉa kinh nghiệm – nhìn về quá khứ là để học tập đấng tiền nhân. (Quyển sách này có nhiều ví dụ lịch sử đề bạn tham khảo.) Sau khi nhìn về quá khứ, ta xem xét những việc gần hơn, chẳng hạn như hành động của ta, của bạn bè ta. Đây là trường lớp quan trọng, vì xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân.
Ta bắt đầu với những lỗi lầm trong quá khứ, loại lỗi lầm nghiêm trọng ngăn cản bước tiến của ta. Ta phân tích chúng qua lăng kính của 48 nguyên tắc quyền lực, rồi rút ra kinh nghiệm cùng với một lời thề: „Tôi không bao giờ lặp lại những lỗi lầm ấy, tôi sẽ không bao giờ rơi vào một cái bẫy như vậy nữa." Nếu có thể nhận xét và đánh giá tự thân theo cách ấy, ta sẽ biết cách phá vỡ cách rập khuôn từ quá khứ.
Quyền lực đòi hỏi khả năng hí lộng với vẻ bề ngoài. Vì vậy ta phải học cách đeo nhiều loại mặt nạ và để dành một bồ mưu mô thủ đoạn. Bạn đừng xem việc giả trang và lừa dối là những trò xấu xa vô đạo đức. Mọi tương tác của con người đều đòi hỏi phải lừa dối ở nhiều cấp độ khác nhau, và nhìn dưới góc độ nào đó, thì khả năng nói dối là điều khác biệt giữa con người và con thú. Trong thần thoại Hy Lạp, trong sử thi Mahabharata Ấn Độ, trong anh hùng ca Gilgamesh Trung Đông, chính những vị thần mới có phép thuật thiên biến vạn hóa để đánh lừa. Một người được xem là vĩ đại, chẳng hạn như Odysseus, được đánh giá qua việc thi đua với những thần thánh về khả năng láu cá, vì vậy anh ta cũng được tôn vinh lên gần như là thần thánh. Lừa đảo là một nghệ thuật đã phát triển của văn minh, và là vũ khí hùng mạnh nhất trong trò chơi quyền lực.
Ta không thể lừa bịp thành công nếu không biết lùi một bước để nhìn lại chính mình – nếu không biết nhập vai kẻ khác, đeo đúng chiếc mặt nạ mà tình hình cần kíp. Nắm được cách tiếp cận linh hoạt như vậy với một vỏ bọc, kể cả vỏ bọc của chính mình, ta sẽ trút bớt gánh vụng về luộm thuộm cản trở tiến bộ. Làm sao gương mặt ta cũng linh hoạt như mặt diễn viên, tập giấu kín chủ tâm, luyện cách dụ người vào bẫy. Hí lộng với cái vỏ ngoài, và thuần thục nghệ thuật đánh lừa là một vài điều thú vị của cuộc sống. Chúng cũng là thành phần chủ chốt để đạt đến quyền lực.
Nếu lừa bịp là vũ khí hùng mạnh nhất trong kho khí tài, thì đức kiên nhẫn là tấm lá chắn cực kỳ quan trọng. Kiên nhẫn giúp ta tránh những lỗi lầm ngớ

ngẩn. Tựa như việc làm chủ xúc cảm, kiên nhẫn là một kỹ năng – đức tính đó không phải tự nhiên mà có. Nhưng ở lĩnh vực quyền lực thì không có gì là tự nhiên cả. Trong thế giới thiên nhiên, quyền lực là thứ có vẻ thần thánh nhất. Và kiên nhẫn là đức tính cao tột cùng của các vị thần, vì ngoài thì giờ ra, họ không có gì khác. Ngược lại, sự nóng vội chỉ làm ta có vẻ yếu ớt hơn mà thôi. Đó là sức cản quan trọng đối với quyền lực.
Tính cốt yếu của quyền lực là phi luân lý, và một trong những kỹ năng quan trọng cần đạt tới là khả năng nhận thức tình huống, chứ không phải phân biệt tốt xấu. Quyền lực là một cuộc chơi – điều này nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần cũng không thừa – và khi chơi, ta không đánh giá đối thủ qua chủ tâm mà qua hiệu quả hành động. Ta đo lường chiến lược và sức mạnh của họ bằng giác quan trực tiếp. Thực tế đã bao lần chứng minh rằng thiện ý chỉ làm cho vấn đề rắc rối và mờ ảo thêm mà thôi. Ích lợi gì khi phe đối tác có thiện ý và muốn làm lợi cho ta, nhưng hành động của họ chỉ gây cho ta sầu đau và đổ vỡ? Cũng tự nhiên thôi, khi thiên hạ đều viện đủ lý luận để biện minh cho hành động của họ, luôn miệng bảo rằng họ chỉ muốn làm điều tốt. Bạn phải tập cười thầm mỗi khi nghe những lý lẽ như vậy, đừng để bị lôi cuốn vào việc đánh giá thiện ý và hành động của người khác qua một loạt những phán xét đạo đức vốn thật ra chỉ là lời biện hộ cho hành động thâu tóm quyền lực.
Đó là một cuộc chơi. Đối thủ ngồi đối diện với ta. Cả hai cư xử với nhau rất lịch sự, tuân thủ luật chơi và không cố chấp. Ta chơi theo chiến lược và quan sát những nước cờ của đối thủ với tất cả điềm tĩnh có thể. Cuối cùng ta sẽ cảm kích sự lễ độ của đối thủ hơn là những hảo ý hay thiện ý của họ. Ta hãy luyện cặp mắt để theo dõi những động thái của họ, cùng lúc với tình huống bên ngoài, không để xao lãng bởi bất kỳ điều gì khác.
Trong tiến trình mưu cầu quyền lực, một nửa thành công đến từ những gì ta không làm, từ những gì ta tránh không để bị lôi kéo vào. Muốn được kỹ năng này, ta phải học cách xét đoán mọi thứ theo cái giá mà ta phải trả. Như Nietzsche từng viết, „Giá trị của một vật đôi khi không nằm trong thứ mà ta dùng để đạt vật ấy, nhưng trong thứ mà ta phải trả để có nó – cái giá mà ta phải trả." Có thể ta sẽ đạt đến mục đích, một mục đích đáng giá, nhưng mà với cái giá nào? Ta hãy áp dụng chuẩn mực này vào mọi thứ mọi điều, kể cả việc cộng tác với người khác hay là đến giúp đỡ họ. Rốt cuộc, đời này quá ngắn, cơ hội hiếm hoi, mà ta cần phải có biết bao sức lực. Dưới góc độ này, thì giờ là một yếu tố quan trọng không kém những yếu tố khác. Đừng bao giờ phí phạm thì giờ quý báu hoặc sự an tĩnh tinh thần cho những vụ việc của người khác, vì đó là cái giá quá cao.

Quyền lực là cuộc chơi tập thể. Muốn biết chơi và chơi thành thạo, ta phải phát triển khả năng nghiên cứu và hiểu rõ con người. Nhà tư tưởng vĩ đại Baltasar Gracián của thế kỷ XVII đã viết: „Nhiều người bỏ thời gian ra nghiên cứu thuộc tính loài thú hoặc thảo mộc; nhưng sẽ quan trọng hơn biết bao, nếu ta nghiên cứu thuộc tính con người, những người mà ta sẽ phải sống chung hoặc chết cùng!"
Muốn trở thành một tay chơi lão làng, ta cũng phải là nhà tâm lý lão luyện. Ta phải nhận ra động cơ của đối thủ và nhìn xuyên thấu màn hỏa mù mà họ phủ chụp để nghi trang hành động. Đây là bí quyết giúp ta có thêm vô số khả năng đánh lừa, quyến rũ và thao túng.
Bản chất con người vô cùng phức tạp, ta có thể bỏ ra cả đời quan sát mà không bao giờ hiểu rõ. Vì vậy điều quan trọng là ta lập tức khởi sự rèn luyện, với một nguyên tắc không quên: Không phân biệt đối tượng nghiên cứu, không phân biệt đối tượng cần tin cậy. Đừng bao giờ tin ai hoàn toàn, quan sát hết mọi người, kể cả bạn bè và người thân.
Cuối cùng, ta phải tiến tới quyền lực bằng con đường gián tiếp. Phải ngụy trang trò trí trá. Tựa như quả bi-da nảy đi nảy lại mấy băng trước khi chạm bi, mọi nước cờ của ta phải được dự trù và triển khai càng ít hiển nhiên càng tốt. Khả năng hành động gián tiếp giúp ta hưng thịnh trong dạng triều đình đương đại: Bên ngoài là mẫu mực của sự tử tế đàng hoàng, nhưng bên trong ta lại là tay tổ thao túng.
Bạn hãy xem 48 Nguyên tắc chủ chốt của Quyền lực như là quyển sổ tay của nghệ thuật đánh lạc hướng. Những nguyên tắc được trình bày đều là ghi chép của những người từng nghiên cứu và thuần thục trò chơi quyền lực. Những ghi chép này trải dài suốt hơn ba ngàn năm, xuất xứ từ những nên văn minh rất khác nhau như Trung Quốc và Italia. Tuy vậy chúng cùng chia sẻ những chủ đề về mạch tư tưởng, cùng gợi ý về một cốt tủy của quyền lực chưa được diễn giải minh bạch. Bốn mươi tám nguyên tắc của quyền lực được chiết suất từ sự uyên thâm tích lũy đó, được góp nhặt từ tác phẩm của những bậc thầy về chiến lược (Tôn Tử, Clausewitz), chính trị (Bismarck, Talleyrand), triều ca (Castiglione, Gracián), quyến rũ (Ninon de Lenclos, Casanova) và lừa đảo („Yellow Kid" Weil) lỗi lạc nhất trong lịch sử.
Những nguyên tắc này được lần lượt trình bày theo một bố cục đơn giản và tổng quát như nhau: Sẽ có những hành động làm tăng cường quyền lực (tuân thủ nguyên tắc), trong khi hành động khác lại làm suy yếu thậm chí làm ta sụp đổ (vi phạm nguyên tắc). Nhiều ví dụ lịch sử sẽ minh họa những vi phạm

và tuân thủ vừa kể. Sau mỗi ví dụ là phần diễn giải để làm sáng tỏ thêm. Sau đó, ta sẽ cùng đúc kết các yếu tố cốt lõi của nguyên tắc quyền lực đang đề cập và để cho người đọc tiện ghi nhớ, tất cả những điều vừa kể sẽ được cô đọng lại thành một hình ảnh, trình bày ngắn gọn trong vài ba dòng. Để khẳng định hình ảnh ấy là ý kiến của chuyên gia, của bậc thầy ở lĩnh vực đó. Đoạn cuối rất ngắn là phần nghịch đảo để nhắc nhở ta áp dụng nguyên tắc một cách linh hoạt chứ không nên lúc nào cũng nhắm mắt làm y theo.
Bạn có thể sử dụng 48 Nguyên tắc chủ chốt của Quyền lực theo nhiều cách. Đọc một mạch từ đầu tới cuối, bạn biết về quyền lực nói chung. Mặc dù nhiều nguyên tắc có vẻ như không liên quan trực tiếp đến cuộc sống của bạn, nhưng qua thời gian bạn nhận thấy rằng tất cả các nguyên tắc đều có đất ứng dụng và chúng thực sự tương quan nhau. Có được tầm nhìn tổng quát về toàn bộ chủ đề này, bạn sẽ tăng cường khả năng đánh giá những hành động đã qua, nâng cao mức độ điều khiển những vụ việc đang diễn biến. Một thời gian lâu dài sau khi kết thúc quyển sách, nếu nghiền ngẫm kỹ lưỡng, bạn sẽ phát sinh tư duy mới, cách nhìn và cách đánh giá mới.
Quyển sách cũng được thiết kế để bạn tùy nghi lướt qua và chọn đọc nguyên tắc nào có vẻ thích hợp với tình huống gần gũi nhất. Chẳng hạn bạn đang có vấn đề cần giải quyết với cấp trên và không hiểu tại sao mình lại bỏ ra bao nhiêu công sức mà vẫn không được ghi nhận, không được đề bạt. Nhiều nguyên tắc đặc biệt nhấn mạnh đến tương quan giữa bề trên và cấp dưới, và chắc là bạn đang vi phạm một trong những nguyên tắc ấy. Bạn chỉ việc liếc qua phần liệt kê 48 nguyên tắc ở phần đầu quyển sách để nhận ra thứ mình cần.
Cuối cùng, bạn cũng có thể đọc lướt cho vui, chọn đại một chương đọc hú họa, xem như tìm hiểu các nhược điểm và thưởng ngoạn những kỳ công của bậc tiền nhân trên con đường mưu cầu quyền lực. Song chúng tôi cũng có lời cảnh báo cho thành phần độc giả này: Có lẽ bạn không nên tiến thêm nữa mà hãy quay lại đi. Quyền lực rất cám dỗ và trí trá theo cách riêng của nó. Đó là một mê cung – đầu óc bạn sẽ hao mòn vì phải giải quyết những vấn đề vô tận, và bạn sẽ sớm nhận ra rằng mình bị lạc lối một cách thú vị. Nói cách khác, sẽ thú vị hơn khi bạn nhìn quyền lực một cách nghiêm chỉnh. Đừng bông lông với một chủ đề quan trọng như vậy. Những vị thần quyền lực sẽ phật lòng với kẻ phù phiếm, các ngài chỉ thỏa mãn với những ai biết học hỏi và suy xét, trừng phạt người cưỡi ngựa xem hoa.
Những ai cố gắng để luôn làm người tốt chắc chắn sẽ thất bại giữa số đông những kẻ không tốt. Do đó đấng quân vương nào muốn giữ vững quyền lực

phải biết cách để không làm người tốt, và sử dụng sự hiểu biết đó, hoặc là nén lòng không sử dụng nó,tùy theo hoàn cảnh yêu cầu.
THE PRINCE, Niccolò Machiavelli, 1469-1527

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top