40075 Km Đến Trái Tim ( Khi đọc xong! Seo hạnh phúc wé đi)

40.075 km đến trái tim (Âm bản) 

Chương 1

“Chép dùm đi.”

Tuấn ném một chồng tập trước mặt tôi rồi thản nhiên thả mình xuống giường nằm mơ màng. Tôi gõ gõ đầu bút lên mặt bàn, cố giữ giọng bình tĩnh:

“Ông quá đáng lắm nhé. Tôi lặn lội mấy cây số từ nhà mình đem tập đến đây cho ông mượn, ông phải tự thân vận động đi chứ. Ông cúp học đi đàn đúm hút chích, rồi bắt tôi ngồi chép bài là sao? Tôi không phải…”

Tôi ngừng lại khi nhận ra Tuấn đã tiến tới phía sau lưng mình từ lúc nào, tay cậu ta xoa nhẹ cái đầu bù xù của tôi rồi dừng lại mân mê vành tai bên trái. Những hành động kỳ quặc của Tuấn lúc nào cũng khiến tôi ngượng cứng người, nhưng thay vì chống cự, tôi lại giữ yên vì cảm thấy dễ chịu.

“Không phải ai cũng được làm Ôsin cho tôi đâu nhé.” Tuấn nói vẻ tự hào.

Tuấn bỏ mặc tôi lại trong phòng của cậu ta để xem trận chung kết bóng đá trên TV. Vẫn như mọi khi, giờ này ba mẹ Tuấn vẫn chưa về nhà. Hai người họ cứ như mặt trời và mặt trăng, hoặc là cả hai sẽ không có ở nhà, hoặc là không ở cùng một nơi trong cùng một lúc: điển hình là bàn ăn. Tôi lặng nhìn dáng vẻ đơn độc của Tuấn trên ghế sô-pha ngoài phòng khách. Cái đầu đinh giờ đã yên vị trên một tay vịn của ghế, nhìn từ một bên khiến tôi nhận ra sóng mũi của Tuấn rất cao. Lúc nào trên mặt cậu cũng có một miếng băng cá nhân hay vài vết bầm từ những trận đánh nhau như cơm bữa tại trường, nếu không thì trông cậu cũng ngô nghê như những đứa bạn trai cùng lứa với đôi mắt to và hàng chân mày rậm.

Tôi vội vàng chúi mũi xuống cắm cúi viết khi bị Tuấn phát hiện ra tôi đang nhìn trộm cậu ấy. Nhưng cậu ta không dễ dàng bỏ qua, cậu tắt phụt TV rồi tiến về phía tôi. Tôi vờ như đang chăm chú chép bài cho cậu ấy mãi đến khi nhận ra Tuấn đang lục lọi ba lô của mình.

“Cậu tìm gì đấy?” Tôi chau mày gắt.

“Để xem cậu có tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy không?” Tuấn nhoẻn miệng cười nham nhở, tay dốc ngược cái ba lô của tôi xuống.

Những thứ lỉnh kỉnh trong đó bắt đầu rơi vãi khắp nơi: một đống bút viết đủ màu, một cái đĩa nhạc Yiruma, một cuốn Nana… và cuốn nhật ký của tôi.

“Cái gì đây? Nhật ký á? Con trai cũng viết nhật ký á?” Tuấn hào hứng lắc lắc cuốn nhất ký của tôi trong tay như tìm thấy của quí.

Tôi cúi xuống định giật lại cuốn nhật ký nhưng Tuấn đã nhanh tay hơn. Cậu lấy tay đẩy tôi ra một bên rồi vừa đi lùi vừa lật những trang đầu tiên. Tôi gào lên:

“Trả đây. Ông không được đọc, như vậy là xâm phạm vào đời tư của người khác.”

Tuấn cười đểu: “Thế gọi cảnh sát đi.”

Tôi nổi sùng máu, hùng hổ rượt đuổi Tuấn hai ba vòng quanh vòng khách. Tuấn chạy vào phòng mình, khóa cửa lại và nhốt tôi ở ngoài. Tôi giận dữ, bất lực đập ầm ầm vào cửa. Ở bên trong, Tuấn bắt đầu đọc oang oang những dòng tâm sự thầm kín của tôi trong nhật ký.

“Ngày… tháng… năm… Còn hai tuần nữa là đến sinh nhật của Tuấn rồi.” Tuấn nhại giọng tôi. “Mình sẽ xếp một trăm con hạt giấy rồi cho vào một cái keo thủy tinh để tặng cậu ấy. Tuấn sẽ không biết mình đã viết một trăm lần vào bên trong những con hạt giấy câu…”

Tuấn dừng lại, nhưng cả hai đứa tôi đều thừa biết đằng sau cái câu bỏ lửng ấy là gì: Tớ thích cậu. Tuấn mở cửa. Tôi cúi gầm mặt, cảm nhận mặt mình đang nóng bừng lên. Cậu ta giúi trả cuốn nhật ký vào tay tôi rồi im lặng quan sát chờ đợi phản ứng của tôi.

Tôi không nhìn Tuấn, đẩy cậu ta qua một bên, tôi bước vội vào phòng, gom hết tất cả đồ đạc của mình cho vào ba lô một cách hấp tấp như đang chạy trốn nợ. Tuấn khoanh tay trước ngực, tựa người trước cửa nhìn tôi, ngờ nghệch hỏi:

“Cậu về đấy à?”

Tôi không đáp, chạy một mạch từ phòng cậu ấy ra khỏi nhà.
Vẫn chạy như ma đuổi, tôi lần theo con đường nhựa rộng, hai bên đường là những khóm cỏ dại um tùm cao hơn nửa thân người. Tôi dừng lại thở dốc ở trạm xe buýt, những cơn gió biển mát rượi dần dần thổi tung cái nóng hừng hực trong đầu tôi. Đèn đường hắt bóng cây cột báo hiệu thành một vệt dài, xiêu vẹo trên nền đất cát lởm chởm.

Trong đầu tôi là một mớ dây nhợ rối bù của cảm xúc. Vậy là Tuấn đã biết, tôi thầm yêu cậu ấy suốt hai năm trời. Lúc nào trong mắt Tuấn, tôi cũng giống như một đứa nô lệ để sai vặt. Ngay từ ngày đầu tiên tôi chân ướt chân ráo bước vào trường, Tuấn ném phịch cặp trước mặt tôi và trịnh trọng thông báo: “Này, tôi là con hiệu trưởng đấy nhá. Nếu muốn sống sót trong cái trường này thì một là làm đàn em, hai là làm kẻ thù của tôi. Chọn đi.” Tuấn nói thật, trong trường ai cũng biết danh cậu ta, thầy cô thường làm lơ trước những vụ đánh nhau có liên quan đến Tuấn vì sợ mích lòng ông hiệu trưởng. Tuấn được thế cứ làm lừng gần suốt ba năm qua.

“Về không?” Giọng của Tuấn làm tôi giật mình, rời bỏ dòng hổi tưởng của mình.

Tuấn đang ngồi trên chiếc Martin màu đen quen thuộc của cậu ta, hếch mặt lên chờ đợi. Cơn giận dữ trong tôi dần dà bị nổi sợ hãi lấn át. Tôi sợ phải đối mặt với Tuấn, sợ cậu ta sẽ đối xử với tôi như một con bệnh hơn là sợ cậu ta sẽ từ chối tình cảm của mình. Nhiều lần Tuấn tỏ vẻ khinh khỉnh trước mấy đứa con trai ỏng ẹo trong trường, tôi biết Tuấn không thích con trai.

“Không. Tôi đón xe buýt về được rồi.” Tôi lúng túng đáp.

“Thế thì tôi về đây.”

Tuấn quay đầu xe rồi dần mất hút trên con đường đang chìm trong làn sương đêm. Còn lại một mình, những suy nghĩ cứ thi nhau đánh gục sự tỉnh táo của tôi: có thể sau này hai đứa không còn là bạn nữa. Đó là điều tôi sợ nhất, tôi sợ sẽ không được nhìn thấy cái vẻ mặt hằn hộc và lời nói cộc cằn của cái thằng đầu gấu ấy. Tôi đã cố giữ bí mật đó suốt hai năm, chỉ để được ở bên cạnh Tuấn, đó đã là một hạnh phúc lớn lao đối với tôi. Tôi sợ rồi đây Tuấn sẽ nhìn tôi bằng một cặp mắt tởm lợm. Tôi sợ, sợ lắm.

Khung cảnh trước mắt tôi bắt đầu mờ đi, những giọt nước mắt thi nhau trào ra. Tôi dợm bước, lầm lũi đi trên lằn ranh giữa con đường nhựa và bãi đất cát. Ngoài kia, tiếng sóng biển dội vào bờ kè êm dịu như tiếng róc rách bên mạn thuyền. Tôi ngã nhào khi vấp phải một tảng đá. Tôi nằm đấy, cảm nhận những vết xước rướm máu đang nhói lên, và sự hụt hẫng ghê gớm trong lòng. Vậy là Tuấn đã bỏ đi rồi.

“Này. Đứng dậy đi.” Giọng Tuấn vang lên trước mặt tôi.

Cậu ta chìa tay kéo tôi dậy. Tôi lồm cồm đứng lên, lấy hai tay quệt lấy quệt để nước mắt. Đôi bàn tay lấm tấm đất cát khiến mắt tôi đau hơn và nước mắt chảy ra nhiều hơn. Tuấn giật hai tay tôi ra, lo lắng:

“Đừng có dụi nữa. Bụi vào mắt rồi.”

Tuấn dịu dàng đưa tay kéo mí mắt tôi lên và thổi bụi. Cảm nhận hơi thở của Tuấn trên khuôn mặt mình, tim tôi lại rộn lên. Mắt tôi đã hết bụi rồi, nhưng tôi vẫn khóc, chẳng hiểu vì vui hay buồn nữa.

“Sao thế?” Tuấn nhướn mày nhìn tôi.

Tôi quay mặt đi, Tuấn đưa tay giữ mặt tôi lại và nhìn thẳng vào mắt tôi.

“Woay! Cậu thích tôi thật à?” Tuấn căng thẳng nhìn tôi chờ đợi.

Nhịp tim tôi bắt đầu tăng tốc, tôi hít vào những hơi thở khó nhọc. Giờ hai đứa tôi đang ở gần nhau lắm, nhưng có một khoảng cách dài như đường xích đạo giữa hai đứa. Trong khoảng cách đó, tôi cứ chạy mỗi khi Tuấn tiến đến gần hơn. Vì tôi sợ làm Tuấn thất vọng và làm tổn thương chính mình.

Ánh đèn xe buýt rọi đến từ phía sau lưng. Tôi quay lưng đi về phía xe buýt, bỏ mặc Tuấn đứng tần ngần dõi theo. Xe dần lăn bánh, tôi không dám quay lại nhìn Tuấn, cảm nhận khoảng cách giữa tôi và cậu ấy đang nới dần ra.

Sương đêm làm mờ khung cảnh biển đêm tối mịt ngoài cửa kính.

Chương 2

Uyên xúng xính trong bộ áo màu mè trước gương. Lại là một buổi tối cuối tuần bình thường khi tôi ngồi chờ con bạn thân nhất ăn diện trước khi đi ra ngoài dạo vài vòng quanh thành phố. Tôi đang nằm bẹp trên cái giường màu hồng của nó lật qua vài trang báo tuổi teen, khi nó quay sang hỏi:

“Mày thấy tao thế nào? Nếu có ba từ để miêu tả về tao lúc này thì đó sẽ là ba từ gì?”

“Đẹp.” Tôi lầm bầm. “Dễ thương…” Tôi thật sự phải vặn óc để tìm từ. “Đáng yêu.”

Mặt nó bí xị: “Mày điên à? Ba từ đó có khác gì nhau đâu?”

Cần phải nói bao nhiêu lần, bao nhiêu người nói với nó rằng nó đẹp thì nó mới chịu hài lòng với cái sự thật ấy. Uyên đẹp. Thân hình phát triển nhanh trước tuổi, gương mặt tròn trĩnh, đôi mắt tinh nghịch, và khi nó cười, hai lúm đồng tiền làm không biết bao nhiêu chàng phải bị cưa đổ. Tôi mặc nó với mớ lí lẽ dỡ hơi về cái sự đẹp của nó, tôi thật sự có chuyện rối rắm trong lòng cần phải lo. Đánh hơi ra điều khác thường ở thôi, Uyên bâng quơ hỏi:

“Lại bị thằng nào hớp hồn à?”

Uyên thuộc tuýp người thiếu tế nhị khi đặt vấn đề nhưng thừa nhạy cảm để nhận ra sự thay đổi trong cảm xúc của người khác. Đó chính là lí do tôi lúc nào cũng cảm thấy thoải mái khi tâm sự với nó, an tâm khi chia sẽ cho nó biết giới tính thật sự của mình.

“Tuấn biết tao thích cậu ấy rồi.”

“Thế thằng đó nói gì?”

Tôi lúng búng:

“Tao chạy đi. Không nghe được cậu ấy nói gì.” Tôi tiếp tục, giọng não nề. “Tao sợ bị cậu ấy ghét lắm.”

“Nếu nó ghét mày chỉ vì mày là gay thì nó thật sự không đáng để làm bạn với mày đâu.” Uyên ngắt lời tôi. “Gay cũng là người. Và không phải đứa con trai nào cũng tốt như gay đâu. Tao thật sự hi vọng có một thằng bạn trai là gay đấy.”

“Thế thì còn gọi gì là gay nữa.” Tôi nhăn mặt. “Mà mày tha cho tao nhá.”

Uyên phì cười: “Yên tâm.” Nó nháy mắt: “You’re not my type.”
---o0o---

Cuối cùng sáng thứ hai cũng đến. Tôi vừa phấn khởi vì sắp gặp lại Tuấn sau hai ngày nghĩ cuối tuần, vừa phấp phỏng lo sợ khi phải đối mặt với cậu ấy. Trái với sự căng thẳng của tôi, Tuấn vẫn đối xử với tôi như chưa từng có chuyện xảy ra ở nhà cậu ấy. Ban đầu tôi cảm thấy dễ chịu, nhưng dần dần một câu hỏi to đùng chèn hết đầu óc tôi khiến tôi căng thẳng: Tuấn có thích tôi không?

Nếu không tính đến những hành động kỳ cục như: mân mê vành tai, véo má; và những hành động mà con trai vẫn thường ít hay làm với nhau: choàng vai, xoa đầu… thì ngoài ra, tôi với Tuấn chỉ là hai đứa bạn trai bình thường. Thi thoảng cậu ta vỗ vào lưng tôi những cú đau điếng và văng tục trước mặt tôi. Tuấn bình thường. Hoàn toàn bình thường. Hoặc là không bình thường? hay là tôi hi vọng cậu ấy không bình thường?

Dù gì thì tôi cũng phải quyết định làm cho ra lẽ. Sau khi ngồi hì hục nắn nót chép xong bài cho Tuấn trong suốt giờ ra chơi, tôi nhận ra Tuấn không còn nằm ngủ trên bàn bên cạnh nữa. Nhưng tôi biết cậu ta đang ở đâu. Tim tôi lại đập nhanh hơn khi mở cửa phòng toilet nam.

Tuấn đang đứng trong một góc phòng, rít từng hơi thuốc lá với vẻ mặt thư thái. Tôi đứng nhìn chằm chặm cậu ta một lúc rồi lắp bắp:

“Tôi có chuyện muốn hỏi.”

Hơi thuốc lá nồng nặc khắp phòng khiến tôi ho sặc sụa. Tuấn im lặng quan sát tôi, vẻ mặt hào hứng như đang trông chờ một con khỉ múa lửa.

“Về chuyện tối vừa rồi…” Tôi ngập ngừng.

“Quên rồi.”

Tôi cảm giác máu nóng đang dồn lên mặt mình, tôi nổi cáu thật sự. Tình cảm của tôi, tất cả sự chịu đựng của tôi trong suốt hai năm... Chỉ trong hai ngày là cậu ta có thể quên đi sao?

“Tại sao?” Giọng tôi run run.

“Chẳng phải cậu muốn như vậy sao? Lúc nào cũng bỏ chạy như một đứa nhát gan.” Tuấn cao giọng. “Tại sao tôi phải quan tâm khi chính cậu còn không chịu thừa nhận tình cảm của mình.” Tuấn ném điếu thuốc hút dỡ vào bồn cầu rồi dợm bước đi.

Tôi mím chặt môi, hít một hơi thật sâu rồi lấy hết sức lực, tất cả chỉ đủ để tôi thì thào:.

“Tôi thích cậu.”

Tuấn quay lại, nhìn tôi ngờ vực. Cậu hơi cúi người để mặt mình đối diện với mặt tôi. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau, tôi nhận ra Tuấn đang nhoẻn miệng cười.

“Thích như thế nào?” Cậu ta giả vờ ngây ngô hỏi.

Hai má tôi nóng bừng, tôi cúi mặt, lẩm bẩm:

“Thích giống như… yêu ấy.” Tôi muốn tán thật mạnh vào mặt mình ngay lúc này, tôi vừa nói ra một câu thật ngốc nghếch.

“Từ khi nào?” Tuấn vẫn bình thản hỏi, còn tôi thì như bị thôi miên để trả lời những câu hỏi của cậu ta.

“Lớp 10.”

Tôi hơi lùi người lại khi nhận ra Tuấn đang tiến lại gần tôi hơn. Tôi dừng lại khi bị dồn vào tới chân tường. Tôi đứng bất động trong một lúc chờ đợi, nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi sợ sệt đưa mắt lên nhìn. Tuấn cũng đang nhìn tôi. Cậu nhẹ nhàng đưa hai tay mân mê hai vành tai của tôi, tôi lại xấu hổ cúi gầm mặt, người như nhũn ra.

“Thế cậu có chịu làm một chuyện cho tôi được không?” Tuấn hỏi.

Tôi vẫn đủ tỉnh táo để trả lời: “Còn tùy đó là chuyện gì.”

Tuấn phì cười, véo lấy hai má tôi: “Cậu dễ thương thật đấy.”

Tôi ngượng ngịu đẩy hai tay của Tuấn ra. Cậu ta quay lưng lại, vừa bước về phía cửa vừa nói to:

“Làm bạn trai của tôi nhé.”

Tôi sửng sờ một lúc đến khi Tuấn quay lại chau mày hỏi: “Được không?”

Tôi gật lấy gật để. Chương 3

Vậy là hai đứa chính thức “quen” nhau được một tuần. Mọi chuyện vẫn diễn ra giống hệt như trước đó: tôi quanh quẩn bên Tuấn như con chó con chờ được sai vặt. Khi Tuấn sinh ra hẳn cái đoạn gen chịu trách nhiệm phần lãng mạn trong tính cách của cậu đã bị thoái hóa, Tuấn sẽ là một mẫu bạn trai tồi cho những đứa hay mơ mộng, như tôi.

“Tôi về chung với cậu được không?” Tôi lúng túng đề nghị.

“Sao thế? Hôm nay xe buýt vẫn chạy bình thường mà.” Tuấn ngây ngô.

“Tôi muốn… về chung với cậu cơ.” Tôi cúi gầm mặt xấu hổ.

Tuấn thở dài rồi ra dấu cho tôi trèo lên chiếc Martin leo núi của cậu. Vì là xe thể thao nên không có yên sau, thay vào đó tôi phải ngồi phía trước. Tôi bắt đầu thấy căng thẳng khi Tuấn vòng tay quanh người tôi để giữ tay lái. Tôi cắn chặt răng để khỏi phải thở hồng hộc khi cảm nhận hơi thở ấm áp của Tuấn bên vành tai của mình. Tôi khó thở.

Xe ngoặc xuống đoạn đường dẫn đến khu lấn biển. Bấy giờ đã là cuối tháng mười, trời hanh nắng sau một mùa mưa dài. Biển ở đây không xanh như những biển mà tôi biết đến trong phim, nó đậm màu phù sa, và rãi rác khắp mặt biển là những đám lục bình theo những dòng sông nhỏ đổ ra. Gió ở đây cũng không mang vị nồng nồng như những nhà văn thường tả trong tiểu thuyết, gió mang vị ngọt của trời sau cơn mưa. Chỉ có một điều giống như biển mà mọi người có thể mường tượng, cả bầu trời ở đây trong và xanh, xanh biếc.

“Sắp đến sinh nhật cậu đấy.” Tôi gợi chuyện, cố phá tan không khí căng thẳng giữa cả hai. Tôi ngước mặt lên nhìn Tuấn, một giọt mồ hồi chảy dài theo những nét góc cạnh trên khuôn mặt cậu, mái tóc ngắn ngủn của cậu khẽ bồng bềnh trong gió. Đôi môi Tuấn hơi mím lại, ánh nắng làm cho màu mắt cậu trong hơn. Tuấn quay xuống ngờ nghệch nhìn tôi, mỉm cười. Làm sao mà tôi không thích cậu ấy cho được chứ.

“Thì cậu cứ tặng tôi cái keo thủy tinh đầy hạc giấy ấy.” Tuấn nói đứt quãng do phải vừa đạp xe vừa trò chuyện. “Còn tôi thì sẽ giả vờ không biết rằng cậu viết cái câu I love you trong đó đến một trăm lần.”

Tôi mệt mỏi nghịch hai bàn chân đang đong đưa của mình, nói chuyện với Tuấn thật là chán. Không một tí hài hước, không một chút hào hứng. Sao tôi lại thích một người như thế nhỉ, tôi thật là mâu thuẫn.

“Này. Tóc cậu có mùi đấy.”

Tôi lúng túng đưa tay vò lấy tóc mình, ngượng nghịu:

“Mới gội đầu hồi sáng mà.”

“Không. Mùi rất là dễ chịu.” Tuấn khẽ vùi mặt vào tóc tôi. Cả người tôi lại nóng bừng dù gió biển mát rượi không ngừng thổi tới. Thôi tôi quyết định rồi. Tôi thật sự thích cậu ấy.
--o0o--

“Hình như ngực bên trái của tao hơi nhỏ hơn ngực bên phải đúng không?” Uyên hỏi.

Tôi đang vận cái tạp dề màu nâu – trang phục của quán café nơi tôi và Uyên làm thêm. Tôi giải thích:

“Trong độ tuổi đang phát triển như mày thì chuyện đó bình thường.”

Uyên ngạc nhiên: “Sao mày biết? Đừng nói với tao là con trai cũng trải qua giai đoạn một bên lớn một bên nhỏ nhá? Cái ấy cũng thế á?”

Tôi thở dài: “Làm gì có. Tao đọc thông tin trong chuyên mục sức khỏe của báo HHT.”

“Mày đọc cả cái vụ 28 ngày của con gái luôn á?”

Tôi gật đầu trước vẻ mặt nửa phấn khởi nửa kỳ thị của con bạn.

Hôm nay là ngày thử việc đầu tiên của hai đứa. Quán khá đông khách lúc tan học vì nằm giữa hai trường lớn. Bày trí bên trong khá bắt mắt với những khuôn hình manga trắng đen cỡ lớn, hình vẽ trên tường có họa tiết mềm mại và cầu kỳ. Công việc của tôi là pha chế thức uống, còn Uyên thì mang nước.

“Hai đứa mày tới giai đoạn nào rồi?” Uyên tò mò hỏi khi cho ly vào bồn rửa.

“Chưa hôn lần nào cả.” Tôi vờ bận rộn cho đá và rượu Rum vào bình lắc, đậy nắp lại và lắc đều. Được một lúc tôi vẫn không kiềm nổi cơn ấm ức của mình: “Hình như… Tuấn không biết cách…”

“Yêu?” Uyên thêm vào nốt câu giúp tôi. Tôi thờ ơ gật đầu.

“Cũng có thể.” Uyên làm vẻ nghiêm túc chống cằm suy luận. “Bọn con trai mới lớn thường hay lầm lẫn tình cảm của mình lắm. Thường thì đến 30 tuổi người ta mới xác định được giới tính của mình. Có khi Tuấn của mày không phải là…”

“Gay?” Lần này đến lượt tôi hoàn thành nốt câu nói của Uyên.

Uyên nhìn vẻ mặt buồn bã của tôi, nó cố tìm cách làm tâm trạng tôi phấn khởi lên.

“Để tao dạy mày cách khiến đối phương muốn hôn mình nhé.” Uyên bước đến đứng đối diện với tôi, tôi lắc đầu quay mặt đi. Nó giữ lấy vai tôi, mặt đe dọa. Tôi đành phải ngoan ngoãn chiều theo nó. Uyên cất giọng chuyên gia: “Đầu tiên là chọn thời điểm, tốt nhất là lúc sắp chia tay. Khi đó, mày phải nhìn thẳng vào mắt đối phương. Đúng! Cứ như thế. Giữ trong năm giây. Môi thì phải khép hờ khêu gợi như thế này…”

Tôi nhìn cái mỏ nhọn của nó mà chẳng thấy khêu gợi tí nào cả, chỉ thấy thèm dừa Bến Tre mà thôi.

Cả hai đứa phải dừng buổi diễn tập bất đắc dĩ khi có khách bước vào quán.

“Ê.” Uyên giật lấy tay áo tôi. “Có phải Tuấn của mày không?” Uyên chỉ tay về phía hai người khách đang tiến đến chỗ ngồi.

Đi với Tuấn là một cô bé mặc đồng phục của trường Uyên, một trường tư thục. Tuấn và tôi học trường chuyên cách trường đó hai dãy phố. Tôi đứng thần người, bối rối mất một lúc đến khi Uyên đưa menu cho tôi: “Mày ra đi.” Nó đẩy tôi mạnh đến mức tôi loạng choạng cả một đoạn đường. Khi giữ được thăng bằng lại rồi thì suy nghĩ lại thi nhau nhảy múa trong đầu tôi. Cô bé này là ai? Có quan hệ gì với Tuấn?

Cô bé có vóc người nhỏ nhắn, mái tóc xoăn trông tự nhiên và khuôn mặt của một thiên thần. Nếu tôi là con trai… thực sự ấy, thì tôi chắn chắn sẽ thích cô ta.

“Anh chị dùng gì ạ?” Tôi lắp bắp.

Tuấn ngạc nhiên nhận ra tôi, nhưng rồi lại vờ không quen chăm chú vào menu. Tôi cắn chặt răng ngăn thân người mình run lên. Khi bước được vào trong quầy chế biến, tôi thả lỏng người và thở dốc. Uyên lo lắng nhìn rồi đề nghị mang thức uống ra thay cho tôi, nhưng tôi từ chối. Tôi sẽ không để cho Tuấn thấy tôi là một đứa nhút nhát, lúc nào cũng chỉ biết chạy trốn.

Tuấn và cô gái dường như đang có một cuộc tranh cãi căng thẳng. Khi tôi mang nước ra gần đến bàn, tôi mới nhận ra những giọt nước mắt đang đầm đìa trên mặt cô ta.

“Xin cô đừng đến tìm nữa.” Giọng Tuấn lạnh băng.

Xoảng!

Đống thức uống trên tay tôi đổ ập xuống bàn. Tối rối rít: “Xin lỗi. Xin lỗi.”
Uyên chạy đến phụ tôi dọn đống miểng vụn. Tôi vẫn đứng xớ rớ rối rít, đầu óc tôi không nghĩ ra được chuyện gì khác để làm.

Tuấn dằn tờ một trăm ngàn xuống bàn rồi đứng dậy.

“Tôi về trước.”

Tuấn để mặc cô gái tội nghiệp trông chẳng còn một chút sức sống nào ở đó và rời khỏi quán. Tôi chợt thấy thương cô bé ghê gớm, cảm giác như đó là hình ảnh của mình bị Tuấn bỏ rơi. Tôi ngập ngừng đề nghị:

“Để tôi pha ly khác cho bạn nhé?”

Cô bé quyệt nước mắt, mỉm cười: “Không cần đâu.” Rồi lủi thủi ra khỏi quán.

Tiếng xe cộ vang ầm ầm khi cánh cửa bật mở, trong phút chốc mọi thứ lại trở nên yên ắng khi cửa khép lại. Nhạc từ những cặp loa trên trần nhà lại phát sang một bài mới. Một bản nhạc tình yêu màu hồng giả tạo dành cho những đứa mới lớn mơ giấc mộng cổ tích.

Uyên cầm tờ một trăm ngàn vẫy vẫy trước mặt tôi: “Chia hai nhé?” Chương 4

Tôi và Uyên đang ngồi ở chỗ hai đứa thường đến nhất vào những ngày cuối tuần. Sở dĩ cả hai chọn ngồi giữa cầu là để tiện… ngắm trai. Đặc biệt vào những tối thứ bảy như thế này, người ta lại nô nức ra đường.

Con sông chảy qua chân cầu uốn lượn một vòng ngoạn mục rồi đổ thẳng ra biển, nước bên dưới xoáy thành những vòng khổng lồ, đen ngòm. Phố trông từ đằng xa buồn tẻ với những ánh đèn chớp tắt đều đặn, âm thanh náo nhiệt bị tiếng gió ùa qua át đi, chỉ còn tiếng còi tàu từ cảng biển vẫn thi thoảng vang rền.

“Hình như mấy thằng chạy LX đứa nào cũng xấu.” Uyên rút ra một kết luận tâm đắc suốt một buổi gào rú mỗi khi trai đẹp đi qua.

Tôi vẫn như người mất hồn thờ thẫn nuốt từng ngụm nước ép. Một anh chàng khôi ngô lướt qua trên chiếc SH, tôi chưa kịp quay mặt nhìn thì anh ấy đã chạy mất hút.

“Con bé tên Hương.” Uyên nói.

Tôi ngờ nghệch nhìn nó hỏi: “Ai cơ?”

“Con bé đi chung với Tuấn-của-mày ngày hôm qua.”

Tôi mệt mỏi thở dài. Vung cái ly nước ép rỗng lên và vất thật mạnh xuống sông.

“Hương là hoa khôi của trường tao đấy.” Uyên kể. “Con bé học cũng rất giỏi. Lớp 11.”

Tôi nhận thấy ánh mắt sắc bén của Uyên đang dò từng thớ cơ biểu cảm trên khuôn mặt của mình. Cuối cùng tôi không thể giữ mặt tĩnh nữa, tôi lắp bắp như một đứa trẻ bị bắt quả tang làm chuyện xấu: “Tao phải làm gì bây giờ?”

“Tao không hiểu rõ tình cảm của giới tính thứ ba lắm đâu.” Uyên thừa nhận. “Nhưng nếu Tuấn bỏ rơi một người để đến bên mày, thì có lúc cậu ta cũng bỏ mày để đi theo một người khác.”

Uyên vỗ nhẹ lên vai tôi. Tôi nhìn nó, mỉm cười. Thật may là có nó ở bên tôi những lúc thế này.
Bóng đá là môn thể thao được yêu thích nhất trên toàn cầu. Ai cũng thích bóng đá. Cả trường thích bóng đá, và Tuấn thích bóng đá. Nhưng tôi lại không thích bóng đá. Chẳng hiểu sao mọi người lại thích chạy đuổi một cái cục tròn trĩnh trên cái sân thênh thang, cát bụi mịt mù, trời nắng chang chang.

Hôm nay là ngày hội thao của trường. Tôi ngồi ôm đống đồ đạc của Tuấn ở một góc sân, hờ hững quan sát cậu ta tranh bóng không biết mệt mỏi. Lớp của tôi thua đậm, vì có một hậu vệ cứ thích solo trước khung thành đối phương: Tuấn.

“Nước.” Tuấn nói như hét vào mặt tôi.

Tôi líu ríu đưa chai nước cho cậu, nhìn nét mặt cậu có thể nói hiện giờ cậu đang muốn đánh người, cụ thể là vài người trong đội kia, trong đội mình, và ngay cả trọng tài. Tuấn lột phăng áo, ném phịch vào đầu tôi. Ban đầu tôi nổi cáu, nhưng khi hít vào hương mồ hôi của cậu ta trên áo, tôi lại nóng bừng mặt. Tuấn kéo áo ra quàng lên vai, giọng ra lệnh:

“Đi lấy xe rồi về.”

Hai đứa tản bộ trên con đường dọc theo bờ kè. Tuấn nói không còn hơi để đạp xe nữa.


Mặt trời lơ lững giữa lưng chừng khơi, đỏ rực, méo mó trong làn mây của ngày tàn. Gió nhẹ thổi qua hàng dương, và sóng dịu dàng xoa vào lòng bãi đá. Tôi dắt xe đạp đi sau, lặng ngắm tấm lưng trần rộng và mạnh mẽ của Tuấn. Hiện giờ tôi đang đuổi theo hay đang chạy khỏi nhỉ? Trong hành trình đến trái tim của Tuấn.

“Cậu với cô bé hôm nọ, tên Hương thì phải…” Tôi lấp lửng.

Tuấn dừng lại, chau mày nhìn tôi: “Chuyện không liên quan gì đến cậu đâu.”

Tôi bất bình: “Sao lại không liên quan.”

Tuấn nhìn tôi nghĩ ngợi một lúc rồi phá ra cười: “Cậu ghen đấy à?”

Tôi chối ngay: “Không có.”

Tuấn đợi tôi bước tới gần rồi choàng qua vai tôi, huýt một điệu sáo vui nhộn. Tôi vùng người ra khỏi Tuấn, nghiêm giọng:

“Chẳng bao giờ cậu nghiêm túc cả. Chẳng bao giờ có cảm giác được cậu quan tâm, chẳng bao giờ có cảm giác là tụi mình đang quen nhau hết.”

Tuấn nhìn tôi vẻ khó hiểu, rồi thờ ơ nhúng vai:

“Vậy thì chia tay đi.”

Tôi có cảm giác như Tuấn vừa nện một cây búa vào đầu mình. Hóa ra tất cả đối với Tuấn giống như một trò chơi, và tôi là cái vật thí nghiệm hi sinh một cách ngu ngốc.

Tuấn vẫn bình thản: “Thì mọi người vẫn thường làm vậy mà. Quen nhau thấy không hợp thì chia tay.”

Tôi mím chặt môi, cơn giận xâm chiếm hết đầu óc tôi.

“Ừ. Được thôi.” Tôi cố giữ giọng mình cứng rắn. “Tôi cũng muốn thế lâu lắm rồi. Sau này sẽ không phải làm Ôsin chép bài, giữ đồ, mua nước cho cậu nữa.”

“Sẽ có đứa khác thay thế cậu.” Tuấn mỉm cười trêu ngươi.

Tôi thả chiếc Martin của Tuấn qua một bên một cách thô bạo, gầm gừ: “Vĩnh biệt.” Rồi hùng hổ bước đi.

“Sau này tụi mình vẫn là bạn chứ?” Giọng Tuấn vang lên đằng sau.

Tôi nổi điên. Tôi bước thật nhanh để khỏi phải nhìn hay nghe thấy Tuấn nữa.
Làm bạn? Trước đây chẳng phải tôi cũng chỉ mơ ước có bấy nhiêu đó thôi sao? Đúng là một khi con người ta có cảm giác về sự hoàn hảo thì việc so sánh trở nên dễ dàng hơn. Lòng khát khao của con người giống như một cái vực không đáy. Tôi đã từng ở đáy của cái vực ấy rồi, nếu cứ ở mãi dưới đó thì dần dà tôi có thể an phận được. Đằng này Tuấn đã đưa tay kéo tôi lên được nửa đường rồi lại buông ra, cảm giác khi chạm cái đáy một lần nữa thật là đau đớn.

Về đến nhà, tôi quăng mình lên giường. Nằm nhìn trần nhà suốt cả buổi chiều, nghĩ ngợi đủ thứ chuyện. Đến tối cơn bực dọc tôi lên cao đến đỉnh điểm, tôi lôi cái keo thủy tinh đựng đầy hạt giấy ra, trút hết những con hạt trong đó, tháo ra từng con một.

Thế rồi tôi lại mất cả buổi tối để ngồi xếp lại từng con. Chương 5

Bắt đầu từ tuần này cả trường học quân sự. Địa điểm là nhà văn hóa cách chổ tôi ở hơn năm cây số. Tôi phải dậy từ sớm để bắt kịp chuyến xe buýt đầu tiên. Thở dài khi nhìn dòng ghi chú mà tôi đã nắn nót trên tờ lịch của ngày hôm nay: sinh nhật Tuấn, tôi lưỡng lự một lúc rồi bỏ keo thủy tinh đựng đầy hạc giấy vào ba lô.

Sáng thứ hai tuần trước tôi còn phấp phỏng chờ đợi được gặp Tuấn, vậy mà đến tuần này thì tâm trạng tôi lại cực kỳ tệ. Sau cái phi vụ quen rồi chia tay vỏn vẹn có một tuần, tôi chẳng biết phải đối mặt với cậu ấy ra sao nữa. Cũng may cho tôi là cái sân học quân sự rộng thênh thang, tôi tha hồ lẩn trốn trong đám người rồng rắn ngồi xếp hàng như đang bị tra tấn dưới trời nắng thêu đốt.

Thầy chia lớp tôi ra thành những nhóm nhỏ để thực hành tháo lắp súng. Tôi lang thang đến nhóm cách xa chổ của Tuấn nhất. Yên thân được một lúc thì cậu ấy mon men tới gần. Tôi giả vờ chăm chú vào việc tháo khẩu súng AK-47 ra, kỳ thực tôi biết cậu ta đang nhìn tôi cười mỉa mai vì tôi thực sự vụng về trong chuyện này.

Phặc!

Cái lò xo vụt khỏi tay tôi, lao thẳng vào mặt của đứa ngồi đối diện. Nó giật mình hét to khiến tôi cũng hoảng hồn buông cây súng ra. Cả bọn còn lại cười ngất.

“Mấy em không lo thực hành mà cười giỡn vậy hả?” Ông thầy ốm nhách như cây tre hét văng nước bọt vào mặt cả đám. “Chút nữa thực hành xong mấy em bị phạt đem súng vào kho.”

Tuấn yên lặng rút lui để khỏi mang họa. Tôi vừa thấy nhẹ nhõm vừa nổi đóa với những đứa kia.

Lê lết cả sân xi măng rộng mênh mông, cuối cùng tôi cũng đem được cây súng cuối cùng vào kho. Nói là kho chứ thật ra là một cái nhà chứa cũ, dùng để cất những dụng cụ sân khấu. Đi ngang cửa tôi thấy có vài ba đứa thuộc dạng anh chị trong trường nhìn tôi xì xầm, chúng nó cúp học ngồi đây đàn đúm suốt buổi.

Tôi mệt mỏi vác ba lô lên và lững thững bước đi. Ba lô nhẹ hơn bình thường. Tôi ngồi sụp xuống, lục tung cái ba lô. Cái lọ thủy tinh đã không cánh mà bay.

“Tìm cái này phải không?” Một đứa đầu tóc dựng ngược, môi dày mắt hí cất giọng ồ ề.

Tôi khẩn khoản: “Làm ơn trả lại cho tôi.”

“Ê.” Một đứa khác mặt mày cũng dữ tợn không kém the thé. “Thằng này không phải là con chó con của thằng Tuấn sao? Bị chủ bỏ rồi hả?”

Tôi bước tới gầm gừ: “Trả đây.”

Đứa đầu tóc chia chỉa giơ cao keo thủy tinh rồi thả xuống đất. Tiếng thủy tinh vỡ vang vọng khắp nhà chứa, những con hạt giấy bẹp dí dưới đống miểng vụn. Máu dồn hết lên não, tôi giận dữ gào lên rồi xông thẳng vào cái đám đầu gấu ấy đá đạp tới tấp. Giằng co được lúc thì tôi bị hạ đo ván.

Cả đám chúng nó cười thõa mãn rồi hùa nhau kéo đi. Đầu óc tôi vẫn còn điên loạn cực độ, tôi với tay lấy cây súng, cầm ngược đầu, đập dùi súng về phía cái đầu chia chỉa. Do tay run nên tôi hụt. Bọn chúng quay lại, đè bẹp tôi xuống sàn nhà. Thằng đầu tóc chia chỉa nhìn tôi vẻ khát máu. Nó kéo lưỡi lê bên thân súng ra và nhắm vào đầu tôi.

Phập! Lưỡi lê cắm phụt xuống đất ngay bên mép tai tôi.

“Mấy em làm cái trò gì vậy?” Giọng của thầy cây tre vang lên với tông cao cực độ.

Theo sau thầy là những thầy khác trong trang phục sĩ quan màu xanh. Lập tức cả bọn bị bao vây và áp giải lên phòng chỉ huy. Những đứa học sinh đang lúc tan học tò mò kéo nhau đi theo. Nhìn bộ dạng bầm dập máu me của tôi hẳn là giang hồ lắm, nhưng càng đến gần phòng họp tôi lại càng run lẩy bẩy.
Ngồi giữa phòng là thầy hiệu trưởng, xung quanh là mấy thầy thể dục của trường và vài thầy từ bên quân khu qua hỗ trợ. Mặt ai trông cũng dữ tợn. Cả phòng chìm trong sự im lặng đáng sợ, chỉ còn nghe mỗi tiếng quạt máy trên trần nhà kêu rì rì và đám học sinh chen chút nhau ngoài cửa thì thầm.

Sau một hồi chất vấn, làm kiểm điểm, tôi được cho ra về với một lời mời phụ huynh và cái án bị đuổi học. Nhưng chuyện đó thì còn phải đợi giáp mặt ba mẹ tôi mới phải lo lắng. Cả bọn đầu gấu kia sau khi được cho ra về vẫn thấp thoáng chờ tôi ngoài cổng. Giờ tôi hết nổi điên nên thấy sợ thật sự, tôi tự hỏi không biết mình lấy đâu ra dũng cảm mà chiến đấu với cả bọn anh chị ấy. Tôi líu ríu theo đuôi thầy cây tre chờ vận may để trốn về. Những đứa học sinh khác nhìn tôi xì xầm như thể tôi là người ngoài hành tinh.

Một bàn tay lạnh toát chộp lấy tôi. Tôi hét toáng lên. Tuấn bịt miệng tôi lại.

“Này. Mới nãy cậu giang hồ lắm mà. Sao giờ lại hét như con gái thế?”

Tôi nhìn Tuấn, mừng muốn phát khóc.

“Cậu cho tôi về chung với nhé.” Tôi thút thít.

“Thằng nào đánh cậu thế?” Tuấn chau mày nhìn tôi.

Tôi run run chỉ tay về phía cổng. Tuấn nheo mắt trông theo. Trong một giây cả bọn kia như bị trúng đạn khi nhìn thấy Tuấn, lục đục kéo nhau đi mất.

“Đi về nào.” Tuấn nói, vẫn nắm tay tôi kéo đi.

Đám học sinh còn lại căng mắt quan sát hai đứa tôi, chúng nó chỉ trỏ như xem xiếc thú. Tôi ngập ngừng:

“Cậu có thấy… nắm tay như vậy… là kỳ lắm không?”

Tuấn vẫn không quay lưng lại, giọng phấn khích:

“Tôi thích như thế đấy.”


Tuấn không chở tôi về nhà mà chạy thẳng xuống bến cảng. Ngày tháng mười nên nắng tắt sớm, giờ này các cặp tình nhân vẫn chưa dẫn nhau xuống đây ngắm cảnh. Cả bến vắng lặng và buồn tẻ dưới ánh nắng vàng nhạt.

“Cậu có muốn lên đó không?” Tuấn chỉ tay lên ngọn hải đăng.

“Người ta khóa lại rồi.” Tôi nhìn lên cánh cửa sắt đóng chặt với vòng dây xích dày.

“Học hỏi đàn anh này.” Tuấn nháy mắt.

Cầu thang đá cuốn quanh chân tháp đến tận đỉnh, cửa sắt nằm ở giữa lưng chừng cầu thang. Tuấn đi vòng qua cửa sắt bằng cách leo ra bên ngoài cầu thang. Trông cậu thành thục như đã leo lên đó nhiều lần lắm rồi. Tôi luống cuống bắt chước theo. Hai bên cửa là những thanh sắt nhọn hoắc nên tôi phải thật cẩn thận. Tuấn đưa tay kéo tôi từ bên kia. Cuối cùng thì tôi cũng qua được cái cửa sắt.

Cả thành phố bên dưới hiện lên với những khóm màu riêng biệt: màu ngói đỏ của những căn biệt thự nối liền nhau, màu xanh của hàng cây trãi dài dọc con đường, màu phù sa con sông uốn lượn, màu bạc của những con đường nhựa mới… tất cả bị bao bọc bởi một màu xanh thẫm của biển và màu trời xanh lơ. Ngoài khơi, đường dần trời mờ nhạt trong làn hơi mây.

Tuấn nhìn vẻ mặt đờ đẫn của tôi mỉm cười: “Đẹp thật há?”

Cậu kéo tôi ngồi xuống bên cạnh, lục lọi trong cặp đến khi tìm thấy hộp bông băng và cồn sát trùng.

“Lúc nào cậu cũng mang theo hết hả?” Tôi ngạc nhiên.

“Không. Tôi mới mua ở nhà văn hóa khi thấy cậu bị bầm dập thê thảm.”

Tôi cảm nhận sóng mũi mình cay cay. Cậu ta làm tôi cảm động muốn phát khóc.

“Ngồi yên nào.” Tuấn đưa bàn tay to lớn của mình vụng về dán băng cá nhân lên má tôi. “Xong rồi.” Cậu ta hào hứng như một đứa trẻ làm được việc tốt.

Cả hai đứa tôi giữ im lặng ngắm nhìn mặt biển phản chiếu những ánh nắng yếu ớt và đón những đợt gió nhè nhẹ. Mắt tôi lơ đểnh bắt gặp những ổ khóa đôi dọc theo lan can quanh hải đăng. Trước đây tôi từng nghe Uyên nói, những cặp tình nhân hay mua những ổ khóa được khắc tên mình và đem lên đây, khóa lại, rồi ném chìa khóa xuống biển. Làm như thế sẽ được bên nhau mãi mãi. Nhìn những ổ khóa rĩ sét, lòng tôi chợt buồn miên man. Có bao nhiêu tình yêu bên vững với thời gian như những ổ khóa ấy nhỉ?


“Có phải hai người chia tay là vì tôi không?” Tôi không nhìn Tuấn, lẩm bẩm.

“Gì cơ?” Tuấn ngờ nghệch.

“Cậu với bạn Hương ấy…” Tôi vẫn giả vờ nhìn xa xăm.

Tuấn bật cười rũ rượi. Mãi một lúc tôi đâm ra bối rối: “Gì mà cười?”

Tuấn xoa đầu tôi: “Cậu giỏi tượng tượng thật đấy.” Cậu nghiêm giọng: “Cậu có thể an tâm vì trước giờ tôi chưa từng quen ai cả.”

“Thế sao cậu lại làm cô bé ấy khóc thế?” Tôi vẫn không hài lòng.

Tuấn im lặng, cậu thôi nhìn tôi. Lúc này tôi mới dám quay sang nhìn Tuấn, khuôn mặt cậu trông thật buồn.

“Từ lâu rồi ba không về ăn cơm chung với hai mẹ con.” Giọng Tuấn trầm lắng. “Ba cũng thường ngủ qua đêm ở ngoài. Mẹ lúc nào cũng phải uống thuốc ngủ để thôi lo lắng…”

Nhìn dáng vẻ trơ trọi của Tuấn, tim tôi lại nhói lên. Thì ra cậu luôn dấu trái tim bị tổn thương bên trong một vỏ bọc cứng cỏi. Vậy mà tôi tưởng mình đã hiểu Tuấn lắm, tôi thật là ngốc nghếch.

“Tôi luôn cố làm những trò quậy phá để ba chú ý đến. Tôi cứ tưởng mình có thể kéo hai người họ đến bên nhau, bằng việc chăm lo cho tôi.” Giọng Tuấn run run.

“Cậu có biết điều tồi tệ nhất là gì không?” Tuấn quay sang nhìn tôi, mỉm cười cay đắng. “Ba cặp kè với một con bé còn nhỏ tuổi hơn cả con mình.”

Một giọt nước mắt lấp lánh nơi khóe mắt cậu trào ra trong khoảnh khắc rất ngắn trước khi cậu đưa tay quệt nó đi mất. Tuấn khóc.

Tim tôi như thắt lại. Một niềm thương cảm trào dâng mãnh liệt trong lòng tôi. Tôi muốn đưa tay ôm chầm lấy Tuấn ngay lúc này, sưởi ấm cho tâm hồn đơn độc ấy. Nhưng tất cả những gì tôi có thể làm là… khóc như mưa.

“Này.” Tuấn lắc lắc hai má tôi. “Tôi không khóc thì thôi. Mắc gì cậu phải khóc dùm tôi thế?”

Tôi càng khóc to hơn. Tuấn nhìn tôi một lúc rồi phì cười.

Thật nhẹ. Cậu đặt môi mình lên môi tôi. Đôi môi cậu đã khô lại từ lúc nào do làn gió biển. Nhưng sau tất cả cái vị mằn mặn của nước mắt và đôi môi rướm máu của tôi, vị ngọt trong hơi thở và đôi môi của Tuấn làm lòng tôi dịu lại. Một cảm giác bình yên đến lạ, tim tôi cũng thôi rộn ràng trong lòng ngực mà ngoan ngoãn đánh những nhịp thật khẽ. Có lẽ, nó đã tìm được đường đến với trái tim của Tuấn rồi.

Cry - Mandy Moore
Download

I'll always remember
It was late afternoon
It lasted forever
And ended so soon
You were all by yourself
Staring up at a dark gray sky
I was changed

Chorus
In places no one will find
All your feelings so deep inside (deep inside)
It was then that I realized
That forever was in your eyes
The moment I saw you cry

It was late in September
And I'd seen you before
You were always the cold one
But I was never that sure
You were all by yourself
Staring up at a dark gray sky
I was changed



I wanted to hold you
I wanted to make it go away
I wanted to know you
I wanted to make your everything, alright
I'll always remember...
It was late afternoon
in places no one will find


The moment I saw you cry
I wanted to know you

Lời dịch

Em sẽ không bao giờ quên
Đó là một buổi chiều khi tàn nắng
Nó sẽ kéo dài mãi,
Dù thực ra nó đã kết thúc rồi
Lúc đó chỉ có một mình anh
Cô độc ngước nhìn một bầu trời xám tối
Em đã đổi thay từ lúc đó

Ở những nơi mà không ai biết được
Mọi cảm xúc anh cất giấu bên trong
Đó là khi em giật mình phát hiện
Cái thời điểm em thấy anh rơi lệ,
là mãi mãi trong ánh mắt của anh

Đó là những ngày cuối tháng chín
Và em từng thấy anh trước kia
Anh vẫn luôn lạnh lùng như thế
Nhưng em chưa bao giờ chắc chắn vậy

Lúc đó anh một mình cô độc
Ngước mắt nhìn bầu trời âm u
Em đã đổi thay từ giây phút này

Em muốn ôm anh
Em muốn xua tan những nỗi buồn nơi anh
Em muốn hiểu anh
Em muốn giúp cuộc sống của anh ấm áp
Em sẽ mãi nhớ
Đó là một buổi chiều đang tắt nắng
Ở một nơi mà không ai thấy được

Ở những nơi mà không ai biết được
Mọi cảm xúc anh cất giấu bên trong
Đó là khi em giật mình phát hiện
Cái thời điểm em thấy anh rơi lệ,
là mãi mãi trong ánh mắt của anh

Ở những nơi mà không ai biết được
Mọi cảm xúc anh cất giấu bên trong
Đó là khi em giật mình phát hiện
Cái thời điểm em thấy anh rơi lệ,
là mãi mãi trong ánh mắt của anh

Cái thời điểm em thấy anh rơi lệ,
Cũng là lúc em muốn biết về anh. Chương 6

Sau bao lần khóc lóc, van xin, nài nỉ, tôi cũng thuyết phục được ba mẹ rằng tôi không cố ý gây sự đánh nhau trước. Ba mẹ tôi lại phải mất hai ba ngày chạy đôn chạy đáo nhờ vả ông này bà kia nói ra nói vào cho tôi được ở lại trường. Sau khi một khoảng tiền kha khá nằm gọn trong tay của mấy ông lớn bà nhỏ, tôi mới được đi học trở lại với cái án treo lơ lững trên đầu.

Bù vào đó tôi bị ba cấm túc vô thời hạn. Mỗi ngày tôi chỉ được phép ra khỏi nhà vào buổi sáng để đến trường, trước mười hai giờ là tôi lại phải trở về nhà – ngôi nhà thân yêu mà mọi người vẫn thường ca tụng ấy nay đã trở thành trại giam. Đi làm thêm: không được phép, nấu cháo điện thoại: không được phép, online bằng máy tính duy nhất trong nhà ở phòng khách: không được phép, xem TV từ chín giờ tối trở đi: không được phép.

Đấy chưa hẳn là địa ngục, ở trường còn có một địa ngục khác với con quỷ giữ của vô cùng độc đoán.

“Cậu có thấy hai thằng con trai cứ quấn quít lấy nhau là kỳ cục lắm không?” Tôi mệt mỏi than vãn khi Tuấn suốt ngày cứ đeo bám tôi như sam. Chẳng khác nào nếu như tôi ở một mình trong năm giây thì thiên thạch sẽ va vào đầu tôi, hoặc là tôi sẽ bị một bọn Mafia bao vây bắn cho đến chết.

“Thế một thằng con trai thầm yêu một thằng con trai khác trong hai năm thì không kỳ cục à?” Tuấn thì thầm vào tai tôi, mặt ngây ngô vô số tội.

“Cậu đi đâu đấy?” Tôi nhăn mặt, quay lại nhìn Tuấn từ nãy đến giờ lẽo đẽo theo tôi suốt dãy hành lang.

“Đi theo cậu.” Tuấn mỉm cười.

“Tôi đi toilet đấy.” Tôi mím chặt môi, nén cơn tức đang sôi cuồn cuộn trong bụng.

“Ừ. Thế thì tôi cũng đi toilet.”

Rồi. Đời tôi đến đây là tàn. Nếu trước đây tôi phát điên vì không được cậu ta quan tâm, thì giờ đây khi được quan tâm một cách độc tài như vậy, tôi thấy thà chết còn sướng hơn.

“Ba mẹ tôi mà biết tôi thích cậu, tôi sẽ bị lột da, đập nhừ tử cho đến chết.” Tôi làu bàu khi đã ngồi gọn trong lòng Tuấn trên chiếc Martin lúc ra về.

“Nhà cậu vui nhỉ? Tôi đến chơi nhé?” Tuấn hào hứng.

“Không được.” Tôi lắc đầu nguầy nguậy.

“Sao thế? Cậu bị cấm không cho ra ngoài, chứ đâu có bị cấm dẫn bạn đến nhà đâu.” Tuấn lí sự.

Sau một lúc tranh cãi thì hai đứa cũng đi đến kết cục ở trước cổng nhà tôi. Tuấn tự nhiên dắt xe vào, vừa đi vừa huýt sáo. Lòng tôi nôn nao sợ ba tôi lại nổi trận lôi đình. Lo sợ của tôi hóa ra lại thừa, nhà tôi vui vẻ chào đón Tuấn. Hiếm khi tôi dẫn bạn về nhà, ngoại trừ Uyên ra. Tuấn tỏ ra lễ phép và ngoan ngoãn khác thường, nói chuyện cứ nhỏ nhẹ, dạ thưa chứ không cộc cằn như lúc nói chuyện với tôi. Bà nội cứ luôn miệng khen Tuấn đẹp trai suốt, và theo tôi nhẩm đếm thì đã khen đến lần thứ hai mươi mấy. Đứa em gái bốn tuổi của tôi thì lẳng lặng đi theo Tuấn, cắn móng tay vẻ e thẹn dòm cậu ta lom lom.

“Tuấn có bạn gái chưa con?” Mẹ tôi gợi chuyện khi cả nhà quây quần bên bàn ăn.

Tôi thầm cười thích thú nhìn Tuấn, cậu ta liếc sang tôi rồi lúng túng trả lời:

“Dạ chưa.”

Mẹ nhìn tôi thở dài:

“Chẳng biết bao giờ con dì mới có bạn gái. Tuấn biết không, nó học lớp 12 rồi mà còn măn vú mẹ đó.”

“Mẹ…” Tôi xấu hổ càu nhàu.

Tuấn phì cười.

“Bọn con nít bây giờ cứ mới tí tuổi đã bày đặt yêu đương.” Ba gằn giọng.

“Hồi xưa tụi mình cũng vậy mà.” Mẹ tôi pha trò.

Ba đáp lại mẹ bằng một cái lườm thật dài.

“Ăn nhiều vào đi con.” Nội tôi gắp cho Tuấn một miếng thịt to đùng.

Cả buổi cơm trôi qua trong không khí sôi nổi thường ngày của nhà tôi. Ba kể lể chuyện trưởng phòng mới khó chịu ở công ty, nội và mẹ thì cứ tranh cãi suốt nên mua rèm cửa màu hồng hay màu xanh, tôi và con em thì tranh nhau giành cho bằng được miếng thịt cuối cùng, rốt cuộc tôi cũng phải nhường cho nó.

“Ba mẹ cậu vui thật đấy.” Tuấn nói khi thích thú lăn lộn trên giường trong phòng của tôi.

Tôi loay hoay cất tập sách lên giá, chẳng buồn phát biểu ý kiến. Tuấn chưa được chứng kiến cảnh ba tôi nổi cơn tam bành và mẹ tôi tối ngày cứ lằn nhằn suốt nên mới nói thế.

Con em tôi đứng lóng ngóng ngoài cửa, một tay lôi sền sệt con Gấu Teddy trên sàn nhà, tay kia cầm cuốn truyện thiếu nhi.

“Bé Ni đi đâu thế?” Tôi cất giọng dịu dàng hỏi.

Con bé chẳng thèm dòm đến mặt tôi. Nó đi một mạch thẳng đến giường, trèo lên và nũng nịu với Tuấn: “Anh gì ơi! Đọc truyện cho em nghe nhé.”

Trời ơi. Còn có cái màn này nữa. Ở nhà chẳng bao giờ con bé dịu dàng với tôi được một phần một trăm mũ n như thế. Nó toàn cào cấu, đánh đấm tôi, tranh giành mẹ với tôi. Thế mà giờ này nó lại nằm gọn trong lòng Tuấn, lim dim mơ màng nghe Tuấn đọc truyện. Rõ ràng là nó đang lợi dụng Tuấn mà, càng nghĩ tôi càng phát bực. Nhà tôi sao di truyền cái gen mê trai mạnh đến thế chẳng biết. Tôi phải gắng làm cho xong bài tập thật nhanh rồi lôi đầu con em ra khỏi phòng giao cho mẹ mới được.

Mẹ mang nước vào phòng để lên bàn học, tôi ngẩng mặt lên cảm ơn. Mẹ đưa tay ra dấu: “Suỵt!” Rồi chỉ về phía giường ngủ của tôi. Tuấn và con em của tôi đang ôm nhau ngủ say sưa.

Nắng gấp khúc qua cửa kính rọi một mảng sáng rực khắp phòng. Đôi tai và khuôn mặt Tuấn hồng lên trong ánh nắng. Lặng đứng quan sát mất một lúc, bất giác hai mẹ con tôi nhìn nhau mỉm cười. Chương 7

Một tuần chậm chạp trôi qua. Sau bao ngày ngoan ngoãn tu tâm dưỡng tính ở nhà, tôi được ba tha bổng cho một ngày cuối tuần. Tôi mừng phát điên, tối nay tôi sẽ được gặp Uyên, cả tuần nay tôi nhớ nó ghê gớm.

Suốt buổi học sáng thứ bảy tâm trạng tôi rất vui vẻ, và điều đó không lọt khỏi mắt Tuấn.

“Chó con làm gì vui thế?” Tuấn hỏi với cái biệt danh mà cậu ấy mới đặt cho tôi.

Tôi cau có phản đối cái biệt danh ấy.

“Tối nay tôi được ba cho đi gặp bạn.” Tôi trịnh trọng thông báo.

“Tôi đón cậu lúc sáu giờ nhé?”

“Cậu không đi theo tôi được đâu.” Tôi kịch liệt phản đối.

Lại một trận tranh cãi gay gắt giữa tôi và Tuấn. Và ai cũng biết kết cục sẽ như thế nào rồi đấy. Đúng sáu giờ khi vừa rời khỏi nhà, tôi bị Tuấn tháp tùng đến trước cửa siêu thị – điểm hẹn của tôi và Uyên.

“Tại cậu ấy đòi theo…” Tôi ngượng nghịu giải thích.

“Không sao đâu.” Uyên cười đầy ẩn ý. “Thật ra tao cũng có dẫn bạn trai của tao theo giới thiệu với mày.”

“Bạn trai á?” Tôi há hốc mồm.

Chỉ sau một tuần không gặp, mọi chuyện đi quá cả chục lần sự tưởng tượng của tôi. Trước đây tôi từng mường tượng bạn trai của Uyên phải là một đứa khù khờ, dễ dạy để Uyên tha hồ mà sai khiến với cái tính đàn chị của nó. Bạn trai của Uyên, thằng con trai cao nhồng đứng trước mặt tôi, là một hình ảnh hoàn toàn ngược lại: trí thức, lanh chanh, và nhiều lời. Theo những gì tôi quan sát được, Uyên đã chết mê chết mệt với cái thằng ấy.

Cả bọn kéo nhau vào gian hàng ẩm thực nằm trong gian đầu của siêu thị. Suốt cả buổi cậu bạn trai của Uyên, tên Tân, gần như nói không ngừng nghĩ. Tuấn tỏ vẻ khó chịu ra mặt, cậu ta bị dị ứng với những đứa nhiều chuyện.

“Bạn Tuấn thích học môn gì nhất nhỉ?” Tân quay sang Tuấn thân thiện hỏi.

“Tôi không thích học.” Tuấn lầm bầm. “Chỉ thích đánh nhau thôi.”

Mặt của Tân đơ ngay ra. Cậu ta quay sang Uyên cười giả lả:

“Em có muốn ăn thử món của anh không?”

Uyên hào hứng đưa đũa gắp một cọng mỳ Spagetthi trong đĩa của Tân, rồi đề nghị:

“Anh ăn thử miếng Pizza của em nhé.” Uyên gắp một miếng rìa bánh đút cho Tân.

Tôi nhìn hai đứa chúng nó vừa nổi ốc cục vừa phát ghen. Tôi quay sang nhìn đĩa của Tuấn, nó đã sạch trơn từ lúc nào. Tuấn nhìn vẻ mặt ngỡ ngàng của tôi, chau mày:

“Chó con có ăn hết phần của mình không đấy? Để tôi ăn tiếp cho.”

Chẳng đợi tôi đồng ý, cậu ta găm nĩa vào miếng thịt bò duy nhất trong dĩa của tôi. Nhận thấy tôi đang phát cáu, Tuấn mỉm cười: “Chia hai nhé!”
Cuối cùng, tôi cảm thấy dễ thở hơn khi cả đám cũng tách ra. Uyên và Tân cần mua vài món trong gian thực phẩm, còn Tuấn thì không thích lòng vòng quanh cả chục dãy hàng trong đó. Hai đứa tôi lang thang qua khu trò chơi. Chợt nhớ ra một chuyện, tôi quay sang bảo Tuấn:

“Cậu biết không, tôi có ba việc muốn làm khi có bạn trai đấy!”

“Đừng nói với tớ là kết hôn hay sinh con gì đấy nhé.” Tuấn thờ ơ.

Tôi nhăn mặt: “Không!” Rồi thở dài kể: “Tôi muốn chơi trò tìm năm điểm khác nhau giữa hai hình.”

Tuấn tỏ vẻ khó hiểu. Tôi tiếp tục giải thích:

“Ở đằng kia.” Tôi chỉ về một dãy máy giữa gian trò chơi. “Có một cái máy màn hình cảm ứng, người chơi chỉ tay vào màn hình để tìm năm điểm khác nhau giữa hai hình.”

“Cậu dỡ hơi thật đấy, trò của trẻ con…”

Tôi không đợi Tuấn hoàn thành hết lời càu nhàu của cậu ta, tôi đẩy cậu ta đến ngồi xuống ghế trước màn hình và cho thẻ vào. Tuấn chịu đựng được một lúc rồi nổi điên lên giật hết thẻ trong tay tôi.

“Để tôi chỉ cho cậu chơi trò của người lớn.” Cậu ta kéo tôi đến trước sàn nhảy. “Nhìn này.”

Tuấn xoăn tay áo lên, đút thẻ vào máy trước cái màn hình to đùng. Cậu chỉnh một bài có beat cực nhanh rồi bắt đầu. Những bước đầu tiên khá đơn giản và đều đặn, những động tác tay được Tuấn kết hợp nhịp nhàng với những bước nhảy. Đoạn điệp khúc thì những mũi tên trên màn hình chạy nhanh như điên, có những động tác khó mà tôi không tài nào mường tượng được khi nhìn hướng dẫn trên màn hình: Tuấn chống chống tay và chân phải làm trụ ở ô giữa, xoay chân trái một vòng lướt nhanh qua những ô khác.

Tôi không tài nào rời mắt khỏi những động tác độc đáo ấy. Tuấn nhảy đến bài thứ hai, nhạc chậm hơn nhưng động tác lại khó thực hiện hơn. Nhìn cách Tuấn khéo léo kết hợp cả thân người theo nhịp nhạc, người xung quanh bắt đầu dừng lại trầm trồ. Mồ hôi Tuấn đã nhễ nhại khi sang đến màn thứ ba, cậu mỉm cười nhìn tôi rồi căng thẳng tập trung nhảy những bước đầu tiên. Đến lúc này thì người ta đã tập trung thành một đám đông nghẹt trước màn hình của Tuấn, miệng không ngớt lời cảm thán.

Tuấn phải dừng lại bắt đắc dĩ khi Uyên đến gọi hai đứa.

“Cậu học nhảy ở đâu thế?” Giọng tôi không giấu được sự ngưỡng mộ.

“Thành quả của những buổi cúp học.” Tuấn vừa nói vừa đưa tay quẹt mồ hôi trên trán.

“Bây giờ tụi mình đi uống trà sữa nhé?” Uyên đề nghị.

Tuấn chậm rãi nhìn đồng hồ rồi thông báo:

“Không đâu. Đến giờ chó con phải về nhà rồi.”

“Chưa được chín giờ mà.” Tôi phản đối.

“Không sao đâu.” Uyên cười gượng gạo. Tôi lờ mờ nhận ra Uyên muốn đi riêng.

Tôi miễn cưỡng chào tạm biệt hai người họ rồi lủi thủi theo chân Tuấn đi về.

Đường vắng. Trời lặng gió, một điều hiếm hoi ở phố biển. Tôi có cảm giác như mọi thứ đang yên lặng chờ đợi một điều gì đó, có thể rất dữ dội, mà cũng có thể rất êm đềm, có thể là một cơn giông khắc nghiệt hay một cơn mưa trái mùa dịu dàng. Hơi sương dày đặc trông như đang rớt từng mảng qua ánh đèn đường ố vàng. Tôi đi cách Tuấn một quảng, lặng nhìn cái bóng cao lêu nghêu của cậu. Ước gì tôi mãi được ngắm cái cách Tuấn đút tay vào túi quần, lững thững bước trên lớp đá sỏi, vừa đi vừa huýt sáo. Bờ vai cậu khẽ đung đưa theo nhịp chân, và cái đầu ngố thi thoảng quay lại quan sát tôi.

“Vậy những điều còn lại là gì?” Tuấn hỏi.

“Hả?” Tôi nghệch mặt ra.

“Cậu nói có ba điều muốn làm khi có bạn trai ấy…”

Tuấn dừng lại, nhìn vào mắt tôi chờ đợi. Tôi lúng búng:

“À. Tôi muốn được nắm tay.”

Tuấn chau mày:

“Này. Sao mơ ước của cậu lớn lao quá vậy. Đầu to thế mà chẳng nghĩ ra được cái gì cho ra hồn à?”

“Cậu không hiểu đâu.” Tôi làu bàu. “Con trai nắm tay con gái thì là chuyện bình thường. Còn cậu mà nắm tay tôi thì khó coi lắm. Nhiều lúc đi chung với cậu chổ đông người, tôi chỉ dám nhìn bàn tay của cậu thôi. Thế người ta mới nói, ở bên nhau, mà xa như một vòng trái đất ấy.”

Tuấn trố mắt ngạc nhiên nghe tôi thổ lộ. Cả hai đứa tôi đứng lặng yên bên nhau mất một lúc. Tôi còn mãi xấu hổ, vờ chăm chú đưa chân mình di di trên mặt đường, nên không biết được vẻ mặt của Tuấn lúc này.

Rồi tôi nghe một hơi thở dài.

Hơi ấm tỏa ra trong lòng bàn tay tôi, những ngón tay to bè của Tuấn vụng về đan vào những ngón tay mảnh khảnh của tôi. Cảm giác như một vòng trái đất được nối lại, và không còn khoảng cách nào giữa hai chúng tôi nữa.

“Sao tôi lại thích một đứa ngốc như cậu chứ.” Tuấn lầm bầm.

Tôi biết lúc này Tuấn đang bối rối, vì cậu ta không còn nhìn vào mắt tôi nữa. Chương 8

Tôi lật nhanh tờ lịch trên tường rồi nói vội vào tai nghe:

“Vậy ngày mai nhé?”

“Tao bận học thêm rồi.” Uyên đáp.

Tôi đắn đo trong một lúc rồi đề nghị:

“Vậy ngày mốt?”

“À. Tao phải đi mua sắm với mẹ."

Tôi lờ mờ nhận ra có chuyện gì đó khác thường ở con bạn. Tôi hỏi thẳng:

“Mày tránh mặt tao đấy à?”

Nó chối ngay: “Đâu có.”

Tôi vẫn tin vào trực giác của mình: “Có chuyện gì thế?”

Uyên ngập ngừng, thở phì phì vào tai nghe. Cuối cùng nó cũng thỏ thẻ:

“Tân không muốn tao đi chơi với người khác…”

“Thằng ấy điên à? Nó ghen à?” Tôi cười khan. “Sao mày không nói với nó tao là gay?”

“Tao nói rồi.” Nó lầm bầm. “Nhưng mà…”

Cơn tức dâng lên đến đỉnh đầu tôi. Tôi không thể tin là con Uyên lại đem bí mật của tôi rêu rao một cách dễ dàng như vậy. Mặc dù tôi đã có ý định ấy, nhưng đó là trong trường hợp bất đắc dĩ. Tôi bực dọc:

“Thế còn cái mớ triết lí về của gay mày quẳng cho chó ăn hết rồi à?”

“Tao xin lỗi…” Nó lúng túng. “Tao… tao…”

Tôi lạnh lùng: “Tao hiểu rồi.”

Tôi dập máy một cách thô bạo. Đầu óc tôi đang quay mòng mòng, tôi bước về phòng và nằm xuống thở khóc nhọc. Tôi hiểu nó chứ, con gái đứa nào cũng bị tình yêu làm mờ mắt. Một khi đã yêu rồi thì có thể từ bỏ cả gia đình, bạn bè mà chạy theo tiếng gọi ái tình. Nhưng tôi không thể tin cái tình bạn mười mấy năm qua của tôi và nó lại bị đổ ập chỉ vì cơn gió tình cảm trong một tuần. Tôi tức tối nghĩ đến bộ mặt liếng thắng của cái thằng khốn đã cướp đi con bạn của tôi.

Cả đêm tôi chợp mắt không được bao lâu, những giấc mộng mị và cơn tức bùng phát khi nghĩ về Uyên khiến tôi thao thức. Sáng thức dậy tôi lờ đờ bước ra khỏi nhà, ngạc nhiên khi thấy Tuấn đã ở trước cổng chờ tôi tự bao giờ. Tôi chẳng buồn nói chuyện, leo lên chiếc Martin và ngoan ngoãn ngồi im.

“Chó con sao thế?” Tuấn lo lắng hỏi khi thấy bộ mặt thất thần của tôi.

Tôi được dịp giải tỏa cơn ấm ức. Tôi xổ một tràng lời nguyền rủa con bạn cho Tuấn nghe, nói xong tôi lại càng thấy tồi tệ thêm. Tuấn chỉ lẳng lặng lắng nghe mà không nói gì.

Xe đến trước cổng trường, Tuấn không ghé vào mà chạy thẳng.

“Đi đâu thế?” Tôi cau có hỏi.

“Tâm trạng chó con không vui” Tuấn hào hứng. “Hôm nay cúp học đi chơi nhé.”

Tôi nghĩ đến cái thành tích mười hai năm liền là học sinh gương mẫu của mình, mà chẳng còn tốt đẹp gì nữa sau cái trận đánh nhau vừa rồi. Thôi thì thử cảm giác bùng tiết một lần trong đời, nếm đủ cái thú của thời học sinh.

Gió vi vu lướt qua mặt tôi khi hai đứa thong dong trên con đường dọc theo hàng dương. Biển buổi sớm lăn tăn gợn sóng và đậm màu. Ngoài xa, hai hòn đảo mờ nhạt trong làn sương.

Tuấn dừng xe trước sân trượt Pa-tin. Những cậu bạn của Tuấn đã chờ ở đó tự lúc nào, họ chào hỏi nhau bằng những câu tục tĩu buồn cười. Nghe cái cách họ nói về con gái thì biết cả cái đám này cũng chẳng tử tế gì.

“Tôi không biết đi patin.” Tôi chán nản thú nhận.

Tuấn nháy mắt: “Tôi chỉ cho.”

Nói thế mà khi vào sân rồi thì cậu ta cứ lo tung tăng lướt như gió quanh sân, nhào lộn trên những dốc đá nhân tạo. Tôi ủ rũ ngồi một góc nhìn bọn họ tí tỡn rượt đuổi nhau, nối đuôi làm tàu lượn cười đùa khắp sân. Mà phải thú nhận một điều, bạn của Tuấn ai cũng... dễ thương.

“Ra đây chơi chung nhé.” Quân, một cậu bạn của Tuấn đưa tay về phía tôi.

Cậu ta có nét đẹp của những nhân vật trong truyện tranh: mặt bầu bĩnh, mắt to long lanh, chóp mũi nhỏ gọn, môi đỏ tươi và tóc thì lượn sóng rất độc đáo.

Tôi lắc đầu. Quân quay ra gọi cả đám bạn đến áp giải tôi ra giữa sân. Hai người giữ hai bên tay của tôi, một người giữ hông và đẩy đi. Tôi ngượng. Một cách chậm rãi, tôi cũng bắt đầu lướt đi trên những bánh xe nhỏ xíu. Cảm giác thật là thích. Nếu thật sự có thiên đàng thì ở đó chắc tôi cũng được lướt đi như bay thế này và xung quanh hẳn có nhiều… trai đẹp tháp tùng.

Trí tưởng tượng của tôi bay xa chẳng được bao lâu thì hai chân tôi va vào nhau, tôi chao đảo, kéo cả đám ngã nhào theo tôi. Đầu gối đập mạnh vào sàn đá đau điếng. Tôi sợ, trườn vào một góc và quyết tâm không bon chen nữa.

“Chó con lại đây.” Tuấn vẫy vẫy tay.

Một lần đã tởn đến già, tôi bấu chặt vào tay vịn không cho cậu ta kéo đi. Rốt cuộc tôi phải buông ra vì bị Tuấn cù.

“Đứng dậy nào.” Tuấn nhẹ nhàng nói.

Tôi nhất quyết không đứng dậy mà ngồi sụp xuống.

“Tôi đang áp dụng kiến thực vật lí đấy.” Tôi lí sự. “Thầy nói trọng tâm ở gần mặt đất hơn thì sẽ vững hơn.”

Tuấn phì cười rồi kéo tôi đi. Giờ thì trông giống như người ta dắt chó đi dạo thật sự: Tuấn thong thả lướt đi còn tôi thì ngồi sợ sệt lăn theo phía sau.

Tuấn dừng lại đột ngột khiến tôi suýt chút nữa là đâm sầm vào cậu ta. Tôi vừa mở miệng định càu nhàu thì nhận ra có một đám người lạ bước vào sân. Tôi nhận ra ngay cái thằng đầu tóc chia chỉa và cái đám đã đánh tôi trong mấy ngày học quân sự.

“Đứa nào đã đánh cậu thế?” Tuấn thì thào hỏi.

Tôi lén lút chỉ tay về phía cái tên đầu tóc dựng ngược. Hắn cũng nhận ra tôi và mỉm cười gian xảo cất tiếng:

“Chào Tuấn! Hôm nay lại dắt cả bầy chó đi dạo đấy à?”

Lập tức cả đám bạn của Tuấn nổi máu anh hùng nhào đến gầm gừ. Tuấn giơ tay xoa dịu mọi người: “Bình tĩnh nào.” Cậu ta quay sang cái tên đầu tóc dựng ngược: “Sao tụi mình không đi tìm chổ nào đó để nói chuyện nhỉ.”

Tôi thừa biết “nói chuyện” chỉ là cách diễn đạt bóng bẩy của một trận đánh đấm. Cả bọn kia cười khẩy khiêu khích rồi nhận lời.

Tuấn quay sang Quân nói nhỏ: “Cậu dẫn chó con của tôi về nhà dùm nhé.”

Tôi lấm lét: “Tôi muốn đi theo cậu.”

Giọng Tuấn giận dữ: “Không. Cậu đi về nhà với Quân.”

Tôi hoảng sợ lủi thủi theo chân Quân ra về.

Trên đường về bụng dạ tôi cứ bồn chồn không yên. Thả tôi trước cổng nhà, Quân trấn an:

“Yên tâm đi. Bọn đấy chỉ là tép riu đối với Tuấn thôi.”

Tôi mỉm cười gượng gạo, chào tạm biệt Quân rồi bước vào nhà.

Tôi đứng sững ngay trước lối ra vào khi nhận ra có một vị khách đặt biệt trong nhà.

Thầy hiệu trưởng, ba Tuấn, đang ngồi ở chiếc ghế mây giữa phòng khách. Cả nhà tôi thì căng thẳng ngồi xung quanh tiếp chuyện. Nhìn thấy sắc mặt tím tái của ba và vẻ thẫn thờ của mẹ, tôi biết chuyện đang diễn ra chẳng mảy may hay ho chút nào.

“Đầu năm sau tôi sẽ gửi thằng Tuấn đi du học ở Mỹ.” Giọng thầy hiệu trưởng oang oang đầy uy lực. “Còn về phần anh chị, xin hãy quản lí tốt con của mình. Chúng nó…”

Thầy dừng lại khi nhận ra tôi đang hiện diện trong phòng. Những ánh mắt khác cũng đổ dồn về phía tôi vẻ đầy áp lực. Tôi luống cuống cúi đầu chào mọi người.

“Thôi. Tôi phải về đây.” Thầy hiệu trưởng chào tạm biệt cả nhà, với tay mặc chiếc áo khoác sang trọng vào. “Thầy có chuyện này muốn nói riêng với em.” Thầy chỉ tay ngoắc tôi đi theo.

Tôi hồi hộp tiễn thầy ra đến cổng. Thầy đưa tay nắm lấy hai vai tôi, giọng ân cần:

“Tôi nói chuyện này với em, với tư cách là một người cha, chứ không phải là một người thầy.” Ánh nhìn sắc bén của thầy găm thẳng vào tôi. “Tôi hiểu con trai tôi hơn ai hết. Nó cố gây chuyện để tôi chú ý đến nó, nhưng tôi biết con nít đứa nào cũng thích làm nổi như thế. Ngay cả chuyện nó và em, tôi không muốn nói tới cái thứ tình cảm này. Nhưng em phải biết, nó chỉ lợi dụng em để chọc tức tôi thôi. Em phải biết suy nghĩ khi hành động để tránh làm tổn thương chính mình.”

Thầy quay lưng đi, bỏ mặc tôi đứng ngẫn ngơ mất một lúc. Ý thức được chuyện thầy nói, tôi vừa không muốn tin vừa cảm thấy hụt hẫng. Tôi lững thững bước vào nhà. Ba tôi đã đứng đợi bao giờ. Tim tôi nện thình thịch trong lòng ngực, tôi lo lắng chờ đợi cơn thịnh nộ của ba.

“Thầy nói có đúng không?” Giọng ba tôi cứng rắn nhưng vẫn có chút bối rối.

Tôi im lặng, cúi gầm mặt.

“Chuyện con và thằng Tuấn có thật không?” Mẹ tôi lo lắng cất tiếng.

Tôi cảm nhận mạch máu đang căng hết cỡ trên thái dương của mình. Cơn cồn cào dâng lên đến tận lòng ngực. Tôi vừa thở khó nhọc vừa lắp bắp.

“Con thích Tuấn.”

Bốp.

Tôi nghe năm đầu ngón tay của ba hằn những vết rát bỏng trên mặt mình.

Ba gầm gừ: “Mày dám nói lại lần nữa.”

Tôi hít vào một hơi thật sâu, cơn ấm ức nảy nở trong lòng tôi. Tôi lấy giọng bình tĩnh, nhìn thẳng vào mắt ba, lặp lại một cách rắn chắc:

“Con thích Tuấn.”

Ba vung tay, giáng một cú thật mạnh vào đầu tôi. Tôi ngã bổ nhào xuống sàn nhà. Cảnh vật xung quanh bắt đầu quay cuồng. Con em tôi khóc thét lên, bà nội và mẹ thì gào lên can ngăn. Ba với tay lấy cây chổi và nện tới tấp vào lưng tôi. Những âm thanh chan chát vang lên từ những va chạm mạnh của cây chổi và da thịt tôi, tiếng rên rĩ của đứa em, tiếng nhốn nháo của những bà nội trợ, tiếng ba gầm gừ… kéo dài như vô tận. Cuối cùng ba cũng dừng lại thở dốc.

Tôi lồm cồm ngồi dậy. Nghiến chặt răng, thều thào:

“Ba có đánh chết con thì con cũng vẫn nói như vậy thôi.”

Bốp. Những vòng dây quanh cây chổi đứt ra, những que nhỏ văng ra tứ tung khắp nơi. Tôi hự lên một tiếng đau đớn rồi ngã quỵ xuống nền gạch lạnh toát.

“Tao giết mày.” Ba run rẩy lắp bắp rồi đi một mạch vào nhà bếp. Tôi nghe tiếng dao khua loảng xoảng trên sóng chén. Lòng tôi nôn nao, thắt lại. Mẹ gào khóc, nước mắt rơi lã chã:

“Ông điên rồi.”

“Tôi phải giết nó. Tôi không có cái thứ đứa con cứng đầu như nó.”

Nội dìu tôi đứng dậy, hấp tấp lùa tôi vào phòng. Lúc đi ngang qua hành lang, tôi thấy mẹ và ba dằn co con dao trong tay, con em tôi thì ôm chặt lấy chân ba thút thít.

Cửa đóng lại. Tôi ngồi sụp xuống. Đến bây giờ tôi mới bật khóc. Tôi bịt tai lại để không phải nghe những âm thanh gào thét ngoài kia. Nước mắt lặng lẽ rơi thành dòng, nổi đau trong tim làm tôi gục ngã hoàn toàn, trong khi những vết bầm trên da thịt vẫn âm ỉ nhói. Chương 9

Những ngày sau đó cả nhà tôi như có đám tang. Chẳng ai buồn nói với nhau câu nào. Tôi bị nhốt trong phòng, kể cả đi học cũng bị cấm. Một ngày, rồi hai ngày trôi qua. Mẹ vẫn đều đặn mang cơm vào phòng, dáng vẻ mệt mỏi, không nói gì khác ngoài câu: “Con ăn cơm đi.”

Tôi nằm cả ngày nhìn chằm chằm vào trần nhà, đầu óc trống rỗng. Đôi lúc, nước mắt lặng lẽ rơi trong vô thức.

Chiều đến, tôi ngồi nhìn khu vườn xơ xác ngoài cửa kính. Ánh nắng yếu ớt thấp thoáng qua những vạt lá. Tôi bước đến mở toang cửa phòng, nhưng chẳng đón được cơn gió nào ngoại trừ hơi ẩm ngột ngạt nồng nồng vị đất.

Tôi trở lại bên giường, khẽ thở dài. Mẹ bước vào, lặng lẽ đến bên tôi. Mẹ vạch lưng tôi lên, nhẹ xoa thứ dầu nóng nặng mùi. Tự dựng tôi lại rưng rưng nước mắt. Tôi mím chặt môi, tức tưởi hỏi mẹ:

“Dù con có là cái thứ gì đi nữa. Thì con vẫn là con của mẹ, phải không mẹ?”

Tôi bật khóc. Bao nhiêu nước mắt dồn nén bấy ngày qua được dịp tuôn trào.

Mẹ buồn bã nhìn tôi, nhẹ vuốt mái tóc trước trán tôi.

“Phải không mẹ?” Tôi run giọng.

Mẹ ôm tôi vào lòng, đung đưa như những ngày tôi còn nhỏ mẹ vẫn thường hát ru vỗ giấc cho tôi. Mẹ thì thầm: “Ừ… ừ…”

“Con không muốn làm cho ba giận con đâu.” Tôi vẫn thút thít.

Mẹ vỗ về: “Ba cần thời gian.”

Mẹ bảo tôi ăn cơm rồi chuẩn bị tập vở. Ngày mai tôi được phép đi học trở lại. Mẹ rời khỏi phòng rồi, nhưng tôi chẳng buồn động đến chén đũa, cứ ngồi thế nhìn trời đang chuyển mây mưa. Tiếng TV từ phòng khách liên tục đưa tin về một trận áp thấp đang đổ bờ.

Cuối cùng trời cũng đổ mưa. Đèn trong nhà đã tắt hết. Đồng hồ điện tử trên tay tôi kêu tít khi con số chỉ giờ chuyển sang mười một.

Cộc. Cộc.

Âm thanh từ phía cửa kính khiến tôi giật mình. Tôi suýt hét toáng lên khi thấy cặp mắt lấp lánh sáng trên một bóng đen thấp thoáng ngoài cửa sổ. Tuấn đưa tay ra dấu cho tôi giữ im lặng. Tôi rón rén bước đến mở cửa sổ. Tuấn nhoài thân người ướt sủng vào trong phòng.

Hơi thở cậu nồng nặc mùi rượu, khắp người be bét máu me.

Tôi gắt: “Ba tôi mà thấy cậu ở đây sẽ giết cậu đấy.”

Tuấn cười, mặt đờ đẫn vì cơn say: “Cậu sẽ không để ba cậu làm thế đâu.”

Tôi bảo Tuấn ngồi im, rồi lén lút chui ra khỏi phòng. Tôi hồi hộp băng qua phòng khách lấy hộp sơ cứu rồi thở phào nhẹ nhõm khi về lại đến phòng. Cẩn thận lau những vết thương để không làm Tuấn đau, tôi thì thào:

“Cậu cũng bị ba đánh hả?”

“Không.” Tuấn trố mắt. “Tôi đi đánh cái bọn ăn hiếp chó con đấy.”

Tôi thở dài, cố kéo Tuấn ngồi lên giường. Cậu ta rên lên đau đớn. Tôi hốt hoảng:

“Cậu bị đau ở đâu thế?”

Tuấn cởi những nút áo trên cùng, những vết bầm tím dần hiện ra. Giọng Tuấn khi say nghe như một đứa trẻ đang thỏ thẻ tập nói, cậu ta chỉ tay vào ngực mình, thều thào:

“Tôi bị đau ở đây này. Có một con chó con tha mất quả tim của tôi đi… đi mất biệt cả hai ngày mà không trả lại.”

Sóng mũi tôi cay cay. Tôi cúi gầm mặt, vờ băng lại những vết xước trên tay Tuấn để tránh ánh mắt của cậu ấy.

“Chó con sao thế?” Tuấn ngây ngô. “Chó con bị ba đánh hả? Sao lại bị đánh?”

Tôi không trả lời, cảm nhận những giọt nóng hổi trên má mình. Tôi lầm bầm:

“Ba cậu nói cậu chỉ lợi dụng tôi để chọc tức ông ấy thôi.”

“Cậu tin à?” Tuấn giận giữ.

Tôi khẽ gắt: “Cậu nói nhỏ thôi. Ba mẹ tôi ở tầng trên có thể nghe thấy đấy.”

Tuấn nhìn quanh vẻ sợ sệt như trẻ con, rồi cúi xuống thì thầm vào tay tôi: “Cậu tin à?”

“Thế cậu nói tôi phải làm sao?” Tôi hoàn thành nốt vòng cuối cùng trong kỹ thuật băng cổ tay.

Tuấn dùng tay còn lại cho vào túi quần, cố móc cái ví ra. Cậu lẩm bẩm:

“Có nhớ đầu năm lớp mười tôi cắt nát nhừ cái thẻ học sinh của chó con không.”

Tôi gật đầu. Lần đó tôi tức điên lên và không nói chuyện với Tuấn suốt một tuần.

Tuấn mở ví ra, đưa cho tôi xem:

“Thật ra tôi muốn lấy hình của chó con nên mới làm thế đấy.”

Tôi nhìn cái mặt ngu ngu của mình trong tấm hình thẻ 3x4, chẳng mấy chốc hình ảnh trước mặt tôi nhòe đi vì nước mắt. Tuấn đưa hai tay mân mê vành tai của tôi, giọng cậu ngượng nghịu:

“Hai năm qua, chó con biết tôi khổ sở lắm không. Mỗi lúc thấy cái mặt chó con phụng phịu như thế này, là tôi lại không kiềm được lòng mình. Còn nữa…”

Tuấn kéo tôi lại gần, đặt lên môi tôi một nụ hôn thật nhẹ, rồi mỉm cười:

“Chó con nói đi. Cái đó có phải là lợi dụng hay không?”

“Lợi dụng chứ còn gì nữa.” Tôi xấu hổ làu bàu.

Đúng là chẳng hơi đâu tranh cãi với những đứa điên và say. Tuấn véo vào mặt tôi một cú đau điếng, rồi thô bạo kéo tôi vào lòng. Tôi để yên như thế một lúc, lắng nghe tiếng trái tim Tuấn đập những nhịp thật đều đặn bên cạnh. Mãi đến lúc Tuấn thiếp đi, tôi mới loay hoay cởi giày cho cậu và đi cất hộp sơ cứu.

Gió rít mạnh qua khe cửa sổ, bên ngoài trời đổ mưa như trút nước. Chương 10

Ánh nắng buổi sớm làm tôi lóa mắt. Tôi hít một hơi thật sâu, khẽ chớp mắt. Tôi giật mình nhận ra có cái gì đó động đậy bên cạnh.

Bé Ni nằm ngọ nguậy trong lòng Tuấn, còn cậu ta vẫn đang ngủ say như chết.

Trời ơi. Tuấn.

Tôi hoảng hồn ngồi bật dậy, lay cái xác to như voi của cậu ta. Tôi quay sang bé Ni lo lắng:

“Ba đâu rồi?”

“Ba đi làm rồi.” Mẹ đáp, tay vén tấm màn lớn trong phòng. Nắng ấm tràn vào phòng qua lớp cửa kính loang lỗ nước mưa đọng lại. Tôi cúi gầm mặt, đầu óc hoạt động hết công suất, cố tìm lí do để giải thích. Cảm giác giống như lần tôi bị bắt quả tang làm vỡ cái bình mà mẹ yêu quí nhất: một chút tội lỗi, hối hận và lo sợ.

Mẹ vẫn bình thản nhìn tôi rồi cất giọng nhẹ nhàng:

“Con gọi Tuấn dạy rửa mặt rồi hai đứa ra ăn sáng.” Mẹ ngoắc bé Ni: “Lại đây nào, mẹ cho coi con thằn lằn này.”

Bé Ni chau mày: “Con thích ở đây cơ.” Rồi nó dụi mặt vào lòng Tuấn.

Mẹ đến kéo nó đi, nó tức tối phản đối giãy nảy khiến Tuấn cũng phải choàng tỉnh.

Tôi và Tuấn líu ríu vào phòng rửa mặt rồi lầm lũi dắt nhau ra ngồi xuống bàn ăn, đứa nào cũng lấm lét nhìn đứa kia mà chẳng biết phải làm gì.

Mẹ đặt hai tô cháo xuống bàn rồi ngồi đối diện hai đứa tôi. Tuấn hồn nhiên cắm cúi ăn ngon lành, còn tôi thì vừa nuốt từng thìa cháo vừa sợ sệt dò xét nét mặt của mẹ.

“Hai đứa… như thế này được bao lâu rồi.” Cuối cùng mẹ cũng mở lời.

Tôi còn đang phân vân không biết mẹ có ý gì thì Tuấn nhanh nhảu đáp:

“Dạ được ba năm rồi ạ. Từ hồi lớp 10.”

Mặt mẹ thoáng chút ngạc nhiên rồi trở lại bình thường. Mẹ thở dài:

“Chẳng còn bao lâu nữa thì thằng Tuấn đi du học rồi. Mẹ cũng không nỡ cấm cản hai đứa trong thời gian ngắn ngủi còn lại này.”

Tôi thở phào nhẹ nhõm, lắp bắp: “Cảm ơn mẹ.”

Giọng mẹ vẫn nghiêm nghị: “Nhưng đó là về phần mẹ thôi. Vuốt mặt cũng phải nể mũi, đừng làm trò gì khiến cho ba con nổi điên lên, như chuyện sáng hôm nay. Đến lúc đó mẹ cũng không cản ba con nổi đâu.”

Tôi lí nhí: “Dạ con biết rồi.”

“Còn nữa.” Mẹ tiếp tục. “Hai đứa vẫn còn đang đi học, chuyện học là trên hết. Quen nhau nhưng mà phải trong sáng. Mẹ biết ở cái tuổi này mấy đứa thích tò mò tìm hiểu nhiều thứ lắm…”

Ôi trời. Có một bà mẹ là chuyên viên tư vấn tâm lí trẻ vị thành niên vừa là điều tuyệt vời vừa là một thảm họa. Tôi cúi gầm mặt, má nóng bừng xấu hổ khi nghe mẹ thao thao bất tuyệt về những chuyện “khám phá thân thể nhau”, “hậu quả của việc quan hệ thiếu suy nghĩ”,… Trong khi Tuấn thì chăm chú lắng nghe, mặt còn ra vẻ… hứng thú.

Tôi đưa mắt nhìn Tuấn đầy thù hằn, cậu ta chỉ khẽ nhún vai đáp trả. Mẹ hối hai đứa ăn nhanh để khỏi phải trễ giờ học. Tôi vẫn ôm cục tức trong bụng suốt buổi đến khi rời khỏi nhà.

Hai đứa sóng bước bên nhau đến trạm xe buýt. Tuấn phải về nhà để thay đồ, còn tôi thì đón xe đến trường. Tôi gầm gừ trước khi chia tay Tuấn:

“Cậu quên ngay những chuyện mẹ tôi vừa nói đi nhé.”

Cậu ta chỉ mỉm cười rồi xoa đầu tôi: “Chó con đi học ngoan.”

Xe lăn bánh. Tôi ngoái đầu lại nhìn dáng Tuấn khuất dần sau khúc quanh. Một lần nữa khoảng cách kéo dài ra và lòng tôi chùn xuống.
---o0o---

Chủ nhật là ngày tồi tệ nhất trong tuần. Kể từ sau khi có chuyện với Uyên, tôi chẳng còn mong mỏi gì trong ngày này cả. Dần dà tôi cũng quen được nổi buồn chán khi mất nó. Thật ra nếu tôi ra khỏi nhà đi lang thang cũng chẳng sao, vì từ sau ngày đánh tôi, ba quăng cho tôi cục lơ to đùng. Tôi làm gì, nói gì cũng như hoàn toàn vô hình đối với ba. Nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn quanh quẩn trong nhà để khỏi gây phiền phức.

“Anh hai ơi. Có anh nào tìm anh kìa.” Bé Ni khều vai tôi.

Tôi gấp cuốn truyện đọc dở lại theo chân bé Ni. Quân đợi tôi ở cửa, mỉm cười:

“Tuấn kêu tôi đến đón cậu.”

Tôi thắc mắc: “Sao cậu ấy không tự đến?”

Quân lúng túng: “Làm sao tôi biết được.”

Tôi đoán là Tuấn sợ giáp mặt ba tôi. Hôm nay ba mẹ đều vắng nhà, tôi nhờ nội trông hộ bé Ni rồi trèo lên xe đi cùng Quân. Cậu thuộc tuýp người ít nói, còn tôi lại mắc bệnh lúng túng trước… trai đẹp nên cả hai cứ giữ im lặng suốt.

Quân chạy băng qua những bãi rộng xanh um cỏ, lau sậy mọc đầy trên những khoảng đất chi chít biển báo rao bán. Cuối cùng chúng tôi dừng lại trước nhà thi đấu đa năng, nó lọt thỏm giữa những trụ nhà chung cư đang xây dở.

Tôi hồi hộp theo chân Quân bước vào qua một cửa phụ khép hờ. Sân xi măng rộng và sáng loáng màu sơn mới. Những cửa khác vẫn đóng chặt, nhìn những hàng ghế trơ trọi dưới ánh nắng mờ nhạt hắt từ những ô thông gió cao tít, khung cảnh gợi cho tôi cảm giác u ám.

“Tuấn đâu?” Tôi quay sang hỏi Quân.

Từ trong bóng tối ở góc khuất của sân, cái đầu chia chỉa lù lù xuất hiện. Mặt hắn đầy những vết bầm tím mà tôi đoán là kiệt tác của Tuấn. Hắn cất giọng trầm đục:

“Xin lỗi nhé. Tuấn không có ở đây.”

Tôi ngỡ ngàng quay sang Quân, cậu ta cúi mặt tránh ánh mắt tôi.

Một tên khác cười khoái trá: “Xem ra có người bị bán đứng nhỉ?”

Từ sau lưng tôi, Quân lí nhí: “Xin lỗi cậu. Xin lỗi.”

Tôi nghiến chặt răng:

“Cậu đi mà nói với Tuấn ấy.”

Cả đám khoảng chừng mười đứa chầm chậm tiếp cận tôi. Cơn hoảng loạn hối thúc tôi chạy trốn, nhưng lí trí cho tôi biết cơ may ra khỏi đây là con số không. Tôi hít vào một hơi thật sâu cố làm dịu trái tim đang nhảy điên loạn trong lòng ngực. Tôi lùi lại, cúi người nhặt lấy một cây sào tre gãy nát dưới chân. Tôi lừ mắt nhìn một lượt rồi gầm gừ:

“Lên đi.”

Những bước chân tì trên nền xi măng kêu vang xoèn xoẹt.

Một nấm đắm lao thẳng đến. Tôi né. Tiếng những cú đòn khác xé gió vụt qua kẽ tai. Tôi vung gậy tre đập quơ quào trong không trung.

Bịch.

Tôi cảm nhận một vật cứng đập mạnh vào trán. Tôi loạng choạng, mùi tanh của máu xộc vào mũi. Những vệt ấm nóng kéo dài trên khuôn mặt. Mắt tôi hoa đi.

Bịch.

Lại một cú đập mạnh vào lưng. Tôi khụyu xuống. Cố trụ lại bằng hai tay.

Bịch.

Tôi ngã quỵ xuống sàn. Cắn chặt răng, co người chịu những cú chí tử. Tôi nhắm chặt mắt, nín thở chờ đợi cơn đau qua đi. Mỗi một khoảnh khắc trôi qua tôi cảm giác da thịt bị châm đốt bởi hàng ngàn mũi kim và xương cốt trong người đang bong ra.

“Được rồi.” Giọng ồ ề vang lên.

Một bàn chân dẫm mạnh lên ngực tôi. Tôi cố nheo mắt trông. Tên đầu tóc dựng ngược cười khoái trá nhìn tôi:

“Về nói lại với Tuấn của mày tránh xa bọn tao ra. Nếu không thì… chậc!” Hắn khẽ lắc đầu. “Chỉ còn nước kêu ba nó đi hốt xác nó về thôi.”

Cả đám cười rần lên rồi theo chân hắn đi xa dần.

Tôi nằm yên, cố hít thở đều đặn và quên đi những vết thương đang nhói lên.

“Cậu còn đứng dậy được không?” Giọng Quân nghe như văng vẳng từ một nơi xa xăm.

Tôi nghiến chặt răng, cố lấy hết sức lực còn lại gầm lên, nhưng âm thanh nghe cứ như một tiếng rên rĩ: “Cút đi! Cút…”

Quân khẽ thở dài: “Tôi để điện thoại trước mặt cậu nhé.” Cậu ta đặt chiếc di động xuống đất rồi lặng lẽ rời đi.

Còn lại một mình, tôi cố xoay người lại, quơ tay với lấy chiếc điện thoại.

Không thể gọi về nhà. Tôi không muốn gây thêm phiền phức nào hết. Nếu gọi cho Tuấn, cậu ta hẳn sẽ lao đi tìm bọn chúng tự sát. Trong vô thức, tay tôi bấm những số quen thuộc.

“A lô?” Giọng Uyên ngái ngủ vang trong điện thoại.

Tôi lấy hết hơi sức, thều thào:

“Mày lại nhà thi đấu đa năng ngay. Tao chết mất.”

Hình như giọng tôi nghe thê thảm lắm nên Uyên hét ầm lên trong điện thoại lo lắng, nhưng tôi chẳng còn hiểu nó nói được gì cả. Đầu óc tôi quay cuồng, tay chân tôi lạnh toát.

Một lúc lâu sau Uyên đến nơi, thấy bộ dạng tôi nằm thoi thóp trên sàn nhà nó lại lắp bắp hỏi đủ thứ, tôi vẫn chẳng nói năng được gì. Nó dìu tôi ngồi lên chiếc cúp 50 của nó rồi rồ máy. Uyên kéo hai tay tôi quàng qua người nó dể giữ tôi khỏi ngã. Tôi gục đầu vào lưng Uyên, nhận thấy máu mình loang dần trên nền vải trắng tinh của áo nó.

Tôi lầm bầm trong cơn mê sảng:

“Đừng chở tao về nhà. Đừng nói cho ba mẹ tao biết. Đừng…”

Tôi dần tỉnh ra khi nằm trên chiếc giường trắng toát ở một trạm xá. Tôi loáng thoáng nghe cô y tá nói phải khâu lại trán tôi. Nhìn mũi kim lăm le trước mặt, người tôi run lên.

Uyên giữ lấy tay tôi, trấn an: “Không sao đâu. Không sao mà.”

Tôi nghe tiếng kim đâm phập vào trán mình, từng mũi, từng mũi một.

Tôi lịm dần.

Quạt trần uể oải đánh vòng. Mùi chua của cồn sát trùng nồng nặc. Tôi mơ màng nhận ra Uyên đang nhìn mình lo lắng. Tôi lẩm bẩm:

“Tao chết chưa?”

Nó phì cười: “Chưa. Nhưng mà sắp."

“Tao nằm được bao lâu rồi?”

“Vài tiếng thôi.”

Tôi cố ngồi dậy, nhận thấy sợi dây nước biển quấn quanh tay mình. Uyên cằn nhằn: “Mày nằm yên một chút đi.”

“Tao không muốn nhà tao lo.” Giọng tôi chỉ nghe được hơi.

“Cần thì tao gọi về nói mày ở nhà tao chơi đến tối. Mày cứ nằm yên đi.”

Tôi gật gù, ngoan ngoãn nằm xuống, nhìn nó áy náy:

“Xin lỗi đã làm phiền mày.”

Nó nổi cáu: “Mày điên à? Bạn bè để làm gì hả?”

Tôi cười như mếu nhìn nó cảm kích. Nó thở dài:

“Tao xin lỗi.” Nó nhìn sang một chổ khác. “Tao thật là ngốc khi đã đối xử với mày như vậy. Tao hối hận lắm. Tao chia tay Tân rồi. Cái thằng ấy cũng thật là nông cạn. Chẳng hiểu sao tao có thể thích một thằng như thế.”

Uyên rươm rướm nước mắt, tôi có thể đoán được nó đau khổ thế nào khi phải chia tay cái thằng mỏ nhọn ấy. Tôi im lặng nhìn nó, lòng lâng lâng. Bao nhiêu muộn phiền trong mấy ngày qua tan biến hết. Tôi dang tay ra, mỉm cười gọi:

“Lại đây.”

Nó cúi xuống ôm lấy tôi thút thít:

“Tao nhớ mày lắm.”

Tôi thều thào: “Ngực mày đè tao đau muốn chết.”

Uyên cốc nhẹ vào đầu tôi. Tôi giả vờ hét lên đau

Chương 11

Tôi nhìn mình trong gương một lần nữa. Không sao. Chỉ có một vết bầm tím nhỏ xíu trên khóe mắt bên phải. Năm mũi khâu trên trán nằm sát chân tóc, chỉ cần vét cái mái xuống thì có thể che mất. Cũng nhờ thế mà tôi qua mặt được ba mẹ, hi vọng hôm nay mọi chuyện cũng êm xuôi với Tuấn.

Tôi ngồi trên xe buýt mà lòng dạ nôn nao. Tôi sắp được gặp lại Tuấn rồi, sau đúng 42 tiếng 35 phút kể từ lúc chia tay cậu ấy vào ngày thứ bảy tuần trước. Tôi hình dung cái dáng cậu ấy đứng khoanh tay sốt suột, tựa người vào cánh cổng sắt to đùng ở trường chờ tôi đến. Bất giác tôi mỉm cười một mình khi xe chầm chậm băng qua cầu lớn bắt ngang con sông đang cuồn cuộn đổ ra biển. Một cơn gió sớm mơn man trên khuôn mặt, gió vẫn còn đượm mùi hoa keo đang nở vàng tươi cả một góc trời trên những thân cây cao vút gần đó.

Tôi bị Tuấn chộp lấy, kéo đi khi vừa đặt chân xuống xe. Cậu ta quàng vai tôi, vui vẻ huyên thuyên đủ thứ về những chuyện nhàm chán mà cậu đã làm trong hai ngày qua. Giờ tôi mới biết mình nhớ cái giọng ngô nghê ấy kinh khủng.

“Chó con bị sao thế này?”

Tuấn bất ngờ vén mái tóc tôi lên, chau mày nhìn chằm chằm vào những vết khâu trên trán. Tôi lắp bắp:

“Tôi bị té.”

Tôi nín thở chờ đợi phản ứng của Tuấn, cuối cùng cậu ta cũng lầm bầm mắng tôi hậu đậu rồi kéo tôi đi tiếp. Tôi thở phào khi cậu lại bắt đầu nói sang chuyện khác.

Cả buổi học tôi có cảm giác Tuấn đang lén lút quan sát tôi. Tôi vờ như không biết và tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc được ở bên cậu ấy. Cuối buổi học Tuấn lôi tôi lên chiếc Martin của cậu rồi đạp nhanh ra khỏi trường.

“Đi đâu thế?” Tôi làu bàu.

“Về nhà tôi.” Mặt cậu không biểu lộ một tí cảm xúc.

Tôi chau mày lưỡng lự. Tuấn thì thầm vào tai tôi bằng một giọng gian tà:

“Hôm nay ba mẹ tôi không có ở nhà.”

Vừa đến trước cửa là Tuấn hấp tấp kéo tôi vào trong, đi thẳng vào phòng của cậu. Tôi bắt đầu hồi hộp khi Tuấn khép cửa phòng lại, tiến đến bên cạnh và đưa tay… cởi nút áo của tôi.

Tôi hét toáng lên xấu hổ:

“Cậu làm cái gì thế?”

Tuấn giận dữ, kéo tay áo tôi lên, chỉ vào những vết bầm tím và trầy xước trên tay tôi.

Tuấn nghiến răng: “Cậu bị đánh bầm dập thế này mà còn nói dối tôi là bị té nữa hả?”

Tôi cúi mặt, bối rối. Tuấn lại nói như hét:

“Còn không mau cởi áo ra cho tôi coi vết thương nữa!?”

Tôi líu ríu làm theo. Tuấn với tay lấy hộp sơ cứu trong hộc tủ, cậu trút thứ thuộc sát trùng màu đỏ ra bông băng, nhẹ nhàng quệt chúng lên những vết trầy trên người tôi.

“Có đau không?” Tuấn vừa thổi phù phù vào những vết trầy vừa hỏi.

Tôi lắc đầu nói dối, kỳ thực chúng đang rát bỏng và mắt tôi thì ngân ngấn nước.

“Là cái bọn có thằng đầu tóc chia chỉa phải không?” Tuấn hỏi.

Tôi chầm chậm gật đầu.

“Bọn chúng đã làm gì chó con thế?”

Tôi lại mím chặt môi, khẽ lắc đầu mà không nói được gì. Tuấn nhìn vẻ mặt tôi, thở dốc tức tối. Quai hàm cậu đanh lại, trông như đang chịu đựng điều gì đó đau đớn lắm. Tôi nhẹ đưa tay vuốt lấy mái tóc ngắn ngủn của cậu, thì thầm:

“Hứa với tôi là cậu sẽ không đi tìm bọn chúng nữa nhé. Tôi không muốn cậu bị thương đâu.”

Tuấn ôm tôi vào lòng, giọng cậu run run:

“Chó con ngốc thế. Tôi thì làm sao mà bị thương được chứ.”

Tôi cương quyết: “Cậu hứa với tôi đi. Hứa đi.”

Tuấn vùi mặt vào tóc tôi, thì thào: “Ừ. Tôi hứa.”

Cậu buông tôi ra, nhìn khắp người tôi một lượt rồi hỏi:

“Còn bị đau ở đâu nữa không?”

Tôi xấu hổ lắc đầu. Tuấn phì cười:

“Chó con có đói bụng không. Để tôi nấu cái gì đó nhé?”

Tôi gật đầu, đi theo Tuấn xuống nhà bếp. Tuấn bảo tôi ngồi đợi, rồi xoắn tay áo bắt nồi lên bếp.

Nắng len lỏi qua lớp cửa kính đóng chặt. Không gian yên ắng, lành lạnh trong tiết trời cuối năm. Căn bếp vuông vức và thoáng đảng. Tôi ngồi trên chiếc bàn bằng thủy tinh, nhìn lưng áo Tuấn lấm tấm mồ hôi.

Đôi tay to bè của Tuấn vụng về khua những tiếng vui tay trên bếp. Thi thoảng Tuấn quay lại nhìn tôi, rồi đưa tay quệt mồ hôi trên trán mình. Tôi cảm giác như mình đang mơ vậy, chỉ khác một điều trong giấc mơ của tôi, thay vì nhân vật chính nấu một món ngon miệng thì Tuấn lại đang loay hoay… xé mì gói.

Cậu đặt cả cái nồi đầy mì trước mắt tôi và nói: “Ăn đi.”

Hai đứa tôi cắm cúi lùa mì. Phải công nhận một điều là lúc đói người ta ăn cái gì cũng ngon.

“Mặt cậu dính mì kìa.” Tuấn chỉ tay.

Tôi lúng túng sờ lên mép: “Ở đâu thế.”

Tuấn chồm người về phía tôi, cười nham nhở nói: “Ở đây này.” Rồi đặt môi mình lên môi tôi. Tôi ngượng, nóng bừng mặt. Trông bộ dạng của tôi, cậu ta lại cười.

Ôi. Sao mà ghét thế chẳng biết.

Ăn xong Tuấn dẫn tôi ra phòng khách, ngồi xuống ghế sô-fa kéo tôi vào lòng. Tôi ngoan ngoãn nằm im trong lòng Tuấn, thích thú hít vào mùi hương quen thuộc từ người cậu. Chết thật rồi. Càng ngày tôi càng giống chó.

“Chó con cứ như thế này. Làm sao mà tôi bỏ chó con đi du học được chứ.”

Tôi cố cất giọng lạc quan: “Có gì đâu. Ba năm qua tụi mình ở cách nhau những 40.075 km mà vẫn vui vẻ đấy thôi. Bây giờ chỉ có nữa vòng trái đất mà nhằm nhò gì.”

Tuấn im lặng, mặt đăm chiêu. Tay cậu vẫn không ngừng mân mê vành tai của tôi. Tôi nằm cảm nhận sự ấm áp từ người cậu, mơ màng thiếp đi lúc nào không hay.
---o0o---

Từ ngoài sân đã nghe tiếng ba mẹ cãi nhau. Giọng ba lè nhè vì cơn say, còn mẹ thì tức tưởi như đang khóc. Tôi lầm lũi bước về phòng mình, đóng chặt cửa lại, đeo headphone vào và trèo lên giường. Cửa phòng tôi mở, bé Ni đang nhón chân đu trên nắm tay. Tôi cho ngừng nhạc, dịu dàng hỏi:

“Bé Ni đi đâu thế?”

Mặt nó buồn so. Nó trèo lên giường làu bàu:

“Anh hai cho em ngủ chung với nhé.”

Tôi hơi ngạc nhiên, kéo chăn ra cho nó chui vào. Nó nằm lim dim hỏi tôi:

“Sao ba mẹ lại cãi nhau suốt thế hả anh?”

Tôi lúng búng: “À. Vợ chồng nào cũng thế hết.”

“Sao này em với anh Tuấn cũng thế á?” Nó ngây ngô hỏi.

Tôi cười: “Ừ. Ừ.”

Tiếng đồ vật đổ ầm ầm ở tầng trên. Giọng ba vang dội khắp nhà:

“Cũng tại cô. Cứ nuông chìu nó nên giờ nó thành một thằng đồng bóng như thế đấy.”

Mẹ tôi hét: “Ông im đi. Ông là đồ nát rượu, vô tích sự…”

Tôi đeo headphone vào cho bé Ni và vặn volume để nó không nghe thấy những lời ấy. Tôi ngồi đó, vật vờ trong bóng tối, lắng nghe những lời căm phẫn từ hai phụ huynh. Tôi lờ mờ nhận ra, mình chính là nguyên nhân của vụ tranh cãi ấy.

Tiếng bước chân từ trên lầu tiến dần xuống nhà dưới. Giọng mẹ tôi thất thanh:

“Đêm hôm khuya khoắt, ông say xỉn thế này còn đi đâu nữa hả trời.”

Ba gầm lên: “Tôi để nhà này lại cho cô ở. Tôi không chịu nhục với hàng xóm được.”

Tiếng cửa trước đóng lại vang ầm dữ dội. Tôi rón rén bước xuống giường, hé cửa phòng mình trông ra. Mẹ đang ngồi đó giữa đống chén dĩa đổ nát, run người trong cơn nghẹn ngào.

Lòng tôi se lại, lần đầu tiên trong suốt gần ba tháng qua, tôi tự hỏi mình một câu: Có phải mình đã sai? Chương 12

Chuông điện thoại reo vào lúc giữa đêm. Hiếm khi nào nhà tôi có cuộc gọi vào giờ này, ngoại trừ những trường hợp nguy kịch. Tôi lò mò ra phòng khách, ngồi lo lắng quan sát nét mặt của mẹ khi nghe máy.

“Có chuyện gì vậy ạ?” Tôi đi theo chân mẹ hỏi.

Mẹ hấp tấp mặc áo khoác rồi bước vội ra cửa:

“Ba con gặp tai nạn.” Mẹ dịu giọng trấn an tôi. “Con vào ngủ đi, sáng mai còn đi học. Có gì mẹ sẽ gọi về.”

Tôi trở vào phòng, cảm giác day dứt tràn dâng trong lòng. Tôi thao thức chờ đợi tiếng chuông điện thoại, suy nghĩ bấn loạn.

Ngoài sân trời tối mịch, tiếng côn trùng réo rắt da diết. Tôi lặng nhìn nét mặt thơ ngây của bé Ni, lòng xốn xang. Chuyện gì sẽ xảy ra đây nếu ba mẹ tôi cứ tiếp tục như thế, rồi dẫn đến một vụ li hôn tệ hại. Chỉ nghĩ đến bấy nhiêu, tôi đã thở không nổi.

Tôi không chợp mắt mãi đến lúc trời hừng sáng. Cuối cùng mẹ cũng gọi về, mẹ bảo nhờ nội đưa bé Ni đi nhà trẻ và kêu tôi mang vài thứ vào bệnh viện. Lần mò mãi khắp ba tầng lầu trong bệnh viện, tôi cũng tìm được đến phòng hồi sức. Đứng nấn ná trước cửa phòng khép hờ, tôi nghe tiếng ba vọng ra:

“Thà tôi chết đi còn hơn. Làm sao tôi sống mà nhìn mặt họ hàng, bà con đây. Trước đây tôi khi dễ, sĩ nhục con người ta bấy nhiêu, thì giờ đây con tôi lại ra nông nổi như vậy. Làm sao tôi dám ngước mặt lên nhìn đời chứ!” Giọng ba nghẹn ngào. “Rồi còn nó nữa, tôi cứ luôn mường tượng cảnh nó lấy vợ sinh con, sống yên ổn đến già. Giờ nó như vậy, xã hội ai chấp nhận nó. Nó đi đâu, làm gì… mà sống đây…”

Qua khe hở nhỏ trông vào căn phòng, tôi nhận ra những giọt nước mắt của ba. Sóng mũi tôi lại cay cay, cảm giác chồng chềnh nhẹ dâng lên. Thà ba cứ đánh, cứ chửi… tôi còn chịu được. Ba thế này khiến tôi thấy mình thật tội lỗi.Trước giờ tôi sợ ba lắm, ba lúc nào cũng nghiêm khắc. Nhưng tôi biết ba thương tôi nhiều lắm, từ đôi giày đầu tiên đến cái đồng hồ trên tay tôi lúc này, đều là của ba mua cho. Ba lựa màu đen, kiểu dáng nam tính. Ba muốn tôi lớn lên thành một người đàn ông thành đạt, sống trong một gia đình êm ấm. Tình thương của ba độc đoán là thế, nhưng chưa bao giờ là mù quáng.

Tôi đặt giỏ đồ trước cửa phòng rồi lủi thủi bước ra khỏi bệnh viện. Hình ảnh ba với cái tay bó bột và chóp mũi đỏ ửng lên vì xúc động cứ khiến tôi dằn vặt. Chưa bao giờ tôi thấy ba suy sụp đến thế. Phải tỏ ra mạnh mẽ, cứng rắn trong suốt thời gian qua hẳn ba đã chịu đựng nhiều lắm. Thế mà tôi chưa bao giờ nghĩ cho ba, chỉ biết nghĩ cho riêng mình.

Tuấn đón tôi ở trường, lo lắng hỏi khi thấy bộ mặt đưa đám của tôi. Tôi chỉ khẽ lắc đầu, cười gượng gạo cho qua chuyện. Cả buổi học tôi chẳng chú tâm được điều gì khác ngoài những suy nghĩ về khuôn mặt thất vọng của ba, nổi khổ tâm của mẹ và nét vô tư của bé Ni khi ngủ.

Giờ ra chơi cuối tiết hai, tôi hoàn hồn lại khi bất ngờ nhận ra Tuấn đang xếp tập vở cho vào cặp.

“Cậu đi đâu thế?” Tôi hỏi.

Tuấn cười: “À. Hôm nay tôi có hẹn chia tay với mấy người bạn. Chó con học xong rồi đi thẳng về nhà, không được lang thang nhé!”.

Tuấn vuốt nhẹ cái đầu bù xù của tôi rồi quay lưng đi. Tôi chột dạ, tự trách thái độ của mình từ lúc nãy đến giờ, đinh ninh rằng mình đã làm Tuấn buồn vì cái vẻ mặt ấy. Sao tôi vô tâm thế chẳng biết, hóa ra những người xung quanh tôi luôn phải chịu đựng cái sự vô tâm ấy.

Tôi lóng ngóng đuổi theo Tuấn ra đến cổng. Ngạc nhiên nhận ra những người bạn của Tuấn đã chờ ở đó từ bao giờ, tôi thở dài rồi quay lưng trở vào lớp.

Hai tiết học trôi qua chậm chạp, tôi ngồi đấy mà cứ thấp thỏm. Tự dưng nét mặt căng thẳng của những người bạn của Tuấn lúc nãy hiện lên một cách chậm chạp. Nếu chỉ là chia tay bạn bè thì tôi cũng có thể đi theo chứ? Kể từ ngày tôi có chuyện ở nhà thi đấu đa năng, Tuấn chưa bao giờ bỏ tôi một mình như thế này.

Một ý nghĩ vụt thoáng qua trong đầu tôi. Tôi bật đứng dậy, cuống cuồng gom hết tập sách vào ba lô. Tôi bước vội lên nói nhanh vào bộ mặt lườm lườm của thầy dạy sử: “Em xin phép về trước ạ.” Không đợi được cho phép, tôi chạy vù ra khỏi lớp trước bao cặp mắt ngạc nhiên và tiếng quát ầm lên của thầy.

Tôi lầm lũi chạy miết qua hai con đường xe cộ tấp nập trên đường xuống bến cảng. Khi nãy tôi loáng thoáng nghe họ nói sẽ gặp nhau ở đó. Một chiếc xe cảnh sát 113 chạy vượt qua mặt tôi, cảm giác bất an trong tôi càng tăng thêm. Tôi guồng chân nhanh hơn, phổi tôi rát bỏng phản đối việc làm quá sức này.

Một đám đông vây kín đường xuống cảng, mọi người xì xầm không ngớt. Tôi hớt hãi ngẩng mặt hỏi một bác luống tuổi:

“Có chuyện gì vậy ạ?”

Bác nhìn tôi chau mày: “Cái bọn học sinh bây giờ quậy hết chổ nói. Đánh nhau long trời lỡ đất ở dưới này. Kêu 113 tới kịp, chứ không thôi là chết vài đứa rồi.”

Tai tôi ù đi. Sự căng thẳng khiến tôi cảm giác như đang ngồi trước nồi lửa. Tôi chen vào giữa đám đông hiếu kỳ, mặc cho bao lời rủa xả văng vẳng bên tai.

Tên đầu tóc chia chỉa bèo nhèo ngồi một góc trên chiếc xe cảnh sát. Tôi hốt hoảng lướt mắt khắp nơi tìm Tuấn.

Tuấn.

Cậu ta mở to mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Một cảnh sát đẩy Tuấn bước nhanh về phía trước.

Tôi lắp bắp không thành tiếng, nhìn Tuấn trân trối.

Cậu ta cúi gầm mặt, bước chệnh choạng lên xe.

Tôi ngồi bệt xuống đất. Mệt mỏi, hoang mang. Cảnh vật trong cơn nắng đang lên chao đảo trước mắt tôi. Tiếng đèn báo hiệu gào rú trên nóc xe cơ động tắt lịm. Xe nổ máy và chạy đi. Xung quanh tiếng người rầm rì mãi không dứt.
--o0o--

Tôi đề nghị mẹ về nhà nghĩ ngơi. Thay vào đó, tôi sẽ trông ba đến tối. Mẹ đắn đo một lúc rồi mỉm cười hài lòng. Tôi dõi theo dáng vẻ mệt mỏi của mẹ khuất dần phía cầu thang, rồi lặng lẽ trở vào phòng bệnh.

Rèm cửa phất phới bên khung trời xanh biếc ngoài cửa sổ. Tôi ngồi xuống lặng ngắm vẻ mặt tái xanh của ba đang chìm đắm trong giấc ngủ. Bất giác, nước mắt tôi lặng lẽ rơi.

“Con xin lỗi ba.” Tôi thì thào. “Con sai rồi.” Chương 13

Tuấn không đến lớp nữa. Tôi có thể mường tượng cảnh cậu ấy quậy tưng bừng khi bị ba nhốt ở nhà. Cũng chỉ còn vài ngày nữa là đến lúc cậu ấy đi. Một cách chậm chạp, tôi làm quen dần với cuộc sống không có Tuấn, sau hơn hai năm. Thế mà có lúc tôi từng nghĩ mình sẽ chết mất, nhưng mọi chuyện vẫn diễn ra như ngày mai mặt trời lại mọc.

Hôm nay cô văn ôn lại một bài thơ của Xuân Diệu, lúc nhàn chuyện, cô lại nói những thứ ngoài lề:

“Có tin đồn là Xuân Diệu và Huy Cận…”

Cả lớp bắt đầu rì rầm ầm lên. Vài đứa cười thích thú, một số lại trề môi khinh khỉnh. Tôi loáng thoáng nghe một đứa bàn trên xì xầm:

“Ê mày nghe gì chưa? Thằng con ông hiệu trưởng với nó cũng bị vậy đó.”

Lập tức đứa còn lại lén lút đưa mắt xuống nhìn tôi hiếu kỳ. Cả lớp truyền tai nhau chuyện gì đó trông có vẻ ly kỳ hấp dẫn lắm. Thế rồi một vài đứa bắt đầu quay xuống nhìn tôi cười ẩn ý. Tôi ghét cái cảm giác này, nó giống như trần truồng đứng giữa đám đông và người qua đường thì không ngớt lời chế giễu chỉ trỏ. Tôi cúi gầm mặt, âm thanh xung quanh bắt đầu lầm rầm to hơn. Càng lúc tôi càng thấy khó thở, người nóng ran. Giá mà có Tuấn ở đây lúc này, chỉ cần một ánh nhìn của cậu ấy thôi thì cả cái bọn vô tâm ấy sẽ nín bặt. Đầu tôi nặng trịch, mồ hôi tay túa ra ướt đẫm. Tôi mím chặt môi cố kìm nén cơn run người kèm theo cảm giác buồn nôn, chếnh choáng khi đứng trên mạn thuyền.

Cuối cùng thì chuông cuối giờ cũng reo lên. Tôi lao ù ra khỏi lớp, tìm một góc khuất ở chân tường thở dốc. Tôi đưa tay vỗ lấy đầu mình, chẳng cảm thấy nhẹ nhõm hơn được chút nào. Tôi tức tối đập mạnh tay vào tường đến khi nó đỏ bầm lên. Tôi không sợ đau, tôi không sợ đổ máu, tôi chỉ sợ những ánh nhìn ấy, nó cứa nát tôi từ bên trong.

Tôi lủi thủi trở vào lớp sau giờ ra chơi. Những đứa khác vừa nhìn thấy tôi lại xì xào to nhỏ, cười khúc khích. Tim tôi như ngừng bặt, tôi nhận rõ mỗi mạch máu dẫn lên đầu đang căng cứng. Tôi nhìn thấy dòng chữ đó. Bằng phấn màu. Nguệch ngoạc trên chỗ ngồi của mình.

ĐỒ BIẾN THÁI

Tôi nghiến chặt răng, vờ bình thản, chậm chạp tiến đến chổ ngồi của mình, và lấy tay lau nó đi.

Thầy bước vào lớp. Tôi loay hoay tìm ba lô của mình. Nó không còn ở chổ cũ nữa. Một bạn nữ áy náy nhìn tôi rồi chỉ ra ngoài cửa sổ:

“Cặp của bạn ở ngoài sân kìa.”

Mặt tôi tối sầm lại. Tôi thở một hơi dài run rẩy. Tôi đứng dậy, lầm lũi chào thầy rồi bước ra khỏi lớp.

Ngoài trời bắt đầu đổ mưa. Tôi ngồi bệt xuống đất đưa tay gom những cuốn tập rơi vãi khắp nơi trên sân xi măng rộng rãi trong khuôn viên trường. Những trang nhật ký của tôi để mở lất phất trong gió. Nước mưa làm nhòe đi những dòng chữ tôi nắn nót.

“Mình rất thích những bạn trong lớp mình, ai cũng cởi mở và hòa đồng…”

Từ tầng trên của hai dãy nhà học ba tầng, những ánh mắt bắt đầu đổ dồn về phía tôi. Thương cảm có, thích thú có, và bàng quan. Thật hay vì trời đã mưa, tôi tha hồ khóc mà không ai biết. Tôi ngồi đó, để mặc nước mưa thấm ướt áo mình. Cảm nhận cái lạnh của những cơn gió và cái lạnh từ những ánh mắt lạ xa.

Giờ tôi đã ở quá xa để được một trái tim sưởi ấm.
---o0o---
Tôi ngã bệnh, phát sốt cao và nằm vật vờ suốt mấy ngày sau đó. Tôi thật sự chẳng muốn trở lại trường một chút nào, nên mẹ có đưa thuốc còn tôi thì lén ném chúng đi hết. Cả ngày tôi nằm thở khò khè qua cái mũi nghẹt, nhắm chặt đôi mắt cay xè vì nóng sốt.

Một trong những nguyên nhân khiến tôi càng lúc càng thấy khó chịu là do nhớ Tuấn. Tôi muốn phát điên lên được. Mỗi lần nghĩ đến cậu ấy là nỗi buồn vu vơ cứ xâm chiếm hết tâm trí tôi. Đầu óc mụ mị vì cơn bệnh cứ khiến nước mắt tôi chảy dài.

Giờ ngủ của tôi dần lệch đi, đêm đến tôi thường ngồi nhìn chằm chằm vào khoảng trời tối đen ngoài cửa kính và nghĩ ngợi. Đêm nay tôi nghĩ nhiều lắm, về gia đình, về tương lai và Tuấn. Mọi thứ cứ tối mịch như trời đêm đầu tháng. Rồi tôi thiếp đi, với giọng nói ấm áp và nụ cười ngô nghê của Tuấn trong tâm trí.

Tôi chớp mắt trước ánh sáng của ngày mới. Lại một ngày. Tôi mệt mỏi đưa ánh mắt lướt một dọc quanh căn phòng ngập nắng, đầu vẫn nóng bừng bừng vì cơn sốt.

Một ánh mắt lo lắng nhìn tôi.

Ôi. Đúng là tôi bệnh nặng lắm rồi. Ngay cả ban ngày cũng hoang tưởng. Tôi lấy tay vỗ nhẹ cái đầu đang nhức như búa bổ.

“Chó con không sao chứ?”

Cái ảo ảnh ấy biết nói nữa này. Đúng là tôi nhớ Tuấn đến điên thật rồi.

Đôi bàn tay nhẹ chạm vào má tôi. Hơi ấm của nó tỏa ra cùng mùi hương quen thuộc.

Là thật rồi.

Tôi nhìn Tuấn, tự dưng mắt nhòe đi.

“Chó con sao thế?”

Cổ họng tôi nghẹn lại, tôi không nói được lời nào thay vào đó tôi cứ nấc lên liên tục. Tuấn áp má mình vào trán tôi, thì thầm:

“Ôi. Nóng hơn cái nồi cơm điện ở nhà tôi ấy.”

Tôi gục mặt vào lòng Tuấn, lấy hết sức lực từ tôi tay uể oải ghì chặt lấy tay áo Tuấn, nói trong cơn tức tửi:

“Tôi… nhớ cậu… lắm.”

“Tôi biết.” Tuấn nhẹ nhàng đáp.

“Tôi… mệt mỏi… lắm rồi.”

“Tôi biết.”

“Tôi…”

“Tôi biết rồi.”

Tôi chớp mắt nhìn Tuấn. Cậu ta mỉm cười:

“Chó con muốn nói là chó con yêu tôi lắm chứ gì.”
---o0o---

“Con xin phép được ra ngoài với Tuấn một chút ạ.” Tôi cúi gầm mặt lí nhí.

Ba vẫn cắm cúi vào tờ báo, mặt không biểu lộ chút cảm xúc.

“Ngày mai cậu ấy phải đi rồi…” Tôi khẩn khoản.

“Con cứ đi đi.” Mẹ nói vọng ra từ nhà bếp khi đang bận rộn với chồng chén đĩa dơ.

Tôi đắn đo một lúc rồi lẳng lặng bước ra khỏi cửa với Tuấn.

“Chín giờ.” Ba nói mà mắt vẫn không rời khỏi tờ báo. “Về nhà trước chín giờ.”

Tôi mỉm cười, giọng cảm kích: “Cảm ơn ba.”

Bên ngoài trời lạnh. Những ngày này sương mù dày đặc, người đi cách nhau chừng 10 m đã không thấy được nhau. Không khí ẩm ướt và nồng nồng vị mặn. Hai đứa lặng lẽ sóng bước qua những dãy nhà chung cư được thiết kế sang trọng và bắt mắt. Một khung cửa sổ trên cao mở toang đón gió, đèn nhà ngã vàng soi căn phòng ấm cúng, những người trong đấy quây quần bên nhau trò chuyện rôm rã bên bàn ăn sau một ngày mệt nhọc. Tự dưng tôi thấy lòng mình ấm lại, những mơ ước không tên lần lượt hiện lên. Sau này, tôi sẽ ngồi trước một trong những căn bếp như thế làm món gà quay, chờ Tuấn đi làm về, cậu ấy sẽ chê thịt hơi nhạt, còn tôi thì lí nhí xin lỗi, hứa sẽ cố gắng hơn…

“Thế điều thứ ba là gì?” Tuấn hỏi.

“Gì cơ?” Tôi bàng hoàng quay trở lại thực tế.

“Cậu nói có ba điều muốn làm khi có bạn trai ấy.” Tuấn nhắc.

Tôi im lặng, mãi nghĩ. Một cơn gió nhẹ thổi đến. Lạnh buốt. Cảm giác về những ánh mắt soi mói lại hiện về. Tôi ngập ngừng:

“À. Tôi muốn lên một chiếc xe buýt, rồi đi cùng người đó đến trạm cuối. Sau đó lại quay trở về.”

Tuấn thở dài: “Lại cái trò dở hơi gì đây?”

Tôi lúng túng: “Tại từ nhỏ đến giờ tôi chưa ra khỏi thành phố. Tôi chỉ muốn đi cùng với người đó tới nơi xa nhất, rồi cùng trở về.”

“Vậy thì đi nào.” Mặt Tuấn chẳng có chút hào hứng.

Hai đứa lóng ngóng ở trạm chờ xe buýt. Gió biển vi vu thổi qua kẽ tai. Tôi cứ thở phì phì vào hai lòng bàn tay để giữ ấm.

“Lại đây.” Tuấn gọi.

Tôi líu ríu bước tới gần. Cậu nắm tay bàn tay trái của tôi xoa nhẹ rồi cho vào túi áo khoác của mình. Tuấn lại không nhìn tôi, bàn tay cậu khẽ siết chặt hơn khi ánh đèn xe buýt rọi tới, nhưng tôi vội rút nhanh tay ra vì sợ người khác trông thấy.

Trên xe vắng người, ánh đèn lờ mờ rọi những tay vịn đung đưa buồn tẻ trên trần xe. Hai đứa tôi bước đến ngồi ở hàng ghế cuối cùng, cao hơn những hàng ghế khác. Xe lao đi qua màn đêm yên ắng, những ánh đèn từ con phố gần đấy lướt mờ nhạt qua làn kính đẫm hơi sương.

Tôi đã nói dối Tuấn, thật ra mơ ước thứ ba của tôi là cùng người mình yêu thương mua một cặp ổ khóa đôi khắc tên hai đứa, khóa vào lan can trên hải đăng và ném chìa khóa xuống biển. Nhưng rồi tôi nhận ra, ở bên Tuấn trong lúc này đây, được nhìn ánh mắt cậu lấp lánh trông theo ánh đèn đường vụt qua… đã là quá đủ rồi.

Tôi nhẹ ngã đầu vào vai Tuấn, thả hồn theo những tiếng rì rầm của động cơ xe.

Tình cảm này giống như một nắm thủy tinh vỡ vụn vậy, càng cố giữ thật chặt thì càng nhức buốt. Có lẽ, đến lúc tôi phải buông tay, để nước mắt ngừng chảy. Chương 14

Ngày Tuấn đi tôi nằm lì trong phòng, dán mắt vào trần nhà, mường tượng khuôn mặt cậu ấy sốt ruột chờ tôi đến, rồi buồn bã bước vào chỗ làm thủ tục. Cảm giác như mình đang rơi xuống một cái hố sâu không đáy.

“Mày không đi tiễn Tuấn à?” Giọng Uyên vang lên ở phía cửa phòng.

Tôi không đáp, khẽ trở mình thở dài. Uyên ngồi xuống cạnh tôi, hai đứa im lặng nghe tiếng đồng hồ gõ tích tắc trên tường, những bước chân của thời gian lê đi chậm chạp.

“Không ai nói cho tao biết làm thế nào là đúng, làm thế nào là sai cả.” Tôi lẩm bẩm.

Uyên nắm lấy tay tôi, nhẹ lay:

“Mày làm những gì mày cho là tốt nhất.”

Tốt nhất. Tôi muốn ba mẹ tôi vui vẻ. Tôi muốn Tuấn được hạnh phúc, và đi với tôi đến hết con đường này không phải là hạnh phúc. Nhưng sao tôi vẫn cảm thấy mình sai, ở lại cùng cậu ấy là một sự cắn rứt, rời khỏi cậu ấy là một tiếc nuối. Tôi nhọc nhằn rơi trong lằn ranh của những cái đúng và sai.

Cứ thế tôi rơi. Rơi mãi.
---o0o---

Ngày tôi tốt nghiệp đại học trời mưa rã rít.

Bốn năm rồi.

Tôi cúi mặt lướt qua những dòng người vui mừng ôm chầm lấy nhau. Những chiếc áo thụng xanh màu lấm lấm những giọt mưa phất phới trong làn gió thốc. Không có đứa bạn nào đợi tôi chụp hình cả, trong ngày lễ trọng đại của một đời người này. Đó là kết quả của việc tôi sống khép mình suốt những năm qua.

Uyên vẫy gọi tôi từ một góc khuất của hội trường. Tôi nhớ khuôn mặt tươi cười của nó, trông nó lúc nào cũng vui vẻ.

“Có một người đặc biệt muốn gặp mày đấy.” Nó nắm tay tôi kéo đi.
Những tiếng cười nói, những giọt nước mắt, những cái ôm ghì chặt… khiến tôi cảm thấy chút hụt hẫng. Vậy là cái thời sinh viên đã hết rồi, nhanh như nó chưa từng có, và ngày mai là bắt đầu của những chuỗi ngày mệt mỏi, khi tôi lại một mình lặn ngụp giữa dòng người chen chúc nhau ngoài kia.

“Lâu rồi không gặp.” Một bàn tay chìa về phía tôi.

Tôi chớp mắt ngạc nhiên.

Tuấn cao hơn, tóc dài ra, còn khuôn mặt của cậu hơi gầy đi. Những nét trẻ con đã không còn trên khuôn mặt ấy nữa, thay vào đó là những đường nét của một người đàn ông trưởng thành. Chỉ có đôi mắt của cậu, vẫn sâu và thật sáng.

Tôi lúng túng bắt lấy bàn tay cậu.

“Cười lên nào.” Uyên hào hứng reo lên đằng sau máy chụp hình.

Tôi luống cuống tìm thế đứng. Nhẹ nhàng, Tuấn quàng lên vai tôi.

Mùi hương quen thuộc lại một lần nữa làm tim tôi rộn lên.
---o0o---

“Mấy năm qua tao vẫn giữ liên lạc với Tuấn.”

Uyên kể khi hai đứa đã yên vị trên chuyến xe trở về quê.

Tôi thở dài, lầm bầm:

“Thật không thể tin được trong khi tao cố gắng cắt đứt liên lạc với cậu ấy thì mày lại phá hết mọi nỗ lực của tao.”

Uyên nổi điên.

“Thế mày nghĩ coi. Tao mà không làm vậy, thằng Tuấn dám nổi điên bay từ bên đó về đây ăn vạ lắm.”

Những lá thư Tuấn gửi về vẫn còn nằm im trong một ngăn tủ trong phòng tôi. Chưa được mở và đóng đầy bụi. Đã từng có lúc, tôi thấy chúng như một loại thuốc gây nghiện, một thứ bùa chú khiến tôi mãi mơ màng trong giấc mộng không có kết thúc tốt đẹp. Thế là tôi đốt chúng đi.

“Chuyện này thật là sai lầm.” Tôi mệt mỏi kêu lên.

“Không ai dám chắc chắn mình luôn đúng hết. Mười bảy tuổi, con người ta làm sai. Hai mươi mốt tuổi, con người ta vẫn sai. Già hơn nữa, già như ba mẹ mày ấy, có khi vẫn làm sai.” Nó lí sự.

“Không ai nói cho mày biết thế nào là sai đến khi mày làm tổn thương người khác, và làm tổn thương chính mình đâu.” Tôi bâng quơ, mắt dõi vào một điểm vô định ngoài cửa xe.

Trời lại đổ mưa. Những cơn mưa mùa vẫn thường đến và đi, thật nhanh.
---o0o---

Ba mẹ ngồi ở chiếc ghế dài đối diện, trao đổi ánh mắt với nhau một lúc lâu trong im lặng. Bé Ni ngồi cạnh tôi vẫn đang loay hoay hoàn thành nốt tờ trắc nghiệm toán lớp ba. Nắng sớm hắt vào phòng thứ ánh sáng nhẹ dịu. Không khí vẫn còn nồng hơi đất sau cơn mưa đầu tiên ở phố biển.

“Thật ra ba mẹ muốn nói chuyện này với mấy đứa lâu lắm rồi.” Ba khó nhọc mở lời.

Bé Ni xếp tờ trắc nghiệm lại, chồm về phía trước chăm chú lắng nghe. Hai anh em tôi quay sang nhìn nhau thắc mắc trong một thoáng chờ đợi khi ba ngừng lời, rồi lại chăm chú lắng nghe.

“Con giờ đã tốt nghiệp đại học, đã có thể tự lập, tự lo cho mình.” Ba nhìn tôi, rồi chuyển sang bé Ni. “Còn con cũng đã đủ lớn để hiểu chuyện.”

Ba lại cục cựa điều gì đó trong cổ họng. Mẹ lúng túng thay ba tiếp lời:

“Từ lâu ba mẹ chỉ coi nhau như những người bạn, cố níu kéo nhau để chăm lo cho hai con.”

Tôi thần người. Bàng hoàng trong một lúc lâu rồi chen vào:

“Ba mẹ muốn li dị à?”

Hai người chậm rãi gật đầu, bối rối như trẻ con bị bắt quả tang làm chuyện xấu.

“Nhưng mà hai đứa phải tin là…” Mẹ ngập ngừng tìm lời. “Ba mẹ đã thực sự rất yêu thương nhau khi muốn có hai đứa, hai con là điều tuyệt vời trong cuộc sống gia đình này.”

“Vậy bây giờ hai người chán trò chơi nhà chòi và bỏ nhau sao?” Cơn giận vô cớ chèn hết đầu óc tôi.

Ba nhẹ nhàng:

“Khi đến tuổi ba mẹ, con sẽ hiểu.”

“Con không hiểu.” Tôi làu bàu.

Bé Ni rưng rưng nước mắt, thút thít:

“Hai người không yêu nhau nữa à?”

Mẹ bước đến xoa nhẹ đầu nó, thì thầm:

“Hai người yêu nhau không có nghĩa là phải ở cùng nhau đâu con.”

Mọi người im lặng chờ đợi một điều vô hình mà không ai biết nó là gì. Ngoài kia, Một đám mây xám lừng lững vắt ngang bầu trời xanh. Chương 15

“Ngày mai cậu đi à?” Tôi hỏi, cởi tất ra và thả chân mình xuống nước. Những con sóng nhẹ mân mê lòng bàn chân, mát rượi và dịu dàng.

Tuấn ngồi xuống bên cạnh, dõi mắt theo một điểm xa xăm ngoài khơi. Trời chiều tắt nắng, những gợn mây xám xịt ngoài khơi chầm chậm kéo về phố. Tôi như đang ở trong một bức tranh của một họa sĩ vụng về, cách phối màu biển xanh thẫm hoàn toàn không hợp với những tán cây đang nở hoa vàng tươi dọc theo bờ đá ven biển. Biển lặng gió chờ cơn giông, mù khơi mờ mịt chẳng thể nhìn thấy những hòn đảo nhỏ.

“Mọi thứ thay đổi nhiều quá nhỉ?” Tuấn không đáp mà hỏi vu vơ.

“Ừ…” Tôi lầm bầm trong cuống họng. “Hồi hơn mười năm trước, chổ mình đang đứng là biển. Mười năm sau, người ta lấn biển, cất nhà… người ta lấp được biển, thì có gì mà không thể thay đổi chứ.”

“Thế cậu có thay đổi không?” Tuấn vẫn không nhìn tôi. Cậu hơi ngã người về phía sau, nhìn về vào khoảng không mờ xám.

Tôi hít một hơi thật sâu, cố lấp lửng.

“Mười năm nữa, hai mươi năm nữa… Một ngày nào đó, khi tụi mình đã già rồi…”

Tuấn chen vào:

“Tụi mình vẫn có thể ngồi lại bên nhau như thế này.”

Tôi thả hồn vào dòng suy tưởng mà tôi đã khơi màu:

“Ừ. Khi đó tụi mình sẽ nhắc đến chuyện của những năm hai ngàn lẻ mấy, những chuyện mới đây thôi. Mà như lâu lắm rồi ấy…”

“Khi ấy tôi vẫn sẽ hỏi cậu một câu.” Tuấn quay sang nhìn tôi. “Cậu có thay đổi không?”

Tôi cười gượng:

“Còn tôi thì vẫn sẽ cố vờ đi và không trả lời.”

“Tại sao thế?”

“Vì ngày mai lại là một ngày khác. Không ai biết những gì chờ đợi phía trước…” Câu nói của mẹ tự dưng hiện lên trong đầu và vụt qua cửa miệng của tôi. “Và hai người yêu nhau không có nghĩa là họ phải ở bên nhau.”

Tuấn khẽ thở dài.

“Vậy thì khi đó tôi sẽ hỏi câu khác.” Giọng Tuấn nghe rất buồn. “Cậu có hạnh phúc không?”

Hạnh phúc ư? Sau chừng ấy năm sống trong dằn vặt, khổ đau, luyến tiếc. Rồi thì lãng quên, đánh mất. Tôi thì thào:

“Miễn là cậu được hạnh phúc.”

Hai đứa ngồi yên bên nhau một lúc thật lâu. Ngắm nhìn hoàng hôn mà không thấy mặt trời, mãi đến khi trời sụp tối. Tôi đề nghị ra về, hai đứa lại tiếp tục lặng lẽ sóng bước ra đường lớn. Tôi đi về hướng trạm xe buýt, còn Tuấn thì đi về hướng ngược lại.

“Vậy mình chia tay ở đây nhé.”

Tuấn gật đầu buồn bã.

Tôi quay mặt đi, lầm lũi bước và không một lần ngoảnh mặt lại.

Trời bắt đầu đổ mưa, một cơn mưa phùn rất nhẹ. Nổi đau ngủ vùi trong tôi mấy năm qua chợt tỉnh lại, day dứt và mạnh mẽ như những ngày đầu tiên khi chia tay Tuấn ở trạm xe buýt. Lần ấy hai đứa đi đến trạm cuối, rồi quay về. Nhưng lần này thì chỉ có mình tôi thôi.

Tôi cứ tưởng mình không thể khóc được nữa, cứ tưởng con tim mình đã chai sạn. Nhưng hôm nay nó lại bắt đầu thổn thức, lỗi những nhịp yếu ớt. Và nước mắt tôi lẫn trong những giọt mưa. Giá mà tôi đừng gặp lại cậu ấy.

Tôi gục người vào cột báo hiệu của trạm xe, khó nhọc thở trong cơn nức nở.

Chiếc điện thoại rung lên trong túi áo. Tôi bắt máy, cẩn thận dùng hai tay che lại để nó không bị ướt.

“Chó con này…” Giọng Tuấn ấm áp vang lên. Mắt tôi lại mờ đi.

“Cậu cứ chạy đi nhé.” Tuấn thầm thì. “Chạy thêm một vòng trái đất nữa, hai vòng trái đất nữa… chạy hết mấy chục ngàn cây số mà cậu nói ấy.”

Tôi đưa tay quệt nước mắt, ngồi bệt xuống đất và để mặc cho những tiếng nấc vang lên khe khẽ.

“Nhưng mà…” Tiếng thở dài của Tuấn rít qua tai nghe. “Tôi vẫn sẽ đuổi theo cậu, luôn đi theo cậu… Cậu nhìn đi. Chỉ cách cậu chỉ có mười bước chân thôi.”

Tôi giật mình quay lưng lại. Tuấn đứng đó tự bao giờ. Người ướt sủng vì nước mưa. Tuấn mỉm cười. Gấp điện thoại lại và cho vào túi. Tuấn cất cao giọng để át đi tiếng mưa.

“Khi nào cậu chán trò rượt đuổi này, thì chỉ cần cậu đi lùi lại mười bước. Mà cũng không cần đâu, cậu cứ đứng yên đó, tôi sẽ chạy đến chổ của cậu.”

Tôi im lặng, lắng nghe cảm giác ấm áp tràn khắp cơ thể.

“Bây giờ thì cậu thích chạy. Nhưng mà tôi sợ lắm, tôi sợ lạc mất cậu, tôi sợ mình mệt mỏi... Vì thế cho nên…” Giọng Tuấn khẩn khoản. “Xin cậu đừng chạy nữa nhé.”

Có ai đó đã nói, mưa tháng bảy là nước mắt của Ngưu Lang Chức Nữ buổi tương phùng rồi ly biệt. Tôi vẫn mãi không hiểu vì sao nước mắt lại có vị ngọt như thế. Có lẽ, những khoảng cách, sự chờ mong… chỉ làm cho tình yêu của họ thêm ngọt ngào, ngọt ngào như những giọt mưa phùn tháng bảy.

---o0o---

Ông lão hít một hơi thật sâu để không khí mát lạnh buổi sớm tràn vào lồng ngực. Ông đưa ngón trỏ lên, cảm nhận hướng gió rồi khoan khoái kéo lưỡi câu ra. Cẩn thận lựa mồi cá hợp với màu nước, ông ném lưỡi câu xuống biển bằng một động tác thành thạo.

Ông ngồi rung đùi trên chiếc ghế xếp, chờ đợi.

Cuối cùng dây câu cũng động đậy. Ông hào hứng thu dây về.

Một vật lấp lánh ánh bạc trong nắng mắc vào lưỡi câu. Ông nheo mắt, lật chúng lên. Những dòng chữ chạm trổ cầu kỳ trên hai chiếc chìa khóa: ANH TUẤN. CHÓ CON.

Ông thở dài chán nản, rồi vung tay ném chúng trở lại biển. Bạn ông nói đúng, câu cá quanh hải đăng là một ý tưởng tồi. Có lần bạn ông kéo lên cả chục cái chìa khóa ấy.

Chán thật. Ông lẩm bẩm trong lúc xếp lại hộp dụng cụ, đi tìm chổ khác để câu.

Một cơn gió mát rượi thổi đến khi ông quay lưng đi.

Đằng sau, biển lăn tăn gợn sóng hắt những ánh mặt trời vỡ vụn.
The End

đớn, thế là nó sợ lấm lét xin lỗi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top