Chương 2.2: Lây bệnh bê đê cho tao là tao đập mày

"Tui không bắn súng nữa đâu, đau tay lắm, mấy cái kia thì được."

Gia Huy nghĩ một tí rồi nói. Cậu thì game nào cũng chơi, chỉ sợ đối thủ quá gà thôi.

Giống như hôm qua, đấu với mấy ông anh, map rộng, ghì chuột muốn đứt tay mới thắng. Lúc đầu cậu đã lờ mờ đoán ra rồi, đâu ai khi không lại rủ chơi con game lạ hoắc. Kết quả cuối cùng vẫn là Gia Huy thắng, nhưng với tỉ số suýt sao. Nếu ở phút cuối cùng, cậu buông tay khỏi bàn phím, thì cậu đã mất hai trăm rồi, cậu vẫn giữ tay mình lại, và có năm trăm.

Nếu cô cậu biết, thì bà sẽ cho rằng bê đê thì không nên làm vậy. Còn nhớ lần đầu tiên cả hai gặp nhau sau nhiều năm, câu đầu tiên cô nói với nó khi ở một mình là: Lo học đi, mốt tao cho tiền mày đi chuyển giới. Không, không cần.

"Vậy để tụi tui về báo lại, mai nhớ đi nha."

Cậu ậm ờ vài cái cho xong chuyện. Buồn ngủ quá, hôm nào Gia Huy cũng lên quán mà, chỉ là mấy đứa này không để ý thôi. Mà thôi, đâu phải tất cả đều rảnh rỗi dư thời gian để cắm cọc ở quán game như cậu đâu. Ở trường này, người ta vào vì muốn học nhiều hơn vào theo nghĩa vụ. Gia Huy thuộc vào loại thứ hai, chiếm khoảng vài chục đứa; còn đám bạn của cậu lại nằm trong số còn lại, trường có khoảng ngàn học sinh, là trường trọng điểm của tỉnh. Cậu không nhớ vì sao mình lại ngồi ở đây, trong lớp nâng cao, giữa mấy chục người. Họ mơ ước biết bao nhiêu, còn cậu đang làm gì thế? À, cậu đang cướp giấc mơ của người khác, theo cách tàn nhẫn nhất.

Thật ra, đôi lúc, ta chỉ cần tiền để vào được trường giỏi.

Khi còn nhỏ, Gia Huy từng ghét cay ghét đắng mấy người giàu có sau khi xem mấy bộ phim chiếu trên truyền hình. Người nghèo luôn tốt bụng, trong khi người giàu xấu tính quá. Mãi đến sau này, cậu mới nhận ra không phải nhà ai cũng có chỗ để xe hơi, không phải nhà ai cũng được xây bằng gạch, không phải nhà ai cũng có treo một dàn hoa lan bất kể mùa. Những thứ này đều cho thấy: cậu được sinh ra trong một gia đình giàu có. Thế nên, Gia Huy dần từ bỏ việc thể hiện tư tưởng của mình ra bên ngoài, trước khi cậu bị quê thêm lần nữa.

"Bê đê nay ra ngoài lớp chơi với gái đồ ha."

Vẫn chưa đánh trống, vậy mà Anh Giàu đã về lớp rồi, hơi lạ. Bình thường đánh trống xong cả buổi, có khi giáo viên vô lớp, cầm phấn lên mới thấy thằng này lấp ló ngoài cửa. Nếu thầy chủ nhiệm biết, chắc thầy vui lắm. Miễn là Anh Giàu cải thiện, dù chỉ một chút thôi, ai cũng vui. Gia Huy không chắc liệu cậu vui được hay không, có lẽ có, mọi người vui mà.

Kể cả khi niềm vui đó nở rộ từ việc chà đạp người khác, vẫn là vui đấy thôi?

Anh Giàu và Gia Huy không hợp nhau. Đáng lẽ ra lúc đầu, và cả sau này, hai đứa sẽ như hai đường thẳng song song, chưa lần nào nói chuyện với nhau.

"Ui cho tao chơi chung với? Nhỏ đó nhìn đã quá mày há?" Vừa nói, Anh Giàu vừa huýt sáo với đứa bạn, thằng đó nhìn Gia Huy rồi nhăn mặt, khẽ kêu:

"Nói vậy bị anh Quang anh Nam đánh chết đó!"

Thằng đó cun cút, lao thẳng vào lớp, để lại Anh Giàu đứng một mình, bối rối không biết nói gì tiếp. Nó thẹn quá, hai tai đỏ hết lên, miệng lắp bắp:

"Nói vậy chứ, mày mà lây bệnh bê đê cho tao đi, tao đập mày chết cho coi!"

Nghe nhiều riết quen, Gia Huy không sợ nữa, đằng nào thì Giàu cũng đâu dám làm, nói cho sướng cái miệng thôi. Lần gan nhất, nó cầm ổ khóa của lớp, đập thật mạnh xuống bàn cậu, hét một tiếng rồi chạy đi mất.

"Lây cái gì mà lây? Vào lớp nhanh lên!"

Cô giám thị đi ngang qua hai đứa, kéo tai Giàu, cầm cây thước khẽ vào người nó. Cô tên Hiền, mà lại dữ nhất trường, hồi đó làm giáo viên Ngữ Văn, sau đợt kia cô cãi nhau với Phó Hiệu trưởng căng quá, ai cũng bầu cô lên làm giám thị. Gia Huy không quen cô, chỉ có mấy đứa quậy mới quen giám thị thôi. Anh Giàu quen giám thị, còn hay xuống phòng cô uống trà, dễ hiểu mà. Không có tuần nào nó không vào sổ đầu bài. Ai cũng biết cô Hiền vẫn còn thương mấy đứa quậy, nếu cô mạnh tay, giờ tụi nó bị đuổi học hết.

Giàu nghe vậy mặt nhăn lại như đít khỉ, đỏ chót, hậm hực bỏ vào trong lớp, lúc đi còn giậm chân mạnh xuống sàn nghe bịch bịch.

"Không có lây, nghe không? Nó đâu phải bệnh, đứa nào nói con vậy nói cô, cô xử nó."

Gia Huy hơi bối rối, lỡ tất cả đều nói thế thì sao? Cô đâu có xử hết được. Lời an ủi nhẹ nhàng, như liều thuốc chữa lành, cho ai, chứ không phải cho Huy.

Ở trong lớp, Anh Giàu kéo cả đám con trai lại nói chuyện với Phú Vinh, lạ quá. Gia Huy ngồi cách Phú Vinh hai bàn, vậy mà tụi kia không thèm quay qua nói câu nào, ngộ. Bình thường phải kháy cậu vài câu mới chịu được. Tụi nó đang toan tính điều gì đó, chắc chắn là vậy, thậm chí còn nói chuyện với Phú Vinh kìa.

Gia Huy nhíu mày, cậu đang nghĩ tới cảnh tụi này núp ở đâu đó, dưới bờ kè, rồi ào lên cái một.

Ngày hôm sau, trên báo xuất hiện tin tìm thấy xác cậu học sinh cấp hai dưới mương, cả người bê bết máu, mệt nhoài gục xuống. Bên dưới bức ảnh chụp được làm mờ, chỉ để lộ màu đỏ sẽ là những dự đoán của cánh nhà báo về nguyên nhân cái chết: vấp ngã do con đường sỏi mãi chưa được san phẳng, dù dự án đã được đề ra sáu năm trước. Đó là trường hợp tốt nhất, còn tệ nhất và nhiều khả năng xảy ra nhất? Cậu bị bỏ mặc, xác phân hủy dưới ruộng.

"Huy, mày có lên huyện không, đi chung ha!"

Phú Vinh từ đâu nhảy ra, đập mạnh vào vai Gia Huy làm cậu giật mình.

Chuyện gì vừa xảy ra? Chuyện gì sắp xảy ra?

Phú Vinh được gọi là bê đê vì nó khác mấy thằng con trai. Nó không xưng hô mày-tao, nó hiền hơn nhiều so với tụi kia, cái tụi bặm trợn suốt ngày rú lên mỗi khi có đứa con gái đẹp hay giáo viên nào qua, khúc khích chỉ trỏ với mấy đứa mọt sách, và la lớn nếu giáo viên có đi ngang. Nó chưa bao giờ ở trong đám đông thần kinh đó, dù chỉ một lần. Vậy mà, chỉ trong vài phút vắng mặt, Phú Vinh lại trở thành như thế này.

"Đi thì có đi-."

"Tụi Giàu rủ tao đi đánh game chung, ở trển á, mà tao không biết đường."

Gia Huy vờ ồ lên một tiếng, lôi tập sách từ trong hộc bàn ra. Cậu lật tập, cố gắng tập trung vào mấy con chữ trên trang giấy trắng, nhằm không chú ý đến cách xưng hô khác thường của Phú Vinh. Cậu không muốn trở nên khó tính, nhưng sự thay đổi này lạ lắm. Nó làm cậu cảm thấy bất an.

"Vinh định ở lại qua đêm hay sao? Tụi nó rủ sao không kêu tụi nó chở?"

Gia Huy quay qua lần nữa, sau khi nhận thấy Phú Vinh sẽ đứng yên đó nếu cậu không đồng ý chở nó đi. Quả thật, đám Anh Giàu chắc chắn đã nói gì đó với Phú Vinh, dụ dỗ nó làm chuyện không đúng.

Nó khờ quá. Vậy cũng mừng. Gia Huy chỉ sợ nó quá khôn, khôn đến nỗi làm cho người ta ghét, thì càng tệ hơn. Ông nội cậu, ngay phút lâm chung, vẫn cầm lấy bàn tay cậu, dặn dò đã sinh ra là bê đê thì phải biết điều, sống âm thầm, đừng cố tỏ ra hơn người, chúng ghét. Ông nhấn mạnh, chúng ghét. Chúng có thể đến từ bất kì đâu, bên cạnh, đối diện, đằng sau, hoặc ngay cả một vòng trái đất, miễn là ghét, thì không kể khoảng cách. Ghét rồi, thì người ta sẵn sàng cầm hết mấy thứ dơ bẩn nhất, vượt vạn dặm trùng dương, đến trước nhà để chửi rủa, quăng vào điều gì xấu xí nhất, đến khi nào hả dạ rồi thì thôi.

"Tụi nó dụ Vinh, nói thẳng ra là vậy. Vinh vẫn muốn đi thì tui có thể chở."

"Vậy chở tui ngang nhà lấy đồ cái nghen."

"Vô chỗ đi."

Lúc này, giáo viên đã đứng đợi ngay cửa, đám trực nhật cuống cuồng tìm khăn lau bảng. Phải tốn vài phút mới nhận ra hai đứa được phân công cầm khăn đi giặt mất rồi, giặt gần năm phút chưa xong. Ai cũng trì hoãn, kể cả cô lao công cũng chán nản việc dọn dẹp, thì nói chi tới tụi học sinh.




Anh Giàu rời khỏi lớp trước cả khi đánh trống, không ai nói gì. Mọi người đã quá quen với việc này. Ban đầu, thầy chủ nhiệm còn cố đứng trước cửa lớp cuối giờ để ngăn thằng đó, nhưng sau khi trận mưa đầu mùa qua đi, phổi của thầy dần sưng lên, nên thầy không thể làm gì khác nữa.

Ba má Anh Giàu không còn quan tâm nó như cái cách mà họ đã làm vào bốn năm trước, ôm hôn cậu con trai thắm thiết trong ngày đầu cậu nhóc đến trường. Gia Huy nhớ rõ, hôm ấy, Anh Giàu cao mét tròn, mặt tròn vo, đeo cái cặp to gấp đôi người. Nó đi cùng ba má, được hai người nắm tay, dìu từng bước một. Gia Huy đứng ngay bên cạnh, với mẹ cậu đang loay hoay với chuyện thuyền của lái buôn bị chặn lại, không thể đến lấy gạo đúng hạn được.

Cuối cùng, mẹ đành bỏ cậu lại, một mình, giữa sân trường để về nhà.

Lên lớp sáu, Gia Huy đã không còn than phiền mỗi khi phụ huynh vắng mặt trong những cuộc gặp gỡ cần thiết trên trường nữa.

Cậu không có quyền để than phiền.

Ba mẹ cậu làm việc đâu chỉ để thỏa mãn thú vui hay gì, họ làm việc để cho cậu bữa cơm no, quần áo đẹp, cặp sách mới. Rõ ràng, kể cả khi hạnh phúc đạt đến mức căng tràn, tiền vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hạnh phúc đó có được duy trì hay không.

Gia Huy mười hai tuổi, lẳng lặng ra một góc ngồi, chờ đến giờ về, không thèm quan tâm đến mấy chuyện khác nữa.

Anh Giàu mười hai tuổi, cười tít mắt với gia đình luôn chờ ở sau lưng, rụt rè nhìn xung quanh.

Người ta không ngờ tới được, thời gian thật sự thay đổi con người ta, chỉ là nó không biến Gia Huy thành đứa trẻ lanh lợi, năng động như cách tất cả thường tưởng tượng, thay vào đó, nó làm thay đổi Anh Giàu, à không, biến chất mới đúng.

Gia Huy biết Phú Vinh đang đợi mình ngoài bãi giữ xe, và chỉ còn vài phút nữa cho đến khi xe bị khóa hết.

Tự nhiên cậu muốn về nhà quá, cả tháng rồi. Phú Vinh cũng nên vậy, nó cần về nhà. Chắc giờ này ông Bảy đang đứng trước cửa nhà, hai chân run rẩy, ngóng trông đứa cháu về nhà, lo lắng không thôi, sợ có chuyện gì đó bất trắc xảy ra. Hai mươi năm trước, ông đã đánh mất thằng con trai của mình rồi, ông không thể mất thêm ai nữa.

Ba của Phú Vinh, biến mất sau một cuộc dạo chơi ngoài vùng biên giới.

Ông Bảy thương con lắm, nhưng khi bác Vinh (thật ra Phú Vinh là tên của ba nó, người lớn trong xóm phản đối nhiều lắm, mà ông cãi, nói cháu ông ông muốn đặt thế nào thì kệ ông) đi rồi, ông không đi tìm nữa. Thay vì cố gắng níu kéo, ông cứ thế chôn vùi bác Vinh ngay dưới cát thời gian, dần dần rời khỏi trí nhớ của mọi người.

"Sao Huy còn đứng đó? Mau lên!"

Phú Vinh lớn lên trong sự bảo bọc, nuông chiều của ông Bảy. Mấy đứa con gái trong xóm ghét nó lắm, mấy thằng con trai y chang. Vì sao á? Vì nó đáng ghét lắm. Đâu có ai có thể vừa khờ vừa lì như nó được.

Hên, vẫn còn Gia Huy.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top