NGUYÊN TẮC 18: ĐỪNG XÂY PHÁO ĐÀI ĐỂ TỰ VỆ, ĐỪNG TỰ CÔ LẬP


Thế giới đầy nguy hiểm và kẻ thù có mặt khắp nơi – ai cũng phải lo phòng thân. Pháo đài có vẻ là nơi an toàn nhất. Nhưng tình trạng cô lập này lại an ít nguy nhiều, bởi vì ta sẽ mất nguồn thông tin, trở thành một con mồi quá lộ liễu và dễ bắn hạ. Tốt hơn ta nên trà trộn vào những người xung quanh và lôi kéo liên minh. Đám đông sẽ che chắn cho bạn trước mũi dùi thù địch.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC Hoàng đế đầu tiên của nước Trung Quốc thống nhất (221-210 TCN) Tần Thủy Hoàng là người quyền lực nhất thời bấy giờ. Đế chế ông ta rộng lớn và hùng mạnh hơn cả cơ đồ của Alexander Đại đế. Tần Thủy Hoàng chinh phục tất cả những lãnh thổ quanh vương quốc mình, rồi hợp lại thành một quốc gia duy nhất gọi là Trung Hoa. Nhưng vào khoảng cuối đời, ít ai được thấy ông.

Hoàng đế sống trong cung điện vĩ đại nhất thời bấy giờ, giữa thủ đô Hàm Dương. Cung điện có 270 thất thông nhau bằng hành lang bí mật hoặc địa đạo, nhờ đó Tần Thủy Hoàng tha hồ tới lui mà không ai thấy. Mỗi đêm ông nghỉ ở một thất khác nhau, và người nào lỡ nhác thấy thì lập tức bị bêu đầu. Chỉ vài người thân tín mới biết hành tung của ông ta, và hễ hé răng là bị xử trảm

Khi cần xuất cung thì Tần Thủy Hoàng phải hóa trang vi hành. Trong một lần vi hành như thế ông đột ngột băng hà. Thi thể ông được mang trở về kinh thành trong kiệu ngọc, theo sau là một xe chất đầy cá để ngụy trang mùi hôi xác chết – không ai được biết về cái chết đó. Ông ta qua đời trong sự cô đơn, cách xa hậu cung và triều đình, quanh ông lúc ấy chỉ có một cận thần và quan thái giám.

Diễn giải Tần Thủy Hoàng khởi nghiệp là vua nhà Tần, vươn lên từ vị trí một chiến sĩ vô úy với tham vọng vô hạn. Ông ta gồm thu thiên hạ bằng mánh khóe và bạo lực, hủy bỏ chế độ phong kiến. Để dễ theo dõi các thành viên hoàng tộc rải rác khắp đất nước, ông lùa về cung điện Hàm Dương khoảng 120.000 người. Ông đặt ra nhiều quy định thống nhất cho cả nước và cho xây Vạn Lý trường thành.

Tuy nhiên trong tiến trình thống nhất đó, Tần Thủy Hoàng cho đốt tất cả sách vở có liên quan đến Khổng Tử, người mà những lời giáo huấn của ông gần như đã trở thành tôn giáo. Thậm chí ai trích dẫn lời Khổng Tử đều bị chém đầu. Vì vậy có rất nhiều người căm thù Tần Thủy Hoàng, ông ta lo sợ, trở thành hoang tưởng. Số lượng người bị hành quyết ngày càng tăng. Một tác giả đương thời là Hàn Phi Tử viết rằng vinh quang của Tần kéo dài bốn thế hệ, nhưng ông ta vẫn phải sống trong sự hãi hùng thường xuyên và lúc nào cũng canh cánh sợ thích khách.

Khi càng lui sâu vào cung để tự bảo vệ, Tần Thủy Hoàng càng mất quyền điều khiển đất nước. Bọn thái giám và gian thần tha hồ thao túng, thậm chí còn âm mưu chống lại ông. Cuối cùng ông chỉ là hoàng đế trên danh nghĩa và thân phận cô lập đến mức lúc chết chẳng ai hay. Có lẽ ông bị các quan cận thần đầu độc, tức là những người đã khuyên ông sống cách ly để đề phòng thích khách.

Đó là hậu quả của việc cách ly: Rút lui vào pháo đài rồi mất quyền điều khiển nguồn quyền lực. Mất đi đôi tai nên không nghe thấy diễn biến quanh mình, nhận thức không chính xác về quy mô thực tế. Những tưởng được an toàn hơn, nhưng thật ra ta đã tự tách khỏi cái tri thức vốn bảo đảm sự sống của mình.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Được Louis XIV cho xây dựng vào thập niên 1660, Versailles không giống bất kỳ cung điện hoàng gia nào trên thế giới. Giống như tổ chức của một tổ ong, mọi thứ đều diễn biến quanh vị chúa tể. Sinh hoạt của Louis được bao quanh bởi đông đảo triều thần. Họ được cấp phòng ốc quanh khu vực trung tâm của vua, chức càng cao thì càng được ở gần vua. Phòng ngủ của Louis ở giữa cung điện nên trở thành tâm điểm chú ý của tất cả mọi người. Mỗi sáng trong phòng ngủ hoàng gia ấy đều diễn ra nghi lễ chào vua thức giấc, gọi là lễ lever.

Quan viên hầu cận ngủ ngay ở chân giường vua và sẽ đánh thức ông dậy vào lúc tám giờ, mở cửa phòng cho những ai có phận sự ở buổi nghi lễ lever. Thứ tự đã được ấn định sẵn: Trước tiên là những người con không chính thức và cháu nội vua, kế tiếp là hoàng tử công chúa, rồi đến các quan ngự y. Theo sau là quan phụ trách y phục, giải trí, rồi triều thần. Ngoài ra còn một số khách mời đặc biệt được hân hạnh chứng kiến cảnh vua thức dậy. Đến cuối buổi nghi lễ, trong phòng có hơn trăm người.

Sinh hoạt hàng ngày cũng được sắp xếp sao cho mọi thứ đều phải thông qua nhà vua. Công tước Saint-Simon ghi lại: "Khi vua quay sang người nào, hỏi một câu gì, hoặc nói điều gì đó cho dù không quan trọng, thì mọi cặp mắt đều đổ dồn về người ấy. Đặc ân đó sẽ được mọi người bàn tán, uy tín của người ấy được tăng cao."

Trong cung không thể nào có được riêng tư, ngay cả nhà vua cũng không – tất cả các phòng đều thông với nhau, mỗi hành lang đều dẫn ra sảnh đường khác, nơi giới quý tộc thường xuyên tụ họp. Hành động của mọi thành viên đều liên đới nhau, không việc gì, không người nào mà không bị để ý: "Nhà vua không chỉ muốn giới quý tộc thượng phẩm có mặt ở buổi chầu," Saint[1]Simon viết, "mà ngay cả quý tộc hạ phẩm cũng phải hiện diện." Ở nghi lễ lever cũng như coucher (đi ngủ), lúc dùng bữa, trong các khu vườn của Versailles, nhà vua luôn muốn mọi người quy tụ đông đảo. Ngài sẽ phật ý nếu những quý tộc danh giá nhất không sinh sống thường trực tại triều đình, những ai không xuất hiện hoặc ít xuất hiện sẽ gánh chịu hậu quả của sự phật ý ấy. Sau này nếu họ dâng thỉnh nguyện, ngài hất mặt lên trả lời "Ta không biết hắn", và tình hình xem như hết cứu vãn.

Diễn giải

Do đó việc xây dựng Versailles không chỉ đơn thuần là thú ngông cuồng xa hoa, mà còn có chức năng hết sức quan trọng: Vua có khả năng nghe thấy tất cả những diễn biến quanh mình. Trước kia từng kiêu hãnh biết bao, giờ đây các quý tộc chỉ còn cãi vặt để tranh nhau xem ai được hầu vua mặc long bào. Ở Versailles không thể có sự riêng tư, không thể có sự cô lập. Louis XIV đã sớm nhận ra mối nguy của một vị vua cô lập. Ngài biết rằng sau lưng mình nhiều âm mưu sẽ mọc lên như nấm sau mưa, mọi đố kỵ sẽ câu kết thành bè phái, và phiến loạn sẽ bùng lên khi ta không kịp phản ứng. Để phòng chống những mối nguy ấy, Louis không chỉ chuyển khích thái độ cởi mở giao tế, mà còn cho chính thức tổ chức và phân luồng Louis XIV lên nắm quyền lực khi kết thúc cuộc nội chiến khủng khiếp mang tên Fronde (Ná thun). Giới quý tộc đã gây chiến vì bức bối chuyện quyền lực ngày càng tăng của vua, họ luôn hoài vọng thời phong kiến vàng son, khi mỗi vị đều toàn quyền trên lãnh địa riêng, và lúc đó hoàng gia hầu như không chút quyền hành nào. Tuy thua trận đành phải phục tùng nhưng giới quý tộc luôn cay cú và muốn nổi loạn.

Những sinh hoạt cộng đồng trong khuôn phép ấy kéo dài suốt triều đại Louis XIV, gói trọn 50 năm trị vì trong yên bình và ổn định. Suốt thời kỳ đó, không có cây kim nào rơi mà Louis lại không nghe.

Sự cô đơn rất nguy hại đối với lý trí, lại không ích lợi cho đức hạnh... Hãy nhớ rằng kẻ phàm phu cô độc chắc chắn ưa dục lạc, hầu như là ưa chuyện mê tín và có thể điên rồ. (Tiến sĩ Samuel Johnson, 1709-1784)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Machiavelli lập luận rằng nếu ta nhìn ở khía cạnh triệt để quân sự, thì pháo đài chắc chắn là một sai lầm. Pháo đài là biểu tượng của quyền lực bị cô lập, và là mục tiêu dễ dàng cho kẻ thù. Lẽ ra phải bảo vệ ta, đàng này pháo đài lại cách ly ta với nguồn tiếp ứng, ảnh hưởng nặng nề đến tính linh động. Nhìn xa trông có vẻ vững vàng, song một khi ta rút vào đó rồi, thì pháo đài trở thành ngục tù, ngay cả khi kẻ thù không vây hãm. Ở góc độ chiến lược, sự cô lập của một pháo đài không bảo vệ được ta, mà thật ra lợi bất cập hại.

Bởi về bản chất, con người là những sinh vật mang tính cộng đồng, nên quyền lực tùy thuộc vào tương tác và giao lưu xã hội. Muốn nắm quyền lực ta phải tự đặt mình ở trung tâm mọi thứ, theo cách Louis XIV làm ở Versailles. Mọi sinh hoạt phải diễn ra quanh ta, đồng thời ta phải biết được những gì xảy ra ngoài xã hội, trong đó có những âm mưu chống lại ta. Khi bị đe dọa, khi bị nguy hiểm, hầu hết mọi người đều có khuynh hướng rút lui và đóng cửa để cảm thấy được an toàn trong một dạng pháo đài. Nhưng như thế họ chỉ dựa vào quy mô thông tin ngày càng hẹp dần, và mất đi toàn cảnh thực tế xung quanh. Không gian thao tác bị thu hẹp, họ trở thành những mục tiêu dễ bị bắn hạ. Trong chiến tranh cũng như nhiều trò chơi chiến lược khác, theo sau sự cô lập thường là việc bại trận và mạng vong.

Sau khi gặp nguy biến, bạn cố gắng chống lại thói quen tự cô lập mình. Ngược lại, hãy tạo điều kiện cho đồng minh đến với ta, hình thành liên minh mới, dấn thân vào nhiều cộng đồng khác nữa. Đó là mánh khóe của người quyền lực từ nhiều thế kỷ nay.

Chính khách La Mã Cicero xuất thân từ tầng lớp quý tộc hạ lưu, do đó ít có khả năng được nắm quyền lực trừ khi xoay xở tìm được vị trí giữa người giới thượng lưu đang điều hành thành phố. Cicero thành công nhờ nhận định đúng đắn tầm ảnh hưởng của từng người và mối liên kết giữa họ với nhau. Ông trà trộn khắp nơi, quen biết mọi người, và như vậy đã thiết lập được một mạng lưới kết giao rộng lớn, qua đó có thể sử dụng một liên minh chỗ này để làm đối trọng với một kẻ thù ở chỗ khác.

Chính khách Talleyrand cũng chơi cùng trò đó. Mặc dù xuất thân từ một trong những gia đình quý tộc lâu đời nhất nước Pháp, ông đặt mục tiêu là luôn tiếp cận với những gì diễn ra ở đường phố Paris, từ đó đón đầu nhiều xu hướng, tiên đoán những bất ổn. Thậm chí ông thích trà trộn vào giới tội phạm để nắm nhiều thông tin quý giá. Mỗi khi xảy ra những khủng hoảng hoặc chuyển giao quyền lực – ngày tàn của Hội đồng Đốc chính, việc hạ bệ Napoléon, sự thoái vị của Louis XVIII – Talleyrand đều tai qua nạn khỏi, thậm chí còn phát đạt, bởi vì ông không bao giờ tự khép mình trong một phạm vi nhỏ hẹp mà luôn tạo liên kết với nền trật tự mới được thiết lập.

Nguyên tắc này gắn liền với vua chúa, với những người ở vị trí quyền lực cao nhất: Ngay lúc bạn tự cô lập để mong được an toàn, thì đó cũng là lúc mất liên lạc với quần chúng của bạn, và phiến loạn đang dấy men. Đừng bao giờ quá tự cao và tách rời mình khỏi những cấp bậc thấp bé nhất. Khi lui vào pháo đài, bạn trở thành mục tiêu dễ tấn công cho bọn tạo phản vốn xem sự cách ly đó là một sỉ nhục và nguyên cớ để tạo phản.

Vì con người là sinh vật mang tính cộng đồng, nên càng giữ liên lạc với người khác thì ta càng được lòng họ. Hơn nữa, sự cô lập chỉ làm cho cách cư xử của ta thêm dị hợm, từ đó lại khiến ta thêm cách ly vì mọi người bắt đầu tránh né ta

Năm 1545, Công tước Cosimo I của tộc Medici quyết làm cho thanh danh dòng họ trở nên bất tử bằng cách đặt vẽ tranh bích họa trong nhà thờ San Lorenzo tại thành phố Fiorence. Họa sĩ tài danh lúc ấy không thiếu, nhưng cuối cùng công tước chọn Jacopo da Pontormo. Công việc tiến hành trong nhiều năm bởi ông muốn những bức họa đó sẽ là kiệt tác và di sản của mình. Thoạt tiên ông quyết định đóng cửa nhà nguyện, không muốn ai chứng kiến sự ra đời của kiệt tác và ăn cắp ý tưởng.

Trên trần nhà nguyện được Pontormo vẽ đầy kín những cảnh tượng rút ra từ kinh thánh. Họa sĩ làm việc 11 năm liên tục, ít khi rời khỏi nhà nguyện vì càng ngày ông càng tránh né tiếp xúc với con người.

Pontormo chết trước khi hoàn thành bức họa, và không bức nào còn sót đến ngày nay. Tuy nhiên Vasari, một cây bút thời Phục hưng và là bạn của Pontormo lại có dịp trông thấy và mô tả tác phẩm ít lâu trước khi Pontormo qua đời. Theo Vasari thì kích thước tác phẩm không còn giới hạn nào nữa. Cảnh tượng này đâm sầm vào cảnh tượng kia, nhân vật của chuyện này được vẽ bên cạnh nhân vật câu chuyện khác, nhiều đến mức không chịu được. Vì bị ám ảnh bởi những chi tiết nhỏ nhặt nhất nên Pontormo đã đánh mất cảm giác về bố cục toàn cảnh. Vasari cho biết ông không thể mô tả nữa bởi vì nếu tiếp tục, "Tôi e rằng sẽ mất trí và sa lầy vào họa phẩm, cũng như Japoco từng sa lầy vào đấy suốt 11 năm trường". Thay vì đưa sự nghiệp Pontormo lên ngôi, đàng này công trình ấy đã hủy hoại đời ông

Ta có thể xem cách bích họa ấy tương đương với hậu quả của sự cô lập đối với tâm trí con người: Mất cảm giác về quy mô, ám ảnh bởi chi tiết không thể nhìn thấy tổng thể lớn hơn, một loại lệch lạc thái quá không còn khả năng thông tri. Rõ ràng sự cô lập cũng chí tử cả với nghệ thuật mang tính sáng tạo hoặc mang tính xã hội. Shakespeare là cây bút nổi tiếng nhất lịch sử bởi vì với tư cách là kịch tác gia cho sân khấu bình dân, ông cởi mở tấm lòng với số đông, sao cho tác phẩm của mình dễ dàng đến với quần chúng với bất kỳ trình độ hoặc khẩu vị nào. Nghệ sĩ nào rút lui vào tháp ngà sẽ đánh mất cảm giác về qui mô thực tế, vì tác phẩm họ chỉ chia sẻ được giữa một nhóm nhỏ. Loại nghệ thuật đó xem như bế tắc và không còn sức mạnh.

Cuối cùng, vì con người tạo ra, quyền lực chỉ phát triển qua tiếp xúc với con người. Thay vì rơi vào tâm lý pháo đài, bạn hãy nhìn thế giới như sau: Đó là cung điện Versailles khổng lồ, mọi phòng ốc đều liên thông với nhau. Bạn phải có tính dung hợp, phải biết giao tiếp và trà trộn với nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhờ sự lưu loát và tiếp xúc xã hội ấy, bạn sẽ không bị nguy cơ làm phản, vì bọn tạo phản sẽ không thể bưng bít bí mật, còn những kẻ thù thì cũng không thể cô lập bạn với những đồng minh của bạn

Bạn hãy luôn chuyển động, luôn trà trộn hòa mình vào các phòng ốc trong cung điện, đừng bao giờ ngồi hoặc đứng yên một chỗ. Không tay bắn tỉa nào có khả năng tập trung tầm nhìn chính xác vào một mục tiêu luôn di chuyển nhanh chóng như thế.

Hình ảnh: Pháo đài. Cao cao trên ngọn đồi, pháo đài trở thành biểu tượng của điều bị ganh ghét ở uy quyền và thế lực. Cư dân thị trấn sẽ bán đứng ta ngay cho kẻ thù mới tới. Khi bị gián đoạn với nguồn thông tin và tình bán, pháo đài dễ dàng bị thất thủ.

Ý kiến chuyên gia: Bậc vua chúa nào muốn gìn giữ sự anh minh và khôn ngoan, đồng thời không muốn tạo điều kiện cho các con mình trở nên hà khắc, thì nhớ đừng xây dựng pháo đài, như thế các con sẽ đặt sự tin cậy vào thiện chí của thần dân, chứ không dựa vào sức mạnh của pháo đài. (Niccolò Machiavelli, 1469-1527)

NGHỊCH ĐẢO

Ít khi nào sự tự cô lập lại tốt lành và đúng đắn. Nếu không có kênh thông tin để lắng nghe những gì đang diễn ra ngoài đường phố, ta sẽ không thể tự phòng vệ. Việc duy nhất mà sự tiếp xúc thường xuyên giữa người và người không thể tăng cường, đó là tư duy. Áp lực xã hội và sự tiếp xúc liên tục với người khác có thể khiến bạn không thể suy nghĩ rõ ràng xem việc gì đang diễn ra quanh mình. Do đó giải pháp tạm thời là ta tạo một khoảng cách nhất định để nhìn được cái phối cảnh tốt hơn. Nhiều nhà tư tưởng đã hình thành tác phẩm của họ trong tù, nơi mà họ không có việc gì để làm, ngoài việc suy nghĩ. Machiavelli chỉ có thể viết ra quyển The Prince (Quân vương) khi ông đang bị lưu đày, cô lập trong một trang trại, cách xa những mưu đồ chính trị của Florence.

Tuy nhiên mối nguy của sự cô lập là trí não ta nghĩ ra đủ loại ý tưởng lầm lạc và lạ kỳ. Tuy được cái nhìn tổng thể, nhưng ta không thể đánh giá về sự nhỏ nhoi và giới hạn của mình. Hơn nữa, càng cách ly thì ta càng khó phá vỡ tình trạng này khi ta muốn – bởi vì ta bị dìm sâu vào cát lún mà không hề hay biết. Vì vậy nếu cần có thời gian để suy nghĩ, ta chỉ nên tự cách ly khi không còn giải pháp nào khác, và nên dùng từng liều nhẹ thôi. Và nhớ để rộng mở ngả đường trở về cộng đồng xã hội

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top