NGUYÊN TẮC 26: SỬ DỤNG TAY SAI LÀM VIỆC BẨN
Bạn phải chứng tỏ mình là mẫu mực của những gì tốt đẹp và hiệu quả: Đôi tay bạn không bao giờ vấy bẩn bởi lỗi lầm và những chuyện dơ dáy. Bạn hãy giữ gìn một bề ngoài vô tội như thế bằng cách dùng người khác làm kẻ bung xung và sử dụng bàn tay người khác để ngụy trang sự dính líu của bạn.
PHẦN I: CHE ĐẬY LỖI LẦM – CHUẨN BỊ SẴN MỘT KẺ BUNG XUNG CHỊU BÁNG
Thanh danh của ta tùy vào những gì ta che giấu được hơn là những gì ta bộc lộ ra. Ai cũng mắc lỗi, nhưng những người khôn hơn thì biết giấu lỗi và xoay xở tìm người chịu báng. Bạn nên chuẩn bị sẵn một "vật tế thần" cho những lúc như vậy.
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Khoảng cuối thế kỷ thứ hai ở Trung Quốc xưa kia, nhà Tây Hán từ từ suy tàn, quan đại thần Tào Tháo nổi lên như một gương mặt quyền lực nhất. Để mở rộng uy quyền và triệt tiêu những đối thủ cuối cùng, Tào Tháo khởi đầu một chiến dịch nhằm nắm quyền kiểm soát vùng Trung Nguyên có tầm chiến lược sinh tử. Trong khi vây hãm một thị trấn chủ yếu, ông ta tính toán sai việc vận chuyển quân lương từ thủ đô tới. Trong khi chờ đợi, ông ta lệnh cho quan phụ trách quân nhu phải giảm khẩu phần binh sĩ.
Chẳng bao lâu sau tin tới tai Tào Tháo rằng binh sĩ kêu rêu, trách là bản thân ông ta vẫn béo tốt trong khi họ ăn không đủ no. Họ lầm bầm rằng có lẽ ông ta cắt bớt khẩu phần của họ để giữ cho riêng mình. Nếu những lời kêu rêu này lan rộng, Tào Tháo sẽ bị nguy cơ binh biến. Ông ta liền cho gọi quân nhu tới.
"Ta muốn hỏi mượn ngươi một thứ mà người không được từ chối," Tháo nói.
"Mượn cái gì?" vị quan hỏi.
"Ta muốn mượn đầu ngươi trưng cho binh sĩ xem."
"Nhưng tôi đâu có làm gì sai!?"
"Ta biết," Tháo thở dài, "nhưng nếu không bêu đầu ngươi thì binh sĩ sẽ nổi loạn. Ngươi đừng đau buồn, bởi vì ta sẽ hết lòng lo lắng cho gia đình ngươi".
Như thế thì rõ ràng là quan phụ trách quân nhu không có quyền chọn lựa, nên đành cúi đầu chịu trảm. Thấy đầu ông ta bêu trên ngọn giáo, binh sĩ thôi không kêu rên nữa. Cũng có người biết sự thật đằng sau cái chết đó, nhưng họ im mồm, quá sợ hãi trước sự tàn bạo của Tháo. Số đông binh sĩ chấp nhận việc ai lỗi ai phải trong việc cắt xén quân lương, và họ chẳng thà tin và sự khôn ngoan và tính công binh của ông ta hơn là sự kém cõi và bạo tàn
Diễn giải
Tào Tháo lên nắm quyền trong thời buổi hết sức loạn lạc, kẻ thù nổi lên khắp nơi để tranh giành vương bá. Thế trận giành Trung Nguyên khó khăn hơn ông ta tưởng, nên quốc khố cạn dần, quân lương khó điều kịp lúc.
Một khi biết rõ rằng sự chậm trễ là lỗi lầm chí tử và quân đội bất an, Tháo phải chọn một trong hai: hoặc nhận lỗi, hoặc đổ lên đầu kẻ khác. Biết rõ cách vận hành của guồng máy quyền lực và sự quan trọng của vẻ bề ngoài, ông ta không chần chừ giây phút nào: Tìm quanh đó xem cái đầu nào thích hợp nhất và sử dụng nó lập tức.
Thỉnh thoảng phạm lỗi là điều không thể tránh. Tuy nhiên những người quyền lực lại không bị tổn thương vì lỗi họ đã phạm, nhưng vì cách mà họ xử lý. Họ phải cắt bỏ khối u thật nhanh gọn và dứt khoát. Lời xin lỗi và sám hối sẽ không thích hợp cho sự cắt bỏ đó nên những người quyền lực tránh không dùng. Khối u sẽ không thể biến mất bằng những lời xưng tội mà chỉ ăn sâu thêm và tấy lên mà thôi. Ta chẳng thà nhanh tay cắt bỏ để mọi người không tập trung vào mình mà chĩa mũi dùi về phía bật bung xung thích hợp, trước khi môi người đủ thì giờ suy nghĩ về trách nhiệm hoặc về sự bất tài của ta.
Chẳng thà ta phụ thiên hạ chứ không để cho thiên hạ phụ mình. (Tào Tháo, khoảng 155-220)
THỦ CẤP CỦA DE ORCO
Suốt nhiều năm liền, Cesare Borgia nhân danh cha mình là Giáo hoàng Alexander để thôn tính từng vùng lãnh thổ rộng lớn ở Italia. Năm 1500 ông chiếm được Romagna ở miền Bắc. Nhiều năm trước đó vùng này nằm dưới ách thống trị của những lãnh chúa tham lam, đã vơ vét hết của cải dân lành. Giờ nếu không có lực lượng mạnh mẽ để lập lại kỷ cương, Romagna sẽ trở thành đất dụng võ cho bọn cướp và những gia tộc chống đối nhau. Để vãn hồi trật tự, Cesare chỉ định một vị tướng ở địa phương – Remirro de Orco, người mà Niccolò Machiavelli cho là rất mạnh tay và tàn bạo. Cesare trao cho De Orco toàn quyền.
Bằng sự hung ác không thương tiếc, De Orco thiết lập loại công lý bạo tàn, và chẳng bao lâu sau vùng Romagna hầu như sạch bóng bọn xem thường pháp luật. Nhưng nhiều khi vì quá nhiệt tình nên De Orco làm quá mạnh tay và chỉ vài năm sau nhân dân địa phương lại thù ghét ông ta. Cesare liền ra tay bằng cách tuyên bố mình không tán thành những hành động tàn bạo của De Orco, sau đó ra lệnh tống giam ông ta.
Sau lễ Giáng sinh, khi thức dậy dân chúng chứng kiến cảnh tượng lạ lùng giữa quảng trường chính: Cái xác không đầu của De Orco mặc quần áo sang trọng, trùm áo choàng đỏ tía, bên cạnh đó là thủ cấp ghim trên ngọn giáo, có kèm cả đao búa đồ nghề của đao phủ. Sau này Machiavelli kết luận bài bình luận bằng câu "Sự hung ác của cảnh tượng này làm dân chúng vừa ngỡ ngàng vừa hài lòng."
Diễn giải
Cesare Borgia là tay chơi bậc thầy trong trò quyền lực. Luôn dự trù trước nhiều bước, ông ta đưa đối phương vào những cái bẫy ma mãnh nhất. Chính vì vậy mà trong tác phẩm The Prince, Machiavelli tôn vinh ông hơn hẳn những người khác
Tại Romagna, ông ta đã thấy rõ mồn một những gì sẽ diễn ra: Chỉ có pháp luật mạnh tay mới vãn hồi trật tự. Tiến trình này sẽ mất nhiều năm, thoạt đầu nhân dân sẽ hoan hô nhưng dần dà sẽ có nhiều kẻ thù, chưa kể nhân dân sẽ ghét bỏ việc áp đặt loại công lý không khoan hồng như vậy, nhất là khi được áp đặt bởi kẻ ngoại nhân. Tới lúc đó Cesare sẽ không được xem là người vãn hồi luật pháp, vì vậy ông ta khôn khéo chọn kẻ sẽ làm công việc bẩn thỉu ấy, biết trước rằng khi nhiệm vụ hoàn thành, đầu của De Orca sẽ bị bêu trên ngọn giáo. Trong trường hợp này, kẻ bung xung được trù tính ngay từ đầu.
Với Tào Tháo, kẻ bung xung là một người hoàn toàn vô tội. Còn ở Romagna, kẻ đó được Cesare sử dụng làm vũ khí tấn công mà mình không phải vấy máu vào tay. Với loại bung xung thứ hai này, tốt hơn bạn đừng thèm nhúng tay vào mà hãy để hắn tự do nhảy múa hoặc, giống như Cesare, hãy đóng vai người mang hắn ra trước công lý. Lúc ấy bạn không chỉ chứng tỏ rằng mình không dính líu, mà ngược lại còn là người giải quyết vụ việc
Dân Athens thường dùng công quỹ để nuôi một số phần tử thoái hóa hoặc vô dụng, và khi nào có thiên tai, chẳng hạn như dịch bệnh, hạn hán, hoặc đói kém, áp xuống thành phố... những kẻ bung xung đó bị dẫn đi diễu hành...sau đó bị tế thần, thường là bị ném đá ở phía bên ngoài thành phố. (The Golden Bough, Sir James George Frazer, 1854-1941)
CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC
Sử dụng vật bung xung là việc làm đã có từ ngàn xưa, và chúng ta có thể thấy những ví dụ tương tự ở những nền văn hóa khắp thế giới. Ý tưởng chính đằng sau động tác hy sinh đó là việc tống khứ tội lỗi sang một hình ảnh bên ngoài – vật dụng, thú vật, hoặc con người – để rồi sau đó hình ảnh ấy bị lưu đày hay phá hủy.
Người Do Thái cổ thường sử dụng một con dê (từ đó mới có chữ "con dê tế thần") cho thầy tư tế đặt hai tay lên đầu trong khi xưng ra hết tội lỗi của Những người con Israel. Sau khi tội lỗi đã chuyển giao hết, con dê sẽ bị đuổi đi hoang ngoài sa mạc.
Với người Athens và Aztec thì "dê tế thần" lại là con người, thường là người được nuôi dưỡng cho chính mục đích cụ thể ấy. Vì xưa kia mọi người tin rằng nạn đói và dịch bệnh là do trời trừng phạt con người tội lỗi, nên con người muốn tự giải phóng bằng cách chuyển hết tội lỗi ấy sang một người trong trắng, mà cái chết của người ấy sẽ vừa tống ôn vừa thỏa mãn các quyền lực siêu phàm
Sau khi phạm tội, loài người thường không nhìn vào trong chính mình mà nhìn ra ngoài để đổ lỗi cho một vật gì đó tiện lợi. Khi dịch bệnh hoành hành thành phố Thebes, Oedipus tìm kiếm nguyên nhân khắp nơi, chỉ trừ nhìn lại chính mình với cái tội loạn luân, vốn làm trời thần nổi giận và giáng dịch bệnh. Nhu cầu sâu xa cần phải tống tội ra ngoài, đổ lên đầu người khác hay vật khác, cái như cầu đó có sức mạnh vô biên, mà người khôn phải biết điều tiết để dùng.
Hiến tế là một nghi thức, có lẽ là nghi thức cổ xưa nhất. Nghi thức cũng là nguồn quyền lực. Chúng ta để ý thất khi giết De Orco xong, Cesare trưng xác và thủ cấp lên trong một hành động mang tính biểu tượng và nghi thức. Qua hành động này, ông ta tập trung tội lỗi ra bên ngoài, và người dân Romagna lập tức đáp lại. Như đã nói, vì khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là tìm kiếm ở ngoài thay vì nhìn chính mình, nên ta sẵn sàng chấp nhận tội lỗi của kẻ bung xung.
Việc hiến tế đẫm máu có vẻ như là một di tích man rợ của thời quá khứ, nhưng sự thực hành vẫn tồn tại đến ngày nay, tuy bằng hình thức gián tiếp và chỉ mang tính biểu trưng. Vì quyền lực dựa vào vẻ bề ngoài, và những người quyền lực hình như không bao giờ phạm lỗi, việc sử dụng vật tế thần vẫn rất phổ thông. Thời nay, có lãnh tụ nào lại đứng ra chịu trách nhiệm mỗi khi mình làm sai? Hắn luôn tìm người khác để đổ lỗi, một con dê để tế thần.
Khi cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông thất bại thảm hại, ông ta không xin lỗi nhân dân Trung Quốc, ngược lại, cũng như Tào Tháo, ông ta đưa ra những kẻ bung xung, kể cả Trần Bá Đạt, vốn là thư ký riêng của ông ta và là đảng viên cao cấp.
Franklin D.Roosevelt nổi tiếng là người lương thiện và công bình. Tuy nhiên trong các nhiệm kỳ tổng thống, ông phải đối mặt với những tình thế mà nếu ông đóng vai quân tử, ông sẽ tạo ra nhiều thảm kịch chính trị - nhưng ông không thể sắm vai kẻ chơi đểu. Vì vậy suốt hai mươi năm, thư ký riêng của ông là Louis Howe phải đóng vai trò của một De Orco. Chính Howe đã phải thực hiện những cuộc thương lượng hậu trường, giật dây báo chí, bí mật điều khiển các chiến dịch chính trị. Và mỗi khi xảy ra lỗi lầm, hoặc xảy ra một trò bẩn thỉu nào đó đi ngược lại với hình ảnh được chăm chút từng li từng lí của Roosevelt, thì Howe sẽ đứng ra nhận hết mà không bao giờ than phiền
Ngoài việc để cho người khác đổ tội, kẻ bung xung còn đóng vai trò cảnh báo những người khác. Năm 1631 có âm mưu lật đổ đức hồng y Richelieu, mà sau này mọi người gọi là "Ngày lừa bịp". Âm mưu này gần như hoàn thành, vì có sự tham gia của nhiều thành viên cao cấp trong chính phủ Pháp, kể cả hoàng thái hậu. Nhưng nhờ may mắn và mạng lưới tình báo nên Richelieu thoát chết
Một trong những nhân vật chủ chốt trong cuộc âm mưu đảo chính là chưởng ấn Marillac. Không thể bắt ông này mà không để liên lụy đến hoàng thái hậu, Richelieu bèn nhắm đến anh của Marillac, vốn là một nguyên soái. Tuy ông này không dính dáng gì đến cuộc đảo chính nhưng Richelieu vẫn quyết định ra tay để dè chừng những cuộc nổi loạn tiềm năng khác, đặc biệt trong quân đội. Richelieu vu cáo nguyên soái Marillac và tử hình ông ta. Bằng cách này, hồng y đã gián tiếp trừng phạt kẻ chủ mưu, đồng thời cảnh báo mọi mầm mống khác rằng ông sẽ không run tay hy sinh người vô tội để bảo vệ quyền lực của mình.
Trên thực tế, người khôn thường chọn kẻ ngây thơ vô tội nhất để làm vật hiến tế. Những kẻ như thế sẽ không đủ mạnh để chống lại ta, và những lời cải chính ngây thơ của họ sẽ khiến người khác nghĩ là họ cải chính quá nhiều, đồng nghĩa với có tội. Tuy nhiên bạn cẩn thận không khéo lại biến kẻ bung xung đó thành thánh tử đạo.
Điều quan trọng là làm sao để mọi người nghĩ rằng ta mới là nạn nhân, là ông chủ tội nghiệp bị hại bởi những bề tôi bất tài. Nếu kẻ bung xung kia có vẻ quá yếu ớt và hình phạt quá nặng nề, có rủi ro ta sẽ sụp vào cái bẫy chính ta đã giăng. Đôi khi ta phải tìm một kẻ bung xung khá hùng mạnh – để về lâu dài mọi người ít thương cảm anh ta.
Theo chiều hướng này, lịch sử vẫn thỉnh thoảng xảy ra việc sử dụng người cộng sự thân tín nhất làm vật bung xung. Mọi người gọi việc này là "ái khanh thất sủng". Hầu hết vua nào cũng có một sủng thần, người được vua đặc biệt ưu ái, nhiều khi không vì lý do gì rõ rệt. Sủng thần này có thể đóng vai vật tế thần trong trường hợp có điều chi đe dọa thanh danh đức vua. Dân chúng sẵn lòng tin vào tội lỗi của vật tế thần – nhà vua sẽ không bao giờ hy sinh sủng thần nếu hắn vô tội. Và những triều thần khác, vì ganh tỵ vị ái khanh đó, hẳn sẽ vui mừng khi hắn bị thất sủng. Trong lúc đó nhà vua đã khử được một thành phần vốn biết quá nhiều về mình. Việc chọn một cộng sự thân tín làm kẻ bung xung cũng có giá trị như màn "ái khanh thất sủng".
Có thể ta mất đi một cộng sự, một người bạn, nhưng nếu tính theo hiệu quả lâu dài của kế hoạch, chẳng thà che đậy được lỗi lầm của mình còn hơn là giữ lại một thành phần mà ngày nào đó biết đâu sẽ phản ta. Hơn nữa, lúc nào ta cũng có thể tìm được một sủng thần khác để thế chỗ hắn
Hình ảnh: Con dê vô tội. Vào ngày đại xá, thầy tư tế đưa dê vào đền, đặt hai tay lên đầu dê rồi sám hối, chuyển hết mọi tội ác sang con dê vô tội, sau đó đuổi nó đi lang thang trong sa mạc, từ đó tất cả mọi tội lỗi của dân chúng sẽ biến mất theo con dê.
Ý kiến chuyên gia: Dại dột không phải là làm điều dại dột, nhưng ở chỗ không biết che dấu điều dại dột ấy. Ai ai cũng phạm phải lỗi lầm, nhưng người khôn biết giấu, trong khi kẻ dại lại công nhận. Thanh danh tùy thuộc vào những gì ta che đậy được, nhiều hơn là những gì được trông thấy. Nếu không thể tài ba, bạn vẫn có thể cẩn trọng. (Baltasar Gracián, 1601-1658)
PHẦN II: SỬ DỤNG TAY SAI
Trong chuyện ngụ ngôn, con khỉ cầm tay bạn mình là con mèo, dùng chân mèo để lấy hạt dẻ từ đống lửa ra, nhờ vậy khỉ được ăn hạt dẻ mà không bị phỏng tay. Nếu phải làm công việc nào đó không được nhiều người ưa chuộng và bản thân mình cũng không thích thì ta đừng làm. Ta cần có bàn tay của con mèo, mà ta gọi tắt là tay sai để thực hiện những chuyện bẩn thỉu hay nguy hiểm. Bàn tay đó sẽ túm lấy những gì ta cần, làm tổn thương những ai ta muốn tổn thương, mà người khác không thể ngờ được rằng chính ta mới là kẻ chịu trách nhiệm. Hãy để người khác thừa hành, hãy để người khác làm kẻ đưa hung tin, trong khi ta chỉ mang tới toàn là tin lành.
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Năm 59 TCN, nữ hoàng Cleopatra tương lai lúc đó mới mười tuổi mà đã chứng kiến cảnh vua cha Ptolemy XII bị soán ngôi và lưu đày bởi bàn tay của chính các con gái mình - chị ruột của Cleopatra. Một trong những cô con gái đó là Berenice vượt lên lãnh đạo cuộc nổi loạn, và để đảm bảo là sẽ không ai giành quyền cai trị Ai Cập, cô ta bỏ tù hết những người chị khác và giết chết chồng mình. Nhưng một thành viên của hoàng gia, thậm chí lại là nữ hoàng mà lại công khai có những biện pháp tàn bạo như vậy đối với chính những người ruột thịt của mình đã khiến quan dân kinh tởm, từ đó dấy lên phong trào chống đối.
Bốn năm sau, lực lượng đối lập này đủ lớn mạnh để khôi phục ngai vàng cho Ptolemy và vị vua lập tức xử trảm Berenice cùng tất cả những cô con gái chủ mưu tạo phản.
Năm 51 TCN, Ptolemy băng hà, để lại bốn đứa con. Theo truyền thống Ai Cập, trưởng nam là Ptolemy XIII (lúc đó mới mười tuổi) phải cưới trưởng nữ Cleopatra (mười tám) và cả hai cùng lên ngôi với danh nghĩa vua và hậu. Cả bốn người con không ai bằng lòng kể cả Cleopatra vì muốn gom thu quyền lực riêng cho mình. Giữa Cleopatra và Ptolemy nảy sinh đấu tranh.
Năm 48 TCN, với một số thành viên chính phủ đang e sợ tham vọng của Cleopatra, Ptolemy thành công trong việc buộc chị mình phải lưu đày biệt xứ. Trong giai đoạn lưu vong, Cleopatra miệt mài bày mưu tính kế. Cô ta muốn một mình trị vì Ai Cập và khôi phục thời oanh liệt của đất nước này, điều mà cô ta cho rằng anh chị mình chưa ai làm được, và khi nào họ còn sống thì Cleopatra không thể thực hiện giấc mộng vàng.
Và ví dụ nhãn tiền về Berenice chứng tỏ sẽ không ai theo chân một nữ hoàng nỡ đang tâm ám sát máu mủ mình. Ngay cả Ptolemy XIII cũng không dám giết Cleopatra, mặc dù biết rằng chị mình đang mưu đồ ở nước ngoài.
Chỉ một năm sau khi Cleopatra bị lưu đày, nhà độc tài La Mã là Julius Caesar đưa quân chiếm Ai Cập với ý định biến đất nước này thành thuộc địa. Cơ hội đã đến với Cleopatra: Bí mật trở về nước, nàng quyết chí gặp cho được Caesar tại Alexandria. Truyền thuyết kể lại rằng Cleopatra đã qua mặt được lính canh khi cho người quấn mình trong tấm thảm, đặt ngay dưới chân vị tướng, rồi nàng lăn tròn trải mở chăn ra một cách khêu gợi. Cleopatra sử dụng hết những mánh mung thủ đoạn của mỹ nhân kế và chẳng bao lâu sau Caesar đã chịu phép và lập nàng thành nữ hoàng trở lại.
Anh em của Cleopatra tức sôi máu vì nàng đã qua mặt họ. Ptolemy XIII sai đại quân tiến công doanh trại của Caesar. Vị tướng này liền ra lệnh quản thúc Ptolemy và tất cả hoàng gia. Nhưng em gái của Cleopatra là Arsinoe trốn thoát, tìm đến đại quân Ai Cập, tự xưng là nữ hoàng và dẫn quân quyết chiến. Đánh giá thời điểm này là cơ hội ngàn vàng, Cleopatra thuyết phục Caesar trả tự do cho Ptolemy với điều kiện là nhà vua phải đứng ra trung gian hòa giải giữa hai phe Ai Cập và La Mã.
Cleopatra biết tỏng là em mình sẽ làm điều ngược lại – đánh bại Arsinoe để nắm quyền kiểm soát quân đội. Điều này có lợi cho Cleopatra vì đối thủ đã chia rẽ. Và còn hơn thế nữa, sẽ biếu cho Caesar cái cớ để đánh bại và giết chết những thành viên cuối cùng của hoàng gia trong chiến trận
Cùng đoàn quân tiếp viện từ La Mã tới, Caesar tiêu diệt quân tạo phản. Khi tháo chạy, Ptolemy chết đuối dưới sông Nile. Arsinoe bị Caesar bắt đưa về La Mã. Để củng cố địa vị nữ hoàng mà không bị ai tranh chấp, giờ Cleopatra mới kết hôn với đứa em trai duy nhất còn lại là Ptolemy XIV (mới bảy tuổi). Bốn năm sau, vị vua con nít này bị trúng độc dược một cách bí ẩn và qua đời.
Năm 41 TCN, Cleopatra lại mượn tay một vị lãnh tụ thứ nhì của La Mã là Marc Antony, cũng bằng những chiến thuật đã dùng với Caesar. Sau khi quyến rũ viên tướng trẻ này, nàng cho biết Arsinoe đang bị giam cầm ở La Mã nhưng vẫn rắp tâm tiêu diệt Antony. Viên tướng tin lời nàng và nhanh chóng cho người ám sát Arsinoe, từ đó khử luôn mối đe dọa cật ruột cuối cùng đối với Cleopatra.
Diễn giải Truyền thuyết cho rằng Cleopatra thành công là nhờ tài quyến rũ, nhưng thật ra quyền lực của nàng là ở chỗ khiến mọi người làm điều nàng muốn mà họ không hề hay biết mình bị giật dây. Caesar và Antony không chỉ trừ khử những cật ruột nguy hiểm nhất của nàng trong chính phủ và quân đội Ai Cập. Hai người đã trở thành tay sai – bàn chân mèo. Họ sẽ bước vào lửa vì nàng, sẽ thực hiện những việc bẩn thỉu, khiến không ai ngờ rằng chính Cleopatra mới là thủ phạm chính.
Và cuối cùng cả hai vị tướng đều chấp nhận trị vì Ai Cập với tư thế là một vương quốc độc lập liên minh, chứ không phải là một thuộc địa của La Mã. Họ làm tất cả những điều này mà không ngờ mình bị thao túng.
Một nữ hoàng không bao giờ nên để tay mình bị vấy bẩn bởi những công việc xấu xa, cũng như một vị vua không thể xuất hiện trước thần dân với gương mặt dính máu. Nhưng quyền lực không thể nào trường cửu mà không tiêu diệt quân thù - sẽ luôn có những việc bẩn phải làm nếu ta muốn ngồi lâu trên ngai vàng. Như Cleopatra, ta cần có tay sai.
Loại tay sai thường thấy nhất là người bên ngoài vòng thân mật nhất của bạn, vì như thế họ sẽ ít khả năng biết được mình bị lợi dụng. Những người như thế rất dễ tìm - họ thích giúp bạn việc này việc nọ, nhất là khi bạn thảy cho họ vài cục xương. Nhưng trong khi họ thực hiện những công việc đối với họ là vô tư, hoặc ít ra là hoàn toàn chính đáng, thật ra họ đang dọn sẵn sân bãi cho bạn, đi gieo rắc thông tin mà bạn cung cấp cho họ, làm suy yếu những người mà họ không ngờ là đối thủ của bạn, vô tình khuếch trương cơ nghiệp của bạn, và như thế tay họ vấy bẩn trước trong khi tay bạn sạch trơn.
MAO VÀ TƯỞNG
Cuối thập niên 1920, hai phe Cộng sản và Dân quốc đánh nhau ở Trung Hoa để giành quyền kiểm soát đất nước. Năm 1927 lãnh tụ Dân quốc là Tưởng Giới Thạch thề sẽ tàn sát tất cả những thành viên Cộng sản, điều mà ông ta suýt làm được cho đến giai đoạn 1934-1935 khi ông buộc họ phải thực hiện cuộc Trường chinh suốt sáu ngàn dặm, rút lui từ vùng Đông Nam về miền Tây Bắc hoang vu, khiến phe Cộng sản tổn hao lớn về lực lượng. Cuối năm 1936 Tưởng trù bị tấn công mạnh lần cuối để quét sạch đối thủ, nhưng đột nhiên nội bộ tạo phản và bắt ông hòa hoãn với phe Cộng sản. Xem như tàn đời.
Trong khi đó Nhật bắt đầu xâm lược Trung Quốc và Tưởng rất ngạc nhiên khi thay vì giết mình, Mao Trạch Đông lại đề nghị dàn xếp: Mao sẽ thả ông, và nhìn nhận ông là chỉ huy quân sự thuộc cả hai phe, nếu ông gắng sức chiến đấu chống kẻ thù chung.
Tưởng bị tra tấn và hành quyết, giờ Tưởng không thể ngờ mình gặp may đến như thế. Vậy là Cộng sản này đã mềm lòng rồi. Khi khỏi phải tốn công sức chống lại phe Cộng sản tập hậu, Tưởng biết mình sẽ có cơ đánh lại bọn Nhật, rồi sau đó vài năm ta sẽ quay lại diệt Cộng sản một cách dễ dàng. Chấp nhận đề nghị của Mao, ông sẽ không mất gì mà lại được tất cả
Phe Cộng sản chống Nhật bằng chiến thuật du kích quen thuộc của họ, trong khi phe Dân quốc tiến hành những trận đánh quy ước hơn. Sau nhiều năm chung sức, cả hai phe Trung Quốc chiến thắng bọn Nhật. Đến thời điểm này Tưởng mới vỡ lẽ những gì Mao thật sự trù tính. Đại quân Dân quốc phải gánh chịu hỏa lực pháo binh dữ dội của Nhật nên hết sức suy yếu và phải mất nhiều năm mới phục hồi nổi. Trong khi đó quân Cộng sản không chỉ tránh được đòn trực tiếp của Nhật mà còn tranh thủ thời gian để dĩ dật đãi lao, bành trướng ra thành nhiều vùng ảnh hưởng khắp đất nước.
Chiến tranh chống Nhật vừa dứt thì nội chiến tái bùng lên, nhưng lần này quân Cộng sản bao vây phe Dân quốc đã suy yếu. Quân Nhật đã trở thành tay sai của Mao, vô tình cày cấy mảnh ruộng cho phe Cộng sản và giúp họ chiến thắng Tưởng Giới Thạch.
Diễn giải
Có lẽ hầu hết những lãnh đạo nào có kẻ thù hùng mạnh như Tưởng sẽ ra lệnh giết ông ta khi bắt được. Nhưng như vậy họ sẽ đánh mất cơ hội mà Mao đã khai thác. Nếu không có một Tưởng đầy kinh nghiệm để lãnh đạo phe Dân quốc, hẳn cuộc chiến chống ngoại xâm phải kéo dài hơn và gây ra nhiều tổn thất sinh tử. Mao đã quá khôn ngoan, không để cho lòng căm ghét phá hỏng cơ hội một hòn đá giết hai chim. Cốt yếu là Mao đã dùng một lúc hai bàn chân mèo để đạt thắng lợi cuối cùng.
Trước tiên, ông dụ Tưởng nhận lãnh trọng trách đánh Nhật. Ông hiểu rằng phe Dân quốc sẽ gánh chịu phần lớn những trận mạc quan trọng và sẽ đánh đuổi quân Nhật ra khỏi Trung Quốc, nếu họ không phải chia sức ra để cùng lúc chống lại phe Cộng sản. Vì vậy Dân quốc sẽ trở thành lực lượng đầu tiên để đuổi Nhật.
Ngoài ra Mao cũng biết rằng trong khi đó pháo binh và không quân hùng hậu của Nhật sẽ tàn sát lực lượng quy ước của phe Dân quốc, gây ra những tổn hại mà có lẽ phe Cộng sản phải mất hàng chục năm mới làm nổi. Vậy tại sao ta lại phí thời gian và sinh mạng nếu bọn Nhật có thể thực hiện việc này nhanh chóng? Chính cách sử dụng khôn ngoan lần lượt từng thủ đoạn như vậy đã giúp Mao thắng lợi
Có hai cách sử dụng tay sai: Để cứu vãn vẻ bề ngoài, theo cách làm của Cleopatra và để tiết kiệm sinh lực. Trường hợp thứ hai này đòi hỏi ta phải trù tính trước nhiều nước đi, ý thức được rằng một bước tạm lùi (chẳng hạn như thả Tưởng Giới Thạch) có thể tạo điều kiện cho bước đại nhảy vọt. Nếu tạm thời suy yếu và cần thời gian phục sức, bạn hãy dùng cách thứ hai, tìm cách sử dụng những người xung quanh vừa làm bình phong vừa làm tay sai cho mình.
Bạn để ý xem phe thứ ba nào cũng có kẻ thù chung với ta (vì nhiều lý do khác), rồi lợi dụng sức mạnh vượt trội của họ để đánh kẻ thù chung ấy, như thế bạn tiết kiệm được sinh lực, vì bạn là kẻ yếu hơn. Thậm chí bạn có thể khéo léo đâm bị thóc thọc bị gạo. Luôn tìm kẻ hết sức hung hăng để làm tay sai - họ thường xuyên sùng sục khí thế chiến đấu, lúc đó bạn chỉ cần chọn một trận đánh thích hợp với mục tiêu của mình.
NGHỆ THUẬT TẶNG QUÀ
Kuriyama Daizen là người tinh thông Cha-no-yu (Nước nóng pha trà, bộ môn trà đạo của Nhật) đồng thời là đại đồ đệ của sư phụ trà đạo Sen no Rikyu. Khoảng năm 1620 Daizen biết tiên người bạn là Hoshino Soemon đã phải vay một số tiền lớn (300 ryo) để giúp trang trải nợ nần cho một người bà con, nhưng như thế chỉ là chuyển gánh nặng nợ nần lên vai mình. Daizen biết Soemon rất rõ – ông ta không quan tâm mà cũng không hiểu biết nhiều về vấn đề tiền bạc, do đó sẽ gặp rắc rối to khi chậm trả khoản tiền vay từ tay phú thương Kawachiya Sanemon. Nhưng nếu Daizen đề nghị trả giúp Soemon món nợ thì ông ta sẽ thẳng thừng từ chối vì sĩ diện, thậm chỉ cảm thấy bị xúc phạm.
Ngày kia Daizen đến thăm bạn, và sau khi đi thăm vườn để trầm trồ những chậu hoa mẫu đơn được giải, cả hai vào dùng trà. Trông thấy những bức tranh của danh họa Kano Tennyu, Daizen thốt lên "Ô, quả là bức tranh tuyệt đẹp... Chưa bao giờ tôi thấy cái gì mà tôi thích hơn bức này". Chỉ sau vài lời khen ngợi nữa thì Soemon không còn lựa chọn nào khác là phải tặng tranh cho bạn.
Tất nhiên Daizen từ chối lấy lệ, để khi bạn cố nài là ông ta nhận luôn. Hôm sau Soemon nhận được gói quà của Daizen. Đó là một bình hoa quý hiếm, kèm với bức thư giải thích rằng đây là biểu hiện tình tri kỷ và việc Daizen đánh giá cao bức tranh của Soemon.
Ông ta viết thêm rằng chính Sen no Rikyu tự tay làm ra bình hoa, trên đó còn lưu thủ bút của Thiên hoàng Hydeyoshi. Daizen gợi ý rằng nếu không thích chơi bình hoa thì có thể tặng nó cho một môn đồ Cha-no-yu, chẳng hạn như tay phú thương Sanemon, người từng khao khát sở hữu chiếc bình. Daizen viết tiếp rằng, Sanemon đang sở hữu một loại giấy tờ cao cấp nào đó mà Soemon rất thích, "Biết đâu anh sắp xếp trao đổi được?"
Nhận thức hành động tế nhị của bạn mình, Soemon mang bình hoa tới nhà phú thương. Ông này thốt lên "Tôi đã nghe danh nó từ lâu nhưng nay là lần đầu tôi nhìn thấy. Đây là của quý hiếm đến mức không bao giờ cho mang ra khỏi cổng!". Nói xong ông ta liền đề nghị trao đổi với tờ giấy nợ và còn tặng Soemon thêm 300 ryo. Nhưng vì không quan tâm đến tiền bạc nên Soemon chỉ nhận lại tờ giấy nợ.
Diễn giải
Kuriyama Daizen biết rằng việc giúp người không bao giờ đơn giản: Nếu ta cứ nhặng xị một cách thô thiển thì người nhận cảm thấy mình nặng gánh hàm ân. Việc này có thể góp cho người thi ân một ít quyền lực, nhưng là loại quyền lực chóng tàn bởi vì nó dấy lên sự ray rứt bất an và lực đề kháng âm thầm. Hành động thi ân gián tiếp và lịch sự sẽ mạnh gấp mười lần. Chính vì vậy mà Daizen xoay xở để bạn tặng mình bức tranh, từ đó ông mới có cơ sở tặng lại chiếc bình. Cuối cùng cả ba bên đều cảm thấy hài lòng theo cách riêng của mình.
Điều cốt yếu là Daizen đã tự biến mình thành bàn chân mèo, thành dụng cụ để lấy hạt dẻ ra khỏi bếp lửa. Hẳn ông phải ít nhiều xót ruột khi chia tay với chiếc bình hiếm, nhưng ngược lại ông được bức tranh quý, và quan trọng hơn nữa là sức mạnh của một "triều thần", hiểu theo nghĩa là người đang tìm kiếm sự ủng hộ.
Triều thần dùng bàn tay trong găng để giảm nhẹ những cú tấn công, ngụy trang các vết thẹo và làm cho động tác cứu giúp trông lịch sự và sạch gọn hơn. Giúp người khác nhưng cuối cùng triều thần giúp chính mình.
Ví dụ về Daizen đưa ra mô thức cho sự giúp đỡ qua lại giữa bạn bè và đồng nghiệp: Đừng bao giờ bắt người khác phải chịu ơn. Hãy tìm ra cách tự biến mình thành bàn chân mèo, gián tiếp gỡ bạn ra khỏi mớ bòng bong, đừng để họ cảm thấy mang ơn mình một cách thô thiển
Ta không nên quá bộc trực. Hãy đến rừng nhìn xem, cây ngay thẳng bị đốn, còn cây cong vẹo được chừa lại. (Kautilya, triết gia Ấn Độ, thế kỷ III TCN)
CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC
Với tư cách lãnh đạo, có lẽ bạn cho rằng sự siêng năng cần cù và ra vẻ làm việc cật lực hơn mọi người đồng nghĩa với quyền lực. Nhưng thật ra chúng có tác dụng ngược lại là làm mọi người thấy bạn yếu kém. Tại sao hắn lại phải làm nhiều như thế? Có lẽ hắn bất tài nên mới phải làm nhiều mới đuổi kịp. Có lẽ bạn thuộc về dạng người không biết ủy nhiệm nên phải mó tay vào mọi thứ.
Người thật sự quyền lực có vẻ như không bao giờ vất vả hoặc vội vàng. Trong khi người khác làm việc tới mòn tay thì họ ung dung nhàn nhã. Họ biết tìm đúng người để giao đúng việc, trong lúc họ tiết kiệm năng lượng và không cho tay vào lửa. Còn bạn, bạn tưởng rằng khi chấp nhận việc bẩn, dấn thân vào những việc khó ưa, bạn sẽ chứng tỏ được sức mạnh và làm người khác e sợ. Thật ra bạn chỉ làm cho họ thấy bạn xấu xa và lạm quyền. Người quyền lực thật sự luôn giữ tay sạch. Quanh họ chỉ có điều tốt và chỉ những tuyên bố của họ mới là thành tựu vinh quang.
Tất nhiên nhiều khi ta buộc phải sử dụng sinh lực, hoặc phải thực hiện một hành động xấu xa nhưng cần thiết. Tuy nhiên hãy nhớ đừng bao giờ để người khác thấy ta là kẻ ra tay. Hãy tìm một tay sai. Hãy phát triển nghệ thuật phát hiện, sử dụng và đúng lúc loại bỏ những tay sai ấy khi vai trò của họ đã xong.
Vào đêm hôm trước khi diễn ra trận thủy chiến quan trọng, quân sư Gia Cát Lượng được lệnh trong vòng ba ngày phải cung cấp cho quân đội 100.000 mũi tên, nếu không sẽ bị tội chết. Thay vì cố làm ra số tên đó, vốn là việc không thể, Lượng sai người lấy cỏ bọc quanh khoảng chục con thuyền.
Vào xế chiều, khi sương mù từ sông dấy lên, ông ta mới cho thuyền tiến về phía doanh trại địch. Sợ sa vào bẫy của quân sư Gia Cát Lượng lừng danh, địch không dám xuất quân ra chặn đánh những chiếc thuyền mờ ảo trong sương mà chỉ dám từ trên bờ bắn tên xuống như mưa. Thuyền Lượng đến càng gần thì mưa tên càng lớn. Chỉ sau vài giờ, người của Lượng ung dung xuôi về trại, gỡ tên ghim đầy hai bên mạn thuyền bọc cỏ, đếm đủ 100.000 giao cho cấp trên.
Gia Cát Lượng không bao giờ tự tay làm việc gì mà người khác có thể làm thay ông – ông luôn nghĩ ra những mưu chước như vừa kể. Điểm cốt yếu cho việc sáng tạo này là phải nghĩ trước nhiều nước cờ, tưởng tượng cách nhử người khác làm thay cho ta.
Ta phải che đậy mục tiêu, bao bọc nó trong màn bí ẩn, giống như những chiếc thuyền ma của Lượng trong sương. Khi đối thủ không biết rõ ta muốn gì, họ sẽ phản ứng theo cách mà về lâu về dài không có lợi cho họ. Thật ra họ đã trở thành bàn chân mèo cho ta
Cách dễ dàng và hiệu quả để sử dụng tay sai thường khi là cấy thông tin vào hắn để sau đó hắn lan tỏa sang mục tiêu ban đầu của ta. Thông tin giả hoặc thông tin được cài đặt là dụng cụ hùng mạnh, đặc biệt là khi được lan truyền bởi kẻ bịp mà không ai ngờ tới. Sau hết sẽ có những trường hợp ta chủ động biến mình thành tay sai để đạt được sức mạnh cuối cùng.
Đó là mưu kế của một triều thần hoàn hảo. Biểu tượng ở đây là Sir Walter Raleigh, người từng lót áo khoác của mình lên đất bùn để Nữ hoàng Elizabeth bước qua mà không lấm giày. Đứng ra làm dụng cụ bảo vệ để sư phụ hay đồng nghiệp không bị nguy hiểm hoặc phiền phức, bạn được sự kính nể và trước sau gì cũng mang lợi lộc đến cho bạn. Và hãy nhớ: Nếu có thể bọc hành động của mình trong lớp vỏ lịch sự và hào hoa thay vì phô trương và cồng kềnh, phần thưởng của bạn sẽ càng lớn lao hơn nữa
Hình ảnh: Cái chân mèo. Nó có móng dài để vỗ, nó mềm mại và có miếng đệm. Hãy dùng chân mèo để gắp những đồ vật từ bếp lửa, để cào kẻ thù, để vờn chuột trước khi hạ sát. Đôi khi bạn sẽ làm mèo đau, nhưng thường khi nó chẳng hề nhận biết.
Ý kiến chuyên gia: Cái gì tốt lành dễ chịu thì dành cho mình, cái gì xấu xa khó chịu thì để người khác. Thực hiện chiêu thứ nhất thì bạn được ưu ái, còn chiêu thứ hai bạn làm lệch hướng ác ý. Những vấn đề quan trọng thường phải có khen thưởng và trừng phạt. Hãy để điều tốt phát xuất từ mình và điều xấu từ kẻ khác. (Baltasar Gracián , 1601-1658)
NGHỊCH ĐẢO
Cả hai chiêu thức chân mèo và dê tế thần để phải được sử dụng một cách cẩn thận và tế nhị. Chúng như những màn khói che giấy việc ta nhứng tay vào những việc bẩn, vì vậy khi nào màn khói này tan và bị ta bắt quả tang là kẻ giật dây thì mọi người nhìn đâu đâu cũng thấy dấu ấn của ta, và ta sẽ bị đổ lên đầu những tội lỗi không dính dáng gì đến mình. Khi bị lộ tẩy rồi thì mọi việc sẽ bùng lên ngoài tầm kiểm soát.
Năm 1572, hoàng hậu Pháp là Catherine de Médici âm mưu loại trừ Gaspard de Coligny, một đô đốc hải quân Pháp và lãnh đạo phe Huguenot Tin lành. Ông này rất thân với con trai hoàng hậu là Charles IX nên hoàng hậu sợ dần dà vua con bị ảnh hưởng. Vì vậy bà nhờ một thành viên gia tộc Guise, một trong những phe hoàng gia hùng mạnh nhất nước Pháp ám sát Coligny
Tuy nhiên hoàng hậu còn một kế hoạch bí mật khác: Làm sao cho phe Huguenot tin rằng chính dòng họ Guise đã ra tay ám sát Coligny, từ đó họ sẽ tìm phương trả thù. Với một đòn, hoàng hậu hy vọng diệt được cả hai phe. Nhưng chẳng may kế hoạch đi đoong. Sát thủ không giết được mà chỉ làm Coligny bị thương. Ông ta nghi ngờ hoàng hậu chủ mưu vụ này và báo cho vua biết. Cuối cùng vụ ám sát hụt này và những tình tiết liên quan đã dấy lên một chuỗi sự kiện, làm nảy sinh cuộc nội chiến đẫm máu giữa hai phe Công giáo và Tin lành, mà cao điểm là cuộc tàn sát Đêm thánh Bartholomew khiến hàng ngàn người Tin lành bị sát hại.
Vì vậy bạn hãy cẩn thận khi định sử dùng bàn chân mèo và con dê tế thần trong trận mạc nào có hậu quả lớn: Nhiều chuyện tồi tệ có thể xảy ra. Tốt hơn những trò đó nên được dùng vào những việc có quy mô hẹp hơn, nơi mà lỗi lầm hoặc những toan tính sai lệch sẽ không gây ra hậu quả thảm khốc.
Cuối cùng, có nhiều trường hợp ta không nên che đậy sự dính líu hoặc trách nhiệm của mình, mà phải đứng ra nhận lỗi. Nếu đang nắm quyền lực và hoàn toàn làm chủ quyền lực ấy, thỉnh thoảng ta cũng nên đóng vai kẻ ăn năn: Ra vẻ khẩn thiết, ta xin người yếu hơn mình tha lỗi. Đó là thủ đoạn của vị vua làm bộ hy sinh vì lợi ích nhân dân.
Tương tự như thế, đối khi bạn cũng nên thủ vai kẻ trừng phạt để làm cho cấp dưới run sợ. Thay vì tay mèo, ta dùng chính bàn tay hùng mạnh của mình trong một động tác đe dọa. Chiêu này nên sử dụng một cách dè sẻn. Dùng quá nhiều thì sợ hãi sẽ biến thành ganh ghét, có nguy cơ dấy lên sự chống đối quyết liệt, đến ngày nào đó sẽ hạ bệ ta. Vậy hãy học cho quen thói dùng tay sai – như vậy an toàn hơn
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top