NGUYÊN TẮC 16: BIẾT ĐẦU CƠ SỰ HIỆN DIỆN
Càng lưu hành nhiều thì tiền càng mất giá: Mọi người càng thấy và nghe ta càng nhiều thì ta càng trở nên tầm thường. Khi đã có vị trí trong tập thể, thỉnh thoảng ta nên ẩn mặt để mọi người bàn tán, thậm chí ngưỡng mộ. Ta phải biết lúc nào nên lui gót. Hãy tạo thêm giá trị bằng sự quý hiếm.
VI PHẠM VÀ TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Guillaume de Balaun là nghệ sĩ du ca, chuyên hát rong khắp miền Nam nước Pháp vào thời Trung cổ, đi từ lâu đài này đến lâu đài khác, vừa biểu diễn thi ca, vừa sống trọn vai trò người hiệp sĩ. Đến lâu đài Javiac, ông ta phải lòng nữ chủ nhân là Madame Guillelma de Javiac. Ông kiên nhẫn làm thơ tặng nàng, ca cho nàng nghe, chơi cờ hầu nàng, và dần dần tình yêu cũng được nàng đáp trả. Đi chung với Guillaume là Pierre de Barjac, người bạn thân cũng được đón rước tại lâu đài. Và bản thân Pierre cũng bị tiếng sét với nàng Viernetta tuy duyên dáng nhưng tính khí thất thường.
Đến ngày kia Pierre và Viernetta cãi nhau dữ dội. Bị quý cô xua đuổi, Pierre tìm đến Guillaume nhờ tìm phương hàn gắn và nói giúp với người đẹp một tiếng. Lúc ấy Guillaume sắp rời lâu đài có việc, và khi trở về vài tuần sau đó ông ta ngạc nhiên vì Pierre và Viernetta đã làm hòa với nhau rồi. Pierre cảm thấy tình yêu của mình tăng gấp bội phần – thực tế là không lúc nào tình yêu mạnh hơn lúc làm hòa sau khi giận sau. Pierre nói với Guillaume rằng mối bất hòa càng mạnh mẽ và kéo dài, thì khi gặp lại, cảm giác trùng phùng càng ngọt ngào ngây ngất.
Với tư cách kẻ hát rong, Guillaume tự hào là từng trải mọi niềm vui nỗi buồn của tình yêu. Vừa nghe bạn kể xong, ông ta cũng muốn nếm niềm vui sướng đoàn viên sau cơn sóng gió. Vì vậy ông vờ giận dỗi tiểu thư Guillelma, không thèm gửi cho nàng thư tình nào nữa, rồi đột ngột rời bỏ lâu đài không trở lại, bỏ cả những mùa liên hoan và săn bắn. Tiểu thư quay quắt muốn phát cuồng.
Guillelma phái nhiều người đưa tin đến gặp Guillaume tìm hiểu sự tình nhưng ông bảo họ về mà không giải thích lời nào. Ông nghĩ là thế nào đến lượt tiểu thư cũng sẽ nổi giận, đặt ông vào tư thế phải xin làm hòa như Pierre đã phải xin. Nhưng không, sự vắng mặt của ông lại tác dụng cách khác, và càng làm Guillelma yêu ông nhiều hơn nữa. Đến lúc này thì chính tiểu thư săn đuổi hiệp sĩ, liên tục gửi thư đi và phái liên lạc viên hóng tin. Xưa nay chưa từng nghe nói điều tương tự - vì một tiểu thư không bao giờ đeo đuổi kẻ du ca. Và bản thân Guillaume cũng không thích điều ấy. Sự sốt sắng đó khiến Guillaume cảm thấy nàng đã đánh mất phần nào phẩm giá. Không chỉ nao núng cho kế hoạch của mình, ông ta còn chột dạ với tình nương.
Cuối cùng sau nhiều tháng bặt tin chàng, Guillelma đành chịu thua, không phái gia nhân đến nữa. Lòng dạ Guillaume như lửa đốt – có lẽ nàng đã giận luôn? Hay biết đâu kế hoạch đúng như dự định? Nàng có giận thì càng tốt. Guillaume không thể chờ đợi thêm nữa – thời điểm làm hòa đã đến. Ông liền mặc bộ y phục sang trọng nhất, chọn cái mũ sắt đẹp nhất, trang hoàng con ngựa thật lộng lẫy, rồi lên đường trực chỉ Javiac
Nghe tin người yêu trở lại, Guillelma chạy như bay ra đón, quỳ gối dưới chân chàng, vén mạng che mặt để hôn chàng và xin được thứ lỗi về bất kỳ sự khinh xuất nào đã làm chàng nổi giận. Bạn hãy tưởng tượng sự bất ngờ và thất vọng của Guillaume – kế hoạch của ông ta hoàn toàn sụp đổ. Guillelma không hờn giận gì cả, nàng chưa bao giờ hờn giận, mà càng yêu say đắm mà thôi và vì thế ông ta sẽ không bao giờ kinh qua niềm vui tao ngộ sau lần hai đứa giận nhau. Giờ đã gặp nàng rồi nhưng vẫn chưa nếm được niềm vui như Pierre đã mô tả, Guillaume quyết thử lại lần nữa: Sử dụng nhiều lời lẽ và cử chỉ thô bạo để làm nàng giận mà tránh xa. Quả nhiên Guillelma bỏ đi và thề sẽ không bao giờ nhìn mặt Guillaume nữa. Ông ta cũng quay ngựa
Sáng hôm sau khi suy nghĩa lại, gã hát rong hối hận. Ông ta lại về Javiac nhưng lần này tiểu thư không tiếp, lại còn ra lệnh gia nhân xua đuổi. Cổng không mở, cầu treo không hạ xuống, Guillaume đành quay gót trở về căn phòng vắng lạnh, gục xuống khóc nức nở. Ông biết mình đã sai lầm khủng khiếp. Một năm trôi qua không gặp người thương, Guillaume đã biết thế nào là nhung nhớ, nỗi nhớ nhung giày vò làm tình yêu thêm cháy bỏng. Ông sáng tác một trong những bài thơ hay nhất gửi cho Guillelma, cùng với nhiều bức thư thống thiết để giải thích hết mọi chuyện, và cầu xin nàng tha thứ.
Rất nhiều lá thư cầu khẩn được Guillaume gửi tới tập, tiểu thư Guillelma cũng thấy nhớ gương mặt điển trai, nhớ những bài tình ca ngọt ngào, những bước nhảy hoa mỹ và tài huấn luyện chim mồi của chàng, nên cuối cùng cũng ngã lòng. Guillelma nhắn là để làm chứng cho sự ăn năn, chàng phải rút móng tay út bên phải gửi nàng làm tin, cùng với một bài thơ diễn tả nỗi thống khổ khi phải xa nhau.
Guillaume làm đúng những gì người đẹp muốn, và cuối cùng cũng thưởng thức được cảm giác tột cùng – gương vỡ lại lành, niềm vui còn vượt hẳn cảm xúc của người bạn Pierre.
Diễn giải
Định thử nếm cho biết thế nào là niềm vui tái ngộ, Guillaume de Balaun lại vô tình khám phá ra sự thật của quy luật về việc vắng mặt và có mặt. Ở giai đoạn đầu tình cảm, bạn cần tăng cường sự hiện diện mình trong mắt người thương. Nếu vắng mặt quá sớm thì người ta sẽ quên bạn. Nhưng khi cảm xúc đã sâu đậm, khi tình yêu bắt đầu kết tinh, sự vắng mặt sẽ kích thích và làm cho con tim bừng cháy. Nếu vắng mặt không lý do lại còn làm cảm xúc tăng lên bội phần: Người kia sẽ nghĩ rằng mình có lỗi chi đây. Khi ta vắng mặt, trí tưởng tượng của người yêu sẽ chắp cánh, và từ đó làm cho tình yêu mãnh liệt thêm. Ngược lại khi Guillelma càng theo đuổi thì Guillaume càng bớt yêu nàng – hình bóng của nàng thường quá, dễ với tới quá, không chừa chút sân chơi nào cho trí tưởng của chàng, vì vật cảm xúc bị bóp nghẹt. Đến khi nàng thôi không phái người liên lạc nữa thì chàng mới... thở được, mới tiếp tục thực hiện kế hoạch.
Một ai đó hoặc điều gì đó ẩn mất, hay trở nên hiếm thấy, đột nhiên khiến ta trọng vọng hơn. Những gì tại vị quá lâu, sự hiện diện của họ gần như là tràn ngập, làm cho ta xem thường. Vào thời Trung cổ, các tiểu thư luôn đặt hiệp sĩ trước những thử thách của tình yêu, yêu cầu họ thực hiện nhiều chuyến đi xa hoặc phiêu lưu hào hùng, thực chất là để áp dụng mô thức vắng mặt/có mặt. Có khả năng nếu Guillaume không chủ động tìm cách vắng mặt thì Guillelma buộc lòng phải phái chàng đi xa, chủ động tạo ra sự trống vắng cần thiết.
Sự vắng mặt sẽ làm suy yếu những đam mê nhỏ nhoi và làm bừng cháy những đam mê mãnh liệt, giống như gió thổi tắt ngọn nến và thổi bùng đám cháy. (La Rochefoucauld, 1613-1680)
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Suốt nhiều thế kỷ, người Assyria dùng bàn tay sắt thống trị vùng Iraq ngày nay. Tuy nhiên vào thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, dân chúng vùng Medea (bây giờ là miền Tây-Bắc Iran) khởi nghĩa và giành độc lập. Khi thành lập chính quyền, người Medea muốn tránh mọi hình thức độc tài, không đặt quyền lực tối thượng trong tay một người, cũng không thiết lập chế độ quân chủ. Tuy nhiên không có một người lãnh đạo thì đất nước lại sớm rơi vào tình trạng hỗn loạn, manh mún thành nhiều lãnh địa nhỏ, với việc làng này đánh làng kia.
Trong một làng như thế có người tên Deioces, dần dần nổi tiếng về tài giảng hòa một cách công bằng, không thiên vị bên nào. Và ông thành công đến mức người dân luôn mời ông phân xử tất cả mọi xung đột, từ đó quyền lực ông tăng nhanh. Những thẩm phán khác trên đất nước Medea đều tham nhũng thối nát vì vậy người dân không thèm giao phó vụ việc cho tòa, mà thích giải quyết bằng bạo lực. Nghe tiếng Deioces rất thanh liêm, hiền triết, cùng với tâm bất thiên vị không thể lay chuyển, các thôn làng xa gần đều nhờ ông phân xử đủ loại tố tụng. Không lâu sau đó Deioces trở thành người duy nhất cầm cán cân công lý của đất nước.
Đang ở đỉnh cao quyền lực, đột nhiên Deioces cảm thấy chán ngấy. Ông không muốn tiếp tục ngồi ở ghế phán xét, không muốn nghe lời lẽ kiện cáo, không muốn dàn xếp những tranh cãi giữa anh em và làng mạc với nhau nữa. Lấy cớ là mình mất quá nhiều thì giờ cho người khác đến nỗi bỏ bê việc gia đình, Deioces đột ngột rút lui. Một lần nữa đất nước lại rơi vào hỗn loạn, tội ác gia tăng, pháp luật bị phá vỡ. Trưởng lão của tất cả các làng mạc xứ Medea họp lại tuyên bố: "Chúng ta không thể tiếp tục sống trong tình trạng như như thế này nữa. Chúng ta hãy bầu ra một người trị vì để có thể sống dưới một chính quyền có quy củ, thay vì cửa nát nhà tan trong cơn hỗn loạn như thế này."
Và như vậy, mặc dù từng hết sức khổ ải khi sống dưới gông cùm của chế độ độc tài Assyria, người Medea vẫn phải thiết lập một chế độ quân chủ. Và người mà ai cũng muốn đề cử, tất nhiên đó là Deioces. Thật khó, thuyết phục ông ta ưng thuận, bởi vì ông đã quá chán chường những vụ đối đầu lời qua tiếng lại giữa các thôn làng, nhưng người Medea cứ nài nỉ mãi. Cuối cùng Deioces cũng phải gật đầu.
Nhưng với một loạt những điều kiện. Thứ nhất toàn dân phải xây dựng thủ đô, nơi xuất phát mọi mệnh lệnh. Kế tiếp dân Medea phải xây một cung điện thật to, với đông đảo lính ngự lâm. Nằm giữa thủ đô, cung điện này có nhiều lớp tường cao cổng kín vây quanh, người thường không thể nào hó hé. Khi công trình hoàn tất, Deioces vào cung và đưa ra luật lệ nghiêm ngặt: Không quần thần nào được diện kiến, mọi liên lạc đều phải thông qua vài liên lạc viên. Quan nào có việc cẩn mật cần trình báo thì phải xin phép trước, và mỗi tuần chỉ được gặp vua một lần duy nhất
Như thế Deioces cầm quyền suốt 53 năm, mở rộng bờ cõi Medea, thiết lập nền móng cho đế chế Ba Tư tương lai, dưới sự trị vì của hậu duệ Cyrus nổi tiếng. Suốt thời gian Deioces tại vị, sự kính trọng của nhân dân dành cho ông từ từ biến thành một hình thức tôn thờ. Theo họ, ông không phải là thường nhân, mà là một thánh nhân.
Diễn giải
Deioces là người có nhiều tham vọng. Ngay từ đầu ông đã khẳng định rằng đất nước cần có một lãnh tụ rắn rỏi, và mình là người ấy.
Ở một xứ sở bị hoành hành vì tình trạng vô chính phủ, người quyền lực nhất chính là người đứng ra làm trọng tài, làm tòa xử. Vì vậy Deioces khởi đầu sự nghiệp bằng cách xây dựng tiếng thơm, để được truyền tụng là người hoàn toàn công bằng.
Khi ở đỉnh cao danh vọng, Deioces ý thức được quy luật của việc xuất xử: Khi đứng ra phục vụ cho quá nhiều người như thế, mọi người gặp mình thường quá và muốn gặp lúc nào cũng được, từ đó sẽ lờn mặt. Dân chúng sẽ nghĩ việc mình phục vụ là lẽ đương nhiên. Muốn lấy lại mức độ trọng vọng, ông ta phải rút lui hoàn toàn, để người dân Medea biết thế nào là cuộc sống mà không có Deioces. Và đúng như ông dự đoán, sau đó họ đến nài nỉ ông lên cầm quyền.
Khi đã khám phá được quy luật này rồi, Deioces ứng dụng cho đến mức thành tựu tột cùng. Trong cung điện mênh mông vừa xây lên, không ai có quyền gặp ông trừ vài cận thần, mà những người này cũng hiếm khi được diện kiến. Như sử gia Herodotus từng viết, "Có rủi ro là nếu thường xuyên gặp ông, họ có khả năng ganh tỵ và đố kỵ, từ đó âm mưu tạo phản. Nhưng nếu không ai thấy ông, huyền thoại sẽ thêm thắt rằng ông là một thực thể khác với loài người tầm thường."
Có người hỏi vị tu sĩ: "Tại sao hiếm khi tôi thấy ông?" Tu sĩ trả lời: "Bởi vì câu 'Tại sao ông không đến thăm tôi?' nghe ngọt ngào hơn là câu 'Tại sao ông lại đến nữa?'" (Mulla Jami, trích tác phẩm Caravan of Dreams của Idries Shah, 1968)
CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC
Một sự hiện diện có trọng lượng sẽ thu hút quyền lực và sự quan tâm về cho ta – ta rực sáng hơn những người xung quanh. Nhưng nếu vượt qua một cái ngưỡng nào đó, sự hiện diện quá thường xuyên sẽ phản tác dụng: Mọi người nghe ta thấy ta càng nhiều, ta càng mất giá trị. Ta đã trở thành thói quen. Cho dù ta có cố gắng khác người, cố gắng thật tinh vi, nhưng không hiểu vì sao thiên hạ ngày càng bớt kính nể. Ta phải biết được lúc nào nên rút lui trước khi bị tiềm thức mọi người phủ nhận. Đó giống như trò ú tim.
Tác dụng của quy luật này dễ nhận ra nhất ở lĩnh vực tình yêu và quyến rũ. Khi mới yêu, sự vắng mặt của người ta yêu sẽ kích thích trí tưởng tượng của ta, tạo ra vầng hào quang quanh người ấy. Vầng hào quang này sẽ phai lạt khi ta biết quá nhiều – khi trí tưởng tượng của ta không còn đất dụng võ. Người yêu bây giờ sao cũng giống như bất cứ ai, người được xem đương nhiên phải có mặt. Do đó tại sao kỹ nữ Ninon de Lenclos hồi thế kỷ XVII khuyên học trò nên tìm cớ thỉnh thoảng ẩn mặt. "Tình yêu không bao giờ chết vì đói kém," bà viết, "mà thường là vì bội thực."
Khi bạn để cho người khác đối xử với mình như với bất kỳ ai khác thì đã quá trễ - bạn bị nuốt chửng. Muốn tránh tình trạng này bạn phải để cho người kia thiếu vắng mình. Phải làm cho họ nể mình hơn bằng cách hé cho họ thấy khả năng đánh mất bạn vĩnh viễn. Bạn phải tạo ra một cơ chế vắng mặt và có mặt.
Khi bạn qua đời, mọi thứ về bạn sẽ có vẻ khác biệt. Trong chốc lát bạn được bao phủ bởi một vầng hào quang của sự tôn kính. Mọi người sẽ nhớ bạn hồi còn sinh tiền, họ từng chỉ trích bạn, tranh cãi với bạn, lúc ấy họ sẽ ăn năn hối hận. Họ đang thiếu vắng một sự hiện diện mà họ biết là sẽ không bao giờ trở lại. Nhưng bạn không nhất thiết phải đợi đến lúc mình đã qua đời: Khi tạm thời vắng mặt một thời gian, bạn đã tạo ra một cái chết trước cái chết. Và khi xuất hiện trở lại, xem như bạn trở về từ cõi chết – bạn sẽ có dấu ấn của sự phục sinh, và mọi người sẽ cảm thấy nhẹ lòng với sự trở lại ấy. Đó là cách mà Deioces kiến tạo con đường đi đến ngai vàng.
Napoléon đã nhận ra quy luật này khi nói "Nếu thường bắt gặp ta đi xem kịch, dân chúng sẽ bớt trọng vọng ta." Ngày nay, trong một thế giới tràn ngập hình ảnh, trò chơi ẩn mặt càng phát huy thế mạnh. Ít khi ta biết được lúc nào nên tạm rút lui, và ngày nay hình như không điều gì còn được vẻ riêng tư nữa, vì vậy thường nể trọng người nào biết chủ động ẩn mặt. Hai tiểu thuyết gia J. D. Salinger và Thomas Pynchon đã khiến mọi người ngưỡng mộ đến mức gần như tôn thờ, khi hai ông khéo léo chọn thời điểm xuất xử.
Quy luật này còn một khía cạnh hiện đại hơn, là ý niệm hút hàng của kinh tế học. Khi thu hồi mặt hàng nào đó ra khỏi thị trường, bạn đã tức thì tăng thêm giá trị cho mặt hàng ấy. Ở Hà Lan hồi thế kỷ XVII, các tầng lớp thượng lưu muốn cho tulip không chỉ là một loài hoa đẹp, mà tôn nó lên thành biểu tượng của địa vị xã hội. Họ chủ động làm cho hoa hiếm đi, hầu như không thể tìm được, từ đó làm bùng lên điều mà sau này được gọi là tulupomania, chứng cuồng si hoa tulip. Lúc ấy một hoa tulip còn giá trị hơn cân lượng bằng vàng của chính nó.
Tương tự như vậy ở thời đại chúng ta, nhà buôn tranh Joseph Duveen cố gắng dàn xếp như thế nào để cho những bức ông bán ra càng hiếm càng tốt. Để nâng giá trị và giá cả bức tranh, ông mua cả bộ sưu tập rồi cất giữ dưới hầm. Những bức ông bán ra lúc ấy không còn là tranh – mà là vật được tôn sùng. "Bạn tha hồ mua những bức năm mươi ngàn đôla, điều đó dễ thôi," có lần ông nói, "nhưng tậu được những bức với giá một phần tư triệu, thì hơi khó đấy!"
Hình ảnh: Mặt trời. Mọi người chỉ thấy rõ giá trị của Mặt trời khi Mặt trời khuất mất. Những ngày mưa càng kéo dài thì Mặt trời càng được đợi mong. Nhưng nếu quá nhiều những ngày nóng bức thì xem như Mặt trời thừa mứa. Hãy học cách rút vào bóng tối khiến cho mọi người yêu cầu bạn xuất hiện.
Luôn có những lúc nào đó mà những người ở vị trí quyền lực bám cái ghế quá lâu và họ không còn được hoan nghênh nữa. Ta chán họ, mất đi sự kính nể, nhìn họ cũng giống như bất kỳ ai khác; nói cách khác, ta thấy họ tệ hại khi bất giác so sánh họ hiện nay với hình ảnh của họ trước kia. Biết lúc nào nên rút lui, đó là cả một nghệ thuật. Thực hiện đúng thời điểm, bạn phục hồi sự kính nể đã phôi pha và lưu giữ một phần uy quyền.
Lãnh tụ vĩ đại nhất thế kỷ XVI là Charles V. Là hoàng đế xứ Habsburg và vua Tây Ban Nha, ông từng trị vì một đế chế có lúc bao gồm phần lớn châu Âu và cả Thế giới Mới. Vào năm 1557 lúc ở đỉnh cao quyền lực, Charles rút lui vào tu viện Yuste. Cả châu Âu đều ngẩn ngơ trước hành động đột ngột này. Những người từng sợ và ghét ông giờ lại bảo ông thật vĩ đại và mọi người xem ông như thánh sống. Gần thời đại chúng ta hơn, nữ diễn viên điện ảnh Greta Garbo giải nghệ năm 1941 và được hết sức ngưỡng mộ. Garbo đã rút lui quá sớm – mới hơn ba mươi tuổi – nhưng chẳng thà chủ động quy ẩn còn hơn là chờ đến lúc công chúng quá nhàm chán mình.
Nếu mọi người muốn gặp bạn lúc nào cũng được thì vầng hào quang bạn tạo quanh mình sẽ sớm lụi tàn. Hãy làm ngược lại: Bớt sự xuất hiện đi, rồi giá trị của sự hiện diện của bạn sẽ tăng lên.
Ý kiến chuyên gia: Sử dụng sự vắng mặt để làm người khác trọng vọng. Khi vắng mặt, một người được ví như sư tử, nhưng khi hiện diện, hắn trở thành tầm thường và nực cười. Nếu ta gần gũi thường xuyên các tài năng lớn, sẽ có lúc ta lờn mặt họ, bởi vì bề nổi dễ thấy hơn chiều sâu. Ngay cả những thiên tài xuất chúng cũng phải thỉnh thoảng ẩn mặt để cho mọi người tiếp tục trọng vọng họ, và sự thiếu vắng do sự khuất mặt sẽ khiến mọi người kính nể họ hơn. (Baltasar Gracián, 1601-1658)
NGHỊCH ĐẢO
Quy luật này chỉ tối ưu khi bạn đã đạt được một mức nhất định trên bậc thang quyền lực. Chỉ nên ẩn mặt sau khi bạn đã thiết lập sự hiện diện của mình một cách vững chắc. Nếu rút lui quá sớm bạn không được mọi người kính nể, mà còn bị quên lãng. Lần đầu khi bước lên sàn diễn thế giới, hãy kiến tạo một hình ảnh dễ nhận biết, giống như nhân bản, và mọi lúc mọi nơi. Khi chưa được như vậy thì việc đi vắng sẽ nguy hiểm – thay vì được thổi bùng, ngọn lửa sẽ tắt ngấm.
Tương tự, trên tình trường, sự vắng mặt chỉ hiệu quả sau khi bạn đã bao phủ người kia bằng hình ảnh thường trực của bạn. Phải làm sao để người yêu nhìn đâu cũng thấy bạn, để khi bạn đi vắng thì người ấy luôn mỏi mong, và hình ảnh bạn luôn ngự trị trong tim người ấy.
Tóm lại: Ở giai đoạn đầu, hãy có mặt mọi lúc mọi nơi. Chỉ đối tượng nào được nhìn ngắm, cảm kích, và yêu thương mới tạo được khoảng trống vắng khi đột nhiên biến mất
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top